Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 9812/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng Người ký: Trần Văn Minh
Ngày ban hành: 27/12/2008 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9812/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 27 tháng 11 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG TRONG VIỆC TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT HỒ SƠ ĐĂNG KÝ KINH DOANH, ĐĂNG KÝ THUẾ VÀ KHẮC DẤU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương;

Căn cứ Quyết định số 283/QĐ-UBND ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chủ tịch UBND thành phố ban hành Kế hoạch công tác cải cách hành chính năm 2008;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Công an thành phố, Cục trưởng Cục Thuế thành phố Đà Nẵng và Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và khắc dấu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Giao trách nhiệm cho:

1. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Công an thành phố và Cục Thuế thành phố tổ chức thực hiện Đề án;

2. Giám đốc Sở Nội vụ theo dõi việc triển khai thực hiện và định kỳ kiểm tra tình hình thực hiện Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 5065/QĐ-UBND ngày 02 tháng 7 năm 2007 của UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế và khắc dấu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Công an thành phố, Cục trưởng Cục Thuế, thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Nội vụ, Bộ KH và ĐT, Bộ Công an, Tổng Cục Thuế;
- TT HĐND TP;
- Website UBND TP,
Đài PT-TH ĐN; Báo ĐN;
- Lưu: VT, SNV, SKHĐT, Cục Thuế, CA TP.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Minh

 

ĐỀ ÁN

THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG TRONG VIỆC TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT HỒ SƠ ĐĂNG KÝ KINH DOANH, ĐĂNG KÝ THUẾ VÀ KHẮC DẤU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 9812/QĐ-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2008 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Phần 1.

ĐÁNH GIÁ KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG TRONG THỜI GIAN QUA

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2006 - 2010 của thành phố, ngày 25 tháng 12 năm 2006, UBND thành phố ban hành Quyết định số 9080/QĐ-UBND phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm cơ chế “một cửa liên thông” trong việc đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế và khắc dấu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trên cơ sở Đề án được phê duyệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Cục Thuế và Công an thành phố tổ chức triển khai thực hiện thí điểm từ 01 tháng 01 năm 2007 đến 01 tháng 4 năm 2007. Qua 03 tháng thực hiện thí điểm, kết quả được ghi nhận khái quát như sau:

- Cộng đồng doanh nghiệp đồng tình ủng hộ và phấn khởi trước cách làm mới này;

- Ý thức, trách nhiệm của công chức tham gia tiếp nhận và giải quyết hồ sơ được xác định và nâng cao rõ rệt. Trách nhiệm phối hợp giải quyết hồ sơ giữa các cơ quan chức năng liên quan dần đồng bộ và đã thực hiện tốt việc thụ lý hồ sơ cho tổ chức, công dân trong phạm vi nhiệm vụ từng cơ quan.

- Việc tổ chức thực hiện thí điểm cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực thành lập doanh nghiệp đã thể hiện sự quyết tâm của Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố trong chỉ đạo, điều hành và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng liên quan của thành phố trong việc thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, tạo môi trường lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương, thu hút các nguồn lực tại chỗ và bên ngoài để phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm Đề án và căn cứ Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT/BKH-BTC-BCA ngày 27 tháng 02 năm 2007 của liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an về việc “Hướng dẫn cơ chế phối hợp giữa các cơ quan giải quyết đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và cấp giấy phép khắc dấu đối với doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp”, Sở Kế hoạch và Đầu đã phối hợp với Cục Thuế và Công an thành phố xây dựng, tham mưu UBND thành phố phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế, và khắc đấu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo Quyết định số 5065/QĐ-UBND ngày 02 tháng 7 năm 2007 và tổ chức thực hiện.

Năm 2007 đã có 1.940 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 25% so với năm 2006; 9 tháng đầu năm 2008 có 1.556 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn điều lệ 7.510 tỷ đồng. Tháng 12 năm 2007, Sở KH&ĐT đã tổ chức lấy ý kiến thăm dò của 200 tổ chức, công dân, đại diện doanh nghiệp, kết quả thu được có 98% số phiếu thăm dò thể hiện sự hài lòng về cách làm theo cơ chế “một cửa liên thông” và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa liên thông, phòng Đăng ký kinh doanh của Sở KH&ĐT.

Từ kết quả trên, có thể khẳng định việc tổ chức thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong việc đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế và khắc dấu thời gian qua đã thu được những hiệu quả rõ rệt và thiết thực trong công tác cải CCHC, tạo môi trường lành mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước trên địa bàn thành phố. Kết quả này cũng khẳng định đây là mô hình tiến bộ, cần tiếp tục cải tiến để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ, hiệu quả giải quyết hồ sơ, công việc nhằm tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, môi trường phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an vừa ban hành Thông tư liên tịch số 05/2008/TTLT/BKH-BTC-BCA, ngày 29 tháng 7 năm 2008 về việc “ Hướng dẫn cơ chế phối hợp giữa các cơ quan giải quyết đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đăng ký con dấu đối với doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp”. Để kịp thời điều chỉnh việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông đúng với các quy định mới ban hành, trên cơ sở tham mưu của Sở KH&ĐT Cục Thuế và Công an thành phố, UBND thành phố ban hành Đề án thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và khắc dấu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thay thế Đề án đang thực hiện cho phù hợp.

Phần 2.

KHÁI QUÁT VỀ CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG TRONG VIỆC ĐĂNG KÝ KINH DOANH, ĐĂNG KÝ THUẾ VÀ KHẮC DẤU

Cơ chế Một cửa liên thông trong việc đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và khắc dấu là cơ chế tiếp nhận và giải quyết (đồng bộ một lần) các thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và khắc dấu của công dân, tổ chức thông qua một đầu mối duy nhất là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (sau đây gọi tắt là Bộ phận tiếp nhận). Tại đây, tổ chức, công dân sẽ được đón tiếp, hướng dẫn làm thủ tục, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, đăng ký khắc dấu.

SƠ ĐỒ THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG TẠI SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

1. Sự cần thiết phải tổ chức thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong việc đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và khắc dấu:

- Phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của tổ chức, công dân, cộng đồng doanh nghiệp; phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong môi trường hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

- Góp phần giảm chi phí của doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh cạnh tranh lành mạnh.

- Xây dựng nền hành chính thực sự phục vụ nhân dân, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; tiếp tục cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của thành phố.

- Góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ, mục tiêu cải cách thủ tục hành chính của thành phố, góp phần tích cực hoàn thành Chương trình tổng thể về cải cách hành chính của chính phủ.

2. Mục tiêu:

- Tăng cường trách nhiệm phối hợp của các cơ quan hành chính trong việc giải quyết thủ tục thành lập doanh nghiệp đúng pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi hơn, hiệu quả hơn cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp.

- Tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức, tạo sự chuyển biến về ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức đối với tổ chức, công dân, doanh nghiệp; ngăn chặn tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

- Nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, năng lực xử lý công việc của từng cán bộ, công chức; nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo.

- Tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và cộng đồng.

3. Nguyên tắc thực hiện:

- Quy trình, thủ tục hành chính rõ ràng, đơn giản và đúng pháp luật.

- Có hồ sơ hướng dẫn cụ thể, chi tiết, đầy đủ, được niêm yết công khai tại Bộ phận tiếp nhận.

- Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại một đầu mối duy nhất là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Trách nhiệm phối hợp để quản lý, giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp là trách nhiệm của Sở KH&ĐT, Cục thuế, Công an thành phố Đà nẵng và nhiệm vụ được giao cụ thể trực tiếp cho cán bộ, công chức của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế và Công an thành phố.

- Tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức đúng theo quy định của Pháp lệnh Cán bộ, công chức .

Phần 3.

QUY ĐỊNH CHUNG VỀ CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG TRONG VIỆC ĐĂNG KÝ KINH DOANH, ĐĂNG KÝ THUẾ VÀ KHẮC DẤU

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ:

1. Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005;

2. Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006;

3. Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh;

4. Nghị định số 58/2001/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ quy định về quản lý sử dụng con dấu;

5. Nghị định số 85/2007-NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý Thuế;

6. Thông tư số 03/2006/TT-BKH ngày 19 tháng 10 năm 2006 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số nội dung về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 88/2006/NĐ-CP của Chính phủ;

7. Thông tư liên tịch số 07/2002/TTLT-BCA-BTCCP ngày 06 tháng 5 năm 2002 của Bộ Công an – Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) hướng dẫn thực hiện Nghị định 58/2001/NĐ-CP của Chính phủ;

8. Quyết định số 5714/QĐ-UBND ngày 24/8/2006 của UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt Kế hoạch Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2006-2010 của thành phố Đà Nẵng;

9. Thông tư liên tịch số 05/2008/TTLT/BKH-BTC-BCA ngày 29 tháng 7 năm 2008 về việc “Hướng dẫn cơ chế phối hợp giữa các cơ quan giải quyết đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đăng ký con dấu đối với doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp”;

10. Quyết định số 83/2000/QĐ-BTC ngày 29 tháng 5 năm 2000 của Bộ Tài chính ban hành mức thu lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

11. Quyết định số 95/2001/QĐ-BTC ngày 01 tháng 10 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 83/2000/QĐ-BTC.

II. CÁC QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Phạm vi áp dụng:

Đề án này quy định:

- Thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, bao gồm:

+ Thủ tục đăng ký kinh doanh thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư;

+ Thủ tục thông báo kết quả mã số doanh nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Thuế thành phố;

+ Thủ tục đăng ký khắc dấu thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an thành phố.

- Áp dụng đối với các loại hình doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp:

+ Doanh nghiệp tư nhân;

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH);

+ Công ty cổ phần;

+ Công ty hợp danh;

+ Chi nhánh, Văn phòng đại diện.

2. Các cơ quan tham gia phối hợp để giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư và các phòng chuyên môn trực thuộc;

- Cục Thuế và các phòng chuyên môn trực thuộc;

- Công an thành phố và các phòng chuyên môn trực thuộc;

- Một số sở, ban, ngành, có liên quan.

Trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của công dân và doanh nghiệp được quy định cụ thể tại Đề án này.

3. Thời gian thực hiện:

Bắt đầu thực hiện kể từ ngày Quyết định ban hành Đề án của UBND thành phố chính thức có hiệu lực.

Ngoài các hồ sơ công việc giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông được Đề án này quy định, việc tiếp nhận, giải quyết các loại hồ sơ khác vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành của UBND thành phố và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

4. Thời gian giải quyết hồ sơ công việc theo quy định tại Đề án này là thời gian làm việc (ngày làm việc) không kể ngày nghỉ hàng tuần, nghỉ lễ, Tết theo quy định.

5. Nơi tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ:

Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân, doanh nghiệp theo quy định của Đề án này được thực hiện tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Phần 4.

QUY TRÌNH, THỦ TỤC, THỜI GIAN, LỆ PHÍ GIẢI QUYẾT HỒ SƠ

I. Hồ sơ đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế

Tổ chức, cá nhân đăng ký thành lập doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ, gồm:

1. Hồ sơ đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế:

a) Đối với doanh nghiệp tư nhân:

- Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh (02 bản theo mẫu);

- Bản kê khai thông tin đăng ký thuế (theo mẫu)

- Bản sao hợp lệ giấy chứng minh nhân dân (CMND) hoặc giấy tờ chứng thực cá nhân.

b) Đối với Công ty TNHH có 02 thành viên trở lên:

- Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh ( 02 bản theo mẫu);

- Bản kê khai thông tin đăng ký thuế (theo mẫu)

- Điều lệ công ty TNHH;

- Danh sách thành viên sáng lập công ty TNHH (theo mẫu).

- Bản sao hợp lệ giấy CMND hoặc giấy tờ chứng thực cá nhân của các thành viên là cá nhân

- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận ĐKKD, điều lệ, quyết định uỷ quyền đối với thành viên là tổ chức.

c) Đối với Công ty TNHH 01 thành viên:

- Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh (lập 02 bản theo mẫu);

- Bản kê khai thông tin đăng ký thuế (theo mẫu)

- Điều lệ Công ty;

- Bản sao hợp lệ giấy CMND hoặc giấy tờ chứng thực cá nhân của chủ sở hữu công ty là cá nhân

- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận ĐKKD, điều lệ, quyết định thành lập đối với chủ sở hữu là tổ chức.

d) Đối với Công ty cổ phần:

- Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh (lập 02 bản theo mẫu);

- Bản kê khai thông tin đăng ký thuế (theo mẫu)

- Điều lệ Công ty cổ phần;

- Danh sách cổ đông sáng lập Công ty cổ phần (theo mẫu).

- Bản sao hợp lệ giấy CMND hoặc giấy tờ chứng thực cá nhân của các cổ đông sáng lập là cá nhân.

- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận ĐKKD, điều lệ, quyết định uỷ quyền đối với cổ đông là tổ chức.

đ) Đối với Công ty hợp danh:

- Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh (lập 02 bản theo mẫu);

- Bản kê khai thông tin đăng ký thuế (theo mẫu)

- Điều lệ Công ty;

- Danh sách thành viên (theo mẫu);

- Bản sao hợp lệ giấy CMND hoặc giấy tờ chứng thực cá nhân của các thành viên.

e) Đối với Chi nhánh, Văn phòng đại diện:

- Thông báo lập Chi nhánh hoặc Văn phòng đại diện (lập 02 bản theo mẫu);

- Bản kê khai thông tin đăng ký thuế (theo mẫu)

- Bản sao Biên bản họp HĐTV/ HĐQT

- Quyết định của Chủ tịch HĐTV/HĐQT;

- Quyết định bổ nhiệm Trưởng Chi nhánh (người đứng đầu VPĐD);

- Bản sao Giấy ĐKKD Cty (chứng thực);

- Điều lệ Công ty;

- Bản sao hợp lệ giấy CMND của Trưởng Chi nhánh.

g) Các quy định về xác nhận vốn pháp định và chứng chỉ hành nghề:

- Đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký vốn pháp định như: Kinh doanh bất động sản, kinh doanh dịch vụ bảo vệ, dịch vụ đòi nợ …, ngoài hồ sơ quy định tại một trong các điểm a, b, c, d và đ khoản này, phải có văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

- Đối với doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề như: dịch vụ khám chữa bệnh, dược phẩm, dịch vụ thú y, thuốc thú y, dịch vụ thiết kế công trình, dịch vụ kiểm toán, kế toán, dịch vụ môi giới bất động sản, dịch vụ bảo vệ …, ngoài hồ sơ quy định tại một trong các điểm a, b, c, d và đ khoản này, phải có bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của giám đốc và cá nhân khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

2. Hồ sơ đăng ký mẫu dấu:

- Quyết định thành lập, quyết định bổ nhiệm (đối với Chi nhánh, văn phòng đại diện);

- Phiếu đề nghị chọn cơ sở khắc dấu và loại dấu (theo mẫu);

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế (đối với doanh nghiệp) hoặc bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và đăng ký thuế (đối với chi nhánh, văn phòng đại diện) và Giấy giới thiệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư (có sau khi đã có kết quả đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế);

Bộ phận tiếp nhận phối hợp với cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC13) thuộc Công an thành phố Đà Nẵng nhận mẫu tờ khai và cung cấp cho người nộp hồ sơ khi đến làm thủ tục, hướng dẫn kê khai, ký tên chủ doanh nghiệp vào hồ sơ.

II. Thời gian giải quyết: 09 (chín) ngày, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cụ thể:

- Thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế cho doanh nghiệp (hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và đăng ký thuế đối với Văn phòng đại diện, chi nhánh): 05 (năm) ngày;

- Thời gian cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu và con dấu: 04 (bốn) ngày, kể từ ngày có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế cho doanh nghiệp (hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và đăng ký thuế đối với Văn phòng đại diện, chi nhánh).

1. Tại Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Trong thời hạn 01 (một) ngày kể từ thời điểm nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ của tổ chức, công dân, Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi tới Cục Thuế bản sao Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh (đối với trường hợp thành lập doanh nghiệp) hoặc Thông báo thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện (đối với trường hợp thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện) và Bản kê khai thông tin đăng ký thuế.

b) Trong thời hạn 02 (hai) ngày kể từ ngày nhận thông tin về mã số doanh nghiệp từ Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế cho doanh nghiệp (hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và đăng ký thuế đối với văn phòng đại diện, chi nhánh). Phòng Đăng ký kinh doanh chuyển kết quả cho Bộ phận tiếp nhận của Sở để tiếp tục thực hiện thủ tục khắc dấu và trả cho công dân, doanh nghiệp.

2. Tại Cục Thuế: Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin về doanh nghiệp, Cục Thuế thông báo kết quả mã số doanh nghiệp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư thông qua mạng điện tử theo địa chỉ dkkd@danang.gov.vn để ghi vào Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế của doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và đăng ký thuế của chi nhánh, văn phòng đại diện.

3. Tại Công an thành phố: Trong thời hạn 04 (bốn) ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do công chức Sở Kế hoạch và Đầu tư chuyển đến, cơ quan công an có trách nhiệm kiểm tra làm thủ tục khắc dấu, làm thủ tục lưu chuyển con dấu và cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho doanh nghiệp. Công an thành phố cử cán bộ trực tiếp giao con dấu cho đại diện doanh nghiệp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Sở KH&ĐT vào buổi sáng các ngày thứ hai, tư, sáu hàng tuần.

Lưu ý: Trường hợp ngày hẹn trả kết quả khắc dấu đúng vào các ngày thứ ba, thứ năm, Bộ phận tiếp nhận của Sở Kế hoạch và Đầu tư có thể hẹn sang ngày tiếp theo để phù hợp với lịch trả kết quả của Công an thành phố đã thống nhất.

III. Phí, lệ phí:

1. Lệ phí đăng ký kinh doanh thực hiện theo quy định tại Quyết định số 83/2000/QĐ-BTC ngày 29 tháng 5 năm 2000 của Bộ Tài chính ban hành mức thu lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Quyết định số 95/2001/QĐ-BTC ngày 01 tháng 10 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 83/2000/QĐ-BTC.

2. Chi phí khắc dấu được giới thiệu và niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận hồ sơ.

IV. Quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ:

1. Tiếp nhận hồ sơ:

- Khi tiếp nhận hồ sơ, công chức tại Bộ phận tiếp nhận có trách nhiệm đối chiếu, kiểm tra kỹ hồ sơ.

- Đối với các hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa đúng theo quy định của pháp luật thì công chức phải giải thích, hướng dẫn bằng Phiếu hướng dẫn cho tổ chức, công dân nộp hồ sơ bổ sung và hoàn chỉnh theo quy định. Việc hướng dẫn này được thực hiện theo nguyên tắc: một lần, đầy đủ và đúng như nội dung đã niêm yết công khai.

- Đối với hồ sơ đã hợp lệ, công chức tiếp nhận hồ sơ cập nhật vào Sổ theo dõi giải quyết hồ sơ, viết Giấy biên nhận hồ sơ, ghi nhận đầy đủ nội dung của hồ sơ và ghi rõ ngày hẹn trả kết quả.

- Bộ phận tiếp nhận cung cấp mẫu Bản kê khai thông tin đăng ký thuế và hướng dẫn người nộp hồ sơ kê khai và ký tên.

- Bộ phận tiếp nhận cung cấp thông tin về các cơ sở khắc dấu, loại dấu để tổ chức, công dân (người nộp hồ sơ) tự lựa chọn cơ sở khắc dấu và loại dấu theo mẫu phiếu có sẵn tại Bộ phận tiếp nhận. Các thông tin về cơ sở khắc dấu, loại dấu và mẫu dấu, Phiếu lựa chọn cơ sở khắc dấu và loại dấu do Công an thành phố cung cấp cho Bộ phận tiếp nhận để giới thiệu cho doanh nghiệp.

2. Chuyển hồ sơ trong nội bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Bộ phận tiếp nhận có trách nhiệm lập Phiếu lưu chuyển và chuyển ngay hồ sơ đến Phòng Đăng ký kinh doanh; trường hợp nhận vào cuối giờ làm việc thì chuyển hồ sơ vào đầu giờ buổi làm việc tiếp theo. Thời gian bàn giao hồ sơ phải được thể hiện rõ tại Phiếu lưu chuyển và Sổ theo dõi giải quyết hồ sơ.

3. Giải quyết hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Sau khi nhận hồ sơ, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh có trách nhiệm phân công công chức chuyên môn thực hiện nghiệp vụ xử lý hồ sơ theo quy định.

- Trường hợp hồ sơ chuyển đến chưa hợp lệ theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh yêu cầu Bộ phận tiếp nhận liên hệ và đề nghị công dân, tổ chức, bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

- Trong thời gian 02 ngày, kể từ ngày nhận thông tin mã số thuế (mã số doanh nghiệp), Phòng Đăng ký kinh doanh hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế của doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và đăng ký thuế của chi nhánh, văn phòng đại diện và chuyển kết quả cho Bộ phận tiếp nhận.

4. Chuyển hồ sơ cho các cơ quan liên quan tiếp tục xử lý:

a) Bàn giao hồ sơ cho Bộ phận tiếp nhận của Cục Thuế: Sau khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ từ công dân, doanh nghiệp, Bộ phận tiếp nhận chuyển ngay (trong ngày) hồ sơ đăng ký thuế của doanh nghiệp (Bảng kê khai thông tin đăng ký thuế) cho Bộ phận tiếp nhận của Cục Thuế. Trong thời hạn đã quy định, Cục Thuế xử lý hồ sơ, thông báo kết quả mã số doanh nghiệp cho Sở KH&ĐT để ghi vào Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế của doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và đăng ký thuế của chi nhánh, văn phòng đại diện.

Việc giải quyết hồ sơ thông báo mã số doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại Đề án này và các quy định của cơ quan có thẩm quyền.

b) Bàn giao hồ sơ khắc dấu cho Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC13) thuộc Công an thành phố để thực hiện thủ tục đăng ký mẫu dấu, khắc dấu:

Sau khi nhận kết quả Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và đăng ký thuế (sau 05 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ), Bộ phận tiếp nhận bàn giao hồ sơ đăng ký mẫu dấu (quy định tại khoản 2, mục I, phần IV của Đề án này) kèm theo Phiếu lưu chuyển cho Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC13) thuộc Công an thành phố để thực hiện thủ tục đăng ký mẫu dấu, khắc dấu.

Việc giải quyết hồ sơ đăng ký mẫu dấu, khắc dấu được thực hiện theo quy định tại Đề án này và quy định của cơ quan có thẩm quyền.

5. Trả kết quả hồ sơ:

- Đến ngày hẹn trả kết quả, Bộ phận tiếp nhận thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và đăng ký thuế cho đại diện doanh nghiệp;

- Đến ngày hẹn trả kết quả, cơ quan công an cử cán bộ trực tiếp giao con dấu và Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu cho đại diện doanh nghiệp tại Bộ phận tiếp nhận thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (buổi sáng các ngày thứ hai, tư, sáu hàng tuần).

- Khi nhận kết quả giải quyết hồ sơ, đại diện doanh nghiệp ký nhận vào Phiếu lưu chuyển hồ sơ.

- Bộ phận tiếp nhận yêu cầu công dân, đại diện doanh nghiệp đăng ký mẫu chữ ký trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và nộp các khoản lệ phí, phí theo quy định (được niêm yết công khai tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả).

(Thời gian hẹn tổ chức, công dân, doanh nghiệp đến Bộ phận tiếp nhận để đăng ký mẫu chữ ký trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải được ghi cụ thể tại Giấy biên nhận hồ sơ khi tiếp nhận hồ sơ lần đầu).

- Trường hợp hồ sơ không giải quyết được thì cơ quan chức năng liên quan phải trả lời và nêu rõ lý do bằng văn bản.

- Kết quả giải quyết hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp bao gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và đăng ký thuế của chi nhánh, Văn phòng đại diện, con dấu và giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chuyển bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế của doanh nghiệp cho Cục Thuế sau 05 ngày kể từ ngày giao trả bản chính cho doanh nghiệp.

(Lưu ý: Phiếu lưu chuyển được lập và đính kèm theo hồ sơ trong suốt quá trình giải quyết tại các cơ quan liên quan, được trả lại cho Bộ phận tiếp nhận của Sở KH-ĐT để lưu trữ. Công chức xử lý hồ sơ phải cập nhật thời gian và ký xác nhận khi bàn giao hồ sơ hoặc trả kết quả giải quyết hồ sơ).

Phần 5.

MỐI QUAN HỆ VÀ TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN CƠ CHẾ “MỘT CỬA LIÊN THÔNG”

I. Mối quan hệ nội bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư:

1. Trường hợp hồ sơ do Bộ phận tiếp nhận chuyển đến mà không đúng theo quy định thì Phòng Đăng ký kinh doanh trả lại để Bộ phận tiếp nhận liên hệ yêu cầu tổ chức, công dân, doanh nghiệp bổ sung hồ sơ.

2. Trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, nếu gặp các trường hợp vướng mắc, khó khăn mà công chức Bộ phận tiếp nhận không tự xử lý được thì trao đổi ý kiến với cán bộ, công chức Phòng Đăng ký kinh doanh để được hướng dẫn. Cán bộ, công chức Phòng Đăng ký kinh doanh có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn công chức Bộ phận tiếp nhận về nghiệp vụ khi cần thiết.

II. Mối quan hệ và trách nhiệm phối hợp giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế và Công an thành phố:

1. Khi tiếp nhận hồ sơ do Bộ phận tiếp nhận thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư bàn giao, công chức Cục Thuế, cán bộ Công an thành phố có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, tiếp nhận và giải quyết theo quy định đối với hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ theo quy định, công chức Cục Thuế hoặc cán bộ Công an thành phố chuyển trả hồ sơ lại để Bộ phận tiếp nhận liên hệ yêu cầu tổ chức, công dân, doanh nghiệp bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

2. Đối với những hồ sơ giải quyết chậm thời gian so với quy định (hoặc có sai sót) thì cơ quan liên quan phải giải thích lý do chậm trễ hoặc sai sót bằng văn bản để Bộ phận tiếp nhận giải thích cho công dân, doanh nghiệp.

3. Trong trường hợp cần thiết, công chức Bộ phận tiếp nhận thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư trao đổi trực tiếp với cán bộ, công chức các phòng chuyên môn trực thuộc Cục Thuế hoặc cán bộ Công an PC 13 thành phố để được hướng dẫn.

4. Cục Thuế, Công an thành phố cung cấp đầy đủ các thông tin, biểu mẫu và các quy định liên quan đến việc đăng ký mã số thuế, khắc dấu cho Bộ phận tiếp nhận để niêm yết công khai tại trụ sở của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Phần 6.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế và Công an thành phố:

1. Quán triệt nội dung và chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp thực hiện nghiêm túc Đề án.

2. Tổ chức việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ của công dân, doanh nghiệp theo đúng các quy định tại Đề án này và các quy định hiện hành.

3. Cùng phối hợp thực hiện việc hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cần thiết cho công chức làm nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận thuộc Sở KH-ĐT.

4. Trong quá trình thực hiện, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, báo cáo kịp thời kết quả đạt được và các vấn đề vướng mắc; có hình thức khen thưởng thích hợp đối với công chức hoặc bộ phận chuyên môn thực hiện tốt nhiệm vụ và kịp thời xử lý đối với công chức hoặc bộ phận chuyên môn không hoàn thành chức trách trong quá trình thực hiện Đề án này.

5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho quá trình giải quyết hồ sơ và xử lý các công việc liên quan trong nội bộ từng đơn vị và trong quan hệ lưu chuyển hồ sơ, phối hợp tiếp nhận, giải quyết hồ sơ giữa các đơn vị.

6. Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Củng cố, tổ chức lại nơi tiếp nhận hồ sơ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực hiện cơ chế một cửa liên thông; xây dựng Quy chế làm việc của Bộ phận tiếp nhận, Quy chế làm việc của đơn vị cho phù hợp với việc thực hiện Đề án;

b) Bố trí công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận có chuyên môn nghiệp vụ theo tiêu chuẩn quy định, có phẩm chất và năng lực, có kỹ năng giao tiếp với công dân, tổ chức;

c) Bố trí nơi làm việc của Bộ phận tiếp nhận ở vị trí thuận tiện, đảm bảo đủ diện tích và điều kiện làm việc theo quy định;

d) Bổ sung cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho Phòng Đăng ký kinh doanh để thực hiện đầy đủ và kịp thời việc giải quyết hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế theo quy định tại Đề án này;

đ) Niêm yết công khai quy trình, thủ tục, thời gian, biểu mẫu và mức thu phí, lệ phí đối với từng loại hồ sơ công việc tại nơi tiếp nhận hồ sơ, trên website chuyên ngành; mở sổ góp ý, hòm thư góp ý. Ít nhất mỗi năm một lần, Sở KH&ĐT tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của tổ chức, công dân đối với kết quả thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thành lập doanh nghiệp.

e) Chủ trì, phối hợp với Cục Thuế, Công an thành phố và các cơ quan liên quan xử lý kịp thời hoặc đề xuất UBND thành phố giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án;

g) Chủ trì tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện hàng năm báo cáo UBND thành phố, nêu các bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện, các đề xuất kiến nghị ...;

h) Chủ trì, phối hợp với Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thành phố phổ biến, tuyên truyền việc thực hiện Đề án này.

II. Trách nhiệm của Sở Nội Vụ:

Sở Nội vụ giúp UBND thành phố: Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai và báo cáo tình hình thực hiện Đề án;

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, nếu có vướng mắc phát sinh, đề nghị các đơn vị, các cơ quan liên quan phản ánh về UBND thành phố (thông qua Sở Nội Vụ) để điều chỉnh, bổ sung kịp thời./.

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 9812/QĐ-UBND ngày 27/12/2008 về Đề án thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh, thuế và khắc dấu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.910

DMCA.com Protection Status
IP: 18.191.192.109
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!