VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
257/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 22 tháng 07
năm 2013
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH TẠI HỘI NGHỊ BÀN GIẢI PHÁP THÁO GỠ
KHÓ KHĂN THÚC ĐẨY SẢN XUẤT, TIÊU THỤ LÚA GẠO, THỦY SẢN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU
LONG NĂM 2013
Ngày 05 tháng 7 năm 2013, tại thành
phố Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chủ trì Hội nghị
bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ
lúa gạo, thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2013. Tham dự
Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ
trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn
Văn Bình.
Sau khi nghe
lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo
tình hình và các giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo, thủy
sản; Bộ Công Thương báo cáo tình hình xuất khẩu gạo và thủy sản; Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam báo cáo tình hình cho vay phục vụ sản xuất, chế biến xuất khẩu
lúa gạo và thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long; ý kiến của Ban Chỉ đạo Tây
Nam Bộ, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp, các hiệp hội, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh kết luận như sau:
I. Đánh giá chung
Đồng ý với nội dung các báo cáo của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam; các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tham gia, đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện cơ chế chính sách, tiếp tục
tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo và thủy sản vùng đồng
bằng Sông Cửu long và cả nước; đồng thời, nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm
sau đây:
- Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có
vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đặc biệt,
trong điều kiện kinh tế thế giới suy giảm tác động tiêu cực đến tình hình trong
nước, nông nghiệp nước ta đã khẳng định vị trí quan trọng trong việc góp phần ổn
định kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo
trật tự và an toàn xã hội.
- Đảng, Nhà nước
luôn quan tâm và đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, chính sách nhằm chăm lo phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật
chất, tinh thần cho nông dân. Các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực chỉ đạo, tổ
chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển toàn diện, bền
vững nông nghiệp, nông thôn; đảm bảo đời sống của nông dân ngày càng được nâng
cao. Trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, Chính phủ,
các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy
phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo, thủy sản
trên phạm vi cả nước, đặc biệt là đối với vùng đồng bằng
sông Cửu Long; nhiều chính sách đã đi vào cuộc sống, phát
huy hiệu quả, góp phần bảo đảm ổn định đời sống của nhân
dân.
- Thời gian qua, mặc dù trong điều kiện
còn nhiều khó khăn về thị trường và ảnh hưởng của thiên tai dịch bệnh, nền nông nghiệp nước ta vẫn tiếp tục có những bước phát triển
nhanh và tương đối toàn diện. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân toàn ngành đạt 3,1%/năm. Giá trị sản xuất toàn ngành bình quân tăng
4,6%/năm. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong
việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu sản
phẩm nông nghiệp bình quân hàng năm chiếm từ 20%-25% tổng
giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, vùng đồng
bằng sông Cửu Long đóng góp đáng kể vào giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm
nông nghiệp của cả nước.
- Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2013 phải đối mặt với nhiều
khó khăn, thách thức: Dịch bệnh bùng phát ở nhiều nơi, hạn
hán gay gắt trên diện rộng, nước mặn xâm nhập sớm và sâu ở các tỉnh đồng bằng
sông Cửu Long; nhu cầu và giá nhiều mặt hàng nông sản trên thị trường thế giới
liên tục giảm ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam, đặc biệt là lúa gạo,
cá tra; mặt khác, sức mua trong nước giảm dẫn đến hàng tồn kho, kéo giá trong
nước giảm thấp, nhất là giá các mặt hàng lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản đã tác động
mạnh đến sản xuất kinh doanh của ngành nông nghiệp, làm giảm thu nhập của nông
dân. Việc quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất, xuất khẩu
đối với lúa gạo, cá tra còn bất cập, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng
đến thu nhập của nông dân và nhất là thương hiệu của cá tra Việt Nam. Công tác
quy hoạch, kế hoạch về nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, dự
báo thị trường chưa tốt; nhiều doanh nghiệp chế biến thủy
sản sử dụng vốn vay không đúng mục đích, vay vốn ngắn hạn
để đầu tư cho trung, dài hạn dẫn đến tình trạng khó khăn
trong việc trả nợ ngân hàng.
II. Nhiệm vụ trong thời gian tới
Để tiếp tục tháo
gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2013 và những
năm tiếp theo, các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo và thực
hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau đây:
1. Một số nhiệm vụ, giải pháp
chung
a) Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu
quả Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày
07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ. Các cấp, các ngành cần quán triệt đầy đủ mục
tiêu, nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, chủ động bám sát thực tế, triển khai
đồng bộ, chặt chẽ, có hiệu quả các giải pháp, phấn đấu 6 tháng cuối năm mức
tăng trưởng cao hơn 6 tháng đầu năm và hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội
năm 2013.
b) Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục
chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách đã được Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ban hành về các lĩnh vực: phát triển sản xuất
nông nghiệp, chế biến nông sản; chính sách tạm trữ lúa gạo; chính sách tín dụng
phục vụ sản xuất, thu mua và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, nhất là lúa gạo
và thủy sản;... chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về sản xuất tiêu thụ sản phẩm
lúa gạo, thủy sản, chăn nuôi tại văn bản số 216/TB-VPCP
ngày 11 tháng 6 năm 2013.
c) Tăng cường công tác thông tin dự
báo, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu; tăng cường kiểm soát dịch bệnh;
tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tự cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động; tiếp tục phối
hợp, đấu tranh và thực hiện có hiệu quả các biện pháp nhằm chống áp đặt phi lý
đối với các sản phẩm nông nghiệp nước ta.
d) Các địa phương cần nhân rộng các
mô hình chuyển đổi cơ cấu, tổ chức sản xuất có hiệu quả cao như: xây dựng cánh
đồng mẫu lớn, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP; tiếp tục chỉ
đạo và thực hiện tái cơ cấu lại sản xuất phù hợp điều kiện
thực tế của từng địa phương; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để khuyến
khích, thu hút các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất các mặt hàng nông sản có chất lượng cao, gắn với chế biến
và tiêu thụ; thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ kỹ
thuật sản xuất cho nông dân nhằm nâng
cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản. Tăng cường kiểm soát và đảm bảo vệ
sinh an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản
phẩm.
đ) Các Hiệp hội cần nghiên cứu, ban
hành Quy chế hoạt động của Hiệp hội nhằm nâng cao trách nhiệm của từng thành
viên; tăng cường giám sát và đảm bảo thực hiện đúng Quy chế và chính sách, pháp
luật của Nhà nước; nâng cao vị thế và vai trò của Hiệp hội, vì lợi ích chung của
đất nước, các thành viên và người dân.
2. Một số nhiệm vụ, giải pháp lâu
dài:
a) Triển khai thực hiện có hiệu quả
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trên cơ sở
đó quy hoạch lại sản xuất, gắn với nhu cầu thị trường, chất lượng và hiệu quả.
- Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn hướng dẫn các địa phương rà soát lại quy hoạch sản xuất, quy hoạch sản
phẩm, thực hiện quy hoạch theo vùng và liên kết vùng; xác định cụ thể cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ phù hợp với điều kiện đất đai, nhu cầu
của thị trường trong nước và xuất khẩu;
nâng cao hiệu quả sản xuất trên một
đơn vị sản phẩm.
- Giao Bộ Công
Thương cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường, cân đối cung cầu làm căn cứ lập
quy hoạch sản xuất cho từng giai đoạn.
- Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài
chính nghiên cứu hướng dẫn về phân bổ nguồn lực, lợi ích và các vấn đề liên
quan khi triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên.
b) Tổ chức lại sản xuất, thực hiện
liên kết giữa các doanh nghiệp, liên kết giữa doanh nghiệp
với người dân, liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm... Giao
các Bộ theo chức năng, nhiệm vụ tổng kết, đánh giá các mô hình liên kết hiện
đang hiệu quả để bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách và triển khai rộng.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Bộ Công Thương rà soát, bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới các quy định về tiêu
chuẩn, tiêu chí... cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm
nông sản.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chỉ đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam nghiên cứu đề xuất phương án bổ
sung chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy thực hiện việc gắn kết sản xuất, chế
biến, tiêu thụ lúa gạo cho nông dân (dịch vụ đầu vào, đầu
ra, hỗ trợ kỹ thuật...).
c) Nhà nước tiếp tục thực hiện các
chính sách hỗ trợ đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn như hỗ trợ đầu tư
phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó có hạ sản xuất; hỗ trợ về vốn đầu tư, cho vay ưu đãi...
nhưng cần trực tiếp và hiệu quả hơn.
- Giao các Bộ, ngành theo chức năng,
nhiệm vụ được giao tổng kết, đánh giá các chính sách hiện có, đề xuất sửa đổi,
hoàn thiện và bổ sung những chính sách mới phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu ngành
nông nghiệp trong giai đoạn mới.
- Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn nghiên cứu, lựa chọn chọn cơ sở (đơn vị) nghiên cứu để Nhà nước đặt
hàng về giống lúa, cá, tôm nhằm hình
thành bộ giống quốc gia có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, có khả năng xây dựng thương hiệu quốc gia.
- Giao Bộ Tài chính nghiên cứu, thí
điểm thành lập Quỹ hỗ trợ sản xuất (trước mắt đối với lúa gạo, cá, tôm) để hỗ
trợ cho người sản xuất trong quá trình sản xuất và khi giá nông, thủy sản bị giảm
sút do các yếu tố khách quan. Nguồn vốn hình thành Quỹ không sử dụng ngân sách
nhà nước.
3. Đối với sản xuất, tiêu thụ lúa
gạo, cá tra, tôm.
a) Về lúa gạo:
- Thực hiện tốt việc mua tạm trữ
thóc, gạo vụ Hè - Thu năm 2013 theo Quyết định số 850/QĐ-TTg
ngày 04 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
- Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chỉ
đạo chặt chẽ về cơ cấu giống, giảm tỷ trọng các giống lúa
chất lượng thấp xuống dưới 20% ngay từ vụ Thu - Đông 2013.
Phổ biến các giống lúa có năng suất chất lượng cao, gắn với xây dựng cánh đồng
mẫu lớn nhằm tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Nghiên cứu, chuyển một phần
diện tích sang trồng cây ngắn ngày khác có hiệu quả cao hơn trồng lúa (ngô, rau, đậu…).
- Đổi mới hình thức, phương pháp xúc tiến thương mại để duy trì thị trường xuất khẩu gạo truyền
thống, mở rộng thị trường mới, xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam.
- Hiệp hội, doanh nghiệp kinh doanh,
xuất khẩu lúa gạo chủ động và tích cực tham gia chuỗi liên
kết với nông dân trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn: Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ
sung các quy định hiện hành về giảm tổn thất sau thu hoạch theo hướng: Hỗ trợ nông dân đầu tư một số loại máy móc, thiết bị nhập khẩu do trong nước
chưa sản xuất được.
b) Về cá tra, tôm
- Các địa phương chủ động rà soát, điều
chỉnh quy hoạch sản xuất cá tra, tôm; giám sát nuôi cá
tra, tôm theo quy hoạch.
- Áp dụng quy trình thực hành nuôi tốt, an toàn dịch bệnh, môi trường. Tổ chức sản xuất
kiểm soát nuôi theo chuỗi giá trị, thực hiện truy suất nguồn gốc sản phẩm. Kiểm
soát chất lượng, nguồn giống gốc, thức ăn, chất xử lý, cải tạo môi trường, sử dụng thuốc thú y đúng tiêu chuẩn trong nuôi trồng.
- Tăng cường công tác thống kê, dự
báo, thông tin về sản xuất và thị trường; Tăng cường hoạt động xúc tiến thương
mại, mở rộng thị trường, tập trung tháo gỡ rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật
tại thị trường lớn và thị trường mới.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Nghị định Quản lý sản
xuất và xuất khẩu cá Tra và trình Chính phủ trong quý III năm 2013.
III. Về một số kiến nghị
1. Về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp
theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2011: Các địa phương và doanh
nghiệp căn cứ vào nội dung, điều kiện, đối tượng được bảo hiểm quy định tại Quyết định nêu trên, thực hiện có hiệu quả vốn hỗ trợ.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên
quan, các địa phương và doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó
khăn, vướng mắc cần xử lý trong quý
III năm 2013; chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý các tiêu cực trong bảo hiểm vừa qua, chỉ đạo các công ty bảo hiểm tiếp tục triển khai bảo hiểm và
đền bù thiệt hại cho dân theo quy định.
2. Về tháo gỡ rào cản thương mại, xúc
tiến thị trường: Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ
Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các
cơ quan có liên quan tích cực trao đổi với các bên thuộc thị trường nhập khẩu để
tháo gỡ rào cản thương mại, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, ký kết, mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản.
3. Về hỗ trợ giống cho nông dân chuyển
đổi từ trồng lúa sang trồng cây ngắn ngày khác: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các Bộ, ngành có liên quan
và các địa phương nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, báo cáo Thủ
tướng Chính phủ.
4. Về tạm ứng vốn cho Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn đầu tư công trình thủy lợi, hạ tầng phục vụ chuyển đổi
cây trồng, trong đó có vùng nuôi tôm chuyên canh: Bộ Kế hoạch
và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính căn cứ kiến
nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp
và xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 196/TB-VPCP ngày
17 tháng 5 năm 2013.
5. Công tác thông tin, tuyên truyền:
Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, người sản xuất cần cung cấp
thông tin chính thống cho các cơ quan thông tin đại chúng. Các cơ quan thông
tin đại chúng khi đưa tin cần lựa chọn, cân nhắc kỹ, đưa tin chính xác, không
gây thiệt hại cho nhà nước, cho dân và doanh nghiệp và cần
lưu ý đối với những thông tin nhậy cảm.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để
các cơ quan có liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ: KHĐT, TC, NNPTNT, CT, NG, VHTTDL;
- Ngân hàng NNVN;
- BCĐ Tây Nam Bộ;
- UBND các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long;
- Các TCT lương thực: miền Nam, miền Bắc;
- Các Hiệp hội: Nghề cá VN, cá
tra VN;
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm, Trợ lý TTg, Cổng
TTĐT, các Vụ: KTTH, V.III, NC, TKBT, KGVX, TH;
- Lưu: VT, KTN (3).
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Phạm Viết Muôn
|