VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 32/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 15
tháng 02 năm 2023
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI CUỘC HỌP VỚI BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ
VIỆC THÚC ĐẨY SẢN XUẤT, TIÊU DÙNG TRONG NƯỚC VÀ MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU
NĂM 2023
Ngày 03 tháng 02 năm 2023 tại Trụ sở Bộ Công
Thương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp về việc thúc đẩy
sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023. Tham dự
cuộc họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn
Hồng Diên, đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính,
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
Văn phòng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo các đơn vị
thuộc Bộ Công Thương, cùng đại diện một số Tập đoàn, Tổng Công ty, các Hiệp hội
ngành hàng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
tham luận của một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương, phát biểu của đại diện một số
bộ, cơ quan dự họp và ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng
Hà, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Năm 2022 diễn ra trong bối cảnh nhiều khó khăn,
thách thức do tình hình khu vực và thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường;
thế giới chịu sự ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh covid 19, xung đột lợi ích,
căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay
gắt; đặc biệt là cuộc xung đột Nga - Ukraina kéo dài và việc tiếp tục áp dụng
chính sách “zero COVID” của Trung Quốc gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu,
dẫn đến giá dầu thô và nguyên vật liệu đầu vào biến động bất thường. Lạm phát
tăng cao và chính sách tiền tệ thắt chặt ở nhiều quốc gia dẫn tới tổng cầu thế
giới giảm sút và có nguy cơ đưa kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất,
xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, sự vào cuộc của
cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh
nghiệp và người dân, kinh tế - xã hội nước ta đã phục hồi tích cực và đạt được
nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.
Đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và kết quả mà
ngành Công Thương đạt được trong năm 2022 và tháng 1 năm 2023. Với quyết tâm
cao, thực hiện đổi mới toàn diện trên nhiều mặt, sự nỗ lực trong việc ứng phó với
những khó khăn thách thức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành
Công Thương đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra và đạt
được những kết quả rất quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, tạo dấu ấn nổi
bật trong năm 2022, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước, đặc biệt
là trong bối cảnh quốc tế, khu vực có những biến động nhanh, phức tạp, khó lường.
II. ĐỊNH HƯỚNG VÀ NHIỆM VỤ THỜI
GIAN TỚI
Năm 2023, năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng, tạo
nền tảng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội đã đề ra tại Nghị
quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển
kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước
được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng toàn cầu đang
chậm lại, lạm phát còn diễn biến phức tạp, lãi suất tăng cao; tác động của xung
đội Nga - Ucraina khiến đầu tư giảm và làm gián đoạn các nguồn cung nguyên liệu,
suy giảm niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn cầu, thị trường
xuất nhập khẩu thu hẹp, tạo thêm khó khăn cho hoạt động sản xuất và xuất nhập
khẩu; sức mua trong nước đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất,
đầu tư và tiêu dùng. Sản xuất và xuất khẩu vẫn đang gặp khó khăn do đơn hàng mới
giảm, chi phí sản xuất cao do giá nguyên, nhiên liệu và chi phí logistic tăng
cao; việc tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn, lãi suất tăng cao.
Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí với những nhiệm
vụ và giải pháp của Bộ Công Thương đã xác định để thúc đẩy phát triển sản xuất,
tiêu dùng và mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm duy trì tăng trưởng, góp phần thực
hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề
ra; đồng thời, nhấn mạnh vai trò quan trọng của Bộ Công Thương là cơ quan quản
lý đa ngành, đa lĩnh vực nên cần lưu ý một số trọng tâm sau:
1. Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính
phủ, nỗ lực, cố gắng, quyết tâm hơn nữa, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát
huy kết quả đạt được, tranh thủ cơ hội và thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách
thức để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
Giữ vững các thị trường truyền thống, tiếp tục tìm
kiếm mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, chú trọng các thị trường mới,
tiềm năng. Bên cạnh đó, nghiên cứu kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua các
hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư; tuyên truyền, thường xuyên tổ
chức các chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Nghiên cứu thúc đẩy, mở rộng sản xuất, đa dạng hóa
chuỗi cung ứng, đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh,
kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu.
2. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Bộ
Công Thương cần quán triệt một số quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, điều hành gồm:
(i) Biến nguy thành cơ; (ii) Càng áp lực càng phải nỗ lực; (iii) Quán triệt tư
tưởng chỉ đạo và lấy nguồn lực bên trong là chiến lược cơ bản, lâu dài và quyết
định cùng với nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá.
Quán triệt, bám sát phương châm chỉ đạo của Chính
phủ trong năm 2023 “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp
thời hiệu quả”, tập trung cho 3 đột phá chiến lược: (i) Xây dựng thể chế, cải
cách thủ tục hành chính; (ii) Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, gắn
với trách nhiệm tập thể, không cục bộ, đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc
lên trên hết, trước hết; (iii) Đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng
bộ và 3 động lực tăng trưởng là: Tiêu dùng; Đầu tư; Xuất khẩu.
Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tổ chức
triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ mới trên nguyên tắc bình
tĩnh, tự tin, không cầu toàn, không nóng vội, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi
xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng nền kinh tế độc lập,
tự cường, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất và hiệu
quả. Trong đó, cần tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy
tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu để bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
3. Bộ Công Thương cần sớm triển khai các nhiệm vụ cụ
thể sau:
- Tiếp tục tập trung rà soát, bổ sung để sớm hoàn
thiện, trình ban hành 04 quy hoạch ngành đã được giao chủ trì gồm: quy hoạch điện
lực quốc gia; quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; quy hoạch hạ tầng dự
trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến
và sử dụng các loại khoáng sản. Các quy hoạch vừa phải bảo đảm tiến độ, vừa phải
bảo đảm chất lượng, phát triển đúng hướng, có tính khả thi, góp phần hội nhập quốc
tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả, mang lại lợi ích cho người dân và đất nước.
- Chủ trì phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Tập
đoàn Dầu khí Việt Nam khẩn trương trình Bộ Chính trị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị
quyết số 41-NQ/TW ngày 23 tháng 7 năm 2015 về định hướng Chiến lược phát triển
ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, trong đó có đề xuất
giải pháp mới phù hợp với tình hình thực tế; chủ trì đề xuất sửa Nghị định số
95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định
số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu theo thủ tục
rút gọn, trình trong tháng 02 năm 2023.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển sản
xuất với trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy cả phía cung và phía cầu, đẩy
mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo động lực đẩy mạnh
công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức
cạnh tranh của nền kinh tế nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị
toàn cầu.
Phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh
nghiệp và các đơn vị có liên quan chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các
dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án về năng lượng, điện, dầu khí, than,…
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh sản xuất
phục vụ xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa
phương nhằm duy trì, mở rộng và tìm kiếm thị trường, nhất là những thị trường
tiềm năng; tăng cường năng lực dự báo thị trường; tăng cường nguồn kinh phí, đẩy
mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của
các ngành, lĩnh vực có lợi thế và thế giới có nhu cầu.
Đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương
mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó
khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,
ASEAN; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu
Phi, đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng. Tận dụng tốt cơ hội
Trung Quốc kiểm soát được dịch bệnh và mở cửa, tăng cường các hoạt động trao đổi
hợp tác, đặc biệt là với các tỉnh chung biên giới tạo thuận lợi cho việc đưa
hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường nội địa Trung Quốc. Khẩn trương
hoàn thành đàm phán để tiến tới ký kết hiệp định FTA với Israel trong quý II
năm 2023 và khởi động đàm phán với các thị trường tiềm năng ở khu vực Trung
Đông (như UAE), Nam Mỹ (Mecosur).
Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao
và các bộ, cơ quan liên quan và tham khảo kinh nghiệm của các nước Nhật Bản,
Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Phillippines, Brunei, Australia, Ấn Độ,
để trình phương án đàm phán IPEF với Thường trực Chính phủ trong quý I năm
2023.
- Đẩy mạnh sức mua trong nước, thực hiện các chương
trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đẩy mạnh phân phối hàng hóa
qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; chú trọng đầu
tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa
hàng Việt về nông thôn; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với
thương mại điện tử, thương mại hiện đại, khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường
trong nước 100 triệu dân; xây dựng và phát triển thương hiệu hàng Việt Nam đi
đôi với phát triển mẫu mã, bao bì, tạo dấu ấn riêng và thuận lợi trong quá
trình vận chuyển.
- Tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công
tác quản lý thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận
thương mại, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ... Làm tốt
hơn nữa công tác thị trường, bao gồm cả dự báo cân đối cung cầu, giá cả thị trường
các mặt hàng thiết yếu, theo dõi sát diễn biến để chủ động thực hiện các biện
pháp quản lý điều hành phù hợp, hiệu quả, không để thiếu hụt, đứt gãy, bảo đảm
nguồn cung trong mọi tình huống; phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, có giải
pháp giảm chi phí dịch vụ logistics để tạo thuận lợi cho thương mại, nâng cao
năng lực cạnh tranh.
- Phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo,
là trọng tâm của sự phát triển ngành Công Thương, tiếp tục tạo ra thay đổi,
nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và
doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tiếp tục rà soát các quy định pháp luật của ngành,
tăng cường đối thoại, tham vấn, tiếp thu ý kiến của các tổ chức, hiệp hội,
doanh nghiệp về quy định không còn phù hợp, là rào cản, gây khó khăn đối với hoạt
động sản xuất, kinh doanh để kịp thời sửa đổi hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm
quyền sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân.
- Có giải pháp cụ thể để huy động và phát huy tối
đa các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa với các hình thức đầu tư phù hợp
cho mục tiêu phát triển; tập trung phát triển hạ tầng công nghiệp, hạ tầng năng
lượng, hạ tầng thương mại và dịch vụ. Xác định nguồn lực bên trong là quyết định,
chiến lược, cơ bản lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, bảo đảm
sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của toàn xã hội.
- Phát huy nguồn lực con người, xây dựng đội ngũ
cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, có khả năng phối hợp tốt, chặt
chẽ, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Phát huy và tăng cường công tác phối hợp giữa các
bộ, ngành bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, cùng tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ cho doanh
nghiệp và người dân.
III. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ CỦA BỘ
CÔNG THƯƠNG (Báo cáo của Bộ Công Thương gửi kèm)
Giao các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm
vụ được giao, khẩn trương nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; kịp
thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền để xem xét, xử lý những khó khăn, vướng
mắc trên tinh thần vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì mục tiêu phát triển của
ngành Công Thương và của đất nước.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Công Thương
và các bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng (để
b/c);
- Các Bộ: CT, KH&ĐT, TC, NG, NN&PTNT, NHNNVN; UBQLVNN tại DN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg; Các Vụ: KTTH, NN, TCCV, QHQT, TH;
- Lưu: VT, CN (2). Tm
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Sỹ Hiệp
|