Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 04/2010/TT-BCT thực hiện quy tắc xuất xứ trong Bản Thoả thuận Việt Nam Bộ Công thương Lào

Số hiệu: 04/2010/TT-BCT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Công thương Người ký: Nguyễn Thành Biên
Ngày ban hành: 25/01/2010 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 04/2010/TT-BCT

Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2010

THÔNG TƯ

THỰC HIỆN QUY TẮC XUẤT XỨ TRONG BẢN THOẢ THUẬN GIỮA BỘ CÔNG THƯƠNG NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ BỘ CÔNG THƯƠNG NƯỚC CỘNG HOÀ DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO VỀ QUY TẮC XUẤT XỨ ÁP DỤNG CHO CÁC MẶT HÀNG ĐƯỢC HƯỞNG ƯU ĐÃI THUẾ SUẤT THUẾ NHẬP KHẨU VIỆT NAM - LÀO

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Bản Thoả thuận giữa Bộ Công Thương nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Công Thương nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào về Quy tắc xuất xứ áp dụng cho các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu Việt Nam – Lào ký ngày 01 tháng 10 năm 2009 tại Hà Nội, Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 02 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về xuất xứ hàng hóa;

Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định việc thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Bản Thoả thuận giữa Bộ Công Thương nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Công Thương nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào về Quy tắc xuất xứ áp dụng cho các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu Việt Nam – Lào như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Hàng hoá được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá Mẫu S

Hàng hoá được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá Mẫu S (trong Thông tư này gọi tắt là C/O) là hàng hoá có xuất xứ theo quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này và được Tổ chức cấp C/O Mẫu S cấp C/O.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Tổ chức cấp C/O Mẫu S của Việt Nam (trong Thông tư này gọi tắt là Tổ chức cấp C/O) là các tổ chức được quy định tại Phụ lục 10.

2. Người đề nghị cấp C/O Mẫu S (trong Thông tư này gọi tắt là người đề nghị cấp C/O) bao gồm người xuất khẩu, nhà sản xuất, người đại diện có giấy ủy quyền hợp pháp của người xuất khẩu hoặc nhà sản xuất.

3. Hệ thống eCOSys là hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Việt Nam có địa chỉ tại: http://www.ecosys.gov.vn.

Điều 3. Trách nhiệm của người đề nghị cấp C/O

Người đề nghị cấp C/O có trách nhiệm:

1. Đăng ký hồ sơ thương nhân với Tổ chức cấp C/O theo quy định tại Điều 5;

2. Nộp hồ sơ đề nghị cấp C/O cho Tổ chức cấp C/O;

3. Chứng minh hàng hoá xuất khẩu đáp ứng các quy định về xuất xứ và tạo điều kiện thuận lợi cho Tổ chức cấp C/O trong việc xác minh xuất xứ hàng hoá;

4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đối với những khai báo liên quan đến việc đề nghị cấp C/O, kể cả trong trường hợp được người xuất khẩu uỷ quyền;

5. Báo cáo kịp thời cho Tổ chức cấp C/O tại nơi thương nhân đã đề nghị cấp về những C/O bị nước nhập khẩu từ chối công nhận C/O do các Tổ chức cấp C/O của Việt Nam cấp (nếu có);

6. Tạo điều kiện cho Tổ chức cấp C/O kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất hoặc nơi nuôi, trồng, thu hoạch và chế biến hàng hóa xuất khẩu;

7. Chứng minh tính xác thực về xuất xứ của hàng hoá đã xuất khẩu khi có yêu cầu của Bộ Công Thương, Tổ chức cấp C/O, cơ quan Hải quan trong nước và cơ quan Hải quan nước nhập khẩu.

Điều 4. Trách nhiệm của Tổ chức cấp C/O

Tổ chức cấp C/O có trách nhiệm:

1. Hướng dẫn người đề nghị cấp C/O nếu được yêu cầu;

2. Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ thương nhân và hồ sơ đề nghị cấp C/O;

3. Xác minh thực tế xuất xứ của hàng hoá khi cần thiết;

4. Cấp C/O khi hàng hóa đáp ứng các quy định về xuất xứ của Thông tư này và người đề nghị cấp C/O tuân thủ các quy định tại Điều 3;

5. Gửi mẫu chữ ký của những người được ủy quyền ký C/O và con dấu của Tổ chức cấp C/O cho Bộ Công Thương (Vụ Xuất Nhập khẩu) theo quy định của Bộ Công Thương để đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu;

6. Giải quyết các khiếu nại liên quan đến việc cấp C/O theo thẩm quyền;

7. Xác minh lại xuất xứ của hàng hoá đã xuất khẩu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu;

8. Trao đổi các thông tin có liên quan đến việc cấp C/O với các Tổ chức cấp C/O khác;

9. Thực hiện chế độ báo cáo, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ về xuất xứ và các yêu cầu khác theo quy định của Bộ Công Thương.

Chương II

THỦ TỤC CẤP C/O

Điều 5. Đăng ký hồ sơ thương nhân

1. Người đề nghị cấp C/O chỉ được xem xét cấp C/O tại nơi đã đăng ký hồ sơ thương nhân sau khi đã hoàn thành thủ tục đăng ký hồ sơ thương nhân. Hồ sơ thương nhân bao gồm:

a) Đăng ký mẫu chữ ký của người được ủy quyền ký Đơn đề nghị cấp C/O và con dấu của thương nhân (Phụ lục 9);

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân (bản sao có dấu sao y bản chính);

c) Giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế (bản sao có dấu sao y bản chính);

d) Danh mục các cơ sở sản xuất (nếu có) của thương nhân (Phụ lục 8).

2. Mọi sự thay đổi trong hồ sơ thương nhân phải được thông báo cho Tổ chức cấp C/O nơi đã đăng ký trước khi đề nghị cấp C/O. Hồ sơ thương nhân vẫn phải được cập nhật hai (02) năm một lần.

3. Trong trường hợp muốn được cấp C/O tại nơi cấp khác với nơi đã đăng ký hồ sơ thương nhân trước đây do bất khả kháng hoặc có lý do chính đáng, người đề nghị cấp C/O phải gửi văn bản nêu rõ lý do không đề nghị cấp C/O tại nơi đã đăng ký hồ sơ thương nhân trước đó và phải đăng ký hồ sơ thương nhân tại Tổ chức cấp C/O mới đó.

Điều 6. Hồ sơ đề nghị cấp C/O

1. Hồ sơ đề nghị cấp C/O bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp C/O (Phụ lục 7) được kê khai hoàn chỉnh và hợp lệ như hướng dẫn tại Phụ lục 6;

b) Mẫu C/O (Phụ lục 5) đã được khai hoàn chỉnh;

c) Tờ khai hải quan đã hoàn thành thủ tục hải quan. Các trường hợp hàng xuất khẩu không phải khai báo Tờ khai hải quan theo quy định của pháp luật sẽ không phải nộp Tờ khai hải quan;

d) Hoá đơn thương mại;

đ) Vận tải đơn hoặc chứng từ vận tải tương đương trong trường hợp thương nhân không có vận tải đơn.

Trong trường hợp chưa có Tờ khai hải quan đã hoàn thành thủ tục hải quan và vận tải đơn (hoặc chứng từ tương đương vận tải đơn), người đề nghị cấp C/O có thể được nợ các chứng từ này nhưng không quá mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày được cấp C/O.

2. Nếu xét thấy cần thiết, Tổ chức cấp C/O có thể yêu cầu người đề nghị cấp C/O cung cấp thêm các chứng từ liên quan đến hàng hoá xuất khẩu như: Tờ khai hải quan nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu; giấy phép xuất khẩu (nếu có); hợp đồng mua bán; hóa đơn giá trị gia tăng mua bán nguyên liệu, phụ liệu trong nước; mẫu nguyên liệu, phụ liệu hoặc mẫu hàng hoá xuất khẩu; bản mô tả quy trình sản xuất ra hàng hoá với chi tiết mã HS của nguyên liệu đầu vào và chi tiết mã HS của hàng hoá (đối với tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa hoặc tiêu chí công đoạn gia công, chế biến cụ thể); bản tính toán hàm lượng giá trị khu vực (đối với tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực); và các chứng từ khác để chứng minh xuất xứ của hàng hoá xuất khẩu.

3. Trường hợp các loại giấy tờ quy định tại các điểm c, d, đ của khoản 1 và quy định tại khoản 2 là bản sao có chữ ký và đóng dấu xác nhận sao y bản chính của người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của thương nhân, bản chính có thể được Tổ chức cấp C/O yêu cầu cung cấp để đối chiếu nếu thấy cần thiết.

4. Đối với các thương nhân tham gia eCOSys, người được ủy quyền ký Đơn đề nghị cấp C/O sẽ kê khai các dữ liệu qua hệ thống eCOSys, ký điện tử và truyền tự động tới Tổ chức cấp C/O. Sau khi kiểm tra hồ sơ trên hệ thống eCOSys, nếu chấp thuận cấp C/O, Tổ chức cấp C/O sẽ thông báo qua hệ thống eCOSys cho thương nhân đến nộp hồ sơ đầy đủ bằng giấy cho Tổ chức cấp C/O để đối chiếu trước khi cấp C/O.

Điều 7. Tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp C/O

Khi người đề nghị cấp C/O nộp hồ sơ, cán bộ tiếp nhận có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ và thông báo bằng giấy biên nhận hoặc bằng hình thức văn bản khác cho người đề nghị cấp C/O về việc sẽ thực hiện một trong những hoạt động sau:

1. Cấp C/O theo quy định tại Điều 8;

2. Đề nghị bổ sung chứng từ theo quy định tại Điều 6;

3. Từ chối cấp C/O nếu phát hiện một trong những trường hợp sau:

a) Người đề nghị cấp C/O chưa thực hiện việc đăng ký hồ sơ thương nhân theo quy định tại Điều 5;

b) Hồ sơ đề nghị cấp C/O không chính xác, không đầy đủ như quy định tại Điều 6;

c) Người đề nghị cấp C/O chưa nộp chứng từ nợ theo quy định tại Điều 6;

d) Hồ sơ có mâu thuẫn về nội dung;

đ) Nộp hồ sơ đề nghị cấp C/O không đúng nơi đã đăng ký hồ sơ thương nhân;

e) Mẫu C/O khai bằng chữ viết tay, hoặc bị tẩy xóa, hoặc mờ không đọc được, hoặc được in bằng nhiều màu mực;

g) Có căn cứ hợp pháp chứng minh hàng hoá không có xuất xứ theo quy định của Thông tư này hoặc người đề nghị cấp C/O có hành vi gian dối, thiếu trung thực trong việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá.

Điều 8. Cấp C/O

1. C/O phải được cấp trong thời hạn không quá ba (03) ngày làm việc kể từ thời điểm người đề nghị cấp C/O nộp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, trừ trường hợp được quy định tại khoản 2 điều này.

2. Tổ chức cấp C/O có thể tiến hành kiểm tra tại nơi sản xuất trong trường hợp nhận thấy việc kiểm tra trên hồ sơ là chưa đủ căn cứ để cấp C/O hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật đối với các C/O đã cấp trước đó. Cán bộ kiểm tra của Tổ chức cấp C/O sẽ lập biên bản về kết quả kiểm tra này và yêu cầu người đề nghị cấp C/O và/hoặc người xuất khẩu cùng ký vào biên bản. Trong trường hợp người đề nghị cấp C/O và/hoặc người xuất khẩu từ chối ký, cán bộ kiểm tra phải ghi rõ lý do từ chối đó và ký xác nhận vào biên bản.

Thời hạn xử lý việc cấp C/O đối với trường hợp này không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày người đề nghị cấp nộp hồ sơ đầy đủ.

3. Trong quá trình xem xét cấp C/O, nếu phát hiện hàng hoá không đáp ứng xuất xứ hoặc bộ hồ sơ bị thiếu, không hợp lệ, Tổ chức cấp C/O thông báo cho người đề nghị cấp C/O theo khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 7.

4. Thời hạn xác minh không được làm cản trở việc giao hàng hoặc thanh toán của người xuất khẩu, trừ trường hợp do lỗi của người xuất khẩu.

Điều 9. Thu hồi C/O đã cấp

Tổ chức cấp C/O sẽ thu hồi C/O đã cấp trong những trường hợp sau:

1. Người xuất khẩu, người đề nghị cấp C/O giả mạo chứng từ.

2. C/O được cấp không phù hợp các tiêu chuẩn xuất xứ.

Chương III

TỔ CHỨC QUẢN LÝ VIỆC CẤP C/O

Điều 10. Thẩm quyền ký C/O

Chỉ những người đã hoàn thành thủ tục đăng ký mẫu chữ ký với Bộ Công Thương và Bộ Công Thương đã gửi cho Bộ Công Thương Lào mới được quyền ký cấp C/O.

Điều 11. Cơ quan đầu mối

Vụ Xuất Nhập khẩu là cơ quan đầu mối trực thuộc Bộ Công Thương thực hiện những công việc sau:

1. Hướng dẫn thực hiện và kiểm tra việc cấp C/O;

2. Thực hiện các thủ tục đăng ký mẫu chữ ký của người có thẩm quyền ký cấp C/O và mẫu con dấu của các Tổ chức cấp C/O của Việt Nam với Bộ Công Thương Lào và chuyển mẫu chữ ký của người có thẩm quyền ký cấp C/O và mẫu con dấu của các Tổ chức cấp C/O của Lào cho Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan);

3. Giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương giải quyết những vấn đề có liên quan đến việc thực hiện C/O.

Điều 12. Chế độ báo cáo

1. Tổ chức cấp C/O phải thực hiện chế độ cập nhật số liệu cấp C/O qua hệ thống eCOSys hàng ngày với đầy đủ các thông tin cần phải khai báo theo quy định tại đơn đề nghị cấp C/O.

2. Tổ chức cấp C/O vi phạm các quy định về chế độ báo cáo nêu tại khoản 1 đến lần thứ ba sẽ bị đình chỉ cấp C/O và công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương. Sau thời gian ít nhất là 6 tháng, Bộ Công Thương sẽ xem xét việc ủy quyền lại cho Tổ chức cấp C/O đã bị đình chỉ cấp C/O trên cơ sở đề nghị và giải trình của Tổ chức này.

Điều 13. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 03 năm 2010.

2. Bãi bỏ Quyết định số 0865/2004/QĐ-BTM ngày 29 tháng 6 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc ban hành Quy chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu S của Việt Nam cho hàng hóa để hưởng các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định về Hợp tác Kinh tế, Văn hóa, Khoa học Kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào; Quyết định số 244/2005/QĐ-BTM ngày 17 tháng 02 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc sửa đổi Quy chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu S của Việt Nam cho hàng hóa để hưởng các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định về Hợp tác Kinh tế, Văn hóa, Khoa học Kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào ban hành kèm theo Quyết định số 0865/2004/QĐ-BTM ngày 29 tháng 6 năm 2004; Quyết định số 06/2007/QĐ-BTM ngày 06 tháng 02 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc sửa đổi bổ sung Quy chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu S của Việt Nam cho hàng hóa để hưởng các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định về Hợp tác Kinh tế, Văn hóa, Khoa học Kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào ban hành kèm theo Quyết định số 0865/2004/QĐ-BTM ngày 29 tháng 6 năm 2004./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh , TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng TW và Ban Kinh tế TW;
- Viện KSND tối cao;
- Toà án ND tối cao;
- Cơ quan TW của các Đoàn thể;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra Văn bản);
- Công báo;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Công Thương;
- Các Sở Công Thương;
- Bộ Công Thương: Bộ trưởng; các Thứ trưởng; Vụ Pháp chế; các Vụ, Cục; các Phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực (19); BQL các KKT cửa khẩu QT Bờ Y; BQL KKT TM đặc biệt Lao Bảo; các đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, XNK.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thành Biên

PHỤ LỤC 1

QUY TẮC XUẤT XỨ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2010/TT-BCT của Bộ Công thương ngày 25 tháng 01 năm 2010 thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Bản Thoả thuận giữa Bộ Công Thương nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Công Thương nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào về Quy tắc xuất xứ áp dụng cho các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu Việt Nam - Lào)

Điều 1. Các định nghĩa

Trong phụ lục này, các thuật ngữ được hiểu như sau:

1. "Nuôi trồng thuỷ hải sản" nghĩa là việc nuôi trồng các sinh vật sống dưới nước bao gồm cá, động vật thân mềm, loài giáp xác, động vật không xương sống dưới nước khác và cây trồng dưới nước, từ các loại giống như trứng, cá hồi hai năm, cá hồi nhỏ và ấu trùng, bằng cách can thiệp vào các quá trình nuôi trồng và tăng trưởng nhằm thúc đẩy sản xuất như khoanh vùng, cho ăn, hoặc bảo vệ khỏi các động vật ăn thịt.

2. "CIF" nghĩa là giá trị hàng hóa nhập khẩu đã bao gồm cả cước vận tải và phí bảo hiểm tính đến cảng hoặc cửa khẩu của nước nhập khẩu. Trị giá này sẽ được tính theo Điều VII của GATT 1994 và Hiệp định về việc thực thi Điều VII của GATT 1994 như đã quy định trong Phụ lục 1A của Hiệp định.

3. "FOB" nghĩa là giá trị hàng hóa đã giao qua mạn tàu, bao gồm phí vận tải đến cảng hoặc địa điểm cuối cùng trước khi tàu chở hàng rời bến. Trị giá này sẽ được tính theo Điều VII của GATT 1994 và Hiệp định về việc thực thi Điều VII của GATT 1994 như đã quy định trong Phụ lục 1A của Hiệp định WTO.

4. "Các nguyên tắc kế toán được chấp nhận rộng rãi" là những nguyên tắc đã được nhất trí thừa nhận hoặc áp dụng tại một Nước thành viên về việc ghi chép các khoản doanh thu, chi phí, phụ phí, tài sản và các khoản phải trả; truy xuất thông tin; và việc lập các báo cáo tài chính. Những nguyên tắc này có thể bao gồm các hướng dẫn chung cũng như các tiêu chuẩn, thông lệ và thủ tục thực hiện cụ thể.

5. "Hàng hóa" bao gồm nguyên vật liệu và/hoặc sản phẩm, có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một Nước thành viên, kể cả những sản phẩm có thể sẽ được sử dụng làm nguyên vật liệu cho một quá trình sản xuất khác sau này. Trong phạm vi phụ lục này, thuật ngữ "hàng hóa" và "sản phẩm" có thể sử dụng thay thế cho nhau.

6. "Nguyên vật liệu giống nhau và có thể dùng thay thế lẫn nhau" nghĩa là những nguyên vật liệu cùng loại có chất lượng như nhau, có cùng đặc tính vật lý và mỹ thuật, và một khi các nguyên vật liệu này được kết hợp lại để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh thì không thể chỉ ra sự khác biệt về xuất xứ vì bất kỳ sự ghi nhãn nào.

7. "Nguyên vật liệu" bao gồm các chất được sử dụng hoặc tiêu tốn trong quá trình sản xuất hàng hoá hoặc kết hợp tự nhiên thành một loại hàng hoá khác hoặc tham gia vào một quy trình sản xuất ra hàng hoá khác.

8. "Hàng hóa có xuất xứ hoặc nguyên liệu có xuất xứ" là hàng hoá hoặc nguyên liệu đáp ứng các tiêu chí xuất xứ quy định tại phụ lục này.

9. "Vật liệu đóng gói và bao gói để vận chuyển" là vật liệu được sử dụng để bảo vệ hàng hoá trong quá trình vận chuyển hàng hoá đó mà không phải là vật liệu đóng gói và bao gói chứa đựng hàng hóa dùng để bán lẻ.

10. "Sản xuất” là các phương thức để thu được hàng hoá bao gồm trồng trọt khai thác, thu hoạch, chăn nuôi, gây giống, chiết xuất, thu lượm, thu nhặt săn bắt, đánh bắt, đánh bẫy, săn bắn, chế tạo, sản xuất, gia công hay lắp ráp; và

11. "Quy tắc cụ thể mặt hàng" là quy tắc yêu cầu nguyên liệu phải trải qua quá trình thay đổi mã số hàng hoá hoặc trải qua công đoạn gia công, chế biến của hàng hoá, hoặc phải đáp ứng tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực hoặc kết hợp giữa các tiêu chí nêu trên.

Điều 2. Tiêu chí xuất xứ

Hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ của một Nước thành viên từ một Nước thành viên khác được coi là có xuất xứ và đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan nếu hàng hóa đó đáp ứng một trong các quy định về xuất xứ dưới đây:

1. Có xuất xứ thuần tay hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của Nước thành viên xuất khẩu như được quy định tại Điều 3; hoặc

2. Không có xuất xứ thuần tuý hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của Nước thành viên xuất khẩu, nhưng đáp ứng các quy định tại Điều 4 hoặc Điều 6.

Điều 3. Hàng hóa có xuất xứ thuần túy

Hàng hoá quy định tại khoản 1, Điều 2 được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được coi là sản xuất toàn bộ tại Nước thành viên xuất khẩu trong các trường hợp sau:

1. Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng bao gồm quả, hoa, rau, cây, tảo biển, nấm và các loại cây trồng khác được trồng và thu hoạch, hái hoặc thu lượm tại đó.

2. Động vật sống bao gồm động vật có vú, chim, cá, loài giáp xác, động vật thân mềm, loài bò sát, vi khuẩn và virút, được sinh ra và nuôi dưỡng tại Nước thành viên xuất khẩu.

3. Các hàng hoá chế biến từ động vật sống tại Nước thành viên xuất khẩu.

4. Hàng hoá thu được từ săn bắn, đánh bẫy, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản, thu lượm hoặc săn bắt tại Nước thành viên xuất khẩu.

5. Khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên khác chưa được liệt kê từ khoản 1 đến khoản 4, được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, biển, đáy biển hoặc dưới đáy biển của Nước thành viên đó.

6. Sản phẩm đánh bắt bằng tàu được đăng ký tại một Nước thành viên và có treo cờ của Nước thành viên đó, và các sản phẩm khác1 được khai thác từ vùng lãnh hải2, đáy biển hoặc dưới đáy biển ngoài vùng lãnh hải của Nước thành viên đó, với điều kiện là Nước thành viên đó có quyền khai thác biển, đáy biển và dưới đáy biển đó theo luật quốc tế3.

7. Sản phẩm đánh bắt và các sản phẩm từ biển khác đánh bắt từ vùng biển bằng tàu được đăng ký tại một Nước thành viên và treo cờ của Nước thành viên đó.

8. Sản phẩm được chế biến và/hoặc được sản xuất ngay trên tàu được đăng ký tại một Nước thành viên và treo cờ của Nước thành viên đó, trừ các sản phẩm được quy định tại khoản 7 của điều này.

9. Các vật phẩm thu nhặt tại nước đó nhưng không còn thực hiện được những chức năng ban đầu hoặc cũng không thể sửa chữa hay khôi phục được và chỉ có thể vứt bỏ hoặc dùng làm các nguyên vật liệu, hoặc sử dụng vào mục đích tái chế.

10. Phế thải và phế liệu có nguồn gốc từ:

a) Quá trình sản xuất tại Nước thành viên xuất khẩu; hoặc

b) Hàng hoá đã qua sử dụng được thu nhặt tại Nước thành viên xuất khẩu, với điều kiện hàng hoá đó chỉ phù hợp làm nguyên vật liệu thô; và

11. Hàng hoá thu được hoặc được sản xuất tại một Nước thành viên xuất khẩu từ các sản phẩm được quy định từ khoản 1 đến khoản 10 của điều này.

Điều 4. Hàng hóa có xuất xứ không thuần tuý

1. Tiêu chí xuất xứ chung

a) Hàng hoá quy định tại khoản 2, Điều 2 được coi là có xuất xứ tại Nước thành viên nơi diễn ra việc sản xuất hoặc chế biến hàng hoá đó nếu:

- Hàng hoá có hàm lượng giá trị khu vực (dưới đây được gọi là "Hàm lượng giá trị Việt Nam - Lào" hoặc "hàm lượng giá trị khu vực (LVC)") không dưới bốn mươi phần trăm (40%), tính theo công thức quy định tại Điều 5; hoặc

- Tất cả nguyên liệu không có xuất xứ sử dựng để sản xuất ra hàng hoá đó trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hoá (dưới đây được gọi là "CTC") ở cấp bốn (4) số (có nghĩa là thay đổi nhóm) của Hệ thống Hài hoà.

b) Mỗi Nước thành viên cho phép người xuất khẩu hàng hoá được quyết định sử dụng một trong hai tiêu chí "LVC không dưới bốn mươi phần trăm (40%)" hoặc "chuyển đổi mã số hàng hoá ở cấp bốn (04) số" nêu tại điểm a của khoản 1 để xác định xuất xứ hàng hoá.

2. Quy tắc cụ thể mặt hàng

a) Không xét đến khoản 1 của điều này, hàng hoá được coi là hàng hoá có xuất xứ nếu đáp ứng quy tắc cụ thể mặt hàng sẽ được đàm phán sau này.

b) Quy tắc cụ thể mặt hàng cho phép lựa chọn giữa các tiêu chí LVC, CTC, công đoạn gia công, chế biến cụ thể (sau đây gọi tắt là SP), hoặc kết hợp giữa các tiêu chí nêu trên, mỗi Nước thành viên cho phép người xuất khẩu hàng hoá quyết định việc sử dụng tiêu chí tương ứng để xác định xuất xứ hàng hoá.

c) Tiêu chí CTC, SP chỉ áp dụng đối với nguyên vật liệu không có xuất xứ.

d) Hàng hoá thuộc Phụ lục 3 sẽ được lựa chọn áp dụng tiêu chí xuất xứ chung quy định tại khoản 1 điều này hoặc tiêu chí xuất xứ tương ứng quy định tại Phụ lục 3.

Điều 5. Công thức tính hàm lượng giá trị khu vực (LVC)

1. Để xác định xuất xứ quy định tại Điều 4, công thức tính LVC được quy định như sau:

LVC =

Trị giá FOB

-

Giá trị của nguyên vật liệu, phụ tùng hoặc hàng hoá không có xuất xứ

x 100%

Trị giá FOB

2. Để tính toán LVC nêu tại khoản 1 của điều này;

a) Giá trị của nguyên vật liệu, phụ tùng hoặc hàng hoá không có xuất xứ là:

- Giá CIF tại thời điểm nhập khẩu hàng hoá hoặc việc nhập khẩu có thể được chứng minh; hoặc

- Giá xác định ban đầu của các hàng hoá không xác định được xuất xứ tại lãnh thổ của Nước thành viên nơi diễn ra việc sản xuất hoặc chế biến;

b) Trị giá FOB là trị giá hàng hóa đã được định nghĩa tại Điều 1. Trị giá FOB được xác định bằng cách cộng giá trị của các nguyên vật liệu, chi phí sản xuất lợi nhuận và các chi phí khác.

3. Nguyên vật liệu mua trong nước được sản xuất bởi các doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước đó sẽ được coi là đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ quy định tại phụ lục này.

Điều 6. Cộng gộp

1. Trừ khi có những quy định khác tại Phụ lục này, hàng hoá có xuất xứ của một Nước thành viên, được sử dụng làm nguyên liệu tại lãnh thổ của Nước thành viên kia để sản xuất ra một hàng hoá đủ điều kiện được hưởng ưu đãi thuế quan sẽ được coi là có xuất xứ của Nước thành viên nơi việc sản xuất hoặc chế biến hàng hoá đó diễn ra.

2. Nếu LVC của nguyên vật liệu nhỏ hơn bốn mươi phần trăm (40%), hàm lượng này sẽ được cộng gộp (sử dụng tiêu chí LVC) theo đúng tỉ lệ thực tế vào hàm lượng nội địa với điều kiện LVC đó bằng hoặc lớn hơn hai mươi phần trăm (20%). Các hướng dẫn thực hiện được quy định tại Phụ lục 2.

Điều 7. Những công đoạn gia công, chế biến đơn giản

1. Những công đoạn gia công chế biến dưới đây, khi được thực hiện riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau, được xem là giản đơn và không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hoá tại một Nước thành viên:

a) Bảo đảm việc bảo quản hàng hoá trong tình trạng tốt khi vận chuyển hoặc lưu kho;

b) Hỗ trợ cho việc gửi hàng hoặc vận chuyển; và

c) Đóng gói hoặc trưng bày hàng hóa để bán.

2. Hàng hóa có xuất xứ của một Nước thành viên vẫn giữ nguyên xuất xứ ban đầu cho dù nó được xuất khẩu từ một Nước thành viên khác, nơi diễn ra các công đoạn gia công, chế biến đơn giản quy định tại khoản 1 của điều này.

Điều 8. Vận chuyển trực tiếp

1. Hàng hoá sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan nếu đáp ứng đầy đủ những quy định của phụ lục này và phải được vận chuyển trực tiếp từ lãnh thổ của Nước thành viên xuất khẩu tới lãnh thổ của Nước thành viên nhập khẩu.

2. Các phương thức sau được coi là vận chuyển trực tiếp:

a) Hàng hoá được vận chuyển từ Nước thành viên xuất khẩu tới Nước thành viên nhập khẩu; hoặc

b) Hàng hoá được vận chuyển qua một nước không phải là Nước thành viên, với điều kiện:

- Quá cảnh là cần thiết vì lý do địa lí hoặc do các yêu cầu có liên quan trực tiếp đến vận tải;

- Hàng hoá không tham gia vào giao dịch thương mại hoặc tiêu thụ tại nước quá cảnh đó; và

- Hàng hoá không trải qua bất kỳ công đoạn nào khác ngoài việc dỡ hàng và tái xếp hàng hoặc những công đoạn cần thiết để giữ hàng hoá trong điều kiện tốt.

Điều 9. Tỉ lệ không đáng kể nguyên liệu không đáp ứng tiêu chí

1. Hàng hoá không đạt tiêu chí xuất xứ về chuyển đổi mã số hàng hóa vẫn được coi là có xuất xứ nếu phần giá trị của nguyên liệu không có xuất xứ sử dụng để sản xuất ra hàng hoá đó không trải qua sự chuyển đổi về mã số hàng hoá nhỏ hơn mười phần trăm (10%) giá trị FOB của hàng hoá, đồng thời hàng hoá phải đáp ứng các quy định khác trong phụ lục này.

2. Khi áp dụng tiêu chí LVC, giá trị của nguyên liệu không có xuất xứ nêu tại khoản 1 của điều này vẫn được tính vào giá trị nguyên vật liệu không có xuất xứ.

Điều 10. Quy định về bao bì và vật liệu đóng gói

1. Vật liệu đóng gói và bao bì để bán lẻ

a) Trường hợp áp dụng tiêu chí LVC, giá trị của vật liệu đóng gói và bao bì để bán lẻ được coi là một cấu thành của hàng hóa và được tính đến khi xác định xuất xứ của hàng hóa.

b) Trường hợp điểm a, khoản 1 của điều này không được áp dụng, vật liệu đóng gói và bao bì để bán lẻ, khi được phân loại cùng với hàng hoá đóng gói, sẽ được loại trừ khỏi các nguyên vật liệu không có xuất xứ được sử dụng trong việc sản xuất ra hàng hoá khi xác định xuất xứ theo tiêu chí CTC.

2. Bao gói và vật liệu đóng gói dùng để vận chuyển hàng hoá sẽ không được xem xét khi xác định xuất xứ của hàng hoá đó.

Điều 11. Phụ kiện, phụ tùng và dụng cụ

1. Nếu hàng hoá áp dụng tiêu chí CTC hoặc SP, xuất xứ của các phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ và các tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông tin khác đi kèm theo hàng hoá đó sẽ không được tính khi xác định xuất xứ hàng hoá, với điều kiện:

a) Các phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ và các tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông tin không thuộc một hoá đơn khác với hoá đơn của hàng hoá đó; và

b) Số lượng và trị giá của các phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ và các tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông tin phù hợp với hàng hoá đó.

2. Nếu hàng hoá áp dụng tiêu chí LVC, giá trị của các phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ và các tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông tin khác đi kèm theo hàng hoá đó sẽ được tính là giá trị của nguyên liệu có xuất xứ hoặc không có xuất xứ, tuỳ từng trường hợp.

Điều 12. Các yếu tố trung gian

Khi xác định xuất xứ hàng hóa, không phải xác định xuất xứ của những yếu tố dưới đây đã được sử dụng trong quá trình sản xuất và không còn nằm lại trong hàng hóa đó:

1. Nhiên liệu và năng lượng;

2. Dụng cụ, khuôn rập và khuôn đúc;

3. Phụ tùng và vật liệu đùng để bảo dưỡng thiết bị và nhà xưởng;

4. Dầu nhờn, chất bôi trơn, hợp chất và các nguyên liệu khác dùng trong sản xuất hoặc dùng để vận hành thiết bị và nhà xưởng;

5. Găng tay, kính, giày dép, quần áo, các thiết bị an toàn;

6. Các thiết bị, dụng cụ và máy móc dùng để thử nghiệm hoặc kiểm tra hàng hoá;

7. Chất xúc tác và dung môi;

8. Bất kỳ nguyên liệu nào khác không còn nằm lại trong hàng hoá nhưng việc sử dụng chúng phải chứng minh được là cần thiết trong quá trình sản xuất ra hàng hoá đó.

Điều 13. Nguyên vật liệu giống nhau và có thể thay thế nhau

1. Việc xác định các nguyên vật liệu giống nhau và có thể thay thế cho nhau có là nguyên vật liệu có xuất xứ hay không được thực hiện bằng cách chia tách thực tế từng nguyên liệu đó hoặc áp dụng các nguyên tắc kế toán về quản lý kho được áp dụng rộng rãi, hoặc các thông lệ quản lý kho tại Nước thành viên xuất khẩu.

2. Khi đã quyết định sử dụng một phương pháp kế toán về quản lý kho nào thì phương pháp này phải được sử dụng suốt trong năm tài chính đó.

Điều 14. Giấy chứng nhận luật xứ

Để được hưởng ưu đãi về thuế quan, hàng hoá phải có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) Mẫu S, như quy định tại Phụ lục 5, do tổ chức có thẩm quyền của Chính phủ được Nước thành viên xuất khẩu chỉ định cấp và thông báo tới Nước thành viên kia theo các quy định nêu tại Phụ lục 4./.

____________________________

1 Các sản phẩm khác có nghĩa là các khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên khác được khai thác từ vùng biển lãnh hải, đáy biển hoặc dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải.

2 Đối với các sản phẩm đánh bắt ngoài vùng lãnh hải (ví dụ vùng đặc quyền kinh tế), sản phẩm được coi là có xuất xứ của Nước thành viên nêu tàu khai thác sản phẩm đó được đăng ký tại Nước thành viên và treo cờ của Nước thành viên đó, và với điều kiện là Nước thành viên đó có quyền khai thác vùng đó theo luật quốc tế.

3 Theo luật quốc tế, việc đăng ký tàu chỉ có thể được tiến hành tại một Nước thành viên.

PHỤ LỤC 2

HƯỚNG DẪN VỀ CỘNG GỘP TỪNG PHẦN TRONG QUY TẮC XUẤT XỨ VIỆT NAM – LÀO
(Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2010/TT-BCT của Bộ Công thương ngày 25 tháng 01 năm 2010 thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Bản Thoả thuận giữa Bộ Công Thương nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Công Thương nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào về Quy tắc xuất xứ áp dụng cho các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu Việt Nam - Lào)

Để thực hiện khoản 2 Điều 6, Quy tắc xuất xứ Việt Nam - Lào (Phụ lục 1):

1. Hàng hoá được cộng gộp từng phần nếu ít nhất hai mươi phần trăm (20%) hàm lượng giá trị khu vực (LVC) của hàng hoá có nguồn gốc từ nước thành viên nơi diễn ra quá trình sản xuất hoặc gia công hàng hoá đó.

2. LVC của hàng hoá quy định tại khoản 1 của Phụ lục này sẽ được tính theo công thức quy định tại Điều 5 của Quy tắc xuất xứ Việt Nam - Lào.

3. Hàng hoá xuất khẩu áp dụng các quy đỉnh cộng gộp từng phần không được hưởng ưu đãi thuế quan Việt Nam - Lào của nước thành viên nhập khẩu.

4. Hàng hoá xuất khẩu áp dụng các quy định tại Bản Thỏa thuận này phải có C/O Mẫu S hợp lệ, có đánh dấu vào ô "Partial Cumulation".

5. Các quy định liên quan của Phụ lục 4, bao gồm cả Điều 17 và Điều 18, sẽ được áp dụng cho C/O Mẫu S được cấp nhằm mục đích cộng gộp từng phần./.

PHỤ LỤC 3

DANH MỤC VÀ ĐỊNH LƯỢNG HÀNG HÓA CÓ XUẤT XỨ LÀO ĐƯỢC TẠM THỜI ÁP DỤNG TIÊU CHÍ HÀM LƯỢNG GIÁ TRỊ KHU VỰC 30% (LVC(30)) ĐẾN HẾT NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 2010
(Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2010/TT-BCT của Bộ Công thương ngày 25 tháng 01 năm 2010 thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Bản Thoả thuận giữa Bộ Công Thương nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Công Thương nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào về Quy tắc xuất xứ áp dụng cho các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu Việt Nam - Lào)

STT

Mã số HS

Mô tả hàng hoá

Đơn vị tính

Định lượng

1

87.14.19.60

Cần số xe máy

USD

Tổng trị giá các mặt hàng có số thứ tự từ 1 đến 6 là 600.000 USD (tính theo giá giao tại xưởng)

2

87.14.19.60

Chân chống đứng

USD

3

87.14.19.60

Chân chống nghiêng

USD

4

87.14.19.60

Trục để chân giữa

USD

5

87.14.19.60

ống sắt pedal để chân người ngồi sau

USD

6

87.14.19.60

Cần đạp chân phanh

USD

7

6301.90.10

Chăn

Cái

130.000

8

8414.51

Quạt điện các loại

Cái

150.000

9

8509.40.00

Máy xay sinh tố

Cái

80.000

10

8516.10.10

Phích đun nước nóng dùng điện

Cái

20.000

11

85 16.31.00

Máy sấy tóc

Cái

40.000

12

8516.40

Bàn là điện

Cái

40.000

13

8516.60.10

Nồi cơm điện

Cái

400.000

14

8516.60.20

Lò nướng

Cái

40.000

15

8516.60.90

Nồi lẩu điện

Cái

50.000

16

8516.79.10

ấm điện

Cái

40.000

17

8535.90.90

Vợt bắt muỗi

Cái

10.000

PHỤ LỤC 4

THỦ TỤC CẤP VÀ KIỂM TRA XUẤT XỨ ĐỐI VỚI QUY TẮC XUẤT XỨ VIỆT NAM - LÀO
(Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2010/TT-BCT của Bộ Công thương ngày 25 tháng 01 năm 2010 thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Bản Thoả thuận giữa Bộ Công Thương nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ công thương nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào về Quy tắc xuất xứ áp dụng cho các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu Việt Nam - Lào)

Để thực hiện Quy tắc xuất xứ quy định tại Phụ lục 1, những thủ tục sau về việc cấp và kiểm tra Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá Mẫu S và những vấn đề hành chính có liên quan phải được tuân thủ.

Điều 1. Các định nghĩa

1. "Cơ quan Hải quan" là tổ chức có thẩm quyền chịu trách nhiệm của nước thành viên ban hành luật và các quy định hải quan;

2. "Người xuất khẩu" là cá nhân hoặc pháp nhân thường trú hoặc có trụ sở tại lãnh thổ của một Nước thành viên, nơi hàng hóa được xuất khẩu bởi chính người đó;

3. "Người nhập khẩu" là cá nhân hoặc pháp nhân thường trú hoặc có trụ sở tại lãnh thổ của một Nước thành viên, nơi hàng hóa được nhập khẩu bởi chính người đó;

4. "Tổ chức cấp C/O" là cơ quan có thẩm quyền của chính phủ của nước thành viên xuất khẩu được uỷ quyền cấp C/O Mẫu S và các thông tin của tổ chức này được thông báo tới Nước thành viên khác theo quy định của phụ lục này; và

5. "Nhà sản xuất" là cá nhân hoặc pháp nhân thực hiện việc sản xuất tại lãnh thổ của một Nước thành viên.

Điều 2. Mẫu chữ ký và con dấu chính thức của các Tổ chức cấp C/O

1. Mỗi Nước thành viên có trách nhiệm gửi danh sách tên, địa chỉ, mẫu chữ ký và mẫu con dấu của tổ chức cấp C/O dưới dạng bản giấy và bản dữ liệu điện tử cho Nước thành viên khác dưới dạng dữ liệu điện tử. Bất cứ thay đổi nào trong danh sách nêu trên sẽ phải được thông báo ngay theo thủ tục tương tự như trên.

2. Mẫu chữ ký và mẫu con dấu của các tổ chức cấp C/O sẽ được cập nhật hai năm một lần. Bất kỳ C/O mẫu S nào được cấp mà người ký không có tên trong danh sách nêu tại khoản 1 sẽ không được Nước thành viên nhập khẩu chấp nhận.

Điều 3. Tài liệu chứng minh

Để xác định xuất xứ, tổ chức cấp C/O có quyền yêu cầu xuất trình thêm tài liệu, chứng từ chứng minh hoặc tiến hành kiểm tra nếu xét thấy cần thiết theo các quy định của Nước thành viên.

Điều 4. Kiểm tra trước khi xuất khẩu

1. Nhà sản xuất, Người xuất khẩu hàng hóa hoặc Người được uỷ quyền nộp đơn cho tổ chức cấp C/O phải yêu cầu tổ chức cấp C/O kiểm tra xuất xứ hàng hóa trước khi xuất khẩu theo quy định của Nước thành viên. Kết quả kiểm tra, được xem xét định kỳ hoặc khi thấy cần thiết, được coi là tài liệu để xác định xuất xứ của hàng hóa sẽ xuất khẩu sau này. Việc kiểm tra này có thể không cần áp dụng đối với hàng hóa, do bản chất của chúng, xuất xứ có thể dễ dàng xác định được.

2. Đối với nguyên vật liệu mua trong nước, việc tự khai báo của nhà sản xuất cuối cùng được coi là chứng từ hợp lệ khi nộp đơn đề nghị cấp C/O mẫu S .

Điều 5. Nộp đơn đề nghị cấp C/O

Khi làm thủ tục xuất khẩu hàng hoá để hưởng ưu đãi, Người xuất khẩu hoặc người được uỷ quyền sẽ nộp đơn đề nghị được cấp C/O kèm theo chứng từ cần thiết chứng minh rằng hàng hóa xuất khẩu đáp ứng điều kiện để được cấp C/O mẫu S.

Điều 6. Kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp C/O

Tổ chức cấp C/O tiến hành kiểm tra từng trường hợp xin cấp C/O mẫu S theo quy định của pháp luật nước mình để bảo đảm rằng:

1. Đơn đề nghị cấp C/O mẫu S và C/O được khai đầy đủ và được ký bởi người có thẩm quyền;

2. Xuất xứ của hàng hóa tuân thủ đúng các quy định của Phụ lục 1;

3. Các nội dung khác khai trên C/O Mẫu S phù hợp với chứng từ được nộp;

4. Mô tả hàng hoá, số lượng và trọng lượng hàng hóa, ký hiệu và số hiệu kiện hàng, số lượng và loại bao bì kê khai phù hợp với hàng hóa được xuất khẩu;

5. Nhiều mặt hàng có thể được khai trên cùng một C/O, với điều kiện từng mặt hàng phải đáp ứng các quy định về xuất xứ đối với từng mặt hàng đó.

Điều 7. C/O Mẫu S

1. C/O phải làm trên giấy màu trắng, khổ A4, phù hợp với mẫu quy định tại Phụ lục 5. C/O phải được làm bằng tiếng Anh.

2. Một bộ C/O bao gồm một bản gốc và hai bản sao các-bon.

3 . Mỗi C/O mang một số tham chiếu riêng của tổ chức cấp C/O.

4. Mỗi C/O mang chữ ký bằng tay và con dấu của tổ chức cấp C/O.

5. Bản C/O gốc do Người xuất khẩu gửi cho Người nhập khẩu để nộp cho cơ quan Hải quan Nước thành viên nhập khẩu tại cảng hoặc nơi nhập khẩu Bản thứ hai do Tổ chức cấp C/O của Nước thành viên xuất khẩu lưu. Bản thứ ba do Người xuất khẩu lưu.

Điều 8. Ghi tiêu chí xuất xứ

Để thực hiện Điều 2, Phụ lục 1, C/O do Nước thành viên xuất khẩu cuối cùng cấp phải ghi rõ tiêu chí xuất xứ vào ô số 8.

Điều 9. Xử lý những sai sót trên C/O

Không được phép tẩy xóa hoặc viết thêm lên C/O. Mọi sự sửa đổi phải được làm dưới các hình thức sau:

1. Gạch bỏ chỗ có lỗi và bổ sung các thông tin cần thiết. Tất cả những thay đổi này phải được chấp thuận bởi người có thẩm quyền ký C/O và được tổ chức cấp C/O chứng nhận. Các phần còn trống sẽ được gạch chéo để tránh điền thêm; hoặc

2. Cấp C/O mới để thay thế cho C/O có lỗi.

Điều 10. Cấp C/O

1. C/O được cấp vào thời điểm xuất khẩu hoặc một thời gian ngắn sau đó nếu, theo các quy tắc xuất xứ quy định tại Phụ lục 1, hàng hóa xuất khẩu được xác định là có xuất xứ từ lãnh thổ của Nước thành viên xuất khẩu.

2. Trong trường hợp ngoại lệ khi C/O không được cấp vào thời điểm xuất khẩu hoặc sau ba (03) ngày tính từ ngày xuất khẩu do sai sót, sự bỏ quên không cố ý hoặc có lý do chính đáng, C/O có thể được cấp sau nhưng không quá một (01) năm kể từ ngày hàng được chất lên tàu và phải đánh dấu vào ô "Issued Retroactively".

Điều 11. Mất C/O

Trong trường hợp C/O Mẫu S bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng, Người xuất khẩu có thể nộp đơn gửi tổ chức cấp C/O để đề nghị cấp C/O bản sao chứng thực của bản gốc. Tổ chức cấp C/O cấp bản sao trên cơ sở chứng từ xuất khẩu được lưu tại Tổ chức cấp C/O và ghi dòng chữ "CERTIFIED TRUE COPY" vào ô số 12 của C/O. Bản sao này mang ngày cấp của bản C/O Mẫu S gốc. Bản sao chứng thực này chỉ được cấp trong khoảng thời gian không quá một năm kể từ ngày cấp C/O Mẫu S gốc.

Điều 12. Nộp C/O

1. Để được hưởng ưu đãi thuế quan, tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu Người nhập khẩu phải nộp cho cơ quan Hải quan nước nhập khẩu C/O Mẫu S, kèm các chứng từ chứng minh (như hóa đơn thương mại, và vận tải đơn chở suốt được cấp trên lãnh thổ của Nước thành viên xuất khẩu khi được yêu cầu) và các tài liệu khác theo quy định của pháp luật Nước thành viên nhập khẩu.

2. Trong trường hợp C/O Mẫu S bị cơ quan Hải quan Nước thành viên nhập khẩu từ chối, C/O Mẫu S đó sẽ được đánh dấu vào ô số 4 và gửi lại cho Tổ chức cấp C/O Mẫu S trong một khoảng thời gian hợp lý nhưng không quá sáu mươi (60) ngày. Cơ quan Hải quan Nước thành viên nhập khẩu cũng cần phải thông báo cho Tổ chức cấp C/O lý do đã từ chối không cho hưởng ưu đãi.

3. Trong trường hợp C/O Mẫu S bị từ chối như nêu tại khoản 2, cơ quan Hải quan Nước thành viên nhập khẩu có thể chấp nhận và xem xét các giải trình của Tổ chức cấp C/O và đánh giá lại liệu C/O Mẫu S đó có được chấp nhận cho hưởng thuế suất ưu đãi hay không. Các giải trình của Tổ chức cấp C/O phải chi tiết và lý giải được những vấn đề mà Nước thành viên nhập khẩu đã đưa ra để từ chối cho hưởng ưu đãi.

Điều 13. Thời hạn hiệu lực của C/O Mẫu S

Thời hạn nộp C/O Mẫu S được quy định như sau:

1. Cho Mẫu S có hiệu lực trong trong vòng mười hai (12) tháng kể từ ngày cấp, và phải được nộp cho cơ quan Hải quan Nước thành viên nhập khẩu trong thời hạn đó.

2. Trường hợp C/O Mẫu S nộp cho cơ quan Hải quan của nước nhập khẩu sau thời hạn quy định tại khoản 1 của điều này, C/O Mẫu S vẫn được chấp nhận nếu việc không tuân thủ thời hạn nêu trên là do bất khả kháng hoặc do những nguyên nhân chính đáng khác nằm ngoài kiểm soát của Người xuất khẩu; và

3. Trong mọi trường hợp, cơ quan Hải quan của Nước thành viên nhập khẩu có thể chấp nhận C/O Mẫu S nói trên với điều kiện hàng hóa được nhập khẩu trước khi hết thời hạn hiệu lực của C/O Mẫu S đó.

Điều 14. Miễn nộp C/O

Hàng hóa có xuất xứ từ Nước thành viên xuất khẩu có trị giá FOB không quá hai trăm (200) đô la Mỹ được miễn nộp C/O Mẫu S và chỉ cần bản khai báo đơn giản của Người xuất khẩu rằng hàng hoá đó có xuất xứ của Nước thành viên xuất khẩu. Hàng hóa gửi qua đường bưu điện có trị giá FOB không quá 200 đô la Mỹ giá FOB cũng được áp dụng quy định này.

Điều 15. Xử lý các khác biệt nhỏ

1. Trường hợp không có nghi ngờ xuất xứ của hàng hoá, việc phát hiện những khác biệt nhỏ, như lỗi in trong các khai báo trên C/O và các thông tin trong các chứng từ nộp cho cơ quan Hải quan nước nhập khẩu để làm thủ tục nhập khẩu sẽ không làm mất hiệu lực của C/O Mẫu S, nếu những khác biệt này vẫn phù hợp với hàng hóa nhập khẩu trên thực tế.

2. Trong trường hợp có sự khác biệt về phân loại mã số HS đối với hàng hoá hưởng ưu đãi thuế quan giữa Nước thành viên xuất khẩu và Nước thành viên nhập khẩu, hàng hoá nhập khẩu được thông quan sẽ phải chịu mức thuế suất MFN hoặc mức thuế suất cao hơn, tuỳ thuộc vào Quy tắc xuất xứ hiện hành và người nhập khẩu không bị phạt hoặc không phải chịu thêm một khoản phí nào khác theo quy định của pháp luật Nước thành viên nhập khẩu.

Sau khi làm rõ sự khác biệt về phân loại mã số HS, mức thuế ưu đãi đúng sẽ được áp dụng và phần thuế đóng vượt quá mức phải trả sẽ được hoàn lại theo quy định của pháp luật Nước thành viên nhập khẩu ngay khi các ván đề này được giải quyết.

3. Trong trường hợp một C/O Mẫu S có nhiều mặt hàng, việc có vướng mắc đối với một mặt hàng sẽ không ảnh hưởng hoặc trì hoãn việc áp dụng thuế suất ưu đãi và thông quan hàng hóa đối với những mặt hàng còn lại trên C/O Mẫu S. Khoản 3, Điều 17 có thể được áp dụng đối với các mặt hàng có vướng mắc về xuất xứ.

Điều 16. Lưu trữ hồ sơ

1. Để phục vụ việc kiểm tra xuất xứ hàng hóa theo Điều 17 và Điều 18, Người sản xuất và/ hoặc Người xuất khẩu khi đề nghị cấp C/O Mẫu S phải lưu trữ chứng từ đề nghị cấp C/O trong thời gian ba (03) năm kể từ ngày được cấp C/O Mẫu S theo quy định của pháp luật nước thành viên xuất khẩu.

2. Tổ chức cấp C/O lưu trữ hồ sơ đề nghị cấp C/O Mẫu S và các chứng từ liên quan tới việc cấp đó trong thời hạn ba (03) năm kể từ ngày cấp.

3. Thông tin liên quan đến hiệu lực của C/O Mẫu S sẽ được người có thẩm quyền ký C/O, với chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ, cung cấp theo yêu cầu của Nước thành viên nhập khẩu.

4. Thông tin trao đổi giữa các Nước thành viên liên quan phải được giữ bí mật và chỉ được sử dụng để cho việc xác nhận tính hợp lệ của C/O Mẫu S.

Điều 17. Kiểm tra sau

Nước thành viên nhập khẩu có thể yêu cầu tổ chức cấp C/O Mẫu S của Nước thành viên xuất khẩu kiểm tra ngẫu nhiên và/hoặc khi có lý do nghi ngờ tính xác thực của các chứng từ hoặc tính chính xác của các thông tin liên quan đến xuất xứ thực sự của sản phẩm đang bị nghi ngờ hoặc các bộ phận của sản phẩm đó. Khi nhận được yêu cầu của Nước thành viên nhập khẩu, Tổ chức cấp C/O của Nước thành viên xuất khẩu sẽ tiến hành kiểm tra bản kê chi phí của người sản xuất/người xuất khẩu, dựa trên chi phí và giá cả trong khoảng thời gian sáu (06) tháng kể từ ngày xuất khẩu trở về trước với các điều kiện như sau:

1. Yêu cầu kiểm tra phải được gửi kèm với C/O Mẫu S liên quan và nêu rõ lý do cũng như bất cứ thông tin bổ sung nào cho thấy rằng các chi tiết ghi trên C/O Mẫu S có thể không chính xác, trừ trường hợp kiểm tra ngẫu nhiên;

2. Khi nhận được yêu cầu kiểm tra, Tổ chức cấp C/O phải phản hồi ngay việc đã nhận được yêu cầu và có ý kiến trả lời trong vòng chín mươi (90) ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu;

3. Cơ quan Hải quan của Nước thành viên nhập khẩu có thể trì hoãn việc cho hưởng ưu đãi trong khi chờ kết quả kiểm tra. Tuy nhiên, cơ quan Hải quan có thể cho phép người nhập khẩu được thông quan hàng hóa cùng với việc áp dụng các biện pháp hành chính cần thiết với điều kiện các hàng hoá này không thuộc diện cấm hoặc hạn chế nhập khẩu và không có nghi ngờ về gian lận;

4. Tổ chức cấp C/O sẽ gửi ngay kết quả quá trình kiểm tra cho Nước thành viên nhập khẩu để làm cơ sở xem xét quyết định lô hàng có đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ hay không. Toàn bộ quá trình kiểm tra, bao gồm cả quá trình nước nhập khẩu thông báo cho Tổ chức cấp C/O của nước xuất khẩu quyết định về việc liệu lô hàng có đạt tiêu chuẩn xuất xứ hay không phải được hoàn thành trong vòng một trăm tám mươi (180) ngày. Trong khi chờ kết quả kiểm tra, khoản 3 của điều này được áp dụng.

Điều 18. Kiểm tra trực tiếp

Trong trường hợp không thỏa mãn với kết quả kiểm tra nêu tại Điều 17, trong một số trường hợp nhất định, Nước thành viên nhập khẩu có thể đề nghị đi kiểm tra trực tiếp tại Nước thành viên xuất khẩu.

1. Trước khi tiến hành đi kiểm tra trực tiếp tại Nước thành viên xuất khẩu, Nước thành viên nhập khẩu phải:

a) Gửi thông báo bằng văn bản về dự định đi kiểm tra trực tiếp tại Nước thành viên xuất khẩu tới:

- Người xuất khẩu hoặc Người sản xuất có nhà xưởng sẽ bị kiểm tra trực tiếp;

- Tổ chức cấp C/O của Nước thành viên xuất khẩu sẽ bị kiểm tra trực tiếp;

- Cơ quan Hải quan của Nước thành viên nơi sẽ bị kiểm tra trực tiếp; và

- Người nhập khẩu có hàng hóa cần phải kiểm tra.

b) Văn bản thông báo nêu tại điểm a, khoản 1 của điều này phải có đầy đủ các nội dung, trong đó, ngoài các nội dung khác, phải có những nội dung

- Tên của cơ quan Hải quan ra thông báo;

- Tên của Người xuất khẩu hoặc Người sản xuất có nhà xưởng bị kiểm tra trực tiếp;

- Ngày dự kiến đi kiểm tra trực tiếp;

- Phạm vi đề nghị kiểm tra, bao gồm cả dẫn chiếu liên quan đến mặt hàng chịu sự kiểm tra; và

- Tên và chức danh của cán bộ đi kiểm tra.

c) Nhận được sự chấp thuận bằng văn bản của Người xuất khẩu hoặc Người sản xuất có nhà xưởng bị kiểm tra trực tiếp.

2. Trường hợp không nhận được văn bản chấp thuận kiểm tra của Người xuất khẩu hoặc người sản xuất trong vòng bạ mươi (30) ngày kể từ khi nhận được thông báo theo quy định tại điểm a, khoản 1 của điều này, Nước thành viên nhập khẩu có thể từ chối cho hưởng ưu đãi đối với sản phẩm cần phải chịu sự kiểm tra;

3. Khi nhận được thông báo, Tổ chức cấp C/O có thể đề nghị trì hoãn việc kiểm tra trực tiếp tại cơ sở và thông báo cho Nước thành viên nhập khẩu về việc trì hoãn đó. Kể cả trong trường hợp trì hoãn, việc kiểm tra cũng phải được thực hiện trong vòng sáu mươi (60) ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Thời hạn này có thể kéo dài hơn trong trường hợp các bên nhất trí với nhau.

4. Nước thành viên tiến hành kiểm tra tại cơ sở phải cung cấp cho Người xuất khẩu hoặc Người sản xuất và Tổ chức cấp C/O có liên quan quyết định về việc kết luận sản phẩm được kiểm tra có đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ hay không.

5. Việc tạm thời không cho hưởng ưu đãi sẽ bị huỷ bỏ sau khi có quyết định bằng văn bản nêu tại khoản 4 của điều này cho thấy sản phẩm đó là hàng hoá có xuất xứ.

6. Người xuất khẩu hoặc Người sản xuất có quyền đưa ra giải thích bằng văn bản hoặc cung cấp thêm thông tin để chứng minh về xuất xứ của sản phẩm trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được quyết định kết luận xuất xứ của sản phẩm. Nếu sản phẩm vẫn bị chứng minh là không có xuất xứ, quyết định cuối cùng sẽ được thông báo cho Tổ chức cấp C/O trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được giải thích hoặc thông tin bổ sung của Người xuất khẩu hoặc Người sản xuất.

7. Quá trình kiểm tra, bao gồm việc đi kiểm tra thực tế và quyết định về sản phẩm nghi vấn liệu có đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ hay không, phải được thực hiện và thông báo kết quả cho Tổ chức cấp C/O trong thời hạn tối đa là một trăm tám mươi (180) ngày. Trong khi chờ kết quả kiểm tra thực tế, khoản 3, Điều 17 được áp dụng.

Điều 19. Giữ bí mật thông tin

Các Nước thành viên, theo quy định của pháp luật trong nước, phải giữ bí mật về các thông tin về hoạt động kinh doanh thu thập được trong quá trình kiểm tra theo Điều 17 và Điều 18 và phải bảo vệ thông tin đó không bị tiết lộ và có thể gây tổn hại đến vị thế cạnh tranh của người đã cung cấp thông tin.

Thông tin về hoạt động kinh doanh này chỉ có thể được tiết lộ cho những cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm về việc quản lý và thực thi việc xác định xuất xứ hàng hóa.

Điều 20. Chứng từ áp dụng cho quy định vận chuyển trực tiếp

Để thực hiện điềm b khoản 2 Điều 8 của Phụ lục 1, khi hàng hoá được vận chuyển qua lãnh thổ của một hoặc nhiều nước trung gian không phải là Nước thành viên, các chứng từ sau phải được nộp cho cơ quan Hải quan Nước thành viên nhập khẩu:

1. Vận tải đơn chở suốt do Nước thành viên xuất khẩu cấp;

2. C/O Mẫu S do Tổ chức cấp C/O của Nước thành viên xuất khẩu cấp;

3. Bản sao của hóa đơn thương mại; và

4. Các chứng từ liên quan khác chứng minh rằng các yêu cầu của quy định vận chuyển trực tiếp được đáp ứng.

Điều 21. Hàng hóa triển lãm

1. Hàng hóa gửi từ một Nước thành viên xuất khẩu để tham gia triển lãm tại một Nước thành viên khác và được bán trong thời gian hoặc sau thời gian triển lãm nhằm nhập khẩu vào một Nước thành viên sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan Việt Nam - Lào với điều kiện hàng hóa đó phải đáp ứng các yêu cầu về Quy tắc xuất xứ quy định tại Phụ lục 1 và phải chứng minh cho cơ quan Hải quan Nước thành viên nhập khẩu rằng:

a) Người xuất khẩu đã gửi lô hàng đó từ lãnh thổ của Nước thành viên xuất khẩu tới Nước thành viên nơi tổ chức triển lãm và đã tham gia triển lãm hàng hoá tại đó;

b) Người xuất khẩu đã bán hoặc, chuyển nhượng hàng hoá đó cho người nhận hàng ở Nước thành viên nhập khẩu;

c) Hàng hoá được vận chuyển đến Nước thành viên nhập khẩu trong quá trình triển lãm hoặc ngay sau khi kết thúc triển lãm vẫn còn nguyên trạng như khi chúng được gửi đi tham gia triển lãm.

2. Để thực hiện các quy định ở khoản 1 nêu trên, C/O Mẫu S phải được nộp cho cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên nhập khẩu, trong đó phải ghi rõ tên và địa chỉ của nơi tổ chức triển lãm.

3. Khoản 1 của điều này sẽ được áp dụng đối với bất kỳ cuộc triển lãm, hội chợ thương mại, nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ hoặc các cuộc giới thiệu, trưng bày tương tự, hoặc bày bán tại các cửa hàng hoặc địa điểm kinh doanh với mục đích để bán các sản phẩm nước ngoài và những nơi mà sản phẩm vẫn còn nằm trong sự kiểm soát của cơ quan Hải quan trong suốt quá trình triển lãm.

Điều 22. Hóa đơn do nước thứ ba phát hành

1. Cơ quan Hải quan Nước thành viên nhập khẩu phải chấp nhận C/O Mẫu S trong trường hợp hóa đơn thương mại được phát hanh bởi một công ty có trụ sở tại một nước thứ ba không phải là Nước thành viên hoặc bởi một nhà xuất khẩu Việt Nam hay Lào đại diện cho công ty đó miễn là hàng hóa đáp ứng các quy định về xuất xứ nêu tại Phụ lục 1.

2. Người xuất khẩu sẽ đánh dấu vào ô "Third country invoicing" và ghi các thông tin như tên và nước của công ty phát hành hoá đơn trên C/O Mẫu S.

Điều 23. Chống gian lận

1. Khi nghi ngờ có hành vi gian lận liên quan tới C/O Mẫu S, các cơ quan thẩm quyền của Chính phủ có liên quan phối hợp với Nước thành viên để xử lý những người có liên quan.

2. Mỗi Nước thành viên đều phải ban hành các quy định để xử phạt các hành vi gian lận về C/O Mẫu S.

Điều 24. Đầu mối liên hệ

1. Đầu mối liên hệ của cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ của hai Nước thành viên là:

- Đối với Việt Nam: Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương

- Đối với Lào: Vụ Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương

2. Mỗi Nước thành viên phải cung cấp cho nước kia tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax và địa chỉ e-mail của đầu mối liên lạc sau khi thông qua Bản Thoả thuận này, và phải thông báo cho nhau về bất cứ thay đổi nào liên quan đến các thông tin trên trong vòng ba mươi (30) ngày kể từ khi có thay đổi đó./.

PHỤ LỤC 5

C/O FORM S
(Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2010/TT-BCT của Bộ Công thương ngày 25 tháng 01 năm 2010 thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Bản Thoả thuận giữa Bộ Công Thương nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Công Thương nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào về Quy tắc xuất xứ áp dụng cho các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu Việt Nam - Lào)

1. Goods consigned from (Exporter's business name, address, country)

Reference No.

VIETNAM-LAOS PREFERENTIAL TARIFF AGREEMENT CERTIFICATE OF ORIGIN

(Combined Declaration and Certificate)

FORM S

Issued in____________

(Country)

See Overleaf Notes

2. Goods consigned to (Consignee's name, address, country)

3. Means of transport and route (as far as known)

Departure date

Track's name/ Aircraft etc.

Port of Discharge

4. For Official Use

Ÿ Preferential Treatment Given Under

□ Vietnam-Laos Preferential Tariff Agreement

___________________________________

Ÿ Preferential Treatment Not Given
□ (Please state reason/s)

...................................................................

Signature of Authorised Signatory of the Importing Country

5. Item number

6. Marks and numbers on packages

7. Number and type of packages, description of goods (including quantity where appropriate and HS number of the importing country at 8 digit)

8. Origin criterion (see Notes overleaf)

9. Gross weight or other quantity and value (FOB)

10. Number and date of invoices

11. Declaration by the exporter

The undersined hereby declares that above details and statement are correct; that all the goods were produced in

.....................................................

(country)

And that they comply with the origin requirements specified for these goods in the Rules of Origin of the Vietnam-Laos Preferential Tariff Agreement for the goods exported to

............................................................

(Importing Country)

..................................................................

Place and date, signature of authrised signatory

12. Certification

It is hereby certified, on the basis of control carried out, that the declaration by the exporter is correct.

..................................................

Place and date, signature and stamp of certifying authority

13

□ Third-Country Invoicing

□ Accumulation

□ Partial Cumulation

□ Exbibition

□ De Minimis

□ Issued Retroactively

OVERLEAF NOTES

1. Parties which accept this form for the purpose of preferential treatment under the Vietnam-Laos Preferential Tariff Agreement:

LAOS VIETNAM

2. CONDITIONS: The main conditions for admission to the preferential treatment under the Vietnam-Laos Preferential Tariff Agreement are that goods sent to any Party listed above must

(i) fall within a description of products eligible for concessions in the country of destination;

(ii) comply with the consignment conditions in accordance with Article B of Rules of Origin for the Vietnam-Laos Preferential Tariff Agreement (Vietnam-Laos ROO); and

(iii) comply with the origin criteria set out in Vietnam-Laos ROO.

3. ORIGIN CRITERIA. For goods that meet the origin criteria, the exporter and/or producer must indicate in Box 8 of this Form, the origin criteria met, in the manner shown in the following table:

Circumstances of production or manufacture in the first country named in Box 11 of this form

Insert in Box 8

(a) Goods satisfying Article 3 of Vietnam-Laos ROO (wholly obtained or produced in the exporting Party)

WO

(b) Goods satisfying Article 4(1)(a)(i). 4(1)(a)(ii) of Vietnam-Laos ROO

* Local Value Content

Percentage of Vietnam-Laos value content example: LVC (40%)

* Change in Tariff Classification at four-digit level

CTH

(c) Goods satisfying Article 6(2) of Vietnam-Laos ROO

"PC x%", where x would be the percentage of Vietnam-Laos value content of less than 40%, example "PC 25%"

4. EACH ARTICLE MUST QUALLFY: It should be noted that all the goods in a consignment must qualify separately in their own right. This is of particular relevance when similar articles of different sizes or spare parts are sent.

5. DESCRIPTION OF PRODUCTS: The description of products must be sufficiently detailed to enable the products to be identified by the Customs Officers examining them. Name of manufacturer, any trade mark shall also be specified.

8. HARMONISED SYSTEM NUMBER: The Harmonised System number shall be that of in ASEAN Harmonised Tariff Nomenclature (AHTN) Code of the importing Party.

7. EXPORTER: The term "Exporter" in Box 11 may include the manufacturer or the producer.

8. FOR OFFICIAL USE: The Customs Authority of the importing Party must indicate (√) in the relevant boxes in column 4 whether or not preferential treatment is accorded.

9. MULTIPLE ITEMS: For multiple items declared in the same Form S, if preferential treatment is not granted to any of the items, this is also to be indicated accordingly in box 4 and the item number circled or marked appropriately in box

10. THIRD COUNTRY INVOICING: In cases where invoices are issued by a third country, "the Third Country Invoicing" box should be ticked (√) and such information as name and country of the company issuing the invoice shall be indicated in box 7

11. EXHIBITIONS: In cases where goods are sent from the territory of the exporting Party for exhibition in another Party and sold during or after the exhibition for importation into the territory of such Party, in accordance with Rule 21 of the Operational Certification Procedures. the "Exhibitons" box should be ticked (√) and the name and address of the exhibition indicated in box 2.

12. ISSUED RETROACTIVELY: In exceptional cases, due to involuntary errors or omissions or other valid causes, the Certificate of Origin (Form S) may be issued retroactively in accordance with Rule 10(2) of the Operational Certification Procedures, the "Issued Retroactively" box should be ticked (√).

13. ACCUMULATION: In cases where the originating materials in a Party are used in the other Party as materials for a finished good, in accordance with Article 6 of the Vietnam-Laos ROO, the "Accumulation" box should be ticked (√).

14. PARTIAL CUMULATION (PC): If the Local Value Content of material is less than 40%. the Certificate of Origin (Form S) may be issued for cumulation purposes, in accordance with Article 6(2) of the "Vietnam-Laos ROO, the "Partial Cumulation" box should be ticked (√).

15. DE MINIMIS: If the value of all non-originating materials used in its production that do not undergo the required change in tariff classification does not exceed ten (10) percent of the FOB value of the good, in accordance with Article 9 of the Vietnam-Laos ROO, the "De Minimis" box should be ticked (√).

PHỤ LỤC 6

KÊ KHAI TRÊN C/O
(Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2010/TT-BCT của Bộ Công thương ngày 25 tháng 01 năm 2010 thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Bản Thoả thuận giữa Bộ Công Thương nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Công Thương nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào về Quy tắc xuất xứ áp dụng cho các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu Việt Nam - Lào)

C/O phải được khai bằng tiếng Anh và đánh máy (trừ trường hợp hướng dẫn ở khoản 15 dưới đây). Nội dung khai phải phù hợp với các chứng từ quy định tại Điều 5 và Điều 6 của thông tư. Nội dung kê khai C/O cụ thể như sau:

1. Ô số 1: tên giao dịch của người xuất khẩu, địa chỉ, tên quốc gia xuất khẩu (Việt Nam).

2. Ô số 2: Tên người nhận hàng, địa chỉ, tên nước.

3. Ô trên cứng bên phải ghi số tham chiếu (do Tổ chức cấp C/O ghi). Số tham chiếu gồm 13 ký tự, chia làm 5 nhóm, với cách ghi cụ thể như sau:

a) Nhóm 1: tên viết tắt nước thành viên xuất khẩu là Việt Nam, gồm hai (02) ký tự là "VN";

b) Nhóm 2: tên viết tắt của nước thành viên nhập khẩu, gồm hai (02) ký tự là "LA"

c) Nhóm 3: năm cấp C/O, gồm 02 ký tự. Ví dụ: cấp năm 2009 sẽ ghi là "09"'

d) Nhóm 4: tên Tổ chức cấp C/O, gồm 02 ký tự. Danh sách các Tổ chức cấp C/O được quy định cụ thể tại Phụ lục 10. Danh sách này được Bộ Công Thương cập nhật thường xuyên khi có sự thay đổi về các Tổ chức cấp C/O;

đ) Nhóm 5: số thứ tự của C/O, gồm 05 ký tự;

e) Giữa nhóm 1 và nhóm 2 có gạch ngang "-". Giữa nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5 có dấu gạch chéo "/".

Ví dụ: Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vục thành phố Hồ Chí Minh cấp C/O mang số thứ 6 cho một lô hàng xuất khẩu sang Lào trong năm 2009 thì cách ghi số tham chiếu của C/O này sẽ là: VN-LA09/020006.

4. Ô số 3: ngày khởi hành, tên phương tiện vận tải (nếu gửi bằng máy bay thì đánh "By air", nếu gửi bằng đường biển thì đánh tên tàu) và tên cảng dỡ hàng.

5. Ô số 4: cơ quan Hải quan tại cảng hoặc địa điểm nhập khẩu sẽ đánh dấu √ vào ô thích hợp.

6. Ô số 5: số thứ tự các mặt hàng (nhiều mặt hàng ghi trên 1 C/O, mỗi mặt hàng có một số thứ tự riêng).

7. Ô số 6: ký hiệu và số hiệu của kiện hàng.

8. Ô số 7: số lượng kiện hàng, loại kiện hàng, mô tả hàng hoá (bao gồm mã HS của nước nhập khẩu ở cấp 6 số và tên thương hiệu hàng (nếu có)).

9. Ô số 8: ghi tiêu chí xuất xứ của hàng hóa:

Hàng hóa được sản xuất tại nước ghi đầu tiên ở ô số 11 của C/O:

Điền vào ô số 8

a) Hàng hoá có xuất xứ thuần tuý hoặc được sản xuất toàn bộ tại nước xuất khẩu theo Điều 3 của Phụ lục 1

WO

b) Hàng hóa đáp ứng điểm a và điểm b Điều 4 Phụ lục 1

- Hàm lượng giá trị khu vực

Phần trăm hàm lượng giá trị khu vực ví dụ: LVC (40%)

- Chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp 4 số

CTH

c) Hàng hóa đáp ứng khoản 2 Điều 6 của Phụ lục 1

"PC x%", trong đó "x" là tỉ lệ phần trăm của hàm lượng giá trị khu vực Việt Nam - Lào nhỏ hơn 40%, ví dụ "PC 25%"

10. Ô số 9: trọng lượng cả bì của hàng hoá (hoặc đơn vị đo lường khác) và trị giá FOB.

11. Ô số 10: số và ngày của hoá đơn thương mại được cấp cho lô hàng nhập khẩu vào nước nhập khẩu.

12. Ô số 11:

- Dòng thứ nhất. ghi tên nước xuất khẩu.

- Dòng thứ hai ghi tên nước nhập khẩu.

- Dòng thứ ba ghi địa điểm, ngày tháng năm đề nghị cấp C/O, họ tên, chữ ký của người ký đơn đề nghị cấp C/O và tên công ty đề nghị cấp C/O.

13. Ô số 12: dành cho cán bộ Tổ chức cấp C/O ghi: địa điểm, ngày tháng năm cấp C/O, chữ ký của cán bộ cấp C/O, con dấu của Tổ chức cấp C/O.

Trường hợp cấp C/O bản sao chứng thực của C/O gốc, dòng chữ "CERTIFIED TRUE COPY" và ngày cấp bản sao này được đánh máy hoặc đóng dấu lên ô số 12 của C/O theo quy định tại Điều 11 của Phụ lục 4.

14. Ô số 13:

- Đánh dấu √ vào ô "Third-country Invoicing" trong trường hợp hóa đơn thương mại được phát hành bởi một công ty có trụ sở tại một nước thứ ba hoặc không phải là nước thành viên hoặc bởi một nhà xuất khẩu Việt Nam hay Lào đại diện cho công ty đó theo quy định tại Điều 22 của Phụ lục 4. Các thông tin như tên và nước của công ty phát hành hóa đơn nêu trên cần ghi vào ô số 7.

- Đánh dấu √ vào ô "Issued Retroactively" trong trường hợp do sai sót không cố ý hoặc có lý do xác đáng khác theo khoản 2 Điều 10 của Phụ lục 4;

- Đánh dấu √ vào ô "Accumulation" trong trường hợp hàng hoá có xuất xứ của một nước thành viên được sử dụng làm nguyên liệu tại lãnh thổ của nước thành viên kia để sản xuất ra một sản phẩm hoàn chỉnh như quy định tại Điều 6 của Phụ lục 1.

- Đánh dấu √ vào ô "Partial Accumulation" trong trường hợp hàm lượng giá trị khu vực của nguyên liệu nhỏ hơn 40% và C/O được cấp nhằm mục đích cộng gộp theo khoản 2 Điều 6 của Phụ lục 1.

- Đánh dấu √ vào ô "De Minimis" nếu hàng hóa phải áp dụng Điều 9 của Phụ lục 1.

15. Các hướng dẫn khác:

- Trong trường hợp có nhiều mặt hàng khai trên cùng một C/O, nếu mặt hàng nào không được hưởng ưu đãi thuế quan, cơ quan Hải quan đánh dấu thích hợp vào ô số 4 và mặt hàng đó cần được khoanh tròn hoặc đánh dấu thích hợp tại ô số 5.

- Ô số 13 có thể được đánh dấu √ bằng tay hoặc in bằng máy vi tính./.

PHỤ LỤC 7

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP C/O
(Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2010/TT-BCT của Bộ Công thương ngày 25 tháng 01 năm 2010 thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Bản Thoả thuận giữa Bộ Công Thương nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Công Thương nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào về Quy tắc xuất xứ áp dụng cho các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu Việt Nam - Lào)

1. Mã số thuế của doanh nghiệp...................................

Số C/O: ...........................................................

2. Kính gửi: (Tổ chức cấp C/O) ....................................

.......................................................................................

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP C/O Mẫu...........

Đã đăng ký Hồ sơ thương nhân tại.....................

............................ vào ngày..................................

3. Hình thức cấp (đánh (√) vào ô thích hợp)

□ Cấp C/O

□ Cấp lại C/O (do mất cắp, thất lạc hoặc hư hỏng)

□ C/O giáp lưng

□ C/O có hoá đơn do nước thứ ba phát hành

4. Bộ hồ sơ đề nghị cấp C/O:

- Mẫu C/O đã khai hoàn chỉnh □

- Tờ khai hải quan □

- Hóa đơn thương mại □

- Vận tải đơn/ chứng từ tương đương □

- Tờ khai hải quan nhập khẩu nguyên liệu □

- Giấy phép xuất khẩu □

- Hóa đơn mua bán nguyên liệu trong nước □

- Hợp đồng mua bán □

- Bảng tính toán hàm lượng giá trị khu vực □

- Bản mô tả quy trình Bản xuất ra sản phẩm □

- Các chứng từ khác............................................

.............................................................................

5. Người xuất khẩu (tên tiếng Việt):..............................

- Tên tiếng Anh: .........................................................

- Địa chỉ: .....................................................................

- Điện thoại: ............... Fax:.........Email:......................

6. Người sản xuất (tên tiếng Việt):......................

- Tên tiếng Anh: ..................................................

- Địa chỉ: .............................................................

- Điện thoại: ................ Fax: ............Email:..........

7. Người nhập khẩu/ Người mua (tên tiếng Việt): ........................................................................................

- Tên tiếng Anh: ............................................................................................................................................

- Địa chỉ: .......................................................................................................................................................

- Điện thoại: ......................... Fax: ......................Email:................................................................................

8. Mã HS (8 số)

9. Mô tả hàng hoá (tiếng Việt và tiếng Anh)

10. Tiêu chí xuất xứ và các yếu tố khác

11. Số lượng

12. Trị giá FOB (USD)*

(Ghi như hướng dẫn tại mặt sau của C/O)

13. Số Invoice:.........

................................

Ngày: ..../....../.......

14. Nước nhập khẩu:

................................

................................

15. Số vận đơn: .........

...............................

Ngày: ..../...../...........

16. Số và ngày Tờ khai Hải quan xuất khẩu và những khai báo khác (nếu có):

.........................................................

...........................................................

17. Ghi chú của Tổ chức cấp C/O:

- Người kiểm tra: .........................................................

- Người ký: ..................................................................

- Người trả: ..................................................................

- Đề nghị đóng:

* Đóng dấu (đồng ý cấp) □

* Đóng dấu "Issued retroactively" □

* Đóng dấu "Certified true copy" □

18. Doanh nghiệp chúng tôi xin cam đoan lô hàng nói trên được khai báo chính xác, đúng sự thực và phù hợp với các quy định về xuất xứ hàng hóa hiện hành. Chúng tôi xin chịu mọi trách nhiệm về lời khai trước pháp luật.

Làm tại ............. ngày........tháng......năm......

(Ký tên, ghi rõ chức vụ và đóng dấu)

*Trong trường hợp trị giá ghi trên hợp đồng xuất khẩu không tính bằng USD, doanh nghiệp phải quy đổi trị giá đó sang USD khi khai trên Đơn này. Việc khai trên Đơn này không ảnh hưởng đến việc ghi trị giá của hợp đồng trên C/O

PHỤ LỤC 8

DANH MỤC CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT CỦA THƯƠNG NHÂN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2010/TT-BCT của Bộ Công thương ngày 25 tháng 01 năm 2010 thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Bản Thoả thuận giữa Bộ Công Thương nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Công Thương nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào về Quy tắc xuất xứ áp dụng cho các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu Việt Nam - Lào)

...., ngày....... tháng..... năm......

Kính gửi: ................................................................... (tên của Tổ chức cấp C/O)

Công ty: ..................................................................................... (tên doanh nghiệp)

Địa chỉ: ............................................................................................... (địa chỉ của doanh nghiệp)

Đề nghị được đăng ký các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu của doanh nghiệp chúng tôi như sau:

TT

Tên, địa chỉ, điện thoại, fax của cơ sở

Phụ trách cơ sở

Diện tích nhà xưởng

Mặt hàng sản xuất để xuất khẩu (ghi riêng từng dòng cho mỗi mặt hàng)

Tên hàng

Số lượng công nhân

Số lượng máy móc

Công suất theo tháng

Tôi xin chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký này.

CÔNG TY .......................

(Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp)
(
Ký tên, đóng dấu)

PHỤ LỤC 9

ĐĂNG KÝ MẪU CHỮ KÝ CỦA NGƯỜI ĐƯỢC UỶ QUYỀN KÝ ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP C/O VÀ MẪU CON DẤU CỦA THƯƠNG NHÂN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2010/TT-BCT của Bộ Công thương ngày 25 tháng 01 năm 2010 thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Bản Thoả thuận giữa Bộ Công Thương nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Công Thương nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào về Quy tắc xuất xứ áp dụng cho các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu Việt Nam - Lào)

...., ngày....... tháng..... năm......

Kính gửi: ................................................................... (tên của Tổ chức cấp C/O)

Công ty: ..................................................................................... (tên doanh nghiệp)

Địa chỉ: ......................................................................................................... (địa chỉ của doanh nghiệp)

1. Đề nghị được đăng ký các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu của doanh nghiệp chúng tôi như sau:

TT

Họ và tên

Chức vụ

Mẫu chữ ký

Mẫu dấu

có thẩm quyền hoặc được uỷ quyền ký trên Đơn đề nghị cấp Mẫu C/O.

2. Đăng ký các cá nhân có tên dưới đây:

TT

Họ và tên

Chức danh

Phòng (Công ty)

Số Chứng minh thư

được uỷ quyền tới liên hệ cấp C/O tại ... (tên của Tổ chức cấp C/O).

Tôi xin chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký, uỷ quyền này.

CÔNG TY .......................

(Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp)
(Ký tên, đóng dấu)

PHỤ LỤC 10

DANH MỤC CÁC TỔ CHỨC CẤP C/O
(Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2010/TT-BCT của Bộ Công thương ngày 25 tháng 01 năm 2010 thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Bản Thoả thuận giữa Bộ Công Thương nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Công Thương nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào về Quy tắc xuất xứ áp dụng cho các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu Việt Nam - Lào)

STT

Tên đơn vị

Mã số

1

Phòng quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Hà Nội

01

2

Phòng quản lý Xuất nhập khẩu khu vực TP. Hồ Chí Minh

02

3

Phòng quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Đà Nẵng

03

4

Phòng quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Đồng Nai

04

5

Phòng quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Hải Phòng

05

6

Phòng quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Bình Dương

06

7

Phòng quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Vũng Tàu

07

8

Phòng quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Lạng Sơn

08

9

Phòng quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Quảng Ninh

09

10

Bản quản lý khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo

64

11

Ban quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y

68

12

Phòng quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Lào Cai

71

13

Phòng quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Thái Bình

72

14

Phòng quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Thanh Hoá

73

15

Phòng quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Nghệ An

74

16

Phòng quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Tiền Giang

75

17

Phòng quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Cần Thơ

76

18

Phòng quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Hải Dương

77

19

Phòng quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Bình Trị Thiên

78

20

Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Khánh Hòa

80

THE MINISTRY OF INDUSTRY AND TRADE
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No. 04/2010/TT-BCT

Hanoi, January 25, 2010

 

CIRCULAR

ON IMPLEMENTATION OF THE RULES OF ORIGIN PROVIDED IN THE AGREEMENT BETWEEN THE MINISTRY OF INDUSTRY AND TRADE OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM AND THE MINISTRY OF INDUSTRY AND TRADE OF THE LAO PEOPLE'S DEMOCRATIC REPUBLIC ON RULES OF ORIGIN APPLICABLE TO GOODS ELIGIBLE FOR VIETNAM-LAOS PREFERENTIAL IMPORT TARIFF TREATMENT

THE MINISTRY OF INDUSTRY AND TRADE

Pursuant to the Government's Decree No. 189/2007/ND-CP of December 27, 2007, defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Industry and Trade;
Pursuant to the Agreement between the Ministry of Industry and Trade of the Socialist Republic of Vietnam and the Ministry of Industry and Trade of the Lao People's Democratic Republic on rules of origin applicable to goods eligible for Vietnam-Laos preferential import tariff treatment signed on October 1, 2009, in Hanoi, Vietnam;
Pursuant to the Government's Decree No. 19/2006/ND-CP of February 20, 2006, detailing the Commercial Law regarding origin of goods;
The Minister of Industry and Trade stipulates the implementation of the rules of origin provided in the Agreement between the Ministry of Industry and Trade of the Socialist Republic of Vietnam and the Ministry of Industry and Trade of the Lao People's Democratic Republic on rules of origin applicable to goods eligible for Vietnam-Laos preferential import tariff treatment as follows:

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Goods eligible for issuance of certificates of origin form S

A good eligible for issuance of certificates of origin form S (below referred to as C/O) means an originating good under the provisions of Annex 1 to this Circular for which a C/O is issued by a C/O form S issuer.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Vietnamese issuer of C/O form S (below referred to as C/O issuer) means organizations specified in Annex 10 to this Circular (not printed herein).

2. Applicant for C/O form S (below referred to as C/O applicant), means an exporter, producer or representative with a lawful power of attorney of an exporter or producer.

3. eCOSys means Vietnam's electronic system for management and issuance of certificates of origin, with the website address http://www.ecosys.gov.vn.

Article 3. Responsibilities of C/O applicants

C/O applicants shall:

1. Register trader dossiers with C/O issuers under Article 5;

2. Submit C/O application dossiers to C/O issuers;

3. Demonstrate that their export goods satisfy requirements of origin and create favorable conditions for C/O issuers to verify the origin of these goods;

4. Take responsibility before law for the accuracy and truthfulness of their declarations related to C/O applications, even in case they are authorized by exporters;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Facilitate the verification by C/O issuers at production establishments or places where export goods are grown, cultured, harvested and processed;

7. Prove the truthfulness of the origin of export goods at the request of the Ministry of Industry and Trade, C/O issuers or customs offices of Vietnam or customs offices of importing countries.

Article 4. Responsibilities of C/O issuers

C/O issuers shall:

1. Guide C/O applicants when requested;

2. Receive and examine trader dossiers and C/O application dossiers;

3. Verify the real origin of products when necessary;

4. Issue C/O when goods satisfy the requirements of origin in this Circular and C/O applicants comply with Article 3;

5. Send specimen signatures of persons authorized to sign C/O and specimen seals of CI O issuers to the Ministry of Industry and Trade (the Import and Export Department) under the Ministry of Industry and Trade's regulations for registration with competent authorities of importing countries;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. Re-verify the origin of export goods at the request of competent authorities of importing countries;

8. Exchange information relating to C/O issuance with other C/O issuers;

9. Send reports to, participate in all professional training courses on origin organized by, and respond to other requests under regulations of the Ministry of Industry and Trade.

Chapter II

PROCEDURES FOR C/O ISSUANCE

Article 5. Registration of trade dossiers

1. C/O applicants may be considered for C/O issuance at places where they have registered trader dossiers only after they have completed trader dossier registration procedures. A trader dossier comprises:

a/ Registration of the specimen signature of the person authorized to sign the C/O application and the specimen seal of the trader (Annex 9, not printed herein);

b/ Business registration certificate of the trader (a certified true copy);

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d/ A list of production establishments (if any) of the trader (Annex 8, not printed herein).

2. Before C/O application, any change in the trader dossier shall be notified to the C/O issuer with which this dossier has been registered. A trader dossier shall be updated once every two (2) years.

3. In case of a force majeure circumstance or for a plausible reason, if wishing to get a C/O issued by another C/O issuer in a locality other than that where it has registered its trader dossier, a C/O applicant shall provide plausible reasons in writing for the non-application for a C/O in the locality where it has registered its trader dossier, and register its trader dossier with the new C/O issuer.

Article 6. C/O application dossiers

1. A C/O application dossier comprises:

a/ A C/O application form (Annex 7, not printed herein), which has been fully and duly filled in as guided in Annex 6 (not printed herein);

b/ The C/O form (Annex 5), which has been fully filled in;

c/ A customs declaration for which customs procedures have been completed. For cases in which export goods are not subject to customs declaration under law, this declaration is not required;

d/ The commercial invoice;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

In case the customs declaration for which customs procedures have been completed and the bill of lading (or an equivalent document) are not available yet, the C/O applicant may submit these documents later but within fifteen (15) working days after the date of C/O issuance.

2. When finding it necessary, the C/O issuer may request the C/O applicant to supply additional documents related to export goods, such as customs declaration of imported materials and auxiliary materials; export permit (if any); purchase and sale contract; value-added invoices for purchase and sale of domestic materials and auxiliary materials; samples of materials and auxiliary materials or export goods; description of the manufacturing process with HS headings of input materials and products (for change in tariff classification (CTC) criterion or good manufacturing or processing operation criterion); or calculation of the local value content (LVC) (for LVC criterion); and other documents for evidencing the origin of export products.

3. For documents specified at Point c, d and e of Clause 1, and Clause 2, their copies bearing the signatures and true-copy stamps of heads or traders' representatives at law or authorized persons, may be provided together with their originals for comparison at the request of C/O issuers when necessary.

4. For traders joining the eCOSys, their persons authorized to sign C/O applications shall declare data via eCOSys, give their e-signatures and automatically transmit them to C/O issuers. After examining application dossiers on the eCOSys, if agreeing to issue C/O, C/O issuers shall notify such via eCOSys to applying traders for submission of complete written dossiers to C/O issuers for comparison before issuing C/O.

Article 7. Receipt of C/O application dossiers

When C/O applicants file their dossiers, record officers shall receive and examine these dossiers, then notify C/O applicants in receipt or other written forms of one of the following actions:

1. Issuance of C/O under Article 8;

2. Request for supplementation of documents under Article 6;

3. Refusal to issue C/O when detecting that:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ C/O application dossiers are inaccurate or incomplete as required in Article 6;

c/ C/O applicants fail to submit documents they lack under Article 6;

d/ Dossiers contain contradictory details;

e/ C/O application dossiers are filed with offices other than those with which trader dossiers have been registered;

f/ C/O forms are filled in by handwriting, or erased or improperly modified, or unreadable, or printed in multicolor inks;

g/ There are lawful grounds to evidence that goods are non-originating under this Circular or C/O applicants have committed fraudulent or dishonest acts in demonstrating the origin of their goods.

Article 8. Issuance of C/O

1. A C/O shall be issued within three (3) working days after the C/O applicant files a complete and valid dossier, except for cases specified in Clause 2 of this Article.

2. C/O issuers may conduct verification at production establishments if they see that the dossier examination provides insufficient grounds for C/O issuance or when they detect signs of illegal acts in connection to previously issued C/O. Verifiers of C/O issuers shall make minutes of verification results and request C/O applicants and/or exporters to jointly sign these minutes. In case C/O applicants and/or exporters refuse to sign these minutes, verifiers shall write the reasons for such refusal in the minutes and sign them for certification.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. In the course of consideration for C/O issuance, if detecting goods that fail to satisfy requirements of origin or C/O application dossiers which are incomplete or invalid. C/O issuers shall notify such to C/O applicants under Clause 2 or Clause 3, Article 7.

4. The verification must not impede the delivery of goods or payment by exporters, except for cases in which exporters are at fault.

Article 9. Withdrawal of issued C/O

C/O issuers shall withdraw C/O they have issued in the following cases:

1. Exporters or C/O applicants have forged documents.

2. Issued C/O are not conformable with the origin criteria.

Chapter III

MANAGEMENT OF C/O ISSUANCE

Article 10. Competence to sign C/O

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 11. Focal point

The Import and Export Department is the focal point under the Ministry of Industry and Trade performing the following jobs:

1. Guiding and inspecting the C/O issuance;

2. Carrying out procedures for registering specimen signatures of persons competent to sign and issue C/O and specimen seals of Vietnamese C/O issuers with the Ministry of Industry and Trade of Laos, and forwarding specimen signatures of persons competent to sign and issue C/O and specimen seals of C/O issuers of Laos to the Ministry of Finance (the General Department of Customs);

3. Assisting the Minister of Industry and Trade in solving problems related to the issuance of CI O.

Article 12. Reporting regime

1. C/O issuers shall update information on CI O issuance on the eCOSys on a daily basis. Information updates must cover all information required to be declared in C/O application dossiers.

2. C/O issuers that have violated Clause 1 thrice shall be suspended from issuing C/O and be named on the website of the Ministry of Industry and Trade. After at least 6 months, the Ministry of Industry and Trade will consider empowering C/O issuers suspended from issuing C/O to issue C/O again based on the request and explanations of these organizations.

Article 13. Implementation provisions

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. To annul the Minister of Trade's Decision No. 0865/2004/QD-BTM of June 29, 2004, promulgating the Regulation on issuance of certificates of origin of goods, form S, for enjoyment of tariff preferences under the Agreement on Economic, Cultural, Scientific and Technical Cooperation between the Government of the Socialist Republic of Vietnam and the Government of the Lao People's Democratic Republic; the Minister of Trade's Decision No. 244/2005/QD-BTM of February 17, 2005, amending the Regulation on issuance of certificates of origin of goods, form S, for enjoyment of tariff preferences under the Agreement on Economic, Cultural, Scientific and Technical Cooperation between the Government of the Socialist Republic of Vietnam and the Government of the Lao People's Democratic Republic, promulgated together with the Minister of Trade's Decision No. 0865/2004/QD-BTM of June 29, 2004; and the Minister of Trade's Decision No. 06/2007/QD-BTM of February 6, 2007, amending and supplementing the Regulation on issuance of certificates of origin of goods, form S, for enjoyment of tariff preferences under the Agreement on Economic, Cultural, Scientific and Technical Cooperation between the Government of the Socialist Republic of Vietnam and the Government of the Lao People's Democratic Republic, promulgated together with the Minister of Trade's Decision No. 0865/2004/QD-BTM of June 29, 2004.

 

 

FOR THE MINISTER OF INDUSTRY AND TRADE
DEPUTY MINISTER




Nguyen Thanh Bien

 

ANNEX 1

RULES OF ORIGIN
(To the Ministry of Industry and Trade's Circular No. 04/2010/TT-BCT of January 25, 2010, on implementation of the rules of origin provided in the Agreement between the Ministry of Industry and Trade of the Socialist Republic of Vietnam and the Ministry of Industry and Trade of the Lao People's Democratic Republic on rules of origin applicable to goods eligible for Vietnam-Laos preferential import tariff treatment)

Article 1. Definitions

In this Annex, terms are construed as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. "OF" means the value of the goods imported, and includes the costs of freight and insurance up to the port or place of entry into the country of importation. The valuation shall be made in accordance with Article VII of GATT 1994 and the Agreement on the Implementation of Article VII of GATT 1994 as contained in Annex 1A to the WTO Agreement;

3. "FOB" means the free-on-board value of the goods, inclusive of the costs of transport to the port or site of final shipment abroad. The valuation shall be made in accordance with Article VII of GATT 1994 and the Agreement on the Implementation of Article VII of GATT 1994 as contained in Annex 1A to the WTO Agreement;

4. "Generally accepted accounting principles" means the recognized consensus or substantial authoritative support in a Party, with respect to the recording of revenues, expenses, costs, assets and liabilities; the disclosure of information; and the preparation of financial statements. These principles may encompass broad guidelines of general application as well as detailed standards, practices and procedures;

5. "Good" shall include materials and/or products, which can be wholly obtained or produced in a member state, even if they are intended for later use as materials in another production process. For the purposes of this Annex, the terms "goods" and "products" can be used interchangeably;

6. "Identical and interchangeable materials" means materials being of the same kind and commercial quality, possessing the same technical and physical characteristics, and which once they are incorporated into a complete product cannot be distinguished from one another for origin purposes by virtue of any markings;

7. "Materials" means any matter or substance used or consumed in the production of a good, physically incorporated into a good, or used in the production of another good;

8. "Originating good" or "originating material" means a good or material that qualifies as originating in accordance with this Annex;

9. "Packing materials and containers for transportation and shipment" means the goods used to protect a good during its transportation and shipment, different from those containers or materials used for its retail sale;

10. "Production" means methods of obtaining a good, including growing, mining, harvesting, raising, breeding, extracting, gathering, collecting, capturing, fishing, trapping, hunting, manufacturing, processing or assembling; and

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 2. Origin criteria

A good imported into the territory of a Member State from another Member State shall be treated as an originating good eligible for tariff incentives if it conforms to any of the following origin requirements:

1. It is wholly obtained or produced entirely in the territory of an exporting Member State as defined in Article 3; or

2. It is not wholly obtained or produced entirely in the territory of an exporting Member State, provided that the said good is eligible under Article 4 or Article 6.

Article 3. Wholly obtained or produced goods

Goods referred to in Clause 1, Article 2 shall be considered wholly obtained or produced entirely in the exporting Member State in the following cases:

1. Plant and plant products, including fruit, flowers, vegetables, trees, seaweed, fungi and other plants, grown and harvested, picked or gathered in the exporting Member State;

2. Live animals, including mammals, birds, fish, crustaceans, mollusks, reptiles, bacteria and viruses, born and raised in the exporting Member State;

3. Goods obtained from live animals in the exporting Member State;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Minerals and other naturally occurring substances, not included in Clauses 1 thru 4, extracted or taken from its soil, waters, seabed or beneath its seabed;

6. Products of sea-fishing taken by vessels registered with a Member State and entitled to fly its flag and other products[1] taken from the waters, seabed or beneath the seabed outside the territorial waters[2] of that Member State, provided that the Member State has the rights to exploit such waters, seabed and beneath the seabed in accordance with international law[3];

7. Products of sea-fishing and other marine products taken from the high seas by vessels registered with a Member State and entitled to fly the flag of that Member State;

8. Products processed and/or made on board factory ships registered with a Member State and entitled to fly the flag of that Member State, exclusively from products referred to in Clause 7 of this Article;

9. Articles collected there which can no longer perform their original purpose nor are capable of being restored or repaired and are fit only for disposal or recovery of parts of raw materials, or for recycling purposes;

10. Waste and scrap derived from:

a/ Production in the exporting Member State; or

b/ Used goods collected in the exporting Member State, provided that such goods are fit only for the recovery of raw materials; and

11. Goods obtained or produced in the exporting Member State from products referred to in Clauses 1 thru 10 of this Article.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. General origin criteria

a/ Goods referred to in Clause 2, Article 2 shall be deemed to be originating in the Member State where the manufacture or processing of these goods has taken place if:

- They have a local value content (below referred to as "Vietnam-Laos value content" or the "local value content (LVC)") of not less than forty percent (40%) calculated using the formula set out in Article 5; or

LVC

=

FOB price - Value of non-originating materials, parts or good

x 100%

FOB price

- All non-originating materials used in the production of the goods have undergone a change in tariff classification (below referred to as "CTC") at four-digit level (i.e. a change in tariff heading) of the Harmonized System.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Product specific rules

a/ Notwithstanding Clause 1 of this Article, goods shall qualify as originating goods if they satisfy the product specific rules negotiated later.

b/ Where product specific rules provide a choice of rules from an LVC-based rule of origin, a CTC-based rule of origin, a specific manufacturing or processing operation, or a combination of these, each Member State shall permit the exporter of the goods to decide which rule to use in determining whether the goods qualify as originating goods.

c/ The CTC-based and SP-based rules of origin apply only to non-originating materials.

d/ Goods referred to in Annex 3 are subject to application of either the general origin criteria provided in Clause 1 or relevant origin criteria provided in Annex 3.

Article 5. Formulas for LVC calculation

1. LVC referred to in Article 4 shall be calculated according to the following formula:

2. For the purposes of calculating LVC provided in Clause 1 of this Article:

a/ Value of non-originating materials, parts or goods is:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- The earliest ascertained price paid for the goods of undetermined origin in the territory of the Member State where the manufacture or processing takes place;

b/ FOB price means the free-on-board value of the goods as defined in Article 1. FOB price shall be determined by adding the value of materials, production cost, profit and other costs.

3. Locally procured materials produced by established licensed manufacturers, in compliance with domestic regulations, shall be considered having fulfilled the origin requirement of this Annex.

Article 6. Accumulation

1. Unless otherwise provided in this Annex, goods originating in a Member State, which are used in another Member State as materials for finished goods eligible for preferential tariff treatment, shall be considered to be originating in the latter Member State where manufacture or processing of the goods has taken place.

2. If the LVC of the material is less than forty percent (40%). it shall be cumulated (using the LVC criterion) in direct proportion to the actual domestic content provided that it is equal to or more than twenty percent (20%). The implementing guidelines are set out in Annex 2.

Article 7. Minimal operations and processes

1. The following operations or processes undertaken, by themselves or in combination with each other, are considered to be minimal and shall not be taken into account in determining whether a good has been originating in one Member State:

a/ Ensuring preservation of goods in good condition for the purposes of transport or storage;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c/ Packaging or presenting goods for sale.

2. A good originating in the territory of a Member State shall retain its initial originating status, when exported from another Member State, where minimal operations or processes referred to in Clause 1 of this Article have been undertaken.

Article 8. Direct consignment

1. Preferential tariff treatment shall be applied to goods satisfying the requirements of this Annex and which are consigned directly between the territories of the exporting Member State and the importing Member State.

2. The following shall be considered directly consigned:

a/ Goods transported from an exporting Member Stale to the importing Member State; or

b/ Goods transported through a non-Member State, provided that:

- The transit entry is justified for geographical reason or by consideration related exclusively to transport requirements;

- The goods have not entered into trade or consumption there; and

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 9. De Minimis

1. A good that does not undergo a change in tariff classification shall be considered originating if the value of all non-originating materials used in its production that do not undergo the required change in tariff classification does not exceed ten (10) percent of the FOB value of the good and the good meets all other requirements criteria set forth in this Annex.

2. The value of non-originating materials referred to in Clause 1 of this Article shall, however, be included in the value of non-originating materials for any applicable LVC requirement for the good.

Article 10. Packages and Packing Materials

1. Packaging and Packing Materials for retail sale:

a/ If a good is subject to the LVC-based rule of origin, the value of the packaging and packing materials for retail sale shall be considered to be forming a whole with the good and taken into account in its origin assessment.

b/ Where Point a. Clause 1 of this Article is not applicable, the packaging and packing materials for retail sale, when classified together with the packaged good, shall not be taken into account in considering whether all non-originating materials used in the manufacture of a product fulfils the criterion corresponding to a change of tariff classification of the said good.

2. The containers and packing materials exclusively used for the transport of a good shall not be taken into account for determining the origin of the said good.

Article 11. Accessories, spare parts and tools

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ The accessories, spare parts, tools and instructional or other informational materials are not invoiced separately from the good; and

b/ The quantities and value of the accessories, spare parts, tools and instructional or other informational materials are customary for the good.

2. If a good is subject to the LVC-based rule of origin, the value of the accessories, spare parts, tools and instructional or other informational materials shall be taken into account as the value of the originating or non-originating materials, as the case may be, in calculating the LVC of the originating good.

Article 12. Neutral elements

In order to determine whether a good originates, it is not necessary to determine the origin of the following which might be used in its production and not incorporated into the good:

1. Fuel and energy;

2. Tools, dies and moulds;

3. Spare parts and materials used in the maintenance of equipment and buildings;

4. Lubricants, greases, compounding materials and other materials used in production or used to operate equipment and buildings;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Equipment, devices and machines used for testing or inspecting the good;

7. Catalyst and solvent;

8. Any other goods that are not incorporated into the good but of which use in the production of the good can reasonably be demonstrated to be a part of that production.

Article 13. Identical and interchangeable materials

1. The determination of whether identical and interchangeable materials are originating materials shall be made either by physical segregation of each of the materials or by the use of generally accepted accounting principles of stock control applicable, or inventory management practice, in the exporting Member States.

2. Once a decision has been taken on the inventory management method, that method shall be used throughout the fiscal year.

Article 14. Certificate of origin

To be accepted as eligible for preferential tariff treatment, a good must have a certificate of origin (C/O) form S as set out in Annex 5 issued by a government authority designated by the exporting Member State and notified to the other Member States in accordance with Annex 4.

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

IMPLEMENTING GUIDELINES FOR PARTIAL CUMULATION UNDER THE VIETNAM-LAOS RULES OF ORIGIN
(To the Ministry of Industry and Trade's Circular No. 04/2010/TT-BCT of January 25,
2010, on implementation of the rules of origin provided in the Agreement between the Ministry of Industry and Trade of the Socialist Republic of Vietnam and the Ministry of Industry and Trade of the Lao People's Democratic Republic on rules of origin applicable to goods eligible for Vietnam-Laos preferential import tariff treatment)

For the purpose of implementing Clause 2, Article 6 of the Vietnam-Laos rules of origin (Annex 1):

1. A good is eligible for partial cumulation if at least twenty percent (20%) of the local value content (LVC) of the good is originating in the Member State where working or processing of the good has taken place;

2. LVC of the good specified in Clause 1 of this Annex shall be calculated in accordance with the formula provided in Article 5 of the Vietnam-Laos rules of origin;

3. A good exported subject to partial cumulation is not eligible for Vietnam-Laos preferential tariff treatment of the importing Member State;

4. Agood exported under this Agreement shall be accompanied by a valid C/O (form S) duly and prominently marked in the "Partial Cumulation" box;

5. The relevant sections of Annex 4, including Article 17 and Article 18, are applicable to C/O (form S) issued for partial cumulation purposes.

 

ANNEX 3

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

No

HS heading

Description

Counting unit

Quantity

1

87.14.19.60

Motorcycle gearshift lever

USD

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2

87.14.19.60

Main stand

USD

3

87.14.19.60

Kick stand

USD

4

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Front footrest

USD

5

87.14.19.60

Pillion footrest pedal

USD

6

87.14.19.60

Rear brake pedal

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7

6301.90.10

Blanket

Unit

130,000

8

8414.51

Electric fans of all kinds

Unit

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

9

8509.40.00

Fruit blender

Unit

80,000

10

8516.10.10

Electric water heater

Unit

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

11

8516.31.00

Hair dryer

Unit

40,000

12

8516.40

Electric iron

Unit

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

13

8516.60.10

Electric rice cooker

Unit

400,000

14

8516.60.20

Oven

Unit

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

15

8516.60.90

Electric hotpot

Unit

50,000

16

8516.79.10

Electric kettle

Unit

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

17

8535.90.90

Mosquito racket

Unit

10,000

 

ANNEX 4

OPERATIONAL PROCEDURES ON THE ISSUANCE AND VERIFICATION OF CERTIFICATE OF ORIGIN UNDER THE VEETNAM-LAOS RULES OF ORIGIN
(To the Ministry of Industry and Trade's Circular No. 04/2010/TT-BCT of January 25, 2010, on implementation of the rules of origin provided in the Agreement between the Ministry of Industry and Trade of the Socialist Republic of Vietnam and the Ministry of Industry and Trade of the Lao People's Democratic Republic on rules of origin applicable to goods eligible for Vietnam-Laos preferential import tariff treatment)

For the purpose of implementing the rules of origin provided in Annex 1, the following operational procedures on the issuance and verification of the Certificate of Origin (form S) and the other related administrative matters shall be observed.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. "Customs authority" means the competent authority that is responsible under the law of a Member State for the administration of customs laws and regulations;

2. "Exporter" means a natural or juridical person located in the territory of a Member State where a good is exported from by such a person;

3. "Importer" means a natural or juridical person located in the territory of a Member State where a good is imported into by such a person;

4. "Issuing authority" means the Government authority of the exporting Member State designated to issue a Certificate of Origin (form S) and notified to all the other Member States in accordance with this Annex; and

5. "Producer" means a natural or juridical person who carries out production in the territory of a Member State.

Article 2. Specimen signatures and official seals of C/O issuers

1. Each Member State shall provide a list of the names, addresses, specimen signatures and specimen of official seals of its C/O issuers, in hard copy and soft copy format to other Member States. Any change in the said list shall be promptly provided in the same manner.

2. The specimen signatures and official seals of the C/O issuers shall be updated biennially. Any C/O (form S) issued by an official not included in the list referred to in Clause 1 shall not be honored by the importing Member State.

Article 3. Documentary evidence

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 4. Pre-exportation examination

1. The producer and/or exporter of the good, or its authorized representative, shall apply to the C/O issuer, in accordance with the Member State's domestic laws and regulations, requesting pre-exportation examination of the origin of the good. The result of the examination, subject to review periodically or whenever appropriate, shall be accepted as the supporting evidence in determining the origin of the said good to be exported thereafter. Pre-exportation examination may not apply to the good of which, by its nature, origin can be easily determined.

2. For locally procured materials, self-declaration by the final manufacturer shall be used as a basis when applying for a C/O (form S).

Article 5. C/O application

At the time of carrying out the formalities for exporting the products under preferential treatment, the exporter or his/her authorized representative shall submit a written application for a C/O (form S) together with appropriate supporting documents proving that the products to be exported qualify for the issuance of a C/O (form S).

Article 6. Examination of C/O applications

The C/O issuer shall, to the best of its competence and ability, carry out proper examination, in accordance with the domestic laws and regulations of the Member State, upon each application for a C/O (form S) to ensure that:

1. The application and the C/O (form S) are duly completed and signed by the authorized signatory;

2. The origin of the product is in conformity with Annex 1;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Description, quantity and weight of goods, marks and number of packages, number and kinds of packages, as specified, conform to the products to be exported;

5. Multiple items declared on the same C/O shall be allowed provided that each item qualifies separately in its own right.

Article 7. C/O form S

1. The C/O must be on A4 size white paper in conformity to the specimen shown in Annex 5. It shall be made in English.

2. The C/O must comprise one original and two carbon copies.

3. Each C/O must bear a reference number separately given by each C/O issuer.

4. Each C/O must bear a handwritten signature and seal of each C/O issuer.

5. The original C/O shall be forwarded by the exporter to the importer for submission to the customs authority at the port or place of importation. The duplicate shall be retained by the C/O issuer in the exporting Member State. The triplicate shall be retained by the exporter.

Article 8. Indication of origin criterion

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 9. Correction of errors in C/O

Neither erasures nor superimpositions shall be allowed on a C/O. Any alteration shall be made by:

1. Striking out the erroneous materials and making any addition required. Such alterations shall be approved by an official authorized to sign the C/O and certified by the C/O issuers. Unused spaces shall be crossed out to prevent any subsequent addition; or

2. Issuing a new C/O to replace the erroneous one.

Article 10. C/O issuance

1. A C/O shall be issued at the time of exportation or soon thereafter whenever the products to be exported can be considered originating in that Member State according to the rules of origin provided in Annex 1.

2. In exceptional cases where a C/O has not been issued at the time of exportation or no later than three (3) days from the declared exportation date, due to involuntary errors or omissions or other valid causes, the C/O may be issued retroactively but no longer than one (1) year from the date of shipment and shall be duly and prominently marked in the "Issued Retroactively" box.

Article 11. C/O Loss

In the event of theft, loss or destruction of a C/O (form S), the exporter may apply in writing to the C/O issuers for a certified true copy of the original C/O to be made out on the basis of the export documents in their possession bearing the endorsement of the words "CERTIFIED TRUE COPY" in box 12. This copy must bear the date of issuance of the original C/O (form S). The certified true copy shall be issued no longer than one year from the date of issuance of the original C/O (form S).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. For the purpose of claiming preferential tariff treatment, the importer shall submit to the customs authority of the importing Member State at the time of carrying out import procedures a C/O (form S) including supporting documents (i.e. commercial invoices and, when required, the through bill of lading issued in the territory of the exporting Member State) and other documents as required in accordance with the domestic laws and regulations of the importing Member State.

2. In case a C/O (form S) is rejected by the customs authority of the importing Member State, it shall be marked in box 4 and sent back to the C/O issuer within an appropriate duration not exceeding sixty (60) days. The customs authority of the importing Member State shall also notify the C/O issuer of the rejection reason.

3. In case of rejection of a C/O (form S) referred to in Clause 2, the customs authority of the importing Member State may accept and examine justifications provided by the C/O issuer and reconsider whether such C/O (form S) is eligible for the preferential tariff treatment. Justifications of the C/O issuer must be detailed and clarify reasons furnished by the importing Member State for rejection.

Article 13. Validity of C/O (form S)

The following time limit for the presentation of a C/O (form S) shall be observed:

1. C/O (form S) is valid for twelve (12) months from the date of its issuance and must be submitted to the customs authorities of the importing Member State within that time limit.

2. Where the C/O (form S) is submitted to the customs authorities of the importing Member State after the expiration of the time limit provided in Clause 1 of this Article, such C/O (form S) is still to be accepted when failure to observe the time limit results from force majeure or other plausible causes beyond the control of the exporter; and

3. In all cases, the customs authorities in the importing Member State may accept such C/O (form S) provided that goods are imported before the expiration of the time limit of the said C/O (form S).

Article 14. Waiver of production of C/O

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 15. Minor discrepancies

1. Where the origin of the good is not in doubt, the discovery of minor discrepancies, such as differences between the statements made in the C/O and those made in the documents submitted to the customs authorities of the importing Member State for the purpose of carrying out the formalities for importing the goods shall not ipso-facto invalidate the C/O (form S). if it does in fact correspond to the products exported.

2. In cases the exporting Member State and importing Member State have different HS code classification for a good subject to preferential tariffs, the goods shall be released at the MFN duty rate or higher, depending on relevant rules of origin, and no penalty or other charges shall be imposed on the importer in accordance with regulations of the importing Member State. Once the HS code classification differences have been resolved, the correct preferential duty rate shall be applied and any overpaid duty shall be refunded, in accordance with relevant regulations of the importing Member State, after the issue has been resolved.

3. For multiple items declared under the same C/O (form S), a problem encountered with one of the items listed shall not affect or delay the granting of preferential tariff treatment and customs clearance of the remaining items listed in the C/O (form S). Clause 3 of Article 17 may be applied to the problematic items.

Article 16. Record keeping requirement

1. For the purposes of the origin verification process pursuant to Article 17 and Article 18, the producer and/or exporter applying for a C/O (form S) shall, subject to the domestic laws and regulations of the exporting Member State, keep its supporting records for application for three (3) years from the date of issuance of the C/O (form S).

2. The application for C/O (form S) and all documents related to such application shall be retained by the C/O issuers for three (3) years from the date of issuance.

3. Information relating to the validity of the C/O (form S) shall be furnished upon request of the importing Member State by an official authorized to sign the C/O (form S) and certified by the appropriate Government authorities.

4. Any information communicated between the Member States concerned shall be treated as confidential and shall be used for the validation of C/O (form S) purposes only.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The importing Member State may request the C/O issuer of the exporting Member State to conduct a retroactive check at random and/or when it has reasonable doubt as to the authenticity of the document or as to the accuracy of the information regarding the true origin of the products in question or of certain parts thereof. Upon such request, the C/O issuer of the exporting Member State shall conduct a retroactive check on a producer/exporter's cost statement based on the current cost and prices, within a six-month timeframe, specified at the date of exportation subject to the following conditions:

1. The request for retroactive check shall be accompanied with the C/O (form S) concerned and shall specify the reasons and any additional information suggesting that the particulars given on the said C/O (form S) may be inaccurate, unless the retroactive check is requested on a random basis;

2. The C/O issuer receiving a request for retroactive check shall respond to the request promptly and reply within ninety (90) days after the receipt of the request;

3. The customs authorities of the importing Member State may suspend the provisions on preferential treatment while awaiting the result of verification. However, they may release the products to the importer subject to any administrative measures as necessary, provided that they are not held to be subject to import prohibition or restriction and there is no suspicion of fraud;

4. The C/O issuer shall promptly transmit the results of the verification process to the importing Member State which shall then determine whether the subject good is originating. The entire process of retroactive check including the process of notifying the C/O issuer of the exporting Member State the result of determination whether the good is originating shall be completed within one hundred and eighty (180) days. While awaiting the results of the retroactive check, Clause 3 of this Article shall be applied.

Article 18. Verification visits

If the importing Member State is not satisfied with the outcome of the retroactive check mentioned in Article 17, it may, under exceptional cases, request verification visits to the exporting Member State.

1. Prior to a verification visit to the exporting Member State, the importing Member State, shall:

a/ Deliver a written notification of its intention to conduct the verification visit to:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- The C/O issuer of the exporting Member State in whose territory the verification visit is to occur;

- The customs authority of the Member State in whose territory the verification visit is to occur; and

- The importer of the product subject of the verification visit.

b/ The written notification mentioned at Point a. Clause 1 of this Article shall be as comprehensive as possible including, among others:

- The name of the customs authority issuing the notification;

- The name of the exporter or producer whose premises are to be visited;

- The proposed date for the verification visit;

- The coverage of the proposed verification visit, including reference to the product subject of the verification: and

- The names and designation of the officials performing the verification visit;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. When a written consent from the exporter or producer is not obtained within thirty (30) days upon receipt of the notification pursuant to Point a. Clause 1 of this Article, the importing Member State may deny preferential treatment to the product that would have been subject of the verification visit;

3. The C/O issuer receiving the notification may postpone the proposed verification visit and notify the importing Member State of such intention. Notwithstanding any postponement, any verification visit shall be carried out within sixty days (60) days from the date of such receipt, or for a longer period as the concerned Member States may agree.

4. The Member State conducting the verification visit shall provide the exporter or producer whose product is the subject of the verification and the relevant C/O issuer with a written determination of whether the subject product qualifies as an originating product.

5. Any suspended preferential treatment shall be reinstated upon the written determination mentioned in Clause 4 of this Article that the good qualifies as an originating good.

6. The exporter or producer will be allowed within thirty (30) days, from receipt of the written determination, to provide in writing comments or additional information regarding the eligibility of the product. If the product is still found to be non-originating, the final written determination will be communicated to the C/O issuer within thirty (30) days from receipt of the comments or additional information from the exporter or producer.

7. The verification visit process, including the actual visit and determination of whether the subject product is originating, shall be carried out and its results communicated to the C/O issuers within a maximum of one hundred and eighty (180) days. While awaiting the results of the verification visit, Clause 3 of Article 17 shall be applied.

Article 19. Confidentiality of information

Member States shall maintain, in accordance with their laws, the confidentiality of classified business information collected in the process of verification mentioned in Article 17 and Article 18 and shall protect that information from disclosure that could prejudice the competitive position of the person who provided the information. The classified business information may only be disclosed to those authorities responsible for the administration and enforcement of origin determination.

Article 20. Documents for direct consignment

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. A through Bill of Lading issued in the exporting Member State;

2. A C/O (form S) issued by the C/O issuer of the exporting Member State;

3. A copy of the commercial invoice; and

4. Supporting documents in evidence that the requirements of direct consignment are being complied with.

Article 21. Goods for exhibition

1. Goods sent from an exporting Member State for exhibition in another Member State and sold during or after the exhibition for importation into a Member State shall benefit from the Vietnam-Laos preferential tariff treatment on the condition that the goods meet the requirements of the rules of origin provided in Annex 1 and provided that it is shown to the satisfaction of the relevant customs authorities of the importing Member State that:

a/ An exporter has dispatched those goods from the territory of the exporting Member State to the Member State where the exhibition is held and has exhibited them there;

b/ The exporter has sold the goods or transferred them to a consignee in the importing Member State;

c/ The goods have been consigned during the exhibition or immediately thereafter to the importing Member State in the state in which they were sent for the exhibition.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Clause 1 of this Article shall apply to any trade, agricultural or crafts exhibition, fair or similar show or display in shops or business premises with a view to selling foreign products and where the products remain under customs control during the exhibition.

Article 22. Third country invoicing

1. Customs authorities in the importing Member State shall accept C/O (form S) in case the commercial invoice is issued either by a company located in a non-Member State or by a Vietnamese or Lao exporter for the account of the said company, provided that the good meets the requirements of the rules of origin provided in Annex 1.

2. The exporter shall tick in the "Third country invoicing" box and indicate such information as the name and country of the company issuing the invoice in the C/O (form S).

Article 23. Action against fraudulent acts

1 When it is suspected that fraudulent acts in connection with a C/O (form S) have been committed, the Government authorities concerned shall cooperate in the action to be taken in the respective Member State against the persons involved.

2. Each Member State shall provide legal sanctions for fraudulent acts related to a C/O (form S).

Article 24. Contact offices

1. Contact offices of the Government authorities concerned of the two Member States are:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- For Laos: The Import and Export Department of the Ministry of Industry and Trade

2. Each Member State shall provide the other with the name, address, telephone number, fax number and e-mail address of its contact office after endorsing this Agreement and notify each other of any change in such information within thirty (30) days from the date of occurrence of such change.

 

ANNEX 5

C/O FORM S
(To the Ministry of Industry and Trade's Circular No. 04/2010/TT-BCT of January 25, 2010, on implementation of the rules of origin provided in the Agreement between the Ministry of Industry and Trade of the Socialist Republic of Vietnam and the Ministry of Industry and Trade of the Lao People's Democratic Republic on rules of origin applicable to goods eligible for Vietnam-Laos preferential import tariff treatment)

 

OVERLEAF NOTES

1. Parties which accept this form for the purpose of preferential treatment under the Vietnam-Laos Preferential Tariff Agreement:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. CONDITIONS: The main conditions for admission to the preferential treatment under the Vietnam-Laos Preferential Tariff Agreement are that goods sent to any Party listed above must:

(i) fall within a description of products eligible for concessions in the country of destination;

(ii) comply with the consignment conditions in accordance with Article 8 of Rules of Origin for the Vietnam-Laos Preferential Tariff Agreement (Vietnam-Laos ROO); and

(iii) comply with the origin criteria set out in Vietnam-Laos ROO.

3. ORIGIN CRITERIA: For goods that meet the origin criteria, the exporter and/or producer must indicate in Box 8 of this Form, the origin criteria met, in the manner shown in the following table:

Circumstances of production or manufacture in the first country named in Box 11 of this form

Insert in Box 8

(a)  Goods satisfying Article 3 of Vietnam-Laos ROO (wholly obtained or produced in the exporting Party)

WO

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

• Local Value Content

• Change in Tariff Classification at four-digit level

Percentage of Vietnam-Laos value content, example: LVC (40%)

CTH

(c)  Goods satisfying Article 6(2) of Vietnam-Laos ROO

"PC x%", where x would be the percentage of Vietnam-Laos value content of less than 40%, example "PC 25%"

4. EACH ARTICLE MUST QUALIFY: It should be noted that all the goods in a consignment must qualify separately in their own right. This is of particular relevance when similar articles of different sizes or spare parts are sent.

5. DESCRIPTION OF PRODUCTS: The description of products must be sufficiently detailed to enable the products to be identified by the Customs Officers examining them. Name of manufacturer, any trade mark shall also be specified.

6. HARMONISED SYSTEM NUMBER: The Harmonised System number shall be that of in ASEAN Harmonised Tariff Nomenclature (AHTN) Code of the importing Party.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

8. FOR OFFICIAL USE: The Customs Authority of the importing Party must indicate (V) in the relevant boxes in column 4 whether or not preferential treatment is accorded.

9. MULTIPLE ITEMS: For multiple items declared in the same Form S, if preferential treatment is not granted to any of the items, this is also to be indicated accordingly in box 4 and the item number circled or marked appropriately in box 5.

10. THIRD COUNTRY INVOICING: In cases where invoices are issued by a third country, "the Third Country Invoicing" box should be ticked (VV) and such information as name and country of the company issuing the invoice shall be indicated in box 7.

11. EXHIBITIONS: In cases where goods are sent from the territory of the exporting Party for exhibition in another Party and sold during or after the exhibition for importation into the territory of such Party, in accordance with Rule 21 of the Operational Certification Procedures, the "Exhibitions" box should be ticked (V) and the name and address of the exhibition indicated in box 2.

13. ISSUED RETROACTIVELY: In exceptional cases, due to involuntary errors or omissions or other valid causes, the Certificate of Origin (Form S) may be issued retroactively, in accordance with Rule 10(2) of the Operational Certification Procedures, the "Issued Retroactively" box should be ticked (V).

14. ACCUMULATION: In cases where originating in a Party is used in the other Party as materials for a finished good, in accordance with Article 6 of the Vietnam-Laos ROO, the "Accumulation" box should be ticked (V).

15. PARTIAL CUMULATION (PC): If the Local Value Content of material is less than 40%, the Certificate of Origin (Form S) may be issued for cumulation purposes, in accordance with Article 6(2) of the Vietnam-Laos ROOt the "Partial Cumulation" box should be ticked (V).

16. DE MINIMIS: If the value of all non-originating materials used in its production that do not undergo the required change in tariff classification does not exceed ten (10) percent of the FOB value of the good, in accordance with Article 9 of the Vietnam-Laos ROO, the "De Minimis" box should be ticked (V).

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 04/2010/TT-BCT ngày 25/01/2010 thực hiện quy tắc xuất xứ trong Bản Thoả thuận giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Công thương Lào về quy tắc xuất xứ áp dụng cho các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu Việt Nam - Lào do Bộ Công thương ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


14.775

DMCA.com Protection Status
IP: 18.222.166.127
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!