BỘ NGOẠI GIAO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 17/2014/TB-LPQT
|
Hà Nội, ngày 03
tháng 3 năm 2014
|
THÔNG BÁO
VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định tại Khoản 3, Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc
tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
Hiệp định về thương mại tự do giữa
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa
Chi Lê, ký tại Ha-oai, Hoa Kỳ ngày 11 tháng 11 năm 2011, được sửa đổi vào tháng
5 và tháng 11 năm 2013, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao
Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên (kèm
theo 04 Công hàm về việc sửa đổi trên).
Do Hiệp định được ký bằng ba thứ tiếng
(tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh) và bản Phụ lục kèm theo Hiệp định
rất dày (khoảng 500 trang cho mỗi thứ tiếng) nên Bộ Ngoại giao xin chỉ gửi sao
lục bản tiếng Việt và tiếng Anh của Phụ lục cho Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và
Công nghệ, Bộ Tài chính là các cơ quan trực tiếp thực hiện Hiệp định này./.
|
TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Ngự
|
HIỆP ĐỊNH
THƯƠNG
MẠI TỰ DO GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA CHI LÊ
MỤC
LỤC
Lời mở đầu
Chương 1: Điều khoản ban đầu
Chương 2: Định nghĩa chung
Chương 3: Thương mại hàng hóa
Chương 4: Quy tắc xuất xứ
Chương 5: Quản lý hải quan
Chương 6: Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật
Chương 7: Quy chuẩn kỹ thuật, tiêu
chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp
Chương 8: Phòng vệ thương mại
Chương 9: Hợp tác
Chương 10: Minh bạch hóa
Chương 11: Hành chính
Chương 12: Giải quyết tranh chấp
Chương 13: Ngoại lệ
Chương 14: Điều khoản cuối cùng
LỜI MỞ ĐẦU
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Chi Lê, sau
đây được gọi là "các Bên":
Xuất phát từ tình hữu nghị và hợp tác lâu đời và quan hệ thương mại đang gia tăng giữa các Bên;
Mong muốn mở rộng khuôn khổ hợp tác giữa các Bên thông qua
tự do hóa thương mại hơn nữa;
Thừa nhận việc tăng cường quan hệ đối tác kinh tế sẽ mang lại
những lợi ích về kinh tế và xã hội, tạo ra những cơ hội việc
làm mới và cải thiện mức sống của người dân các Bên;
Thừa nhận trình độ phát triển kinh tế khác nhau giữa các
Bên cũng như nhu cầu tạo thuận lợi mở rộng xuất khẩu, bao gồm, đặc biệt là, thông qua nâng cao năng lực, hiệu quả
và sức cạnh, tranh trong nước của các Bên;
Xây dựng dựa trên các quyền và nghĩa vụ tương ứng của Tổ chức Thương mại thế giới
(WTO);
Nhắc lại những mục tiêu Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình
Dương (APEC);
Khẳng định cam kết chung của các Bên đối với
thuận lợi hóa thương mại thông qua thương mại giữa các Bên;
Mong muốn tăng cường khuôn khổ hợp tác cho các hành vi quan hệ kinh tế để đảm bảo cho nó năng động và khuyến khích hợp tác kinh tế rộng và sâu
hơn;
Thừa nhận nhu cầu duy trì linh hoạt để bảo vệ phúc lợi công cộng;
Nhận thức rằng sự phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường là những cấu thành của phát triển bền vững
và các hiệp định thương mại tự do có thể đóng vai trò quan
trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững; và
Quyết tâm thúc đẩy thương mại song phương thông qua việc thiết lập những nguyên
tác thương mại rõ ràng và thuận lợi cho cả hai Bên và
tránh các hàng rào thương mại,
Đã nhất trí như sau:
Chương 1
ĐIỀU KHOẢN BAN ĐẦU
Điều 1.1: Thành lập
Khu vực Thương mại Tự do
Các Bên, phù hợp với Điều XXIV của Hiệp
định chung về Thuế quan và Thương mại 1994 bằng Hiệp định này thành lập một khu
vực thương mại tự do.
Điều 1.2: Mối
quan hệ với các Hiệp định khác
Các Bên khẳng định các quyền và nghĩa
vụ hiện có của mình đối với Bên kia được quy định trong Hiệp
định WTO và các hiệp định khác mà các Bên là thành viên.
Chương 2
ĐỊNH NGHĨA CHUNG
Điều 2.1: Định nghĩa áp dụng
chung
Trong Hiệp định này, trừ khi được quy định cụ thể
khác, một số thuật ngữ được hiểu như sau:
Hiệp định về xác định trị giá hải quan nghĩa
là Hiệp định Thực thi Điều VII của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại
1994, được quy định tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;
Hội đồng nghĩa là Hội đồng Thương mại tự do
được thành lập tại Điều 11.1 (Hội đồng Thương mại tự do);
Cơ quan hải quan nghĩa là cơ quan, theo luật
của từng Bên, chịu trách nhiệm quản lý và thực thi luật hải quan của mình:
(a) đối với Việt Nam, Tổng cục Hải quan Việt Nam,
và
(b) đối với Chi Lê, Tổng cục Hải quan Chi Lê;
thuế quan nghĩa là thuế đánh vào hàng hóa nhập
khẩu nhưng không bao gồm:
(a) khoản phí tương đương với thuế nội địa, bao gồm
thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bán hàng, thuế hàng hóa và dịch vụ áp dụng phù hợp
với cam kết của một Bên theo đoạn 2 Điều 3 GATT 1994;
(b) thuế chống bán phá giá hoặc thuế đối kháng hoặc
thuế tự vệ được áp dụng phù hợp với Chương 8 (Phòng vệ thương mại); hoặc
(c) lệ phí hoặc các khoản phí khác tương ứng với
phí dịch vụ tương đương phải nộp, và không nhằm bảo hộ trực tiếp hoặc gián tiếp
đối với hàng hóa trong nước hoặc thuế nhập khẩu vì mục đích thu ngân sách;
ngày nghĩa là ngày dương lịch, bao gồm cả
ngày cuối tuần và các ngày nghỉ lễ;
GATT 1994 nghĩa là Hiệp định chung về Thuế
quan và Thương mại 1994, được quy định tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;
Hệ thống hài hòa (HS) nghĩa là Hệ thống Mô tả
và Mã số Hàng hóa hài hòa được điều chỉnh bởi Công ước quốc tế về Hệ thống Mô tả
và Mã số Hàng hóa hài hòa, bao gồm các Nguyên tắc chung về Giải thích, các Ghi
chú theo Phần, Ghi chú theo Chương, và các sửa đổi, và được các Bên thông qua
và thực thi trong luật thuế quan của mình;
nhóm nghĩa là bốn số đầu tiên trong số phân
loại thuế quan theo Hệ thống hài hòa (HS);
biện pháp
nghĩa là bất kỳ biện pháp nào được một Bên thi hành, dù dưới
hình thức luật, quy định, quy tắc, thủ tục, thực tiễn, quyết định, hoạt động
hành chính hoặc bất kỳ hình thức nào khác;
hàng hóa xuất xứ nghĩa là hàng hóa đáp ứng quy định
là hàng hóa xuất xứ phù hợp với Chương 4 (Quy tắc xuất xứ);
người
nghĩa là bao gồm cả pháp nhân và thể nhân;
công bố
bao gồm công bố dưới hình thức văn bản hoặc trên mạng internet;
Hiệp định SPS nghĩa là Hiệp định của WTO về Áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ;
phân nhóm
nghĩa là sáu số đầu tiên trong số phân loại thuế quan theo
Hệ thống hài hòa (HS);
lãnh thổ nghĩa
là:
(a) đối với Việt Nam, lãnh thổ đất liền,
các hải đảo, nội thủy, lãnh hải và vùng trời phía trên đó, vùng biển ngoài vùng
lãnh thổ, bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển mà nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán phù hợp với pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế; và
(b) đối với Chile, đất liền, vùng biển
và vùng trời thuộc chủ quyền của Chi Lê và vùng đặc quyền
kinh tế, thềm lục địa mà Chi Lê thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán phù
hợp với luật pháp quốc tế và luật
pháp quốc gia.
WTO nghĩa là Tổ chức Thương mại Thế giới; và
Hiệp định WTO nghĩa là Hiệp định Marrakesh về Thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới, hoàn thành ngày 15 tháng 4 năm 1994.
Chương 3
THƯƠNG MẠI HÀNG HÓA
Điều 3.1: Định
nghĩa
Trong Chương này, một số thuật ngữ được hiểu như sau:
Hiệp định Nông nghiệp nghĩa là Hiệp định về Nông nghiệp được quy định tại
Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;
nông sản có nghĩa là những hàng
hóa được nêu trong Điều 2 của Hiệp định Nông nghiệp;
trợ cấp
xuất khẩu nông sản có
nghĩa như đã được định nghĩa ở Điều
1(e) của Hiệp định Nông nghiệp bao gồm bất kỳ sự sửa đổi nào của Điều này;
giao dịch lãnh sự có nghĩa là những yêu cầu hàng hóa của một Bên muốn xuất khẩu sang
lãnh thổ của Bên kia trước tiên phải được nộp cho đại diện Lãnh sự của Bên nhập
khẩu tại lãnh thổ Bên xuất khẩu để lấy hóa đơn lãnh sự hoặc
thị thực lãnh sự đối với các hóa đơn thương mại, chứng nhận
xuất xứ, bản kê khai hàng hóa chở trên
tàu, tờ khai khai xuất khẩu của chủ tàu, hoặc bất kỳ chứng
từ hải quan nào khác liên quan hoặc được yêu cầu nhập khẩu;
cấp phép nhập khẩu có nghĩa là một thủ tục hành chính yêu cầu nộp đơn hoặc chứng từ khác
(ngoài các giấy tờ thường yêu cầu cho
mục đích thông quan) cho một cơ quan hành chính liên quan như là một điều kiện
ban đầu để nhập khẩu hàng hóa vào lãnh thổ của Bên nhập khẩu;
yêu cầu về thực hiện có nghĩa là yêu cầu rằng:
(a) một mức độ hoặc tỷ lệ nhất
định hàng hóa phải được xuất khẩu;
(b) hàng hóa của Bên cấp phép nhập khẩu
được thay thế cho hàng nhập khẩu;
(c) bên được hưởng lợi từ giấy phép
nhập khẩu tiến hành mua các hàng hóa và dịch vụ khác tại lãnh thổ của Bên cấp
giấy phép nhập khẩu hoặc dành sự ưu đãi cho hàng hóa sản xuất trong nước;
(d) bên được hưởng lợi từ giấy phép nhập khẩu sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tại lãnh thổ của
Bên cấp phép nhập khẩu với một mức độ hoặc hàm lượng nội địa nhất định; hoặc
(e) gắn khối lượng hoặc giá trị hàng
nhập khẩu với khối lượng hoặc giá trị hàng xuất khẩu hoặc với lượng ngoại
hối thu được dưới bất cứ hình thức nào.
công nhận
là việc một Bên thừa nhận một chỉ dẫn địa lý cụ thể của
Bên kia. Sự bảo hộ một chỉ dẫn địa lý như vậy trên lãnh thổ của mỗi Bên được
xác lập phù hợp với các quy định pháp luật quốc gia tương ứng của mỗi Bên.
TRIPS Agreement là Hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến
thương mại, nằm trong Phụ lục 1C của
Hiệp định WTO.
Điều 3.2: Phạm
vi và diện áp dụng
Trừ phi có quy định khác, Chương này
áp dụng đối với thương mại hàng hóa của một Bên.
Điều 3.3: Đối xử
quốc gia
1. Mỗi Bên phải dành đối xử quốc gia
cho hàng hóa của Bên kia phù hợp với
Điều III của Hiệp định GATT 1994 cùng với các ghi chú diễn
giải của Điều này, và Điều III của Hiệp
định GATT 1994 cùng với các ghi chú diễn giải đó, cùng với những sửa đổi (nếu có), được
đưa vào thành một phần của Hiệp định này.
2. Các quy định của đoạn 1 về đối xử
quốc gia cũng phải được áp dụng đối với tất cả các luật, quy định và những biện
pháp khác bao gồm cả ở chính quyền địa phương dưới cấp quốc
gia.
Điều 3.4: Cắt
giảm và/hoặc xóa bỏ thuế quan
1. Trừ phi được
quy định khác trong Hiệp định này, không Bên nào có thể tăng
bất kỳ thuế quan nào đang có hiệu lực hoặc áp dụng thuế
quan mới đối với một hàng hóa có xuất xứ.
2. Trừ phi được quy định khác trong
Hiệp định này, mỗi Bên phải cắt giảm và/hoặc xóa bỏ dần thuế
quan đối với hàng hóa có xuất xứ phù hợp với Biểu cam kết
của mỗi Bên tại Phụ lục 3-B.
3. Nếu một Bên giảm mức thuế nhập khẩu
MFN áp dụng sau thời điểm có hiệu lực của Hiệp định này,
theo yêu cầu của Bên kia, các Bên phải tiến hành tham vấn
để xem xét việc sửa đổi các cam kết thuế quan tại Ủy ban Thương mại Hàng hóa theo đoạn 4, Điều 3.12 của Hiệp định này.
4. Theo yêu cầu của một Bên, các Bên
phải tiến hành tham vấn để xem xét đẩy nhanh việc cắt giảm
và/hoặc xóa bỏ thuế quan được quy định trong các Biểu cam
kết tại Phụ lục 3-B. Một thỏa thuận giữa hai Bên nhằm đẩy nhanh việc cắt giảm
và/hoặc xóa bỏ thuế quan đối với một mặt hàng sẽ thay thế cho mức thuế hoặc
danh mục cắt giảm thuế được quy định ở Biểu cam kết của các Bên trong Phụ lục 3-B đối với mặt hàng đó.
5. Bất kỳ sự sửa đổi nào về cam kết
thuế quan liên quan tới đoạn 3 và 4 ở trên đều sẽ có hiệu lực sau khi được Ủy ban thông qua và sau khi mỗi Bên hoàn thành các thủ
tục pháp lý trong nước.
6. Một Bên có thể đơn phương đẩy nhanh lộ trình cắt giảm và/hoặc xóa bỏ
thuế quan quy định ở Biểu cam kết tại Phụ lục 3-B vào bất
kỳ thời điểm nào đối với hàng hóa có xuất xứ từ Bên kia. Bên xem xét thực hiện
việc này phải thông báo với Bên kia trong thời gian sớm nhất có thể trước khi mức
thuế quan mới có hiệu lực.
Điều 3.5: Xác định
trị giá hải quan
Các Bên sẽ áp dụng các quy định tại
Điều VII của Hiệp định GATT 1994 và Hiệp định WTO về thực thi Điều VII của Hiệp
định GATT 1994 với mục đích xác định giá trị hải quan của hàng hóa được trao đổi
mậu dịch giữa các Bên.
Điều 3.6: Các
biện pháp hạn chế xuất khẩu và nhập khẩu
1. Ngoại trừ được quy định khác trong
Hiệp định này, không Bên nào có thể áp dụng hoặc duy trì bất
kỳ biện pháp phi thuế quan nào bao gồm biện pháp cấm hoặc
hạn chế nhập khẩu hàng hóa của Bên kia hoặc xuất khẩu hàng hóa sang lãnh thổ của
Bên kia trừ trường hợp phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của
mình trong WTO hoặc phù hợp với các quy định khác của Hiệp định này.
2. Các Bên hiểu rằng những quyền và nghĩa vụ quy định ở đoạn 1 ngăn cấm, trong bất kỳ trường hợp nào mà các
hình thức hạn chế khác bị ngăn cấm, một Bên ban hành hoặc duy trì biện pháp:
(a) cấp phép nhập khẩu có điều kiện gắn
với yêu cầu về thực hiện; hoặc
(b) hạn chế xuất khẩu tự nguyện.
3. Đoạn 1 và 2 sẽ không áp dụng với
các biện pháp được nêu trong Phụ lục 3-A
4. Mỗi Bên phải đảm bảo sự minh bạch của các biện pháp phi thuế được phép áp dụng trong đoạn
1 và bảo đảm rằng những biện pháp này
không được xây dựng, thông qua hoặc áp dụng với mục đích hoặc có tác dụng tạo
ra những trở ngại không cần thiết tới
thương mại giữa các Bên.
Điều 3.7: Phí
và Các thủ tục hành chính
1. Các Bên nhất trí rằng các khoản phí, lệ phí, các thủ tục và các yêu cầu
áp dụng đối với nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa phải phù hợp
với nghĩa vụ của các bên theo Hiệp định GATT 1994.
2. Một Bên có thể không yêu cầu các
giao dịch lãnh sự, bao gồm cả các phí và lệ phí liên quan, đối với bất kỳ hàng
hóa nhập khẩu nào của Bên kia.
3. Mỗi Bên phải đăng tải thông tin
trên Internet về Danh mục liệt kê các khoản phí và lệ phí áp dụng hiện hành đối với nhập khẩu hoặc xuất khẩu.
Điều 3.8: Cơ chế
điều chỉnh thuế nhập khẩu theo khung giá
1. Chi Lê có thể duy trì Cơ chế điều chỉnh thuế nhập khẩu theo khung giá được quy định trong Luật 18.525 và các văn bản pháp lý sửa đổi tương ứng
đối với các mặt hàng thuộc diện điều chỉnh của luật trên1, với điều kiện là việc áp dụng luật này phù hợp với
các quyền và nghĩa vụ của Chi Lê theo Hiệp định WTO.
2. Đối với các mặt
hàng thuộc diện điều chỉnh của Cơ chế điều chỉnh thuế nhập
khẩu theo khung giá, Chi Lê sẽ dành cho Việt Nam sự đối xử
không kém thuận lợi hơn về ưu đãi thuế quan mà Chi Lê dành cho bất kỳ nước thứ
ba nào, bao gồm cả các quốc gia mà Chi Lê đã hoặc sẽ ký
kết hiệp định theo Điều XXIV của GATT 1994.
Điều 3.9: Trợ cấp
xuất khẩu nông sản
1. Các Bên chia sẻ với nhau mục tiêu
xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu đối với nông sản và sẽ cùng làm
việc để hướng tới một hiệp định trong WTO nhằm loại bỏ các
loại trợ cấp này và ngăn chặn việc tái sử dụng các loại trợ cấp đó dưới bất kỳ hình thức nào.
2. Phù hợp với các nghĩa vụ của mình
trong WTO, không Bên nào được ban hành hoặc duy trì bất kỳ trợ cấp xuất khẩu
nào đối với nông sản xuất khẩu sang lãnh thổ của nước Bên kia.
Điều 3.10: Chỉ
dẫn địa lý
1. Mỗi Bên phải quy định thủ tục đăng
ký chỉ dẫn địa lý dành cho công dân của Bên kia. Một Bên phải chấp nhận đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý mà không yêu cầu
Bên kia phải can thiệp thay mặt công dân của mình.
2. Việt Nam công nhận Pisco, có kèm
theo một chỉ dẫn về Chi Lê chẳng hạn như Chilean, Chile,
v.v... là một chỉ dẫn địa lý của Chi Lê dùng cho rượu mạnh, theo nghĩa của khoản
1 Điều 22 Hiệp định TRIPS. Sự công nhận này không ảnh hưởng tới các quyền đối với
Pisco mà Việt Nam đã công nhận cho Peru, ngoài Chi Lê.
3. Phù hợp với Chương 9 (Hợp tác),
Chi Lê sẽ xây dựng năng lực cho Việt Nam liên quan đến kiến thức về việc sản xuất, phát triển và thương mại hóa Pisco.
4. Vì mục đích minh bạch hóa, các chỉ
dẫn địa lý của Chi Lê dùng cho rượu vang và rượu mạnh được
quy định bởi Nghị định 464 của Bộ Nông nghiệp ngày 14 tháng 12 năm 1994 và các
văn bản sửa đổi Nghị định này, và bởi Luật 18.455.
Điều 3.11: Điều
hành các luật lệ thương mại
Theo Điều X của GATT 1994, mỗi Bên sẽ
điều hành một cách nhất quán, liên tục và hợp lý tất cả các
luật, quy định, phán quyết của tòa án và thủ tục hành chính liên quan đến:
(a) việc phân loại hoặc xác định giá
trị của hàng hóa phục vụ cho mục đích hải quan;
(b) thuế suất, thuế hoặc các lệ phí
khác;
(c) các yêu cầu, hạn chế hoặc cấm nhập
khẩu hoặc xuất khẩu;
(d) thanh toán; và
(e) những vấn đề
ảnh hưởng đến bán hàng, phân phối, vận chuyển, bảo hiểm,
kho bãi, kiểm định, triển lãm, chế
biến, pha trộn hoặc các cách sử dụng khác của hàng hóa phục vụ
cho mục đích hải quan.
Điều 3.12: Ủy ban Thương mại
Hàng hóa
1. Các Bên thống nhất thành lập một Ủy ban Thương mại
hàng hóa, bao gồm đại diện của mỗi Bên.
2. Ủy ban sẽ họp theo yêu cầu của một trong hai
Bên, hoặc theo yêu cầu của Ủy ban nhằm xem xét bất kỳ vấn đề phát sinh theo
Chương này, Chương 4 (Quy tắc xuất xứ) hoặc Chương 5 (Quản lý Hải quan).
3. Ủy ban sẽ họp tại các địa điểm và theo thời gian
do các Bên thống nhất. Các cuộc họp có thể được tiến hành thông qua bất kỳ
phương tiện khác nào theo sự thống nhất của các Bên.
4. Các chức năng của Ủy ban bao gồm:
(a) rà soát và giám sát việc triển khai và thực hiện
của các Chương đề cập ở đoạn 2;
(b) xác định và đề xuất các biện pháp để giải quyết
bất kỳ bất đồng nào có thể phát sinh, và để thúc đẩy và tạo thuận lợi để việc
tiếp cận thị trường được cải thiện, bao gồm việc đẩy nhanh thực hiện các cam kết
thuế quan theo quy định tại Điều 3.4;
(c) đề xuất với Hội đồng thành lập các nhóm làm việc
khi cần thiết;
(d) thực hiện bất kỳ công việc bổ sung nào mà Hội đồng
chỉ định.
PHỤ
LỤC 3-A
CÁC NGOẠI LỆ ĐỐI VỚI VIỆC XÓA BỎ CÁC HẠN CHẾ VỀ XUẤT
NHẬP KHẨU
Điều 3.6.(1) và (20 sẽ không áp dụng:
(a) đối với Việt Nam, các biện pháp mà Việt Nam liệt
kê trong Nghị định thư gia nhập WTO.
(b) đối với Chi Lê, các biện pháp liên quan đến nhập
khẩu xe đã qua sử dụng như được nêu trong Luật 18.483 hoặc các văn bản pháp quy
liên quan, với điều kiện là các biện pháp đó phù hợp với Hiệp định WTO.
PHỤ LỤC 3-B
LỘ TRÌNH GIẢM VÀ/HOẶC XÓA BỎ THUẾ QUAN
MỤC
A
Chú
giải chung
1. Bảng Lộ trình cam kết thuế quan
trong Phụ lục này bao gồm 4 cột sau:
(a) Mã hàng: là mã số được phân loại theo Hệ thống hài hòa hóa danh mục theo phiên
bản 2007 (HS2007)
(b) Mô tả: là mô tả của hàng hóa phân loại theo nhóm hàng
(c) Thuế suất cơ sở: Là mức thuế làm cơ sở để bắt đầu cắt giảm và/hoặc xóa bỏ thuế quan.
(d) Danh mục: Là danh mục gồm các hàng hóa thuộc diện được cắt
giảm và/hoặc xóa bỏ thuế quan.
2. Liên quan đến việc thực hiện bước
cắt giảm hàng năm, sẽ áp dụng:
(a) Bước cắt giảm đầu tiên sẽ thực hiện
vào ngày Hiệp định có hiệu lực;
(b) Các bước cắt giảm tiếp theo sẽ thực
hiện vào ngày đầu tiên của Tháng 1 hàng năm.
MỤC
B
Chú
giải Lộ trình của Chi Lê
1. Các danh mục áp dụng cho hàng hóa
xuất xứ Việt Nam nhập khẩu vào Chi Lê như sau:
(a) "EIF": Thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ thuế quan hoàn toàn và những hàng hóa này sẽ được xóa
bỏ thuế nhập khẩu kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực;
(b) "5 năm": Thuế nhập khẩu sẽ được cắt giảm hàng năm theo 6
phần bằng nhau từ mức thuế suất cơ sở kể từ khi Hiệp định
có hiệu lực, và những hàng hóa này sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu từ ngày đầu tiên
của năm thứ 6;
(c) "10 năm": Thuế nhập khẩu sẽ được cắt giảm hàng năm theo 11
phần bằng nhau từ mức thuế suất cơ sở kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, và hàng hóa này sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu từ
ngày đầu tiên của năm thứ 11 và;
(d) "X": Hàng hóa thuộc danh mục này sẽ được loại trừ khỏi
bất kỳ cam kết nào có liên quan từ đoạn (a) đến đoạn (c).
2. Liên quan đến việc xóa bỏ hoặc cắt
giảm thuế nhập khẩu theo như Mục B và Mục C:
(a) Bất kể phân số nào nhỏ hơn 0.1 phần trăm sẽ được
làm tròn về một số thập phân gần nhất (trong trường hợp là 0.05 phần trăm, phần
thập phân được làm tròn về 0.1 phần trăm);
(b) Việc không còn phân số nhỏ hơn 0.1 phần trăm
trong các số theo như kết quả của đoạn (a) hoặc các số khác đã không có; bất kể
phân số nào nhỏ hơn 1 phần trăm, sẽ được làm tròn về số nguyên gần nhất.
Mục C
Lộ trình của Chi
Lê
Mục
D
Chú
giải Lộ trình của Việt Nam
1. Các danh mục áp dụng cho hàng hóa
có xuất xứ Chi Lê nhập khẩu vào Việt Nam như sau:
(a) "EIF": Thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ thuế quan hoàn toàn và những hàng hóa
này sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực;
(b) "B5": Thuế nhập khẩu sẽ được cắt giảm hàng năm theo 6
phần bằng nhau từ mức thuế suất cơ sở kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, và hàng
hóa này sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu từ ngày đầu tiên của năm thứ 6;
(c) "B5*": Thuế nhập khẩu cơ sở sẽ được áp dụng kể từ khi Hiệp
định có hiệu lực, và những hàng hóa này sẽ được xóa bỏ thuế
nhập khẩu từ ngày đầu tiên của năm thứ 6;
(d) "B7": Thuế nhập khẩu sẽ được cắt giảm hàng năm theo 8 phần bằng nhau từ mức thuế suất cơ sở kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, và hàng
hóa này sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu từ ngày đầu tiên của năm thứ 8;
(e) "B7*": Thuế nhập khẩu cơ sở sẽ được áp dụng kể từ khi Hiệp định có hiệu lực,
và những hàng hóa này sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu từ ngày đầu tiên của năm thứ
8;
(f) "B10": Thuế nhập khẩu sẽ được cắt giảm hàng năm theo 11 phần bằng nhau từ mức
thuế suất cơ sở kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, và hàng hóa này sẽ được xoá bỏ
thuế nhập khẩu từ ngày đầu tiên của năm thứ 11 và;
(g) "B10*": Thuế nhập khẩu cơ sở sẽ được áp dụng kể từ khi Hiệp định có hiệu lực,
và những hàng hóa này sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu từ ngày đầu tiên của năm thứ
11;
(h) "B13": Thuế nhập khẩu sẽ được cắt giảm hàng
năm theo 14 phần bằng nhau từ mức thuế suất cơ sở kể từ khi Hiệp định có hiệu lực,
và hàng hóa này sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu từ ngày đầu tiên của năm thứ 14
và;
(i) "B15": Thuế nhập khẩu sẽ được cắt giảm hàng năm theo 16
phần bằng nhau từ mức thuế suất cơ sở kể từ khi Hiệp định
có hiệu lực, và hàng hóa này sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu từ ngày đầu tiên của
năm thứ 16 và;
(j) "P1": Thuế nhập khẩu cơ sở sẽ áp dụng mức
thuế suất cơ sở kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, và giảm 20% mức thuế suất cơ
sở từ ngày đầu tiên của năm thứ 11;
(k) "P2": Thuế nhập
khẩu cơ sở sẽ áp dụng mức thuế suất cơ sở kể từ ngày Hiệp
định có hiệu lực và giảm 50% mức thuế suất từ ngày đầu tiên của năm thứ 11;
(l) "P3":
Thuế nhập khẩu cơ sở sẽ áp dụng mức thuế suất cơ sở kể từ ngày Hiệp định có hiệu
lực, và giảm xuống mức 5% từ ngày đầu tiên của năm thứ 11;
(m) "P4": Thuế nhập
khẩu cơ sở sẽ áp dụng mức thuế suất cơ sở kể từ ngày Hiệp
định có hiệu lực, và giảm xuống mức 20% từ ngày đầu tiên của
năm thứ 11
(n) "P5": Thuế nhập khẩu cơ sở sẽ áp dụng mức
thuế suất cơ sở kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, và giảm xuống mức 40% từ ngày
đầu tiên của năm thứ 11
(o) "P6": Thuế nhập
khẩu sẽ được giảm hàng năm theo 11 phần bằng nhau kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, và hàng hóa
này sẽ có mức thuế nhập khẩu 5% từ ngày đầu tiên của năm thứ 11;
(p) "P7": Thuế
nhập khẩu sẽ được giảm hàng năm theo 11 phần
bằng nhau kể từ khi Hiệp định có hiệu lực xuống mức 15% từ ngày đầu tiên của
năm thứ 11;
(q) "P8": Thuế nhập
khẩu sẽ được giảm hàng năm theo 11 phần bằng nhau kể từ khi Hiệp định có hiệu lực
xuống mức 16% từ ngày đầu tiên của năm thứ 11;
(r) "P9": Thuế nhập
khẩu sẽ được giảm hàng năm theo 11 phần bằng nhau kể
từ khi Hiệp định có hiệu lực xuống mức 20% từ ngày đầu tiên của năm thứ 11;
(s) "P10": Thuế nhập
khẩu sẽ áp dụng mức thuế suất cơ sở kể từ ngày Hiệp định
có hiệu lực, và giảm xuống mức 25% từ ngày đầu tiên của năm thứ 6, và giảm xuống mức 16% từ ngày đầu tiên của năm 11;
(t) "S": Giữ nguyên
mức thuế suất cơ sở kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực
(u) "X": Hàng hóa
thuộc danh mục này sẽ được loại trừ khỏi bất kỳ cam kết
nào có liên quan từ đoạn (a) đến đoạn (t).
2. Liên quan đến việc xóa bỏ hoặc cắt
giảm thuế nhập khẩu theo như Mục D và Mục E:
(a) Bất kể phân số nào nhỏ hơn 0.1 phần
trăm sẽ được làm tròn về một số thập phân gần nhất (trong trường hợp là 0.05 phần
trăm, phần thập phân được làm tròn về 0.1 phần trăm);
(b) Việc không còn phân số nhỏ
hơn 0.1 phần trăm trong các số theo như kết quả của đoạn (a) hoặc
các số khác đã không có; bất kể phân
số nào nhỏ hơn 1 phần trăm, sẽ được
làm tròn về số nguyên gần nhất.
Mục E
Lộ trình của Việt
Nam
Chương 4
QUY TẮC XUẤT XỨ
Điều 4.1: Định nghĩa
Trong Chương này, một số thuật ngữ được hiểu như
sau:
nuôi trồng thủy hải sản là việc nuôi trồng
các sinh vật sống dưới nước bao gồm cá, động vật thân mềm, loài giáp xác, động
vật không xương sống dưới nước khác và thực vật thủy sinh từ các loại con giống
như trứng, cá hồi hai năm tuổi, cá hồi nhỏ và ấu trùng bằng cách can thiệp vào
các quá trình nuôi trồng hoặc tăng trưởng nhằm thúc đẩy sinh sản như nuôi cấy,
cho ăn, hoặc bảo vệ khỏi các động vật ăn thịt;
CIF là trị giá hàng hóa nhập khẩu đã bao gồm
cả cước vận tải và phí bảo hiểm tính đến cảng hoặc cửa khẩu của Bên nhập khẩu
FOB là trị giá hàng hóa đã giao qua mạn tàu,
bao gồm phí vận tải đến cảng hoặc địa điểm cuối cùng trước khi tàu chở hàng rời
bến.
các nguyên tắc kế toán được chấp nhận rộng rãi
(GAAP) là những đồng thuận được thừa nhận hoặc sự ủng hộ rộng rãi của chính
quyền tại một Bên về việc ghi chép các khoản doanh thu, chi phí, phụ phí, tài sản
và các khoản phải trả; công bố thông tin; và việc lập các báo cáo tài chính. Những
nguyên tắc này có thể bao gồm các hướng dẫn chung cũng như các tiêu chuẩn,
thông lệ và thủ tục thực hiện cụ thể;
hàng hóa bao gồm nguyên vật liệu hoặc sản phẩm,
có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một Bên, kể cả những sản phẩm
có thể sẽ được sử dụng làm nguyên vật liệu cho một quá trình sản xuất khác sau
này.
hàng hóa nguyên vật liệu giống nhau và có thể
dùng thay thế lẫn nhau là những nguyên vật liệu cùng loại có chất lượng như
nhau, có cùng đặc tính vật lý và kỹ thuật, và một khi các nguyên vật liệu này
được kết hợp vào sản phẩm hoàn chỉnh thì không thể chỉ ra sự khác biệt về xuất
xứ thông qua các dấu hiệu hoặc thông qua việc quan sát;
tổ chức cấp là cơ quan chính phủ chịu trách
nhiệm cấp chứng nhận xuất xứ;
(a) Đối với Việt Nam, là Bộ Công Thương; và
(b) Đối với Chi Lê, là Tổng cục Kinh tế Quốc tế. Cơ
quan này có thể ủy quyền cho các tổ chức khác cấp chứng nhận xuất xứ (Mẫu VC).
nguyên vật liệu bao gồm hàng hóa hoặc các vật
chất được sử dụng hoặc tiêu tốn trong quá trình sản xuất hàng hóa hoặc được kết
hợp vào một hàng hóa khác hoặc tham gia vào một công đoạn trong toàn bộ quá
trình sản xuất ra hàng hóa khác;
hàng hóa có xuất xứ là hàng hóa đáp ứng các
quy định về xuất xứ tại Chương này;
vật liệu đóng gói và bao
gói để vận chuyển là hàng hóa được sử dụng để bảo vệ hàng hóa trong
quá trình vận chuyển hàng hóa đó mà không phải là vật liệu đóng gói và bao gói
dùng để bán lẻ.
sản xuất
là các phương thức để thu được hàng hóa bao gồm trồng trọt, khai thác, thu hoạch,
chăn nuôi, gây giống, chiết xuất, thu lượm, thu nhặt, săn bắt, đánh bắt, đánh bẫy,
săn bắn, chế tạo, sản xuất, gia công hay lắp ráp; và
quy tắc cụ thể mặt hàng là quy tắc yêu cầu nguyên vật liệu phải trải qua
quá trình thay đổi mã số hàng hóa hoặc
phải đáp ứng tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực hoặc kết hợp
giữa các tiêu chí nêu trên.
Điều 4.2: Tiêu
chí xuất xứ
Để áp dụng cho Chương này, hàng hóa
được coi là có xuất xứ của một Bên khi:
(a) Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản
xuất toàn bộ tại một Bên như định nghĩa tại Điều 4.3; hoặc
(b) Không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại một Bên, nhưng đáp ứng các quy định
tại Điều 4.4 hoặc Điều 4.6.
Điều 4.3: Hàng
hóa có xuất xứ thuần túy
Hàng hóa quy định tại Điều 4.2(a) được
coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được coi là sản xuất toàn bộ tại một Bên trong
các trường hợp sau:
(a) Cây trồng vả các sản phẩm từ cây
trồng bao gồm quả, hoa, rau, cây, tảo biển, nấm và các loại cây trồng khác được trồng và thu hoạch, hái hoặc thu lượm
tại đó;
(b) Động vật sống bao gồm động vật có
vú, chim, cá, loài giáp xác, động vật thân mềm, loài bò sát, vi khuẩn và virút,
được sinh ra và nuôi dưỡng tại Bên xuất khẩu;
(c) Các hàng hóa thu được từ động vật
sống được nêu tại đoạn (b) tại một Bên;
(d) Hàng hóa thu được từ săn bắn,
đánh bẫy, đánh bắt, nuôi trồng, nuôi trồng thủy hải sản, thu lượm hoặc săn bắt
tại một Bên;
(e) Khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên khác chưa được liệt kê từ đoạn (a) đến đoạn (d), được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, vùng lãnh hải, đáy biển
hoặc dưới đáy biển của Bên đó;
(f) Các sản phẩm được khai thác từ
vùng lãnh hải, đáy biển hoặc dưới đáy biển ngoài vùng lãnh hải của Bên đó, với
điều kiện là Bên đó có quyền khai thác vùng lãnh hải, đáy
biển và dưới đáy biển đó theo luật quốc tế.
(g) Sản phẩm đánh
bắt và các sản phẩm từ biển khác đánh bắt từ vùng biển cả bàng tàu được đăng ký
tại một Bên và treo cờ của Bên đó;
(h) Sản phẩm được chế biến và/hoặc được
sản xuất ngay trên tàu chế biến được đăng ký tại một Bên và treo cờ của Bên đó,
trừ các sản phẩm được quy định tại đoạn (f) và (g);
(i) Các vật phẩm thu nhặt tại một Bên
nhưng không còn thực hiện được những chức năng ban đầu hoặc cũng không thể sửa
chữa hay khôi phục được và chỉ có thể vứt bỏ hoặc dùng để thu lại các phụ tùng
dùng làm các nguyên vật liệu, hoặc sử dụng vào mục đích tái chế;
(j) Phế thải và phế liệu có nguồn gốc từ:
(i) Quá trình sản
xuất tại một Bên; hoặc
(ii) Hàng hóa đã qua sử dụng được thu
nhặt tại Bên xuất khẩu, với điều kiện hàng hóa đó chỉ phù
hợp làm nguyên vật liệu thô; và
(k) Hàng hóa thu được hoặc được sản
xuất tại Bên xuất khẩu từ các sản phẩm được quy định từ đoạn (a) đến (i).
Điều 4.4: Hàng
hóa có xuất xứ không thuần túy
1. Để áp dụng cho Điều 4.2 (b), hàng
hóa được coi là có xuất xứ tại một Bên nơi đã diễn ra quá trình sản xuất hoặc gia công nếu:
(a) Hàng hóa có hàm lượng giá trị khu
vực (RVC) không dưới bốn mươi phần trăm (40%), tính theo công thức quy định tại
Điều 4.5; hoặc
(b) Tất cả nguyên vật liệu không có
xuất xứ sử dụng để sản xuất ra hàng hóa đó trải qua quá trình chuyển đổi mã số
hàng hóa (dưới đây được gọi là "CTC") ở cấp bốn (4)
số (có nghĩa là thay đổi nhóm) của Hệ thống Hài hòa.
2. Mỗi Bên cho
phép người xuất khẩu sử dụng một trong hai tiêu chí quy định
tại đoạn 1(a) hoặc 1(b) để xác định xuất xứ hàng hóa.
3. Không xét đến đoạn 1, hàng hóa được
coi là hàng hóa có xuất xứ nếu đáp ứng tiêu chí tương ứng quy định cho mặt hàng
đó tại Phụ lục 4-B.
4. Khi quy tắc cụ thể mặt hàng cho
phép lựa chọn giữa các tiêu chí RVC, CTC, hoặc kết hợp giữa các tiêu chí nêu
trên, mỗi Bên cho phép người xuất khẩu tự lựa chọn tiêu
chí thích hợp.
5. Khi quy tắc cụ thể mặt hàng quy định
tiêu chí CTC, tiêu chí này chỉ áp dụng đối với nguyên vật liệu không có xuất xứ.
Điều 4.5: Công
thức tính RVC
1. RVC nêu tại Điều 4.4 được tính
toán theo công thức như sau:
RVC=
|
Trị giá FOB
|
-
|
Trị giá của nguyên
vật liệu hoặc hàng hóa không có xuất xứ
|
x 100%
|
Trị giá FOB
|
|
2. Để tính toán RVC quy định tại đoạn
1:
(a) Trị giá nguyên vật liệu hoặc hàng
hóa không có xuất xứ là:
(i) Giá CIF tại thời điểm nhập khẩu
hoặc việc nhập khẩu có thể được chứng minh; hoặc
(ii) Giá mua đầu tiên của các hàng
hóa không xác định được xuất xứ tại lãnh thổ của Bên nơi diễn ra việc sản xuất
hoặc chế biến.
(b) Giá FOB là trị giá FOB của hàng
hóa. Giá FOB này được xác định bằng cách cộng giá trị của
các nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, lợi nhuận và các chi phí khác.
Điều 4.6: Cộng
gộp
Trừ khi có những quy định khác tại Chương này, hàng hóa có xuất xứ của một Bên, được sử
dụng làm nguyên vật liệu tại một Bên khác để sản xuất ra một hàng hóa đủ điều kiện được hưởng
ưu đãi thuế quan, sẽ được coi là có xuất xứ của Bên nơi diễn
ra quá trình sản xuất hoặc chế biến thành phẩm đó.
Điều 4.7: Những
công đoạn gia công, chế biến đơn giản
Những công đoạn gia công chế biến dưới đây, khi được thực hiện riêng rẽ hoặc kết hợp với
nhau, không tạo ra xuất xứ của hàng hóa:
(a) Những công đoạn bảo quản để đảm bảo
hàng hóa trong điều kiện tốt trong quá trình vận chuyển và lưu kho như làm khô,
làm lạnh, thông gió, làm đông và những hoạt động tương tự;
(b) Sàng hoặc lọc, phân loại, rửa, cắt,
tách, uốn cong, cuộn, làm thẳng, mài sắc, xay đơn giản, cắt mỏng;
(c) Làm sạch, bao gồm việc loại bỏ
ôxit, dầu, sơn hoặc các chất phủ bề mặt khác;
(d) Sơn và các hoạt động đánh bóng;
(e) Thử nghiệm
hoặc định cỡ;
(f) Cho vào trong chai, lon, khuôn,
túi, hộp hoặc gắn lên thẻ hoặc bảng
và các công đoạn đóng gói đơn giản khác;
(g) Trộn đơn giản2
các sản phẩm, cùng loại hay khác loại;
(h) Lắp ráp đơn giản3
các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh;
(i) Thay đổi bao bì, tháo dỡ hoặc đóng gói lại,
chia nhỏ và lắp ghép các kiện hàng;
(j) Dán nhãn, mác hoặc các dấu hiệu phân biệt tương
tự lên sản phẩm hoặc lên bao bì;
(k) tan trong nước hoặc chất khác mà không làm thay
đổi đặc tính của sản phẩm.
(l) Bóc vỏ, tẩy trắng toàn phần hoặc một phần, đánh
bóng và mài ngũ cốc và gạo.
Điều 4.8: Vận chuyển trực tiếp
1. Hàng hóa có xuất xứ được coi là vận chuyển trực
tiếp từ Bên xuất khẩu tới Bên nhập khẩu nếu:
a) Hàng hóa được vận chuyển mà không đi qua lãnh thổ
của bất kỳ một Bên nào khác; hoặc
b) Hàng hóa được vận chuyển đi qua một nước không
tham gia Hiệp định mà có hoặc không có chuyển tàu hoặc lưu kho tạm thời ở nước
không tham gia Hiệp định đó với điều kiện:
(i) Việc quá cảnh là cần thiết vì lý do địa lý hoặc
do các yêu cầu có liên quan trực tiếp đến vận tải;
(ii) Hàng hóa không tham gia vào giao dịch thương mại
hoặc tiêu thụ tại nước không tham gia Hiệp định đó; và
(iii) Hàng hóa không trải qua bất kỳ công đoạn nào
khác ở nước không tham gia Hiệp định đó ngoài việc dỡ hàng, bốc lại hàng và
tách lô hàng hoặc những công đoạn cần thiết để giữ hàng hóa trong điều kiện tốt.
2. Trong trường hợp hàng hóa có xuất xứ của Bên xuất
khẩu được nhập khẩu thông qua một hoặc nhiều nước không tham gia Hiệp định hoặc
sau khi được triển lãm ở nước không tham gia Hiệp định, cơ quan hải quan của
Bên nhập khẩu có thể yêu cầu người nhập khẩu đề nghị được hưởng
ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa đó nộp
các chứng từ chứng minh khác như chứng từ vận tải, hải quan hoặc các chứng từ
khác.
Điều 4.9: Tỉ lệ
không đáng kể nguyên vật liệu không đáp ứng tiêu chí thay đổi mã số thuế (De Minimis)
Hàng hóa không đáp ứng tiêu chí thay
đổi mã số thuế vẫn được coi là hàng hóa có xuất xứ nếu phần trị giá của nguyên
vật liệu không có xuất xứ sử dụng để sản xuất ra hàng hóa không đạt tiêu chí
thay đổi mã số thuế nhỏ hơn hoặc bằng mười phần trăm (10%)
trị giá FOB của hàng hóa, đồng thời hàng hóa phải đáp ứng
các quy định khác trong Chương này.
Điều 4.10: Quy
định về bao bì và vật liệu đóng gói
1. Trường hợp áp dụng tiêu chí RVC
quy định tại Điều 4.4, trị giá của vật liệu đóng gói và
bao bì để bán lẻ được tính đến khi xác định xuất xứ của
hàng hóa, tùy từng trường hợp, với điều kiện vật liệu đóng gói và bao bì để bán
lẻ là một cấu thành của hàng hóa.
2. Trường hợp áp dụng tiêu chí thay đổi
mã số thuế như quy định tại Điều 4.4, bao bì và vật liệu bao bì,được phân loại
cùng với hàng hóa đã được đóng gói sẽ không được xem xét khi xác định xuất xứ
hàng hóa.
3. Vật liệu bao gói và bao bì chỉ dùng để vận chuyển hàng hóa sẽ không được
xem xét khi xác định xuất xứ của hàng hóa đó.
Điều 4.11: Phụ
kiện, phụ tùng và dụng cụ
1. Trường hợp xác định xuất xứ hàng hóa
theo tiêu chí thay đổi mã số thuế, xuất xứ của các phụ kiện,
phụ tùng, dụng cụ và các tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông tin
khác đi kèm theo hàng hóa đó sẽ không được tính khi xác định xuất xứ hàng hóa,
với điều kiện:
(a) Các phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ
và các tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông
tin không thuộc một hóa đơn khác với hóa đơn của hàng hóa đó; và
(b) Số lượng và trị giá của các phụ
kiện, phụ tùng, dụng cụ và các tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông
tin phù hợp với hàng hóa đó.
2. Trường hợp xác định xuất xứ hàng
hóa theo tiêu chí RVC, trị giá của các phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ và các tài
liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông tin khác đi kèm theo hàng hóa đó sẽ
được tính là giá trị của nguyên vật liệu có xuất xứ hoặc không có xuất xứ, tuỳ
từng trường hợp.
Điều 4.12:
Nguyên liệu gián tiếp
1. Các nguyên liệu gián tiếp sẽ được
coi là nguyên liệu có xuất xứ bất kể chúng được sản xuất ở đâu.
2. Các nguyên liệu gián tiếp có nghĩa
là hàng hóa sử dụng trong quá trình sản xuất, thử nghiệm, hoặc kiểm tra hàng hóa khác không còn nằm lại trong hàng
hóa đó, hoặc một hàng hóa sử dụng để bảo dưỡng các nhà xưởng hoặc sử dụng
trong quá trình vận hành những thiết bị dùng trong sản xuất hàng hóa bao gồm:
(a) Nhiên liệu và năng lượng;
(b) Dụng cụ, khuôn rập và khuôn đúc;
(c) Phụ tùng và vật liệu dùng để bảo dưỡng thiết bị
và nhà xưởng;
(d) Dầu nhờn, chất bôi trơn, hợp chất và các nguyên
vật liệu khác dùng trong sản xuất hoặc dùng để vận hành thiết bị và nhà xưởng;
(e) Găng tay, kính, giày dép, quần áo, các thiết bị
an toàn;
(f) Các thiết bị, dụng cụ và máy móc dùng để thử
nghiệm hoặc kiểm tra hàng hóa;
(g) Chất xúc tác và dung môi;
(h) Bất kỳ nguyên vật liệu nào khác không còn nằm lại
trong hàng hóa nhưng việc sử dụng chúng phải chứng minh được là cần thiết trong
quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.
Điều 4.13: Nguyên vật liệu
giống nhau và có thể thay thế nhau
1. Việc xác định các nguyên vật liệu giống nhau và
có thể thay thế cho nhau có là nguyên vật liệu có xuất xứ hay không được thực
hiện bằng cách chia tách thực tế từng nguyên vật liệu đó hoặc áp dụng các
nguyên tắc kế toán về quản lý kho được áp dụng rộng rãi, hoặc các thông lệ quản
lý kho tại Bên xuất khẩu.
2. Khi đã quyết định sử dụng một phương pháp kế
toán về quản lý kho nào thì phương pháp này phải được sử dụng suốt trong năm
tài chính đó.
Điều 4.14: Chứng nhận xuất xứ
Để được hưởng ưu đãi về thuế quan, hàng hóa phải có
chứng nhận xuất xứ (Mẫu VC) như quy định tại Phụ lục 4-C do tổ chức có thẩm quyền
được Chính phủ Bên xuất khẩu ủy quyền cấp và thông báo cho Bên kia theo các quy
định nêu tại Phụ lục 4-A.
PHỤ LỤC 4 - A
THỦ TỤC CẤP VÀ KIỂM TRA CHỨNG NHẬN XUẤT
XỨ (OCP)
Điều 1: Định nghĩa
Trong Phụ lục này, một số thuật ngữ
được hiểu như sau:
người xuất khẩu là cá nhân hoặc pháp nhân thường trú hoặc có trụ sở tại lãnh thổ của một
Bên, nơi hàng hóa được xuất khẩu bởi chính người đó;
người nhập khẩu là cá nhân hoặc pháp nhân thường trú hoặc có trụ
sở tại lãnh thổ của một Bên, nơi hàng hóa được nhập khẩu bởi
chính người đó;
ưu đãi thuế quan là thuế suất thuế nhập khẩu của Bên nhập khẩu dành cho hàng hóa có xuất
xứ của Bên xuất khẩu.
nhà sản xuất là cá nhân hoặc pháp nhân thực hiện hoạt động sản xuất trên lãnh thổ của
một Bên.
Điều 2: Các cơ quan có thẩm quyền
Mỗi Bên có trách nhiệm gửi danh sách
tên, địa chỉ, mẫu con dấu của tổ chức cấp chứng nhận xuất
xứ của mình dưới dạng bản giấy và bản dữ liệu điện tử cho
Bên kia. Bất cứ thay đổi nào trong danh sách nêu trên phải được thông báo kịp
thời theo thủ tục tương tự như trên.
Điều 3: Tài liệu chứng minh
Để xác định xuất
xứ, Tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ có quyền yêu cầu nộp tài liệu, chứng từ chứng
minh hoặc tiến hành kiểm tra nếu xét thấy cần thiết theo
các quy định của các Bên.
Điều 4: Chứng nhận xuất xứ (Mẫu VC)
1. Để được hưởng ưu đãi thuế quan
theo Hiệp định này, các hàng hóa phải đi kèm với giấy chứng nhận xuất xứ hàng
hóa quy định tại Phụ lục 4-C.
2. Chứng nhận xuất xứ (Mẫu VC) sẽ do Tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ của Bên xuất khẩu cấp.
3. Chứng nhận xuất xứ (Mẫu VC) phải làm trên giấy màu trắng, khổ A4; phù hợp
với mẫu quy định tại Phụ lục 4-C. Giấy chứng nhận xuất xứ
phải được làm bằng Tiếng Anh.
4. Đối với Chi
Lê, một bộ chứng nhận xuất xứ (Mẫu VC) bao gồm một bản gốc.
Đối với Việt Nam, bao gồm một bản gốc và hai bản sao.
5. Mỗi chứng nhận xuất xứ mang một số
tham chiếu riêng của Tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ.
6. Chữ ký của người có thẩm quyền trên chứng nhận
xuất xứ (Mẫu VC) phải được ký bằng tay.
7. Con dấu của Tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ trên
chứng nhận xuất xứ (Mẫu VC) có thể đóng bằng tay hoặc in điện tử.
8. Để kiểm tra chứng nhận xuất xứ (Mẫu VC), các Bên
sẽ đăng lên mạng Internet một số thông tin cơ bản của chứng nhận xuất xứ do Bên
xuất khẩu cấp như số tham chiếu, mã HS, mô tả hàng hóa, ngày cấp, số lượng và
tên Người xuất khẩu.
9. Bản chính của chứng nhận xuất xứ (Mẫu VC) do Người
xuất khẩu gửi cho Người nhập khẩu để nộp cho Cơ quan hải quan Bên nhập khẩu.
Trong trường hợp của Việt Nam, Người xuất khẩu và Tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ
phải lưu các bản sao chứng nhận xuất xứ (Mẫu VC).
10. Các Bên phải triển khai hệ thống cấp chứng nhận
xuất xứ điện tử trong thời gian không quá 2 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực.
Các Bên cũng công nhận chữ ký điện tử.
Điều 5: Xử lý các khác biệt nhỏ trên chứng nhận xuất
xứ
1. Cơ quan hải quan của Bên nhập khẩu sẽ bỏ qua những
lỗi nhỏ, như những khác biệt hoặc sai sót nhỏ, lỗi đánh máy và các thông tin nằm
lệnh ngoài ô dành cho thông tin đó, với điều kiện những lỗi nhỏ này không ảnh
hưởng đến tính xác thực của chứng nhận xuất xứ (Mẫu VC) hoặc tính chính xác của
các thông tin trên chứng nhận xuất xứ (Mẫu VC).
2. Không được phép tẩy xóa hoặc viết thêm lên chứng
nhận xuất xứ (Mẫu VC). Mọi sửa đổi phải được thực hiện bằng cách gạch bỏ chỗ có
lỗi và bổ sung các thông tin cần thiết. Tất cả những thay đổi này phải được chấp
thuận bởi người có thẩm quyền ký chứng nhận xuất xứ (Mẫu VC) và được Tổ chức cấp
chứng nhận xuất xứ của Bên xuất khẩu chứng nhận. Các phần còn trống phải được gạch
chéo để tránh điền thêm.
Điều 6: Cấp chứng nhận xuất xứ
1. Chứng nhận xuất xứ được cấp trước hoặc tại thời
điểm xuất khẩu.
2. Trường hợp ngoại lệ chứng nhận xuất xứ có thể được
cấp sau nhưng không quá một (01) năm kể từ ngày xếp hàng lên tàu và phải đánh dấu
"Issued Retroactively".
Điều 7: Bản sao chứng thực
Trong trường hợp chứng nhận xuất xứ bị mất, thất lạc
hoặc hư hỏng, Người xuất khẩu có thể nộp đơn gửi Tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ
đề nghị cấp chứng nhận xuất xứ bản sao chứng thực của chứng nhận xuất xứ gốc. Tổ
chức cấp chứng nhận xuất xứ cấp bản sao trên cơ sở chứng từ xuất khẩu được lưu
tại Tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ và bản sao này phải mang dòng chữ
"CERTIFIED TRUE COPY" vào ô số 5 của chứng nhận xuất xứ. Bản sao này
mang ngày cấp của bản chứng nhận xuất xứ (Mẫu VC) gốc.
Điều 8: Đề nghị hưởng ưu đãi thuế quan
1. Để được hưởng ưu đãi thuế quan,
Người nhập khẩu phải nộp cho Cơ quan hải quan Bên nhập khẩu chứng nhận xuất xứ
(Mẫu VC) và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật
Bên nhập khẩu.
2. Trong trường hợp chứng nhận xuất xứ
(Mẫu VC) bị Cơ quan hải quan Bên nhập khẩu từ chối, chứng
nhận xuất xứ (Mẫu VC) đó sẽ được đánh
dấu vào ô số 4, thông báo lý do đã từ chối không cho hưởng ưu đãi và gửi lại cho Tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ của Bên xuất khẩu. Cơ quan cấp có thẩm quyền có thể xem xét làm rõ và gửi lại cho cơ quan có thẩm
quyền của Bên nhập khẩu
Điều 9: Hiệu lực của chứng nhận xuất xứ
Chứng nhận xuất xứ có hiệu lực trong
vòng 12 tháng kể từ ngày cấp chứng nhận xuất xứ.
Điều 10: Miễn nộp chứng nhận xuất
xứ
1. Hàng hóa có xuất xứ từ Bên xuất khẩu
có trị giá FOB không quá hai trăm (200) đô la Mỹ được miễn nộp chứng nhận xuất
xứ (Mẫu VC).
2. Việc nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ
của Bên xuất khẩu mà Cơ quan hải quan của Bên nhập khẩu không yêu cầu phải xuất trình chứng nhận xuất xứ sẽ được thực hiện với điều kiện việc nhập khẩu này không tạo thành một phần của một hoặc nhiều
lô hàng nhập khẩu được cho rằng nhằm tránh các yêu cầu về chứng nhận xuất xứ của
Phụ lục này.
Điều 11: Lưu trữ hồ sơ
1. Để phục vụ việc kiểm tra xuất xứ
hàng hóa theo Điều 12 và Điều 13, Người sản xuất hoặc Người xuất khẩu đề nghị cấp
chứng nhận xuất xứ (Mẫu VC) phải lưu trữ chứng từ đề nghị
cấp chứng nhận xuất xứ trong thời hạn năm (05) năm kể từ ngày được cấp chứng nhận xuất xứ theo quy định của pháp luật Bên xuất khẩu.
2. Tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ lưu trữ hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận xuất xứ và các chứng từ liên
quan tới việc cấp đó trong thời hạn năm (05) năm kể từ ngày cấp.
3. Người nhập khẩu đề nghị yêu cầu hưởng
ưu đãi thuế quan sẽ lưu trữ chứng nhận xuất xứ hoặc các thông tin khác chứng minh
hàng hóa đáp ứng xuất xứ và tất cả các chứng từ khác mà Bên nhập
khẩu có thể yêu cầu liên quan đến việc nhập khẩu hàng hóa theo quy định của Bên
nhập khẩu trong năm (05) năm kể từ ngày nhập khẩu lô hàng.
Điều 12: Yêu cầu thông tin về chứng nhận xuất xứ
1. Thông tin liên quan đến tính xác
thực của chứng nhận xuất xứ (Mẫu VC) phải được cung cấp
theo yêu cầu của Cơ quan hải quan của Bên nhập khẩu.
2. Để xác định
hàng hóa nhập khẩu từ Bên xuất khẩu có đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế
quan hay không, Cơ quan hải quan của Bên nhập khẩu có thể yêu cầu thông tin
liên quan đến xuất xứ hàng hóa. Yêu cầu này căn cứ trên chứng nhận xuất xứ liên
quan, nêu rõ các lý do và thông tin cho thấy các thông tin trên chứng nhận
xuất xứ có thể không chính xác.
3. Để áp dụng cho đoạn 2, Tổ chức cấp chứng nhận xuất
xứ của Bên xuất khẩu cung cấp thông tin theo yêu cầu trong vòng 90 ngày kể từ
ngày nhận được yêu cầu.
4. Để áp dụng cho đoạn 2, Tổ chức cấp chứng nhận xuất
xứ của Bên xuất khẩu có thể yêu cầu Người xuất khẩu hoặc nhà sản xuất ở Bên xuất
khẩu được đề cập tại Điều 12, cung cấp thông tin cần thiết cho Tổ chức cấp chứng
nhận xuất xứ đó.
5. Yêu cầu cung cấp thông tin theo đoạn 1 sẽ không
cản trở việc tiến hành kiểm tra thực tế được quy định tại Điều 13.
6. Trong quá trình tiến hành các thủ tục nêu tại điều
này và Điều 13, cơ quan hải quan của Bên nhập khẩu có thể trì hoãn việc cho hưởng
ưu đãi thuế quan trong khi chờ kết quả kiểm tra và cơ quan Hải quan có thể cho
phép Người nhập khẩu được thông quan hàng hóa trừ phi hàng hóa thuộc diện phải
áp dụng các biện pháp hành chính cần thiết.
Điều 13: Kiểm tra tại Bên xuất khẩu
1. Cơ quan hải quan của Bên nhập khẩu có thể yêu cầu
Tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ của Bên xuất khẩu cho tiến hành việc kiểm tra tại
Bên xuất khẩu.
2. Trước khi tiến hành kiểm tra, cơ quan Hải quan của
Bên nhập khẩu phải thông báo bằng văn bản về yêu cầu kiểm tra cho Tổ chức cấp
chứng nhận xuất xứ của Bên xuất khẩu ít nhất 40 ngày trước ngày dự kiến kiểm
tra, và Tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ của Bên xuất khẩu phải xác nhận việc được
yêu cầu kiểm tra đó. Tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ của Bên xuất khẩu phải yêu
cầu người xuất khẩu hoặc người sản xuất hàng hóa ở Bên xuất khẩu có nhà xưởng sẽ
bị kiểm tra chấp thuận việc kiểm tra bằng văn bản.
3. Để áp dụng đoạn 1, Tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ
của Bên xuất khẩu phải thu thập và cung cấp thông tin liên quan đến xuất xứ
hàng hóa như quy định tại Điều 21, và kiểm tra các yếu tố sử dụng trong quá
trình sản xuất hàng hóa, thông qua việc kiểm tra cùng với cơ quan Hải quan của
Bên nhập khẩu tại nhà xưởng của người xuất khẩu đã được cấp chứng nhận xuất xứ
và cung cấp thông tin liên quan đến xuất xứ hàng hóa mà Tổ chức cấp chứng nhận
xuất xứ của Bên xuất khẩu lưu trữ trong quá trình kiểm tra nếu tại đoạn 1.
4. Các trao đổi được đề cập tại đoạn 2 bao gồm:
(a) Tên của cơ quan Hải quan ra thông báo;
(b) Tên của Người xuất khẩu hoặc Người sản xuất có
nhà xưởng bị kiểm tra;
(c) Ngày dự kiến và địa điểm dự kiến kiểm tra;
(d) Mục tiêu và phạm vi kiểm tra, bao gồm cả dẫn
chiếu liên quan đến hàng hóa chịu sự kiểm tra; và
(e) Tên và chức danh của cán bộ Hải quan Bên nhập
khẩu đi kiểm tra.
5. Tổ chức cáp chứng nhận xuất xứ của
Bên xuất khẩu phải trả lời cơ quan Hải quan Bên nhập khẩu bằng văn bản về việc chấp nhận hoặc từ chối yêu cầu kiểm tra được yêu cầu
tại đoạn 1 trong vòng ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu như nêu tại
đoạn 2.
6. Khi nhận được thông báo, Tổ chức cấp
chứng nhận xuất xứ có thể đề nghị trì hoãn việc kiểm tra trực tiếp tại cơ sở sản
xuất và thông báo cho cơ quan Hải quan của Bên nhập khẩu về việc trì hoãn đó. Kể
cả trong trường hợp trì hoãn, việc kiểm tra cũng phải được
thực hiện trong vòng sáu mươi (60) ngày kể từ ngày nhận được
thông báo. Thời hạn này có thể kéo dài hơn trong trường hợp các bên nhất trí với nhau.
7. Tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ của
Bên xuất khẩu, theo quy định của luật pháp Bên xuất khẩu, cung cấp thông tin cho cơ quan Hải quan của Bên nhập khẩu theo quy định tai đoạn
3 trong vòng 45 ngày kể từ ngày cuối cùng của chuyến kiểm tra hoặc bất kỳ thời hạn nào đã được các bên nhất
trí.
8. Quá trình kiểm tra, bao gồm việc
đi kiểm tra thực tế và quyết định liệu hàng hóa có đáp ứng xuất xứ hay không, phải được thực hiện và kết quả phải được thông báo cho
Tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ trong thời hạn tối đa là một trăm tám mươi (180) ngày.
Điều 14: Quyết định về xuất xứ
và việc cho hưởng ưu đãi thuế quan
1. Cơ quan Hải quan của Bên nhập khẩu
có thể từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu nếu hàng
hóa không đáp ứng tiêu chí xuất xứ quy định tại Chương này
và/hoặc người nhập khẩu không tuân thủ các yêu cầu liên quan của Phụ lục này.
2. Cơ quan Hải quan của Bên nhập khẩu có thể quyết định hàng hóa không đáp ứng tiêu chí xuất xứ của
Bên xuất khẩu và có thể từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan. Quyết định bằng văn bản sẽ được gửi tới Tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ của
Bên xuất khẩu trong các trường hợp sau:
(a) Tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ của
Bên xuất khẩu không phản hồi lại yêu cầu trong khoảng thời gian quy định tại đoạn
2 của Điều 12 hoặc đoạn 2 của Điều 13;
(b) Tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ của
Bên xuất khẩu từ chối tiến hành kiểm tra tại Bên xuất khẩu, hoặc không phản hồi
lại thông báo được quy định tại đoạn 1 Điều 12 trong thời hạn được quy
định tại đoạn 2 của Điều 13; hoặc
(c) Thông tin được cung cấp cho cơ
quan Hải quan của Bên nhập khẩu theo Điều 12 hoặc Điều 13 không đủ để chứng
minh hàng hóa đáp ứng tiêu chí xuất xứ của Bên xuất khẩu.
3. Sau khi tiến hành các thủ tục quy
định tại Điều 12 hoặc Điều 13 nếu cần thiết, cơ quan Hải quan của Bên nhập khẩu
sẽ cung cấp cho Tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ của Bên xuất khẩu quyết định bằng
văn bản về việc hàng hóa có đáp ứng tiêu chí xuất xứ của Bên xuất khẩu không,
bao gồm chứng cứ thực tế và cơ sở pháp lý của quyết định này, trong vòng 45
ngày kể từ ngày nhận được thông tin do Tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ của Bên
xuất khẩu cung cấp theo Điều 12 hoặc Điều 13. Tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ của
Bên xuất khẩu sẽ thông báo quyết định của cơ quan Hải quan của Bên tới người xuất
khẩu có nhà xưởng bị kiểm tra như quy định tại Điều 13.
4. Tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ của Bên xuất khẩu
khi hủy quyết định cấp chứng nhận xuất xứ sẽ thông báo việc hủy bỏ này cho người
xuất khẩu đã được cấp chứng nhận xuất xứ, và thông báo cho cơ quan Hải quan của
Bên nhập khẩu trừ trường hợp chứng nhận xuất xứ được trả lại cho Tổ chức cấp chứng
nhận xuất xứ của Bên xuất khẩu. Cơ quan hải quan của Bên có thể từ chối cho hưởng
ưu đãi thuế quan khi nhận được thông báo này.
Điều 15: Bảo mật thông tin
1. Các bên, theo quy định của pháp luật trong nước,
phải giữ bí mật về các thông tin được cung cấp theo các quy định của Chương này
và bảo vệ thông tin đó không bị tiết lộ và có thể gây tổn hại đến vị thế cạnh
tranh của người đã cung cấp thông tin. Thông tin về hoạt động kinh doanh này chỉ
có thể được tiết lộ cho những cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm về việc quản
lý và thực thi việc xác định xuất xứ hàng hóa.
2. Các thông tin trao đổi giữa hai Bên sẽ được coi
là bảo mật và chỉ được sử dụng cho mục đích xác thực chứng nhận xuất xứ.
Điều 16: Chứng từ áp dụng cho quy định vận chuyển
trực tiếp
Để thực hiện điểm b đoạn 1 Điều 4.8 của Chương 4,
khi hàng hóa được vận chuyển qua lãnh thổ của một hoặc nhiều nước không tham
gia Hiệp định, các chứng từ sau phải được nộp cho cơ quan Hải quan Bên nhập khẩu:
(a) Vận tải đơn chở suốt được cấp tại Bên xuất khẩu;
(b) Chứng nhận xuất xứ (Mẫu VC) do Tổ chức cấp chứng
nhận xuất xứ của Bên xuất khẩu cấp;
(c) Các chứng từ khác chứng minh rằng các yêu cầu của
đoạn (ii) và (iii) thuộc điểm b đoạn 1 Điều 4.8 được đáp ứng.
Điều 17: Hóa đơn do nước không tham gia Hiệp định
phát hành
1. Cơ quan hải quan Bên nhập khẩu phải chấp nhận chứng
nhận xuất xứ (Mẫu VC) trong trường hợp hóa đơn bán hàng được phát hành bởi một
công ty có trụ sở tại một nước không tham gia Hiệp định, miễn là hàng hóa đó
đáp ứng các quy định về xuất xứ quy định tại Chương 4.
2. Người xuất khẩu sẽ đánh dấu vào ô "non-Party
invoicing" và ghi các thông tin như tên và nước của công ty phát hành hóa
đơn trên chứng nhận xuất xứ (Mẫu VC).
Điều 18: Hình phạt đối với việc khai báo sai
1. Các Bên sẽ xây dựng hoặc duy trì những hình phạt
phù hợp đối với những người xuất khẩu đề nghị được cấp chứng nhận xuất xứ, nếu
khai báo sai hoặc xuất trình các chứng từ giả mạo cho cơ quan cấp
của Bên xuất khẩu, trước khi cấp chứng nhận xuất xứ (Mẫu VC).
2. Mỗi Bên, theo quy định của luật
pháp trong nước, áp dụng những biện pháp được coi là phù hợp đối với người xuất khẩu đề nghị được cấp chứng nhận xuất xứ (Mẫu VC) nếu người xuất khẩu, mặc dù đã biết,
không thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp của Bên xuất
khẩu, sau khi được cấp chứng nhận xuất xứ, rằng hàng hóa không đáp ứng xuất xứ
của Bên xuất khẩu.
Điều 19: Nghĩa vụ của Người xuất
khẩu
Người xuất khẩu được cấp chứng nhận
xuất xứ theo quy định tại Điều 4, sẽ thông báo bằng văn bản
cho Tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ của Bên xuất khẩu khi Người xuất khẩu biết
hàng hóa đó không đáp ứng tiêu chí xuất xứ của Bên xuất
khẩu.
Điều 20: Nghĩa vụ của Người nhập khẩu
Trừ những quy định khác tại Phụ lục
này, Cơ quan hải quan của Bên nhập khẩu yêu cầu Người nhập khẩu đề nghị được hưởng
ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu phải:
(a) Khai báo hải quan, dựa trên chứng
nhận xuất xứ (Mẫu VC) có hiệu lực, rằng hàng hóa được coi
là có xuất xứ từ Bên xuất khẩu;
(b) Có chứng nhận xuất xứ (Mẫu VC) vào thời điểm khai hải quan;
(c) Cung cấp chứng nhận xuất xứ (Mẫu
VC) theo yêu cầu của Cơ quan hải quan của Bên nhập khẩu;
(d) Thông báo kịp thời cho Cơ quan hải
quan và trả các khoản thuế còn nợ khi Người nhập khẩu có lý do để tin rằng chứng
nhận xuất xứ (Mẫu VC) mà Người nhập
khẩu khi làm thủ tục khai báo nhập khẩu đã dựa trên đó có chứa những thông tin không chính xác.
Điều
21: Nghĩa vụ của Tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ
Tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ phải
tiến hành việc kiểm tra thích hợp sau khi nhận được đơn đề
nghị cấp chứng nhận xuất xứ để đảm bảo:
(a) Đơn đề nghị cấp chứng nhận xuất xứ
và chứng nhận xuất xứ (Mẫu VC) phải
được khai theo mẫu quy định và được người xuất khẩu ký.
(b) Xuất xứ hàng hóa tuân thủ theo
các quy định của Hiệp định; và
(c) Các lời khai khác trên chứng nhận
xuất xứ (Mẫu VC) phù hợp với chứng từ chứng minh được nộp;
(d) Chứng nhận xuất xứ (Mẫu VC) được Tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ ký;
(e) Mô tả hàng hóa, số lượng và trọng lượng hàng
hóa, nhãn hiệu và số kiện hàng, số lượng và loại kiện hàng, như quy định, phù hợp
với sản phẩm xuất khẩu; và
(f) Nhiều mặt hàng khác nhau được phép kê khai trên
cùng một chứng nhận xuất xứ (Mẫu VC) với điều kiện mỗi mặt hàng thỏa mãn tiêu
chí xuất xứ tương ứng riêng của mặt hàng đó.
Điều 22: Hoàn thuế quan
1. Khi hàng hóa có xuất xứ được nhập khẩu vào Chi
Lê nhưng chưa yêu cầu xin hưởng ưu đãi thuế quan tại thời điểm nhập khẩu, người
nhập khẩu có thể, không muộn hơn 1 năm sau ngày hàng hóa được nhập khẩu, yêu cầu
xin hoàn bất kỳ một khoản thuế nào đã được nộp cho cơ quan Hải quan do hàng hóa
đó trước đấy chưa được hưởng ưu đãi thuế quan, với điều kiện phải nộp được:
(a) Khai báo bằng văn bản rằng hàng hóa đáp ứng
tiêu chí xuất xứ tại thời điểm nhập khẩu;
(b) Chứng nhận xuất xứ (Mẫu VC); và
(c) Các chứng từ khác liên quan đến việc nhập khẩu
hàng hóa khi Bên nhập khẩu yêu cầu.
2. Khi hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam mà chưa
làm thủ tục hưởng ưu đãi thuế quan tại thời điểm nhập khẩu, việc cho hưởng ưu
đãi thuế quan sẽ được thực hiện theo quy định của Việt Nam.
Điều 23: Quy định chuyển tiếp đối với hàng hóa
đang vận chuyển hoặc lưu kho
Người nhập khẩu có thể chưa yêu cầu hưởng ưu đãi
thuế quan vào thời điểm Hiệp định có hiệu lực đối với hàng hóa đang trong quá
trình vận chuyển từ Bên xuất khẩu tới Bên nhập khẩu hoặc đang được lưu kho tạm
thời tại kho ngoại quan, trừ các trường hợp sau:
(a) Hàng hóa thỏa mãn tất cả các yêu cầu quy định tại
Chương 4; và
(b) Người nhập khẩu cung cấp, theo quy định của
pháp luật Bên nhập khẩu, cho Cơ quan hải quan của Bên nhập khẩu chứng nhận xuất
xứ (Mẫu VC) được cấp sau và, nếu được yêu cầu, các chứng từ khác liên quan đến
việc nhập khẩu hàng hóa, trong khoảng thời gian không quá 4 tháng kể từ ngày Hiệp
định có hiệu lực.
PHỤ LỤC 4-B
QUY TẮC CỤ THỂ ĐỐI VỚI SẢN PHẨM 4
Phần
A
Chú thích
1. Để thực hiện Quy tắc cụ thể đối với
sản phẩm quy định tại Phụ lục này:
(a) quy tắc hoặc
bộ quy tắc cụ thể áp dụng đối với một chương, nhóm hoặc
phân nhóm cụ thể được quy định ở cột cùng hàng với chương,
nhóm hoặc phân nhóm đó;
(b) quy tác áp dụng cho nhóm sẽ có
giá trị áp dụng ưu tiên so với quy tắc
áp dụng cho chương có chứa nhóm đó;
(c) quy tắc áp dụng cho phân nhóm sẽ
có giá trị áp dụng ưu tiên so với quy tắc áp dụng cho nhóm hoặc chương có chứa phân nhóm đó;
(d) tiêu chí chuyển đổi mã số hàng
hóa chỉ áp dụng đối với nguyên vật liệu không có xuất xứ;
(e) các định nghĩa sau đây sẽ được áp
dụng:
(i) chương là hai số đầu tiên trong dãy số phân loại thuế quan thuộc Hệ thống Hài
hòa (HS);
(ii) nhóm
là bốn số đầu tiên trong dãy số phân
loại thuế quan thuộc Hệ thống Hài hòa (HS); và
(iii) phân nhóm là sáu số đầu tiên trong dãy số phân loại thuế quan thuộc Hệ thống Hài
hòa (HS).
2. Để áp dụng các tiêu chí xuất xứ quy định tại cột 3 của Phụ lục này:
(a) RVC 40% có nghĩa hàng hóa phải đạt hàm lượng giá trị khu
vực không dưới 40% theo cách tính được quy định tại Điều
4.5;
(b) RVC 50% có nghĩa hàng hóa phải đạt hàm lượng giá trị khu vực không dưới 50% theo cách tính được quy định tại Điều 4.5;
(c) CC có
nghĩa tất cả các nguyên vật liệu không có xuất xứ được sử dụng trong quá trình sản xuất ra hàng hóa đã trải qua quá trình
chuyển đổi mã HS ở cấp 2 số;
(d) CTH có
nghĩa tất cả các nguyên vật liệu sử dụng trong quá trình sản xuất
ra hàng hóa đã trải qua quá trình chuyển đổi mã HS ở cấp 4
số; và
(e) CTSH
có nghĩa tất cả các nguyên vật liệu sử dụng trong quá trình sản xuất ra hàng hóa đã trải qua quá trình chuyển đổi mã HS ở cấp 6
số.
Phần B
Quy tắc xuất xứ đối
với sản phẩm cụ thể
ANNEX 4-C
CERTIFICATE OF
ORIGIN (FORM VC)
CERTIFICATE OF
ORIGIN
|
Page
:________/___________
|
|
1. Exporter's business name, address, country
|
4. Reference No. : _______________
VIET NAM - CHILE
Free Trade Agreement
FORM VC
Issued in ____________________
(Country)
(See overleaf
Notes)
|
|
2. Consignee's name, address, country
|
|
For Official Use
£ Preferential Tariff Treatment Given under FTA
£ Preferential Tariff Treatment Not Given under
FTA (please stae reason(s))
…………………………………………..
Signature of Authorized Signatory of the Importing
Country
|
|
3. Means of transport and route (as far as known)
Departure date:
Vessel's name/Aircraft etc:
Port of Discharge:
|
5.
£ Issued Retroactively
£ Non-Party Invoicing
£ Certified True Copy
|
|
6. Item number
|
7. Marks and numbers of packages
|
8. Number and type of packages, description of
goods (including HS code)
|
9. Origin criterion
|
10. Gross weight or quantity
|
11. Number and date of invoices
|
|
12. Declaration by the exporter:
The undersigned, hereby declares that the above
details and statement are correct; that all the goods were produced in
……………………………………….
(country)
and that they comply with the origin requirements
specified for there goods in the VCFTA Agreement
|
13. Certification
It is hereby certificed, on the basis of control
carried out, that the declaration by the exporter is correct.
|
|
……………………………………………
Place
and date, name, signature and company authorized signatory
|
……………………………………………
Place
and date, signature and stamp of Issuing Authority
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
OVERLEAF
NOTES
For the purpose of claiming
preferential tariff treatment, the document should be completed legibly and
filled by the exporter. All items of the form should be completed in the
English Language.
If the space of this document is
insufficient to specify the necessary particulars for identifying the goods and
other related information, the exporter may provide the information using
additional Certificate of Origin.
Box 1: State the full name, address
and country of the exporter.
Box 2: State the full name, address
and country of the consignment.
Box 3: Provide the departure date,
the name of vessel/aircraft and the name of the port of discharge, as far as
known.
Box 4: State the country where the
Certificate of Origin is issued.
Box 5:
- If the Certificate of Origin is issued Retroactively, the "Issued Retroactively" box
should be ticked (Ö)
- In case where invoices are issued
by a non-Party, the "Non-Party invoicing" box should be ticked (Ö)
- In case the Certificate of Origin is a duplicate of the original, in accordance with Rule 8, the
"Duplicate" box should be ticked (Ö).
Box 6: Provide the item number.
Box 7: Provide the marks and number
of packages.
Box 8: Provide the number and type of
packages, HS code and description of each good consigned. The HS code should be
indicated at the six-digit level.
The description of the good on a Certificate of Origin should be substantially identical to the
description on the invoice and, if possible to the description under HS code
for the good.
Box 9: For the
goods that meet the origin criterion, the exporter must indicate the origin criterion
met, in the manner shown in the following table:
Description of Criterion
|
Criterion (Insert in Box 9)
|
a) A good is wholly obtained or
produced in the territory of a Party as defined in Article 4.3 of the VCFTA
Agreement.
|
WO
|
b) Local Value Content (put the
real percentage)
|
RVC 40%
|
c) Change in Tariff Classification
|
The actual TCT rule, for example:
CC or CTH or CTSH
|
Also, exporters should indicate the
following where applicable:
|
|
(d) Goods which comply with Article 4.6 of the VCFTA Agreement
|
ACU
|
(e) Goods which comply with Article
4.9 of the VCFTA Agreement
|
DMI
|
Box 10: For each good indicate the
quantity or gross weight
Box 11: Indicate the invoice
number(s) and date(s) for each good. The invoice should be
the one issued for the importation of the good into the
importing Party.
Where invoices are issued by a third
country, in accordance with Rule 17 of the Operational Certification
Procedures, the "Non-Party Invoicing"’ box in box 5 should be ticked
(Ö). The number of invoices issued for the importation of goods into the
importing Party should be indicated in box 11, and the full legal name and
address of the company or person that issued the invoices shall be indicated in
box 8.
In a case where the invoice number
issued in a non-Party at the time of issuance of the Certificate
of Origin is not known, Box 11 should be left blank.
Box 12: This Box should be completed, signed and dated by the exporter. The "Date" should be
the date when the Certificate of Origin is applied for.
Box 13: This Box should be completed,
dated, signed and stamped by the Issuing Authority of the exporting Party. The
"Date" should be the date when the Certificate of Origin is issued.
Chương 5
QUẢN LÝ HẢI QUAN
Điều 5.1: Định
nghĩa
Vì mục đích của Chương này:
Luật Hải quan là luật và các quy định do cơ quan Hải quan của mỗi Bên ban hành và thực
hiện liên quan đến việc nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh/ chuyển tải hàng hóa trong phạm vi liên quan tỏi các loại thuế, phí và các loại thuế khác, hoặc
liên quan đến các biện pháp cấm, hạn chế, và các biện pháp kiểm soát tương tự
khác liên quan đến việc vận chuyển các mặt hàng bị kiểm soát qua biên giới của
lãnh thổ hải quan của các Bên; và
Thủ tục Hải quan là chế độ đối xử mà cơ quan Hải quan của một Bên áp dụng với hàng hóa
thuộc phạm vi kiểm soát hải quan của Bên đó.
Cơ quan yêu cầu là cơ quan Hải quan đưa ra yêu cầu hỗ trợ; và
Cơ quan
được yêu cầu là cơ quan Hải quan nhận được yêu cầu hỗ
trợ.
Điều 5.2: Mục
tiêu
Mục tiêu của Chương này nhằm:
(a) Đơn giản hóa
và hài hòa hóa thủ tục hải quan của các Bên;
(b) Bảo đảm tính thống nhất, có
thể dự đoán trước, và tính minh bạch trong việc thực hiện các luật
và quy định Hải quan của các Bên;
(c) Đảm bảo giải phóng hàng hóa nhanh
chóng và hiệu quả;
(d) Tạo thuận lợi thương mại hàng hóa
giữa các quốc gia của các Bên thông qua việc sử dụng công
nghệ thông tin và truyền thông, trên cơ sở các tiêu chuẩn quốc tế; và
(e) Thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan
hải quan về các tiêu chuẩn quốc tế liên quan và các thông
lệ được khuyến nghị như các tiêu chuẩn và thông lệ được Hội
đồng Hợp tác hải quan khuyến nghị.
Điều 5.3: Phạm
vi
1. Chương này áp
dụng đối với thủ tục hải quan áp dụng
cho hàng hóa trao đổi giữa các Bên.
2. Chương này được thực thi phù hợp với
luật và quy định hiện hành của mỗi Bên, trong phạm vi thẩm
quyền và nguồn lực hiện có của cơ quan hải quan của mỗi Bên.
Điều 5.4: Xem xét lại và Khiếu
nại
1. Mỗi Bên phải
đảm bảo rằng liên quan đến các quyết
định hải quan, phù hợp với luật pháp và quy định của mỗi Bên,
người nhập khẩu trong lãnh thổ của Bên đó được
tiếp cận với:
(a) việc xem xét lại về hành chính độc
lập với cán bộ có thẩm quyền ban hành quyết định; và
(b) việc xem xét lại theo thủ tục tư
pháp, hoặc quyết định được đưa ra ở cấp xem xét lại về hành chính
cuối cùng.
2. Thông báo về
quyết định giải quyết khiếu nại cùng với lý do đưa ra quyết
định này bằng văn bản sẽ được gửi cho người khiếu nại.
Điều 5.5: Giải
phóng hàng hóa/ Kiểm soát hải quan
1. Mỗi Bên sẽ nỗ
lực áp dụng thủ tục hải quan một cách nhất quán, minh bạch và có thể dự đoán được,
làm cho việc giải phóng hàng hóa được hiệu quả nhàm tạo thuận lợi thương mại giữa
các Bên.
2. Để nhanh chóng giải phóng hàng hóa
trao đổi giữa các Bên, mỗi Bên, trong phạm vi có thể, phải:
(a) giải phóng hàng hóa trong khoảng
thời gian không lâu hơn khoảng thời gian quy định tại luật hải quan của mỗi Bên; và trong phạm
vi có thể, trong vòng 48 giờ cho tất cả các thủ tục nhập khẩu có liên quan;
(b) áp dụng công nghệ thông tin và
truyền thông;
(c) áp dụng hoặc duy trì các thủ tục
cho phép, trong phạm vi có thể, hàng hóa được giải phóng tại thời điểm hàng đến mà không phải tạm thời chuyển vào kho hay các địa điểm khác;
(d) hài hóa hóa các thủ tục hải quan
với các tiêu chuẩn quốc tế và thông lệ phổ biến nhất có liên quan, mức độ hài
hòa cao nhất có thể như các tiêu chuẩn và thông lệ do Tổ
chức Hải quan thế giới khuyến nghị; và
(e) Theo quy định của mỗi Bên, áp dụng
hoặc duy trì các thủ tục cho phép giải phóng hàng hóa trước trong trường hợp việc
giải phóng trước này không gây ảnh hưởng tới quyết định cuối cùng của cơ quan hải quan về mức thuế quan, thuế và lệ phí.
Điều 5.6: Quản
lý rủi ro
1. Nhằm tạo thuận lợi cho việc giải
phóng hàng hóa trao đổi giữa các Bên, trong phạm vi nguồn
lực và khả năng hiện có của mỗi Bên, cơ quan Hải quan sử dụng phương pháp quản
lý rủi ro.
2. Cơ quan Hải quan của mỗi Bên sẽ
trao đổi thông tin, bao gồm những thông lệ phổ biến nhất, về kỹ thuật quản lý rủi ro và các kỹ thuật kiểm
soát khác.
3. Mỗi bên sẽ nỗ lực sử dụng hoặc duy
trì các hệ thống quản lý rủi ro giúp cơ quan Hải quan của Bên đó tập trung các
hoạt động kiểm tra vào hàng hóa có mức độ rủi ro cao và đơn giản hóa việc thông quan/vận chuyển hàng hóa có mức
độ rủi ro thấp.
Điều 5.7: Hợp
tác và xây dựng năng lực
1. Mỗi Bên sẽ hợp tác về xây dựng
năng lực nhằm tạo thuận lợi thương mại như đào tạo, hỗ trợ
kỹ thuật, trao đổi chuyên gia và bất kỳ hình thức hợp tác nào khác, dựa trên sự
đồng thuận của các Bên,
2. Trong phạm vi mà các quy định và
luật pháp quốc gia của mỗi Bên cho phép, cơ quan Hải quan của các Bên sẽ hỗ trợ
lẫn nhau liên quan tới:
(a) tuân thủ quy định và luật của các
Bên liên quan đến việc thực thi các quy định của Hiệp định này; và những vấn đề về hải quan khác theo sự nhất trí của các Bên;
(b) thực thi Hiệp định xác định trị
giá hải quan của WTO;
(c) thi hành các biện pháp cấm và hạn
chế đối với hàng hóa xuất khẩu tới và nhập khẩu từ lãnh thổ
các bên;
(d) cùng nỗ lực để chống gian lận về
hải quan; và
(e) hợp tác trong bất kỳ lĩnh vực nào
khác dựa trên sự đồng thuận của các Bên.
Điều 5.8: Hỗ trợ
lẫn nhau
1. Cơ quan Hải quan của mỗi Bên,
trong phạm vi có thể, theo yêu cầu hoặc sáng kiến riêng của Bên đó, sẽ cung cấp thông tin cho cơ quan Hải quan của Bên kia,
nhằm đảm bảo luật hải quan và các quy định được áp dụng phù hợp và ngăn ngừa vi
phạm hoặc cố ý vi phạm luật hải quan và các quy định đó.
2. Trong phạm vi quy định của pháp luật
về hải quan của các Bên, các cơ quan Hải quan có thể hỗ trợ lẫn nhau nhằm ngăn
ngừa hoặc điều tra các vi phạm luật hải quan.
3. Yêu cầu theo khoản 1 của Điều này,
khi thích hợp, sẽ chỉ rõ:
(a) các thủ tục xác minh mà cơ quan
yêu cầu đã thực hiện hoặc đã cố gắng thực hiện; và
(b) thông tin chi tiết theo yêu cầu của
cơ quan yêu cầu, có thể bao gồm:
(i) vấn đề và lí do yêu cầu;
(ii) mô tả sơ lược về vấn đề và hành động yêu cầu; và
(iii) tên và địa chỉ của các bên liên
quan đến thủ tục, nếu biết.
Điều 5.9: Kiểm
soát chống buôn lậu
Cơ quan Hải quan của mỗi Bên,
trong phạm vi cho phép bởi luật và quy định của Bên đó, khi có thể, hợp tác và trao đổi thông tin về hoạt động thực thi chống buôn bán ma túy và các mặt
hàng cấm khác trong lãnh thổ các bên.
Điều 5.10: Công
nghệ thông tin và truyền thông
Với mục đích cải cách thủ tục hải
quan, cơ quan Hải quan của các Bên sẽ nỗ lực hợp tác để tăng cường việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào các thủ tục hải quan của mình, bao gồm chia sẻ các thông lệ
phổ biến nhất.
Điều 5.11: Bảo
mật thông tin.
1. Cơ quan Hải quan của mỗi Bên không
được sử dụng bất kỳ thông tin nào nhận được theo quy định của Chương này hoặc
Chương 4 (Quy tắc xuất xứ) vào bất kỳ mục đích nào khác ngoài mục đích mà thông tin đó được cung cấp, hoặc không được tiết lộ những thông tin này, trừ các trường hợp sau:
(a) Cơ quan Hải quan cung cấp thông
tin đã rõ ràng thể hiện sự chấp nhận đối với việc sử dụng hoặc tiết lộ
thông tin phục vụ cho các mục đích khác liên quan đến Chương này hoặc Chương 4 (Quy tắc xuất xứ); hoặc
(b) luật pháp và quy định quốc gia của
cơ quan Hải quan nhận thông tin đòi hỏi việc tiết lộ, trong trường hợp này cơ quan Hải quan nhận thông tin sẽ thông báo với cơ quan Hải
quan cung cấp thông tin về quy định pháp lý có liên quan.
2. Bất kỳ thông tin nào nhận được
theo quy định của Chương này hoặc Chương 4 (Quy tắc xuất xứ) phải được coi là
thông tin mật và được bảo vệ cùng mức độ bảo mật áp dụng đối với thông tin cùng
loại theo luật pháp quốc gia của Cơ quan Hải quan nhận được thông tin.
3. Không điều khoản nào tại Chương
này hay Chương 4 (Quy tắc xuất xứ) được hiểu là sẽ yêu cầu một Bên cung cấp hoặc
cho phép tiếp cận các thông tin mà việc tiết lộ đó sẽ:
(a) đi ngược lại lợi ích công cộng được
luật, quy định của Bên đó bảo vệ;
(b) đi ngược lại bất kỳ luật, quy tắc,
quy định nào, bao gồm nhưng không chỉ giới hạn đối với các
quy định về bảo vệ bí mật cá nhân hoặc các vấn đề tài
chính và tài khoản của cá nhân; hoặc
(c) cản trở việc thực thi pháp luật.
Điều 5.12:
Thương mại phi giấy tờ
1. Trong khi thực thi các sáng kiến về
sử dụng thương mại phi giấy tờ, cơ quan Hải quan của mỗi
Bên sẽ xem xét các phương pháp đã được Tổ chức Hải quan thế giới nhất trí, bao gồm việc áp dụng mô hình dữ liệu của
Tổ chức Hải quan thế giới nhằm đơn giản và hài hòa hóa dữ liệu.
2. Cơ quan Hải quan của mỗi Bên sẽ hành động hướng tới việc có được các hình thức
điện tử đối với tất cả các yêu cầu báo cáo hải quan, ngay khi có tính khả thi.
3. Việc áp dụng và tăng cường công
nghệ thông tin, trong phạm vi lớn nhất có thể, sẽ được tiến hành trên cơ sở tham
vấn các bên liên quan, bao gồm các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp.
Điều 5.13:
Cung cấp thông tin
Cơ quan Hải quan của mỗi Bên có thể
cung cấp cho Bên kia bất kỳ quy định áp dụng chung nào
liên quan tới các vấn đề hải quan do cơ quan đó đề xuất để
ban hành và sẽ công bố bất kỳ quy định áp dụng chung liên quan tới các vấn đề hải
quan ngay khi quy định có hiệu lực.
Điều 5.14:
Thông tin và Điểm hỏi đáp
Vì các mục đích nêu tại Chương này, mỗi
bên sẽ:
1. Công bố trên internet hoặc dưới dạng
văn bản tất cả các quy định pháp luật và thủ tục được cơ quan hải quan áp dụng
hoặc thực thi; và
2. Chỉ định một
hoặc nhiều điểm hỏi đáp để giải quyết các yêu cầu của Bên kia liên quan tới các vấn đề về hải quan, và
công bố trên internet hoặc dưới dạng văn bản thông tin liên quan tới thủ tục để
đưa ra các yêu cầu.
Chương 6
CÁC BIỆN PHÁP VỆ
SINH AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ KIỂM DỊCH ĐỘNG THỰC VẬT
Điều 6.1: Định
nghĩa
Đối với Chương này:
1. Các định nghĩa
tại Phụ lục A của Hiệp định SPS được đưa vào Chương này và sẽ là một phần của
Chương này, với những sửa đổi thích hợp.
2. Những định nghĩa có liên quan do các cơ quan xây dựng tiêu chuẩn quốc tế xây dựng đã được công nhận bởi Hiệp định SPS, Ủy
ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex),
Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Công ước Bảo vệ thực vật
quốc tế (IPPC) sẽ được tham chiếu trong việc thực thi
Chương này.
Điều 6.2: Mục
tiêu
Mục tiêu của Chương này là:
(a) tạo điều kiện thuận lợi cho việc
thực hiện Hiệp định SPS và các tiêu chuẩn quốc tế được áp dụng, các hướng dẫn
và khuyến nghị của các cơ quan xây dựng tiêu chuẩn quốc tế có liên quan;
(b) tạo điều kiện thuận lợi cho
thương mại song phương giữa hai nước trên lĩnh vực thực phẩm, thực vật, động vật và các sản phẩm của chúng, đồng thời bảo vệ sự sống hoặc sức khỏe của con người,
động vật hoặc thực vật trong lãnh thổ của mỗi Bên;
(c) tăng cường hiểu
biết lẫn nhau về các quy định và thủ tục của mỗi Bên liên
quan đến việc thực hiện các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.
(d) tăng cường
thông tin và hợp tác trên các lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động
thực vật, và
(e) Quy định cách thức giải quyết các
vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật phát sinh từ việc
thực hiện Hiệp định này.
Điều 6.3: Phạm
vi áp dụng
Chương này áp dụng cho tất cả các biện
pháp về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của mỗi Bên mà các
biện pháp đó có khả năng trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến thương mại giữa
các Bên.
Điều 6.4: Những
quy định chung
1. Các Bên khẳng định quyền và nghĩa vụ của mình đối với Bên kia được quy định trong Hiệp định SPS
2. Các Bên sẽ hợp tác trong các cơ quan xây dựng tiêu chuẩn quốc tế có liên quan đã được Hiệp
định SPS công nhận.
Điều 6.5: Tham
vấn về các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật
1. Ngay khi có một Bên yêu cầu tham vấn
về một vấn đề phát sinh thuộc phạm vi Chương này, các Bên
sẽ đồng ý tham gia vào quá trình tham vấn thông qua Điểm liên lạc được nêu tại
Điều 6.7.
2. Tham vấn sẽ được tiến hành trong vòng 60 ngày sau khi nhận được yêu cầu, trừ khi có sự đồng ý khác của
cả hai Bên. Tham vấn có thể được thực hiện thông qua họp
trực tuyến qua điện thoại hoặc truyền hình, hoặc bằng bất kỳ phương thức nào
khác với sự đồng ý của cả hai Bên.
3. Thông qua tham vấn và hợp tác, hai
Bên sẽ nỗ lực tìm kiếm một giải pháp thỏa mãn lợi ích cả
hai phía. Nếu các Bên không giải quyết được các vấn đề về
an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật phát sinh trong việc thực hiện Hiệp
định này thông qua tham vấn theo Điều này, tham vấn theo
Điều này sẽ thay thế cho những quy định tại Điều 12.3
(Tham vấn).
Điều 6.6: Ủy
ban về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật
1. Hai Bên đồng ý rằng một Ủy ban về
các biện pháp Vệ sinh an toàn thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật, sau đây được
gọi tắt là Ủy ban, sẽ được thành lập trong thời hạn không
quá một năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực, thông qua trao đổi thư từ, với mục đích để đảm bảo việc thực
thi Chương này.
2. Ủy ban sẽ bao gồm đại điện của mỗi
Bên tham gia, chịu trách nhiệm về các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm
dịch động thực vật.
3. Ủy ban sẽ tìm kiếm cơ hội tăng cường
hợp tác giữa các cơ quan chịu trách nhiệm về các biện pháp
vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của
các Bên.
4. Ủy ban sẽ là diễn đàn để:
(a) tăng cường hiểu biết lẫn nhau về
các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của mỗi Bên
và các quy trình kiểm soát liên quan đến các biện pháp đó;
(b) thảo luận và
xử lý các vấn đề liên quan đến việc xây dựng, áp dụng hoặc thực thi các biện
pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật có tác động, hoặc có
thể tác động đến thương mại giữa các Bên;
(c) rà soát tiến trình và cố gắng tìm
kiếm giải pháp cho các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm
và kiểm dịch động thực vật có ảnh hưởng đến thương mại giữa các Bên;
(d) tham vấn về
các vấn đề liên quan đến các cuộc họp của Ủy ban WTO SPS, Ủy ban về tiêu chuẩn
thực phẩm quốc tế (Codex), Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Công ước Bảo vệ thực vật Quốc tế
(IPPC);
(e) điều phối các chương trình hợp
tác kỹ thuật về các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật;
(f) nâng cao sự
hiểu biết song phương trong việc thực thi cụ thể các vấn đề
liên quan đến Hiệp định SPS;
5. Ủy ban sẽ họp hàng năm trừ khi các Bên có thỏa thuận khác.
6. Ủy ban sẽ xây dựng các qui tắc hoạt động riêng của mình tại kỳ họp đầu tiên làm cơ sở cho hoạt động
của Ủy ban. Những qui tắc đó có thể được sửa đổi hoặc
bổ sung.
7. Mỗi Bên đảm bảo các đại diện thích
hợp có trách nhiệm xây dựng, thực hiện và thực thi các biện
pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật tham gia các cuộc họp
của Ủy ban. Các Bên phải thông báo cho nhau về các cơ quan
và các bộ chịu trách nhiệm đối với tất cả các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm
và kiểm dịch động thực vật.
8. Ủy ban có thể thành lập các nhóm
công tác kỹ thuật đặc trách phù hợp với các qui tắc hoạt động
của Ủy ban.
Điều 6.7: Các
Cơ quan có thẩm quyền và Điểm liên lạc
1. Các cơ quan có thẩm quyền chịu
trách nhiệm về việc thực hiện các biện pháp nêu tại Chương này được liệt kê tại
Phụ lục 6-A.
2. Các điểm liên lạc chịu trách trách
nhiệm liên quan đến việc thông tin liên lạc giữa các Bên được nêu tại Phụ lục
6-B.
3. Các Bên phải thông báo cho nhau về
bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong cơ cấu, tổ chức và phân
chia thẩm quyền của các cơ quan có thẩm quyền hoặc điểm liên lạc.
Phụ lục 6-A
CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN
Việt Nam:
1. Văn phòng SPS Việt Nam, Vụ Hợp tác
Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;
2. Cục Bảo vệ thực vật (PPD), Bộ Nông
nghiệp và Phát triển Nông thôn;
3. Cục Thú y (DAH), Bộ Nông nghiệp và
Phát triển Nông thôn;
4. Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản
và Thủy sản (NAFIQAD), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; và
5. Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (VFA), Bộ Y tế.
Chi Lê:
1. Tiểu ban các vấn đề SPS, Cục Tiếp cận Thị trường, Tổng cục Kinh tế Quốc tế (DIRECON),
Bộ Ngoại giao.
2. Phòng Công tác Quốc tế, Cơ quan quản
lý Nông nghiệp và Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp
3. Phòng Bảo vệ Nông nghiệp, Cơ quan
quản lý Nông nghiệp và Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp;
4. Phòng Bảo vệ Chăn nuôi, Cơ quan quản
lý Nông nghiệp và Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp;
5. Cục Dinh dưỡng và Thực phẩm, Bộ Y
tế;
6. Cục Thú y Thủy sản, Cơ quan quản lý Thủy sản Quốc Gia, Bộ Kinh tế; và
7. Phòng Nuôi trồng Thủy sản, Cơ quan
quản lý Thủy sản Quốc gia, Bộ Kinh tế.
Phụ
lục 6-B
ĐIỂM LIÊN LẠC
Việt Nam:
Văn phòng SPS Việt Nam, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chi Lê:
Ủy ban các vấn đề SPS, Cục Tiếp cận Thị trường, Tổng
cục Kinh tế Quốc tế (DIRECON), Bộ Ngoại giao.
Chương 7
QUY CHUẨN KỸ THUẬT,
TIÊU CHUẨN VÀ QUY TRÌNH ĐÁNH GIÁ SỰ PHÙ HỢP
Điều 7.1: Định
nghĩa
Vì mục đích của Chương này:
Hiệp định TBT có nghĩa là Hiệp định WTO về Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, được
quy định tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO và;
Quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp được hiểu như quy định trong
Phụ lục 1 của Hiệp định TBT.
Điều 7.2: Mục
tiêu
Mục tiêu của Chương này là nhằm tăng
cường và thuận lợi hóa thương mại thông qua việc nâng cao khả năng thực thi Hiệp
định TBT, loại bỏ các hàng rào kỹ thuật không cần thiết đối với thương mại và
thúc đẩy hợp tác song phương.
Điều 7.3: Phạm
vi áp dụng
1. Trừ các quy định trong khoản 2 và
3 của Điều này, Chương này áp dụng đối với tất cả tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù
hợp như được xác định trong Hiệp định TBT, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp, ảnh
hưởng đến thương mại hàng hóa giữa các Bên.
2. Các qui cách kỹ thuật được xây dựng
bởi các cơ quan chính phủ nhằm đáp ứng các yêu cầu sản xuất hoặc tiêu dùng của
các cơ quan này sẽ không chịu sự điều chỉnh của Chương
này.
3. Chương này không áp dụng đối với
các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật quy định
trong Phụ lục A, đoạn 1 của Hiệp định
SPS, các biện pháp này được quy định trong Chương 6 (Các biện pháp vệ sinh an
toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật).
4. Không điều khoản nào trong Chương
này hạn chế quyền của một Bên khi xây dựng, chấp nhận và thực thi các quy chuẩn
kỹ thuật và tiêu chuẩn, tới mức độ cần thiết, phù hợp với quyền và nghĩa vụ theo Hiệp định TBT để thực hiện một mục
tiêu chính đáng, có tính đến các yếu tố rủi ro do không thực
hiện gây ra.
Điều 7.4: Tái
khẳng định Hiệp định TBT
Các Bên tái khẳng
định quyền và nghĩa vụ của mình theo Hiệp định TBT.
Điều 7.5: Tiêu
chuẩn quốc tế
1. Mỗi Bên phải sử dụng tiêu chuẩn quốc
tế liên quan, ở mức độ quy định trong Điều 2.4 của Hiệp đinh TBT, làm cơ sở cho
việc xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật của mình.
2. Trong lĩnh vực này, các Bên phải áp dụng các nguyên tác quy định trong Quyết định và Khuyến nghị được thông qua bởi Ủy ban từ 1/1/1995. G/TBT/1/Rev.9,
8/9/2008, Phụ lục B Phần 1 (Quyết định của Ủy ban về nguyên
tắc xây dựng tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc
tế liên quan tới Điều 2, 5 và Phụ lục 3 của
Hiệp định), do Ủy ban hàng rào kỹ thuật
đối với thương mại của WTO ban hành.
Điều 7.6: Thuận
lợi hóa thương mại
Các Bên cần hợp tác trong các lĩnh vực
tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp nhằm thuận lợi
hóa thương mại giữa các Bên, đặc biệt nhằm đưa ra các sáng kiến song phương về tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự thích hợp
trong các vấn đề hoặc lĩnh vực cụ thể. Các sáng kiến như vậy có thể bao gồm:
(a) hợp tác về các vấn đề quản lý,
như sự hòa hợp hoặc tương đương của các tiêu chuẩn và quy
chuẩn kỹ thuật;
(b) hài hòa với
tiêu chuẩn quốc tế;
(c) tin cậy vào tuyên bố về sự phù hợp
của nhà cung cấp; và
(d) sử dụng hoạt
động công nhận làm công cụ để xác nhận năng lực của các tổ
chức đánh giá sự phù hợp, cũng như hợp tác thông qua việc thừa nhận các quy
trình đánh giá sự phù hợp.
Điều 7.7: Quy
chuẩn kỹ thuật
1. Mỗi Bên phải xem xét tích cực nhằm
chấp nhận các quy chuẩn kỹ thuật của Bên kia là tương đương, thậm chí nếu các
quy chuẩn này khác với của mình, nhưng đảm bảo rằng các quy
chuẩn đó thực thi đầy đủ các mục tiêu như các quy chuẩn của mình.
2. Nếu một Bên không chấp nhận một
quy chuẩn kỹ thuật của Bên kia là tương đương với quy chuẩn của mình, khi có yêu cầu, Bên này cần giải thích lý do
trong khả năng của mình.
Điều 7.8: Quy
trình đánh giá sự phù hợp
1. Các Bên thừa nhận rằng có rất nhiều
cơ chế hiện có tạo thuận lợi cho việc chấp nhận ở lãnh thổ
của một Bên đối với kết quả đánh giá sự phù hợp được thực hiện ở lãnh thổ của
Bên kia. Ví dụ:
(a) các tổ chức đánh giá sự phù hợp
trong lãnh thổ của mỗi Bên có thể tham gia vào các cam kết
tự nguyện chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của nhau;
(b) một Bên có thể thỏa thuận với Bên
kia chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp đối với một quy
chuẩn kỹ thuật cụ thể được thực hiện bởi các tổ chức ở lãnh
thổ của Bên kia;
(c) một Bên có thể chấp nhận quy
trình công nhận nhằm xác định năng lực
các tổ chức đánh giá phù hợp ở lãnh thổ của Bên kia;
(d) một Bên có thể chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp ở lãnh thổ của
Bên kia thực hiện các hoạt động đánh giá phù hợp.
Các Bên phải trao
đổi thông tin về các cơ chế này và các cơ chế tương tự khác nhằm tạo thuận lợi
cho việc chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp.
2. Nếu một Bên không chấp nhận kết quả
của quy trình đánh giá sự phù hợp ở lãnh thổ của Bên kia,
khi có yêu cầu, Bên đó cần giải thích lý do về quyết định
của mình, trong khả năng có thể.
3. Mỗi Bên phải công nhận, phê duyệt
hoặc bằng cách khác để thừa nhận các tổ chức đánh giá sự phù hợp ở lãnh thổ của Bên kia theo các điều kiện không kém thuận lợi hơn đối với các điều kiện dành cho các tổ chức đánh
giá sự phù hợp của mình. Nếu một Bên công nhận, chấp nhận
hoặc bằng cách khác để thừa nhận một tổ chức đánh giá phù
hợp với một quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn cụ thể trong lãnh thổ của mình và từ chối công nhận, phê duyệt hoặc bằng cách khác để thừa nhận
tổ chức đánh giá phù hợp với quy chuẩn hoặc tiêu chuẩn ở lãnh thổ của Bên kia,
Bên đó, theo yêu cầu của Bên kia, phải giải thích lý do về quyết định của mình.
4. Nếu một Bên từ chối yêu cầu của
Bên kia tham gia vào đàm phán hoặc ký kết thỏa thuận tạo thuận lợi cho việc thừa
nhận kết quả đánh giá sự phù hợp được
thực hiện bởi các tổ chức ở lãnh thổ
của Bên kia, Bên đó, theo yêu cầu của Bên kia, phải giải thích lý do về quyết định
của mình.
Điều 7.9: Hợp
tác kỹ thuật
Với mục tiêu thực thi các nghĩa vụ của
Chương này, một Bên, theo yêu cầu của Bên kia và khi có thể, phải hợp tác trong việc:
(a) trao đổi văn bản pháp luật, các
quy định, quy chế và các thông tin, ấn phẩm khác do các cơ quan nhà nước chịu
trách nhiệm về các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy
trình đánh giá sự phù hợp, bao gồm cả hoạt động công nhận.
(b) trao đổi các
thông tin và ấn phẩm nói chung về hoạt
động đánh giá phù hợp, ví dụ: chứng nhận, chỉ định và công nhận các tổ chức
đánh giá phù hợp;
(c) cung cấp tư vấn, thông tin và hỗ
trợ kỹ thuật dựa trên các nội dung và điều kiện được thống nhất giữa hai bên;
và trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu chung nhằm tăng cường
hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp, và
các hoạt động liên quan của Bên kia;
(d) xem xét tích cực, theo yêu cầu của
Bên kia, đối với bất kỳ đề xuất chuyên ngành cụ thể nào nhằm thúc đẩy việc hợp
tác;
(e) thúc đẩy và khuyến khích hợp tác
song phương giữa các tổ chức liên quan của mỗi Bên chịu trách
nhiệm về các hoạt động quy định trong Chương này;
(f) tăng cường hợp tác song phương của
họ trong các tổ chức và diễn đàn quốc tế và khu vực có liên quan đến các vấn đề
được điều chỉnh trong Chương này;
(g) thông tin cho Bên kia, nếu có thể,
về những thỏa thuận hoặc chương trình
tham gia ở cấp quốc tế liên quan tới các hàng rào kỹ thuật
đối với thương mại.
Điều 7.10: Minh
bạch hóa
1. Các Bên thừa nhận tầm quan trọng của
minh bạch hóa trong việc đưa ra quyết định, bao gồm cả việc
tạo cơ hội thực sự cho các cá nhân đóng góp ý kiến đối với
các quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp. Khi một Bên ban hành một thông cáo hoặc thông
báo theo Điều 2.9 hoặc 5.6 của Hiệp định TBT, Bên đó:
(a) có thể đưa vào thông cáo mục tiêu
và lý do của dự thảo quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy trình
đánh giá sự phù hợp; tổ chức soạn thảo
và thời gian xây dựng;
(b) phải chuyển thông báo cùng với bản dự thảo qua đường điện tử cho
Bên kia thông qua điểm hỏi đáp mà Bên đó thành lập theo Điều 10 của Hiệp định
TBT, cùng thời gian khi Bên đó thông báo cho các Thành
viên WTO về dự thảo đó. Mỗi
Bên cần cho phép khoảng thời gian tối thiểu
60 ngày để Bên kia đóng góp ý kiến bằng văn bản đối
với bản dự thảo.
2. Khi các Bên tiến hành thông
báo theo Điều 2.10 và 5.7 của Hiệp định TBT, thì phải đồng thời chuyển thông báo
đó cho Bên kia qua đường điện tử thông qua điểm hỏi
đáp ở điểm 1(b).
3. Khi có thể, khuyến khích các Bên công bố hoặc bằng
cách khác để cho công chúng biết về các câu trả lời; ở dạng bản in hoặc điện tử,
đối với các ý kiến góp ý quan trọng mà Bên đó nhận được theo điểm 1(b) trước thời
điểm công bố quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp được phê duyệt.
4. Theo yêu cầu của một Bên. Bên kia
phải cung cấp các thông tin liên quan tới mục tiêu, và lý do đối với tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp mà
Bên đó đã ban hành hoặc dự định ban hành.
Điều 7.11: Điểm
hỏi đáp
1. Mỗi Bên phải chỉ định một điểm hỏi
đáp chịu trách nhiệm điều phối việc thực thi Chương này;
và cung cấp cho Bên kia tên của điểm hỏi đáp và thông tin liên hệ với các cán bộ
có liên quan của điểm hỏi đáp này, trong đó bao gồm cả
thông tin về điện thoại, fax và email và các thông tin liên quan khác.
2. Mỗi Bên phải nhanh chóng thông báo cho Bên kia về bất kỳ thay đổi nào đối với
điểm hỏi đáp của mình hoặc thông tin sửa đổi liên quan tới nhân viên của điểm
này.
Điều 7.12:
Trao đổi thông tin
Tất cả các thông tin hoặc giải thích
được cung cấp theo yêu cầu một Bên theo các điều khoản của Chương này phải được
cung cấp ở dạng bản cứng hoặc điện tử trong khoảng thời
gian thích hợp.
Điều 7.13: Ủy
ban về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại
1. Nhằm tạo thuận
lợi cho việc thực thi Chương này và sự hợp tác giữa các Bên, các Bên, tại đây,
thành lập Ủy ban về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (sau đây gọi là "Ủy ban"), bao gồm đại diện của
mỗi Bên.
2. Vì mục đích của Điều này, Ủy ban
được điều phối bởi:
(a) về phía Việt Nam là Tổng cục Tiêu
chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ; và
(b) về phía Chi lê là Tổng cục các vấn
đề kinh tế quốc tế, Bộ Ngoại giao, hoặc cơ quan kế thừa của
Tổng cục này.
3. Chức năng của Ủy ban bao gồm:
(a) theo dõi việc thực thi và quản lý
Chương này;
(b) điều phối việc hợp tác theo Điều
7.9;
(c) trao đổi quan điểm về các vấn đề,
trong khả năng có thể, mà một Bên đưa ra liên quan tới việc xây dựng, chấp nhận
và áp dụng, hoặc thi hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp;
(d) tăng cường hợp tác trong hoạt động
xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá
sự phù hợp;
(e) thúc đẩy tham vấn kỹ thuật;
(f) nếu phù hợp,
xác định các lĩnh vực ưu tiên mà hai bên thống nhất nhằm thúc
đẩy hợp tác thuận lợi hóa thương mại;
(g) thúc đẩy việc hợp tác chuyên
ngành giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp thuộc chính phủ
và phi chính phủ ở lãnh thổ của các Bên;
(h) trao đổi thông tin, nếu có thể, về
những tiến bộ đạt được trong các diễn đàn đa phương, khu vực và phi chính phủ
liên quan tới các hoạt động tiêu chuẩn hóa, quy chuẩn kỹ
thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp;
(i) thực hiện các hướng đi mà các Bên
cho là sẽ hỗ trợ việc thực thi Hiệp định TBT và thuận lợi hóa thương mại hàng
hóa giữa các Bên trên cơ sở điều kiện và năng lực của mình;
(j) theo yêu cầu của một Bên, trao đổi
về bất cứ vấn đề nào phát sinh trong Chương này;
(k) rà soát Chương này theo sự phát
triển của Hiệp định TBT và báo cáo cho Hội đồng về việc thực thi Chương này,
khi thích hợp.
(l) thực hiện
các chức năng được giao bởi Ủy ban.
4. Ủy ban phải nhóm họp ít nhất 1 lần 1 năm, nếu
không có thỏa thuận khác giữa các Bên. CÁc cuộc họp có thể tổ chức theo các
hình thức do các Bên thỏa thuận. Khi được thống nhất giữa các Bên, nếu cần thiết,
các nhóm công tác đặc biệt sẽ được thành lập.
Chương 8
PHÒNG VỆ THƯƠNG
MẠI
Mục A
Tự vệ toàn cầu, Các biện pháp Chống bán phá giá và đối kháng
Điều 8.1: Tự vệ
toàn cầu
1. Các bên duy trì các quyền và nghĩa
vụ của mình theo Điều XIX của GATT 1994 và Hiệp định Tự vệ của Tổ chức thương mại
thế giới (WTO), kể cả khi được sửa đổi.
2. Hiệp định này không trao thêm các
quyền và nghĩa vụ cho các bên liên quan đến các hành động thực hiện tuân theo
Điều XIX của GATT 1994 và Hiệp định Tự vệ của WTO, kể cả khi được sửa đổi.
Điều 8.2: Biện
pháp Chống bán phá giá và Thuế Đối kháng
1. Các quyền và nghĩa vụ của các bên
liên quan đến các biện pháp chống bán phá giá và đối kháng sẽ được điều chỉnh bởi Điều VI của GATT 1994, Hiệp định WTO về việc thực thi Điều VI của
GATT 1994 và Hiệp định WTO về trợ cấp và các biện pháp đối kháng, kể cả khi được
sửa đổi.
2. Hiệp định này không trao thêm các
quyền và nghĩa vụ cho các bên liên quan đến việc áp dụng các biện pháp chống
bán phá giá và đối kháng quy định tại khoản 1.
Mục B
Các biện pháp tự vệ song phương
Điều 8.3: Các định
nghĩa
Theo các mục đích của Mục này:
Cơ quan có thẩm quyền nghĩa là:
(a) Về phía Chi Lê, là Ủy ban quốc
gia về điều tra sự tồn tại của sự bóp méo của giá cả đối với các sản phẩm nhập
khẩu (the National Commission in Charge of the Investigation of the
Existence of Price Distortions in Imported Products - Comisión National
Encargada de Investigar la Existencia de Distorsiones en el Precio de las
Mercaderías Importadas) hoặc cơ quan thay thế;
(b) Về phía Việt Nam, là Bộ Công
Thương hoặc cơ quan thay thế; và
Ngành sản xuất nội địa nghĩa là, liên quan đến một hàng hóa nhập khẩu, toàn bộ các nhà sản xuất
sản phẩm tương tự hoặc sản phẩm cạnh tranh trực tiếp hoặc những nhà sản xuất mà
tổng lượng sản xuất của sản phẩm tương tự hoặc sản phẩm cạnh
tranh trực tiếp chiếm phần lớn tổng sản xuất nội địa đối với
sản phẩm đó;
Thiệt hại nghiêm trọng nghĩa là một tổn thất chung đáng kể đối với một ngành sản xuất nội địa;
Nguyên nhân đáng kể nghĩa là một nguyên nhân mà quan trọng và không
kém quan trọng hơn bất kỳ nguyên nhân nào khác;
Đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng nghĩa là thiệt hại nghiêm trọng rõ ràng sẽ xảy ra và điều này dựa trên thực
tế, không chỉ đơn thuần là lý luận, phỏng đoán hoặc một khả
năng khó xảy ra; và
Giai đoạn chuyển đổi nghĩa là giai đoạn 05 năm từ khi Hiệp định này có hiệu lực, ngoại trừ
trong trường hợp khi lộ trình cắt giảm thuế cho sản phẩm
thuộc diện bị áp biện pháp tự vệ kéo dài hơn giai đoạn này
thì giai đoạn chuyển đổi sẽ là giai đoạn cắt giảm thuế theo lộ trình của sản phẩm đó.
Điều 8.4: Việc
áp một biện pháp tự vệ song phương
1. Một Bên có thể áp một biện pháp tự
vệ song phương quy định tại khoản 2 chỉ trong giai đoạn chuyển đổi nếu do việc giảm hoặc xóa bỏ một lệnh áp thuế tuân theo Hiệp định
này, một hàng hóa xuất xứ từ lãnh thổ của một Bên nhập khẩu vào lãnh thổ của
Bên khác với số lượng gia tăng tuyệt đối hoặc tương đối so
với sản xuất nội địa, và tình trạng đó tạo thành một
nguyên nhân đáng kể gây ra thiệt hại nghiêm trọng, hoặc nguy cơ gây ra thiệt hại
nghiêm trọng đối với ngành sản xuất nội địa sản xuất một sản phẩm tương tự hoặc
cạnh tranh trực tiếp.
2. Nếu đáp ứng các điều kiện trong
khoản 1, để ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng,
hoặc nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng, và tạo thuận lợi cho việc
điều chỉnh, ở mức độ cần thiết, một Bên có thể:
(a) trì hoãn việc giảm hơn nữa mức
thuế áp với sản phẩm quy định tại Hiệp định này; hoặc
(b) tăng mức thuế quan đối với sản phẩm
là đối tượng của biện pháp tự vệ lên một mức không vượt quá một trong hai mức dưới đây (tùy theo mức thuế nào thấp
hơn):
(i) Mức thuế suất MFN (tối huệ quốc)
có hiệu lực vào thời điểm hành động đó được thực hiện; hoặc
(ii) Mức thuế suất MFN có hiệu lực vào ngày ngay trước ngày Hiệp định này có hiệu lực.
Điều 8.5: Các
tiêu chuẩn đối với một biện pháp tự vệ
1. Một Bên có thể áp dụng một biện
pháp tự vệ song phương, bao gồm bất kỳ thời gian gia hạn nào, không dài hơn 3 năm bao gồm một năm gia hạn. Bất kể thời hạn án dụng này, biện pháp tự vệ sẽ chấm dứt vào thời
điểm kết thúc giai đoạn chuyển đổi.
2. Để tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh
trong trường hợp thời gian áp dụng biện
pháp tự vệ dự kiến là hơn một năm, Bên áp dụng biện pháp tự vệ sẽ nới lỏng
một cách lũy tiến biện pháp theo định kỳ trong giai đoạn áp dụng tự vệ.
3. Không Bên nào sẽ áp dụng một biện
pháp tự vệ song phương hơn một lần đối với cùng một sản phẩm.
4. Không Bên nào có thể áp dụng
một biện pháp tự vệ song phương đối với một sản phẩm là đối tượng
của biện pháp mà Bên áp dụng biện pháp tuân theo Điều XIX GATT 1994 và Hiệp định
Tự vệ của WTO và không Bên nào có thể tiếp tục duy trì một biện pháp tự vệ song phương đối với một sản phẩm mà sản phẩm đó là đối tượng của một biện pháp tự vệ mà
Bên đó đã áp dụng theo quy định của Điều XIX của GATT 1994 và Hiệp định tự vệ của
WTO.
5. Vào thời điểm kết thúc một biện
pháp tự vệ song phương, thuế suất hải quan đối với mặt hàng đó sẽ là mức thuế
suất đang áp dụng khi không có biện pháp tự vệ song
phương.
Điều 8.6: Thủ tục
điều tra và các yêu cầu về tính minh bạch
1. Một Bên sẽ áp dụng một biện pháp tự
vệ song phương chỉ sau khi cơ quan có thẩm quyền của Bên đó đã tiến hành điều tra phù hợp với các Điều 3 và
4.2(c) của Hiệp định Tự vệ của WTO; và với mục đích này, các Điều 3 và 4.2(c) của
Hiệp định Tự vệ của WTO sẽ trở thành một phần của Hiệp định này, với cả các sửa
đổi (mutatis mutandis).
2. Khi tiến hành điều tra theo quy định
tại khoản 1, một Bên phải tuân thủ các yêu cầu của Điều 4.2(a) của Hiệp định Tự
vệ của WTO; và với mục đích này, Điều 4.2(a) Hiệp định tự vệ của WTO sẽ trở
thành một phần của Hiệp định này, với cả các
sửa đổi (mutatis mutandis).
Điều 8.7: Các
biện pháp tạm thời
Trong các tình huống khẩn cấp mà sự chậm trễ sẽ gây thiệt hại khó khắc phục được, một Bên
có thể áp dụng một biện pháp tự vệ tạm thời phù hợp với kết
luận sơ bộ trong đó có các bằng chứng rõ ràng rằng sự gia tăng nhập khẩu
đã gây ra hoặc đang đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Thời hạn
của biện pháp tự vệ tạm thời sẽ không vượt quá hai trăm
ngày. Biện pháp này phải theo hình thức tăng thuế và sẽ được
hoàn trả ngay nếu quá trình điều tra tiếp theo không cho
thấy việc gia tăng nhập khẩu đã gây ra hoặc đe dọa gây ra
thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất nội địa. Thời
hạn của biện pháp tự vệ tạm thời này sẽ được tính là một
phần của giai đoạn điều tra ban đầu và bất cứ giai đoạn gia hạn nào của việc áp
dụng biện pháp tự vệ chính thức.
Điều 8.8: Thông
báo và Tham vấn
1. Một Bên phải ngay lập tức thông
báo cho Bên khác bằng văn bản khi:
(a) khởi xướng điều tra theo Điều 8.6;
(b) ra quyết định áp dụng hoặc gia hạn
một biện pháp tự vệ song phương; và
(c) ra quyết định điều chỉnh một biện pháp tự vệ song phương đã áp dụng trước
đó.
2. Một Bên phải cung cấp cho Bên kia
một bản sao của bản báo cáo công khai
của cơ quan có thẩm quyền của mình như yêu cầu tại Điều
8.6 (1).
3. Trước khi áp bất kỳ biện pháp tự vệ song phương
nào, một Bên nên dành cho Bên kia cơ hội tham vấn về các vấn đề liên quan đến
việc điều tra và việc áp dụng các biện pháp tự vệ song phương. Các biện pháp tự
vệ tạm thời không được áp trước thời điểm hai tháng sau khi khởi xướng điều
tra.
Điều 8.9: Đền bù
1. Sau khi tham vấn. Bên áp dụng biện pháp tự vệ
song phương phải dành cho Bên kia một sự đền bù tự do hóa thương mại được hai
Bên cùng chấp thuận dưới hình thức những nhân nhượng có tác động thương mại
tương đương hoặc tương đương với trị giá thuế bổ sung do kết quả của việc áp dụng
biện pháp tự vệ. Khi các Bên đạt được thỏa thuận về khoản đền bù đó, Bên áp dụng
biện pháp tự vệ phải áp dụng việc đền bù ngay lập tức.
2. Nếu các Bên không thể đạt được một thỏa thuận về
đền bù như quy định tại khoản 1, trong vòng ba mươi ngày kể từ ngày tham vấn bắt
đầu, Bên xuất khẩu sẽ có quyền đình chỉ việc áp dụng các nhượng bộ tương đương
đối với thương mại của Bên áp dụng biện pháp tự vệ song phương. Bên đó có thể
đình chỉ các nhượng bộ chỉ trong một giai đoạn ngắn nhất cần thiết để đạt được
các ảnh hưởng tương đương và chỉ trong khi biện pháp tự vệ song phương được duy
trì. Quyền đình chỉ đã nêu trong khoản này sẽ không được sử dụng cho năm đầu
tiên mà biện pháp tự vệ song phương có hiệu lực với điều kiện là biện pháp tự vệ
song phương đã được áp dụng phải là kết quả của sự gia tăng tuyệt đối về nhập
khẩu và biện pháp đó phải phù hợp với các quy định của Chương này.
3. Một Bên phải thông báo cho Bên kia bằng văn bản
chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày đình chỉ các nhượng bộ đã nêu ở khoản 2.
4. Nghĩa vụ đền bù theo quy định tại khoản 1 và quyền
đình chỉ các nhượng bộ tương đương theo quy định tại khoản 2 sẽ chấm dứt vào
ngày kết thúc biện pháp tự vệ song phương.
Chương 9
HỢP TÁC
Điều 9.1: Mục
đích chung
1. Các Bên thỏa thuận thiết lập một khuôn
khổ dành cho các hoạt động hợp tác, làm phương tiện để mở rộng và nâng cao lợi
ích của Hiệp định này vì mục đích xây dựng mối quan hệ đối tác kinh tế giữa các
Bên.
2. Các Bên sẽ thiết lập mối quan hệ
chặt chẽ nhằm nhiều mục đích trong đó bao gồm:
(a) củng cố và phát triển các mối quan hệ hợp tác hiện có giữa các bên.
(b) tạo ra những cơ hội mới về thương
mại và đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh và đổi mới có sự tham gia của khối doanh nghiệp nhà nước và giới nghiên cứu.
(c) hỗ trợ vai trò quan trọng của khối
doanh nghiệp và giới nghiên cứu trong việc thúc đẩy và khuyến khích tăng trưởng và phát triển kinh tế giữa
hai Bên.
(d) khuyến khích sự hiện diện của các
Bên, hàng hóa và dịch vụ các Bên tại các thị trường tương ứng tại Châu Á - Thái
Bình Dương và Mỹ La tinh;
(e) tăng cường và mở rộng hợp tác, phối
hợp và giao lưu giữa hai Bên trong các lĩnh vực văn hóa và
giáo dục; và
(f) nâng cao mức độ và đẩy mạnh các
hoạt động hợp tác giữa các Bên trong các lĩnh vực cùng quan tâm.
Điều 9.2: Phạm
vi hợp tác
1. Các Bên khẳng định tầm quan trọng của các loại hình hợp tác, bao gồm nhưng không giới hạn trong những lĩnh vực được liệt kê tại Điều 9.3.
2. Các lĩnh vực hợp tác sẽ được hai
Bên đề xuất và thỏa thuận bằng văn bản chính thức.
3. Sự hợp tác giữa các bên phải góp
phần đạt được các mục tiêu của Hiệp định thương mại tự do thông qua xác định và
phát triển các chương trình hợp tác mới
có khả năng tạo thêm giá trị cho các mối quan hệ của các Bên.
4. Các hoạt động hợp tác sẽ được các
Bên thống nhất và có thể bao gồm nhưng không giới hạn đối với các lĩnh vực được
liệt kê tại Điều 9.4.
5. Hợp tác giữa các Bên thuộc Chương này sẽ bổ sung cho các hoạt động hợp tác và sự hợp tác
giữa các Bên được nêu ở các Chương khác của Hiệp định này.
Điều 9.3: Các
lĩnh vực hợp tác
Các lĩnh vực hợp
tác và nâng cao năng lực thuộc Chương này phải bao gồm các
lĩnh vực sau:
(a) Phát triển kinh tế;
(b) Đổi mới, Nghiên cứu và Phát triển;
(c) Nông nghiệp, Công nghiệp thực phẩm
và Lâm nghiệp:
(d) Khai thác mỏ và Công nghiệp:
(e) Năng lượng;
(f) Doanh nghiệp nhỏ và vừa;
(g) Du lịch;
(h) Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực;
(i) Văn hóa;
(j) Các vấn đề về giới;
(k) Biến đổi khí
hậu;
(l) Chăm sóc sức
khỏe; và
(m) Các lĩnh vực
phát triển.
Điều 9.4: Các
hoạt động hợp tác.
Để thực hiện các
mục tiêu nêu tại Điều 9.1, các Bên sẽ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi,
khi phù hợp, bao gồm nhưng không giới hạn trong các hoạt động sau:
(a) mở rộng các hiệp định hoặc các thỏa
thuận hợp tác hiện hành;
(b) tạo điều kiện trao đổi chuyên
gia, thông tin, tài liệu và kinh nghiệm;
(c) thúc đẩy hợp tác tại các diễn đàn
khu vực và đa phương;
(d) hướng dẫn các hoạt động hợp tác;
(e) cung cấp hỗ trợ kỹ thuật; và
(f) tổ chức đối
thoại, hội nghị, hội thảo và các chương trình đào tạo.
Điều 9.5: Ủy ban Hợp tác
1. Hai Bên nhất trí thành lập một Ủy
ban Hợp tác (dưới đây gọi tắt là "Ủy ban"), với
số lượng đại diện tương đồng cho từng Bên.
2. Để thực hiện
mục đích của Điều này, việc điều phối hoạt động của Ủy ban Hợp tác sẽ do:
(a) Về phía Việt Nam, Vụ Thị trường
Châu Mỹ do Bộ Công Thương của Việt Nam chỉ định hoặc một đơn vị kế nhiệm;
(b) Về phía Chi Lê, Bộ Ngoại giao của
Chi Lê thông qua Tổng Vụ các vấn đề Kinh tế quốc tế
hoặc một đơn vị kế nhiệm.
3. Để thuận tiện cho việc liên lạc và
đảm bảo Ủy ban hoạt động đúng chức năng, hai Bên sẽ chỉ định
một người làm đầu mối liên hệ trong vòng 6 tháng sau ngày
Hiệp định này có hiệu lực.
4. Ủy ban sẽ nhóm họp khi cần thiết, có sự thỏa thuận của hai Bên, Trong phiên họp đầu tiên, Ủy ban
sẽ thống nhất về các điều khoản tham chiếu cụ thể.
5. Chức năng của Ủy ban bao gồm:
(a) xác định cụ thể các lĩnh vực và
các hoạt động hợp tác;
(b) giám sát việc triển khai các hoạt
động phối hợp mà hai Bên đã thống nhất;
(c) khuyến khích các Bên tiến hành các hoạt động hợp tác thuộc Chương này.
(d) xác định các hoạt động hợp tác mà
các Bên thấy cần thiết;
(e) duy trì cập nhật các thông tin
phù hợp về mọi hiệp định, thỏa thuận giữa các Bên.
6. Ủy ban có thể thỏa thuận thành lập
các nhóm công tác.
7. Khi cần, Ủy ban có thể phối hợp với
các cơ quan liên quan để giải quyết các vấn đề cụ thể.
8. Ủy ban sẽ báo cáo định kỳ kết quả
các phiên họp lên Hội đồng. Theo đó, Hội đồng có thể đề xuất hành động liên
quan đến các hoạt động hợp tác thuộc Chương này phù hợp với những ưu tiên chiến
lược của các Bên.
Điều 9.6: Hợp
tác với Bên không tham gia Hiệp định
Các Bên công nhận giá trị của các mối
hợp tác quốc tế đối với việc thúc đẩy phát triển bền vững
và nhất trí xúc tiến, khi phù hợp, các dự án thuộc lợi ích chung với các Bên không
tham gia Hiệp định, với sự đồng ý của cả hai Bên.
Điều 9.7. Không
áp dụng giải quyết tranh chấp
Quy trình giải quyết tranh chấp quy định tại Chương 12 (Chương Giải quyết tranh chấp) sẽ không được
áp dụng đối với Chương này.
Điều 9.8: Các nguồn lực
Các bên phải cung cấp đủ nguồn lực thích hợp, trong
phạm vi khả năng của mình và thông qua kênh riêng của mỗi bên để góp phần hoàn
thành các mục tiêu của Chương này.
Chương 10
MINH BẠCH HÓA
Điều 10.1: Định
nghĩa
Vì mục đích của Chương này:
Phán quyết hành chính có tính áp dụng
chung nghĩa là một phán quyết hoặc
giải thích hành chính áp dụng đối với mọi cá nhân và trong mọi tình huống thực
tế, nhìn chung nằm trong phạm vi của phán quyết đó và tạo
ra một quy chuẩn hướng dẫn áp dụng
nhưng không bao gồm:
(a) một quyết định hoặc phán quyết thủ
tục hành chính áp dụng đối với một cá nhân, hàng hóa hoặc
dịch vụ cụ thể của Bên kia trong các trường hợp cụ thể; hoặc
(b) một phán quyết xét xử đối với một hành vi hoặc thực tiễn riêng.
Điều 10.2: Đầu
mối liên lạc
1. Đầu mối liên lạc được quy định tại Phụ lục 10-A sẽ tạo thuận lợi cho việc liên lạc giữa các
Bên đối với mọi vấn đề thuộc phạm vi của Hiệp định này.
2. Theo yêu cầu của Bên kia, đầu mối liên lạc sẽ xác định cơ quan hoặc cá nhân phụ trách
và trợ giúp, nếu cần thiết trong việc tạo thuận lợi cho việc trao đổi, liên lạc
với Bên yêu cầu.
Điều 10.3:
Công bố
1. Mỗi Bên đảm bảo rằng, phù hợp với
luật pháp trong nước của từng Bên, các luật, quy định, thủ tục và phán quyết hành chính có tính áp dụng chung, có liên quan đến bất kỳ vấn đề nào thuộc phạm vi của Hiệp định
này, sẽ ngay lập tức ban hành hoặc công bố rộng rãi, bao gồm, nếu được dưới
hình thức điện tử.
2. Khi ban hành hoặc thay đổi các luật, quy định làm ảnh hưởng đáng kể đến việc thực thi và triển khai của Hiệp định này, mỗi Bên, ở mức độ có thể và phù hợp với luật và quy
định của mình, cố gắng cung cấp, trừ trong những trường hợp khẩn cấp, một khoảng
thời gian hợp lý giữa thời gian các luật, quy định đó được xuất bản hoặc công bố và thời gian các văn bản đó có hiệu lực.
3. Ở mức độ có thể, phù hợp với luật
trong nước của mình, mỗi Bên sẽ:
(a) công bố trước biện pháp nêu tại
khoản 1 mà Bên đó dự định thi hành; và
(b) tạo cơ hội hợp lý cho các cá nhân
quan tâm và Bên kia đóng góp ý kiến đối với các biện pháp dự định thi hành đó.
Điều 10.4:
Thông báo và cung cấp thông tin
1. Ở mức độ tối đa có thể, mỗi Bên sẽ
thông báo cho Bên kia về bất kỳ biện pháp thực tế hoặc dự
định áp dụng mà Bên đó cho rằng có thể ảnh hưởng đáng kể đến việc thực thi Hiệp định hoặc ảnh hưởng đáng kể đến lợi ích của Bên kia quy định tại Hiệp
định này.
2. Khi được yêu cầu, một Bên sẽ ngay lập tức cung cấp
thông tin và trả lời câu hỏi liên quan đến các biện pháp thực tế hoặc dự định
áp dụng mà Bên yêu cầu cho rằng có thể ảnh hưởng đáng kể đến việc thực thi Hiệp
định hoặc ảnh hưởng đáng kể đến lợi ích của Bên kia quy định tại Hiệp định này,
bất kể liệu Bên yêu cầu đã thông báo trước về biện pháp đó hay chưa.
3. Bất kỳ thông báo, yêu cầu hoặc thông tin của Hiệp
định sẽ được cung cấp tới Bên kia thông qua đầu mối liên lạc.
4. Bất kỳ thông báo hoặc thông tin được cung cấp
theo Hiệp định này sẽ không ảnh hưởng đến việc liệu biện pháp đó có phù hợp với
Hiệp định hay không.
Điều 10.5: Thủ tục hành
chính
Nhằm thực thi các biện pháp nêu tại Điều 10.3 một
cách nhất quán, công bằng và hợp lý, mỗi Bên sẽ bảo đảm rằng thủ tục hành chính
của các biện pháp trên áp dụng đối với cá nhân, hàng hóa hoặc dịch vụ có liên
quan của Bên kia trong các trường hợp cụ thể:
(a) thông báo hợp lý khi có thể, cho cá nhân của
Bên trực tiếp liên quan đến vụ kiện, phù hợp với các thủ tục trong nước, khi vụ
kiện được bắt đầu, bao gồm việc mô tả bản chất vụ kiện, thông báo của cơ quan
pháp lý mà vụ kiện được khởi tố và giới thiệu chung về mọi vấn đề gây tranh
cãi;
(b) tạo cơ hội hợp lý cho cá nhân đó được trình bày
sự việc và lập luận ủng hộ quan điểm của mình trước khi có bất kỳ quyết định
hành chính cuối cùng, khi thời gian, bản chất của vụ kiện và lợi ích công cộng
cho phép; và
(c) tuân theo các thủ tục phù hợp với luật trong nước
của mình.
Điều 10.6: Rà soát và kháng
cáo
1. Mỗi bên sẽ thành lập hoặc duy trì, phù hợp với
luật và quy định của mình, các tòa hoặc thủ tục pháp lý và hành chính nhằm mục
đích rà soát lại ngay và, khi được phép, chỉnh sửa lại các quyết định hành
chính cuối cùng liên quan đến các vấn đề thuộc phạm vi của Hiệp định này. Những
tòa trên sẽ phải công bằng và độc lập với công chức hoặc cơ quan được giao nhiệm
vụ thực thi hành chính.
2. Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng, đối với các tòa hoặc thủ
tục nêu trên, các bên trong vụ kiện sẽ được trao quyền:
(a) có cơ hội hợp lý lập luận ủng hộ hoặc bảo vệ
quan điểm của mình; và
(b) phân xử dựa trên bằng chứng, được lưu lại hồ sơ
hoặc khi luật trong nước quy định, việc ghi chép lại hồ sơ vụ việc sẽ được thực
hiện bởi cơ quan hành chính.
3. Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng, trong trường hợp có
kháng cáo hoặc khi rà soát lại vụ việc theo quy định của luật trong nước, quyết
định về kháng cáo hoặc rà soát lại vụ việc sẽ được thực thi bởi cán bộ hoặc cơ
quan ra quyết định hành chính.
PHỤ LỤC 10-A
ĐẦU MỐI LIÊN LẠC
Vì mục đích của Điều 10.2.1, Đầu mối
liên lạc sẽ là:
(a) đối với Việt Nam, Bộ Công Thương,
hoặc cơ quan kế nhiệm;
(b) đối với Chi Lê, Vụ Châu Á- Thái
Bình Dương Tổng Cục Thương mại quốc tế, Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan kế nhiệm;
Chương 11
HÀNH CHÍNH
Điều 11.1: Hội đồng thương mại
tự do
1. Các Bên bằng Hiệp định này thành lập Hội đồng
thương mại tự do.
2. Hội đồng sẽ gồm các quan chức chính phủ có liên
quan và được chủ tọa bởi các quan chức cấp cao của các Bên.
3. Hội đồng sẽ:
(a) Theo dõi việc thực thi Hiệp định này;
(b) xem xét và, khi phù hợp, quyết định các vấn đề
cụ thể liên quan đến việc thực thi Hiệp định này, bao gồm những vấn đề được báo
cáo bởi các ủy ban hoặc nhóm công tác liên quan được thành lập theo Hiệp định;
(c) giám sát và điều phối công việc của các ủy ban
và các nhóm công tác được thành lập theo Hiệp định này;
(d) nỗ lực giải quyết các tranh chấp có thể phát
sinh liên quan đến việc giải thích, thực thi hoặc áp dụng Hiệp định này;
(e) thông qua Nguyên tắc thủ tục như quy định tại
Điều 12.14; và
(f) thực hiện bất kỳ chức năng khác mà các Bên thỏa
thuận.
4. Hội đồng có thể:
(a) thành lập và giao trách nhiệm cho bất kỳ ủy ban
hoặc nhóm công tác;
(b) xem xét và thông qua bất kỳ điều chỉnh của: 5
(i) các Biểu được đính kèm vào Phụ lục 3-B (Giảm
và/hoặc xóa bỏ Thuế quan), bằng việc đẩy nhanh xóa bỏ thuế quan, và
(ii) quy tắc xuất xứ được quy định tại Phụ lục 4-B
(Các quy tắc cụ thể đối với sản phẩm), và
(c) giải thích Hiệp định.
Điều 11.2: Thủ tục của Hội đồng
1. Hội đồng sẽ họp thường xuyên hàng năm, trừ khi
các Bên thỏa thuận khác.
2. Hội đồng sẽ được họp luân phiên tại mỗi Bên, trừ
khi các Bên thỏa thuận khác.
3. Hội đồng sẽ triệu tập họp các phiên đặc biệt
trong vòng 30 ngày kể từ ngày có yêu cầu của một Bên, các phiên họp này sẽ được
tổ chức tại lãnh thổ của Bên kia hoặc tại bất kỳ địa điểm nào mà các Bên thỏa
thuận.
4. Cuộc họp của Hội đồng có thể diễn ra trực tiếp
giữa các Bên hoặc, thông qua các phương tiện kỹ thuật, nếu được các Bên đồng ý.
5. Mọi quyết định của Hội đồng sẽ được tiến hành dựa
trên nguyên tắc đồng thuận.
6. Hội đồng sẽ ban hành các nguyên tắc và thủ tục của
mình tại cuộc họp đầu tiên.
Chương 12
GIẢI QUYẾT
TRANH CHẤP
Điều 12.1: Phạm
vi áp dụng
Trừ khi được quy định khác trong Hiệp
định, Chương này sẽ được áp dụng nhằm ngăn ngừa hoặc giải quyết tranh chấp giữa các Bên liên quan tới việc thực thi, diễn giải hoặc áp dụng của
Hiệp định này khi một Bên thấy rằng:
(a) một biện pháp Bên kia áp dụng
không phù hợp với nghĩa vụ theo quy định của Hiệp định này; hoặc
(b) bên kia không thực hiện nghĩa vụ
theo quy định của Hiệp định này.
Điều 12.2 : Lựa
chọn diễn đàn giải quyết tranh chấp
1. Khi một tranh chấp liên quan đến bất
kỳ vấn đề phát sinh từ Hiệp định này và hiệp định thương mại
khác mà các Bên là thành viên hoặc Hiệp định WTO, Bên nguyên có thể lựa chọn thủ tục giải quyết tranh chấp để giải quyết tranh chấp.
2. Một khi Bên nguyên đã yêu cầu
thành lập Ủy ban trọng tài như tại khoản 1, thủ tục giải
quyết tranh chấp được lựa chọn sẽ loại trừ việc áp dụng các thủ tục giải quyết
tranh chấp khác.
Điều 12.3:
Tham vấn
1. Một Bên có thể gửi yêu cầu tham vấn
bằng văn bản tới Bên kia đối với bất kỳ vấn đề nào liên
quan đến việc thực thi, diễn giải hoặc áp dụng Hiệp định
này.
2. Yêu cầu tham vấn sẽ phải nêu rõ lý do tham vấn, bao gồm xác định
cụ thể biện pháp vi phạm, cơ sở pháp lý của việc vi phạm
đó, và cung cấp thông tin đầy đủ phục vụ cho việc công tác
kiểm tra đối với vấn đề tranh chấp.
3. Khi một Bên có yêu cầu tham vấn như tại khoản 1, Bên kia sẽ trả lời yêu cầu tham vấn và tiến hành
tham vấn một cách thiện chí trong vòng ba mươi (30) ngày sau ngày nhận được yêu
cầu tham vấn nhằm đạt được một giải pháp chung giải quyết
vấn đề tranh chấp. Trường hợp tham vấn đối với hàng hóa dễ hỏng, Bên kia sẽ tiến hành tham vấn trong vòng mười lăm ngày (15) ngày sau ngày nhận được yêu cầu tham vấn.
4. Các Bên sẽ nỗ lực nhằm đi đến một giải pháp chung giải quyết vấn đề thông qua tham vấn theo Điều khoản này.
5. Trong quá
trình tham vấn theo Điều khoản này, một Bên có thể yêu cầu chỉ định gặp đối với
cán bộ có kiến thức chuyên sâu về vấn đề tham vấn thuộc cơ quan chính phủ hoặc
các cơ quan điều hành khác của Bên kia.
6. Tham vấn theo Điều khoản này sẽ
mang tính bảo mật và không ảnh hưởng tới quyền của các Bên trong các diễn biến kiện tụng tiếp
theo.
Điều 12.4: Đưa
vấn đề lên Hội đồng
1. Nếu tham vấn không thành công trong
vòng bốn mươi (40) ngày sau ngày nhận được yêu cầu tham vấn theo Điều 12.3.2,
hoặc hai mươi (20) ngày sau ngày nhận được yêu cầu tham vấn theo Điều 12.3.2
trong trường hợp khẩn cấp, bao gồm trường hợp hàng hóa dễ hỏng, Bên nguyên có thể đưa vấn đề lên Hội đồng bằng cách gửi thông báo bằng
văn bản cho Bên kia. Hội đồng sẽ cố gắng giải quyết vấn đề.
2. Hội đồng có thể:
a) yêu cầu tư vấn đối với vấn đề kỹ
thuật hoặc thành lập các nhóm làm việc hoặc nhóm chuyên gia khi thấy cần thiết;
b) sử dụng môi giới, trung gian, hòa giải hoặc các thủ tục giải quyết tranh chấp khác, khi sử
dụng cách thức trên, những diễn biến và quan điểm riêng của các Bên tranh chấp sẽ mang tính bảo mật và không ảnh hưởng đến
quyền của các Bên trong các diễn biến kiện tụng tiếp theo dưới các thủ tục này; hoặc
c) đưa ra khuyến nghị;
mà có thể giúp các Bên đạt được thống
nhất chung về giải quyết tranh chấp.
Điều 12.5:
Thành lập Ủy ban trọng tài
1. Bên nguyên yêu cầu tham vấn theo
Điều 12.3 có thể yêu cầu bằng văn bản về việc thành lập Ủy
ban trọng tài nếu các Bên không giải quyết được tranh chấp trong vòng:
(a) bốn mươi lăm (45) ngày sau ngày
nhận được yêu cầu tham vấn theo Điều 12.3.2 nếu không đưa ra Hội đồng theo Điều
12.4;
(b) ba mươi (30) ngày từ ngày triệu tập
Hội đồng theo Điều 12.4, hoặc mười lăm (15) ngày trong trường hợp khẩn cấp bao gồm đối với hàng hóa dễ hỏng; hoặc
(c) sáu mươi (60) ngày sau khi một
Bên nhận được yêu cầu tham vấn theo Điều 12.3, hoặc ba mươi
(30) ngày trong trường hợp khẩn cấp bao gồm đối với hàng hóa dễ hỏng, nếu Hội đồng
không được triệu tập sau khi có yêu cầu đưa ra Hội đồng theo Điều 12.4.
2. Bất kỳ yêu cầu thành lập ủy ban trọng tài theo Điều này sẽ phải chỉ rõ:
(a) biện pháp tranh chấp cụ thể;
(b) cơ sở pháp
lý của đơn kiện bao gồm chỉ rõ điều khoản nào của Hiệp định này được cho là bị
vi phạm; và
(c) cơ sở thực tế của đơn kiện.
3. Ủy ban trọng tài sẽ được thành lập
và thực hiện chức năng của mình phù hợp với các điều khoản của Chương này.
4. Ngày thành lập của ủy ban trọng tài sẽ là ngày
mà chủ tịch ủy ban trọng tài được chỉ định.
Điều 12.6: Điều khoản tham
chiếu của Ủy ban trọng tài
Trừ khi các Bên đồng ý khác, trong vòng hai mươi
(20) ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu thành lập ủy ban trọng tài, thuật ngữ
tham chiếu của ủy ban trọng tài sẽ là:
"Xem xét, dựa trên các điều khoản liên quan của
Hiệp định này, vấn đề được đưa ra trong yêu cầu thành lập ủy ban trọng tài theo
Điều 12.5, để đưa ra kết luận về quy định luật và tình tiết thực tế cũng như
quyết định liệu biện pháp có phù hợp với Hiệp định không đi kèm với lập luận và
đưa ra báo cáo bằng văn bản về cách thức giải quyết tranh chấp. Nếu các Bên đồng
ý, ủy ban trọng tài có thể đưa khuyến nghị để giải quyết tranh chấp."
Điều 12.7: Thành phần của Ủy
ban trọng tài
1. Ủy ban trọng tài sẽ bao gồm ba trọng tài viên.
2. Mỗi bên sẽ, trong vòng ba mươi (30) ngày sau
ngày nhận được yêu cầu thành lập ủy ban trọng tài, chỉ định một trọng tài viên
có thể là công dân của nước mình và đề xuất ba ứng viên giữ vai trò trọng tài
viên thứ ba người sẽ giữ vị trí chủ trì của ủy ban trọng tài. Trọng tài viên thứ
ba sẽ không phải là công dân, không cư trú thường xuyên ở cả hai Bên, cũng như
không làm việc cho bất kỳ Bên nào hay không liên quan đến tranh chấp ở bất kỳ
khía cạnh nào.
3. Các Bên sẽ đồng ý và chỉ định trọng tài viên thứ
ba trong vòng bốn mươi lăm (45) ngày sau ngày nhận được yêu cầu tham vấn của ủy
ban trọng tài, có xem xét đến các ứng viên được đề cử như tại đoạn 2.
4. Nếu bất kỳ trọng tài viên nào không được chỉ định
trong vòng bốn mươi lăm (45) ngày từ ngày nhận được yêu cầu thành lập ủy ban trọng
tài, theo đề nghị của một trong hai Bên, Tổng giám đốc của WTO, trong vòng mười
lăm (15) ngày tiếp theo, sẽ chỉ định trọng tài viên đó.
5. Nếu Tổng giám đốc của WTO không tiến hành chỉ định
theo đoạn 4, trọng tài viên chưa được chỉ định sẽ được lựa chọn, trong vòng bảy
(7) ngày dưới hình thức bốc thăm từ các ứng viên được đề xuất theo đoạn 2.
6. Các trọng tài viên sẽ:
a) có kiến thức chuyên môn cao hoặc kinh nghiệm
trong các lĩnh vực luật, thương mại quốc tế hoặc các lĩnh vực khác thuộc phạm
vi của Hiệp định này;
b) được lựa chọn nghiêm ngặt trên cơ sở khách quan,
tin cậy và xét xử công tâm;
c) độc lập và không có liên hệ hoặc nhận chỉ dẫn từ
chính phủ của các Bên; và
d) tuân thủ nguyên tắc đạo đức được quy định trong
Quy tắc thủ tục tại Điều 12.14.
7. Nếu một
trọng tài viên được chỉ định theo Điều này qua đời, không có khả
năng làm việc hoặc nghỉ hưu, người tiền nhiệm sẽ được chỉ định trong vòng mười
lăm (15) ngày phù hợp với thủ tục lựa chọn quy định tại các đoạn 2, 3, 4, và sẽ được áp dụng lần
lượt, với những sửa đổi cần thiết. Người tiền nhiệm sẽ có toàn quyền và thực hiện
nhiệm vụ của trọng tài viên mà người đó thay thế. Công việc
của ủy ban trọng tài sẽ bị tạm ngưng
trong một giai đoạn bắt đầu từ ngày mà trọng tài viên ban
đầu qua đời, không có khả năng làm việc hoặc nghỉ hưu. Công việc của ủy ban trọng tài sẽ tiếp tục vào ngày trọng tài
viên tiền nhiệm được chỉ định.
Điều 12.8: Thủ
tục của Ủy ban trọng tài
1. Ủy ban trọng tải sẽ họp kín trừ
khi họp với các Bên. Các Bên tranh chấp sẽ chỉ được có mặt
tại buổi làm việc khi được ủy ban trọng tài mời dự.
2. Các Bên sẽ có cơ hội nộp ít nhất một
bản tường trình bằng văn bản và tham dự các phiên tường
trình, trình bày hoặc phản bác của vụ kiện. Mọi thông tin hoặc bản đệ trình lên
tòa bằng văn bản, bao gồm bình luận đối với dự thảo báo cáo và trả lời câu hỏi
của ủy ban trọng tài sẽ được cung cấp cho Bên kia.
3. Ủy ban trọng tài sẽ tham vấn với các Bên nếu thấy phù hợp và tạo cơ hội đầy đủ để có thể đi đến một
giải pháp chung cho giải quyết tranh chấp.
4. Ủy ban trọng tài sẽ đưa ra quyết định,
trong báo cáo của mình, bằng đồng thuận nhưng cũng có thể ra quyết định trong báo cáo trên đa số số phiếu.
5. Sau khi thông báo cho các Bên, và
dựa trên các điều kiện mà các Bên có thể đồng ý nếu có
trong vòng mười (10) ngày, ủy ban trọng tài có thể tìm kiếm
thông tin từ bất kỳ nguồn liên quan và có thể tham vấn
chuyên gia để có tư vấn về một số khía cạnh nhất định của
vấn đề. Ủy ban trọng tài sẽ cung cấp cho các Bên bản sao ý kiến tư vấn của
chuyên gia và tạo cơ hội để bình luận về ý kiến đó.
6. Thảo luận của ủy ban trọng tài và các tài liệu được đệ trình sẽ được giữ bí mật.
7. Mặc dù có quy định tại khoản 6, mỗi
Bên có thể công bố quan điểm của mình về tranh chấp, nhưng sẽ giữ
bí mật đối với thông tin và bản đệ trình bằng văn bản mà Bên kia khi đệ trình lên ủy ban trọng
tài cho rằng là mật. Khi một Bên cung cấp thông tin hoặc đệ
trình văn bản mật lên ủy ban trọng tài, Bên đó sẽ, trong
vòng ba mươi (30) ngày kể từ ngày có yêu cầu của Bên kia, cung cấp bản tóm tắt
không bảo mật về thông tin và bản đệ trình và các nội dung này có thể được công
bố cho cộng đồng.
8. Mỗi Bên sẽ chịu chi phí của trọng
tài viên mà mình chỉ định và các chi phí riêng của mình.
Chi phí của chủ tịch ủy ban trọng tài và các chi phí khác
có liên quan đến vụ kiện sẽ được chia đều giữa các Bên.
Điều 12.9: Tạm
ngừng hoặc hủy vụ kiện
1. Các Bên có thể
đồng ý rằng ủy ban trọng tài tạm ngừng
công việc của mình tại mọi thời điểm trong một thời gian không quá mười hai
(12) tháng kể từ ngày có sự nhất trí của hai Bên. Trong trường hợp đó, khoảng
thời gian quy định tại đoạn 2, 5 và 7 của Điều 12.11 và đoạn
7 của Điều 12.14 sẽ được gia hạn thêm một khoảng thời gian
bằng khoảng thời gian tạm ngừng đó, Nếu công việc của
ủy ban trọng tài bị tạm ngừng hơn mười hai (12) tháng, thẩm quyền thành lập ủy
ban trọng tài sẽ không còn trừ khi các Bên có quy định khác.
2. Các Bên có thể đồng ý hủy vụ kiện của ủy ban trọng
tài bằng việc cùng thông báo cho chủ tịch ủy ban trọng tài vào bất kỳ thời điểm
trước khi có báo cáo giải quyết tranh chấp của ủy ban trọng tài.
Điều 12.10: Báo cáo giải quyết
tranh chấp
1. Báo cáo giải quyết tranh chấp của ủy ban trọng
tài sẽ được soạn thảo mà không có sự hiện diện của các Bên. Ủy ban trọng tài sẽ
dựa vào các điều khoản liên quan của Hiệp định, các bản đệ trình và lập luận của
các Bên để đưa ra báo cáo giải quyết tranh chấp, và có thể xem xét đến các
thông tin được cung cấp cho ủy ban trọng tài.
2. Ủy ban trọng tài sẽ, trong vòng một trăm tám
mươi (180) ngày hoặc sáu mươi (60) ngày đối với trường hợp khẩn cấp, bao gồm đối
với trường hợp hàng hóa dễ hỏng, sau ngày được thành lập, gửi cho các Bên dự thảo
báo cáo giải quyết tranh chấp.
3. Dự thảo báo cáo giải quyết tranh chấp sẽ bao gồm
phần miêu tả tóm tắt bản đệ trình và lập luận của các Bên và kết luận, phán quyết
của ủy ban trọng tài. Nếu các bên đồng ý, ủy ban trọng tài sẽ đưa vào trong dự
thảo báo cáo khuyến nghị giải quyết tranh chấp. Các kết luận, phán quyết của ủy
ban trọng tài và khuyến nghị, nếu có để giải quyết tranh chấp, sẽ không làm
phát sinh thêm quyền và nghĩa vụ của các Bên được quy định trong Hiệp định này.
4. Khi ủy ban trọng tài nhận thấy không thể đưa ra
dự thảo báo cáo giải quyết tranh chấp trong khoảng thời gian một trăm tám mươi
(180) ngày hoặc sáu mươi (60) ngày như quy định tại khoản 2, ủy ban trọng tài sẽ
thông báo cho các Bên bằng văn bản về lý do của việc chậm trễ đó, đồng thời đưa
ra thời gian dự định hoàn thành dự thảo báo cáo. Bất kỳ sự chậm trễ cũng không
vượt quá ba mươi (30) ngày trừ khi các Bên thống nhất khác.
5. Một Bên có thể bình luận bằng văn bản đối với dự
thảo báo cáo giải quyết tranh chấp trong vòng mười lăm (15) ngày sau ngày dự thảo
báo cáo được gửi cho các Bên.
6. Sau khi xem xét các bình luận về dự thảo báo
cáo, ủy ban trọng tài có thể xem xét lại dự thảo báo cáo và có thể tiến hành kiểm
tra kỹ hơn nếu thấy cần thiết.
7. Ủy ban trọng tài sẽ đưa ra báo cáo giải quyết
tranh chấp trong vòng ba mươi (30) ngày sau ngày có dự thảo báo cáo giải quyết
tranh chấp. Báo cáo này sẽ bao gồm các ý kiến khác nhau về những vấn đề không đồng
nhất, nếu có nhưng không công bố quan điểm cụ thể của các trọng tài viên.
8. Báo cáo giải quyết tranh chấp của ủy ban trọng
tài sẽ được công bố công khai trong vòng mười lăm (15) ngày sau ngày báo cáo được
gửi cho các Bên, có tính đến yêu cầu về bảo mật đối với thông tin.
9. Báo cáo giải quyết tranh chấp của ủy ban trọng
tài sẽ là chung thẩm và ràng buộc các Bên.
Điều 12.11: Thông
tin và tư vấn kỹ thuật
1. Khi có yêu cầu của một Bên hoặc
khi thấy cần thiết, trừ khi các Bên không đồng ý, ủy ban
trọng tài có thể tìm thông tin và tư vấn kỹ thuật từ cá nhân hoặc cơ quan mà ủy ban trọng tài thấy cần thiết. Bất kỳ thông tin và tư vấn kỹ thuật mà ủy ban trọng
tài nhận được sẽ được cung cấp cho các Bên.
2. Đối với các vấn đề thực tế liên quan đến kỹ thuật mà một Bên đưa ra, ủy ban trọng tài có thể yêu cầu báo cáo tư vấn bằng văn bản của các
chuyên gia. Ủy ban trọng tài có thể, theo yêu cầu của một Bên trong tranh chấp
hoặc khi thấy cần thiết, lựa chọn, sau khi tham vấn với các Bên, các chuyên gia khoa học hoặc kỹ thuật trợ giúp đối với vụ
kiện, nhưng không được quyền bỏ phiếu đối với các quyết định của ủy ban trọng tài.
Điều 12.12:
Thực thi báo cáo giải quyết tranh chấp
1. Trừ khi các Bên đồng ý khác, Bên bị
sẽ xóa bỏ ngay lập tức các biện pháp không phù hợp như phán quyết trong báo cáo
của ủy ban trọng tài, hoặc nếu chưa thực hiện được ngay, sẽ
xóa bỏ trong một khoảng thời gian hợp lý.
2. Các Bên sẽ tiếp tục tham vấn vào mọi lúc để tìm ra giải pháp thỏa đáng chung giải quyết tranh chấp.
3. Khoảng thời gian hợp lý nêu tại
khoản 1 sẽ được các Bên cùng xác định. Khi các Bên không thống nhất được về khoảng
thời gian hợp lý trong vòng 45 ngày sau ngày ủy ban trọng
tài đưa ra báo cáo giải quyết tranh chấp nêu tại Điều 12.10, một trong các Bên
có thể đưa vấn đề này lên ủy ban trọng tài như quy định tại
Điều 12.12.7 để xác định khoảng thời gian hợp lý.
4. Khi không có thống nhất giữa các Bên
về việc liệu Bên bị đã xóa bỏ các biện pháp không phù hợp như trong báo cáo giải
quyết tranh chấp của ủy ban trọng tài trong khoảng thời
gian hợp lý nêu tại khoản 3, một trong các Bên có thể đưa vấn đề này lên ủy ban trọng tài như quy định tại Điều 12.12.7.
Điều 12.13:
Không thực thi - Bồi thường và tạm ngừng ưu đãi hoặc các Nghĩa vụ khác
1. Nếu Bên bị
thông báo cho Bên nguyên rằng Bên bị không thể, hoặc ủy ban trọng tài xem xét vấn đề theo Điều 12.11.4 xác nhận rằng Bên bị chưa xóa bỏ các biện pháp không phù hợp như trong báo cáo giải
quyết tranh chấp trong khoảng thời gian hợp lý như tại khoản 12.11.3, Bên bị sẽ, nếu được yêu cầu, tiến hành đàm phán với Bên
nguyên nhằm đạt được thỏa thuận chung về bồi thường.
2. Nếu không có thống nhất chung về bồi
thường trong vòng hai mươi (20) ngày sau ngày nhận được yêu cầu như tại khoản
1, Bên nguyên có thể ngừng các ưu đãi hoặc các nghĩa vụ
khác của Hiệp định này, sau khi thông báo về việc ngừng áp dụng ưu đãi đó trước
ba mươi (30) ngày. Thông báo như vậy sẽ chỉ được đưa ra sau hai mươi (20) ngày
kể từ ngày nhận được yêu cầu nêu tại khoản 1.
3. Bồi thường tại khoản 1 và việc tạm
ngừng ưu đãi tại khoản 2 sẽ là những biện pháp tạm thời. Cả
bồi thường và tạm ngừng ưu đãi sẽ không được khuyến khích khi đã xóa bỏ toàn bộ các biện pháp không phù hợp trong báo cáo giải quyết tranh chấp
của ủy ban trọng tài. Việc tạm ngừng ưu đãi sẽ chỉ được áp dụng đến thời điểm các biện pháp không phù hợp được xóa bò toàn bộ hoặc đạt được
giải pháp chung giữa hai Bên.
4. Khi xem xét về tạm ngừng ưu đãi hoặc
các nghĩa vụ khác theo khoản 2:
a) Bên nguyên trước tiên sẽ cố gắng tạm
ngừng các ưu đãi hoặc các nghĩa vụ khác ở cùng lĩnh vực
như được quy định trong báo cáo giải quyết tranh chấp của ủy ban trọng
tài tại khoản 12.10.7; và
b) Nếu Bên nguyên thấy không khả thi
hoặc không hiệu quả khi ngừng ưu đãi hoặc các nghĩa vụ khác ở cùng lĩnh Vực, Bên nguyên có thể
ngừng ưu đãi hoặc các nghĩa vụ khác ở các lĩnh vực khác. Thông
báo về việc tạm ngừng như tại khoản 2 sẽ chỉ rõ lý do của
việc ngừng ưu đãi ở lĩnh vực đó.
5. Mức độ ngừng ưu đãi tại khoản 2 sẽ
tương đương với mức độ thiệt hại của
Bên nguyên.
6. Nếu Bên bị thấy rằng những yêu cầu về ngừng ưu đãi hoặc các nghĩa vụ khác của Bên nguyên
như tại khoản 2, 3, 4 hoặc 5 không phù hợp, Bên bị có thể đưa
vấn đề này lên ủy ban trọng tài.
7. Ủy ban trọng tài được thành lập vì
mục đích của Điều này hoặc Điều 12.12 sẽ bao gồm, khi có
thể, các trọng tài viên của ủy ban trọng tài ban đầu. Nếu không thể, các trọng tài viên của ủy ban trọng tài được thành lập vì mục đích của Điều
này hoặc Điều 12.12 sẽ được chỉ định theo quy định tại Điều
12.7. Ủy ban trọng tài được thành lập theo Điều này hoặc Điều 12.12 sẽ đưa ra báo cáo trong vòng sáu mươi (60) ngày
sau ngày vấn đề được đưa lên ủy ban
trọng tài. Khi cảm thấy không đưa ra được báo cáo trong
sáu mươi (60) ngày, ủy ban trọng tài
có thể gia hạn thêm ba mươi (30) ngày với sự đồng ý của
các Bên. Báo cáo sẽ được công bố công khai trong mười lăm
(15) ngày sau ngày được đưa ra cho các Bên, có tính đến yêu cầu bảo mật thông tin. Báo cáo sẽ là chung thẩm và ràng
buộc các Bên.
Điều 12.14:
Nguyên tắc thủ tục
Hội đồng sẽ thông qua Nguyên tắc thủ tục quy định chi tiết các nguyên tắc và thủ tục của ủy ban trọng tài được thành lập theo Chương này khi hiệp định có hiệu lực.
Trừ khi các Bên đồng ý khác, ủy ban
trọng tài sẽ thực hiện các quy tắc thủ tục được Hội đồng thông qua và có thể, sau khi tham vấn các Bên, thông qua các nguyên tắc thủ tục bổ
sung không trái với các nguyên tắc được Hội
đồng thông qua.
Điều 12.15:
Điều chỉnh nguyên tắc thủ tục
1. Vào mọi thời điểm các nguyên tắc
và thủ tục của ủy ban trọng tài quy định
trong Hiệp định này, bao gồm cả Nguyên tắc thủ tục tại Điều 12.14, có thể được điều chỉnh khi có sự đồng ý của các Bên.
2. Các Bên cũng có
thể thống nhất, vào bất kỳ thời điểm nào về việc không áp dụng bất kỳ điều khoản
nào của Hiệp định này.
Chương 13
NGOẠI LỆ
Điều 13.1: Ngoại
lệ chung
1. Vì mục đích của các Chương 3 đến 7
(Thương mại hàng hóa, Quy tắc xuất xứ, Quàn lý hải quan, Các biện pháp vệ sinh
an toàn thực phẩm và kiểm dịch động
thực vật, và Quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp), Điều XX của Hiệp định GATT 1994 và các điều khoản
giải thích sẽ được dẫn chiếu và trở thành một phần của Hiệp định này, với những sửa đổi cần thiết.
2. Không một điều khoản nào trong Hiệp
định này được hiểu là ngăn ngừa một Bên tiến hành các biện pháp được Cơ quan giải
quyết tranh chấp của WTO cho phép áp
dụng. Một Bên tiến hành biện pháp đó sẽ phải thông báo cho Hội đồng tới mức tối đa về các biện pháp được tiến hành
và việc ngừng áp dụng các biện pháp đó.
Điều 13.2: Ngoại
lệ an ninh
1. Không một quy định nào trong Hiệp
định này được hiểu là:
(a) áp đặt với một Bên phải cung cấp
những thông tin mà Bên đó cho rằng nếu bị tiết lộ sẽ đi ngược lại quyền lợi
thiết yếu về an ninh của mình;
(b) ngăn cản một Bên tiến hành các
hành động được cho là cần thiết để bảo vệ các quyền lợi
thiết yếu tới an ninh quốc gia:
(i) liên quan đến chất phóng xạ hay các
chất dùng vào việc chế tạo chúng;
(ii) liên quan tới mua bán vũ khí, đạn
dược và vật dụng chiến tranh và mọi hoạt động thương mại hàng hóa khác, vật dụng
trực tiếp hay gián tiếp được dùng để cung ứng cho quân đội; hoặc
(iii) được áp dụng trong thời kỳ chiến
tranh hoặc các tình huống khẩn cấp trong quan hệ quốc tế khác; hoặc
(c) ngăn cản một Bên có những biện
pháp thực hiện các nghĩa vụ nhân danh Hiến chương Liên hợp quốc nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
2. Một Bên tiến hành các biện pháp
như tại đoạn 1(b) và (c) sẽ thông báo cho Hội đồng tới mức tối đa về các biện
pháp được tiến hành và việc ngừng áp dụng các biện pháp đó.
Điều 13.3: Thuế
nội địa
1. Vì mục đích của Điều khoản này,
"công ước thuế nội địa" nghĩa là công ước về tránh đánh thuế hai lần
hoặc bất kỳ hiệp định hoặc thỏa thuận thuế nội địa quốc tế khác còn hiệu lực giữa
các Bên; và các biện pháp thuế nội địa không bao gồm "thuế quan" như
quy định tại Điều 2.1.
2. Trừ khi có quy định khác trong Điều khoản này, các điều khoản của
Hiệp định này sẽ không áp dụng đối với bất kỳ biện pháp thuế nội địa.
3. Hiệp định này sẽ chỉ cho phép quyền
hoặc áp đặt quy định với các biện pháp thuế nội địa trong trường
hợp những quyền và nghĩa vụ đó được quy định
tại Điều III của GATT 1994.
4. Không quy định nào của Hiệp định
này sẽ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các Bên trong
các công ước thuế nội địa. Trong trường hợp có sự
không nhất quán giữa Hiệp định này và bất kỳ công ước thuế nội địa khác, công ước
đó sẽ được ưu tiên áp dụng.
5. Trong trường hợp
có công ước thuế giữa các Bên, các cơ quan có thẩm quyền theo công ước đó sẽ có
trách nhiệm duy nhất để quyết định liệu có bất kỳ sự khác biệt nào giữa Hiệp định
này và công ước đó không.
Điều 13.4: Những
biện pháp bảo vệ cán cân thanh toán trong thương mại hàng hóa
1. Các Bên sẽ nỗ lực tránh áp dụng
các biện pháp hạn chế vì mục đích cân bằng cán cân thanh
toán.
2. Bất kỳ biện pháp tiến hành vì mục
đích cân bằng cán cân thanh toán sẽ phải phù hợp với quyền
và nghĩa vụ của Bên đó trong Hiệp định GATT 1994, bao gồm
Cách hiểu đối với các Quy định về Cân bằng cán cân thanh toán của GATT 1994. Khi tiến hành
các biện pháp đó sẽ phải tham vấn trực tiếp với Bên kia.
3. Không quy định nào của Chương này được
xem là thay đổi quyền và nghĩa vụ của một Bên là thành viên của Điều khoản Hiệp
định của Quỹ tiền tệ quốc tế, kể
cả khi Điều khoản Hiệp định trên được sửa đổi.
Điều 13.5:
Công bố thông tin
1. Mỗi Bên sẽ, phù hợp với luật và
quy định của mình, duy trì tính bảo mật thông tin đối với
các thông tin mật do Bên kia cung cấp theo Hiệp định này.
2. Không quy định nào của Hiệp định
này được hiểu là yêu cầu một Bên cung cấp hoặc tiếp cận
các thông tin bảo mật mà việc tiết lộ thông tin đó sẽ ảnh
hưởng đến việc thực thi luật hoặc đi ngược lại lợi ích của
cộng đồng hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích thương mại
hợp pháp của các doanh nghiệp công hoặc tư.
Chương 14
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 14.1: Phụ lục
và ghi chú
Các Phụ lục và ghi chú của Hiệp định
này là một bộ phận không tách rời của Hiệp định.
Điều 14.2: Sửa
đổi
1. Các Bên có thể thỏa thuận bằng văn bản để sửa đổi hoặc bổ
sung Hiệp định này.
2. Khi điều chỉnh
hoặc bổ sung đã được các Bên thống nhất và được phê duyệt phù hợp với thủ tục
pháp lý trong nước cần thiết của mỗi
Bên, việc điều chỉnh hoặc bổ sung đó sẽ là một bộ phận không tách rời của Hiệp
định này. Sửa đổi sẽ có hiệu lực sau sáu mươi (60) ngày kể
từ ngày các Bên trao đổi thông báo bằng
văn bản đã hoàn thành các thủ tục cần thiết trong nước, hoặc
khoảng thời gian khác mà các Bên thống nhất.
Điều 14.3: Sửa
đổi của Hiệp định WTO
Nếu bất kỳ điều khoản nào của hiệp định
WTO mà các Bên tham chiếu vào Hiệp định này được sửa đổi, các Bên sẽ tham vấn về
việc liệu có sửa đổi Hiệp định này không.
Điều 14.4: Hiệu
lực và chấm dứt hiệu lực
1. Hiệu lực của Hiệp định này phụ thuộc
vào việc hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết trong nước của mỗi Bên.
2. Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào
ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà các Bên trao đổi thông báo bằng văn bản về việc đã hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết của mình
để Hiệp định này có hiệu lực, hoặc vào thời điểm khác do các Bên thỏa thuận.
3. Mỗi Bên có thể chấm dứt hiệu lực Hiệp định này bằng cách gửi thông báo bằng
văn bản cho Bên kia. Hiệp định này sẽ chấm dứt hiệu lực sau một trăm tám mươi
(180) ngày kể từ ngày của thông báo chấm dứt hiệu lực Hiệp định.
Điều 14.5: Đàm
phán trong tương lai về Thương mại Dịch vụ, Dịch vụ Tài chính và Đầu tư
1. Trừ khi có quy định khác, không muộn
hơn ba năm sau khi Hiệp định này có hiệu lực, các Bên sẽ cân nhắc khả năng bắt đầu đàm phán
Chương về Thương mại Dịch vụ, Chương về Dịch vụ Tài chính
và Chương về Đầu tư và bổ sung vào Hiệp định này trên cơ sở cùng có lợi.
2. Khoản 1 sẽ không được áp dụng nếu
các Bên, trong khoảng thời gian nêu trên, ký kết một thỏa thuận quốc tế về
Thương mại Dịch vụ, Dịch vụ Tài chính và Đầu tư.
Điều 14.6:
Tính xác thực của văn bản
Các văn bản Hiệp
định bằng tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh có giá trị ngang nhau.
Trong trường hợp có sự khác biệt, văn bản tiếng Anh sẽ được ưu tiên áp dụng.
ĐỂ LÀM BẰNG, những người ký tên dưới đây, được
sử ủy quyền hợp thức của Chính phủ nước mình đã ký Hiệp định này.
Được làm tại Hô-nô-lu-lu, Ha-oai, Hoa Kỳ,
thành hai bản, ngày 11 tháng 11 năm 2011
THAY MẶT CHÍNH
PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Vũ Huy Hoàng
Bộ Trưởng Bộ Công Thương
|
THAY MẶT CHÍNH
PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA
CHI LÊ
Alfredo Moreno Charme
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
|