CHÍNH
PHỦ
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – tự do – Hạnh phúc
|
Số
160/2006/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2006
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH NGOẠI HỐI
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 12 tháng 12 năm 1997 và Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 17 tháng 6 năm
2003;
Căn cứ Pháp lệnh Ngoại hối ngày 13 tháng 12 năm 2005;
Xét đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
NGHỊ ĐỊNH :
Chương 1
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định
chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối về các hoạt động ngoại hối
của người cư trú, người không cư trú trong giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, sử
dụng ngoại hối, hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối, thị trường ngoại tệ và tỷ
giá hối đoái, quản lý xuất nhập khẩu vàng tại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt
Nam.
2. Quản lý dự trữ ngoại
hối nhà nước được thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.
3. Xử lý vi phạm về ngoại
hối và hoạt động ngoại hối được thực hiện theo quy định của Chính phủ về xử phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức,
cá nhân là người cư trú, người không cư trú có hoạt động ngoại hối tại Việt
Nam.
2. Tổ chức,
cá nhân là người cư trú liên quan đến hoạt động ngoại hối trong việc quản lý,
kiểm tra và xử lý vi phạm.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ
dưới đây được hiểu như sau:
1. Ngoại hối bao gồm:
a) Đồng tiền của quốc gia, lãnh
thổ khác, đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong
thanh toán quốc tế và khu vực (sau đây gọi là ngoại tệ);
b) Phương tiện thanh toán bằng
ngoại tệ, gồm séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, chứng
chỉ tiền gửi và các phương tiện thanh toán khác;
c) Các loại giấy tờ có giá bằng
ngoại tệ, gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và
các loại giấy tờ có giá khác;
d) Vàng thuộc dự trữ ngoại hối
nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi,
hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;
đ) Đồng tiền của nước Cộng hoà
xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ
Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế.
2. Người cư trú là tổ chức,
cá nhân thuộc các đối tượng sau đây:
a) Tổ chức tín dụng được thành lập,
hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (sau đây gọi là tổ chức tín dụng);
b) Tổ chức kinh tế được thành lập,
hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trừ đối tượng quy định tại điểm a khoản này
(sau đây gọi là tổ chức kinh tế);
c) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực
lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị
xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội,
quỹ từ thiện của Việt Nam hoạt động tại Việt Nam;
d) Cơ quan đại diện ngoại giao,
cơ quan lãnh sự của Việt Nam tại nước ngoài;
đ) Văn phòng đại diện tại nước
ngoài của các tổ chức quy định tại các điểm a, b và c khoản này;
e) Công dân Việt Nam cư trú tại
Việt Nam; công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thời hạn dưới 12 tháng; công
dân Việt Nam làm việc tại các tổ chức quy định tại điểm d và điểm đ khoản này
và cá nhân đi theo họ;
g) Công dân Việt Nam đi du lịch,
học tập, chữa bệnh và thăm viếng ở nước ngoài;
h) Người nước ngoài cư trú tại
Việt Nam có thời hạn từ 12 tháng trở lên, trừ các trường hợp người nước ngoài học
tập, chữa bệnh, du lịch hoặc làm việc cho cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự,
văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.
3. Người không cư trú là
các đối tượng không quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Giao dịch vốn là giao
dịch chuyển vốn giữa người cư trú với người không cư trú trong các
lĩnh vực sau đây:
a) Đầu tư trực tiếp;
b) Đầu tư vào các
giấy tờ có giá;
c) Vay và trả nợ nước ngoài;
d) Cho vay và thu hồi nợ nước
ngoài;
đ) Các hình thức đầu tư khác
theo quy định của pháp luật Việt Nam.
5. Giao dịch vãng lai là
giao dịch giữa người cư trú với người không cư trú không vì mục đích chuyển vốn.
6. Thanh toán và chuyển tiền
đối với các giao dịch vãng lai bao gồm:
a) Các khoản thanh toán và chuyển
tiền liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ;
b) Các khoản vay tín dụng thương
mại và ngân hàng ngắn hạn;
c) Các khoản thu nhập từ đầu tư
trực tiếp và gián tiếp;
d) Các khoản chuyển tiền khi được
phép giảm vốn đầu tư trực tiếp;
đ) Các khoản thanh toán tiền lãi
và trả dần nợ gốc của khoản vay nước ngoài;
e) Các khoản chuyển tiền một chiều
cho mục đích tiêu dùng;
g) Các giao dịch tương tự khác.
7. Chuyển tiền một chiều
là các giao dịch chuyển tiền từ nước ngoài vào Việt Nam hay từ Việt Nam ra nước
ngoài qua ngân hàng, qua bưu điện mang tính chất tài trợ, viện trợ hoặc giúp đỡ
thân nhân gia đình, sử dụng chi tiêu cá nhân không liên quan đến việc thanh
toán xuất khẩu, nhập khẩu về hàng hoá và dịch vụ.
8. Hoạt động ngoại hối là
hoạt động của người cư trú, người không cư trú trong giao dịch vãng lai, giao dịch
vốn, sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại
hối và các giao dịch khác liên quan đến ngoại hối.
9. Cung ứng dịch vụ ngoại hối là
việc tổ chức tín dụng và tổ chức khác cung ứng các dịch vụ có liên quan đến hoạt
động ngoại hối để đáp ứng nhu cầu của khách hàng theo quy định của Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam.
10. Tỷ giá hối đoái của đồng
Việt Nam là giá của một đơn vị tiền tệ nước ngoài tính bằng đơn vị tiền tệ
của Việt Nam.
11. Ngoại tệ tiền mặt
bao gồm tiền giấy, tiền kim loại.
12. Tổ chức tín dụng được
phép là các ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng được hoạt động
ngoại hối và cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định tại Nghị định này.
13. Đầu tư trực tiếp nước
ngoài vào Việt Nam là việc người không cư trú chuyển vốn vào Việt Nam để tiến
hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên cơ sở thành lập và tham gia quản lý
các doanh nghiệp hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
14. Đầu tư gián tiếp nước
ngoài vào Việt Nam là việc người không cư trú mua bán chứng khoán, các giấy
tờ có giá khác và góp vốn, mua cổ phần dưới mọi hình thức theo quy định của
pháp luật Việt Nam mà không trực tiếp tham gia quản lý.
15. Đầu tư ra nước ngoài là việc người cư trú chuyển vốn ra nước
ngoài để đầu tư dưới các hình thức theo quy định của pháp luật.
16. Vay và trả nợ nước ngoài
là việc người cư trú vay và trả nợ đối với người không cư trú dưới các hình thức
theo quy định của pháp luật.
17. Cho vay và thu hồi nợ nước
ngoài là việc người cư trú cho vay và thu hồi nợ đối với người không cư trú
dưới các hình thức theo quy định của pháp luật.
18. Cán cân thanh toán quốc tế
là bảng cân đối tổng hợp thống kê một cách có hệ thống toàn bộ các giao dịch
kinh tế được thể hiện bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi giữa Việt Nam và các nước
khác trong một thời kỳ nhất định.
19. Thị trường ngoại tệ
là nơi diễn ra hoạt động mua bán các loại ngoại tệ. Thị trường ngoại tệ của Việt
Nam bao gồm thị trường ngoại tệ liên ngân hàng và thị trường ngoại tệ giữa ngân
hàng với khách hàng.
Điều 4. Áp dụng
pháp luật về ngoại hối, điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế
1. Hoạt động ngoại hối
phải tuân theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có
liên quan.
2. Trường hợp điều ước quốc
tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với
quy định của Nghị định này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
3. Trường hợp hoạt động
ngoại hối mà pháp luật Việt Nam chưa có quy định thì các bên có thể thoả thuận
áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế nếu việc áp dụng pháp luật nước
ngoài, tập quán quốc tế đó không trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật
Việt Nam.
Chương 2:
GIAO DỊCH VÃNG LAI
Điều 5. Tự
do hoá đối với giao dịch vãng lai
Trên lãnh thổ Việt Nam, tất cả
các giao dịch thanh toán và chuyển tiền đối với giao dịch vãng lai của người cư
trú và người không cư trú được tự do thực hiện phù hợp với các quy định tại Nghị
định này và các quy định pháp luật khác có liên quan theo các nguyên tắc sau:
1. Người cư trú, người không cư
trú được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ các nhu cầu thanh
toán và chuyển tiền đối với giao dịch vãng lai;
2. Người cư trú, người không cư
trú có trách nhiệm xuất trình các chứng từ theo quy định của tổ chức tín dụng
khi mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ các giao dịch vãng lai và
chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ
đã xuất trình cho tổ chức tín dụng được phép.
3. Khi mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ các giao dịch
vãng lai, người cư trú, người không cư trú không phải xuất trình các chứng từ
liên quan đến việc xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước Việt Nam.
Điều 6.
Thanh toán và chuyển tiền liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ
1. Người cư trú có nguồn thu ngoại
tệ từ xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ hoặc từ các nguồn thu vãng lai khác ở nước
ngoài phải chuyển vào tài khoản ngoại tệ mở tại tổ chức tín dụng được phép tại
Việt Nam phù hợp với thời hạn thanh toán của hợp đồng hoặc các chứng từ thanh
toán.
2. Người cư trú có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ ở
nước ngoài có nhu cầu giữ lại một phần hay toàn bộ ở nước ngoài phải được Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam cho phép và phải chuyển vào tài khoản được phép mở tại
ngân hàng ở nước ngoài. Số ngoại tệ còn lại phải chuyển về nước.
3. Mọi giao dịch thanh toán và
chuyển tiền liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ phải thực hiện
bằng hình thức chuyển khoản thông qua tổ chức tín dụng được phép, trừ một số
trường hợp thanh toán bằng tiền mặt được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét,
chấp thuận.
Điều 7. Chuyển
tiền một chiều từ nước ngoài vào Việt Nam
1. Người cư trú là tổ chức có
ngoại tệ thu được từ các khoản chuyển tiền một chiều phải chuyển vào tài khoản
ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép hoặc bán cho tổ chức tín dụng được
phép.
2. Người cư trú là cá nhân có
ngoại tệ thu được từ các khoản chuyển tiền một chiều được gửi vào tài khoản ngoại
tệ, gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ, rút tiền mặt để cất giữ, mang theo người, bán
cho tổ chức tín dụng được phép lấy đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ khác, sử dụng
cho các mục đích theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật
có liên quan.
Điều 8. Chuyển
tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài
1. Người cư trú là tổ chức được
thực hiện chuyển tiền một chiều ra nước ngoài để phục vụ mục đích tài trợ, viện
trợ hoặc các mục đích khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
2. Người cư trú là công dân Việt Nam được mua,
chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài thông qua tổ chức tín dụng được phép cho
các mục đích dưới đây:
a) Học tập, chữa bệnh ở nước
ngoài;
b) Đi công tác, du lịch, thăm viếng
ở nước ngoài;
c) Trả các loại phí, lệ phí cho
nước ngoài;
d) Trợ cấp cho thân nhân đang ở
nước ngoài;
đ) Chuyển tiền thừa kế cho
người hưởng thừa kế ở nước ngoài;
e) Chuyển tiền trong trường hợp
định cư ở nước ngoài;
g) Các mục đích chuyển tiền một
chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác.
3. Người không cư trú, người cư
trú là người nước ngoài có ngoại tệ trên tài khoản hoặc các nguồn thu ngoại tệ
hợp pháp được chuyển, mang ra nước ngoài; trường hợp có nguồn thu hợp pháp bằng
đồng Việt Nam thì được mua ngoại tệ để chuyển, mang ra nước ngoài.
4. Tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm xem xét các chứng từ, giấy
tờ do người cư trú, người không cư trú xuất trình để bán, chuyển, xác nhận nguồn
ngoại tệ tự có hoặc mua từ tổ chức tín dụng được phép để mang ra nước ngoài căn
cứ vào yêu cầu thực tế, hợp lý của từng giao dịch chuyển tiền.
Điều 9. Mang
ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt và vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh
Căn cứ vào tình hình thực tế từng
thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể việc người cư trú, người
không cư trú mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt và vàng khi xuất
cảnh, nhập cảnh đối với các nội dung sau:
1. Mức ngoại tệ, đồng Việt Nam bằng
tiền mặt và vàng mang theo người phải khai báo với Hải quan cửa khẩu khi xuất cảnh,
nhập cảnh;
2. Các giấy tờ cần xuất trình trong
trường hợp xuất cảnh mang ngoại tệ, đồng Việt Nam bằng tiền mặt và vàng trên mức
phải khai báo Hải quan;
3. Các đối tượng có thẩm quyền
xác nhận các giấy tờ quy định tại điểm 2 nói trên.
Điều 10. Đồng
tiền sử dụng trong thanh toán vãng lai
1. Người cư trú được lựa chọn đồng
Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi và các đồng tiền khác mà tổ chức tín dụng
được phép chấp nhận làm đồng tiền thanh toán trong giao dịch vãng lai.
2. Trường hợp sử dụng đồng Việt
Nam trong thanh toán vãng lai, người cư trú và người không cư trú được chuyển khoản
thông qua tài khoản đồng Việt Nam mở tại tổ chức tín dụng được phép.
Chương 3:
CÁC GIAO DỊCH VỐN
MỤC 1:
ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM
Điều 11. Mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực
tiếp bằng ngoại tệ
Người cư trú là doanh nghiệp có
vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phải
mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ tại một tổ chức tín dụng được
phép để thực hiện các giao dịch thu, chi sau đây:
1. Thu tiền góp vốn điều lệ, vốn
thực hiện đầu tư trực tiếp và vốn vay nước ngoài trung và dài hạn;
2. Thu ngoại tệ từ tài khoản tiền
gửi ngoại tệ của người cư trú là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên
nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh;
3. Chi ngoại tệ chuyển vào tài khoản
tiền gửi ngoại tệ của người cư trú là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và
bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh;
4. Chi trả tiền gốc, lãi, chi
phí của các khoản vay nước ngoài trung và dài hạn ra khỏi Việt Nam;
5. Chi chuyển vốn, lợi nhuận và
các khoản thu nhập hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi Việt Nam;
6. Các giao dịch thu, chi khác
liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp.
Điều 12.
Chuyển vốn để đầu tư trực tiếp
Các khoản chuyển vốn để đầu tư
trực tiếp vào Việt Nam phải thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp
bằng ngoại tệ mở tại một tổ chức tín dụng được phép.
Điều 13.
Chuyển vốn ra nước ngoài
1. Người cư trú là doanh nghiệp
có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh
được chuyển ra nước ngoài vốn điều lệ, vốn thực hiện đầu tư trực tiếp, vốn vay,
lãi, chi phí vay nước ngoài và các nguồn thu hợp pháp có liên quan đến hoạt động
đầu tư trực tiếp tại Việt Nam qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ.
2. Người cư trú là doanh
nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác
kinh doanh được sử dụng các nguồn thu bằng đồng Việt Nam từ hoạt động đầu tư trực
tiếp tại Việt Nam để mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép và chuyển ra nước
ngoài trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày mua được ngoại tệ.
MỤC 2: ĐẦU TƯ
GIÁN TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM
Điều
14. Mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam
1. Người không cư trú là nhà đầu
tư nước ngoài phải mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam tại tổ
chức tín dụng được phép để thực hiện đầu tư gián tiếp tại Việt Nam. Vốn đầu tư
bằng ngoại tệ phải bán lấy đồng Việt Nam để đầu tư gián tiếp tại Việt Nam. Mọi
giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp phải thực hiện thông qua tài
khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam.
2. Tài khoản vốn đầu tư gián tiếp
bằng đồng Việt Nam được sử dụng để thực hiện các giao dịch thu, chi sau đây:
a) Thu từ bán ngoại tệ cho tổ chức
tín dụng được phép;
b) Thu từ tiền lương, thưởng và
các khoản thu nhập hợp pháp của người không cư trú là Nhà đầu tư nước ngoài;
c) Thu từ việc chuyển nhượng vốn
góp, cổ phần, bán chứng khoán, nhận cổ tức và các khoản thu khác phát sinh từ
hoạt động đầu tư gián tiếp;
d) Chi góp vốn, mua cổ phần, mua
chứng khoán và các khoản chi khác liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp;
đ) Chi mua ngoại tệ tại tổ chức
tín dụng được phép để chuyển ra nước ngoài;
e) Chi thanh toán các khoản chi
phí phát sinh tại Việt Nam;
g) Các giao dịch thu, chi khác
liên quan đến đầu tư gián tiếp tại Việt Nam.
Điều 15.
Chuyển vốn ra nước ngoài
Người không cư trú là nhà đầu tư
nước ngoài được sử dụng đồng Việt Nam trên tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng
đồng Việt Nam để mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép và chuyển ra nước
ngoài.
MỤC 3 : ĐẦU
TƯ CỦA VIỆT NAM RA NƯỚC NGOÀI
Điều 16. Thẩm
quyền cho phép đầu tư ra nước ngoài
1. Người cư trú là tổ chức, cá
nhân được đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức đầu tư trực tiếp khi được phép của
cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực đầu
tư trực tiếp ra nước ngoài.
2. Người cư trú là tổ chức, cá
nhân được đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức đầu tư gián tiếp nếu đáp ứng đủ điều
kiện do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam quy định cụ thể điều kiện, trình tự, thủ tục và việc sử dụng ngoại hối để đầu
tư gián tiếp ra nước ngoài.
Điều 17.
Nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài bằng ngoại tệ
Người cư trú là tổ chức, cá nhân
được sử dụng nguồn vốn ngoại tệ tự có trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ, ngoại tệ
mua từ tổ chức tín dụng được phép, ngoại tệ từ vốn vay để đầu tư ra nước ngoài.
Điều 18.
Chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài
1. Đối với người cư trú là tổ chức
tín dụng: người cư trú là tổ chức tín dụng được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài
theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
2. Đối với người cư trú là tổ chức,
cá nhân:
a) Người cư trú là tổ chức, cá
nhân được phép đầu tư ra nước ngoài phải mở một tài khoản vốn đầu tư ra nước
ngoài bằng ngoại tệ tại một tổ chức tín dụng được phép. Mọi giao dịch chuyển
ngoại tệ ra nước ngoài và vào Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước
ngoài phải thực hiện thông qua tài khoản này;
b) Người cư trú là tổ chức, cá
nhân được phép đầu tư ra nước ngoài phải đăng ký tài khoản vốn đầu tư ra
nước ngoài bằng ngoại tệ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và phải được Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam xác nhận trước khi chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài. Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký và xác nhận tài khoản
vốn đầu tư ra nước ngoài bằng ngoại tệ.
3. Tài khoản vốn đầu tư ra nước
ngoài bằng ngoại tệ được sử dụng để thực hiện các giao dịch thu, chi sau đây:
a) Chi chuyển ngoại tệ tự có,
ngoại tệ mua từ tổ chức tín dụng được phép, ngoại tệ từ nguồn vốn vay để
đầu tư ra nước ngoài;
b) Chi chuyển ngoại tệ vào tài khoản
tiền gửi ngoại tệ của người cư trú là tổ chức, cá nhân được phép đầu tư ra nước
ngoài;
c) Chi bán ngoại tệ cho tổ chức
tín dụng được phép;
d) Thu lợi nhuận, doanh thu và
các khoản thu nhập hợp pháp khác từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài;
đ) Thu vốn bằng ngoại tệ đã đầu
tư về Việt Nam khi chấm dứt, thanh lý hay kết thúc hoạt động đầu tư;
e) Thu ngoại tệ từ việc mua, vay
tại các tổ chức tín dụng được phép hoặc thu từ tài khoản tiền gửi ngoại tệ của
người cư trú là tổ chức, cá nhân được phép đầu tư ra nước ngoài;
g) Các giao dịch thu, chi khác
liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Điều 19.
Chuyển vốn, lợi nhuận về Việt Nam
1. Vốn đầu tư, lợi nhuận và các
nguồn thu từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải được chuyển về Việt Nam thông
qua tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài bằng ngoại tệ đã mở tại tổ chức tín dụng
được phép.
2. Trường hợp đầu tư ra nước
ngoài dưới hình thức đầu tư trực tiếp, vốn gốc, lợi nhuận và các nguồn thu phát
sinh từ dự án ở nước ngoài phải được chuyển về nước theo quy định của pháp luật
về đầu tư ra nước ngoài.
3. Trường hợp đầu tư ra nước
ngoài dưới hình thức đầu tư gián tiếp, lợi nhuận và các nguồn thu từ hình thức
đầu tư gián tiếp phải chuyển về nước chậm nhất không quá 60 ngày, kể từ ngày kết
thúc năm tài chính của nước tiếp nhận đầu tư.
4. Việc sử dụng lợi nhuận và các
nguồn thu có liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài để tái đầu tư phải được
cơ quan có thẩm quyền cho phép và được đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
MỤC 4: VAY,
TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI
Điều
20. Vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ
Việc vay, trả nợ nước ngoài của
Chính phủ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý vay
và trả nợ nước ngoài.
Điều
21. Vay, trả nợ nước ngoài của người cư trú là tổ chức kinh tế, tổ chức
tín dụng
1. Người cư trú là tổ chức kinh
tế, tổ chức tín dụng được trực tiếp vay, trả nợ nước ngoài theo nguyên tắc tự
vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ và sử dụng vốn vay đúng mục đích, phù hợp với
quy định của pháp luật.
2. Người cư trú là tổ chức kinh
tế, tổ chức tín dụng vay và trả nợ nước ngoài phải đáp ứng điều kiện vay, trả nợ
nước ngoài, đăng ký khoản vay, mở và sử dụng tài khoản vốn vay, trả nợ nước
ngoài, rút vốn và chuyển tiền trả nợ, báo cáo tình hình thực hiện khoản vay
theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
3. Các khoản vay nước ngoài của
người cư trú là tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng phải được Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam xác nhận đăng ký. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận đăng ký khoản
vay trong phạm vi tổng hạn mức vay vốn nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt hàng năm.
Điều 22.
Vay, trả nợ nước ngoài của người cư trú là cá nhân
1. Người cư trú là cá nhân chỉ
được thực hiện vay, trả nợ nước ngoài khi đáp ứng được các điều kiện về
vay, trả nợ nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và được Thống
đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép.
2. Người cư trú là cá nhân phải
thực hiện đăng ký khoản vay, mở và sử dụng Tài khoản vốn vay, trả nợ nước
ngoài, rút vốn và trả nợ nước ngoài, báo cáo tình hình thực hiện khoản vay theo
quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Điều
23. Mua ngoại tệ trả nợ nước ngoài
Người cư trú được mua ngoại tệ tại
tổ chức tín dụng được phép để thanh toán nợ gốc, lãi và phí có liên quan của khoản
vay nước ngoài trên cơ sở xuất trình chứng từ hợp lệ.
Mục 5: CHO
VAY, THU HỒI NỢ NƯỚC NGOÀI
Điều 24.
Cho vay, thu hồi nợ nước ngoài của Chính phủ
1. Chính phủ quyết định việc cho
vay, thu hồi nợ nước ngoài của Nhà nước, Chính phủ và các tổ chức được Nhà nước,
Chính phủ ủy quyền trên cơ sở cân đối vĩ mô về nguồn vốn nhà nước.
2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp
với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành có liên
quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức cho vay, nguồn vốn cho vay, hình
thức cho vay, đối tượng cho vay, cơ chế quản lý cho vay và thu hồi nợ nước
ngoài của Chính phủ.
3. Hàng năm, Bộ Tài chính chủ
trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổng hợp tình hình cho vay, thu hồi
nợ nước ngoài của Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 25.
Cho vay thu hồi nợ nước ngoài của người cư trú là tổ chức tín dụng
1. Người cư trú là tổ chức tín dụng
được cho vay, thu hồi nợ nước ngoài dưới hình thức tín dụng tài chính và
tín dụng thương mại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
quy định điều kiện cho vay, đối tượng cho vay, hình thức cho vay và cơ chế quản
lý cho vay, thu hồi nợ nước ngoài đối với người cư trú là tổ chức tín dụng.
Điều 26.
Cho vay, thu hồi nợ nước ngoài của người cư trú là tổ chức kinh tế
1. Người cư trú là tổ chức kinh
tế chỉ được cho vay, thu hồi nợ nước ngoài khi được Thủ tướng Chính phủ cho
phép. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định điều kiện, thủ tục, quy trình cấp
phép và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép người cư trú là tổ chức
kinh tế cho vay, thu hồi nợ nước ngoài.
2. Khi được phép cho vay, thu hồi
nợ nước ngoài bằng ngoại tệ, người cư trú là tổ chức kinh tế phải mở một tài khoản
cho vay, thu hồi nợ nước ngoài bằng ngoại tệ tại một tổ chức tín dụng được
phép, thực hiện chuyển vốn cho vay, thu hồi vốn gốc, lãi và các khoản phí có
liên quan thông qua tài khoản này theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam.
MỤC 6:
PHÁT HÀNH CHỨNG KHOÁN TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC
Điều 27.
Người cư trú là tổ chức phát hành chứng khoán ở nước ngoài
1. Khi đuợc phép phát hành chứng
khoán ở nước ngoài bằng ngoại tệ dưới hình thức phát hành trái phiếu, người cư
trú là tổ chức phải thực hiện các quy định về vay, trả nợ nước ngoài áp dụng
cho người cư trú là tổ chức tại Nghị định này và các quy định có liên quan của
pháp luật.
2. Khi được phép phát hành chứng
khoán bằng ngoại tệ ở nước ngoài dưới hình thức phát hành cổ phiếu, chứng chỉ
quỹ đầu tư và các loại chứng khoán khác, người cư trú là tổ chức phải mở một
tài khoản vốn phát hành chứng khoán bằng ngoại tệ tại một tổ chức tín dụng được
phép, thực hiện thu, chi ngoại tệ có liên quan đến việc phát hành chứng khoán
thông qua tài khoản này theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Điều 28.
Người không cư trú là tổ chức phát hành chứng khoán tại Việt Nam
1. Người không cư trú là tổ chức
chỉ được phát hành chứng khoán bằng đồng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Khi được phép phát hành chứng
khoán tại Việt Nam, người không cư trú là tổ chức phải mở một tài khoản vốn
phát hành chứng khoán bằng đồng Việt Nam tại một tổ chức tín dụng được phép, thực
hiện thu, chi đồng Việt Nam có liên quan đến việc phát hành chứng khoán thông
qua tài khoản này theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
3. Nguồn thu bằng đồng Việt Nam
từ việc phát hành chứng khoán trên lãnh thổ Việt Nam được sử dụng để mua ngoại
tệ tại tổ chức tín dụng được phép để chuyển ra nước ngoài.
Chương 4:
SỬ DỤNG NGOẠI HỐI TRÊN LÃNH THỔ VIỆT NAM
Điều 29.
Quy định hạn chế sử dụng ngoại hối
Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao
dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư
trú không được thực hiện bằng ngoại hối trừ các trường hợp sau:
1. Các giao dịch với tổ chức tín
dụng và tổ chức khác được phép cung ứng dịch vụ ngoại hối;
2. Người cư trú là tổ chức được điều
chuyển vốn nội bộ bằng ngoại tệ chuyển khoản (giữa đơn vị có tư cách pháp nhân
với đơn vị hạch toán phụ thuộc và ngược lại);
3. Người cư trú được góp vốn bằng
ngoại tệ để thực hiện dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
4. Người cư trú được nhận thanh
toán bằng ngoại tệ chuyển khoản theo hợp đồng uỷ thác xuất, nhập khẩu;
5. Người cư trú là nhà thầu
trong nước, nhà thầu nước ngoài được nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản
từ chủ đầu tư, nhà thầu chính để thanh toán, chi trả và chuyển ra nước ngoài;
6. Người cư trú là tổ chức kinh
doanh dịch vụ bảo hiểm được nhận ngoại tệ chuyển khoản của người mua bảo hiểm đối
với các loại hàng hoá và dịch vụ phải mua tái bảo hiểm ở nước ngoài;
7. Người cư trú là tổ chức kinh
doanh hàng miễn thuế, tổ chức cung ứng dịch vụ ở khu cách ly tại các cửa khẩu
quốc tế, tổ chức kinh doanh kho ngoại quan được nhận thanh toán bằng ngoại tệ
và đồng Việt Nam từ việc cung cấp hàng hoá và cung ứng dịch vụ;
8. Người cư trú là cơ quan hải
quan, công an cửa khẩu tại các cửa khẩu quốc tế và kho ngoại quan được nhận ngoại
tệ từ người không cư trú đối với các loại thuế, phí thị thực xuất nhập cảnh hoặc
phí cung ứng dịch vụ;
9. Người không cư trú là cơ quan
ngoại giao, cơ quan lãnh sự được thu phí thị thực xuất nhập cảnh và các loại
phí, lệ phí khác bằng ngoại tệ;
10. Người không cư trú và người
cư trú là người nước ngoài được nhận lương, thưởng và phụ cấp bằng ngoại tệ từ
người cư trú, người không cư trú là tổ chức;
11. Người không cư trú được chuyển
khoản bằng ngoại tệ cho người không cư trú khác hoặc thanh toán cho người cư
trú tiền xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ;
12. Các trường hợp khác được Thống
đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chấp thuận.
Điều 30.
Tài khoản tiền gửi ngoại tệ ở trong nước
1. Người cư trú, người không cư
trú là tổ chức được mở và sử dụng tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại tổ chức tín dụng
được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi sau:
a) Thu ngoại tệ từ nước ngoài
chuyển vào;
b) Thu ngoại tệ từ các nguồn thu
được phép trong nước;
c) Thu ngoại tệ tiền mặt từ nước
ngoài vào theo quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam;
d) Chi bán cho tổ chức tín dụng
được phép;
đ) Chi chuyển tiền, thanh toán
cho các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, các giao dịch được phép thanh toán
trong nước bằng ngoại tệ;
e) Chi chuyển đổi ra các loại
ngoại tệ khác hoặc các công cụ thanh toán khác bằng ngoại tệ;
g) Chi rút ngoại tệ tiền mặt cho
cá nhân làm việc cho tổ chức đó khi được cử ra nước ngoài công tác;
h) Chi chuyển khoản hoặc rút ngoại
tệ tiền mặt để trả lương, thưởng, phụ cấp cho người không cư trú, người cư trú
là người nước ngoài;
i) Chỉ chuyển ra nước ngoài hoặc
chuyển sang tài khoản tiền gửi ngoại tệ của người không cư trú khác hoặc thanh
toán cho người cư trú tiền hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu (đối với trường hợp người
không cư trú là tổ chức).
2. Người cư trú, người không cư
trú là cá nhân được mở và sử dụng tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại tổ chức tín dụng
được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi sau đây:
a) Thu ngoại tệ chuyển khoản từ
nước ngoài chuyển vào;
b) Thu ngoại tệ tiền mặt từ nước
ngoài mang vào theo quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam;
c) Thu ngoại tệ từ các nguồn thu
hợp pháp khác;
d) Chi bán cho tổ chức tín dụng
được phép;
đ) Chi chuyển tiền, thanh toán
cho các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn và các giao dịch được phép thanh toán
trong nước bằng ngoại tệ;
e) Chi chuyển đổi ra các loại
ngoại tệ khác hoặc các công cụ thanh toán khác bằng ngoại tệ;
g) Chi cho, tặng, thừa kế theo
quy định của pháp luật;
h) Chi rút ngoại tệ tiền mặt;
i) Chi chuyển ra nước ngoài hoặc chuyển sang tài khoản tiền gửi ngoại tệ
của người không cư trú khác (đối với trường hợp người không cư trú là cá nhân);
k) Chi chuyển sang gửi tiết kiệm
ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép (đối với trường hợp người cư trú là cá
nhân).
3. Tổ chức tín dụng được phép có
trách nhiệm theo dõi và kiểm soát các hoạt động thu, chi trên tài khoản tiền gửi
ngoại tệ để đảm bảo việc thanh toán, chuyển tiền được thực hiện đúng mục đích
và phù hợp với các quy định của Nghị định này.
Điều 31.
Tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài của người cư trú
1. Người cư trú là tổ chức, cá
nhân được mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài theo quy định dưới đây:
a) Người cư trú là tổ chức tín dụng
được phép được mở và sử dụng tài khoản ở nước ngoài để thực hiện các hoạt động
ngoại hối ở nước ngoài;
b) Người cư trú là tổ chức kinh
tế có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài hoặc có nhu cầu mở tài khoản
ngoại tệ ở nước ngoài để tiếp nhận vốn vay nước ngoài, để thực hiện cam kết, hợp
đồng với bên nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, cấp giấy phép
mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài;
c) Người cư trú là cơ quan ngoại
giao, cơ quan lãnh sự, lực lượng vũ trang và đại diện các tổ chức chính trị, tổ
chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, quỹ xã hội,
quỹ từ thiện của Việt Nam ở nước ngoài được mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở
nước ngoài;
d) Công dân Việt Nam trong thời
gian ở nước ngoài được mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài theo quy định
pháp luật của nước sở tại.
Khi chấm dứt hoặc hết thời hạn ở nước ngoài, các tổ chức và cá nhân nêu
tại điểm c và d ở trên phải đóng tài khoản và chuyển toàn bộ số dư về nước.
2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp và thu hồi giấy phép mở và sử dụng tài khoản
ngoại tệ ở nước ngoài đối với các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều
này.
Điều 32. Sử
dụng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân
1. Người cư trú, người không cư
trú là cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, cho, tặng,
thừa kế, bán cho tổ chức tín dụng được phép, chuyển, mang ra nước ngoài phục vụ
cho các mục đích hợp pháp và thanh toán cho các đối tượng được thu ngoại tệ
theo các quy định tại Nghị định này.
2. Người cư trú là cá nhân có
ngoại tệ tiền mặt được gửi tiết kiệm ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép,
được rút tiền gốc, lãi bằng ngoại tệ tiền mặt theo quy định của pháp luật về gửi
tiết kiệm ngoại tệ.
Điều 33. Sử
dụng đồng Việt Nam của người không cư trú
Người không cư trú là tổ chức,
cá nhân được mở và sử dụng tài khoản đồng Việt Nam tại tổ chức tín dụng được
phép để thực hiện các giao dịch thu, chi sau đây:
1. Thu từ việc bán ngoại tệ cho
tổ chức tín dụng được phép;
2. Thu từ các nguồn thu hợp pháp
tại Việt Nam;
3. Chi thanh toán hoặc rút tiền
mặt để chi tiêu tại Việt Nam;
4. Chi thanh toán cho các giao dịch
vãng lai, giao dịch vốn theo quy định tại Nghị định này;
5. Chi cho tặng, thừa kế theo
quy định của pháp luật;
6. Chi mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép để chuyển ra nước
ngoài;
7. Chi cho các mục đích khác được
pháp luật cho phép.
Điều 34. Sử dụng đồng Việt Nam của người cư trú là
cá nhân nước ngoài
1. Người cư trú là cá nhân nước
ngoài được mở và sử dụng tài khoản đồng Việt Nam tại tổ chức tín dụng được
phép để thực hiện các giao dịch thu, chi theo quy định tại Điều 33 Nghị định
này.
2. Người cư trú là cá nhân nước
ngoài được mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam tại
tổ chức tín dụng được phép để thực hiện các giao dịch đầu tư gián tiếp theo quy
định tại Điều 14 Nghị định này.
Điều 35. Sử
dụng tiền của nước có chung biên giới với Việt Nam
1. Người cư trú là tổ chức, cá
nhân có nguồn thu hợp pháp bằng đồng tiền của nước có chung biên giới với Việt
Nam từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ hoặc có nguồn thu hợp
pháp khác được mở tài khoản bằng đồng tiền đó tại tổ chức tín dụng được phép và
thực hiện các giao dịch thu, chi sau đây:
a) Thu từ bán hàng hoá và dịch vụ;
b) Thu từ việc mua đồng tiền của
nước có chung biên giới tại tổ chức tín dụng được phép;
c) Thu từ các nguồn thu hợp pháp
tại Việt Nam;
d) Chi thanh toán nhập khẩu hàng
hoá và dịch vụ;
đ) Chi bán cho tổ chức tín dụng
được phép hoặc bàn đổi tiền;
e) Chi rút tiền mặt để chi
lương, thưởng, phụ cấp cho người nước ngoài làm việc cho tổ chức hoặc chi tiêu
tại nước có chung biên giới;
g) Chi cho các mục đích khác được
pháp luật cho phép.
2. Việc sử dụng đồng tiền của nước
có chung biên giới trong mua bán hàng hoá ở khu vực biên giới và khu vực kinh tế
cửa khẩu thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Điều 36.
Phát hành và sử dụng thẻ thanh toán
1. Trên lãnh thổ Việt Nam, người
cư trú, người không cư trú là cá nhân có thẻ quốc tế được sử dụng thanh toán tại
tổ chức tín dụng được phép và các đơn vị chấp nhận thẻ.
2. Các đơn vị chấp nhận thẻ chỉ
được nhận thanh toán bằng đồng Việt Nam từ ngân hàng thanh toán thẻ.
3. Căn cứ vào tình hình thực tế,
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc phát hành, sử dụng thẻ phù hợp với mục
tiêu quản lý ngoại hối.
THỊ TRƯỜNG NGOẠI TỆ, CƠ CHẾ TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI VÀ QUẢN LÝ
XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VÀNG
Điều 37. Thị
trường ngoại tệ của Việt Nam
1. Thị trường ngoại tệ là nơi diễn
ra hoạt động mua bán các loại ngoại tệ. Đối tượng tham gia thị trường ngoại tệ
bao gồm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng được phép, bàn đổi
ngoại tệ và các tổ chức, cá nhân là người cư trú, người không cư trú tại Việt
Nam.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy
định điều kiện, phương thức, các loại hình nghiệp vụ giao dịch ngoại tệ trên thị
trường ngoại tệ.
2. Thị trường ngoại tệ liên ngân
hàng là thị trường cho các giao dịch giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với các tổ
chức tín dụng được phép và giữa các tổ chức tín dụng được phép với nhau. Các
thành viên tham gia thị trường ngoại tệ liên ngân hàng thực hiện mua bán ngoại
tệ theo các phương thức, loại hình nghiệp vụ giao dịch trên cơ sở các thoả thuận,
cam kết giữa các bên theo thông lệ quốc tế và phù hợp với quy định của Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam.
3. Trong trường hợp tham gia thị
trường ngoại tệ liên ngân hàng tập trung do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức,
điều hành, các tổ chức tín dụng được phép phải chấp hành quy chế tổ chức và hoạt
động của thị trường này do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định.
Điều 38. Hoạt
động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên thị trường ngoại tệ
Căn cứ biến động tỷ giá trên thị trường ngoại tệ và mục tiêu chính sách
tiền tệ trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng và thực hiện
phương án can thiệp mua hoặc bán ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ trong nước.
Điều 39. Cơ
chế tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam
1. Tỷ giá hối đoái của đồng Việt
Nam được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết
của Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện điều tiết tỷ giá hối đoái
thông qua việc sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ và thực hiện phương
án mua bán trên thị trường ngoại tệ.
2. Cơ chế tỷ giá hối đoái của đồng
Việt Nam là cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác
định trên cơ sở rổ tiền tệ của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu
tư với Việt Nam phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ.
Điều 40.
Quản lý xuất khẩu, nhập khẩu vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng
Tổ chức tín dụng và các tổ chức
được phép hoạt động kinh doanh vàng được xuất khẩu, nhập khẩu vàng dưới dạng khối,
thỏi, hạt, miếng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Chương 6 :
HOẠT ĐỘNG CUNG ỨNG DỊCH VỤ NGOẠI HỐICỦA
CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG VÀ CÁC TỔ CHỨC KHÁC
MỤC 1 : CUNG ỨNG DỊCH VỤ NGOẠI HỐI TRÊN THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
Điều 41. Phạm vi, điều kiện cung ứng dịch vụ ngoại hối của các ngân
hàng
1. Khi đáp ứng đủ
các điều kiện do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định, Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam cho phép các ngân hàng được cung ứng các dịch vụ ngoại hối trong phạm vi dưới
đây:
a) Cung cấp các
giao dịch hối đoái dưới hình thức giao dịch giao ngay, kỳ hạn, hoán đổi, quyền
lựa chọn, hợp đồng tương lai và các giao dịch hối đoái khác theo thông lệ quốc
tế;
b) Huy động vốn,
cho vay và bảo lãnh bằng ngoại tệ dưới các hình thức theo quy định của Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam;
c) Phát hành, đại
lý phát hành thẻ thanh toán quốc tế;
d) Cung cấp các dịch
vụ chuyển tiền và thanh toán (trong nước và quốc tế) cho các đối tượng quy định
tại Nghị định này; nhận và chi, trả ngoại tệ;
đ) Chiết khấu, tái
chiết khấu giấy tờ có giá bằng ngoại tệ;
e) Ủy nhiệm cho tổ
chức tín dụng khác và tổ chức kinh tế làm đại lý cung ứng một số dịch vụ ngoại
hối, bao gồm dịch vụ đổi ngoại tệ, dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ và các dịch
vụ khác theo quy định tại Nghị định này;
g) Cung cấp các dịch
vụ ủy thác và quản lý tài sản bằng ngoại hối;
h) Cung cấp các dịch
vụ ngân hàng đầu tư bằng ngoại hối (mua, bán, sát nhập, bảo lãnh và làm đại lý
phát hành chứng khoán bằng ngoại tệ...);
i) Cung ứng các dịch
vụ tư vấn cho khách hàng về ngoại hối;
k) Thực hiện các
hoạt động ngoại hối khác theo thông lệ quốc tế và phù hợp với pháp luật Việt
Nam.
2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể điều kiện, hồ sơ, thủ tục
và xác nhận đủ điều kiện cung ứng dịch vụ ngoại hối của các ngân hàng.
Điều 42. Cung ứng dịch vụ ngoại hối của các tổ chức tín dụng phi ngân
hàng
Các tổ chức tín dụng
phi ngân hàng phải đăng ký hoạt động với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thực hiện
một số hoặc toàn bộ các nội dung cung ứng dịch vụ ngoại hối dưới đây:
1. Đối với Công ty
tài chính:
a) Cung cấp các
giao dịch hối đoái dưới hình thức giao dịch giao ngay, kỳ hạn, hoán đổi, quyền
lựa chọn và các giao dịch hối đoái khác phù hợp với thông lệ quốc tế;
b) Nhận tiền gửi có
kỳ hạn từ một năm trở lên bằng ngoại tệ, phát hành trái phiếu, giấy tờ có giá bằng
ngoại tệ, vay vốn bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước;
c) Cho vay ngắn hạn,
trung hạn và dài hạn bằng ngoại tệ, chiết khấu, tái chiết khấu, cầm cố các giấy
tờ có giá bằng ngoại tệ, bảo lãnh tín dụng bằng ngoại tệ;
d) Cung cấp các dịch
vụ uỷ thác và quản lý tài sản bằng ngoại hối;
đ) Nhận và chi, trả
ngoại tệ; ủy nhiệm cho các tổ chức kinh tế làm đại lý đổi ngoại tệ, đại lý chi,
trả ngoại tệ;
e) Cung ứng các dịch
vụ tư vấn cho khách hàng về ngoại hối.
2. Đối với Công ty
cho thuê tài chính:
a) Nhận tiền gửi
có kỳ hạn từ một năm trở lên bằng ngoại tệ, phát hành trái phiếu, giấy tờ có giá
bằng ngoại tệ, vay vốn bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước;
b) Cho thuê tài
chính bằng ngoại tệ ;
c) Bảo lãnh tín dụng
bằng ngoại tệ;
d) Thực hiện các dịch
vụ ủy thác và quản lý tài sản bằng ngoại tệ;
đ) Cung ứng các dịch
vụ tư vấn cho khách hàng về ngoại hối.
3. Tổ chức tín dụng
phi ngân hàng khác được thực hiện một số nội dung cung ứng dịch vụ ngoại hối
theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể điều kiện, hồ sơ, thủ tục
đăng ký hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối của các tổ chức tín dụng phi ngân
hàng.
Điều 43. Cung ứng dịch vụ ngoại hối của các tổ chức khác
1. Dịch vụ đại lý
đổi ngoại tệ cho tổ chức tín dụng
Tổ chức kinh tế được
làm đại lý đổi ngoại tệ cho tổ chức tín dụng được phép khi được uỷ nhiệm. Việc
uỷ nhiệm đổi ngoại tệ phải được thực hiện trên cơ sở ký kết hợp đồng đại lý đổi
ngoại tệ giữa tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế được uỷ nhiệm và phải đăng ký
với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
2. Dịch vụ nhận và
chi, trả ngoại tệ
a) Tổ chức kinh tế
làm đại lý cung ứng dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ cho tổ chức tín dụng phải
đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tổ chức kinh tế trực tiếp cung ứng dịch
vụ nhận và chi, trả ngoại tệ phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy
phép;
b) Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục đăng ký, cấp giấy phép cho tổ
chức kinh tế cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ.
3. Cung ứng dịch vụ
ngoại hối khác:
Các tổ chức kinh tế chỉ được thực hiện cung ứng dịch vụ ngoại hối ngoài các nội
dung quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam cấp giấy phép.
MỤC 2 : CUNG ỨNG DỊCH VỤ NGOẠI HỐI TRÊN THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ
Điều 44. Phạm vi, điều kiện cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị
trường quốc tế
1. Các tổ chức tín
dụng và tổ chức khác được cung ứng các dịch vụ ngoại hối trên thị trường quốc tế
trong phạm vi dưới đây:
a) Đối với các
ngân hàng:
- Cung cấp dịch vụ
thanh toán quốc tế;
- Thực hiện các
giao dịch mua, bán ngoại hối và vàng trên thị trường nước ngoài;
- Tham gia các thị
trường tiền tệ, thị trường phái sinh ở nước ngoài;
- Cung cấp các dịch vụ quản lý tài sản tài chính của khách hàng ở nước
ngoài;
- Cung cấp các dịch
vụ ngân hàng đầu tư (tư vấn tài chính, mua, bán, sát nhập, bảo lãnh, đồng tài
trợ...) trên thị trường quốc tế.
b) Đối với công ty
tài chính:
- Thực hiện các
giao dịch mua, bán ngoại hối và vàng trên thị trường nước ngoài;
- Tham gia các thị
trường tiền tệ, thị trường phái sinh ngoại hối ở nước ngoài;
- Cung cấp các dịch
vụ quản lý tài sản tài chính của khách hàng ở nước ngoài.
c) Đối với các tổ
chức khác:
Trong từng trường
hợp cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép các tổ chức khác được thực hiện
một số nội dung cung ứng dịch vụ ngoại hối nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể điều kiện, hồ sơ, thủ tục đăng
ký hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối của các tổ chức tín dụng và tổ chức
khác trên thị trường quốc tế.
MỤC 3 : TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG VÀ CÁC TỔ CHỨC KHÁC KHI
THỰC HIỆN CUNG ỨNG DỊCH VỤ NGOẠI HỐI
Điều 45. Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối
Khi thực hiện các
hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối, các tổ chức tín dụng và các tổ chức khác
được phép hoạt động ngoại hối có trách nhiệm:
1. Thực hiện các hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối theo đúng phạm vi
hoạt động ghi trong giấy phép, giấy xác nhận đăng ký hoạt động ngoại hối, các
quy định của Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật;
2. Chịu trách nhiệm
trước pháp luật đối với các nội dung cung ứng dịch vụ ngoại hối ủy nhiệm cho tổ
chức tín dụng khác và tổ chức kinh tế;
3. Chấp hành các
quy định về đảm bảo an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
4. Chấp hành
nghiêm túc và hướng dẫn khách hàng thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý
ngoại hối và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Điều 46. Kiểm tra chứng từ
Tổ chức tín dụng
và các tổ chức khác được phép hoạt động ngoại hối khi thực hiện các giao dịch
ngoại hối cho khách hàng có trách nhiệm xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ
và các chứng từ phù hợp với các giao dịch thực tế để đảm bảo việc cung ứng các
dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp
luật.
Điều 47. Đáp ứng nhu cầu ngoại tệ để thanh toán vãng lai
Trong phạm vi khả
năng ngoại tệ hiện có, tổ chức tín dụng và các tổ chức khác được phép hoạt động
ngoại hối có trách nhiệm đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ của người cư trú, người
không cư trú để thanh toán vãng lai căn cứ theo nhu cầu thực tế và hợp lý của từng
giao dịch.
Điều 48. Thanh tra, kiểm soát và báo cáo
1. Tổ chức tín dụng
và các tổ chức khác được phép hoạt động ngoại hối phải chịu sự thanh tra, kiểm
soát và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
2. Trách nhiệm về
thông tin báo cáo của các tổ chức tín dụng được phép. Tổ chức tín dụng được
phép có trách nhiệm báo cáo các thông tin liên quan đến hoạt động ngoại hối
theo quy định sau:
a) Báo cáo các
thông tin, số liệu cần thiết liên quan đến ngoại hối và hoạt động ngoại hối
theo đúng thời hạn quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến
hoạt động ngoại hối;
b) Được phép yêu cầu
khách hàng cung cấp thông tin nhằm phục vụ việc thu thập số liệu, thông tin
liên quan đến ngoại hối và hoạt động ngoại hối;
c) Được thực hiện
cung cấp thông tin, tư vấn về chính sách ngoại hối và hoạt động ngoại hối cho tổ
chức và cá nhân phù hợp với các quy định của pháp luật;
d) Có nghĩa vụ giữ
bí mật và chịu trách nhiệm về các thông tin thuộc danh mục bí mật của ngành
ngân hàng.
3. Trách nhiệm về
thông tin báo cáo của tổ chức và cá nhân:
a) Tổ chức và cá
nhân tham gia hoạt động ngoại hối có nghĩa vụ cung cấp các thông tin, số liệu
theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng được phép theo
đúng thời hạn quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động
ngoại hối;
b) Tổ chức và cá
nhân có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp các thông tin hướng dẫn để thực
hiện đúng các chính sách về quản lý ngoại hối.
Chương 7 :
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG NGOẠI HỐI
Điều 49. Quản lý nhà nước về hoạt động ngoại hối
1. Chính phủ thống
nhất quản lý nhà nước về hoạt động ngoại hối :
a) Chịu trách nhiệm
quản lý nhà nước về hoạt động ngoại hối;
b) Xây dựng và soạn
thảo các văn bản quy phạm pháp luật về ngoại hối thuộc thẩm quyền.
2. Trách nhiệm của
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
a) Chịu trách nhiệm
trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện quản lý nhà nước đối với
hoạt động ngoại hối;
b) Chủ trì xây dựng
và soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật về ngoại hối thuộc thẩm quyền;
c) Phối hợp với
các Bộ, ngành liên quan khi xây dựng các văn bản pháp luật có nội dung liên
quan đến ngoại hối;
d) Chịu trách nhiệm
trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ngoại hối;
đ) Cấp, thu hồi Giấy
phép hoạt động ngoại hối;
e) Kiểm tra, thanh
tra việc thực hiện các hoạt động ngoại hối quy định tại Nghị định này và việc
chấp hành chế độ chứng từ và thông tin báo cáo;
g) Xử lý các hành
vi vi phạm về ngoại hối thuộc thẩm quyền.
3. Trách nhiệm của các Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Hướng dẫn thực hiện Nghị định
này theo chức năng và nhiệm vụ của mình;
b) Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam trong việc xây dựng các văn bản pháp quy có liên quan về ngoại hối, hoạt
động ngoại hối;
c) Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam trong việc thông tin, tuyên truyền các quy định và thực thi các quy định
về quản lý ngoại hối;
d) Phát hiện, xử lý các vi phạm
về ngoại hối, hoạt động ngoại hối thuộc thẩm quyền.
Điều 50. Chế
độ thông tin báo cáo
1. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam:
a) Ban hành chế độ thông tin báo
cáo, phân tích, dự báo và công bố thông tin về hoạt động ngoại hối;
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành thu thập thông tin, số liệu nhằm phục vụ công tác quản lý ngoại hối của
Nhà nước và lập cán cân thanh toán quốc tế.
2. Trách nhiệm của Bộ, cơ quan
ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương:
Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm
vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm báo cáo thông tin, số liệu về
hoạt động ngoại hối cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm phục vụ công tác quản
lý ngoại hối của Nhà nước và lập cán cân thanh toán quốc tế.
Chương 8:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 51. Hiệu
lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo
và thay thế các văn bản: Nghị định số 63/1998/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ về quản lý ngoại hối; các Nghị định
số 05/2001/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm
2001 và số 131/2005/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2005 về việc sửa đổi, bổ sung một
số điều tại Nghị định số 63/1998/NĐ-CP của Chính phủ;
2. Bãi bỏ các quy định tại các
Nghị định, Quyết định, Thông tư trái với nội dung Nghị định này.
Điều 52. Hướng
dẫn thi hành
1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị định
này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,cơ quan thuộc
Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham
nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- BQL KKTCKQT Bờ Y;
- Cơ quan Trung ương của các
đoàn thể;
- Học viện Hành chính Quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN,
Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b).
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|