Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 173/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Nguyễn Cao Lục
Ngày ban hành: 15/06/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 173/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2022

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY GIA LAI

Trong các ngày 21 và 22 tháng 5 năm 2022, tại tỉnh Gia Lai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai; dự Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập tỉnh Gia Lai, công bố và đón nhận bằng di sản thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của Tỉnh và chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ đầu nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đến nay. Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Dân tộc và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe báo cáo do đồng chí Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai trình bày; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Gia Lai là tỉnh miền núi, biên giới, có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh, là trung tâm Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, có tiềm năng rất lớn trong các địa phương vùng Tây Nguyên, có diện tích rộng và dân số đông, có truyền thống lịch sử văn hóa, tinh thần đoàn kết, thống nhất, yêu nước, được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Đây là 3 trụ cột chính, là nguồn lực bên trong để Gia Lai phát triển nhanh và bền vững; đồng thời cần thu hút các nguồn lực bên ngoài để tạo sự phát triển đột phá cho Tỉnh.

Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch Covid-19, nhưng Tỉnh đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa duy trì, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng tốt, thu ngân sách cao, văn hóa - xã hội tiếp tục có bước phát triển. Tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2021 tăng 9,71%; Quý I năm 2022 đạt 7,08%, cao so với khu vực Tây Nguyên và cả nước. Tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hình thành và phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có tính cạnh tranh gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh có 91 xã, 118 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt cao. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh được Tỉnh quan tâm. Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và giá trị di sản văn hóa đặc thù được chú trọng. Đã làm tốt công tác xây dựng đảng, ổn định chính trị, giữ vững an ninh, quốc phòng khu vực biên giới.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao nỗ lực mà Đảng bộ, chính quyền quân và nhân dân tỉnh Gia Lai đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh Gia Lai còn nhiều khó khăn, thách thức:

- Mặc dù Gia Lai có tiềm năng phát triển rất lớn, nhưng cơ chế, chính sách để triển khai, thực hiện còn hạn hẹp; Phát triển hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông còn bất cập. Tỉnh đã có sự tự tin vươn lên từ nội lực, nhưng chưa lớn; Đời sống đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn cả về tinh thần và vật chất, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều còn cao; Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế thấp; Tiến bộ, công bằng xã hội chưa đồng bộ với tốc độ phát triển kinh tế.

- Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng quy hoạch tỉnh còn chậm; Công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức; Tình hình an ninh chính trị tại một số địa bàn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cơ sở đảng còn hạn chế.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Cơ bản thống nhất với nội dung Báo cáo của Tỉnh ủy Gia Lai và đề nghị Tỉnh cần xác định rõ quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Quán triệt, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh, trong đó có kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

2. Trong chỉ đạo, điều hành cần bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả. Thực hiện công việc có trọng tâm, trọng điểm, không cầu toàn hay cũng không nóng vội; sáng suốt chọn những việc có tác động lan tỏa, làm đến đâu dứt điểm đến đó, việc nào xong việc đó; vấn đề càng khó, càng phức tạp thì càng phải phát huy dân chủ và huy động trí tuệ tập thể.

3. Phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường; vươn lên mạnh mẽ bằng nội lực, từ truyền thống lịch sử, văn hóa, con người Tây Nguyên; không trông chờ, ỷ lại, phải biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể; phấn đấu đạt kết quả cao nhất và thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra.

4. Tiếp tục đổi mới, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược để tạo ra động lực mới, không gian phát triển mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Phát huy các kết quả đạt được, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả. Những vấn đề nào đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có hiệu quả thì tiếp tục thực hiện, những vấn đề chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp thì mạnh dạn đề xuất thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

5. Xây dựng cơ quan hành chính trong sạch, hệ thống chính trị vững mạnh, đặc biệt là cải cách hành chính, thủ tục hành chính. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; phân bổ nguồn lực; nâng cao trình độ, năng lực quản lý, thực hành của đội ngũ cán bộ. Có biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp; thực hiện khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời trong thực thi công vụ; có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

6. Phát triển kinh tế phải hài hòa với phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Không hy sinh tiến bộ công bằng, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, làm động lực, làm mục tiêu cho sự phát triển và không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ nhưng phải chủ động hội nhập sâu rộng.

7. Về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới:

a) Tập trung triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19, nâng cao ý thức của người dân và hoàn thành đúng tiến độ tiêm vắc xin mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến 18 tuổi, tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi; triển khai kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến 12 tuổi, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

b) Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, tạo ra cơ chế, chính sách để có động lực mới, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài.

c) Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, nhất là quy hoạch Tỉnh và quy hoạch các lĩnh vực liên quan. Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch Tỉnh với tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, nhận diện và phát huy các tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh, khắc phục được những khó khăn, thách thức, hóa giải được những mâu thuẫn, tạo động lực mới cho Tỉnh.

d) Tiếp tục rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, kiên quyết cắt giảm các dự án chưa cấp bách, chưa thật sự cần thiết, hiệu quả thấp để điều chuyển và tập trung vốn thực hiện các dự án trọng điểm, mang tính lan tỏa, nhất là các dự án kết cấu hạ tầng. Cơ cấu lại đầu tư công theo hướng đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, làm công trình nào dứt điểm công trình đó, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, không manh mún, dàn trải, chia cắt.

đ) Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5. Phát triển công nghiệp - xây dựng, chú trọng công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông, lâm sản gắn với phát triển, bảo vệ rừng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ chế biến sau thu hoạch, để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Tăng cường phát triển thương mại điện tử, logistic.

e) Quan tâm thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Bảo tồn, phát huy tốt giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng, các di sản, di tích gắn với phát triển du lịch. Chú trọng phát triển hạ tầng văn hóa, y tế, giáo dục và dịch vụ du lịch.

g) Củng cố, giữ vững an ninh, quốc phòng khu vực biên giới. Tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hợp tác phát triển với Campuchia.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về đề nghị bố trí vốn đầu tư đường cao tốc Pleiku - Quy Nhơn giai đoạn 2026 - 2030, hoặc giúp Tỉnh tìm đối tác để sớm triển khai trước năm 2030:

- Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và một số đối tác khác nghiên cứu phương án đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, trong đó ưu tiên phương án đầu tư theo phương thức BOT hoặc đối tác công tư (PPP) để huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội tham gia, phấn đấu đầu tư ngay trong nhiệm kỳ này; thống nhất với các cơ quan, đề xuất cơ quan có thẩm quyền (đối với trường hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư), báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.

- Giao đồng chí Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, phối hợp kịp thời, chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, các nhà đầu tư... trong quá trình tổ chức nghiên cứu phương án đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo quy định pháp luật về đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) hoặc theo hình thức BOT.

2. Về đề nghị hỗ trợ Tỉnh thu hút, kêu gọi các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi:

- Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hỗ trợ tỉnh Gia Lai thu hút các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đảm bảo hiệu quả, đúng mục tiêu và quy định.

- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đề xuất các dự án cụ thể theo quy định tại Nghị định số 141/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 về quản lý sử dụng vốn chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để vận động các nhà tài trợ.

3. Về đề nghị cho phép áp dụng quy định dự án đang triển khai nhưng phát sinh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng 4.757,44 ha rừng tự nhiên để thực hiện dự án công trình thủy lợi Ia Mơr, huyện Chư Prông:

Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai và các cơ quan có liên quan rà soát việc thực hiện Dự án công trình thủy lợi Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước ngày 30 tháng 8 năm 2022 bảo đảm khả thi, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định pháp luật khác có liên quan.

4. Về đề nghị chuyển đổi diện tích rừng trồng cao su có hiện tượng chết, kém phát triển sang trồng các loại cây khác:

Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai chủ trì cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chuyển đổi 12.039 ha cao su kém hiệu quả sang cây trồng khác, xây dựng đề xuất cụ thể của việc chuyển đổi diện tích cao su còn lại có hiện tượng chết, kém phát triển, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền phương án xử lý, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất và đúng quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

5. Về Tổng kết việc thực hiện Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24 tháng 10 năm 2011 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 20205:

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án tổng kết, báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ trong tháng 7 năm 2022.

6. Về các đề nghị liên quan đến bảo tồn di tích khảo cổ:

- Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai lập hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích “Khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá” và công nhận Rìu tay là bảo vật quốc gia, gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Chương trình nghiên cứu tổng thể, toàn diện đối với Di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá, đá cũ An Khê gắn với chương trình hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học giai đoạn tiếp theo trình cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định.

7. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách riêng để hỗ trợ các địa phương, trong đó có Gia Lai được giao thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ và phát triển rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh quốc phòng...

Một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ đặt ra yêu cầu đối với Ban Thường Vụ Tỉnh ủy Gia Lai trong giai đoạn tới, đó là: Phải tự tin hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, phát huy nội lực để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh đã đề ra.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: QP, CA, KH&ĐT, TC, GTVT, TNMT,
NN&PTNT, VHTT&DL, KH&CN;
- Ngân hàng Nhà nước VN;
- Ủy ban Dân tộc;
- Viện Hàn lâm KHXHVN;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Gia Lai;
- UBND tỉnh Bình Định;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý, Thư ký TTg,
TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, CN, NN,
KGVX, QHQT, TKBT;
- Lưu: VT, QHĐP (03) TĐT

KT. BỘ TRƯỞNG CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông báo 173/TB-VPCP ngày 15/06/2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai do Văn phòng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.489

DMCA.com Protection Status
IP: 3.135.193.105
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!