VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 15/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 12
tháng 01 năm 2022
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH
QUẢNG BÌNH
Ngày 22 tháng 12 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm
Minh Chính dự Lễ Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chủ trì
buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình. Cùng tham dự buổi làm việc của Thủ
tướng Chính phủ có các đồng chí Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng
Chính phủ; Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn
Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế
và lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Xây dựng, Công Thương, Ngoại giao, Nội vụ, Văn
hóa, Thể thao và Du lịch.
Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng
Bình báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và công tác xây
dựng Đảng năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và một số kiến nghị của Tỉnh;
ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng
Bình, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Quảng Bình là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, giàu
truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng, Nhân dân Quảng Bình có truyền thống
yêu nước, lao động cần cù, tinh thần tương thân, tương ái. Quảng Bình cơ bản có
những điều kiện Cần và đủ để phát triển, có đầy đủ rừng, biển và đồng bằng, Tỉnh
có đủ các loại hình giao thông, cả đường bộ (quốc lộ 1A, quốc lộ 12A, Đường Hồ
Chí Minh), đường sắt Bắc - Nam đi qua, sân bay Đồng Hới, cảng biển Hòn La và Cửa
khẩu Cha Lo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Kế thừa thành quả của các nhiệm kỳ trước đây, năm
2021 mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân
dân tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực phấn đấu, chủ động khắc phục khó khăn và đạt kết
quả tích cực: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 4,83%, trong đó, giá trị sản
xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,41%; giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng
tăng 6,83%; dịch vụ tăng 4,11%; thu ngân sách tăng 8,96%; tổng vốn đầu tư toàn
xã hội đạt 23.610 tỷ đồng. Giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư các dự án lớn, trọng
điểm, nhất là trong lĩnh vực năng lượng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
của Tỉnh.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, Tỉnh đã
làm tốt công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, phòng chống dịch Covid-19.
Công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư được triển
khai tích cực. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh
biên giới tiếp tục được giữ vững, ổn định. Tỉnh đã quan tâm và làm tốt công tác
xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, năng lực lãnh
đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên được nâng lên.
Nguyên nhân của những kết quả đạt được là do Tỉnh
đã bám sát tình hình, cụ thể hóa, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các
chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; sự đoàn kết,
thống nhất, nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng
Bình; sự hỗ trợ, giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ngành, cơ
quan, địa phương, Nhân dân cả nước.
Quảng Bình cũng là vùng đất còn nhiều khó khăn như
khí hậu khắc nghiệt, chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Phát triển kinh tế -
xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, truyền thống văn hóa, lịch sử, điều
kiện tự nhiên. Quy mô kinh tế còn nhỏ, phát triển chưa bền vững, chưa phát triển
theo chiều sâu; việc phát triển kinh tế dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới
sáng tạo, chuyển đổi số còn hạn chế. Công tác quy hoạch chưa sát với tình hình,
phát triển đô thị còn chậm. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất
là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới.
II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VÀ NHIỆM VỤ,
GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý các nhiệm vụ trọng
tâm nêu trong báo cáo của Tỉnh và ý kiến của các đại biểu dự họp. Quảng Bình cần
huy động tốt mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
năm 2022 tốt hơn năm 2021, khắc phục khó khăn, thách thức, giải quyết được mâu
thuẫn giữa tiềm năng, lợi thế lớn với cơ chế, chính sách và nguồn lực còn hạn hẹp,
bất cập trong kết nối liên thông hạ tầng. Nhấn mạnh một số trọng tâm công tác
sau:
1. Tiếp tục cụ thể hóa đường lối Nghị quyết Đại hội
XIII của Đảng, Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ
tỉnh lần thứ XVII. Xác định mục tiêu là phát triển bền vững, chuyển từ chiều rộng
sang chiều sâu, nâng cao đời sống Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm
an ninh, quốc phòng. Tinh thần là phải tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay,
khối óc, khung trời, cửa biển, trên mảnh đất của mình. Mạnh mẽ hơn nữa, quyết
liệt hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa, làm việc có trọng tâm trọng điểm,
làm việc nào dứt việc đó.
2. Phải nhanh chóng hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh
Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với xây dựng các quy
hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trên địa bàn theo quy định của Luật Quy hoạch
2017 để xác định phương hướng phát triển, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội
nổi trội, lợi thế cạnh tranh và phân kỳ đầu tư theo khả năng nhưng việc lập quy
hoạch phải tổng thể, bài bản, có tầm nhìn xa với tư duy đổi mới.
3. Chủ động nghiên cứu, đề xuất, áp dụng các cơ chế
chính sách nhằm giải phóng mọi nguồn lực, tiềm năng lợi thế cạnh tranh; tăng cường
hợp tác công tư, lấy nguồn lực Nhà nước để dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực đầu
tư của các thành phần kinh tế và người dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội.
4. Cải cách hành chính mạnh mẽ góp phần xây dựng nền
hành chính minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại, trọng tâm là tiếp tục đổi mới sắp
xếp, kiện toàn, xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu
quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức; chú trọng cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực
cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng; tăng cường ứng
dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, hướng
đến chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh. Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số
các lĩnh vực hành chính công, y tế, giáo dục, văn hóa,...
5. Kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, thần tốc, khẩn
trương hơn nữa hoàn thành mục tiêu tiêm chủng vắc xin mũi thứ 2 và hoàn thành
mũi tiêm thứ 3 trong quý 1 năm 2022, hoàn thành việc tiêm cho người từ 12 đến
18 tuổi trong tháng 1 năm 2022 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, tiếp tục
đề cao nhận thức người dân; sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi
phòng chống dịch.
6. Phát triển hạ tầng chiến lược để tăng cường kết
nối vùng, chú trọng hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu; chú ý kết nối
các khu du lịch; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển
nhanh, hiệu quả, bền vững, hiện đại. Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp
xanh, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng và thân thiện với môi trường,
khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất theo
hướng tiên tiến, hiện đại. Nâng cao mức độ chế biến sâu ở các nhóm ngành công
nghiệp chủ đạo.
7. Quan tâm phát triển văn hóa theo định hướng tại
Hội nghị văn hóa toàn quốc đã xác định. Bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn
định chính trị, trật tự, an toàn xã hội góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc
gia; mở rộng, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
8. Tăng cường công tác xây dựng Đảng; xây dựng hệ
thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ
chức Đảng, đảng viên; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí,
tiêu cực.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về việc chuyển đổi Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch
II từ điện than sang điện khí và nâng công suất (từ 1.200 MW lên 3.000 MW);
phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình: Chuyển đổi cơ cấu
nguồn điện và phát triển nguồn năng lượng tái tạo, giảm dần năng lượng hóa thạch
là cần thiết để phát huy tiềm năng, lợi thế trên địa bàn Tỉnh và theo cam kết của
Việt Nam tại Hội nghị COP26; giao Bộ Công Thương xem xét trong quá trình hoàn
thiện Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến
năm 2045 khoa học, hợp lý, cân đối vùng miền, nguồn điện, truyền tải điện, phụ
tải điện, sử dụng điện..., báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
2. Về hỗ trợ một phần kinh phí nâng cấp, sửa chữa
các đoạn kè biển, kè sông và hỗ trợ thêm vốn khắc phục hậu quả thiên tai trên địa
bàn Tỉnh: Đồng ý về nguyên tắc, Tỉnh khẩn trương rà soát, sắp xếp thứ tự ưu
tiên các dự án cấp bách và có văn bản báo cáo tình hình thiệt hại, đề xuất nhu
cầu hỗ trợ vốn gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai để chủ trì,
phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường tổng
hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Về việc đầu tư nâng cấp và mở rộng Bệnh viện Hữu
nghị Việt Nam Cuba - Đồng Hới: Đồng ý với đề nghị của Tỉnh. Bộ Y tế khẩn trương
phê duyệt chủ trương và hoàn thiện các thủ tục đầu tư để khởi công Dự án trong
năm 2022.
4. Về hỗ trợ vốn đầu tư trang thiết bị y tế Bệnh viện
đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình (cơ sở 2): Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với
các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Tỉnh cân đối nguồn vốn Ngân sách Nhà nước
và xã hội hóa huy động nguồn lực để hỗ trợ Tỉnh thực hiện Dự án.
5. Về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị
cho các bệnh viện, trung tâm Y tế tuyến huyện và Trung tâm kiểm soát bệnh tật của
Tỉnh: Đồng ý về chủ trương, sau khi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế
- xã hội được phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình rà soát, đề xuất cụ thể
nhu cầu hỗ trợ đầu tư, khẩn trương gửi Bộ Y tế để tổng hợp chung, báo cáo cấp
có thẩm quyền xem xét, quyết định.
6. Về việc giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình là
cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án thành phần đoạn Bùng - Vạn Ninh
(thuộc dự án Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông): Tỉnh có văn bản chính thức,
giao Bộ Giao thông vận tải thống nhất với Tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau
khi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và dự án Đường cao tốc
Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
7. Giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu kỹ lưỡng,
đánh giá tác động, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh quy hoạch Cảng
hàng không Đồng Hới thành cảng hàng không quốc tế để phát huy tiềm năng lợi thế,
khai thác di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng và phục vụ phát triển
kinh tế - xã hội của Tỉnh.
8. Về khởi công dự án đầu tư, xây dựng Nhà ga hành
khách T2, Cảng hàng không Đồng Hới trong năm 2022: Giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà
nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) có
văn bản cam kết tiến độ, lộ trình cụ thể, vốn đầu tư thực hiện Dự án báo cáo Thủ
tướng Chính phủ. Trường hợp ACV không có khả năng thực hiện khởi công Dự án
trong năm 2022, giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Tỉnh kêu gọi
xã hội hóa đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Đồng Hới theo
quy định.
9. Về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tại
các dự án của Tập đoàn FLC trên địa bàn tỉnh: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ và các địa phương liên quan rà soát, tổng hợp
đề xuất đối với những khó khăn, tồn tại cần giải quyết sau khi có kết luận của
thanh tra liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trong triển khai các dự
án đầu tư trong phạm vi cả nước, đề xuất phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ trước 28 tháng 02 năm 2022.
10. Về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và
kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Cam Liên: Tỉnh khẩn trương hoàn thiện
hồ sơ theo quy định gắn với hoàn thiện quy hoạch tỉnh gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư
để chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức thẩm định trình Thủ
tướng Chính phủ trong quý 2 năm 2022.
11. Về hỗ trợ thêm hoặc sử dụng nguồn vượt thu tiền
sử dụng đất của Tỉnh để chi phòng, chống dịch Covid-19: Giao Bộ Tài chính chủ
trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổng hợp chung nhu cầu của các địa
phương còn nhiều khó khăn (trong đó có tỉnh Quảng Bình) báo cáo Thủ tướng Chính
phủ xem xét theo thẩm quyền.
12. Đối với các kiến nghị của Tỉnh về (i) bổ sung
622 biên chế giáo dục đào tạo và không cắt giảm số lượng người làm việc tại các
đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo từ năm 2023; (ii) sớm triển khai
đầu tư mở rộng cầu Gianh và cầu Quán Hàu trên quốc lộ 1A; (iii) phê duyệt Quy
hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (iv) bổ sung
vốn dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3; (v) vốn đầu tư xây dựng tuyến đường
phía Lào tới khu vực Lạ Vin; (vi) đầu tư tuyến đường 12 và cặp cửa khẩu Cha Lo
- Na Phàu: Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nội vụ,
Ngoại giao theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành nghiên cứu,
xem xét, xử lý theo quy định, hỗ trợ, giúp đỡ để tháo gỡ khó khăn cho địa
phương, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh
Quảng Bình và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan: KH&ĐT, TC, XD, CT, NG, TN&MT, GD&ĐT, GTVT,
LĐTB&XH, YT, NV, VHTT&DL, QP; UBQLVNNDN;
- Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Bình;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý, Thư ký TTgCP, Cổng TTĐTCP, các Vụ, Cục: KTTH,
CN, NN, KGVX, TKBT, QHQT, NC, TCCV, TH, KSTT;
- Lưu: VT, QHĐP (3)Đ.Minh
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM
Trần Văn Sơn
|