Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Chỉ thị 01/CT-NHNN 2020 tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng

Số hiệu: 01/CT-NHNN Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Người ký: Lê Minh Hưng
Ngày ban hành: 03/01/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/CT-NHNN

Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA NGÀNH NGÂN HÀNG TRONG NĂM 2020

Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, chuẩn bị và tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030 và cũng là năm cả nước tổ chức nhiều sự kiện, kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước và của Ngành. Tình hình thế giới, trong nước tiếp tục có những thách thức, biến động khó lường, đòi hỏi sự thống nhất, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của Ban lãnh đạo NHNN và của toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức ngành ngân hàng.

Thực hiện Nghị quyết số 85/2019/QH14 ngày 11/11/2019 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 (Nghị quyết 01), Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng) quán triệt phương châm hành động của Chính phủ năm 2020 là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả" thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn và phát triển lành mạnh hệ thống các tổ chức tín dụng, cụ thể:

I. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ TỔNG QUÁT

1. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4%, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Năm 2020, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%; tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng theo phương châm mở rộng tín dụng đi đối với an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế.

2. Thực hiện quyết liệt và hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 (theo Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), tập trung xử lý nợ xấu của các TCTD (theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu) nhằm bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng; Phấn đấu năm 2020, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém).

3. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế; đảm bảo hệ thống văn bản pháp quy đồng bộ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động tiền tệ và ngân hàng trong giai đoạn sắp tới. Triển khai quyết liệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

4. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; đảm bảo các hệ thống thanh toán, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ổn định, an toàn và hiệu quả. Đổi mới và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm phát triển dịch vụ ngân hàng số. Tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng.

5. Đẩy mạnh cải cách hành chính đảm bảo hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước và kế hoạch cải cách hành chính của NHNN giai đoạn 2016-2020 góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phấn đấu năm 2020 tiếp tục duy trì trong nhóm các Bộ, ngành dẫn đầu về xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (Par Index); duy trì thứ hạng chỉ số Tiếp cận tín dụng thuộc nhóm 25 nước đứng đầu.

II. ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ TẠI TRỤ SỞ CHÍNH NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Chủ động tham mưu cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

1. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng

1.1. Khẩn trương tổng kết, đề xuất sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng, tập trung vào các vấn đề cần luật hóa liên quan đến xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, những quy định mới liên quan đến lĩnh vực thanh toán, quản lý ngoại hối; tổng kết, đề xuất sửa đổi Luật bảo hiểm tiền gửi.

1.2. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, các quy định an toàn hoạt động ngân hàng, các chính sách, cơ chế về củng cố hệ thống các tổ chức tín dụng hợp tác và tổ chức tài chính vi mô.

1.3. Tiếp tục tham mưu ban hành theo thẩm quyền các quy định đối với việc ứng dụng các phương tiện thanh toán mới, hiện đại trên nền tảng công nghệ tiên tiến. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt; các quy định về an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển ngân hàng số.

1.4. Hoàn thiện thể chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cũng như kiểm soát được rủi ro tiềm ẩn để các TCTD cung ứng đầy đủ, đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính, nhất là sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng và phát triển các sản phẩm mới, dịch vụ mới có tính sáng tạo cao trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

1.5. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quy định về ổn định tài chính và chính sách an toàn vĩ mô, vi mô, các công cụ an toàn vĩ mô nhằm ngăn ngừa rủi ro mang tính hệ thống, giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

1.6. Triển khai/giám sát Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các Chương trình hành động, Đề án, kế hoạch phát triển Ngành đã ban hành.

2. Điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng

2.1. Bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để chủ động điều hành đồng bộ các công cụ và giải pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng theo định hướng đề ra.

Điều hành linh hoạt công cụ thị trường mở nhằm điều tiết thanh khoản ở mức hợp lý, hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ. Tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản, cho vay theo các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Điều hành lãi suất, tỷ giá, công cụ dự trữ bắt buộc phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi.

2.2. Điều hành các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng và quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng. Thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở tình hình hoạt động, khả năng tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh; trong đó, xem xét ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn đối với TCTD tham gia hỗ trợ xử lý quỹ tín dụng nhân dân, TCTD có tỷ lệ nợ xấu (nội bảng và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu) thấp, TCTD giảm lãi suất cho vay. Chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông; tăng cường quản lý rủi ro đối với tín dụng tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống.

- Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần ngăn chặn tín dụng đen.

- Thực hiện tốt các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp với các Bộ ngành liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai thực hiện các chương trình tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác.

2.3. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, đơn vị liên quan trong việc cung cấp thông tin, số liệu nhằm nâng cao chất lượng lập, phân tích, dự báo cán cân thanh toán quốc tế phục vụ công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và điều hành vĩ mô của Chính phủ. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thống kê, phân tích, dự báo phục vụ công tác hoạch định, chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng.

3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng

3.1. Triển khai hiệu quả Kế hoạch thanh tra năm 2020 của NHNN đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại, xử lý nợ xấu, bảo đảm hệ thống TCTD hoạt động an toàn, đúng pháp luật. Trong đó, chú trọng thanh tra pháp nhân; công tác quản trị, điều hành, kiểm soát rủi ro của TCTD, ban hành các quy định nội bộ; các lĩnh vực dễ phát sinh rủi ro, tiêu cực, tham nhũng và sai phạm; việc thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của TCTD, việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, hoạt động thanh toán, quản lý ngoại hối.

3.2. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, các Đoàn thanh tra: Xác định, làm rõ các hành vi vi phạm, kết luận rõ ràng sai phạm, trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm minh, đúng quy định; cảnh báo, khuyến nghị với TCTD giải pháp xử lý, phòng ngừa rủi ro; phát hiện các bất cập để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định pháp luật.

3.3. Tăng cường công tác giám sát vĩ mô và vi mô, đặc biệt là giám sát chất lượng tín dụng và quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD, việc cấp tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, tín dụng tiêu dùng, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; theo dõi, nắm bắt kịp thời các diễn biến bất thường có nguy cơ rủi ro để kiến nghị, khuyến nghị, cảnh báo TCTD xử lý kịp thời nhằm ngăn ngừa, hạn chế rủi ro trong hoạt động của TCTD. Khẩn trương ổn định tổ chức, thực hiện mô hình giám sát vi mô đối với từng TCTD, từng chi nhánh, phòng giao dịch của TCTD (áp dụng mô hình cán bộ chuyên quản).

3.4. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các TCTD tiếp tục để xảy ra các hành vi vi phạm đã được cảnh báo, đặc biệt là xử lý trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị để xảy ra vi phạm và cán bộ ngân hàng tiếp tay cho tội phạm; Kiên quyết xử phạt hành chính các vi phạm của tổ chức và cá nhân. Đẩy mạnh công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xử lý sau thanh tra, giám sát để bảo đảm các TCTD thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý.

3.5. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, đặc biệt là việc phân tích, xử lý các giao dịch đáng ngờ. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành hoàn thiện báo cáo, giải trình liên quan đến đánh giá đa phương của nhóm Châu Á-Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền (APG) đối với Việt Nam.

3.6. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Thanh tra, giám sát ngân hàng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm của cán bộ thanh tra, giám sát ngân hàng. Tăng tra, giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đối với cả hệ thống thanh tra, giám sát; triển khai thí điểm thanh tra đối tượng thanh tra thuộc trách nhiệm của Thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố khác.

3.7. Tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị trong ngành Ngân hàng trong việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Quán triệt cán bộ, công chức giữ gìn đạo đức công vụ, không để phát sinh các hành vi tiêu cực, tham nhũng, đặc biệt là trong quá trình triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

4. Triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020

4.1. Chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt; Tập trung triển khai phương án xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc và một số ngân hàng yếu kém đúng quy định, chỉ đạo, phê duyệt của Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền. Tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; chỉ đạo TCTD chỉnh sửa, bổ sung phương án trên cơ sở các nội dung nêu tại kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hoặc trên cơ sở thực tiễn hoạt động của TCTD để bảo đảm triển khai hiệu quả, chặt chẽ, đạt được các mục tiêu đề ra.

4.2. Tiến hành tổng kết Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 phê duyệt tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg đồng thời tiến hành xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2026.

4.3. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành xử lý các vấn đề liên quan đến tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đúng quy định của pháp luật.

4.4. Triển khai thực hiện cổ phần hóa Agribank theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

4.5. Xử lý các TCTD phi ngân hàng yếu kém trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật và đặc thù tái cơ cấu đối với từng tổ chức; phối hợp chặt chẽ với các Bộ chủ quản trong việc xử lý, cơ cấu lại các TCTD phi ngân hàng yếu kém có chủ sở hữu/cổ đông lớn là các tập đoàn/tổng công ty nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

4.6. Chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ xấu; triển khai quyết liệt, toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn theo mục tiêu đề ra. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14.

4.7. Chỉ đạo VAMC đẩy mạnh hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường theo quy định của pháp luật và phương án được phê duyệt; tập trung triển khai các giải pháp phù hợp để thu hồi nợ, tiếp tục phối hợp với các TCTD trong việc tăng cường xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt.

4.8. Nâng cao vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền; kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật; hoàn thiện Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi; trình Thủ tướng Chính phủ để nâng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi đề xuất các phương án sử dụng hiệu quả nguồn tiền kết dư phí bảo hiểm.

5. Tập trung chỉ đạo, chấn chỉnh, củng cố hoạt động hệ thống QTDND và tăng cường quản lý, giám sát tổ chức tài chính vi mô

5.1. Chỉ đạo, hướng dẫn NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong công tác quản lý, cấp phép, thanh tra, giám sát, cơ cấu lại QTDND trên địa bàn; đặc biệt là nâng cao chất lượng công tác giám sát để phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giám sát hệ thống QTDND.

5 2. Tập trung xử lý các QTDND yếu kém bằng các hình thức phù hợp với quy định của pháp luật trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Phát huy vai trò của Ngân hàng Hợp tác xã và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc tham gia xử lý QTDND yếu kém.

5.3. Triển khai thí điểm việc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra chéo các QTDND và ủy nhiệm Ngân hàng Hợp tác xã, Bảo hiểm tiền gửi việt Nam thực hiện kiểm tra các QTDND tại các tỉnh, thành phố có nhiều QTDND nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động huy động tiền gửi, cho vay và các quy định an toàn Quỹ.

5.4. Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, bảo đảm hoạt động đúng quy định pháp luật, tôn chỉ, mục đích, phòng ngừa các nguy cơ rủi ro tiềm ẩn gây mất an toàn hoạt động. Tổng kết Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ và khẩn trương bổ sung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.

6. Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; Đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động công nghệ thông tin, thanh toán điện tử, thanh toán thẻ

6.1. Tiếp tục thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), đặc biệt là thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công. Sơ kết, tổng kết, đánh giá các chương trình, chiến lược trong lĩnh vực thanh toán: kết quả triển khai TTKDTM giai đoạn 2016-2020, đề xuất các giải pháp thúc đẩy TTKDTM giai đoạn 2021-2025; tình hình triển khai Chiến lược giám sát các hệ thống thanh toán tại Việt Nam giai đoạn 2014 -2020; Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công theo Quyết định 241/QĐ-TTg.

6.2. Xây dựng cơ chế và triển khai thí điểm dịch vụ dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (dịch vụ tiền di động - Mobile Money) và một số mô hình dịch vụ thanh toán mới sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

6.3. Tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán. Chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip theo đúng lộ trình. Tăng cường giám sát các hệ thống thanh toán, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; cảnh báo, khuyến nghị về các vấn đề rủi ro trong thanh toán điện tử. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán.

6.4. Phối hợp với các đơn vị chức năng về an toàn thông tin mạng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin truyền thông và các tổ chức an ninh mạng trong nước và quốc tế để thực hiện tốt việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về rủi ro trên không gian mạng, diễn tập và tổ chức ứng cứu sự cố an ninh thông tin cho ngành Ngân hàng; phối hợp kiểm tra, đánh giá an toàn bảo mật các thông tin quan trọng của các đơn vị trong ngành Ngân hàng.

6.5. Chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán rà soát, bổ sung các quy trình, quy định nội bộ đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành; chủ động nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới nhằm tăng cường an ninh, bảo mật trong thanh toán; tăng cường kiểm soát, giám sát, phát hiện kịp thời các hành vi gian lận, không đúng quy định pháp luật về hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống rửa tiền.

7. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; cải cách công vụ, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế

7.1. Đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện kiến trúc Chính phủ điện tử của NHNN và hiện đại hóa hoạt động hành chính góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành trong ngành Ngân hàng. Triển khai giải pháp nhằm nâng cao độ phủ thông tin tín dụng, duy trì chiều sâu thông tin tín dụng. Phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về đăng ký giao dịch bảo đảm và bảo vệ quyền chủ nợ nhằm cải thiện Chỉ số tiếp cận tín dụng.

7.2. Kiện toàn tổ chức bộ máy của các đơn vị thuộc NHNN đảm bảo tinh gọn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, không để trùng lắp, chồng chéo, bỏ trống nhiệm vụ; Tiếp tục thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế, hoàn thành mục tiêu giảm 10% biên chế giai đoạn 2016-2020.

7.3. Tiếp tục hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các quy định mới của Đảng, Chính phủ và pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ. Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, lựa chọn, quy hoạch, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ, quy trình, quy định và nguyên tắc tập trung dân chủ, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả. Triển khai việc luân chuyển cán bộ trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, từ Trung ương về địa phương vừa để tăng cường cán bộ quản lý cho chi nhánh vừa đào tạo cán bộ trong diện quy hoạch các cấp.

7.4. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao ý thức văn hóa công vụ và đạo đức cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại NHNN; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao bảo đảm thực hiện hiệu quả, nhiệm vụ của Ngành.

8. Một số nhiệm vụ trọng tâm khác

8.1. Chủ động điều hòa linh hoạt lượng tiền mặt trong hệ thống NHNN; tiếp tục tăng tỷ lệ dự trữ hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu an ninh tiền tệ và đầy đủ nhu cầu tiền mặt cho lưu thông cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá; triển khai hiệu quả các giải pháp từng bước nâng cao chất lượng tiền trong lưu thông và tiếp tục tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam; đảm bảo kế hoạch sản xuất và chất lượng in tiền.

Đẩy mạnh kiểm tra công tác an toàn kho quỹ, tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh và xử lý sau kiểm tra. Tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng cơ chế quản lý, vận hành triển khai hoạt động các Kho trung chuyển. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện việc xây dựng mô hình, cơ chế cung ứng tiền mặt theo hướng chuyển dần từ phục vụ sang dịch vụ đối với các TCTD.

8.2. Chủ động, tích cực hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Tham gia tích cực vào các hoạt động xây dựng chính sách, sáng kiến, chương trình tăng vốn, cơ cấu lại và cải cách của các tổ chức quốc tế nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam. Tập trung triển khai các hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến tài chính xanh, tài chính toàn diện, tài chính cơ sở hạ tầng, ngân hàng số, kết nối thanh toán khu vực. Triển khai có hiệu quả, chất lượng các chương trình, nội dung hợp tác với Ngân hàng Trung ương Lào và Campuchia.

8.3. Đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ ngành Ngân hàng trên cơ sở bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Ngành và chú trọng các nghiên cứu ứng dụng, kiến nghị chính sách phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý Nhà nước của NHNN.

8.4. Tổ chức thực hiện tốt công tác kế toán, quản lý tài chính, tài sản và quản lý đầu tư xây dựng của NHNN, đảm bảo quản lý chặt chẽ, sử dụng triệt để tiết kiệm, hiệu quả. Nâng cao hiệu quả quản lý và triển khai kế hoạch vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân ngay từ những tháng đầu năm. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành Ngân hàng; tăng quyền tự chủ và thúc đẩy xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Thực hiện tốt vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính và doanh nghiệp có vốn nhà nước do Ngân hàng Nhà nước quản lý.

8.5. Tăng cường công tác kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ hoạt động các đơn vị NHNN; chú trọng kiểm soát, kiểm toán đối với các nghiệp vụ có rủi ro cao công tác giám sát an toàn tài sản, đảm bảo hoạt động của NHNN an toàn, hiệu quả; triển khai thực hiện nghiêm túc kiến nghị sau kiểm toán.

8.6. Đẩy mạnh các giải pháp, phương pháp hiệu quả trong hoạt động truyền thông vế điêu hanh chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; xác định truyền thông là kênh truyền dẫn chính sách, cung cấp thông tin đảm bảo tính minh bạch và phù hợp với các cam kết quốc tế và quy định của pháp luật. Tăng cường chỉ đạo, định hướng, cung cấp kịp thời chủ đề, nội dung, tạo sự đồng bộ thống nhất từ NHNN trung ương đến NHNN chi nhánh tinh, thành phố, giữa NHNN với các TCTD về truyền thông chính sách trong từng tháng/quý hoặc các thời kỳ, thời điểm gắn với sự kiện hoạt động ngân hàng. Nâng cao tính chủ động, chuyên nghiệp, hiệu quả nhằm cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu đối với hoạt động thông tin của NHNN và thực hiện các cam kết quốc tế. Kịp thời nắm bắt, phản hồi và xử lý hiệu quả các vấn đề được dư luận quan tâm, tạo sự đồng thuận, ủng hộ đối với các cơ chế, chính sách của NHNN. Triển khai hiệu quả các chương trình truyền thông giáo dục tài chính nhằm góp phần tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính.

8.7. Kịp thời cung cấp thông tin, giải trình các vấn đề liên quan đến tiền tệ, ngân hàng mà các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Chỉ đạo các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các chi nhánh TCTD trên địa bàn thực hiện tốt việc cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ cho công tác Quốc hội tại các địa phương, nắm bắt các thông tin phản hồi để kịp thời có các biện pháp xử lý.

III. ĐỐI VỚI CÁC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHI NHÁNH TỈNH, THÀNH PHỐ

1. Tổ chức triển khai chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng

1.1. Nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Ngành chủ động phổ biến, hướng dẫn các TCTD trên địa bàn tổ chức thực hiện nghiêm túc các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các chủ trương chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

1.2. Theo dõi, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn để kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; báo cáo và đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương, Thống đốc NHNN các biện pháp quản lý hoạt động của TCTD, xử lý những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, những bất cập của cơ chế, chính sách cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế; tăng cường sự phối hợp trao đổi thông tin với các đơn vị tại trụ sở chính NHNN Việt Nam.

1.3. Chủ động tham mưu UBND tỉnh, thành phố tích cực phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán.

1.4. Phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần hạn chế tín dụng đen.

1.5. Phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố tăng cường hiệu quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn phục vụ sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

1.6. Đầu mối gắn kết chặt chẽ với các TCTD trên địa bàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành Ngân hàng ở địa phương, đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp; chủ trì tổ chức làm việc với TCTD để kịp thời phổ biến các chương trình, chính sách tín dụng của ngành ngân hàng giải quyết các khó khăn, vướng mắc về hoạt động tiền tệ, ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật. Chú trọng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định.

2. Triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020

2.1. Tập trung chỉ đạo các chi nhánh TCTD trên địa bàn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Hội sở chính về thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đã được phê duyệt. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD có nợ xấu cao trên địa bàn chủ động xây dựng phương án, kế hoạch xử lý nợ xấu, có các giải pháp ngăn chặn nợ xấu phát sinh; rà soát việc phân loại nợ, bảo đảm phản ánh đúng chất lượng khoản vay, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định.

2.2. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của TCTD trên địa bàn, đặc biệt là việc thực hiện các giải pháp để nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, công tác quản trị, điều hành, kiểm soát, kiểm toán nội bộ. Tăng cường công tác tiếp xúc, làm việc với TCTD chi nhánh TCTD để đánh giá và làm rõ các nội dung liên quan đến hoạt động của TCTD; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc của TCTD, bảo đảm thực hiện Phương án cơ cấu lại theo đúng mục tiêu và lộ trình đề ra.

2.3. Tập trung thực hiện phương án xử lý các QTDND yếu kém, các QTDND còn nhiều tồn tại, hạn chế trong hoạt động. Tiếp tục triển khai và chỉ đạo các QTDND triển khai các giải pháp nêu tại Đề án Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, các quy định tại Thông tư số 21/2019/TT-NHNN ngày 14/11/2019 và các văn bản có liên quan mới được ban hành về việc tăng cường quản lý toàn diện các QTDND.

2.4. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn, hỗ trợ TCTD tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 và Quyết định 1058/QĐ-TTg, đặc biệt là việc xử lý, phát mại tài sản bảo đảm, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống các TCTD.

3. Tổ chức triển khai công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng

3 1 Chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thanh tra đột xuất đối với các TCTD có trụ sở chính trên địa bàn, một số chi nhánh NHTM, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, QTDND chưa được thanh tra từ 3 năm trở lên, tình hình tài chính yếu kém, lỗ lũy kế lớn, có dư nợ tín dụng tăng đột biến, nợ xấu gia tăng, có dấu hiệu bất thường qua công tác giám sát từ xa, hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro, các tồn tại kéo dài chưa được xử lý dứt điểm.

3.2. Tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm tra đột xuất QTDND, đặc biệt là QTDND yếu kém để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các sai phạm trong hoạt động. Triển khai thanh tra chéo QTDND tại các địa bàn tỉnh, thành phố khác theo hướng dẫn của NHNN.

3.3. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác giám sát vi mô của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố đối với hệ thống QTDND và các chi nhánh TCTD trên địa bàn để kịp thời cảnh báo, ngăn ngừa rủi ro, sai phạm. Xử lý nghiêm theo quy định đối với những QTDND, chi nhánh TCTD có vi phạm, đặc biệt là các vi phạm đã được cảnh báo, vi phạm tái diễn hoặc chậm khắc phục, bảo đảm tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật.

3.4. Thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh, hướng dẫn của NHNN Trung ương về công tác cấp phép, thanh tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng; cảnh báo về tình hình hoạt động đối với các TCTD trên địa bàn; tổ chức tập huấn các quy định về phòng, chống rửa tiền.

3.5. Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống tội phạm trên địa bàn, nhất là các dạng hành vi mới phát sinh như rửa tiền, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, tội phạm công nghệ cao.

3.6. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan để xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh liên quan đến các TCTD trên địa bàn theo quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn hoạt động của các TCTD.

4. Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN nhằm đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động công nghệ thông tin, thanh toán điện tử và thanh toán thẻ; Theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán trên địa bàn triển khai thực hiện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán trên địa bàn.

5. Các nhiệm vụ trọng tâm khác

5.1. Đáp ứng kịp thời nhu cầu tiền mặt về giá trị và cơ cấu mệnh giá cho các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước trên địa bàn. Chấp hành nghiêm các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về an toàn kho quỹ; tăng cường kiểm tra, giám sát tại đơn vị và các tổ chức tín dụng trên địa bàn để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, giảm thiểu các rủi ro mất an toàn kho quỹ.

5.2. Chủ động thông tin, báo cáo giải trình các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng với cấp ủy, chính quyền địa phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội; Tham gia đầy đủ các đợt tiếp xúc cử tri trên địa bàn để trực tiếp giải đáp, xử lý những vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị. Chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời đến báo chí địa phương về các cơ chế chính sách của NHNN và kết quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Nắm bắt và báo cáo kịp thời các vấn đề dư luận quan tâm hoặc các vấn đề phát sinh trên địa bàn để cung cấp thông tin đảm bảo tính khách quan, đầy đủ và tạo sự đồng thuận của các cơ quan, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.

5.3. Triển khai tích cực, đầy đủ các nhiệm vụ theo các kế hoạch của NHNN về cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa, triển khai ISO trong hoạt động giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục tổ chức thực hiện có kết quả các nhiệm vụ của NHNN chi nhánh tại các Kế hoạch hành động của Ngành góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

5.4. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác cán bộ đặc biệt là công tác quy hoạch, đảm bảo đủ nguồn cán bộ để lựa chọn, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao ý thức văn hóa công vụ và đạo đức cán bộ.

IV. ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

1. Tổ chức triển khai chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng

1.1. Xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2020 bám sát các giải pháp điều hành kinh tế, chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và NHNN Việt Nam.

1.2. Chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng và thanh toán của nền kinh tế.

1.3. Thực hiện nghiêm, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN về lãi suất huy động, cho vay và phí dịch vụ; báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu về lãi suất theo quy định về chế độ báo cáo thống kê; chủ động rà soát, kịp thời phát hiện các vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

1.4. Thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, bền vững đi đôi với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, phân bổ vốn tín dụng phù hợp, góp phần kiểm soát lạm phát và thực hiện quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh:

- Thực hiện kiểm soát tín dụng phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 và các biện pháp kiểm soát tín dụng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; tập trung vốn cho vay các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tăng cường quản lý rủi ro đối với tín dụng tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ cho vay bằng ngoại tệ theo chủ trương của Chính phủ và NHNN về hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

- Bố trí nguồn vốn cần thiết để phát triển các sản phẩm cho vay phục vụ đời sống tạo điều kiện thuận lợi đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân; xem xét, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn theo quy định cho khách hàng gặp khó khăn chưa thể trả được nợ đúng hạn, giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng thuận lợi, góp phần hạn chế tín dụng đen.

- Chỉ đạo các chi nhánh TCTD phối hợp với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố triển khai hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật.

1.5. Chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý kết hợp với việc đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay

1.6. Tuyên truyền và hướng dẫn cho khách hàng về các chính sách của nhà nước, các sản phẩm, dịch vụ để khách hàng nắm rõ các quyền lợi, nghĩa vụ khi thực hiện các giao dịch với ngân hàng.

2. Triển khai Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020

2.1. Tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nội dung, giải pháp tại phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 đã được phê duyệt áp dụng toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra. Phấn đấu năm 2020 giảm ít nhất 25% tổng số nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ1 so với cuối năm 2019.

2.2. Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; rà soát, tiết giảm các chi phí hoạt động tập trung nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu trong năm 2020, đặc biệt đối với TCTD có chất lượng tín dụng chưa cao, nợ cơ cấu lại và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn còn lớn.

2.3. Kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng, cơ cấu tín dụng và chất lượng tín dụng, tăng cường quản lý rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, khách hàng dư nợ lớn, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về cấp tín dụng, về phương thức giải ngân vốn cho vay sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; Kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng, hạn chế tối đa gia tăng nợ xấu của các khoản cấp tín dụng.

2.4. Thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh; đồng thời thường xuyên rà soát tình hình thực tế của các khoản nợ đang dự thu lãi đặc biệt là các khoản có lãi dự thu lớn để kịp thời thoái lãi dự thu đối với các trường hợp khó có khả năng thu hồi, đảm bảo thực chất, phù hợp với quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của NHNN.

2.5. Phối hợp chặt chẽ với VAMC triển khai rà soát, đánh giá cụ thể từng khoản nợ xấu đã ban cho VAMC, đặc biệt là các khoản nợ xấu lớn; đánh giá khả năng thu hồi nguyên nhân khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu để có các giải pháp xử lý hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.

2.6. Triển khai các giải pháp phù hợp để gia tăng doanh thu từ các dịch vụ phi tín dụng; sớm hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán; tiếp tục lành mạnh hóa tài chính, tăng vốn điều lệ. Đẩy mạnh việc triển khai áp dụng chuẩn mực vốn Basel II, các nguyên tắc quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế. Khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu, công cụ tính toán, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để sẵn sàng thực hiện quy định đánh giá nội bộ về mức đủ vốn.

2.7. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên địa bàn, đặc biệt là cơ quan công an, tòa án, cơ quan thi hành án các cấp trong quá trình thu hồi nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm nhằm thu hồi tối đa khoản nợ xấu.

2.8. Chủ động, làm tốt công tác truyền thông về kết quả thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động của Ngành và kết quả hoạt động của đơn vị kết quả cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu theo Quyết định 1058/QĐ-TTg và Nghị quyết 42/2017/QH14, trong đó chú trọng truyền thông để khách hàng hiểu rõ quyền lợi hợp pháp của TCTD trong việc xử lý nợ cũng như trách nhiệm trả nợ của khách hàng. Kịp thời nắm bắt, báo cáo NHNN các sự cố phát sinh trong hoạt động của đơn vị để có phương án xử lý phù hợp, tránh ảnh hưởng đến niềm tin công chúng và ổn định hệ thống.

2.9. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của Ngân hàng Hợp tác xã trong liên kết hệ thống QTDND, điều hòa vốn, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn hệ thống QTDND theo quy định của pháp luật. Hệ thống QTDND triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đã được phê duyệt, trong đó xây dựng và triển khai biện pháp tăng vốn điều lệ, bảo đảm mức vốn điều lệ theo quy định; điều chỉnh tổ chức, hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, tuân thủ nguyên tắc hợp tác xã.

3. Phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng

3.1. Triển khai nghiêm túc, quyết liệt Chỉ thị số 07/CT-NHNN ngày 11/10/2017 về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền; bồi dưỡng và phát huy văn hóa doanh nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ; siết chặt kỷ cương, kỷ luật, ý thức tuân thủ pháp luật trong hệ thống nhằm đảm bảo cán bộ, nhân viên thực hiện đúng quy định, quy trình nội bộ, quy định của pháp luật, giảm thiểu rủi ro đạo đức; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thường xuyên đánh giá, rà soát, luân chuyển cán bộ theo quy định nhằm hạn chế tối đa các vụ việc sai phạm tại TCTD.

3.2. Thực hiện nghiêm các yêu cầu, kiến nghị, cảnh báo và quyết định về thanh tra kiểm toán của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập. Tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, tiêu cực, tham nhũng của các cá nhân và đơn vị trực thuộc.

3.3. Tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động của TCTD, đặc biệt là hoạt động tín dụng. Khẩn trương xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, vi phạm giới hạn về tỷ lệ sở hữu. Ngăn chặn, xử lý vấn đề lợi ích nhóm, cổ đông/nhóm cổ đông lớn chi phối hoạt động của các TCTD.

3.4. Chú trọng nâng cao năng lực quản trị, điều hành, giám sát của Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Ban điều hành và Ban Kiểm soát đối với các hoạt động của TCTD. Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hệ thống văn bản quy định nội bộ hướng dẫn thực hiện các nghiệp vụ đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật và hướng dẫn của NHNN. Tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ và tuân thủ đầy đủ quy định tại Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ.

3.5. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 15/11/2019 về tăng cường quản lý rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó, tăng cường kiểm tra, rà soát chứng từ, giao dịch khi cung ứng các sản phẩm tiềm ẩn rủi ro rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng.

3.6. Các công ty tài chính tiêu dùng chấn chỉnh lại hoạt động cho vay, có chính sách lãi suất phù hợp, thu nợ đảm bảo minh bạch, đúng quy định pháp luật. Các QTDND thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong hoạt động huy động và cho vay; tăng cường quản lý và giáo dục đạo đức cán bộ, tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động.

4. Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động công nghệ thông tin, thanh toán điện tử, thanh toán thẻ

4.1. Rà soát, bổ sung các quy trình, quy định nội bộ đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành trong cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán. Đẩy mạnh và hoàn thiện hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc chia sẻ cung ứng các sản phẩm số và tăng cường tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực để cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và đơn vị cung cấp dịch vụ công nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công. Tăng cường ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động thanh toán; nghiên cứu, áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán mới, hiện đại nhằm phát triển các dịch vụ thanh toán tiện lợi, an toàn cho khách hàng. Tích cực, chủ động triển khai áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở thẻ chip nội địa theo lộ trình chuyển đổi theo quy định NHNN.

4.2. Tăng cường triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn an ninh các hệ thống thông tin, trong đó ưu tiên các giải pháp đồng bộ về giám sát an ninh mạng để chủ động theo dõi phát hiện, xử lý các sự cố an toàn thông tin. Kiểm soát chặt chẽ phân quyền truy cập của nhân sự nội bộ, nhân sự bên thứ ba truy cập vào các hệ thống thông tin. Tổ chức thực hiện kiểm soát nội bộ chuyên đề công nghệ thông tin về hoạt động quản lý tài khoản truy cập.

4.3. Tổ chức rà soát, thực hiện nghiêm túc các quy định về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Nghị định 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 của Chính phủ. Triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo vệ, phòng, chống lộ, lọt dữ liệu trên toàn bộ hệ thống thông tin tại đơn vị.

4.4. Đẩy mạnh truyền thông chủ trương, chính sách liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, cảnh báo, hướng dẫn các đơn vị chấp nhận thanh toán và khách hàng nâng cao cảnh giác với các phương thức, thủ đoạn của tội phạm, các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn thanh toán; hướng dẫn khách hàng cách xử lý khi gặp sự cố. Chủ động theo dõi, phản hồi kịp thời các phản ánh của dư luận về những vấn đề phát sinh liên quan đến dịch vụ thanh toán của đơn vị; kịp thời xử lý theo đúng quy định đảm bảo quyền lợi của các bên khi có rủi ro, gian lận, đồng thời chủ động báo cáo NHNN và NHNN chi nhánh trên địa bàn.

5. Các nhiệm vụ khác

5.1. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của NHNN Việt Nam về an toàn kho quỹ. Rà soát mô hình tổ chức trung tâm giao dịch tiền mặt, bộ phận ngân quỹ và hệ thống các văn bản, quy định nội bộ về công tác an toàn kho quỹ đảm bảo tính pháp lý, đầy đủ, an toàn, chặt chẽ. Thực hiện nghiêm túc về thu chi tiền mặt, cơ cấu chi tiền mặt, phân loại chất lượng tiền đủ và không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Đẩy mạnh công tác giám sát, tự kiểm tra nội bộ, tăng cường an ninh, an toàn kho quỹ, ngăn chặn tham ô tham nhũng và sai phạm trong quản lý tiền tệ, kho quỹ.

5.2. Phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tham gia tiếp xúc cử tri cùng Đoàn ĐBQH trên từng địa bàn để giải quyết, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến tiền tệ, ngân hàng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương và cả nước.

5.3. Chủ động, làm tốt công tác thông tin truyền thông về kết quả thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng và kết quả hoạt động của đơn vị; Phối hợp chặt chẽ, tham gia tích cực cùng với NHNN để triển khai có kết quả hoạt động thông tin, truyền thông của ngành Ngân hàng, bảo đảm hiệu quả hoạt động của hệ thống Ngân hàng Việt Nam.

5.4. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác cán bộ, nhất là việc đánh giá, lựa chọn, quy hoạch, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ, quy trình, quy định và nguyên tắc tập trung dân chủ, đảm bảo công khai, minh bạch. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đại diện vốn Nhà nước tại các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp do NHNN quản lý. Thực hiện nghiêm quy định về chuyển đổi vị trí việc làm.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký.

2. Các đơn vị tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai các nhiệm vụ tại Chỉ thị này; định kỳ hằng tháng/quý/năm, báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị gửi Văn phòng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3. Văn phòng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị, tổng hợp báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ.

4. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Chủ tịch hội đồng quản trị, Chủ tịch hội đồng thành viên và Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- Như điểm 4 mục V;
- Thủ tướng Chính phủ; và các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam;
- Lưu: VP, Vụ PC, Vụ CSTT.

THỐNG ĐỐC




Lê Minh Hưng

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG CỦA NGÀNH NGÂN HÀNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-CP, NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP NĂM 2020 CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Chỉ thị s 01/CT-NHNN ngày 03/01/2020)

TT

NHIỆM VỤ

ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ

ĐƠN VỊ PHI HỢP

SẢN PHẨM DỰ KIẾN

THỜI GIAN HOÀN THÀNH

I. CÁC ĐƠN VỊ TẠI TRỤ SỞ CHÍNH NHNN

1. Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối

1.

Điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối kiểm soát tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng theo định hướng đề ra.

Vụ Chính sách tiền tệ (Vụ CSTT)

Các đơn vị thuộc NHNN

Thường xuyên

2.

Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô lạm phát nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra

Vụ CSTT

Các đơn vị thuộc NHNN

Thường xuyên

3.

Thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng

Vụ CSTT

CQTTGSNH;

Vụ TDCNKT

Công văn thông báo gửi các TCTD

Quý I/2020

4.

Tái cấp vốn cho TCTD để hỗ trợ thanh khoản, cho vay theo các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu.

Vụ CSTT

Các đơn vị thuộc NHNN

Quyết định/Công văn xử lý (khi có phát sinh)

Theo quy định tại các Thông tư về các hình thức tái cấp vốn.

5.

Chỉ đạo các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Vụ Tín dụng CNKT, Vụ CSTT

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Công văn gửi các TCTD

Quý I/2020

6.

Tiếp tục kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ.

Vụ CSTT

Các đơn vị liên quan

Trình Ban lãnh đạo NHNN phương án kiểm soát tín dụng ngoại tệ

Quý I/2020

7.

Tăng dư trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi; Điều chỉnh cơ cấu tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối Nhà nước đảm bảo các nguyên tắc bảo toàn, thanh khoản và sinh lời

Vụ Quản lý Ngoại hối

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

8.

Chỉ đạo các TCTD tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Vụ Tín dụng CNKT, Vụ CSTT

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

9.

Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông. Tăng cường quản lý rủi ro đối với tín dụng tiêu dùng.

Cơ quan TTGSNH phối hợp Vụ Tín dụng CNKT, Vụ CSTT

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

10.

Đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/12/2013, chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017.

Vụ Tín dụng CNKT

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

11.

Tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn trong triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản.

Vụ Tín dụng CNKT

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

12.

Đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù như cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Vụ Tín dụng CNKT

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

13.

Tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp

Vụ Tín dụng CNKT

- UBND tỉnh, thành phố

- Các đơn vị thuộc NHNN, TCTD chi nhánh nước ngoài

Thường xuyên

14.

Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV đã được quy định trong Luật Hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn TCTD, Quỹ Phát triển DNNVV

Vụ Tín dụng CNKT

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

15.

Đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020

Vụ Tín dụng CNKT

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

16.

Triển khai Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, hoàn thiện hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đối với một số ngành kinh tế.

Vụ Tín dụng CNKT

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

17.

Hỗ trợ và tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Vụ Tín dụng CNKT

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

18.

Phối hợp với các Bộ ngành liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Vụ Tín dụng CNKT

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

19.

Tiếp tục cải thiện, hoàn thiện hệ thống thu thập, xử lý và cung cấp thông tin, sliệu hiệu quả, đảm bảo việc thu thập tổng hợp sliệu chính xác, kịp thời đi với các mảng thống kê tiền tệ, thng kê kinh tế và thng kê cán cân thanh toán quốc tế.

Vụ Dự báo, thống kê

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

20.

Tiếp tc tổ chức các cuộc điều tra thống kê về kỳ vọng lạm phát, xu hưng kinh doanh, xu hướng tín dụng trong lĩnh vực ngân hàng, vận hành hệ thống chia sthông tin cho các đơn vị thuộc NHNN.

Vụ Dự báo, thống kê

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

21.

Cập nhật kịp thi và chủ động đưa ra các dự báo kinh tế vĩ mô, lạm phát các chỉ tiêu tiền tệ và cán cân thanh toán quốc tế phục vụ công tác điu hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; tính toán lạm phát cơ bản; phát triển các mô hình định lượng phục vụ công tác phân tích và dự báo.

Vụ Dự báo, thống kê

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

22.

Cung cấp số liệu và tổ chức làm việc với các Tổ chức xếp hạng tín nhim quốc gia nhằm nâng cao chsố xếp hạng của Quốc gia.

Vụ Dự báo, thống kê

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

2. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng

23.

Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

CQTTGSNH

BHTG, các đơn vị liên quan

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ

Tháng 6/2020

24.

Nghị định sửa đổi, bsung Nghị định 101/2012/NĐ-CP v thanh toán không dùng tiền mặt

Vụ Thanh toán

Bộ, ngành liên quan;

Các đơn vị thuộc NHNN

Nghị định

Tháng 6/2020

25.

Quyết định sửa đổi Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg ngày 12/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức phi chính phủ

CQTTGSNH

Các đơn vị liên quan

Văn bản QPPL

Tháng 12/2020

26.

Nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ thể chế thử nghiệm (Regulatory Sandbox) có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong hoạt động ngân hàng theo hướng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ vào hoạt động ngân hàng

Vụ Thanh toán

Các đơn vị liên quan

Nghị định của chính phủ

Tháng 12/2020

27.

Đề án đẩy mạnh TTKDTM giai đoạn 2021 -2025.

Vụ Thanh toán

Các đơn vị liên quan

Quyết định của TTgCP

Tháng 12/2020

28.

Đề án Hạn chế tình trạng đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

Vụ Quản lý Ngoại hối

Vụ Pháp chế, các đơn vị liên quan

Đề án

Năm 2020

29.

Nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới, dịch vụ mới có tính sáng tạo cao trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, như: mô hình Tài trợ chuỗi cung ứng (Supply Chain Finance)

Vụ Pháp chế

Các đơn vị liên quan

Văn bản QPPL/Thông tư

Năm 2020

30.

Thông tư Quy định về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Thông tư mới thay thế Thông tư số 16/2011/TT-NHNN ngày 17/8/2011)

Vụ Kiểm toán nội bộ

Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan

Thông tư

tháng 6/2020

31.

Nghiên cứu, xây dựng quy định cho phép thực hiện mở tài khoản thanh toán với nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử (e-KYC).

Vụ Thanh toán

Vụ PC và các đơn vị liên quan

Thông tư

Trước 30/9/2020

32.

Thông tư quy định về việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (thay thế Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 và Thông tư số 15/2018/TT-NHNN ngày 18/6/2018)

V CSTT

Vụ Pháp chế, các đơn vị liên quan

Thông tư

Tháng 9/2020

33.

Xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển các hệ thống Thanh toán quốc gia.

Vụ Thanh toán

Các đơn vị liên quan

Chiến lược được phê duyệt

Tháng 12/2020

34.

Nghiên cứu, rà soát, cơ chế chính sách, đề xuất ban hành quy định pháp luật phù hợp với xu thế phát triển ngân hàng số, tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng thực hiện chuyển đổi số.

Vụ Thanh toán

Các đơn vị liên quan

Báo cáo; các văn bản pháp luật được ban hành

Tháng 12/2020

35.

Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phí dịch vụ ngân hàng nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Vụ Thanh toán

Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan

Thông tư

Tháng 12/2020

36.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thông tư hướng dẫn về thanh toán không dùng tiền mặt.

Vụ Thanh toán

Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan

Thông tư

Tháng 12/2020

37.

Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thông tư hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán.

Vụ Thanh toán

Các đơn vị liên quan

Thông tư

Tháng 12/2020

38.

Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thông tư hướng dẫn dịch vụ thẻ ngân hàng.

Vụ Thanh toán

Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan

Thông tư

Tháng 12/2020

39.

Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thông tư hướng dẫn về giám sát các hệ thống thanh toán.

Vụ Thanh toán

Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan

Thông tư

Tháng 12/2020

40.

Xây dựng thông tư thay thế Thông tư 15/2015/TT-NHNN ngày 02/10/2015 hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối

Vụ CSTT

Vụ Pháp chế, các đơn vị liên quan

Thông tư

Tháng 12/2020

41.

Giám sát chặt chẽ hoạt động vay trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, nhất quán với mục tiêu quản lý nợ nước ngoài của quốc gia; thận trọng từng bước tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam phù hợp với chính sách tiền tệ đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô

Vụ Quản lý Ngoại hối

Các đơn vị liên quan

Thông tư

Tháng 12/2020

42.

Xây dựng Thông tư quy định về triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) trong ngành Ngân hàng để chuẩn hóa các tiêu chuẩn Open API, hướng tới chuẩn ngân hàng số, thúc đẩy kết nối thuận tiện, an toàn giữa ngân hàng với các bên thứ ba, tăng cường tính cạnh tranh của ngành Ngân hàng.

Cục Công nghệ thông tin (Cục CNTT)

Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan

Thông tư

Tháng 11/2020

43.

Rà soát, sửa đổi hoặc ban hành các văn bản mới quy định về an toàn bảo mật hệ thống thông tin và phòng chống lộ lọt dữ liệu ngân hàng khách hàng trước những thách thức về an toàn thông tin mạng.

Cục CNTT

Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan

Thông tư

Tháng 12/2020

44.

Nghiên cứu báo cáo Chính phủ việc thực hiện một số đánh giá liên quan đến thực hiện chuẩn mực quốc tế đối với khu vực ngân hàng trong khuôn khổ cập nhật chương trình FSAP 2020. Xây dựng hệ thống các chỉ số chuẩn để đánh giá tính ổn định, an toàn của thị trường tiền tệ, tài chính.

Vụ ODTCTT

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

3. Triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020

45.

Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành xử lý các vấn đề liên quan đến tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).

CQTTGSNH

Bộ, ngành liên quan NHTM Nhà nước

 

Năm 2020

46.

Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và chỉ đạo Agribank xây dựng và triển khai kế hoạch, lộ trình cổ phần hóa theo kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bảo đảm giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp, nông thôn.

CQTTGSNH

Bộ, ngành địa phương; Agribank

 

Năm 2020

47.

Chỉ đạo các TCTD có vi phạm về sở hữu chéo, sở hữu cổ phần vượt quy định thực hiện rà soát và triển khai giải pháp xử lý dứt điểm các vi phạm; tích cực đẩy mạnh thoái vốn của các TCTD tại các doanh nghiệp và thoái vốn của các doanh nghiệp Nhà nước tại các TCTD theo chỉ đạo của Chính phủ.

CQTTGSNH

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thường xuyên

48.

Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan công an, tòa án, cơ quan thi hành án các cấp và chính quyền địa phương thông qua việc xây dựng các quy chế phối hợp liên ngành, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin kết nối về tài sản bảo đảm, tín dụng…

CQTTGSNH

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

49.

Đẩy mạnh triển khai Chuẩn mực an toàn theo thông lệ quốc tế (Basel II) tại Việt Nam, đảm bảo việc triển khai được thực hiện thống nhất đạt mục tiêu đề ra; giám sát chặt chẽ các TCTD trong quá trình thực hiện.

CQTTGSNH

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

4. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng

50.

Triển khai nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả kế hoạch Thanh tra năm 2020 của Thống đốc NHNN; Trường hợp phát hiện có sai phạm kết luận thanh tra xác định rõ hành vi vi phạm, rủi ro và nguy cơ rủi ro, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và kiến nghị biện pháp xử lý

CQTTGSNH

Các đơn vị liên quan

Kết luận Thanh tra

Năm 2020

51.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, đặc biệt là việc phân tích, xử lý các giao dịch đáng ngờ; tập trung triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 15/11/2019 của Thống đốc NHNN về tăng cường quản lý rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố trong lĩnh vực ngân hàng.

CQTTGSNH

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

52.

Tăng cường chỉ đạo TCTD triển khai các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới, phát triển đa dạng về sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, gia tăng doanh thu từ các dịch vụ phi tín dụng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về các dịch vụ tín dụng, ngân hàng của nền kinh tế.

CQTTGSNH, Vụ CSTT, Vụ TDCNKT

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

53.

Giám sát chặt chẽ hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng đã được cấp phép đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả

CQTTGSNH

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

5. Chấn chỉnh, củng cố hoạt động QTDND, xử lý QTDND yếu kém và tăng cường quản lý, giám sát tổ chức tài chính vi mô

54.

Triển khai quyết liệt, bảo đảm hoàn thành mục tiêu, lộ trình và các giải pháp đã đề ra tại Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động củng cố vững chắc hệ thống QTDND và Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến 2020 và định hướng đến 2030.

CQTTGSNH

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

55.

Xây dựng quy trình thanh tra pháp nhân đối với hệ thống QTDND để triển khai đồng bộ, thống nhất trên toàn hệ thống.

CQTTGSNH

Các đơn vị liên quan

 

Năm 2020

56.

Hoàn thiện cơ chế xử lý các QTDND yếu kém, cơ chế hỗ trợ ngân hàng thương mại khi tự nguyện tham gia xử lý QTDND yếu kém; Nghiên cứu, huy động thêm các nguồn lực khác ngoài phương án huy động nguồn lực từ Ngân hàng Hợp tác xã và ngân hàng thương mại.

CQTTGSNH

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

57.

Hướng dẫn NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc triển khai các quy định mới về Ngân hàng Hợp tác xã, QTDND (Thông tư số 21/2019/TT-NHNN ngày 14/11/2019), nhất là các quy định liên quan đến quản lý về địa bàn, điều kiện các chức danh quản lý, điều hành, quản lý sổ tiết kiệm trắng...

CQTTGSNH

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

58.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án “Hệ thống CNTT quản lý, giám sát hệ thống QTDND”, để đáp ứng yêu cầu tại Chỉ thị 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/3/2019 về việc tăng cường các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND

Cục CNTT

Cơ quan TTGSNH và các đơn vị liên quan

Hệ thống phần mềm quản lý, giám sát QTDND

Tháng 9/2021

6. Phát triển an ninh, an toàn trong hoạt động công nghệ thông tin, thanh toán điện tử, thanh toán thẻ

59.

Tổng kết đánh giá kết quả triển khai (theo Quyết định 2545/QĐ-TTg); Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội (theo Quyết định 241/QĐ-TTg); Tổng kết, đánh giá tình hình triển khai Chiến lược giám sát các hệ thống thanh toán tại Việt Nam giai đoạn 2014 -2020...

Vụ Thanh toán

Các đơn vị liên quan

Báo cáo

Năm 2020

60.

Nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money), thí điểm các mô hình dịch vụ thanh toán mới trong khi chưa có quy định của pháp luật để kịp thời đảm bảo công tác quản lý, nhất là đối với các hoạt động thanh toán xuyên biên giới...

Vụ Thanh toán

Bộ Tư pháp và các đơn vị liên quan

Quyết định TTgCP

Năm 2020

61.

Đi với hệ thng thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH):

- Hoàn thành tập trung hóa xử lý thanh toán về Trung tâm thanh toán quốc gia và xoá bỏ các trung tâm xử lý thanh toán khu vực tại Hà Nội Hải Phòng, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ.

- Tiếp tục triển khai mở rộng dịch vụ thanh toán ngoại tệ đến tất cả các thành viên, dịch vụ quyết toán ròng cho hệ thống bù trừ điện tử tự động (ACH) của NAPAS theo quy định tại Thông tư số 37/2016/TT-NHNN qua Hệ thống TTĐTLNH quốc gia.

- Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá về thời gian hoạt động của Hệ thống TTĐTLNH, từ đó điều chỉnh thời gian hoạt động của hệ thống sát với thực tế, đáp ứng được nhu cầu thanh toán ngày càng tăng cao của nền kinh tế.

- Nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chương trình phần mềm để hạn chế rủi ro, sự cố kỹ thuật, giảm thiểu thời gian ngừng hoạt động của hệ thống.

Cục CNTT

Các đơn vị liên quan

- Phần mềm TTĐTLNH

- Báo cáo khảo sát;

- Tháng 3/2020

- Tháng 12/2020

7. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; Siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính; sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

62.

Rà soát và hoàn thiện tài liệu hướng dẫn về Chỉ số Tiếp cận tín dụng (A4) theo tiêu chuẩn của Ngân hàng thế giới; tổ chức tập huấn, hướng dẫn để đảm bảo các Bộ, cơ quan, địa phương có cách hiểu đúng, đầy đủ thống nhất về mục tiêu, các bộ chỉ số, nhóm chỉ số, chỉ số thành phần, mẫu biểu báo cáo.

Văn phòng NHNN

Vụ Pháp chế, CIC và các đơn vị liên quan

Tài liệu hướng dẫn hoặc Kế hoạch hành động (bổ sung, nếu cần thiết)

Quý I năm 2020

63.

Phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định hướng dẫn các quy định của Bộ luật dân sự 2015 về giao dịch bảo đảm, trong đó hoàn thiện các quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm thứ tự ưu tiên thanh toán... theo hướng đơn giản hóa quy định về hồ sơ và thực hiện triển khai đăng ký, sửa đổi, bổ sung, xóa đăng ký biện pháp bảo đảm theo phương thức trực tuyến.

Vụ Pháp chế

Bộ Tư pháp và Bộ, ngành liên quan

Văn bản pháp quy

Năm 2020

64.

Phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc thực hiện giao dịch điện tử về đất đai trong đó có đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất...

Vụ Pháp chế

Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và môi trường; Bộ, ngành liên quan

Văn bản pháp quy

Năm 2020

65.

Phối hợp với Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, đề xuất báo cáo Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện pháp luật về phá sản, trong đó xác định khoảng thời gian cụ thể để bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp tài sản bảo đảm không cần thiết cho quá trình tái cơ cấu của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản.

Vụ Pháp chế

Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao; Bộ, ngành liên quan

Văn bản pháp quy

Năm 2020

66.

Chủ động kết nối với các tổ chức quốc tế có liên quan; cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin cần thiết đảm bảo đánh giá, xếp hạng khách quan chính xác đối với Chỉ số Tiếp cận tín dụng; Chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII)...

Văn phòng NHNN

Các đơn vị liên quan

Báo cáo

Khi có yêu cầu

67.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý điều hành và tác nghiệp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng tới phương thức làm việc hoàn toàn trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin theo mô hình văn phòng điện tử thông minh

Văn phòng NHNN

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

68.

Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, cập nhật và công bố các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo các Nghị định ban hành trên cơ sở những cải cách cắt giảm đơn giản hóa ít nhất 50% số điều kiện kinh doanh trong năm 2018-2019. Công bố đầy đủ, công khai bảng so sánh các điều kiện kinh doanh trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hóa cho đến hết năm 2019. Thực hiện nghiêm việc công bố, công khai theo quy định về kiểm soát thủ tục hành chính

Văn phòng NHNN

Các đơn vị liên quan

Bảng so sánh

Tháng 1/2020

69.

Tổ chức kiểm tra kết quả triển khai kế hoạch CCHC năm 2020 của các đơn vị NHNN; các văn bản chđạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ và NHNN về cải cách hành chính, thực hiện cơ chế một cửa và áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO

Văn phòng NHNN

Các đơn vị liên quan

Tổ chức các Đoàn kiểm tra

Năm 2020

70.

Xây dựng kế hoạch chuyển đổi Hệ thống quản lý chất lượng đang áp dụng đối với các đơn vị thuộc NHNN sang tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015

Văn phòng NHNN

Các đơn vị liên quan

Kế hoạch

Năm 2020

71.

Đổi mới, nâng cấp các hệ thống thông tin quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để kết nối, liên thông trên diện rộng trong toàn hệ thống NHNN và với các cơ quan hành chính khác qua trục liên thông văn bản Chính phủ, đáp ứng đầy đủ các quy định về gửi, nhận văn bản điện tử.

Cục CNTT

Văn phòng NHNN và các đơn vị liên quan

Nâng cấp các phần mềm

Theo quy định của Chính phủ và các kế hoạch của NHNN.

72.

Hoàn thành xây dựng, cập nhật và triển khai Kiến trúc CPĐT NHNN phù hợp với Khung kiến trúc CPĐT Việt Nam (phiên bản 2.0)

Cục CNTT

Văn phòng NHNN và các đơn vị liên quan

Kiến trúc CPĐT cập nhật

Theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và truyền thông

73.

Nâng cấp Hệ thống Dịch vụ công của NHNN Việt Nam thành hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công đáp ứng quy định tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP và các văn bản liên quan

Cục CNTT

Các đơn vị liên quan

Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử mới

2020-2026

74.

Đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ và đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để đảm bảo có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ. Quán triệt cán bộ, công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính; chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu; nâng cao tinh thần, ý thức phục vụ và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết TTHC; công khai công chức có trách nhiệm xử lý hồ sơ TTHC tăng cường thanh tra công vụ; kiên quyết xử lý nghiêm khắc công chức vi phạm quy trình xử lý TTHC, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân.

Vụ Tổ chức cán bộ (Vụ TCCB), Văn phòng NHNN

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

75.

Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của các đơn vị thuộc NHNN để điều chỉnh, sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy của các đơn vị.

Vụ TCCB

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

76.

Xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra công tác tổ chức cán bộ năm 2020 không chồng chéo, trùng lắp với kế hoạch thanh tra hành chính kiểm toán tuân thủ của NHNN; đảm bảo tối thiểu 30% tổng số đơn vị thuộc NHNN được thanh tra, kiểm tra về công tác tổ chức cán bộ.

Vụ TCCB

Các đơn vị liên quan

Tổ chức các đoàn kiểm tra

Năm 2020

8. Các nhiệm vụ khác

77.

Đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ ngành Ngân hàng trên cơ sở bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Ngành và chú trọng các nghiên cứu ứng dụng, kiến nghị chính sách phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý Nhà nước của NHNN; tăng cường hợp tác, khai thác mọi nguồn lực khoa học và công nghệ để phục vụ cho sự phát triển của ngành Ngân hàng.

Viện Chiến lược ngân hàng

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

78.

Tiếp tục giám sát việc triển khai Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tổ chức sơ kết vào cuối năm 2020. Giám sát việc triển khai các Chương trình hành động Đề án, kế hoạch phát triển Ngành đã ban hành.

Viện Chiến lược ngân hàng

Các đơn vị liên quan

Báo cáo

Năm 2020

79.

Triển khai và giám sát việc triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Viện Chiến lược ngân hàng

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

80.

Chủ động điều hòa linh hoạt lượng tiền mặt trong hệ thống NHNN duy trì dự trữ hợp lý nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt cho lưu thông cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá. Đẩy mạnh kiểm tra công tác an toàn kho quỹ, tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh và xử lý sau kiểm tra đảm bảo an toàn công tác tiền tệ kho quỹ. Xây dựng mô hình cơ chế cung ứng tiền mặt theo hướng tăng cường dịch vụ đối với các TCTD.

Cục Phát hành và kho quỹ (Cục PHKQ)

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

81.

Đẩy mạnh việc phát triển quan hệ với BIS, chủ động, tích cực tham gia các hoạt động tại các cơ quan, Ủy ban trực thuộc BIS như Ủy ban Basel về Thanh tra, giám sát Ngân hàng (BCBS), Ủy ban Irving Fisher về Thống kê NHTW (IFC), Hội đồng Ổn định Tài chính (FSB), các khóa đào tạo tại Học viện Ổn định Tài chính (FSI), làm cơ sở tiến tới gia nhập BIS.

Vụ Hợp tác quốc tế (Vụ HTQT)

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

82.

Tiếp tục thực hiện tốt vai trò là Giám đốc Phụ khuyết của Nhóm nước tại AIIB; đồng thời chuẩn bị kinh nghiệm, nguồn lực cho việc tiếp nhận vị trí Giám đốc điều hành của Nhóm tại AIIB vào năm 2020 đồng thời tiếp nhận và thực hiện tốt vai trò Giám đốc Nhóm tại AIIB vào tháng 7/2020; Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, kết nối các đối tác Việt Nam với AIIB nhằm thu hút có hiệu quả nguồn vốn AIIB cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, ưu tiên cho các dự án có sự tham gia của khu vực tư nhân.

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

83.

Đẩy mạnh huy động hỗ trợ từ các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như WB, ADB, IMF, AIIB và các đối tác song phương/đa phương cho lĩnh vực tài chính - ngân hàng trên cơ sở các chương trình, kế hoạch, mục tiêu của Chính phủ và NHNN; chủ động, tích cực phối hợp với các nhà tài trợ tăng cường công tác đào tạo, tăng cường năng lực cho các cán bộ NHNN, tập trung vào các lĩnh vực: thống kê tiền tệ, hỗ trợ tăng cường hiệu quả chính sách tiền tệ, công nghệ tài chính, an ninh mạng quản lý dự trữ, truyền thông chính sách..., trong đó lưu ý việc điều phối, kết hợp tác hoạt động hợp tác và hỗ trợ với các bên liên quan đảm bảo hiệu quả và tránh chồng chéo, lãng phí.

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

84.

Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam; tổ chức tốt chuỗi các sự kiện trong tiến trình hợp tác tài chính-ngân hàng ASEAN và ASEAN+3

Vụ HTQT

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

85.

Đảm bảo hoạt động hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông thông suốt an toàn; Vận hành các hệ thống thông tin nghiệp vụ của NHNN đặc biệt là Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động

Cục CNTT

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

86.

Tăng cường triển khai các chương trình truyền thông phổ biến kiến thức ngân hàng - tài chính, tập trung vào các nội dung liên quan cơ chế chính sách tín dụng, các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng, thông tin tín dụng. Nghiên cứu, đổi mới phương thức truyền thông trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại và các công cụ truyền thông của mạng xã hội để phù hợp với xu thế phát triển.

Vụ Truyền thông

- Các đơn vị thuộc NHNN;

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thường xuyên

87.

Thực hiện hoàn thành Kế hoạch kiểm toán nội bộ NHNN năm 2020 được Thống đốc phê duyệt; Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định về công tác kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ NHNN; nâng cao chất lượng công tác, từng bước hướng tới thực hiện kiểm toán nội bộ trên cơ sở rủi ro.

Vụ Kiểm toán nội bộ

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

II. NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHI NHÁNH TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

88.

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD trên địa bàn. Tập trung thực hiện phương án xử lý các QTDND yếu kém, các QTDND còn nhiều tồn tại, hạn chế trong hoạt động. Tiếp tục triển khai và chỉ đạo các QTDND triển khai các giải pháp nêu tại Đề án Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố

CQTTGSNH, các đơn vị liên quan

Thường xuyên

89.

Đầu mối gắn kết chặt chẽ với các TCTD trên địa bàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành Ngân hàng ở địa phương, đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp; Chủ trì tổ chức làm việc với TCTD để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc về hoạt động tiền tệ ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật;

NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thường xuyên

90.

Nâng cao vai trò trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố đối với hoạt động cho vay tiêu dùng tại địa bàn để ngăn chặn tình trạng và nguy cơ mất an toàn và tiếp tay cho tín dụng đen hoạt động, đồng thời tạo điều kiện cho các TCTD tăng cường khả năng cung ứng tín dụng, đặc biệt là tín dụng tiêu dùng cho người dân ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thường xuyên

91.

Nắm sát hoạt động cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của các TCTD, đảm bảo hoạt động ngân hàng đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương và nhu cầu tiêu dùng của người dân.

NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thường xuyên

92.

Đáp ứng kịp thời nhu cầu tiền mặt về giá trị và cơ cấu mệnh giá cho các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước trên địa bàn. Chấp hành nghiêm các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về an toàn kho quỹ; tăng cường kiểm tra, giám sát tại đơn vị và các tổ chức tín dụng trên địa bàn để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, giảm thiểu các rủi ro mất an toàn kho quỹ.

NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố

Cục PHKQ, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thường xuyên

93.

Tích cực phối hợp với Vụ Truyền thông, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, các hiệp hội ngành nghề đẩy mạnh tuyên truyền giải thích cho người dân về tác hại của tín dụng đen, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, hạn chế hoạt động vi phạm pháp luật này.

NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố

- Vụ Truyền thông, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

- Tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn

Thường xuyên

94.

Tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc NHNN trong công tác kiểm tra việc tuân thủ chế độ báo cáo thống kê của các TCTD trên địa bàn đảm bảo tính thống nhất của số liệu trong dữ liệu chung của NHNN.

NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố

Vụ DBTK, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thường xuyên

95.

Nâng cao hiệu quả thực hiện các kế hoạch tài chính, mua sắm tài sản và đầu tư xây dựng đã được Thống đốc phê duyệt, gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

NHNN chi nhánh

Vụ TCKT và các đơn vị liên quan

Thường xuyên

96.

Báo cáo kết quả hoạt động ngân hàng phục vụ việc giải trình, cung cp thông tin cho Lãnh đạo địa phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Ban Dân Vận, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Báo cáo

Hàng tháng

III. TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI

97.

Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNM về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; tập trung nguồn lực tài chính để xử lý nợ xấu trong năm 2020 bảo đảm đạt được mục tiêu đề ra

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

98.

(i) Đẩy mạnh đổi mới và hoàn thiện hạ tầng công nghệ nhằm phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tiện lợi, an toàn cho khách hàng; (ii) Phối hợp triển khai hệ thống thanh toán bù trừ điện tử tự động (ACH); (iii) Rà soát, điều chỉnh mức phí thanh toán hợp lý để thúc đẩy phát triển TTKDTM và hỗ trợ thanh toán trong cung ứng dịch vụ công, trong đó ưu tiên giảm phí thanh toán cung ứng một số dịch vụ công.

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

99.

Triển khai áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa theo lộ trình chuyển đổi theo quy định NHNN

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Vụ Thanh toán, các đơn vị liên quan

Thường xuyên

100.

Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2018 về việc nâng cao năng lực phòng chống phần mềm độc hại, Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 04/7/2018 về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07/6/2019 về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Cục CNTT và Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

101.

Tích cực cải tiến mô hình kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ phát triển đa dạng hóa các sản phẩm phi tín dụng có khả năng giao dịch bằng các phương tiện điện tử trên môi trường mạng với tính năng an toàn, bảo mật cao, nâng cao khả năng phục vụ.

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

102.

Công khai trên trang tin điện tử của tổ chức về thủ tục cấp tín dụng cung ứng dịch vụ đối với khách hàng, bao gồm: trình tự các bước thực hiện, yêu cầu, thành phần, số lượng hồ sơ, thời hạn giải quyết lãi suất cho vay. Đồng thời công bố, công khai lộ trình cắt giảm thủ tục thời hạn giải quyết để doanh nghiệp, cá nhân giám sát việc thực hiện của từng chi nhánh, đơn vị thuộc TCTD.

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

103.

Rà soát việc xác định mức phí đối với từng loại dịch vụ, xây dựng lộ trình giảm phí tương ứng với giảm chi phí hoạt động và giảm chi phí cung cấp dịch vụ trên cơ sở ứng dụng CNTT trong việc cấp dịch vụ; đồng thời loại bỏ các loại phí không hợp lý liên quan đến hoạt động cho vay. Công bố công khai trên trang tin điện tử toàn bộ các loại phí dịch vụ.

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

104.

Đẩy mạnh các chương trình truyền thông giáo dục tài chính liên quan đến các kiến thức về tiếp cận sản phẩm dịch vụ ngân hàng góp phần tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính trong cộng đồng.

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Vụ Truyền thông, các đơn vị liên quan

Thường xuyên

105.

Rà soát mô hình tổ chức bộ phận ngân quỹ và hệ thống các văn bản, quy định nội bộ về công tác an toàn kho quỹ đảm bảo tính pháp lý, đầy đủ, chặt chẽ.

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

106.

Tuân thủ các quy định của NHNN về báo cáo thống kê, đặc biệt chú trọng tới việc cải thiện, nâng cao chất lượng báo cáo, đảm bảo tính chính xác, đầy đủ, đúng hạn theo quy định.

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

 



1 Nợ đã thc hiện các biện pháp phân loại nợ là các khoản nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu bao gồm trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ cơ cấu theo Quyết định 780/QĐ-NHNN ngày 23/4/2012 và Thông tư 09/2014/TT-NHNN ngày 18/3/2014 và các khoản phải thu khó đòi.

STATE BANK OF VIETNAM
------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
----------------

No. 01/CT-NHNN

Hanoi, January 3, 2020

 

DIRECTIVE

IMPLEMENTATION OF PRIMARY TASKS OF BANKING SECTOR IN 2020

2020 holds a particularly special meaning as it is the last year in the 5-year plan for socio-economic development of 2016-2020, prepares and builds up momentum for the next 5-year plan of 2021-2025 and 10-year strategy of 2021-2030 and is the year in which many major events and ceremonies of the country and the sector are held. Domestic and international situations continue to pose challenges and unexpected movements which require consensus and determination in direction of the heads of State Bank of Vietnam (hereinafter referred to as “SBV”) and of banking officials, employees and public employees.

Implement Resolution No. 85/2019/QH14 dated November 11, 2019 of National Assembly on socio-economic development plan in 2020, Resolution No. 01/NQ-CP dated January 1, 2020 of Government on primary tasks and solutions for implementing socio-economic development plan and state budget estimates in 2020 (Resolution 01), Resolution No. 02/NQ-CP dated January 1, 2020 on continuing implementation of primary tasks and solutions for improving business environment and improving national competitive capacity in 2020, Governor of State Bank of Vietnam requests entities affiliated to the SBV and credit institutions, branches of foreign banks (hereinafter referred to as “credit institutions”) to thoroughly comprehend action policies of the Government in 2020 which is “Discipline, honest, active, responsible, creative, effective”, successfully implement solutions for operating monetary policies and banking activities to control inflation, sustain macroeconomic development, assist economic development, ensure safety and healthy development of credit institution systems, to be specific:  

I. GENERAL OBJECTIVES AND TASKS

1. Operate monetary policies actively, flexibly, cautiously and consistently with fiscal policies and other macroeconomic policies to control average inflation below 4%, sustain macroeconomic development, assist economic development according to defined objections, stabilize monetary and foreign exchange market. In 2020, total payment facilities increase by approximately 13%; credit increases by approximately 14%, with adjustment in accordance with practical situations. Implement solutions for monetary and credit following the principles of expanding credit together with safety, efficiency and guaranteeing capital provision for the economy.

2. Stringently and effectively implement scheme for restructuring systems of credit institutions associated with bad debts in 2016-2020 (according to Decision No. 1058/QD-TTg of the Prime Minister), focus on dealing with bad debts of credit institutions (according to Resolution No. 42/2017/QH14 of National Assembly on pilot implementation of dealing with bad debts) to ensure safety of banking operation; Strive to reduce non-performing loan ratio to less than 2%; non-performing loan ratio of credit institutions and bad debts sold to Vietnam Asset Management Company (VAMC) and debts already subject to classification reduce to less than 3% (excluding bad debts of underperforming commercial institutions) in 2020.

3. Continue to develop legal framework, mechanisms and policies satisfactory to international regulations and practices; ensure consistency and satisfaction of legislative documents to state management requirements for monetary and banking activities in times to come. Stringently implement strategy for developing banking sector of Vietnam until 2025 with orientation to 2030.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Promote administrative reform to exceed task quotas according to general program for state administrative reform and plans for administrative reform of SBV during 2016-2020 to improve business environment and enhance national competitive capacity. Strive to maintain position in group of ministries leading in Par Index rankings and ranks in access to credit indicator within 25 leading countries in 2020.

II. FOR ENTITIES IN HEAD OFFICES OF STATE BANK OF VIETNAM

Actively provide Governor of the State Bank of Vietnam with advice on implement solutions according to functions and tasks of the entities, which focus on following primary tasks:

1. Develop legal framework in monetary and banking sectors

1.1. Expeditiously conclude and propose revision to Law on State Bank of Vietnam and the Law on Credit Institutions, focus on matters that require to be legalized relating to dealing with bad debts according to Resolution No. 42/2017/QH14, new regulations relating to payment and foreign exchange management; conclude and propose revision to Law on Deposit Insurance.  

1.2. Continue to develop mechanisms and policies on banking inspection and supervision, regulations on safe banking operations, policies and mechanisms for reinforcing organization of cooperative credit institutions and microfinance institutions.

1.3. Continue to provide advice on issuance of regulations on applying new and modern payment facilities utilizing advanced technology. Review and amend regulations on non-cash payments and restriction on cash payments; regulations on security, safety and privacy in payment satisfaction to trend of developing digital banks.

1.4. Develop policies, facilitate and control hidden risks to enable credit institutions to fully provide financial service products in a diversified manner, especially non-credit banking service products and develop new highly creative products and services.

1.5. Continue to develop and finalize legal framework and regulations on financial stability, macroprudential and microprudential policies, macroprudential instruments to prevent systematic risks and reduce negative impact on the economy.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Regulate monetary policies and banking operations

2.1. Monitor development of macroeconomic, domestic and international monetary situations to operate appropriate tools and solutions in a synchronized manner to stabilize monetary and foreign exchange markets, control development speed of total payment facilities and credit according to declared orientation.

Flexibly operate open markets to maintain liquidation in appropriate value and assist in stabilizing monetary market. Refinance credit institutions to assist liquidation and granting loans under programs approved by the Government and Prime Minister, assist restructuring of credit institutions and dealing with bad debts. Regulate interest rates, conversion rates and compulsory reserve instruments satisfactory to macro-monetary balances, inflation, market development and monetary policy objectives; increase state foreign exchange reserve during favorable market conditions.

2.2. Prescribe credit solutions to control credit scale and development according to defined orientation together with improving credit quality and restructuring of credit institutions. Inform and periodically review, consider revision to credit development quota for each credit institution based on operation, financial capacity and healthy credit development capacity; in which, consider prioritizing higher credit development quota with respect to credit institutions assisting disposal of people’s credit funds, credit institutions with low bad debt ratios (non-performing debts and hidden debts turning into bad debts) and credit institutions reducing lending interest rates. Direct credit institutions to develop credit effectively and concentrate credit on business sectors prioritized according to policies of the Government. Closely control credit in sectors with high potential risks namely investment, immovable property, stock, build-operate-transfer and build-transfer in traffic; increase risk management for consumer credit and grant loans.

- Continue to implement measures to improve accessibility of banking credit, satisfy legal needs of the general public and prevent black credit.

- Successfully implement incentive credit programs and policies according to direction of the Government and Prime Minister. Cooperate with relevant ministries in continuing review and development of legal framework to facilitate implementation of credit programs for poor households, near-poor households, households recently escaping poverty and beneficiaries of other policies.

2.3. Closely and effectively cooperate with ministries and relevant entities in providing information and figures to improve quality of preparation, analysis and prediction of international payment balance serving regulation of monetary policies of SBV and macroprudential regulations of the Government. Continue to improve quality of inventory, analysis and prediction serving planning, directing and regulating monetary policies and banking operations.

3. Improve capacity and effectiveness of inspection and supervision; prevention of violations in banking sector

3.1. Effectively implement Inspection plan in 2020 of SBV satisfactory to state management requirements regarding monetary and banking affairs, assist restructuring, disposing bad debts and ensuring safe and legitimate operation of credit institution systems. In which, prioritize inspecting juridical person; administration, operation and risk management of credit institutions, issuance of localized regulations; sectors more vulnerable to emergence of risks, negativity, corruption and violations; implementation of restructuring plans together with disposal of bad debts of credit institutions, compliance with regulations and law on anti-money laundering, terrorism financing, payment and foreign exchange management.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3.3. Increase macroprudential and microprudential supervision, especially supervising credit quality and disposal of bad debts of credit institutions, granting of credit in sectors highly vulnerable to potential risks, consumer credit and investment of enterprise bonds; monitor and acknowledge any irregularity posing potential risks to recommend, propose and warn credit institutions to promptly prevent and minimize risks in operations of credit institutions.   Expeditiously stabilize organizations and implement microprudential supervision model for each credit institution, each branch and offices of credit institutions (apply model of operating officials).

3.4. Stringently take actions as per the law in case credit institutions continue to allow reoccurrence of warned violations, especially disciplining heads of entities for allowing occurrence of violations and bank employees for aiding criminals; Stringently impose administrative penalties against violations of organizations and individuals. Promote monitoring, expediting, examining, conducting post-inspection actions and supervising to ensure stringent implementation of conclusion, recommendations and decisions on disposal of credit institutions.

3.5. Continue to improve quality and effectiveness of anti-money laundering, especially analyzing and dealing with suspicious transactions. Actively cooperate closely with ministries in completing reports and explanation related to multilateral assessment of Asia/Pacific Group (APG) on anti-money laundering on Vietnam.

3.6. Increase capacity and effectiveness of inspection and banking supervision mechanisms, satisfy task demands in recent times; improve specialized and professional capacity and responsibilities of officials who perform banking inspection and supervision. Promote provision of professional guidelines for inspection, supervision and quality control of inspection and supervision of Bank Supervision and Inspection Agency for the entire supervision and inspection systems; implement pilot execution of inspecting entities within inspection responsibilities of inspectors and supervisors of SBV in other provinces and cities.

3.7. Promote responsibilities of organizations and entities in banking sector for complying with regulations and law, directions and policies of the Communist Party and the Government.  Thoroughly encourage officials and public officials to maintain occupational ethics, do not allow negativity and/or corruption to occur, especially during period of inspection, examination and accounting.

4. Implement scheme for restructuring credit institution systems together with disposing bad debts during 2016-2020

4.1. Direct credit institutions to intensively and effectively implement approved measures for restructuring together with disposing bad debts during 2016-2020;  Implement measures for disposing 3 banks subject to compulsory purchase and underperforming banks according to regulations and law, direction and approval of the Government and competent agencies. Enhance close monitor and supervision to promptly deal with difficulties during implementation; direct credit institutions to revise the measures based on inspection and accounting conclusions or based on operation facts of the credit institutions to ensure effective and concise implementation capable of achieving defined objectives.

4.2. Conclude scheme for restructuring credit institution systems together with disposing bad debts during 2016-2020 approved under Decision No. 1058/QD-TTg while developing scheme for restructuring credit institution systems during 2021-2026.

4.3. Closely cooperate with agencies affiliated to the National Assembly and ministries in dealing with difficulties related to increased charter capital of joint-stock commercial banks over 50% of charter capital of which is held by the Government and Vietnam Agriculture and Rural Development Bank (Agribank) as per the law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4.5. Dispose underperforming non-bank credit institutions based on regulations and law and restructuring properties of each institution; closely cooperate with presiding ministries in managing and restructuring underperforming non-bank credit institutions whose owners/major shareholders are state groups/corporations according to direction of the Prime Minister.

4.6. Direct credit institutions to utilize resources to boost bad debt disposing process, minimize new bad debts from arising; intensively and completely implement measures specified under Resolution No. 42/2017/QH14 to reduce bad debt rates to safe level according to defined objectives. Closely cooperate with ministries and local governments to promptly deal with difficulties in adopting bad debt disposing measures according to Resolution No. 42/2017/QH14.

4.7. Direct VAMC to promote procurement and disposal of bad debts based on market mechanisms according to regulations and law and approved measures; implement appropriate measures to collect debts, continue to cooperate with credit institutions in disposing bad debts and collateral of bad debts purchased by special bonds.

4.8. Promote roles of Deposit Insurance of Vietnam in protecting benefits of persons making deposits; inspect and supervise operation of organizations participating in deposit insurance as per the law; finalize deposit insurance development strategy; request Prime Minister to raise payment limits of deposit insurance and propose measures for effectively using the residual insurance premiums.

5. Direct, rectify and reinforce operation of people’s credit fund systems and enhance managing and supervising microfinance institutions

5.1. Direct and instruct branches of SBV in provinces and cities in managing, approving, inspecting, supervising and restructuring local people’s credit funds; especially improve quality of supervision operation to promptly detect and take actions against violations and apply information in managing and supervising people’s credit fund systems.

5.2. Prioritize disposing underperforming people’s credit funds by appropriate measures according to regulations and law while following principles of conservatism, guaranteeing legal benefits of persons making deposit and maintaining stability and safety of the systems. Utilize roles of Cooperative banks and Deposit Insurance of Vietnam in disposing underperforming underperforming people’s credit funds.

5.3. Carry out pilot implementation of cross-inspection of branches of SBV in provinces and cities to people’s credit funds and entrust Cooperative banks and Deposit Insurance of Vietnam to inspect people’s credit funds in provinces and cities where multiple people’s credit funds are situated to improve effectiveness of state management of mobilizing deposits, granting loans and safe regulations of the funds. 

5.4. Enhance managing and supervising operations of microfinance institutions, ensure compliance with regulations and law, principles and objectives and prevent risks potentially cause unsafe in operations.  Conclude Decision No. 20/2017/QD-TTg of Prime Minister on operation of the programs, microfinance projects of political organizations, socio-political organizations and non-governmental organizations and rapidly develop legal framework for operation of microfinance institutions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6.1. Continue to promote non-cash payment, especially payments made via banks with respect to public services. Produce intermediate, final reports and assessment for programs and strategies in payment sectors: implementation results of non-cash payments during 2016-2020, propose measures to promote non-cash payments during 2021-2025; implementation of strategy for supervising payment systems in Vietnam during 2014-2020; scheme for promoting payments via banks for public services according to Decision No. 241/QD-TTg.

6.2. Develop mechanisms and carry out pilot implementation of using telecommunication accounts to pay for other small services (Mobile Money services) and new payment services approved by Prime Minister.

6.3. Enhance security, safety and privacy in payment operations. Direct payment service providers to convert from magnetic cards to chip chards according to defined roadmap. Enhance supervising payment systems and provision of intermediate payment services; issue warnings and recommendations on risks in electronic payments. Regularly inspect, detect and take actions against violations in payment and intermediate payment affairs.

6.4. Cooperate with authorities specialized in cyberinformation security of Ministry of Public Security, Ministry of National Defense, Ministry of Information and Communication, domestic and international cyber security organizations in exchanging and sharing experience and information via cyber environment, provide drills and organize response to information security incidents of banking sector; cooperate in inspecting and assessing safety and security of important information of entities in banking sector.

6.5. Direct payment service providers and intermediate payment service providers to review and revise internal procedures to ensure compliance with applicable regulations and law; actively conduct research and apply new technology to improve security and privacy in payment; enhance controlling, supervising and promptly detecting violations and frauds regarding payments and intermediate payment affairs; stringently implement regulations on anti-money laundering.

7. Promote administrative reforms to improve business environment in monetary and banking sectors; enhance administrative discipline and regulations; reform public affairs, streamline a system and downsize

7.1. Promote administrative reforms, develop structure of electronic Government of SBV and modernize administrative operations to increase effectiveness of direction and command in banking sector. Adopt measures to increase coverage of information application and maintain depth of credit information. Cooperate with Ministry of Justice and relevant ministries in developing legal framework on registering secured transactions and protect creditors’ rights to improve credit accessibility index.

7.2. Develop organizational structure of entities affiliated to SBV to ensure compactness, conformance with functions and tasks, continuous and effective operation, do not allow overlap, repetition or abandonment of responsibilities; Continue to stringently implement downsizing and successfully downsize by 10% during 2016-2020.

7.3. Continue to develop and issue documents providing guidelines and elaborating new regulations of the Communist Party and Government on official affairs.  Stringently implement assessment, selection, planning, allocation, use and assignment based on title standards, official assessment criteria, procedures, regulations and democracy principles to ensure openness, transparency and effectiveness.  Implement official rotation within SBV systems from central level to local levels to enhance managing officials of branches and train planning officials of all levels.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

8. Other primary tasks

8.1. Actively and flexibly circulate amount of cash in SBV systems; continue to increase reserve rates reasonably to satisfy monetary security requirements and cash requirements for circulation in terms of amount and face value structure; effectively implement measures to increase money quality in circulation and continue to enhance anti-money laundering measures and protection of Vietnamese currency; ensure money printing manufacturing plans and quality.

Promote vault safety operations, enhance direction, rectification and post-inspection processing. Continue to develop managing and operating mechanisms to initiate operations in transshipment warehouses. Continue to conduct research in developing cash supply models and mechanisms for the purpose of steady commercialization with respect to credit institutions.

8.2. Actively and positively cooperate and implement international integration in banking sector. Closely cooperate with ministries in successfully implementing roles of ASEAN Chairmanship 2020 of Vietnam. Positively participate in policy, concept development and programs for increasing capital, restructuring and reforming of international organizations to increase standing of Vietnam. Focus on providing technical assistance related to green finance, financial inclusion, infrastructural finance, digital banks and regional payment connection. Effectively implement cooperation programs with Bank of the Lao P.D.R and National Bank of Cambodia.

8.3. Promote scientific and technological activities in banking sector while complying with primary objectives of the sector, focus on conducting research on application and propose policies directly serving state management of SBV.

8.4. Successfully organize implementation of accounting works, financial asset and construction investment management of SBV, ensure close management and thorough use to ensure efficiency and effectiveness. Increase effectiveness of managing and implementing public investment capital plans and boost implementation and disbursement progress from the first few months of the year. Enhance renovation and operation effectiveness of public service providers in banking sector; increase autonomy and promote private sector involvement of public service providers according to Resolution No. 19-NQ/TW of the 12th Central Executive Committee of the Communist Party. Successfully act as agencies representing state capital in credit institutions, financial organizations and partially state-owned enterprises under management of SBV.

8.5. Enhance internal control and accounting operations in entities of SBV; focus on controlling and accounting operations with high potential risks, supervising asset safety and ensuring safe and effective operations of SBV; stringently implement post-accounting propositions.

8.6. Promote effective solutions and measures in communication regarding implementing monetary policies and banking operations; consider communication as channels for transmitting policies and providing information to ensure transparency and conformance to international agreements and regulations and law. Enhance directing, orienting, promptly providing topics and details, creating consensus from central SBV to branches of SBV in provinces and cities, between SBV and credit institutions regarding communicating policies in each month/quarter/period related to banking operations. Increase initiative, professionalism and effectiveness in order to provide information rapidly and promptly to satisfy requirements of communication operations of SBV and execute international agreements. Promptly acknowledge, respond and effectively deal with issues highly concerned by the media, create consensus and support for policies and mechanisms of SBV. Effectively implement financial education communicating program to increase accessibility to financial services.

8.7. Promptly provide information and explanation for issues related to monetary and banking operations within the concern of National Assembly, members of National Assembly and voters. Direct branches of SBV in provinces and central-affiliated cities to cooperate with local branches of credit institutions in successfully providing adequate information serving operations of National Assembly in provinces and central-affiliated cities, acknowledge feedback for timely solutions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Organize implementation of monetary policies and banking operations

1.1. Acknowledge policies of the Communist Party, the Government and the sector to actively publicize and instruct local credit institutions to stringently implement monetary and credit solutions and banking operations of the Government, SBV, policies assisting local socio-economic development.

1.2. Monitor and acknowledge local socio-economic conditions and banking operations to promptly deal with difficulties and issues arising during implementation period; report and propose committee levels, local governments and Governor of SBV with measures to manage operations of credit institutions, deal with issues that arise in practical operations, difficulties of policies and mechanisms that need to be revised satisfactory to practical conditions; enhance cooperation in exchanging information with entities in head offices of SBV.

1.3. Actively provide advice for People’s Committees of provinces and cities on cooperating with relevant ministries in promoting local non-cash payments while ensuring security, safety and privacy in payment operations.

1.4. Cooperate with local ministries and socio-political organizations in promoting implementation of credit programs and policies serving business operations, satisfying consumption demands of the general public, especially in remote and isolated areas, ethnic minorities and restricting black credit.

1.5. Cooperate with ministries in providing advice for People’s Committees of provinces and cities on enhancing effectiveness of operations of local credit secure funds to assist small and medium enterprises in accessing funds for business operations.

1.6. Act as contact point to closely connect with local credit institutions during implementation of tasks of local banking sector, promote implementation of bank – enterprise connection program; take charge working with credit institutions to promptly publicize credit programs and policies of banking policies for dealing with issues and difficulties in monetary and banking operations as per the law. Focus on citizen reception, processing documents, complaints, accusations, propositions and feedback as per the law.

2. Implement scheme for restructuring credit institution systems together with disposing bad debts during 2016-2020

2.2. Stringently inspect implementation of measures for restructuring together with disposing bad debts of local credit institutions, especially implementation of measures for improving financial capacity, credit quality, administration, operation, internal control and accounting operations. Enhance communicating and working with credit institutions and branches thereof to assess and clarify issues related to operations of credit institutions; promptly deal with difficulties of credit institutions and ensure compliance of implementation of restructuring measures with defined objectives and roadmap.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2.4. Closely cooperate with committee level, local governments and local competent agencies, assist credit institutions in dealing with difficulties in implementing Resolution No. 42/2017/QH14 and Decision No. 1058/QD-TTg, especially disposing and liquidating collateral in order to boost process of disposing bad debts and restructuring credit institution systems.

3. Organize implementation of inspection and supervision; prevention of violations in banking sector

3.1. Actively develop plans and conduct irregular inspections with respect to credit institutions whose head offices are located locally, branches of commercial banks, branches of foreign banks and people’s credit funds that have not been inspected for at least 3 years with poor financial conditions, high accumulated losses, unusually high outstanding credit debts, increased bad debts, signs of irregularity via remote supervision, potentially risky operations or prolonged negativities that have not been rectified.

3.2. Intensify irregular inspection, supervision and examination of people’s credit funds, especially underperforming people’s credit funds to promptly detect and rectify violations in operations. People’s credit funds in provinces and cities shall inspect each other according to instruction of SBV.

3.3. Promote and improve microprudential supervision of branches of SBV in provinces and cities with respect to people’s credit funds and local branches of credit institutions to promptly warn and prevent flaws and/or violations. Stringently take actions against people’s credit funds and branches of credit institutions, especially violations that have been warned against, repeated or slow to be rectified to enforce intimidation and strictness of regulations and law.

3.4. Stringently implement documents prescribing, amending and providing guidelines of central SBV on permitting, inspecting, supervising and ensuring safety and security in banking operation; issue warnings on operation for local credit institutions; organize trainings on regulations on anti-money laundering.

3.5. Increase anti-corruption, anti-negativity and anti-criminal activities on a local scale, especially newly emerged violations namely money laundering, illegal money transfer overseas and high-tech crime.

3.6. Closely cooperate with committee level, local governments and relevant agencies in promptly dealing with issues related to local credit institutions as per the law, ensure safe operations of credit institutions.

4. Develop plans and organize implementation according to direction of Governor of SBV to promote non-cash payments, ensure security and safety in information technology activities, electronic payments and card payments; Monitor, expedite and direct local payment service providers, intermediate payment service providers to implement. Regularly inspect, detect and take actions against violations in local payment and intermediate payment affairs.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5.1. Promptly satisfy cash requirements in terms of amount and face value of local credit institution and State Treasury. Stringently comply with regulations of SBV on vault safety; enhance inspection and supervision in local entities and credit institutions to promptly rectify drawbacks and reduce risks of vault unsafety.

5.2. Actively communicate and provide explanation for issues related to monetary policies and banking operations for committee levels, local government and members of the National Assembly; Fully participate in contacting local voters to direct deal with issues and difficulties concerned and/or proposed by voters. Actively provide accurate and timely information for local press on mechanisms and policies of SBV and operation results of banking systems. Promptly acknowledge and report issues within the concern of general public or issues arising locally to provide information objectively, adequate and create consensus among local agencies, enterprises and general public.

5.3. Positively and adequately implement tasks according to plans of SBV regarding performing administrative reform, controlling administrative procedures, implementing single-window system, implementing ISO in processing administrative procedures; continue to effectively implement tasks of branches of SBV under action programs of the sector to improve business environment, enhance national competitive capacity, assist and develop enterprises.

5.4. Continue to stringently implement official-related affairs, especially planning to ensure adequate sources of officials to select and assign as managerial or leading positions. Enhance administrative discipline and regulations; emphasize responsibilities of leaders; increase public affair culture and official ethics.

IV. FOR CREDIT INSTITUTIONS

1. Organize implementation of monetary policies and banking operations

1.1. Develop and implement business plans for 2020 according to solutions for economic administration, monetary and credit policies and banking operations of the Government and SBV.

1.2. Actively balance funding sources and use thereof to ensure liquidation and timely satisfaction of credit and payment demands of the economy.

1.3. Stringently and regularly inspect and supervise compliance with regulations and law and direction of SBV on interest of mobilizations, loans and service charges; submit reports to SBV adequately, promptly and accurately on interest figures according to regulations and law on statistical report regime; actively review and detect violations to take appropriate actions depending on responsibilities of organizations and individuals.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Perform credit control conforming to credit development quota of 2020 and credit control measures according to direction of SBV; focus capital on granting loans in prioritized business sectors. Closely control credit in sectors with potential risks, enhance risk management in consumer credit and loan credit for non-business purposes; continue to closely control loans in foreign currency according to policies of the Government and SBV on limiting dollarization in the economy.

- Allocate necessary capital to develop loan products serving non-business purposes to meet reasonable demands of the general public; consider and implement measures to deal with difficulties of customers who cannot pay debts within the deadline, help customers access bank loan capital with ease and restrict black credit.

- Direct branches of credit institutions to cooperate with branches of SBV in provinces and cities in effectively implementing bank – enterprise connection program to deal with difficulties in credit relationship with customers, enable customers to access bank loan capital as per the law.

1.5. Actively conduct research and develop loans with reasonable interest rates together with simplifying procedures for granting capital loan while ensuring capital adequacy and compliance with regulations and law, enhance appraisal capacity to shorten loan processing time

1.6. Publicize and provide customers with guidelines on policies of the Government, services and products to inform the customers about benefits and obligations in performing transactions with banks.

2. Implement scheme for restructuring together with disposing bad debts during 2016-2020

2.1. Organize intensive and effective implementation of contents and solutions in approved restructuring measures together with bad debt disposal until 2020, adopt measures specified under Resolution No. 42/2017/QH14 to promote process of disposing bad debts and collateral of bad debts according to defined roadmaps and plans. Strive to reduce at least 25% of total non-performing loans and bad debts sold to VAMC and loans subject to debt classification measures1 in 2020 compared to those at the end of 2019.

2.2. Stringently comply with regulations and law and direction of SBV on classifying debts and provisions; review and reduce expenditure on operation to focus financial resources on disposing bad debts in 2020, especially for credit institutions with moderate credit quality, high restructured debts and hidden debts potentially turning into bad debts.

2.3. Closely control credit development speed, credit structure and credit quality, enhance credit risk management in sectors vulnerable to hidden risks, customers with high outstanding loans and enterprise bond investment.  Stringently comply with regulations and law on credit extension and methods of disbursing loan capital utilizing non-cash payment services; Closely control use purposes of loans of customers and minimize increase of bad debts of credit extensions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2.5. Closely cooperate with VAMC in reviewing and specifically assessing each bad debt granted to VAMC, especially high bad debts; assess ability to recall and reasons for difficulties in disposing bad debts to develop effective rectification measures; promote disposing bad debts according to market mechanisms.

2.6. Implement appropriate measures to increase revenues from non-credit services; post holdings on stock market; continue to develop finance healthily and increase charter capital. Promote application of Basel II capital standards and risk management principles according to international practices. Expeditiously develop database and calculating instruments and upgrade information technology to prepare for performing internal assessment on capital adequacy.

2.7. Actively cooperate with local governments and local competent authorities, especially police, court authorities and judgment enforcement authorities of all levels in recalling bad debts and disposing assets to sufficiently recall bad debts.

2.8. Actively and successfully publicize implementation results of operating monetary policies and operations of the sector, operation results of entities, results of restructuring together with bad debt disposal according to Decision No. 1058/QD-TTg and Resolution 42/2017/QH14, while focus on communicating to enable customers to fully understand legal benefits of credit institutions in disposing debts and responsibilities for paying debts of customers. Promptly acknowledge and submit reports to SBV on issues arising in operations to develop appropriate solutions, avoid impact on reliability and stabilize the system.

2.9. Emphasize roles and responsibilities of Cooperative banks for connecting people’s credit fund systems, circulating capital, examining, supervising and ensuring safety of people’s credit fund systems as per the law. People’s credit fund systems shall intensively and effectively implement approved measures for restructuring together with disposing bad debts, including developing and implementing measures for increasing charter capital and ensuring adequate charter capital as per the law; adjust organization and operation according to principles and purposes and comply with cooperative principles.

3. Prevent violations in banking sector

3.1. Stringently and extensively implement Directive No. 07/CT-NHNN dated October 11, 2017 on enhancing prevention of violations in monetary and banking sectors; fully implement regulations and law on anti-money laundering; enhance and utilize enterprise culture and professional ethics of officials; enforce principles, disciplines and compliance with regulations and law to ensure that officials and employees implement regulations, internal procedures, regulations and law and reduce ethic-related risks; take serious actions against violations. Regularly assess, review and rotate officials as per the law to minimize violations in credit institutions.

3.2. Stringently implement requests, propositions, warnings and decisions on inspection and auditing of inspecting agencies, State Audit Office of Vietnam and independent audit agencies. Actively implement measures for preventing, detecting and stringently dealing with violations, negativity and corruptions of individuals and affiliated entities in a synchronized manner.

3.3. Enhance transparency and openness in operation of credit institutions, especially credit operations. Thoroughly deal with cross ownership and violations against ownership limits. Intervene and deal with cases in which group interest or interest of major shareholders/groups of shareholder interferes with operation of credit institutions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3.5. Thoroughly and stringently implement directions of Governor of SBV under Directive No. 02/CT-NHNN dated November 15, 2019 on enhancing management of money laundering and terrorism financing risks in banking sectors, which includes enhancing examining and reviewing documents and transactions during provision of products with risks of money laundering in banking sector.

3.6. Consumer finance companies shall rectifying granting loans and develop appropriate interest and debt collection policies to ensure transparency and compliance with regulations and law. People’s credit funds shall stringently comply with regulations and law in mobilizing and granting loans; enhance management and ethic education of officials, prevention of violations to ensure operational security and safety.

4. Develop non-cash payments; ensure security and safety in information technology operations, electronic payments and card payments

4.1. Review and revise internal procedures and regulations to ensure compliance with applicable regulations and law in providing payment services and intermediate payment services. Promote and develop technology infrastructure serving sharing and provision of digital products and enhance integration and connection with various sectors to provide non-cash payment services; actively cooperate with ministries and public service providers to promote use of non-cash payments in public services. Increase application of achievements of the 4th industrial revolution in payment activities; conduct research and apply new and modern technology and payment methods to develop convenient and safe payment services. Actively implement basic standards of domestic chip cards according to roadmap for conversion according to SBV.

4.2. Enhance implementation of measures for ensuring safety and security of information systems, prioritizing synchronized measures regarding cybersecurity monitoring to actively detect and deal with information safety incidents. Closely control access of internal personnel and third party personnel to information systems. Organize implementation of internal control regarding management of login accounts in information technology.

4.3. Organize review and stringent implementation of regulations on privacy and provision of customer information of credit institutions and branches of foreign banks according to Decree No. 117/2018/ND-CP dated September 11, 2018 of Government. Implement measures for protecting and preventing information disclosure throughout local information systems in a synchronized manner.

4.4. Promote publicizing policies related to operating monetary policies and banking operations, issue warnings and instruct entities receiving payments and customers to be aware of schemes and intrigues of criminals, precautions and measures to ensure payment safety; provide customers with guidelines on solutions in case of incidents.  Actively monitor and promptly respond to feedback of the general public regarding issues related to payment services of entities; promptly take actions as per the law to ensure benefits of parties in case of incidents and/or frauds and submit reports to SBV and local branches of SBV.

5. Other tasks

5.1. Stringently comply with regulations of SBV on vault safety. Review organizational models of cash transaction center, vault departments and systems of internal documents and regulations on vault safety to ensure legitimacy, adequacy, safety and coordination. Be strict regarding cash collection and expenditure, contents of cash expenditure, classification of money eligible and ineligible for circulation. Promote internal supervision and self-examination, vault security and safety and prevent corruption and violations in monetary and vault management.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5.3. Actively and successfully publicize implementation results of solutions for operating monetary policies, banking operations and operations of entities. Closely cooperate with SBV in effectively implementing information and communication affairs of banking sector to ensure operation effectiveness of banking system in Vietnam.

5.4. Stringently implement official-related affairs, particularly implementing assessment, selection, planning, allocation, use and assignment based on title standards, official assessment criteria, procedures, regulations and democracy principles to ensure openness and transparency.  Emphasize roles and responsibilities of representatives of state capital in credit institutions and enterprises under management of SBV. Stringently comply with regulations on position rotation.

V. IMPLEMENTATION

1. This Directive comes into effect from the day on which it is signed.

2. Entities in head offices of State bank of Vietnam and branches of the State bank in provinces and central-affiliated cities within their functions and tasks shall implement tasks specified under this Directive; submit reports on directive implementation to Office of State bank of Vietnam on a monthly/quarterly/yearly basis.

3. Office of State bank of Vietnam shall take charge and cooperate with entities affiliated to SBV in monitoring implementation of directives, submitting reports to Governor of State bank of Vietnam and Ministry of Planning and Investment as prescribed by the Government.

4. Heads of entities affiliated to State Bank of Vietnam, Directors of branches State banks of Vietnam of provinces and central-affiliated cities, Chairpersons of Boards of Directors, Boards of Members and General Directors of credit institutions and branches of foreign banks are responsible for implementation of this Directive./.

 

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Directive No. 01/CT-NHNN dated January 3, 2020 on implementation of primary tasks of banking sector in 2020

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


977

DMCA.com Protection Status
IP: 18.224.31.82
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!