CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC
THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 41/2010/NĐ-CP NGÀY 12/4/2010 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH
TÍN DỤNG PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN
Ngày 12 tháng 4 năm 2010, Chính phủ đã ban hành
Nghị định số 41/2010/ NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông
nghiệp, nông thôn. Để triển khai thực hiện tốt Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của
Chính phủ góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông
thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo và từng bước nâng cao đời sống
của nhân dân. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng
các Ban, Ngành liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố triển
khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ, sau đây:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển nông
nghiệp, nông thôn, trong đó có quy hoạch chi tiết về phát triển cây trồng, vật
nuôi, ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; quy hoạch phát triển
các sản phẩm nông nghiệp và quy hoạch cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn
tỉnh.
Chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác
khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; hướng dẫn các hộ gia đình, hợp tác xã, chủ
trang trại và các đối tượng khác xây dựng dự án, phương án sản xuất nông nghiệp
hiệu quả, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng cho vay; hỗ trợ nông dân về khoa
học kỹ thuật, giống, bảo quản sau thu hoạch để phục vụ cho tiêu thụ sản phẩm
của nông dân.
2. Sở Tư pháp
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo
các đơn vị trực thuộc không thu lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với các
đối tượng vay vốn theo quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP , khi đăng ký
giao dịch bảo đảm để vay vốn tại các tổ chức tín dụng.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
Đôn đốc, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các huyện,
thành phố thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu
nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
4. Các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công
thương, Y tế
Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với
các ngành có liên quan trong việc kiểm tra, giám sát quá trình xử lý rủi ro
trên diện rộng do các nguyên nhân khách quan theo quy định của Nhà nước.
Sở Y tế chịu trách nhiệm thông báo phạm vi, thời
gian dịch bệnh diện rộng trên địa bàn tỉnh theo quy định của Bộ Y tế làm cơ sở
xác định thiệt hại cho hộ dân, trong đó có thiệt hại về vốn vay ngân hàng.
Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành có liên quan triển khai thực hiện
chính sách hỗ trợ nông dân về thông tin thị trường và xúc tiến thương mại đối
với sản phẩm nông nghiệp.
5. Báo Hòa Bình, Đài phát thanh và truyền hình
tỉnh
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các chủ
trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của ngành Ngân hàng về tín dụng phục
vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến toàn thể nhân dân trong tỉnh.
6. Các tổ chức chính trị - xã hội
Hội nông dân tỉnh, Hội Liên Hiệp Phụ nữ tỉnh có
trách nhiệm chỉ đạo các cấp hội cơ sở phối hợp có hiệu quả với các Ngân hàng thương
mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai thực hiện tốt Nghị quyết liên
tịch giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với Hội nông dân Việt Nam, Hội Liên Hiệp
Phụ nữ Việt Nam để thực hiện tốt Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 của
Chính phủ.
7. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc cấp
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền
với đất cho các hộ gia đình, tạo điều kiện cho các hộ đơn giản thủ tục vay vốn
mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội ở địa
phương và các sở ngành liên quan trong việc triển khai và kiểm tra việc chấp
hành Chỉ thị này ở cấp cơ sở.
8. Ủy ban nhân dân xã
Xem xét và chịu trách nhiệm về việc xác nhận Hồ
sơ vay vốn (hoặc Giấy đề nghị vay vốn) cho các đối tượng là cá nhân, hộ sản
xuất nông, lâm, ngư; các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ
phục vụ nông nghiệp, nông thôn; các hợp tác xã, trang trại để các tổ chức tín
dụng xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản và cho vay tín chấp theo quy
định tại khoản 2, khoản 3, điều 8, Nghị định số 41/2010/NĐ-CP. Không thu các
khoản phí và lệ phí trái pháp luật liên quan đến việc xác nhận hồ sơ vay vốn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã chịu trách nhiệm về
việc xác nhận (một bản duy nhất) chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có
tranh chấp cho các hộ chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,
đối với các đối tượng được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có bảo đảm
bằng tài sản. Nếu Chủ tịch đi vắng lâu ngày thì có giấy uỷ quyền cho một phó
Chủ tịch ký xác nhận và phải mở sổ sách theo dõi chặt chẽ các trường hợp đã
được Ủy ban nhân dân xã xác nhận về quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng,
tránh việc cho vay trùng lặp của các tổ chức tín dụng.
Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm cùng với tổ
chức tín dụng đôn đốc tìm các biện pháp thích hợp để thu hồi nợ đối với
những người vay cố tình chây ì, không chịu trả nợ khi đến hạn.
Đối với các hộ đã được Ủy ban nhân dân xã xác
nhận quyền sử dụng đất để vay vốn, khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất, trong phạm vi 5 ngày (kể từ ngày được trao giấy), hộ gia đình phải làm thủ
tục nộp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trực tiếp cho tổ chức tín dụng cho
vay và đổi lấy Giấy xác nhận quyền sử dụng đất nộp lại cho Ủy ban nhân dân xã .
Trong thời gian hộ gia đình chưa nộp lại Giấy xác nhận quyền sử dụng đất cho Ủy
ban nhân dân xã thì Ủy ban nhân dân xã không xác nhận để hộ gia đình thực hiện
các quyền liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trường hợp vì Giấy xác nhận cũ bị hỏng, nhàu nát
trong quá trình sử dụng, Ủy ban nhân dân xã phải thu hồi giấy xác nhận cũ trước
khi xác nhận lại giấy quyền sử dụng đất cho các hộ.
Trường hợp hộ gia đình làm mất giấy xác nhận
quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân xã cấp, nếu có yêu cầu xác nhận lại, thì
chủ hộ phải viết giấy cam đoan việc mất giấy xác nhận là đúng sự thật và chịu
mọi trách nhiệm trước Pháp luật, khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện
chủ hộ xin xác nhận quyền sử dụng đất nhiều lần để vay vốn nhiều tổ chức tín
dụng.
9. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh
Hòa Bình
Phối hợp với các cơ quan liên quan khảo sát, dự
báo nhu cầu vốn tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn
tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chỉ đạo các
Ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng xây dựng kế hoạch huy động vốn và
cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên
quan đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh xử lý nợ theo quy định khi có rủi ro phát
sinh trên diện rộng.
10. Các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính
sách xã hội tỉnh, các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, các tổ chức tài chính được
thực hiện nhiệm vụ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa
bàn (sau đây gọi là các tổ chức tín dụng)
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện cho
vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn phải thực hiện cải cách thủ tục
cho vay đảm bảo đơn giản, rõ ràng, phù hợp với đối tượng khách hàng ở nông
thôn. Thực hiện tốt chính sách miễn, giảm lãi đối với khách hàng có mua bảo
hiểm rủi ro trong nông nghiệp thuộc đối tượng vay vốn phục vụ phát triển nông
nghiệp, nông thôn.
Quán triệt và tổ chức thực hiện tốt nội dung
đồng thuận giữa các thành viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về giảm lãi suất
huy động bằng đồng Việt Nam. Trước mắt, các Ngân hàng thương mại thực hiện giảm
lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam cho các đối tượng khách hàng vay vốn sản
xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.
Chủ động phối hợp với chính quyền, tổ chức chính
trị xã hội tại địa bàn để tuyên truyền chính sách cho vay, thu hồi nợ và giám
sát quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng, đồng thời thực hiện cho vay tín
chấp, thoả thuận uỷ quyền cho các tổ chức chính trị-xã hội theo qui định tại
Thông tư số 14/2010/TT-NHNN ngày 14/6/2010 của Thống đốc ngân hàng nhà nước
Việt Nam.
Xây dựng kế hoạch mở rộng mạng lưới hoạt động
tại các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn của tỉnh, đảm bảo việc cung ứng dịch
vụ ngân hàng và thực hiện tốt chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông
nghiệp, nông thôn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc
các sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành, Đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện,
thành phố tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực
hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Ngân hàng nhà nước việt Nam Chi nhánh tỉnh Hoà
Bình định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ
đạo./.