TỔNG
CỤC HẢI QUAN
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
04/2000/TT-TCHQ
|
Hà
Nội, ngày 09 tháng 6 năm 2000
|
THÔNG TƯ
CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 04/2000/TT-TCHQ NGÀY 09 THÁNG 06
NĂM 2000 HƯỚNG DẪN ĐIỀU 16 QUYẾT ĐỊNH SỐ 242/1999/QĐ-TTG NGÀY 30/12/1999 CỦA THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC ĐIỀU HÀNH XUẤT NHẬP KHẨU NĂM 2000 ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ PHI
MẬU DỊCH
Căn cứ Nghị định số
16/1999/NĐ-CP ngày 27/03/1999 của Chính phủ quy định về thủ tục hải quan, giám
sát hải quan và lệ phí hải quan;
Căn cứ Nghị định số 17/CP ngày 06/02/1995 và Nghị định số 79/1998/NĐ- CP
ngày 29/09/1998 của Chính phủ ban hành Tiêu chuẩn hành lý miễn thuế của khách
xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 242/1999/QĐ-TTg ngày 30/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ
về điều hành xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2000;
Sau khi thống nhất với Bộ Thương mại (công văn số 1557/TM-XNK ngày 18/04/2000),
Bộ Giao thông Vận tải (công văn số 1178/GTVT-KHĐT ngày 21/04/2000), Bộ Tài
Chính (Công văn số 1706 TC/TCT ngày 05/05/2000), Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực
hiện Điều 16 Quyết định số 242/1999/QĐ-TTg ngày 30/12/1999 của Thủ tướng Chính
phủ về việc điều hành xuất nhập khẩu năm 2000 đối với hàng hoá phi mậu dịch như
sau:
I. QUY ĐỊNH
CHUNG:
1. Thông tư này áp dụng đối với
hàng hoá xuất nhập khẩu phi mậu dịch bao gồm hàng hoá xuất nhập khẩu không theo
hợp đồng thương mại, quà biếu tặng và hành lý cá nhân của hành khách xuất nhập
cảnh qua các cửa khẩu Việt Nam trên cơ sở quy định tại các văn bản sau đây:
1.1. Quyết định số
242/1999/QĐ-TTg ngày 30/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều hành
xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2000:
- Điều 16 quy định: "...áp
dụng cho cả hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá chính ngạch, tiểu ngạch và
hàng phi mậu dịch."
- Điểm 7.II, phụ lục số 01 quy định:
"Hàng tiêu dùng đã qua sử dụng bao gồm các nhóm hàng:
+ Hàng dệt may, giầy dép, quần
áo.
+ Hàng điện tử.
+ Hàng điện lạnh.
+ Hàng điện gia dụng.
+ Hàng trang trí nội thất.
+ Hàng gia dụng bằng gốm, sứ,
sành, thuỷ tinh, kim loại, nhựa, cao su, chất dẻo và chất liệu khác".
Hàng tiêu dùng đã qua sử dụng
thuộc các nhóm hàng nêu trên nếu là tài sản di chuyển, hàng hóa phục vụ nhu cầu
cá nhân thuộc thân phận ngoại giao của các nước, các tổ chức quốc tế và hành lý
cá nhân theo định lượng thì không thuộc diện cấm nhập khẩu.
1.2. Khoản 2, Điều 2, Nghị định
số 16/1999/NĐ-CP ngày 27/03/1999 của Chính phủ về thủ tục hải quan, giám sát hải
quan và lệ phí hải quan quy định: "hành lý là vật dụng cần thiết cho nhu cầu
sinh hoạt hoặc mục đích chuyến đi của khách xuất cảnh, nhập cảnh lãnh thổ Việt
Nam và của người làm việc trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh
lãnh thổ Việt Nam".
1.3. Quy định Bản tiêu chuẩn
hành lý miễn thuế của khách xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu Việt Nam ban hành
kèm theo Nghị định số 17/CP ngày 06/02/1995 và Nghị định số 79/1998/NĐ-CP ngày
29/09/1998 của Chính phủ (được đính kèm theo Thông tư này). Trong đó, tại hàng
số 5 Bản tiêu chuẩn hành lý miễn thuế của khách xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu
Việt Nam có ghi rõ "Các vật phẩm khác ngoài tiêu chuẩn hành lý đã ghi ở
các hàng số 1, 2, 3, 4 nêu trên (không phải là hàng cấm) khi xuất, nhập cảnh có
hộ chiếu được mang theo với tổng trị giá miễn thuế không quá 300 USD...".
Các vật phẩm quy định tại hàng số 5 của Bản tiêu chuẩn hành lý miễn thuế là những
vật phẩm thuộc hành lý cá nhân của khách xuất, nhập cảnh (không phải là hàng
hoá).
2. Thông tư này không áp dụng đối
với các đối tượng được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao (quy định tại
Nghị định số 73/CP ngày 30/7/1994 của Chính phủ), các đối tượng được mua hàng tại
các cửa hàng miễn thuế (quy định tại Quyết định số 205/1998/QĐ-TTg ngày 19/10/1998
của Thủ tướng Chính phủ), các đối tượng là chuyên gia nước ngoài thực hiện
chương trình, dự án ODA ở Việt Nam (quy định tại Quyết định số 211/1998/QĐ-TTg
ngày 31/10/1998 của Thủ tướng Chính phủ), một số chính sách đối với người Việt
Nam ở nước ngoài (quy định tại Quyết định số 210/1999/QĐ-TTg ngày 27/10/1999 của
Thủ tướng Chính phủ) và tài sản di chuyển.
II. HÀNH LÝ CỦA
HÀNH KHÁCH XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH:
1. Hành lý được phép xuất nhập
qua các cửa khẩu Việt Nam là những vật dụng không thuộc danh mục hàng hoá cấm
xuất khẩu, cấm nhập khẩu quy định tại phụ lục số 01A (trừ mặt hàng đã được
Chính phủ cho phép nhập khẩu theo định lượng) và danh mục hàng hoá nhập khẩu có
giấy phép của Bộ Thương mại quy định tại phụ lục số 02 kèm theo Thông tư số
05/2000/TT-BTM ngày 21/02/2000 của Bộ Thương mại (trừ mặt hàng được Bộ Thương mại
cho phép nhập).
2. Hành lý theo quy định của Bản
tiêu chuẩn hành lý miễn thuế của khách xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu Việt Nam
ban hành kèm theo Nghị định số 17/CP ngày 06/02/1995 và Nghị định số
79/1998/NĐ-CP ngày 29/09/1998 của Chính phủ bao gồm:
2.1. Những mặt hàng được quy định
theo định lượng tại các hàng số 1, 2, 3 của Bản tiêu chuẩn hành lý miễn thuế.
2.2. Quần áo, đồ dùng mang tính
chất hành lý phục vụ cho mục đích chuyến đi theo quy định tại hàng số 4 không
mang tính chất trao đổi mua bán (không phải là hàng hoá). Những đồ dùng thuộc
hành lý cá nhân mang theo để phục vụ cho mục đích của chuyến đi ( như đi biểu
diễn, quay phim, hội thảo, hội nghị...) sau đó sẽ tái xuất hoặc tái nhập thì
khi qua cửa khẩu phải khai báo tạm nhập - tái xuất hoặc tạm xuất - tái nhập với
Hải quan cửa khẩu.
2.3. Các vật phẩm (không phải là
hàng hoá) quy định tại hàng số 5 và hàng tiêu dùng đã qua sử dụng thuộc các
nhóm mặt hàng quy định tại điểm 7.II, phụ lục số 01, Quyết định số
242/1999/QĐ-TTg ngày 30/12/1999 của Thủ Tướng Chính phủ khi nhập cảnh chỉ được
mang theo với tổng trị giá của các vật phẩm và hàng tiêu dùng đã qua sử dụng được
miễn thuế không quá 300 USD (căn cứ Bảng giá tối thiểu của hàng tiêu dùng đã
qua sử dụng để làm căn cứ tính giá trị) và thực hiện một số quy định cụ thể như
sau:
- Đối với mặt hàng nguyên chiếc,
đơn chiếc, nguyên bộ như: ti vi, dàn âm thanh, radio cassette, đầu video, máy
quay camera, tủ lạnh, máy điều hoà nhiệt độ, máy giặt, bàn ghế chỉ được phép nhập
mỗi loại mặt hàng một chiếc, một cái, một bộ. Trường hợp những mặt hàng nguyên
chiếc, nguyên cái, nguyên bộ có trị giá vượt 300 USD thì phải nộp 100% thuế đối
với mặt hàng đúng theo quy định.
- Hàng tiêu dùng đã qua sử dụng
cấm nhập khẩu nếu nhập tập trung vào một, hai mặt hàng thì được coi là nhập
hàng cấm và bị xử lý theo quy định của Pháp luật hiện hành.
- Các vật phẩm không thuộc danh
mục quy định tại các phụ lục số 01A, phụ lục số 02 kèm theo Thông tư số
05/2000/TT-BTM ngày 21/2/2000 của Bộ Thương mại nếu không phải là nguyên cái,
nguyên chiếc, nguyên bộ mà số lượng nhiều nhập tập trung vào một, hai mặt hàng
thì không được hưởng tiêu chuẩn hành lý miễn thuế 300 USD.
3. Nếu mặt hàng thuộc danh mục
hàng quản lý chuyên ngành phải thực hiện theo quy định của Bộ, ngành quản lý
chuyên ngành.
III. HÀNG HOÁ
XUẤT NHẬP KHẨU KHÔNG THEO HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI; QUÀ BIẾU, TẶNG:
1. Không xuất khẩu, nhập khẩu
các hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và danh mục
hàng hoá nhập khẩu có giấy phép của Bộ Thương mại quy định tại phụ lục số 01A
và phụ lục số 02 kèm theo Thông tư số 05/2000/TT-BTM ngày 21/02/2000 của Bộ
Thương mại.
2. Đối với hàng xuất khẩu, nhập
khẩu thuộc danh mục hàng quản lý chuyên ngành phải thực hiện theo quy định của
Bộ, ngành quản lý chuyên ngành.
IV. XỬ LÝ VI
PHẠM:
Mọi hành vi vi phạm các quy định
tại thông tư này sẽ bị xử lý theo các quy định hiện hành của pháp luật Việt
Nam.
V. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN:
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày ký.
2. Bãi bỏ các văn bản sau đây do
Tổng cục Hải quan ban hành:
- Thông tư số 11/1998/TT-TCHQ
ngày 01/12/1998 của Tổng cục Hải quan về hướng dẫn thủ tục hải quan đối với vật
phẩm, hàng hóa xuất nhập khẩu theo chế độ quà biếu, tặng.
- Thông tư 07/1998/TT-TCHQ ngày
14/10/1998 của Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/CP ngày
6/02/1995 và Nghị định số 79/1998/NĐ-CP ngày 29/09/1998 của Chính phủ về tiêu
chuẩn hành lý miễn thuế của khách xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu Việt Nam.
3. Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh,
thành phố chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện các quy định tại Thông tư
này và niêm yết công khai ở những nơi quy định để mọi người biết và thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, nếu
có vướng mắc phát sinh, yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tập hợp báo
cáo Tổng cục Hải quan để được chỉ đạo giải quyết.