Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 số 32/2024/QH15

Số hiệu: 32/2024/QH15 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Vương Đình Huệ
Ngày ban hành: 18/01/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng

Ngày 18/01/2024, tại kỳ họp bất thường lần thứ 05, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng 2024.

Trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng

Theo đó, trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng bao gồm:

- Tham gia bảo hiểm tiền gửi, quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân theo quy định của pháp luật và công bố công khai việc tham gia bảo hiểm tiền gửi tại trụ sở chính và chi nhánh.

- Tạo thuận lợi cho khách hàng gửi và rút tiền, bảo đảm thanh toán đủ, đúng hạn tiền gốc, lãi của khoản tiền gửi theo thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật.

- Từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

- Công bố công khai lãi suất tiền gửi, phí dịch vụ, quyền, nghĩa vụ của khách hàng đối với từng loại sản phẩm, dịch vụ đang cung ứng.

- Công bố công khai thời gian giao dịch chính thức.

Trường hợp ngừng giao dịch tại một hoặc một số địa điểm thực hiện giao dịch trong thời gian giao dịch chính thức hoặc ngừng giao dịch bằng phương tiện điện tử, chậm nhất là 24 giờ trước thời điểm ngừng giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải niêm yết thông tin về ngừng giao dịch tại địa điểm giao dịch hoặc trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trường hợp ngừng giao dịch do sự kiện bất khả kháng, chậm nhất là 24 giờ sau thời điểm ngừng giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải niêm yết thông tin về ngừng giao dịch tại địa điểm giao dịch hoặc trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ 01/07/2024, trừ khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14) hết hiệu lực kể từ ngày Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực thi hành, trừ quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 8, 9, 12 và 14 Điều 210 Luật Các tổ chức tín dụng 2024.

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 32/2024/QH15

Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2024

LUẬT

CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Các tổ chức tín dụng.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, giải thể, chấm dứt hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài; việc thành lập, hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức tín dụng.

2. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

3. Văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng (sau đây gọi là văn phòng đại diện nước ngoài).

4. Tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ (sau đây gọi là tổ chức mua bán, xử lý nợ).

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, giải thể, chấm dứt hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài; việc thành lập, hoạt động của văn phòng đại diện nước ngoài; việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ.

Điều 3. Áp dụng tập quán thương mại

Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngân hàng được quyền thỏa thuận áp dụng tập quán thương mại sau đây:

1. Tập quán thương mại quốc tế do Phòng Thương mại quốc tế ban hành;

2. Tập quán thương mại khác không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật của Việt Nam.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bao thanh toán là hình thức cấp tín dụng thông qua việc mua lại khoản phải thu của bên bán hoặc ứng trước tiền thanh toán thay cho bên mua theo hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa bên mua và bên bán.

2. Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng cho khách hàng thông qua việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên có nghĩa vụ khi bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; khách hàng phải nhận nợ bắt buộc và hoàn trả cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo thỏa thuận.

3. Can thiệp sớm là việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) áp dụng các yêu cầu, biện pháp hạn chế đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó thực hiện phương án khắc phục dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước nhằm khắc phục tình trạng theo quy định tại khoản 1 Điều 156 của Luật này.

4. Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng, thư tín dụng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.

5. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức kinh tế không có tư cách pháp nhân và là đơn vị phụ thuộc của ngân hàng nước ngoài, được ngân hàng nước ngoài bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ, cam kết của chi nhánh tại Việt Nam.

6. Chiết khấu là hình thức cấp tín dụng thông qua việc mua có kỳ hạn hoặc mua có bảo lưu quyền truy đòi các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác của bên thụ hưởng trước khi đến hạn thanh toán.

7. Cho vay là hình thức cấp tín dụng thông qua việc bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định, trong một thời gian nhất định, theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi theo thỏa thuận cho bên cho vay.

8. Cổ đông lớn là cổ đông của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần sở hữu từ 05% số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của tổ chức tín dụng đó, bao gồm cả số cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp.

9. Công ty con của tổ chức tín dụng là công ty thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức tín dụng hoặc tổ chức tín dụng và người có liên quan của tổ chức tín dụng sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc trên 50% số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty đó;

b) Tổ chức tín dụng có quyền bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của công ty đó;

c) Tổ chức tín dụng có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó;

d) Tổ chức tín dụng hoặc tổ chức tín dụng và người có liên quan của tổ chức tín dụng trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát việc thông qua nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của công ty đó.

10. Công ty kiểm soát là công ty sở hữu trực tiếp, gián tiếp trên 20% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại hoặc là công ty nắm quyền kiểm soát một ngân hàng thương mại hoặc là ngân hàng thương mại có công ty con, công ty liên kết.

11. Công ty liên kết của tổ chức tín dụng là công ty mà tổ chức tín dụng hoặc tổ chức tín dụng và người có liên quan của tổ chức tín dụng sở hữu trên 11% vốn điều lệ hoặc trên 11% số cổ phần có quyền biểu quyết, nhưng không phải là công ty con của tổ chức tín dụng đó.

12. Công ty tài chính chuyên ngành là loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng có hoạt động chính thuộc một trong các lĩnh vực bao thanh toán, tín dụng tiêu dùng, cho thuê tài chính theo quy định của Luật này.

13. Công ty tài chính tổng hợp là loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng thực hiện các hoạt động theo quy định tại Mục 3 Chương V của Luật này.

14. Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản là việc cung ứng phương tiện thanh toán; thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng.

15. Giấy phép bao gồm Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Giấy phép thành lập văn phòng đại diện nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước cấp. Văn bản của Ngân hàng Nhà nước về sửa đổi, bổ sung Giấy phép là một bộ phận không tách rời của Giấy phép.

16. Góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng là việc tổ chức tín dụng trực tiếp hoặc ủy thác cho tổ chức khác góp vốn cấu thành vốn điều lệ; mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác, bao gồm cả việc nhận chuyển nhượng, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác; cấp vốn, góp vốn vào công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng; góp vốn vào quỹ đầu tư.

17. Hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số nghiệp vụ sau đây:

a) Nhận tiền gửi;

b) Cấp tín dụng;

c) Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.

18. Khoản đầu tư dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần nhằm nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp bao gồm khoản đầu tư chiếm trên 50% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết của một doanh nghiệp hoặc khoản đầu tư khác đủ để chi phối quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành viên.

19. Kiểm soát đặc biệt là việc Ngân hàng Nhà nước quyết định đặt tổ chức tín dụng dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước.

20. Môi giới tiền tệ là việc làm trung gian có thu phí môi giới để thu xếp thực hiện hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật này giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

21. Ngân hàng là tổ chức tín dụng có thể được thực hiện tất cả hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này. Các loại hình ngân hàng bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã.

22. Ngân hàng hợp tác xã là ngân hàng của tất cả quỹ tín dụng nhân dân, do các quỹ tín dụng nhân dân và một số pháp nhân khác góp vốn thành lập nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.

23. Ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật này nhằm mục tiêu lợi nhuận.

24. Người có liên quan là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với tổ chức, cá nhân khác thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Công ty mẹ với công ty con và ngược lại; công ty mẹ với công ty con của công ty con và ngược lại; tổ chức tín dụng với công ty con của tổ chức tín dụng và ngược lại; tổ chức tín dụng với công ty con của công ty con của tổ chức tín dụng và ngược lại; các công ty con của cùng một công ty mẹ hoặc của cùng một tổ chức tín dụng với nhau; các công ty con của công ty con của cùng một công ty mẹ hoặc của cùng một tổ chức tín dụng với nhau; người quản lý, kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát của công ty mẹ hoặc của tổ chức tín dụng, cá nhân hoặc tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm những người này với công ty con và ngược lại;

b) Công ty hoặc tổ chức tín dụng với người quản lý, kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát của công ty hoặc tổ chức tín dụng đó hoặc với công ty, tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm những người đó và ngược lại;

c) Công ty hoặc tổ chức tín dụng với tổ chức, cá nhân sở hữu từ 05% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên tại công ty hoặc tổ chức tín dụng đó và ngược lại;

d) Cá nhân với vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ; anh, chị, em cùng cha khác mẹ; anh, chị, em cùng mẹ khác cha; anh vợ, chị vợ, em vợ, anh chồng, chị chồng, em chồng, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha (sau đây gọi là vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em); ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; bác ruột, cô ruột, dì ruột, chú ruột, cậu ruột và cháu ruột;

đ) Công ty hoặc tổ chức tín dụng với cá nhân có mối quan hệ theo quy định tại điểm d khoản này với người quản lý, kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát, thành viên góp vốn hoặc cổ đông sở hữu từ 05% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của công ty hoặc tổ chức tín dụng đó và ngược lại;

e) Cá nhân được ủy quyền đại diện phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này với tổ chức, cá nhân ủy quyền; các cá nhân được ủy quyền đại diện phần vốn góp của cùng một tổ chức với nhau;

g) Pháp nhân, cá nhân khác có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xác định theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước thông qua hoạt động thanh tra, giám sát;

h) Đối với quỹ tín dụng nhân dân, người có liên quan với khách hàng của quỹ tín dụng nhân dân bao gồm trường hợp quy định tại các điểm b, c, đ và g khoản này; khách hàng với vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em của khách hàng đó.

25. Người điều hành tổ chức tín dụng bao gồm Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), Kế toán trưởng, Giám đốc chi nhánh và các chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng.

26. Người quản lý tổ chức tín dụng bao gồm Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng quản trị; Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng thành viên; Tổng giám đốc (Giám đốc) và các chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng.

27. Nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi và hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi theo thỏa thuận cho tổ chức, cá nhân gửi tiền (sau đây gọi là người gửi tiền).

28. Phương án chuyển giao bắt buộc là phương án chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho bên nhận chuyển giao.

29. Phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt (sau đây gọi là phương án cơ cấu lại) là một trong các phương án sau đây:

a) Phương án phục hồi;

b) Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp;

c) Phương án chuyển giao bắt buộc;

d) Phương án giải thể;

đ) Phương án phá sản.

30. Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do pháp nhân, cá nhân, hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.

31. Rút tiền hàng loạt là việc tổ chức tín dụng bị nhiều người gửi tiền cùng rút tiền dẫn đến tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất khả năng chi trả theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

32. Sản phẩm phái sinh là công cụ tài chính được định giá theo biến động dự kiến về giá trị của một tài sản tài chính gốc như lãi suất, ngoại hối, tiền tệ hoặc tài sản tài chính khác.

33. Sở hữu gián tiếp là việc tổ chức, cá nhân sở hữu vốn điều lệ của tổ chức tín dụng thông qua ủy thác đầu tư hoặc thông qua doanh nghiệp mà tổ chức, cá nhân đó sở hữu trên 50% vốn điều lệ.

34. Tái chiết khấu là việc chiết khấu các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác đã được chiết khấu trước khi đến hạn thanh toán.

35. Tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để sử dụng dịch vụ thanh toán do ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng.

36. Thư tín dụng là hình thức cấp tín dụng thông qua nghiệp vụ phát hành, xác nhận, thương lượng thanh toán, hoàn trả thư tín dụng.

37. Tổ chức tài chính vi mô là tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng, nhằm đáp ứng nhu cầu của cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ.

38. Tổ chức tín dụng là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.

39. Tổ chức tín dụng hỗ trợ là tổ chức tín dụng tham gia quản trị, điều hành, kiểm soát, hỗ trợ tổ chức, hoạt động và tài chính cho tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

40. Tổ chức tín dụng nước ngoài là tổ chức tín dụng được thành lập ở nước ngoài theo quy định của pháp luật nước ngoài.

Tổ chức tín dụng nước ngoài được hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính liên doanh, công ty tài chính 100% vốn nước ngoài, công ty cho thuê tài chính liên doanh, công ty cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài.

Ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài là loại hình ngân hàng thương mại; công ty tài chính liên doanh, công ty tài chính 100% vốn nước ngoài, công ty cho thuê tài chính liên doanh, công ty cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài là loại hình công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính chuyên ngành theo quy định của Luật này.

41. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là tổ chức tín dụng được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này, trừ hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. Các loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm công ty tài chính tổng hợp và công ty tài chính chuyên ngành.

42. Vốn điều lệ là tổng số tiền do chủ sở hữu, thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn đã góp; là tổng mệnh giá cổ phần của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần đã bán cho cổ đông; là tổng số tiền do thành viên của tổ chức tín dụng là hợp tác xã đã góp, vốn đã hỗ trợ của Nhà nước cho ngân hàng hợp tác xã.

43. Vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài là số tiền do ngân hàng nước ngoài đã cấp cho chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

44. Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

45. Vốn tự có gồm giá trị thực của vốn điều lệ của tổ chức tín dụng hoặc vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cộng một số quỹ dự trữ, cộng một số tài sản nợ khác, trừ các khoản phải giảm trừ. Việc xác định vốn tự có thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 5. Sử dụng từ ngữ liên quan đến hoạt động ngân hàng

Tổ chức không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được phép sử dụng cụm từ “tổ chức tín dụng”, “ngân hàng”, “công ty tài chính”, “công ty cho thuê tài chính”, “tổ chức tài chính vi mô”, “quỹ tín dụng nhân dân” hoặc cụm từ, từ ngữ khác trong tên của tổ chức, chức danh hoặc trong phần phụ thêm của tên, chức danh hoặc trong giấy tờ giao dịch hoặc quảng cáo của mình nếu việc sử dụng cụm từ, từ ngữ đó có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức đó là một tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 6. Hình thức pháp lý của tổ chức tín dụng

1. Ngân hàng thương mại trong nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này và trường hợp thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc được phê duyệt.

2. Ngân hàng thương mại nhà nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

3. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.

4. Tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.

5. Ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được thành lập, tổ chức dưới hình thức hợp tác xã.

6. Tổ chức tài chính vi mô được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.

Điều 7. Quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh của mình.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền từ chối yêu cầu cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ khác nếu thấy không đủ điều kiện, không có hiệu quả, không phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 8. Quyền hoạt động ngân hàng

Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này.

Điều 9. Hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 10. Trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng

1. Tham gia bảo hiểm tiền gửi, quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân theo quy định của pháp luật và công bố công khai việc tham gia bảo hiểm tiền gửi tại trụ sở chính và chi nhánh.

2. Tạo thuận lợi cho khách hàng gửi và rút tiền, bảo đảm thanh toán đủ, đúng hạn tiền gốc, lãi của khoản tiền gửi theo thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

4. Công bố công khai lãi suất tiền gửi, phí dịch vụ, quyền, nghĩa vụ của khách hàng đối với từng loại sản phẩm, dịch vụ đang cung ứng.

5. Công bố công khai thời gian giao dịch chính thức. Trường hợp ngừng giao dịch tại một hoặc một số địa điểm thực hiện giao dịch trong thời gian giao dịch chính thức hoặc ngừng giao dịch bằng phương tiện điện tử, chậm nhất là 24 giờ trước thời điểm ngừng giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải niêm yết thông tin về ngừng giao dịch tại địa điểm giao dịch hoặc trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trường hợp ngừng giao dịch do sự kiện bất khả kháng, chậm nhất là 24 giờ sau thời điểm ngừng giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải niêm yết thông tin về ngừng giao dịch tại địa điểm giao dịch hoặc trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 11. Người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng

1. Người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng được quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng và phải là một trong những người sau đây:

a) Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng;

b) Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng.

2. Người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng phải cư trú tại Việt Nam, trường hợp vắng mặt ở Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác là người quản lý, người điều hành tổ chức tín dụng đang cư trú tại Việt Nam để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng.

3. Tổ chức tín dụng phải thông báo cho Ngân hàng Nhà nước về người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày bầu, bổ nhiệm chức danh đảm nhiệm người đại diện theo pháp luật theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng hoặc thay đổi người đại diện theo pháp luật. Ngân hàng Nhà nước thông báo người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng cho cơ quan đăng ký kinh doanh để cập nhật vào hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã.

Điều 12. Cung cấp thông tin

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp cho chủ tài khoản thông tin về giao dịch và số dư trên tài khoản của chủ tài khoản theo thỏa thuận với chủ tài khoản.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh và được Ngân hàng Nhà nước cung cấp thông tin của khách hàng có quan hệ tín dụng với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được trao đổi với nhau thông tin về hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

4. Khi thực hiện giao dịch với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, khách hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu trung thực, chính xác, đầy đủ, kịp thời và phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu đó.

Điều 13. Bảo mật thông tin

1. Người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được tiết lộ thông tin khách hàng, bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Chính phủ.

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

Điều 14. An toàn dữ liệu và bảo đảm hoạt động liên tục

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm an toàn hệ thống thông tin, bảo mật dữ liệu và hoạt động liên tục theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 15. Hành vi bị nghiêm cấm

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác ngoài hoạt động ghi trong Giấy phép được Ngân hàng Nhà nước cấp cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán.

3. Tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật vào hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

4. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

5. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Chương II

NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH

Điều 16. Thành lập, hoạt động và quản lý nhà nước đối với ngân hàng chính sách

1. Ngân hàng chính sách do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước.

2. Chính phủ quy định nội dung hoạt động của ngân hàng chính sách.

3. Thủ tướng Chính phủ và Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo thẩm quyền đối với hoạt động của ngân hàng chính sách.

Điều 17. Chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu nhà nước của ngân hàng chính sách

1. Nhà nước là chủ sở hữu của ngân hàng chính sách. Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu nhà nước đối với ngân hàng chính sách.

2. Hội đồng quản trị là cơ quan đại diện trực tiếp của chủ sở hữu nhà nước tại ngân hàng chính sách, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu nhà nước theo quy định của Chính phủ.

Điều 18. Vốn điều lệ của ngân hàng chính sách

Vốn điều lệ của ngân hàng chính sách do ngân sách nhà nước cấp và được bổ sung từ ngân sách nhà nước, các nguồn tài chính hợp pháp khác.

Điều 19. Cơ cấu tổ chức quản lý của ngân hàng chính sách

1. Cơ cấu tổ chức quản lý của ngân hàng chính sách bao gồm Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc và cơ cấu quản trị khác theo quy định của Chính phủ.

2. Ngân hàng chính sách được thành lập chi nhánh, sở giao dịch, phòng giao dịch và đơn vị trực thuộc khác theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Hội đồng quản trị của ngân hàng chính sách

1. Hội đồng quản trị gồm Chủ tịch và các thành viên khác.

2. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị không quá 05 năm.

3. Chủ tịch Hội đồng quản trị do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm.

4. Số lượng, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị; cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị do Chính phủ quy định.

5. Hội đồng quản trị có bộ phận giúp việc. Chức năng, nhiệm vụ của bộ phận giúp việc do Hội đồng quản trị quy định.

Điều 21. Ban kiểm soát của ngân hàng chính sách

1. Ban kiểm soát gồm Trưởng ban và các thành viên khác.

2. Nhiệm kỳ của thành viên Ban kiểm soát không quá 05 năm.

3. Số lượng, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Ban kiểm soát; cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát do Chính phủ quy định.

4. Ban kiểm soát có bộ phận kiểm toán nội bộ, được sử dụng các nguồn lực của ngân hàng chính sách để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Điều 22. Tổng giám đốc của ngân hàng chính sách

1. Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật, điều hành hoạt động hằng ngày của ngân hàng chính sách.

2. Nhiệm kỳ của Tổng giám đốc không quá 05 năm.

3. Tổng giám đốc do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm.

4. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, quyền, nghĩa vụ của Tổng giám đốc do Chính phủ quy định.

Điều 23. Bảo đảm hoạt động của ngân hàng chính sách

1. Ngân hàng chính sách được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán; được cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý; được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác theo quy định của pháp luật.

2. Ngân hàng chính sách không phải thực hiện dự trữ bắt buộc, không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Điều 24. Kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, báo cáo của ngân hàng chính sách

1. Ngân hàng chính sách phải thực hiện kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ; xây dựng, ban hành quy trình nội bộ về các hoạt động nghiệp vụ.

2. Ngân hàng chính sách thực hiện chế độ báo cáo thống kê, báo cáo hoạt động theo quy định của pháp luật.

Điều 25. Xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của ngân hàng chính sách

Ngân hàng chính sách được áp dụng quy định của Luật này để xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của ngân hàng chính sách.

Điều 26. Cơ chế tài chính, tiền lương, tổ chức lại, giải thể, kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng chính sách

Cơ chế tài chính, tiền lương, tổ chức lại, giải thể, kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng chính sách và các nội dung khác có liên quan đến ngân hàng chính sách thực hiện theo quy định tại Chương này và quy định của Chính phủ.

Chương III

GIẤY PHÉP

Điều 27. Thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung và thu hồi Giấy phép

1. Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung và thu hồi Giấy phép theo quy định của Luật này.

2. Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã.

3. Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Giấy phép thành lập văn phòng đại diện nước ngoài đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện nước ngoài.

4. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định việc thông báo thông tin về cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi Giấy phép; thông tin về việc bổ nhiệm Tổng giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Trưởng văn phòng đại diện nước ngoài và các thông tin có liên quan cho cơ quan đăng ký kinh doanh để cập nhật vào hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã.

Điều 28. Vốn pháp định

1. Chính phủ quy định mức vốn pháp định của từng loại hình tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì giá trị thực của vốn điều lệ hoặc vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định.

3. Giá trị thực của vốn điều lệ hoặc vốn được cấp được xác định bằng vốn điều lệ hoặc vốn được cấp và thặng dư vốn cổ phần, cộng lợi nhuận lũy kế chưa phân phối, trừ lỗ lũy kế chưa xử lý được phản ánh trên sổ sách kế toán.

4. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định việc xử lý trường hợp giá trị thực của vốn điều lệ của tổ chức tín dụng hoặc vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm thấp hơn mức vốn pháp định.

Điều 29. Điều kiện cấp Giấy phép

1. Tổ chức tín dụng được cấp Giấy phép khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Có vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định;

b) Chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập là pháp nhân đang hoạt động hợp pháp và có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn; cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có cam kết đủ khả năng tài chính để góp vốn;

c) Người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 41 của Luật này;

d) Điều lệ phù hợp với quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

đ) Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi, bảo đảm không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng, không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống tổ chức tín dụng.

2. Tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài được cấp Giấy phép khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Tổ chức tín dụng nước ngoài được phép thực hiện hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật của nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài đặt trụ sở chính;

c) Hoạt động dự kiến thực hiện tại Việt Nam phải là hoạt động mà tổ chức tín dụng nước ngoài đang được phép thực hiện tại nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài đặt trụ sở chính;

d) Tổ chức tín dụng nước ngoài đáp ứng các điều kiện về tổng tài sản có và tình hình tài chính theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đáp ứng các quy định về bảo đảm an toàn hoạt động theo quy định của nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài đặt trụ sở chính;

đ) Tổ chức tín dụng nước ngoài phải có văn bản cam kết hỗ trợ về tài chính, công nghệ, quản trị, điều hành, hoạt động cho tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài; bảo đảm tổ chức tín dụng này duy trì giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định và thực hiện các quy định về hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của Luật này;

e) Cơ quan có thẩm quyền của nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài đặt trụ sở chính đã ký kết thỏa thuận với Ngân hàng Nhà nước về thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng, trao đổi thông tin giám sát an toàn ngân hàng và có văn bản cam kết giám sát hợp nhất theo thông lệ quốc tế đối với hoạt động của tổ chức tín dụng nước ngoài.

3. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp Giấy phép khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Có vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định;

b) Các điều kiện quy định tại các điểm b, c và đ khoản 1 và các điểm b, c, d và e khoản 2 Điều này;

c) Ngân hàng nước ngoài phải có văn bản bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; bảo đảm duy trì giá trị thực của vốn được cấp không thấp hơn mức vốn pháp định và thực hiện các quy định về hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của Luật này;

d) Trường hợp đề nghị thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài thứ hai trở lên tại Việt Nam, ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam trong 03 năm liền kề trước năm đề nghị thành lập chi nhánh mới không vi phạm quy định của pháp luật, các tỷ lệ bảo đảm an toàn và có kết quả kinh doanh có lãi.

4. Văn phòng đại diện nước ngoài được cấp Giấy phép khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng là pháp nhân được phép hoạt động ngân hàng ở nước ngoài;

b) Quy định pháp luật của nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng đặt trụ sở chính cho phép tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng được thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.

5. Điều kiện đối với chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và điều kiện cấp Giấy phép đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô do Chính phủ quy định.

Điều 30. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu, cấp đổi Giấy phép.

Điều 31. Thời hạn cấp Giấy phép

1. Trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoặc từ chối cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoặc từ chối cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện nước ngoài.

3. Trường hợp từ chối cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 32. Lệ phí cấp Giấy phép

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài được cấp Giấy phép lần đầu, cấp đổi Giấy phép phải nộp lệ phí cấp Giấy phép theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Điều 33. Công bố thông tin về khai trương hoạt động

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài phải công bố trên 01 phương tiện truyền thông của Ngân hàng Nhà nước và trên 01 tờ báo in trong 03 số liên tiếp hoặc trên 01 báo điện tử của Việt Nam ít nhất 30 ngày trước ngày dự kiến khai trương hoạt động các thông tin sau đây:

1. Tên, địa chỉ trụ sở chính của tổ chức tín dụng; tên, địa chỉ trụ sở của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài;

2. Số, ngày cấp Giấy phép;

3. Vốn điều lệ của tổ chức tín dụng hoặc vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

4. Người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng, Tổng giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Trưởng văn phòng đại diện nước ngoài;

5. Danh sách, tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp tương ứng của cổ đông sáng lập hoặc thành viên góp vốn hoặc chủ sở hữu của tổ chức tín dụng;

6. Ngày dự kiến khai trương hoạt động.

Điều 34. Điều kiện khai trương hoạt động

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài được cấp Giấy phép chỉ được tiến hành hoạt động kể từ ngày khai trương hoạt động.

2. Để khai trương hoạt động, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp Giấy phép phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đã gửi Ngân hàng Nhà nước Điều lệ của tổ chức tín dụng được cấp có thẩm quyền thông qua;

b) Có đủ vốn điều lệ, vốn được cấp; có kho tiền, trụ sở đủ điều kiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;

c) Có cơ cấu tổ chức quản lý, hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ phù hợp với loại hình hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

d) Có hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý, quy mô hoạt động;

đ) Có quy định nội bộ về tổ chức, hoạt động của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), các phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ tại trụ sở chính; quy định nội bộ về quản lý rủi ro; quy định về quản lý mạng lưới hoạt động;

e) Vốn điều lệ, vốn được cấp bằng đồng Việt Nam phải được gửi đầy đủ vào tài khoản phong tỏa không hưởng lãi mở tại Ngân hàng Nhà nước ít nhất 30 ngày trước ngày khai trương hoạt động. Vốn điều lệ, vốn được cấp được giải tỏa khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã khai trương hoạt động;

g) Đã công bố thông tin về khai trương hoạt động theo quy định tại Điều 33 của Luật này.

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài phải tiến hành khai trương hoạt động trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng; quá thời hạn này mà không khai trương hoạt động thì Giấy phép đã cấp hết hiệu lực. Ngân hàng Nhà nước công bố trên Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước về Giấy phép hết hiệu lực.

4. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp Giấy phép phải thông báo cho Ngân hàng Nhà nước về điều kiện khai trương hoạt động quy định tại khoản 2 Điều này ít nhất 15 ngày trước ngày dự kiến khai trương hoạt động. Ngân hàng Nhà nước đình chỉ việc khai trương hoạt động khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 35. Sử dụng Giấy phép

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài được cấp Giấy phép phải sử dụng đúng tên và hoạt động đúng nội dung quy định trong Giấy phép.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài được cấp Giấy phép không được tẩy xóa, sửa chữa, mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn Giấy phép.

Điều 36. Thu hồi Giấy phép

1. Ngân hàng Nhà nước thu hồi Giấy phép đã cấp trong trường hợp sau đây:

a) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép có thông tin gian lận để có đủ điều kiện được cấp Giấy phép;

b) Tổ chức tín dụng bị chia, bị sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức pháp lý;

c) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài hoạt động không đúng nội dung quy định trong Giấy phép;

d) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về dự trữ bắt buộc, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động;

đ) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quyết định xử lý của Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng;

e) Tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng có hiện diện thương mại tại Việt Nam bị giải thể, phá sản hoặc bị cơ quan có thẩm quyền của nước nơi tổ chức đó đặt trụ sở chính thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động.

2. Quyết định thu hồi Giấy phép được Ngân hàng Nhà nước công bố trên Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước.

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị thu hồi Giấy phép phải chấm dứt hoạt động kinh doanh kể từ ngày Quyết định thu hồi Giấy phép của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực.

4. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép.

Điều 37. Những thay đổi phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện thủ tục thay đổi một trong những nội dung sau đây:

a) Tên, địa điểm đặt trụ sở chính của tổ chức tín dụng; tên, địa điểm đặt trụ sở của chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b) Mức vốn điều lệ, mức vốn được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Địa điểm đặt trụ sở chi nhánh của tổ chức tín dụng;

d) Nội dung, thời hạn hoạt động;

đ) Mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp của chủ sở hữu; mua, bán, chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên góp vốn; mua, nhận chuyển nhượng cổ phần dẫn đến trở thành cổ đông lớn. Chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông, người mua, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của tổ chức tín dụng có trách nhiệm phối hợp với tổ chức tín dụng thực hiện thủ tục xin chấp thuận đối với nội dung quy định tại điểm này.

Trường hợp mua, bán, nhận chuyển nhượng, chuyển nhượng phần vốn góp của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn, bên mua, nhận chuyển nhượng phải đáp ứng điều kiện đối với chủ sở hữu, thành viên góp vốn quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 29 và khoản 2 Điều 78 của Luật này; thành viên góp vốn phải tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật này;

e) Tạm ngừng giao dịch từ 05 ngày làm việc trở lên, trừ trường hợp tạm ngừng giao dịch do sự kiện bất khả kháng;

g) Niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.

2. Hồ sơ, thủ tục chấp thuận thay đổi quy định tại khoản 1 Điều này và việc sửa đổi, bổ sung Giấy phép thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

3. Việc thay đổi địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân; việc thay đổi mức vốn điều lệ, chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên góp vốn của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

4. Khi được chấp thuận thay đổi nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện thủ tục sau đây:

a) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ của tổ chức tín dụng phù hợp với nội dung thay đổi đã được chấp thuận quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 1 Điều này;

b) Công bố nội dung thay đổi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trên 01 phương tiện truyền thông của Ngân hàng Nhà nước và 01 tờ báo in trong 03 số liên tiếp hoặc trên 01 báo điện tử của Việt Nam.

Chương IV

TỔ CHỨC, QUẢN TRỊ, ĐIỀU HÀNH CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 38. Chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, hiện diện thương mại của tổ chức tín dụng

1. Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản, tổ chức tín dụng được thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; thành lập và chuyển đổi hình thức pháp lý hiện diện thương mại ở nước ngoài, bao gồm chi nhánh, văn phòng đại diện và các hình thức hiện diện thương mại khác ở nước ngoài.

2. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục thành lập, chuyển đổi hình thức pháp lý, giải thể, chấm dứt hoạt động đơn vị quy định tại khoản 1 Điều này đối với từng loại hình tổ chức tín dụng.

3. Văn bản chấp thuận việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước của tổ chức tín dụng đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện.

4. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định việc thông báo thông tin về thành lập, giải thể, chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và các thông tin liên quan cho cơ quan đăng ký kinh doanh để cập nhật vào hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã.

Điều 39. Điều lệ của tổ chức tín dụng

1. Điều lệ của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa điểm đặt trụ sở chính;

b) Nội dung hoạt động;

c) Thời hạn hoạt động;

d) Vốn điều lệ, phương thức góp vốn, tăng, giảm vốn điều lệ;

đ) Nhiệm vụ, quyền hạn của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát và quyền, nghĩa vụ của Tổng giám đốc (Giám đốc);

e) Thể thức bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát và Tổng giám đốc (Giám đốc);

g) Tên, địa chỉ trụ sở chính, quốc tịch của chủ sở hữu, thành viên góp vốn đối với tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn;

h) Quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu, thành viên góp vốn đối với tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn; quyền, nghĩa vụ của cổ đông đối với tổ chức tín dụng là công ty cổ phần;

i) Người đại diện theo pháp luật;

k) Các nguyên tắc tài chính, kế toán, kiểm soát và kiểm toán nội bộ;

l) Thể thức thông qua quyết định của tổ chức tín dụng; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;

m) Căn cứ, phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát;

n) Các trường hợp, thủ tục giải thể;

o) Thủ tục sửa đổi, bổ sung Điều lệ.

2. Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, e, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này;

b) Nhiệm vụ, quyền hạn của Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, quyền, nghĩa vụ của Tổng giám đốc (Giám đốc);

c) Các trường hợp chấm dứt và thủ tục chấm dứt tư cách thành viên;

d) Quyền, nghĩa vụ của thành viên;

đ) Thể thức tiến hành Đại hội thành viên và thông qua quyết định của Đại hội thành viên, cách thức bầu đại biểu tham dự và biểu quyết tại Đại hội thành viên trong trường hợp Đại hội thành viên tổ chức theo hình thức đại hội đại biểu;

e) Nguyên tắc chia lãi theo mức độ sử dụng dịch vụ, tỷ lệ phần vốn góp của thành viên;

g) Quản lý tài chính, sử dụng và xử lý tài sản, vốn, quỹ và khoản lỗ.

3. Điều lệ, nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ của tổ chức tín dụng phải gửi Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được thông qua.

Điều 40. Cơ cấu tổ chức quản lý của tổ chức tín dụng

1. Cơ cấu tổ chức quản lý của tổ chức tín dụng được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần bao gồm Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc).

2. Cơ cấu tổ chức quản lý của tổ chức tín dụng được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên bao gồm Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc).

3. Cơ cấu tổ chức quản lý của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân thực hiện theo quy định tại Điều 82 của Luật này.

Điều 41. Tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng

1. Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:

a) Không thuộc trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ quy định tại khoản 1 Điều 42 của Luật này;

b) Có đạo đức nghề nghiệp theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;

c) Có trình độ từ đại học trở lên;

d) Có một trong các điều kiện sau đây: có ít nhất 03 năm là người quản lý, người điều hành tổ chức tín dụng; có ít nhất 05 năm là người quản lý doanh nghiệp hoạt động trong ngành tài chính, kế toán, kiểm toán hoặc của doanh nghiệp khác có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng mức vốn pháp định đối với loại hình tổ chức tín dụng tương ứng; có ít nhất 05 năm làm việc trực tiếp tại bộ phận nghiệp vụ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; có ít nhất 05 năm làm việc trực tiếp tại bộ phận nghiệp vụ về tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán.

2. Thành viên độc lập Hội đồng quản trị phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:

a) Không phải là người đang làm việc cho tổ chức tín dụng hoặc công ty con của tổ chức tín dụng đó hoặc đã làm việc cho tổ chức tín dụng hoặc công ty con của tổ chức tín dụng đó trong 03 năm liền kề trước đó;

b) Không phải là người hưởng lương, thù lao thường xuyên của tổ chức tín dụng đó, ngoài những khoản thù lao của thành viên Hội đồng quản trị được hưởng;

c) Không có vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em và vợ, chồng của những người này là cổ đông lớn của tổ chức tín dụng đó, người quản lý hoặc kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng đó hoặc công ty con của tổ chức tín dụng đó;

d) Không đại diện sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng đó; không cùng với người có liên quan sở hữu trực tiếp, gián tiếp từ 01% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của tổ chức tín dụng đó;

đ) Không phải là người quản lý, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng đó tại bất kỳ thời điểm nào trong 05 năm liền kề trước đó.

3. Thành viên Ban kiểm soát phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:

a) Tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này;

b) Có trình độ từ đại học trở lên về một trong các ngành tài chính, ngân hàng, kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, kế toán, kiểm toán;

c) Có ít nhất 03 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán;

d) Không phải là người có liên quan của người quản lý tổ chức tín dụng đó;

đ) Trưởng ban kiểm soát phải cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm.

4. Tổng giám đốc (Giám đốc) phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:

a) Tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này;

b) Có trình độ từ đại học trở lên về một trong các ngành tài chính, ngân hàng, kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, kế toán, kiểm toán;

c) Có một trong các điều kiện sau đây: có ít nhất 05 năm là người điều hành tổ chức tín dụng; có ít nhất 05 năm là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng mức vốn pháp định đối với loại hình tổ chức tín dụng tương ứng và có ít nhất 05 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán; có ít nhất 10 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán;

d) Cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm.

5. Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), Kế toán trưởng, Giám đốc Chi nhánh, Tổng giám đốc (Giám đốc) công ty con và các chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:

a) Không thuộc trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ quy định tại khoản 2 Điều 42 của Luật này; đối với Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) phải không thuộc trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ quy định tại khoản 1 Điều 42 của Luật này;

b) Có một trong các điều kiện sau đây: có trình độ từ đại học trở lên về một trong các ngành tài chính, ngân hàng, kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, kế toán, kiểm toán hoặc ngành khác thuộc lĩnh vực chuyên môn mà mình sẽ đảm nhiệm; có trình độ từ đại học trở lên về ngành khác và có ít nhất 03 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng hoặc lĩnh vực chuyên môn mà mình sẽ đảm nhiệm;

c) Cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm;

d) Kế toán trưởng còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật về kế toán.

6. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.

Điều 42. Những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ

1. Những người sau đây không được là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng:

a) Người thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Người thuộc đối tượng không được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

c) Người đã từng là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh, Tổng giám đốc (Giám đốc), thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát của doanh nghiệp, thành viên Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc (Giám đốc) hợp tác xã tại thời điểm doanh nghiệp, hợp tác xã đó bị tuyên bố phá sản, trừ trường hợp được cử, chỉ định, bổ nhiệm tham gia quản lý, điều hành, kiểm soát doanh nghiệp, hợp tác xã là tổ chức tín dụng bị tuyên bố phá sản theo yêu cầu nhiệm vụ;

d) Người đã từng bị đình chỉ chức danh Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng quản trị; Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng thành viên; Trưởng ban, thành viên khác của Ban kiểm soát; Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng theo quy định tại Điều 47 của Luật này hoặc bị cơ quan có thẩm quyền xác định người đó có vi phạm dẫn đến việc tổ chức tín dụng bị thu hồi Giấy phép;

đ) Người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 69, điểm b khoản 1 Điều 73điểm a khoản 2 Điều 77 của Luật này;

e) Người có liên quan của thành viên Ban kiểm soát, Phó giám đốc của quỹ tín dụng nhân dân đó;

g) Người phải chịu trách nhiệm theo kết luận thanh tra dẫn đến việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng ở khung phạt tiền cao nhất đối với hành vi vi phạm quy định về giấy phép, quản trị, điều hành, cổ phần, cổ phiếu, góp vốn, mua cổ phần, cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp, tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

2. Những người sau đây không được là Kế toán trưởng, Giám đốc chi nhánh, Tổng giám đốc (Giám đốc) công ty con của tổ chức tín dụng:

a) Người chưa thành niên; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự;

b) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;

c) Người đã bị kết án về tội từ tội phạm nghiêm trọng trở lên;

d) Người đã bị kết án về tội xâm phạm sở hữu mà chưa được xóa án tích;

đ) Cán bộ, công chức, viên chức, người quản lý từ cấp phòng trở lên trong doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên, trừ người được cử làm đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà nước, của doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên tại tổ chức tín dụng hoặc được cử, chỉ định, bổ nhiệm tham gia quản lý, điều hành, kiểm soát tổ chức tín dụng theo yêu cầu nhiệm vụ;

e) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà nước, của doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên tại tổ chức tín dụng;

g) Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng.

3. Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng và vợ, chồng của những người này không được là Kế toán trưởng hoặc là người phụ trách tài chính của tổ chức tín dụng đó.

Điều 43. Những trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ

1. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng không được đồng thời là người điều hành, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng đó và tổ chức tín dụng khác, người quản lý doanh nghiệp khác, trừ trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị của quỹ tín dụng nhân dân đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị hoặc thành viên Ban kiểm soát của ngân hàng hợp tác xã.

2. Thành viên Hội đồng quản trị không phải là thành viên độc lập; thành viên Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng không được đồng thời đảm nhiệm một trong các chức vụ sau đây:

a) Người điều hành tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp là Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng đó;

b) Người quản lý, người điều hành tổ chức tín dụng khác, người quản lý doanh nghiệp khác, trừ trường hợp là người quản lý, người điều hành công ty con của tổ chức tín dụng đó hoặc của công ty mẹ của tổ chức tín dụng đó hoặc trường hợp thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt;

c) Kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng khác, doanh nghiệp khác.

3. Thành viên độc lập Hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng không được đồng thời đảm nhiệm một trong các chức vụ sau đây:

a) Người điều hành tổ chức tín dụng đó;

b) Người quản lý, người điều hành tổ chức tín dụng khác; người quản lý trên 02 doanh nghiệp khác;

c) Kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng khác, doanh nghiệp khác.

4. Thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng không được đồng thời đảm nhiệm một trong các chức vụ sau đây, trừ trường hợp là người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt:

a) Người quản lý, người điều hành tổ chức tín dụng đó, tổ chức tín dụng khác, doanh nghiệp khác; nhân viên của tổ chức tín dụng đó hoặc công ty con của tổ chức tín dụng đó;

b) Nhân viên của doanh nghiệp mà thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng là thành viên Hội đồng quản trị, người điều hành hoặc là cổ đông lớn của doanh nghiệp đó.

5. Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng không được đồng thời là người quản lý, người điều hành, kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng khác, doanh nghiệp khác, trừ trường hợp Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng là người quản lý, người điều hành công ty con của tổ chức tín dụng đó hoặc của công ty mẹ của tổ chức tín dụng đó.

Điều 44. Chấp thuận danh sách dự kiến những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng

1. Danh sách dự kiến những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng; làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi bầu, bổ nhiệm các chức danh này. Những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng; làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân phải thuộc danh sách đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

2. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định hồ sơ, thủ tục chấp thuận danh sách dự kiến những người được bầu, bổ nhiệm các chức danh quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Tổ chức tín dụng phải thông báo cho Ngân hàng Nhà nước danh sách người được bầu, bổ nhiệm chức danh quy định tại khoản 1 Điều này trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày bầu, bổ nhiệm.

Điều 45. Những trường hợp đương nhiên mất tư cách

1. Những trường hợp sau đây đương nhiên mất tư cách thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng:

a) Thuộc một trong các trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ quy định tại Điều 42 của Luật này;

b) Là người đại diện phần vốn góp của một tổ chức là cổ đông hoặc thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng khi tổ chức đó bị chấm dứt tồn tại;

c) Không còn là người đại diện phần vốn góp theo ủy quyền của cổ đông, thành viên góp vốn là tổ chức;

d) Bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

đ) Khi tổ chức tín dụng đó bị thu hồi Giấy phép;

e) Khi hợp đồng thuê Tổng giám đốc (Giám đốc) hết hiệu lực;

g) Không còn là thành viên của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân đó;

h) Chết.

2. Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng phải có văn bản báo cáo kèm tài liệu chứng minh về việc nhân sự đương nhiên mất tư cách theo quy định tại các điểm a, b, c, d, e, g và h khoản 1 Điều này gửi Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhân sự đương nhiên mất tư cách và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của báo cáo này; thực hiện thủ tục bầu, bổ nhiệm chức danh bị khuyết theo quy định của pháp luật.

3. Sau khi đương nhiên mất tư cách, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng vẫn phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trong thời gian đương nhiệm.

Điều 46. Miễn nhiệm, bãi nhiệm

1. Trừ trường hợp đương nhiên mất tư cách quy định tại Điều 45 của Luật này, Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng quản trị; Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng thành viên; Trưởng ban, thành viên khác của Ban kiểm soát; Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng bị miễn nhiệm, bãi nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Miễn nhiệm khi có đơn xin từ chức gửi Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng;

b) Bãi nhiệm khi không tham gia hoạt động của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát trong 06 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng;

c) Bãi nhiệm khi không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 41 của Luật này;

d) Bãi nhiệm khi thành viên độc lập Hội đồng quản trị không đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 41 và khoản 3 Điều 43 của Luật này;

đ) Trường hợp miễn nhiệm, bãi nhiệm khác theo Điều lệ của tổ chức tín dụng.

2. Sau khi bị miễn nhiệm, bãi nhiệm, Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng quản trị; Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng thành viên; Trưởng ban, thành viên khác của Ban kiểm soát; Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng vẫn phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trong thời gian đương nhiệm.

3. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thông qua quyết định miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với các nhân sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng phải có văn bản kèm tài liệu liên quan báo cáo Ngân hàng Nhà nước.

Điều 47. Đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát và người điều hành tổ chức tín dụng

1. Ngân hàng Nhà nước có quyền đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng quản trị; Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng thành viên; Trưởng ban, thành viên khác của Ban kiểm soát; người điều hành tổ chức tín dụng vi phạm quy định tại Điều 43, khoản 10 Điều 48 của Luật này hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan trong quá trình thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 41 của Luật này; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm, bầu, bổ nhiệm người thay thế hoặc chỉ định người thay thế nếu xét thấy cần thiết.

2. Ban kiểm soát đặc biệt có quyền đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng quản trị; Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng thành viên; Trưởng ban, thành viên khác của Ban kiểm soát; người điều hành tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt nếu xét thấy cần thiết.

3. Người bị đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải tham gia xử lý các tồn tại và vi phạm có liên quan đến trách nhiệm cá nhân khi có yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng hoặc Ban kiểm soát đặc biệt.

Điều 48. Quyền, nghĩa vụ của người quản lý, người điều hành tổ chức tín dụng

1. Tuân thủ pháp luật, Điều lệ của tổ chức tín dụng, nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên, chủ sở hữu, thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng.

2. Thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, vì lợi ích của tổ chức tín dụng, cổ đông, thành viên góp vốn và chủ sở hữu của tổ chức tín dụng.

3. Không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của tổ chức tín dụng, lạm dụng địa vị, chức vụ và tài sản của tổ chức tín dụng để thu lợi cá nhân hoặc để phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác làm tổn hại tới lợi ích của tổ chức tín dụng, cổ đông, thành viên góp vốn và chủ sở hữu của tổ chức tín dụng.

4. Chịu trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của Luật này.

5. Bảo đảm lưu trữ hồ sơ của tổ chức tín dụng để cung cấp được các số liệu phục vụ cho hoạt động quản lý, điều hành, kiểm soát mọi hoạt động của tổ chức tín dụng, hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước.

6. Am hiểu về các loại rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

7. Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho tổ chức tín dụng về quyền lợi của mình tại tổ chức khác, giao dịch với tổ chức, cá nhân khác có thể gây xung đột với lợi ích của tổ chức tín dụng và chỉ được tham gia vào giao dịch đó khi được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên chấp thuận.

8. Không được tạo điều kiện để bản thân hoặc người có liên quan của mình vay vốn, sử dụng các dịch vụ ngân hàng khác của tổ chức tín dụng với những điều kiện ưu đãi, thuận lợi hơn so với quy định chung của tổ chức tín dụng.

9. Không được tăng thù lao, lương hoặc yêu cầu trả thưởng cho người quản lý, người điều hành khi tổ chức tín dụng đó bị lỗ.

10. Trong phạm vi quyền, nghĩa vụ được giao, có trách nhiệm thực hiện yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước. Thực hiện khuyến nghị, cảnh báo rủi ro và an toàn hoạt động, cảnh báo nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

11. Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức tín dụng.

Điều 49. Cung cấp, công bố công khai thông tin

1. Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng phải cung cấp cho tổ chức tín dụng các thông tin sau đây:

a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác mà mình hoặc mình và người có liên quan đứng tên sở hữu phần vốn góp, cổ phần từ 05% vốn điều lệ trở lên, bao gồm cả phần vốn góp, cổ phần ủy quyền, ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác đứng tên;

b) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác mà mình và người có liên quan là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc);

c) Thông tin về người có liên quan là cá nhân, bao gồm: họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp đối với người nước ngoài; mối quan hệ với người cung cấp thông tin;

d) Thông tin về người có liên quan là tổ chức, bao gồm: tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương; người đại diện theo pháp luật, mối quan hệ với người cung cấp thông tin.

2. Cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải cung cấp cho tổ chức tín dụng các thông tin sau đây:

a) Họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp của cổ đông là người nước ngoài; số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương của cổ đông là tổ chức; ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này;

b) Thông tin về người có liên quan theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều này;

c) Số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình tại tổ chức tín dụng đó;

d) Số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của người có liên quan của mình tại tổ chức tín dụng đó.

3. Đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải gửi tổ chức tín dụng bằng văn bản cung cấp thông tin lần đầu và khi có thay đổi các thông tin này trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh hoặc có thay đổi thông tin.

Đối với thông tin tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều này, cổ đông chỉ phải cung cấp thông tin cho tổ chức tín dụng khi có mức thay đổi về tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người có liên quan từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng đó so với lần cung cấp liền trước.

4. Tổ chức tín dụng phải niêm yết, lưu giữ thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này tại trụ sở chính của tổ chức tín dụng và gửi báo cáo bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức tín dụng nhận được thông tin cung cấp. Định kỳ hằng năm, tổ chức tín dụng công bố thông tin quy định tại các điểm a, b, d khoản 1 và các điểm a, c, d khoản 2 Điều này với Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng.

5. Tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin về họ và tên cá nhân, tên tổ chức là cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng và thông tin quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều này trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức tín dụng nhận được thông tin cung cấp.

6. Đối tượng cung cấp, công bố công khai thông tin phải bảo đảm thông tin cung cấp, công bố công khai trung thực, chính xác, đầy đủ, kịp thời và phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp, công bố công khai thông tin đó.

Mục 2. QUY ĐỊNH CHUNG ĐỐI VỚI TỔ CHỨC TÍN DỤNG LÀ CÔNG TY CỔ PHẦN, CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN

Điều 50. Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên và cơ cấu Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên

1. Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên là cơ quan quản trị có toàn quyền nhân danh tổ chức tín dụng để quyết định, thực hiện quyền, nghĩa vụ của tổ chức tín dụng, trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông, chủ sở hữu.

2. Trường hợp Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên có số thành viên ít hơn số thành viên tối thiểu theo quy định tại khoản 1 Điều 69 và điểm a khoản 1 Điều 73 của Luật này, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày không đủ số thành viên tối thiểu, tổ chức tín dụng phải bầu bổ sung, bảo đảm số thành viên tối thiểu, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 166 của Luật này.

3. Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên sử dụng con dấu của tổ chức tín dụng để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

4. Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên có bộ phận giúp việc. Chức năng, nhiệm vụ của bộ phận giúp việc do Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên quy định.

5. Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên phải thành lập các ủy ban để giúp Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, trong đó phải có Ủy ban Quản lý rủi ro và Ủy ban Nhân sự. Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên quyết định nhiệm vụ, quyền hạn của 02 Ủy ban này theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 51. Ban kiểm soát

1. Ban kiểm soát thực hiện giám sát, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật, quy định nội bộ, Điều lệ và nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, chủ sở hữu, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên.

2. Ban kiểm soát của ngân hàng thương mại có tối thiểu 05 thành viên. Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng khác có tối thiểu 03 thành viên. Số lượng thành viên của Ban kiểm soát do Điều lệ của tổ chức tín dụng quy định.

3. Ban kiểm soát có bộ phận kiểm toán nội bộ, bộ phận giúp việc để thực hiện nhiệm vụ của mình.

4. Nhiệm kỳ của Ban kiểm soát không quá 05 năm. Nhiệm kỳ của thành viên Ban kiểm soát theo nhiệm kỳ của Ban kiểm soát, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này. Nhiệm kỳ của thành viên được bổ sung hoặc thay thế là thời hạn còn lại của nhiệm kỳ. Ban kiểm soát của nhiệm kỳ vừa kết thúc tiếp tục hoạt động cho đến khi Ban kiểm soát của nhiệm kỳ mới tiếp quản công việc.

5. Nhiệm kỳ của Trưởng ban kiểm soát và thành viên khác của Ban kiểm soát tại tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng nhưng không quá 05 năm.

6. Trường hợp Ban kiểm soát có số thành viên ít hơn số thành viên tối thiểu quy định tại khoản 2 Điều này, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày không đủ số thành viên tối thiểu, tổ chức tín dụng phải bầu bổ sung, bảo đảm số thành viên tối thiểu, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 166 của Luật này.

Điều 52. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát

1. Giám sát hoạt động quản trị, điều hành tổ chức tín dụng trong việc tuân thủ pháp luật, quy định nội bộ, Điều lệ và nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, chủ sở hữu, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên; chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng cổ đông, chủ sở hữu, thành viên góp vốn trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của Luật này và Điều lệ của tổ chức tín dụng.

2. Ban hành quy định nội bộ của Ban kiểm soát; định kỳ hằng năm xem xét lại quy định nội bộ của Ban kiểm soát, quy định nội bộ của tổ chức tín dụng về kế toán, báo cáo.

3. Tổ chức thực hiện kiểm toán nội bộ; được tiếp cận, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động quản trị, điều hành tổ chức tín dụng, có quyền sử dụng các nguồn lực của tổ chức tín dụng để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; được thuê chuyên gia, tư vấn độc lập và tổ chức bên ngoài để thực hiện nhiệm vụ nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ của Ban kiểm soát.

4. Giám sát thực trạng tài chính, thẩm định báo cáo tài chính 06 tháng đầu năm và hằng năm của tổ chức tín dụng; báo cáo Đại hội đồng cổ đông, chủ sở hữu, thành viên góp vốn về kết quả thẩm định báo cáo tài chính; đánh giá tính hợp lý, hợp pháp, trung thực và mức độ cẩn trọng trong công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính. Ban kiểm soát có thể tham khảo ý kiến của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên trước khi trình báo cáo và kiến nghị lên Đại hội đồng cổ đông hoặc chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn.

5. Giám sát việc thông qua và thực hiện dự án đầu tư, mua, bán tài sản cố định, hợp đồng, giao dịch khác của tổ chức tín dụng thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên. Định kỳ hằng năm, lập và gửi báo cáo kết quả giám sát cho Đại hội đồng cổ đông, chủ sở hữu, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên.

6. Giám sát việc chấp hành các quy định tại Chương VII của Luật này về các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

7. Kiểm tra sổ sách kế toán, các tài liệu khác và công việc quản lý, điều hành hoạt động của tổ chức tín dụng khi xét thấy cần thiết hoặc trong các trường hợp sau đây:

a) Theo nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông;

b) Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước hoặc của cổ đông lớn, nhóm cổ đông lớn, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, Hội đồng thành viên phù hợp với quy định của pháp luật. Việc kiểm tra được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Ban kiểm soát phải báo cáo, giải trình về những vấn đề được yêu cầu kiểm tra đến tổ chức, cá nhân có yêu cầu.

8. Kịp thời thông báo cho Đại hội đồng cổ đông, chủ sở hữu, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên khi phát hiện người quản lý, người điều hành tổ chức tín dụng có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm Điều lệ, quy định nội bộ của tổ chức tín dụng, nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, chủ sở hữu, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên; yêu cầu người vi phạm chấm dứt ngay hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả (nếu có).

9. Lập danh sách cổ đông sáng lập trong thời hạn 05 năm kể từ ngày là cổ đông sáng lập, cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên, thành viên góp vốn và người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng, cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên; lưu giữ và cập nhật thay đổi của danh sách này.

10. Đề nghị Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên họp bất thường hoặc đề nghị Hội đồng quản trị triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường theo quy định của Luật này và Điều lệ của tổ chức tín dụng.

11. Triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường trong trường hợp Hội đồng quản trị có quyết định vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật này hoặc vượt quá thẩm quyền được giao hoặc trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng.

12. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật, đình chỉ và quyết định mức lương, lợi ích khác đối với các chức danh thuộc bộ phận kiểm toán nội bộ.

13. Kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước về các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 6, 8 và 11 Điều này và các hành vi vi phạm về tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp, người có liên quan theo quy định của Luật này.

14. Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức tín dụng.

Điều 53. Quyền, nghĩa vụ của Trưởng ban kiểm soát

1. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát quy định tại Điều 52 của Luật này và chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

2. Triệu tập và làm chủ tọa cuộc họp Ban kiểm soát.

3. Thay mặt Ban kiểm soát ký văn bản thuộc thẩm quyền của Ban kiểm soát.

4. Thay mặt Ban kiểm soát triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường quy định tại khoản 11 Điều 52 của Luật này hoặc đề nghị Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên họp bất thường.

5. Tham dự cuộc họp Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, có quyền phát biểu ý kiến nhưng không được biểu quyết.

6. Yêu cầu ghi lại ý kiến của mình trong biên bản cuộc họp Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên nếu ý kiến đó khác với nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên và báo cáo trước Đại hội đồng cổ đông hoặc chủ sở hữu, thành viên góp vốn.

7. Chuẩn bị kế hoạch làm việc của Ban kiểm soát và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban kiểm soát.

8. Bảo đảm thành viên Ban kiểm soát nhận được thông tin đầy đủ, khách quan, chính xác và có đủ thời gian thảo luận các vấn đề mà Ban kiểm soát phải xem xét.

9. Giám sát, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ được phân công và quyền, nghĩa vụ của thành viên Ban kiểm soát.

10. Chỉ được ủy quyền cho một thành viên khác của Ban kiểm soát thực hiện quyền, nghĩa vụ của Trưởng ban kiểm soát trong thời gian vắng mặt hoặc không thể thực hiện nhiệm vụ.

11. Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức tín dụng.

Điều 54. Quyền, nghĩa vụ của thành viên Ban kiểm soát

1. Tuân thủ pháp luật, Điều lệ của tổ chức tín dụng, quy định nội bộ của Ban kiểm soát và thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Trưởng ban kiểm soát để triển khai nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát một cách trung thực, cẩn trọng, vì lợi ích của tổ chức tín dụng và của cổ đông, thành viên góp vốn, chủ sở hữu; chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

2. Bầu một thành viên Ban kiểm soát làm Trưởng ban kiểm soát, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 73 của Luật này.

3. Yêu cầu Trưởng ban kiểm soát triệu tập Ban kiểm soát họp bất thường.

4. Kiểm soát hoạt động kinh doanh, kiểm soát sổ sách kế toán, tài sản, báo cáo tài chính và kiến nghị biện pháp khắc phục.

5. Yêu cầu người quản lý báo cáo, giải trình về thực trạng tài chính, kết quả kinh doanh của công ty con, kế hoạch, dự án, chương trình đầu tư phát triển và quyết định khác trong quản lý, điều hành tổ chức tín dụng.

6. Yêu cầu người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng cung cấp số liệu và giải trình các hoạt động kinh doanh để thực hiện nhiệm vụ được phân công.

7. Báo cáo Trưởng ban kiểm soát về hoạt động tài chính bất thường của tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm về đánh giá, kết luận của mình.

8. Tham dự cuộc họp của Ban kiểm soát, thảo luận và biểu quyết về vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát, trừ những vấn đề có xung đột lợi ích với thành viên đó.

9. Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức tín dụng.

Điều 55. Tổng giám đốc (Giám đốc)

1. Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, chủ sở hữu bổ nhiệm Tổng giám đốc (Giám đốc) với nhiệm kỳ không quá 05 năm.

2. Tổng giám đốc (Giám đốc) là người điều hành cao nhất của tổ chức tín dụng, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, chủ sở hữu về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

3. Trường hợp khuyết Tổng giám đốc (Giám đốc), Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng phải bổ nhiệm Tổng giám đốc (Giám đốc) trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày khuyết Tổng giám đốc (Giám đốc).

Điều 56. Quyền, nghĩa vụ của Tổng giám đốc (Giám đốc)

1. Tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên.

2. Quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của tổ chức tín dụng.

3. Thiết lập, duy trì hệ thống kiểm soát nội bộ hoạt động có hiệu quả.

4. Lập và trình Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên thông qua hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền thông qua báo cáo tài chính; chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của báo cáo tài chính, báo cáo thống kê, số liệu quyết toán và các thông tin tài chính khác.

5. Ban hành theo thẩm quyền quy chế, quy định nội bộ; quy trình, thủ tục tác nghiệp để vận hành hệ thống điều hành kinh doanh, hệ thống thông tin quản lý.

6. Báo cáo Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Đại hội đồng cổ đông và cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hoạt động và kết quả kinh doanh của tổ chức tín dụng.

7. Quyết định áp dụng biện pháp vượt thẩm quyền của mình trong trường hợp thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, sự cố và chịu trách nhiệm về quyết định đó, kịp thời báo cáo Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên.

8. Kiến nghị, đề xuất cơ cấu tổ chức quản lý của tổ chức tín dụng trình Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông quyết định theo thẩm quyền.

9. Đề nghị Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên họp bất thường.

10. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh quản lý, điều hành của tổ chức tín dụng, trừ chức danh thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên.

11. Ký kết hợp đồng, giao dịch khác nhân danh tổ chức tín dụng theo quy định của Điều lệ và quy định nội bộ của tổ chức tín dụng.

12. Kiến nghị phương án sử dụng lợi nhuận, xử lý lỗ trong kinh doanh của tổ chức tín dụng.

13. Tuyển dụng lao động; quyết định lương, thưởng của người lao động theo thẩm quyền.

14. Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức tín dụng.

Điều 57. Hệ thống kiểm soát nội bộ

1. Hệ thống kiểm soát nội bộ là tập hợp các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ, cơ cấu tổ chức của tổ chức tín dụng và được tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro.

2. Tổ chức tín dụng phải xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ để bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Hiệu quả và an toàn trong hoạt động; bảo vệ, quản lý, sử dụng an toàn, hiệu quả tài sản và các nguồn lực;

b) Hệ thống thông tin tài chính và thông tin quản lý trung thực, hợp lý, đầy đủ và kịp thời;

c) Tuân thủ pháp luật và các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ.

3. Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng thuê tổ chức kiểm toán độc lập đánh giá một phần hoặc toàn bộ hệ thống kiểm soát nội bộ khi xét thấy cần thiết.

4. Tổ chức tín dụng xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ và triển khai ứng dụng công nghệ trong hoạt động kiểm soát nội bộ theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 58. Kiểm toán nội bộ

1. Tổ chức tín dụng phải thành lập kiểm toán nội bộ thuộc Ban kiểm soát thực hiện kiểm toán nội bộ tổ chức tín dụng.

2. Kiểm toán nội bộ thực hiện rà soát, đánh giá độc lập, khách quan về tính thích hợp và sự tuân thủ cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ của tổ chức tín dụng; đưa ra kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của các hệ thống, quy trình, quy định, góp phần bảo đảm tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật.

3. Kết quả kiểm toán nội bộ phải được báo cáo Ban kiểm soát và gửi Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng.

Điều 59. Kiểm toán độc lập

1. Trước khi kết thúc năm tài chính, tổ chức tín dụng phải lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập đáp ứng yêu cầu theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để kiểm toán báo cáo tài chính và thực hiện dịch vụ bảo đảm đối với hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính trong năm tài chính tiếp theo.

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định chọn tổ chức kiểm toán độc lập, tổ chức tín dụng phải thông báo cho Ngân hàng Nhà nước về tổ chức kiểm toán độc lập được lựa chọn.

Mục 3. TỔ CHỨC TÍN DỤNG LÀ CÔNG TY CỔ PHẦN

Điều 60. Các loại cổ phần, cổ đông

1. Tổ chức tín dụng là công ty cổ phần phải có cổ phần phổ thông. Người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông.

2. Tổ chức tín dụng là công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi. Người sở hữu cổ phần ưu đãi là cổ đông ưu đãi. Cổ phần ưu đãi gồm các loại sau đây:

a) Cổ phần ưu đãi cổ tức;

b) Cổ phần ưu đãi biểu quyết.

3. Cổ phần ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm. Cổ tức được chia hằng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng. Cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của tổ chức tín dụng và chỉ được trả khi tổ chức tín dụng có lãi. Trường hợp tổ chức tín dụng kinh doanh thua lỗ hoặc có lãi nhưng không đủ để chia cổ tức cố định thì cổ tức cố định trả cho cổ phần ưu đãi cổ tức được cộng dồn vào các năm tiếp theo. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng do Đại hội đồng cổ đông quyết định và được ghi trên cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức. Tổng giá trị mệnh giá của cổ phần ưu đãi cổ tức tối đa bằng 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.

Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), người quản lý, người điều hành khác của tổ chức tín dụng không được mua cổ phần ưu đãi cổ tức do tổ chức tín dụng đó phát hành. Người được mua cổ phần ưu đãi cổ tức do Điều lệ của tổ chức tín dụng quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định.

Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức có các quyền và nghĩa vụ như cổ đông phổ thông, trừ quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

4. Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Quyền ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong 03 năm kể từ ngày tổ chức tín dụng được cấp Giấy phép. Sau thời hạn đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có các quyền và nghĩa vụ như cổ đông phổ thông, trừ quyền chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác.

5. Cổ phần phổ thông không thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi. Cổ phần ưu đãi có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

6. Tổ chức tín dụng là công ty cổ phần phải có tối thiểu 100 cổ đông và không hạn chế số lượng tối đa, trừ tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc đang thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc quy định tại Mục 4 Chương X của Luật này.

Điều 61. Quyền của cổ đông phổ thông

1. Tham dự và phát biểu ý kiến trong các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo ủy quyền; mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết.

2. Nhận cổ tức theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

3. Được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong tổ chức tín dụng.

4. Chuyển nhượng cổ phần, quyền mua cổ phần cho cổ đông khác của tổ chức tín dụng hoặc tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật này và Điều lệ của tổ chức tín dụng.

5. Xem, tra cứu, trích lục thông tin về tên và địa chỉ liên lạc trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết; yêu cầu sửa đổi thông tin không chính xác của mình.

6. Xem, tra cứu, trích lục, sao chụp Điều lệ của tổ chức tín dụng, sổ biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông.

7. Được chia phần tài sản còn lại tương ứng với số cổ phần sở hữu tại tổ chức tín dụng khi tổ chức tín dụng giải thể hoặc phá sản.

8. Ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình; người được ủy quyền không được ứng cử với tư cách của chính mình.

9. Ứng cử, đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng hoặc theo quy định của pháp luật nếu Điều lệ của tổ chức tín dụng không quy định. Danh sách ứng cử viên phải được gửi đến Hội đồng quản trị theo thời hạn do Hội đồng quản trị quy định.

10. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc tỷ lệ khác thấp hơn theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát.

Điều 62. Nghĩa vụ của cổ đông phổ thông

1. Cổ đông của tổ chức tín dụng phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

a) Thanh toán đủ số tiền tương ứng với số cổ phần đã cam kết mua trong thời hạn do tổ chức tín dụng quy định; chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của tổ chức tín dụng trong phạm vi vốn cổ phần đã góp vào tổ chức tín dụng;

b) Không được rút vốn cổ phần đã góp ra khỏi tổ chức tín dụng dưới mọi hình thức dẫn đến việc giảm vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp quy định tại Điều 65 của Luật này;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của nguồn vốn góp, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần tại tổ chức tín dụng; không sử dụng nguồn vốn do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng, nguồn vốn do phát hành trái phiếu doanh nghiệp để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của tổ chức tín dụng; không được góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng dưới tên của cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp ủy thác theo quy định của pháp luật;

d) Tuân thủ Điều lệ và các quy định nội bộ của tổ chức tín dụng;

đ) Chấp hành nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị;

e) Chịu trách nhiệm khi nhân danh tổ chức tín dụng dưới mọi hình thức để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, tiến hành kinh doanh, giao dịch khác để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

g) Bảo mật thông tin được tổ chức tín dụng cung cấp theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức tín dụng; chỉ sử dụng thông tin được cung cấp để thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; không được phát tán, sao, gửi thông tin được tổ chức tín dụng cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.

2. Cổ đông nhận ủy thác đầu tư cho tổ chức, cá nhân khác phải cung cấp cho tổ chức tín dụng thông tin về chủ sở hữu thực sự của số cổ phần mà mình nhận ủy thác đầu tư trong tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng có quyền đình chỉ quyền cổ đông của các cổ đông nhận ủy thác đầu tư trong trường hợp cổ đông này không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác về chủ sở hữu thực sự các cổ phần.

Điều 63. Tỷ lệ sở hữu cổ phần

1. Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 05% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

2. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

3. Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 05% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác.

4. Quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này không áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

a) Sở hữu cổ phần tại công ty con, công ty liên kết là tổ chức tín dụng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 111 của Luật này;

b) Sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa;

c) Sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 7 Điều này.

5. Tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này bao gồm cả số cổ phần sở hữu gián tiếp. Tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại khoản 3 Điều này bao gồm cả cổ phần do cổ đông ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần và không bao gồm sở hữu cổ phần của người có liên quan là công ty con của cổ đông đó theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 4 của Luật này.

6. Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày tổ chức tín dụng được cấp Giấy phép, các cổ đông sáng lập phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; các cổ đông sáng lập là pháp nhân phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% tổng số cổ phần do các cổ đông sáng lập nắm giữ.

7. Nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Chính phủ quy định tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư đó tại một tổ chức tín dụng Việt Nam; điều kiện, thủ tục nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam; điều kiện đối với tổ chức tín dụng Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Điều 64. Chào bán và chuyển nhượng cổ phần

1. Cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức có người đại diện phần vốn góp tại tổ chức tín dụng là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được chuyển nhượng cổ phần của mình trong thời gian đảm nhiệm chức vụ.

Người đại diện phần vốn góp quy định tại khoản này không bao gồm người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại tổ chức tín dụng.

2. Trong thời gian đang xử lý hậu quả do trách nhiệm cá nhân theo nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) không được chuyển nhượng cổ phần, trừ một trong các trường hợp sau đây:

a) Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) là đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức bị sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật;

b) Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) bị buộc chuyển nhượng cổ phần theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

c) Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư khác nhằm thực hiện phương án phục hồi, phương án chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.

3. Việc chuyển nhượng cổ phần niêm yết, đăng ký giao dịch của tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

4. Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày tổ chức tín dụng được cấp Giấy phép, cổ đông sáng lập chỉ được phép chuyển nhượng cổ phần phổ thông, cổ phần ưu đãi cổ tức cho các cổ đông sáng lập khác với điều kiện bảo đảm các tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 của Luật này.

Điều 65. Mua lại cổ phần của cổ đông

Tổ chức tín dụng chỉ được mua lại cổ phần của cổ đông nếu sau khi thanh toán hết số tiền tương ứng với số cổ phần được mua lại mà vẫn bảo đảm các tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng và giá trị thực của vốn điều lệ không giảm thấp hơn mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng.

Điều 66. Cổ phiếu

Trường hợp cổ phiếu được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, tổ chức tín dụng phải phát hành cổ phiếu cho các cổ đông trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày khai trương hoạt động đối với tổ chức tín dụng thành lập mới hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cổ đông thanh toán đủ số tiền cam kết mua cổ phần đối với tổ chức tín dụng tăng vốn điều lệ.

Điều 67. Đại hội đồng cổ đông

1. Đại hội đồng cổ đông họp thường niên trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

2. Hội đồng quản trị triệu tập Đại hội đồng cổ đông họp bất thường trong trường hợp sau đây:

a) Hội đồng quản trị xét thấy cần thiết vì lợi ích của tổ chức tín dụng;

b) Số thành viên Hội đồng quản trị còn lại ít hơn số thành viên tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật này;

c) Số thành viên Ban kiểm soát còn lại ít hơn số thành viên tối thiểu quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này;

d) Theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông hoặc tỷ lệ khác thấp hơn theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng;

đ) Theo yêu cầu của Ban kiểm soát;

e) Quyết định nội dung theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước khi xảy ra sự kiện ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng;

g) Trường hợp khác quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng.

3. Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần. Đại hội đồng cổ đông có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thông qua định hướng phát triển của tổ chức tín dụng;

b) Thông qua Điều lệ, sửa đổi, bổ sung Điều lệ của tổ chức tín dụng;

c) Thông qua quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát;

d) Quyết định số lượng thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát từng nhiệm kỳ; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, bầu bổ sung, thay thế thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát phù hợp với các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật này và Điều lệ của tổ chức tín dụng;

đ) Quyết định mức thù lao, thưởng và các lợi ích khác đối với thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát và ngân sách hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát;

e) Xem xét và xử lý theo thẩm quyền vi phạm của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát gây thiệt hại cho tổ chức tín dụng và cổ đông của tổ chức tín dụng;

g) Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý của tổ chức tín dụng;

h) Thông qua phương án thay đổi mức vốn điều lệ; thông qua phương án chào bán cổ phần, bao gồm loại cổ phần và số lượng cổ phần mới sẽ chào bán;

i) Thông qua phương án mua lại cổ phần đã bán;

k) Thông qua phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi;

l) Thông qua phương án quy định tại Điều 143 của Luật này;

m) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm; phương án phân phối lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của tổ chức tín dụng;

n) Thông qua báo cáo của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

o) Quyết định thành lập hoặc chuyển đổi các hình thức pháp lý hiện diện thương mại ở nước ngoài, công ty con của tổ chức tín dụng;

p) Thông qua phương án góp vốn, mua, bán cổ phần, phần vốn góp của tổ chức tín dụng tại doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác mà giá trị góp vốn, giá mua dự kiến hoặc giá trị ghi sổ trong trường hợp bán cổ phần, phần vốn góp có giá trị từ 20% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc tỷ lệ khác thấp hơn theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng;

q) Thông qua quyết định đầu tư, mua, bán tài sản cố định của tổ chức tín dụng mà mức đầu tư, giá mua dự kiến hoặc nguyên giá trong trường hợp bán tài sản cố định có giá trị từ 20% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc tỷ lệ khác thấp hơn theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng;

r) Thông qua hợp đồng, giao dịch khác có giá trị từ 20% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc tỷ lệ khác thấp hơn theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng giữa tổ chức tín dụng với thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), cổ đông lớn của tổ chức tín dụng; người có liên quan của người quản lý, thành viên Ban kiểm soát, cổ đông lớn của tổ chức tín dụng; công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp ngân hàng thương mại đang thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc;

s) Quyết định việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức pháp lý, giải thể hoặc yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng;

t) Quyết định lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập theo quy định tại Điều 59 của Luật này;

u) Quyết định giải pháp khắc phục biến động lớn về tài chính của tổ chức tín dụng.

4. Quyết định của Đại hội đồng cổ đông được thông qua theo quy định sau đây:

a) Đại hội đồng cổ đông thông qua quyết định thuộc thẩm quyền bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản;

b) Trừ trường hợp quy định tại các điểm c, d và đ khoản này, quyết định của Đại hội đồng cổ đông được thông qua khi được số cổ đông đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận hoặc khi được số cổ đông đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông chấp thuận trong trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản hoặc tỷ lệ khác cao hơn do Điều lệ của tổ chức tín dụng quy định;

c) Đối với quyết định về nội dung quy định tại điểm h và điểm q khoản 3 Điều này thì phải được số cổ đông đại diện trên 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận hoặc khi được số cổ đông đại diện trên 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông chấp thuận trong trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản hoặc tỷ lệ khác cao hơn do Điều lệ của tổ chức tín dụng quy định;

d) Đối với quyết định về nội dung quy định tại điểm s khoản 3 Điều này thì phải được số cổ đông đại diện trên 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận hoặc tỷ lệ khác cao hơn do Điều lệ của tổ chức tín dụng quy định;

đ) Việc bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải được thực hiện dưới hình thức bầu dồn phiếu.

5. Quyết định về nội dung quy định tại các điểm a, d, e và s khoản 3 Điều này phải được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông.

Điều 68. Báo cáo nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hoặc từ ngày kết thúc kiểm phiếu đối với trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản, tổ chức tín dụng phải gửi đến Ngân hàng Nhà nước tất cả nghị quyết, quyết định được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Điều 69. Hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần

1. Hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần phải có tối thiểu 05 thành viên và không quá 11 thành viên. Số lượng thành viên của từng nhiệm kỳ do Đại hội đồng cổ đông quyết định. Hội đồng quản trị phải có tối thiểu 02 thành viên độc lập, hai phần ba tổng số thành viên phải là thành viên độc lập và thành viên không phải là người điều hành tổ chức tín dụng.

2. Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị không quá 05 năm. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị theo nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị được bổ sung hoặc thay thế là thời hạn còn lại của nhiệm kỳ Hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị của nhiệm kỳ vừa kết thúc tiếp tục hoạt động cho đến khi Hội đồng quản trị của nhiệm kỳ mới tiếp quản công việc.

3. Cá nhân và người có liên quan của cá nhân đó hoặc những người đại diện phần vốn góp của một cổ đông là tổ chức và người có liên quan của những người này được tham gia Hội đồng quản trị nhưng không được vượt quá 02 thành viên Hội đồng quản trị của một tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, trừ trường hợp là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước, bên nhận chuyển giao bắt buộc.

4. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng cổ đông trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của Luật này và Điều lệ của tổ chức tín dụng.

Điều 70. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần

1. Triển khai việc thành lập, khai trương hoạt động của tổ chức tín dụng sau cuộc họp Đại hội đồng cổ đông đầu tiên.

2. Trình Đại hội đồng cổ đông quyết định, thông qua nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Đại hội đồng cổ đông quy định tại khoản 3 Điều 67 của Luật này.

3. Quyết định việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của tổ chức tín dụng.

4. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật, đình chỉ và quyết định mức lương, thưởng, lợi ích khác đối với Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và người điều hành khác thuộc thẩm quyền theo quy định nội bộ của Hội đồng quản trị.

5. Cử người đại diện phần vốn góp của tổ chức tín dụng tại doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác.

6. Thông qua phương án góp vốn, mua, bán cổ phần, phần vốn góp của tổ chức tín dụng tại doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác mà giá trị góp vốn, giá mua dự kiến hoặc giá trị ghi sổ trong trường hợp bán cổ phần, phần vốn góp có giá trị dưới 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc tỷ lệ khác thấp hơn theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng.

7. Thông qua quyết định đầu tư, mua, bán tài sản cố định của tổ chức tín dụng mà mức đầu tư, giá mua dự kiến hoặc nguyên giá trong trường hợp bán tài sản cố định có giá trị từ 10% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc tỷ lệ khác thấp hơn theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng, trừ khoản đầu tư, mua, bán tài sản cố định thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông.

8. Quyết định khoản cấp tín dụng theo quy định tại khoản 7 Điều 136 của Luật này, trừ hợp đồng, giao dịch khác thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông.

9. Thông qua hợp đồng, giao dịch khác có giá trị dưới 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc tỷ lệ khác thấp hơn theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng giữa tổ chức tín dụng với thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), cổ đông lớn của tổ chức tín dụng; người có liên quan của người quản lý, thành viên Ban kiểm soát, cổ đông lớn của tổ chức tín dụng; công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng.

10. Thông qua hợp đồng, giao dịch khác có giá trị từ 10% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc tỷ lệ khác thấp hơn theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng.

11. Kiểm tra, giám sát, chỉ đạo Tổng giám đốc (Giám đốc) thực hiện nhiệm vụ được phân công; định kỳ hằng năm đánh giá về hiệu quả làm việc của Tổng giám đốc (Giám đốc).

12. Ban hành quy định nội bộ liên quan đến tổ chức, quản trị, hoạt động của tổ chức tín dụng phù hợp với quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, trừ những nội dung thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.

13. Quyết định chính sách quản lý rủi ro và giám sát việc thực thi các biện pháp phòng ngừa rủi ro của tổ chức tín dụng.

14. Xem xét, phê duyệt báo cáo thường niên.

15. Quyết định chào bán cổ phần mới trong phạm vi số cổ phần được quyền chào bán.

16. Quyết định giá chào bán cổ phần và trái phiếu chuyển đổi của tổ chức tín dụng.

17. Quyết định mua lại cổ phần của tổ chức tín dụng theo phương án được duyệt.

18. Kiến nghị phương án phân phối lợi nhuận, mức cổ tức được trả; quyết định thời hạn và thủ tục trả cổ tức hoặc xử lý lỗ phát sinh trong quá trình kinh doanh.

19. Chuẩn bị nội dung, tài liệu liên quan để trình Đại hội đồng cổ đông quyết định, thông qua các nội dung thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông, trừ nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát.

20. Duyệt chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản trị, chương trình, nội dung, tài liệu phục vụ họp Đại hội đồng cổ đông; triệu tập Đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông.

21. Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị.

22. Thông báo kịp thời cho Ngân hàng Nhà nước thông tin ảnh hưởng tiêu cực đến tư cách thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc).

23. Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức tín dụng.

Điều 71. Quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần

1. Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

2. Triệu tập và làm chủ tọa cuộc họp Hội đồng quản trị.

3. Thay mặt Hội đồng quản trị ký văn bản thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị.

4. Tổ chức việc thông qua nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị.

5. Giám sát, tổ chức giám sát việc thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị.

6. Làm chủ tọa cuộc họp Đại hội đồng cổ đông.

7. Bảo đảm thành viên Hội đồng quản trị nhận được thông tin đầy đủ, khách quan, chính xác và có đủ thời gian thảo luận các vấn đề mà Hội đồng quản trị phải xem xét.

8. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Hội đồng quản trị.

9. Giám sát thành viên Hội đồng quản trị trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ và nhiệm vụ được phân công.

10. Chỉ được ủy quyền cho một thành viên khác của Hội đồng quản trị thực hiện quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị trong thời gian vắng mặt hoặc không thể thực hiện nhiệm vụ.

11. Định kỳ hằng năm, đánh giá hiệu quả làm việc của từng thành viên Hội đồng quản trị, các Ủy ban của Hội đồng quản trị và báo cáo Đại hội đồng cổ đông về kết quả đánh giá này.

12. Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức tín dụng.

Điều 72. Quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần

1. Thực hiện quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng quản trị theo đúng quy chế nội bộ của Hội đồng quản trị và sự phân công của Chủ tịch Hội đồng quản trị một cách trung thực, cẩn trọng, vì lợi ích của tổ chức tín dụng và cổ đông; phát huy tính độc lập của thành viên độc lập Hội đồng quản trị trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ; chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

2. Xem xét báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính do kiểm toán viên độc lập chuẩn bị, có ý kiến hoặc yêu cầu người điều hành tổ chức tín dụng, kiểm toán viên độc lập và kiểm toán viên nội bộ giải trình, làm rõ vấn đề có liên quan đến báo cáo.

3. Đề nghị Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập họp Hội đồng quản trị bất thường.

4. Tham dự cuộc họp Hội đồng quản trị, thảo luận và biểu quyết về nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị theo quy định của Luật này, chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị về quyết định của mình.

Trường hợp nội dung biểu quyết có xung đột lợi ích với thành viên nào thì thành viên đó không được tham gia biểu quyết.

5. Thành viên Hội đồng quản trị không được ủy quyền cho người khác tham dự cuộc họp Hội đồng quản trị để quyết định nội dung quy định tại các khoản 2, 4, 6, 7, 8, 9, 10, 12, 13, 14 và 18 Điều 70 của Luật này.

6. Thực hiện nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị.

7. Giải trình trước Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị về việc thực hiện nhiệm vụ được giao khi có yêu cầu.

8. Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức tín dụng.

Mục 4. TỔ CHỨC TÍN DỤNG LÀ CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN

Điều 73. Quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

1. Chủ sở hữu có các quyền sau đây:

a) Quyết định số lượng thành viên Hội đồng thành viên và ghi trong Điều lệ của tổ chức tín dụng, nhưng không ít hơn 05 thành viên và không quá 09 thành viên;

b) Bổ nhiệm người đại diện theo ủy quyền với nhiệm kỳ không quá 05 năm để thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu theo quy định của Luật này. Người đại diện theo ủy quyền phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 của Luật này;

c) Bổ nhiệm với nhiệm kỳ không quá 05 năm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng thành viên; Trưởng Ban, thành viên khác của Ban kiểm soát; Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), Kế toán trưởng;

d) Quyết định thay đổi mức vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của tổ chức tín dụng và chuyển đổi hình thức pháp lý của tổ chức tín dụng;

đ) Quyết định chủ trương thành lập, mua lại, góp vốn, tăng, giảm vốn góp, chuyển nhượng vốn đầu tư tại công ty con, công ty liên kết;

e) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm; quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của tổ chức tín dụng;

g) Quyết định tổ chức lại, giải thể, yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng;

h) Quyết định mức thù lao, lương, thưởng, lợi ích khác của Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng thành viên, Trưởng ban, thành viên khác của Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc).

2. Chủ sở hữu có các nghĩa vụ sau đây:

a) Góp vốn đầy đủ và đúng thời hạn như đã cam kết;

b) Tuân thủ Điều lệ của tổ chức tín dụng;

c) Xác định và tách biệt giữa tài sản của chủ sở hữu với tài sản của tổ chức tín dụng;

d) Tuân thủ pháp luật trong việc mua, bán, vay, cho vay, thuê, cho thuê và hợp đồng, giao dịch khác giữa tổ chức tín dụng và chủ sở hữu;

đ) Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ của tổ chức tín dụng.

Điều 74. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

1. Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên gồm tất cả người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, nhân danh chủ sở hữu tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu; nhân danh tổ chức tín dụng thực hiện quyền, nghĩa vụ của tổ chức tín dụng; chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Luật này và Điều lệ của tổ chức tín dụng.

2. Hội đồng thành viên có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Ban hành Điều lệ, sửa đổi, bổ sung Điều lệ của tổ chức tín dụng;

b) Ban hành chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của tổ chức tín dụng;

c) Trình chủ sở hữu của tổ chức tín dụng phê duyệt, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền phê duyệt, quyết định của chủ sở hữu quy định tại các điểm c, d, đ, e và g khoản 1 Điều 73 của Luật này;

d) Xem xét, phê duyệt báo cáo thường niên;

đ) Quyết định lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập theo quy định tại Điều 59 của Luật này;

e) Kiểm tra, giám sát, chỉ đạo Tổng giám đốc (Giám đốc) trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao; định kỳ hằng năm đánh giá hiệu quả làm việc của Tổng giám đốc (Giám đốc);

g) Quyết định xử lý lỗ phát sinh trong quá trình kinh doanh;

h) Quyết định khoản cấp tín dụng theo quy định tại khoản 7 Điều 136 của Luật này;

i) Thông qua phương án góp vốn, mua, bán cổ phần, phần vốn góp của tổ chức tín dụng tại doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác mà giá trị góp vốn, giá mua dự kiến hoặc giá trị ghi sổ trong trường hợp bán cổ phần, phần vốn góp có giá trị từ 20% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất của tổ chức tín dụng hoặc tỷ lệ khác thấp hơn theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng;

k) Thông qua quyết định đầu tư, mua, bán tài sản cố định của tổ chức tín dụng mà mức đầu tư, giá mua dự kiến hoặc nguyên giá trong trường hợp bán tài sản cố định có giá trị từ 20% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc tỷ lệ khác thấp hơn theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng;

l) Thông qua hợp đồng, giao dịch khác của tổ chức tín dụng với công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng; hợp đồng, giao dịch khác của tổ chức tín dụng với Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng thành viên, Trưởng ban, thành viên khác của Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), người có liên quan của họ. Trong trường hợp này, thành viên có liên quan không có quyền biểu quyết, trừ hợp đồng, giao dịch khác với chủ sở hữu của tổ chức tín dụng;

m) Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và chuyển giao công nghệ;

n) Ban hành quy định nội bộ liên quan đến tổ chức, quản trị và hoạt động của tổ chức tín dụng phù hợp với quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

o) Tổ chức giám sát và đánh giá hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng;

p) Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức tín dụng.

Điều 75. Quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

1. Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng thành viên; chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

2. Triệu tập và làm chủ tọa cuộc họp Hội đồng thành viên, tổ chức lấy ý kiến thành viên Hội đồng thành viên.

3. Giám sát, tổ chức giám sát việc thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.

4. Thay mặt Hội đồng thành viên ký nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.

5. Bảo đảm thành viên Hội đồng thành viên nhận được thông tin đầy đủ, khách quan, chính xác và có đủ thời gian thảo luận nội dung mà Hội đồng thành viên phải xem xét.

6. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Hội đồng thành viên.

7. Giám sát thành viên Hội đồng thành viên trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ và nhiệm vụ được phân công.

8. Chỉ được ủy quyền cho một thành viên khác của Hội đồng thành viên thực hiện quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên trong thời gian vắng mặt hoặc không thể thực hiện nhiệm vụ.

9. Định kỳ hằng năm, đánh giá hiệu quả làm việc của từng thành viên Hội đồng thành viên và báo cáo chủ sở hữu về kết quả đánh giá này.

10. Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức tín dụng.

Điều 76. Quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

1. Thực hiện quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thành viên theo quy chế nội bộ của Hội đồng thành viên và phân công của Chủ tịch Hội đồng thành viên một cách trung thực, cẩn trọng, vì lợi ích của tổ chức tín dụng, chủ sở hữu; chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

2. Xem xét báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính do kiểm toán viên độc lập chuẩn bị, có ý kiến hoặc yêu cầu người điều hành tổ chức tín dụng, kiểm toán viên độc lập và kiểm toán nội bộ giải trình, làm rõ các vấn đề có liên quan đến báo cáo.

3. Đề nghị Chủ tịch Hội đồng thành viên triệu tập họp Hội đồng thành viên bất thường.

4. Tham dự cuộc họp Hội đồng thành viên, thảo luận và biểu quyết về nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thành viên theo quy định của Luật này, chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu và trước Hội đồng thành viên về quyết định của mình.

Trường hợp nội dung biểu quyết có xung đột lợi ích với thành viên nào thì thành viên đó không được tham gia biểu quyết.

5. Thực hiện quyết định của chủ sở hữu và nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.

6. Giải trình trước chủ sở hữu, Hội đồng thành viên về việc thực hiện nhiệm vụ được giao khi có yêu cầu.

7. Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức tín dụng.

Mục 5. TỔ CHỨC TÍN DỤNG LÀ CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN HAI THÀNH VIÊN TRỞ LÊN

Điều 77. Quyền, nghĩa vụ của thành viên góp vốn

1. Thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên phải là pháp nhân. Tổng số thành viên góp vốn không được vượt quá 05 thành viên. Tỷ lệ sở hữu phần vốn góp tối đa của một thành viên, một thành viên và người có liên quan không được vượt quá 50% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.

Việc góp vốn và tỷ lệ sở hữu phần vốn góp của tổ chức trong nước và nước ngoài tại tổ chức tài chính vi mô thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

2. Thành viên góp vốn có các quyền sau đây:

a) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người đại diện làm thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát trên cơ sở phần vốn góp của mình trong tổ chức tín dụng hoặc theo thỏa thuận giữa các thành viên góp vốn;

b) Được cung cấp thông tin, báo cáo về tình hình hoạt động của Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, sổ sách kế toán, báo cáo tài chính hằng năm và tài liệu, dữ liệu khác của tổ chức tín dụng;

c) Được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi tổ chức tín dụng đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác;

d) Được chia phần tài sản còn lại của tổ chức tín dụng tương ứng với phần vốn góp khi tổ chức tín dụng giải thể hoặc phá sản;

đ) Khởi kiện thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) trong trường hợp người này không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, thực hiện không kịp thời quy định của pháp luật, Điều lệ của tổ chức tín dụng, nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên đối với quyền và nghĩa vụ được giao và trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức tín dụng.

3. Thành viên góp vốn có các nghĩa vụ sau đây:

a) Không được rút vốn đã góp dưới mọi hình thức;

b) Tuân thủ Điều lệ của tổ chức tín dụng;

c) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức tín dụng.

Điều 78. Chuyển nhượng phần vốn góp

1. Thành viên góp vốn được chuyển nhượng phần vốn góp, ưu tiên góp thêm vốn khi tổ chức tín dụng tăng vốn điều lệ.

2. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định điều kiện nhận chuyển nhượng phần vốn góp của tổ chức tín dụng.

Điều 79. Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

1. Nhiệm kỳ của Hội đồng thành viên được quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng và không quá 05 năm. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng thành viên theo nhiệm kỳ của Hội đồng thành viên. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng thành viên được bổ sung hoặc thay thế là thời hạn còn lại của nhiệm kỳ Hội đồng thành viên. Hội đồng thành viên của nhiệm kỳ vừa kết thúc tiếp tục hoạt động cho đến khi Hội đồng thành viên của nhiệm kỳ mới tiếp quản công việc.

2. Hội đồng thành viên có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm a, d, đ, e, h, i, k, m và n khoản 2 Điều 74 của Luật này;

b) Quyết định tăng hoặc giảm vốn điều lệ, quyết định thời điểm và phương thức huy động vốn;

c) Thông qua hợp đồng, giao dịch khác của tổ chức tín dụng với công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng; hợp đồng, giao dịch khác của tổ chức tín dụng với thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), người có liên quan của họ. Trong trường hợp này, thành viên Hội đồng thành viên có liên quan không có quyền biểu quyết;

d) Báo cáo tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của tổ chức tín dụng, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên theo yêu cầu của thành viên góp vốn hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Quyết định mua lại phần vốn góp theo quy định của Luật này;

e) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, ký và chấm dứt hợp đồng đối với Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), Kế toán trưởng và người quản lý, người điều hành khác thuộc thẩm quyền theo quy định nội bộ của Hội đồng thành viên;

g) Quyết định mức thù lao, lương, thưởng, lợi ích khác của Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng thành viên, Trưởng ban, thành viên khác của Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc);

h) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm, phương án sử dụng và phân chia lợi nhuận hoặc phương án xử lý lỗ của tổ chức tín dụng;

i) Quyết định thành lập công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện; góp vốn thành lập công ty liên kết;

k) Quyết định tổ chức lại, giải thể, yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng;

l) Ban hành chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của tổ chức tín dụng;

m) Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức tín dụng.

3. Chủ tịch Hội đồng thành viên có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

a) Quyền, nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 75 của Luật này;

b) Định kỳ hằng năm, đánh giá hiệu quả làm việc của từng thành viên, các Ủy ban của Hội đồng thành viên;

c) Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức tín dụng.

4. Thành viên Hội đồng thành viên có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

a) Quyền, nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 76 của Luật này;

b) Tham dự cuộc họp Hội đồng thành viên, thảo luận và biểu quyết về nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thành viên theo quy định của Luật này, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về quyết định của mình.

Trường hợp nội dung biểu quyết có xung đột lợi ích với thành viên nào thì thành viên đó không được tham gia biểu quyết;

c) Thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên;

d) Giải trình trước thành viên góp vốn, Hội đồng thành viên về việc thực hiện nhiệm vụ được giao khi có yêu cầu;

đ) Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức tín dụng.

Mục 6. TỔ CHỨC TÍN DỤNG LÀ HỢP TÁC XÃ

Điều 80. Tính chất và mục tiêu hoạt động

Tổ chức tín dụng là hợp tác xã là loại hình tổ chức tín dụng được tổ chức theo mô hình hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ giữa các thành viên thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và cải thiện đời sống. Tổ chức tín dụng là hợp tác xã gồm ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân.

Điều 81. Thành viên của tổ chức tín dụng là hợp tác xã

1. Thành viên của ngân hàng hợp tác xã bao gồm tất cả quỹ tín dụng nhân dân và pháp nhân góp vốn khác.

2. Thành viên của quỹ tín dụng nhân dân bao gồm cá nhân, hộ gia đình và pháp nhân góp vốn.

Điều 82. Cơ cấu tổ chức quản lý của tổ chức tín dụng là hợp tác xã

1. Cơ cấu tổ chức quản lý của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân bao gồm Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc).

2. Ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân phải có kiểm toán nội bộ, hệ thống kiểm soát nội bộ và thực hiện kiểm toán độc lập theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 83. Vốn điều lệ

1. Vốn điều lệ của ngân hàng hợp tác xã bao gồm:

a) Vốn góp của các thành viên;

b) Vốn hỗ trợ của Nhà nước.

2. Vốn điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân bao gồm vốn góp của các thành viên.

3. Vốn điều lệ của Ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được bổ sung từ các nguồn sau đây:

a) Vốn góp của thành viên;

b) Vốn hỗ trợ của Nhà nước đối với ngân hàng hợp tác xã;

c) Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và các quỹ khác theo quy định của pháp luật;

d) Nguồn vốn hợp pháp khác.

4. Mức vốn góp của một thành viên do Đại hội thành viên quyết định theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 84. Quyền của thành viên

1. Tham dự Đại hội thành viên hoặc bầu đại biểu dự Đại hội thành viên, biểu quyết về nội dung thuộc thẩm quyền của Đại hội thành viên.

2. Ứng cử, đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và chức danh được bầu khác theo quy định tại Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã, Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân.

3. Gửi tiền; vay vốn; chia lãi theo mức độ sử dụng dịch vụ, tỷ lệ phần vốn góp của thành viên.

4. Hưởng phúc lợi của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân.

5. Được cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân; được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

6. Kiến nghị, yêu cầu Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc), Ban kiểm soát giải trình về hoạt động.

7. Yêu cầu Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát triệu tập Đại hội thành viên bất thường.

8. Chuyển nhượng phần vốn góp và quyền lợi, nghĩa vụ của mình cho người khác theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

9. Được trả lại một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

10. Ra khỏi quỹ tín dụng nhân dân theo quy định tại Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân; thành viên là pháp nhân góp vốn khác ra khỏi ngân hàng hợp tác xã theo quy định tại Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã.

11. Quyền khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã, Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân.

Điều 85. Nghĩa vụ của thành viên

1. Tuân thủ tôn chỉ, mục đích, Điều lệ, quy chế của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, nghị quyết, quyết định của Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị.

2. Góp đầy đủ, đúng thời hạn phần vốn góp đã cam kết theo quy định tại Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã, Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Hợp tác, tương trợ giữa các thành viên, góp phần xây dựng và thúc đẩy sự phát triển của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân.

4. Chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân trong phạm vi phần vốn góp vào ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân.

5. Hoàn trả gốc và lãi tiền vay của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân theo đúng cam kết.

6. Bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân theo quy định của pháp luật và Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã, Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân.

7. Chịu trách nhiệm khi nhân danh ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân dưới mọi hình thức để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, tiến hành kinh doanh, giao dịch khác để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

8. Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã, Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân.

Điều 86. Đại hội thành viên

1. Đại hội thành viên là cơ quan quyết định cao nhất của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân.

2. Đại hội thành viên được tổ chức dưới hình thức đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu. Trường hợp tổ chức đại hội đại biểu, số lượng đại biểu tham dự do Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã, Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân quy định nhưng không ít hơn 100 đại biểu.

3. Đại hội thành viên có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thông qua định hướng phát triển của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân;

b) Thông qua Điều lệ, sửa đổi, bổ sung Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã, Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân;

c) Thông qua quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân;

d) Thông qua báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

đ) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm; phương án phân phối lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác, xử lý các khoản lỗ;

e) Thông qua phương án kinh doanh, kế hoạch phát triển thành viên hằng năm; mức vốn góp của thành viên;

g) Thông qua phương án thay đổi mức vốn điều lệ, trừ trường hợp thay đổi vốn điều lệ do thay đổi vốn góp của thành viên;

h) Thông qua số lượng thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của từng nhiệm kỳ; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng quản trị, Trưởng ban, thành viên khác của Ban kiểm soát; thông qua chủ trương thành viên Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc hoặc thuê Giám đốc đối với quỹ tín dụng nhân dân;

i) Thông qua việc đầu tư, mua, bán tài sản cố định của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân mà mức đầu tư, giá mua dự kiến hoặc nguyên giá trong trường hợp bán tài sản cố định có giá trị từ 20% vốn điều lệ trở lên của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc báo cáo tài chính gần nhất trong trường hợp quỹ tín dụng nhân dân không phải kiểm toán hoặc tỷ lệ thấp hơn theo quy định của Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã, Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân;

k) Quyết định giải pháp khắc phục biến động lớn về tài chính của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân;

l) Quyết định mức thù lao, thưởng, lợi ích khác của Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng quản trị, Trưởng ban, thành viên khác của Ban kiểm soát;

m) Xem xét và xử lý theo thẩm quyền vi phạm của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát gây thiệt hại cho ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và thành viên;

n) Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân;

o) Quyết định khai trừ thành viên là pháp nhân góp vốn khác của ngân hàng hợp tác xã, thành viên của quỹ tín dụng nhân dân;

p) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể tự nguyện ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân;

q) Quyết định lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập theo quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này;

r) Nội dung khác do Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát hoặc ít nhất một phần ba tổng số thành viên đề nghị;

s) Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã, Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân.

Điều 87. Hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng là hợp tác xã

1. Hội đồng quản trị là cơ quan quản trị ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, bao gồm Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng quản trị.

2. Số lượng thành viên Hội đồng quản trị của từng nhiệm kỳ do Đại hội thành viên quyết định, có tối thiểu 03 thành viên và không quá 09 thành viên. Trường hợp Hội đồng quản trị không có đủ số thành viên tối thiểu, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày không có đủ số thành viên tối thiểu, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân phải bầu bổ sung, bảo đảm số thành viên tối thiểu, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 166 của Luật này.

3. Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị do Đại hội thành viên quyết định và được ghi trong Điều lệ nhưng không quá 05 năm. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị được bổ sung hoặc thay thế là thời hạn còn lại của nhiệm kỳ Hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị của nhiệm kỳ vừa kết thúc tiếp tục hoạt động cho đến khi Hội đồng quản trị của nhiệm kỳ mới tiếp quản công việc.

Số nhiệm kỳ của Chủ tịch Hội đồng quản trị của quỹ tín dụng nhân dân do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định.

4. Thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên cá nhân hoặc người đại diện phần vốn góp của thành viên pháp nhân.

5. Hội đồng quản trị của ngân hàng hợp tác xã có bộ phận giúp việc. Chức năng, nhiệm vụ của bộ phận giúp việc do Hội đồng quản trị quy định.

6. Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng quản trị không được ủy quyền cho người không phải là thành viên Hội đồng quản trị thực hiện quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng quản trị.

7. Hội đồng quản trị sử dụng con dấu của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Điều 88. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng là hợp tác xã

1. Trình Đại hội thành viên xem xét, thông qua các nội dung thuộc thẩm quyền của Đại hội thành viên.

2. Tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định của Đại hội thành viên. Báo cáo Đại hội thành viên kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân. Chịu trách nhiệm trước Đại hội thành viên trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của Luật này và Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã, Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân.

3. Quyết định việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của tổ chức tín dụng là hợp tác xã.

4. Thông qua việc đầu tư, mua, bán tài sản cố định của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân mà mức đầu tư, giá mua dự kiến hoặc nguyên giá trong trường hợp bán tài sản cố định có giá trị từ 10% đến dưới 20% vốn điều lệ của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc báo cáo tài chính gần nhất trong trường hợp quỹ tín dụng nhân dân không phải kiểm toán hoặc tỷ lệ thấp hơn theo quy định của Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã, Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân.

5. Thông qua hợp đồng, giao dịch khác của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân với thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), người có liên quan của họ. Trong trường hợp này, thành viên Hội đồng quản trị có liên quan không có quyền biểu quyết.

6. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật, đình chỉ và quyết định mức lương, thưởng, lợi ích khác của Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và người điều hành khác thuộc thẩm quyền theo quy định nội bộ của Hội đồng quản trị và theo quy định của pháp luật.

7. Chuẩn bị chương trình Đại hội thành viên và triệu tập Đại hội thành viên.

8. Kết nạp thành viên mới, giải quyết việc xin ra khỏi ngân hàng hợp tác xã của pháp nhân góp vốn khác, giải quyết việc xin ra khỏi quỹ tín dụng nhân dân của thành viên và báo cáo Đại hội thành viên tại cuộc họp Đại hội thành viên gần nhất.

9. Kiểm tra, giám sát, chỉ đạo Tổng giám đốc (Giám đốc) thực hiện nhiệm vụ được giao; định kỳ hằng năm, đánh giá hiệu quả làm việc của Tổng giám đốc (Giám đốc).

10. Ban hành quy định nội bộ liên quan đến tổ chức, quản trị và hoạt động của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân phù hợp với các quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, trừ những nội dung thuộc thẩm quyền của Đại hội thành viên.

11. Giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân.

12. Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã, Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân.

Điều 89. Quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng là hợp tác xã

1. Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

2. Triệu tập và làm chủ tọa cuộc họp Hội đồng quản trị.

3. Làm chủ tọa cuộc họp Đại hội thành viên.

4. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Hội đồng quản trị.

5. Giám sát thành viên Hội đồng quản trị trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ và nhiệm vụ được phân công.

6. Bảo đảm thành viên Hội đồng quản trị nhận được thông tin đầy đủ, khách quan, chính xác và có đủ thời gian thảo luận nội dung mà Hội đồng quản trị phải xem xét.

7. Chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị, Đại hội thành viên về nhiệm vụ được giao.

8. Thay mặt Hội đồng quản trị ký nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị.

9. Chỉ được ủy quyền cho một thành viên khác của Hội đồng quản trị thực hiện quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị trong thời gian vắng mặt hoặc không thể thực hiện nhiệm vụ.

10. Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ ngân hàng hợp tác xã, Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân.

Điều 90. Quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng là hợp tác xã

1. Thực hiện quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng quản trị theo quy định nội bộ của Hội đồng quản trị và sự phân công của Chủ tịch Hội đồng quản trị một cách trung thực, cẩn trọng, vì lợi ích của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, thành viên; chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

2. Xem xét báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính; có ý kiến hoặc yêu cầu người điều hành ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, kiểm toán viên độc lập, kiểm toán viên nội bộ giải trình, làm rõ các vấn đề có liên quan đến báo cáo.

3. Đề nghị Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập cuộc họp Hội đồng quản trị bất thường.

4. Tham dự cuộc họp Hội đồng quản trị, thảo luận và biểu quyết về nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị, chịu trách nhiệm trước Đại hội thành viên và Hội đồng quản trị về quyết định của mình.

Trường hợp nội dung biểu quyết có xung đột lợi ích với thành viên nào thì thành viên đó không được tham gia biểu quyết.

5. Thực hiện nghị quyết, quyết định của Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị.

6. Giải trình trước Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị về việc thực hiện nhiệm vụ được giao khi có yêu cầu.

7. Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã, Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân.

Điều 91. Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là hợp tác xã

1. Ban kiểm soát của ngân hàng hợp tác xã có tối thiểu 03 thành viên. Số lượng thành viên Ban kiểm soát của quỹ tín dụng nhân dân phải phù hợp với quy mô hoạt động và thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

2. Ban kiểm soát có bộ phận kiểm toán nội bộ, bộ phận giúp việc để thực hiện nhiệm vụ của mình.

3. Thành viên Ban kiểm soát ngân hàng hợp tác xã phải là người đại diện phần vốn góp của thành viên là quỹ tín dụng nhân dân và cá nhân do thành viên là pháp nhân góp vốn khác đề cử. Thành viên Ban kiểm soát quỹ tín dụng nhân dân phải là thành viên cá nhân hoặc người đại diện phần vốn góp của thành viên pháp nhân của quỹ tín dụng nhân dân. Trường hợp Ban kiểm soát không có đủ số thành viên tối thiểu theo quy định tại khoản 1 Điều này, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày không đủ số thành viên tối thiểu, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân phải bầu bổ sung, bảo đảm số thành viên tối thiểu, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 166 của Luật này.

4. Nhiệm kỳ của Ban kiểm soát theo nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị. Nhiệm kỳ của thành viên Ban kiểm soát theo nhiệm kỳ của Ban kiểm soát. Nhiệm kỳ của thành viên được bổ sung hoặc thay thế là thời hạn còn lại của nhiệm kỳ Ban kiểm soát. Ban kiểm soát của nhiệm kỳ vừa kết thúc tiếp tục hoạt động cho đến khi Ban kiểm soát của nhiệm kỳ mới tiếp quản công việc.

Số nhiệm kỳ của Trưởng ban kiểm soát của quỹ tín dụng nhân dân do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định.

Điều 92. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là hợp tác xã

1. Giám sát hoạt động quản trị, điều hành ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân trong việc tuân thủ pháp luật, Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã, Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân và nghị quyết, quyết định của Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Đại hội thành viên trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của Luật này và Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã, Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân.

2. Ban hành quy định nội bộ của Ban kiểm soát; định kỳ hằng năm, xem xét lại quy định nội bộ của Ban kiểm soát, quy định nội bộ của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân về kế toán, báo cáo.

3. Thẩm định báo cáo tài chính hằng năm của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân; báo cáo Đại hội thành viên về kết quả thẩm định báo cáo tài chính, đánh giá tính hợp lý, hợp pháp, trung thực và mức độ cẩn trọng trong công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính. Ban kiểm soát có thể tham khảo ý kiến của Hội đồng quản trị trước khi trình báo cáo và kiến nghị lên Đại hội thành viên.

4. Kiểm tra hoạt động tài chính, giám sát việc chấp hành chế độ kế toán, phân phối lợi nhuận, xử lý các khoản lỗ, sử dụng các quỹ, tài sản và các khoản hỗ trợ của Nhà nước; giám sát an toàn trong hoạt động của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân.

5. Thực hiện chức năng kiểm toán nội bộ; được tiếp cận, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động quản lý, điều hành ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, có quyền sử dụng nguồn lực của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; được thuê chuyên gia, tư vấn độc lập và tổ chức bên ngoài để thực hiện nhiệm vụ nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

6. Kịp thời thông báo cho Hội đồng quản trị khi phát hiện người quản lý, người điều hành ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm Điều lệ, quy định nội bộ của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân; yêu cầu người vi phạm chấm dứt ngay hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả (nếu có).

7. Triệu tập Đại hội thành viên bất thường theo quy định của pháp luật.

8. Thông báo cho Hội đồng quản trị, báo cáo Đại hội thành viên và Ngân hàng Nhà nước về kết quả kiểm soát; kiến nghị với Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) khắc phục yếu kém, vi phạm trong hoạt động của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân.

9. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật, đình chỉ và quyết định mức lương, lợi ích khác đối với chức danh thuộc bộ phận kiểm toán nội bộ.

10. Tiếp nhận kiến nghị liên quan đến ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân; giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Hội đồng quản trị, Đại hội thành viên giải quyết theo thẩm quyền.

11. Trưởng ban kiểm soát được tham dự nhưng không được quyền biểu quyết tại cuộc họp của Hội đồng quản trị; yêu cầu ghi lại ý kiến của mình trong biên bản cuộc họp Hội đồng quản trị nếu ý kiến đó khác với nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị và báo cáo Đại hội thành viên.

12. Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã, Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân.

Điều 93. Quyền, nghĩa vụ của Trưởng ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là hợp tác xã

1. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát theo quy định tại Điều 92 của Luật này; chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

2. Triệu tập và làm chủ tọa cuộc họp Ban kiểm soát.

3. Thay mặt Ban kiểm soát ký văn bản thuộc thẩm quyền của Ban kiểm soát.

4. Chuẩn bị kế hoạch làm việc của Ban kiểm soát và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban kiểm soát.

5. Bảo đảm thành viên Ban kiểm soát nhận được thông tin đầy đủ, khách quan, chính xác và có đủ thời gian thảo luận các vấn đề mà Ban kiểm soát phải xem xét.

6. Giám sát, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ được phân công và quyền, nghĩa vụ của thành viên Ban kiểm soát.

7. Chỉ được ủy quyền cho một thành viên khác của Ban kiểm soát thực hiện quyền, nghĩa vụ của Trưởng ban kiểm soát trong thời gian vắng mặt hoặc không thể thực hiện nhiệm vụ.

8. Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã, Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân.

Điều 94. Quyền, nghĩa vụ của thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là hợp tác xã

1. Tuân thủ pháp luật, Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã, Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân và quy định nội bộ của Ban kiểm soát một cách trung thực, cẩn trọng, vì lợi ích của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, thành viên của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân; chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

2. Yêu cầu Trưởng ban kiểm soát triệu tập Ban kiểm soát họp bất thường.

3. Kiểm soát hoạt động kinh doanh, kiểm soát sổ sách kế toán, tài sản, báo cáo tài chính và kiến nghị biện pháp khắc phục.

4. Yêu cầu người quản lý, người điều hành, nhân viên của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân cung cấp số liệu và giải trình các hoạt động kinh doanh để thực hiện nhiệm vụ được phân công.

5. Báo cáo Trưởng ban kiểm soát về hoạt động tài chính bất thường và chịu trách nhiệm về đánh giá, kết luận của mình.

6. Tham dự cuộc họp của Ban kiểm soát, thảo luận và biểu quyết về vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát, trừ những vấn đề có xung đột lợi ích với thành viên đó.

7. Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã, Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân.

Điều 95. Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng là hợp tác xã

1. Hội đồng quản trị bổ nhiệm Tổng giám đốc (Giám đốc) ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân với nhiệm kỳ không quá 05 năm.

2. Tổng giám đốc (Giám đốc) là người điều hành cao nhất, có nhiệm vụ điều hành công việc hằng ngày của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân; chịu sự giám sát, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

3. Trường hợp khuyết Tổng giám đốc (Giám đốc), Hội đồng quản trị phải bổ nhiệm Tổng giám đốc (Giám đốc) trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày khuyết Tổng giám đốc (Giám đốc).

Điều 96. Quyền, nghĩa vụ của Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng là hợp tác xã

1. Trình Hội đồng quản trị nội dung thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị.

2. Tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định của Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị.

3. Tổ chức thực hiện phương án kinh doanh; quyết định nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân theo thẩm quyền.

4. Thiết lập, duy trì hệ thống kiểm soát nội bộ hoạt động có hiệu quả.

5. Lập và trình Hội đồng quản trị thông qua hoặc để báo cáo cấp có thẩm quyền thông qua báo cáo tài chính; chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của báo cáo tài chính, báo cáo thống kê, số liệu quyết toán và thông tin tài chính khác.

6. Ban hành theo thẩm quyền quy chế, quy định nội bộ; quy trình, thủ tục tác nghiệp để vận hành hệ thống điều hành kinh doanh, hệ thống thông tin quản lý.

7. Báo cáo Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Đại hội thành viên và cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hoạt động và kết quả kinh doanh của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân.

8. Quyết định áp dụng biện pháp vượt thẩm quyền của mình trong trường hợp thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, sự cố và chịu trách nhiệm về quyết định đó, kịp thời báo cáo Hội đồng quản trị.

9. Đề nghị Hội đồng quản trị họp bất thường.

10. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh điều hành của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, trừ chức danh thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị.

11. Ký kết hợp đồng, giao dịch khác nhân danh ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân theo Điều lệ và quy định nội bộ của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân đó.

12. Kiến nghị phương án sử dụng lợi nhuận, xử lý lỗ trong kinh doanh của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân.

13. Tuyển dụng lao động; quyết định lương, thưởng của người lao động theo thẩm quyền.

14. Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã, Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân.

Mục 7. CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI

Điều 97. Cơ cấu tổ chức quản lý của chi nhánh ngân hàng nước ngoài

1. Cơ cấu tổ chức quản lý của chi nhánh ngân hàng nước ngoài do ngân hàng nước ngoài quyết định và tuân thủ quy định của Luật này về điều hành, quy định tại Điều 57 và Điều 59 của Luật này về hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán độc lập; việc kiểm toán nội bộ thực hiện theo quy định của ngân hàng nước ngoài.

2. Trường hợp một ngân hàng nước ngoài có hai hoặc nhiều chi nhánh hoạt động tại Việt Nam và thực hiện chế độ tài chính, hạch toán, báo cáo hợp nhất thì ngân hàng nước ngoài phải ủy quyền cho một Tổng giám đốc (Giám đốc) chi nhánh chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 98. Tổng giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài

1. Tổng giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài là người đại diện cho chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước pháp luật, chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài và điều hành hoạt động hằng ngày theo quyền, nghĩa vụ phù hợp với quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp vắng mặt ở Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác đang cư trú tại Việt Nam để thực hiện quyền, nghĩa vụ của Tổng giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Tổng giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được đồng thời là Trưởng văn phòng đại diện tại Việt Nam của ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế khác.

3. Tổng giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 4 Điều 41 của Luật này. Người dự kiến được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi bổ nhiệm.

Hồ sơ, thủ tục chấp thuận người dự kiến được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thông báo người được bổ nhiệm thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 44 của Luật này.

Chương V

HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Điều 99. Nội dung hoạt động được phép của tổ chức tín dụng

1. Nội dung hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tín dụng được ghi trong Giấy phép cấp cho từng tổ chức tín dụng.

2. Hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng quy định tại Luật này thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 100. Lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng

1. Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng.

3. Trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế xác định lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Điều 101. Quy định nội bộ

1. Căn cứ vào quy định của Luật này, quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan, tổ chức tín dụng phải xây dựng và ban hành quy định nội bộ đối với hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng, bao gồm cả việc thực hiện hoạt động nghiệp vụ bằng phương tiện điện tử, bảo đảm có cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro gắn với từng quy trình nghiệp vụ kinh doanh, phương án xử lý trường hợp khẩn cấp.

2. Tổ chức tín dụng phải ban hành quy định nội bộ về các nội dung sau đây:

a) Cấp tín dụng, quản lý khoản cấp tín dụng;

b) Phân loại tài sản có, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro;

c) Đánh giá chất lượng tài sản có và tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu;

d) Quản lý thanh khoản, trong đó có thủ tục và giới hạn quản lý thanh khoản;

đ) Kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ phù hợp với tính chất và quy mô hoạt động của tổ chức tín dụng;

e) Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ đối với tổ chức tín dụng phải xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng;

g) Quản trị rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng;

h) Phòng, chống rửa tiền;

i) Phương án xử lý trường hợp khẩn cấp.

3. Tổ chức tín dụng phải gửi cho Ngân hàng Nhà nước quy định nội bộ quy định tại khoản 2 Điều này trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành.

Điều 102. Xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng vốn vay, tài sản cho thuê tài chính

1. Tổ chức tín dụng phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu, dữ liệu chứng minh khả năng tài chính của khách hàng, phương án sử dụng vốn khả thi, mục đích sử dụng vốn hợp pháp trước khi quyết định cấp tín dụng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Tổ chức tín dụng phải có tối thiểu thông tin về mục đích sử dụng vốn hợp pháp, khả năng tài chính của khách hàng trước khi quyết định cấp tín dụng đối với các khoản cấp tín dụng có mức giá trị nhỏ sau đây:

a) Khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, khoản cấp tín dụng qua thẻ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b) Khoản cho thuê tài chính, khoản cho vay tiêu dùng, khoản cấp tín dụng qua thẻ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng;

c) Khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của quỹ tín dụng nhân dân;

d) Khoản cho vay của tổ chức tài chính vi mô.

3. Khách hàng phải cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, thông tin về người có liên quan cho tổ chức tín dụng khi đề nghị cấp tín dụng.

4. Tổ chức tín dụng phải tổ chức xét duyệt cấp tín dụng theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cấp tín dụng.

5. Tổ chức tín dụng có quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, tài sản cho thuê tài chính và trả nợ của khách hàng quy định tại khoản 1 Điều này; có quyền yêu cầu khách hàng vay, khách hàng thuê tài chính báo cáo việc sử dụng vốn vay, tài sản cho thuê tài chính và cung cấp tài liệu, dữ liệu chứng minh vốn vay, tài sản cho thuê tài chính được sử dụng đúng mục đích.

6. Khách hàng có nghĩa vụ sử dụng vốn vay, tài sản cho thuê tài chính đúng mục đích đã cam kết, hoàn trả nợ gốc, lãi, phí đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận.

7. Tổ chức tín dụng, khách hàng thỏa thuận về việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm trong hoạt động cấp tín dụng.

8. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định mức giá trị nhỏ của khoản cấp tín dụng, việc kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay, tài sản cho thuê tài chính và trả nợ của khách hàng quy định tại khoản 2 Điều này; việc xác định khách hàng phải cung cấp thông tin về người có liên quan và nội dung thông tin phải cung cấp cho tổ chức tín dụng khi đề nghị cấp tín dụng, việc xét duyệt cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử.

Điều 103. Chấm dứt cấp tín dụng, xử lý nợ, miễn, giảm lãi

1. Tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt việc cấp tín dụng, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm nội dung thỏa thuận trong hợp đồng, thỏa thuận cấp tín dụng, hợp đồng bảo đảm.

2. Trường hợp các bên không có thỏa thuận khác thì tổ chức tín dụng có quyền xử lý nợ, tài sản bảo đảm theo hợp đồng, thỏa thuận cấp tín dụng, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, mua, bán nợ của tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

3. Trường hợp khách hàng hoặc bên bảo đảm không trả được nợ do bị phá sản, việc thu hồi nợ của tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.

4. Tổ chức tín dụng có quyền quyết định miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng.

Điều 104. Lưu trữ hồ sơ tín dụng

1. Tổ chức tín dụng phải lưu trữ hồ sơ tín dụng, bao gồm:

a) Tài liệu, dữ liệu đề nghị cấp tín dụng;

b) Tài liệu, dữ liệu thẩm định, quyết định cấp tín dụng;

c) Hợp đồng, thỏa thuận cấp tín dụng; hồ sơ về biện pháp bảo đảm trong trường hợp có áp dụng biện pháp bảo đảm;

d) Tài liệu, dữ liệu phát sinh trong quá trình sử dụng khoản cấp tín dụng liên quan đến hợp đồng, thỏa thuận cấp tín dụng.

2. Thời hạn lưu trữ hồ sơ tín dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Điều 105. Giao dịch điện tử trong hoạt động của tổ chức tín dụng

Hoạt động của tổ chức tín dụng được thực hiện bằng phương tiện điện tử theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Điều 106. Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng

1. Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng là môi trường thử nghiệm việc ứng dụng công nghệ và triển khai sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực ngân hàng có giới hạn về phạm vi, không gian, thời gian thực hiện; tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm có kiểm soát phải đáp ứng điều kiện, tiêu chí xét duyệt tham gia và chịu sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 2. HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

Điều 107. Hoạt động ngân hàng của ngân hàng thương mại

1. Nhận tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các loại tiền gửi khác.

2. Phát hành chứng chỉ tiền gửi.

3. Cấp tín dụng dưới các hình thức sau đây:

a) Cho vay;

b) Chiết khấu, tái chiết khấu;

c) Bảo lãnh ngân hàng;

d) Phát hành thẻ tín dụng;

đ) Bao thanh toán trong nước; bao thanh toán quốc tế đối với các ngân hàng được phép thực hiện thanh toán quốc tế;

e) Thư tín dụng;

g) Hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

4. Mở tài khoản thanh toán cho khách hàng.

5. Cung ứng các phương tiện thanh toán.

6. Cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản sau đây:

a) Thực hiện dịch vụ thanh toán trong nước bao gồm séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, chuyển tiền, thẻ ngân hàng, dịch vụ thu hộ và chi hộ;

b) Thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản; dịch vụ thanh toán khác theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 108. Vay, gửi tiền, mua, bán giấy tờ có giá của ngân hàng thương mại

1. Ngân hàng thương mại được vay Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Ngân hàng thương mại được mua, bán giấy tờ có giá với Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3. Ngân hàng thương mại được cho vay, vay, gửi tiền, nhận tiền gửi, mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

4. Ngân hàng thương mại được vay nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Điều 109. Mở tài khoản của ngân hàng thương mại

1. Ngân hàng thương mại phải mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước và duy trì số tiền dự trữ bắt buộc trên tài khoản này.

2. Ngân hàng thương mại được mở tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng được cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.

3. Ngân hàng thương mại được mở tài khoản thanh toán ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về ngoại hối.

Điều 110. Tổ chức và tham gia hệ thống thanh toán của ngân hàng thương mại

1. Ngân hàng thương mại được tổ chức thanh toán nội bộ, tham gia hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia.

2. Ngân hàng thương mại được tham gia hệ thống thanh toán quốc tế khi đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

3. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định hồ sơ, thủ tục chấp thuận ngân hàng thương mại tham gia hệ thống thanh toán quốc tế.

Điều 111. Góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại

1. Ngân hàng thương mại chỉ được dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn, mua cổ phần theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 8 Điều này.

2. Ngân hàng thương mại phải thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết khi thực hiện hoạt động kinh doanh sau đây:

a) Bảo lãnh phát hành chứng khoán, môi giới chứng khoán; quản lý, phân phối chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và mua, bán cổ phiếu;

b) Cho thuê tài chính;

c) Bảo hiểm.

3. Ngân hàng thương mại được thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản, kiều hối, vàng, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin tín dụng.

4. Ngân hàng thương mại được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sau đây:

a) Bảo hiểm, chứng khoán, kiều hối, vàng, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin tín dụng;

b) Lĩnh vực khác không quy định tại điểm a khoản này sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

5. Ngân hàng thương mại thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

6. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận việc thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết và việc góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại; điều kiện tăng vốn tại công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại; hoạt động của công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản.

7. Ngân hàng thương mại thành lập công ty con, công ty liên kết theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

8. Ngân hàng thương mại, công ty con của ngân hàng thương mại được mua, nắm giữ cổ phần của tổ chức tín dụng khác với điều kiện và trong giới hạn quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 112. Kinh doanh ngoại hối, cung ứng dịch vụ ngoại hối và sản phẩm phái sinh của ngân hàng thương mại

1. Ngân hàng thương mại được kinh doanh, cung ứng cho khách hàng ở trong nước và nước ngoài các dịch vụ, sản phẩm sau đây sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản:

a) Ngoại hối;

b) Phái sinh về lãi suất, ngoại hối, tiền tệ và tài sản tài chính khác.

2. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về phạm vi kinh doanh ngoại hối, cung ứng dịch vụ ngoại hối, kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh; điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận việc kinh doanh ngoại hối, cung ứng dịch vụ ngoại hối, kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh của ngân hàng thương mại.

3. Việc kinh doanh ngoại hối, cung ứng dịch vụ ngoại hối của ngân hàng thương mại cho khách hàng thực hiện theo quy định của pháp luật về ngoại hối.

Điều 113. Nghiệp vụ ủy thác và đại lý, giao đại lý của ngân hàng thương mại

1. Ngân hàng thương mại được quyền ủy thác, nhận ủy thác, đại lý trong hoạt động ngân hàng, giao đại lý thanh toán theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

2. Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 114. Các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng thương mại

1. Ngân hàng thương mại được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác sau đây theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:

a) Dịch vụ quản lý tiền mặt; dịch vụ ngân quỹ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn;

b) Cung ứng các dịch vụ chuyển tiền, thu hộ, chi hộ và các dịch vụ thanh toán khác không qua tài khoản;

c) Mua, bán tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, trái phiếu doanh nghiệp; mua, bán giấy tờ có giá khác, trừ mua, bán giấy tờ có giá quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

d) Dịch vụ môi giới tiền tệ;

đ) Kinh doanh vàng;

e) Dịch vụ khác liên quan đến bao thanh toán, thư tín dụng;

g) Tư vấn về hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác quy định trong Giấy phép.

2. Ngân hàng thương mại được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác sau đây theo quy định của pháp luật có liên quan:

a) Mua, bán công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương;

b) Phát hành trái phiếu;

c) Lưu ký chứng khoán;

d) Nghiệp vụ ngân hàng giám sát;

đ) Đại lý quản lý tài sản bảo đảm cho bên cho vay là tổ chức tài chính quốc tế, tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

3. Ngân hàng thương mại được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến hoạt động ngân hàng ngoài các hoạt động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, quy định khác của pháp luật có liên quan.

Mục 3. HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY TÀI CHÍNH TỔNG HỢP

Điều 115. Hoạt động ngân hàng của công ty tài chính tổng hợp

1. Nhận tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức.

2. Phát hành chứng chỉ tiền gửi để huy động vốn của tổ chức.

3. Cho vay.

4. Bảo lãnh ngân hàng.

5. Chiết khấu, tái chiết khấu.

6. Phát hành thẻ tín dụng, bao thanh toán, cho thuê tài chính.

7. Hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 116. Vay, gửi tiền, mua, bán giấy tờ có giá của công ty tài chính tổng hợp

1. Công ty tài chính tổng hợp được vay Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Công ty tài chính tổng hợp được mua, bán giấy tờ có giá với Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3. Công ty tài chính tổng hợp được cho vay, vay, gửi tiền, nhận tiền gửi, mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

4. Công ty tài chính tổng hợp được vay nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Điều 117. Mở tài khoản của công ty tài chính tổng hợp

1. Công ty tài chính tổng hợp có hoạt động nhận tiền gửi phải mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước và duy trì số tiền dự trữ bắt buộc trên tài khoản này.

2. Công ty tài chính tổng hợp được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

3. Công ty tài chính tổng hợp được phép thực hiện hoạt động phát hành thẻ tín dụng được mở tài khoản tại ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật về ngoại hối.

4. Công ty tài chính tổng hợp được mở tài khoản tiền gửi, tài khoản quản lý tiền vay cho khách hàng.

Điều 118. Góp vốn, mua cổ phần của công ty tài chính tổng hợp

1. Công ty tài chính tổng hợp chỉ được dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn, mua cổ phần theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Công ty tài chính tổng hợp chỉ được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, quỹ đầu tư.

3. Công ty tài chính tổng hợp chỉ được thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, quản lý nợ và khai thác tài sản sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

4. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận việc thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính tổng hợp; điều kiện tăng vốn tại công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính tổng hợp; hoạt động của công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính tổng hợp trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản.

5. Công ty tài chính tổng hợp thành lập công ty con, công ty liên kết theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 119. Các hoạt động kinh doanh khác của công ty tài chính tổng hợp

1. Công ty tài chính tổng hợp được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác sau đây theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:

a) Nhận vốn ủy thác của tổ chức, cá nhân để thực hiện hoạt động cấp tín dụng được phép; ủy thác vốn cho tổ chức tín dụng khác thực hiện hoạt động cấp tín dụng của công ty tài chính tổng hợp đó;

b) Mua, bán tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, trái phiếu doanh nghiệp; mua, bán giấy tờ có giá khác, trừ mua, bán giấy tờ có giá quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

c) Kinh doanh ngoại hối, cung ứng dịch vụ ngoại hối;

d) Cung ứng dịch vụ bảo quản tài sản của khách hàng;

đ) Dịch vụ khác liên quan đến bao thanh toán;

e) Tư vấn về hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác quy định trong Giấy phép.

2. Công ty tài chính tổng hợp được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác sau đây theo quy định của pháp luật có liên quan:

a) Mua, bán công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương;

b) Phát hành trái phiếu để huy động vốn của tổ chức;

c) Đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

3. Công ty tài chính tổng hợp được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến hoạt động ngân hàng ngoài các hoạt động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, quy định khác của pháp luật có liên quan.

Mục 4. HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY TÀI CHÍNH CHUYÊN NGÀNH

Điều 120. Hoạt động ngân hàng của công ty tài chính chuyên ngành

1. Công ty tài chính bao thanh toán được thực hiện các hoạt động ngân hàng sau đây:

a) Bao thanh toán;

b) Hoạt động ngân hàng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5 và 7 Điều 115 của Luật này.

2. Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng được thực hiện các hoạt động ngân hàng sau đây:

a) Phát hành thẻ tín dụng;

b) Hoạt động ngân hàng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5 và 7 Điều 115 của Luật này.

3. Công ty cho thuê tài chính được thực hiện các hoạt động ngân hàng sau đây:

a) Cho thuê tài chính;

b) Hoạt động ngân hàng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 7 Điều 115 của Luật này;

c) Mua và cho thuê lại theo hình thức cho thuê tài chính.

4. Hoạt động cho thuê tài chính là việc cấp tín dụng trung hạn, dài hạn trên cơ sở hợp đồng cho thuê tài chính và phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Khi kết thúc thời hạn cho thuê theo hợp đồng, bên thuê được nhận chuyển quyền sở hữu tài sản cho thuê hoặc tiếp tục thuê theo thỏa thuận của hai bên;

b) Khi kết thúc thời hạn cho thuê theo hợp đồng, bên thuê được quyền ưu tiên mua tài sản cho thuê theo giá danh nghĩa thấp hơn giá trị thực tế của tài sản cho thuê tại thời điểm mua lại;

c) Thời hạn cho thuê một tài sản phải ít nhất bằng 60% thời gian cần thiết để khấu hao tài sản cho thuê đó;

d) Tổng số tiền thuê một tài sản quy định tại hợp đồng cho thuê tài chính ít nhất phải bằng giá trị của tài sản đó tại thời điểm ký hợp đồng.

5. Công ty tài chính chuyên ngành phải duy trì tỷ lệ dư nợ hoạt động cấp tín dụng chính trên tổng dư nợ cấp tín dụng theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 121. Vay, gửi tiền, mua, bán giấy tờ có giá của công ty tài chính chuyên ngành

Việc vay, cho vay, gửi tiền, nhận tiền gửi, mua, bán giấy tờ có giá của công ty tài chính chuyên ngành thực hiện theo quy định tại Điều 116 của Luật này.

Điều 122. Mở tài khoản của công ty tài chính chuyên ngành

1. Việc mở tài khoản của công ty tài chính chuyên ngành thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 117 của Luật này.

2. Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng có hoạt động phát hành thẻ tín dụng được mở tài khoản tại ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật về ngoại hối.

Điều 123. Góp vốn, mua cổ phần của công ty tài chính chuyên ngành

1. Công ty tài chính chuyên ngành chỉ được dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn, mua cổ phần theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Công ty tài chính chuyên ngành chỉ được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản.

3. Công ty tài chính chuyên ngành chỉ được thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

4. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận việc thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính chuyên ngành; điều kiện tăng vốn tại công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính chuyên ngành; hoạt động của công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản.

5. Công ty tài chính chuyên ngành thành lập công ty con, công ty liên kết trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 124. Các hoạt động kinh doanh khác của công ty tài chính chuyên ngành

1. Công ty tài chính chuyên ngành được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác sau đây theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:

a) Nhận vốn ủy thác để thực hiện hoạt động cấp tín dụng được phép;

b) Ủy thác vốn cho tổ chức tín dụng khác thực hiện hoạt động cho vay, cấp tín dụng chính của công ty tài chính chuyên ngành đó;

c) Mua, bán tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành trong nước;

d) Kinh doanh ngoại hối, cung ứng dịch vụ ngoại hối;

đ) Tư vấn về hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác quy định trong Giấy phép;

e) Đối với công ty cho thuê tài chính được cho thuê vận hành với điều kiện tổng giá trị tài sản cho thuê vận hành không được vượt quá 30% tổng tài sản có của công ty cho thuê tài chính;

g) Đối với công ty tài chính bao thanh toán được thực hiện dịch vụ khác liên quan đến bao thanh toán.

2. Công ty tài chính chuyên ngành được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác sau đây theo quy định của pháp luật có liên quan:

a) Mua, bán công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương;

b) Phát hành trái phiếu để huy động vốn của tổ chức;

c) Đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

3. Công ty tài chính chuyên ngành được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến hoạt động ngân hàng ngoài các hoạt động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, quy định khác của pháp luật có liên quan.

Mục 5. HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG LÀ HỢP TÁC XÃ

Điều 125. Hoạt động của ngân hàng hợp tác xã

1. Ngân hàng hợp tác xã thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Điều hòa vốn và thực hiện hoạt động ngân hàng đối với quỹ tín dụng nhân dân. Hoạt động điều hòa vốn của ngân hàng hợp tác xã là hoạt động cho vay, nhận tiền gửi của quỹ tín dụng nhân dân;

b) Một số hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác quy định tại Mục 2 Chương này;

c) Hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ, đào tạo nghiệp vụ cho quỹ tín dụng nhân dân;

d) Kiểm tra, giám sát quỹ tín dụng nhân dân;

đ) Kiểm toán nội bộ đối với quỹ tín dụng nhân dân trong trường hợp cần thiết;

e) Cử nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện để giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc và chức danh quản lý, điều hành khác của quỹ tín dụng nhân dân theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

2. Ngân hàng hợp tác xã quản lý, sử dụng quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.

3. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định chi tiết khoản 1 Điều này và việc trích nộp, quản lý, sử dụng quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.

Điều 126. Hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân

1. Quỹ tín dụng nhân dân nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam.

2. Quỹ tín dụng nhân dân cho vay bằng đồng Việt Nam.

3. Quỹ tín dụng nhân dân cung ứng dịch vụ chuyển tiền, thực hiện nghiệp vụ thu hộ, chi hộ cho thành viên, khách hàng của quỹ tín dụng nhân dân đó, trừ việc mở tài khoản thanh toán cho khách hàng.

4. Các hoạt động kinh doanh khác của quỹ tín dụng nhân dân bao gồm:

a) Nhận vốn ủy thác cho vay của tổ chức, cá nhân;

b) Đại lý cung ứng dịch vụ thanh toán cho ngân hàng hợp tác xã đối với thành viên, khách hàng của quỹ tín dụng nhân dân đó;

c) Vay, gửi tiền tại ngân hàng hợp tác xã; vay tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Các quỹ tín dụng nhân dân không được cho vay, gửi tiền lẫn nhau;

d) Tham gia góp vốn tại ngân hàng hợp tác xã;

đ) Mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

e) Đại lý một số lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, bảo quản tài sản;

g) Đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;

h) Tư vấn cho thành viên về hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác quy định trong Giấy phép.

5. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định chi tiết Điều này và địa bàn hoạt động của từng quỹ tín dụng nhân dân trong Giấy phép.

Mục 6. HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC TÀI CHÍNH VI MÔ

Điều 127. Hoạt động ngân hàng của tổ chức tài chính vi mô

1. Tổ chức tài chính vi mô nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam dưới hình thức sau đây:

a) Tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức tài chính vi mô;

b) Tiền gửi của tổ chức, cá nhân bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô, trừ tiền gửi nhằm mục đích thanh toán.

2. Tổ chức tài chính vi mô cho vay bằng đồng Việt Nam. Khoản cho vay của tổ chức tài chính vi mô có thể được bảo đảm bằng tiết kiệm bắt buộc, bảo lãnh của nhóm khách hàng tiết kiệm và vay vốn.

3. Tổ chức tài chính vi mô phải duy trì tỷ lệ tổng dư nợ các khoản cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ trong tổng dư nợ cho vay; dư nợ cho vay tối đa đối với một khách hàng.

4. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định chi tiết Điều này và việc xác định khách hàng là cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp.

Điều 128. Mở tài khoản của tổ chức tài chính vi mô

1. Tổ chức tài chính vi mô được mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Tổ chức tài chính vi mô không được mở tài khoản thanh toán cho khách hàng.

Điều 129. Vay, gửi tiền của tổ chức tài chính vi mô

1. Tổ chức tài chính vi mô được vay, gửi tiền, nhận tiền gửi với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

2. Tổ chức tài chính vi mô được vay nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Điều 130. Hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tài chính vi mô

1. Hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tài chính vi mô bao gồm:

a) Ủy thác vốn, nhận vốn ủy thác cho vay của tổ chức, cá nhân;

b) Đại lý cung ứng dịch vụ thanh toán cho ngân hàng đối với khách hàng của tổ chức tài chính vi mô đó;

c) Cung ứng dịch vụ thu hộ, chi hộ và chuyển tiền cho khách hàng của tổ chức tài chính vi mô;

d) Đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;

đ) Tư vấn về hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác quy định trong Giấy phép.

2. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định chi tiết Điều này.

Mục 7. HOẠT ĐỘNG CỦA CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI

Điều 131. Hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài

1. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện các hoạt động theo quy định tại Mục 1 và Mục 2 Chương này, trừ các hoạt động sau đây:

a) Hoạt động quy định tại Điều 111 của Luật này;

b) Hoạt động mà ngân hàng mẹ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được phép thực hiện tại nước nơi ngân hàng đó đặt trụ sở chính.

2. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cung ứng một số dịch vụ ngoại hối trên thị trường quốc tế cho khách hàng tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về ngoại hối.

Chương VI

VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN NƯỚC NGOÀI

Điều 132. Thành lập văn phòng đại diện nước ngoài

Tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng được phép thành lập văn phòng đại diện tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên lãnh thổ Việt Nam. Tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng chỉ được phép thành lập một văn phòng đại diện.

Điều 133. Hoạt động của văn phòng đại diện nước ngoài

Văn phòng đại diện nước ngoài được thực hiện các hoạt động sau đây theo nội dung ghi trong Giấy phép:

1. Làm chức năng văn phòng liên lạc;

2. Nghiên cứu thị trường;

3. Xúc tiến dự án đầu tư của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam;

4. Thúc đẩy và theo dõi việc thực hiện hợp đồng, giao dịch khác, thỏa thuận ký giữa tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp Việt Nam, dự án do tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tài trợ tại Việt Nam;

5. Hoạt động khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Chương VII

CÁC HẠN CHẾ ĐỂ BẢO ĐẢM AN TOÀN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI

Điều 134. Những trường hợp không được cấp tín dụng

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng đối với tổ chức, cá nhân sau đây:

a) Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng đó; Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) của chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần; pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn;

b) Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng đó; Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) của chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với quỹ tín dụng nhân dân và trường hợp cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng cho cá nhân.

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng trên cơ sở bảo đảm của đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào để tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác cấp tín dụng cho đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán là công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng đó.

5. Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng trên cơ sở nhận bảo đảm bằng cổ phiếu của tổ chức tín dụng hoặc công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng đó.

6. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng.

7. Việc cấp tín dụng quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều này bao gồm cả hoạt động mua, nắm giữ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Điều 135. Hạn chế cấp tín dụng

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho tổ chức, cá nhân sau đây:

a) Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; người ra quyết định thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, người giám sát hoạt động đoàn thanh tra đang thanh tra tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó;

b) Kế toán trưởng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng quản trị, Trưởng ban, thành viên khác của Ban kiểm soát, Giám đốc, Phó giám đốc của quỹ tín dụng nhân dân đó;

c) Cổ đông lớn, cổ đông sáng lập của tổ chức tín dụng đó;

d) Doanh nghiệp có một trong những đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 134 của Luật này sở hữu trên 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó;

đ) Người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó, trừ trường hợp cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng cho cá nhân;

e) Công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp cấp tín dụng cho công ty con là tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc.

2. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với các đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này không được vượt quá 05% vốn tự có của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

3. Việc cấp tín dụng đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng thông qua, trừ việc cấp tín dụng đối với đối tượng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Việc cấp tín dụng phải được công khai trong tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

4. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều này không được vượt quá 10% vốn tự có của tổ chức tín dụng; đối với tất cả các đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều này không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng.

5. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng quy định tại khoản 2 Điều này bao gồm cả tổng mức mua, nắm giữ, đầu tư vào trái phiếu do các đối tượng quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều này phát hành; tổng mức dư nợ cấp tín dụng quy định tại khoản 4 Điều này bao gồm cả tổng mức mua, nắm giữ, đầu tư vào trái phiếu do các đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều này phát hành.

Điều 136. Giới hạn cấp tín dụng

1. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô không được vượt quá tỷ lệ sau đây:

a) Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2026: 14% vốn tự có đối với một khách hàng; 23% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;

b) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2027: 13% vốn tự có đối với một khách hàng; 21% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;

c) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2027 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2028: 12% vốn tự có đối với một khách hàng; 19% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;

d) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2028 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2029: 11% vốn tự có đối với một khách hàng; 17% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;

đ) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2029: 10% vốn tự có đối với một khách hàng; 15% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó.

2. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó không được vượt quá 25% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

3. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này không bao gồm khoản cho vay từ nguồn vốn ủy thác của Chính phủ, tổ chức, cá nhân mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận ủy thác không chịu rủi ro hoặc trường hợp khách hàng vay là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác.

4. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này bao gồm cả tổng mức mua, nắm giữ, đầu tư vào trái phiếu do khách hàng, người có liên quan của khách hàng đó phát hành.

5. Giới hạn và điều kiện cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

6. Trường hợp nhu cầu vốn của một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó vượt quá giới hạn cấp tín dụng quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp tín dụng hợp vốn theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

7. Trường hợp đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà khả năng hợp vốn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng được nhu cầu của một khách hàng thì Thủ tướng Chính phủ quyết định mức cấp tín dụng tối đa trong trường hợp tổng mức dư nợ cấp tín dụng vượt quá giới hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này đối với từng trường hợp cụ thể.

Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa trong trường hợp tổng mức dư nợ cấp tín dụng vượt quá giới hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này.

8. Tổng các khoản cấp tín dụng của một tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại khoản 7 Điều này không được vượt quá bốn lần vốn tự có của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.

9. Hạn mức thẻ tín dụng đối với cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 134 và điểm đ khoản 1 Điều 135 của Luật này được thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 137. Giới hạn góp vốn, mua cổ phần

1. Mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại và công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó vào một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quy định tại khoản 4 Điều 111 của Luật này không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp.

2. Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại vào các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, kể cả công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 8 Điều 111 của Luật này không được vượt quá 40% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại.

3. Mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính và công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính đó vào một doanh nghiệp, quỹ đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 118 và khoản 2 Điều 123 của Luật này không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp, quỹ đầu tư nhận vốn góp.

4. Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính vào doanh nghiệp, quỹ đầu tư, kể cả công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính đó theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 118, khoản 2 và khoản 3 Điều 123 của Luật này không được vượt quá 40% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của công ty tài chính.

5. Tổ chức tín dụng, công ty con của tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng sau đây:

a) Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là cổ đông, thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng đó;

b) Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là người có liên quan của cổ đông lớn, thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng đó.

6. Mức góp vốn, mua cổ phần quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này không bao gồm mức góp vốn, mua cổ phần của công ty quản lý quỹ là công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại, công ty tài chính vào một doanh nghiệp từ quỹ do công ty đó quản lý.

Điều 138. Tỷ lệ bảo đảm an toàn

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì các tỷ lệ bảo đảm an toàn sau đây:

a) Tỷ lệ khả năng chi trả;

b) Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 08% hoặc tỷ lệ cao hơn theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ;

c) Trạng thái ngoại tệ, vàng tối đa so với vốn tự có;

d) Tỷ lệ mua, nắm giữ, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;

đ) Tỷ lệ bảo đảm an toàn khác.

2. Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia phải ký quỹ tiền tại Ngân hàng Nhà nước, nắm giữ số lượng tối thiểu giấy tờ có giá được phép cầm cố theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.

3. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định tại khoản 1 Điều này đối với từng loại hình tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

4. Tổng số vốn của một tổ chức tín dụng đầu tư vào tổ chức tín dụng khác, công ty con của tổ chức tín dụng dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần và khoản đầu tư dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán không được tính vào vốn tự có khi tính tỷ lệ bảo đảm an toàn.

Điều 139. Kinh doanh bất động sản

Tổ chức tín dụng không được kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp sau đây:

1. Mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng;

2. Cho thuê một phần trụ sở kinh doanh thuộc sở hữu của tổ chức tín dụng chưa sử dụng hết;

3. Nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ. Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày quyết định xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại bất động sản này. Trường hợp mua lại bất động sản phải bảo đảm mục đích sử dụng quy định tại khoản 1 Điều này và tỷ lệ đầu tư vào tài sản cố định quy định tại khoản 3 Điều 144 của Luật này.

Điều 140. Yêu cầu bảo đảm an toàn giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm an toàn và bảo mật giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Điều 141. Quyền, nghĩa vụ của công ty kiểm soát

1. Thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên góp vốn, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con, công ty liên kết theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Phải thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng các hợp đồng, giao dịch khác và quan hệ khác giữa công ty kiểm soát với công ty con, công ty liên kết theo điều kiện áp dụng đối với chủ thể pháp lý độc lập.

3. Không được can thiệp vào tổ chức, hoạt động của công ty con, công ty liên kết, ngoài các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu, thành viên góp vốn hoặc cổ đông.

Điều 142. Góp vốn, mua cổ phần giữa các công ty con, công ty liên kết, công ty kiểm soát

1. Công ty con, công ty liên kết của một tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng đó.

2. Tổ chức tín dụng đang là công ty con, công ty liên kết của công ty kiểm soát không được góp vốn, mua cổ phần của công ty kiểm soát, công ty con, công ty liên kết khác của công ty kiểm soát đó, trừ trường hợp thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.

Điều 143. Xây dựng phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp được can thiệp sớm

1. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp được can thiệp sớm.

2. Phương án khắc phục quy định tại khoản 1 Điều này phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Thông tin, đánh giá về cơ cấu tổ chức, hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b) Thực trạng tài chính và hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

c) Các biện pháp triển khai nhằm khắc phục từng trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 156 của Luật này;

d) Lộ trình, thời hạn thực hiện từng biện pháp khắc phục.

3. Các biện pháp quy định tại điểm c khoản 2 Điều này phải bao gồm các biện pháp chủ yếu sau đây:

a) Tăng vốn điều lệ, vốn được cấp và thời gian thực hiện; lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp của cổ đông, thành viên góp vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 159 của Luật này;

b) Cải thiện khả năng thanh khoản; tăng cường nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao; bán, chuyển nhượng tài sản và giải pháp khác để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng;

c) Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh;

d) Nâng cao năng lực quản trị, điều hành;

đ) Xử lý tồn tại, yếu kém về tài chính, nợ xấu, tài sản bảo đảm và các biện pháp khắc phục vi phạm pháp luật;

e) Biện pháp truyền thông, công nghệ thông tin để khắc phục khó khăn về thanh khoản.

4. Phương án khắc phục quy định tại khoản 1 Điều này phải được Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, chủ sở hữu hoặc cơ quan đại diện chủ sở hữu của ngân hàng thương mại, ngân hàng mẹ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài thông qua và gửi Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được thông qua.

5. Định kỳ ít nhất 02 năm, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cập nhật, điều chỉnh phương án khắc phục quy định tại khoản 1 Điều này. Phương án sau cập nhật, điều chỉnh phải được Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, chủ sở hữu hoặc cơ quan đại diện chủ sở hữu của ngân hàng thương mại, ngân hàng mẹ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài thông qua và gửi Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được thông qua.

6. Trường hợp ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không có phương án khắc phục quy định tại khoản 4 Điều này hoặc không thực hiện việc cập nhật, điều chỉnh phương án khắc phục quy định tại khoản 5 Điều này, Ngân hàng Nhà nước áp dụng một hoặc một số biện pháp hạn chế quy định tại khoản 2 Điều 157 của Luật này.

7. Phương án khắc phục quy định tại Điều này phải được xây dựng, thông qua trước ngày 01 tháng 7 năm 2025 hoặc trong thời hạn 01 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại, Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Chương VIII

TÀI CHÍNH, HẠCH TOÁN, BÁO CÁO

Điều 144. Vốn và sử dụng vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

1. Vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm vốn chủ sở hữu, vốn huy động, vốn khác theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng vốn để kinh doanh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua, đầu tư tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động của mình, bảo đảm tỷ lệ giá trị còn lại của tài sản cố định như sau:

a) Không được vượt quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ ghi trên sổ sách kế toán đối với ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô;

b) Không được vượt quá 100% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ ghi trên sổ sách kế toán đối với quỹ tín dụng nhân dân;

c) Không được vượt quá 50% vốn được cấp và quỹ dự trữ bổ sung vốn được cấp ghi trên sổ sách kế toán đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 145. Doanh thu và nguyên tắc ghi nhận doanh thu

1. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm:

a) Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự;

b) Thu nhập từ hoạt động dịch vụ;

c) Thu từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng;

d) Thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán, trừ cổ phiếu;

đ) Thu từ hoạt động góp vốn, chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần;

e) Thu từ hoạt động khác;

g) Thu nhập khác theo quy định của pháp luật.

2. Các khoản thu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được xác định phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan, có đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ và phải được hạch toán đầy đủ vào doanh thu.

3. Đối với các khoản phải thu đã hạch toán vào doanh thu nhưng sau đó được đánh giá không thu được hoặc đến kỳ hạn thu không thu được thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải hạch toán giảm doanh thu nếu cùng kỳ kế toán hoặc hạch toán vào chi phí nếu khác kỳ kế toán và theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu hồi, xử lý theo quy định của pháp luật; khi thu được thì hạch toán vào doanh thu.

4. Đối với doanh thu từ hoạt động cấp tín dụng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm đánh giá khả năng thu hồi nợ và thực hiện phân loại nợ theo quy định của pháp luật để làm căn cứ hạch toán lãi phải thu và thực hiện hạch toán lãi phải thu từ hoạt động cấp tín dụng vào doanh thu theo quy định của Chính phủ.

Điều 146. Chi phí và nguyên tắc ghi nhận chi phí

1. Chi phí của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm:

a) Chi phí lãi và các chi phí tương tự;

b) Chi phí hoạt động dịch vụ;

c) Chi hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng;

d) Chi hoạt động kinh doanh các loại chứng khoán được phép kinh doanh theo quy định của Luật này;

đ) Chi góp vốn, chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần;

e) Chi hoạt động kinh doanh khác;

g) Chi nộp thuế và các khoản phí, lệ phí;

h) Chi cho người quản lý, người điều hành, nhân viên;

i) Chi cho hoạt động quản lý và công vụ;

k) Chi về tài sản;

l) Chi trích lập dự phòng;

m) Chi bảo toàn và bảo hiểm tiền gửi;

n) Chi phí khác.

2. Chi phí của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là các khoản chi phí thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tuân thủ nguyên tắc phù hợp giữa doanh thu và chi phí; có đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định của pháp luật. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được hạch toán vào chi phí các khoản chi do nguồn kinh phí khác đài thọ. Việc xác định và hạch toán chi phí được thực hiện phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Việc xác định chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Điều 147. Dự phòng rủi ro

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Khoản dự phòng rủi ro này được hạch toán vào chi phí hoạt động.

2. Việc phân loại tài sản có thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

3. Việc sử dụng dự phòng rủi ro không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ của khách hàng đối với khoản nợ được sử dụng dự phòng rủi ro và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến khoản nợ. Mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định của Chính phủ.

4. Trường hợp đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đối ngoại, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với từng trường hợp cụ thể trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước.

5. Trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thu hồi được vốn đã xử lý bằng khoản dự phòng rủi ro, số tiền thu hồi này được hạch toán vào doanh thu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 148. Phân phối lợi nhuận và các quỹ

1. Phần lợi nhuận còn lại của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sau khi bù đắp lỗ năm trước theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thì được phân phối theo quy định của Chính phủ.

2. Hằng năm, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải trích từ lợi nhuận sau thuế để lập và duy trì các quỹ sau đây:

a) Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ hoặc quỹ dự trữ bổ sung vốn được cấp phải trích lập hằng năm theo tỷ lệ 10% lợi nhuận sau thuế. Mức tối đa của quỹ này không được vượt quá mức vốn điều lệ hoặc vốn được cấp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b) Quỹ dự phòng tài chính;

c) Quỹ đầu tư phát triển đối với tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng là hợp tác xã;

d) Quỹ dự trữ khác theo quy định của pháp luật.

3. Ngân hàng thương mại là công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ được chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

4. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quản lý và sử dụng các quỹ theo quy định của pháp luật.

Điều 149. Năm tài chính

1. Năm tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 cùng năm dương lịch.

2. Năm tài chính đầu tiên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bắt đầu từ ngày được cấp Giấy phép và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 cùng năm dương lịch.

Điều 150. Hạch toán, kế toán

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện hạch toán, kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các khoản thu, chi và thực hiện các quy định về chế độ hóa đơn, chứng từ kế toán.

Điều 151. Chế độ tài chính

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự chủ về tài chính.

2. Chế độ tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Chính phủ quy định chi tiết chế độ tài chính, doanh thu, chi phí, phân phối lợi nhuận của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 152. Báo cáo

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện chế độ báo cáo, cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê, điều tra thống kê.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải báo cáo hoạt động nghiệp vụ định kỳ theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

3. Ngoài báo cáo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm báo cáo kịp thời cho Ngân hàng Nhà nước trong các trường hợp sau đây:

a) Phát sinh diễn biến bất thường trong hoạt động nghiệp vụ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b) Thay đổi về tổ chức, quản trị, điều hành, tình hình tài chính của cổ đông lớn và thay đổi khác có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; mua, bán, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của cổ đông lớn;

c) Thay đổi tên chi nhánh của tổ chức tín dụng; tạm ngừng giao dịch dưới 05 ngày làm việc; niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước.

4. Công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng có trách nhiệm gửi báo cáo tài chính, báo cáo hoạt động cho Ngân hàng Nhà nước khi được yêu cầu.

5. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải gửi báo cáo hằng năm cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định của pháp luật.

6. Trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài phải gửi Ngân hàng Nhà nước báo cáo tài chính hằng năm của các đối tượng sau đây:

a) Thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài là tổ chức tín dụng nước ngoài;

b) Chủ sở hữu của tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài;

c) Ngân hàng mẹ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

d) Tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàngvăn phòng đại diện nước ngoài.

7. Tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với Ngân hàng Nhà nước khi tổ chức tín dụng nước ngoài quy định tại các điểm a, b và c khoản 6 Điều này thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, thanh lý, phá sản, giải thể;

b) Thay đổi tên, địa điểm đặt trụ sở chính;

c) Thay đổi cổ đông lớn, thành viên Hội đồng quản trị, ban điều hành;

d) Thay đổi bất thường có ảnh hưởng lớn đến tổ chức, hoạt động.

Điều 153. Báo cáo của công ty kiểm soát

1. Trong thời hạn 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, ngoài báo cáo và tài liệu theo quy định của pháp luật, công ty kiểm soát phải lập và gửi cho Ngân hàng Nhà nước báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán theo quy định của pháp luật về kế toán.

2. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, công ty kiểm soát phải lập và gửi cho Ngân hàng Nhà nước báo cáo tổng hợp về giao dịch mua, bán, giao dịch khác giữa công ty kiểm soát với công ty con, công ty liên kết của công ty kiểm soát.

Điều 154. Công khai báo cáo tài chính

Trong thời hạn 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải công khai các báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt.

Điều 155. Chuyển lợi nhuận, chuyển tài sản ra nước ngoài

1. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam được chuyển ra nước ngoài số lợi nhuận còn lại sau khi đã trích lập quỹ và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Thành viên góp vốn nước ngoài trong tổ chức tín dụng liên doanh được chuyển ra nước ngoài số lợi nhuận được chia sau khi tổ chức tín dụng liên doanh đã trích lập quỹ và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài và thành viên góp vốn nước ngoài trong tổ chức tín dụng liên doanh được chuyển ra nước ngoài phần tài sản còn lại của mình sau khi đã thanh lý, kết thúc hoạt động tại Việt Nam.

4. Việc chuyển tiền và tài sản khác ra nước ngoài quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Chương IX

CAN THIỆP SỚM TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI

Điều 156. Thực hiện can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

1. Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp sau đây:

a) Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 138 của Luật này;

b) Xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;

c) Vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả quy định tại điểm a khoản 1 Điều 138 của Luật này trong thời gian 30 ngày liên tục;

d) Vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 138 của Luật này trong thời gian 06 tháng liên tục;

đ) Bị rút tiền hàng loạt và có báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước.

2. Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Một hoặc một số yêu cầu, biện pháp hạn chế quy định tại Điều 157 của Luật này và thời hạn thực hiện;

b) Yêu cầu tổ chức tín dụng cập nhật, thực hiện ngay phương án khắc phục quy định tại Điều 143 của Luật này hoặc xây dựng phương án khắc phục theo quy định tại Điều 158 của Luật này, thời hạn hoàn thành xây dựng và thông qua phương án khắc phục; thời hạn ngân hàng hợp tác xã cho ý kiến về phương án khắc phục của quỹ tín dụng nhân dân theo quy định tại khoản 2 Điều 158 của Luật này;

c) Yêu cầu chi nhánh ngân hàng nước ngoài cập nhật, thực hiện ngay phương án khắc phục quy định tại Điều 143 của Luật này hoặc xây dựng phương án khắc phục theo quy định tại Điều 158 của Luật này, thời hạn hoàn thành xây dựng và thông qua phương án khắc phục.

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm thực hiện ngay các yêu cầu, biện pháp hạn chế tại văn bản của Ngân hàng Nhà nước quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện các yêu cầu, biện pháp hạn chế này, Ngân hàng Nhà nước áp dụng bổ sung một hoặc một số biện pháp hạn chế quy định tại khoản 2 Điều 157 của Luật này.

4. Trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuê tổ chức kiểm toán độc lập kiểm toán báo cáo tài chính, đánh giá thực trạng tài chính để làm cơ sở xây dựng phương án khắc phục.

Điều 157. Các yêu cầu, biện pháp hạn chế đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm

1. Các yêu cầu đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm bao gồm:

a) Tăng vốn điều lệ, vốn được cấp; tăng cường nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao và thực hiện các giải pháp khác để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng;

b) Cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý, thù lao, lương, thưởng; yêu cầu bồi hoàn thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát;

c) Tăng cường quản trị rủi ro; tổ chức lại bộ máy quản trị, điều hành.

2. Các biện pháp hạn chế đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm bao gồm:

a) Không chia cổ tức, lợi tức, phân phối lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ, chuyển lợi nhuận về nước; hạn chế chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, chuyển nhượng tài sản;

b) Hạn chế hoạt động kinh doanh không hiệu quả, có rủi ro cao; giảm giới hạn cấp tín dụng, giới hạn góp vốn, mua cổ phần; hạn chế tăng trưởng tín dụng;

c) Đình chỉ, tạm đình chỉ một hoặc một số hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật; không bổ sung nội dung hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh mới khác, không mở rộng mạng lưới hoạt động;

d) Đình chỉ người quản lý, người điều hành có hành vi vi phạm pháp luật hoặc gây rủi ro lớn đến hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; yêu cầu bầu, bổ nhiệm thay thế người quản lý, người điều hành có hành vi vi phạm pháp luật hoặc gây rủi ro lớn đến hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm;

đ) Biện pháp khác theo thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 158. Xây dựng, cập nhật, thông qua phương án khắc phục

1. Đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã có phương án khắc phục được thông qua quy định tại Điều 143 của Luật này, căn cứ văn bản của Ngân hàng Nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 156 của Luật này, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó phải xác định nguyên nhân dẫn đến can thiệp sớm và cập nhật phương án khắc phục, trình Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, ngân hàng mẹ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài thông qua và gửi Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được thông qua.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, phải tiến hành xác định nguyên nhân dẫn đến can thiệp sớm và xây dựng phương án khắc phục có nội dung quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 143 của Luật này, trình Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, ngân hàng mẹ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài thông qua và gửi Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được thông qua.

Đối với quỹ tín dụng nhân dân, phương án khắc phục phải gửi và có ý kiến của ngân hàng hợp tác xã trước khi thông qua.

3. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước có ý kiến đối với phương án khắc phục quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải điều chỉnh phương án khắc phục và gửi Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

4. Trường hợp nội dung phương án khắc phục có biện pháp hỗ trợ quy định tại Điều 159 của Luật này, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được phương án khắc phục đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận việc áp dụng biện pháp hỗ trợ đối với tổ chức tín dụng được can thiệp sớm.

Điều 159. Biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm

1. Trong thời gian thực hiện phương án khắc phục, tổ chức tín dụng được can thiệp sớm được áp dụng biện pháp hỗ trợ sau đây sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản:

a) Lộ trình tuân thủ một hoặc một số giới hạn, tỷ lệ quy định tại Điều 136 và Điều 138 của Luật này;

b) Khi thực hiện giải pháp tăng vốn điều lệ theo phương án khắc phục, cổ đông, thành viên góp vốn được sở hữu cổ phần, phần vốn góp vượt giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp quy định tại Điều 63 và Điều 77 của Luật này. Cổ đông, thành viên góp vốn phải có lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp để tuân thủ giới hạn.

2. Trong thời gian thực hiện phương án khắc phục, tổ chức tín dụng được can thiệp sớm có lỗ lũy kế lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngoài các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này, được áp dụng thêm một hoặc một số biện pháp hỗ trợ sau đây sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản:

a) Trường hợp số tiền phải trích lập dự phòng rủi ro lớn hơn chênh lệch thu chi từ kết quả kinh doanh hằng năm chưa bao gồm số tiền dự phòng rủi ro đã tạm trích trong năm thì số tiền trích lập dự phòng rủi ro bằng chênh lệch thu chi;

b) Trường hợp tổ chức tín dụng có lãi phải thu phải thoái, tổ chức tín dụng được phân bổ lãi phải thu phải thoái theo năng lực tài chính trên nguyên tắc tổng mức phân bổ lãi phải thu phải thoái và số tiền phải trích lập dự phòng rủi ro bằng chênh lệnh thu chi từ kết quả kinh doanh hằng năm của tổ chức tín dụng. Thời gian phân bổ lãi phải thu phải thoái tối đa 05 năm kể từ ngày được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và chỉ áp dụng cho khoản phải thu phát sinh đến thời điểm Ngân hàng Nhà nước có văn bản quy định tại khoản 2 Điều 156 của Luật này. Chính phủ quy định trường hợp tổ chức tín dụng có thời gian phân bổ lãi phải thu phải thoái lớn hơn 05 năm nhưng không quá 10 năm trong trường hợp cần thiết;

c) Quỹ tín dụng nhân dân được vay từ quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân với lãi suất ưu đãi theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;

d) Quỹ tín dụng nhân dân được ngân hàng hợp tác xã hỗ trợ cử nhân sự tham gia quản trị, điều hành; hỗ trợ về công nghệ thông tin;

đ) Biện pháp khác theo thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 160. Thực hiện phương án khắc phục

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phương án khắc phục quy định tại Điều 158 của Luật này ngay sau khi được thông qua.

2. Trong quá trình thực hiện phương án khắc phục, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện phương án khắc phục theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

3. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm giám sát việc thực hiện phương án khắc phục, có quyền điều chỉnh các yêu cầu, biện pháp hạn chế áp dụng đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại điểm a khoản 2 Điều 156 của Luật này và yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài điều chỉnh nội dung phương án khắc phục.

4. Trường hợp gia hạn thời hạn thực hiện phương án khắc phục, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện theo quy định tại Điều 158 của Luật này.

5. Trường hợp sửa đổi, bổ sung các biện pháp hỗ trợ quy định tại Điều 159 của Luật này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải trình Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện.

6. Trong thời gian thực hiện phương án khắc phục, trường hợp có tổ chức tín dụng nhận sáp nhập, hợp nhất, tổ chức tín dụng được can thiệp sớm thực hiện sáp nhập, hợp nhất theo quy định về tổ chức lại tổ chức tín dụng tại Điều 201 của Luật này.

7. Trong thời gian thực hiện phương án khắc phục, trường hợp chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, tăng vốn điều lệ dẫn đến chuyển đổi hình thức pháp lý của tổ chức tín dụng được can thiệp sớm thì việc chuyển đổi hình thức pháp lý thực hiện theo quy định tại Điều 201 của Luật này.

8. Trường hợp hết thời hạn thực hiện phương án khắc phục mà chi nhánh ngân hàng nước ngoài không khắc phục được tình trạng dẫn đến thực hiện can thiệp sớm, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện giải thể, chấm dứt hoạt động, thanh lý, phong tỏa vốn, tài sản theo quy định tại Chương XIII của Luật này.

Điều 161. Chấm dứt can thiệp sớm

1. Tổ chức tín dụng chấm dứt can thiệp sớm trong các trường hợp sau đây:

a) Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt việc thực hiện văn bản yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 156 của Luật này khi tổ chức tín dụng khắc phục được tình trạng dẫn đến thực hiện can thiệp sớm theo quy định tại khoản 1 Điều 156 của Luật này và có văn bản báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước;

b) Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận sáp nhập, hợp nhất với tổ chức tín dụng khác theo quy định tại Điều 201 của Luật này;

c) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết định giải thể, phá sản tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật;

d) Ngân hàng Nhà nước có quyết định đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt quy định tại Điều 162 của Luật này.

2. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài chấm dứt can thiệp sớm trong các trường hợp sau đây:

a) Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt việc thực hiện văn bản yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 156 của Luật này khi chi nhánh ngân hàng nước ngoài khắc phục được tình trạng dẫn đến thực hiện can thiệp sớm quy định tại khoản 1 Điều 156 của Luật này và có văn bản báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước;

b) Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận giải thể, chấm dứt hoạt động chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Chương X

KIỂM SOÁT ĐẶC BIỆT TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 162. Áp dụng kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng

1. Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức tín dụng được can thiệp sớm không có phương án khắc phục gửi Ngân hàng Nhà nước hoặc không điều chỉnh phương án khắc phục theo yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước;

b) Trong thời hạn thực hiện phương án khắc phục, tổ chức tín dụng được can thiệp sớm không có khả năng thực hiện phương án khắc phục;

c) Hết thời hạn thực hiện phương án khắc phục mà tổ chức tín dụng không khắc phục được tình trạng dẫn đến thực hiện can thiệp sớm;

d) Bị rút tiền hàng loạt và có nguy cơ gây mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng;

đ) Tỷ lệ an toàn vốn của tổ chức tín dụng thấp hơn 04% trong thời gian 06 tháng liên tục;

e) Tổ chức tín dụng bị giải thể không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ trong quá trình thanh lý tài sản.

2. Kể từ ngày tổ chức tín dụng được đặt vào kiểm soát đặc biệt, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt phải báo cáo việc sử dụng cổ phần, phần vốn góp; không được chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp; không được sử dụng cổ phần, phần vốn góp để làm tài sản bảo đảm, trừ trường hợp thực hiện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Kể từ ngày tổ chức tín dụng được đặt vào kiểm soát đặc biệt, dư nợ gốc, lãi của khoản vay tái cấp vốn của tổ chức tín dụng đó tại Ngân hàng Nhà nước được chuyển thành dư nợ gốc, lãi của khoản vay đặc biệt và tiếp tục thực hiện theo cơ chế vay tái cấp vốn của các khoản vay tái cấp vốn này; dư nợ gốc, lãi của khoản vay của quỹ tín dụng nhân dân tại ngân hàng hợp tác xã được chuyển thành dư nợ gốc, lãi của khoản vay đặc biệt và tiếp tục thực hiện theo cơ chế cho vay của ngân hàng hợp tác xã đối với quỹ tín dụng nhân dân.

4. Trường hợp nhằm bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Chính phủ quyết định việc áp dụng biện pháp đặc biệt trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Điều 163. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt

1. Ngân hàng Nhà nước thành lập Ban kiểm soát đặc biệt để kiểm soát hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt bao gồm:

a) Xử lý kiến nghị của Ban kiểm soát đặc biệt;

b) Chỉ định Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng quản trị; Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng thành viên; Trưởng ban, thành viên khác của Ban kiểm soát; Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt;

c) Quyết định, điều chỉnh nội dung, phạm vi hoạt động, mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt;

d) Yêu cầu chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt báo cáo việc sử dụng cổ phần, phần vốn góp; không được chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp; không được sử dụng cổ phần, phần vốn góp để làm tài sản bảo đảm;

đ) Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.

3. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định việc kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng, bao gồm các nội dung sau đây:

a) Hình thức và thời hạn kiểm soát đặc biệt, gia hạn thời hạn kiểm soát đặc biệt, chấm dứt kiểm soát đặc biệt, công bố thông tin về việc kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng;

b) Thành phần, số lượng thành viên, cơ cấu, cơ chế hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát đặc biệt phù hợp với hình thức kiểm soát đặc biệt và thực trạng của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt;

c) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

d) Các nội dung khác để phục vụ hoạt động kiểm soát đặc biệt và xây dựng phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Điều 164. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát đặc biệt

1. Yêu cầu tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt rà soát, điều chỉnh cơ cấu tổ chức, mạng lưới hoạt động, hoạt động kinh doanh, tập trung thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm và cắt giảm chi phí.

2. Yêu cầu tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đề xuất, xây dựng và thực hiện phương án phục hồi, phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, phương án giải thể; yêu cầu bên nhận chuyển giao bắt buộc xây dựng, hoàn thành và thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc theo quy định của Luật này.

3. Phối hợp với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án phá sản theo quy định của Luật này.

4. Tạm đình chỉ một hoặc một số hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt nếu hoạt động này có thể gia tăng rủi ro cho tổ chức tín dụng đó hoặc không phù hợp với phương án chuyển giao bắt buộc hoặc phương án phá sản được phê duyệt.

5. Đình chỉ, tạm đình chỉ quyền quản trị, điều hành, kiểm soát tổ chức tín dụng và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ định người thay thế Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng quản trị; Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng thành viên; Trưởng ban, thành viên khác của Ban kiểm soát; Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

6. Yêu cầu Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) miễn nhiệm, đình chỉ công tác đối với người có hành vi vi phạm pháp luật, không chấp hành phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, không chấp hành chỉ đạo của Ban kiểm soát đặc biệt.

7. Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước quyết định thay đổi hình thức kiểm soát đặc biệt, gia hạn hoặc chấm dứt thời hạn kiểm soát đặc biệt; cho vay đặc biệt, gia hạn thời hạn cho vay đặc biệt, thu nợ khoản vay đặc biệt; thanh lý tài sản, thu hồi Giấy phép của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

8. Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.

Điều 165. Trách nhiệm của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt

1. Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng phương án cơ cấu lại theo yêu cầu của Ban kiểm soát đặc biệt;

b) Thực hiện phương án cơ cấu lại đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

c) Thực hiện quyết định, yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước quy định tại Điều 163 của Luật này;

d) Thực hiện quyết định, yêu cầu của Ban kiểm soát đặc biệt quy định tại Điều 164 của Luật này.

2. Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Quản trị, điều hành, kiểm soát hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn tài sản của tổ chức tín dụng;

c) Hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên và thông qua phương án cơ cấu lại theo quy định của Luật này.

Điều 166. Quản trị, điều hành và hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt

1. Trong thời gian kiểm soát đặc biệt, tổ chức tín dụng không phải tuân thủ quy định tại các điều 136, 137, 138 và khoản 3 Điều 144 của Luật này. Trường hợp số tiền phải trích lập dự phòng rủi ro lớn hơn chênh lệch thu chi từ kết quả kinh doanh hằng năm, chưa bao gồm số tiền dự phòng rủi ro đã tạm trích trong năm, thì số tiền trích lập dự phòng rủi ro bằng chênh lệch thu chi.

2. Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không phải thực hiện dự trữ bắt buộc.

3. Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được miễn nộp phí bảo hiểm tiền gửi, phí tham gia quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.

4. Việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên, công bố thông tin của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được thực hiện theo yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước phù hợp với mục tiêu bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

5. Số lượng thành viên, cơ cấu, nhiệm kỳ Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt do Ngân hàng Nhà nước quyết định phù hợp với thực trạng hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Trường hợp Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng hết nhiệm kỳ mà tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt chưa bầu, bổ nhiệm Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới thì Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát của nhiệm kỳ vừa kết thúc tiếp tục thực hiện việc quản trị, kiểm soát tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật cho đến khi Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát của nhiệm kỳ mới tiếp quản công việc.

Điều 167. Đánh giá thực trạng tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt

1. Ban kiểm soát đặc biệt yêu cầu tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 162 của Luật này thuê tổ chức kiểm toán độc lập kiểm toán báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, trừ quỹ tín dụng nhân dân. Việc thuê tổ chức kiểm toán độc lập phải hoàn thành trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có quyết định thành lập Ban kiểm soát đặc biệt.

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có báo cáo kết quả kiểm toán, tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt phải hoàn thành kết quả tự đánh giá thực trạng của tổ chức tín dụng đó.

3. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có báo cáo kết quả kiểm toán, Ban kiểm soát đặc biệt hoàn thành việc đánh giá thực trạng tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, kể cả trong trường hợp tổ chức tín dụng không hoàn thành việc tự đánh giá theo quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Thời hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này của quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt được tính từ ngày Ngân hàng Nhà nước có quyết định thành lập Ban kiểm soát đặc biệt.

5. Việc đánh giá thực trạng của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, trừ quỹ tín dụng nhân dân, phải căn cứ vào kết quả của tổ chức kiểm toán độc lập quy định tại khoản 1 Điều này.

6. Nội dung đánh giá thực trạng tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này do Ban kiểm soát đặc biệt quyết định bằng văn bản gửi tổ chức tín dụng đó, bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tổ chức, quản trị, điều hành;

b) Hệ thống công nghệ thông tin;

c) Hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác, bao gồm cả lãi, lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng.

7. Căn cứ kết quả đánh giá thực trạng tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt của Ban kiểm soát đặc biệt, Ban kiểm soát đặc biệt có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đề xuất, xây dựng phương án cơ cấu lại theo quy định của Luật này.

8. Chi phí thuê tổ chức kiểm toán độc lập và các chi phí khác liên quan đến đánh giá thực trạng tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt do tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt chi trả và được hạch toán vào chi phí của tổ chức tín dụng đó.

9. Thời hạn quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này có thể được Ngân hàng Nhà nước gia hạn nhưng không quá hai lần thời hạn đó.

Điều 168. Chấm dứt kiểm soát đặc biệt

Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt khắc phục được tình trạng dẫn đến tổ chức tín dụng đó được đặt vào kiểm soát đặc biệt và tuân thủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định tại Điều 138 của Luật này;

2. Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt hoàn thành phương án phục hồi, phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt theo quy định tại các mục 2, 3 và 4 Chương này;

3. Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt giải thể hoặc sáp nhập, hợp nhất theo quy định tại Mục 5 Chương này, Chương XIII của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

4. Thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản để tiến hành thủ tục phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Mục 2. PHƯƠNG ÁN PHỤC HỒI TỔ CHỨC TÍN DỤNG ĐƯỢC KIỂM SOÁT ĐẶC BIỆT

Điều 169. Xây dựng và phê duyệt phương án phục hồi

1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Ban kiểm soát đặc biệt quy định tại khoản 7 Điều 167 của Luật này, tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt hoàn thành việc xây dựng phương án phục hồi gửi Ban kiểm soát đặc biệt.

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được phương án phục hồi của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Ban kiểm soát đặc biệt đánh giá, báo cáo Ngân hàng Nhà nước về tính khả thi của phương án phục hồi.

Đối với phương án phục hồi quỹ tín dụng nhân dân, Ban kiểm soát đặc biệt phối hợp với tổ chức bảo hiểm tiền gửi, ngân hàng hợp tác xã đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi.

3. Ngân hàng Nhà nước xem xét, phê duyệt phương án phục hồi trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của Ban kiểm soát đặc biệt quy định tại khoản 2 Điều này hoặc trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho vay đặc biệt theo quy định tại khoản 4 Điều này. Trường hợp không phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi tổ chức tín dụng, Ban kiểm soát đặc biệt.

4. Trường hợp phương án phục hồi đề xuất biện pháp cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm trước khi phê duyệt phương án phục hồi.

5. Thời hạn quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này có thể được Ngân hàng Nhà nước gia hạn nhưng không quá hai lần thời hạn đó.

Điều 170. Nội dung phương án phục hồi

1. Phương án phục hồi bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Phương án tăng vốn điều lệ và thời hạn thực hiện phương án tăng vốn điều lệ trong các trường hợp sau đây: giá trị thực của vốn điều lệ thấp hơn vốn pháp định; tỷ lệ an toàn vốn dưới mức quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; theo yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng;

b) Phương án hoạt động kinh doanh trong giai đoạn phục hồi;

c) Phương án cơ cấu tổ chức, quản trị, điều hành;

d) Phương án xử lý tồn tại, yếu kém về tài chính, nợ xấu, tài sản bảo đảm và các biện pháp khắc phục các vi phạm pháp luật;

đ) Phương án chi trả theo lộ trình đối với tiền gửi của khách hàng là pháp nhân, tiền gửi, tiền vay của tổ chức tín dụng khác; phương án xử lý khoản vay đặc biệt đã vay, bao gồm cả khoản vay đặc biệt quy định tại khoản 3 Điều 162 của Luật này;

e) Biện pháp hỗ trợ quy định tại Điều 171 của Luật này cần áp dụng;

g) Lộ trình, thời hạn thực hiện phương án phục hồi.

2. Trường hợp có tổ chức tín dụng hỗ trợ, ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt phối hợp với tổ chức tín dụng hỗ trợ bổ sung vào phương án phục hồi các nội dung sau đây:

a) Thông tin về tổ chức tín dụng hỗ trợ thực hiện phương án phục hồi;

b) Phương án hỗ trợ của tổ chức tín dụng hỗ trợ đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; phương án hỗ trợ đối với tổ chức tín dụng hỗ trợ;

c) Phương án trả thù lao, lương, thưởng và các chế độ khác cho người được biệt phái tham gia hỗ trợ quản trị, điều hành, kiểm soát tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt;

d) Phương án trả lương cho người lao động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trong thời gian kiểm soát đặc biệt.

Điều 171. Biện pháp hỗ trợ thực hiện phương án phục hồi

1. Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ sau đây:

a) Vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước, tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tín dụng khác theo quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 192 của Luật này;

b) Miễn tiền lãi vay tái cấp vốn, vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước;

c) Nhận tiền gửi hoặc vay của tổ chức tín dụng hỗ trợ với lãi suất ưu đãi;

d) Mua nợ, trái phiếu doanh nghiệp do tổ chức tín dụng hỗ trợ nắm giữ đang được phân loại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn; bán lại nợ, trái phiếu doanh nghiệp đó cho tổ chức tín dụng hỗ trợ;

đ) Được thỏa thuận, lựa chọn một hoặc một số tổ chức tín dụng hỗ trợ tham gia phương án phục hồi;

e) Được tổ chức tín dụng hỗ trợ cử nhân sự tham gia quản trị, điều hành; hỗ trợ về công nghệ thông tin;

g) Trường hợp tổ chức tín dụng có lãi phải thu phải thoái, tổ chức tín dụng được phân bổ lãi phải thu phải thoái theo năng lực tài chính trên nguyên tắc tổng mức phân bổ lãi phải thu phải thoái và số tiền phải trích lập dự phòng bằng chênh lệnh thu chi từ kết quả kinh doanh hằng năm của tổ chức tín dụng. Thời gian phân bổ lãi phải thu phải thoái tối đa 10 năm kể từ khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và chỉ áp dụng cho khoản phải thu phát sinh đến thời điểm tổ chức tín dụng được đặt vào kiểm soát đặc biệt;

h) Khi thực hiện giải pháp tăng vốn điều lệ theo phương án phục hồi, cổ đông, thành viên góp vốn được sở hữu cổ phần, phần vốn góp vượt giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp quy định tại Điều 63 và Điều 77 của Luật này. Cổ đông, thành viên góp vốn phải có lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp để tuân thủ giới hạn;

i) Biện pháp khác theo thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước.

2. Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ sau đây:

a) Biện pháp quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g và i khoản 1 Điều này;

b) Tổ chức tài chính vi mô được vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tín dụng khác theo quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 192 của Luật này;

c) Quỹ tín dụng nhân dân được vay đặc biệt của ngân hàng hợp tác xã từ quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân với lãi suất đến mức 0%/năm.

Điều 172. Tổ chức thực hiện phương án phục hồi

1. Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm triển khai thực hiện phương án phục hồi đã được phê duyệt.

2. Ban kiểm soát đặc biệt kiểm tra, giám sát tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt triển khai thực hiện phương án phục hồi đã được phê duyệt.

3. Ngân hàng Nhà nước quyết định việc sửa đổi, bổ sung phương án phục hồi, bao gồm cả việc gia hạn thời hạn thực hiện phương án phục hồi theo đề nghị của Ban kiểm soát đặc biệt.

4. Trường hợp sửa đổi, bổ sung biện pháp cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm trong phương án phục hồi, Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung đó.

5. Trường hợp phương án phục hồi của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không được phê duyệt theo quy định tại khoản 3 Điều 169 của Luật này hoặc không có khả năng phục hồi theo phương án phục hồi đã được phê duyệt hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi mà tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không khắc phục được tình trạng dẫn đến tổ chức tín dụng đó được đặt vào kiểm soát đặc biệt thì Ban kiểm soát đặc biệt yêu cầu tổ chức tín dụng đề xuất, xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại hoặc phương án giải thể hoặc phương án phá sản theo quy định của Luật này.

Điều 173. Điều kiện đối với tổ chức tín dụng hỗ trợ

Tổ chức tín dụng hỗ trợ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

1. Hoạt động kinh doanh có lãi trong ít nhất 02 năm liền kề trước thời điểm tham gia hỗ trợ theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập;

2. Đáp ứng các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định tại Điều 138 của Luật này;

3. Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát có số lượng thành viên và cơ cấu theo quy định của pháp luật;

4. Hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ đáp ứng quy định tại Điều 57 và Điều 58 của Luật này.

Điều 174. Quyền, nghĩa vụ của tổ chức tín dụng hỗ trợ

1. Phối hợp với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án phục hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 169 của Luật này.

2. Lựa chọn, giới thiệu và điều động nhân sự đủ năng lực, kinh nghiệm, điều kiện tham gia quản trị, điều hành, kiểm soát tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.

3. Tổ chức triển khai, quản lý, giám sát tổ chức, hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo phương án phục hồi đã được phê duyệt; đề xuất với Ban kiểm soát đặc biệt việc sửa đổi, bổ sung phương án phục hồi đã được phê duyệt.

4. Cho vay, gửi tiền với lãi suất ưu đãi tại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.

5. Bán nợ, trái phiếu doanh nghiệp đang được phân loại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn cho tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.

6. Mua lại nợ, trái phiếu doanh nghiệp đã bán quy định tại khoản 5 Điều này theo yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.

7. Vay tái cấp vốn với lãi suất bằng lãi suất tổ chức tín dụng hỗ trợ cho vay, gửi tiền tại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; số tiền, thời hạn vay tái cấp vốn không được vượt quá số tiền, thời hạn tổ chức tín dụng hỗ trợ cho vay, gửi tiền tại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

8. Không bị hạn chế về tỷ lệ mua, nắm giữ, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh quy định tại điểm d khoản 1 Điều 138 của Luật này.

9. Các khoản cho vay, tiền gửi tại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được áp dụng hệ số rủi ro 0% khi tính tỷ lệ an toàn vốn và được phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn.

10. Được hạch toán vào chi phí hoạt động đối với các khoản chi thù lao, lương, thưởng cho người được biệt phái tham gia quản trị, điều hành, kiểm soát tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

11. Áp dụng biện pháp hỗ trợ khác do Ngân hàng Nhà nước quyết định theo thẩm quyền.

Mục 3. PHƯƠNG ÁN SÁP NHẬP, HỢP NHẤT, CHUYỂN NHƯỢNG TOÀN BỘ CỔ PHẦN, PHẦN VỐN GÓP CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG ĐƯỢC KIỂM SOÁT ĐẶC BIỆT

Điều 175. Sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt

Việc sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được thực hiện khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

1. Có tổ chức tín dụng nhận sáp nhập, hợp nhất hoặc có nhà đầu tư nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật;

2. Tổ chức tín dụng sau sáp nhập, hợp nhất bảo đảm giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định và đáp ứng các tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định tại Điều 138 của Luật này.

Điều 176. Xây dựng và phê duyệt phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp

1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Ban kiểm soát đặc biệt quy định tại khoản 7 Điều 167 của Luật này, tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt hoàn thành việc xây dựng phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp gửi Ban kiểm soát đặc biệt.

2. Trình tự, thời hạn phê duyệt phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp được thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 5 Điều 169 của Luật này.

Điều 177. Nội dung phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp

1. Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp và quy trình thực hiện phương án;

b) Thông tin về tổ chức tín dụng bị sáp nhập, nhận sáp nhập, bị hợp nhất, nhà đầu tư nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, bao gồm nội dung chứng minh năng lực, điều kiện theo quy định của pháp luật;

c) Phương án cơ cấu tổ chức, quản trị, điều hành, bao gồm cả việc tích hợp, chuyển đổi hệ thống công nghệ thông tin đối với trường hợp sáp nhập, hợp nhất;

d) Phương án hoạt động kinh doanh trong thời gian 03 năm sau sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, bao gồm cả dự kiến các tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định tại Điều 138 của Luật này;

đ) Phương án xử lý khoản vay đặc biệt đã vay, bao gồm cả khoản vay đặc biệt quy định tại khoản 3 Điều 162 của Luật này;

e) Phương án khắc phục tình trạng dẫn đến tổ chức tín dụng được đặt vào kiểm soát đặc biệt đối với trường hợp chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp;

g) Biện pháp hỗ trợ quy định tại Điều 171 của Luật này, trừ biện pháp hỗ trợ quy định tại điểm a khoản 1, điểm b và điểm c khoản 2 Điều 171 của Luật này;

h) Lộ trình, thời hạn thực hiện phương án.

2. Tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp được thực hiện theo tỷ lệ quy định tại phương án chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp đã được phê duyệt và được vượt giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 63, khoản 1 Điều 77 và khoản 2 Điều 137 của Luật này và phải có lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp để tuân thủ giới hạn.

Điều 178. Tổ chức thực hiện phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp

1. Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm triển khai thực hiện phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp đã được phê duyệt.

2. Ban kiểm soát đặc biệt kiểm tra, giám sát tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt triển khai thực hiện phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp đã được phê duyệt.

3. Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp đã được phê duyệt.

4. Ngân hàng Nhà nước quyết định việc sửa đổi, bổ sung phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, bao gồm cả việc gia hạn thời hạn thực hiện theo đề nghị của Ban kiểm soát đặc biệt.

5. Trình tự, thủ tục thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp được thực hiện theo quy định của pháp luật.

6. Trường hợp phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt hoặc hết thời hạn thực hiện phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp mà tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không thực hiện được phương án đó, Ban kiểm soát đặc biệt yêu cầu tổ chức tín dụng đề xuất và xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại hoặc phương án giải thể hoặc phương án phá sản theo quy định của Luật này.

Mục 4. PHƯƠNG ÁN CHUYỂN GIAO BẮT BUỘC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI ĐƯỢC KIỂM SOÁT ĐẶC BIỆT

Điều 179. Xây dựng, phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt trong trường hợp có văn bản đề nghị của bên nhận chuyển giao bắt buộc

1. Việc chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt được thực hiện khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Ngân hàng thương mại có lỗ lũy kế lớn hơn 100% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất;

b) Có bên đề nghị nhận chuyển giao bắt buộc đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định tại Điều 184 của Luật này trong vòng 60 ngày kể từ ngày ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt nhận được văn bản yêu cầu của Ban kiểm soát đặc biệt theo quy định tại khoản 7 Điều 167 hoặc khoản 5 Điều 172 hoặc khoản 6 Điều 178 của Luật này.

2. Trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt nhận được văn bản yêu cầu của Ban kiểm soát đặc biệt theo quy định tại khoản 7 Điều 167 hoặc khoản 5 Điều 172 hoặc khoản 6 Điều 178 của Luật này, bên nhận chuyển giao bắt buộc hoàn thành việc xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc gửi Ban kiểm soát đặc biệt.

3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được phương án chuyển giao bắt buộc của bên nhận chuyển giao bắt buộc dự kiến, Ban kiểm soát đặc biệt đánh giá, báo cáo Ngân hàng Nhà nước về tính khả thi của phương án chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt.

4. Sau khi nhận được báo cáo của Ban kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước xem xét, phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt.

5. Trường hợp phương án chuyển giao bắt buộc đề xuất biện pháp cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm trước khi phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc.

6. Thời hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này có thể được Ngân hàng Nhà nước gia hạn nhưng không quá hai lần thời hạn đó.

7. Trường hợp phương án chuyển giao bắt buộc không được phê duyệt và không thuộc trường hợp được chỉ định bên nhận chuyển giao bắt buộc theo quy định tại khoản 1 Điều 180 của Luật này, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án phá sản theo quy định của Luật này.

Điều 180. Xây dựng, phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt trong trường hợp chỉ định bên nhận chuyển giao bắt buộc

1. Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ chỉ định bên nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 179 của Luật này;

b) Không có bên đề nghị nhận chuyển giao bắt buộc quy định tại điểm b khoản 1 Điều 179 của Luật này hoặc không được phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc theo quy định tại khoản 4 Điều 179 của Luật này;

c) Việc phá sản ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt có nguy cơ gây mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

2. Bên được chỉ định nhận chuyển giao bắt buộc phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 184 của Luật này.

3. Sau khi Chính phủ quyết định chỉ định bên nhận chuyển giao bắt buộc, bên được chỉ định nhận chuyển giao bắt buộc hoàn thành việc xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

4. Trình tự, thời hạn phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc trong trường hợp chỉ định bên nhận chuyển giao bắt buộc thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4, 5 và 6 Điều 179 của Luật này.

5. Trường hợp không chỉ định được bên nhận chuyển giao bắt buộc hoặc phương án chuyển giao bắt buộc không được phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án phá sản theo quy định của Luật này.

Điều 181. Nội dung phương án chuyển giao bắt buộc

Phương án chuyển giao bắt buộc bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Thông tin về bên nhận chuyển giao bắt buộc;

2. Phương án tăng vốn điều lệ và thời hạn thực hiện;

3. Phương án hoạt động kinh doanh phù hợp với thực trạng của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt trong từng giai đoạn;

4. Phương án về cơ cấu tổ chức, quản trị, điều hành;

5. Phương án xử lý tồn tại, yếu kém, nợ xấu, tài sản bảo đảm;

6. Phương án xử lý tiền gửi của khách hàng là pháp nhân, tiền gửi và tiền vay của tổ chức tín dụng khác; phương án xử lý khoản vay đặc biệt đã vay, bao gồm cả khoản vay đặc biệt quy định tại khoản 3 Điều 162 của Luật này;

7. Phương án xử lý cổ phần, phần vốn góp của bên nhận chuyển giao bắt buộc tại ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc vượt giới hạn theo quy định tại Điều 186 của Luật này;

8. Biện pháp hỗ trợ quy định tại Điều 182 của Luật này;

9. Lộ trình tuân thủ quy định tại các điều 136, 137, 138 và khoản 3 Điều 144 của Luật này;

10. Lộ trình, thời hạn thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc.

Điều 182. Biện pháp hỗ trợ đối với ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc

1. Ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc được áp dụng một hoặc một số biện pháp sau đây:

a) Bán nợ xấu không có tài sản bảo đảm hoặc nợ xấu có tài sản bảo đảm mà tài sản bảo đảm đang bị kê biên, tài sản bảo đảm không có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ cho tổ chức mua bán, xử lý nợ;

b) Nhận tiền gửi hoặc vay của bên nhận chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc hoặc theo thỏa thuận;

c) Mua nợ, trái phiếu doanh nghiệp do bên nhận chuyển giao bắt buộc nắm giữ đang được phân loại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn; bán lại nợ, trái phiếu doanh nghiệp cho bên nhận chuyển giao bắt buộc theo thỏa thuận hoặc trong trường hợp các khoản nợ này bị chuyển thành nợ xấu;

d) Được bên nhận chuyển giao bắt buộc cử nhân sự tham gia quản trị, điều hành, kiểm soát; hỗ trợ về công nghệ thông tin và các hoạt động khác theo thỏa thuận;

đ) Miễn tiền lãi vay của khoản vay tái cấp vốn, vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước;

e) Vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước, tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tín dụng khác theo quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 192 của Luật này;

g) Biện pháp khác theo thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước.

2. Các khoản cho vay, bảo lãnh, tiền gửi của bên nhận chuyển giao bắt buộc và các tổ chức tín dụng khác đối với ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc được áp dụng hệ số rủi ro 0% khi tính tỷ lệ an toàn vốn và được phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc.

Điều 183. Tổ chức thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc

1. Ngân hàng Nhà nước quyết định chuyển giao bắt buộc và phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc.

Kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước quyết định chuyển giao bắt buộc, toàn bộ quyền và lợi ích của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc chấm dứt.

2. Ngân hàng Nhà nước quyết định ghi giảm toàn bộ vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc để giảm lỗ lũy kế tương ứng.

3. Quyết định chuyển giao bắt buộc bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên bên nhận chuyển giao bắt buộc; tên ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc trước và sau chuyển giao bắt buộc; hình thức pháp lý, vốn điều lệ, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc;

b) Việc chấm dứt toàn bộ quyền và lợi ích của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc;

c) Trách nhiệm của bên nhận chuyển giao bắt buộc và ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt và theo quy định của pháp luật.

4. Bên nhận chuyển giao bắt buộc thực hiện các nội dung sau đây:

a) Thực hiện quyền của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông tại ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc;

b) Thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.

5. Ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc phải thực hiện các nội dung sau đây:

a) Thực hiện các thủ tục thay đổi Giấy phép;

b) Thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.

6. Trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước quyết định việc sửa đổi, bổ sung phương án chuyển giao bắt buộc, bao gồm cả việc gia hạn thời hạn thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc.

7. Trường hợp sửa đổi, bổ sung biện pháp cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm trong phương án chuyển giao bắt buộc, Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung đó.

8. Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.

9. Trường hợp hết thời hạn thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc mà ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt không khắc phục được tình trạng dẫn đến đặt vào kiểm soát đặc biệt thì Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án phá sản theo quy định của Luật này.

Điều 184. Bên nhận chuyển giao bắt buộc

1. Bên nhận chuyển giao bắt buộc là một hoặc một số tổ chức sau đây:

a) Tổ chức tín dụng trong nước, tổ chức tín dụng nước ngoài;

b) Doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài;

c) Tổ chức khác.

2. Bên nhận chuyển giao bắt buộc là tổ chức tín dụng trong nước phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Hoạt động kinh doanh có lãi theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập trong ít nhất 02 năm liền kề trước thời điểm đề nghị nhận chuyển giao bắt buộc hoặc được chỉ định nhận chuyển giao bắt buộc;

b) Đáp ứng các tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định tại Điều 138 của Luật này;

c) Có phương án chuyển giao bắt buộc khả thi.

3. Bên nhận chuyển giao bắt buộc không phải là tổ chức tín dụng trong nước phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Là pháp nhân;

b) Điều kiện quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều này.

Điều 185. Quyền, nghĩa vụ của bên nhận chuyển giao bắt buộc

1. Bên nhận chuyển giao bắt buộc là tổ chức tín dụng có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

a) Sở hữu 100% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc trong trường hợp ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

b) Mức góp vốn, mua cổ phần của bên nhận chuyển giao bắt buộc tại ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc được thực hiện theo tỷ lệ quy định tại phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt và được vượt giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 63, khoản 1 Điều 77 và khoản 2 Điều 137 của Luật này;

c) Không phải hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc;

d) Được loại trừ ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất;

đ) Được loại trừ dư nợ cấp tín dụng đối với ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc khi tính các tỷ lệ, giới hạn quy định tại khoản 4 Điều 135, khoản 1 và khoản 2 Điều 136 của Luật này;

e) Được hạch toán vào chi phí hoạt động đối với các khoản chi thù lao, lương, thưởng cho người được biệt phái, cử, chỉ định, bổ nhiệm tham gia quản trị, điều hành, kiểm soát ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc;

g) Phối hợp với ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc; tổ chức triển khai, sửa đổi, bổ sung phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt;

h) Lựa chọn, giới thiệu nhân sự đủ điều kiện tham gia quản trị, điều hành, kiểm soát ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc;

i) Quản lý, giám sát tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc;

k) Cho vay, gửi tiền tại ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc hoặc theo thỏa thuận;

l) Bán, bán có kỳ hạn khoản nợ, trái phiếu doanh nghiệp đang được phân loại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc theo thỏa thuận; phải mua lại nợ, trái phiếu doanh nghiệp đã bán cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc trong trường hợp các khoản nợ này bị chuyển thành nợ xấu;

m) Khoản vốn góp vào ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của bên nhận chuyển giao bắt buộc;

n) Được bán, phát hành cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc cho nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với phương án chuyển giao bắt buộc;

o) Vay tái cấp vốn với lãi suất bằng lãi suất bên nhận chuyển giao bắt buộc cho vay, gửi tiền tại ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc; số tiền, thời hạn vay tái cấp vốn không được vượt quá số tiền, thời hạn bên nhận chuyển giao bắt buộc cho vay, gửi tiền tại ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc;

p) Được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc;

q) Không bị hạn chế về tỷ lệ mua, nắm giữ, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh quy định tại điểm d khoản 1 Điều 138 của Luật này;

r) Phát hành trái phiếu dài hạn cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước;

s) Áp dụng biện pháp khác do Ngân hàng Nhà nước quyết định theo thẩm quyền.

2. Bên nhận chuyển giao bắt buộc không phải là tổ chức tín dụng có quyền, nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i, m và n khoản 1 Điều này và được gửi tiền tại ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc hoặc theo thỏa thuận.

Điều 186. Xử lý cổ phần, phần vốn góp vượt giới hạn

1. Bên nhận chuyển giao bắt buộc phải giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp tại ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc thông qua việc tăng vốn điều lệ, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư mới và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật để bảo đảm tuân thủ giới hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 63, khoản 1 Điều 77 và khoản 2 Điều 137 của Luật này theo thời hạn quy định tại phương án chuyển giao bắt buộc.

2. Trường hợp không thực hiện được quy định tại khoản 1 Điều này, bên nhận chuyển giao bắt buộc phải thực hiện sáp nhập, hợp nhất, giải thể ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.

3. Việc xử lý cổ phần, phần vốn góp quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện trước thời hạn xác định trong phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Hoàn thành việc tăng vốn điều lệ theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt;

b) Sau 01 năm, kể từ thời điểm quyết định chuyển giao bắt buộc có hiệu lực.

Mục 5. GIẢI THỂ, PHÁ SẢN TỔ CHỨC TÍN DỤNG ĐƯỢC KIỂM SOÁT ĐẶC BIỆT

Điều 187. Giải thể tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt

1. Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thực hiện giải thể khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ;

b) Có tổ chức tín dụng tiếp nhận toàn bộ nghĩa vụ nợ.

2. Trường hợp giải thể theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, Ban kiểm soát đặc biệt trình Ngân hàng Nhà nước quyết định giải thể tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

3. Trường hợp giải thể theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, Ban kiểm soát đặc biệt yêu cầu tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt phối hợp với tổ chức tín dụng tiếp nhận toàn bộ nghĩa vụ nợ xây dựng phương án thanh lý tài sản, trong đó có kế hoạch mua một phần hoặc toàn bộ tài sản, đồng thời nhận chuyển giao toàn bộ nghĩa vụ nợ của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, biện pháp hỗ trợ đối với tổ chức tín dụng tiếp nhận toàn bộ nghĩa vụ nợ, trình Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Đối với quỹ tín dụng nhân dân, phương án thanh lý tài sản phải có ý kiến của ngân hàng hợp tác xã trước khi gửi Ngân hàng Nhà nước.

4. Tổ chức tín dụng tiếp nhận toàn bộ nghĩa vụ nợ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Hoạt động kinh doanh có lãi trong ít nhất 02 năm liền kề trước thời điểm đề nghị tiếp nhận toàn bộ nghĩa vụ nợ theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập;

b) Đáp ứng tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định tại khoản 1 Điều 138 của Luật này tại thời điểm đề nghị tiếp nhận toàn bộ nghĩa vụ nợ.

5. Việc giải thể và thanh lý tài sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt khi giải thể thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 204 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 188. Phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt

1. Phương án phá sản của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được xây dựng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không có phương án cơ cấu lại trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 169, khoản 1 Điều 176 của Luật này và không đủ điều kiện chuyển giao bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều 179, khoản 1 Điều 180 của Luật này, không đủ điều kiện giải thể quy định tại khoản 1 Điều 187 của Luật này;

b) Ngân hàng thương mại thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 179, khoản 5 Điều 180, khoản 9 Điều 183 của Luật này;

c) Tổ chức tín dụng thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 204 của Luật này;

d) Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đề xuất phương án phá sản trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Ban kiểm soát đặc biệt quy định tại khoản 7 Điều 167 hoặc khoản 5 Điều 172 hoặc khoản 6 Điều 178 của Luật này.

2. Ban kiểm soát đặc biệt phối hợp với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, tổ chức bảo hiểm tiền gửi xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, đề xuất Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ phê duyệt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

Sau khi phương án phá sản được phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền, tối đa bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại tổ chức tín dụng.

3. Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, tổ chức bảo hiểm tiền gửi và ngân hàng hợp tác xã xây dựng phương án phá sản quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt và đề xuất Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền, tối đa bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại quỹ tín dụng nhân dân.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức bảo hiểm tiền gửi, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, tổ chức bảo hiểm tiền gửi và ngân hàng hợp tác xã hoàn thiện phương án phá sản quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Điều 189. Nội dung phương án phá sản

Phương án phá sản bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Thực trạng của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt;

2. Đánh giá tác động của việc thực hiện phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đối với sự an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng;

3. Dự kiến hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền là cá nhân; lộ trình, thời hạn chi trả;

4. Lộ trình và trách nhiệm thực hiện phương án phá sản.

Điều 190. Tổ chức thực hiện phương án phá sản

1. Sau khi phương án phá sản đã được phê duyệt, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm phối hợp với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền theo phương án phá sản.

2. Trường hợp số tiền trong quỹ dự phòng nghiệp vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi không đủ chi trả cho người gửi tiền theo quy định tại khoản 1 Điều này, Ngân hàng Nhà nước cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi vay đặc biệt.

Tổ chức bảo hiểm tiền gửi xây dựng phương án tăng phí bảo hiểm tiền gửi để bù đắp phần vay đặc biệt; sử dụng tiền trả nợ vay đặc biệt của tổ chức tín dụng, nguồn thu từ bán giấy tờ có giá do tổ chức bảo hiểm tiền gửi nắm giữ, từ thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng vay đặc biệt, phí bảo hiểm tiền gửi để ưu tiên hoàn trả nợ vay đặc biệt cho Ngân hàng Nhà nước.

3. Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án phá sản đã được phê duyệt, bao gồm cả việc yêu cầu tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

4. Trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước quyết định sửa đổi, bổ sung phương án phá sản đối với quỹ tín dụng nhân dân hoặc trình Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung phương án phá sản đối với tổ chức tín dụng khác.

5. Trình tự, thủ tục phá sản tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định tại Điều 203 của Luật này và pháp luật về phá sản.

Chương XI

XỬ LÝ TRƯỜNG HỢP TỔ CHỨC TÍN DỤNG BỊ RÚT TIỀN HÀNG LOẠT; VAY, CHO VAY ĐẶC BIỆT

Điều 191. Xử lý trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt

1. Tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước và thực hiện ngay các biện pháp sau đây:

a) Không chia cổ tức bằng tiền mặt; tạm dừng hoặc hạn chế các hoạt động cấp tín dụng và các hoạt động khác có sử dụng nguồn tiền của tổ chức tín dụng; các giải pháp khác để đáp ứng yêu cầu chi trả tiền gửi cho khách hàng;

b) Thực hiện các biện pháp tại phương án khắc phục trong tình huống bị rút tiền hàng loạt quy định tại Điều 143 của Luật này; cập nhật, điều chỉnh phương án trong trường hợp cần thiết.

2. Trường hợp tổ chức tín dụng đang được can thiệp sớm bị rút tiền hàng loạt, tổ chức tín dụng đó phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước về tình trạng rút tiền hàng loạt và rà soát, đánh giá lại thực trạng để xây dựng, điều chỉnh phương án khắc phục theo quy định tại Điều 158 và Điều 160 của Luật này. Tổ chức tín dụng thực hiện phương án khắc phục đã được xây dựng, điều chỉnh.

3. Tổ chức tín dụng được áp dụng biện pháp hỗ trợ sau đây khi bị rút tiền hàng loạt:

a) Bán giấy tờ có giá cho Ngân hàng Nhà nước trên nghiệp vụ thị trường mở với lãi suất 0%;

b) Thực hiện giao dịch ngoại tệ với Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm thanh khoản theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;

c) Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước; vay đặc biệt từ tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi; vay đặc biệt từ tổ chức tín dụng khác.

Điều 192. Các trường hợp được vay đặc biệt

1. Tổ chức tín dụng được vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng khác trong trường hợp sau đây:

a) Để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền theo quy định tại Điều 191 của Luật này;

b) Để thực hiện phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc.

2. Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được vay đặc biệt từ tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.

3. Ngân hàng hợp tác xã chỉ cho vay đặc biệt đối với quỹ tín dụng nhân dân theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 193. Thẩm quyền quyết định cho vay, lãi suất và tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt

1. Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệt đối với khoản vay có lãi suất và có tài sản bảo đảm đối với tổ chức tín dụng. Mức lãi suất, tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

2. Ngân hàng hợp tác xã quyết định cho vay đặc biệt đối với quỹ tín dụng nhân dân.

3. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tín dụng khác quyết định cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.

4. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước đối với khoản vay có lãi suất là 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm đối với tổ chức tín dụng trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 194. Nguyên tắc xử lý khoản vay đặc biệt

1. Khoản vay đặc biệt được ưu tiên hoàn trả trước tất cả các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính khác, kể cả các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính có tài sản bảo đảm của bên vay đặc biệt.

2. Ngân hàng hợp tác xã được hạch toán giảm quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân để xử lý số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được.

3. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định chi tiết việc cho vay đặc biệt.

Chương XII

XỬ LÝ NỢ XẤU, TÀI SẢN BẢO ĐẢM

Điều 195. Nợ xấu

Nợ xấu được áp dụng các quy định tại Chương này bao gồm:

1. Nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nhưng chưa thu hồi được nợ và đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán;

2. Nợ xấu mà tổ chức mua bán, xử lý nợ đã mua của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhưng chưa thu hồi được nợ.

Điều 196. Bán nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật. Giá bán khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ xấu.

Điều 197. Mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ

1. Tổ chức mua bán, xử lý nợ được mua khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị thị trường hoặc mua bằng trái phiếu đặc biệt, được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Tổ chức mua bán, xử lý nợ chỉ được mua khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo giá trị thị trường.

2. Tổ chức mua bán, xử lý nợ được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân.

3. Tổ chức mua bán, xử lý nợ được thỏa thuận với tổ chức tín dụng phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu sau khi trừ giá mua và chi phí xử lý.

Điều 198. Mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai

1. Bên mua khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà tài sản bảo đảm của khoản nợ đó là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai được quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua.

2. Bên mua khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà tài sản bảo đảm của khoản nợ đó là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp.

3. Tổ chức mua bán, xử lý nợ được đăng ký thế chấp khi nhận bổ sung tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của khoản nợ đã mua.

4. Việc đăng ký biến động đất đai đối với tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; việc đăng ký thế chấp đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 199. Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu

1. Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được phân chia theo thứ tự ưu tiên sau đây:

a) Chi phí bảo quản tài sản bảo đảm;

b) Chi phí thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm;

c) Án phí của bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm;

d) Khoản thuế, lệ phí trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm đó gồm thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ;

đ) Nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ;

e) Nghĩa vụ khác không có bảo đảm theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 200. Chuyển nhượng tài sản bảo đảm

1. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Trừ các khoản án phí, thuế, lệ phí trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại Điều 199 của Luật này, bên nhận bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng không phải nộp thay hoặc thực hiện nghĩa vụ thuế, lệ phí, phí khác của bên bảo đảm từ số tiền chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi thực hiện thủ tục đăng ký, thay đổi quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đó. Việc nộp thuế của bên bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đó thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo quy định về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của Luật Kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan nhưng không phải áp dụng quy định về điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản đối với bên chuyển nhượng dự án bất động sản của Luật Kinh doanh bất động sản.

Chương XIII

TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ, PHÁ SẢN, THANH LÝ, PHONG TỎA VỐN, TÀI SẢN

Điều 201. Tổ chức lại tổ chức tín dụng

1. Tổ chức tín dụng được tổ chức lại dưới hình thức chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức pháp lý, chuyển đổi loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

2. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại tổ chức tín dụng.

Điều 202. Trường hợp giải thể, chấm dứt hoạt động tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đề nghị gia hạn hoặc đề nghị gia hạn nhưng không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản khi hết thời hạn hoạt động.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị thu hồi Giấy phép.

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự nguyện giải thể nếu có khả năng thanh toán hết nợ và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

4. Tổ chức tín dụng được can thiệp sớm hoặc được kiểm soát đặc biệt có tổ chức tín dụng tiếp nhận toàn bộ nghĩa vụ nợ.

Điều 203. Phá sản tổ chức tín dụng

1. Sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc chấm dứt áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán, tổ chức tín dụng phải nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

2. Sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng, Tòa án áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về phá sản.

3. Sau khi Thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, Ngân hàng Nhà nước thu hồi Giấy phép của tổ chức tín dụng.

Điều 204. Thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong trường hợp giải thể, chấm dứt hoạt động

1. Khi giải thể, chấm dứt hoạt động theo quy định tại Điều 202 của Luật này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tiến hành thanh lý tài sản dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước và theo trình tự, thủ tục thanh lý tài sản do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định.

2. Trong quá trình giám sát thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng bị giải thể, nếu phát hiện tổ chức tín dụng không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ, Ngân hàng Nhà nước quyết định chấm dứt thanh lý tài sản và thực hiện phương án phá sản tổ chức tín dụng theo quy định tại Mục 5 Chương X và Điều 203 của Luật này.

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị thanh lý tài sản có trách nhiệm thanh toán các chi phí liên quan đến việc thanh lý tài sản.

Điều 205. Phong tỏa vốn, tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài

1. Trường hợp cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, Ngân hàng Nhà nước phong tỏa một phần hoặc toàn bộ vốn, tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định trường hợp phong tỏa, chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Chương XIV

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Điều 206. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng trong phạm vi cả nước.

2. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài.

3. Bộ Tài chính có trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, hoạt động đại lý bảo hiểm đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài theo quy định của pháp luật.

5. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý nhà nước đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài hoạt động tại địa phương theo quy định của pháp luật.

Điều 207. Thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát

1. Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật về thanh tra.

3. Bộ Tài chính có trách nhiệm sau đây:

a) Kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Chứng khoán và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Chủ trì, phối hợp, chia sẻ thông tin với Ngân hàng Nhà nước trong quá trình thực hiện quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

4. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài theo thẩm quyền.

Điều 208. Quyền, nghĩa vụ của đối tượng thanh tra, giám sát

1. Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác trong quá trình kiểm tra, thanh tra, giám sát.

2. Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp.

3. Bảo đảm khả năng kết nối, truy cập dữ liệu trực tuyến phục vụ hoạt động giám sát của Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

4. Báo cáo, giải trình đối với kiến nghị, khuyến nghị, cảnh báo rủi ro và an toàn hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.

5. Thực hiện kiến nghị, khuyến nghị, cảnh báo rủi ro và an toàn hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.

6. Thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý của Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và cơ quan khác theo quy định của pháp luật.

7. Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Chương XV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 209. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, trừ quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

3. Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 8, 9, 12 và 14 Điều 210 của Luật này.

Điều 210. Quy định chuyển tiếp

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài đã thành lập và hoạt động theo Giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành không phải đề nghị cấp lại Giấy phép theo quy định của Luật này. Trường hợp sửa đổi, bổ sung Giấy phép phải thực hiện theo quy định của Luật này.

2. Hợp đồng, giao dịch khác, thỏa thuận được ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng được tiếp tục thực hiện theo hợp đồng, giao dịch khác, thỏa thuận đã ký kết cho đến hết thời hạn của hợp đồng, giao dịch khác, thỏa thuận. Việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn hợp đồng, giao dịch khác, thỏa thuận chỉ được thực hiện nếu nội dung sửa đổi, bổ sung, gia hạn phù hợp với quy định của Luật này, trừ trường hợp cơ cấu lại thời hạn trả nợ của hợp đồng, giao dịch khác, thỏa thuận cấp tín dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân hàng.

Đối với hợp đồng, giao dịch khác, thỏa thuận không xác định thời hạn có nội dung không phù hợp với quy định của Luật này được ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2025. Sau thời điểm này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng phải thực hiện chấm dứt hoặc sửa đổi, bổ sung hợp đồng, giao dịch khác, thoả thuận bảo đảm phù hợp với quy định của Luật này.

3. Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt có khoản vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành còn dư nợ và chưa có phương án cơ cấu lại được phê duyệt thì các bên được tiếp tục thực hiện theo hợp đồng vay đặc biệt đã ký và được xem xét gia hạn vay đặc biệt theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

4. Kỳ phiếu, tín phiếu đã phát hành còn số dư đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và người mua kỳ phiếu, tín phiếu tiếp tục thực hiện theo các nội dung đã thỏa thuận cho đến khi thanh toán hết kỳ phiếu, tín phiếu.

5. Tổ chức tín dụng có các khoản góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác quy định tại điểm b khoản 5 Điều 137 của Luật này, công ty con của tổ chức tín dụng có các khoản góp vốn, mua cổ phần quy định tại khoản 5 Điều 137 của Luật này trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành và cổ đông, cổ đông và người có liên quan tại ngân hàng thương mại sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định tại Điều 55 của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14 phải xây dựng và thực hiện lộ trình để bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật này theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

6. Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản đã được thu giữ theo quy định tại Điều 7 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (sau đây gọi là Nghị quyết số 42/2017/QH14) hoặc đang thực hiện thủ tục chuyển nhượng theo quy định tại Điều 10 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa xử lý xong thì được tiếp tục áp dụng quy định tại Điều 10 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 cho đến khi xử lý xong.

7. Lãi dự thu đã ghi nhận của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng chưa thoái theo quy định, chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của khoản nợ đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán với giá bán khoản nợ xấu và số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập cho khoản nợ này đang được phân bổ theo quy định tại Điều 16 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 được tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điều 16 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 cho đến hết ngày 14 tháng 8 năm 2027.

8. Người quản lý, người điều hành và chức danh khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được bầu, bổ nhiệm trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không đáp ứng quy định tại các điều 41, 42 và 43 của Luật này được tiếp tục đảm nhiệm chức vụ đến hết nhiệm kỳ hoặc đến hết thời hạn được bầu, bổ nhiệm.

Hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng được bầu trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không đáp ứng quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 69 của Luật này được tiếp tục hoạt động đến hết nhiệm kỳ Hội đồng quản trị.

Đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có số lượng thành viên Hội đồng thành viên vượt quá số lượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 73 của Luật này phải điều chỉnh để bảo đảm tuân thủ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 73 của Luật này trước ngày 01 tháng 7 năm 2025.

Đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Ban kiểm soát của ngân hàng thương mại có số lượng thành viên chưa tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này được tiếp tục duy trì số lượng thành viên Ban kiểm soát theo quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14 cho đến hết nhiệm kỳ của Ban kiểm soát, thành viên Ban kiểm soát, trừ trường hợp ngân hàng thương mại bầu, bổ nhiệm bổ sung, thay thế thành viên Ban kiểm soát.

9. Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đã được quyết định chủ trương cơ cấu lại trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này thì việc điều chỉnh chủ trương, xây dựng, phê duyệt phương án cơ cấu lại được thực hiện theo quy định tại các mục 1, 1b, 1c, 1d, 1đ và 1e Chương VIII của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14 về điều chỉnh chủ trương, xây dựng, phê duyệt phương án.

Phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đã được phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo phương án đã được phê duyệt. Việc sửa đổi, bổ sung phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt thực hiện theo quy định của Luật này.

10. Đối với tổ chức tín dụng đã bị thu hồi Giấy phép hoặc không phát sinh hoạt động ngân hàng trong thời gian 12 tháng liên tục trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thực hiện như sau:

a) Tổ chức tín dụng thuộc trường hợp giải thể theo quy định tại Điều 202 của Luật này thì thực hiện giải thể theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Tổ chức tín dụng không thuộc trường hợp giải thể theo quy định tại Điều 202 của Luật này thì thực hiện phá sản theo quy định tại Điều 203 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

11. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 của Luật này được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.​

Tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một cổ đông lớn, một cổ đông và người có liên quan tại ngân hàng thương mại thực hiện nhiệm vụ phục vụ quốc phòng vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 của Luật này trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu cổ phần phù hợp với quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 55 của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14.

12. Tổ chức tín dụng đang thực hiện theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền quyết định trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo phương án đã được quyết định cho đến khi hoàn thành phương án, trừ trường hợp quy định tại khoản 9 Điều này.

13. Chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ đang thực hiện trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành không phải điều chỉnh tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật này mà thực hiện theo quy định của Chính phủ.

14. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được cấp phép thực hiện nghiệp vụ bao thanh toán, thư tín dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được thực hiện các nghiệp vụ quy định tại điểm đ và điểm e khoản 3 Điều 107, điểm e khoản 1 Điều 114, khoản 6 Điều 115, điểm đ khoản 1 Điều 119, điểm a khoản 1 Điều 120 và điểm g khoản 1 Điều 124 của Luật này mà không phải sửa đổi, bổ sung Giấy phép.

15. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản đã nhận làm tài sản bảo đảm trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành để thu hồi nợ không phải áp dụng quy định về điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản đối với bên chuyển nhượng dự án bất động sản của pháp luật về kinh doanh bất động sản nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Dự án bất động sản chuyển nhượng phải đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm a, d, đ, g và h khoản 1 Điều 40 của Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 và phải có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Bên nhận chuyển nhượng dự án phải đáp ứng điều kiện quy định tại các khoản 2, 4 và 5 Điều 40 của Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp bất thường lần thứ 05 thông qua ngày 18 tháng 01 năm 2024.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Vương Đình Huệ

THE NATIONAL ASSEMBLY OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
----------------

Law No. 32/2024/QH15

Hanoi, January 18, 2024

 

LAW

CREDIT INSTITUTIONS

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly promulgates the Law on Credit Institutions.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Law provides for establishment, organization, operation, early intervention, special control, reorganization, dissolution and bankruptcy of credit institutions; establishment, organization, operation, early intervention, dissolution and termination of operations of branches of foreign banks; establishment and operation of representative offices in Vietnam of foreign credit institutions and other foreign institutions performing banking operations; settlement of bad debts and collateral of bad debts of credit institutions, branches of foreign banks and wholly state-owned organizations authorized to buy, sell and settle debts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Credit institutions.

2. Foreign bank branches.

3. Representative offices in Vietnam of foreign credit institutions and other foreign institutions performing banking operations (hereinafter referred to as “foreign representative offices”).

4. Wholly state-owned organizations authorized to purchase, sell and settle debts (hereinafter referred to as “bad debt purchasers/managers”)

5. Agencies, organizations and individuals involved in establishment, organization, operation, early intervention, special control, reorganization, dissolution and bankruptcy of credit institutions; establishment, organization, operation, early intervention, dissolution and termination of operations of branches of foreign banks; establishment and operation of foreign representative offices; settlement of bad debts and collateral of bad debts of credit institutions, foreign bank branches and bad debt purchasers/managers.

Article 3. Application of commercial practices

Organizations and individuals engaged in banking operations are entitled to reach agreement on application of commercial practices, including:

1. International commercial practices provided by the International Chamber of Commerce;

2. Other commercial practices which are not contrary to the Vietnamese law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



In this Law, the terms below are construed as follows:

1. “Factoring” means a form of extension of credit by purchasing accounts receivable from a seller or giving an advance on behalf of a purchaser under a sale contract or service contract between the seller and the purchaser.

2. ”Bank guarantee” means a form of credit extension to a client whereby a credit institution or foreign bank’s branch undertakes to act on behalf of the obligor to fulfill their financial obligations to the obligee in the event the obligor fails to fulfill or insufficiently fulfills their obligations as agreed; the client shall have the obligation to repay the debt to the credit institution or the foreign bank’s branch as agreed.

3. “Early intervention” means that the State Bank of Vietnam (hereinafter referred to as “State Bank”) imposes requirements and restrictions on a credit institution or foreign bank’s branch and requests such credit institution or foreign bank’s branch to implement a remedial plan under the supervision of the State Bank of Vietnam in order to deal with the situations specified in Clause 1 Article 156 of this Law.

4. “Credit extension” means an agreement that allows an organization or individual to use a sum of money or a commitment to allow use of a sum of money on the repayment principle by lending, discounting, finance lease, factoring, bank guarantee, letter of credit or another credit extension operation.

5. “Foreign bank’s branch means a business organization that is not a juridical person and is also a foreign bank's subsidiary. The foreign bank is liable for all of the branch's obligations and commitments in Vietnam.

6. “Discounting” means a form of credit extension by purchase of on a definite term or purchase of the right to collect negotiable instruments and other valuable papers of beneficiaries prior to their due date.

7. “Lending” means a form of credit extension whereby the lender gives or commits to give the borrower a sum of money for use for a specific purpose in a certain period on the principle of payment of both principal and interest as agreed.

8. “Major shareholder” means a shareholder of a credit institution that is joint-stock company. This shareholder owns 05% or more of the voting shares of that credit institution, including voting shares indirectly owned by such shareholder.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The credit institution or the credit institution and its related persons owns/own over 50% of the charter capital or voting shares of that company;

b) The credit institution has the right to appoint a majority or all of members of the Board of Directors or the Board of Members or the Director General (Director) of the company;

c) The credit institution has the right to amend the Charter of the company;

d) The credit institution or the credit institution and its related persons directly or indirectly controls/control the ratification of resolutions and decisions of the Board of Members or General Meeting of Shareholders or the Board of Directors of the company.

10. “Controlling company” means a company that directly or indirectly owns more than 20% of charter capital of a commercial bank or has the control over a commercial bank, or a commercial bank that has subsidiaries or associate companies.

11. “Associate company” of a credit institution means a company in which the credit institution or the credit institution and its related persons owns/own over 11% of the charter capital or voting shares. However, the company is not a subsidiary of that credit institution.

12. “Specialized finance company” means a type of non-bank credit institution whose main activities fall within one of the fields of factoring, buyer credit, finance lease according to regulations of this Law.

13. “General finance company” means a type of non-bank credit institution that carries out activities as prescribed in Section 3 Chapter V of this Law.

14. “Provision of account-to-account (A2A) payment services” means provision of payment instrument; provision of service of payment by check, payment order, collection order, bank card or another payment service for each client via their account.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



16. “Credit institution's capital contribution or share purchase” means a credit institution's contribution of capital or entrustment of capital to another institution for contribution of capital to form the charter capital; purchase of shares of an enterprise or another credit institution, including receipt or purchase of shares or stakes of an enterprise or another credit institution; allocation or contribution of capital to a subsidiary or an associate company of the credit institution; or contribution of capital to an investment fund.

17. ”Banking operations” mean trade in and regular provision of one or some of the following services:

a) Deposit receipt;

b) Credit extension;

c) Provision of A2A payment services.

18. Investment by capital contribution or share purchase for acquisition of the right to control an enterprise includes investment accounting for over 50% of the charter capital or voting share capital of an enterprise or another investment sufficient to control decisions made by the Board of Members or General Meeting of Shareholders.

19. ”Special control” means a situation in which the State Bank decides that a credit institution is put under direct control of the State Bank.

20. “Money brokerage” means provision of intermediary services with fee collection for arrangement for performance of banking operations and other business activities between credit institutions and branches of foreign banks according to regulations of this Law.

21. “Bank” means a credit institution which may conduct all banking operations under this Law. Banks include commercial banks, policy banks and cooperative banks.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



23. “Commercial bank” means a type of bank which may conduct all banking operations and other business activities under this Law for profit purposes.

24. “Related person” means an organization or individual that has a direct or indirect relation with another organization or individual in any of the following cases:

a) Parent company with subsidiary and vice versa; parent company with sub-subsidiary and vice versa; credit institution with its subsidiary and vice versa; credit institution with its sub-subsidiary and vice versa; among subsidiaries of a parent company or credit institution; among sub-subsidiaries of a subsidiary of a parent company or credit institution; managers, controllers or members of the Board of Controllers of a parent company or credit institution, and individual or organization competent to appoint these persons with a subsidiary and vice versa;

b) Company or credit institution with its managers, controllers or members of the Board of Controllers, or with company or organization competent to appoint these persons and vice versa;

c) Company or credit institution with organization or individual that owns 5% or more of the charter capital or voting share capital of that company or credit institution and vice versa;

d) Individual with his/her spouse; natural father/mother, foster father/mother, stepfather, stepmother, father-in-law, mother-in-law; natural/foster child, stepchild, daughter-in-law, son-in-law; sibling; half-sibling; brother/sister-in-law of the sibling or half-sibling (hereinafter referred to as “spouse, father, mother, child or sibling”); maternal grandfather/grandmother, paternal grandfather/grandmother; maternal/paternal grandchild; and maternal/paternal aunt, uncle and nibbling;

dd) Company or credit institution with individual defined at Point d of this Clause, with manager, controller, member of the Board of Controllers, capital contributor or shareholder owning 5% or more of the charter capital or voting share capital of that company or credit institution and vice versa;

e) Individual authorized to act as a representative of an organization or individual's stake specified at Points a, b, c, d and dd of this Clause with authorizing organization or individual; individuals authorized to act as representatives of stakes of an institution;.

g) Other juridical persons and individuals that pose risks to the operation of the credit institution or foreign bank’s branch, defined according to the rules and regulations of the credit institution or foreign bank’s branch or specified in writing by the State Bank of Vietnam through inspection or supervision;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



25. “Executives” of a credit institution include the Director General (Director), Deputy Director General (Deputy Director), Chief Accountant, branch director and holders of other equivalent titles defined in the credit institution's Charter.

26. “Managers” of a credit institution include President, members of the Board of Directors; President, members of the Board of Members; Director General (Director) and holders of other managerial titles defined in the credit institution's Charter.

27. “Deposit receipt” means an act of receiving money by an organization or individual in the form of demand or term deposit, savings deposit or issuance of deposit certificate, or receiving deposit in another form on the principle of full payment of principal and interest to a depositor as agreed.

28. “Mandatory transfer plan” means a plan in which the owner, capital contributor or shareholder of a commercial bank placed under special control has to transfer 100% of their shares/stakes to the transferee.

29. Plan to restructure a credit institution placed under special control (hereinafter referred to as “restructuring plan” refers to either:

a) a recovery plan;

b) a plan for merger, amalgamation, transfer of 100% of shares/stakes;

c) a mandatory transfer plan;

d) a dissolution plan, or;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



30. “People's credit fund” means a credit institution voluntarily established by juridical persons, individuals and households as a cooperative with a view to conducting one or some banking operations under this Law for the main purpose of mutual assistance in development of production and business and life.

31. “Bank run" mean a situation in which many depositors withdraw their money from a credit institution at the same time, thereby leading to the case where such credit institution has lost or is likely to lose solvency according to regulations of the Governor of the State Bank.

32. “Derivative product” means a financial instrument valued by predicted changes in the value of a principal asset, including interest rate, foreign exchange, currency or another principal asset.

33. “Indirect ownership” means an organization's or individual's ownership of the charter capital of a credit institution through investment trust or an enterprise in which such organization or individual owns more than 50% of charter capital.

34. “Re-discounting” means an act of discounting negotiable instruments and other valuable papers which have been discounted prior to their due date.

35. “Payment account” means a client's demand deposit account opened at a bank or foreign bank’s branch for use of payment services provided by such bank or foreign bank’s branch.

36. “Letter of credit” means a form of credit extension through issuance, confirmation, negotiation of payment, and return of letter of credit.

37. “Microfinance institution” means a credit institution which mainly conducts one or some banking operations to meet the needs of low-income individuals and households, and super small-sized enterprises.

38. “Credit institution” means a business organization that has juridical person and conducts one, some or all banking operations according to regulations of this Law. Credit institutions include banks, non-bank credit institutions, microfinance institutions and people's credit funds.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



40. “Foreign credit institution” means a credit institution established overseas under a foreign law.

Foreign credit institutions may be commercially present in Vietnam in forms of joint-venture banks, wholly foreign-owned banks, foreign bank branches, joint-venture finance companies, wholly foreign-owned finance companies, joint-venture financial leasing companies and wholly foreign-owned financial leasing companies.

Joint-venture and wholly foreign-owned banks are commercial banks; joint-venture and wholly foreign-owned finance companies, joint-venture and wholly foreign-owned financial leasing companies are specialized finance companies and general finance companies under this Law.

41. “Non-bank credit institution” means a credit institution which may conduct one or some banking operations under this Law, apart from receipt of deposits from individuals and provision of A2A payment services. Non-bank credit institutions include general and specialized finance companies.

42. “Charter capital" means total amount of money contributed by owners and capital contributors of a credit institution which is a limited liability company; total face value of shares of a credit institution which is a joint-stock company sold to shareholders; total amount of money contributed by members of a credit institution which is a cooperative, capital provided by the State for a cooperative bank.

43. “Provided capital” of a foreign bank’s branch means an amount of money provided by the foreign bank for that branch.

44. “Legal capital” means minimum amount of capital required by law to establish a credit institution or foreign bank's branch.

45. “Equity” comprises the actual value of a credit institution's charter capital or a foreign bank’s branch's provided capital plus (+) reserve funds plus (+) other certain liabilities minus (-) deductions. The determination of equity shall comply with regulations of the Governor of the State Bank of Vietnam.

Article 5. Use of terms related to banking operations

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 6. Legal forms of credit institution

1. Domestic commercial banks established and organized as joint-stock companies, except for the case defined in Clause 2 of this Article and the case of implementation of mandatory transfer plans approved.

2. State commercial banks established and organized as single-member limited liability companies with their wholly state-owned charter capital.

3. Domestic non-bank credit institutions established and organized as joint-stock or limited liability companies.

4. Joint-venture or wholly foreign-owned credit institutions established and organized as limited liability companies.

5. Cooperative banks and people's credit funds established and organized as cooperatives.

6. Microfinance institutions established and organized as limited liability companies.

Article 7. Autonomy in business activities

1. Credit institutions and foreign bank branches have autonomy in their business activities and are responsible for their business results.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 8. Right to conduct banking operations

Organizations that fully meet the conditions under this Law and other relevant laws and are licensed by the State Bank may conduct one or some banking operations according to regulations of this Law.

Article 9. Competition and cooperation in banking operations

Credit institutions and foreign bank branches may compete for and cooperate in banking operations and other business activities under this Law and other relevant laws.

Article 10. Responsibilities of credit institutions and foreign bank branches for protection of rights and interests of clients

1. Participate in deposit insurance and fund for maintenance of prudence for the system of people's credit funds according to regulations of law and publicize their deposit insurance in their head offices and branches;

2. Enable clients to deposit and withdraw money and guarantee the full and prompt payment of principals and interests of deposits as agreed in accordance with regulations of law.

3. Refuse to investigate, freeze, seize or transfer deposits of clients, except for cases where competent state agencies make requests under law or clients give consent;

4. Publicize deposit interest rates, service charges and rights and obligations of clients to each type of products and services provided;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



If transactions are halted due to force majeure events, the credit institution or foreign bank’s branch shall post notification of such halt at transaction offices or on its website for at least 24 hours after the halt.

Article 11. Legal representatives of credit institutions

1. A legal representative of a credit institution shall be defined in that credit institution’s Charter and must be one of the following persons:

a) President of the Board of Directors or the Board of Members of the credit institution;

b) General Director (Director) of the credit institution.

2. The legal representative of the credit institution shall reside in Vietnam. When he/she is absent from Vietnam, he/she shall authorize in writing another person who is a manager or an executive of the credit institution currently residing in Vietnam to perform his/her rights and obligations.

3. The credit institution shall notify the State Bank of its legal representative within 10 days from the date of election and appointment to the legal representative according to regulations in the credit institution’s Charter or change in the legal representative under law. The State Bank shall give a notification of the legal representative of the credit institution to a business registration authority for update on the national information system in terms of registration of enterprises/cooperatives.

Article 12. Information provision

1. Credit institutions and foreign bank branches shall provide account holders with information on transactions and credit balances of their accounts as agreed upon with these holders.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Credit institutions and foreign bank branches may exchange with each other information on their activities.

4. When carrying out transactions with credit institutions and foreign bank branches, clients shall provide information, documents and data in honest, accurate, full and prompt manner and assume responsibilities for such provision.

Article 13. Information confidentiality

1. Employees, managers and executives of credit institutions and foreign bank branches must not leak client information and reveal business secrets of these institutions and branches.

2. Credit institutions and foreign bank branches shall keep information on their clients confidential under the Government’s regulations.

3. Credit institutions and foreign bank branches must not provide information on their clients for other organizations and individuals except for cases where competent state agencies make requests under law or clients give consent.

Article 14. Data safety and assurance of continuous operation

Credit institutions and foreign bank branches shall maintain safety of their information systems and data security and continuously operate according to regulations of the Governor of the State Bank and other relevant laws.

Article 15. Prohibited acts

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Organizations and individuals that are not credit institutions and foreign bank branches conduct banking operations, except for margin trading and purchase and sale of securities by securities companies.

3. Organizations or individuals illegally intervene in banking operations and other business activities of credit institutions and foreign bank branches.

4. Credit institutions and foreign bank branches engage in anti-competitive practices or unfair competition which are/is likely to cause harm or cause(s) harm to the implementation of the national monetary policy, safety of the credit institution system, interests of the State and the lawful rights and interests of organizations and individuals.

5. Credit institutions and foreign bank branches, and their managers, executives and employees combine sale of optional insurance and provision of banking products and services in all forms.

Chapter II

POLICY BANKS

Article 16. Establishment, operation and state management of policy banks

1. Policy banks are established by the Prime Minister and operate on a not-for-profit basis so as to implement the State's socio-economic policies.

2. The Government shall provide for operations conducted by policy banks.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 17. State ownership and representative of state ownership of policy bank

1. The State has the ownership of policy banks. The Government shall manage performance of tasks and exercise of powers by the State over policy banks in a unified manner.

2. Board of Directors is a direct representative of state ownership at each policy bank. It performs tasks and exercises powers of the State under the Government’s regulations.

Article 18. Charter capital of policy bank

The charter capital of a policy bank is provided by state budget and additionally provided by the state budget and other legal finance sources.

Article 19. Organizational structure of policy bank

1. The organizational structure of a policy bank is comprised of the Board of Directors, Board of Controllers, General Director and other managerial departments under the Government’s regulations.

2. The policy bank is entitled to establish its branches, exchanges, transaction office and other affiliates according to regulations of law.

Article 20. Board of Directors of policy bank

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The term of office of a member of the Board of Directors shall not exceed 05 years

3. The President of the Board of Directors is elected and dismissed by the Prime Minister.

4. Quantity, election and dismissal of members of the Board of Directors; structure, tasks and powers of the Board of Directors are prescribed by the Government.

5. The Board of Directors has an assistance department. The assistance department’s functions and tasks are prescribed by the Board of Directors.

Article 21. Board of Controllers of policy bank

1. The Board of Controllers includes a Head and other members.

2. The term of office of a member of the Board of Controllers shall not exceed 05 years.

3. Quantity, election and dismissal of members of the Board of Controllers; structure, tasks and powers of the Board of Controllers are prescribed by the Government.

4. The Board of Controllers has an internal audit department, and is entitled to use resources of the policy bank to perform its tasks.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The General Director is the legal representative who manages daily operations of the policy bank.

2. The term of office of the General Director shall not exceed 05 years.

3. The General Director is elected and dismissed by the Prime Minister.

4. Election, dismissal, rights and obligations of the General Director are prescribed by the Government.

Article 23. Assurance about operations of policy banks

1. Solvency of policy banks is guaranteed by the State; differences in interest rates and management fees are subsidized; taxes and other accounts payable to the state budget are exempt under regulations of law;

2. Policy banks are not required to satisfy reserve requirements and participate in deposit insurance.

Article 24. Internal control, internal audit and report of policy bank

1. Each policy bank shall carry out internal control and audit; establish and promulgate internal procedures for professional operations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 25. Settlement of bad debts and collateral of bad debts of policy banks

Policy banks may adopt regulations in this Law to settle bad debts and collateral of bad debts of policy banks.

Article 26. Financial mechanism, salaries, reorganization, dissolution, inspection and supervision of policy banks

Financial mechanism, salaries, reorganization, dissolution, inspection and supervision of policy banks and other contents related to policy banks shall comply with regulations in this Charter and those of the Government.

Chapter III

LICENSES

Article 27. Authority to issue, amend and revoke licenses

1. The State Bank has authority to issue, amend and revoke licenses under regulations of this Law.

2. License for establishment and operation of a credit institution is also the Certificate of Enterprise Registration or Cooperative Registration Certificate.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The Governor of the State Bank shall provide for notification of information on issuance, amendment and revocation of licenses; information on election to General Directors (Directors) of foreign bank branches, Heads of foreign representative offices and relevant information for business registration authorities to update them to the international information system in terms of enterprise and cooperative registration.

Article 28. Legal capital

1. The Government shall elaborate legal capital for each type of credit institutions and foreign bank branches.

2. Each credit institution/foreign bank’s branch shall maintain the actual value of its charter capital or provided capital which is not smaller than the legal capital.

3. The actual value of charter capital or provided capital equals charter capital or provided capital and share premium, plus (+) undistributed accumulated profits, minus (-) unrealized accumulated losses recognized on accounting books.

4. The Governor of State Bank shall elaborate the handling of case where the actual value of the credit institution's charter capital or foreign bank’s branch's provided capital is smaller than the legal capital.

Article 29. Requirements for issuance of licenses

1. A credit institution may obtain a license when fully meeting the following requirements:

a) Its charter capital is not smaller than the legal capital;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Its managers, executives and members of the Board of Controllers fully meet the criteria and requirements under Article 41 of this Law;

d) Its Charter complies with this Law and other relevant laws;

dd) It has an establishment plan and a feasible business plan which neither affect the safety and stability of the credit institution system nor create monopoly or restrict competition or create unfair competition within the credit institution system.

2. A joint-venture or wholly foreign-owned credit institution may obtain a license when fully meeting the following requirements:

a) It fully meets requirements specified in Clause 1 of this Article;

b) The foreign credit institution may conduct banking operations under the law of the country where it is headquartered;

c) Operations to be conducted in Vietnam must be those which the foreign credit institution is issued with license to conduct in the country where it is headquartered;

d) The foreign credit institution meets requirements for total assets and financial status under regulations of the Governor of State Bank, and satisfies regulations on assurance of operation safety under regulations of the country where it is headquartered;

dd) The foreign credit institution shall make a written commitment to provide assistance in finance, technology, governance, administration and operation for the joint-venture or wholly foreign owned credit institution. It guarantees that the joint-venture or wholly foreign-owned credit institution maintains the actual value of its charter capital which is not smaller than the legal capital and observes regulations on assurance of operation safety under this Law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. A foreign bank’s branch may obtain a license when fully meeting the following requirements:

a) Its provided capital is not smaller than the legal capital;

b) It fully meets requirements specified in Points b,c and dd Clause 1 and Points b,c,d and e Clause 2 of this Article;

c) The foreign bank shall make a written commitment to be liable for all obligations and commitments of its branch in Vietnam, and to ensure that the actual value of the provided capital is not lower than the legal capital and it observes regulations on assurance of operation safety under this Law.

d) If it is required to establish the second foreign bank’s branch and subsequent foreign bank branches in Vietnam, the foreign bank shall ensure that the foreign bank's branch which is operating in Vietnam for 03 years preceding the year of the proposal to establish new branches does not commit violations against regulations of law, achieves the minimum safety ratios, and earns profits.

4. A foreign representative office may obtain a license when fully meeting the following requirements:

a) The foreign credit institution or another foreign institution engaged in banking operations is a juridical person that is issued with a license for banking operations overseas;

b) Under the law of the country where the foreign credit institution or another foreign institution engaged in banking operations is headquartered, it may set up a foreign representative office in Vietnam.

5. Requirements applicable to owners of credit institutions that are single-member limited liability companies, founding shareholders, and founding members specified in point b Clause 1 of this Article and those for issuance of licenses to people's credit funds, microfinance institutions shall be prescribed by the Government.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The Governor of State Bank shall issue regulations on procedures and applications for issuance and renewal of licenses.

Article 31. Deadline for issuance of license

1. Within 180 days from the date of receipt of a complete and valid application, the State Bank shall issue or refuse to issue a license for establishment and operation of a credit institution or a license for establishment of a foreign bank’s branch.

2. Within 60 days from the date of receipt of a complete and valid application, the State Bank shall issue or refuse to issue a license for establishment of a foreign representative office.

3. In case of refusal, the State Bank shall reply in writing and give reasons.

Article 32. Charges for issuance of licenses

Credit institutions, foreign bank branches and foreign representative offices that are issued with licenses or have their licenses renewed shall pay charges under the law on charges and fees.

Article 33. Disclosure of information about launch for operations

A credit institution, foreign bank’s branch or foreign representative office shall publish on the media of the State Bank and a Vietnamese daily newspaper for three consecutive issues or a Vietnamese e-newspaper for at least 30 days before the date on which operations are expected to be launched the following information:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Number of and date of issuance of its license;

3. Charter capital of the credit institution or provided capital of the foreign bank’s branch;

4. Legal representative of the credit institution, Director General (Director) of the foreign bank’s branch or head of the foreign representative office;

5. List of founding shareholders or capital contributors or owners of the credit institution with their respective holdings of shares/stakes;

6. Date on which operations are expected to be launched.

Article 34. Requirements for launching operations

1. A credit institution, foreign bank’s branch or foreign representative office issued with a license may only operate from the launch date.

2. To launch operations, the credit institution or foreign bank’s branch issued with a license shall fully meet the following requirements:

a) The credit institution’s charter approved by a competent authority has been submitted to the State Bank;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) It has an organizational structure and an internal control and audit system in conformity with its type under this Law and other relevant laws;

d) Its information technology system meets managerial and operational requirements;

dd) It has internal regulations on organization and operation of the Board of Directors, the Board of Members, the Board of Controllers and Director General (Director) and professional divisions at its head office; risk management; and operational network management;

e) Its charter capital or provided capital in Vietnamese dong shall be fully deposited into the frozen account without interests opened at the State Bank for at least 30 days before the launch date. Its charter capital or provided capital shall be released after the launch date;

g) It has disclosed information on launch of its operations under Article 33 of this Law.

3. The credit institution, foreign bank’s branch or foreign representative office shall launch its operations within 12 months from the date on which it obtains the license, except for force majeure events. After the aforesaid deadline, if it fails to do so, the issued license expires. The State Bank shall publish licenses which are expired on its web portal.

4. The credit institution or foreign bank’s branch issued with the license shall notify the State Bank of requirements for launch of its operations specified in Clause 2 of this Article for at least 15 days before the launch date. The State Bank shall suspend the launch when such institution or branch fails to fully meet the requirements under Clause 2 of this Article.

Article 35. License use

1. A credit institution or foreign bank’s branch or foreign representative office issued with a license shall use the name and strictly conduct operations as stated in its license.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 36. Revocation of licenses

1. The State Bank shall revoke a license when:

a) The application for license contains false information in order to be eligible for obtainment of the license;

b) The credit institution is divided or acquired; undergoes amalgamation, dissolution, bankruptcy or change in legal forms;

c) The credit institution, foreign bank’s branch or foreign representative office operates at variance with its license;

d) The credit institution or foreign bank’s branch seriously violates the law on compulsory reserves and safety ratios;

dd) The credit institution or foreign bank’s branch fails to abide by or fully abide by the State Bank's decisions to assure safety for banking operations;

e) The foreign credit institution or another foreign institution which is engaged in banking operations and commercially present in Vietnam is dissolved or goes bankrupt or has its license revoked or has its operation suspended by a competent authority of the country where it is headquartered.

2. Decisions to revoke licenses shall be published by the State Bank on its web portal.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The Governor of the State Bank shall specify procedures and applications for revocation of licenses.

Article 37. Changes which must be approved by the State Bank

1. A credit institution or foreign bank's branch shall obtain written approval from the State Bank before carrying out procedures for change in any of the following contents:

a) Its name or place of its head office;

b) Its charter capital or provided capital, except the case specified in Clause 3 of this Article;

c) Location where the credit institution’s branch is headquartered;

d) Contents and duration of operation;

dd) Purchase, sale or transfer of the owner’s stake; purchase, sale or transfer of a capital contributor’s stake; purchase or receipt of transfer of shares resulting in a conversion into a major shareholder. The owner, capital contributor, shareholder, purchaser and transferee of shares or stakes of the credit institution shall be responsible for cooperating with the credit institution to carry out procedures for seeking approval for the contents specified at this point.

In case of purchase, sale, receipt of transfer, or transfer of stakes of the credit institution that is a limited liability company, the purchaser or transferee shall satisfy the requirements applied to owners and capital contributors specified in point b Clause 1, Clause 2 Article 29, and Clause 2 Article 78 of this Law; the capital contributor shall comply with regulations in Clause 1 Article 77 of this Law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Listing of shares on a foreign securities market.

2. Documents and procedures for making changes specified in Clause 1 of this Article and adjustments to the license shall be specified by the Governor of the State Bank.

3. Any change to location of a people’s credit fund, charter capital, transfer of stakes of capital contributors of a cooperative bank or a people's credit fund shall comply with regulations of the Governor of the State Bank.

4. When obtaining approval for change to contents specified in Clause 1 of this Article, the credit institution or foreign bank’s branch shall carry out the following procedures:

a) Revising the charter of the credit institution according to the approved changes specified in points a,b,d and dd Clause 1 of this Article;

b) Publishing changes defined at points a, b, c and d, Clause 1 of this Article in the media of the State Bank and on a Vietnamese daily newspaper for 3 consecutive issues or in a Vietnamese e-newspaper, within 07 working days from the date on which the State Bank's approval is granted.

Chapter IV

ORGANIZATION, GOVERNANCE AND ADMINISTRATION BY CREDIT INSTITUTIONS AND FOREIGN BANK BRANCHES

Section 1. GENERAL PROVISIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. After the State Bank gives written approval, the credit institution is entitled to establish its domestic branches, representative offices and public service providers; establish and change its legal forms of commercial presence in foreign countries, including branches, representative offices and other forms of commercial presence in foreign countries.

2. The Governor of the State Bank shall elaborate conditions, documentation and procedures for establishment, change in legal forms, dissolution and termination of operations of units specified in Clause 1 of this Article applicable to each type of credit institutions.

3. Written approval for establishment of a domestic branch or representative office of a credit institution is also a Certificate of registration and operation of such branch or representative office.

4. The Governor of the State Bank shall provide for notification of information about establishment, dissolution and termination of operations of domestic branches and representative offices and relevant information to business registration authorities for update on the national information system in terms of registration of enterprises/cooperatives.

Article 39. Charter of credit institution

1. Charter of a credit institution that is a joint-stock or limited liability company shall contain the following principal contents:

a) Its name and place of its head office;

b) Operation contents;

c) Duration of operation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Tasks and powers of General Meeting of Shareholders, Board of Directors, Board of Members and Board of Controllers, and rights and obligations of Director General (Director);

e) Methods of election, appointment and dismissal of members of the Board of Directors, Board of Members, and Board of Controllers and Director General (Director);

g) Name and address of its head office, nationality of each owner and capital contributor, for the credit institution that is a limited liability company;

h) Rights and obligations of owners and capital contributors, for the credit institution that is a limited liability company; and those of shareholders, for the credit institution that is a joint-stock company;

i) Legal representative (s);

k) Principles of finance, accounting, control and internal audit;

l) Methods of ratifying decisions made by the credit institution; principles of settlement of internal disputes;

m) Bases and methods of determining remuneration, salaries and bonuses paid to managers, executives and members of the Board of Controllers;

n) Cases of and procedures for dissolution;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Charter of a cooperative bank or a people's credit fund shall contain the following contents:

a) Contents specified in points a, b, c, d, e, i, k, l, m, n and o Clause 1 of this Article;

b) Tasks and powers of General Meeting of Members, Board of Directors, and Board of Controllers, and rights and obligations of Director General (Director);

c) Cases of and produces for termination of membership;

d) Rights and obligations of each member;

dd) Methods of convening the General Meeting of Members, rectifying decisions made by the General Meeting of Members, and electing delegates to attend and vote at the General Meeting of Members in case it is organized in the form of a delegate meeting;

e) Principle of dividing interest in proportion to the extent of service use or stake of each member;

g) Financial management, use and settlement of assets, capital, funds and losses;

3. The credit institution's charter and its amendments shall be sent to the State Bank within 15 days from the date on which they are approved.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Organizational structure of a credit institution established as a joint-stock company comprises General Meeting of Shareholders, Board of Directors, Board of Controllers and Director General (Director).

2. Organizational structure of a credit institution established as a single-member limited liability company or a limited liability company with two or more members comprises the Board of Members, the Board of Controllers and Director General (Director).

3. Organizational structure of a cooperative bank or people's credit fund shall comply with Article 82 of this Law.

Article 41. Criteria and requirements applicable to mangers, executives and holders of some other positions of a credit institution

1. A member of the Board of Directors or Board of Members shall fully meet the following criteria and requirements:

a) He/she is not prohibited from holding a certain position according to regulations in Clause 1 Article 42 of this Law;

b) He/she possesses professional ethics under regulations of the Governor of the State Bank;

c) He/she has at least a bachelor’s degree;

d) He/she has at least 03 years’ experience of working as a manager or executive of the credit institution, at least 05 years’ experience of working as a manager of a finance, banking, accounting or audit enterprise or an enterprise whose equity is not smaller than the legal capital of a credit institution, at least 05 years’ experience of working in a professional department of the credit institution or foreign bank’s branch or at least 05 years’ experience of working in a finance, banking accounting or audit department.”

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Neither currently working for the credit institution or its subsidiary nor working for the credit institution or its subsidiary for 3 preceding years;

b) Neither receiving salary nor remuneration regularly of the credit institution other than allowances for members of the Board of Directors;

c) Having no spouse, father/mother, child, sibling or spouse of one of these persons who is a major shareholder of the credit institution, a manager or controller or member of the Board of Controllers of the credit institution or its subsidiary;

d) Not acting as the representative of holding in the credit institution; neither directly nor indirectly owning 01% or more of the charter capital or voting share capital of the credit institution together with his/her related person(s);

dd) Not acting as a manager or member of the Board of Controllers of the credit institution at any time in the 5 preceding years.

3. A member of the Board of Controllers shall fully meet the following criteria and requirements:

a) Meeting criteria and requirements specified in point a and point b Clause 1 of this Article;

b) Having at least a bachelor’s degree in banking, finance, economics, business administration, law, accounting or audit field;

c) Having at least 3 years’ experience of working directly in banking, finance, accounting or audit field;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) The Head of the Board of Controllers shall reside in Vietnam during his/her term of office,

4. The Director General (Director) shall fully meet the following criteria and requirements:

a) Meeting criteria and requirements specified in point a and point b Clause 1 of this Article;

b) Having at least a bachelor’s degree in banking, finance, economics, business administration, law, accounting or audit field;

c) Having at least 05 years’ experience of working as an executive of a credit institution or at least 05 years’ experience of holding the position of General Director (Director) or Deputy General Director (Deputy Director) of an enterprise whose equity is not smaller than the legal capital of a credit institution and at least 05 years’ experience of working in the finance, banking, accounting or audit field or has at least 10 years’ experience of working in the finance, banking, accounting or audit field;

d) Residing in Vietnam during his/her term of office,

5. A Deputy Director General (Deputy Director), Chief Account, Director of a branch or Director General (Director) of a subsidiary or any holder of an equivalent position under regulations of the Charter of the credit institution shall fully meet the following criteria and requirements:

a) Not falling within the case where he/she is prohibited from holding a certain position specified in Clause 2 Article 42 of this Law; in case of the Deputy Director General (Deputy Director), not falling within the case where he/she is prohibited from holding a certain position specified in Clause 1 Article 42 of this Law;

b) Having at least a bachelor’s degree in finance, banking, economics, business administration, law, accounting or audit field or another discipline under the field which he/she will undertake; or having a bachelor’s degree in a discipline other than one of the above-mentioned fields and having at least 3 years’ experience of working directly in banking or finance field or the field which he/she will undertake;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) The Chief Account shall also meet criteria and requirements according to regulations of the law on accounting.

6. The Governor of the State Bank shall specify criteria and requirements applicable to managers, executives and members of the Board of Controllers of cooperative banks, people’s credit funds, and microfinance institutions.

1. Any of the following persons must not be a member of the Board of Directors, Board of Members, Board of Controllers, Director General (Director), Deputy Director General (Deputy Director) or a holder of equivalent title according to a credit institution’s Charter:

a) One of the persons specified in Clause 2 of this Article;

b) A person prohibited from participating in management and administration of an enterprise or cooperative under the law on officials and public employees and the law on anti-corruption;

c) A person who used to be an owner of a private enterprise, a partner of a partnership company, Director General (Director), a member of Board of Directors, Board of Members or a controller or member of Board of Controllers of an enterprise, a member of Board of Directors and Director General (Director) of a cooperative at the time when the enterprise or cooperative is declared bankrupt, except for case where he/she is assigned or appointed to participate in management, administration or control of the enterprise or cooperative that is credit institution declared bankrupt according to task requirements;

d) A person who had their title of Chairperson of Board of Directors, member of the Board of Directors, Chairperson of the Board of Members, member of Board of Members, head of the Board of Controllers, member of the Board of Controllers or Director General (Director) of a credit institution terminated under Article 47 of this Law or has committed violations, causing the revocation of the credit institution's license as determined by the competent agency;

dd) A related person of a member of the Board of Directors or the Board of Members or Director General (Director) of the credit institution, except for cases specified in Clause 3 Article 69, point b clause 1 Article 73 and point a Clause 2 Article 77 of this Law;

e) A related person of a member of Board of Controllers, Deputy Director of the People's Credit Fund;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Any of the following persons must not act as a Chief Accountant or Director of the branch or Director General (Director) of a subsidiary of the credit institution:

a) Minor or a person who is legally incapacitated, a person with limited cognition and behavior control, and a person with limited legal capacity;

b) Person who is facing criminal prosecution or serving imprisonment sentence; serving an administrative penalty in a correctional institution or rehabilitation center, or is prohibited by the court from holding certain positions or doing certain works;

c) Person who has been sentenced for any serious crime or worse;

d) Person who has been sentenced for possession charge without having their criminal record expunged;

dd) Official, public employee or manager of division or higher level of an enterprise in which the State holds 50% or more of the charter capital, except for any person appointed to act as the representative of the State's stakes or stakes of the enterprise in which the State holds 50% or more of the charter capital in the credit institution or appointed or assigned to participate in management, administration or control of the credit institution according to task requirements;

e) Officer, non-commissioned officer, professional army man or defense worker/public employee of an agency or unit under the Vietnam People's Army; officer, professional non-commissioned officer, worker/police officer of an agency and unit under the Vietnam People's Police, except for any person appointed to act as the representative of the State's stakes or stakes of the enterprise in which the State holds 50% or more of the charter capital in the credit institution;

g) Another person defined in the Charter of the credit institution.

3. Father/mother, spouse, child or sibling of each member of the Board of Directors and the Board of Members, General Director (Director) of the credit institution and his/her spouse must not act as Chief Accountant or finance manager of the credit institution.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The member of the Board of Directors is not an independent member; a member of the Board of Members of a credit institution must not concurrently hold either of the following positions:

a) Executive of that credit institution, except for General Director (Director) of that credit institution;

b) Manager or executive of another credit institution, manager of an enterprise, except for manager or executive of a subsidiary or the parent company of that credit institution, or the case of implementation of the approved mandatory transfer plan;

c) Controller or a member of the Board of Controllers of another credit institution or enterprise.

3. An independent member of the Board of Directors of a credit institution must not concurrently hold either of the following positions:

a) Executive of the credit institution;

b) Manager or executive of another credit institution; manager of 02 enterprises or more;

c) Controller or a member of the Board of Controllers of another credit institution or enterprise.

4. A member of the Board of Controllers of a credit institution must not concurrently hold either of the following positions, except for manager or executive or employee of a credit institution that receives mandatory transfer according to the approved mandatory transfer plan;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Employee of an enterprise whose member of the Board of Directors, executive or major shareholder is a member of the Board of Directors or the Board of Members of that credit institution;

5. The General Director (Director), Deputy General Director (Deputy Director) and people holding equivalent positions under the Charter of a credit institution must not concurrently hold the position of manager, executive, controllers or members of the Board of Controllers of another credit institution or enterprise, except for executive positions in subsidiaries or parent companies of the same credit institution.

1. The list of nominees for the positions of members of the Board of Directors or Board of Members and Board of Controllers and Director General (Director) of a credit institution; the position of Chairperson of the Board of Directors, Head of Board of Controllers of a cooperative bank or people’s credit fund shall be approved in writing by the State Bank before these nominees are elected and appointed. Elected and appointed members of the Board of Directors, Board of Members and Board of Controllers and Director General (Director) of the credit institution; Chairperson of the Board of Directors, Head of Board of Controllers of the cooperative bank or the people’s credit fund shall be included in the list approved by the State Bank.

2. The Governor of the State Bank shall specify procedures for and dossiers on approval for the list of nominees for the positions specified in Clause 1 of this Article.

3. The credit institution shall notify the State Bank of the list of elected and appointed holders of the positions specified in Clause 1 of this Article within 10 working days from the date of such election and appointment.

1. A member of the Board of Directors or the Board of Members or the Board of Controllers or a Director General (Director) shall be automatically disqualified from his/her position when:

a) He/she falls within one of the cases specified in Article 42 of this Law

b) He/she acts as a representative of the stakes of an organization which is a shareholder or capital contributor of the credit institution when this organization has its legal entity status terminated;

c) He/she is no longer the representative of stakes as authorized by the shareholder or the capital contributor that is an organization;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) The credit institution has its license revoked;

e) The contract to hire Director General (Director) expires;

g) He/she is no longer a member of the cooperative bank or people's credit fund;

h) He/she dies.

2. The Board of Directors or the Board of Members of the credit institution shall send a report enclosed with documents proving the automatic disqualification under points a,b,c,d,e,g and h Clause 1 of this Article to the State Bank within 05 working days from the date of such automatic disqualification, be responsible for the accuracy and truthfulness of this report, and carry out procedures for election and appointment to the vacant position under law.

3. The member of the Board of Directors, the Board of Members or the Board of Controllers or Director General (Director) of the credit institution shall be still liable for his/her decisions made during his/her term of office after he/she is automatically disqualified from his/her position.

1. Except for the cases of automatic disqualification specified in Article 45 of this Law, the Chairperson or a member of the Board of Directors or the Board of Members; the head or a member of the Board of Controllers; or Director General (Director) of a credit institution shall be dismissed from his/her position or discharged from duty in one of the following cases:

a) Discharge from duty if he/she hands in a resignation to the Board of Directors, the Board of Members, the Board of Controllers of the credit institution;

b) Dismissal if he/she fails to join activities of the Board of Directors, the Board of Members or the Board of Controllers for 6 consecutive months, except for force majeure events;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Dismissal if the independent member of the Board of Directors fails to comply with regulations in Clause 2 Article 41 and Clause 3 Article 43 of this Law;

dd) Other cases defined by the Charter of the credit institution.

2. After dismissal or discharge from duty, the chairperson or member of the Board of Directors or the Board of Members; the head or member of the Board of Controllers; or the Director General (Director) of the credit institution shall be still liable for his/her decisions made during his/her term of office.

3. Within 10 working days from the date of approval for the decision on dismissal or discharge from duty of any holder specified in Clause 1 of this Article, the Board of Directors or the Board of Members of the credit institution shall send a report enclosed with relevant documents to the State Bank.

1. The State Bank has the right to terminate or suspend the execution of the rights and obligations of the Chairperson and members of the Board of Directors or the Board of Members, the Head and members of the Board of Controllers, and executives of a credit institution who violate Article 43, Clause 10 Article 48 of this Law and other relevant laws when they execute their rights and obligations or fail to meet criteria and requirements specified in Article 41 of this Law; and request the competent agency to dismiss them from their positions, elect and appoint or designate replacements if necessary.

2. The Special Control Board has the right to terminate or suspend the execution of the rights and obligations of the chairperson and members of the Board of Directors and the Board of Members, the head and members of the Board of Controllers, and executives of a credit institution placed under special control, when necessary.

3. Persons whose rights and obligations are terminated or suspended under Clauses 1 and 2 of this Article shall participate in remedying problems and handling violations related to their personal responsibilities if requested by the State Bank, the Board of Directors, the Board of Members, the Board of Controllers of the credit institution or the Special Control Board.

1. Comply with laws, the Charter of the credit institution, resolutions and decisions of the General Meeting of Shareholders, General Meeting of Members or owners or capital contributors of the credit institution.

2. Exercise their rights and fulfill their obligations in an honest and prudent manner, for the interests of the credit institution and its shareholders, capital contributors and owners.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Be responsible for compliance with regulations on restrictions in order to maintain safety in banking activities of the credit institution according to regulations of this Law.

5. Keep dossiers and records of the credit institution in order to provide statistics for the credit institution for the purposes of management, administration and control of its activities and for the State Bank's inspection, supervision and examination.

6. Be knowledgeable about risks arising from operations of the credit institution.

7. Promptly, fully and accurately notify the credit institution of possible conflicts of interests arising from the credit institution's benefits in other institutions or its transactions with other organizations and individuals and only conduct such transactions when the Board of Directors or the Board of Members gives consent.

8. Be prohibited from enabling themselves or their related persons to take loans or use other banking services of the credit institution with conditions that are better and favorable than those under the credit institution's general regulations.

9. Neither have their salaries and remuneration increased nor request bonuses when the credit institution suffers losses.

10. Within the scope of their rights and obligations, respond to written requests from the State Bank for contents under the jurisdiction of the State Bank. Follow recommendations and warnings about risk and operational safety, and risk of violations against regulations on monetary and banking; implement conclusions, recommendations and decisions related to inspection.

11. Exercise other rights and fulfill other obligations defined by the law and the credit institution's charter.

1. Each member of the Board of Directors, the Board of Members or the Board of Controllers or the Director General (Director) or Deputy Director General (Deputy Director) and the holder of another equivalent title of a credit institution shall notify the credit institution of the following information:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Name, enterprise ID number, headquarter address of another enterprise or business organization of which he/she and his/her related persons are members of the Board of Directors, Board of Members or Board of Controllers or the Director General (Director);

c) Information about each related person that is an individual, including full name; personal identification number; nationality, passport number, date of issuance, place of issuance (in case of a foreigner); relationship with information provider;

d) Information about each related person that is an organization, including name, enterprise ID number, headquarter address, number of enterprise registration certificate or a document of equivalent legitimacy; legal representative, relationship with information provider.

2. The shareholder owning at least 01% of charter capital of a credit institution shall provide the following information for the credit institution:

a) Full name; personal identification number; nationality, passport number, date of issuance, place of issuance in case where the shareholder is a foreigner; number of enterprise registration certificate or a document of equivalent legitimacy in case where the shareholder is an organization; date of issuance and place of issuance of such document.

b) Information about each related person according to regulations in Point c and Point d Clause 1 of this Article;

c) His/her holdings in the credit institution;

d) His/her related person’s holdings in the credit institution;

3. Persons specified in Clause 1 and Clause 2 of this Article shall notify the credit institution in writing of initial provision of information and any change in such information within 07 working days from the date on which the information is disclosed or changed.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The credit institution shall post and store information specified in Clauses 1 and 2 of this Article at its headquarter and send a written report to the State Bank within 07 working days from the date on which the credit institution receives the provided information. On annual basis, the credit institution shall disclose information specified in points a,b,d Clause 1 and points a,c,d Clause 2 of this Article to its General Meeting of Shareholders, General Meeting of Members and the Board of Members.

5. The credit institution shall disclose information about full name of the individual or name of the organization that is the shareholder owning at least 01% of its charter capital and information specified in point c and point d Clause 2 of this Article on its website within 07 working days from the date on which it receives the provided information.

6. Organizations and individuals that provide and disclose information shall ensure that the information is provided and disclosed in an honest, accurate, full and prompt manner, and assume their responsibilities for such provision and disclosure.

1. The Board of Directors or the Board of Members is a governing body that has the full power to decide and exercise the rights and fulfill the obligations of a credit institution on its behalf, except for matters to be decided by the General Meeting of Shareholders or owners.

2. When the number of members of the Board of Directors or the Board of Members is less than the minimum number of members prescribed in Clause 1 Article 69 and point a Clause 1 Article 73 of this Law, within 90 days from the date on which the minimum number of members is insufficient, the credit institution shall elect and add members to the Board of Directors or Board of Members in order to ensure that the minimum number of members is sufficient, except for the case specified in Clause 5 Article 166 of this Law.

3. The Board of Directors or Board of Members shall use the credit institution's seal to perform its tasks and powers.

4. The Board of Directors or Board of Members shall have an assistance department to assist it. The assistance department's functions and tasks are regulated by the Board of Directors or Board of Members.

5. The Board of Directors or Board of Members shall set up committees to assist it in performing its tasks and powers, in which there must be risk management committee and personnel committee. The Board of Directors or Board of Members shall define the tasks and powers of these two committees under regulations of the Governor of the State Bank.

Article 51. Board of Controllers

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The Board of Controllers of a commercial bank shall have at least 05 members. The Board of Controllers of a credit institution shall have at least 03 members. The number of members of the Board of Controllers shall be specified in the credit institution's charter.

3. The Board of Controllers shall have an assistance department and an internal audit department to perform its tasks.

4. The term of the Board of Controllers shall not exceed 05 years. A member of the Board of Controllers shall have the same term of office as the Board of Controllers, except for the case specified in Clause 5 of this Article. The term of office of an added or replaced member of the Board of Controllers is the remaining term of the Board of Controllers. The Board of Controllers of the previous term shall continue to operate until the Board of Controllers of the new term takes over its work

5. The term of the Head and a member of the Board of Controllers in the credit institution that is a single-member limited liability company shall be specified in the credit institution’s charter and shall not exceed 05 years.

6. When the number of members of the Board of Controllers is less than the minimum number of members prescribed in Clause 2 of this Article, within 90 days from the date on which the minimum number of members is insufficient, the credit institution shall elect and add members to the Board of Controllers in order to ensure that the minimum number of members is sufficient, except for the case specified in Clause 5 Article 166 of this Law.

Article 52. Tasks and powers of the Board of Controllers

1. Supervise administration and management by the credit institution of the observance of law, internal regulations, Charter, resolutions and decisions of General Meeting of Shareholders, owners, the Board of Directors and the Board of Members; take responsibility to the General Meeting of Shareholders, owners and capital contributors for the performance of its assigned tasks and powers according to regulations of this Law and the credit institution's charter.

2. Issue internal regulations of the Board of Controllers; review internal regulations of the Board of Controllers and those of the credit institution on accounting and report every year.

3. Conduct internal audit; get access to and be fully, accurately and promptly provided with information and documents related to administration and management conducted by the credit institution; be entitled to use resources of the credit institution to perform the assigned tasks and powers, hire experts, independent consultancy units and external organizations to perform its tasks and take responsibility for performance of tasks of the Board of Controllers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Supervise approval and implementation of projects on investment, purchase and sale of fixed assets, other contracts and transactions of the credit institution decided by the General Meeting of Shareholders, the Board of Directors and the Board of Members. On an annual basis, prepare and send supervision reports to the General Meeting of Shareholders, owners, the Board of Directors and the Board of Members.

6. Supervise the compliance with regulations in Chapter VII of this Law on restrictions so as to maintain safety for operations of the credit institution.

7. Inspect accounting books, other documents and management and administration of the credit institution's operations when necessary or in the following cases:

a) According to resolutions and decisions of the General Meeting of Shareholders;

b) As required by the State Bank or major shareholders, groups of major shareholders or owners or capital contributors or the Board of Members under law. The inspection shall be conducted within 07 working days from the date of receipt of requests. Within 15 days after completing inspection, the Board of Controllers shall report and explain matters inspected to requesting organizations and individuals.

8. Promptly notify the General Meeting of Shareholders, owners, the Board of Directors or Board of Members when detecting that managers or executives of the credit institution commit violations against regulations of law, internal regulations of the credit institution, resolutions and decisions of the General Meeting of Shareholders, owners, the Board of Directors or Board of Members; request violators to immediately terminate their violations and adopt remedial measures (if any).

9. Make a list of founding shareholders within 05 years from the date of having the first founding shareholder, shareholders owning at least 01% of charter capital, capital contributors and related persons of members of the Board of Directors, Board of Members and Board of Controllers and Director General (Director) of the credit institution and shareholders owning at least 01% of charter capital; keep and update changes in this list.

10. Request the Board of Directors or Board of Members to convene extraordinary meetings or request the Board of Directors to convene the extraordinary General Meeting of Shareholders under this Law and the credit institution's charter.

11. Convene the extraordinary General Meeting of Shareholders when the Board of Directors makes a decision seriously violating this Law or beyond its vested powers or in other cases under the credit institution's charter.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



13. Promptly report to the State Bank on violations against regulations in Clauses 6, 8 and 11 of this Article and those on holdings of shares/stakes and related persons according to this Law.

14. Perform other tasks and powers under the credit institution's charter.

Article 53. Rights and obligations of Head of Board of Controllers

1. Organize performance of tasks and powers of the Board of Controllers defined in Article 52 of this Law and take responsibility for execution of his/her rights and obligations.

2. Convene and chair meetings of the Board of Controllers.

3. On behalf of the Board of Controllers, sign documents under the jurisdiction of the Board of Controllers.

4. On behalf of the Board of Controllers, convene the extraordinary General Meeting of Shareholders under Clause 11 Article 52 of this Law or request the Board of Directors or Board of Members to convene extraordinary meetings.

5. Attend meetings of the Board of Directors or Board of Members, give opinions in these meetings but have no right to vote.

6. Require the inclusion of his/her opinions in minutes of meetings of the Board of Directors or Board of Members when these opinions differ from resolutions and decisions of the Board of Directors or Board of Members and report such opinions to the General Meeting of Shareholders or owners or capital contributors.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



8. Ensure that members of the Board of Controllers receive information in a complete, objective and accurate manner and have enough time to discuss matters to be considered by the Board of Controllers.

9. Supervise and direct members of the Board of Controllers to perform their tasks and execute their rights and obligations.

10. Authorize another member of the Board of Controllers to perform his/her rights and obligations only when he/she is absent or cannot perform these tasks.

11. Exercise other rights and fulfill other obligations defined by the law and the credit institution's charter.

Article 54. Rights and obligations of members of Board of Controllers

1. Observe law, the credit institution's charter and internal regulations of the Board of Controllers and perform tasks as assigned by the Head of the Board of Controllers to carry out tasks and powers of the Board of Controllers in an honest and prudent manner, for interests of the credit institution and its shareholders, capital contributors and owners; assume their responsibilities for execution of their rights and obligations.

2. Elect a member of the Board of Controllers to act as the Head, except for the case specified in point c Clause 1 Article 73 of this Law.

3. Request the Head of the Board of Controllers to convene extraordinary meetings.

4. Control business activities, accounting books, assets and financial statements and recommend remedial measures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Request managers, executives and employees of the credit institution to provide statistics and explain business operations in order to perform the assigned tasks.

7. Report financial activities that are abnormal to the Head and take responsibilities for their own assessment and conclusions.

8. Attend meetings of the Board of Controllers, discuss and vote on matters within the scope of tasks and powers of the Board of Controllers, except for those that conflict with their interests.

9. Exercise other rights and fulfill other obligations defined by the law and the credit institution's charter.

Article 55. Director General (Director)

1. The Board of Directors, Board of Members and owners will appoint Director General (Director) whose term of office must not exceed 05 years.

2. The Director General (Director) is the supreme executive of the credit institution and shall take responsibility to the Board of Directors, Board of Members and owners for the execution of his/her rights and obligations.

3. If the Director General (Director) is vacant, the Board of Directors, Board of Members and owners of the credit institution shall appoint a person to act as Director General (Director) within 90 days from the date on which the Director General (Director) is vacant.

Article 56. Rights and obligations of Director General (Director)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Decide matters related to day-to-day business operations of the credit institution under his/her jurisdiction.

3. Set up the internal control system and maintain its effective operation.

4. Make and submit financial statements to the Board of Directors or Board of Members for approval or for report to the competent authority for approval. Take responsibility for the accuracy and truthfulness of financial statements, statistical reports, settlement statistics and other financial information.

5. Issue within his/her jurisdiction internal rules and regulations; establish professional procedures to operate business administration and management and information systems.

6. Report on the credit institution's business operations and results to the Board of Directors, Board of Members, Board of Controllers, General Meeting of Shareholders and competent state agencies.

7. Make decisions to apply measures beyond his/her jurisdiction in cases of natural disasters, enemy sabotage, fires and incidents, take responsibility for these decisions and promptly report them to the Board of Directors or Board of Members.

8. Recommend and propose organizational structure of the credit institution to the Board of Directors or Board of Members or the General Meeting of Shareholders for decision according to its jurisdiction.

9. Request the Board of Directors or Board of Members to convene extraordinary meetings

10. Appoint and dismiss holders of managerial and executive titles of the credit institution, except for those to be decided by the General Meeting of Shareholders, owners, capital contributors, Board of Directors or Board of Members.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



12. Propose plans to use profits and handle losses on business of the credit institution.

13. Recruit employees; decide salaries and bonuses of employees within his/her jurisdiction.

14. Exercise other rights and fulfill other obligations defined by the law and the credit institution's charter.

Article 57. Internal control system

1. "Internal control system” means a combination of mechanisms, policies, processes, internal regulations and organizational structure of a credit institution with a view to promptly controlling, preventing, detecting and handling risks.

2. The credit institution shall develop its internal control system to meet the following requirements:

a) Operation, protection, management and use of assets and resources are safe and effective;

b) Financial and managerial information system is truthful, appropriate, full and prompt;

c) The system shall follow and comply with the law, mechanisms, policies and internal regulations and procedures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The credit institution shall develop the internal control system and apply technologies to internal control according to regulations of the Governor of the State Bank.

Article 58. Internal audit

1. A credit institution shall set up an internal audit unit under the Board of Controllers to conduct internal audit of the credit institution.

2. The internal audit unit shall objectively and independently review and assess the conformity and observance of mechanisms, policies, internal regulations and procedures of the credit institution; and give recommendations in order to improve the effectiveness of systems, procedures and regulations, thereby contributing to ensure safe, effective and lawful operations of the credit institution.

3. Internal audit results shall be promptly reported to the Board of Controllers and sent to the Board of Directors, the Board of Members, the Director General (Director) of the credit institution.

Article 59. Independent audit

1. Before the end of a fiscal year, a credit institution shall select an independent audit institution which is eligible under the State Bank's regulations to audit financial statements and carry out internal control assurance upon formulation and presentation of financial statements in the next fiscal year.

2. Within 30 days after selecting an independent audit institution, the credit institution shall notify the State Bank of such audit institution.

Section 3. CREDIT INSTITUTION THAT IS JOINT-STOCK COMPANY

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. A credit institution that is a joint-stock company shall have ordinary shares. Holders of ordinary shares are ordinary shareholders.

2. The credit institution that is a joint-stock company may have preference shares. Holders of preference shares are preference shareholders. Preference shares include:

a) Participating preference shares;

b) Super-voting shares.

3. Participating preference shares are shares that provide their holders with dividends higher than those of ordinary shares or with stable annual dividends. Annual dividends include fixed dividends and extra dividends. Fixed dividends do not depend on the credit institution’s business performance and may be only paid when the credit institution earns profits. When the credit institution suffers losses or earns profits but such profits are insufficient for payment of fixed dividends, fixed dividends to be paid for participating preference shares shall be accrued in subsequent years. Fixed dividends and methods for determination of extra dividends shall be decided by the General Meeting of Shareholders and written on certificates of participating preference shares. Total par value of participating preference shares must not exceed 20% of charter capital of the credit institution.

Members of the Board of Directors and Board of Controllers, the Director General (Director) and other managers and executives of the credit institution shall not buy participating preference shares issued by such credit institution. Eligible purchasers of participating preference shares shall be defined in the charter of the credit institution or decided by the General Meeting of Shareholders.

Rights and obligations of participating preference shareholders shall be the same as those of ordinary shareholders, except for the rights to vote, attend meetings of the General Meeting of Shareholders and nominate candidates to the Board of Directors and Board of Controllers.

4. Only institutions authorized by the Government and founding shareholders may hold super-voting shares. The founding shareholder’s super-voting right shall be only effective for 03 years from the date on which the credit institution is issued with the license. After this period, super-voting shares will become ordinary shares. Rights and obligations of super-voting shareholders shall be the same as those of ordinary shareholders, except for the right to transfer such shares to other persons.

5. Ordinary shares may not be converted into preference shares. Preference shares may be converted into ordinary shares according to resolutions of the General Meeting of Shareholders.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 61. Rights of ordinary shareholders

1. Attend and give opinions at meetings of the General Meeting of Shareholders and cast votes in person or through their authorized representatives. Each ordinary share equals one vote.

2. Receive dividends under resolutions of the General Meeting of Shareholders.

3. Be given priority to buy additional shares in proportion to their ordinary shares in the credit institution.

4. Transfer their shares and rights to buy shares to other shareholders within the credit institution or to other organizations or individuals under this Law and the credit institution’s charter.

5. Consider, search and extract information about names and addresses from the list of voting shareholders; require modification of inaccurate information.

6. Consider, search, extract or photocopy the credit institution’s charter, books of minutes of meetings of the General Meeting of Shareholders and resolutions and decisions of the General Meeting of Shareholders.

7. Receive the remaining assets in proportion to the number of their shares in the credit institution when it is dissolved or goes bankrupt.

8. Authorize in writing other persons to exercise their rights and fulfill their obligations. These authorized persons may not stand as candidates in their own capacity.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



10. The shareholder or group of shareholders owning at least 05% of total ordinary shares (or a smaller percentage specified in the charter of the credit institution) may nominate persons to the Board of Directors or Board of Controllers.

Article 62. Obligations of ordinary shareholders

1. Shareholders of a credit institution shall fulfill the following obligations:

a) Fully pay for shares that they commit to buy before the deadline set by the credit institution; be responsible for debts and other asset-related obligations of the credit institution within the limit of share capital already contributed to the credit institution;

b) Be prohibited from withdrawing share capital contributed from the credit institution in any form that results in decrease in the charter capital of the credit institution, except for the case specified in Article 65 of this Law;

c) Be responsible to the law for the legitimacy of the sources of funding for contributing, buying, receiving shares at the credit institution; do not use credit extended by the credit institution or foreign bank’s branch to buy or receive shares from the credit institution, and funding generated from corporate bond issuance; be prohibited from contributing capital to or buying shares of the credit institution in the name of any other individual or juridical person in any form, unless authorized in accordance with law;

d) Comply with the charter and internal regulations of the credit institution;

dd) Observe resolutions and decisions of the General Meeting of Shareholders and Board of Directors;

e) Be responsible for, when acting in the name of the credit institution in any form, any violation they have committed or business activities and other transactions they have conducted for self-seeking purposes or for the interests of other institutions or individuals;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The shareholder that makes investment using funding entrusted by another institution or individual shall provide the credit institution with information on the actual owner of shares which they are holding under trusteeship at this credit institution. The credit institution has the right to terminate shareholder rights of such shareholder when detecting that they fail to provide information or provide sufficient and accurate information on the actual owner of shares.

Article 63. Holdings

1. A shareholder that is an individual must not own a share whose value exceeds 05% of charter capital of a credit institution.

2. A shareholder that is an institution must not own shares whose value exceeds 10% of charter capital of a credit institution.

3. A shareholder and related persons of such shareholder must not own shares whose value exceeds 15% of charter capital of a credit institution. A major shareholder of a credit institution and related persons of such major shareholder must not own shares whose value is 05% or more of charter capital of another credit institution.

4. Regulations in Clause 2 and Clause 3 of this Article shall not apply to the following cases:

a) Owning shares of a subsidiary or associate company that is the credit institution specified in Clause 2 and Clause 3 Article 111 of this Law;

b) Owning state shares at an equitized credit institution;

c) Owning shares of foreign investors under Clause 7 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Within 05 years from the date on which the credit institution is issued with the license, founding shareholders shall hold shares whose value is at least 50% of the charter capital of the credit institution. Founding shareholders that are juridical persons shall hold shares whose value is at least 50% of total shares of founding shareholders.

7. Foreign investors may buy shares of Vietnamese credit institutions. The Government shall provide for the maximum permissible holdings of foreign investors, a foreign investor that is an organization, a foreign investor and their related persons in a Vietnamese credit institution; conditions and procedures applicable to foreign investors for purchase of shares of Vietnamese credit institutions and requirements applicable to Vietnamese credit institutions for share sale to foreign investors.

Article 64. Offering and transferring shares

1. Individual shareholders and institutional shareholders having representatives of stakes at credit institutions that are members of Boards of Directors or Boards of Controllers or Directors General (Directors) shall not transfer their shares during their term of office.

Representatives of stakes specified in this Clause exclude representatives of State's stakes in credit institutions.

2. A member of Board of Directors or Board of Controllers, or General Director (Director) who is going through disciplinary process under a resolution or decision of the General Meeting of Shareholders or a decision of the State Bank must not transfer his/her shares, except for one of the following cases:

a) He/she acts as an authorized representative of an institutional shareholder which is merged, amalgamated, divided, dissolved or goes bankrupt under law;

b) He/she is forced to transfer his/her shares under a court’s decision or judgment;

c) He/she transfers shares to another investor in order to implement the restructuring plan, the plan to transfer the whole stake or the mandatory transfer plan that has been approved.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Within 05 years from the date on which the credit institution is issued with the license, founding shareholders may only transfer their ordinary shares and participating preference shares to other founding shareholders in case they ensure holdings specified in Article 63 of this Law.

Article 65. Repurchase of shareholders' shares

A credit institution may only repurchase its shareholders' shares if after fully paying an amount in proportion to the repurchased shares, the credit institution still ensures safety ratios in banking operations and the actual value of charter capital is not smaller than the legal capital of the credit institution.

Article 66. Share certificates

A new credit institution shall issue share certificates to its shareholders within 30 days from the date of inauguration. In case a credit institution increases its charter capital, it shall issue share certificates to its shareholders within 30 days from the date on which its shareholders make full payment for subscribed shares;

Article 67. General Meeting of Shareholders

1. The General Meeting of Shareholders shall convene annual meetings within 4 months after the end of a fiscal year.

2. The Board of Directors convenes the extraordinary General Meeting of shareholders in the following cases:

a) The Board of Directors considers that it is necessary for interests of the credit institution;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) The number of remaining members of the Board of Controllers is smaller than the minimum number of members specified in Clause 2, Article 51 of this Law;

d) As required by a shareholder or a group of shareholders that holds over 10% of total ordinary shares (or a smaller percentage specified in the charter of the credit institution);

dd) As required by the Board of Controllers;

e) As required by the State Bank when there are events which affect operational safety of the credit institution;

g) Other cases specified in the charter of the credit institution.

3. The General Meeting of Shareholders is composed of all voting shareholders. It is the supreme decision-making body of the credit institution that is a joint-stock company. The General Meeting of Shareholders has the following tasks and powers:

a) Approve development orientations of the credit institution;

b) Approve and amend the charter of the credit institution;

c) Approve regulations on organization and operation of the Board of Directors and Board of Controllers;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Decide remuneration, bonuses and other benefits for members of the Board of Directors and Board of Controllers and operating budgets of the Board of Directors and Board of Controllers;

e) Consider and handle violations that are committed by the Board of Directors or Board of Controllers and cause damage to the credit institution and its shareholders according to its jurisdiction

g) Decide organizational structure of the credit institution;

h) Ratify plan for change in the charter capital; approve share offering plan, covering types and quantity of new shares to be offered;

i) Approve plan to repurchase shares sold;

k) Ratify plan for issuance of convertible bonds;

l) Approve the plan specified in Article 143 of this Law;

m) Approve annual financial statements and plan for distribution of profits after the credit institution's tax and other financial obligations are fulfilled;

n) Ratify reports of the Board of Directors and Board of Controllers on performance of their assigned tasks and powers;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



p) Approve the credit institution’s plans to contribute capital to, or purchase or sell shares/stakes of, enterprises or other credit institutions in which the capital amount to be contributed, estimated purchasing price or book value, in case of sale of shares/stakes, is at least 20% of its charter capital written in its latest financial statements which have been duly audited (or a smaller percentage specified in the charter of the credit institution).

q) Approve the credit institution’s decisions to invest in, purchase or sell fixed assets in which the investment, estimated purchasing price or historical cost, in case of sale of fixed assets, is at least 20% of its charter capital written in its latest financial statements which have been duly audited (or a smaller percentage specified in the charter of the credit institution);

r) Ratify other contracts or transactions whose value is at least 20% of charter capital of the credit institution (or a smaller percentage specified in the charter of the credit institution), indicated in the latest financial statements which have been duly audited, between the credit institution and members of the Board of Directors or Board of Controllers, the Director General (Director), major shareholders, related persons of managers, members of Board of Controllers, major shareholders of the credit institution; subsidiaries, associate companies of the credit institution, except for cases where commercial banks are implementing mandatory transfer plans;

s) Decide division, amalgamation, merger, conversion of legal forms or dissolution of, or request the Court to establish bankruptcy procedures for the credit institution;

t) Decide selection of independent audit institutions according to regulations in Article 59 of this Law;

u) Decide solutions to major financial changes of the credit institution.

4. A decision of the General Meeting of Shareholders shall be ratified as follows:

a) The General Meeting of Shareholders shall ratify the decision within its jurisdiction by voting at its meeting or collecting written opinions;

b) Except for the cases specified at points c, d and dd of this Clause, in case of ratification of the decision by voting at the meeting, the decision of the General Meeting of Shareholders shall be ratified when it is voted for by a number of shareholders representing more than 50% of total votes of all participating shareholders or in case of ratification of the decision by collecting written opinions, the decision of the General Meeting of Shareholders shall be ratified when it is voted for by a number of shareholders representing more than 50% of total votes of all shareholders (or a higher percentage specified in the charter of the credit institution);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Regarding the decision on content specified at point s Clause 3 of this Article, the decision of the General Meeting of Shareholders shall be ratified when it is voted for by a number of shareholders representing more than 65% of total votes of all participating shareholders (or a higher percentage specified in the charter of the credit institution);

dd) The election of members of the Board of Directors and Board of Controllers shall be cumulative voting.

5. Decisions on the contents specified at points a, d, e and s, Clause 3 of this Article shall be ratified by voting at meetings of the General Meeting of Shareholders.

Article 68. Reporting resolutions and decisions of General Meeting of Shareholders

Within 15 days from the date on which meeting of the General Meeting of Shareholders ends or the vote count finishes in case of collection of written opinions, the credit institution shall send all resolutions and decisions ratified by the General Meeting of Shareholders to the State Bank.

Article 69. Board of Directors of a credit institution that is a joint-stock company

1. Board of Directors of a credit institution that is a joint-stock company shall have between 5 and 11 members. The number of members in each term of office shall be decided by the General Meeting of Shareholders. The Board of Directors shall have at least 02 independent members. Two-third of total members of the Board of Directors shall be independent members and members that are not executives of the credit institution.

2. The term of office of the Board of Directors shall not exceed 05 years. A member of the Board of Directors shall have the same term of office as the Board of Directors. The term of office of an added or replaced member of the Board of Directors is the remaining term of the Board of Directors. The Board of Directors of the previous term shall continue to operate until the Board of Directors of the new term takes over its work.

3. An individual and his/her related persons or representatives of stakes of an institutional shareholder and their related persons may be elected to hold the position of no more than 02 members of the Board of Directors of a credit institution that is a joint-stock company, except for representatives of the State's stakes and mandatory transferees.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 70. Tasks and powers of Board of Directors of a credit institution that is a joint-stock company

1. Organize establishment and inauguration of the credit institution after the first meeting of the General Meeting of Shareholders.

2. Request the General Meeting of Shareholders to decide and approve matters within its tasks and powers as defined in Clause 3, Article 67 of this Law.

3. Decide establishment of branches, representative offices and public service providers of the credit institution.

4. Appoint, dismiss, discipline, suspend and decide salaries, bonuses and other benefits paid to and provided for the General Director (Director), Deputy General Director (Deputy Director), and other executives within its jurisdiction according to internal regulations of the Board of Directors.

5. Appoint representatives of stakes of the credit institution at other enterprises and credit institutions.

6. Approve the credit institution's plans to contribute capital to, or purchase or sell shares/stakes of, enterprises or other credit institutions in which the capital amount to be contributed, estimated purchasing price or book value, in case of sale of shares/stakes, is lower than 20% of its charter capital written in its latest financial statements which have been duly audited (or a smaller percentage specified in the charter of the credit institution);

7. Approve the credit institution’s decisions to invest in, purchase or sell fixed assets in which the investment, estimated purchasing price or historical cost, in case of sale of fixed assets, is at least 10% of its charter capital written in its latest financial statements which have been duly audited (or a smaller percentage specified in the charter of the credit institution), except for investment, purchase or sale of fixed assets decided by the General Meeting of Shareholders.

8. Decide credit extensions according to Clause 7 Article 136 of this Law, except for other contracts and transactions decided by the General Meeting of Shareholders.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



10. Ratify other contracts or transactions whose value is at least 10% of charter capital of the credit institution (or a smaller percentage specified in the charter of the credit institution), indicated in the latest financial statements which have been duly audited.

11. Examine, supervise and direct the Director General (Director) to perform his/ her assigned tasks; annually assess performance of tasks by the Director General (Director).

12. Issue internal regulations on organization, governance and operation of the credit institution in accordance with this Law and other relevant laws, except for matters within the jurisdiction of General Meeting of Shareholders.

13. Decide risk management policies and supervise implementation of risk prevention measures by the credit institution.

14. Consider and approve annual reports.

15. Decide to offer new shares within the limit of eligible shares.

16. Decide offering prices of shares and convertible bonds of the credit institution.

17. Decide repurchase of shares of the credit institution according to the approved plan.

18. Propose a plan for distribution of profits and dividends to be paid; decide time and procedures for paying dividends or settling business losses.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



20. Approve working programs and plans of the Board of Directors; programs, contents and documents that serve meetings of the General Meeting of Shareholders; convene the General Meeting of Shareholders or collect written opinions of shareholders in order to ratify resolutions or decisions of the General Meeting of Shareholders.

21. Organize, examine and supervise the implementation of resolutions or decisions of the General Meeting of Shareholders and Board of Directors.

22. Promptly notify the State Bank of information adversely affecting the membership status of members of the Board of Directors or Board of Controllers or the Director General (Director).

23. Perform other tasks and powers under the law and the credit institution's charter.

Article 71. Rights and obligations of Chairperson of Board of Directors of a credit institution that is a joint-stock company

1. Formulate working programs and plans of the Board of Directors; take responsibility for performance of his/her rights and obligations.

2. Convene and chair meetings of the Board of Directors.

3. On behalf of the Board of Directors, sign documents under the jurisdiction of the Board of Directors.

4. Organize approval for resolutions or decisions of the Board of Directors.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Chair meetings of the General Meeting of Shareholders.

7. Ensure that all members of the Board of Directors receive adequate, objective and accurate information and have sufficient time to discuss matters to be considered by the Board of Directors.

8. Assign specific tasks to each member of the Board of Directors.

9. Supervise members of the Board of Directors performing their assigned tasks, rights and obligations.

10. Authorize another member of the Board of Directors to perform his/her rights and obligations only when he/she is absent or cannot perform these tasks.

11. On an annual basis, assess performance of tasks by each member and committees of the Board of Directors and report assessment results to the General Meeting of Shareholders.

12. Exercise other rights and fulfill other obligations defined by the law and the credit institution's charter.

Article 72. Rights and obligations of members of Board of Directors of a credit institution that is a joint-stock company

1. Honestly and carefully exercise their rights and perform their obligations in accordance with internal regulations of the Board of Directors and as assigned by the Chairperson of the Board of Directors for the interests of the credit institution and its shareholders; promote independence of independent members of the Board of Directors of performance of rights and obligations; be responsible for performance of their rights and obligations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Request the Chairperson of the Board of Directors to convene extraordinary meetings.

4. Attend meetings of the Board of Directors, discuss and vote on matters within the tasks and powers of the Board of Directors under this Law, and assume responsibilities to the General Meeting of Shareholders and the Board of Directors for their decisions.

If the matters conflict with their benefits, they are not allowed to cast votes.

5. Be prohibited from authorizing other persons to attend meetings of the Board of Directors in order to decide the contents specified in Clauses 2, 4, 6, 7, 8, 9, 10, 12, 13, 14 and 18 Article 70 of this Law.

6. Observe resolutions and decisions of the General Meeting of Shareholders and the Board of Directors;

7. Explain the performance of their assigned tasks to the General Meeting of Shareholders and Board of Directors upon request.

8. Exercise other rights and fulfill other obligations defined by the law and the credit institution's charter.

Section 4. CREDIT INSTITUTION THAT IS SINGLE-MEMBER LIMITED LIABILITY COMPANY

Article 73. Rights and obligations of an owner of a credit institution that is a single-member limited liability company

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Appoint authorized representatives to perform his/her rights and obligations under this Law. Each representative has a term of office of up to 5 years. Authorized representatives must satisfy all the criteria and requirements specified in Clause 1, Article 41 of this Law;

c) Appoint the Chairperson and members of the Board of Members; the Head and members of the Board of Controllers, Director General (Director), Deputy Directors General (Deputy Directors) and the chief accountant with a term of office of up to 5 years; and dismiss such persons;

d) Decide change in the charter capital of the credit institution; transfer part or the whole of the charter capital of the credit institution and change legal forms of the credit institution;

dd) Decide policies on establishment, repurchase, contribution of capital to, increase or decrease in stakes of, transfer of capital invested in subsidiaries and associate companies;

e) Approve annual financial statements; decide the use of profits after the credit institution's tax and other financial obligations are fulfilled;

g) Decide reorganization and dissolution, request the court to establish bankruptcy procedures for the credit institution;

h) Decide remuneration, salaries and other benefits paid to and provided for the Chairperson and members of the Board of Members, the Head and members of the Board of Controllers and the Director General (Director).

2. The owner has the following obligations:

a) Contribute capital in a full and punctual manner as committed;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Identify and separate his/her assets from those of the credit institution;

d) Observe law on purchase, sale, borrowing, lending, rental and lease and other contracts and transactions between the credit institution and the owner;

dd) Fulfill other obligations defined by this Law and the credit institution's charter.

Article 74. Tasks and powers of Board of Members of credit institution that is a single-member limited liability company

1. The Board of Members of a credit institution that is a single-member limited liability company is composed of all representatives authorized by each owner and shall, in the owner's name, exercise the rights and perform the obligations of the owner; in the credit institution’s name, exercise the rights and perform the obligations of the credit institution; and be responsible to the owner for performance of its tasks and exercise of its powers under this Law and the charter of the credit institution.

2. The Board of Members has the following tasks and powers:

a) Issue and amend the charter of the credit institution;

b) Issue annual development strategies and business plans of the credit institution;

c) Request the credit institution’s owners to approve and decide matters within their jurisdiction specified at Points c, d, dd, e and g, Clause 1, Article 73 of this Law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Decide selection of independent audit institutions according to regulations in Article 59 of this Law;

e) Examine, supervise and direct the Director General (Director) to perform his/ her assigned tasks; annually assess performance of tasks by the Director General (Director).

g) Decide to settle business losses;

h) Decide credit extensions according to Clause 7 Article 136 of this Law;

i) Approve the credit institution’s plans to contribute capital to, or purchase or sell shares/stakes of, enterprises or other credit institutions in which the capital amount to be contributed, estimated purchasing price or book value, in case of sale of shares/stakes, is at least 20% of its charter capital written in its latest financial statements which have been duly audited (or a smaller percentage specified in the charter of the credit institution).

k) Approve the credit institution’s decisions to invest in, purchase or sell fixed assets in which the investment, estimated purchasing price or historical cost, in case of sale of fixed assets, is at least 20% of its charter capital written in its latest financial statements which have been duly audited (or a smaller percentage specified in the charter of the credit institution);

l) Ratify other contracts or transactions between the credit institution and its subsidiaries or associate companies; between the credit institution and the Chairperson and members of the Board of Members, the Head and members of the Board of Controllers, the Director General (Director), their related persons. In this case, these related persons are not entitled to cast votes, except for other contracts and transactions with the owner of the credit institution;

m) Decide solutions to market development, marketing and technology transfer;

n) Issue internal regulations on organization, governance and operation of the credit institution in accordance with this Law and other relevant laws;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



p) Perform other tasks and powers under the law and the credit institution's charter.

Article 75. Rights and obligations of Chairperson of Board of Members of credit institution that is a single-member limited liability company

1. Formulate working programs and plans of the Board of Members; take responsibility for performance of his/her rights and obligations.

2. Convene and chair meetings of the Board of Members, collect opinions of members of the Board of Members.

3. Supervise and organize supervision of the implementation of resolutions or decisions of the Board of Members.

4. On behalf of the Board of Members, sign resolutions and decisions of the Board of Members.

5. Ensure that all members of the Board of Members receive adequate, objective and accurate information and have sufficient time to discuss matters to be considered by the Board of Members.

6. Assign specific tasks to each member of the Board of Members.

7. Supervise members of the Board of Members performing their assigned tasks, rights and obligations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



9. On an annual basis, assess performance of tasks by each member of the Board of Members and report assessment results to the owner.

10. Exercise other rights and fulfill other obligations defined by the law and the credit institution's charter.

Article 76. Rights and obligations of members of Board of Members of credit institution that is a single-member limited liability company

1. Honestly and carefully exercise their rights and perform their obligations under internal regulations of the Board of Members and as assigned by the Chairperson of the Board of Members, for the interests of the credit institution and its owners; be responsible for execution of their rights and obligations.

2. Inspect reports on financial statements prepared by independent auditors; give opinions on or request executives of the credit institution, independent auditors and internal auditors to explain matters related to these reports.

3. Request the Chairperson of the Board of Members to convene extraordinary meetings of the Board of Members.

4. Attend meetings of the Board of Members, discuss and vote on matters within the tasks and powers of the Board of Members under this Law; assume responsibilities to owners and the Board of Members for their decisions.

They are not allowed to cast votes in case the matters to be voted conflict with their benefits.

5. Implement decisions of owners and resolutions and decisions of the Board of Members.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. Exercise other rights and perform other obligations under the law and the credit institution’s charter.

Section 5. CREDIT INSTITUTION THAT IS A LIMITED LIABILITY COMPANY WITH TWO OR MORE MEMBERS

Article 77. Rights and obligations of a capital contributor

1. A capital contributor of a credit institution that is a limited liability company with two or more members shall be juridical person. The total number of capital contributors shall not exceed 05. The maximum permissible holdings of a capital contributor or a capital contributor and his/her related persons shall not exceed 50% of charter capital of the credit institution.

Capital contribution and holdings of domestic and foreign institutions at microfinance institutions shall comply with regulations of the Governor of the State Bank.

2. The capital contributor has the following rights:

a) Appoint his/her representative to act as a member of the Board of Members or the Board of Controllers and dismiss such representative on the basis of his/her stakes in the credit institution or as agreed by capital contributors;

b) Be provided with information and reports on operations of the Board of Members and Board of Controllers, annual accounting books and financial statements and other data and documents of the credit institution;

c) Receive shared profits in proportion to his/her stakes after the credit institution has fulfilled tax and other financial obligations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Lodge complaints and initiate lawsuits against members of the Board of Members or Board of Controllers or the Director General (Director) in case they fail to comply or fully and promptly comply with regulations of law, the charter of the credit institution, resolutions and decisions of the Board of Members with regard to the assigned rights and obligations and other cases according to law and the charter of the credit institution.

3. The capital contributor has the following obligations:

a) Be prohibited from withdrawing his/her stakes in any form;

b) Comply with the charter of the credit institution;

c) Perform other obligations under this law and the credit institution's charter.

Article 78. Transfer of stakes

1. Capital contributors may transfer their stakes and be given priority to increase their stakes by additional contribution when the credit institution increases its charter capital.

2. The Governor of State Bank shall specify conditions for receipt of stakes transferred of credit institutions.

Article 79. Board of Members of credit institution that is a limited liability company with two or more members

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The Board of Members has the following tasks and powers:

a) Have tasks and powers specified at Points a, d, dd, e, h, i, k, m and n Clause 2, Article 74 of this Law;

b) Decide increase or decrease in the charter capital, and the time and method of raising capital;

c) Ratify other contracts or transactions between the credit institution and its subsidiaries or associate companies; between the credit institution and members of the Board of Members, members of the Board of Controllers, the Director General (Director), their related persons. In this case, related members are not entitled to cast votes;

d) Report on financial status and business results of the credit institution, performance and exercise of the assigned tasks and powers of the Board of Members and its members as required by capital contributors or competent state agencies;

dd) Decide to repurchase of stakes under this Law;

e) Appoint and dismiss the Chairperson of the Board of Members; appoint, dismiss, sign and terminate contracts with the Director General (Director), Deputy General Director (Deputy Director), chief accountant, managers and other executives under its internal regulations;

g) Decide remuneration, salaries, bonuses and other benefits of the Chairperson and members of the Board of Members, the head and members of the Board of Controllers and the Director General (Director);

h) Approve annual financial statements and plans to use and distribute profits or handle losses of the credit institution;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



k) Decide reorganization, dissolution of, or request the Court to establish bankruptcy procedures for the credit institution;

l) Issue annual development strategies and business plans of the credit institution;

m) Exercise other rights and perform other obligations under the law and the credit institution’s charter.

3. The Chairperson of the Board of Members has the following rights and obligations:

a) Have rights and obligations specified at Clauses 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 and 8 Article 75 of this Law;

b) On an annual basis, assess performance of tasks by each member and committees of the Board of Members;

c) Exercise other rights and perform other obligations under the law and the credit institution’s charter.

4. Members of the Board of Members have the following rights and obligations:

a) Have rights and obligations specified at Clauses 1, 2 and 3 Article 76 of this Law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



They are not allowed to cast votes in case the matters to be voted conflict with their benefits.

c) Implement resolutions and decisions of the Board of Members;

d) Explain the performance of their assigned tasks to capital contributors and the Board of Members upon request.

dd) Exercise other rights and perform other obligations under the law and the credit institution’s charter.

Section 6. CREDIT INSTITUTION THAT IS COOPERATIVE

Article 80. Operation characteristics and objectives

A credit institution considered as a cooperative means a credit institution which is organized in a cooperative form and operates in the banking sector with a view to providing mutual assistance among members for effective performance of production, business and service activities and improvement of their life. Credit institutions that are cooperatives include cooperative banks and people's credit funds.

Article 81. Members of credit institutions that are cooperatives

1. Members of a cooperative bank include all people's credit funds and other capital-contributing juridical persons.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 82. Organizational structure of credit institution that is cooperative

1. The organizational structure of a cooperative bank or people's credit fund is composed of the General Meeting of Members, Board of Directors, Board of Controllers and Director General (Director).

2. Each cooperative bank or people's credit fund shall have an internal audit department and an internal control system and conduct independent audit under regulations of the Governor of State Bank.

Article 83. Charter capital

1. Charter capital of a cooperative bank includes:

a) Capital contributed by members;

b) Capital supported by the State.

2. Charter capital of a people's credit fund includes capital contributed by its members

3. The charter capital of a cooperative bank or people's credit fund is raised from the following sources:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) With regard to the cooperative bank, capital supported by the State;

c) Additional reserve fund of charter capital and other funds according to regulations of law;

d) Other lawful sources.

4. The amount of capital contributed by each member shall be decided by the General Meeting of Members according to regulations of the Governor of State Bank.

Article 84. Rights of members

1. Attend the General Meeting of Members or elect delegates to attend the General Meeting of Members, and vote on matters within the jurisdiction of the General Meeting of Members.

2. Stand as candidates or nominate other persons to the Board of Directors or Board of Controllers and other titles under the charter of the cooperative bank and the charter of the people's credit fund.

3. Make deposits, take loans and receive shared profits in proportion to their stakes and the use of services.

4. Enjoy social welfare benefits of the cooperative bank and people's credit fund.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Recommend, request the Board of Directors, Director General (Director), the Board of Controllers to explain operations.

7. Request the Board of Directors or Board of Controllers to convene the extraordinary General Meeting of Members.

8. Transfer their stakes, benefits and obligations to others according to regulations of the Governor of State Bank.

9. Have part or entire amount of their stakes returned as prescribed in regulations of the Governor of the State Bank;

10. Leave the people's credit fund in accordance with the charter of the people's credit fund; members that are capital-contributing juridical persons are entitled to leave the cooperative bank in accordance with the cooperative bank's charter.

11. Exercise other rights under the law, the charter of the cooperative bank and the charter of the people's credit fund.

Article 85. Obligations of members

1. Comply with guidelines, objectives, charters and internal regulations of the cooperative bank and the people's credit fund, resolutions and decisions of the GMM and the Board of Directors.

2. Make capital contributions in full and on schedule as promised in the charter of the cooperative bank, the charter of the people's credit fund and other relevant laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Assume liability for debts and other financial obligations of the cooperative bank, the people's credit fund which is equal to their stakes in the cooperative bank or the people's credit fund;

5. Repay loan principals and interests of the cooperative bank, people's credit fund as committed.

6. Make compensation for damage caused to the cooperative bank, the people's credit fund in accordance with regulations of law, the charter of the cooperative bank and the charter of the people's credit fund.

7. Be responsible for, when acting in the name of the cooperative bank or the people's credit fund in any form, any violation they have committed or business activities and other transactions they have conducted for self-seeking purposes or for the interests of other institutions or individuals;

8. Fulfill other obligations defined by the law, the charter of the cooperative bank and the charter of the people's credit fund.

Article 86. General Meeting of Members

1. The General Meeting of Members is the supreme decision-making body of a cooperative bank or people's credit fund.

2. The General Meeting of Members shall be held in the form of a plenary meeting or delegate meeting. If the General Meeting of Members is held in the form of a delegate meeting, the number of delegates attending the delegate meeting shall comply with the charter of the cooperative bank, the charter of the people's credit fund. The number of delegates shall not be fewer than 100 delegates.

3. The Board of Members has the following tasks and powers:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Approve and amend the charter of the cooperative bank, the charter of the people's credit fund;

c) Approve regulations on organization and operation of the Board of Directors and Board of Controllers of the cooperative bank, the people's credit fund;

d) Ratify reports of the Board of Directors and Board of Controllers on performance of their assigned tasks and powers;

dd) Approve annual financial statements and plans for distribution of profits after fulfillment of tax and other financial obligations and settlement of losses;

e) Approve annual business plans and plans to develop members; amount of capital contributed by members;

g) Approve plan to change charter capital, except for the case where the change in the charter capital results from the change in capital contributed by members;

h) Approve the number of members of the Board of Directors and number of members of the Board of Controllers in each term of office; appoint and dismiss the Chairperson and members of the Board of Directors, the Head and members of the Board of Controllers; approve the case where a person concurrently holds the position of member of the Board of Directors and Director or the hire of Director of the people's credit fund;

i) Approve the transactions involving investment, purchase or sale of fixed assets of the cooperative bank or people's credit fund in which the investment, estimated purchasing price or historical cost, in case of sale of fixed asset, is at least 20% of its charter capital written in its latest financial statements which have been duly audited or latest financial statements in case where the people's credit fund is not required to conduct audit (or a smaller percentage specified in the charter of the cooperative bank or people's credit fund);

k) Decide solutions to major financial changes of the cooperative bank or people's credit fund.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



m) Consider handling violations that are committed by the Board of Directors or Board of Controllers and cause damage to the cooperative bank or people's credit fund and their members within its jurisdiction;

n) Decide organizational structure of the cooperative bank, the people's credit fund;

o) Decide exclusion of members that are capital-contributing juridical persons of the cooperative bank, members of the people's credit fund;

p) Voluntarily dissolve, divide, separate, amalgamate or merge the cooperative bank or the people's credit fund;

q) Decide selection of independent audit institutions according to regulations in Clause 2 Article 82 of this Law;

r) Other contents proposed by the Board of Directors, Board of Controllers or at least one third of total members;

s) Other tasks and obligations defined by the law, the charter of the cooperative bank or the charter of the people's credit fund.

Article 87. Board of Directors of a credit institution that is a cooperative

1. The Board of Directors is a body which administers a cooperative bank or people's credit fund and is composed of the Chairperson and other members.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The term of office of the Board of Directors shall be decided by the General Meeting of Members and indicated in the charter. The term of office of the Board of Directors shall not exceed 05 years. The term of office of an added or replaced member of the Board of Directors is the remaining term of the Board of Directors. The Board of Directors of the previous term shall continue to operate until the Board of Directors of the new term takes over its work.

The number of terms of office of the Chairperson of the Board of Directors of the people’s credit fund shall comply with regulations of the Governor of the State Bank.

4. Members of the Board of Directors shall be individual members or representative of stakes of judicial persons

5. The Board of Directors of the cooperative bank shall have an assistance department. The assistance department's functions and tasks shall be specified by the Board of Directors.

6. The Chairperson and members of the Board of Directors shall not authorize persons who are not members of the Board of Directors to perform their rights and obligations.

7. The Board of Directors shall use seal of the cooperative bank or people’s credit fund to perform its tasks and powers.

Article 88. Tasks and powers of Board of Directors of a credit institution that is a cooperative

1. Submit contents to the General Meeting of Members for consideration and approval within jurisdiction the General Meeting of Members.

2. Organize the implementation of resolutions or decisions of the General Meeting of Members. Report on business results of the cooperative bank or people’s credit fund to the General Meeting of Members. Be responsible to the General Meeting of Members for performance of the assigned tasks and powers under this law, the charter of the cooperative bank, the charter of the people's credit fund.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Approve the transactions involving investment, purchase or sale of fixed assets of the cooperative bank or people's credit fund in which the investment, estimated purchasing price or historical cost, in case of sale of fixed asset, is from 10% to less than 20% of its charter capital written in its latest financial statements which have been duly audited or latest financial statements in case where the people's credit fund is not required to conduct audit (or a smaller percentage specified in the charter of the cooperative bank or people's credit fund);

5. Ratify other contracts or transactions between the cooperative bank or people's credit fund and members of the Board of Directors, members of the Board of Controllers, the Director General (Director), their related persons. In this case, relevant members of the Board of Directors are not entitled to cast votes.

6. Appoint, dismiss, discipline, suspend and decide salaries, bonuses and other benefits paid to and provided for the General Director (Director), Deputy General Director (Deputy Director), and other executives within its jurisdiction according to internal regulations of the Board of Directors and the law.

7. Prepare agendas of the General Meeting of Members and convene the General Meeting of Members.

8. Admit new members, consider withdrawal of capital-contributing juridical persons from the cooperative bank or members from the people’s credit fund and report to the General Meeting of Members at the latest meeting of the General Meeting of Members.

9. Examine, supervise and direct the Director General (Director) to perform his/ her assigned tasks; annually assess performance of tasks by the Director General (Director).

10. Issue internal regulations on organization, governance and operation of the cooperative bank, people's credit fund in accordance with this Law and other relevant laws, except for matters within the jurisdiction of General Meeting of Members.

11. Supervise implementation of risk prevention measures by the cooperative bank or people’s credit fund.

12. Perform other tasks and powers defined by the law, the charter of the cooperative bank or the charter of the people's credit fund.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Formulate working programs and plans of the Board of Directors; take responsibility for performance of his/her rights and obligations.

2. Convene and chair meetings of the Board of Directors.

3. Chair meetings of the General Meeting of Members.

4. Assign specific tasks to each member of the Board of Directors.

5. Supervise members of the Board of Directors performing their assigned tasks, rights and obligations.

6. Ensure that all members of the Board of Directors receive adequate, objective and accurate information and have sufficient time to discuss contents to be considered by the Board of Directors.

7. Be responsible to the Board of Directors and the General Meeting of Members for performance of the assigned tasks;

8. On behalf of the Board of Directors, sign resolutions and decisions of the Board of Directors.

9. Authorize another member of the Board of Directors to perform his/her tasks only when he/she is absent or cannot perform these tasks.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 90. Rights and obligations of members of Board of Directors of a credit institution that is a cooperative

1. Honestly and carefully exercise their rights and perform their obligations in accordance with internal regulations of the Board of Directors and as assigned by the Chairperson of the Board of Directors for the interests of the cooperative bank or people’s credit fund and members; be responsible for performance of their rights and obligations.

2. Examine financial statements and auditors' reports on financial statements; give opinions on or request executives of the cooperative bank, the people's credit fund, independent auditors and internal auditors to explain matters related to these reports and statements.

3. Request the Chairperson of the Board of Directors to convene extraordinary meetings of the Board of Directors.

4. Attend meetings of the Board of Directors, discuss and vote on matters within the tasks and powers of the Board of Directors, and assume responsibilities to the General Meeting of Members and the Board of Directors for their decisions.

If the matters conflict with their benefits, they are not allowed to cast votes.

5. Implement resolutions and decisions of the General Meeting of Members and the Board of Directors.

6. Explain the performance of their assigned tasks to the General Meeting of Members and Board of Directors upon request.

7. Exercise other rights and obligations defined by the law, the charter of the cooperative bank or the charter of the people's credit fund.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Board of Controllers of a cooperative bank is composed of at least 3 members. The number of members of the Board of Controllers of a people’s credit fund shall be consistent with its operational scale and conformable to regulations of the Governor of the State Bank.

2. The Board of Controllers shall have an assistance department and an internal audit division to perform its tasks.

3. Members of the Board of Controllers of the cooperative bank shall be representatives of stakes of members that are people's credit funds and individuals nominated by capital-contributing juridical persons. Members of the Board of Controllers of the people’s credit fund shall be individual members or representatives of stakes of juridical persons of the people’s credit fund. In case the number of members of the Board of Controllers is less than the minimum number of members according to Clause 1 of this Article, within 90 days from the date on which the minimum number of members is insufficient, the cooperative bank or people’s credit fund shall elect and add members to the Board of Controllers in order to ensure that the minimum number of members is sufficient, except for the case specified in Clause 5 Article 166 of this Law.

4. The term of office of the Board of Controllers shall be the same as that of the Board of Directors. A member of the Board of Controllers shall have the same term of office as the Board of Controllers. The office term of an added or replaced member of the Board of Controllers is the remaining term of the Board of Controllers. The Board of Controllers of the previous term shall continue to operate until the Board of Controllers of the new term takes over its work

The number of terms of office of the Chairperson of the Board of Controllers of the people’s credit fund shall comply with regulations of the Governor of the State Bank.

Article 92. Tasks and powers of Board of Controllers of a credit institution that is a cooperative

1. Supervise administration and management by the cooperative bank or the people’s credit fund of the observance of law, the charter of the cooperative bank, the charter of the people’s credit fund, resolutions and decisions of General Meeting of Members and the Board of Directors; be responsible to the General Meeting of Members for the performance of its assigned tasks and powers according to regulations of this Law, the charter of the cooperative bank, the charter of the people’s credit fund.

2. Issue internal regulations of the Board of Controllers; review internal regulations of the Board of Controllers and those of the cooperative bank, the people’s credit fund on accounting and report every year.

3. Appraise annual financial statements of the cooperative bank, the people’s credit fund; report to the General Meeting of Members on results of appraisal of financial statements; assess reasonability, lawfulness, truthfulness and prudence upon performance of tasks in accounting and statistics and formulation of financial statements. The Board of Controllers may consult the Board of Directors before submitting statements and recommendations to the General Meeting of Members.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Conduct internal audit; get access to and be fully, accurately and promptly provided with information and documents related to administration and management of the cooperative bank, the people's credit fund; be entitled to use resources of the cooperative bank, the people's credit fund to perform the assigned tasks and powers; hire experts, independent consultancy units and external organizations to perform its tasks and take responsibility for performance of tasks of the Board of Controllers.

6. Promptly notify the Board of Directors when detecting that managers or executives of the cooperative bank or people's credit fund commit violations against regulations of law, charter and internal regulations of the cooperative bank or people's credit fund; request violators to immediately terminate their violations and adopt remedial measures (if any).

7. Convene the extraordinary General Meeting of Members according to regulations of law.

8. Notify the Board of Directors of and report to the General Meeting of Members and the State Bank on, control results; request the Board of Directors and Director General (Director) to take remedial actions against shortcomings and violations committed during the operation of the cooperative bank or people's credit fund.

9. Appoint, dismiss, discipline, suspend and decide salaries and other benefits paid to and provided for holders of titles of the internal audit department.

10. Receive and consider proposals concerning the cooperative bank or the people's credit fund within its jurisdiction or submit them to the Board of Directors or the General Meeting of Members for consideration.

11. The Head of the Board of Controllers may attend but not vote at meetings of the Board of Directors; require the inclusion of his/her opinions in minutes of meetings of the Board of Directors if these opinions differ from resolutions and decisions of the Board of Directors and report to the General Meeting of Members.

12. Perform other tasks and powers defined by the law, the charter of the cooperative bank or the charter of the people's credit fund.

Article 93. Rights and obligations of Chairperson of Board of Controllers of a credit institution that is a cooperative

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Convene and chair meetings of the Board of Controllers.

3. On behalf of the Board of Controllers, sign documents under the jurisdiction of the Board of Controllers.

4. Prepare working plans for and assign specific tasks to members of the Board of Controllers.

5. Ensure that members of the Board of Controllers receive information in a complete, objective and accurate manner and have enough time to discuss matters to be considered by the Board of Controllers.

6. Supervise and direct members of the Board of Controllers to perform their tasks and execute their rights and obligations.

7. Authorize another member of the Board of Controllers to perform his/her tasks only when he/she is absent or cannot perform these tasks.

8. Exercise other rights and obligations defined by the law, the charter of the cooperative bank or the charter of the people's credit fund.

Article 94. Rights and obligations of members of Board of Controllers of a credit institution that is a cooperative

1. Honestly and carefully comply with the law, the charter of the cooperative bank, the charter of the people’s credit fund and internal regulations of the Board of Controllers for the interests of the cooperative bank, the people’s credit fund and their members; be responsible for performance of their rights and obligations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Control business activities, accounting books, assets and financial statements and recommend remedial measures.

4. Request managers, executives and employees of the cooperative bank, the people’s credit fund to provide statistics and explain business operations in order to perform the assigned tasks.

5. Report financial activities that are abnormal to the Head of the Board of Controllers and take responsibilities for their own assessment and conclusions.

6. Attend meetings of the Board of Controllers, discuss and vote on matters within the scope of tasks and powers of the Board of Controllers, except for those that conflict with their interests.

7. Exercise other rights and obligations defined by the law, the charter of the cooperative bank or the charter of the people's credit fund.

Article 95. Director General (Director) of a credit institution that is a cooperative

1. The Board of Directors shall appoint Director General (Director) of a cooperative bank or people’s credit fund. The term of office of the Director General (Director) shall not exceed 05 years.

2. The Director General (Director) is the supreme executive who administers daily activities of the cooperative bank or people's credit fund; he/she shall be supervised by, take responsibility to the Board of Directors and the law for performance of the assigned tasks and powers.

3. If the Director General (Director) is vacant, the Board of Directors shall appoint a person to act as Director General (Director) within 90 days from the date on which the Director General (Director) is vacant.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Submit contents to the Board of Directors within its jurisdiction.

2. Organize the implementation of resolutions and decisions of the General Meeting of Members and the Board of Directors.

3. Conduct business plans; decide matters related to day-to-day business operations of the cooperative bank or people's credit fund under his/her jurisdiction.

4. Set up the internal control system and maintain its effective operation.

5. Make and submit financial statements to the Board of Directors for approval or to report to the competent authority for approval. Take responsibility for the accuracy and truthfulness of financial statements, statistical reports, settlement statistics and other financial information.

6. Issue within his/her jurisdiction internal rules and regulations; establish professional procedures to operate business administration and management and information systems.

7. Report business operations conducted by the cooperative bank or people’s credit fund and results of such operations to the Board of Directors, Board of Controllers, General Meeting of Members and competent state agencies.

8. Make decisions to apply measures beyond his/her jurisdiction in cases of natural disasters, enemy sabotage, fires and incidents, take responsibility for these decisions and promptly report them to the Board of Directors.

9. Request the Board of Directors to convene extraordinary meetings.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



11. In the name of the cooperative bank or people’s credit fund, sign contracts and transactions according to the charter and internal regulations of the cooperative bank or people’s credit fund.

12. Propose plans to use profits and handle losses on business of the cooperative bank or people’s credit fund.

13. Recruit employees; decide salaries and bonuses of employees within his/her jurisdiction.

14. Exercise other rights and obligations defined by the law, the charter of the cooperative bank or the charter of the people's credit fund.

Section 7. FOREIGN BANK’S BRANCH

Article 97. Organizational structure of foreign bank’s branch

1. Organizational structure of a foreign bank’s branch shall be decided by the foreign bank and conformable with regulations of this Law on administration, regulations in Article 57 and Article 59 of this Law on internal audit and control systems; the internal audit shall comply with regulations of the foreign bank.

2. If a foreign bank has two or more branches operating in Vietnam and does accounting and reporting for all of them, the foreign bank shall authorize the Director General (Director) of a branch to take responsibility to law for all operations of foreign bank branches in Vietnam.

Article 98. Director General (Director) of foreign bank’s branch

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The Director General (Director) of the foreign bank's branch shall not currently act as the head of a representative office of the foreign bank in Vietnam, manager or executive of another credit institution or business organization.

3. The Director General (Director) of the foreign bank's branch shall meet all criteria and requirements specified in Clause 4 Article 41 of this Law. A person to be appointed as General Director (or Director) of the foreign bank’s branch shall obtain written approval from the State Bank before he/she is appointed.

Documents on and procedures for approval of the person to be appointed as General Director (or Director) of the foreign bank’s branch and notification of the appointed person shall comply with regulations in Clause 2 and Clause 3 Article 44 of this Law.

Chapter V

OPERATIONS OF CREDIT INSTITUTIONS AND FOREIGN BANK BRANCHES

Section 1. GENERAL PROVISIONS ON OPERATIONS OF CREDIT INSTITUTIONS

Article 99. Permissible operations of credit institutions

1. Banking operations and other business activities of each credit institution shall be indicated in the license issued to such credit institution.

2. Banking operations of credit institutions specified in this Law shall comply with regulations issued by the Governor of the State Bank.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Credit institutions may fix and shall publicize deposit interest rates and service charges in their business activities.

2. Credit institutions and their clients may agree on interest rates and credit extension charges to be applied to their banking operations according to the law on credit institutions.

3. If banking operations experience abnormal developments, in order to ensure safety for the credit institution system, the Governor of the State Bank shall provide for a mechanism for determining charges and interest rates applicable to business activities of credit institutions.

Article 101. Internal regulations

1. Pursuant to this Law, regulations of the Governor of State Bank and other relevant laws, credit institutions shall formulate and issue internal regulations on their professional operations, including professional operations performed by electronic means, thereby ensuring the availability of internal control and audit and risk management mechanisms in association with each business activity and plans to tackle cases of emergency.

2. Each credit institution shall issue internal regulations on the following contents:

a) Credit extension and management of credit extension;

b) Classification of assets, establishment and use of provisions for risks’

c) Assessment of quality of assets and observance of minimum capital adequacy ratios;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Internal control and audit in conformity with the nature and scale of the credit institution;

e) Internal credit rating system in case where the credit institution shall build an internal credit rating system according to regulations of the law on credit institutions;

g) Administration of risks arising from its operations;

h) Anti-money laundering;

i) Plans to tackle cases of emergency.

3. Credit institutions shall send internal regulations specified in Clause 2 of this Article to the State Bank within 10 days from the date of issuance.

Article 102. Consideration and approval for credit extension, and inspection of use of loans and financial lease assets

1. Credit institutions shall request clients to provide data and documents proving the feasibility of their capital use plans, their financial capability and the lawfulness of capital use before deciding credit extension, except for the case specified in Clause 2 of this Article.

2. Credit institutions shall obtain at least information about the lawful capital use purposes and financial capability of clients before deciding credit extension for the following small-value credit extensions:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Financial leases, consumption loans and credit extensions via cards of non-bank credit institutions;

c) Personal loans of people’s credit funds;

d) Loans of microfinance institutions.

3. Clients shall provide information, documents and data as specified in Clauses 1 and 2 of this Article and information about related persons for credit institutions upon application for credit extension.

4. Credit institutions shall consider approving credit extension on the principle of assignment of responsibilities in the assessment and decision-making stages.

5. Credit institutions are entitled and obliged to inspect and supervise the use of loans and financial lease assets and debt repayment by their clients specified in Clause 1 of this Article; are entitled to request loan borrowers and financial lessees to report the use of loans and financial lease assets and provide documents and data proving that such loans and financial lease assets are used for the intended purposes.

6. Clients are obliged to use loans and financial lease assets for the proper purposes as committed, and make full and punctual payment of principals, interests and charges as agreed upon.

7. Credit institutions and clients shall agree on application or non-application of security measures to credit extension.

8. The Governor of State Bank shall prescribe the small value of credit extensions, the inspection and supervision of use of loans and financial lease assets and the repayment of debts by clients specified in Clause 2 of this Article; the identification of clients who must provide information about related persons and information to be provided for credit institutions upon application for credit extension, and consideration and approval for credit extension by electronic means.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Credit institutions are entitled to terminate credit extension and collect debts prior to the due date when detecting that clients have provided false information or violated credit extension contracts and agreements, security contracts.

2. In case where the parties have no any other agreement, a credit institution is entitled to settle debts and collateral according to the credit extension contract or agreement, or security contract and regulations of law. The rescheduling, sale and purchase of debts by credit institutions shall comply with regulations issued by the Governor of the State Bank.

3. In case a borrower or its/his/her guarantor cannot pay a debt due to bankruptcy, the credit institution shall collect the debt under the bankruptcy law.

4. Credit institutions are entitled to decide exemption or reduction in interest rates and charges for clients in accordance with their internal regulations.

Article 104. Retention of credit records

1. Credit institutions shall retain credit records, including:

a) Data and documents on application for credit extension;

b) Documents and data on appraisal and decision on credit extension;

c) Credit extension contracts or agreements; dossiers on security measures in case where security measures are applied;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The duration of retention of credit records shall comply with regulations of the law on retention.

Article 105. E-transactions in operations of credit institutions

Credit institutions may carry out operations through electronic means in accordance with regulations of the Governor of State Bank and the law on e-transactions.

Article 106. Regulatory sandbox in banking sector

1. Regulatory sandbox in banking sector means an environment that allows experiments on technologies, products, services and business models in banking sector with limited scale, space and duration of implementation; institutions participating in the regulatory sandbox shall satisfy conditions and criteria for approval of participants and be subject to supervision by competent state agencies.

2. The Government shall elaborate this Article.

Section 2. OPERATIONS OF COMMERCIAL BANKS

Article 107. Banking operations of commercial banks

1. Receiving demand deposits, term deposits, savings deposits and deposits of other types.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Extending credit by:

a) Lending;

b) Discounting or re-discounting;

c) Bank guarantee;

d) Issuance of credit cards;

dd) Domestic or international factoring for banks licensed for international payment;

e) Letter of credit;

g) Other forms of credit extension according to regulations of the Governor of the State Bank;

4. Opening payment accounts for clients.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Supplying the following A2A payment services:

a) Domestic payment services, including check, payment order, collection order, money transfer, bank card, and collection and payment services;

b) International payment services after obtainment of the State Bank's approval and other payment services according to regulations of the Governor of State Bank.

Article 108. Borrowing, depositing money, purchasing and selling valuable papers by commercial banks

1. Commercial banks may borrow loans from the State Bank in the form of re-financing under the Law on State Bank of Vietnam.

2. Commercial banks may purchase or sell valuable papers from/to the State Bank under the Law on State Bank of Vietnam.

3. Commercial banks may grant and borrow loans, make and receive deposits, purchase and sell valuable papers on a definite term from/to credit institutions and foreign bank branches in accordance with regulations of the Governor of the State Bank.

4. Commercial banks may borrow loans from foreign countries in accordance with regulations of law.

Article 109. Opening accounts

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. A commercial bank may open a payment account at a credit institution that may provide via-account payment services.

3. A commercial bank may open an offshore payment account in accordance with the law on foreign exchange.

Article 110. Organization of and participation in payment systems

1. Commercial banks may organize their internal payment systems and participate in the national inter-bank payment system.

2. Commercial banks may participate in international payment systems if they meet conditions under regulations of the Government and obtain the written approval from the State Bank.

3. The Governor of the State Bank shall elaborate documents on and procedures for approving of commercial banks participating in international payment systems.

Article 111. Capital contribution and share purchase

1. Each commercial bank may only use its charter capital and reserve fund to contribute capital or purchase shares under Clauses 2, 3, 4 and 8 of this Article.

2. Commercial banks shall establish or acquire subsidiaries or associate companies to conduct the following business activities:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Financial leasing;

c) Insurance.

3. Commercial banks may establish or acquire subsidiaries or associate companies operating in fields, including management of debts and utilization of assets, remittance, gold trade, factoring, and issuance of credit cards, consumer credit, intermediary payment services and credit information.

4. Commercial banks may contribute capital to, or purchase shares from, enterprises operating in the following fields:

a) Insurance, securities, remittance, gold trade, factoring, issuance of credit cards, consumer credit, intermediary payment services and credit information;

b) Other fields other than those specified at Point a of this Clause after obtainment of the written approval from the State Bank.

5. Commercial banks shall establish or acquire subsidiaries or associate companies according to regulations in Clause 2 and Clause 3 of this Article after obtaining written approval from the State Bank.

6. The Governor of State Bank shall provide for requirements, documents, and procedures for approval for establishment and acquisition of subsidiaries or associate companies, capital contribution and share purchase by commercial banks; conditions for increase in capital at subsidiaries or associate companies of commercial banks; operations of subsidiaries or associate companies of commercial banks in the fields of management of debts and utilization of assets.

7. Commercial banks shall establish subsidiaries or associate companies according to regulations of this Law and other relevant laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 112. Foreign exchange trade and provision of foreign exchange services and derivative products

1. After obtaining the State Bank's written approval, commercial banks may trade and provide domestic and foreign clients with the following products and services:

a) Foreign exchange;

b) Derivatives regarding interest rates, foreign exchange, currency and other financial products.

2. The Governor of State Bank shall provide for the scope of foreign exchange trade, provision of foreign exchange services, trade and provision of derivative products; conditions, documents and procedures for approval for foreign exchange trade, provision of foreign exchange services, and trade and provision of derivative products by commercial banks.

3. Foreign exchange trade and provision of foreign exchange services by commercial banks for clients shall comply with the law on foreign exchange.

Article 113. Entrustment and agents, assignment of agents

1. Commercial banks are entitled to entrust, undertake entrustment or act as agents in banking operations, or assign agents to make payment in accordance with regulations of the Governor of State Bank.

2. Commercial banks may carry out insurance agency activities in accordance with the law on insurance business within the scope of insurance agency activities as specified by the Governor of State Bank.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Commercial banks may carry out other business activities in accordance with regulations of the Governor of State Bank. To be specific:

a) Cash management, treasury services provided for credit institutions and foreign bank branches, asset management and preservation and leasing of security cabinets and safes.

b) Money transfer, collection, payment and other payment services without accounts;

c) Purchase and sale of the State Bank’s bills and corporate bonds; purchase and sale of other valuable papers, except for the valuable papers specified at Point a, Clause 2 of this Article;

d) Monetary brokerage services;

dd) Gold trade;

e) Other services related to factoring and letters of credit;

g) Consultancy on banking operations and other business activities specified in licenses.

2. Commercial banks may carry out other business activities in accordance with regulations of relevant laws. To be specific:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Issuing bonds;

c) Conducting securities depository activities;

d) Carrying out supervisory bank activities;

dd) Acting as agents that manage collateral of lenders which are international financial institutions, foreign credit institutions, credit institutions, foreign bank branches.

3. Commercial banks are entitled to carry out other business activities related to banking operations other than those specified in Clause 1 and Clause 2 of this Article according to regulations of the Governor of the State Bank and other relevant laws.

Section 3. OPERATIONS OF GENERAL FINANCE COMPANIES

Article 115. Banking operations of general finance companies

1. Receipt of demand deposits and term deposits of organizations/institutions.

2. Issuance of deposit certificates with a view to raising capital from organizations/ institutions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Bank guarantee.

5. Discounting or re-discounting.

6. Issuance of credit cards, factoring, financial leasing.

7. Other forms of credit extension according to regulations of the Governor of the State Bank.

Article 116. Borrowing and depositing money, purchasing and selling valuable papers by general finance companies

1. General finance companies may borrow loans from the State Bank in the form of re-financing under the Law on State Bank of Vietnam.

2. General finance companies may purchase and sell valuable papers from/to the State Bank under the Law on State Bank of Vietnam.

3. General finance companies may grant and borrow loans, make and receive deposits, purchase and sell valuable papers on a definite term from/to credit institutions and foreign bank branches in accordance with regulations of the Governor of the State Bank.

4. General finance companies may borrow loans from foreign countries in accordance with regulations of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. A general finance company involved in deposit receipt shall open a payment account at the State Bank and maintain a compulsory reserve amount on this account.

2. A general finance company may open a payment account at a commercial bank or a foreign bank’s branch.

3. A general finance company licensed to issue credit cards may open an account at a foreign bank under the law on foreign exchange.

4. A general finance company may open deposit accounts and loan management accounts and provide such accounts for clients.

Article 118. Capital contribution and share purchase

1. General finance companies may only use their charter capital and reserve funds to contribute capital or purchase shares under Clauses 2 and 3 of this Article.

2. General finance companies may only contribute capital to or purchase shares of enterprises and investment funds.

3. General finance companies may only establish or acquire subsidiaries or associate companies operating in fields, including insurance, securities, debt management and asset utilization, after obtaining written approval from the State Bank.

4. The Governor of State Bank shall provide for requirements, documents and procedures for approval for establishment and acquisition of subsidiaries or associate companies by general finance companies; conditions for increase in capital at subsidiaries or associate companies of general finance companies; operations of subsidiaries or associate companies of general finance companies in the fields of management of debts and utilization of assets.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 119. Other business activities of general finance companies

1. General finance companies may carry out other business activities in accordance with regulations of the Governor of State Bank. To be specific:

a) Receiving capital under entrustment by organizations and individuals for permissible credit extension; entrusting capital to other credit institutions for credit extension of such general finance companies;

b) Purchasing and selling the State Bank’s bills and corporate bonds; purchasing and selling other valuable papers, except for the valuable papers specified at Point a, Clause 2 of this Article;

c) Trading foreign exchange and providing foreign exchange services;

d) Providing asset preservation services for clients;

dd) Other services related to factoring;

e) Giving advice on banking operations and other business activities specified in licenses.

2. General finance companies may carry out other business activities in accordance with regulations of relevant laws. To be specific:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Issuing bonds to raise capital from organizations/institutions;

c) Acting as insurance agents in accordance with the law on insurance business within the scope of insurance agency activities as specified by the Governor of State Bank.

3. General finance companies are entitled to carry out other business activities related to banking operations other than those specified in Clause 1 and Clause 2 of this Article according to regulations of the Governor of the State Bank and other relevant laws.

Section 4. OPERATIONS OF SPECIALIZED FINANCE COMPANIES

Article 120. Banking operations of specialized finance companies

1. Factoring finance companies may carry out the following banking operations:

a) Factoring;

b) Banking operations specified in Clauses 1, 2, 3, 5 and 7, Article 115 of this Law.

2. Consumer credit finance companies may carry out the following banking operations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Banking operations specified in Clauses 1, 2, 3, 5 and 7, Article 115 of this Law.

3. Financial leasing companies may carry out the following banking operations:

a) Financial leasing;

b) Banking operations specified in Clauses 1, 2, 3 and 7, Article 115 of this Law;

c) Purchasing and subleasing in the form of financial leasing.

4. Financial leasing means extension of medium- or long-term credit under a financial leasing contract and must satisfy one of the following conditions:

a) Upon the termination of the lease term under contract, the lessee is entitled to ownership right over the leased asset or continue the asset lease as agreed upon by the two parties;

b) Upon the termination of the lease term under contract, the lessee is prioritized to purchase the leased asset at a nominal price lower than the actual value of the leased asset at the time of purchase;

c) The lease term of an asset is at least equal to 60% of the time required for its depreciation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Specialized finance companies shall maintain ratio of balance of main credit extension operation to total balance of credit extension in accordance with regulations of the Governor of the State Bank.

Article 121. Borrowing loans, making deposits, purchasing and selling valuable papers by specialized finance companies

Specialized finance companies shall grant and borrow loans, make and receive deposits, purchase and sell valuable papers in accordance with Article 116 of this Law.

Article 122. Opening accounts

1. Specialized finance companies shall open accounts according to regulations in Clauses 1,2 and 4 of Article 117 of this Law.

2. Consumer credit finance companies involved in issuance of credit cards may open accounts at foreign banks in accordance with the law on foreign exchange.

Article 123. Capital contribution and share purchase

1. Specialized finance companies may only use their charter capital and reserve funds to contribute capital or purchase shares under Clauses 2 and 3 of this Article.

2. Specialized finance companies may only contribute capital to, or purchase shares from, enterprises operating the fields of management of debts and utilization of assets.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The Governor of State Bank shall provide for requirements, documents and procedures for approval for establishment and acquisition of subsidiaries or associate companies by specialized finance companies; conditions for increase in capital at subsidiaries or associate companies of specialized finance companies; operations of subsidiaries or associate companies of specialized finance companies in the fields of management of debts and utilization of assets.

5. Specialized finance companies shall establish subsidiaries or associate companies operating the fields of management of debts and utilization of assets according to regulations of this Law and other relevant laws.

Article 124. Other business activities of specialized finance companies

1. Specialized finance companies may carry out other business activities in accordance with regulations of the Governor of State Bank. To be specific:

a) Receiving capital under entrustment for permissible credit extension;

b) Entrusting capital to other credit institutions for lending and main credit extension of such specialized finance companies;

c) Purchasing and selling the State Bank's bills, deposit certificates issued by credit institutions and foreign bank branches;

d) Trading foreign exchange and providing foreign exchange services;

dd) Giving advice on banking operations and other business activities specified in licenses.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Factoring finance companies may provide other services related to factoring.

2. Specialized finance companies may carry out other business activities in accordance with regulations of relevant laws. To be specific:

a) Purchasing and selling debt instruments of the Government, government-backed bonds, and local government bonds;

b) Issuing bonds to raise capital from organizations/institutions;

c) Acting as insurance agents in accordance with the law on insurance business within the scope of insurance agency activities as specified by the Governor of State Bank.

3. Specialized finance companies are entitled to carry out other business activities related to banking operations other than those specified in Clause 1 and Clause 2 of this Article according to regulations of the Governor of the State Bank and other relevant laws.

Section 5. OPERATIONS OF CREDIT INSTITUTIONS THAT ARE COOPERATIVES

Article 125. Operations of cooperative banks

1. Cooperative banks shall carry out the following operations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Conducting some banking operations and other business activities specified in Section 2 of this Chapter;

c) Supporting development of products and services and professional training for people’s credit funds;

d) Inspecting and supervising people’s credit funds;

dd) Conducting internal audit of people’s credit funds if necessary;

e) Appointing qualified personnel to hold the titles of Chairperson of the Board of Directors, Director and other managerial and executive titles of each people’s credit fund as required by the State Bank.

2. Each cooperative bank shall manage and use the people's credit fund system safety assurance fund.

3. The Governor of State Bank shall elaborate Clause 1 of this Article and the deduction, management and use of the people's credit fund system safety assurance fund.

Article 126. Operations of people’s credit funds.

1. Receiving deposits in Vietnam Dong.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Providing money transfer, collection and payment services for their members and clients, except for opening of payment accounts for clients.

4. Conducting other business activities, including:

Receiving capital under entrustment by organizations and individuals for giving loans;

b) Acting as agents that provide payment services for cooperative banks with respect to their members and clients;

c) Borrowing loans and depositing money at cooperative banks; borrowing loans from credit institutions and foreign bank branches. People’s credit funds must not grant loans and make deposits with each other;

d) Participating in contribution of capital to cooperative banks;

dd) Opening payment accounts at the State Bank, commercial banks, cooperative banks, foreign bank branches;

e) Acting as agents in a number of fields related to banking operations and asset preservation;

g) Acting as insurance agents in accordance with the law on insurance business within the scope of insurance agency activities as specified by the Governor of State Bank;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. The Governor of the State Bank shall elaborate this Article and the area of operation of each people's credit fund in the license.

Section 6. OPERATIONS OF MICROFINANCE INSTITUTIONS

Article 127. Banking operations of microfinance institutions

1. Microfinance institutions receive deposits in Vietnam dong in the following forms:

a) Compulsory savings under their regulations;

b) Deposits of organizations and individuals, including voluntary deposits of microfinance clients, except for those for payment purposes.

2. Microfinance institutions grant loans in Vietnam dong. Microfinance institutions’ loans may be secured by compulsory savings or guaranteed by the group of depositors or loan borrowers.

3. Each microfinance institution shall maintain a ratio of the total balance of loans granted to each low-income individual/ household/micro-sized enterprise to the total loan balance; and maximum loan balance for a client.

4. The Governor of the State Bank shall elaborate this Article and the identification of clients as low-income individuals and households.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Microfinance institutions may open payment accounts at the State Bank, commercial banks and foreign bank branches.

2. Microfinance institutions must not open payment accounts for their clients.

Article 129. Borrowing loans and making deposits

1. Microfinance institutions are entitled to borrow loans from, make and receive deposits at credit institutions and foreign bank branches according to regulations of the Governor of State Bank.

2. Microfinance institutions may borrow loans from foreign countries in accordance with regulations of law.

Article 130. Other business activities of microfinance institutions

1. Other business activities of microfinance institutions:

a) Entrusting capital or receiving capital under entrustment by organizations and individuals for giving loans;

b) Acting as agents that provide payment services for banks with respect to their clients;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Acting as insurance agents in accordance with the law on insurance business within the scope of insurance agency activities as specified by the Governor of State Bank;

dd) Giving advice on banking operations and other business activities specified in licenses.

2. The Governor of the State Bank shall elaborate this Article.

Section 7. OPERATIONS OF FOREIGN BANK BRANCHES

Article 131. Operations of foreign bank branches

1. Foreign bank branches may conduct operations specified in Section 1 and Section 2 of this Chapter, except for the following operations:

a) Operations specified in Article 111 of this Law;

b) Operations not permitted to be conducted by the parent bank of foreign bank branches in the country where it is headquartered.

2. Foreign bank branches are entitled to provide some foreign exchange services in the international market for their clients in Vietnam under the law on foreign exchange.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



FOREIGN REPRESENTATIVE OFFICES

Article 132. Establishment of foreign representative offices

Foreign credit institutions and other foreign institutions engaged in banking operations are entitled to establish representative offices in provinces and central-affiliated cities in the Vietnamese territory. In each province or central- affiliated city, a foreign credit institution or another foreign institution engaged in banking operations may only establish one representative office.

Article 133. Operations of foreign representative offices

Foreign representative offices may conduct the following operations as specified in licenses.

1. Carrying out functions of liaison offices;

2. Conducting market surveys;

3. Promoting investment projects of foreign credit institutions or other foreign institutions engaged in banking operations in Vietnam;

4. Accelerating and monitoring execution of contracts, transactions and agreements signed between foreign credit institutions or other foreign institutions engaged in banking operations and Vietnamese credit institutions or enterprises, and projects funded by foreign credit institutions or other foreign institutions engaged in banking operations in Vietnam;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter VII

RESTRICTIONS ON SAFE OPERATIONS OF CREDIT INSTITUTIONS AND FOREIGN BANK BRANCHES

Article 134. Cases of ineligibility for credit extension

1. A credit institution or foreign bank’s branch must not extend credit to the following organizations and individuals:

a) Members of the Board of Directors, Board of Members or Board of Controllers, the Director General (Director), Deputy Director(s) General (Deputy Director(s)) and holders of equivalent positions under regulations of the credit institution’s charter; Director General (Director), Deputy Director(s) General (Deputy Director(s)) of the foreign bank’s branch; juridical persons that are shareholders whose stake representatives are members of the Board of Directors or Board of Controllers of the credit institution, (with regard to credit institutions that are joint-stock companies), or juridical persons that are capital contributors or owners of the credit institution, (with regard to credit institutions that are limited liability companies);

b) Parents, spouses, children and siblings of members of the Board of Directors, Board of Members or Board of Controllers, the Director General (Director), Deputy Directors General (Deputy Directors) and holders of equivalent positions under regulations of the credit institution’s charter; Director General (Director), Deputy Director(s) General (Deputy Director(s)) of the foreign bank’s branch.

2. Regulations of Clause 1 of this Article do not apply to people's credit funds and credit extension in the form of issuance of personal credit cards.

3. Each credit institution/foreign bank’s branch must not extend credit to its clients on the basis of guarantee offered by any entity specified in Clause 1 of this Article. Each credit institution/foreign bank’s branch must not offer guarantee in any form for credit extended to any entity defined in Clause 1 of this Article by another credit institution or foreign bank’s branch.

4. The credit institution must not extend credit to a securities enterprise which is its subsidiary or associate company.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. The credit institution or foreign bank’s branch must not extend credit for the purpose of capital contribution or purchase of shares of another credit institution.

7. Credit extension specified in Clauses 1, 3, 4, 5 and 6 of this Article includes purchase, hold of and investment in corporate bonds.”

Article 135. Restrictions on credit extension

1. A credit institution or foreign bank’s branch must not extend unsecured credit or concessional credit to the following entities:

a) Audit institution and auditors that are auditing the credit institution or foreign bank’s branch; the inspection decision-maker, members of inspectorate and the person supervising operations of the inspectorate that is conducting inspection at the credit institution or foreign bank’s branch;

b) Chief accountant of the credit institution or foreign bank’s branch; the Chairperson and members of the Board of Directors, the head and members of the Board of Controllers, the Director, Deputy Director of the people's credit fund;

c) Major shareholders and founding shareholders of the credit institution;

d) Enterprise in which one of the entities specified in Clause 1, Article 134 of this Law owns more than 10% of its charter capital;

dd) Any person who appraises and approves credit extension at the credit institution or foreign bank’s branch, except for the cases of credit extension in the form of issuance of personal credit cards;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The total balance of credit extension to the entities defined at Points a, b, c, d and dd, Clause 1 of this Article must not exceed 05% of the equity of the credit institution or foreign bank branch.

3. Credit extension to the entities defined in Clause 1 of this Article shall be approved by the Board of Directors or the Board of Members of the credit institution. Credit extension to the entities specified in point dd Clause 1 of this Article shall comply with regulations of the Governor of State Bank. Credit extension shall be publicized within the credit institution or foreign bank’s branch.

4. The total balance of credit extension to an entity defined at Point e Clause 1 of this Article must not exceed 10% of the equity of the credit institution; the total balance of credit extension to all entities defined at Point e Clause 1 of this Article must not exceed 15% of the equity of the credit institution.

5. The total balance of credit extension mentioned in Clause 2 of this Article includes purchase, hold of and investments in corporate bonds issued by the entities specified in Point a, Point c and Point d Clause 1 of this Article; the total balance of credit extension mentioned in Clause 4 of this Article includes purchase, hold of and investments in bonds issued by the entities specified in Point e Clause 1 of this Article.

Article 136. Limits on credit extension

1. The total balance of credit extension to a single client or a single client and his/her related persons of a commercial bank, cooperative bank, foreign bank’s branch, people’s credit fund or microfinance institution must not exceed:

a) From the effective date of this Law to before January 1, 2026: 14% of its equity for a single client; 23% of its equity for a single client and his/her related persons;

b) From January 1, 2026 to before January 1, 2027: 13% of its equity for a single client; 21% of its equity for a single client and his/her related persons;

c) From January 1, 2027 to before January 1, 2028: 12% of its equity for a single client; 19% of its equity for a single client and his/her related persons;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) From January 1, 2029: 10% of its equity for a single client; 15% of its equity for a single client and his/her related persons;

2. With regard to a non-bank credit institution, the total balance of credit extension to a single client must not exceed 15% of its equity; the total balance of credit extension to a single client and his/her related persons must not exceed 25% of its equity.

3. The total balance of credit extension specified in Clause 1 or 2 of this Article excludes loans sourced from capital entrusted by the Government, organizations and individuals where the entrusted credit institutions or foreign bank branches do not bear the risk, or loans granted to borrowers that are other credit institutions or foreign bank branches.

4. The total balance of credit extension specified in Clause 1 or Clause 2 of this Article includes purchase, hold of and investments in bonds issued by the client and his/her related persons.

5. Limits on and conditions for credit extension for investment and trade in stocks and corporate bonds of credit institutions and foreign bank branches shall comply with regulations of the Governor of State Bank.

6. In case a single client and his/her related persons need capital in excess of the limits on credit extension specified in Clause 1 or 2 of this Article, the credit institution or foreign bank’s branch may extend syndicated credit under regulations of the Governor of the State Bank.

7. In special cases, for the purpose of performance of socio-economic tasks, if the financial capacity of the credit institution or foreign bank’s branch fails to meet the need of a client, the Prime Minister will consider raising the credit extension limits in case the total credit extension balance exceeds the limits mentioned in Clause 1 or Clause 2 of this Article on a case-by-case basis.

The Prime Minister shall specify the conditions, necessary documents and procedures for raising the credit extension limits in case the total credit extension balance exceeds the limits mentioned in Clause 1 or Clause 2 of this Article.

8. The total credit extended by a credit institution or foreign bank’s branch under Clause 7 of this Article must not exceed 4 times of its equity.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 137. Limits on capital contribution and share purchase

1. The capital contributed or shares purchased by a commercial bank and its subsidiaries and associate companies to or from an enterprise operating in any sector specified in Clause 4, Article 111 of this Law must not exceed 11% of the charter capital of the enterprise.

2. The total capital contributed or shares purchased by a commercial bank to or from enterprises and credit institutions, including its subsidiaries and associate companies, under regulations of Clauses 2,3,4 and 8 Article 111 of this Law must not exceed 40% of its charter capital and reserve funds.

3. The capital contributed or shares purchased by a finance company and its subsidiaries and associate companies to or from an enterprise or investment fund under Clause 2, Article 118 and Clause 2 Article 123 of this Law must not exceed 11% of the charter capital of the enterprise or investment fund.

4. The total capital contributed or shares purchased by a finance company to or from enterprises and investment funds, including its subsidiaries and associate companies, under regulations in Clause 2 and Clause 3 Article 118, Clause 2 and Clause 3 Article 123 of this Article must not exceed 40% of its charter capital and reserve fund.

5. Credit institutions and their subsidiaries must not contribute capital to, or purchase shares of, the following enterprises and credit institutions:

a) Enterprises and other credit institutions that are shareholders and capital contributors of these credit institutions;

b) Enterprises and other credit institutions that are related persons of major shareholders and capital contributors of these credit institutions;

6. The capital contribution and purchase of shares mentioned in Clause 1 and Clause 3 of this Article do not include contribution of capital to or purchase of shares by asset management companies that are subsidiaries or associate companies of the commercial bank or finance company of an enterprise under their management

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. A credit institution or foreign bank’s branch shall maintain the following safety ratios:

a) Solvency ratio;

b) Capital adequacy ratio of 08% or higher as prescribed by the Governor of State Bank from time to time;

c) Maximum foreign currency and gold status in comparison with equity;

d) Ratio of purchased, held, invested government bonds and government-backed bonds.

dd) Other safety ratios.

2. Commercial banks, cooperative banks and foreign bank branches participating in the national inter-bank payment system shall make deposits at the State Bank and hold a minimum quantity of valuable papers permitted to be used as mortgage as prescribed by the Governor of State Bank from time to time.

3. The Governor of State Bank shall specify safety ratios defined in Clause 1 of this Article for each type of credit institutions/foreign bank branches.

4. The total capital invested by a credit institution in another credit institution and its subsidiaries by capital contribution and share purchase and investments in forms of contribution of capital and purchase of shares of enterprises operating in banking, insurance and securities sectors shall be deducted from its equity when calculating safety ratios.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A credit institution must not trade in real estate, except for the following cases:

1. It purchases, invests in and owns real estate to be used as its business building and office or warehouse in direct service of its professional operations;

2. It leases out part of its business building which is not yet used;

3. It holds real estate as a result of debt treatment. Within 05 years from the date on which a decision to treat collateral that is real estate is issued, the credit institution shall sell, transfer or repurchase this real estate, In case of repurchase of real estate, the ratio of investments in fixed assets specified in Clause 3 Article 144 of this Law and use purposes specified in Article 1 of this Law shall be maintained.

Article 140. Requirements for safety in e-transactions of banking operations

Credit institutions and foreign bank branches shall ensure safety and confidentiality in e-transactions of banking operations under regulations of the Governor of State Bank and the law on e-transactions.

Article 141. Rights and obligations of a controlling company

1. Exercise its rights and perform its obligations in the capacity of a capital contributor, owner or shareholder in relation with the subsidiary or associate company under this Law and other relevant laws.

2. Make and perform contracts, transactions and other relations between the controlling company and the subsidiary or associate company in an independent and impartial manner under conditions applicable to independent legal entities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 142. Capital contribution and share purchase between subsidiaries or associate companies and controlling companies

1. A subsidiary and an associate company of a credit institution may neither contribute capital to, nor purchase shares of, such credit institution.

2. A credit institution that is a subsidiary or associate company of a controlling company must not contribute capital to and purchase shares of such controlling company or another subsidiary or associate company of the controlling company, except for the case of implementation of the approved mandatory transfer plan.

Article 143. Formulation of remedial plans expected in case of early intervention

1. A commercial bank or foreign bank’s branch shall formulate an expected remedial plan in case of early intervention.

2. The remedial plan specified in Clause 1 of this Article shall include the following main contents:

a) Information and assessment of the organizational structure and business activities of the commercial bank or foreign bank’s branch;

b) Financial status and operations of the commercial bank or foreign bank’s branch;

c) Remedial measures adopted in each case specified in Clause 1, Article 156 of this Law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The measures specified at Point c, Clause 2 of this Article shall include the following main measures:

a) Increasing charter capital, provided capital and implementation time; roadmap for reduction in holdings of shares/stakes of shareholders and capital contributors specified at Point b, Clause 1, Article 159 of this Law;

b) Improving liquidity; increasing ownership of liquid assets; selling and transferring assets, and adopting other solutions to meet safety requirements in banking operations;

c) Enhancing business efficiency;

d) Strengthening management and administration capacity;

dd) Handling existing financial problems and weaknesses, bad debts, collateral and imposing remedial measures on violations against regulations of law;

e) Taking communication and information technology measures to overcome liquidity difficulties.

4. A remedial plan specified in Clause 1 of this Article shall be approved by the General Meeting of Shareholders, the Board of Members, the owner or the owner’s representative authority of the commercial bank, the parent bank of foreign bank branches, and sent to the State Bank within 10 days from the date of approval.

5. At least every 02 years, the commercial bank and foreign bank’s branch shall update and adjust the remedial plan specified in Clause 1 of this Article. The updated and adjusted plan shall be approved by the General Meeting of Shareholders, the Board of Members, the owner or the owner’s representative authority of the commercial bank, the parent bank of foreign bank branches, and sent to the State Bank within 10 days from the date of approval.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. The remedial plan specified in this Article shall be formulated and approved before July 1, 2025 or within 1 year from the date of issuance of the commercial bank’s establishment and operation license or the foreign bank’s branch’s establishment license.

Chapter VIII

FINANCE, ACCOUNTING AND REPORT

Article 144. Capital of and capital use by credit institution and foreign bank branch

1. Capital of a credit institution or foreign bank’s branch includes the owner’s capital, raised capital and other capital as specified by the law.

2. The credit institution or foreign bank’s branch may use capital for business in accordance with this Law and other relevant laws.

3. The credit institution or foreign bank’s branch may purchase and invest in fixed assets in direct service of its operations, making sure that the remaining value of fixed assets:

a) Does not exceed 50% of its charter capital and additional reserve fund of charter capital as recorded in the accounting book with respect to a commercial bank, cooperative bank, non-bank credit institution and microfinance institution;

b) Does not exceed 100% of its charter capital and additional reserve fund of charter capital as recorded in the accounting book with respect to a people’s credit fund;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 145. Revenues and revenue recognition principles

1. Revenues from business activities of a credit institution or foreign bank’s branch include:

a) Interest income and similar incomes;

b) Income from service activities;

c) Revenues from foreign exchange and gold trade activities;

d) Revenue from securities trade, excluding stocks;

dd) Revenues from capital contribution and transfer of stakes and shares;

e) Revenues from other activities;

g) Other incomes as prescribed by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. With regard to accounts receivable which have been recorded as revenues but then are considered unrecoverable or not collected on due dates, the credit institution or foreign bank’s branch shall record them as a decrease in revenue in the same period or as expenses in another period, and monitor them in off-balance sheet to expedite the collection and settlement according to regulations of law. They shall be recorded as revenues, when collected.

4. With regard to revenues from credit extension, the credit institution or foreign bank’s branch shall be responsible for evaluating the debt recoverability and classifying debts in accordance with regulations of law to serve as the basis for accounting for interests receivable and record interests receivable from credit extension as revenues under the Government’s regulations.

Article 146. Expenses and expense determination principles

1. Expenses of a credit institution or foreign bank’s branch include:

a) Interest payments and other similar expenses;

b) Costs of service provision;

c) Payments of foreign exchange and gold trade activities;

d) Costs for trade in permissible securities according to regulations of law;

dd) Costs for capital contribution, transfer of stakes and shares;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Payments of taxes and other fees and charges;

h) Payments made to managers, executives and employees;

i) Management and administration costs;

k) Asset-related costs;

l) Contributions to loss provisions;

m) Costs for deposit preservation and insurance;

n) Other expenses.

2. Expenses of a credit institution or foreign bank’s branch are expenses actually incurred during business activities of the credit institution or foreign bank’s branch; comply with the matching principle between revenues and expenses; and must be proved by lawful invoices and receipts in accordance with regulations of law. The credit institution or foreign bank’s branch shall not record expenses which are covered by other funding sources as its expenses. Expenses shall be determined and recorded in accordance with Vietnam’s accounting standards and relevant laws.

3. Upon calculation of corporate income tax, expenses shall be determined according to regulations of the law on corporate income tax.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Each credit institution or foreign bank’s branch shall make loss provisions to settle losses on its operations. Loss provisions shall be recorded as operating costs.

2. Assets shall be classified according to regulations of the Governor of State Bank.

3. The use of loss provisions does not change borrowers' repayment obligations to the debts for which the loss provisions are used, and responsibilities of organizations and individuals related to debts. Loss provisions, methods for making loss provisions and use of loss provisions for settlement of losses on operations of the credit institution or foreign bank’s branch shall comply with the Government’s regulations.

4. In special cases, for the purpose of performance of socio-economic and diplomatic tasks, the Prime Minister shall decide classification of assets, loss provisions, methods for making loss provisions and use of loss provisions for settlement of losses on operations on a case-by-case basis according to the proposal of the State Bank.

5. In case the credit institution or foreign bank’s branch recovers a capital amount already offset by loss provision, this amount shall be recorded as revenue of the credit institution or foreign bank’s branch.

Article 148. Distribution of profits and funds

1. Profits of a credit institution or foreign bank’s branch that remain after deducting losses in previous year as regulated by the Law on Corporate Income and paying corporate income tax shall be distributed according to the Government’s regulations.

2. On an annual basis, the credit institution or foreign bank’s branch shall deduct its after-tax profits to establish and maintain the following funds:

a) Additional reserve fund of charter capital or provided capital which receives 10% of total after-tax profit set aside. This fund shall not exceed the charter capital or provided capital of the credit institution or foreign bank branch;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Development investment fund with regard to a credit institution in which the State holds more than 50% of its charter capital and a credit institution that is a cooperative;

d) Other reserve funds as specified by regulations of law.

3. The commercial bank that is a joint stock company in which the State holds more than 50% of its charter capital may pay dividends in stocks to increase its charter capital. The stock dividend payout ratio shall be decided by the Prime Minister.

4. Credit institutions and foreign bank branches shall manage and use funds in accordance with regulations of law.

Article 149. Fiscal year

1. A fiscal year of a credit institution/foreign bank’s branch starts on January 01 and ends on December 31 of the calendar year.

2. The first fiscal year of the credit institution or foreign bank’s branch starts on the date of issuance of its license and ends on December 31 of the same calendar year.

Article 150. Accounting

Each credit institution/foreign bank’s branch shall perform accounting activities under the accounting law; take responsibility to the law for the accuracy and truthfulness of revenues and expenditures and comply with regulations on accounting invoices and receipts

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Credit institutions and foreign bank branches have financial autonomy.

2. The financial regime applicable to each credit institution/foreign bank’s branch shall comply with the Government's regulations and relevant laws.

3. The Government shall elaborate the financial regime, revenues, expenses and distribution of profits of credit institutions and foreign bank branches.

Article 152. Report

1. Credit institutions and foreign bank branches shall comply with reporting regulations and provide information according to regulations of the law on accounting, statistics and statistical investigation.

2. Credit institutions and foreign bank branches shall make periodical reports on professional operations under regulations of the Governor of State Bank.

3. In addition to reporting regulations in Clause 1 and Clause 2 of this Article, each credit institution/foreign bank’s branch shall promptly send a written report to the State Bank in the following cases:

a) Occurrence of abnormal developments in professional operations which may seriously affect their business activities;

b) Changes in organizational or executive structure or financial status of major shareholders or other changes which may seriously affect their business activities; purchase, sale and transfer of stakes and shares of major shareholders;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Subsidiaries and associate companies of credit institutions shall send their financial statements and operation reports to the State Bank if requested.

5. Within 90 days after the end of a fiscal year, credit institutions and foreign bank branches shall send annual reports to the State Bank according to regulations of law.

6. Within 180 days after the end of the fiscal year, joint-venture credit institutions, wholly foreign-owned credit institutions, foreign bank branches and foreign representative offices shall send annual financial statements of the following entities to the State Bank:

a) Capital contributors of joint-venture credit institutions or wholly foreign-owned credit institutions that are foreign credit institutions;

b) Owners of wholly foreign-owned credit institutions;

c) Parent bank of foreign bank branches;

d) Foreign credit institutions and other foreign institutions engaged in banking operations and having foreign representative offices.

7. Joint-venture credit institutions, wholly foreign-owned credit institutions and foreign bank branches shall promptly send written reports to the State Bank when foreign credit institutions specified in points a, b and c Clause 6 of this Article undergo any of the following changes:

a) Division, separation, merger, amalgamation, liquidation, bankruptcy or dissolution;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Change in major shareholders, Boards of Directors or Executive Boards;

d) Extraordinary changes which greatly affect their organization and operation.

Article 153. Reports of controlling company

1. Within 120 days after the end of the fiscal year, in addition to reports and documents prescribed by law, a controlling company shall make and send a consolidated financial statement which has been audited to the State Bank under the accounting law.

2. Within 90 days after the end of the fiscal year, the controlling company shall make and send a general report on trade transactions and other transactions with its subsidiaries and associate companies to the State Bank.

Article 154. Disclosure of financial statements

Within 120 days after the end of a fiscal year, credit institutions and foreign bank branches shall disclose their financial statements according to regulations of law, unless credit institutions are placed under special control.

Article 155. Overseas transfer of profits and assets

1. Foreign bank branches and wholly foreign-owned credit institutions in Vietnam may transfer the remaining profits overseas after making contributions to all funds and fulfilling all financial obligations under Vietnamese law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Foreign bank branches, wholly foreign-owned credit institutions and foreign capital contributors in joint-venture credit institutions may transfer their remaining assets overseas after liquidation and termination of their operations in Vietnam.

4. The overseas transfer of money and other assets prescribed in Clauses 1, 2 and 3 of this Article shall comply with Vietnamese law.

Chapter IX

EARLY INTERVENTION IN CREDIT INSTITUTIONS AND FOREIGN BANK BRANCHES

Article 156. Early intervention in credit institutions and foreign bank branches

1. In any of the following cases, the State Bank will consider deciding to make early intervention in a credit institution or foreign bank's branch:

a) The accumulated losses incurred by the credit institution or foreign bank's branch exceeds 15% of its charter capital, provided capital and reserve funds written in the latest financial statement which has been audited or according to audit and inspection conclusions of the competent authority and the credit institution or foreign bank's branch commits violations against law regulations on capital adequacy ratio specified at Point b, Clause 1, Article 138 of this Law;.

b) The credit institution or foreign bank's branch is ranked below average under regulations of the Governor of the State Bank;

c) The credit institution or foreign bank's branch fails to achieve the minimum solvency ratio specified in Point a Clause 1 Article 138 of this Law for 30 consecutive days;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) A bank run occurs and the credit institution or foreign bank's branch sends a report to the State Bank.

2. The State Bank shall request in writing the credit institution or foreign bank's branch which falls into one or some cases specified in Clause 1 of this Article to perform following tasks. To be specific:

a) The credit institution or foreign bank's branch shall fulfill one or some requirements and adopt one or some restriction measures specified in Article 157 of this Law within a certain period;

b) The credit institution shall update and immediately implement the remedial plan specified in Article 143 of this Law or develop a remedial plan according to Article 158 of this Law with a specific time limit for completion of formulation and approval for the remedial plan; the time limit for the cooperative bank to comment on the remedial plan of the people’s credit fund is specified in Clause 2 Article 158 of this Law;

c) The foreign bank’s branch shall update and immediately implement the remedial plan specified in Article 143 of this Law or develop the remedial plan specified in Article 158 of this Law with a specific time limit for completion of formulation and approval for the remedial plan;

3. The credit institution or foreign bank’s branch shall be responsible for immediately fulfilling requirements and adopting restriction measures indicated in the written request of the State Bank in Clause 2 of this Article. If the credit institution or foreign bank’s branch fails to fulfill such requirements and adopt such restriction measures, the State Bank shall apply one or some restriction measures specified in Clause 2 Article 157 of this Law.

4. If necessary, the State Bank shall request the credit institution or foreign bank’s branch to hire an independent audit institution to audit its financial statements and assess financial status to serve as the basis for development of the remedial plan.

Article 157. Requirements and restriction measures applicable to credit institutions or foreign bank branches subject to early intervention

1. A credit institution or foreign bank’s branch subject to early intervention shall satisfy the following requirements:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Reducing operating expenses, management costs, remuneration, salaries and bonuses; requiring the refund of remuneration and bonuses to managers, executives and members of the Board of Controllers;

c) Strengthening risk management; reorganizing the management and administration apparatus.

2. The credit institution or foreign bank’s branch subject to early intervention shall adopt the following restriction measures:

a) Not paying dividends, profits, or distributing after-tax profits after making deductions to set up funds or transferring profits to the country; restricting the transfer of shares, stakes and assets;

b) Restricting ineffective and high-risk business activities; reducing the limits of credit extension, capital contribution and share purchase; and restricting credit growth;

c) Terminating or suspending one or several banking operations or other business activities that show signs of violations against the law; not adding banking operations or other new business activities, and not expanding the operating network;

d) Suspending managers and operators who violate the law or pose major risks to operations of the credit institution or foreign bank’s branch; recommending the election or appointment for replacement of managers and executives who violate the law or pose major risks to operations of the credit institution or foreign bank’s branch subject to early intervention;

dd) Adopting other measures within the jurisdiction of the State Bank.

Article 158. Formulation, update and approval for remedial plan

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. A credit institution or foreign bank’s branch, except for the case specified in Clause 1 of this Article, shall determine the cause of early intervention and formulate the remedial plan which contains the contents specified in Clauses 2 and 3, Article 143 of this Law, submit it to the Board of Directors, Board of Members, and the parent bank of foreign bank branches for approval, and send it to the State Bank within 10 days from the date of approval.

Regarding a people’s credit fund, the remedial plan shall be sent to and obtain opinions from the cooperative bank before approval.

3. In case where the State Bank has opinions on the remedial plan specified in Clauses 1 and 2 of this Article, the credit institution or foreign bank’s branch shall adjust the remedial plan and send it to the State Bank within the time limit as required by the State Bank.

4. In case where the remedial plan’s contents include assisting measures specified in Article 159 of this Law, within 30 days from the date of receipt of the remedial plan that meets the requirements of the State Bank, the State Bank shall consider approving the application of assisting measures to the credit institution subject to early intervention.

Article 159. Assisting measures applicable to credit institutions subject to early intervention

1. During the implementation of the remedial plan, a credit institution subject to early intervention may adopt the following assisting measures after obtaining the State Bank’s written approval. To be specific:

a) Applying roadmap for compliance with one or several limits and ratios specified in Articles 136 and 138 of this Law;

b) When implementing the solution for increasing the credit institution’s charter capital under the remedial plan, shareholders and capital contributors may hold shares and stakes that exceed the limits on holdings of shares/stakes specified in Articles 63 and 77 of this Law. Each shareholder and capital contributor shall have a roadmap to reduce holdings of shares/stakes for compliance with the limits.

2. During the implementation of the remedial plan, if the credit institution subject to early intervention incurs accumulated losses exceeding 50% of its charter capital and reserve funds stated in the latest financial statement which has been audited or under the inspection and audit conclusions of the competent state authority, in addition to the measures specified in Clause 1 of this Article, the credit institution may apply one or some the following assisting measures after obtaining the State Bank’s written approval. To be specific:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) In case where the credit institution has forgivable interest, the credit institution may allocate the forgivable interest according to its financial capacity on the principle that the total allocation of forgivable interest and the mandatory loss provision are equal to the difference between annual revenues and expenditures. The time limit for allocation of forgivable interest shall not exceed 05 years from the date of approval by the State Bank. The time limit only applies to receivables incurred up to the time the State Bank makes the written request specified in Clause 2, Article 156 of this Law. When necessary, the Government shall provide for cases where the time limit for allocation of forgivable interest is exceeding 5 years but not exceeding 10 years;

c) The people’s credit fund may borrow loans from the fund for maintenance of prudence for the system of people's credit funds with preferential interest rates in accordance with the State Bank Governor’s regulations;

d) The people’s credit fund may receive the cooperative bank’s assistance in sending staff to participate in management and administration; and IT support;

dd) Adopting other measures within the jurisdiction of the State Bank.

Article 160. Implementation of remedial plan

1. Each credit institution or foreign bank's branch shall implement the remedial plan specified in Article 158 of this Law after the remedial plan is approved.

2. During the implementation of the remedial plan, the credit institution or foreign bank’s branch shall be responsible for reporting progress and results of implementation of the remedial plan at the request of the State Bank.

3. The State Bank shall be responsible for supervising the implementation of the remedial plan and have the right to adjust requirements and restriction measures applicable to credit institutions and foreign bank branches specified at Point a, Clause 2, Article 156 of this Law and request every credit institution or foreign bank’s branch to adjust its remedial plan’s contents.

4. In case of extension of the time limit for implementation of the remedial plan, the credit institution or foreign bank’s branch shall comply with Article 158 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. During the implementation of the remedial plan, if there is a qualified acquiring or consolidating credit institution, the credit institution subject to early intervention shall carry out the merger or amalgamation under regulations on reorganization of credit institutions as specified in Article 201 of this Law.

7. During the implementation of the remedial plan, if the transfer of shares or stakes, or increase in charter capital results in the conversion of the legal form of the credit institution subject to early intervention, such conversion shall comply with Article 201 of this Law.

8. In case where the time limit for implementation of the remedial plan expires and the foreign bank’s branch fails to recover from the situation that leads to early intervention, the foreign bank’s branch shall dissolve and terminate its operations, liquidate and freeze capital and assets in accordance with Chapter XIII of this Law.

Article 161. Termination of early intervention

1. Early intervention in a credit institution shall be terminated in the following cases:

a) The State Bank issues a document on termination of the compliance with the written request specified in Clause 2, Article 156 of this Law when the credit institution has recovered from the situation that leads to early intervention as specified in Clause 1, Article 156 of this Law and sends a written report to the State Bank;

b) The State Bank gives a written approval for its merger or amalgamation with other credit institutions as specified in Article 201 of this Law;

c) A competent state authority issues a decision to dissolve or bankrupt the credit institution in accordance with regulations of law;

d) The State Bank issues a decision to place the credit institution under special control specified in Article 162 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The State Bank issues a document on termination of the compliance with the written request specified in Clause 2, Article 156 of this Law when the foreign bank’s branch has recovered from the situation that leads to early intervention as specified in Clause 1, Article 156 of this Law, and sends a written report to the State Bank;

b) The State Bank issues a written approval for dissolution of the foreign bank’s branch or termination of its operations in accordance with regulations of law.

Chapter X

SPECIAL CONTROL OF CREDIT INSTITUTIONS

Section 1. GENERAL PROVISIONS

Article 162. Special control of credit institutions

1. The State Bank shall consider deciding to place a credit institution under special control when the credit institution falls into one of the following cases:

a) The credit institution subject to early intervention fails to make and send a remedial plan to the State Bank or adjust the remedial plan at the State Bank’s written request;

b) During the implementation of the remedial plan, the credit institution subject to early intervention is not capable of implementing the remedial plan;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) The bank run occurs and there are potential risks that may threaten safety in the credit institution system;

dd) The capital adequacy ratio is lower than 04 % for 06 consecutive months;

e) The dissolved credit institution is found insolvent during the liquidation of assets.

2. From the date on which the credit institution is placed under special control, its owner, capital contributors and shareholders shall report the use of shares and stakes and must not transfer and use shares and stakes as collateral, unless otherwise required by competent state agencies.

3. From the date on which the credit institution is placed under special control, the principal and interest of refinancing loans granted by the State Bank to such credit institution will be converted into the principal and interest of special loans and refinancing regulations applicable to such refinancing loans shall continue to be applied; the principal and interest of loans granted by the cooperative bank to a people’s credit fund will be converted into the principal and interest of special loans and lending regulations issued by the cooperative bank and applicable to the people’s credit fund shall continue to be applied.

4. With a view to maintaining safety of the credit institution system and social order and security, when settling the credit institution placed under special control, the Government shall decide to apply special measures on the basis of proposal of the State Bank and submit a report to the National Assembly at the nearest meeting.

Article 163. Tasks and powers of the State Bank, the Governor of State Bank over credit institutions placed under special control

1. The State Bank shall establish a special control board to control operations of credit institutions placed under special control.

2. The State Bank shall perform the following tasks and powers over credit institutions placed under special control:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Appoint the Chairperson and members of the Board of Directors; the Chairperson and members of the Board of Members; the Head and members of the Board of Controllers; the Director General (Director), Deputy Director General (Deputy Director) and holders of other equivalent titles of each credit institution placed under special control;

c) Decide and adjust operations and operational scope and network of each credit institution placed under special control;

d) Request owners, capital contributors and shareholders of credit institutions placed under special control to report the use of shares and stakes; forbid them from transferring and using shares and stakes as collateral;

dd) Perform other tasks and powers according to regulations of this Law.

3. The Governor of State Bank shall provide for special control of credit institutions with the following contents:

a) Method and duration of special control; extension to special control duration; termination of special control; publishing of information about the special control;

b) Composition, number of members, operation, tasks and powers of the special control board in conformity with the special control method and situation of each credit institution;

c) Responsibilities of relevant entities;

d) Other contents which serve special control and development of the plan to restructure each credit institution placed under special control.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Request a credit institution placed under special control to review and adjust its organizational structure, operational network and business activities, and focus on collection of bad debts and treatment of collateral and reduction in costs.

2. Request the credit institution placed under special control to propose, formulate and implement a remedial plan, a plan for merger, amalgamation and transfer of all shares and stakes, and a dissolution plan; request the transferee under a mandatory transfer plan to formulate, complete and implement the mandatory transfer plan according to regulations of this Law.

3. Cooperate with the credit institution placed under special control in formulating a bankruptcy plan according to regulations of this Law.

4. Suspend one or some business activities of the credit institution placed under special control if they increase the risk to the credit institution or are not conformable with the approved mandatory transfer plan or bankruptcy plan.

5. Terminate or suspend administration, management and control rights of the credit institution and request the State Bank to appoint a replacement for the chairperson or a member of Board of Directors; the chairperson or a member of the Board of Members, the head or a member of the Board of Controllers, the General Director (Director), the Deputy General Director (Deputy Director) or a holder of an equivalent position of the credit institution placed under special control according to its charter.

6. Request the Board of Directors, the Board of Members, General Director (Director) to dismiss or suspend persons who commit violations against law or fail to adhere to the approved restructuring plan or orders of the special control board.

7. Request the State Bank to consider changing the special control method; extending or terminating the special control; granting special loans or extending the terms thereof; collecting repayment of special loans; liquidating assets; revoking the license of the credit institution placed under special control.

8. Perform other tasks and powers according to regulations of this Law.

Article 165. Responsibilities of credit institutions placed under special control

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Develop the restructuring plan at the request of the special control board;

b) Implement the restructuring plan approved by a competent authority;

c) Comply with decisions and requests of the State Bank according to Article 163 of this Law;

d) Comply with decisions and requests of the special control board according to Article 164 of this Law;

2. The Board of Directors, the Board of Members, the Board of Controllers and the General Director (Director) of the credit institution placed under special control have the following responsibilities:

a) Fulfill the responsibilities specified in Clause 1 of this Article;

b) Control and operate business activities of the credit institution; ensure safety of assets of the credit institution.

c) The Board of Directors of the credit institution placed under special control shall decide matters within the jurisdiction of the General Meeting of Shareholders and the General Meeting of Members and approve the restructuring plan according to regulations of this Law.

Article 166. Administration and operation of credit institutions placed under special control

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Credit institutions placed under special control are not required to maintain compulsory reserve requirements.

3. Credit institutions placed under special control are exempt from deposit insurance premiums and fees for participation in the people's credit fund system safety assurance fund.

4. The organization of the General Meeting of Shareholders, the General Meeting of Members and publishing of information by each credit institution under special control shall comply with requirements of the State Bank and ensure safety of the system of credit institutions.

5. The quantity of members, structure, tenure of the Board of Directors, the Board of Members, the Board of Controllers of each credit institution placed under special control shall be decided by the State Bank according to its performance.

In case where a new Board of Directors, Board of Members or Board of Controllers is not elected at the end of the tenure, the current one shall keep carrying out administration and control of the credit institution as prescribed by law until the new Board of Directors, Board of Members or Board of Controllers elected takes over its works.

Article 167. Assessment of situation of a credit institution placed under special control

1. The special control board shall request the credit institution placed under special control specified in points a, b, c ,d and dd Clause 1 Article 162 of this Law to hire an independent audit institution to audit its financial statements, except for people's credit funds. The independent audit institution shall be hired within 60 days from the issuance date of the decision to establish the special control board.

2. Within 30 days from the date on which there is an audit result report, the credit institution placed under special control shall complete self-assessment of its situation.

3. Within 60 days from the date on which there is an audit result report, the special control board shall finish assessing the situation of the credit institution placed under special control, even if it fails to perform the self-assessment as prescribed in Clause 2 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. The assessment of situation of the credit institution under special control specified in Clause 2 and Clause 3 of this Article, except for people's credit funds shall be carried out on the basis of the report submitted by the independent audit institution as prescribed in Clause 1 of this Article.

6. The contents of assessment specified in Clause 2 and Clause 3 of this Article shall be decided by the special control board, made in writing and sent to the credit institution placed under special control. The following contents shall be included:

a) Organization, administration and operation;

b) Information technology system;

c) Banking operations and other business activities, including interests and accumulated losses of the credit institution.

7. According to results of assessment of situation of the credit institution placed under special control produced by the special control board, the special control board shall request in writing the credit institution to propose and formulate the restructuring plan according to regulations of this Law.

8. The cost of hiring the independent audit institution and other costs relevant to the assessment shall be paid by the credit institution and recorded as its expenses.

9. The time limits specified in Clauses 1, 2, 3 and 4 of this Article may be extended by the State Bank, but the total duration must not exceed two times the initial time limit.

Article 168. Termination of special control

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The credit institution has overcome the situation that results in the special control and adheres to the safety ratios specified in Article 138 of this Law;

2. The credit institution completes the remedial plan, the plan for merger, amalgamation and transfer of all shares and stakes, and the mandatory transfer plan which have been approved according to sections 2, 3 and 4 of this Chapter;

3. The credit institution is dissolved, merged, or amalgamated according to regulations in Section 5 of this Chapter, Chapter XIII of this Law and relevant laws;

4. The judge has appointed an official receiver or an enterprise responsible for management and liquidation of the assets of the credit institution to carry out bankruptcy procedures.

Section 2. PLAN FOR REMEDY TO CREDIT INSTITUTIONS PLACED UNDER SPECIAL CONTROL

Article 169. Formulation and approval for the remedial plan

1. Within 60 days from the date of receipt of the written request from the special control board specified in Clause 7 Article 167 of this Law, the credit institution placed under special control shall complete the remedial plan and submit it to the special control board.

2. Within 30 days from the date on which the remedial plan is received from the credit institution, the special control board shall make assessment and submit a report on feasibility of the plan to the State bank.

Regarding the remedial plan of a people's credit fund, the special control board shall cooperate with a deposit insurer and a cooperative bank in assessing the feasibility of the plan<