VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 183/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 02 tháng 05
năm 2013
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT 10 NĂM HOẠT ĐỘNG
CỦA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
Ngày 15 tháng 4 năm 2013, tại Trung
tâm Hội nghị Quốc gia, thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã
tham dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động của Ngân hàng Chính sách
xã hội. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo: Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Ban chỉ đạo
Tây Nam Bộ; đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội
Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; lãnh đạo một số
Bộ, ngành, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu quốc hội
của một số địa phương; đại diện một số tổ chức tài chính, tín dụng; một số hộ
gia đình vay vốn tiêu biểu; Hội đồng quản trị, Ban điều hành và lãnh đạo chi
nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội các tỉnh, thành phố.
Sau khi nghe Báo cáo tổng kết 10 năm
hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội và các ý kiến tham luận tại Hội nghị,
Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
I. Đánh giá kết quả
hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trong 10 năm qua
Trải qua hơn 10 năm xây dựng và phát
triển, đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách, các thế hệ
cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức,
chung sức, chung lòng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và
nhân dân giao phó. Báo cáo và các ý kiến tham luận tại Hội nghị cho thấy Ngân
hàng Chính sách xã hội đang phát triển vững mạnh và hoạt động ngày càng có hiệu
quả.
Hơn một thập kỷ qua, Ngân hàng Chính
sách xã hội đã đạt được một số thành tựu quan trọng:
1. Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực
hiện được mục tiêu tập trung huy động các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn
vốn; đồng thời tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách
của Nhà nước.
Từ ba chương trình tín dụng nhận bàn
giao khi thành lập, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội đang thực hiện mười tám
chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước và nhiều chương trình, dự án của
các địa phương và các tổ chức, cá nhân ủy thác cho vay đối với người nghèo và
các đối tượng chính sách. Tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tăng gấp
16 lần so với khi mới thành lập, nợ quá hạn liên tục giảm, từ mức 13,75% khi
thành lập xuống còn 1,03% vào cuối năm 2012. Điều này khẳng định đồng vốn tín dụng
chính sách của Nhà nước đã được phát huy hiệu quả, Ngân hàng Chính sách xã hội
đã triển khai hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi dành cho người nghèo.
2. Với tư duy và cách làm sáng tạo,
Ngân hàng Chính sách xã hội đã xây dựng được mô hình tổ chức và phương thức quản
lý tín dụng đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực
tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị của nước ta. Mô hình
này đã dựa trên và củng cố thêm mối quan hệ chặt chẽ giữa Ngân hàng Chính sách
xã hội với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương
tới địa phương, gắn bó với người dân thông qua các tổ Tiết kiệm và vay vốn do
các tổ chức chính trị - xã hội thành lập.
3. Hoạt động tín dụng chính sách do
Ngân hàng Chính sách xã hội đảm nhiệm đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu
quả chủ trương xã hội hóa công tác xóa đói, giảm nghèo. Các Bộ, ngành, các tổ
chức chính trị - xã hội (Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu
chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), các tổ chức tài
chính, tín dụng, cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp đều đã tích
cực tham gia, hỗ trợ tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách của Nhà nước
do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, những thành tích và đóng góp to lớn của
các thế hệ cán bộ, nhân viên và người lao động Ngân hàng Chính sách xã hội đã đạt
được trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển hơn 10 năm qua.
II. Định hướng hoạt động của
Ngân hàng Chính sách xã hội trong thời gian tới
Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã
liên tục giảm, nhưng số hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn còn tương đối lớn, nhất là ở
các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; ranh giới giữa thoát nghèo và
tái nghèo là hết sức mong manh nên nhiệm vụ giảm nghèo bền vững ở Việt Nam vẫn
còn rất nặng nề và phải được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa.
Để tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính
sách xã hội phát huy các thành quả đã đạt được, triển khai tốt hơn nữa các
chương trình tín dụng chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, đề nghị các Bộ,
cơ quan liên quan thực hiện tốt những nội dung cụ thể sau đây:
1. Yêu cầu các Bộ, ngành chức năng tập
trung xem xét, giải quyết phù hợp, kịp thời các đề xuất,
kiến nghị tại Hội nghị để tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội triển
khai thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa các chính sách tín dụng ưu đãi của
Nhà nước. Những vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết
định.
2. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
a) Nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng
cao năng lực tài chính và tăng tính tự chủ trong hoạt động của Ngân hàng Chính
sách xã hội để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn vay của hộ nghèo, hộ cận
nghèo và các đối tượng chính sách. Từng bước tăng tỉ lệ vốn cấp trong cơ cấu
nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua các hình thức như: cấp bổ
sung vốn điều lệ, vốn dành cho các chương trình an sinh xã hội được tăng thêm
hàng năm; tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp cận với các dự án
vay vốn ODA; đề xuất, ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp,
cá nhân đóng góp vào nguồn vốn tín dụng chính sách...
b) Rà soát để xem xét việc bổ sung
nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách phù hợp với tình hình mới,
nhất là chương trình tín dụng đối với hộ cận nghèo. Nghiên cứu nâng mức cho vay
đối với các chương trình tín dụng chính sách để phù hợp với biến động của giá cả
thị trường, như chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chương
trình giải quyết việc làm, chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở...
c) Nghiên cứu đề xuất giao định mức
chi phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội ổn định trong thời kỳ và nâng mức
trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để tạo tính chủ động cho Ngân hàng Chính
sách xã hội.
3. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội
chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có trách nhiệm phối hợp với Ngân
hàng Chính sách xã hội trong việc xử lý các khoản nợ quá hạn của chương trình
cho vay xuất khẩu lao động.
4. Cùng với nguồn vốn tín dụng chính
sách của Trung ương, các địa phương cần quan tâm, tiếp tục dành một phần nguồn
tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách địa phương hàng năm ủy thác cho Ngân hàng
Chính sách xã hội để cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn, góp phần
tăng cường nguồn vốn tín dụng giảm nghèo tại địa phương mình.
5. Đề nghị các cấp ủy, các tổ chức
chính trị-xã hội, chính quyền địa phương các cấp phối hợp chặt chẽ hơn nữa với
Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc lồng ghép có hiệu quả các chương trình
khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và các hoạt động của các hội, đoàn thể với
hoạt động tín dụng chính sách, giúp người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả để
thoát nghèo bền vững.
6. Đề nghị các tổ
chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt hơn nữa những công việc đã
được Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác; bảo đảm việc cho vay đúng chính sách,
đúng đối tượng; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội
trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng.
7. Các Bộ ngành chức năng cần rà
soát, hoàn thiện cơ chế chính sách đối với cán bộ, viên chức và người lao động
của Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện cho người lao động có điều kiện
làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn, yên tâm công tác, có thu nhập ổn định, gắn bó
với ngành.
8. Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội
cần tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, phấn đấu thực hiện thành
công Chiến lược Phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011-2020 đã
được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần thiết thực, hiệu quả hơn nữa để thực
hiện các chính sách an sinh xã hội mà Chính phủ đã ban hành.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để
các Bộ, cơ quan và tổ chức liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các Ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ;
- Các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động-TB&XH, Tài chính, Kế hoạch
và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- UB Dân tộc;
- HĐND, tỉnh ủy, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Đài Truyền hình Việt Nam;
- Đài Tiếng nói Việt Nam;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: TH, TKBT, KGVX, V.III, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTTH (3).
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Phạm Văn Phượng
|