Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 78/BC-NHNN Loại văn bản: Báo cáo
Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước Người ký: Nguyễn Văn Giàu
Ngày ban hành: 29/05/2008 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 78/BC-NHNN

Hà Nội, ngày 29 tháng 05 năm 2008

BÁO CÁO

GIẢI TRÌNH CHẤT VẤN CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI (TẠI KỲ HỌP THỨ 3, QUỐC HỘI KHOÁ XII)

Kính gửi: Các vị Đại biểu Quốc hội.

Tại Kỳ họp này Ngân hàng Nhà nước đã nhận được chất vấn của 9 Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố: Hải Dương, Kiên Giang, Bình Dương, Bến Tre, Đồng Tháp, Hà Nội, Nghệ An, Gia Lai, Yên Bái và một số ý kiến của bà con cử tri cả nước do Ban Dân nguyện Quốc hội tổng hợp. Nội dung chất vấn của các vị Đại biểu tập trung vào vấn đề điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ, lãi suất và việc cấp giấy phép thành lập tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản giải trình gửi Đại biểu chất vấn và Đoàn Đại biểu Quốc hội có Đại biểu chất vấn. Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm của các vị Đại biểu Quốc hội đối với hoạt động ngân hàng.

Thực hiện sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xin báo cáo Quốc hội một số vấn đề Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm như sau:

1. Về điều hành chính sách tiền tệ:

Trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam nói chung và thị trường tiền tệ nói riêng phát triển thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ năm 2004. Riêng năm 2007, kinh tế thế giới và trong nước có những biến động phức tạp, khó lường, từ giữa năm 2007, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt nhằm kiểm soát mức tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng, cụ thể: (i) Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp 2 lần kể từ ngày 28/5/2007; (ii) ban hành Chỉ thị số 03/2007/CT-NHNN ngày 28/5/2007 về kiểm soát quy mô, chất lượng tín dụng và cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/2007/CT-TTg ngày 1/8/2007 về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường và Chỉ thị số 23/2007/CT-TTg ngày 31/10/2007 về tăng cường thực hiện các giải pháp điều hành giá cả, bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm 2007, Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường bán tín phiếu để thu tiền từ lưu thông về và ban hành Chỉ thị số 06/2007/CT-NHNN ngày 02/11/2007 về đảm bảo khả năng thanh toán và kiểm soát tổng phương tiện thanh toán. Tuy vậy, công tác thống kê, dự báo và thanh tra, giám sát ngân hàng còn hạn chế cho nên những điều chỉnh trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước chưa theo kịp với diễn biến của nền kinh tế và đạt hiệu quả chưa cao.

2. Giải pháp để ổn định hoạt động tiền tệ, tín dụng và góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô:

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 75/TTg-KTTH ngày 15/1/2008 về các biện pháp kiềm chế lạm phát, kiểm soát tăng giá năm 2008, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các giải pháp: Nới lỏng biên độ điều hành tỷ giá; chủ động thu hút tiền từ lưu thông về để sử dụng mua ngoại tệ thông qua tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và từ ngày 19/5/2008, thay đổi cơ chế điều hành lãi suất cơ bản cho phù hợp với Luật Ngân hàng Nhà nước, Bộ Luật dân sự và đáp ứng tính thị trường; kiểm tra chặt chẽ các ngân hàng thương mại cổ phần vừa được tái cơ cấu và chuyển đổi từ ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn lên đô thị, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung đầu tư tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nhất là sản xuất nông nghiệp nông thôn, cho vay xuất khẩu, cho vay hộ nghèo, cho vay sinh viên và các đối chính sách khác để góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Những biện pháp này bước đầu đã đưa các chỉ tiêu tiền tệ biến động theo hướng góp phần kiềm chế lạm phát: (i) Tổng phương tiện thanh toán đến tháng 5/2008 tăng 3,73% so với cuối năm 2007, thấp hơn so với mức tăng 17,57% của cùng kỳ năm trước; (ii) Tốc độ tăng dư nợ tín dụng tăng 18,42%, tuy vẫn còn ở mức cao so với tốc độ tăng 13,36% của cùng kỳ năm trước, nhưng có xu hướng giảm dần (tốc độ tăng dư nợ tín dụng của tháng 1/2008 là 6,3%, tháng 2/2008 là 2,35%, tháng 3/2008 là 3,78%, tháng 4/2008 là 3,36% và tháng 5/2008 là 2,25%).

Để tiếp tục góp phần tích cực thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, từ nay đến cuối năm 2008, Ngân hàng Nhà nước tập trung triển khai một số giải pháp sau: (1) Định hướng kiềm chế tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán năm 2008 không vượt quá 30% so với cuối năm 2007; (2). Điều hành tỷ giá và lãi suất linh hoạt theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với quan hệ cung cầu; (3). Tăng cường giám sát thị trường tiền tệ, thiết lập hệ thống thông tin nhanh để kịp thời đánh giá đúng diễn biến thị trường và có biện pháp can thiệp phù hợp. (4). Tăng cường công tác thanh tra, giám sát của Ngân hàng nhà nước và chấn chỉnh toàn điện hoạt động quản trị, điều hành, kiểm soát, kiểm toán nội bộ, việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng.

3. Về vấn đề đưa tiền vào lưu thông và hút tiền về từ lưu thông; các công cụ đã sử dụng để hút tiền về:

Trong năm 2007 lượng tiền Ngân hàng Nhà nước cung ứng vào lưu thông bằng 82% chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Lượng tiền Ngân hàng Nhà nước rút về từ lưu thông đạt 80% lượng tiền đã cung ứng để mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Các biện pháp chủ yếu Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng để hút tiền về là tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, thu hồi các khoản cho vay tái cấp vốn đến hạn.

4. Việc thực hiện hàng loạt biện pháp thắt chặt tiền tệ trong một thời gian rất ngắn, gây "sốc" cho hoạt động của các ngân hàng thương mại cổ phần và các doanh nghiệp xuất khẩu:

Để hạn chế những tác động không thuận lợi cho thị trường tiền tệ khi chuyển từ điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng sang thắt chặt theo chỉ đạo của Chính phủ, những biện pháp hút tiền về trong những tháng đầu năm 2008 của Ngân hàng Nhà nước được áp dụng có chọn lọc tuỳ theo từng loại hình tổ chức tín dụng: tăng 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc (không áp dụng đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn nông thôn) và theo quyết định, các tổ chức tín dụng có 45 ngày chuẩn bị trước khi thực hiện; phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bắt buộc chỉ áp dụng đối với 41/88 ngân hàng thương mại có quy mô vốn huy động bằng VND trên 1.000 tỷ đồng (trừ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương), trong đó tỷ trọng mua của các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm 47,5%, 18/41 ngân hàng mua với mức thấp từ 100 tỷ đến 150 tỷ và các tổ chức tín dụng có 35 ngày chuẩn bị.

Tuy Ngân hàng Nhà nước đã triển khai chủ trương, giải pháp điều hành tiền tệ theo hướng thắt chặt ngay từ cuối năm 2007 và tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng đầu tháng 1/2008, nhưng hầu hết các tổ chức tín dụng chậm điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp, vẫn tăng nhanh dư nợ tín dụng (dư nợ tín dụng tháng 1/2008 tăng tới 6,3% so với tháng trước) nên nhất thời đã gặp khó khăn về thanh khoản. Về chủ quan, Ngân hàng Nhà nước đã dự báo trước những tác động của các biện pháp hút tiền về, nhưng chưa lường hết các phản ứng phụ nảy sinh đối với một số ngân hàng thương mại sử dụng vốn vay trên thị trường liên ngân hàng để tăng dư nợ tín dụng và chưa thực hiện đầy đủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về bảo đảm an toàn.

Việc các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc bán ngoại tệ tại một số thời điểm là do lượng ngoại tệ dư thừa quá lớn, các ngân hàng thương mại đăng ký bán cho Ngân hàng Nhà nước có ngày lên đến 739 triệu USD, trong khi Ngân hàng Nhà nước chỉ can thiệp mua ở mức rất thấp do phải giảm lượng tiền cung ứng để kiềm chế lạm phát.

Để kịp thời tháp gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp xuất khẩu, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng nhiều giải pháp: (i) tăng lượng tiền cho các tổ chức tín dụng vay ngắn hạn (thời hạn từ 1 -2 tuần) để hỗ trợ vốn thanh khoản; (ii) nới lỏng biên độ điều hành tỷ giá mua - bán ngoại tệ của các tổ chức tín dụng từ ±0,5% lên ±1%; (iii) Tiếp tục mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối nhà nước trên cơ sở lượng tiền rút về từ lưu thông và ưu tiên mua đối với các tổ chức tín dụng đã mua ngoại tệ của doanh nghiệp xuất khẩu.

5. Có hay không việc dự trữ ngoại tệ quốc gia tại Bộ Tài chính mà không tập trung dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước?

Hiện nay, Bộ Tài chính được Chính phủ giao quản lý một số nguồn ngoại hối thuộc sở hữu Nhà nước, bao gồm: (1) Quỹ ngoại tệ tập trung được thành lập theo Quyết định 93/2000/QĐ-BTC ngày 06/6/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Quỹ này được hình thành từ các khoản thu bằng ngoại tệ của ngân sách nhà nước (thu từ bán dầu thô và một số khoản thu quan trọng khác). (2) Quỹ tích luỹ trả nợ nước ngoài được thành lập theo Quyết định số 10/2006/QĐ-BTC ngày 28/2/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính để tập trung các khoản thu từ nguồn vốn cho vay, viện trợ nước ngoài, các khoản thu phí bảo lãnh của Chính phủ để đảm bảo việc hoàn trả nợ nước ngoài.

6. Việc tổ chức thực hiện chức năng quản lý dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước như thế nào?

Theo quy định tại Nghị định số 86/1999/NĐ-CP ngày 30/8/1999 của Chính phủ về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bảo đảm khả năng thanh toán quốc tế, bảo toàn dự trữ ngoại hối nhà nước.

Dự trữ ngoại hối nhà nước được chia thành 2 quỹ: (i) Quỹ Dự trữ ngoại hối được sử dụng để đầu tư trên thị trường quốc tế và đáp ứng cho nhu cầu ngoại hối đột xuất, cấp bách của Nhà nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; (ii) Quỹ Bình ổn tỷ giá và giá vàng được sử dụng để can thiệp thị trường ngoại tệ và thị trường vàng trong nước nhằm thực thi chính sách tiền tệ quốc gia. Việc tổ chức thực hiện chức năng quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước của Ngân hàng Nhà nước luôn đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.

7. Vấn đề mua hơn 9 tỷ USD tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, cấp quyết định chủ trương mua đôla? Nguồn tiền mua?

Từ đầu năm 2007, luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gia tăng đột biến, Ngân hàng Nhà nước đã mua hơn 9 tỷ USD tăng dự trữ ngoại hối nhà nước (chủ yếu mua trong 6 tháng đầu năm 2007 với số tiền là 8,1 tỷ USD). Đây là biện pháp cần thiết, vừa để giảm áp lực dư cung ngoại tệ, hạn chế tình trạng đôla hoá cho nền kinh tế, vừa để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước theo chủ trương của Chính phủ. Để trung hoà lượng tiền VND đưa ra mua ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng nhiều biện pháp hút tiền về từ lưu thông như tăng dự trữ bắt buộc lên gấp 2 lần từ ngày 28/5/2007, tăng khối lượng phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước… Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước chưa kịp thời dự báo được mức độ tăng của luồng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam khá lớn để có kế hoạch chủ động điều tiết việc đưa ra mua ngoại tệ và thu hồi tiền trở lại từ lưu thông.

Về nguồn tiền mua ngoại tệ, hàng năm, Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chỉ tiêu lượng tiền cung ứng (tiền phát hành) để mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối nhà nước và tái cấp vốn hỗ trợ khả năng thanh toán cho các tổ chức tín dụng; phê duyệt mức dự trữ ngoại hối nhà nước dự kiến đạt được trong năm. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt mức dự trữ ngoại hối nhà nước dự kiến đạt được trong năm 2007 tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 24/7/2007

8. Vấn đề các tổ chức tín dụng vi phạm quy định về lãi suất tại Bộ Luật dân sự; Ngân hàng Nhà nước chậm và chưa kịp thời công bố mức trần lãi suất cơ bản theo quy định của pháp luật.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, Khoá IX của Đảng, căn cứ vào điều kiện thực tế về kinh tế, tiền tệ trong nước và được sự chấp thuận của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 546/2002/QĐ-NHNN ngày 30/5/2002, quy định: lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hành được thực hiện theo cơ chế thoả thuận; Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất cơ bản trong từng thời kỳ để định hướng lãi suất thị trường. Khi Bộ Luật dân sự năm 2005 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006, các hợp đồng tín dụng của các tổ chức tín dụng được ký kết từ sau thời điểm này đã gặp vướng mắc do Khoản 1, Điều 476 quy định: "lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng".

Để giải quyết vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng 2 phương án xử lý: (i) Điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản từ 8,25%/năm lên hơn 10%/năm. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất cơ bản hơn 20% là sự điều chỉnh có tính "đột biến", biến động sẽ gây xáo trộn thị trường tiền tệ trong nước; (ii) Phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan, trình Chính phủ và Quốc hội xem xét, chỉnh sửa các nội dung bên quan đến lãi suất quy định tại Điều 474 và 476 Bộ luật Dân sự để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ trong nước.

Thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, ngày 22/11/2006, Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình 154/TT-CP kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Khoá XI sửa đổi quy định liên quan đến lãi suất tại Bộ Luật dân sự. Tại Phiên họp cuối tháng 4/2008, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Khoá XII đã có ý kiến về vấn đề này và tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành ngay Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN ngày 16/5/2008 có hiệu lực từ ngày 19/5/2008 thay đổi cơ chế điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất cơ bản làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Ngân hàng Nhà nước.

9. Giải pháp bảo đảm lãi suất dương cho người gửi tiền theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, lãi suất huy động vốn và cho vay của các tổ chức tín dụng được hình thành chủ yếu do cung-cầu vốn, mức lạm phát kỳ vọng, các chi phí kinh doanh của ngân hàng thương mại và tác động của yếu tố tỷ giá, lãi suất thị trường quốc tế. Ngoài ra, lãi suất tại các tổ chức tín dụng còn phải tính đến mối quan hệ lợi ích giữa người gửi tiền, tổ chức tín dụng và người vay tiền. Nếu lãi suất tiền gửi tăng cao sẽ làm cho lãi suất cho vay tăng theo và làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh.

Để hướng tới lãi suất thực dương cho người gửi tiền theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cùng với việc thay đổi cơ chế điều hành lãi suất cơ bản, từ ngày 19/5/2008, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản từ 8,75%/năm lên 12%/năm. Hiện nay mặt bằng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng ở mức 13,5%-15%/năm.

10. Vấn đề cho vay lĩnh vực đầu tư chứng khoán, bất động sản.

Để kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán và bất động sản của các tổ chức tín dụng ngày 28/5/2007, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 03/2007/CT-NHNN , trong đó khống chế dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán ở mức dưới 3% tổng dư nợ cho vay của các tồ chức tín dụng.

Đến cuối tháng 4/2008, dư nợ cho vay để đầu tư và kinh doanh chứng khoán của hệ thống các tổ chức tín dụng là 9.754 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,78% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản (gồm cho vay mua nhà ở, cho các doanh nghiệp vay đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh, cho vay xây dựng nhà và văn phòng để bán và cho thuê. . .) là 135.000 tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.

11. Huy động tiền gửi ngắn hạn của hệ thống ngân hàng trong năm 2007 và sử dụng để cho vay dài hạn.

Tính đến cuối năm 2007, số dư tiền gửi ngắn hạn tại hệ thống ngân hàng là 776.018 tỷ đồng, dư nợ cho vay trung, dài hạn là 456.751 tỷ đồng, trong đó các ngân hàng thương mại đã sử dụng 75.550 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn (chiếm tỷ trọng 9,7%, thấp hơn mức tối đa 40% được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn theo quy định hiện hành).

12. Sự thay đổi về thị phần của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tính từ đầu năm 2008 đến cuối tháng 4/2008.

Thị phần cho vay của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đang có xu hướng tăng, trong khi thị phần nguồn vốn huy động lại có xu hướng giảm; tốc độ tăng thị phần cho vay bằng ngoại tệ nhanh hơn tốc độ tăng thị phần tổng dư nợ (số liệu cụ thể Ngân hàng Nhà nước đã gửi trực tiếp cho Đại biểu chất vấn).

Nhằm đảm bảo cơ chế cho vay bằng ngoại tệ thống nhất với các quy định của pháp luật về ngoại hối, góp phần hạn chế tình trạng đô hoá nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành mới Quyết định về cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay là người cư trú (số 09/2008/QĐ-NHNN ngày 10/4/2008), tập trung cho vay 3 lĩnh vực nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ; trả nợ nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài.

13. Việc triển khai trả lương qua tài khoản ở những nơi chưa đủ điều kiện, gây bức xúc cho người hưởng lương:

Theo quy định tại Chỉ thị 20/2007/CT-TTg ngày 24/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ, lộ trình trả lương qua tài khoản cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước gồm 2 giai đoạn: (i) Giai đoạn I triển khai từ 1/1/2008 tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố, thị xã, khu chế xuất, khu công nghiệp; (ii) Giai đoạn II triển khai từ 1/1/2009 trên phạm vi cả nước, nơi các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có khả năng đáp ứng việc trả lương qua tài khoản.

Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 05/2007/CT-NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai các nội dung liên quan theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng do (i) việc tham mưu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh một số tỉnh, thành phố chưa phù hợp; (ii) một số tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hành số lượng thẻ vượt quá khả năng cung ứng nên từ 1/1/2008 đến nay, một số địa phương không thuộc lộ trình triển khai giai đoạn 1 và chưa đáp ứng đủ điều kiện vẫn thực hiện trả lương qua tài khoản, gây bức xúc cho người hưởng lương.

Trong tháng 4/2008, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức sơ kết, chỉ đạo, uốn nắn và phấn đấu triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn chủ trương này.

14. Thành lập mới các ngân hàng thương mại:

Đến cuối tháng 5/2008, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam gồm 5 ngân hàng thương mại nhà nước (trong đó Ngân hàng Ngoại thương đã cổ phần hoá), Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng phát triển, 6 ngân hàng liên doanh, 36 ngân hàng thương mại cổ phần, 44 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 10 Công ty tài chính, 13 Công ty cho thuê tài chính và 998 quỹ tín dụng nhân dân.

Từ năm 2006 đến nay, Ngân hàng Nhà nước nhận được 25 hồ sơ xin thành lập ngân hàng thương mại cổ phần trong nước, 33 hồ sơ xin thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho 2 ngân hàng là Liên Việt (có trụ sở chính tại Hậu Giang) và Tiên Phong (có trụ sở chính tại Hà Nội); cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho 3 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Các hồ sơ còn lại đang được Ngân hàng Nhà nước thẩm định.

Việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho các ngân hàng thương mại cổ phần được thực hiện theo Quyết định số 24/2007/QĐ-NHNN ngày 7/6/2007 của Ngân hàng Nhà nước; cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện theo Nghị định số 22/2006/NĐ-CP ngày 28/2/2006 của Chính phủ.

Xin cảm ơn Quốc hội!

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Văn phòng Quốc hội (600 bản);
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP;
- Thống đốc và các PTĐ;
- Lưu VP NHNN (TH, TK, HC).

THỐNG ĐỐC




Nguyễn Văn Giàu

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Báo cáo số 78/BC-NHNN ngày 29/05/2008 về việc giải trình chất vấn của đại biểu Quốc hội (tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XII) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.512

DMCA.com Protection Status
IP: 18.219.119.163
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!