VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 60/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 15 tháng 02 năm 2015
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH
ĐẠO TỈNH QUẢNG NINH
Ngày 02 và 03 tháng 02 năm 2015, Phó
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng các Ban Chỉ đạo 138 và 389 của
Chính phủ làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về công tác phòng chống buôn lậu,
gian lận thương mại, hàng giả, phòng chống tội phạm; thăm Trung tâm hành chính
công của Tỉnh; thăm cán bộ, chiến sĩ một số Đồn Biên phòng và nhân dân các dân
tộc khu vực biên giới. Cùng đi với Phó Thủ tướng có lãnh đạo các Bộ: Nội vụ,
Công thương, Văn phòng Chính phủ và đại diện các Bộ, cơ quan: Quốc phòng, Công
an, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389. Sau khi nghe Lãnh đạo tỉnh Quảng
Ninh báo cáo kết quả 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ
XIII, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, phòng chống tội
phạm và ý kiến phát biểu của đại diện các Bộ, cơ quan dự họp, Phó Thủ tướng
Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và biểu dương những cố gắng, nỗ lực phấn đấu,
đoàn kết, khắc phục khó khăn và những kết quả đạt được trong thời gian qua của
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Sau 4 năm thực hiện
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, kinh tế - xã hội của Tỉnh chuyển
biến tích cực và khá toàn diện: Tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân (2011-2014)
đạt 9%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 70 triệu đồng; tỷ trọng công nghiệp
và dịch vụ chiếm 94,2%, nông nghiệp chỉ chiếm 5,8% trong cơ cấu kinh tế và tăng
trưởng ổn định; thu hút đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh; môi trường đầu tư
kinh doanh được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (năm 2013) đứng
thứ 4/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Quảng
Ninh là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Các
lĩnh vực văn hóa có nhiều tiến bộ: Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,77%, giải quyết việc
làm cho 2,6 vạn lao động. Đời sống vật chất và tinh thần nhân dân được cải thiện;
an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Cải cách hành chính có bước đột phá với
mô hình Trung tâm hành chính công trực thuộc Ủy
ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp;
công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, phòng chống tiêu cực;
bộ máy hành chính đã giảm 102 công chức, 471 viên chức và 459 người lao động;
giảm chi thường xuyên của các cơ quan hành chính 350 tỷ đồng/năm.
Tỉnh đã chỉ đạo triển khai quyết liệt
công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chấp hành
nghiêm các chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống buôn lậu, gian lận
thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia). Năm 2014 đã bắt giữ 2.514 vụ
việc, khởi tố 86 vụ, 126 đối tượng, tịch thu hàng hóa trị giá 76 tỷ đồng, xử phạt
59 tỷ đồng, truy thu thuế 198 tỷ đồng.
Đồng thời đã mở nhiều đợt cao điểm tấn
công trấn áp tội phạm (08 đợt); triệt phá 76 nhóm đối tượng, số vụ và tính chất
nghiêm trọng của các vụ phạm tội xâm phạm trật tự xã hội đã giảm (24,3% số vụ,
trọng án giảm 44,8% so với năm 2013). Chất lượng công tác điều tra, khám phá án
đạt 88,9% (chỉ tiêu Quốc hội yêu cầu trên 70%), trọng án đạt 91,3% (chỉ tiêu Quốc
hội yêu cầu trên 90%).
Tuy vậy, tình hình tội phạm trên địa
bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn diễn biến rất phức tạp, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm sử dụng vũ khí,
hung khí, tội phạm mua bán người, tội phạm ma túy, tội phạm buôn lậu, gian lận
thương mại và hàng giả trong đó có khai thác, vận chuyển, kinh doanh than trái
phép v.v... Quảng Ninh vẫn là một trong 18 địa phương trọng điểm về tội phạm
xâm phạm trật tự xã hội, có số người nghiện
ma túy và nhiễm HIV/AIDS lớn, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh, trật tự.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI
GIAN TỚI
Nhất trí với
báo cáo của Tỉnh và ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương, nhấn mạnh một số điểm:
1. Tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung
ương, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015;
tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án theo kế hoạch đề ra; hoàn thiện và
nâng cao chất lượng quy hoạch ngành, lĩnh vực theo hướng hội nhập kinh tế quốc
tế; xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, y tế...
2. Tăng cường chỉ đạo thực tiễn và tổng kết lý luận
với nhiều chính sách mới, xã hội hóa nhiều chính sách đầu tư dần đi vào đời sống
và phát huy hiệu quả. Tinh thần đoàn kết thống nhất vì mục tiêu chung phát triển
tỉnh nhà cần được phát huy hơn nữa.
3. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải
cách hành chính Nhà nước đến năm 2020; tiếp tục nghiên cứu nhân rộng mô hình
Trung tâm hành chính công từ những hiệu quả thiết thực mà mô hình này mang lại.
4. Quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, y tế,
giáo dục, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.
Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để người
dân, nhất là đối tượng chính sách, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào
dân tộc đón Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 vui tươi, đầm ấm, an toàn và tiết kiệm.
5. Về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận
thương mại: Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, tăng cường
các lực lượng chức năng về công tác này,
thực hiện luân chuyển cán bộ để hạn chế tiêu cực, tham nhũng; phối hợp chặt chẽ
các lực lượng, tăng cường hợp tác quốc tế không để hàng lậu, hàng cấm nhất là
pháo, gia cầm lậu vận chuyển từ biên giới vào nội địa; tập trung phát hiện các
vụ việc buôn lậu lớn với các thủ đoạn tinh vi.
6. Về công tác phòng chống tội phạm: Thực hiện tốt
Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị về phòng chống tội phạm với yêu cầu cả hệ thống
chính trị vào cuộc, tập trung chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, mở các đợt tấn công trấn áp
tội phạm dịp Tết Nguyên đán. Tăng cường phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm
ma túy, buôn bán người, tội phạm có tổ chức trong
dịp Tết. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu địa phương, phân công trách nhiệm
rõ ràng của các lực lượng chuyên trách.
III. VỀ ĐỀ ÁN “NÂNG CAO NĂNG LỰC
LÃNH ĐẠO, SỨC CHIẾN ĐẤU; ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG VÀ TINH GIẢN BỘ
MÁY, BIÊN CHẾ TỈNH QUẢNG NINH”
Tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, sáng tạo trong vận dụng
Kết luận 63, 64 Hội nghị TW khóa XI từ Trung ương đến cơ sở để Đảng bộ tỉnh xây dựng
và thực hiện Đề án với nhiều nhóm giải pháp cụ thể và tổ chức thực hiện hiệu quả:
Đã rà soát, có giải pháp tích cực đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, sức
chiến đấu của tổ chức Đảng; kiện toàn, sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên
môn tinh gọn, hiệu quả theo hướng “một phòng thực hiện nhiều chức năng, một người
làm nhiều nhiệm vụ”. Đổi mới cơ chế, chuyển đổi mô hình hoạt động các đơn vị sự
nghiệp công theo hướng tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm, từng bước tách dịch
vụ công ra khỏi cơ quan quản lý nhà nước; chuyển đổi một số đơn vị sự nghiệp
sang mô hình doanh nghiệp.
Với cách làm khoa học, dân chủ công khai, Đề án đã
mang lại kết quả tích cực, đặc biệt là sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế. Qua
đó giảm chi thường xuyên khoảng 300 tỷ đồng mỗi năm (bằng khoảng 11,5% tổng quỹ
lương của tỉnh). Kinh phí tiết kiệm được
sử dụng để đầu tư xây dựng các công trình
phúc lợi phục vụ nhân dân và chi cho đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng
đội ngũ cán bộ; giải quyết chính sách cho các đối tượng tinh giản. Về Đề án
này, Tỉnh hoàn thiện báo cáo Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến.
IV. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về việc quản lý hoạt động gửi hàng hóa kho ngoại
quan (rượu, bia, xì gà, thuốc lá điếu, xe
ô tô du lịch dưới 9 chỗ ngồi) tái xuất qua các cửa khẩu phụ, điểm thông quan nằm
trong Khu kinh tế cửa khẩu: Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ:
Công Thương, Công an, Quốc phòng và Ủy ban
nhân dân tỉnh Quảng Ninh đánh giá cụ thể hoạt động kinh doanh gửi kho ngoại
quan trên địa bàn tỉnh, đề xuất phương án xử lý,
báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công
văn số 10381/VPCP-KTTH ngày 25 tháng 12 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ.
2. Về quản lý hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất
không thuộc danh mục hàng hóa cấm, tạm ngừng và kinh doanh tạm nhập tái xuất có
điều kiện, được tạm nhập qua các lối mở nằm trong Khu Kinh tế cửa khẩu: Giao Bộ
Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan đánh giá toàn
diện hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong
tháng 3 năm 2015
3. Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực
lượng Quản lý thị trường trong lĩnh vực hóa chất, phân bón, vật liệu nổ công
nghiệp: Bộ Công Thương nghiên cứu, xem xét trong quá trình xây dựng Nghị định sửa
đổi, bổ sung Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013, trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2015.
4. Về sửa đổi Thông tư liên bộ số 60/2011/TTLT -
BCT - BTC - BCA (sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán đối với hộ kinh doanh): Giao Bộ
Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Công an nghiên cứu, xử lý
theo quy định; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Về việc sửa đổi, bổ sung mặt hàng thủy sản
thương phẩm phải kiểm dịch khi lưu thông trong nước; hướng dẫn xác định giá trị
lâm sản (thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm) làm căn cứ xử lý vi phạm
hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; sửa đổi danh
mục hàng hóa được sản xuất từ nước có chung biên giới theo quy định tại Thông
tư số 42/2012/TT-BC của Bộ Tài chính; bổ sung quy định hành vi mua bán, vận
chuyển, tiêu thụ và tàng trữ khoáng sản
không có nguồn gốc hợp pháp vào Nghị định số 142/2013/NĐ-CP: Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
6. Về việc hướng dẫn các Điều 153, 154, 172, 156 và
171 của Bộ Luật hình sự: Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên
quan nghiên cứu trong quá trình sửa đổi Bộ luật Hình sự.
7. Về thành lập Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh: Giao Bộ
Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch tổng hợp chung nhu cầu của các địa phương (trong đó có Quảng Ninh), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
8. Về thành lập Trung tâm dịch vụ hành chính công
trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và cấp
huyện: Bộ Nội vụ khẩn trương thẩm định Đề án theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định
9. Về sửa đổi, bổ sung một số văn bản liên quan đến
định mức biên chế, tiêu chí chuẩn quốc gia đối với các cơ sở giáo dục và y tế:
- Về định mức biên chế đối với các cơ sở giáo dục
và y tế: Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Y Tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo
xem xét, xử lý theo quy định, những vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng
Chính phủ.
- Về tiêu chí chuẩn quốc gia đối với các cơ sở giáo
dục: Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét các tiêu chí đạt chuẩn cho phù hợp với
tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong cả nước, báo
cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Về tiêu chí chuẩn quốc gia đối với các cơ sở Y tế: Giao Bộ Y tế khẩn trương
xây dựng văn bản hướng dẫn về y tế cơ sở, trên cơ sở đó xem xét, điều chỉnh
tiêu chí về y tế cơ sở cho phù hợp.
10. Về điều chỉnh việc phân cấp, giao quyền, ủy quyền
đối với các cấp chính quyền: Chính phủ sẽ xem xét sau khi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa
phương được Quốc hội thông qua.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các Bộ, cơ
quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Công Thương Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường Giáo dục và Đào tạo, Y tế;
- Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389, 138;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Trợ lý TTgCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KTN,
KGVX, NC, PL, V.I;
- Lưu: VT, V.III (3b).
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Kiều Đình Thụ
|