NGÂN
HÀNG NHÀ NƯỚC
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
14/CT-NH1
|
Hà
Nội, ngày 21 tháng 11 năm 1996
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG
HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG
Trong những năm qua, tín dụng
Ngân hàng đã được đổi mới hoạt động với phương châm "đi vay để cho
vay", vốn huy động tăng nhanh, năm sau tăng hơn năm trước từ 25-30%, về cơ
bản đã đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Dư nợ cho vay nền kinh tế không ngừng
tăng lên, cơ cấu tín dụng được chuyển đổi theo hướng tăng tỷ trọng cho vay kinh
tế ngoài quốc doanh và cho vay trung dài hạn, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng
và Nhà nước về phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường và sự
nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Tuy nhiên, hiện nay chất lượng
và hiệu quả tín dụng nhìn chung còn thấp. Nợ quá hạn đang có xu hướng tăng lên,
nợ khó đòi chiếm tỷ trọng cao, trong đó có không ít khoản cho vay có khả năng
không thu hồi được. Nhiều vụ việc tiêu cực, gây thất thoát vốn tín dụng xẩy ra ở
một số nơi trong các tổ chức tín dụng.
Tình hình yếu kém trong công tác
tín dụng nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có một số
nguyên nhân chủ quan chủ yếu như sau:
1. Nhiều tổ chức
tín dụng chưa chấp hành nghiêm túc các chế độ, thể lệ tín dụng hiện hành:
- Không có văn bản hướng dẫn hoặc
có hướng dẫn nhưng chưa đầy đủ về quy trình nghiệp vụ tín dụng theo chế độ, thể
lệ của Ngân hàng Nhà nước quy định.
- Một số tổ chức tín dụng cho
khách hàng vay không đủ điều kiện vay vốn theo chế độ thể lệ tín dụng Ngân hàng
Nhà nước quy định. Việc tính toán, phân tích và thẩm tra hiệu quả kinh tế của dự
án cho vay thiếu toàn diện và cụ thể; do chạy theo lợi nhuận đơn thuần nên xem
nhẹ chất lượng tín dụng. Việc khoán tài chính và khoán dư nợ còn nhiều sơ hở,
có tình trạng khoán trắng dẫn đến việc vi phạm chế độ quản lý tài chính như cán
bộ tín dụng kiêm cả kế toán, thủ quỹ trong quá trình cho vay, thu nợ; hiện tượng
đảo nợ xẩy ra nhiều nơi. Không nắm kỹ các thông tin về khách hàng, nhất là
khách hàng vay ở nhiều Ngân hàng; thiếu sự trao đổi thông tin giữa các tổ chức
tín dụng khi cùng cho vay một khách hàng, tạo sơ hở cho kẻ xấu lừa đảo...
- Việc bảo lãnh vay vốn trong và
ngoài nước, bảo lãnh mở L/C trả chậm, bảo lãnh hợp đồng kinh tế nhiều trường hợp
chưa đúng quy định, không tính toán kỹ khả năng thanh toán của khách hàng, dẫn
đến buộc phải cho vay để nhận nợ cũng là nguyên nhân làm tăng nợ quá hạn.
2. Một số tổ chức
tín dụng chưa coi trọng đúng mức đội ngũ cán bộ làm công tác tín dụng, bố trí
người không đủ tiêu chuẩn; chưa quan tâm đầy đủ đến việc bồi dưỡng, đào tạo cán
bộ tín dụng cả về trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức. Một số cán bộ thoái
hoá, biến chất và đã bị kẻ xấu lợi dụng dẫn đến tham ô, nhận hối lộ thông qua
việc cho vay vốn không đúng chế độ, không kịp thời phát hiện, thay thế và thiếu
kiên quyết xử lý kỷ luật, vẫn còn tình trạng nể nang, dè dặt và bao che đối với
cán bộ vi phạm.
3. Công tác
thanh tra của Ngân hàng Nhà nước và tự kiểm tra của các tổ chức tín dụng trong
thời gian qua tuy đã được tăng cường nhưng có một số nơi chưa sâu sát, hiệu quả
chưa cao, chưa có biện pháp xử lý nghiêm túc và dứt điểm các vụ vi phạm; chưa
có giải pháp hữu hiệu để giảm bớt, ngăn ngừa nợ quá hạn.
Để chấn chỉnh và nâng cao chất
lượng hoạt động tín dụng hiện nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu thủ trưởng
các đơn vị ở Ngân hàng Trung ương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh,
thành phố, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc (Giám đốc) các tổ chức
tín dụng khẩn trương thực hiện các biện pháp như sau:
1. Tập trung
chỉ đạo việc khắc phục những tồn tại, sai phạm trong hoạt động tín dụng, coi đầy
là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và cấp bách trong những tháng cuối năm 1996 và
năm 1997 của toàn ngành Ngân hàng. Trước mắt, từ nay đến cuối quý 1/1997 phải tập
trung dứt điểm những việc cụ thể như sau:
1.1. Đánh giá thực trạng nợ quá
hạn:
Các tổ chức tín dụng phải tổ chức
đợt sao kê, đối chiếu với khách hàng về gửi tiền và vay tiền để trên cơ sở đó
đánh giá chính xác thực trạng chất lượng tiền gửi và nợ quá hạn theo từng tổ chức
tín dụng và từng địa bàn tỉnh, thành phố.
- Phân loại nợ quá hạn: Kết hợp
việc đối chiếu nợ tiến hành phân loại nợ quá hạn có biện pháp thu hồi như sau:
+ Nợ quá hạn dưới 6 tháng là nợ
quá hạn thông thường.
+ Nợ quá hạn từ 6 đến 12 tháng
là nợ có vấn đề, cần đặc biệt lưu ý.
+ Nợ quá hạn trên 12 tháng được
coi là nợ khó đòi; trong nợ khó đòi phải phân ra nợ không có khả năng thu hồi
theo 2 loại nguyên nhân khách quan và chủ quan.
+ Nợ đang được khoanh theo quy định.
1.2. Tổ chức đợt xử lý thu nợ
quá hạn có vấn đề và nợ khó đòi.
- Các tổ chức tín dụng trên cơ sở
nợ đã phân loại, tìm ra các biện pháp xử lý thích hợp với phương châm là thu hồi
được nợ. Tổ chức đợt thu nợ quá hạn có vấn đề và nợ khó đòi ở tất cả các tổ chức
tín dụng. Tập trung lực lượng của đơn vị, trước hết buộc những cán bộ, kể cả
cán bộ lãnh đạo có liên quan đến việc gây nên nợ quá hạn phải nghỉ điều hành
các công việc khác để chuyên trách thu nợ. Tổ chức tín dụng nào có nợ quá hạn lớn
cần thiết có thể thành lập Ban chỉ đạo thu nợ trong một thời gian do Tổng Giám
đốc, Giám đốc làm Trưởng ban để chỉ đạo công tác thu nợ có hiệu quả.
- Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cần
chỉ đạo và giúp đỡ các tổ chức tín dụng trên địa bàn, chủ động kết hợp với các
cơ quan pháp luật có biện pháp đối với các trường hợp trốn tránh và chây ỳ trả
nợ, yêu cầu bán đấu giá tài sản thế chấp, cầm cố để thu nợ.
2. Về công
tác cán bộ:
- Các tổ chức tín dụng phải tiến
hành rà soát và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ làm công tác tín dụng, cán bộ kiểm
soát và cán bộ chỉ đạo công tác tín dụng. Phải bố trí đủ số lượng cán bộ tín dụng,
cán bộ kiểm soát nội bộ; cán bộ phải có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức để
hoàn thành nhiệm vụ. Cần có biện pháp cụ thể đào tạo lại, bồi dưỡng thường
xuyên để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực điều hành và phẩm chất; có chế
độ đãi ngộ phù hợp với cán bộ tín dụng, đồng thời phải đề cao trách nhiệm kể cả
trách nhiệm vật chất của cán bộ tín dụng trong việc để xẩy ra các sai phạm gây
thất thoát vốn tín dụng. Trong chỉ đạo, Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng
phải trực tiếp chỉ đạo công tác tín dụng.
- Cần có hình thức kỷ luật
nghiêm minh đối với những cán bộ kể cả cán bộ lãnh đạo thiếu tinh thần trách
nhiệm, cố tình làm sai chế độ thể lệ tín dụng dẫn đế nợ quá hạn, nợ khó đòi và
làm thất thoát vốn. Chuyển công tác khác đối với những cán bộ tín dụng không đủ
trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức; thông báo với cơ quan điều tra những cá
nhân (trong và ngoài ngân hàng) có hành vi phạm pháp làm mất vốn tín dụng.
- Qua sinh hoạt Đảng và đoàn thể
quần chúng cần đẩy mạnh đấu tranh nội bộ, phát hiện các hành vi tiêu cực để có
biện pháp xử lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tín dụng.
3. Các tổ chức
tín dụng phải rà soát các văn bản hướng dẫn quy trình nghiệp vụ tín dụng và bảo
lãnh, kiểm tra việc chấp hành thể lệ tín dụng đối với đơn vị thuộc hệ thống:
- Tổ chức tín dụng nào chưa hướng
dẫn thì cần khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn quy trình nghiệp vụ tín dụng,
nếu hướng dẫn chưa đầy đủ hoặc chưa đúng thì cần hướng dẫn lại đúng với chế độ
thể lệ tín dụng hiện hành của Ngân hàng Nhà nước. Các văn bản hướng dẫn quy
trinh nghiệp vụ tín dụng phải gửi về Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Vụ nghiên cứu
kinh tế) để báo cáo và theo dõi, đồng thời gửi các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước
tỉnh, thành phố để phối hợp kiểm tra thực hiện.
- Trong quá trình kiểm tra việc
chấp hành chế độ thể lệ tín dụng của các đơn vị cơ sở cần chấn chỉnh những sai
phạm; việc cho vay phải tuân thủ đúng các quy trình nghiệp vụ, trên sơ sở đầy đủ
hồ sơ hợp pháp, tránh qua loa hình thức; phải tính toán đầy đủ hiệu quả kinh tế,
khả năng trả nợ của các dự án mới quyết định cho vay; chấm dứt tình trạng cho
vay đảo nợ để giảm nợ quá hạn một cách giả tạo.
- Rà soát lại cơ chế khoán tài
chính và khoán dư nợ cho vay ở một số tổ chức tín dụng, tránh tình trạng vì
khoán mà chạy theo số lượng và coi nhẹ chất lượng tín dụng; đi đôi với cơ chế
khoán cần có biện pháp kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện.
- Trong quá trình rà soát và kiểm
tra việc thực hiện chế độ thể lệ tín dụng và bảo lãnh, cần phản ánh với Ngân
hàng Nhà nước Trung ương những vướng mắc, những điểm không còn phù hợp và kiến
nghị giải pháp chỉnh sửa; tăng cường công tác thẩm định, phân tích và phòng ngừa
rủi ro tín dụng. Việc thẩm định và xét duyệt cho vay phải được tách thành 2
khâu riêng biệt độc lập để bảo đảm tính khách quan, trung thực.
4. Tiếp tục thực
hiện Chỉ thị số 04/CT-NH3 ngày 17/5/1996 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về
tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát và kiểm toán trong ngành Ngân hàng.
Thanh tra phải kiểm tra sâu sát, thường xuyên và kiên quyết xử lý những các cá
nhân, đơn vị vi phạm chế độ thể lệ tín dụng và gây thất thoát vốn.
5. Biện pháp
triển khai:
- Các tổ chức tín dụng và Chi
nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố có kế hoạch triển khai cụ thể của đơn
vị và địa bàn mình về Chỉ thị này và báo cáo với Thống đốc về kế hoạch và biện
pháp triển khai trước ngày 05/12/1996.
- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng
Nhà nước cần báo cáo với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố về thực trạng
nợ quá hạn trên địa bàn và đề xuất biện pháp chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp
xử lý.
- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng
Giám đốc, Giám đốc các tổ chức tín dụng phải kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm chỉ
đạo và khuyết điểm của mình, xác định trách nhiệm của từng đơn vị và cá nhân đối
với nợ quá hạn, nợ khó đòi do nguyên nhân chủ quan; Giám đốc Chi nhánh Ngân
hàng Nhà nước tỉnh, thành phố phải kiểm điểm trách nhiệm của mình trong việc thực
hiện chức năng thanh tra, giám sát và xử lý nợ quá hạn, nợ khó đòi trên địa bàn
trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
- Các tổ chức tín dụng, Chi
nhánh Ngân hàng Nhà nước báo cáo kết quả phân loại nợ và tiến độ thu nợ quá hạn
theo hệ thống và theo địa bàn với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vào định kỳ cuối
mỗi tháng.
Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước
có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và tổng hợp kết quả việc thực hiện
Chỉ thị này để báo cáo Thống đốc.