BỘ
Y TẾ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
19/2000/TT-BYT
|
Hà
Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2000
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ Y TẾ SỐ 19/2000/TT-BYT NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2000 HƯỚNG
DẪN XÉT CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ KHÁM, CHỮA BỆNH
Căn cứ Luật Bảo vệ sức khoẻ
nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật này.
Căn cứ Luật Doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành
Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 3/2/2000 của Chính phủ về
đăng ký kinh doanh.
Căn cứ Pháp lệnh hành nghề Y, Dược tư nhân và các văn bản quy phạm pháp luật
hướng dẫn thi hành Pháp lệnh hành nghề Y, Dược tư nhân.
Bộ Y tế hướng dẫn việc xét cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh để đăng
ký kinh doanh dịch vụ khám, chữa bệnh như sau:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Chứng
chỉ hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định của Thông tư này là văn bản do Bộ Y
tế, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) xem xét
và cấp cho cá nhân có đủ tiêu chuẩn trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức và
kinh nghiệm nghề nghiệp để đăng ký kinh doanh dịch vụ khám, chữa bệnh (sau đây
gọi là đăng ký dịch vụ khám, chữa bệnh) theo quy định của Luật Doanh nghiệp và
các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này.
Điều 2.
Đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh: Bác sĩ, dược sỹ (đăng
ký hành nghề xét nghiệm), cử nhân tốt nghiệp đại học về sinh học, hoá học, y sỹ,
trung học y.
Điều 3.
Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh chỉ cấp cho cá nhân, không cấp cho tổ chức,
mỗi cá nhân chỉ được cấp 01 chứng chỉ được dùng chứng chỉ này để đăng ký dịch vụ
khám, chữ bệnh tại một địa điểm.
Người được cấp chứng chỉ hành
nghề khám, chữa bệnh phải nộp lệ phí theo quy định hiện hành.
Điều 4.
Người có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh không được chuyển nhượng, cho người
khác mượn, thuê hoặc sử dụng chứng chỉ để đăng ký dịch vụ khám, chữa bệnh.
Chương 2:
TIÊU CHUẨN XÉT CẤP CHỨNG
CHỈ HÀNH NGHỀ KHÁM, CHỮA BỆNH
Điều 5.
Tiêu chuẩn chung:
1. Cá nhân muốn được cấp chứng
chỉ hành nghề khám, chữa bệnh phải có đủ các tiêu chuẩn sau:
1.1. Phải có bằng tốt nghiệp tại
các Trường Đại học Y, dược, các Trường Đại học khác, các Trường Cao đẳng, Trung
học y và có đủ thời gian hành nghề theo quy định đối với từng loại hình hành
nghề.
1.2. Phải có đạo đức nghề nghiệp,
có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có đủ sức khoẻ để hành nghề khám, chữa bệnh.
1.3. Hiểu biết về Luật bảo vệ sức
khoẻ nhân dân, Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân và Nghị định số 46/CP ngày
6/8/1996 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
quản lý Nhà nước về y tế.
1.4. Hiểu biết 12 điều quy định
về y đức (Ban hành kèm theo Quyết định số 2088/QĐ-BYT ngày 6/1/1996 của Bộ trưởng
Bộ Y tế), Quy chế Bệnh viện (Ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT
ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế), Quy chế quản lý chất thải y tế (Ban hành
kèm theo Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
1.5. Phải cam kết thực hiện các
văn bản quy phạm pháp luật nêu trên (Điểm 1.3, 1.4), các quy định về chuyên môn
kỹ thuật y tế và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
2. Người đang bị kỷ luật, bị xử
lý vi phạm hành chính do vi phạm quy định về chuyên môn kỹ thuật y tế hoặc do
thiếu tinh thần trách nhiệm với người bệnh, người đang bị truy cứu trách nhiệm
hình sự, bị kết án tù nhưng chưa được xoá án hoặc bị Toà án kết án vì vi phạm
quy định về chuyên môn kỹ thuật y tế, thì không được xét cấp chứng chỉ hành nghề
khám, chữa bệnh.
Điều 6.
Tiêu chuẩn cụ thể: Ngoài các tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 5 của Thông tư
này, người xin cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh phải có các tiêu chuẩn cụ
thể sau:
1. Người xin cấp chứng chỉ hành
nghề khám, chữa bệnh để đăng ký Bệnh viện, đăng ký Doanh nghiệp làm dịch vụ
khám, chữa bệnh phải là bác sỹ đa khoa hay chuyên khoa đã thực hành 5 năm tại Bệnh
viện nhà nước, Bệnh viện ngoài công lập, Bệnh viện có vốn đầu tư của nước
ngoài.
2. Người xin cấp chứng chỉ hành
nghề khám, chữa bệnh để cá nhân, hộ kinh doanh cá thể đăng ký dịch vụ khám, chữa
bệnh.
2.1. Phòng khám đa khoa:
Bác sỹ đa khoa hay chuyên khoa
đã thực hành 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp.
2.2. Phòng khám nội:
Bác sỹ đa khoa hay chuyên khoa nội
đã thực hành 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp.
Ở các vùng núi cao, y sỹ đã thực
hành 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp hay bác sỹ đã thực hành 3 năm tại
cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp.
2.3. Phòng khám chuyên khoa ngoại:
Bác sỹ chuyên khoa ngoại đã thực
hành 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp trong đó có ít nhất 3 năm thực
hành chuyên khoa ngoại.
2.4. Phòng khám chuyên khoa phụ
sản - Phòng Kế hoạch hoá gia đình:
Bác sỹ chuyên khoa phụ sản đã thực
hành 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp trong đó ít nhất là 3 năm chuyên
khoa phụ sản.
Ở các vùng núi cao, y sỹ sản nhi
hay nữ hộ sinh từ trung học trở lên đã thực hành 5 năm chuyên khoa tại cơ sở
khám, chữa bệnh hợp pháp.
2.5. Phòng khám chuyên khoa răng
hàm mặt:
Bác sỹ chuyên khoa răng hàm mặt
đã thực hành 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp trong đó có ít nhất là 3
năm chuyên khoa răng hàm mặt.
Ở các vùng núi cao, Y sỹ chuyên
khoa răng hàm mặt, Y sỹ răng trẻ em đã thực hành 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh
hợp pháp hay bác sỹ chuyên khoa đã thực hành 3 năm chuyên khoa tại cơ sở khám,
chữa bệnh hợp pháp.
2.6. Phòng khám chuyên khoa tai
mũi họng:
Bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng
đã thực hành 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp, trong đó ít nhất 3 năm
thực hành chuyên khoa.
2.7. Phòng khám chuyên khoa mắt:
Bác sỹ chuyên khoa mắt, thực
hành 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp, trong đó có 3 năm thực hành
chuyên khoa mắt.
Ở các vùng núi cao, y sỹ chuyên
khoa mắt có 5 năm thực hành chuyên khoa mắt tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp.
2.8. Phòng chuyên khoa giải phẩu
thẩm mỹ:
Bác sỹ đã thực hành 5 năm tại cơ
sở khám, chữa bệnh hợp pháp, trong đó ít nhất có 3 năm thực hành chuyên khoa phẫu
thuật tạo hình hay thẩm mỹ.
2.9. Phòng chuyên khoa Điều dưỡng
- Phục hồi chức năng và Vật lý trị liệu:
Bác sỹ đã thực hành 5 năm tại cơ
sở khám, chữa bệnh hợp pháp, trong đó có ít nhất 3 năm thực hành chuyên khoa Điều
dưỡng- Phục hồi chức năng và Vật lý trị liệu.
2.10. Phòng chẩn đoán hình ảnh:
Bác sỹ chuyên khoa Chẩn đoán
hình ảnh đã thực hành chuyên khoa 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp.
Ở các vùng núi cao, bác sỹ đã thực
hành 5 tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp trong đó có ít nhất 3 năm thực hành
chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh.
2.11. Phòng xét nghiệm:
Bác sỹ hay dược sỹ, cử nhân (tốt
nghiệp đại học) sinh học, hoá học đã thực hành 5 năm chuyên khoa xét nghiệm tại
cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp.
Ở các vùng núi cao người đăng ký
hành nghề là bác sỹ, dược sỹ, cử nhân sinh học, hoá học đã thực hành 5 tại cơ sở
khám, chữa bệnh hợp pháp, trong đó có ít nhất 3 năm thực hành chuyên khoa.
2.12. Nhà hộ sinh:
Bác sỹ chuyên khoa phụ sản, nữ hộ
sinh từ trung học trở lên đã thực hành chuyên khoa 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh
hợp pháp.
Ở các vùng núi cao: bác sỹ chuyên
khoa phụ sản, nữ hộ sinh từ trung học trở lên đã thực hành chuyên khoa 3 năm tại
cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp. Người được cấp chứng chỉ hành nghề phải là người
hành nghề 100% thời gian.
Chương 3:
HỒ SƠ, THỦ TỤC VÀ THẨM
QUYỀN CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ KHÁM, CHỮA BỆNH
Điểu 7.
Hồ sơ:
1. Đơn xin cấp chứng chỉ hành
nghề khám, chữa bệnh.
2. Bản sao văn bằng, chứng chỉ
chuyên khoa (có chứng nhận công chứng Nhà nước).
3. Sơ yếu lý lịch, có xác nhận của
chính quyền địa phương.
4. Phiếu khám sức khỏe (Giấy chứng
nhận sức khỏe) của Trung tâm Y tế quận, huyện trở lên.
5. Giấy cho phép hành nghề ngoài
giờ của Thủ trưởng cơ quan nếu đang là công chức.
6. Giấy xác nhận đã qua thực
hành ở Bệnh viện, cơ sở cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp theo quy định tại Điều 6
của Thông tư này.
Điều 8.
Thủ tục:
1. Thủ tục xét duyệt cấp chứng
chỉ hành nghề khám, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế cấp: Cá nhân nộp hồ sơ đến sở
Y tế tỉnh nơi đăng ký dịch vụ khám, chữa bệnh. Hội đồng chuyên môn xem xét hồ
sơ, đối chiếu với những quy định của pháp luật hiện hành, có biên bản báo cáo
Giám đốc Sở Y tế. Sở Y tế gửi công văn đề nghị cùng toàn bộ hồ sơ của cá nhân
lên Bộ Y tế (Vụ Điều trị).
2. Thủ tục xét duyệt cấp chứng
chỉ hành nghề cho chủ cơ sở khám, chữa bệnh do Giám đốc Sở Y tế cấp: Cá nhân nộp
hồ sơ đến Sở Y tế tỉnh nơi đăng ký dịch vụ khám, chữa bệnh. Bộ phận quản lý
hành nghề y dược tư nhân của Sở Y tế sẽ xem xét các hồ sơ liên quan, nếu hồ sơ
hợp lệ, sẽ thông báo cho cá nhân được tham dự kiểm tra viết về nhận thức pháp
luật y tế, Quy chế chuyên môn, Quy định y đức, các chương trình y tế quốc gia
phổ cập.
3. Bộ Y tế, Sở Y tế sẽ tổ chức
kiểm tra mỗi quý 01 lần.
Điều 9.
Thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh:
1. Bộ trưởng Bộ Y tế cấp chứng
chỉ hành nghề khám, chữa bệnh để đăng ký Bệnh viện, đăng ký Doanh nghiệp làm dịch
vụ khám, chữa bệnh. Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh có giá trị trong phạm
vi cả nước và có thời hạn trong 5 năm kể từ ngày cấp. Sau 5 năm người có chứng
chỉ hành nghề khám, chữa bệnh phải trình với Bộ Y tế Giấy xác nhận đã tham gia
lớp đào tạo cập nhật kiến thức chuyên khoa và các chương trình y tế quốc gia phổ
cập để làm thủ tục gia hạn chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.
2. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) xét cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh
để cá nhân, hộ kinh doanh cá thể đăng ký dịch vụ khám, chữa bệnh. Chứng chỉ
hành nghề khám, chữa bệnh có giá trị trong phạm vi tỉnh và có thời hạn trong 3
năm kể từ ngày cấp. Sau 3 năm người có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh phải
trình với Sở Y tế Giấy xác nhận đã tham gia lớp đào tạo cập nhật kiến thức
chuyên khoa và các chương trình y tế quốc gia phổ cập để làm thủ tục gia hạn chứng
chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.
3. Bộ Y tế thành lập Hội đồng
chuyên môn giúp Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc kiểm tra, xem xét tiêu chuẩn để cấp
chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Hội đồng do đồng chí Thứ trưởng phụ trách
điều trị làm Chủ tịch, Vụ trưởng Vụ Điều trị làm Phó chủ tịch, đại diện Tổng Hội
Y dược Việt Nam, đại diện chuyên khoa và các thành viên khác.
4. Sở Y tế tỉnh thành lập Hội đồng
chuyên môn giúp Giám đốc Sở trong việc kiểm tra, xem xét tiêu chuẩn để cấp chứng
chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Hội đồng do một lãnh đạo Sở làm Chủ tịch, Trưởng
phòng nghiệp vụ y là Phó chủ tịch Hội đồng, các uỷ viên khác là đại diện Hội y
học tỉnh, đại diện chuyên khoa ở tỉnh và các thành viên khác.
5. Hàng năm, Sở Y tế tổ chức lớp
phổ biến, tập huấn cập nhật kiến thức về các chương trình y tế Quốc gia phổ cập,
các văn bản quy phạm pháp luật về hành nghề y tư nhân và các quy định khác có
liên quan. Người đăng ký hành nghề y tư nhân có trách nhiệm tham dự lớp học và
thực hiện các quy định của lớp học.
6. Chứng chỉ hành nghề khám, chữa
bệnh được gửi và lưu như sau:
- Giấy chứng chỉ hành nghề do Bộ
trưởng Bộ Y tế cấp được làm thành 3 bản: 1 bản lưu tại Bộ Y tế (Vụ Điều trị), 1
bản gửi cho Sở Y tế tỉnh nơi đăng ký dịch vụ khám, chữa bệnh, 1 bản cho đương sự.
- Giấy chứng chỉ hành nghề do
Giám đốc Sở Y tế cấp được làm thành 2 bản: 1 bản lưu tại Sở Y tế, 1 bản cho
đương sự.
7. Mẫu chứng chỉ hành nghề khám,
chữa bệnh được đính kèm theo Thông tư này.
Chương 4:
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 10.
Người vi phạm các quy định của Thông tư này, tuỳ mức độ và tính chất vi phạm sẽ
bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
theo quy định của pháp luật.
Điều 11.
1. Người
được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh sẽ bị thu hồi chứng chỉ trong các
trường hợp sau:
1.1. Chuyển, nhượng chứng chỉ
hành nghề khám, chữa bệnh.
1.2. Cho người khác mượn, thuê
chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh .
1.3. Sử dụng chứng chỉ hành nghề
khám, chữa bệnh không đúng mục đích.
1.4. Hành nghề khám, chữa bệnh
quá phạm vi cho phép hoặc vi phạm các quy định về chuyên môn kỹ thuật y tế gây
hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người bệnh.
1.5. Vi phạm quy định về Y đức,
vi phạm pháp luật.
2. Cơ quan có thẩm quyền cấp chứng
chỉ hành nghề khám chữa bệnh có quyền thu hồi chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh
đối với những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12.
1. Chứng
chỉ hành nghề khám, chữa bệnh chỉ có giá trị cho việc đăng ký kinh doanh dịch vụ
khám, chữa bệnh. Trước khi tiến hành hoạt động khám, chữa bệnh, các cơ sở khám,
chữa bệnh phải thực hiện các quy định của Pháp lệnh hành nghề Y Dược tư nhân và
các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.
2. Vụ trưởng Vụ Điều trị phối hợp
với các Vụ chức năng, Thanh tra Bộ Y tế để tổ chức việc hướng dẫn, chỉ đạo và
kiểm tra thanh tra việc thực hiện Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực sau 15
ngày kể từ ngày ký ban hành. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc,
các đơn vị, địa phương phải báo cáo về Bộ Y tế (Vụ Điều trị) để nghiên cứu và
giải quyết.