THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
69/2005/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 04 tháng 4 năm 2005
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 69/2005/QĐ-TTG NGÀY 04 THÁNG 4
NĂM 2005 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ XỬ LÝ NỢ BỊ RỦI RO CỦA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH
XÃ HỘI
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về
tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế xử lý nợ bị rủi ro của Ngân hàng
Chính sách xã hội".
Điều 2.
Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Quyết định này.
Điều 3.
Bãi bỏ các quy định về xử lý rủi ro cho các đối tượng chính sách vay vốn của
Ngân hàng Chính sách xã hội gồm:
1. Thông tư Liên tịch số
08/1999/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BKHĐT ngày 15 tháng 3 năm 1999 của Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn giải quyết
các dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm (Quỹ quốc gia giải quyết việc
làm) bị rủi ro.
2. Thông tư Liên tịch số
16/2000/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BKHĐT ngày 05 tháng 7 năm 2000 của Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính- Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn sửa đổi,
bổ sung một số điểm trong Thông tư số 08/1999/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BKHĐT ngày 15
tháng 3 năm 1999 về hướng dẫn giải quyết các dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia hỗ
trợ việc làm (Quỹ quốc gia giải quyết việc làm) bị rủi ro.
3. Thông tư số 97/1998/TT-BTC
ngày 11 tháng 7 năm 1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối
với Quỹ tín dụng đào tạo.
4. Các quy định của Ngân hàng Chính
sách xã hội về việc xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân bất khả kháng cho người
nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đối với các khoản nợ của người
nghèo và các đối tượng chính sách khác vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đang
được khoanh nợ theo các quyết định của các cơ quan có thẩm quyền thì được tiếp
tục thực hiện đến hết thời gian khoanh nợ theo các quyết định đó.
Điều 4.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc
Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
QUY CHẾ
XỬ LÝ NỢ BỊ RỦI RO CỦA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 69/2005/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2005 của
Thủ tướng Chính phủ)
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Đối tượng áp dụng
1. Ngân hàng Chính sách xã hội.
2. Khách hàng được vay vốn của
Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 78/2002/NĐ-CP
ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các
đối tượng chính sách khác, bao gồm:
a) Hộ nghèo;
b) Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh
khó khăn đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề;
c) Các đối tượng cần vay vốn để
giải quyết việc làm theo Nghị quyết số 120/HĐBT ngày 11 tháng 4 năm 1992 của Hội
đồng Bộ trưởng (nay được thay thế bằng Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng
4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Bộ luật Lao động về việc làm);
d) Các đối tượng chính sách đi
lao động có thời hạn ở nước ngoài;
đ) Các tổ chức kinh tế và hộ sản
xuất, kinh doanh thuộc hải đảo; thuộc khu vực II, III miền núi và thuộc chương
trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu,
vùng xa (nếu có);
e) Các đối tượng khác khi có quyết
định của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2.
Phạm vi xử lý nợ bị rủi ro
1. Quy chế này
quy định việc xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan của Ngân hàng Chính
sách xã hội.
2. Các khoản nợ bị rủi ro trong
cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng
Chính sách xã hội do nguyên nhân chủ quan của tổ chức, cá nhân thì tổ chức, cá
nhân gây ra tổn thất phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Chủ tịch Hội
đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định mức bồi thường của các tổ
chức, cá nhân gây ra tổn thất và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.
3. Các khoản cho vay đối với người
nghèo và các đối tượng chính sách khác tại Ngân hàng Chính sách xã hội bằng nguồn
vốn tài trợ uỷ thác đầu tư theo từng Hiệp định hoặc Hợp đồng ký kết với các tổ
chức, cá nhân trong và ngoài nước khác mà được trích dự phòng rủi ro thì việc xử
lý nợ bị rủi ro thực hiện theo Hiệp định hoặc Hợp đồng đã ký kết với tổ chức,
cá nhân uỷ thác.
Điều 3.
Biện pháp xử lý nợ bị rủi ro
1. Miễn, giảm
lãi tiền vay.
2. Xoá nợ.
Điều 4.
Nguyên tắc xử lý nợ bị rủi ro
1. Việc xem xét, xử lý nợ bị rủi
ro cho khách hàng chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:
a) Khách hàng là hộ nghèo và các
đối tượng chính sách khác được vay vốn theo quy định tại Điều 2 Nghị định số
78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ đã sử dụng vốn vay đúng mục
đích;
b) Khách hàng bị thiệt hại do
nguyên nhân khách quan làm mất một phần hoặc toàn bộ vốn, tài sản;
c) Khách hàng gặp khó khăn về
tài chính dẫn đến chưa có khả năng trả được nợ hoặc không trả được nợ cho Ngân
hàng.
2. Việc xử lý nợ bị rủi ro cho
khách hàng được xem xét từng trường hợp cụ thể căn cứ vào nguyên nhân dẫn đến rủi
ro, mức độ rủi ro và khả năng trả nợ của khách hàng, đảm bảo đầy đủ hồ sơ pháp
lý, đúng trình tự, khách quan và công bằng giữa các đối tượng vay vốn.
3. Chủ tịch Hội đồng quản trị và
Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước
các cơ quan quản lý nhà nước về việc thực hiện xử lý nợ bị rủi ro cho khách
hàng vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Điều 5.
Thời điểm xem xét xử lý nợ bị rủi ro
Việc xem xét xử lý nợ bị rủi ro
do nguyên nhân khách quan được thực hiện tại thời điểm thực tế phát sinh rủi ro
hoặc theo từng đợt trên cơ sở đề nghị của khách hàng, của Ngân hàng Chính sách
xã hội và chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Chương 2:
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 6.
Các nguyên nhân sau đây được coi là nguyên nhân khách quan
1. Thiên tai, địch hoạ, hoả hoạn,
dịch bệnh xảy ra làm thiệt hại trực tiếp đến vốn, tài sản của khách hàng hoặc của
dự án.
2. Nhà nước điều chỉnh chính
sách làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng
như: không còn nguồn cung cấp nguyên vật liệu; mặt hàng sản xuất, kinh doanh bị
cấm.
3. Khách hàng là cá nhân vay vốn
bị mất năng lực hành vi dân sự, người vay vốn ốm đau thường xuyên, mắc bệnh tâm
thần, có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt không nơi nương tựa, chết, mất tích hoặc bị
tuyên bố là chết, mất tích không còn tài sản để trả nợ hoặc không có người thừa
kế hoặc người thừa kế thực sự không có khả năng trả nợ thay cho khách hàng.
4. Khách hàng là pháp nhân, tổ
chức kinh tế đã có quyết định giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật
mà không còn pháp nhân, không còn vốn, tài sản để trả nợ cho Ngân hàng.
Điều 7.
Các biện pháp xử lý nợ bị rủi ro
1. Miễn, giảm
lãi tiền vay là việc Ngân hàng Chính sách xã hội miễn không thu lãi hoặc giảm một
phần lãi tiền vay cho khách hàng theo các điều kiện và thời gian quy định.
a) Điều kiện miễn lãi tiền vay:
- Khách hàng vay vốn bị rủi ro
do các nguyên nhân nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Chương II Quy chế này.
- Khách hàng gặp khó khăn về tài
chính dẫn đến chưa trả được nợ cho Ngân hàng nhưng vẫn còn khả năng trả nợ.
- Mức độ rủi ro thiệt hại về vốn
và tài sản của khách hàng do các nguyên nhân nêu trên từ 80% đến 100% so với tổng
số vốn thực hiện của dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng.
Số tiền miễn lãi của Ngân hàng
Chính sách xã hội cho mỗi khách hàng không vượt quá số lãi tiền vay tính trên
thời gian cho vay trong hạn (không kể thời gian gia hạn nợ).
b) Điều kiện giảm lãi tiền vay:
- Khách hàng vay vốn bị rủi ro
do các nguyên nhân nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Chương II Quy chế này.
- Khách hàng gặp khó khăn về tài
chính dẫn đến chưa trả được nợ cho Ngân hàng nhưng vẫn còn khả năng trả nợ.
- Mức độ rủi ro thiệt hại về vốn
và tài sản của khách hàng do các nguyên nhân nêu trên từ 40% đến dưới 80% so với
tổng số vốn thực hiện của dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh của khách
hàng.
Số tiền giảm lãi của Ngân hàng
Chính sách xã hội cho mỗi khách hàng không vượt quá 50% số lãi tiền vay tính
trên thời gian cho vay trong hạn (không kể thời gian gia hạn nợ).
2. Xoá nợ (gốc,
lãi).
a) Xoá nợ gốc, lãi là việc Ngân
hàng Chính sách xã hội không thu một phần hoặc toàn bộ nợ gốc, lãi (nếu có) của
khách hàng đang còn dư nợ tại Ngân hàng gặp rủi ro sau khi đã tận thu mọi nguồn
có khả năng thanh toán;
b) Điều kiện xóa nợ: khách hàng
vay vốn bị rủi ro do các nguyên nhân nêu tại khoản 3 và khoản 4 Điều 6 Chương
II Quy chế này;
c) Số tiền xoá nợ (gốc, lãi) cho
khách hàng bằng số tiền khách hàng còn phải trả cho Ngân hàng, sau khi Ngân
hàng đã áp dụng các biện pháp tận thu.
Điều 8.
Hồ sơ pháp lý để xử lý rủi ro
1. Đối với
miễn, giảm lãi tiền vay
a) Đơn xin miễn, giảm lãi tiền
vay của khách hàng. Trong đơn khách hàng nêu rõ nguyên nhân gây thiệt hại; mức
độ thiệt hại về vốn và tài sản; khả năng trả nợ; số tiền lãi còn phải trả Ngân
hàng; số tiền lãi xin miễn, giảm lãi;
b) Biên bản xác định mức độ thiệt
hại về vốn và tài sản do Ngân hàng Chính sách xã hội và khách hàng lập có xác
nhận của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền;
c) Bản sao hợp đồng tín dụng, khế
ước vay vốn hoặc sổ tiết kiệm vay vốn (Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay
ký sao y);
d) Trường hợp khách hàng là tổ
chức kinh tế thì ngoài các văn bản nêu trên, cần có các giấy tờ sau:
- Biên bản xác định mức độ tổn
thất, thiệt hại về vốn và tài sản theo quy định của pháp luật kèm báo cáo tài
chính 2 năm gần nhất của tổ chức kinh tế;
- Phương án khôi phục sản xuất -
kinh doanh của tổ chức kinh tế.
2. Đối với
xoá nợ
a) Hồ sơ xoá nợ cho khách hàng
phải phản ánh rõ nguyên nhân dẫn đến rủi ro không trả được nợ; mức độ thiệt hại
về vốn và tài sản; khả năng trả nợ; số tiền gốc và lãi đang còn nợ Ngân hàng; số
tiền gốc và lãi xin xoá nợ;
b) Trường hợp khách hàng là cá
nhân vay vốn bị mất năng lực hành vi dân sự, chết, bị mất tích hoặc bị coi là
chết, mất tích phải có giấy chứng tử hoặc giấy xác nhận mất tích của lãnh đạo Uỷ
ban nhân dân xã, phường hoặc của cơ quan có thẩm quyền khác;
c) Trường hợp khách hàng là pháp
nhân, tổ chức kinh tế đã phá sản, giải thể phải có quyết định của cơ quan nhà
nước có thẩm quyền hoặc tuyên bố của Toà án và các văn bản liên quan đến việc
thanh lý tài sản;
d) Bản sao hợp đồng tín dụng, khế
ước vay vốn hoặc sổ tiết kiệm và vay vốn (Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho
vay ký sao y);
đ) Các giấy tờ liên quan khác (nếu
có).
Điều 9.
Thẩm quyền và trách nhiệm xử lý nợ bị rủi ro
1. Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết
định việc miễn, giảm lãi, xoá nợ cho khách hàng vay vốn từ Ngân hàng Chính sách
xã hội bị rủi ro do nguyên nhân khách quan xảy ra trên diện rộng và trên cơ sở
đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
và thẩm định của liên Bộ.
2. Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ
Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam:
- Phúc tra hồ sơ đề nghị miễn,
giảm lãi, xoá nợ cho khách hàng vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội bị rủi
ro do nguyên nhân khách quan xảy ra trên diện rộng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ
xem xét, quyết định;
- Kiểm tra việc thực hiện xử lý
nợ cho khách hàng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội bị rủi ro do nguyên
nhân khách quan theo quy định tại Quy chế này.
3. Ngân hàng Chính sách xã hội
- Hội đồng Quản trị Ngân hàng
Chính sách xã hội xem xét, quyết định việc xử lý nợ cho khách hàng vay vốn tại
Ngân hàng Chính sách xã hội bị rủi ro do nguyên nhân khách quan đối với các trường
hợp còn lại thuộc diện đơn lẻ, cục bộ; xem xét, quyết định việc gia hạn nợ cho
khách hàng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội bị rủi ro do nguyên nhân
khách quan xảy ra trên diện rộng
- Hội đồng Quản trị Ngân hàng
Chính sách xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị trong hệ thống Ngân
hàng Chính sách xã hội và khách hàng lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ bị rủi ro theo
quy định tại Quy chế này.
- Hội đồng Quản trị Ngân hàng
Chính sách xã hội chịu trách nhiệm kiểm tra xác nhận mức độ rủi ro của khách
hàng; xác nhận tính chính xác, tính hợp pháp của hồ sơ đề nghị xử lý nợ của
khách hàng để quyết định xử lý nợ theo thẩm quyền hoặc báo cáo liên Bộ phúc tra
hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Điều 10. Trình
tự thực hiện xử lý nợ bị rủi ro
1. Khách hàng gặp rủi ro có các
khoản nợ đề nghị xử lý phải lập hồ sơ theo quy định và gửi đến Ngân hàng Chính sách
xã hội nơi vay vốn để Ngân hàng kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ và tổng
hợp trình cấp có thẩm quyền và gửi Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh.
2. Chi nhánh Ngân hàng Chính
sách xã hội cấp tỉnh kiểm tra xác nhận tính chính xác, tính hợp pháp của hồ sơ
đề nghị xử lý nợ của khách hàng, tổng hợp và có ý kiến bằng văn bản về đề nghị
xử lý rủi ro của khách hàng vay vốn trình cấp có thẩm quyền và gửi về Ngân hàng
Chính sách xã hội kèm bộ hồ sơ xử lý nợ của khách hàng.
3. Ngân hàng Chính sách xã hội
chịu trách nhiệm kiểm tra, tổng hợp các đề nghị của khách hàng và chi nhánh
Ngân hàng Chính sách xã hội để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với trường hợp
rủi ro xảy ra trên diện đơn lẻ, cục bộ hoặc báo cáo liên Bộ xem xét trình Thủ
tướng Chính phủ quyết định đối với trường hợp rủi ro xảy ra trên diện rộng.
4. Căn cứ quyết định xử lý nợ bị
rủi ro của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn
và tổ chức thực hiện theo quy định.
Điều 11.
Nguồn vốn để xử lý nợ bị rủi ro
1. Nguồn vốn để xử lý nợ cho
khách hàng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội bị rủi ro do nguyên nhân
khách quan xảy ra trên diện rộng do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Nguồn vốn để xử lý nợ cho
khách hàng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội bị rủi ro do nguyên nhân
khách quan thuộc diện đơn lẻ, cục bộ được lấy từ Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng của
Ngân hàng Chính sách xã hội. (Việc trích lập và sử dụng Quỹ dự phòng rủi ro của
Ngân hàng chính sách xã hội được quy định tại văn bản riêng).
Chương 3:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12.
Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ
trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam tổ chức kiểm tra việc thực hiện của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng cơ quan trung ương các tổ chức
đoàn thể tham gia hoạt động tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính
sách, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội
có trách nhiệm thi hành Quy chế này.