BỘ NGOẠI GIAO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
379/TTr-BNG-UBBG
|
Hà Nội, ngày 30
tháng 01 năm 2013
|
TỜ TRÌNH CHÍNH PHỦ
VỀ VIỆC ĐỀ NGHỊ MỞ CHÍNH THỨC CẶP CỬA KHẨU SONG PHƯƠNG CHI MA - ÁI ĐIỂM
THUỘC TỈNH LẠNG SƠN
Kính
gửi: Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 8/10/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn có công văn số
995/UBND-NC, đề nghị Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan
báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép mở chính thức cặp cửa khẩu song phương Chi
Ma - Ái Điểm theo đúng trình tự quy định tại Thông tư số 04/2012/TT-BNG của Bộ
Ngoại giao.
Trên cơ sở kết quả khảo sát thực tế
cơ sở vật chất, hoạt động các cửa khẩu và ý kiến đóng góp của các Bộ: Quốc
phòng (CV số 3677/BQP-BTLBP ngày
22/11/2012); Công an (CV số 3767/BCA-A61 ngày 21/11/2012); Kế hoạch và Đầu tư
(CV số 9895/BKHĐT-KTDV ngày 27/11/2012); Tài chính (CV số 17100/BTC-TCHQ-ngày
10/12/2012); Giao thông Vận tải (CV số 9976/BGTVT-HTQT ngày 23/11/2012); Công
thương (CV số 11199/BCT-TMMN ngày 20/11/2012); Xây dựng (CV số 84/BXD-HTKT ngày
28/11/2012); và Y tế (CV số 7978/BYT-QT ngày 21/11/2012), Bộ Ngoại giao kính
báo cáo Thủ tướng Chính phủ:
I. Tình hình và thực
trạng
- Cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn thuộc
địa bàn xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, cách thị trấn Lộc Bình 14 km, cách thành
phố Lạng Sơn 34 km, (đối diện cửa khẩu là thị trấn Ái Điểm, huyện Ninh Minh, Quảng
Tây, Trung Quốc). Nối liền từ cửa khẩu về thị trấn Lộc Bình và thành phố Lạng
Sơn là quốc lộ 4B, gắn kết với khu kinh tế ven biển trọng điểm của tỉnh Quảng
Ninh.
- Những năm gần đây, phía đối diện cửa
khẩu Chi Ma là thị trấn Ái Điểm đã đầu tư hoàn chỉnh đường giao thông từ trung
tâm huyện Ninh Minh đến thị trấn Ái Điểm và toàn bộ cơ sở hạ tầng khu vực cửa
khẩu gồm: Biên phòng, Hải quan, Kiểm dịch, Ban quản lý cửa khẩu để thực hiện kiểm
soát chặt chẽ người xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới. Khu
tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) đã thông qua quy hoạch cửa khẩu
Ái Điểm trình lên Quốc vụ viện Trung Quốc và Ủy ban
liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.
- Theo Hiệp định tạm thời về việc giải
quyết công việc trên vùng biên giới hai nước giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ký ngày 07/11/1991, cặp
cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm nằm trong số 21 cặp cửa khẩu hai bên đồng ý mở trên
tuyên biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
- Theo Hiệp định về cửa khẩu và quy
chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc ký ngày
18/11/2009 giữa ta và Trung Quốc, cặp cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm đã được hai nước
nhất trí nâng thành cặp cửa khẩu chính (trong Hiệp định gọi là cửa khẩu song
phương) và sẽ được mở khi đủ điều kiện.
- Chính quyền cấp tỉnh (khu tự trị) ở
vùng biên giới hai nước đã có hiệp thương thống nhất về mở chính thức cặp cửa
khẩu này (Hội nghị lần thứ 4 Ủy ban công
tác liên hợp giữa các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang (Việt Nam)
và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) ký ngày 08/12/2011) đã kiến
nghị Chính phủ hai nước mở chính thức cặp cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm. Tại phiên
họp thứ 2 (Hà Nội, tháng 2/2012) UBLH biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung
Quốc, Đoàn ta và Đoàn Trung Quốc đều đã thống nhất báo cáo Chính phủ triển khai
mở chính thức cặp cửa khẩu này.
1) Về cơ sở pháp lý
- Ngày 06/12/2001, Thủ tướng Chính phủ
đã có Quyết định số 185/2001/QĐ-TTg về việc cho phép cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng
Sơn được áp dụng chính sách Khu kinh tế cửa khẩu biên giới theo Quyết định
53/2001/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Cửa khẩu Chi
Ma được quy hoạch trong Quy hoạch phát triển các Khu kinh tế cửa khẩu của Việt
Nam đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số
52/2008/QĐ-TTg ngày 25/4/2008.
- Trên cơ sở phát triển khu vực kinh
tế cửa khẩu, ngày 27/11/2002, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số
2545/QĐ-UB-QH phê duyệt Quy hoạch chi tiết cửa khẩu Chi Ma, với tổng diện tích
quy hoạch 81 ha, bao gồm khu vực cửa khẩu Chi Ma 45 ha và khu trung tâm xã Tú Mịch
36 ha.
- Ngày 08/10/2008, UBND tỉnh Lạng Sơn
tiếp tục ban hành Quyết định số 2122/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh bổ sung Quy
hoạch chi tiết cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình giai đoạn 2007 - 2020 với tổng
diện tích quy hoạch 152 ha.
2) Về tổ chức lực lượng và cơ sở hạ tầng
- Hiện nay, cửa khẩu Chi Ma đã có đầy
đủ các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, xuất
nhập cảnh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc phòng gồm: Trạm Biên phòng thuộc đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma, Chi cục Hải quan cửa khẩu
(trên 40 cán bộ, công chức), Tổ Kiểm dịch Y tế (02 biên chế), Trạm Kiểm dịch Động
vật (03 biên chế), Trạm Kiểm dịch Thực vật (05 biên chế). Ban Quản lý cửa khẩu
đã được tỉnh thành lập với đại diện của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh,
đại diện Biên phòng và Hải quan.
- Cơ sở hạ tầng tại khu vực cửa khẩu
Chi Ma cơ bản đã đạt quy mô của một cửa khẩu chính, bao gồm:
+ Về Trụ sở làm việc, Trạm Kiểm soát
Biên phòng có nhà 2 tầng, rộng 340m2; Trạm Hải quan có nhà 3 tầng, rộng
876m2; Trạm Kiểm soát liên hợp có nhà 02 tầng, rộng 2.200m2;
Chi cục Hải quan Chi Ma có nhà 3 tầng, rộng 1.670m2; Đồn Biên phòng
Chi Ma có nhà 2 tầng, rộng 450m2; Trạm Biên phòng có nhà 3 tầng, rộng
765m2; Bưu điện Chi Ma có nhà 3 tầng, rộng 204m2.
+ Về hạ tầng giao thông, khu vực cửa
khẩu đã được đầu tư xây dựng cơ bản hệ thống giao thông nội bộ theo quy hoạch
chi tiết đã được UBND tỉnh phê duyệt, mặt đường bê tông , bê tông nhựa, vỉa hè
bê tông xi măng gắn sỏi, chỉ giới đường đỏ từ 14m - 27m; Tổng chiều dài các tuyến
đã đầu tư xây dựng: 5,83 km; khu vực cửa
khẩu Chi Ma có tuyến đường tỉnh lộ 236 nối từ cửa khẩu Chi Ma đến trung tâm thị
xã Lộc Bình có chiều dài 15 km, trong đó 6 km là đường bê tông, 9 km còn lại là
đường bê tông nhựa với 2 làn xe; lưu lượng giao thông trung bình là 400 xe/
ngày, về cơ bản đáp ứng được nhu cầu lưu thông đến cửa khẩu.
+ Về cấp, thoát nước khu vực cửa khẩu,
khu vực đã được đầu tư xây dựng hệ thống
thoát nước mặt trong phạm vi quy hoạch, khu tái định cư đã được phê duyệt theo
tuyến giao thông nội bộ; Suối phía Bắc chảy qua khu vực đã được nắn dòng bằng cống
hộp bê tông cốt thép tiết diện TB 3.0m x 3.0m đảm bảo thoát nước mặt tốt. Thoát
nước mặt tại các khu quy hoạch thông qua rãnh biên, hố ga giao thông nội bộ và
thoát vào mạng thoát chung khu vực.
+ Về cấp điện khu vực cửa khẩu, cửa
khẩu Chi Ma đã có đường dây trung thế 35kv lộ 376 E13.2 - LS cấp điện cho 4 trạm
biến áp Chi Ma. Gồm có trạm biến áp Đồn Biên phòng 30kva, trạm biến áp tái định
cư Chi Ma 250kva, trạm biến áp Kiểm soát liên hợp Chi Ma 100kva và trạm biến áp
Chi Ma 180kva, đảm bảo cấp điện cho toàn khu vực theo quy hoạch.
- Một số cơ sở bến bãi, kho hàng đã
được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng.
3) Thực trạng giao lưu, trao đổi hàng
hóa qua cửa khẩu
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua
cửa khẩu ngày càng phát triển về quy mô và hình thức trao đổi, bao gồm cả biên
mậu và chính ngạch. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2010 đạt 94,4 triệu
USD, năm 2011 đạt 90,1 triệu USD và 10 tháng đầu năm 2012 đạt khoảng 78 triệu
USD. Năm 2010 có 27.908 lượt người Việt Nam và 3.364 lượt người Trung Quốc và
13.550 lượt phương tiện; năm 2011 có 15,609 lượt người Việt Nam, 6.874 lượt người
Trung Quốc và 14.684 lượt phương tiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu, 9 tháng đầu
năm 2012 đã có 64.815 lượt người Việt Nam và 2.695 lượt người Trung Quốc và
16.415 lượt phương tiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu.
Trên cơ sở quy hoạch và tiềm năng
phát triển, đến nay, cửa khẩu Chi Ma có 11 doanh nghiệp đầu tư xây dựng các dự
án trong khu vực cửa khẩu với tổng mức vốn
đầu tư đăng ký gần 340 tỷ đồng.
Căn cứ vào số liệu kim ngạch xuất nhập
khẩu hàng hóa và lượt người, phương tiện trong các năm 2010, 2011, 2012 tương đối
ổn định. Theo đánh giá việc mở chính thức cặp cửa khẩu này kim ngạch xuất nhập
khẩu và lượt người, phương tiện qua lại trong tương lai sẽ ổn định, tăng dần
theo từng năm; quan trọng nhất là sẽ tạo đà phát triển kinh tế và ổn định của 2
tỉnh biên giới giữa Lạng Sơn và Quảng Tây nói riêng cũng như kinh tế - xã hội
trên toàn tuyến biên giới nói chung.
II. Kiến nghị
Xét nhu cầu giao lưu kinh tế, văn
hoá, xã hội giữa địa phương hai bên biên giới ngày càng mở rộng;
Xét cặp cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm là
1 trong số 21 cặp cửa khẩu đã được 2 nước đồng ý mở và đã được ghi nhận trong
Hiệp định tạm thời về việc giải quyết
công việc trên vùng biên giới hai nước giữa Chính phủ nước Cộng Hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và nước Cộng Hòa nhân dân Trung Hoa ký ngày 7/11/1991, đến nay
đã có đủ điều kiện cần thiết cho công tác điều hành và quản lý khi được mở
chính thức, Bộ Ngoại giao kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:
1) Cho phép mở chính thức cặp cửa khẩu
song phương Chi Ma - Ái Điểm với các nội dung liên quan như sau:
2) Tên gọi: Cửa khẩu song
phương đường bộ: Chi Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung Quốc).
3) Vị trí cửa khẩu:
Cặp cửa khẩu song phương đường bộ Chi
Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung Quốc): nằm giữa mốc 1223 và mốc 1224. Hai bên cửa
khẩu là huyện Lộc Bình, thị trấn Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và thị trấn
Ái Điểm, huyện Ninh Minh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
4) Thời gian làm việc: Thời
gian làm việc phía Việt Nam bắt đầu từ 7h00 đến 17h00 giờ Hà Nội. Thời gian làm
việc phía Trung Quốc bắt đầu từ 8h00 đến 18h00 giờ Bắc Kinh.
5) Giao Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn hoàn thành các thủ
tục đối ngoại để mở chính thức cặp cửa khẩu này.
6) Giao các Bộ, ban, ngành liên quan
khẩn trương hoàn thiện các hoạt động quản lý nhà nước tại cặp cửa khẩu này theo
đúng các thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc.
7) Giao Ủy
ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn:
+ Tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện
các hạng mục đang triển khai như mở thêm các bãi và kho hàng, xây dựng nhà kiểm
soát liên hợp mới tại cửa khẩu Chi Ma, đảm bảo vận hành theo tiêu chuẩn cửa khẩu
quốc gia khi được mở chính thức.
+ Tổ chức lập quy hoạch xây dựng, tổ
chức không gian, kiến trúc, cảnh quan, kết nối hạ tầng kỹ thuật và thiết kế kiến
trúc cổng cửa khẩu. Khu vực các cửa khẩu và có quy định quản lý xây dựng khu vực
cửa khẩu theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Bộ Ngoại giao kính trình Thủ tướng
Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo./,
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Bộ trưởng Phạm Bình Minh (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng);
- Bộ Công an;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan);
- Bộ Công thương;
- Bộ Giao thông Vận tải;
- Bộ Xây dựng;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông
thôn;
- Bộ Y tế;
- UBND tỉnh Lạng Sơn;
- Lưu: HC, UBBG, VT(D 16).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
|