Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 986/QĐ-TTg 2018 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam 2025 2030

Số hiệu: 986/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 08/08/2018 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Đến 2025, giảm tỷ trọng thanh toán tiền mặt còn dưới 8%

Ngày 08/8/2018, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 986/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến 2025, định hướng đến 2030.

Theo đó, mục tiêu cụ thể của Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến 2025, định hướng đến 2030 cần đạt được như sau:

- Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM, phấn đấu đến cuối năm 2020 tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 10%, đến cuối năm 2025 là dưới 8%.

- Tăng cường năng lực thể chế, hiệu quả thanh tra giám sát ngân hàng của ngân hàng nhà nước (NHNN).

- Tăng tính độc lập, chủ động và trách nhiệm giải trình của NHNN về mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, giảm tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/ tổng tín dụng.

- Tăng số lượng doanh nghiệp và người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính, ngân hàng do các tổ chức tín dụng cung ứng.

- Phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng phù hợp với điều kiện KT- XH trong từng giai đoạn.

Quyết định 986/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày ký.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 986/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 08 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH NGÂN HÀNG VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Xét đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

a) Hệ thống tiền tệ, ngân hàng và hoạt động các tổ chức tín dụng là huyết mạch của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam. Ổn định hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng đóng vai trò chủ chốt trong ổn định tiền tệ và ổn định tài chính, là điều kiện tiên quyết để ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững, và phải được bảo đảm bằng sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, cùng sự phát triển hài hòa, cân đối giữa khu vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm.

b) Hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng đóng vai trò quan trọng góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khuôn khổ pháp lý liên quan tới tiền tệ, ngân hàng phải phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm giữ an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống, tăng cường tính minh bạch, công khai, cạnh tranh và phù hợp với những thông lệ quốc tế tốt nhất.

c) Hệ thống các tổ chức tín dụng, gồm mọi thành phần kinh tế, được đối xử bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật, hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Trong đó, các tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò chủ lực, chủ đạo trong việc huy động và phân bổ vốn tín dụng, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

d) Nhà nước, thông qua vai trò của Ngân hàng Nhà nước, kiến tạo môi trường kinh doanh tiền tệ, ngân hàng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường. Nhà nước can thiệp chủ yếu bằng công cụ thị trường, hoặc thông qua nguồn lực tài chính nhà nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân phát triển trên cơ sở tuân thủ pháp luật. Nhà nước chỉ can thiệp hành chính trực tiếp trên thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng khi phát sinh nguy cơ mất ổn định thị trường tiền tệ, đe dọa an toàn hệ thống, có khả năng đe dọa đến sự ổn định kinh tế vĩ mô.

đ) Kịp thời nắm bắt cơ hội và thách thức từ tác động của cách mạng công nghiệp để định hướng hoạt động của ngành Ngân hàng. Nhận thức sâu sắc ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo đi đôi với phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao là những thành tố chính, then chốt cho sự phát triển nhanh và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam so với khu vực và thế giới.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Hiện đại hóa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước) theo hướng: có mô hình tổ chức hợp lý và cơ chế vận hành đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có đầy đủ vị thế pháp lý và trách nhiệm giải trình; thực hiện mục tiêu ưu tiên là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; bảo đảm an toàn, lành mạnh hệ thống các tổ chức tín dụng, giữ vai trò chủ chốt bảo đảm ổn định tài chính; thực thi vai trò giám sát các hệ thống thanh toán, là trung tâm thanh toán và quyết toán cho các hệ thống thanh toán và hệ thống giao dịch tài chính, tiền tệ trong nền kinh tế.

Phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng theo hướng: các tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò chủ lực; hoạt động minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả bền vững; cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình; dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025; năng động, sáng tạo để thích ứng với quá trình tự do hóa và toàn cầu hóa; đáp ứng nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng ngày càng gia tăng của nền kinh tế, tiến tới tài chính toàn diện vào năm 2030, bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng có chất lượng, đóng góp tích cực cho phát triển bền vững.

b) Mục tiêu cụ thể

- Tăng dần tính độc lập, chủ động và trách nhiệm giải trình của Ngân hàng Nhà nước về mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững.

Giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% vào năm 2020 và mức 5% vào năm 2030; tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

- Tăng cường năng lực thể chế, hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước; mở rộng phạm vi thanh tra, giám sát đến các tập đoàn tài chính dưới hình thức công ty mẹ - con, trong đó công ty mẹ là tổ chức tín dụng; đến cuối năm 2025, thanh tra, giám sát ngân hàng tuân thủ phần lớn các nguyên tắc giám sát ngân hàng hiệu quả theo Basel.

- Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS. Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%; đến cuối năm 2025, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8%.

- Tăng số lượng doanh nghiệp và người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính, ngân hàng do các tổ chức tín dụng cung ứng. Tập trung phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp phục vụ các nhóm dân cư chưa hoặc ít được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng truyền thống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

- Phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thực trạng của hệ thống qua từng giai đoạn:

Giai đoạn 2018 - 2020:

+ Tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp theo cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; giảm số lượng tổ chức tín dụng yếu kém để có số lượng các tổ chức tín dụng phù hợp, hoạt động lành mạnh;

+ Tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại.

+ Phấn đấu đến cuối năm 2020:

Các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó ít nhất 12 - 15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel II phương pháp tiêu chuẩn trở lên; có ít nhất từ 1 đến 2 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á;

Tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại lên khoảng 12 - 13%; hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam; nâng mức vốn pháp định đối với quỹ tín dụng nhân dân;

Đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý).

Giai đoạn 2021 - 2025:

+ Nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt trong quản trị và trong hoạt động của các tổ chức tín dụng;

+ Phấn đấu đến cuối năm 2025:

Có ít nhất từ 2 - 3 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á và 3 - 5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài;

Tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối và ngân hàng thương mại cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn;

Tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại lên khoảng 16 - 17%;

Nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng dưới 3%.

- Tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, phát thải các bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các bon. Lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các chương trình, dự án vay vốn tín dụng.

- Từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế về tiền tệ ngân hàng, phục vụ cho phát triển ngành Ngân hàng, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập

- Rà soát, hoàn thiện Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các quy định liên quan về nhiệm vụ quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước, bảo đảm Ngân hàng Nhà nước vừa tăng cường được tính độc lập, chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ, vừa đảm bảo vai trò là một cơ quan Chính phủ; củng cố, nâng cao năng lực ngành Ngân hàng, bảo đảm sau năm 2020 thị trường ngân hàng cơ bản hoạt động theo nguyên tắc thị trường;

- Rà soát, đánh giá tác động và hiệu quả, từ đó sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định liên quan đến ổn định tiền tệ theo hướng: bảo đảm thực hiện chính sách tiền tệ theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, phối hợp có hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa và các chính sách khác. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ. Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ;

- Xây dựng hệ thống các chỉ số chuẩn để đánh giá tính ổn định, an toàn của thị trường tiền tệ;

- Tổng kết, đánh giá việc thực hiện Pháp lệnh ngoại hối 2005 và pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối năm 2013; trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản lý ngoại hối đối với các giao dịch vốn, giao dịch vãng lai và các quan hệ kinh tế khác liên quan đến ngoại hối;

- Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xác định trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc thanh tra, giám sát các tập đoàn tài chính dưới hình thức công ty mẹ - con, trong đó công ty mẹ là tổ chức tín dụng; đầu mối, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Chính phủ xây dựng khuôn khổ pháp lý về tập đoàn tài chính;

- Xác định vai trò đầu mối của Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy ổn định tài chính; Luật hóa chức năng ổn định tài chính của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời từng bước hoàn thiện khuôn pháp lý cho hoạt động giám sát an toàn vĩ mô đối với hệ thống tài chính;

- Nghiên cứu mô hình giám sát hợp nhất hệ thống tài chính phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

- Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định về bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, cấp phép, thanh tra, giám sát và xử lý sau thanh tra, giám sát theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam; tăng cường trách nhiệm, tăng tính công khai, minh bạch trong quản trị và hoạt động của các tổ chức tín dụng, phù hợp với yêu cầu của cơ cấu lại các tổ chức tín dụng trong từng giai đoạn;

- Ban hành lộ trình hướng dẫn và triển khai Basel II; xây dựng tiêu chí, phân loại, xếp hạng các tổ chức tín dụng trong đó xác định rõ tổ chức tín dụng lành mạnh, tổ chức tín dụng yếu kém, tổ chức tín dụng có tầm quan trọng hệ thống; và rà soát, hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát thích hợp đối với mỗi loại;

- Xây dựng cơ chế hỗ trợ các tổ chức tín dụng được chỉ định tiếp nhận, quản lý tổ chức tín dụng yếu kém và các tổ chức tín dụng tham gia tái cơ cấu; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm rủi ro, cơ chế xử lý khủng hoảng hệ thống và xử lý các tổ chức tín dụng tiềm ẩn rủi ro cao, bảo đảm quyền can thiệp của Ngân hàng Nhà nước nhằm bảo vệ sự an toàn hệ thống và an toàn tiền gửi của người dân; sửa đổi, bổ sung các quy định về tăng cường xử lý sở hữu chéo, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về sáp nhập, hợp nhất, phá sản tổ chức tín dụng;

- Nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các tổ chức tín dụng Việt Nam theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài đối với từng loại hình tổ chức tín dụng phù hợp với các cam kết quốc tế đã ký kết nhằm tăng cường huy động nguồn lực về vốn, công nghệ, quản trị của nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém;

- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền;

- Nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật các hệ thống thanh toán, nhằm tăng cường quản lý, giám sát hệ thống thanh toán trong nền kinh tế đảm bảo an toàn, phù hợp với thực tế Việt Nam dựa trên chuẩn mực, thông lệ quốc tế và nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh toán của Ngân hàng Nhà nước;

- Hoàn thiện thể chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng cung ứng đầy đủ, đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính, nhất là sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng và các sản phẩm dịch vụ hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế;

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử.

2. Tăng cường năng lực thể chế, nâng cao vị thế, tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của Ngân hàng Nhà nước

a) Cơ cấu lại tổ chức Ngân hàng Nhà nước theo hướng tinh gọn, chuyên môn hóa cao, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và điều hành:

- Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn và tổ chức lại các Vụ, Cục thuộc Trụ sở chính của Ngân hàng Nhà nước nhằm tập trung quản lý và điều hành theo các khối hoạt động, bảo đảm yêu cầu thông suốt và hiệu quả; từng bước phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế;

- Từng bước tổ chức hợp lý, hiệu quả việc cung ứng tiền mặt; công tác kiểm đếm, phân loại, bảo quản, vận chuyển tiền mặt trong ngành Ngân hàng và phát triển mạng lưới cung ứng dịch vụ ngân quỹ theo hướng chấp thuận cho các tổ chức tín dụng hoặc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ này; nâng cao trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong công tác quản lý tiền mặt và an toàn kho quỹ;

- Tiếp tục củng cố vai trò của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC), nâng cao chất lượng thông tin cá nhân và doanh nghiệp, hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp cận thông tin đầy đủ để cung ứng dịch vụ hiệu quả, an toàn; thực hiện đúng lộ trình Đề án phát triển Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đã được phê duyệt; tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin để CIC trở thành kênh thông tin tín dụng tin cậy, phục vụ công tác hoạch định chính sách của Ngân hàng Nhà nước và hỗ trợ các tổ chức tín dụng ngăn ngừa và hạn chế rủi ro;

- Giai đoạn 2018 - 2020, Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan, rà soát và đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố; giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu về cải cách hành chính và cung ứng dịch vụ tài chính; sau năm 2025, hình thành Ngân hàng Nhà nước khu vực.

b) Tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong ổn định tiền tệ và ổn định tài chính, tăng tính tự chủ và trách nhiệm giải trình. Tiếp tục nâng cao năng lực điều hành của Ngân hàng Nhà nước theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

c) Xây dựng và ban hành cơ chế phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng và vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các tổ chức tín dụng, và doanh nghiệp có vốn nhà nước do Ngân hàng Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu; tăng cường công tác quản lý, giám sát phần vốn nhà nước tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có vốn nhà nước do Ngân hàng Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu; củng cố, hoàn thiện cơ chế người đại diện phần vốn nhà nước tại các ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối và có vốn nhà nước, tăng cường trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của người đại diện, duy trì, bảo đảm cơ chế trao đổi thông tin, báo cáo, ủy quyền phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng.

d) Tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính; trong đó chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa các dịch vụ hành chính công để tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho các tổ chức và cá nhân.

3. Đổi mới khuôn khổ chính sách tiền tệ, công tác quản lý ngoại hối và vàng

a) Khuôn khổ chính sách tiền tệ hướng đến mục tiêu ưu tiên cao nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ nguồn vốn trong nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững; tăng tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ.

Điều hành chính sách tiền tệ chuyển dần từ điều hành theo khối lượng tiền sang chủ yếu điều hành theo giá; sử dụng công cụ gián tiếp, tiến tới dỡ bỏ dần các biện pháp hành chính về lãi suất khi điều kiện cho phép; tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở theo hướng là công cụ chủ yếu điều tiết vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng, nhằm đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.

b) Đổi mới khuôn khổ quản lý ngoại hối theo hướng:

- Tiếp tục thực hiện chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý, điều hành tỷ giá với mức độ linh hoạt cao hơn, bám sát diễn biến thị trường tài chính trong nước và quốc tế, đồng thời bảo đảm phù hợp với các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ. Tiếp tục thực hiện các biện pháp tăng tính lành mạnh, hiệu quả trong hoạt động của thị trường ngoại tệ, tăng cường sử dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro tỷ giá;

- Đổi mới công tác quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước phù hợp theo thông lệ quốc tế và quy mô dự trữ ngoại hối trong từng thời kỳ, bảo đảm hài hòa các mục tiêu an toàn, thanh khoản và sinh lời. Tăng cường công tác phân tích và dự báo để xây dựng cơ cấu, tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối Nhà nước phù hợp với bối cảnh quốc tế và trong nước trong từng thời kỳ; thành lập đơn vị độc lập thuộc Ngân hàng Nhà nước quản lý đầu tư dự trữ ngoại hối khi dự trữ ngoại hối đạt quy mô nhất định;

- Phối hợp đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường ngoại hối, phấn đấu từng bước tăng quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế;

- Thực hiện đồng bộ các biện pháp tiến tới xóa bỏ cơ bản tình trạng đô la hóa nền kinh tế đến năm 2030; hạn chế cho vay bằng ngoại tệ, chuyển dần quan hệ huy động vốn và cho vay ngoại tệ giữa tổ chức tín dụng với khách hàng sang quan hệ mua bán ngoại tệ để bảo đảm thanh khoản ngoại tệ và tăng dự trữ ngoại hối; triển khai thực hiện Đề án tự do hóa các giao dịch vốn phù hợp với lộ trình thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam đã được phê duyệt theo Quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 11 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.

c) Đổi mới khuôn khổ quản lý thị trường vàng nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững thị trường vàng, hạn chế tình trạng vàng hóa, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô.

d) Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thống kê tiền tệ, phân tích dự báo, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện chương trình phần mềm báo cáo thống kê, phân tích và xử lý số liệu thống kê, đảm bảo các số liệu, sản phẩm thống kê, phân tích dự báo kịp thời, chính xác, phù hợp với thông lệ quốc tế, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; hoàn thiện cơ chế thu thập và chia sẻ thông tin trong nội bộ ngành Ngân hàng, cũng như với các cơ quan ngoài ngành, bảo đảm sự phối hợp chính sách giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương nhằm tạo sự đồng bộ, nhất quán giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác trong quá trình điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

đ) Phát triển thị trường tiền tệ ổn định, minh bạch, phù hợp với định hướng và lộ trình cơ cấu lại thị trường tài chính, bảo đảm cơ cấu thị trường phù hợp, hài hòa với thị trường vốn và thị trường bảo hiểm.

- Minh bạch hóa và tăng chất lượng thông tin công bố trên thị trường tiền tệ để cải thiện lòng tin của nhà đầu tư và người gửi tiền; xây dựng hệ thống thông tin quản lý hoạt động thị trường tiền tệ liên ngân hàng để hỗ trợ điều hành của Ngân hàng Nhà nước và nhu cầu của các tổ chức tín dụng;

- Nâng cao chất lượng báo cáo tài chính và báo cáo thường niên của các tổ chức tín dụng, trong đó thông tin đảm bảo đầy đủ, chính xác, bao gồm cả các thông tin phi tài chính như cơ cấu sở hữu, hoạt động quản trị điều hành.

4. Phát triển, quản lý và giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế

a) Cấu trúc lại hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng theo hướng tập trung, hiện đại, đóng vai trò là hệ thống thanh toán xương sống quốc gia, thực hiện vai trò trung tâm thanh toán của Ngân hàng Nhà nước, phục vụ cho hệ thống thanh toán giá trị cao, thanh toán đa tệ liên ngân hàng... và kết nối được với các hệ thống thanh toán khác trong nền kinh tế.

b) Xây dựng và phát triển Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ, giao dịch thẻ để cung ứng dịch vụ chuyển mạch và bù trừ điện tử qua các phương tiện thanh toán, các dịch vụ thanh toán và các kênh thanh toán khác nhau, thực hiện thanh toán theo lô và theo thời gian thực, hoạt động 24/7, phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau.

c) Hoàn thiện hệ thống thanh toán nội bộ của các ngân hàng đảm bảo kết nối thông suốt và tự động hóa khi kết nối với Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ và Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm phục vụ nhu cầu thanh toán của nhiều đối tượng như các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, cá nhân, cơ quan Chính phủ.

d) Hoàn thiện chức năng giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế, phù hợp các chuẩn mực giám sát theo các nguyên tắc do Ngân hàng Thanh toán quốc tế BIS và Tổ chức Quốc tế Các Ủy ban chứng khoán (IOSCO) xây dựng, bảo đảm các hệ thống thanh toán quốc gia hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt; giám sát hiệu quả các hoạt động thanh toán xuyên biên giới, thanh toán quốc tế; giám sát việc cung ứng các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới; triển khai nghiên cứu và xây dựng Chiến lược phát triển các hệ thống thanh toán và quyết toán đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

đ) Xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

5. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế

a) Hoàn thiện mô hình tổ chức Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng phù hợp với lộ trình đổi mới mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của Ngân hàng Nhà nước:

- Hoàn thiện, đổi mới mô hình tổ chức thanh tra giám sát ngân hàng theo hướng: Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất về hoạt động thanh tra, giám sát của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng tới các đơn vị thanh tra giám sát ngân hàng tại địa phương, tránh tình trạng chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ; xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền, phân định trách nhiệm rõ ràng, minh bạch, cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin, quy trình báo cáo, chỉ đạo điều hành trong nội bộ của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng cũng như giữa cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước; hình thành đơn vị thuộc cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng chịu trách nhiệm quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng có tầm quan trọng hệ thống và đơn vị chuyên trách tham mưu cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng là hợp tác xã;

- Tăng cường sự phối hợp công tác, chia sẻ thông tin giữa cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng và các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chức năng trong hoạt động thanh tra, giám sát hệ thống tài chính để bảo đảm an toàn, ổn định hệ thống tài chính.

b) Đổi mới phương pháp thanh tra, giám sát:

- Tiếp tục đổi mới công tác thanh tra theo hướng: Chuyển nhanh và mạnh từ thanh tra tuân thủ sang thanh tra trên cơ sở rủi ro, gắn kết chặt chẽ với giám sát trên cơ sở rủi ro, từng bước áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tăng cường thanh tra toàn diện, pháp nhân tổ chức tín dụng;

- Tiếp tục đổi mới công tác giám sát theo hướng: Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát an toàn vi mô và giám sát an toàn vĩ mô trên cơ sở triển khai các công cụ, phương pháp giám sát rủi ro mới gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao khả năng cảnh báo sớm của Ngân hàng Nhà nước đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật ngành Ngân hàng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; phối hợp chặt chẽ giữa công tác giám sát với công tác thanh tra, cấp phép và ban hành chế độ, chính sách.

c) Tăng cường đầu tư công nghệ hỗ trợ công tác thanh tra, giám sát ngân hàng.

d) Xây dựng cơ chế kiểm soát cán bộ đồng thời với cơ chế bảo vệ cán bộ phù hợp, hạn chế rủi ro pháp lý cho cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, giám sát trong ngành Ngân hàng.

đ) Tăng cường chất lượng thanh tra, giám sát các tập đoàn tài chính dưới hình thức công ty mẹ - con, trong đó công ty mẹ là tổ chức tín dụng; kiểm soát tính liên thông giữa các tổ chức tín dụng với các định chế tài chính thuộc phạm vi thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

6. Phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tạo cơ sở nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng

a) Đa dạng hóa các kênh cung ứng dịch vụ ngân hàng:

- Mở rộng hợp lý mạng lưới kênh truyền thống kết hợp với đẩy mạnh phát triển các kênh giao dịch ngân hàng hiện đại (E-banking, mobile banking, internet banking...) thông qua ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật;

- Tiếp tục phát triển, sắp xếp hợp lý mạng lưới ATM và POS trên toàn quốc đảm bảo hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường; khuyến khích các ngân hàng, tổ chức khác đầu tư và mở rộng mạng lưới ATM tới khu vực nông thôn, khó tiếp cận các điểm giao dịch của ngân hàng; nghiên cứu ứng dụng một số loại máy ATM tính năng hiện đại; xây dựng và triển khai Kế hoạch phát triển thanh toán thẻ ngân hàng qua thiết bị chấp nhận thẻ giai đoạn 2018 - 2020;

- Khuyến khích hợp tác trong mối quan hệ cạnh tranh lành mạnh giữa ngân hàng và tổ chức công nghệ tài chính (Fintech), các tổ chức phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân để phát triển mạng lưới đại lý cho ngân hàng với chi phí thấp; tạo môi trường pháp lý thích hợp cho việc phát triển các tổ chức công nghệ tài chính an toàn, hiệu quả; ban hành chuẩn kết nối giữa các tổ chức tín dụng với nhau và giữa các tổ chức tín dụng với các tổ chức công nghệ tài chính;

- Có chính sách mở rộng các điểm tiếp cận tiền mặt và các hình thức thanh toán mới, hiện đại, tiện lợi, có chi phí hợp lý, dễ sử dụng, phù hợp với nhiều đối tượng người dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn trên cơ sở sử dụng mạng lưới sẵn có của các tổ chức tín dụng, mạng lưới bưu điện, mạng lưới của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, một số tổ chức khác không phải ngân hàng.

b) Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng:

- Nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ theo hướng cải thiện thái độ phục vụ, đổi mới quy trình, thủ tục và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiết giảm thời gian, chi phí, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trên cơ sở phù hợp với quy định pháp luật, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

- Chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, có khả năng đáp ứng nhu cầu của các đối tượng chưa được, hoặc ít được ngân hàng phục vụ; phát triển các sản phẩm tài chính vi mô linh hoạt, có cấu trúc đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với nhu cầu đại bộ phận người dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; phát triển các sản phẩm, dịch vụ cho tín dụng thương mại, tín dụng cho doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị;

- Phát triển nhiều dịch vụ gia tăng trên kênh cung ứng dịch vụ ngân hàng từ thẻ ngân hàng; xây dựng chuẩn thẻ chíp nội địa và triển khai kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chíp tại Việt Nam với lộ trình thích hợp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ, tạo thuận lợi kết nối với các hệ thống thanh toán khác;

- Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển mạnh các phương thức thanh toán điện tử như ngân hàng trực tuyến, thanh toán qua Internet, điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc và chấp nhận thanh toán không tiếp xúc, thanh toán không tiếp xúc trên di động, thanh toán qua QR Code, Tokenization,...; áp dụng các biện pháp an ninh, tiêu chuẩn bảo mật mới, tiên tiến phù hợp với xu hướng thanh toán trên thế giới, đảm bảo thanh toán nhanh chóng, an ninh an toàn, tiện lợi và có chi phí hợp lý.

c) Phát triển thanh toán điện tử phục vụ thương mại điện tử theo hướng hoàn thiện, tăng cường kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của hệ thống ngân hàng với hạ tầng thanh toán của các đơn vị để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, tại các điểm bán lẻ và thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ trực tuyến.

d) Xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện.

đ) Triển khai hoạt động ngân hàng xanh thông qua việc gia tăng nhận thức và trách nhiệm đối với môi trường và xã hội của ngành Ngân hàng trong kinh doanh; tăng cường năng lực các tổ chức tín dụng để phát triển sản phẩm huy động và cho vay vốn tín dụng vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các bon để góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng.

7. Phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế

a) Đối với các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng (công ty tài chính, công ty tài chính tiêu dùng và công ty cho thuê tài chính):

Giai đoạn 2018 - 2020:

- Lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính: Tăng vốn và cải thiện chất lượng nguồn vốn tự có của các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, bảo đảm mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định và đáp ứng đầy đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật và chuẩn mực quốc tế; tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kiểm soát chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu, nâng cao chất lượng tài sản;

- Chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh của các ngân hàng thương mại theo hướng từ “độc canh tín dụng” sang mô hình đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng; nâng cao tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử; gia tăng xuất khẩu dịch vụ tài chính; tiếp tục tiến hành rà soát, củng cố các hoạt động kinh doanh chính; thoái vốn đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực phi tài chính, nhiều rủi ro; ưu tiên cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế;

- Nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tính minh bạch trong hoạt động của tổ chức tín dụng: Hoàn thiện, áp dụng hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực của Ủy ban Basel và lộ trình áp dụng Basel II tại Việt Nam; hoàn thiện và áp dụng các quy định về quản trị ngân hàng phù hợp với thông lệ quốc tế; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và kinh doanh ngân hàng có trình độ chuyên môn cao, ý thức tuân thủ pháp luật, có đạo đức và tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp tốt; đa dạng hóa cơ cấu cổ đông; yêu cầu các tổ chức tín dụng công bố công khai, minh bạch, chính xác thông tin về chiến lược kinh doanh, sở hữu, tình hình tài chính, cơ cấu quản lý, quản trị rủi ro và quản trị doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế;

- Hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán nội bộ của các ngân hàng thương mại; nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi phù hợp với quy mô, mức độ phức tạp hoạt động và yêu cầu quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành và quản lý, phân tích và phòng ngừa rủi ro; đồng thời đầu tư và có giải pháp phù hợp đảm bảo an ninh công nghệ thông tin;

- Các ngân hàng thương mại Nhà nước đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường; đi đầu trong việc áp dụng công nghệ ngân hàng hiện đại, năng lực quản trị tiên tiến, chủ động hội nhập quốc tế; tích cực tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Đối với các ngân hàng thương mại Nhà nước (không bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam): Tăng vốn điều lệ để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II, bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước trong các ngân hàng thương mại Nhà nước, trong đó Nhà nước nắm giữ ở mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; lựa chọn cổ đông chiến lược có uy tín trên thị trường, có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản trị; chuẩn bị các điều kiện tiền đề, tiến tới niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.

Đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam: Giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp, nông thôn; cơ cấu lại theo mô hình ngân hàng thương mại đa năng; triển khai cổ phần hóa vào thời điểm thích hợp và bảo đảm Nhà nước nắm giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ;

- Tiếp tục củng cố, chấn chỉnh, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng để lành mạnh hóa, nâng cao năng lực tài chính cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, bảo đảm an toàn hệ thống; hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường, công khai, minh bạch, đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực về quản trị và an toàn hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật và tiệm cận với thông lệ quốc tế;

- Khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng lành mạnh hoặc các nhà đầu tư tiềm năng nước ngoài tham gia tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém; thúc đẩy việc mua bán, sáp nhập trên cơ sở tự nguyện của các tổ chức tín dụng để hình thành các định chế có quy mô lớn và quản trị tốt hơn;

- Tiếp tục tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng với các tổ chức tín dụng Việt Nam; khuyến khích các tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia hỗ trợ và xử lý các vấn đề khó khăn, yếu kém của các tổ chức tín dụng trong nước; khuyến khích các tổ chức tín dụng nước ngoài đi đầu trong việc phát triển và áp dụng các công nghệ hiện đại, đưa các sản phẩm, dịch vụ mới tới thị trường Việt Nam; hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong nước trong việc tiếp cận với các quy trình, sản phẩm, công nghệ mới đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng về sản phẩm và dịch vụ của khách hàng.

Giai đoạn 2021 - 2025:

- Tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong quản trị và hoạt động của các tổ chức tín dụng ở mức cao hơn; tiếp tục hoàn thiện và triển khai các chính sách và quy trình nội bộ lành mạnh; rà soát, đánh giá, bổ sung, chỉnh sửa các phương thức quản trị, điều hành tiên tiến dựa trên các chuẩn mực, thông lệ quốc tế và phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam; tổng kết việc triển khai thực hiện Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn; áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao đối với hệ thống các ngân hàng thương mại theo lộ trình do Ngân hàng Nhà nước ban hành;

- Tiếp tục hiện đại hóa hệ thống công nghệ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành và quản lý, phân tích và phòng ngừa rủi ro; tiếp tục đầu tư và có giải pháp phù hợp đảm bảo an ninh công nghệ thông tin;

- Tiếp tục áp dụng các biện pháp đa dạng hóa cơ cấu cổ đông, tạo điều kiện hình thành các ngân hàng lớn, có tầm quan trọng trong hệ thống và khu vực;

- Các tổ chức tín dụng chủ động xây dựng/điều chỉnh Chiến lược kinh doanh phù hợp với giai đoạn mới; trong đó hoạch định chiến lược phát triển dịch vụ rõ ràng, chú trọng phát triển các kênh cung ứng dịch vụ hiện đại, ứng dụng công nghệ số; đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng, phát triển mạnh các kênh dịch vụ phi tín dụng nhằm tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng và cam kết tham gia tích cực, hiệu quả vào việc thực thi tài chính toàn diện;

- Các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường; đi đầu trong việc triển khai và áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao và hội nhập quốc tế; đảm bảo tỷ lệ sở hữu Nhà nước ở mức 51%; thực hiện niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài (riêng đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, thực hiện niêm yết cổ phiếu của trên thị trường chứng khoán trong nước);

- Các ngân hàng thương mại cổ phần đảm bảo các điều kiện về vốn, cơ sở dữ liệu và nguồn nhân lực để áp dụng đầy đủ Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn; lựa chọn ngân hàng thương mại cổ phần đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn và có chất lượng quản trị tốt để áp dụng thí điểm Basel II theo phương pháp nâng cao; khuyến khích ngân hàng thương mại cổ phần đủ điều kiện thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài;

- Phát triển đa dạng các loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam;

- Các tổ chức tín dụng nước ngoài tiếp tục tiên phong trong phát triển dịch vụ ngân hàng, tạo môi trường cạnh tranh, góp phần thúc đẩy các tổ chức tín dụng trong nước phát triển.

b) Đối với loại hình tổ chức tín dụng là hợp tác xã và các tổ chức tài chính vi mô:

- Đối với loại hình tổ chức tín dụng là hợp tác xã:

+ Giai đoạn 2018 - 2020:

Đối với Ngân hàng Hợp tác xã: Nâng cao vai trò và trách nhiệm của Ngân hàng Hợp tác xã trong điều hòa vốn, kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ khoản vay của khách hàng; hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ ngân hàng, công nghệ thông tin, hỗ trợ hoạt động ngân hàng đối với quỹ tín dụng nhân dân thành viên; tham gia xử lý đối với quỹ tín dụng nhân dân thành viên gặp khó khăn hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động;

Đối với các quỹ tín dụng nhân dân: Tiếp tục chấn chỉnh, củng cố toàn diện về tài chính, quản trị và hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân hiện có đi đôi với mở rộng vững chắc các quỹ tín dụng nhân dân mới ở khu vực nông thôn; phạm vi hoạt động chủ yếu của quỹ tín dụng nhân dân là huy động vốn và cho vay các thành viên trên địa bàn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn nhằm huy động các nguồn lực tại chỗ để góp phần phát triển kinh tế địa phương, xóa đói, giảm nghèo và đẩy lùi cho vay nặng lãi; bảo đảm quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động và nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên; quỹ tín dụng nhân dân phải hoạt động và tuân thủ theo đúng quy định của Luật các tổ chức tín dụng và Luật Hợp tác xã; xây dựng và triển khai Đề án củng cố và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 nhằm đảm bảo cho các quỹ tín dụng nhân dân hoạt động an toàn, hiệu quả bền vững; dần đưa hệ thống tổ chức tín dụng là hợp tác xã trở thành một trong những nền tảng trong hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng ở khu vực nông nghiệp - nông thôn.

Đối với Hiệp hội quỹ tín dụng nhân dân: Củng cố kiện toàn tổ chức và hoạt động của Hiệp hội quỹ tín dụng nhân dân nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng đầu mối liên kết hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, đại diện quyền lợi và định hướng phát triển chung cho các quỹ tín dụng nhân dân; đồng thời phối hợp với Ngân hàng Hợp tác xã triển khai công tác đào tạo cán bộ quỹ tín dụng nhân dân và thành lập Tổ chức kiểm toán độc lập đối với các quỹ tín dụng nhân dân theo quy định của pháp luật.

+ Giai đoạn 2021 - 2025:

Đối với Ngân hàng Hợp tác xã: Hoàn thiện việc xây dựng Ngân hàng Hợp tác xã thành Ngân hàng của tất cả các quỹ tín dụng nhân dân nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết, đảm bảo an toàn của hệ thống qua việc hỗ trợ tài chính và giám sát hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân; hoạt động chủ yếu là điều hòa vốn, thực hiện các hoạt động ngân hàng và quản lý vận hành Quỹ đảm bảo an toàn hệ thống đối với thành viên là các quỹ tín dụng nhân dân; nghiên cứu, xây dựng Trung tâm thẩm định tín dụng độc lập nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng tín dụng của các quỹ tín dụng nhân dân thành viên.

Đối với quỹ tín dụng nhân dân: Tiếp tục áp dụng các giải pháp đảm bảo các quỹ tín dụng nhân dân hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và nguyên tắc của loại hình tổ chức tín dụng là hợp tác xã, trong đó nâng cao tính tương trợ, liên kết giữa các thành viên; tập trung vào mục tiêu hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ và cải thiện đời sống của thành viên, phục vụ cộng đồng trên địa bàn; tiếp tục hoàn thiện cơ cấu, bộ máy quản trị điều hành, đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, đa dạng hóa và hiện đại hóa các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù của loại hình tổ chức tín dụng là hợp tác xã để phục vụ tốt hơn cho các thành viên, nghiên cứu thiết lập mối liên kết giữa các quỹ tín dụng nhân dân ngành nghề, giữa các quỹ tín dụng nhân dân ngành nghề với các quỹ tín dụng nhân dân khác, giữa các quỹ tín dụng nhân dân ngành nghề với Ngân hàng hợp tác xã.

Đối với Hiệp hội quỹ tín dụng nhân dân: Hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Hiệp hội quỹ tín dụng nhân dân để phối hợp với Ngân hàng Hợp tác xã thực hiện tốt chức năng đầu mối liên kết của hệ thống tổ chức tín dụng là hợp tác xã đối với các quỹ tín dụng nhân dân hội viên; góp phần hỗ trợ và bảo đảm cho hệ thống quỹ tín dụng nhân dân hoạt động ổn định, phát triển an toàn và bền vững.

- Đối với các tổ chức tài chính vi mô:

+ Giai đoạn 2018 - 2020: Xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô an toàn, vững mạnh theo định hướng thị trường; đảm bảo sự tiếp cận dịch vụ tài chính có chất lượng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, các hộ gia đình nghèo và người có thu nhập thấp; tăng cường cơ hội phát triển kinh tế cho người dân; thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; triển khai đồng bộ Đề án “Xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến hết năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2011; tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô và các chương trình, dự án tài chính vi mô, đồng thời có cơ chế quản lý, giám sát phù hợp với đặc thù hoạt động tài chính vi mô; xây dựng các chính sách đặc thù để tạo điều kiện liên kết hoạt động của các loại hình tổ chức tín dụng với hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô.

+ Giai đoạn 2021 - 2025: Tiếp tục có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức tài chính vi mô phát triển, tăng số lượng các tổ chức tài chính vi mô để gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ khách hàng, hỗ trợ việc triển khai Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện.

8. Hoàn thiện mô hình các tổ chức tài chính khác hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng

a) Đối với Ngân hàng chính sách xã hội:

- Tập trung thống nhất chức năng tín dụng chính sách từ các ngân hàng thương mại sang Ngân hàng chính sách xã hội; phát triển Ngân hàng chính sách xã hội thành tổ chức có khả năng tự chủ và phát triển ổn định lâu dài, đồng thời duy trì được vai trò là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ; tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần;

- Giai đoạn 2018 - 2020: Tổ chức thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển Ngân hàng chính sách xã hội giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 2012;

- Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển Ngân hàng chính sách xã hội giai đoạn 2011 - 2020, nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

b) Đối với VAMC:

Phát triển VAMC thực sự trở thành trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ, đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của các tổ chức tín dụng, có đủ năng lực và nguồn lực để thực hiện chức năng và nhiệm vụ mua, bán và xử lý nợ xấu, định giá, đấu giá tài sản.

c) Đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam:

- Phát triển Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan đại diện chủ sở hữu; thực hiện mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng;

- Tăng cường năng lực tài chính, nâng cao năng lực hoạt động, hoàn thiện mô hình tổ chức, nâng cao trình độ cán bộ, áp dụng công nghệ hiện đại nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tín dụng yếu kém; tính và thu phí bảo hiểm tiền gửi, quản lý nguồn vốn đầu tư, tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi, chi trả bảo hiểm theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam;

- Xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

9. Chú trọng phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực của ngành Ngân hàng

a) Tiếp cận ứng dụng của khoa học công nghệ, nhận thức sâu sắc về tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong định hướng đổi mới hoạt động của ngành Ngân hàng:

- Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và ứng dụng các công nghệ hiện đại thông qua việc tăng cường tích hợp công nghệ thông tin trong quy trình quản lý và quản trị của cả Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng;

- Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, trong đó, tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng trung tâm Dự phòng dữ liệu (Disaster Recovery); tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; tăng cường các quy định và biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong lĩnh vực thanh toán thẻ, ATM, POS và các phương thức thanh toán sử dụng công nghệ cao; giám sát thận trọng luồng tiền phát sinh trong các hoạt động thanh toán xuyên biên giới, thanh toán quốc tế;

- Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc phát triển các dịch vụ công nghệ mới, phương tiện thanh toán mới và hoạt động của các nhà cung ứng dịch vụ mới, đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng cơ chế và khuôn khổ pháp lý rõ ràng để cho phép thành lập các tổ chức xử lý bù trừ tập trung các giao dịch thanh toán trên nguyên tắc cạnh tranh, tạo cơ sở phát triển thanh toán trên bề rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán;

- Triển khai xây dựng Chiến lược phát triển hệ thống công nghệ thông tin và an toàn, an ninh mạng của hệ thống ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

b) Chú trọng phát triển khoa học công nghệ:

- Tăng quyền tự chủ cho các tổ chức khoa học và công nghệ, các tổ chức nghiên cứu và đào tạo trong ngành;

- Tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ ngành Ngân hàng; chú trọng chất lượng công tác nghiên cứu và quản lý khoa học, tăng cường nghiên cứu khoa học ứng dụng;

- Khuyến khích sáng kiến, cải tiến; mở rộng các hoạt động hợp tác, thành lập quỹ tài trợ của tổ chức tín dụng đối với hoạt động nghiên cứu khoa học của ngành. Gắn kết các hoạt động nghiên cứu khoa học với thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hoạt động, kinh doanh ngân hàng.

c) Chú trọng phát triển nguồn nhân lực ngành Ngân hàng:

- Xây dựng các tiêu chuẩn nghề nghiệp, áp dụng chứng chỉ hành nghề đối với một số vị trí cốt lõi trong ngành Ngân hàng; đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ;

- Tăng cường hợp tác giữa đơn vị đào tạo và đơn vị sử dụng lao động trong ngành Ngân hàng;

- Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Ngân hàng và của hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành để đạt trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế. Bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ chuyên gia, chuyên sâu trong các lĩnh vực của ngành Ngân hàng như: Chính sách tiền tệ, quản lý dự trữ ngoại hối, thanh toán, thanh tra, giám sát ngân hàng, phân tích, dự báo, quản trị rủi ro...;

- Đào tạo lực lượng cán bộ nắm bắt được tiến bộ khoa học công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn của ngành, đồng thời trang bị, đào tạo kỹ năng mới cho đội ngũ cán bộ hiện hữu, đảm bảo các cán bộ nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, phương thức làm việc tiên tiến, có năng lực đề xuất, tham mưu xây dựng chính sách, thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng, phù hợp với những đòi hỏi của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ; tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm của cá nhân; xây dựng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin tại các tổ chức tín dụng, có trình độ nghiệp vụ giỏi, tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng nhu cầu quản trị vận hành và làm chủ các hệ thống công nghệ hiện đại;

- Tăng cường hợp tác, tận dụng hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, Ngân hàng Phát triển Châu Á, ngân hàng trung ương các nước phát triển... để nâng cao trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đội ngũ quản lý và nhân viên của ngành;

- Nghiên cứu và triển khai xây dựng Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của ngành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

10. Tăng cường hợp tác quốc tế và đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng

a) Tiếp tục thực hiện chương trình hành động của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước thực hiện Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế. Phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

b) Tiếp tục triển khai thực hiện các cam kết trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng theo khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do đã ký.

c) Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế đa phương, đẩy mạnh quy mô và chiều sâu các hoạt động trong khuôn khổ ASEAN, ASEAN+3, SEACEN, ASEM, APEC, và các diễn đàn về tài chính ngân hàng và tài chính toàn diện...; duy trì, phát triển và tăng cường hợp tác song phương với ngân hàng trung ương, cơ quan quản lý tiền tệ/ngân hàng các nước trong khu vực và trên thế giới; tham gia tích cực vào các diễn đàn hợp tác song phương của Chính phủ (Ủy ban hỗn hợp/Ủy ban liên Chính phủ) nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các đối tác; nâng cao hiệu quả và phát triển theo chiều sâu các quan hệ với các đối tác truyền thống và mở rộng quan hệ với các đối tác mới nhằm tăng cường hiệu quả đối ngoại trong lĩnh vực ngân hàng.

d) Tăng cường quan hệ, nâng cao vị thế, tiếng nói của Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước tại các tổ chức tài chính, tiền tệ ngân hàng quốc tế, các diễn đàn khu vực/thế giới và các đối tác quốc tế khác thông qua việc thực hiện tốt vai trò đại diện cho Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và nâng tầm mối quan hệ của Việt Nam với các tổ chức tiền tệ, ngân hàng quốc tế; tham gia tích cực vào các hoạt động, xây dựng chính sách, sáng kiến, chương trình tăng vốn, cơ cấu lại và cải cách của các tổ chức tiền tệ, ngân hàng quốc tế nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam.

đ) Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính và kỹ thuật từ các đối tác quốc tế cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và của ngân hàng nói riêng; chủ động tìm kiếm các đối tác mới, tham gia vào các thể chế, diễn đàn tài chính, tiền tệ khu vực và thế giới để tăng cường nguồn lực tài chính và kỹ thuật phục vụ cho mục tiêu phát triển quốc gia.

e) Chủ động nắm bắt và chia sẻ thông tin với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế và ngân hàng trung ương các nước để có biện pháp ứng phó kịp thời với những khó khăn, rủi ro tài chính toàn cầu.

g) Phát triển năng lực hội nhập quốc tế, chuẩn bị nguồn lực về con người, kỹ thuật và quản lý đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế nhằm chuẩn bị tốt nhân sự để cử, tiến cử và giới thiệu vào làm việc tại các tổ chức quốc tế.

11. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông của Ngân hàng Nhà nước

Xây dựng Kế hoạch truyền thông của Ngân hàng Nhà nước trong từng giai đoạn, góp phần minh bạch hóa quá trình điều hành chính sách, nâng cao nhận thức và gia tăng niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng.

III. MỘT SỐ DỰ ÁN, CHIẾN LƯỢC BỘ PHẬN, ĐỀ ÁN VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

Cùng với các Chiến lược bộ phận và Đề án đã được ban hành, Ngân hàng Nhà nước cần tập trung xây dựng và triển khai các dự án Luật, Chiến lược bộ phận và Đề án sau đây:

1. Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền các dự án Luật, Chiến lược bộ phận, Đề án (chi tiết tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này)

a) Giai đoạn 2018 - 2020:

- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng (cấu phần về tập đoàn tài chính).

- Nhóm các Chiến lược bộ phận:

(1) Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

(2) Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện.

- Nhóm các đề án:

(1) Đề án giải pháp hạn chế tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế nhằm chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2018 - 2020;

(2) Đề án hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

(3) Đề án khung về việc chuẩn bị nguồn lực, cử và tiến cử đại diện tham gia học tập, công tác, nghiên cứu, biệt phái và trao đổi cán bộ tại các thể chế tài chính ngân hàng quốc tế, phân kỳ 2018 - 2020 và 2020 - 2030;

b) Giai đoạn 2021 - 2025: Xây dựng và triển khai 03 dự án Luật, cụ thể:

(1) Dự án Luật Các hệ thống thanh toán;

(2) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm tiền gửi;

(3) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Các Đề án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Căn cứ các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra tại Chiến lược này, Ngân hàng Nhà nước chủ động cụ thể hóa các Đề án liên quan khác thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Chương trình hành động của ngành Ngân hàng và tổ chức triển khai thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan:

a) Xây dựng Chương trình hành động để triển khai thực hiện các nội dung của Chiến lược theo từng giai đoạn.

b) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chiến lược, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ kết (vào năm 2020, 2025) và tổng kết (vào năm 2030) rút kinh nghiệm việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và mục tiêu của Chiến lược trong từng giai đoạn.

c) Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực vốn của Basel II.

d) Phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật về Tập đoàn tài chính; Luật Các hệ thống thanh toán.

đ) Phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan xây dựng cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin trong việc thực hiện giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, giám sát hệ thống tài chính.

e) Tham mưu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh mục tiêu, nội dung của Chiến lược trong trường hợp cần thiết.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện Chiến lược theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan chủ quản của các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng có liên quan:

a) Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí nguồn để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước theo Phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại Nhà nước đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

b) Nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua, bán nợ của các doanh nghiệp; khung pháp lý về hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua, bán nợ.

c) Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng lộ trình và bố trí nguồn xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước trung ương, địa phương, nợ xấu từ hoạt động cho vay theo các chương trình dự án, chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh.

d) Phối hợp với các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan chủ quản của các doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan, tổ chức tín dụng có liên quan xây dựng phương án xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước.

đ) Nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giao dịch trên thị trường chứng khoán và chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán để giao dịch công khai, minh bạch vào thời điểm thích hợp.

e) Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền, trách nhiệm của các đơn vị có liên quan trong xây dựng chính sách tài khóa, quản lý nợ công và các chính sách vĩ mô khác.

g) Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai kết nối hệ thống thanh toán chứng khoán với Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và thực hiện quyết toán giao dịch chứng khoán liên ngân hàng tại Ngân hàng Nhà nước.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, nghiên cứu, sửa đổi quy định tại Luật Đất đai để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về nhận thế chấp là quyền sử dụng đất của các tổ chức không phải là các tổ chức tín dụng.

5. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng và triển khai phương án thông tin, tuyên truyền về Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tuyên truyền về các chủ trương, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

6. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện Chiến lược này; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ phục vụ việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc của các tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (2). XH

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN, DỰ ÁN, CHIẾN LƯỢC BỘ PHẬN KHÔNG THUỘC THẨM QUYỀN PHÊ DUYỆT CỦA THỐNG ĐỐC
(Kèm theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Tên chương trình/Đề án/Dự án/Chiến lược bộ phận

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Kết quả đầu ra

Thời hạn hoàn thành

1

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm tiền gửi

Ngân hàng Nhà nước

Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các đơn vị có liên quan

Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi

2021 - 2025

2

Luật Các hệ thống thanh toán

Ngân hàng Nhà nước

Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các đơn vị có liên quan

Dự án Luật Các hệ thống thanh toán

2021 - 2025

3

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng (cấu phần về tập đoàn tài chính)

Ngân hàng Nhà nước

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia và các cơ quan liên quan

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng (cấu phần về tập đoàn tài chính)

2018 - 2020

4

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ngân hàng Nhà nước

Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia và các đơn vị có liên quan

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

2021 - 2025

5

Đề án giải pháp hạn chế tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế nhằm chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2017 - 2020

Ngân hàng Nhà nước

Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tổng cục Thống kê, Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị có liên quan

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án

2018

6

Đề án hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

Ngân hàng Nhà nước

Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị có liên quan

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án

2018

7

Đề án khung về việc chuẩn bị nguồn lực, cử và tiến cử đại diện tham gia học tập, công tác, nghiên cứu, biệt phái và trao đổi cán bộ tại các thể chế tài chính ngân hàng quốc tế, phân kỳ 2018 - 2020 và 2020 - 2030

Ngân hàng Nhà nước

Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ và các đơn vị có liên quan

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án

2018

8

Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện

Ngân hàng Nhà nước

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện

2020

9

Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Ngân hàng Nhà nước

Bộ Tài chính và các đơn vị có liên quan

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

2018 - 2020

10

Chiến lược phát triển Ngân hàng chính sách xã hội giai đoạn 2021 - 2030

Ngân hàng Chính sách xã hội

Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các đơn vị có liên quan

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2021 - 2030

2021

 

 

 

PRIME MINISTER
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom - Happiness

No: 986/QD-TTg

Hanoi, August 08, 2018

 

DECISION

ON APPROVING DEVELOPMENT STRATEGY OF VIETNAM BANKING SECTOR BY 2025 AND VISION TO 2030

PRIME MINISTER

Pursuant to the Law on Organizing the Government dated June 19, 2015;

Pursuant to the Law on The State Bank of Vietnam dated June 16, 2010;

Pursuant to the Law on Credit Institutions dated June 16, 2010 and the Law on Amendments to certain Articles of the Law on Credit Institutions dated November 20, 2017;

At the request of the Governor of the State bank of Vietnam.

DECISION:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

I. VIEWPOINTS AND OBJECTIVES

1. Viewpoints

a. The monetary and banking systems and the operation of credit institutions are the lifeblood of the economy and continue to maintain their substantial roles in the financial system of Vietnam. Stabilizing credit institutions' operations shall be a key part in monetary and financial stability and a prerequisite for macroeconomics stability and sustainable growth; this stability shall be ensured by a synchronous and effective coordination between the monetary policy and the fiscal policy and other macroeconomics policies; with a harmonious and balanced development between banking, securities and insurance sectors.

b. The institutional improvements in monetary and banking sectors shall be an essential part of improving socialist-oriented market economy institutions. The legal framework associated with monetary and banking sectors shall conform to the market discipline in order to keep the system safe, sound and stable; enhance transparency and competitiveness and conform to the best international practices.

c. The credit institutions within the system and from different types of economic sectors are treated fairly, can compete under the law, have autonomy in their operation and take responsibility for their actions. Accordingly, the domestic credit institutions take on the key role in mobilizing and distributing credits, providing banking products and services to support the social-economic development of Vietnam.

d. The State, through the role of State bank, shall create a stable and secure monetary and banking business environment, encourage healthy competition, maintain discipline, obey the laws, and respect the market rules. The State shall intervene mainly with money market instruments or through state financial resources; create favorable conditions for the development of private sector under the law. The State shall only make administrative intervention in the monetary market and banking operation when there are fluctuations arise in such market that may threaten the safety of banking system and macroeconomic stability.

dd. Opportunities and challenges from the influence of industrial revolution shall be captured and taken up during the operation of banking sector. The application of modern science and technology, and the innovation that goes hand in hand with the development of high quality human resources are the main keys to promote a quick and stable banking development, improve competitiveness and reduce the gap in development levels between Vietnam banking sector and the regional countries or the world.

2. Objectives

a. General objectives

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The development of credit institutions' system: the credit institutions shall play a key role in operating transparently and competing in a safe, effective and firm manner; building diverse structures of ownership, scale and type; relying on technology base and advanced banking administration to satisfy the operation standards of international rules, aiming to achieve the development level of top four ASEAN countries in 2025; being active and creative to adapt to the liberalization and globalization processes; satisfying the rapid demand for financial and banking services, moving towards financial inclusion 2030, ensuring that the citizens and enterprises having adequate and convenient access to financial and banking services with good quality, and contributing positively to the sustainable banking development.

b. Specific objectives

- Increase the independence, initiative and accountability of the State Bank for the purpose of operating monetary policy and controlling inflation at an appropriate level in consistent with the social-economic development in each period, support macroeconomic stability and promote the goal of sustainable economic growth.

Decrease the ratio of foreign-currency credit to total credit, with the aim to achieve a foreign currency deposit rate per total liquidity of below 7.5% in 2020 and 5% in 2030; aim to stop lending foreign currency to overcome dollarization in the economy.

- Strengthen institutional capacity, effectiveness and efficiency of the banking inspection and supervision which are carried out by the State Bank; extend the scope of inspection and supervision to financial groups in form of parent-subsidiary companies, in which the parent company is the credit institution; By the end of 2025, the banking inspection and supervision shall adhere with most of the Basel’s principles of effective banking supervision.

- Encourage the development of non-cash payments and the optimization of ATM and POS networks. By the end of 2020, the ratio of cash to total liquidity shall be below 10% and by the end of 2025, the aforesaid ratio shall be below 8%.

- Increase the number of enterprises and citizens that have access to financial and banking services provided by credit institutions. Focus on developing appropriate types of services for the population groups with little or no access to the traditional banking services in rural, remote areas and extremely disadvantaged areas.

- Develop credit institution system in accordance with the social-economic conditions and the actual state of the system in each period:

From 2018 to 2020:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Continue revitalizing the financial status and improve the management capacity of credit institutions in accordance with the laws and international practices; handle and eliminate cross investment, cross ownership and ownership in form of controlling and ruling within the system of relevant credit institutions; encourage commercial banks to cut investments in non-banking fields.

By the end of 2020:

The basic commercial banks shall have equity capital in accordance with Basel II standards, in which at least 12 - 15 commercial banks apply successfully Basel II standard methods or above; and at least 1 - 2 commercial banks are among 100 largest banks (by total assets) in Asia.

Increase the percentage of earnings from non-credit services provided by commercial banks to 12 - 13 %; complete the process of listing shares of joint-stock commercial banks on Vietnam stock market; raise the legal capital of People’s Credit Fund.

Decrease the bad debt ratio of credit institutions, bad debts sold to Vietnam Asset Management Company (VAMC) and debts which have gone through debt classification measures to be less than 3% (exclusive of poor-performing commercial banks that have been approved by the Government to be restructured).

From 2021 to 2025:

Enhance competitiveness, increase transparency and adhere to international standards and practices in the management and operations of credit institutions.

By the end of 2025:

There must be at least 2 to 3 commercial banks among 100 largest banks (by total assets) in Asia and 3 to 5 banks listed on foreign stock market.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Increase the percentage of earnings from non-credit services which are included in the total income of commercial banks to 16 -17 %.

The bad debts of the whole system of credit institutions shall be below 3%.

- Increase the efficiency of allocating credit capital to meet the requirements of social-economic development; accelerate the development of "green credit" and "green bank" in order to transform the economy into green growth and low-carbon growth and make it adapt to climate change; increase the proportion of the banks’ credit investments in renewable energy, clean energy, low-carbon production and consumption. Integrate the contents of sustainable development, climate change and green growth into the credit programs and/or projects.

- Step by step raise Vietnam’s position in international banking fora and organizations, with the aim to serve the banking development and satisfy the requirements of international integration.

II. MAIN TASKS AND SOLUTIONS

1. Improve the legal framework in monetary and banking areas on the basis of fully observing the rules of market economy and international practices and satisfying the economic integration requirements:

- Review and complete the Law on the State bank of Vietnam and other relevant regulations on State Bank’s tasks and rights; ensure that the State bank can strengthen its independence, take initiative in managing the monetary policy and at the same time play the role of a government agency; strengthen and improve the capacity of banking sector, and ensure that after 2020, the basic banking market will operate under the market principles.

- Review and evaluate the influence and efficiency of such regulations in order to amend and promulgate relevant regulations on monetary stability by ensuring that the monetary policy will control inflation and cooperate with the fiscal policy and other policies effectively. Regulate the interest in accordance with the macroeconomic process, inflation and monetary market. Regulate flexible exchange rate in accordance with the conditions of the market, macroeconomic balances and monetary policy objectives.

- Build a system of standardized indicators to evaluate the stability and safety of the monetary market.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Improve the legal framework to determine the responsibility of the State Bank in carrying out inspection and supervision for finance corporations which operate in form of parent – subsidiary companies, in which the parent company is the credit institution; cooperate with relevant companies in providing advises for the Government to build the legal framework for finance corporations.

- Determine the State Bank's principle responsibility in promoting financial stability; legislatively define the financial stability of State Bank, and step by step improve the legal framework for secure macroeconomic supervision of financial system.

- Carry out research on the unified supervision of financial system in accordance with international practices and actual conditions in Vietnam; and report this research to the Prime Minister.

- Review, supplement and complete the regulations on safe banking operation, issuance of certificates, inspection, supervision and handling to be carried out in accordance with international practices and actual conditions in Vietnam; raise responsibilities and enhance transparency in managing and operating credit institutions as prescribed in the regulations on restructuring the aforesaid institutions in each period.

- Promulgate a road map for guiding the implementation of Basel II standards; define criteria for classifying and ranking credit institutions by determining which ones are healthy credit institutions, poor-performing credit institutions and important credit institutions within the banking system; review and improve the management and supervision mechanism in conformity with each type.

- Build support mechanism for the credit institutions that are assigned to receive and manage poor-performing credit institutions and credit institutions that participate in the restructuring process; build risk early warning system and mechanism for handling system crisis and handle potentially high risk credit institutions; protect the intervention rights of the State Bank in order to keep the system and the deposits of citizens safe; amend the regulations on handling cross-ownership and preventing misuse of management rights and shareholder rights in controlling the operation of credit institutions; improve the legal framework for merging, consolidating and liquidating the aforesaid institutions.

- Conduct research on, amend and complete the regulations on foreign investment in purchasing shares of Vietnamese credit institutions, with the aim to increase foreign ownership ratios under different forms of credit institutions; these regulations shall be made in accordance with the international commitments to which Vietnam is a signatory in order to promote the mobilization of foreign capital resources, technology and management; at the same time encourage the foreign investors to participate in liquidating poor-performing credit institutions.

- Amend certain articles of the Law on Prevention of Money Laundering.

- Develop and promulgate the Law on Payment Systems with the aim to strengthen the management and supervision of such systems within a safe and appropriate economy in consistent with the actual conditions in Vietnam, international standards and practices, and to enhance the State Bank’s management role in payment sector.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Review, amend and promulgate new legislative document on crypto currency.

2. Enhance the State Bank's institutional capacity, raise its position, and increase its autonomy and accountability:

a. Restructure the organization of the State Bank towards lean manufacturing, high specialization, effective and efficiency management and administration:

- Continue to check, organize, strengthen and reorganize the Departments and Offices, which are under the management of the State Bank’s head office, in order to focus on managing and administering these Departments and Offices according to different sectors, keeping the system smooth and effective; step by step comply with the international practices and standards.

- Properly carry out tasks such as providing cash; counting, classifying, maintaining and transporting cash in the banking sector and developing the network for providing funding services towards having the credit institutions or enterprises of banking sector providing the aforesaid services; enhance the responsibilities of credit institutions in managing cash and keeping the fundings safe.

- Continue strengthening the role of Credit Information Center (CIC), improving the quality of personal information and information of enterprises; support credit institutions in accessing adequate information to provide effective and safe services; implement the approved Scheme for developing CIC by 2015 and vision to 2020; increase investment and upgrade information infrastructure to make CIC become a trustworthy credit information channel for serving the policy-making of State Bank and supporting credit institutions in preventing and minimizing risks.

- From 2018 to 2020, the State Bank shall take charge and cooperate with relevant ministries, sectors and localities in checking and evaluating the operating efficiency of State Bank’s branches in provinces and cities; from 2021 to 2025, the State Bank shall continue making the system become lean, effective and efficient, with the aim to satisfy the requirements for administrative reform and financial service provision; after 2025, the Area State Banks must be established.

b. Strengthen the role of State Bank in monetary and financial stability, increase its autonomy and accountability. Continue enhancing the management capacity of the State Bank in accordance with international standards and practices.

c. Build and promulgate mechanism for defining functions, tasks and powers of State Bank as it plays the role of a regulatory agency in banking sector and the role of a representative of the State’s capital portions in credit institutions and state-owned enterprises; strengthen management and supervision for the state capital portions in credit institutions and state-owned enterprises; strengthen and improve the representative mechanism of the State’s capital portions in state-owned commercial banks; raise the representative’s responsibilities and improve his or her ability in carrying out tasks; maintain the mechanism for information exchange, report and authorization, and ensure that the aforesaid mechanism is provided in accordance with the laws and the operation process of credit institutions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Renovate the monetary policy framework and the management of forex and gold markets:

a. The monetary policy framework aims at the highest goal which is to control inflation, stabilize currency value, contribute in maintaining macroeconomic stability, and create favorable conditions for enhancing the efficiency of mobilization and funding allocation in the economy, and promote sustainable economic growth; increasing State Bank’s independence in managing monetary policy.

Manage the monetary policy by switching from managing money supply to managing prices; use indirect tools to phase out administrative measures of interest rates when it is allowed; continue managing the open market operations, which are a major instrument for regulating the liquidity of credit institutions, with the aim to achieve the monetary policy objectives in each period.

b. Renovate the foreign exchange management framework towards:

- Continue implementing the freely floating exchange rate regime under control, managing the exchange rates with a higher degree of flexibility, and keeping closer track of the developments in domestic and international financial markets; at the same time, ensuring the compatibility of the macro-monetary balances and the monetary policy objectives in each period. Continue implementing the measures for developing a healthy and efficient foreign-exchange market, and increase the use of derivative instruments in preventing exchange rate risk.

- Renovate the management of the State’s foreign exchange reserves in accordance with international practices and the size of foreign exchange reserves in each period, with the aim to ensure the harmony of objectives of safety, liquidity and profitability. Improve capacities for analysis and forecast in order to set up the structures, standards and investment limits on the State’s foreign exchange reserves in conformity with international and domestic scenarios in each period; establish an independent unit under the State Bank for managing the investments in foreign exchange reserves when these reserves reach a certain size.

- Create a synchronous cooperation between the monetary policy measures in order to stabilize the forex market, step by step extend the size of the state’s forex reserves in accordance with actual conditions.

- Implement comprehensively the measures for eliminating dollarization in the economy by 2030; limit the lending of foreign currency loans in order to switch the capital mobilization and lending of foreign currency loans to foreign currency trading, with the aim to ensure the liquidity of foreign currency and the increase of forex reserves; implement the scheme on liberalization of capital transactions in accordance with Vietnam’s road map for the implementation of international commitments, which have been approved by the Prime Minister in the Decision No. 1590/QD-TTg dated August 11, 2016.

c. Renovate the management framework for gold market in order to attain sustainable development goals, limit the use of gold as a currency and support monetary policy management and macroeconomic stability.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd. Develop a sustainable and transparent monetary market in accordance with the orientations and road map for restructuring financial market, with the aim to ensure an appropriate market mechanism which is in harmony with the capital and insurance markets.

- Make the information announced on the monetary market more transparent and improve its quality in order to gain trust among the investors and depositors; build the information system for managing the interbank monetary operations, with the aim to support the management of State Bank and the demands of the credit institutions.

- Improve the quality of financial and annual reporting of credit institutions; the information provided in such reports shall be adequate and accurate, including non-financial information regarding the ownership structure and the governance activities.

4. Develop, manage and supervise the key payment systems in the economy

a. Restructure the interbank electronic payment system to become a focused and modern system which is the national backbone and play the role of the payment center of State Bank, with the aim to serve the qualified payment system and the interbank payment system of multi-currencies, ect, and connect with other payment systems in the economy.

b. Build and develop Automated Clearing House (ACH) for retail payment transactions and card transactions in order to provide financial switching services and electronic clearing services by using different payment methods, payment services and payment channels; carry out batch transfer based on the actual time and provide 24/7 services for different entities.

c. Improve the internal payment systems of the banks in order to create a smooth and automatic connection with the ACH and the IBPS (Inter Bank Payment System) of State Bank to serve the payment demands of different entities such as credit institutions, enterprises, individuals and government agencies.

d. Improve the State Bank’s supervisory functions for the key payment systems in the economy in accordance with the supervision standards made by the BIS and IOSCO, keeping the national payment systems safe, effective and smooth; carry out supervision for the cross-border and international payment activities; carry out supervision for the provision of new means and new payment services; conduct research on and build development strategy for payment and final account systems by 2025, and vision to 2030.

dd. Build and promulgate the development strategy for the National Payment Corporation of Vietnam by 2025, and vision to 2030.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a. Improve the organizational structure of banking inspection and supervision agency in accordance with the State Bank’s road map for building organizational structure and operation mechanism.

- Improve and renovate the organizational structure of banking inspection and supervision system by providing a consistent guidance for the banking inspection and supervision agencies and units in provinces, and avoid task overlaps or task missing; build a clear and transparent mechanism that devolves, decentralizes and divides responsibilities, and a cooperation mechanism for sharing information and reporting procedures, and provide management guidance within the system of the banking inspection and supervision agency and between such agency and the units under the State Bank; establish a unit under the aforesaid agency for taking responsibility to manage, inspect and supervise the activities of important credit institutions and of consultancy unit that helps the Governor of the State Bank to manage the operation of credit institutions' system; such credit institutions are the cooperatives.

- Enhance the cooperation in sharing information between the banking inspection and supervision agencies and the law enforcement agencies and the authorities while carrying out financial inspection and supervision tasks in order to keep the financial system safe and stable.

b. Change the inspection and supervision methods:

- Continue changing from conformity-based inspection to risk-based inspection on the basis of risk management; gradually apply this model to all credit institutions and branches of foreign banks; intensify comprehensive inspection of credit institutions.

- Continue changing the supervision activities towards: enhance the efficiency of micro-prudential supervision and macro-prudential supervision on the basis of using new risk-based supervision tools and methods associated with the acceleration of information technology application; promote the State Bank's early-warning capability regarding systematic hidden risks and prevent the credit institutions and branches of foreign banks from violating banking laws; ensure close cooperation between supervision and inspection, issuance of certificates and promulgation of regulations and policies.

c. Increase technology investments for supporting banking inspection and supervision.

d. Build a mechanism for controlling officials and an appropriate mechanism at the same time for protecting them and minimizing the legislative risks for those who carry out banking inspection and supervision.

dd. Enhance the inspection and supervision quality for financial corporations in form of parent – subsidiary companies, in which the parent company is the credit institution; control the linkage between credit institutions and financial institutions which are subjected to the State Bank’s inspection and supervision.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a. Diversify the channels for delivery of banking services:

- Expand the traditional channel network in combination with enhancing the development of modern banking channels (E-banking, mobile banking, internet banking, etc) through application of technology advances.

- Continue developing and organizing the ATM and POS network nationwide in order to satisfy the market demands better; encourage other banks and organizations to invest and expand the ATM network to rural areas where people have little access to banking transaction points; conduct a research on the application of certain modern ATMs; build and carry out the plan on developing ATM cards within the period from 2018 to 2020.

- Encourage cooperation in healthy competitions between the banks and the fintech organizations, other non-bank entities, micro-finance institutions and people's credit funds in order to develop a low-cost branch network for the banks; create an appropriate legal environment in consistent with the safe and effective development of financial institutions; and promulgate the linkage criteria for linking the credit institutions with each other and credit institutions with fintech organizations. .

- Develop a policy on expansion of cash withdrawal points and modern payment methods which are convenient, easy to use and appropriate for different population groups, especially those that live in rural areas, remote areas and economically disadvantaged areas, by using existing network of credit institutions, post office network, and networks of payment processing companies and of other non-bank organizations.

b. Improve quality of and diversify banking products and services:

- Improve the quality of service products by improving customer service attitude, changing procedures and enhancing the application of information technology, saving time and costs, satisfying customer demands better in accordance with the law regulations, and contributing in promoting the development of production and business.

- Focus on developing banking products and services based on modern information technology in order to satisfy the demands of those who have no or little access to banking services; improve flexible microfinance products, which are simple, easy to understand and appropriate for a vast majority of people, especially those who live in rural, remote areas and extremely disadvantaged areas; develop products and services of trade credits and credits of enterprises which participate in value chain.

- Develop value added services on banking delivery channels by using bank cards; establish standards for domestic smart cards and implement the plan for conversion to smart cards in Vietnam following an appropriate road map to ensure card payment facility and connectivity with other payment systems.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c. Develop e-payments to serve e-commerce by improving and enhancing the linkage between the e-payment infrastructure of banking system and the payment infrastructure of other units in order to satisfy the e-payment requirements within e-commerce system, at retail locations and through making payments for invoices and online banking services.

d. Design and carry out the national strategy for financial inclusion.

dd. Carry out green banking activities through increasing the banking sector’s awareness and responsibilities to environment and society; enhance the credit institutions’ capability in developing the products used for mobilizing and lending the credit capital which is contributed in renewable energy, clean energy, low-carbon production and consumption.

7. Develop credit institutions' systems which are capable to compete in domestic market, step by step enhance their ability to participate in international competition:

a. As for commercial banks and non-bank credit institutions (financial companies, consumer finance companies and financial leasing companies):

From 2018 to 2020:

- Revitalize and enhance the financial capability of commercial banks and non-bank credit institutions by raising the capital and improving the quality of their internally generated funds in order to ensure that their charter capital is not lower than their legal capital and to achieve the minimum capital adequacy ratio in accordance with laws and international standards; take charge to implement the methods for controlling credits' quality, reducing bad debts and improving the quality of assets.

- Strongly transform the business models of commercial banks toward diversification banking services, especially non-credit services; improve professionalism in providing electronic banking services; increase export of financial service; continue checking and strengthening main business activities; cut investments in non-banking fields, non-financial sector with multiple risks; give priority to providing credits for key economic sectors, with the aim to contribute in promoting economic restructuring.

- Enhance management capability and transparency in the operation of credit institutions: Improve and apply risk management system in accordance with Basel Committee’s principles and standards and Basle II’s road map in Vietnam; improve and implement banking management regulations in accordance with international practices; develop management and business staff that have high qualifications, obey the law, have good moral quality and a sense of responsibility; diversify the shareholder structure; request the credit institutions to publicly disclose accurate information about their business and ownership strategy, financial process, risk management structure and enterprise management structure in accordance with laws and international practices.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- The state commercial banks shall play a leading role with regards to the banking scale, market share and the ability to regulate market; take the lead in applying modern banking technology and improve advanced management ability; take the initiative to achieve global integration; and participate in restructuring poor-performing credit institutions as guided by the State Bank.

As for the commercial state banks (not including Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development): increase their charter capital to ensure that their capital adequacy ratio is consistent with Basel II standards, ensuring the dominance of the State over commercial banks as the State holds a minimum of 65% of total voting rights; select reputable strategic shareholders in the market who have good financial ability and management experience; and prepare pre-conditions for listing shares in foreign stock market.

The Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development shall play a leading role in the sector of agricultural and rural credit; develop the multipurpose bank model; implement equitization at appropriate time and ensure that the State holds at least 65% of their charter capital.

- Continue strengthening, reorganizing and restructuring join-stock commercial banks and non-bank credit institutions to revitalize and improve their financial ability regarding the banking scale, quality and efficiency, and to ensure the banking system safety; ensure a transparent business operation according to the market mechanism to fully satisfy the banking management and security standards as prescribed by laws and international practices.

- Encourage and provide favorable conditions for the well-performing credit institutions and the potential foreign investors to participate in restructuring join-stock commercial banks and poor-performing credit institutions; promote the selling and merging of credit institutions on a basis of volunteering, with the aim to establish new institutions with larger scale and better management.

- Provide favorable conditions for the foreign credit institutions to conduct business and compete fairly with Vietnam’s credit institutions; encourage the foreign credit institutions to participate in supporting and handling problems regarding the poor performance of domestic credit institutions; also, encourage the foreign credit institutions to take the lead in developing and applying modern technology, with the aim to bring new products and services to Vietnam market; support domestic credit institutions in accessing new products and services, with the aim to satisfy the diversified demands of the customers.

From 2021 to 2025:

- Comply with the international standards and practices in managing and operating credit institutions at a higher level; continue improving and implementing the internal policies and procedures; check, evaluate and amend the advanced management methods based on international standards and practices as prescribed by Vietnam’s laws; summarize the reports on applying Basel II according to standard approach; apply Basel II under the advanced approaches to the commercial banking systems prescribed in the State Bank’s road map.

- Continue modernizing the technology system and enhancing the application of information technology in managing, analyzing and preventing risks; continue investing in and having appropriate methods for securing information technology system.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- The credit institutions shall take charge to develop/adjust the business strategy in accordance with the new period; in which the service development strategy shall be clear and focus on developing the modern banking channels that apply digital technology; diversify the banking service products, develop non-credit channels with the aim to increase the percentage of earnings from non-credit activities, and commit to participate actively and effectively in implementing financial inclusion.

- The state commercial banks shall continue playing a leading role in improving the banking scale, market share and the ability to regulate market; take the lead in applying Basel II under advanced approaches leading to global integration; ensure that the State’s ownership ratio reaches 51%; list shares on the foreign stock market (except Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development; this bank shall list shares on domestic stock market).

- All join-stock commercial banks shall satisfy the capital, database and human resource conditions in order to fully apply Basel II according to standard approach; select joint-stock commercial banks that have applied Basel II according to standard approach and have had good management quality for applying Basel II under advanced approaches; encourage qualified joint-stock commercial banks to list the shares on foreign stock market.

- Develop different forms of non-bank credit institutions in accordance with international practices and actual conditions in Vietnam.

- The foreign credit institutions shall continue to take the lead in developing banking services and creating a competitive environment for promoting the development of domestic credit institutions.

b. As for cooperative credit institutions and microfinance institutions:

- As for cooperative credit institutions:

From 2018 to 2020:

As for cooperative banks: enhance the role and responsibilities of Cooperative Banks in regulating capital, checking and supervising the customers' process of using loans and their solvency; provide professional guidance and training in banking sector and information technology sector; support banking activities of members of people's credit funds; participate in handling these members' difficulties that may lead to unsafe activities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

As for Vietnam Association of People’s Credit Funds (hereinafter abbreviated as “VAPCF”): strengthen the organization and operation of VAPCF in order that this association takes the lead in linking the system of people's credit funds, carrying out interest representation and guiding the general development of such funds; cooperate with the cooperative banks at the same time to provide training for the funds’ officials and establish an independent auditing agency in accordance with the laws.

From 2021 to 2025:

As for the cooperative banks: complete the transformation of cooperative banks into banks of all people’s credit funds in order to improve the linkage and ensure the operational safety of the system through financial support and operational supervision; the main activity is to regulate the capital, carry out banking activities and manage the operation of the Fund to keep the system of people credit funds safe and secure; conduct research on and build the independent credit appraisal center with the aim to improve the credit quality of people's credit funds.

As for the people’s credit funds: apply the methods for ensuring that such funds operate in accordance with the guidelines, purposes and principles of cooperative credit institutions; improve the linkage and mutual assistance between the funds' members; focus on supporting the production development and service business, and improve the living conditions of such members; continue improving the mechanism, management structures, investment in facilities and information technology system, and diversifying and modernizing the products and services in accordance with international practices and the particularities of cooperative credit institutions, with the aim to provide better services for the members, establish the linkage between the professional people’s credit funds or between such funds and other people’s credit funds, or between the professional people’s credit funds and cooperative banks.

As for the VAPCF: improve the organizational structure and the operation of VAPCF in order that VAPCF cooperates with cooperative banks in improving the linkage between the system of credit institutions, which are the cooperatives, and the system of people's credit funds; contribute in supporting and ensuring that the system of people’s credit funds operate and develop in a safe and stable manner.

- As for the microfinance institutions:

From 2018 to 2020: build and develop a safe and strong microfinance system towards market orientation; ensure that the micro enterprises, poor households and low-income persons have access to qualified financial services; provide opportunities for people to develop economically; implement the Party's and Government's undertakings to ensure social security or sustainable poverty reduction; carry out a synchronous scheme for “building and developing the microfinance system in Vietnam till the end of 2020”; this scheme is approved by the Prime Minister in the Decision No. 2195/QD-TTg dated December 06, 2011; this strategy also aims to provide favorable conditions for the establishment of microfinance institutions and the operation of microfinance programs and projects; provide mechanism for management and supervision in accordance with the particularities of micro-finance operation; develop particular policy with the aim to link the operation of credit institutions with the operation of microfinance institutions.

From 2021 to 2025: continue providing mechanism for encouraging and supporting the development of microfinance institutions, increase the quantity of such institutions in order to improve the customers’ accessibility to financial services, and support the implementation of national strategy for financial inclusion.

8. Improve the banking activities of other credit institutions

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Focus on transforming the policy lending of commercial banks to policy lending of Vietnam Bank for Social Policy; make the Vietnam Bank for Social Policy become an organization with autonomy and sustainable development, at the same time maintaining its role as the public financial institution that implement the government’s social policies; focus on the sectors that cannot be satisfied or can be partially satisfied by the financial institutions that operate according to the market principles.

- Period from 2018 to 2020: achieve the objectives of the development strategy of Vietnam Bank for Social Policy in the period from 2011 to 2020, and also effectively carry out the tasks and methods of the aforesaid development strategy, which is approved by the Prime Minister in the Decision No. 852/QD-TTg dated July 10, 2012.

- The development strategy from 2021 to 2030 shall be designed and submitted to the Prime Minister for approval based on the final evaluation report about the implementation results of the development strategy of Vietnam Bank for Social Policy from 2011 to 2020

b. As for VAMC:

Develop VAMC to become the center for handling bad debts associated with the restructuring of credit institutions in order to promote the development of debt trading market, ensure that the credit institutions develop in a safe and stable manner and have full capability and sufficient resources to buy, sell and handle bad debts, at the same time, determine the assets' prices and hold auctions for such assets.

c. As for the deposit insurance of Vietnam:

- Develop the deposit insurance of Vietnam into a single member limited liability company of which 100% charter capital is held by the State and its representative is the State Bank; protect the legal rights and legal interests of the depositors in order to contribute in maintaining the stability of the credit institutions' system and ensuring a safe and healthy banking development.

- The deposit insurance of Vietnam shall strengthen its financial capability, improve its performance, organizational structure and the skills of its officials; apply modern technology with the aim to effectively carry out banking supervision and evaluation, participate in special control, and give early warnings about the hidden risks that the organizations participating in deposit insurance may face; participate in restructuring poor–performing credit institutions; determine and collect the deposit insurance premiums, manage the investment capital, disseminate the deposit insurance policy and pay for the insurance in accordance with the international practices and regulations of Vietnam's laws.

- Develop and carry out the strategy for developing deposit insurance by 2025 and vision to 2030.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a. Have access to the application of science and technology and be acutely aware of the impact of the fourth industrial revolution in changing the operations of banking sector:

- Continue renovating and applying modern technology by enhancing the integration of technology during the process of managing both the State Bank's system and the credit institutions’ system.

- Increase the measures for ensuring the safety of credit institutions’ system and continue supporting the construction of disaster recovery center; strengthen the measures for ensuring security and safety for interbank payment system; strengthen the regulations and measures for ensuring security, safety and confidentiality in making payments via ATM and POS networks or other payment methods that use high technology; supervise carefully the cash flow arising from the cross-border or international payment activities.

- Continue improving the legal framework for developing the new technology services, new payment methods and activities of new service providers in order to satisfy the management requirements during the fourth industrial revolution; develop clear mechanism and clear legal framework for approving the establishment of netting organizations based on a competitive principle, with the aim to provide the basis for developing payment methods on a larger scale and improving the quality of payment services.

- Implement the strategy for developing the information technology system and keeping the banking system safe and secure by 2025, with vision to 2030.

b. Focus on developing science and technology:

- Strengthen the autonomy of science and technology organizations and the research and training organizations in the banking sector.

- Enhance the investments in science and technology of banking sector; focus on the quality of scientific research and management, and improve the scientific research application.

- Encourage initiatives and innovations; expand the activities in cooperating and establishing the fundings for scientific research activities of credit institutions. Connect the scientific research activities with reality; provide scientific arguments with the aim to develop strategies, schemes and plans for banking business activities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Develop professional standards and require practicing certificates from certain core positions in banking sector; reform strongly the tasks of officials.

- Enhance the cooperation between the banking training unit and the unit that uses labor in banking sector.

- Focus on the training of qualified human resources in order to satisfy the development requirements of banking sector and the international economic integration, and pay high attention to the leadership and the top experts in order to reach the regional and international level. Provide trainings for the experts in the following areas of banking sector: monetary policy, management of foreign exchange reserves, payment, banking inspection and supervision, analysis, forecasts and risk management, ect.

- Train the officials to become able to keep up with the progress of science and technology and apply such knowledge into the actual practices of banking sector, at the same time, equip and provide new skill trainings for the current officials, ensuring that the professional officials of State Bank can apply information technology, have advanced approaches and the ability to suggest and provide advises on developing policies and implementing state management regarding the monetary, credit and banking operations, with the aim to satisfy the requirements of the economy in the context of deep international economic integration and strong development of science and technology; strengthen personal autonomy and responsibilities; build up information technology staff who are professionally qualified, satisfy the management requirements and being in charge of modern technology system.

- Enhance cooperation and make the most of the supports, technology transfer and professional trainings from international organizations such as World Bank, International Monetary Fund, Japan International Cooperation Agency, Asian Development Bank and other central banks in developed countries, etc, in order to improve the qualifications, experiences and professional skills of banking officials, employees and management staff.

- Develop and carry out the strategy for developing banking human resources by 2025 and vision to 2030.

10. Enhance international cooperation and promote the process of international banking integration.

a. Continue implementing the Party's and Government's resolution on international integration. Cooperate with relevant ministries and agencies in implementing effectively the Resolution No. 06-NQ/TW.

b. Continue implementing the commitments in financial and banking sectors as prescribed in the free trade agreements to which Vietnam is a signatory.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d. Improve Vietnam’s relations and raise the State Bank’s voice and position in financial, monetary and banking organizations in the world or in regional or international fora and with other international partners by having the State Bank completing its role as the representative for Vietnam’s government and enhancing the relations between Vietnam and international monetary organizations or international banking organizations; participate in the activities for developing the policies, innovations, capital raising programs, system restructuring and banking reform of monetary organizations and international banks, with the aim to raise the position of Vietnam to a higher level.

dd. Mobilize and use effectively international partners’ financial and technical resources for contributing in the socio-economic development of Vietnam in general and of the banks in particular; take the initiative in searching for new partners to join the institutions and participate in financial and monetary fora in the regional countries or worldwide, with the aim to strengthen financial and technical resources to serve the national development.

e. Take and share information with international financial institutions, international monetary institutions and central banks worldwide in order to provide timely measures for handling financial difficulties and risks.

g. Improve the ability to participate in international integration and prepare human, technical and management resources that satisfy the international requirements, with the aim to introduce qualified employees to work in international organizations.

11. Strengthen and improve the efficiency of State bank’s communication activities:

Develop the State Bank's communication plan in each period in order to make the policy administration process more transparent, raise public awareness and increase public trust in the banking system.

III. CERTAIN PROJECTS, SECTORAL STRATEGIES, IMPLEMENTATION SCHEMES AND ROAD MAP

Together with the sectoral strategies and schemes which have been promulgated, the State Bank shall also focus on developing and implementing the following law projects, sectoral strategies and schemes:

1. Develop and send the law projects, sectoral strategies and schemes to the competent authorities (details are specified in the Appendix hereto)

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- The Law Project on amending the Law on Credit Institutions (compositions of financial cooperation).

- Groups of sectoral strategies:

(1) Strategy for developing deposit insurance by 2025 and vision to 2030.

(2) National strategy for financial inclusion.

- Groups of schemes:

The schemes focus on the solutions for limiting the use of gold as a currency in the economy in order to convert the gold resources into cash and use them for the socio-economic development from 2018 to 2020.

(2) Schemes for restricting the dollarization in the economy by 2020 and vision to 2030.

(2) Framework scheme for preparing resources, assigning and recommending representatives to participate in the study, task, research, secondment and exchange of officials in the international banking financial institutions, during the periods from 2018 to 2020 and from 2020 to 2030.

b. From 2021 to 2025: Develop and implement 03 law projects, to be specific:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(2) The law projects on amending certain articles of the Law on Deposit Insurance.

(3) The law projects on amending certain articles of the Law on Vietnam State Bank.

2. The schemes are under the approval decisions of the Governor of the State Bank:

Based on the tasks and solutions mentioned in this strategy, the State Bank shall take the initiative to specify relevant schemes, which are under the approval decisions of the Governor of the State Bank, in the action program of banking sector and implement these schemes in order to achieve the strategy objectives.

Article 2. Implementation

1. The State Bank shall take charge and cooperate with the relevant ministries, sectors and agencies to:

a. Develop action programs to implement the contents of this strategy in each period.

b. Provide guidance, carry out inspection, supervision and evaluation for this strategy's implementation process, and send an annual report to the Prime Minister; organize a preliminary (in 2020, 2025) and organize a review (in 2030) with the aim to learn from the experience of the implementation of strategy's tasks, solutions and objectives in each period.

c. Cooperate with the Ministry of Finance and Ministry of Planning and Investment to send the charter capital increase plan of commercial banks, of which more than 50% charter capital is held by the State by 2020, to the Prime Minister in order to fully satisfy the capital requirements according to Basel II standards.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd. Cooperate with the Ministry of Finance and relevant ministries and sectors to develop the mechanism for cooperation and information sharing, while supervising the credit institutions' operation and financial system.

e. Provide consultancy for the Prime Minister and submit to him the decision on adjusting the objectives and contents of this Strategy if necessary.

2. The Ministry of Planning and Investment shall take charge and cooperate with the Ministry of Finance to allocate the resources for implementing this Strategy as specified in the regulations of the Law on State Budget.

3. The Ministry of Finance shall take charge and cooperate with relevant ministries, sectors and agencies in charge of the state-owned enterprises and the credit institutions to:

a. Cooperate with the State Bank and Ministry of Planning and Investment to balance and allocate the resources for increasing the charter capital of state commercial banks as prescribed in the approved charter capital increase plan to 2020.

b. Conduct research on and improve the legal framework for the business of selling and purchasing debts of enterprises; and the legal framework for the establishment, development and management of the bond market.

c. Cooperate with the ministries, sectors and localities to conduct research on and develop the road map, at the same time allocate resources to handle bad debts that are related to the arrears from state budget or provincial budget, the bad debts arise from the lending activities under project programs and the decision of the Government and Prime Minister and the debts that are guaranteed by the Government.

d. Cooperate with the ministries, sectors, State Bank, agencies in charge of state enterprises, and agencies or credit institutions that are related to the plan on handling bad debts thoroughly.

dd. Conduct research on and develop the legal framework for the debt securitization, contributing in creating a legal basis for the transactions on stock market and the conversion of bad debts to securities, with the aim to make the transactions more transparent at an appropriate time.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g. Cooperate with the State Bank to link the securities settlement system with the interbank electronic payment system and prepare final accounts for the interbank securities transactions at the State Bank.

4. Ministry of Natural Resources and Environment shall take charge, conduct a research and amend the regulations of the Law on Land, with the aim to solve the problems that arise from the receiving of collateral which is the land use rights of the organizations other than credit institutions.

5. Ministry of Information and Communications shall take charge and cooperate with the State Bank, People's Committees of provinces and central affiliated cities, relevant ministries, agencies and organizations to develop and implement the plan on disseminating this Strategy and the monetary and banking policies.

6. The People's Committee of provinces and central affiliated cities shall cooperate with the State Bank in implementing this Strategy; ensure a consistent and synchronous cooperation in implementing the socio-economic development plan of sectors and localities.

Article 3. This Decision shall come into effect from the date of signing.

Article 4. Governor of the State bank of Vietnam, Ministers, Heads of ministerial agencies, Heads of governmental agencies, Chair-persons of People's Committees of provinces and central affiliated cities, and Chair-persons and General Directors of credit institutions shall implement this Decision.

 

 

PRIME MINISTER




Nguyen Xuan Phuc

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

APPENDIX

LIST OF PROGRAMS, SCHEMES, PROJECTS AND STRATEGIES THAT ARE NOT UNDER THE APPROVAL DECISION OF THE GOVERNOR
(Enclosed with the Decision No. 986/QD-TTg dated August 08, 2018 of the Prime Minister)

No.

Names of the programs/schemes/projects/sectoral strategies

Units in charge

Cooperative units

Results

Completion date

1

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

State Bank

Ministry of Justice, Ministry of Finance and relevant units

Law Project on Deposit Insurance

2021 - 2025

2

Law on Payment Systems

State Bank

Ministry of Justice, Ministry of Finance and relevant units

Law Project on Payment Systems

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3

Law on amending the Law on Credit Institutions (compositions of financial corporations)

State Bank

National Financial Supervisory Commission and relevant agencies

The Law Project on amending the Law on Credit Institutions (compositions of financial cooperation).

2018 - 2020

4

Law on amending the Law on Vietnam State Bank

State Bank

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Law Project on amending the Law on Vietnam State Bank

2021 - 2025

5

The schemes focus on the solutions for limiting the use of gold as a currency in the economy in order to convert the gold resources into cash and use them for the socio-economic development from 2017 to 2020.

State Bank

Ministry of Finance, Ministry of Industry and Trade, General Statistical Office, Ministry of Science and Technology and relevant units

Approval Decision of the Prime Minister

2018

6

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

State Bank

Ministry of Finance, Ministry of Commerce, Ministry of Planning and Investment, Ministry of Public Security, Ministry of Culture, Sports and Tourism, and other relevant units

Approval Decision of the Prime Minister

2018

7

Framework scheme for preparing resources, assigning and recommending representatives to participate in the study, task, research, secondment and exchange of officials in the international banking financial institutions, during the periods from 2018 to 2020 and from 2020 to 2030

State Bank

Ministry of Foreign Affairs, Ministry of Home Affairs and relevant units

Approval Decision of the Prime Minister

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

8

 National strategy for financial inclusion.

State Bank

Ministry of Education and Training, Ministry of Finance, Ministry of Foreign Affairs, Ministry of Information and Communications and other relevant units

 Prime Minister’s decision on promulgating the National Strategy for Financial Inclusion

2020

9

Strategy for developing deposit insurance by 2025 and vision to 2030

State Bank

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Prime Minister’s decision on promulgating the strategy for developing deposit insurance by 2025 and vision to 2030

2018 - 2020

10

Strategy for developing Vietnam Bank for Social Policy from 2021 to 2030

 Vietnam Bank for Social Policy

State Bank, Ministry of Finance and other relevant units

Prime Minister’s decision on promulgating the strategy for developing the Vietnam Bank for Social Policy from 2021 to 2030

2021

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 986/QĐ-TTg ngày 08/08/2018 về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


34.640

DMCA.com Protection Status
IP: 18.221.217.100
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!