Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 1472TM/XNK Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Bộ Thương mại Người ký: Mai Văn Dâu
Ngày ban hành: 28/08/2002 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1472 TM/XNK

Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2002

 

TỜ TRÌNH

HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU 7 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 05/2002/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3820/VPCP-KTTH ngày 10/07/2002 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện kế hoạch năm 2002 và công văn số 4405/VPCP-TH ngày 09/08/2002 của Văn phòng Chính phủ về chuẩn bị phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2002, Bộ Thương mại xin báo cáo về hoạt động xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm và tình hình thực hiện Nghị quyết số 05/2002/NQ-CP ngày 24/04/2002 của Chính phủ về một số giải pháp để triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2002 như sau:

I. KẾT QUẢ XUẤT, NHẬP KHẨU 7 THÁNG ĐẦU NĂM 2002:

1. Xuất khẩu:

Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đạt 8,81 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2001. Dự kiến 8 tháng đạt khoảng 10,3 tỷ USD, chỉ còn giảm 1,3% so với cùng kỳ. Các mặt hàng có kim ngạch tăng là cao su (38%), chè 37,7%), lạc nhân (79,5%), than đá (37,5%), dệt may (11,9%), giày dép (16,2%), hàng thủ công mỹ nghệ (42,5%), thủy sản (2,1%), hàng điện tử (7,2%). Các mặt hàng có kim ngạch giảm là dầu thô (-18,6%), gạo (-4,3%), cà phê (-40%), rau quả (-40,4%), hạt tiêu (-8,3%), linh kiện máy tính (-35,9%).

Đáng lưu ý là sau 5 tháng liên tục giảm, kim ngạch xuất khẩu tháng 6 và tháng 7 đã bắt đầu có tăng trưởng so với tháng cùng kỳ năm 2001 (tháng 6 tăng 7,5%, tháng 7 tăng 6,3%). Nhờ vậy, tuy kim ngạch 7 tháng vẫn giảm 3,2% nhưng mức giảm đang chậm dần và hy vọng sẽ có tăng trưởng dương từ tháng 9/2002. Đặc biệt, nếu không tính dầu thô thì kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm khác sau 7 tháng đã bắt đầu có sự tăng trưởng dương (+1,3%) sau 6 tháng liên tục tăng trưởng âm.

 

Tăng trưởng sau 2 tháng (%)

Tăng trưởng sau 3 tháng (%)

Tăng trưởng sau 6 tháng (%)

Tăng trưởng sau 7 tháng (%)

Tổng kim ngạch

-16,0

-12,2

-4,93

-3,21

- Dầu thô

-27,5

-22,3

-18,9

-18,6

- Không kể dầu thô:

-12,3

-9,2

-1

1,3

+ Khối Việt Nam

-19,6

-15,6

-7,9

-3,7

+ Khối FDI

3,9

5,4

17,3

13

Về thị trường xuất khẩu vào khu vực châu Á sau 6 tháng giảm 11% (trong đó Nhật Bản giảm 17,5%, Trung Quốc giảm 17,7%, ASEAN giảm 14%). Xuất khẩu sang EU tăng 2,52%; xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 62% (trong đó kim ngạch dệt may đạt 223 triệu USD, tăng 10 lần so với cùng kỳ); xuất khẩu sang úc giảm 13% (chủ yếu do giá dầu thô giảm).

Nguyên nhân xuất khẩu giảm chủ yếu vẫn là do tình hình kinh tế và thương mại thế giới trong những tháng đầu năm chưa có sự cải thiện đáng kể à còn nhiều yếu tố khó lường, sức mua nhìn chung còn yếu, giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2001 như dầu thô, cà phê, tiêu, điều, một số chủng loại thủy sản... . Các vấn đề như lao động, môi trường, an toàn thực phẩm, tranh chấp thương hiệu được các nước nhập khẩu đặt ra một cách thái quá khiến xuất khẩu của ta bị ảnh hưởng, nhất là thủy sản và dệt may. Trong nước, nguồn hàng xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực giảm sút mặc dù thị trường vẫn được bảo đảm (gạo, cà phê), một phần vì tác động của chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, phần khác do ảnh hưởng của hạn hán xảy ra ở nhiều nơi.

Căn cứ vào kết quả xuất khẩu 7 tháng, trước triển vọng tình hình kinh tế, thương mại thế giới và trong nước trong những tháng cuối năm, Bộ Thương mại dự báo kim ngạch xuất khẩu trong những tháng cuối năm nay sẽ có mức tăng trưởng rõ nét hơn so với cùng kỳ năm 2001. Nếu các tháng cuối năm đạt được mức bình quân tương đương xuất khẩu của tháng 7 vừa qua thì kim ngạch xuất khẩu cả năm dự kiến sẽ đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2001.

2. Nhập khẩu:

Kim ngạch nhập khẩu 7 tháng đầu năm đạt 10,3 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2001. Nhập khẩu tăng mạnh ở khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 27,6%) và đối với các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào của sản xuất, cụ thể như sau:

- Dầu thực vật tăng 68,4% - Sản phẩm hóa chất 28%

- Hạt nhựa 24,7% - Phân bón 33%

- Thuốc trừ sâu 31% - Giấy  24%

- Sợi 34% - Sắt thép 14,6%

- Kim loại 47% - Thiết bị, phụ tùng 32%

Riêng vải tăng tới 256% về trị giá, kính cũng tăng 54% về trị giá.

Do kim ngạch nhập khẩu tăng trong khi kim ngạch xuất khẩu giảm nên nhập siêu 7 tháng đầu năm lên tới 1,52 tỷ USD (khối FDI là 1.112 triệu USD; khối doanh nghiệp Việt Nam là 412 triệu USD), chiếm 173% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây là mức rất cao so với năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn ngưỡng tâm lý 20% (trong những năm 1995-1998, mục tiêu Chính phủ đặt ra cho ngành thương mại là kiềm chế nhập siêu ở mức dưới 20% kim ngạch xuất khẩu). Có thể khẳng định hàng tiêu dùng không phải là nguyên nhân gây nhập siêu bởi kim ngạch hàng tiêu dùng hầu như không tăng (6 tháng đầu năm ngoái là 214 triệu USD, năm nay là 216 triệu USD). Một số mặt hàng “nóng” của năm ngoái như linh kiện xe máy, ô tô nguyên chiếc đã giảm trở lại (xe máy giảm 56,6%, ô tô nguyên chiếc giảm 14,2%) nhờ các chính sách quản lý nhập khẩu được thắt chặt hơn.

Nhập khẩu và nhập siêu tăng mạnh chủ yếu do khối FDI, lại tập trung vào các mặt hàng phục vụ sản xuất như máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu sản xuất nên theo Bộ Thương mại, việc áp dụng các biện pháp hành chính và thuế quan để kiềm chế nhập khẩu cần được cân nhắc kỹ. Tuy nhiên, thời gian tới cần hướng doanh nghiệp tăng cường sử dụng nguyên liệu trong nước, tránh lãng phí. Quan trọng hơn cả là cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Nếu được như vậy, tuy nhập siêu có thể vẫn tăng về trị giá tuyệt đối (lên khoảng 1.6-1.7 tỷ USD) nhưng tỷ trọng trong kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm xuống còn khoảng 11%, là mức nhập siêu bình thường với một nước đang phát triển.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 05/2002/NQ-CP VÀ KẾT QUẢ GIAO BAN VỀ ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU:

Trước tình hình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, ngay từ cuối năm 2001, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có sự chỉ đạo hết sức sâu sát và quyết liệt đối với hoạt động xuất nhập khẩu. Tiếp theo Chỉ thị số 31/2001/CT-TTg ngày 13/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2002. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 05/2002/NQ-CP ngày 24/4/2002 về một số giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2002, trong đó có nhiều biện pháp quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 12/07/2002 Bộ Thương mại đã tổ chức Hội nghị giao ban xuất khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh để rà soát tình hình triển khai thực hiện những giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng. Trên cơ sở đó, Bộ Thương mại đã có Tờ trình số 1280/TM-XNK ngày 23/07/2002 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các vông việc các Bộ, ngành cần tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện trong thời gian tới. Nhìn chung, các Bộ, ngành và địa phương đều đang tích cực triển khai thực hiện các giải pháp này. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng còn một số vướng mắc, một số biện pháp triển khai còn chậm hơn so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nên chưa phát huy được ngay tác dụng đối với xuất khẩu. Bộ Thương mại xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai một số nhóm biện pháp cụ thể như sau:

1. Về công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường:

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác xúc tiến thương mại và công tác thị trường, thời gian qua ngành thương mại đã thực hiện được một số công việc sau đây:

- Bộ Thương mại đã tổ chức 4 đoàn liên ngành đi khảo sát về xuất nhập khẩu tại các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Châu Phi và đang tiếp tục tổ chức đoàn đi Nhật với sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp ngành hàng;

- Tích cực phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan trong việc theo dõi, nhận biết các rào cản phi quan thuế mới, các tình huống phức tạp nảy sinh để tìm biện pháp tháo gỡ như đối với xuất khẩu thủy sản vào EU và Hoa Kỳ, xuất khẩu rau quả vào Trung Quốc, xuất khẩu hàng dệt may vào Hoa Kỳ và Nhật Bản.

- Xúc tiến việc thành lập một số trung tâm xúc tiến thương mại tại thị trường ngoài. Vừa qua, Bộ Thương mại đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina thành lập Trung tâm xúc tiến thương mại Việt Nam tại Ucraina.

- Công tác xúc tiến thương mại của các tỉnh, thành phố cũng bắt đầu được triển khai tích cực. Một số tỉnh như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, T.P Hồ Chí Minh, Hà Nội... đã lập ra các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm, nghiên cứu thị trường ngoài trên cơ sở ngân sách của địa phương.

Nhìn chung, nhận thức của các Bộ, ngành và các địa phương về tầm quan trọng của công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường đã được nâng cao. Tuy nhiên, việc triển khai cụ thể vẫn còn khá lúng túng. Một số nhiệm vụ cụ thể đã được giao tại Nghị quyết 05/2002/NQ-CP vẫn chưa hoàn thành như việc cải tiến chế độ chi hỗ trợ phát triển thị trường, xúc tiến thương mại theo hướng dành cho các chương trình trọng điểm, những chương trình khuếch trương xuất khẩu hoặc thâm nhập thị trường mới. Một số địa phương đã chú trọng tới xúc tiến thương mại nhưng các biện pháp còn lẻ tẻ, thiếu đồng bộ và chưa có sự phối hợp, liên kết với nhau. Việc lập Quỹ hỗ trợ xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố vấn chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính.

2. Rà soát hạ chi phí đầu vào đề nâng cao sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu:

Chi phí đầu vào cao là một trong những nhân tố làm đội giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa nói chung trong đó có hàng hóa xuất khẩu. Đây cũng là một trong những yếu tố làm giảm sức hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Có nghiên cứu cho thấy chi phí đầu vào bình quân từ năm 1996 đến nay đã tăng 32,43%, trong đó xăng dầu tăng 42,8%, nước 130%, điện 37,5% trong khi đó giá dầu ra chỉ tăng 22%, làm giảm đáng kể tỷ suất lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp1. Việc các chi phí này tăng cao, kết hợp với các chi phí dịch vụ đầu vào khác như cước phí giao thông, các loại phí tại cảng, cước bưu chính viễn thông... ở mức cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, đã làm giảm khả năng cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp, ngay cả với những doanh nghiệp đã nỗ lực đổi mới công nghệ chiều sâu, thay đổi phương thức quản lý và thực hành tiết kiệm.

Để khắc phục tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan kiểm tra, rà soát các chi phí dịch vụ đầu vào đối với xuất khẩu để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các biện pháp giảm xuống mức hợp lý những chi phí này.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang phối hợp với Uỷ ban Vật giá Chính phủ tiến hành rà soát lại các chi phí trên. Đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ này bởi đây là giải pháp mang tính cốt lõi, có tác dụng về lâu dài, phục vụ đồng thời nhiều mục tiêu, trong đó có nhiệm vụ đẩy mạnh xuất khẩu, cạnh tranh với hàng nhập khẩu và chống buôn lậu.

3. Các giải pháp về tài chính liên quan đến xuất khẩu:

Thực hiện Nghị quyết số 05/2002/NQ-CP, Bộ Tài chính đã ban hành một số văn bản để cụ thể hóa các chính sách tài chính hỗ trợ xuất khẩu như Quyết định số 63/2002/QĐ-TTg ngày 21/05/2002 về việc thưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2002; hướng dẫn việc miễn, giảm một số chi phí liên quan đến xuất khẩu trong năm 2002 như miễn thu lệ phí hạn ngạch xuất khẩu hàng hóa và lệ phí hải quan, lệ phí cấp giấy chứng nhận xuất khẩu hàng giày dép đi EU và lệ phí cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu; miễn thu phí, lệ phí kiểm dịch động vật, thực vật xuất khẩu; hướng dẫn việc miễn toàn bộ lãi vay ngân hàng cho các hộ nông dân ở các tỉnh Tây nguyên vay chăm sóc vườn cà phê niên vụ 2001-2002.

Bên cạnh những biện pháp đã làm được, còn một số biện pháp cần tiếp tục triển khai thực hiện hoặc chấn chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, cụ thể là:

a. Nhanh chóng áp dụng các ưu đãi thuế cho doanh nghiệp vệ tinh:

Nghị quyết 05/2002/NQ-CP của Chính phủ tiếp tục đề cập tới việc dành các ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp vệ tinh theo như quy định tại Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 26/07/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể là dành các ưu đãi về thuế theo quy định hiện hành như đối với gia công hoặc sản xuất hàng xuất khẩu đối với các trường hợp:

- Gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài nhưng không trực tiếp xuất khẩu mà giao lại cho doanh nghiệp khác để xuất khẩu hoặc sản xuất hàng xuất khẩu theo chỉ định của bên đưa gia công.

- Sản xuất bán thành phẩm để giao cho một doanh nghiệp khác sản xuất hàng xuất khẩu.

Đây là Quyết định hết sức quan trọng, vừa góp phần hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong việc hạ giá thành, vừa góp phần thúc đẩy sự hình thành các ngành công nghiệp gắn kết với nhau để cùng hướng về xuất khẩu và tạo ra giá trị gia tăng ngày càng lớn. Tuy nhiên, tới nay việc triển khai thực hiện biện pháp này vẫn còn một số vướng mắc. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang hướng dẫn thuế GTGT đối với trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng hóa bán cho thương nhân nước ngoài nhưng giao hàng cho doanh nghiệp khác tại Việt Nam (theo chỉ định của thương nhân nước ngoài) để làm nguyên liệu sản xuất hàng hóa xuất khẩu, là một trong hai trường hợp đã được đề cập tại Quyết định 908/QĐ-TTg. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu việc áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với nguyên liệu sản xuất trong nước để làm hàng xuất khẩu.

Theo Bộ Thương mại, các vấn đề mà Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hướng dẫn đều nhằm một mục đích chung là dành các ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp vệ tinh sản xuất đầu vào cho hàng xuất khẩu như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 908/QĐ-TTg. Vì vậy, Bộ Thương mại kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và cho chỉ đạo hướng dẫn thực hiện thống nhất biện pháp này. Nếu vấn đề phức tạp, có thể thành lập Tổ công tác liên Bộ để xử lý bao quát, đồng bộ các vướng mắc phát sinh, nhanh chóng đưa vào áp dụng thực tiễn.

b. Kiện toàn quy trình hoàn thuế GTGT:

Việc cho phép các doanh nghiệp được khấu trừ khống đối với hàng hóa là nông, lâm, thủy sản xuất khẩu như trong thời gian qua là một mặt có tác dụng khuyến khích xuất khẩu, nhưng mặt khác cũng tạo ra kẽ hở để một số doanh nghiệp lợi dụng, gian lận. Theo thông báo củ Tổng cục Thuế, tới nay đã phát hiện nhiều doanh nghiệp có hồ sơ vi phạm, trong đó số tiền đã bị chiếm đoạt thông qua hoàn thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng, trong đó có nhiều vụ việc liên quan đến xuất khẩu nông sản, thủy sản. Ngoài việc chiếm đoạt tiền của Nhà nước, gây hậu quả kinh tế - xã hội, nhiều trường hợp gian lận còn làm kim ngạch xuất khẩu bị khai khống, ảnh hưởng đến tính chính xác của các số liệu thống kê về xuất khẩu.

Để khắc phục tình trạng trên, Đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục kiện toàn quy trình hoàn thuế GTGT và sớm ban hành chế độ chấn chỉnh việc khấu trừ thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản, thủy sản theo tinh thần Nghị quyết 05/2002/NQ-CP.

c. Về thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp trong nước

Vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp trong nước đã được đề cập tại Nghị quyết 05/2002/NQ-CP, cụ thể là giao Bộ Tài chính nghiên cứu trình Quốc hội cho áp dụng thống nhất một mức thuế thu nhập đối với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước có doanh số xuất khẩu như nhau. Đề nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

4. Triển khai thực hiện việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị để hướng dẫn triển khai Quyết định này. Trong thời gian tới, đề nghị các Bộ, ngành nhanh chóng triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công tại Điều 8 của Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg. Theo Bộ Thương mại, vấn đề cốt lõi là làm cho nông dân hiểu lợi ích lâu dài và bền vững của việc tiêu thụ sản phẩm theo cam kết với doanh nghiệp, tiến tới xây dựng một chế tài đồng bộ giữa nông dân và doanh nghiệp trên cơ sở phát huy vai trò giám sát, bảo lãnh của các địa phương.

III. KIẾN NGHỊ:

Trong tình hình xuất khẩu năm 2002 phải đối mặt với nhiều thách thức, các giải pháp khuyến khích xuất khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng tại Nghị quyết số 05/2002/NQ-CP là tương đối đầy đủ và toàn diện, khi được triển khai sẽ vừa là những giải pháp trước mắt nhưng đồng thời cũng là những giải pháp có tác dụng trong thời kỳ trung hạn đối với xuất khẩu. Do thời gian còn lại của năm 2002 không nhiều nên Bộ Thương mại kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai thực hiện cho thật tốt các biện pháp này, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm. Nếu làm được điều này, chắc chắn xuất khẩu nước ta sẽ có thêm động lực mới để tiến gần tới mục tiêu do Quốc hội khóa X đã đề ra của năm 2002, tạo tiền đề cho tăng trưởng xuất khẩu những năm tiếp theo./.

 

 

KT.BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
THỨ TRƯỞNG




Mai Văn Dâu


1 Tạp chí Nghiên cứu kinh tế số 287 - tháng 4/2002

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Tờ trình số 1472 TM/XNK ngày 28/08/2002 của Bộ Thương mại về hoạt động xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm và tình hình thực hiện Nghị quyết số 05/2002/NQ-CP của Chính phủ

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.847

DMCA.com Protection Status
IP: 18.118.0.48
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!