VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
126/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 18 tháng 05 năm 2010
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI CUỘC HỌP BÀN CÁC GIẢI PHÁP KIỂM
SOÁT NHẬP KHẨU NÔNG SẢN, THỰC PHẨM
Ngày 07 tháng 5 năm 2010, sau khi
tiến hành khảo sát thực địa công tác quản lý và hoạt động buôn bán, trao đổi
hàng hóa thương mại biên giới khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn, Phó Thủ tướng
Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn
bàn về việc triển khai các giải pháp kiểm soát nông sản, thực phẩm nhập khẩu
theo đường thương mại biên giới. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Ủy ban nhân dân
các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai; lãnh đạo các Bộ: Công thương, Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tư pháp, Tài chính, Khoa học và Công nghệ,
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng;
đại diện của các Ban chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm, Thương mại
biên giới, 127 TW và các cơ quan, lực lượng chức năng trên địa bàn.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Công
thương, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, ý kiến của hai tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai
và các Bộ, ngành, Phó Thủ tướng đã kết luận như sau:
1. Thực hiện các Quyết định số
254/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2006, số 139/2009/QĐ-TTg ngày 23 tháng 12
năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thương mại biên giới và
các văn bản hướng dẫn của các Bộ ngành, trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh
Lạng Sơn đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, các lực lượng chức năng trên địa
bàn quản lý, điều hành có hiệu quả và phù hợp tình hình hoạt động thương mại
biên giới. Trong năm 2009 và 4 tháng đầu năm 2010, hoạt động thương mại biên giới
trên địa bàn tỉnh dưới các hình thức xuất, nhập khẩu biên mậu, buôn bán tại các
cặp chợ biên giới và trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới đã có chiều hướng
tích cực. Kim ngạch xuất nhập khẩu biên mậu đã có mức xuất siêu, hoạt động buôn
bán tại chợ biên giới đã được chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng
giám sát thường xuyên, hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới từng bước được thực
hiện phù hợp với tình hình trên địa bàn.
2. Bên cạnh kết quả nêu trên, hoạt
động thương mại biên giới còn một số tồn tại trong quản lý, điều hành cần được
chấn chỉnh: các dịch vụ giao nhận, kiểm dịch, kiểm tra chất lượng hàng hóa chưa
được phối hợp tổ chức tốt giữa các cơ quan chức năng, gây ứ đọng tại khu vực cửa
khẩu đối với rau quả xuất khẩu và bị động trong kiểm dịch, kiểm tra chất lượng,
vệ sinh an toàn thực phẩm đối với gia cầm, gia súc, rau quả nhập khẩu; điều
hành hoạt động biên mậu và thông quan hàng hóa còn thiếu linh hoạt, chưa thực
hiện triệt để chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích tối đa xuất khẩu,
kiểm soát nhập khẩu tại Văn bản số 1420/TTg-KTTH ngày 27 tháng 8 năm 2008; chưa
kiểm soát được việc các đối tượng buôn lậu lợi dụng định mức hàng trao đổi của
cư dân biên giới được miễn thuế để thu gom hàng hóa nhập khẩu không thiết yếu
và trốn thuế.
Để quản lý, điều hành có hiệu quả
hoạt động thương mại biên giới theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ
chất lượng, vệ sinh an toàn đối với nông sản thực phẩm nhập khẩu để bảo vệ người
tiêu dùng, môi trường và tránh lây lan dịch bệnh, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ,
ngành và địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện những công việc dưới đây:
a) Ngoài việc duy trì, mở rộng hoạt
động xuất khẩu biên mậu hiện hành đang có chiều hướng tích cực đối với ta, Bộ
Công thương cần chủ động trao đổi với Bộ Thương mại Trung Quốc và các cơ quan hữu
quan phía bạn về các biện pháp và các điều kiện hai bên cần xử lý để thúc đẩy
buôn bán mậu dịch chính ngạch theo thông lệ quốc tế và các thỏa thuận liên quan
được hai bên ký kết; khẩn trương xây dựng chương trình xúc tiến thương mại biên
mậu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 954/VPCP-KTTH ngày 10
tháng 02 năm 2010 để phát triển, hỗ trợ thương mại biên giới;
b) Để chủ động hỗ trợ hoạt động xuất
khẩu nông sản, tránh bị ứ đọng hàng hóa và bị ép giá tại cửa khẩu đối với nông
sản, thực phẩm mang tính thời vụ, giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Ủy
ban nhân dân các tỉnh biên giới, Hiệp hội các ngành hàng và các địa phương có sản
xuất các loại sản phẩm này chủ động có kế hoạch điều phối hoạt động giao nhận
hàng hóa đối với từng loại sản phẩm; chỉ đạo việc quy hoạch quỹ đất và xây dựng
cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, kho tàng, bến bãi, các
công trình phụ trợ phục vụ dịch vụ hoạt động giao nhận hàng hóa; làm việc với
các Bộ, ngành chức năng để giải quyết các vướng mắc phát sinh; báo cáo Thủ tướng
Chính phủ xử lý các vấn đề vượt thẩm quyền.
c) Giao Bộ Công thương chủ trì bàn
thống nhất với Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới, các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải để thỏa thuận với chính quyền các tỉnh
giáp biên phía bạn cơ chế phối hợp và điều phối hoạt động xuất, nhập cảnh các
phương tiện vận tải của hai bên để tránh bị động do khâu vận chuyển, giao nhận
hàng hóa, dẫn đến không kiểm soát được hoặc kiểm soát chiếu lệ, không bảo đảm
chất lượng, an toàn vệ sinh hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu cho người tiêu
dùng và yêu cầu bảo vệ môi trường;
d) Để triển khai thực hiện từ 01
tháng 6 năm 2010 danh mục các mặt hàng nhập khẩu cư dân biên giới được phép
trao đổi theo quy định tại Quyết định số 139/2009/QĐ-TTg ngày 23 tháng 12 năm
2009 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh giáp
biên chỉ đạo Sở Công thương và chính quyền địa phương các huyện, xã biên giới
tuyên truyền, giải thích rõ cho nhân dân quy định mới của ta là nhằm để kiểm
soát các đối tượng đang lợi dụng chính sách trao đổi hàng hóa cư dân biên giới
để buôn lậu, trốn thuế; đồng thời thông báo và giải thích rõ với các cơ quan
phía bạn các quy định mới này là nhằm để tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an
toàn nông sản, thực phẩm nhập khẩu, bảo vệ người tiêu dùng;
d) Yêu cầu các Bộ, ngành, theo chức
năng, thẩm quyền, chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới tiến
hành rà soát, sửa đổi để ban hành trước ngày 01 tháng 8 năm 2010 các văn bản
sau:
- Bộ Công thương cùng Bộ Tài chính
chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giao
thông vận tải và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư liên tịch hướng
dẫn Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2006 và Quyết định số
139/2009/QĐ-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt
động thương mại biên giới, thay thế Thông tư số
01/TTLT-BCT-BTC-BGTVT-BNN&PTNT-BYT-NHNNVN ngày 31 tháng 01 năm 2008 (cần bổ
sung các quy định cụ thể về tổ chức và phối hợp của các ngành chức năng về kiểm
soát chất lượng hàng hóa; kiểm dịch động, thực vật, thủy sản; kiểm soát vệ sinh
an toàn thực phẩm tại khu vực cửa khẩu; phương thức thanh toán…).
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với
Bộ Công thương, Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch sửa đổi Thông tư số
12/2007/TTLT-BCT-BTC-BCA ngày 28 tháng 02 năm 2007 hướng dẫn chế độ hóa đơn chứng
từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường nội địa, theo hướng quản
lý chặt chẽ, không để các đối tượng lợi dụng chính sách về định mức hàng trao đổi
cư dân biên giới được miễn thuế để thu gom hàng hóa, buôn bán trốn thuế.
- Bộ Công thương chủ trì, phối hợp
với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết
định của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định quy chế điều hành và thủ tục hành
chính tại cửa khẩu; bổ sung chức danh hành chính và thẩm quyền quyết định bổ
nhiệm chức danh hành chính được giao trách nhiệm chung trong quản lý, điều hành
hoạt động của các lực lượng chức năng (Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch động, thực
vật, thủy sản và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm…) tại cửa khẩu và những nội
dung liên quan khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số
323/TB-VPCP ngày 11 tháng 11 năm 2009 của Văn phòng Chính phủ.
- Bộ Công thương chủ trì, phối hợp
với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới rà soát, xem
xét việc điều chỉnh định mức miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu dưới hình thức
hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới hoặc xem xét điều chỉnh danh mục hàng
hóa được phép nhập khẩu trong định mức này theo quy định tại Quyết định số
254/2006/QĐ-TTg và Quyết định số 139/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu
trên.
- Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, ban hành
quy chế kiểm soát; công bố các chỉ tiêu và mức dư lượng độc tố thuốc bảo quản
thực vật giới hạn cho phép đối với nông sản, thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là đối
với nhóm mặt hàng rau, quả, để làm cơ sở kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo
vệ sức khỏe người tiêu dùng.
- Bộ Tư pháp thực hiện việc giám
sát để việc điều chỉnh, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản
hướng dẫn của các Bộ, ngành trong lĩnh vực quản lý xuất, nhập khẩu, thông quan
hàng hóa, kiểm dịch động, thực vật và thủy sản, kiểm tra chất lượng và kiểm
soát vệ sinh an toàn thực phẩm được nhất quán và rõ ràng về trách nhiệm được
phân công giữa các cơ quan quản lý.
e) Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành và các văn bản được điều
chỉnh, ban hành mới tại điểm (đ) nêu trên, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành
liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn xây dựng, phê duyệt Đề án tổ chức thực
hiện thí điểm từ ngày 01 tháng 11 năm 2010 hoạt động kiểm soát liên ngành đối với
một mặt hàng nhập khẩu thuộc nhóm hàng nông sản, thực phẩm, với nội dung: lựa
chọn mặt hàng quản lý; quy định các điều kiện, biện pháp kiểm soát (xuất xứ
hàng hóa, điều kiện sản xuất, nhãn hàng hóa, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật
đối với hàng hóa…); áp dụng mô hình thí điểm đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh là
người chủ trì điều hành các lực lượng chức năng tại cửa khẩu (Hải quan, Biên
phòng, Kiểm dịch, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm); kinh phí cần đầu tư cơ
sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động kiểm soát liên ngành của các lực lượng
chức năng tại cửa khẩu và những nội dung liên quan cần thiết khác.
3. Về nguồn vốn bổ sung đầu tư xây
dựng hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu, bao gồm các cửa
khẩu, các cặp chợ biên giới, điểm thông quan hàng hóa, hệ thống giao thông kết
nối, khu vực kho, bến bãi và các cơ sở dịch vụ… Ủy ban nhân dân các tỉnh khu vực
biên giới làm việc với Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng
ngân sách nhà nước bố trí theo các chương trình mục tiêu có thời hạn và quy mô
phù hợp được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời thực hiện theo các quy định
hiện hành về đầu tư đối với khu kinh tế cửa khẩu, đầu tư phát triển chợ các loại
và hạ tầng thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để
Ủy ban nhân dân các tỉnh khu vực biên giới và các cơ quan liên quan biết, khẩn
trương thực hiện./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Phạm Văn Phượng
|