BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
919/QĐ-BNN-TCLN
|
Hà Nội, ngày 05
tháng 05 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG SẢN PHẨM GỖ QUA
CHẾ BIẾN GIAI ĐOẠN 2014 - 2020
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP
ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số
1565/QĐ-BNN-TCLB ngày 8/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng
cục Lâm nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động
nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến giai đoạn 2014 - 2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm
nghiệp, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (để b/c);
- Lưu: VT, TCLN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Hà Công Tuấn
|
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG SẢN PHẨM GỖ QUA CHẾ BIẾN GIAI ĐOẠN 2014 –
2020
(Kèm theo Quyết định số: 919 /QĐ-BNN-TCLN ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT)
MỞ
ĐẦU
Thời gian qua, lĩnh vực chế biến gỗ của
Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh, nếu như kim ngạch xuất khẩu sản phẩm
gỗ chế biến năm 2006 đạt 2,1 tỷ USD, năm 2012 đạt 4,7 tỷ USD thì đến năm 2013 đạt
trên 5,5 tỷ USD, với kết quả này đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế
của đất nước, đồng thời tạo ra động lực lớn để thúc đẩy công tác trồng rừng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt
được, vẫn còn một số tồn tại, đặc biệt là việc sử dụng nguyên liệu chế biến
chưa hợp lý, dẫn đến hiệu quả trong chế biến, xuất khẩu chưa cao. Những năm gần
đây cả nước khai thác khoảng từ 13-15 triệu tấn/m3 gỗ rừng trồng,
nhưng có đến hơn 80% lượng gỗ nguyên liệu này được dùng để chế biến dăm gỗ xuất
khẩu. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do chất lượng gỗ rừng trồng thấp,
khối lượng gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững chưa đáng kể, nên chưa đáp ứng
được yêu cầu để sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu. Mặt khác, do công nghệ chế
biến dăm gỗ đơn giản, đầu tư thấp, không đòi hỏi cao về chất lượng nguyên liệu,
thủ tục nhập khẩu dăm gỗ ở các thị trường đơn giản và không phải chịu thuế xuất
khẩu, do đó đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Để nâng cao giá trị gia tăng trong chế
biến gỗ, tạo hiệu quả kinh tế cao cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, đồng
thời tăng thu nhập để thu hút người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia trồng rừng
thì việc xây dựng kế hoạch hành động nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua
chế biến, góp phần phục vụ trực tiếp cho tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp giai đoạn
2014 - 2020 là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Phần I
THỰC TRẠNG CÔNG
TÁC CHẾ BIẾN, XUẤT KHẨU GỖ
I. CƠ CẤU DOANH NGHIỆP
CHẾ BIẾN
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và
báo cáo của các địa phương, cả nước có khoảng 3.934 doanh nghiệp chế biến và
kinh doanh lâm sản, trong đó, có 2.974 doanh nghiệp chế biến gỗ, cơ cấu như
sau:
- Cơ cấu theo vùng: Khu vực phía Nam có 80,3% cơ sở, doanh nghiệp chế biến gỗ; khu vực phía
Bắc chỉ có 19,7%. .
- Cơ cấu theo thành phần kinh tế: Doanh nghiệp chế biến gỗ tư nhân (dân doanh) chiếm gần 81,7%; Doanh
nghiệp FDI chiếm 14,0%; doanh nghiệp nhà nước chiếm 4,3%.
- Cơ cấu quy mô theo vốn đầu tư: Doanh nghiệp quy mô vốn đầu tư dưới 1 tỷ đồng chiếm 15,8%; từ 1 - 5 tỷ
đồng là 47,8%; từ 5 - 10 tỷ đồng là 12,6%; từ 10 - 50 tỷ đồng là 16%; từ 50 -
200 tỷ đồng là 5,7%; từ 200 - 500 tỷ đồng là 1,5%; và trên 500 tỷ đồng là 0,6%.
- Cơ cấu về trình độ trang thiết bị,
công nghệ: Có hơn 1.587 cơ sở, doanh nghiệp, chiếm 53%
là quy mô nhỏ, trang thiết bị đơn giản phục vụ sơ chế và sản xuất sản phẩm có
chất lượng thấp, phục vụ tiêu thụ nội địa. Số còn lại 1.391 cơ sở, doanh nghiệp
(khoảng 970 của các tổ chức và cá nhân trong nước và 421 doanh nghiệp có vốn đầu
tư nước ngoài) có thiết bị và công nghệ ở mức độ trung bình khá của thế giới.
- Cơ cấu theo loại hình sản phẩm
chính: Sản xuất đồ gỗ (đồ mộc, sơ chế, mỹ nghệ...) 2.476 cơ sở, doanh nghiệp, sản
xuất các loại ván nhân tạo: 335 cơ sở, doanh nghiệp, sản xuất linh kiện, sản phẩm
phụ trợ: 26 cơ sở, doanh nghiệp, sản xuất giấy 15 cơ sở, doanh nghiệp, chế biến
dăm gỗ: 122 cơ sở, doanh nghiệp.
II. NGUYÊN LIỆU VÀ
SẢN PHẨM GỖ CHẾ BIẾN
1. Sử dụng nguyên liệu chế biến
- Về nguồn nguyên liệu: Theo báo cáo của các địa phương và tổng hợp từ nhu cầu nguyện liệu để
sản xuất các mặt hàng đồ gỗ, năm 2013 cả nước sử dụng khoảng 21 triệu m3
nguyên liệu để chế biến, trong đó:
+ Gỗ nhập khẩu: khoảng 4 triệu m3
gỗ quy tròn (chi tiết tại bảng số 03 đính kèm).
+ Gỗ khai thác từ rừng trồng tập
trung, cây trồng phân tán và cao su thanh lý: 17 triệu m3.
- Sử dụng nguồn nguyên liệu:
+ Sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu khoảng
hơn 7 triệu m3 (tương ứng 3,6 m3/tấn sản phẩm). Trong đó:
nhập khẩu 4 triệu m3, gỗ rừng trồng, gỗ cao su thanh lý trong nước khoảng
3 triệu tấn/m3.
+ Sản xuất dăm gỗ xuất khẩu khoảng 12
triệu m3, tương ứng 6 triệu m3 sản phẩm (sử dụng gỗ rừng
trồng trong nước).
+ Sản xuất các loại ván nhân tạo, mộc
dân dụng, xây dựng cơ bản... khoảng 2 triệu m3 (sử dụng gỗ rừng trồng
trong nước),
2. Sản phẩm gỗ chế biến
Sản phẩm gỗ chế biến xuất khẩu của Việt
Nam chủ yếu các loại đồ gỗ ngoài trời, nội thất trong nhà, dăm gỗ. Theo tổng hợp
của Tổng cục Hải quan và báo cáo của các Hiệp hội gỗ và Lâm sản trong 3 năm trở
lại đây tỷ lệ các sản phẩm xuất khẩu như sau:
- Theo giá trị kim ngạch: Sản phẩm nội
thất (giường, tủ, bàn, ghế..) chiếm 51%; đồ gỗ ngoài trời chiếm 27%, nguyên liệu
thô (chủ yếu là dăm gỗ) chiếm 17%; các loại ván nhân tạo và ván mỏng khác chiếm
5%.
- Theo khối lượng sản phẩm: nguyên liệu
thô (chủ yếu là dăm gỗ) chiếm 62%, sản phẩm nội thất (giường, tủ, bàn, ghế..)
chiếm 23%, đồ gỗ ngoài trời chiếm 13%, các loại ván nhân tạo và ván mỏng khác
chiếm 12%.
III. ĐÁNH GIÁ
CHUNG
1. Về phân bố các cơ sở chế biến gỗ
- Việc phân bố các cơ sở chế biến giữa
các vùng không đồng đều, khu vực miền Bắc nhiều rừng trồng nhưng ít cơ sở chế
biến, khu vực vùng Duyên hải Nam trung bộ, Đông Nam bộ ít rừng trồng lại có quá
nhiều cơ sở chế biến gỗ.
- Các cơ sở chế biến trong nước đa số
ở quy mô nhỏ nên sức cạnh tranh kém, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp; số cơ sở
có vốn đầu tư của nước ngoài chỉ chiếm khoảng 14% về số lượng, nhưng giá trị
kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 50% của cả nước.
- Đa số các cơ sở chế biến gỗ trong
nước ở quy mô nhỏ có trình độ công nghệ thấp, máy móc thiết bị lạc hậu nên chất
lượng sản phẩn không cao, khả năng cạnh tranh trên thị trường thấp nên đa số chỉ
thực hiện gia công ở công đoạn sơ chế.
- Công nghiệp sản xuất nguyên liệu phụ
trợ chưa phát triển, hầu như phải nhập khẩu nên giá thành tăng cao và thiếu
tính chủ động.
2. Về nguyên liệu
Việc sử dụng hơn 80% khối lượng gỗ rừng
trồng (không tính gỗ cao su thanh lý) để sản xuất dăm gỗ xuất khẩu là chưa hợp
lý, làm cho giá trị thu nhập của người trồng rừng đạt thấp (đơn giá bình quân đối
với gỗ rừng trồng để sản xuất dăm gỗ xuất khẩu chỉ đạt từ 45-50 USD/m3,
trong khi đó gỗ nguyên liệu nhập khẩu trung bình từ 250-300 USD/m3).
Nguyên nhân của tình trạng này:
- Chất lượng gỗ rừng trồng thấp, đường
kính nhỏ và chưa có chứng chỉ quản lý rừng bền vững nên chuyển sang sản xuất
hàng mộc xuất khẩu rất hạn chế mà chỉ thích hợp với sản xuất dăm không đòi hỏi
cao về chất lượng và thủ tục tiêu thụ cũng rất đơn giản, dễ dàng.
- Người trồng rừng thiếu vốn đầu tư để
kéo dài tuổi khai thác, trong khi đó công nghệ chế biến gỗ trong nước lạc hậu
nên hạn chế trong việc sử dụng gỗ đường kính nhỏ để chế biến các sản phẩm có
giá trị.
- Máy móc, công nghệ sản xuất dăm gỗ
rất đơn giản với mức đầu tư thấp, không phải chịu thuế xuất khẩu, đây chính là
động lực để nhiều doanh nghiệp chế biến đầu tư vào lĩnh vực này.
3. Về chủng loại sản phẩm
Cơ cấu chủng loại sản phẩm xuất khẩu
chưa hợp lý, nhóm sản phẩm nguyên liệu thô (chủ yếu là dăm gỗ) khối lượng xuất
khẩu chiếm 62% nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ chiếm 17%, do đó hiệu quả kinh tế
thấp, cụ thể:
+ 01 tấn dăm xuất khẩu chỉ đạt khoảng
từ 125-130 USD, trong khi đó phải cần 02 tấn/m3 nguyên liệu, giá trị
bình quân chỉ từ 63-65 USD tấn/m3 nguyên liệu.
+ 01 tấn/m3 sản phẩm nội
thất, đồ gỗ ngoài trời và các sản mộc khác thì giá trị bình quân từ 1.100-1.200
USD cũng chỉ cần khoảng 2 -2,2 tấn/m3 nguyên liệu.
Nếu loại trừ chi phí đối với nguyên
liệu phù trợ, khấu hao máy móc, chi phí vật tư, nhân công lao động, chất lượng
nguyên liệu thì tối thiểu 01 tấn/m3 nguyên liệu sản xuất các loại đồ
mộc xuất khẩu đạt giá trị cao hơn từ 4-5 lần giá trị 01 tấn/m3
nguyên liệu để sản xuất dăm gỗ xuất khẩu.
Phần II
NỘI DUNG KẾ HOẠCH
HÀNH ĐỘNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG SẢN PHẨM GỖ QUA CHẾ BIẾN GIAI ĐOẠN
2014-2020
I. CĂN CỨ ĐỂ XÂY
DỰNG KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
- Căn cứ Quyết định số 2728/QĐ-TTg
ngày 31/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc
phê duyệt Quy hoạch chế biến gỗ giai đoạn 2013-2020 và tầm nhìn 2025;
- Căn cứ Quyết định số
1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 8/7/2013 của Bộ trường Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp;
- Căn cứ Quyết định số
1757/QĐ-BNN-TCLN ngày 01/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn Ban hành Chương trình hành động thực hiện Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp.
II. MỤC TIÊU KẾ
HOẠCH HOẠT ĐỘNG
1. Mục tiêu chung
Tập trung chế biến các sản phẩm đạt
giá trị cao và có ưu thế cạch tranh trên thị trường thế giới, như: đồ gỗ nội thất,
đồ gỗ ngoài trời, đồ gỗ mỹ nghệ; hạn chế tối đa việc sản xuất các sản phẩm có
giá trị thấp mà tiêu tốn nhiều nguyên liệu, đặc biệt là dăm gỗ, nhằm nâng cao
giá trị sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng khai thác trong nước, nâng cao thu
nhập cho người dân trồng rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2014-2015
- Đến năm 2015 sản xuất đồ gỗ xuất khẩu đạt 4,5 triệu
tấn/m3 sản phẩm (tăng 0,9 triệu tấn/m3, tương ứng 25% so
với năm 2013, bình quân 12,5%/ năm).
- Duy trì khối lượng dăm gỗ xuất khẩu 6 triệu tấn/năm
như hiện nay.
- Đến năm 2015 tăng giá trị bình quân của 1 tấn/m3
sản phẩm gỗ xuất khẩu lên 11%[1] và 14% đối với 1 tấn/m3 nguyên liệu
so với năm 2013.
b) Giai đoạn 2016-2020
- Đến năm 2020 sản xuất đồ gỗ xuất khẩu đạt 6,5 triệu
tấn/m3 sản phẩm/năm (tăng 2 triệu tấn/m3/năm, tương ứng
44% so với năm 2015, bình quân 9% /năm).
- Đến năm 2020 chế biến dăm gỗ xuất khẩu 3 triệu tấn/năm
(giảm 3 triệu tấn, tương ứng 50% so với năm 2015, bình quân 10%/năm).
- Đến năm 2020 tăng giá trị bình quân của 1 tấn/m3
sản phẩm xuất khẩu lên 47% và của 1 tấn/m3 nguyên liệu lên 54% so với
năm 2015.
III. KẾ HOẠCH SỬ DỤNG NGUYÊN
LIỆU GỖ RỪNG TRỒNG KHAI THÁC TRONG NƯỚC
1. Giai đoạn 2014 - 2015
a) Kế hoạch khai thác: Mỗi năm dự kiến
khai thác được khoảng 20 triệu tấn/m3/năm (tăng khoảng 3 triệu m3/tấn/năm,
tương ứng 18% so với năm 2013, bình quân 9 %/năm), bao gồm:
- Gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung: 16 triệu m3/tấn/năm,
trong đó có khoảng 3 m3/tấn đạt tiêu chuẩn gỗ lớn, tương ứng 18%.
- Cây trồng phân tán: 2 triệu m3/tấn/năm.
- Gỗ cao su thanh lý: 2 triệu m3/tấn/năm
(đủ tiêu chuẩn gỗ lớn).
b) Kế hoạch sử dụng gỗ nguyên liệu.
Mỗi năm sử dụng khoảng 20 triệu tấn/m3
nguyên liệu chế biến, trong đó:
- Chế biến đồ mộc xuất khẩu: 5 triệu m3/tấn/năm
(tổng nhu cầu là 9 triệu m3/tấn/năm, trong đó gỗ nhập khẩu 4 triệu m3/tấn/năm).Trong
đó: từ gỗ cao su 2 triệu m3/tấn/năm, gỗ rừng trồng tập trung 3 triệu
m3/tấn/năm.
- Sản xuất dăm gỗ xuất khẩu: 12 triệu m3/tấn/năm.
- Sản xuất ván MDF và bột giấy: 1 triệu m3/tấn/năm.
- Sản xuất ván ghép thanh và các loại ván khác: 0,5
triệu m3/tấn/năm.
- Gỗ xây dựng cơ bản và sản xuất đồ mộc nội địa 1,5
triệu m3/tấn/năm.
2. Giai đoạn 2016 - 2020
a) Kế hoạch khai thác: Đến năm 2020,
dự kiến khai thác được khoảng 25 triệu m3/tấn/năm (tăng 5 triệu m3/tấn,
tương ứng 25% so với năm 2015, tăng bình quân 5%/năm), bao gồm:
- Gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung: 21 triệu m3/tấn,
trong đó, có khoảng 7 m3/tấn đạt tiêu chuẩn gỗ lớn, tương ứng 33 % .
- Cây trồng phân tán: 2 triệu m3/tấn/năm.
- Gỗ cao su thanh lý: 2 triệu m3/tấn/năm
(đủ tiêu chuẩn gỗ lớn).
b) Kế hoạch sử dụng nguyên liệu
Giai đoạn 2016 - 2020, mỗi năm sử dụng khoảng 25
triệu tấn/m3 nguyên liệu chế biến, trong đó:
- Chế biến đồ mộc xuất khẩu: 9 triệu m3/tấn
(tổng nhu cầu là 13 triệu m3/tấn, trong đó gỗ nhập khẩu 4 triệu m3/tấn/năm).
Trong đó: gỗ cao su 2 triệu m3/tấn, gỗ rừng trồng tập trung 7 triệu
m3/tấn.
- Sản xuất dăm xuất khẩu: 6 triệu m3/tấn/năm,
tương ứng 3 triệu tấn/m3 sản phẩm
- Sản xuất Ván MDF: 3 triệu m3/tấn (giai
đoạn 2016-2020 sẽ có 10 nhà máy với công suất khoảng 1,5 triệu tấn sản phẩm/năm
đi vào hoạt động - chi tiết theo phụ lục 04 đính kèm).
- Sản xuất giấy: 1 triệu m3/tấn/năm
(giai đoạn 2016- 2020 có 2 nhà máy giấy đi vào hoạt động - chi tiết theo phụ lục
04 đính kèm).
- Sản xuất ván ghép thanh và các loại ván khác: 2
triệu m3/tấn/năm.
- Gỗ xây dựng cơ bản và sản xuất đồ mộc nội địa 4
triệu m3/tấn/năm.
IV. NỘI DUNG KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
1. Hợp phần về công tác quản lý, tổ chức sản xuất
(1) Rà soát các cơ sở/doanh nghiệp chế biến dăm gỗ
hiện có trên cả nước, trên cơ sở đó xác định cụ thể các cơ sở được tiếp tục sản
sản xuất trong giai đoạn 2014-2020. Không tiến hành cấp giấy phép đầu tư mới đối
với các cơ sở sản xuất dăm gỗ.
(2) Đánh giá, tổng kết các dự án đang thí điểm để
xây dựng mô hình Nhóm hộ trồng rừng theo nguyên tắc quản lý rừng bền vững liên
kết với các cơ sở chế biến và tiêu thụ gỗ.
(3) Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các chủ rừng,
nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp chứng chỉ rừng, đảm bảo đến năm 2015 có 200 nghìn
ha, đến năm 2020 có 500 nghìn ha được cấp chứng chỉ rừng bền vững.
(4) Ban hành Thông tư quản lý rừng bền vững và Bộ
Nguyên tắc quản lý rừng bền vững của Việt Nam phù hợp với quy định của Quốc tế,
đồng thời xây dựng kế hoạch cấp chứng chỉ gỗ rừng trồng giai đoạn 2014-2020.
2. Hợp phần về nghiên cứu khoa học
(1) Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp công nghệ
trong chế biến để sử dụng gỗ rừng trồng có đường kính nhỏ, chất lượng thấp để tạo
ra sản phẩm có chất lượng, giá trị cao phục vụ cho xuất khẩu và sử dụng nội địa.
(2) Nghiên cứu, lựa chọn công nghệ để sản xuất một
số nguyên liệu phụ trợ trong sản xuất hàng mộc xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu
trong nước để từng bước thay thế nguyên liệu phụ trợ nhập khẩu.
3. Hợp phần về cơ chế chính sách
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hoặc
phối hợp với các bộ, ngành trình Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số
cơ chế chính sách để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ trong chế biến, cụ
thể:
(1) Chính sách hỗ trợ đầu tư và tín dụng:
- Chính sách hỗ trợ người dân trồng rừng thực hiện
quản lý rừng bền vững đối với rừng trồng khi được cấp chứng chỉ lần đầu là
200.000 đ/ha (hiện tại theo Quyết định số 66/2011/QĐ-TTg ngày 09/12/2011 của Thủ
tướng Chính phủ mức hỗ trợ là 100.000 đ/ha).
- Chính sách liên kết giữa người trồng rừng với các
cơ sở chế biến gỗ theo mô hình khép kín từ trồng rừng đến chế biến, tiêu thụ sản
phẩm, theo cơ chế: người trồng rừng góp vốn bằng quyền sử dụng đất và họ như
các cổ đông của doanh nghiệp; doanh nghiệp được vay vốn tín dụng với lãi suất
thấp hơn của ngân hàng chính sách để đầu tư trồng rừng.
- Chính sách thu hút đầu tư (thuế, tín dụng, tiền
thuê đất) đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để sản xuất giấy chất lượng
cao từ nguồn nguyên liệu ở những khu vực có nhiều rừng trồng như: Vùng Duyên Hải
Nam Trung bộ, Khu vực Đông Bắc bộ và Khu vực Bắc Tây nguyên.
(2) Chính sách thuế:
- Chính sách khuyến khích đầu tư trong sản xuất ván
nhân tạo: Ngoài chánh sách hỗ trợ các cơ sở ván nhân tạo theo Quyết định
66/2011/QĐ-TTg ngày 19/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ; sẽ bổ sung: đối với
doanh nghiệp chế biến ván sợi MDF có quy mô vừa trở lên, thời hạn vay được hưởng
chế độ vay trung hạn và mở rộng thời hạn ân hạn thuế từ 275 lên 360 ngày, nếu
cơ sở xuất khẩu khẩu thì sẽ được áp dụng thuế suất là 0% (hiện nay là 5%).
- Chính sách thuế xuất khẩu, trong đó giảm thuế xuất
khẩu đối với sản phẩm đồ mộc xuất khẩu và tăng thuế xuất khẩu đối với sản phẩm
dăm gỗ theo lộ trình từ năm 2016.
(3) Các chính sách hỗ trợ khác
- Có cơ chế hỗ trợ ban đầu về kinh phí cho doanh
nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu triển khai chuỗi hành trình sản phẩm CoC và thực
hiện các quy định, các rào cản mới của thị trường quốc tế.
- Hàng năm tổ chức diễn đàn doanh nghiệp về đối thoại
chính sách trong chế biến xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, nhằm đề xuất các
chính sách phù hợp.
(Khung kế hoạch hoạt động nâng cao giá trị gia
tăng sản phẩm gỗ qua chế biến giai đoạn 2014 - 2020 tại bảng số 01 khung logic
kế hoạch chi tiết đính kèm)
V. KHÁI TOÁN NHU CẦU VỀ VỐN
Tổng vốn dự kiến thực hiện Kế hoạch hành động là:
83.650 triệu đồng, trong đó: Vốn từ nguồn ngân sách: 82.350 triệu đồng; vốn
ngoài nước (ODA): 1.300 triệu đồng, được phân ra, cụ thể như sau:
- Chi phí cho công tác quản lý, tổ chức sản xuất:
1.400 triệu đồng;
- Nghiên cứu khoa học: 10.000 triệu đồng;
- Xây dựng cơ chế chính sách: 2.250 triệu đồng;
- Hỗ trợ thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng
chỉ rừng: 70.000 triệu đồng.
(Chi tiết theo bảng
số 02 đính kèm)
VI TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của các cơ quan thuộc Bộ Nông
nghiệp và PTNT
1.1. Tổng cục Lâm nghiệp
Là cơ quan đầu mối thu thập, xử lý, tổng hợp tình
hình, tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, lập báo cáo đánh giá kết quả thực hiện
kế hoạch hành động, đồng thời triển khai các công việc cụ thể sau đây:
- Trình Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Thông tư hướng
dẫn phương án quản lý rừng bền vững, Bộ Nguyên tắc quản lý rừng bền vững của Việt
Nam phù hợp với tiêu chuẩn Quốc tế trước và Kế hoạch cấp chứng chỉ gỗ rừng trồng
giai đoạn 2014-2020 trước tháng 9/2014.
- Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan và địa
phương xây dựng mô hình Nhóm hộ trồng rừng theo nguyên tắc quản lý rừng bền vững
liên kết với các cơ sở chế biến để trồng rừng và tiêu thụ gỗ, báo cáo kết quả
trước 31/12/2014
- Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan
báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT để trình Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành
một số cơ chế chính sách nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ trong chế
biến theo kế hoạch hành động đã được phê duyệt, thời gian hoàn thành tháng
6/2015.
1.2. Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường:
Chủ trì và phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp triển
khai các đề tài đã được xác định trong kế hoạch hoạt động, thời gian hoàn thành
trước tháng 12/2017.
1.3 Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối: Hướng
dẫn, tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá thực trạng chế biến gỗ của các địa
phương, trên cơ sở đó xác định cơ cấu từng loại sản phẩm gỗ chế biến, gắn với từng
vùng nguyên liệu của từng địa phương, từng vùng trên phạm vi cả nước, thời hạn
hoàn thành trước tháng 6/2015.
1.4. Vụ Kế hoạch: Chủ trì phối hợp với Tổng cục Lâm
nghiệp và các cơ quan liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT bố trí, phân bổ Kế
hoạch hành động.
1.5. Vụ Tài chính: Phối hợp với Vụ Khoa học Công
nghệ và Môi trường, Tổng cục Lâm nghiệp và các đơn vị liên quan tổng hợp kinh
phí hàng năm gửi Bộ Tài chính thẩm định cho việc thực hiện Kế hoạch hành động.
2. Đối với địa phương
Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung
ương căn cứ kế hoạch hành động đã được phê duyệt chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn và các sở, ngành có liên quan triển khai một số công việc sau
đây:
- Rà soát các cơ sở/doanh nghiệp chế biến dăm hiện
có, trên cơ sở đó xác định cụ thể các cơ sở được tiếp tục sản xuất dăm gỗ trong
giai đoạn 2014-2020 và những cơ sở phải giải thể hoặc chuyển nhiệm vụ sản xuất,
báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT trong tháng 5/2014.
- Điều tra, đánh giá để xác định cơ cấu từng loại sản
phẩm gỗ chế biến, gắn với từng vùng nguyên liệu tại địa phương, báo cáo Bộ trước
31/12/2014;
- Xây dựng kế hoạch thực hiện quản lý rừng bền vững
và cấp chứng chỉ gỗ rừng trồng giai đoạn 2014-2020, báo cáo Bộ Nông nghiệp và
PTNT trước tháng 9/2014.
- Hướng dẫn các doanh nghiệp chế biến gỗ xây dựng kế
hoạch sản xuất, kế hoạch đầu tư phù hợp với mục tiêu của Kế hoạch hành động.
- Hàng quý, năm báo cáo cáo kết quả thực hiện về Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề
vướng mắc, báo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có hướng giải quyết
kịp thời./.