Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 89/2009/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Thái Văn Hằng
Ngày ban hành: 15/09/2009 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 89/2009/QĐ-UBND

Vinh, ngày 15 tháng 9 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN: QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVI;
Căn cứ Quyết định số 197/2007/QĐ-TTg ngày 28/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020;
Căn cứ các Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông.... đến năm 2020;
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Báo cáo số 231/BC.TV ngày 25 tháng 8 năm 2009;
Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 865/TTr.SCT-KHTH ngày 07 tháng 9 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt Đề án: “Quy hoạch phát triển Thương mại Nghệ An đến năm 2020, kèm theo Quyết định này”.

Điều 2:

1. Giao Sở Công Thương:

1.1. Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức thực hiện Đề án.

1.2. Trong quá trình thực hiện Đề án nếu xuất hiện những nội dung cần sửa đổi, bổ sung thì chủ động tổng hợp báo cáo và đề xuất hướng xử lý trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định; định kỳ hàng năm báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh về kết quả và tiến độ thực hiện Đề án.

2. Các Sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ và các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, thị xã Thái Hoà căn cứ nội dung liên quan trong Đề án chủ động thực hiện.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày đăng công báo.

Chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND cấp huyện, thành phố, thị xã căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Thái Văn Hằng

 

ĐỀ ÁN

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số 89/2009/QĐ-UBND ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An)

Phần Thứ Nhất

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NGÀNH THƯƠNG MẠI NGHỆ AN

I. KHÁI QUÁT CÁC YẾU TỐ TỰ NHIÊN VÀ KINH TẾ - XÃ HỘI TÁC ĐỘNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI

1.1. Điều kiện tự nhiên và xã hội

1.1.1. Điều kiện tự nhiên

* Vị trí địa lý. Nghệ An nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, có diện tích tự nhiên gần 16.500 km2 và dân số theo điều tra gần 3 triệu người. Nghệ An gồm 1 đô thị loại 1 (thành phố Vinh), 01 đô thị loại 3 (thị xã Cửa Lò), thị xã miền núi Thái Hòa) và 17 huyện (7 huyện đồng bằng ven biển và 10 huyện miền núi), với 478 xã, phường và thị trấn, trong đó có 280 xã, thị trấn miền núi. Nghệ An giáp tỉnh Thanh Hóa ở phía Bắc, tỉnh Hà Tĩnh ở phía Nam, nước CHDCNN Lào ở phía Tây (biên giới dài 419 km) và biển Đông ở phía Đông (bờ biển dài 82 km).

* Về địa hình. Nghệ An nằm ở Đông Bắc dãy Trường Sơn có địa hình đa dạng, phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi các dãy đồi núi và hệ thống sông, suối. Đặc điểm địa hình như trên là một trở ngại lớn cho việc phát triển giao thông đường bộ, đặc biệt là các tuyến giao thông vùng trung du và miền núi, khó khăn trong phát triển thương mại; Sông có độ dốc cao với 117 thác lớn nhỏ là tiềm năng để phát triển thuỷ điện và điều hoà nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh.

* Khí hậu. Nghệ An nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, chia làm hai mùa rõ rệt: mùa hạ nóng, ẩm, mưa nhiều và mùa đông lạnh, ít mưa. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 23-240C, sự chênh lệch nhiệt độ giữa các tháng trong năm khá cao. Nghệ An là tỉnh chịu ảnh hưởng nhiều của bão và áp thấp nhiệt đới. Nhìn chung, Nghệ An nằm trong vùng khí hậu có nhiều đặc thù, phân dị rõ rệt trên toàn lãnh thổ và theo các mùa, tạo điều kiện cho nhiều loại cây trồng phát triển song gây ảnh hưởng nhất định đến phát triển kinh tế.

* Tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên đất: Trong tổng số 1.649.853 ha, có hai loại đất: đất thủy thành và đất địa thành. Với điều kiện khí hậu nóng ẩm và mưa nhiều, Nghệ An có chủng loại thổ nhưỡng phong phú. Chiếm diện tích chủ yếu là nhóm đất địa thành, loại đất này phù hợp với để phát triển các loại cây trồng: vùng núi cao để phát triển các loại cây lâm nghiệp, cây đặc sản, cây dược liệu và nông lâm kết hợp; vùng núi thấp là địa bàn chính để trồng cây công nghiệp dài ngày (chè, cao su, cà phê,...), cây ăn quả. Nhóm đất thuỷ thành, tập trung phần lớn ở vùng đồng bằng ven biển, vùng núi thấp; phần lớn là phù sa của hệ thống sông Cả, là địa bàn sản xuất lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày.

Tài nguyên rừng: Nghệ An có diện tích lâm nghiệp vào loại lớn trong cả nước, có nhiều tiềm năng về tài nguyên rừng. Tổng trữ lượng gỗ hiện còn khoảng 50 triệu m3 trong đó có tới 425 ngàn m3 gỗ Pơmu. Trữ lượng tre, nứa, mét có khoảng trên 1 tỷ cây. Rừng Nghệ An còn có nhiều loại thân gỗ, thân thảo và các loài động vật quý hiếm được ghi vào sách đỏ. Các loại lâm sản quý khác như song, mây, quế, cánh kiến đỏ ... là nguồn nguyên liệu quý cho phát triển sản xuất và xuất khẩu. Về tính đa dạng sinh học có thể thấy Nghệ An khá đa dạng về các loài động, thực vật, đặc biệt có nhiều loại cây con, dược liệu quý có thể phát triển ở quy mô sản xuất hàng hoá.

Tài nguyên biển: Nghệ An có bờ biển dài 82 km và diện tích vùng biển 4.230 hải lý vuông, dọc bờ biển có 6 cửa lạch với độ sâu từ 1 đến 3, 5 m thuận lợi cho tàu thuyền có trọng tải 50 - 1.000 tấn ra vào. Theo điều tra của Viện nghiên cứu hải sản, trữ lượng hải sản các loại Nghệ An khoảng 80.000 tấn, khả năng khai thác cho phép khoảng 35-37 nghìn tấn /năm. Dọc bờ biển Nghệ An có 3.500 ha nước lợ sử dụng cho việc nuôi trồng thuỷ sản và sản xuất muối. Hiện trong toàn tỉnh có khoảng 2.500 ha mặt nước mặn, lợ chuyên nuôi trồng thủy sản (nuôi tôm, cua xuất khẩu). Trong thời gian qua Nghệ An là một tỉnh sản xuất muối lớn ở miền Bắc, đồng muối Nghệ An có khả năng phát triển 900-1.000 ha với sản lượng khoảng 100.000 tấn /năm. Bờ biển Nghệ An có nhiều bãi tắm đẹp và hấp dẫn như bãi tắm Cửa Lò, Nghi Thiết, Cửa Hiền, Quỳnh Bảng, Quỳnh Phương..., nước sạch, sóng không lớn, độ sâu thoải, độ mặn thích hợp, ở vị trí thuận lợi về giao thông. Ngoài ra, còn có một số đảo có thể làm công viên du lịch tốt như đảo Ngư, đảo Lan Châu. Nghệ An có nhiều tiềm năng phát triển vận tải biển, trong đó cảng Cửa Lò - cảng hàng hoá lớn nhất của vùng và cảng cá Cửa Hội Ngoài ra, cách bờ biển 4 km có đảo Ngư với diện tích trên 100 ha, mớn nước quanh đảo có độ sâu 8-12 m, có điều kiện xây dựng thành cảng nước sâu trong tương lai.

Tài nguyên nước: Nguồn nước mặt chủ yếu là nước mưa và nước của hệ thống các sông suối, hồ đầm. Do lượng mưa bình quân hàng năm lớn khoảng 17.000 mm, nên nguồn nước mặt dồi dào. Tổng trữ lượng nguồn nước mặt trên 20 tỷ m3. Do địa hình dốc nên các sông suối có khả năng xây dựng các công trình thuỷ điện lớn nhỏ, đáp ứng nhu cầu năng lượng tại chỗ cho nhân dân vùng cao và hoà lưới điện quốc gia. Tổng trữ năng thuỷ điện qua tính toán có thể lên tới 950-1000 MW. Nguồn nước ngầm theo đánh giá sơ bộ là khá phong phú.

Tài nguyên khoáng sản: Tài nguyên khoáng sản của Nghệ An khá đa dạng, có các loại từ khoáng sản quý hiếm như vàng, đá quý đến các loại khác như thiếc, bô-xít, phốt-pho-rít và các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng như đá vôi, đá xây dựng, cát sỏi... trong đó có nhiều loại có giá trị kinh tế cao như thiếc, đá vôi, đá xây dựng. Đây là một lợi thế lớn của tỉnh trong việc phát triển các ngành công nghiệp như khai khoáng, sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng.

* Tài nguyên nhân văn và du lịch: Nghệ An có trên 1.000 di tích danh lam thắng cảnh, điển hình là Vườn quốc gia Pù Mát, rừng nguyên sinh Pù Huống, Pù Hoạt, thác Khe Kèm, thác Sao Va... Nghệ An có nhiều tiềm năng du lịch nhân văn, trong đó đã có 186 di tích được xếp hạng (gồm 123 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 63 di tích được xếp hạng cấp tỉnh) nhất là Khu di tích lịch sử - văn hoá Kim Liên -Nam Đàn; Khu lưu niệm cụ Phan Bội Châu, Khu miếu mộ đền thờ Mai Hắc Đế... và nhiều lễ hội (Đền Cờn - Quỳnh Lưu, Đền Cuông - Diễn Châu, Đền thờ Nguyễn Xí - Nghi Lộc, hang Thẩm Bua, Thẩm ồm, Thẩm Voi - Quỳ Châu...). Đây còn là quê hương của các điệu hò ví dặm, hát phường vải. Cùng với bờ biển dài với nhiều bãi tắm, đảo, đẹp, Nghệ An có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, lịch sử văn hoá và du lịch nghỉ dưỡng.

1.1.2. Điều kiện xã hội

* Dân số: Tổng dân số tỉnh Nghệ An năm 2008 khoảng 3 triệu người, là địa phương đông dân thứ tư trong cả nước (sau Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Thanh Hoá). Có 6 dân tộc cùng sinh sống hoà thuận với nhau từ lâu đời, trong đó dân tộc Kinh là chủ yếu, chiếm 86,25%; dân tộc Thái chiếm 9,59%; dân tộc Khơ Mú chiếm 1,07%; còn lại là các dân tộc khác (Mông, Thổ, Ơ Đu). Dân cư phân bố không đồng đều, ở vùng miền núi dân cư thưa thớt, trong khi đó ở vùng thành thị, đồng bằng ven biển mật độ dân cư cao. Mật độ dân số bình quân trong toàn tỉnh năm 2008 là 189 người /km2, trong đó ở vùng đồng bằng, ven biển là 697 người /km2 và ở vùng miền núi là 81 người /km2; cao nhất là thành phố Vinh (2.841 người /km2) và thị xã Cửa Lò (1.865 người /km2), thấp nhất là huyện Tương Dương (26 người /km2).

* Lao động và việc làm: Tính đến hết năm 2008, dân số trong độ tuổi lao động của Nghệ An là 1.724 nghìn người, chiếm 55,4 % dân số toàn tỉnh. Tổng số lao động làm việc trong các ngành kinh tế của tỉnh năm 2008 là 1.724 nghìn người (chiếm 99,2% lực lượng lao động), trong đó lao động khu vực nông thôn chiếm gần 86,11%, cao hơn so với mức bình quân cả nước (79,8%). Tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động diễn ra chậm hơn so với tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Lao động dịch vụ tăng nhanh nhất (giai đoạn 2001-2005 tăng 5,55%/năm), năm 2005 lao động ngành này chiếm 12,3% tổng số lao động làm việc; năm 2008 chiếm 7,5% tổng số lao động. Lực lượng lao động được đào tạo trong toàn tỉnh chiếm 37% tổng lực lượng lao động làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân (trong đó lao động được đào tạo nghề đạt 16,8%). Lao động được đào tạo nghề chủ yếu tập trung vào các ngành nghề thuộc khu vực dịch vụ, công nghiệp như sửa chữa xe có động cơ, lái xe, may mặc, mộc dân dụng, sửa chữa điện dân dụng, điện tử, gò hàn trong khi số lao động được đào tạo về các ngành nghề đang thiếu lao động có kỹ năng như chế biến nông sản, trồng trọt, chăn nuôi lại quá ít.

* Thu nhập và chi tiêu: Nhờ tăng trưởng kinh tế nhanh trong những năm qua nên đời sống của nhân dân trong tỉnh được cải thiện đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng qua các năm. Theo kết quả điều tra thu nhập hộ gia đình năm 2008, thu nhập bình quân của một người đạt 750 nghìn đồng /tháng, 2005-2008 tăng bình quân 24,46%/năm, trong đó thu nhập bình quân của người dân ở khu vực nông thôn tăng nhanh hơn so với ở khu vực thành thị. Đời sống kinh tế và văn hoá của nhân dân ngày càng được cải thiện. Vùng miền núi, nhất là miền núi cao, được chăm lo hơn trước về các mặt, điển hình là phát triển hạ tầng kỹ thuật, xoá đói giảm nghèo, định canh định cư.

1.2. Tình hình phát triển kinh tế tỉnh Nghệ An

1.2.1. Quy mô và tăng trưởng kinh tế

Tổng GDP của tỉnh năm 2005 đạt 10.282, 2 tỷ đồng tính theo giá so sánh 1994 (17.200, 3 tỷ đồng tính theo giá HH). GDP bình quân đầu người (theo giá HH) năm 2005 của tỉnh đạt 5, 59 triệu đồng, cao hơn so với mức bình quân của vùng (5, 40 triệu đồng) nhưng mới bằng 55,5% mức bình quân của cả nước (10, 08 triệu đồng). Năm 2006, GDP bình quân đầu người (giá HH) của tỉnh đạt 6, 54 triệu đồng, bằng 56,5% mức bình quân của cả nước (11, 57 triệu đồng); năm 2008 đạt 9, 860 triệu đồng, bằng 56,16. % mức bình quân của cả nước. Như vậy, tỉnh có điểm xuất phát thuận lợi hơn một số tỉnh trong vùng nhưng lại không thuận lợi bằng nhiều địa phương khác trong cả nước.

* Nền kinh tế tỉnh tăng trưởng cao trong thời gian gần đây, vượt mức bình quân của cả nước và vùng.

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của tỉnh đạt 10,31% cả thời kỳ 2001-2008, trong đó giai đoạn 2001-2005 là 10,23% và giai đoạn 2006-2008 tăng 10,4%, đạt mục tiêu Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV đề ra (từ 9,5% đến 10,5%). Tốc độ tăng GDP của tỉnh trong giai đoạn 2001-2005 cao hơn mức tăng chung của cả nước (7,51%), vùng Bắc Trung Bộ (9,51%) và một số tỉnh lân cận. Xét về mức độ đóng góp cho tăng trưởng GDP, trong giai đoạn 2001 - 2005, mức độ đóng góp của các ngành cho tăng trưởng GDP tỉnh đã có sự thay đổi rõ rệt: khu vực công nghiệp xây dựng luôn có đóng góp lớn nhất (50,2%), tiếp đến là khu vực dịch vụ (31,2%) và cuối cùng là khu vực nông - lâm - thủy sản (18,5%) Như vậy, mức đóng góp của khu vực công nghiệp xây dựng đã tăng lên rất nhanh (1, 64 lần) trong khi mức đóng góp của khu vực nông - lâm - thuỷ sản giảm rất nhanh (1, 84 lần). Năm 2008 cơ cấu kinh tế của tỉnh theo các lĩnh vực tương ứng là 30,48%; 32,53% và 36,99%. Điều này thể hiện sự chuyển dịch mạnh trong cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp, hiện đại.

* Một số ngành, sản phẩm mũi nhọn có sự phát triển tương đối nhanh, vững chắc, quy mô ngày càng tăng.

Trong cả thời kỳ 2001-2008, giá trị tăng thêm (GTTT) ngành công nghiệp xây dựng tăng bình quân hàng năm 19,05% (trong đó giai đoạn 2001-2005 tăng nhanh hơn: 21,52%, giai đoạn 2006-2008 tăng bình quân 15,60%). Ngành thương nghiệp tăng tương ứng 12,29% và 11,46%, cao hơn tốc độ tăng chung của toàn ngành dịch vụ (8,91% và 11,61%); dịch vụ vận tải kho bãi và thông tin liên lạc (VTKB&TTLL) tăng tương ứng 12,06% và 9,48%... Tuy nhiên, có thể thấy tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ nói chung và phân ngành du lịch - khách sạn - nhà hàng nói riêng chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.

Trên thực tế, tăng trưởng kinh tế của tỉnh chủ yếu vẫn được tạo ra từ các ngành, lĩnh vực truyền thống, dựa vào khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên; trình độ các ngành sản xuất chưa cao, các ngành công nghiệp hiện đại hầu như chưa có. Sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan, đặc biệt là thị trường bên ngoài; giá trị gia tăng của hàng hoá chưa cao; khoa học - công nghệ phát triển chậm, đóng góp chưa nhiều vào tăng trưởng kinh tế; sức cạnh tranh của nền kinh tế, của các doanh nghiệp, của nhiều ngành, lĩnh vực (kể cả ở những ngành truyền thống mà tỉnh có nhiều thế mạnh) còn thấp; chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; Ngành dịch vụ, nhất là các phân ngành thương mại, dịch vụ giao thông vận tải, du lịch, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, nhưng chưa ổn định và bền vững.

1.2.2. Cơ cấu kinh tế

Cơ cấu kinh tế của Nghệ An đã có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với sự gia tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng trong tổng sản phẩm tỉnh (từ 18,6% năm 2000 lên 29,3% năm 2005 và 32,07% năm 2008), hiện là ngành có mức đóng góp lớn cho GDP tỉnh. Các phân ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh (chế biến nông - lâm - thuỷ sản, khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng) được tập trung đầu tư và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong GDP ngành công nghiệp tỉnh. Tỷ trọng ngành nông - lâm - ngư nghiệp giảm tương ứng từ 44,3%; 34,4% và 30,77 % năm 2008 (mặc dù vẫn tăng lên về giá trị tuyệt đối), phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh. Tuy nhiên, tỷ trọng ngành dịch vụ tỉnh lại chỉ tăng 0,06% trong 8 năm qua trong khi số lao động dịch vụ tăng nhanh (bình quân 7,22%/năm); điều này cho thấy lao động dịch vụ chưa được khai thác hiệu quả.

Cơ cấu kinh tế theo thành phần kinh tế của tỉnh đang chuyển dịch theo đúng quy luật của nền kinh tế thị trường với sự tăng trưởng nhanh và gia tăng dần tỷ trọng của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, du lịch, khách sạn - nhà hàng, giao thông vận tải. Tuy nhiên, nhìn chung kinh tế ngoài quốc doanh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, quy mô hoạt động của các loại hình kinh tế tư nhân còn nhỏ bé, manh mún, đơn giản, vốn và lao động ít, doanh thu thấp so với mức bình quân chung của cả nước, hiệu quả kinh doanh chưa cao. Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tỷ trọng GDP thấp.

Cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ cũng đang có sự chuyển dịch theo hướng giảm bớt chênh lệch giữa các vùng, mở rộng đô thị, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị ngày càng được hoàn thiện. Nhiều loại hình dịch vụ mới ra đời và phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Khu vực nông thôn, miền núi đã có sự thay đổi cơ bản theo hướng sản xuất hàng hoá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng của lĩnh vực sản xuất phi nông nghiệp. Một số vùng sản xuất cây, con tập trung và làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) được hình thành và phát triển. Các hợp tác xã kiểu mới ở nông thôn được thành lập, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ tưới tiêu, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, cung ứng vật tư kỹ thuật, chuyển giao công nghệ... phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được cải thiện đáng kể trong những năm qua.

Nhìn chung, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra đúng hướng và phù hợp với mục tiêu phát triển nhưng tốc độ chuyển dịch chưa tương xứng với tiềm năng và chưa vững chắc, chuyển dịch cơ cấu trong từng ngành, từng lĩnh vực chưa mạnh. Nhiều ngành dịch vụ (nhất là thương mại, vận tải, du lịch) chưa phát triển đúng với tiềm năng và cơ hội sẵn có, nguyên nhân chủ yếu là do xa cực tăng trưởng, chưa có đủ các điều kiện cần thiết để phát triển (vốn, cơ sở hạ tầng, tổ chức kinh doanh, cơ chế chính sách, thị trường...). Nhiều tiềm năng du lịch tự nhiên, nhất là du lịch biển, chưa được đầu tư khai thác hợp lý do thiếu vốn, làm hạn chế đáng kể mức độ đóng góp của ngành cho tỉnh về GDP và tạo việc làm.

1.2.3. Thực trạng phát triển một số ngành kinh tế chủ yếu

1.2.3.1. Ngành nông - lâm - thủy sản

Giá trị sản xuất (GTSX) ngành nông - lâm - thuỷ sản tăng trưởng liên tục qua các năm, tăng bình quân 5,20%/năm trong cả thời kỳ 2001-2008, trong đó giai đoạn 2001-2005 tăng bình quân 4,82%/năm, giai đoạn 2006-2008 tăng bình quân 5,83%/năm. Tốc độ này cao hơn mức tăng bình quân của vùng và cả nước.

a) Ngành nông nghiệp

Trồng trọt: ngành trồng trọt liên tục phát triển, giai đoạn 2001-2008 tăng bình quân 4,15%/năm, trong đó: giai đoạn 2001-2005 tăng bình quân 3,11%/năm; giai đoạn 2006 - 2008 tăng bình quân 5,91%/năm. Đã hình thành một số vùng cây nguyên liệu tập trung, gắn với công nghiệp chế biến, tạo nên một khối lượng nông sản hàng hoá tương đối dồi dào, đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và góp phần phục vụ xuất khẩu. Đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung cây công nghiệp, cây ăn quả và một số cây hàng năm với quy mô khá lớn: lạc trên 24.500 ha, mía 28.000-29.000 ha, sắn nguyên liệu chế biến 16.000 ha, dứa trên 2.600 ha, chè trên 6.000 ha, cà phê trên 2.400 ha, cao su trên 4.700 ha .... Việc phát triển sản xuất các loại cây công nghiệp đã gắn với xây dựng các cơ sở chế biến, tạo ra nguồn hàng hoá phục vụ XK.

Chăn nuôi: Trong những năm qua, ngành chăn nuôi đạt tốc độ phát triển nhanh về cả số lượng và chất lượng, giai đoạn 2001-2008 tăng bình quân 7,40%/năm, trong đó: giai đoạn 2001-2005 tăng bình quân 8,87%/năm; giai đoạn 2006 - 2008 tăng bình quân 5,00%/năm. Nghệ An có số lượng trâu, bò lớn nhất so với các tỉnh trong cả nước; đã làm tốt công tác cải tạo giống đàn bò (chương trình Sind hoá đàn bò). Các chương trình dự án chăn nuôi như: chương trình cải tạo đàn bò theo hướng Zê -bu hoá, bò thịt chất lượng cao, chương trình lợn hướng nạc; Một số mô hình sản xuất chăn nuôi tiên tiến, với quy mô vừa và lớn đã được hình thành và phát triển. Những kết quả đạt được góp phần đưa tỷ trọng giá trị sản xuất của chăn nuôi trong tổng GTSX nông nghiệp tăng qua các năm.

b) Lâm nghiệp

Ngành lâm nghiệp phát triển theo hướng chuyển từ nền lâm nghiệp truyền thống với khai thác là chủ đạo sang nền lâm nghiệp xã hội hóa với bảo vệ, khoanh nuôi làm giàu vốn rừng, trồng rừng là chính. Tốc độ phát triển rừng khá nhanh; công tác giao đất, khoán rừng được thực hiện rộng khắp và ngày càng phát huy hiệu quả; công tác quản lý bảo vệ ngày càng tốt hơn; đã làm giảm đáng kể nạn chặt phá rừng, công tác khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng làm tốt, hạn chế được nạn chặt phá rừng nên thảm thực vật được phát triển tốt, tỷ lệ che phủ liên tục tăng qua các năm; GTSX ngành lâm nghiệp giai đoạn 2001-2008 tăng bình quân 3,44%/năm. Môi trường sinh thái được cải thiện, đáp ứng nhu cầu phòng hộ, hạn chế lũ lụt, hạn hán.

c) Thủy sản: GTSX thuỷ sản tăng bình quân hàng năm 9,78% trong cả thời kỳ 2001-2008, trong đó giai đoạn 2001-2005 tăng bình quân 10,4%/năm. Giai đoạn 2006-2008 tăng bình quân 8,79%/năm. Khai thác hải sản có nhiều tiến bộ, sản lượng tăng đều qua các năm, nhất là sản phẩm có giá trị xuất khẩu. Chế biến thuỷ sản phát triển theo hướng đa dạng hoá sản phẩm, chất lượng không ngừng tăng lên, mẫu mã được cải tiến đáp ứng bước đầu nhu cầu của người tiêu dùng. Cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá tiếp tục được đầu tư góp phần thúc đẩy nghề cá phát triển. Bến cá Nhân dân lạch Quèn, lạch Vạn đã đưa vào sử dụng. Cảng cá Cửa Hội sau 5 năm hoạt động đã phát huy hiệu quả, đáp ứng phần lớn nhu cầu khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá. Phương tiện tàu thuyền cập cảng không ngừng tăng lên; các cơ sở dịch vụ nghề cá trong cảng được đầu tư khá đồng bộ, như nhà máy đá, kho lạnh, cơ sở chế biến, cửa hàng xăng dầu. Tuy nhiên, ngành thuỷ sản của Nghệ An vẫn còn gặp một số khó khăn, như nuôi trồng thuỷ sản đối mặt với dịch bệnh gây hại, thị trường biến động gây bất lợi cho người sản xuất; nguồn lợi thuỷ sản ngày càng suy giảm, công nghệ đánh bắt lạc hậu, do vậy hiệu quả thấp; công nghệ chế biến thuỷ sản chưa đáp ứng được yêu cầu, việc xây dựng thương hiệu để xuất khẩu còn yếu kém, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo...

d) Diêm nghiệp: Việc đầu tư cải tạo nội đồng sản xuất muối được quan tâm; thời gian vừa qua đã đầu tư cải tạo được 336 ha đồng muối ở hai huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu. Sản lượng muối hàng năm đạt từ 70.000-85.000 tấn, trong đó lượng muối đưa vào chế biến 15.000-18.000 tấn /năm.

1.2.3.2. Ngành công nghiệp

GTSX toàn ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân hàng năm 18% trong cả giai đoạn 1996-2005, trong đó giai đoạn 2001-2005 tăng 24% (vượt mục tiêu đề ra là 17-18%). GTSX ngành công nghiệp tăng bình quân 21,9% trong cả thời kỳ 2001-2008, trong đó giai đoạn 2001-2005 tăng trưởng với tốc độ 27,02%/năm (cao hơn so với mục tiêu kế hoạch 21-22%); giai đoạn 2006-2008 tăng bình quân 13,82%/năm. Những phân ngành công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn vừa qua là công nghiệp chế biến và công nghiệp khai thác mỏ. Ngành công nghiệp đã tạo ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh ở tầm quốc gia như xi măng, mía đường, nước dứa cô đặc, bia, đá ốp lát nhân tạo, bột đá trắng,... Những sản phẩm công nghiệp chủ yếu đạt mức tăng trưởng sản lượng cao nhất trong thời gian qua là xi măng (61,3%), thiếc (19,2%), may xuất khẩu (49,1%), cát sỏi xây dựng (26,2%), đá xây dựng (20,4%), bia (18,9%), đường kính (18,7%). Các khu công nghiệp (KCN) bước đầu hình thành và phát triển hiệu quả, điển hình là các KCN Bắc Vinh, Nam Cấm. Số cơ sở sản xuất công nghiệp tăng nhanh từ 21.635 cơ sở năm 2000 lên trên 32.613 cơ sở năm 2005; 41.962 cơ sở năm 2008.

a) Công nghiệp khai thác mỏ: Công nghiệp khai thác mỏ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2001-2008 so với 5 năm trước đó (22,12%/năm so với 7,1%/năm). Năm 2008 khai thác thiếc đạt 2.195 tấn; khai thác đá xây dựng 2, 152 triệu m3; đá trắng xuất khẩu 380 nghìn tấn ...

b) Công nghiệp chế biến: Năng lực công nghiệp chế biến ngày càng được mở rộng, sản phẩm phong phú, góp phần quan trọng vào tăng trưởng ngành công nghiệp nói riêng và GDP của tỉnh nói chung. Một số sản phẩm chủ lực đã được hình thành và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường như bia, đường kính, xi măng, gạch các loại, bột đá trắng xuất khẩu. Một số sản phẩm mới dần chiếm lĩnh được thị trường và đóng góp ngày càng lớn cho GDP tỉnh: sữa, tinh bột sắn, bao bì .... Một số nhà máy đã được đầu tư nâng cấp nhưdây chuyền may xuất khẩu 1, 5 triệu sản phẩm/năm; Nhà máy phân vi sinh (Tân Kỳ) 30.000 tấn /năm, Nhà máy nước dứa cô đặc 5.000 tấn /năm; 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn 110 tấn bột /ngày; Nhà máy bột mỳ 20.000 tấn /năm; Nhà máy gạch block 4 triệu viên /năm, Nhà máy sản xuất cột điện ly tâm 30.000 cột /năm. Nhà máy gạch granít Trung Đô công suất 1, 5 triệu m2/năm; Nhà máy sản xuất muối tinh công suất 22.000 tấn /năm; 4 cơ sở bột cá: 15.000 tấn /năm; nhà máy bột đá siêu mịn: 40.000 tấn /năm. Dây chuyền gạch terazzo 250.000 m2/năm, dây chuyền lắp ráp xe gắn máy công suất 10.000 chiếc /năm, nhà máy sữa; chuẩn bị xây dựng các nhà máy lớn như xi măng Đô Lương, KCN Bắc Vinh đã lấp đầy diện tích (giai đoạn 1) 13/14 dự án đã đi vào hoạt động, 1 dự án đang tiến hành thực hiện; KCN Nam Cấm đã có 26 dự án đầu tư mới, có dự án đã đi vào hoạt động.

c) Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề: Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và xây dựng làng nghề đối với nền kinh tế của tỉnh trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là ở khu vực nông thôn, các địa bàn khó khăn, thời gian qua tỉnh đã ban hành các chính sách khuyến khích phát triển. Đến nay đã xây dựng được 120 làng có nghề, trong đó 65 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, sản xuất các mặt hàng: đóng tàu thuyền, chế biến nông sản, thực phẩm, mây tre đan, đá mỹ nghệ, hàng thủ công mỹ nghệ, gỗ mỹ nghệ xuất khẩu, thêu ren, dệt thổ cẩm, ươm tơ...; tỷ lệ sản phẩm xuất khẩu tăng đáng kể. Nhiều mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả đã xuất hiện.

1.2.3.3. Các ngành dịch vụ và sản phẩm dịch vụ

Nhìn chung, khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng khá, nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trong các giai đoạn không ổn định so với tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh: 10,64% cả thời kỳ 2001-2008 (so với 10,31%) và 9,39% giai đoạn 2001-2005 (so với 10,23%). Giai đoạn 2006-2008; tốc độ tăng bình quân 12,75%/năm, cao hơn tốc độ tăng GDP toàn tỉnh 10,22%/năm. Trong ngành dịch vụ, các phân ngành có tốc độ tăng trưởng cao và tương đối ổn định, luôn chiếm tỷ trọng lớn là thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ, khách sạn và nhà hàng, vận tải kho bãi, thông tin liên lạc và giáo dục - đào tạo. Những lợi thế phát triển của ngành dịch vụ (nhất là du lịch) vẫn chưa được khai thác hiệu quả; dịch vụ tài chính - tín dụng chiếm tỷ trọng rất nhỏ và không ổn định.

a) Thương mại: giai đoạn 2001-2005 tăng bình quân 12,29%/năm; 2006-2008 tăng bình quân 11,46 %/năm. Đến cuối năm 2008 toàn tỉnh có 80.761 cơ sở kinh doanh thương mại, trong đó 2.539 doanh nghiệp và 78.222 hộ kinh doanh cá thể với 81.628 lao động. Ngành thương mại đã tổ chức lại mạng lưới theo các ngành hàng, phát triển liên doanh liên kết các thành phần kinh tế theo địa bàn, ưu tiên vùng miền núi, đồng bào dân tộc, phát triển các chợ nông thôn và tổ chức thương mại ngoài quốc doanh. Nhờ đó mạng lưới thương mại trên địa bàn tỉnh phát triển rộng khắp, hàng hoá mua bán, trao đổi trên thị trường ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống nhân dân.

b) Du lịch. Trong những năm qua, dịch vụ du lịch của Nghệ An có sự phát triển đáng kể, hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, các tiềm năng du lịch được khai thác hiệu quả hơn. Các khu du lịch phát triển nhanh chóng. Một số khu du lịch mới đã được hình thành như Khu du lịch biển Quỳnh (Quỳnh Lưu), Diễn Thành (Diễn Châu), Mũi Rồng (Nghi Lộc). Lượng khách du lịch đến Nghệ An ngày càng tăng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 02 khách sạn 4 sao, 07 khách sạn 3 sao, 13 khách sạn 2 sao, 02 khách sạn 1 sao và 395 cơ sở lưu trú khác với 9.002 phòng, 18.271 giường, đủ năng lực đón trên 2, 5 triệu lượt khách mỗi năm. Nhìn chung, du lịch Nghệ An trong những năm qua có nhiều tiến bộ và phát triển nhanh. Tuy nhiên, các tiềm năng du lịch của tỉnh vẫn chưa khai thác hết, doanh thu du lịch còn hạn chế, lượng khách quốc tế đến Nghệ An còn chưa nhiều (mới chiếm 2,5-3% tổng lượt khách); kinh doanh du lịch đang chủ yếu tập trung vào dịch vụ lưu trú, du lịch lữ hành chưa phát triển. Nguyên nhân chủ yếu là cơ sở hạ tầng du lịch tỉnh còn hạn chế; sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chưa có những sản phẩm du lịch thật độc đáo, thiếu sự tập trung đầu tư cho phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù và dịch vụ cao cấp thu hút đối tượng khách có thu nhập cao; chất lượng phục vụ còn nhiều hạn chế; công tác quảng bá xúc tiến du lịch còn yếu; một số vùng trong tỉnh (đặc biệt là vùng ven biển) chưa đưa vào khai thác được tiềm năng du lịch do còn chồng chéo trong quản lý của các ngành; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong phát triển du lịch còn nhiều bất cập; chưa tạo ra được mối liên kết với các tỉnh trong việc phát triển du lịch.

c) Giao thông vận tải: Năng lực vận tải của Nghệ An được nâng lên đáng kể trong những năm gần đây, nhất là vận tải đường bộ. Sân bay Vinh đã được nâng cấp một bước, cho phép máy bay A320 hoạt động được dễ dàng. Cảng Cửa Lò được nâng cấp, hàng qua cảng tăng bình quân 7,3%/năm. Hiện nay, các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước, nhất là thành phần kinh tế cá thể, tham gia ngày càng nhiều vào dịch vụ này. Hoạt động ở lĩnh vực này đã tạo được nhiều công ăn việc làm cho lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

d) Bưu chính viễn thông: Doanh thu dịch vụ bưu chính viễn thông thời kỳ 2001-2008 tăng bình quân 20,67%/năm, trong đó: giai đoạn 2001-2005 tăng bình quân 20,68%/năm; năm 2006-2008 tăng bình quân 20,65.%/ năm. Các dịch vụ bưu chính viễn thông cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Tỷ lệ xã có điểm bưu điện văn hoá xã đạt 84,6% (tỷ lệ này còn thấp so với mức bình quân cả nước và vùng). 86,7% số xã có báo đọc trong ngày.

e) Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm: Cho đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có t­ương đối đầy đủ các loại hình ngân hàng hoạt động theo luật các Tổ chức tín dụng như­ ngân hàng Nhà n­ước, ngân hàng cổ phần, chi nhánh bảo hiểm tiền gửi, chi nhánh quỹ tín dụng nhân dân trung ­ương tại Nghệ An. Với hơn 100 chi nhánh ngân hàng trải rộng trên các địa bàn huyện, thành, thị, vùng sâu, vùng xa hoạt động kinh doanh phục vụ nhiều lĩnh vực về công, nông, thư­ơng nghiệp, nội tệ, ngoại tệ. Sự phát triển về tổ chức loại hình ngân hàng của Nghệ An đã làm cho thị trư­ờng tiền tệ, tín dụng ở tỉnh trở nên sinh động và mang tính cạnh tranh hơn. Khả năng tạo nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn ngày càng mang tính chủ động cao, đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Dịch vụ bảo hiểm chưa phát triển trên địa bàn tỉnh do những hạn chế ở cả mặt cầu và cung: thu nhập bình quân của dân cư còn thấp, số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính lớn có nhu cầu và khả năng chi trả bảo hiểm chưa nhiều và nhận thức của cả người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết của bảo hiểm nhìn chung còn nhiều hạn chế; số lượng doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm trên địa bàn tỉnh còn ít. Các loại hình bảo hiểm đang được kinh doanh trên địa bàn tỉnh chủ yếu là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi, tiền vay... Một số loại hình bảo hiểm rất cần thiết cho hoạt động kinh doanh vận tải (trong và ngoài nước), xuất nhập khẩu hàng hóa như bảo hiểm vận tải đường biển, đường bộ..., bảo hiểm vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, chưa phát triển.

II. DỰ BÁO MỘT SỐ YẾU TỐ TRONG NƯỚC VÀ QUỐC TẾ ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TỈNH NGHỆ AN TRONG THỜI KỲ QUY HOẠCH

2.1. Bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước

2.1.1. Bối cảnh quốc tế, khu vực

Tình hình kinh tế chính trị thế giới và khu vực mặc dù có những diễn biến phức tạp, nhưng dự báo chiều hướng chung về cơ bản sẽ theo hướng có tác động tích cực đến nền kinh tế - xã hội nước ta nói chung và Nghệ An nói riêng. Hợp tác để phát triển vẫn là xu thế lớn của thế giới và khu vực. Mặc dù khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay đang là thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế thế giới, tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, chậm nhất là từ nửa sau của năm 2010, kinh tế thế giới sẽ phát triển trở lại, đặc biệt khu vực Châu á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển năng động nhất. Theo dự báo của Ngân hàng thế giới, khu vực này có khả năng tăng trưởng với tốc độ 5-5,5%/năm trong giai đoạn đến năm 2020, cao gấp đôi so với mức dự báo cho toàn thế giới (2,5-2,7%/năm).

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và một số lĩnh vực khoa học - công nghệ then chốt khác sẽ tiếp tục phát triển theo chiều sâu và trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, có những tác động rộng lớn đến việc cơ cấu lại nền kinh tế thế giới theo khả năng tiếp thu trình độ công nghệ của mỗi nền kinh tế, theo đó là sự phân công lao động toàn cầu, có tác động thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển.

Tuy có những yếu tố thuận lợi kể trên nhưng dự báo bối cảnh quốc tế trong thời kỳ đến năm 2020 vẫn có nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình chính trị thế giới còn chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp và khó lường. Những xung đột cục bộ, khủng bố và những bất ổn khác vẫn có thể xảy ra đối với một số khu vực, ảnh hưởng đến an ninh toàn cầu. Các nước lớn vẫn tăng cường áp đặt thế lực của mình tới các nước đang phát triển và thâu tóm vùng ảnh hưởng thị trường. Bên cạnh đó, xu hướng ký kết các hiệp định tự do thương mại song phương và khu vực, đặc biệt giữa các nước phát triển với nhau cũng là một thách thức lớn cho các nước chậm phát triển và đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Xu thế này sẽ càng làm cho các nước nghèo và kém phát triển có nguy cơ bị đẩy ra xa sự phát triển chung. Các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại sẽ tiếp tục gây ra những bất lợi cho hàng nông sản, hàng công nghiệp của Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng.

Toàn cầu hoá sẽ làm tăng sức ép cạnh tranh, nhất là sức ép đối với những nước có trình độ phát triển còn thấp như nước ta. Sự cạnh tranh kinh tế - thương mại, cạnh tranh thu hút vốn đầu tư và công nghệ càng trở nên gay gắt. Các thị trường tài chính, tiền tệ và giá cả có nhiều khả năng sẽ diễn biến phức tạp hơn. Giá cả thế giới trong một số mặt hàng chủ yếu có tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu như năng lượng, nguyên liệu... có thể có những đột biến và phản ứng dây chuyền bất lợi đối với các nước có nền kinh tế nhỏ, kém phát triển. Chính sách tỷ giá, lãi suất của các đối tác lớn đều có những tác động rất mạnh đến nền kinh tế của nước ta nói chung và Nghệ An nói riêng. Ngoài ra, các vấn đề mang tính toàn cầu như dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, khan hiếm các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, khoảng cách giàu nghèo,... sẽ trở nên gay gắt hơn, tác động mạnh và đa chiều đến sự phát triển và hiệu quả phát triển thương mại của Việt Nam cũng như Nghệ An.

2.1.2. Bối cảnh trong nước tác động đến phát triển thương mại của Nghệ An

- Những cam kết của Việt Nam với WTO về mở cửa thị trường phân phối

Những cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường dịch vụ phân phối trong nước sẽ gia tăng những tác động của thị trường dịch vụ phân phối thế giới đến sự phát triển của ngành thương mại Nghệ An. Đến nay, Việt Nam đã mở cửa thị trường dịch vụ phân phối gồm cả 4 phân ngành (đại lý uỷ quyền, bán buôn, bán lẻ, nhượng quyền kinh doanh) theo cam kết gia nhập WTO. Như vậy, cùng với quá trình thực thi các cam kết của Việt Nam, sự tham gia của các nhà phân phối bán buôn, bán lẻ hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Hà Lan và sau là Trung Quốc, Singapore... sẽ có mặt ở Việt Nam vừa tạo cơ hội hợp tác giữa các nhà phân phối trong nước với các đối tác này, vừa cải thiện cơ cấu thương mại hiện đại, đồng thời tạo sức ép cạnh tranh gay gắt hơn trong ngành, đòi hỏi quy hoạch phát triển ngành thương mại của Nghệ An phải phát huy được những tác động tích cực, hạn chế được những tác động tiêu cực từ những ảnh hưởng nêu trên thông qua những định hướng phát triển, phân bố cơ cấu ngành và các giải pháp phát triển thương mại trên địa bàn.

Bên cạnh đó, xu hướng phát triển ngành dịch vụ phân phối của thế giới với những đặc trưng như mức độ tập trung hơn (nổi lên các doanh nghiệp thương mại lớn, hoặc nhất thể hoá sản xuất - bán buôn - bán lẻ để tạo mạng lưới phân phối rộng rãi), các cửa hàng nhỏ truyền thống được thay thế bằng những cửa hàng bách hoá lớn hơn, quy mô trung bình của một cửa hàng tăng lên cả về doanh thu và lao động, mật độ phân bố cửa hàng bán lẻ giảm xuống, cửa hàng bán lẻ tham gia vào chuỗi cửa hàng hoặc hoạt động theo thoả thuận nhượng quyền của các công ty lớn hướng tới các phân đoạn chuyên biệt hơn trên thị trường; Vai trò của các nhà bán buôn truyền thống suy giảm, nhất là trên thị trường hàng tiêu dùng không bền, do các nhà sản xuất tự kiểm soát việc phân phối hoặc các nhà bán lẻ mở rộng buôn bán tận gốc, nhưng vai trò của các nhà bán buôn hiện đại tăng lên, nhất là đối với việc cung cấp trọn gói hàng tiêu dùng có giá trị cao, hàng vật liệu và sản phẩm có số lượng lớn; Những xu hướng này sẽ có tác động và chi phối nhiều đến cơ cấu của từng phân ngành cũng như đến tầm quan trọng của từng phân ngành trong ngành dịch vụ phân phối. Vì vậy, quá trình phát triển ngành thương mại Nghệ An cần được định hướng phù hợp theo những xu hướng phát triển ngành dịch vụ phân phối của thế giới để chủ động hội nhập vào thị trường dich vụ phân phối toàn cầu.

Những xu hướng phát triển này cũng cho thấy rõ hơn thách thức của ngành thương mại Nghệ An trong thời gian tới, đặc biệt là những thách thức trong việc cải cách các nhà buôn bán truyền thống sang các doanh nghiệp bán hàng, mạng lưới bán hàng, các nhà cung cấp dịch vụ phân phối chuyên nghiệp; trong việc giải quyết những xung đột giữa các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ trong nước với các tập đoàn, công ty phân phối nước ngoài; trong việc tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các nhà phân phối trên thị trường Nghệ An; trong việc bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

- Sự phát triển của thị trường dịch vụ bán lẻ của Việt Nam

Thị trường bán lẻ Việt Nam với nhiều yếu tố hấp dẫn đang là đích ngắm đầy hứa hẹn của các chủ đầu tư và các nhà kinh doanh bán lẻ quốc tế. Nếu theo kết quả khảo sát của tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới AT Kearnay (Mỹ) năm 2006, Việt Nam là thị trường bán lẻ hấp dẫn thứ ba thế giới, thì tới năm 2008, Việt Nam đã vượt qua ấn Độ, Trung Quốc để trở thành thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Những yếu tố thu hút chính là: dân số đông (hơn 80 triệu dân) và trẻ, mức thu nhập bình quân đầu người khá, tăng trưởng GDP và tốc độ thu hút đầu tư nước ngoài liên tục tăng cao; thành quả thực tế mà các nhà đầu tư, các tập đoàn và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ đạt được khi mạnh dạn mở đường tại thị trường Việt Nam. Hiện đã có nhiều tập đoàn phân phối quốc tế đã có mặt tại Việt Nam, ngoài ra nhiều tập đoàn đang xây dựng kế hoạch để xâm nhập thị trường bán buôn, bán lẻ Việt Nam.

2.2. Dự báo thị trường trong nước

2.2.1. Cả nước

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đã đề ra các mục tiêu phấn đấu cho cả nước và các vùng có ảnh hưởng đến hoạt động thương mại tỉnh Nghệ An thời kỳ đến năm 2020, cụ thể như sau:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế đến 2010 dự kiến tăng trên 7,5%, trong đó công nghiệp và xây dựng tăng bình quân khoảng 9%, nông nghiệp 3,5-4%, dịch vụ 7-8%. Tích luỹ nội bộ nền kinh tế dự kiến đạt 30% GDP năm 2010 và 35% năm 2020. Xuất khẩu tăng trung bình trên 14-15%/năm.

- Dự báo đến 2010 và 2020, cơ cấu kinh tế của cả nước sẽ tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của dịch vụ và công nghiệp. Tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm xuống còn 14% năm 2010 và 9% năm 2020; tỷ trọng công nghiệp tăng tương ứng lên 42% và 45%; dịch vụ tăng lên 44% và 46%.

- Về xuất khẩu và dịch vụ:

+ Phấn đấu tăng tốc độ xuất khẩu hàng hoá bình quân cả nước giai đoạn 2006 - 2010 đạt khoảng 20%, giảm nhập siêu. Cơ cấu hàng hoá xuất khẩu chuyển dịch tích cực, đến năm 2010 sản phẩm chế biến, chế tạo đạt 57%; sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản đạt 12%, khoáng sản 8%.

+ Về dịch vụ, trên địa bàn cả nước phát triển mạnh hệ thống dịch vụ trực tiếp và gián tiếp trên toàn quốc như thăm dò, khảo sát, thiết kế kiểu dáng sản phẩm công nghiệp, kiểm định, đánh giá cấp chứng chỉ, đào tạo nghề, nhằm đảm bảo cho công nghiệp và thương mại phát triển bền vững.

2.2.2. Khu vực Bắc Trung bộ

Khu vực Bắc Trung bộ (bao gồm Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) là khu vực có ảnh hưởng trực tiếp tới phát triển kinh tế thương mại của Nghệ An. Dự báo quỹ mua dân cư của khu vực năm 2010 đạt 174, 8 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân 15,35% trong giai đoạn 2006 - 2010. Dự báo mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ đạt 42, 59 ngàn tỷ đồng năm 2010, tăng bình quân 10,7% trong giai đoạn 2006 - 2010. Với vùng Bắc Trung Bộ, tập trung phát triển các ngành dịch vụ một cách toàn diện, đặc biệt là các ngành dịch vụ chất lượng cao, trình độ cao trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, viễn thông, vận tải hàng không; phát triển thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường chứng khoán; phát huy có hiệu quả các tổ chức tài chính, đào tạo và dịch vụ y tế chất lượng cao.

2.3. Dự báo về xu hướng tiêu dùng ở Việt Nam

- Dự báo sự phát triển dân số và sự di dân vào đô thị sẽ đưa nền kinh tế tiêu dùng tại Việt Nam đạt đến những tầm cao mới. Tỷ lệ phát triển dân số ở Việt Nam sẽ mang lại một số xu hướng tiêu dùng mới trong vòng 10 năm tới. Trong đó, việc tăng mạnh lực lượng lao động (những người đưa ra quyết định tiêu thụ) và kiểu hộ gia đình nhỏ sẽ kích thích việc tiêu dùng. Nền kinh tế tiêu thụ sẽ trở thành một yếu tố lớn trong tổng quan kinh tế.

- Dự báo một tầng lớp tiêu thụ mới sẽ đẩy mạnh việc tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng xa xỉ phẩm. Trong vòng 5 - 10 năm tới, một tầng lớp mới có thu nhập cao (hiện chỉ khoảng gần 1% dân số) sẽ xuất hiện ở Việt Nam. Vào năm 2016, tầng lớp này sẽ chiếm ít nhất 10% trong tổng số dân. Tầng lớp mới này sẽ là lực lượng thúc đẩy sự tăng trưởng các mặt hàng xa xỉ phẩm, từ xe hơi BMW đến các ngôi nhà được thiết kế độc đáo và những chiếc đồng hồ sang trọng.

- Dự báo các loại hình thương mại hiện đại sẽ cách mạng hóa thói quen tiêu dùng bằng việc giảm tần số mua sắm và tăng giá trị mua sắm. Hiện Việt Nam chỉ có 10 nhà bán lẻ hiện đại. Trong vòng 5 năm tới, con số này ít nhất sẽ tăng gấp đôi. Bởi các nhà đầu tư quốc tế và nội địa đã bắt đầu nhìn thấy tiềm năng của thương mại hiện đại ở Việt Nam. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của thương mại hiện đại cũng thể hiện qua việc người Việt Nam mua sắm như thế nào. Trước hết, tần số mua sắm sẽ giảm bớt vì ngày càng ít người tiêu dùng mua sắm hàng ngày ở các chợ và bắt đầu mua khối lượng lớn theo tuần. Thẻ tín dụng sẽ cho phép việc mua sắm tăng lên, bởi vì người tiêu dùng sẽ có thể dùng loại thẻ nhựa này thay vì phải đem theo nhiều tiền mặt.

- Dự báo về thức ăn dinh dưỡng, sự đam mê luyện tập thể dục, sự quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ trở thành xu hướng trong vòng 5-10 năm tới tại Việt Nam. Trong vòng 5-10 năm tới, người tiêu dùng Việt Nam sẽ còn quan tâm nhiều hơn nữa đến sức khoẻ, đến các thành phần và các nhãn hiệu với những "hàm lượng chất béo thấp" hoặc "hàm lượng cholesterol thấp". Đặc biệt là mối quan tâm đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được đặt lên hàng đầu.

- Dự báo việc gia tăng cạnh tranh sẽ tạo quy trình tái cấu trúc và cuộc cạnh tranh về giá giữa nhà sản xuất và bán lẻ, sẽ đem lại thuận lợi cho người tiêu dùng Việt Nam. Trong thời gian tới, việc cạnh tranh giữa các công ty sản xuất hàng tiêu dùng sẽ trở thành xu hướng chính.

- Dự báo phát triển cơ sở hạ tầng sẽ mang lại sự bùng nổ trong mua sắm các vật dụng có giá cao như xe hơi, hàng điện tử và các phương tiện truyền thông.

- Dự báo ngành du lịch sẽ đem nguồn lợi kinh tế lớn cho Việt Nam cũng như sẽ ảnh hưởng mạnh đến xu hướng tiêu dùng và xã hội. Ngành công nghiệp du lịch Việt Nam dù non trẻ nhưng đã đạt được sự phát triển trên 15%/năm trong những năm qua. Ngành du lịch VN làm giàu cho đất nước, tạo nhiều việc làm cho người tiêu dùng tương lai của Việt Nam.

- Dự báo việc mở rộng các dòng sản phẩm và các sản phẩm đặc biệt sẽ thúc đẩy việc tiêu dùng. Người tiêu dùng Việt Nam hiện mua sắm cho nhu cầu cần thiết của cuộc sống trên nền tảng hàng tuần, đặc biệt là giới trẻ, có thu nhập, sẽ có xu hướng sử dụng dịch vụ cao cấp và mua sắm tại các cơ sở thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm mua sắm. Mạng lưới chợ ở khu vực thành thị sẽ chủ yếu là chợ thực phẩm tươi sống. Về giá cả, chắc chắn sự cạnh tranh sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn.

2.4. Những lợi thế và thách thức đối với phát triển ngành thương mại tỉnh Nghệ An

Đặc điểm tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An sẽ có tác động nhiều chiều đến phát triển ngành thương mại của tỉnh, trong đó bao gồm cả những lợi thế và thách thức, cơ bản như sau:

+ Lợi thế:

- Vị trí địa lý tạo cho Nghệ An trở thành thị trường trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ có các tuyến giao thông quan trọng chạy qua, Nghệ An có cơ hội để phát triển thương mại nhờ giao lưu hàng hoá được mở rộng khi trao đổi hàng hoá nội vùng, liên vùng và tới cả các thị trường quốc tế rộng lớn. Nghệ An, đặc biệt là thành phố Vinh nằm ở giữa 2 khu kinh tế lớn là Nghi Sơn (Thanh Hoá) ở phía Bắc và Vũng áng (Hà Tĩnh) ở phía Nam, đây là điều kiện thuận lợi để Nghệ An nói chung và Tp. Vinh nói riêng phát triển thương mại và dịch vụ. Ngoài ra, tỉnh có 419 km đường biên giới với thị trường có nhiều tài nguyên, nhưng còn chậm phát triển như Lào không chỉ tạo điều kiện phát triển xuất nhập khẩu và du lịch với các tỉnh của CHDCND Lào mà còn vươn tới thị trường Thái Lan; là tỉnh có 82 km bờ biển với nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế biển là những thuận lợi để Nghệ An có thể khai thác các lợi ích thương mại cả về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư trên cả 3 phương diện: khi tham gia trực tiếp vào các dòng lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ, đầu tư; thông qua đó, xác định được nhu cầu thị trường khu vực để khai thác các lợi thế phát triển sản xuất các sản phẩm có lợi thế của tỉnh, của vùng; tận dụng các dòng lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ để phát triển thương mại ở khu vực kém phát triển. Sự kết hợp phong phú, hài hoà giữa vị trí địa lý, thiên nhiên, lịch sử và con người tạo lợi thế cho tỉnh phát triển ngành du lịch, đặc biệt là du lịch biển, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng,... qua đó tạo thêm nhu cầu sử dụng dịch vụ cho phát triển thương mại.

- Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An trong những năm vừa qua là cơ sở kinh tế quan trọng trong việc phát triển thị trường và thương mại của tỉnh với quy mô, chất lượng ngày càng tốt hơn.

- Đời sống dân cư của tỉnh nói riêng, của cả vùng Miền trung nói chung, tuy còn khó khăn song luôn được chú trọng nâng cao, cùng với quy mô dân số vùng tăng tạo quỹ mua và nhu cầu sử dụng các dịch vụ phân phối ngày càng tăng về số lượng cũng như chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại Nghệ An phát triển.

- Đối với phát triển các nguồn cung ứng hàng hoá, do sản lượng sản phẩm tăng nhanh tạo quỹ hàng hóa cung ứng cho nhu cầu địa phương và thị trường bên ngoài đã thu hút các nguồn cung ứng hàng hóa từ bên ngoài vào tỉnh về các sản phẩm như vật liệu xây dựng, cơ khí, vật tư nông nghiệp, hàng công nghiệp tiêu dùng, đồng thời, nguyên liệu tại chỗ được khai thác với quy mô lớn hơn và chất lượng tốt hơn.

- Sự phát triển của các khu công nghiệp và quá trình đô thị hoá tạo điều kiện cho sự hình thành nhu cầu tiêu dùng và các hình thức thương mại hiện đại như siêu thị, cửa hàng tự chọn, trung tâm thương mại, góp phần thay đổi diện mạo ngành thương mại của tỉnh.

- Cơ sở hạ tầng được tập trung nâng cấp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển mạng lưới các loại hình thương mại. Việc hình thành mới và nâng cấp mạng giao thông, sẽ giúp tiết kiệm chi phí thời gian, chi phí vật chất, giảm chi phí lưu thông hàng hóa và tăng cường giao lưu kinh tế giữa Nghệ An và các tỉnh, thành trong cả nước.

- Kinh tế cửa khẩu đã bước đầu được chú trọng phát triển, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển thương mại của tỉnh.

- Nguồn lao động ngày càng tăng, một bộ phận dân cư, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và cán bộ quản lý bước đầu tiếp cận được thị trường, tổ chức quản lý và áp dụng công nghệ mới. Đây cũng là lợi thế để phát triển thương mại.

- Sự thay đổi của xu hướng tiêu dùng của Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng trong thời gian tới sẽ thúc đẩy sự phát triển thương mại theo hướng hiện đại và có lợi cho người tiêu dùng. Đây là yếu tố góp phần thu hút đầu tư vào ngành thương mại tỉnh trong thời gian tới.

Từ những yếu tố trên cho thấy, các cơ hội phát triển của ngành Thương mại Nghệ An trong những năm tới sẽ không chỉ xuất phát từ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ việc mở rộng không gian thị trường, mà còn nhờ sự gia tăng các làn sóng thu hút đầu tư từ bên ngoài, sự hợp tác trong Vùng với nhu cầu sử dụng dịch vụ phân phối của các ngành sản xuất sẽ tăng lên nhanh chóng, cũng như hệ thống kết cấu hạ tầng được hoàn chỉnh sẽ tạo nhiều điều kiện và địa điểm thuận lợi cho phát triển mạng lưới các loại hình thương mại hiện đại, quá trình đô thị hoá nhanh chóng hơn với việc xuất hiện nhiều khu đô thị, dân cư tập trung, cũng như những dòng du lịch sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng các dịch vụ phân phối theo hướng văn minh, hiện đại, tạo cơ sở cho phát triển thương mại bền vững, các nguồn lực được thu hút theo hướng xã hội hoá cũng tạo điều kiện để phát triển mở rộng hệ thống phân phối cho các doanh nghiệp thương mại tỉnh...

+ Những thách thức trong phát triển ngành thương mại

- Thách thức lớn nhất cho sự phát triển thương mại của tỉnh xuất phát từ nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế: Trình độ lao động, cũng như tỷ trọng lao động qua đào tạo chưa cao. Đa số lao động làm nông nghiệp hoặc lao động giản đơn. Ý thức và hiểu biết của người dân về thương mại và tăng tính thương mại cho sản phẩm còn thấp, sản phẩm làm ra mang tính mùa vụ, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu chế biến công nghiệp. Người dân phần lớn tham gia buôn bán để tìm kiếm chênh lệch giá là chính, chưa có nhận thức và kỹ năng về dịch vụ phân phối chuyên nghiệp. Thói quen trong sản xuất và tiêu dùng tự cung tự cấp của đồng bào các dân tộc miền núi, vùng sâu vùng xa, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển thương mại cả về phương diện cung và cầu của thị trường.

- Thách thức về vốn, trình độ phát triển khoa học công nghệ, kỹ năng quản lý thấp là trở ngại cho sự phát triển thị trường và hoạt động thương mại.

- Khả năng cạnh tranh hàng hóa không cao làm hạn chế khả năng mở rộng thị trường nhất là trong xu thế tự do hóa thương mại và hội nhập quốc tế. Thực tế, hàng hóa của Nghệ An không những phải cạnh tranh với hàng hóa trong nước mà còn cả với hàng hóa nước ngoài trên tất cả các lĩnh vực khi số lượng, chất lượng, giá cả, an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã, bao bì yêu cầu ngày càng khắt khe. Ngay trên thị trường nội địa đã hình thành xu hướng cạnh tranh gay gắt giữa những doanh nghiệp thu mua nguyên liệu ngoài tỉnh với các doanh nghiệp trong tỉnh.

- Thách thức về môi trường đầu tư như: kết cấu hạ tầng, thể chế, hệ thống pháp luật, việc thực thi pháp luật, tính hiệu quả và hiệu lực quản lý... cũng là những trở ngại cho phát triển thương mại.

- Môi truờng quốc tế thay đổi liên tục, sự bất ổn của nền kinh tế thế giới, vấn đề tăng giá, lạm phát có ảnh hưởng mạnh và tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất và thương mại. Bên cạnh đó những thay đổi về chính sách của các quốc gia trong khu vực cũng là một thách thức lớn.

Những thách thức này đòi hỏi ngành thương mại Nghệ An phải có các giải pháp ứng phó phù hợp trong thời gian tới.

III. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NGÀNH THƯƠNG MẠI TỈNH NGHỆ AN

3.1. Thực trạng hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại

3.1.1. Mạng lưới chợ

Tính đến cuối năm 2008, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 354 chợ các loại, tăng 59 chợ so với năm 2004, đảm bảo nhu cầu lưu thông hàng hoá và phục vụ đời sống của dân cư. Phân loại theo Nghị định 02/NĐ-CP thì trên địa bàn tỉnh có 07 chợ loại I, tính cả chợ đầu mối (chiếm 1,98 %); 38 chợ loại II (chiếm 10,73%); 157 chợ loại III (chiếm 44,35 %)và 152 chợ là chợ tạm. Trong số 354 chợ có 45 chợ kiên cố (chiếm 12,71%); 157 chợ bán kiên cố (chiếm 43,45% và 152 chợ tạm, chiếm 42,94%. Tổng diện tích sử dụng của các chợ là 1.029.227 m2. Tổng số thương nhân vào kinh doanh thường xuyên trong chợ là 35.200 hộ, 46.500 người kinh doanh không thường xuyên, ngoài ra còn có một số lớn lao động phụ việc. Số người kinh doanh trên chợ bình quân toàn tỉnh 230 hộ /chợ (trong đó khu vực thành phố Vinh bình quân 445 hộ /chợ, khu vực các huyện bình quân 215 hộ /chợ).

Do sự hình thành và phát triển chợ từ trước năm 2004 phần lớn mang tính tự phát nên việc phân bổ mạng lưới chợ còn chỗ chưa hợp lý; phân bổ chưa đồng đều giữa các vùng khác nhau, có huyện số lượng rất nhiều như huyện Quỳnh Lưu có 48 chợ, huyện Thanh Chương có 35 chợ, huyện Diễn Châu có 34 chợ, thành phố Vinh có 25 chợ; có huyện có rất ít chợ như Kỳ Sơn (3 chợ), Tương Dương (4 chợ) .. Hi?n nay dang th?c hi? n Quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2010 ban hành kèm theo Quyết định số 01/2004/QĐ-UB ngày 06 tháng 01 năm 2004 của UBND tỉnh Nghệ An. Trong tổng số 354 chợ có 02 chợ do Uỷ ban nhân dân thành phố quản lý; 05 chợ do huyện quản lý, số chợ còn lại do phường, xã, thị trấn quản lý.

Biểu 1. Tổng hợp chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An tính đến cuối năm 2008

TT

Đơn vị

Số chợ

Số chợ có quản lý

Tổng số

Loại I

Loại II

Loại III

Tạm

1.

Thành phố Vinh

25

2

3

 13

 7

25

2.

Thị xã Cửa Lò

6

1

0

4

1

6

3.

Huyện Diễn Châu

34

2

4

24

4

34

4.

Huyện Yên Thành

23

0

4

12

7

23

5.

Huyện Quỳnh Lưu

48

0

1

27

20

48

6.

Huyện Nghi Lộc

24

1 (chợ đầu mối)

0

4

19

24

7.

Huyện Hưng Nguyên

16

0

0

11

5

16

8.

Huyện Nam Đàn

16

0

3

9

4

16

9.

Huyện Đô Lương

29

0

1

10

18

29

10.

Huyện Thanh Chương

35

0

1

16

18

35

11.

Huyện Anh Sơn

17

0

2

6

9

17

12.

Huyện Nghĩa Đàn

19

0

0

1

18

19

13.

Thị xã Thái Hòa

7

1

2

2

2

7

14.

Huyện Tân Kỳ

18

0

15

3

0

18

15.

Huyện Quỳ Châu

6

0

0

4

2

6

16.

Huyện Quỳ Hợp

10

0

2

3

5

10

17.

Huyện Quế Phong

6

0

0

1

5

6

18.

Huyện Con Cuông

8

0

0

3

5

8

19.

Huyện Tương Dương

4

0

0

2

2

4

20.

Huyện Kỳ Sơn

3

0

0

2

1

3

 

Tổng cộng

354

7

38

157

152

354

3.1.2. Mạng lưới cửa hàng bán lẻ

* Cửa hàng kinh doanh thương mại

Tính đến cuối năm 2008, trên địa bàn toàn tỉnh có 144 cửa hàng trực thuộc các doanh nghiệp kinh doanh và trực tiếp bán lẻ hàng hoá (71 cửa hàng kinh doanh tổng hợp, 73 cửa hàng chuyên doanh), với tổng diện tích 222.956m2 (trong đó diện tích xây dựng 58.815m2). Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động thương mại trên địa bàn vẫn sử dụng các cửa hàng hiện có để tổ chức kinh doanh. Trong một số năm gần đây, một số đơn vị đã đầu tư xây dựng các cửa hàng chuyên doanh như xăng dầu, vật liệu xây dựng.

Biểu 2. Tổng hợp số cửa hàng kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh Nghệ An tính đến cuối năm 2008

TT

Đơn vị

Tổng số

Cửa hàng kinh doanh tổng hợp

Cửa hàng chuyên doanh

Diện tích

(m2)

Vốn đầu tư

(Tr.đồng)

Diện tích

(m2)

Vốn đầu tư (Tr.đồng)

1.

Thành phố Vinh

40

45.554

12.270

35.994

13.197

2.

Thị xã Cửa Lò

3

1.300

350

2.800

560

3.

Huyện Diễn Châu

6

3.400

600

6.469

904

4.

Huyện Yên Thành

7

9.734

350

9.672

873

5.

Huyện Quỳnh Lưu

5

2.164

1.400

3.585

491

6.

Huyện Nghi Lộc

6

3.658

386

4.991

933

7.

Huyện Hưng Nguyên

4

1.781

150

5.859

433

8.

Huyện Nam Đàn

4

7.575

179

1.116

300

9.

Huyện Đô Lương

6

3.500

2.100

3.666

1.103

10.

Huyện Thanh Chương

8

8.899

604

10.471

327

11.

Huyện Anh Sơn

8

2.750

606

3.268

1.384

12.

Huyện Nghĩa Đàn

4

2.860

360

2.730

320

13.

Thị xã Thái Hòa

9

6.081

2.096

3.635

732

14.

Huyện Tân Kỳ

3

1.010

150

4.406

230

15.

Huyện Quỳ Châu

5

2.800

431,4

383

404

16.

Huyện Quỳ Hợp

6

3.800

464,4

2.120

625

17.

Huyện Quế Phong

6

3.700

523,2

1.090

300

18.

Huyện Con Cuông

4

912

317

2.225

243

19.

Huyện Tương Dương

6

3.000

474,2

1.400

398

20.

Huyện Kỳ Sơn

4

1.800

443,8

800

112

 

Tổng cộng

144

116.278

24.255

106.680

23.969

* Mạng lưới bán lẻ xăng dầu

Đến cuối năm 2008, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 399 cửa hàng xăng dầu với diện tích chiếm đất là 284.522 m2; diện tích xây dựng là 53.613 m2; dung tích bồn chứa khoảng 11.422 m3; 854 cột bơm, cơ bản đáp ứng nhu cầu hiện tại tiêu thụ của người tiêu dùng trong và qua địa bàn tỉnh.

Cửa hàng xăng dầu xây dựng phân bố trên các trục giao thông chủ yếu là quốc lộ 1A, quốc lộ 7, quốc lộ 48, nên trên địa bàn một số huyện có nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu như huyện Quỳnh Lưu 72 cửa hàng (chiếm 18,04%); huyện Diễn Châu có 50 cửa hàng (12,53%); huyện Yên Thành có 39 cửa hàng (9,77%); thành phố Vinh có 25 cửa hàng (6,27%); huyện có ít cửa hàng nhất là Con Cuông (4 cửa hàng, chiếm 1%); Quỳ Châu (5 cửa hàng, chiếm 1,25%); Kỳ Sơn (6 cửa hàng, chiếm 1,50%); thị xã Cửa Lò, huyện Quế Phong, huyện Tương Dương (7 cửa hàng, chiếm 1,75%).

Trên thực tế, mạng lưới bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh trước năm 2005 phát triển một cách tự phát, không có quy hoạch, một số không đảm bảo điều kiện kinh doanh và không đăng ký. Hiện nay đang thực hiện Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2010 có tính đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 78/2007/QĐ-UBND ngày 05 tháng 7 năm 2007 của UBND tỉnh Nghệ An. Doanh nghiệp đầu mối cung ứng xăng dầu ở tỉnh Nghệ An chủ yếu là Petrolimex, Petec, Xăng dầu quân đội, Xăng dầu hàng không.

Biểu 3. Thực trạng mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến cuối năm 2008

TT

 

Diện tích đất

(m2)

Diện tích XD

(m2)

Dung tích bồn

(m3)

Số cột bơm

(cột)

Tổng số cửa hàng

 

Xếp loại cửa hàng

II

III

IV

Tạm

I

Khu vực Kô thị

28.164

6.846

1.407

89

32

 

2

29

1

1

Thành phố Vinh

19.927

5.153

987

75

25

 

1

23

1

2

Thị xã Cửa Lò

8.237

1.693

420

14

7

 

1

6

 

II

Khu vực đồng bằng

147.089

29.636

5.126

473

240

1

12

147

80

1

Hưng Nguyên

3.947

854

374

24

8

 

1

6

1

2

Nam Đàn

8.670

1.927

388

13

13

 

 

9

4

3

Đô Lương

9.385

3.565

692

26

22

 

1

12

9

4

Nghi Lộc

33.317

6.501

972

90

36

 

3

25

8

5

Diễn Châu

40.314

6.591

776

124

50

1

5

30

14

6

Yên Thành

16.520

3.317

999

90

39

 

 

25

14

7

Quỳnh Lưu

34.936

6.881

925

106

72

 

2

40

30

III

Khu vực miền Tây

109.269

17.131

4.899

292

127

1

3

99

24

1

Nghĩa Đàn

34.428

4.022

1.663

72

26

1

1

23

1

2

Thị xã Thái Hoà

3

Tân Kỳ

17.010

2.469

637

55

26

 

1

16

9

4

Quỳ Hợp

16.594

2.055

576

34

14

 

1

12

1

5

Quỳ Châu

3.500

870

110

7

5

 

 

5

 

6

Quế Phong

5.200

1.460

166

17

7

 

 

7

 

7

Thanh Chương

9.615

1.911

607

37

16

 

 

13

3

8

Anh Sơn

14.012

1.640

611

31

16

 

 

11

5

9

Con Cuông

2.200

708

165

12

4

 

 

4

 

10

Tương Dương

3.900

950

174

14

7

 

 

4

3

11

Kỳ Sơn

2.810

1.046

190

13

6

 

 

4

2

 

Tổng cộng

284.522

53.613

11.422

854

399

2

17

275

105

3.1.3. Mạng lưới trung tâm thương mại và siêu thị

* Trung tâm thương mại

Cho đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa có Trung tâm thương mại (TTTM) nào hoạt động. Theo tiêu chí của QĐ 1371 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), 2 cơ sở hiện đã xây dựng xong và bước đầu hoạt động, thì chưa đủ tiêu chí của TTTM (Cơ sở tại Quỳnh Lưu chỉ chủ yếu khai thác dịch vụ khách sạn là chính; còn cơ sở ở Nậm Cắn thì quá nhỏ, thiết kế theo dạng 1 siêu thị,...). Hiện có 04 TTTM đang xây dựng là TTTM chung cư cao cấp BMC (Vinh); TTTM Phủ Diễn (huyện Diễn Châu); TTTM Đô Lương (huyện Đô Lương); TTTM VICENTRA (thành phố Vinh); TTTM Cửa Lò Plaza (thị xã Cửa Lò).

* Mạng lưới siêu thị

Tính đến cuối năm 2008, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 20 siêu thị, trong đó thành phố Vinh có 14 siêu thị (3 siêu thị tổng hợp, 11 siêu thị chuyên doanh); huyện Diễn Châu có 03 siêu thị (1 tổng hợp, 2 chuyên doanh); huyện Đô Lương có 01 siêu thị chuyên doanh xe máy; huyện Yên Thành có 02 siêu thị tổng hợp nhỏ. Các siêu thị đã từng bước phục vụ nhu cầu của nhân dân với nhiều loại hàng hóa đa dạng và phong phú, đảm bảo chất lượng và phương thức phục vụ hiện đại, văn minh. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển, mạng lưới siêu thị, TTTM của tỉnh hiện nay chưa đáp ứng được cả về chất lượng và số lượng.

Biểu 4. Thực trạng hệ thống TTTM và siêu thị trên địa bàn  tỉnh Nghệ An tính đến cuối năm 2008

Tên TTTM

Địa điểm

Diện tích (m2)

Tổng vốn đầu tư (tr. đồng)

Loại hình

Ghi chú

I. Trung tâm thương mại

 

 

 

 

 

2. TTTM Quỳnh Lưu PLAZA

Quỳnh Lưu

3.280

 20,000

 -

Hạng III

3. TTTM Nậm Cắn

Huyện Kỳ Sơn

2.000

 4,500

 -

 

II. Siêu Thị

 

 

 

 

 

1. Siêu thị MAXIMARK

TP Vinh

1350

 405

Tổng hợp

Hạng III

2. Siêu thị INTIMEX

TP Vinh

10000

 30,000

Tổng hợp

Hạng II

3. Siêu thị Vạn Xuân

TP Vinh

400

 1,200

Chuyên doanh

 -

4. Siêu Thị Hương Giang 1

TP Vinh

350

 1,050

Chuyên doanh

 -

5. Siêu thị Hương Giang 2

TP Vinh

300

 900

Tổng hợp

 -

6. Siêu thị điện máy Hoà Bình

11 Quang Trung- Vinh

1000

 3,000

Chuyên doanh

 -

7. CHGDMN Quang Triều

Đ Mai Hắc Đế - Vinh

780

 2,340

Chuyên doanh

 -

8. Siêu thị sách Bắc Miền Trung

33 Lê Mao - Vinh

1000

 3,000

Chuyên doanh

 -

9. Siêu thị sách và thiết bị giao dục

55 Lê Hồng Phong - Vinh

1000

 3,000

Chuyên doanh

 -

10. Siêu thị đồ gỗ DAFUCO

Hà Huy Tập - Vinh

1000

 3,000

Chuyên doanh

 -

11. Siêu thị đồ gỗ

164 Đường Trần Phú - Vinh

1000

 3,000

Chuyên doanh

 -

12. Siêu thị xe máy Huệ Lộc I

208 Phan Đình Phùng - Vinh

450

 1,350

Chuyên doanh

 -

13. Siêu thị xe máy Huệ Lộc II

Nguyễn Sỹ Sách - Vinh

650

 1,950

Chuyên doanh

 -

14. Siêu Thị tổng hợp Diễn Châu

TT Diễn châu

250

 750

Tổng hợp

 -

15. Siêu Thị xe máy I

TT Diễn châu

200

 600

Chuyên doanh

 -

16. Siêu thị xe máy II

TT Diễn châu

200

 600

Chuyên doanh

 -

17. Siêu Thị MAXIMARK

TX Cửa Lò

250

 750

Tổng hợp

 -

18. Siêu thị xe máy

Đô Lương

300

 900

Chuyên doanh

 -

19. Siêu thị mini Hợp Thành

Yên Thành

200

 600

Tổng hợp

 -

20. Siêu thị mini Bảo Thành

Yên Thành

200

 300

Tổng hợp

 -

Đánh giá Siêu thị theo tiêu chí của QĐ 1371 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) thì chỉ có 3 siêu thị tổng hợp Marximark, Intimex và Siêu thị sách Bắc miền Trung (với tên gọi hiện nay là trung tâm) đạt tiêu chuẩn siêu thị hạng 3.

3.1.4. Hệ thống kho bãi

Cho đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có khoảng 280.000 m2 kho bãi, hệ thống kho bãi chứa hàng, cụ thể:

- Thành phố Vinh: 100.000 m2.

- Thị xã Cửa Lò: 80.000m2.

- Các huyện: 100.000m2.

Trong đó hệ thống kho xăng dầu: 150.500m2 (kho Nghi Hương: 39.000m2; Hưng Hoà: 75.000m2; Quán Bánh: 25.000m2; Nghi Tân: 6.500m2; Phúc Thọ: 5.000m2)

3.1.5. Mạng lưới cửa hàng kiêm kho trung tâm cụm xã miền núi

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 76 cụm xã miền núi trong đó đã đầu tư xây dựng được 38 cửa hàng kiêm kho cụm xã miền núi với diện tích xây dựng một cửa hàng từ 100-120 m2/ triện tích đất bình quân 150m2, vốn bình quân khoảng 200 triệu đồng, cụ thể:

- Huyện Thanh Chương (Thị Trấn, Thanh Dương, Võ Liệt, Thanh Hưng, Thanh Lâm, Thanh Mỹ, Phong Thịnh, Thanh Mai, Thanh Thịnh) đã xây dựng 04 cửa hàng kiêm kho cụm xã miền núi tại Thị Trấn, Thanh Dương, Phong Thịnh, Thanh Thịnh.

- Huyện Kỳ Sơn có 05 trung tâm cụm xã (Na Ngoi, Huồi Tụ, Na Loi, Bảo Nam, Thị trấn) đã xây dựng 03 cửa hàng KK tại Thị trấn, Huồi Tụ và Nậm Cắn.

- Huyện Tương Dương có 06 trung tâm cụm xã (Yên Hoà, Luân Mai, Hữu Khuông, Lưu Kiền, Tam Thái, Thị Trấn); đã xây dựng 03 cửa hàng kiêm kho tại Thị trấn, Yên Hoà, luân Mai.

- Huyện Con Cuông có 04 trung tâm cụm xã (Châu Khê, Mậu Đức, Môn Sơn, Thị trấn); đã xây dựng 02 cửa hàng kiêm kho tại Thị trấn và Môn Sơn.

- Huyện Quế Phong có 05 trung tâm cụm xã (Thông Thụ, Châu Thôn, Tri Lễ, Tiền Phong, Thị trấn); đã xây dựng 04 cửa hàng kiêm kho tại Châu Thôn, Tri Lễ, Tiền Phong, Thị trấn);

- Huyện Quỳ Châu có 06 trung tâm cụm xã (Châu Phong, Châu Bình, Châu Tiến, Châu Hội, Châu Bình, Thị trấn); đã xây dựng 03 cửa hàng kiêm kho tại Châu Tiến, Châu Bình, Thị trấn.

 - Huyện Quỳ Hợp có 07 trung tâm cụm xã (Châu Lý, Châu Hồng, Châu Lộc, Đồng Hợp, Nghĩa Xuân, Văn Lợi và Thị Trấn); đã xây dựng 03 cửa hàng kiêm kho tại Đồng Hợp, Văn Lợi và Thị Trấn.

- Huyện Nghĩa Đàn có 09 trung tâm cụm xã đều có cửa hàng kiêm kho (Nghĩa Lợi, Nghĩa Bình, Nghĩa Hồng, Nghĩa Lâm, Nghĩa Quang, Nghĩa Hiếu, Nghĩa An, Nghĩa Thuận và Thị Trấn);

- Huyện Tân Kỳ gồm có 06 trung tâm cụm xã (Tiên Kỳ, Giai Xuân, Nghĩa Hoàn, Nghĩa Đồng, Tân An, Thị trấn); đã xây dựng 02 cửa hàng kiêm kho và Tiên Kỳ.

- Huyện Anh Sơn gồm có 04 trung tâm cụm xã (Thành Sơn, Đức Sơn, Khai Sơn và Thị Trấn); đã xây dựng 02 cửa hàng tại Thành Sơn và Thị Trấn.

- Huyện Đô Lương gồm 03 trung tâm cụm xã ((Giang Sơn, Lam Sơn, Nam Sơn); đã xây dựng 01 cửa hàng kiêm kho tại Giang Sơn. .

- HuyệnYên Thành gồm có 04 trung tâm cụm xã (Minh Thành, Thịnh Thành, Lăng Thành, Tân Thành); đã xây dựng có 01 cửa hàng.

- Huyện Quỳnh Lưu có 03 trung tâm cụm xã (Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu, Quỳnh Tân); đã xây dựng 01 cửa hàng kiêm kho tại Quỳnh Thắng.

- Huyện Nghi Lộc có 02 trung tâm cụm xã (Nghi Lâm, Nghi Yên);

- Huyện Nam Đàn có 02 trung tâm cụm xã (Nam Thái, Nam Tân);

- Huyện Diễn Châu có 01 trung tâm cụm xã (Diễn Lâm).

3.1.7. Đường phố chuyên doanh

Việc phát triển kinh doanh của thương mại, dịch vụ trên đường phố của tỉnh Nghệ An chủ yếu tập trung trên các tuyến phố trung tâm của thành phố Vinh, thị xã có điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh doanh thương mại: đường phố và vỉa hè khá rộng, mới được đầu tư lát vỉa hè; nằm trên các tuyến đường gắn với các trung tâm thương mại, dịch vụ; Các mặt hàng kinh doanh khá đa dạng, phong phú nhưng phần lớn là hỗn hợp, tự phát. Theo thống kê thì các phố chuyên kinh doanh một mặt hàng chỉ chiếm khoảng 60% mặt hàng đó. Trong quá trình phát triển vừa qua, đã hình thành khá rõ nét một số tuyến phố chuyên doanh trên địa bàn Tp. Vinh như: Trần Phú (hàng nội thất), Phan Đình Phùng (hàng vật liệu xây dựng), Quang Trung (xe đạp, xe máy, hàng điện tử, điện lạnh), Nguyễn Thị Minh Khai (thiết bị viễn thông, vi tính, photocopy), Phan Bội Châu (hàng công nghệ phẩm, thực phẩm), Trần Hưng Đạo (hàng hóa, đồ thờ), Lê Lợi (sửa chữa xe máy), Nguyễn Phong Sắc (thuốc tân dược). Thành phố Vinh đã tiến hành xây dựng và lắp đặt một số biển hiệu lôgo phố chuyên doanh cho các phố Minh Khai, Trần Phú, Quang Trung, Lê Huân và Phan Đình Phùng.

3.2. Thực trạng hệ thống tổ chức kinh doanh thương mại

3.2.1. Doanh nghiệp

3.2.1.1. Doanh nghiệp thương mại Nhà nước:

Sau một thời gian dài thực hiện việc sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp thương mại Nhà nước (2001 - 2008); tính đến cuối năm 2008, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 17 doanh nghiệp cổ phần hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ. Doanh nghiệp thương mại Nhà nước tỉnh Nghệ An sau khi cổ phần hoá đã có sự chuyển đổi về phương thức kinh doanh, nắm giữ việc bán lẻ một số mặt hàng thiết yếu, góp phần bình ổn thị trường toàn tỉnh. Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh cùng với việc thực hiện chủ trương của Nhà nước về đổi mới tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, trong những năm gần đây các doanh nghiệp đã tổ chức củng cố lại theo hướng giảm bớt đầu mối, nâng cao chất lượng kinh doanh. Số lượng lao động trong doanh nghiệp thương mại cổ phần giảm bớt và số vốn bình quân của một doanh nghiệp tăng lên. Nhìn chung các doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá đều nhanh chóng ổn định tổ chức, đầu tư phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, do phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, chưa sản xuất được hàng hoá chất lượng cao, mẫu mã chưa phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, nên khả năng cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế, kết quả kinh doanh đạt được chưa cao. Mạng lưới cơ sở thương mại Nhà nước bao gồm các cửa hàng, điểm bán và thu mua hàng được tập trung chủ yếu ở thành phố và các thị trấn ở các huyện. Việc cổ phần hoá, sắp xếp lại các doanh nghiệp quốc doanh đã hoàn thành, một số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, tính liên kết liên doanh của các doanh nghiệp chưa cao. Nhiều doanh nghiệp chưa bắt nhịp kịp với cơ chế mới nên kinh doanh không có hiệu quả.

3.2.1.2. Doanh nghiệp thương mại ngoài quốc doanh

Từ khi Quốc hội thông qua Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty, khu vực thương nghiệp ngoài quốc doanh phát triển nhanh cả về số lượng và phạm vi hoạt động. Đến cuối năm 2008 toàn tỉnh có 2.539 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ và 78.222 hộ kinh doanh cá thể. Các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn và hộ kinh doanh cá thể có mặt ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đây là lực lượng quan trọng có phương thức hoạt động linh hoạt, nhanh nhạy, đóng góp đáng kể trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Cần quan tâm, định hướng và tạo điều kiện để khuyến khích thành phần kinh tế này phát triển theo đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước nói chung và định hướng phát triển kinh tế của tỉnh nói riêng.

3.2.2. Hợp tác xã thương mại

Dưới sự chỉ đạo của UBND Tỉnh và sự giúp đỡ của các cấp, các ngành mô hình hợp tác xã mới xuất hiện, kinh tế hợp tác xã lấy lại được vai trò trung tâm liên kết, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Đến cuối năm 2008 toàn tỉnh có 726 hợp tác xã, (trong đó có 08 HTX thương mại - dịch vụ). Tuy số lượng còn ít, nhưng hợp tác xã thương mại - dịch vụ đang hoạt động vẫn ngày càng phát triển, tốc độ tăng trưởng khá, đang từng bước phát triển theo hướng kinh doanh tổng hợp.Duy trì được sản xuất kinh doanh, đang từng bước mở rộng các dịch vụ, hoạt động thương mại dịch vụ đạt kết quả tốt.

3.2.3. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 19 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động, chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến, chưa có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp gần 2% GDP của địa phương; đã góp phần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ trên địa bàn, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá chiếm 4,9%. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tỉnh Nghệ An giai đoạn 2004 - 2008 tăng bình quân hàng năm 2,59%/năm.

3.3. Tình hình lưu thông hàng hoá

3.3.1. Thực trạng hàng hoá và cung ứng hàng hoá

Trong giai đoạn 2001 - 2008, Tổng mức bán lẻ hàng hoá và Doanh thu dịch vụ tăng bình quân 14,73%/năm, trong đó giai đoạn 2001-2005: tăng bình quân 11,23%/năm; giai đoạn 2005-2008: tăng bình quân 20,8%/năm. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước đảm bảo phần lớn mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và có xu hướng ngày một tăng, chiếm tỷ lệ từ 79,55% năm 2001 lên 86,29% năm 2005; 87,43% năm 2007 và 88,0% năm 2008. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ rất nhỏ, không đáng kể.

Biểu 5. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ  tỉnh Nghệ An giai đoạn 2001 - 2008

 

2001

2002

2003

2004

2005

2006

2007

2008

I. Tổng mức BLHH và doanh thu dịch vụ (tỷ đồng)

1. Nghệ An

5.499

5.885,6

6.365

7.720,1

9.053,2

10.479,7

12.491,3

15.960,3

2. Cả nước

245.315

280.884

333.809,3

398.524,5

480.293,5

596.207,1

735.123,3

968.100

II. Tăng trưởng TMBLHH và doanh thu dịch vụ (%so với năm trướcs)

1. Nghệ An

3,4

7,0

8,1

21,3

17,3

15,8

19,2

27,8

2. Cả nước

11,2

14,5

18,8

18,1

20,5

20,9

23,3

31,0

III. Tỷ trọng Nghệ An /cả nước (%)

0,24

0,21

0,19

0,19

0,19

0,18

0,17

0,16

Biểu trên cho thấy so với cả nước, tổng mức bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Nghệ An chỉ chiếm một tỷ trọng vô cùng nhỏ bé, dao động trong khoảng (0,16 - 0,24)% so với tổng mức bán buôn, bán lẻ trên địa bàn cả nước.

3.3.2. Thực trạng phân bố các phân ngành thương mại (bán buôn, bán lẻ, đại lý và nhượng quyền thương mại).

* Hệ thống bán buôn:

Cho đến thời điểm hiện nay, hệ thống bán buôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An gồm có:

- Bán buôn theo mô hình truyền thống là (07) chợ: Chợ Vinh, chợ Ga Vinh, chợ Diễn Châu, chợ Thái Hoà, chợ Đô Lương, chợ Sa Nam và chợ Đầu mối nông sản

- Bán buôn theo mô hình hiện đại: Chưa có.

* Hệ thống bán lẻ trên địa bàn tỉnh cho đến thời điểm hiện nay gồm:

- 354 chợ

- 20 siêu thị bán lẻ

- 36 cửa hàng tự chọn (chủ yếu tập trung tại thành phố Vinh)

* Hệ thống đại lý và nhượng quyền thương mại:

- Nhượng quyền thương mại: hiện tại chưa có doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Nghệ An.

- Hệ thống đại lý cấp I: Tập trung chủ yếu tại thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, Thái Hoà và các thị trấn huyện lỵ. Năm 2008, trên địa bàn tỉnh có 294 đại lý cấp I.

3.4. Hoạt động xuất nhập khẩu

3.4.1. Xuất khẩu

Kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An tăng từ 34, 376 triệu USD năm 2001 lên 114, 416 triệu USD năm 2007, năm 2008 là 146, 694 triệu USD; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2001-2008 đạt 26,09%/năm; trong đó: giai đoạn 2001-2005 đạt 30,1%/năm; giai đoạn 2005-2008 đạt 19,7%/năm. Mặc dù có sự gia tăng về số lượng, song giá trị xuất khẩu của Nghệ An trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước chỉ chiếm một phần rất nhỏ, dao động từ 0,23 - 0,47%.

Biểu 6. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2001-2008

  

2001

2002

2003

2004

2005

2006

2007

2008

1. KNXK Nghệ An (triệu USD)

34,376

58,606

80,158

54,483

86,589

98,547

114,416

146,694

2. KNXK cả nước (triệu USD)

15.029

16.706

20.176

26.300

32.233

39.600

48.560

62.900

3. Kim ngạch XK của Nghệ An so với cả nước (%)

0,23

0.35

0,4

0,21

0,27

0,25

0,24

0,23

Các sản phẩm xuất khẩu của Nghệ An chủ yếu là lạc nhân, chè búp khô, cà phê nhân, cao su, tinh bột sắn, đường kình, nước dứa cô đặc, thịt đông lạnh, hải sản các loại, sản phẩm gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển biến tích cực theo hướng gia công ổn định, tăng tỷ lệ hàng hoá xuất khẩu qua chế biến sâu. Quy mô xuất khẩu được mở rộng, các nhóm hàng chủ lực năm 2008 gồm: nhóm hàng nông sản xuất khẩu đạt 49, 740 triệu USD, tăng 1,86% so với năm 2007; nhóm hàng công nghiệp và thủ công nghiệp đạt 33, 069 triệu USD, giảm 35,77% so với năm 2007; nhóm hàng vật liệu - khoáng sản đạt 16, 761 triệu USD, tăng 43,38% so với năm 2007;

Về thị trường xuất khẩu, Nghê An vừa duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống là khối EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, các nước ASEAN (chủ yếu là Lào, Thái Lan, Singapore); mở rộng thị trường xuất khẩu sang Philippines, Indonesia, Châu Phi, Australia, Bắc Mỹ và thị trường Hoa Kỳ. Đến năm 2008, cơ cấu thị trường chuyển biến tích cực; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá vào thị trường Châu á chiếm 77,5% tăng 19,2%; thị trường Châu Âu chiếm 12,2%, tăng 36,1%; thị trường Châu Mỹ chiếm 10,1%, tăng 1, 78 lần; thị trường châu úc, châu Phi chiếm 0,02%, tăng 10,1% so với năm 2007. Tuy mới đạt những giá trị khiêm tốn (chỉ chiếm 4,9% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh năm 2007), song hoạt động xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh cũng có những đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An. Nếu như năm 2001, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới chỉ đạt kim ngạch 0, 564 triệu USD, đến năm 2005 đạt 6, 666 triệu USD (tăng 11, 82 lần so với năm 2001); năm 2008 đạt 7, 198 triệu USD, giảm 4,6% so với năm 2007 (7, 449 triệu USD). Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước chiếm tới 96% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh.

Biểu 7. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Nghệ An

Đơn vị: triệu USD

TT

Mặt hàng

2001

2004

2005

2007

2008

1.

Lạc nhân

 2,245

 10,404

 8,401

 8,633

2,747

2.

Gạo

 0,993

 2,301

 3,781

 1,989

-

3.

Sắn lát, tinh bột sắn

 3,857

 14,430

 15,716

 16,623

10,447

4.

Hạt tiêu

 0,407

 1,010

 0,975

 0,222

1,405

5.

Chè

 3,003

 4,110

 5,197

 6,255

6,987

6.

Dầu nhựa thông

 2,370

 1,537

 1,595

 2,570

0,474

7.

Cao su

 -

 -

 11,849

 15,113

19,350

8.

Cà phê hạt

 -

 2,932

 3,933

 8,410

1,479

9.

Rau hoa quả

 0,702

 0,448

 0,380

 0,215

0,418

10.

Đư­ờng kính

 2,454

 0,35

 -

 0,458

0,491

11.

Đá các loại

 0,439

 1,739

 3,716

 7,091

11,422

12.

Xi măng

 1,205

 -

 -

 0,42

0,57

13.

Sắt thép

 0,900

 1,197

 2,398

 1,033

2,616

14.

Thuỷ sản

 0,656

 -

 0, 485

 0,673

0,619

15.

Gỗ chế biến

 1,967

 3,761

 5,132

 16,273

5,996

16.

Gỗ mỹ nghệG

 1,938

 1,723

 2,425

 3,590

2,623

17.

Thiếc

 0,918

 1,888

 1,397

 -

-

18.

Khoáng sản

 1,239

 1,783

 2,487

 2,524

3,971

19.

Sp dệt may

 1,061

 3,808

 2,094

 3,390

1,466

20.

ước dứa cô đặc

 -

 1,234

 1,309

 -

-

21.

Cồn CN

 -

 0,145

 0,157

 0,49

0,172

22.

Bật lửa ga

 -

 0,769

 1,580

 1,197

1,348

23.

Dăm gỗ

 -

 -

 6,428

 12,575

14,908

3.4.2. Nhập khẩu

Cũng như xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu của Nghệ An không ổn định và chiếm một phần rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước (dao động trong khoảng 0,19 - 0,33%). Tổng kim ngạch nhập khẩu tăng từ 32, 330 triệu USD năm 2000 lên 203, 638 triệu USD năm 2008. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2001-2008 đạt 25,9%/năm; trong đó: 2001-2005 tăng bình quân 26,7%/năm, giai đoạn 2005-2008 tăng bình quân 24,5%/năm.

Bảng 8. Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của Nghệ An giai đoạn 2001-2008

Đơn vị: triệu USD

 

2000

2004

2005

2007

2008

1. KNNK Nghệ An

32,330

105,046

105,062

117,878

203,638

2. KNNK của cả nước

16.218

31.523

36.900

62.680

80.400

3. Nghệ An so với cả nước (%)

0,28

0,33

0,28

0,19

0,25

Cơ cấu nhập khẩu đảm bảo được sự cân đối hợp lý, chủ yếu là máy móc thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất, phân bón, ô tô, xe máy các loại, nhựa đường, sắt thép, gỗ tròn

Biểu 9. Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Nghệ An

Đơn vị tính: 1.000 USD

STT

Chỉ tiêu

2001

2004

2005

2007

2008

1.

Máy móc thiết bị

 12,655

 1,330

 30,651

 8,543

32,961

2.

Nguyên liệu sản xuất

 2,125

 5,373

 6,508

 5,158

4,377

3.

Phân bón

 8,305

 27,185

 12,221

 11,331

47,839

5.

Ô tô các loại

 2,863

 2,356

 2,648

 0,243

0,508

6.

Xe máy các loại

 14,611

 7,344

 18,094

 30,560

21,975

7.

Nhựa đường

 5,998

 1,278

 5,016

 1,766

2,266

8.

Sắt thép

 1,645

 5,864

 4,847

 0,43

-

9.

Gỗ tròn

 2,463

 8,736

 56,299

 33,313

66,263

3.4.3. Đánh giá chung về xuất nhập khẩu trên địa bàn

- Kim ngạch xuất - nhập khẩu của Nghệ An trong giai đoạn 2001-2008 có xu hướng tăng, nhưng còn chưa vững chắc. Cơ cấu hàng xuất khẩu cũng được chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng các mặt hàng qua chế biến. Một số mặt hàng như dệt may, hàng công nghiệp đã khai thác được tiềm năng lợi thế để đẩy nhanh được giá trị kim ngạch xuất khẩu.

- Đã hình thành hệ thống sản xuất hàng xuất khẩu và kinh doanh xuất nhập khẩu của nhiều thành phần kinh tế. Nhiều hình thức kinh doanh xuất nhập khẩu đã được áp dụng như trực tiếp, uỷ thác, tiểu ngạch, chuyển khẩu. Đầu mối xuất nhập khẩu trực tiếp được mở rộng. Tuy nhiên, do vốn hoạt động còn ít, kinh nghiệm trong hoạt động kinh tế đối ngoại chưa nhiều nên cũng gây không ít ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

- Thị trường xuất nhập khẩu từng bước được mở rộng, tuy nhiên chưa ổn định. Công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, tiếp thị... còn nhiều hạn chế, chưa hỗ trợ được nhiều cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp còn thụ động, trông chờ hoặc do eo hẹp về khả năng tài chính nên ít quan tâm đến công việc này. Số lượng doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu tăng không đáng kể.

- Hoạt động xuất khẩu đã thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chuyên môn hoá. Hình thành và phát triển một số ngành, nghề, mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: thuỷ sản, dệt may, thủ công mỹ nghệ, nông sản ...

- Hoạt động nhập khẩu đã đáp ứng được nhu cầu thiết yếu về máy móc thiết bị vật tư công nghệ, nguyên vật liệu và hàng hoá khác cho sản xuất và tiêu dùng, góp phần làm phong phú thêm lưu thông hàng hoá trên thị trường.

3.5. Thực trạng nhân lực ngành thương mại

3.5.1. Số lượng và cơ cấu lao động của ngành thương mại

Mặc dù không có sự biến động lớn qua các năm nhưng xu hướng chung của lao động trong ngành thương mại tại Nghệ An trong những năm qua là giảm số lao động của doanh nghiệp tập thể, tăng số hộ kinh doanh cá thể và số lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và tư nhân. Đến cuối năm 2008, trên địa bàn tỉnh có 135.284 người hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Riêng ngành thương mại năm 2008 có 80.752 người (chiếm 59,69% tổng số lao động của ngành thương mại dịch vụ), trong đó số lao động trong các doanh nghiệp là 15.536 người; lao động trong các cơ sở kinh doanh cá thể là 65.216 người.

3.5.2. Trình độ lao động hoạt động trong ngành thương mại

Lực lượng lao động được đào tạo trong toàn tỉnh chiếm 30% tổng lực lượng lao động làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân (trong đó lao động được đào tạo nghề đạt 16,8%). Lao động được đào tạo nghề chủ yếu tập trung vào các ngành nghề thuộc khu vực dịch vụ, công nghiệp như sửa chữa xe có động cơ, lái xe, may mặc, mộc dân dụng, sửa chữa điện dân dụng, điện tử, gò hàn trong khi số lao động được đào tạo về các ngành nghề đang thiếu lao động có kỹ năng như chế biến nông sản, trồng trọt, chăn nuôi lại quá ít.

3.6. Hoạt động xúc tiến thương mại

3.6.1. Thông tin thị trường

Bên cạnh việc khai thác thông tin thị trường từ các bộ, ngành có liên quan, Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp thương mại ở Nghệ An đã đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) vào khai thác thông tin thị trường nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo số liệu khảo sát, hiện nay 83,2% doanh nghiệp thương mại trên địa bàn Nghệ An có hệ thống mạng máy tính, trong đó có tới 91% doanh nghiệp đã có kết nối Internet. Việc ứng dụng CNTT ở một số doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả cao cho hoạt động điều hành, quản lý và phát triển sản xuất - kinh doanh, quảng bá thương hiệu sản phẩm, nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong phát triển thương mại. Một số đơn vị bước đầu ứng dụng CNTT trong kinh doanh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, như Website đơn giản của công ty rau quả 19-5 Nghĩa Đàn và xã Quỳnh Lương...

Tuy nhiên, so với yêu cầu của thực tiễn và mặt bằng chung của các địa phương khác trong cả nước, việc khai thác thông tin trong các doanh nghiệp ở Nghệ An còn ở mức thấp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ về vai trò và động lực của thông tin trong hoạt động của mình nên làm hạn chế hiệu quả hoạt động thương mại của doanh nghiệp.

3.6.2. Quảng bá thương hiệu hàng hoá

Thời gian gần đây, việc quảng bá thương hiệu hàng hóa của Nghệ An được tổ chức khá bài bản. Hội chợ hàng Việt Nam Chất lượng cao lần đầu tiên đến Nghệ An trong không khí tưng bừng lễ hội công bố "Năm du lịch Nghệ An" và kỷ niệm 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 2005 tại Công viên Trung tâm TP Vinh. Hội chợ HVNCLC tổ chức tại Nghệ An đã gây ấn tượng khá mạnh mẽ với người tiêu dùng về một trình độ tổ chức chuyên nghiệp là biết thực hiện cam kết của mình đối với người tiêu dùng bằng thái độ phục vụ tốt nhất.

Trên thực tế, các hội chợ, triển lãm được tổ chức trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc phát triển thương mại Nghệ An. Tuy nhiên, việc chưa có một trung tâm hội chợ triển lãm chuyên biệt cũng ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thương mại của Nghệ An cũng thường xuyên tham gia vào các hội chợ, triển lãm ở phạm vi ngoài tỉnh và cả các hội chợ triển lãm trên thị trường quốc tế.

3.7. Công tác quản lý Nhà nước về thương mại; Hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại

Công tác quản lý nhà nước về thương mại trên địa bàn tỉnh Nghê An trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hoạt động thương mại ngày càng phát triển, cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng được đầu tư, Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thương mại còn có lúc chồng chéo, kỷ cương, kỷ luật hành chính chưa nghiêm; cải cách hành chính còn chậm, kết quả chưa cao; dân chủ ở cơ sở chưa phát huy mạnh mẽ. Công tác điều hành có mặt chưa tốt, nhất là ở cơ sở. Phân công, phân cấp và phối hợp giữa các ban, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ. Một số địa phương, đơn vị còn đùn đẩy trách nhiệm, khuyết điểm cho cấp trên. Đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, giải phóng mặt bằng còn chậm trễ và khó khăn, thủ tục hành chính còn rườm rà ... dẫn đến môi trường đầu tư chưa có sức cạnh tranh lớn so với các địa phương khác trong vùng. Việc triển khai, quán triệt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước chưa sâu sắc, thiếu các biện pháp tổ chức thực hiện. Công tác cải cách hành chính chưa đồng bộ nên việc xử lý, tháo gỡ các vướng mắc chưa kịp thời; người dân vẫn còn phải chịu nhiều thủ tục phiền hà từ phía các cơ quan Nhà nước trong sản xuất kinh doanh.

Hàng năm công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn được tăng cường thường xuyên đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra do vậy đã ngăn chặn kịp thời nhiều vụ vận chuyển, buôn bán, tàng trữ hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng., đã góp phần ổn định, xây dựng và phát triển thị trường lưu thông hàng hoá thông suốt tạo điều kiện cho các tổ chức và cá nhân kinh doanh thương mại, dịch vụ phát triển theo đúng pháp luật.

3.8. Đánh giá về những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân

* Những hạn chế, tồn tại

- Hoạt động thương mại chưa thể hiện được là một ngành hỗ trợ tích cực các ngành khác trong phát triển kinh tế. Điều này đã hạn chế việc mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân cư.

- Thị trường hàng hoá và số người kinh doanh buôn bán, dịch vụ tăng nhanh nhưng mang tính chất tự phát, phân tán, quy mô nhỏ, vốn ít, mua bán qua nhiều tầng nấc trung gian. Chưa thiết lập được mối liên hệ lâu dài giữa sản xuất với lưu thông, giữa bán buôn và bán lẻ theo những kênh lưu thông hợp lý, ổn định, đặc biệt là việc bán vật tư nông nghiệp, mua nông sản, thực phẩm để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá.

- Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh còn yếu, việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, sở hữu sản phẩm còn chậm, nhiều mặt hàng chất lượng thấp, quy cách, chủng loại, kiểu dáng, mẫu mã chậm đổi mới, giá thành cao.

- Xuất khẩu hàng hoá tuy có bước tiến bộ nhưng quy mô còn quá nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng tỷ trọng hàng chế biến vẫn còn thấp, do đó khối lượng xuất khẩu có tăng nhưng giá trị thấp. Công tác quản lý về xuất khẩu còn yếu, cơ sở tạo nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu phát triển chưa mạnh, chủ yếu thu mua trên thị trường.

- Công tác quản lý Nhà nước về kinh tế đối với các doanh nghiệp tư nhân mặc dù đã được đổi mới và sửa đổi song vẫn còn nặng nề về thủ tục hành chính, còn chồng chéo, nhiều đầu mối, nhiều giấy phép. Quản lý Nhà nước về thương mại đã được đổi mới nhưng còn nhiều mặt chưa theo kịp với thực tiễn hoạt động thương mại.

- Các nghệ nhân, thợ giỏi không còn gắn bó với nghề hoặc đi làm ăn ở các tỉnh, thành phố lớn khác. Nguồn nhân lực trong ngành tuy đông nhưng không mạnh, chất lượng và tính chuyên nghiệp chưa đuợc nâng tầm.

- Các ngành, các cấp chưa đề ra những chính sách đòn bẩy, các biện pháp hữu hiệu để khai thác mọi tiềm năng thế mạnh của địa phương, phát triển sản xuất các mặt hàng phục vụ du lịch và xuất khẩu.

- Cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành thương mại đã được xây dựng từ lâu, đã xuống cấp, cần được nâng cấp và xây dựng lại. Việc hình thành các trung tâm thương mại tại các khu đô thị chưa được quan tâm đúng mức. Việc thực hiện xã hội hoá trong đầu tư phát triển hạ tầng thương mại còn chậm, còn có tư tưởng trông chờ vào ngân sách nhà nước.

* Nguyên nhân của sự tồn tại

+ Nguyên nhân khách quan

- Xa cực tăng trưởng, xuất phát điểm thấp.

- Khí hậu, thời tiết không thuận lợi, thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tục, gây hậu quả nặng nề đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

- Cơ sở hạ tầng kỹ thuật tuy đã được tăng cường đáng kể, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới, nhất là hạ tầng dịch vụ phụ trợ.

- Công tác xã hội hóa để đầu tư phát triển hạ tầng thương mại chưa cao, nguồn vốn huy động nước ngoài còn thấp.

- Du lịch chưa thật sự hấp dẫn, chủ yếu là du lịch biển mang tính thới vụ, các loại hình du lịch khác chưa phát triển, sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn, còn đơn điệu.

- Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại của Nghệ An quy mô nhỏ, vốn ít, cơ sở vật chất nghèo nàn nên gây nhiều khó khăn trong quá trình mở rộng sản xuất và phát triển thị trường. Đồng thời, sự phối kết hợp giữa các ngành trong việc nghiên cứu thị trường, hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn bị hạn chế.

- Nhận thức của một bộ phận cán bộ làm công tác thương mại chưa đầy đủ, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay của Việt Nam, bên cạnh đó kiến thức năng lực quản lý tổ chức điều hành còn nhiều hạn chế.

- Hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ hiện nay đã ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý Nhà nước và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế.

- Đầu tư vào lĩnh vực thương mại những năm qua còn ít so với yêu cầu của sự phát triển. Các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh thương mại chỉ đầu tư ngắn hạn, chắp vá để thực hiện từng thương vụ mà không có điều kiện đầu tư lớn và dài hạn. Chưa có nhiều dự án lớn đầu tư để xây dựng các cở sở thương mại hiện đại đủ tầm cỡ vùng.

+ Nguyên nhân chủ quan

- Việc triển khai, quán triệt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước chưa sâu sắc, thiếu các biện pháp tổ chức thực hiện.

- Công tác quản lý Nhà nước còn chồng chéo, phân công phân cấp có mặt chưa rõ ràng. Việc phối hợp giữa các ngành chưa gắn kết chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước vẫn còn nặng ở một số đơn vị, địa phương.

- Công tác cải cách hành chính chưa đồng bộ nên việc xử lý, tháo gỡ các vướng mắc chưa kịp thời; người dân vẫn còn phải chịu nhiều thủ tục phiền hà từ phía các cơ quan Nhà nước trong sản xuất kinh doanh. Công tác cán bộ còn yếu, thiếu những đột phá trong đổi mới đội ngũ cán bộ.

- Nhận thức về công tác quy hoạch còn thiếu triệt để; công tác dự báo, xây dựng các giải pháp chưa kịp thời, xác thực.

Phần Thứ Hai

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020.

1.1. Sự cần thiết phải xây dựng đề án

Là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ, Nghệ An có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nói chung và kinh tế thương mại nói riêng. Xác định được điều đó, thời gian qua lãnh đạo các cấp, các ngành đã tạo điều kiện cho thương mại Nghệ An phát triển và đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Hàng hóa lưu thông trên địa bàn ngày càng tăng cả về số lượng lẫn giá trị; kim ngạch xuất nhập khẩu của hàng hóa đạt được kết quả đáng ghi nhận, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu từng bước phát triển theo hướng tăng tỷ trọng mặt hàng chế biến; tổng mức lưu chuyền bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng từ 5.510, 1 tỷ đồng năm 2001 lên 9.053, 0 tỷ đồng năm 2005 và 15.960, 3 tỷ đồng năm 2008. Nhiều thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động thương mại, kể cả thương mại nội địa lẫn hoạt động xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, hoạt động thương mại của Nghệ An vẫn còn những hạn chế đáng kể. Đó là giá trị gia tăng của các mặt hàng xuất khẩu chưa cao, mặt hàng xuất khẩu còn nghèo nàn, mẫu mã đơn điệu; kim ngạch xuất nhập khẩu chưa ổn định; kết cấu hạ tầng thương mại xuống cấp; hệ thống phân phối manh mún, nhỏ lẻ, chưa khai thác hết được tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố mới đã, đang và sẽ tác động đến sự phát triển của thương mại cả nước và của tỉnh. Trước hết, hội nhập kinh tế với thế giới của Việt Nam đặt ra những cơ hội cũng như thách thức cho sự phát triển của Ngành thương mại đóng góp vào GDP và tăng trưởng GDP của tỉnh, vào giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và dẫn dắt, hỗ trợ các ngành sản xuất chuyển dịch cơ cấu định hướng theo nhu cầu thị trường. Những tác động từ bên ngoài cũng như sự mở rộng về không gian và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới đặt ra những yêu cầu phát triển mới về số lượng, chất lượng dịch vụ của ngành thương mại cũng như về cơ cấu, quy mô, phương thức kinh doanh, trình độ tổ chức và phân bố hài hoà, trật tự của các loại hình tổ chức thương mại, của các hệ thống phân phối hàng hoá, của các không gian thị trường và kết cấu hạ tầng của ngành thương mại.

Để tận dụng thời cơ, khắc phục khó khăn, thách thức nhằm đẩy mạnh phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy, ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định số 6041/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2008 về việc giao cho Sở Công Thương Nghệ An xây dựng Đề án Quy hoạch phát triển thương mại Nghệ An đến năm 2020". Kết quả nghiên cứu của đề án sẽ là luận chứng khoa học để lãnh đạo các cấp, các ngành trong tỉnh xây dựng kế hoạch, định hướng chiến lược phát triển ngành thương mại tỉnh Nghệ An trong bối cảnh Việt Nam phải thực hiện các cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đồng thời, quy hoạch phát triển thương mai tỉnh Nghệ An là một công cụ đắc lực để các cơ quan quản lý cấp tỉnh chỉ đạo và điều hành quá trình phát triển thương mại tỉnh từ nay đến năm 2020; tạo điều kiện cho nhân dân trong tỉnh và các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài hiểu rõ thêm tiềm năng cũng như các cơ hội để khai thác và đầu tư vào lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh.

1.2. Những căn cứ pháp lý

- Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13/08/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

- Quyết định số 156/2006/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển xuất khẩu giai đoạn 2006-2010.

- Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

- Chỉ thị số 49/2004/CT-TTg ngày 24/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển dịch vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010.

- Chỉ thị số 32/1998/CT-TTg ngày 23/09/1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đến năm 2010.

- Thông tư số 05/2003/TT-BKH ngày 22/07/2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hướng dẫn về nội dung, trình tự lập, thẩm định và quản lý các dự án quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội lãnh thổ.

- Quyết định 92 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 01 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về lập, phê duyệt, quản lý quy hoạch.

- Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -xã hội và Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH ngày 26/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch các sản phẩm chủ yếu.

- Quy hoạch phát triển thương mại Việt Nam thời kỳ 2001 - 2010.

- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ 2001 - 2010.

- Kết luận số 20-KL/TW ngày 02/6/2003 và Thông báo số 111 của Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện 2 năm NQ Đại hội IX và một số chủ trương PTKTXH Nghệ An đến năm 2010.

- Quyết định số 147/2005/QĐ-TTg ngày 15/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án Phát triển kinh tế xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2010.

- Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 30/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế văn hóa vùng Bắc Trung Bộ.

- Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 20/3/ 2003 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thị trường trong nước.

- Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/ 09/2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc ban hành Quy chế siêu thị, trung tâm thương mại.

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVI.

- Quyết định số 197/2007/QĐ-TTg ngày 28/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế - xã hội Nghệ An đến năm 2020 và các quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông đến năm 2020.

- Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỉnh Nghệ An đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006-2010).

- Quy hoạch phát triển mạng lưới Đô thị Nghệ An 2001- 2010 có tính đến năm 2020 và Quy hoạch phát triển mở rộng thành phố Vinh giai đoạn 2010-2020.

- Quy hoạch điều chỉnh kinh tế -xã hội Miền núi tỉnh Nghệ An đến 2010 có tính đến 2020.

- Quy hoạch xây dựng các thị xã: Hoàng Mai, Thái Hòa, Con Cuông

- Quy hoạch phát triển xây dựng các khu công nghiệp: Bắc Vinh; Cửa Lò, Nghĩa Đàn, Hoàng Mai, Nam Cấm, Nghi Hoa, Hưng Tây.

- Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp nhỏ tỉnh Nghệ An đến năm 2020

II. CÁC QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020

2.1. Quan điểm phát triển

2.1.1. Quan điểm phát triển thương mại nội địa của tỉnh Nghệ An:

- Phát triển thương mại tỉnh Nghệ An một cách đồng bộ tương xứng với tiềm năng và khai thác tối đa lợi thế so sánh của các tiểu vùng trong toàn tỉnh. Phát triển thương mại trở thành đòn bẩy để phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ khác, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lao động xã hội, thực hiện các mục tiêu kinh tế -xã hội của tỉnh. Phát triển thương mại phải phù hợp với chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và định hướng phát triển thương mại của cả nước.

- Phát triển thị trường Nghệ An theo hướng mở cửa, gắn thị trường trong nước với thị trường ngoài nước, trước hết với thị trường vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước nhằm tổ chức tốt lưu thông hàng hoá, kích thích tiêu dùng trong dân cư, đồng thời từng bước hội nhập với thị trường thế giới theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ hợp tác kinh tế thương mại. Đặc biệt chú trọng việc phát triển thương mại gắn với các địa bàn kinh tế trọng điểm của tỉnh như thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò.

- Phát triển thương mại tỉnh Nghệ An gắn kết với sự phát triển đa dạng các loại hình sở hữu đối với doanh nghiệp thương mại, thương mại gắn với đầu tư. Quan tâm phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh, đồng thời thúc đẩy phát triển các hệ thống phân phối hiện đại, có vai trò nòng cốt, dẫn dắt thị trường để định hướng sản xuất và tiêu dùng. Phát triển một cách đồng bộ và hợp lý cơ cấu bán buôn và bán lẻ; cơ cấu hiện đại và truyền thống.

- Phát triển thương mại tỉnh Nghệ An theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chú trọng tới hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, đồng thời đảm bảo yêu cầu xã hội như tạo thêm việc làm cho người lao động, ổn định cuộc sống của đồng bào các vùng khó khăn, bảo vệ tốt môi trường sinh thái, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

- Phát triển thương mại tỉnh Nghệ An theo hướng hiện đại hoá và văn minh thương mại, chú trọng đầu tư nâng cấp mạng lưới cơ sở vật chất kỹ thuật kinh doanh thương mại, lấy thị trường đô thị làm trọng tâm, hỗ trợ thúc đẩy thị trường nông thôn.

- Phát triển thương mại tỉnh Nghệ An theo cơ chế thị trường trên cơ sở tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước, chống các hành vi kinh doanh trái phép, buôn lậu, trốn thuế và gian lận thương mại.

- Phát triển thương mại tỉnh Nghệ An theo hướng xã hội hoá đầu tư vào cơ sở hạ tầng của ngành.

2.1.2. Quan điểm phát triển hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Nghệ An:

- Phát triển xuất khẩu của Nghệ An trên cơ sở phát huy lợi thế về vị trí địa - kinh tế, là đầu mối của các hoạt động thương mại xuất, nhập khẩu hàng hoá của các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ.

- Xuất, nhập khẩu phải đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tác động tích cực vào nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và các sản phẩm chủ lực của Nghệ An.

- Phát triển thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hoá, tạo nên sự gắn bó hữu cơ giữa thị trường xuất khẩu với thị trường trong tỉnh, trong vùng, giảm nhập siêu, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội cân đối, ổn định và bền vững.

2.2. Mục tiêu phát triển thương mại tỉnh Nghệ An thời kỳ đến 2020

2.2.1. Mục tiêu tổng quát

- Phát triển mạnh thị trường trong tỉnh theo hướng đáp ứng mọi nhu cầu của sản xuất, đời sống, bảo đảm lưu thông hàng hoá thông suốt, bảo đảm cân đối cung cầu về những mặt hàng trọng yếu cho sản xuất và đời sống, ngày càng có nhiều hàng hoá mẫu mã đẹp, chất lượng cao, giá cả hợp lý, đủ sức cạnh tranh.

- Củng cố trật tự, kỷ cương thị trường. Xây dựng ngành thương mại tỉnh phát triển theo hướng văn minh, hướng đẩy mạnh về xuất khẩu, thu hút các nguồn lực của thương nhân trong và ngoài nước, từng bước thực hiện CNH -HĐH.

- Phát triển thị trường trong tỉnh trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển thị trường trong vùng và cả nước, với thị trường ngoài nước, gắn hiệu quả kinh doanh thương mại với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

- Xây dựng và phát triển mạnh thương mại nội địa theo hướng hiện đại dựa trên các cơ cấu ngành hợp lý với sự tham gia của các thành phần kinh tế, vận hành trong môi trường cạnh tranh có sự quản lý và điều tiết của Nhà nước. Trên cơ sở đó, nâng cao vai trò của ngành thương mại trong việc tạo giá trị gia tăng đóng góp vào GDP của tỉnh; thu hút lao động xã hội, tạo việc làm mới; kết nối sản xuất và tiêu dùng, điều khiển và dẫn dắt sản xuất định hướng theo nhu cầu thị trường. Phấn đấu đưa Nghệ An trở thành trung tâm thương mại lớn nhất vùng Bắc Trung Bộ vào năm 2015, từ đó làm động lực thúc đẩy sự phát triển toàn vùng Bắc Trung Bộ.

- Đẩy mạnh xuất khẩu của Nghệ An với tốc độ tăng trưởng bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tiếp tục duy trì các sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh, đồng thời từng bước phát triển các sản phẩm xuất khẩu qua chế biến, có giá trị gia tăng cao hơn; đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và tăng cường xuất khẩu dịch vụ.

2.2.2. Mục tiêu cụ thể

- Kim ngạch xuất khẩu đạt 350- 400 triệu USD vào năm 2010, 815 triệu USD vào năm 2015 và 1.900 triệu USD năm 2020, tăng bình quân 23,9%/năm giai đoạn 2006-2010, 18,42%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và 18,45%/năm giai đoạn 2016-2020.

- Kim ngạch nhập khẩu đạt 350 triệu USD vào năm 2010, 794 triệu USD vào năm 2015 và 1.800 triệu USD năm 2020, tăng bình quân 30,0% năm giai đoạn 2006-2010 (cao hơn nhiều so với mức bình quân dự kiến của cả nước là 14,7%) và 17,8%/năm ở cả 2 giai đoạn 2011-2015 và 2016 - 2020.

- Tổng mức LCHHBL trên địa bàn tỉnh đạt 18.000 tỷ đồng vào năm 2010 34.000 tỷ đồng vào năm 2015 và 65.000 tỷ đồng vào năm 2020 (trong đó qua các siêu thị và TTTM theo các năm tương ứng sẽ là 2.700 - 3.600 tỷ đồng, 10.200 - 11.900 và 19.500 - 26.000 tỷ đồng), tăng bình quân 15,7%/năm giai đoạn 2006-2010, 13,56%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và 13,84%/năm giai đoạn 2016-2020.

- Giá trị sản xuất thương mại (tính theo giá so sánh 1994) đạt gần 3.200 tỷ đồng vào năm 2010, 6.050 tỷ đồng vào năm 2015 và 11.500 tỷ đồng vào năm 2020, tăng bình quân 15,7% giai đoạn 2006-2010, 13,59%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và 13,71% giai đoạn 2016-2020.

- GTGT ngành thương mại (giá so sánh 1994) đạt gần 2.160 tỷ đồng vào năm 2010, 4.000 tỷ đồng vào năm 2015 và 8.000 tỷ đồng vào năm 2020, tăng bình quân 19,4%/năm giai đoạn 2006 - 2010, 13,12%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và 14,87%/năm giai đoạn 2016-2020.

- Đến năm 2020 số thư­ơng nhân hoạt động tại các chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại và siêu thị sẽ có khoảng 70.000 cơ sở, tăng gần 30.000 cơ sở so với năm 2005, bình quân tăng 1.800-2.000 cơ sở /năm. Trong đó: lực lượng thương nhân hoạt động tại siêu thị và TTTM chiếm từ 15-20%.

- Gia tăng tốc độ lưu chuyển hàng hoá, trong đó, đến 2010, phấn đấu 15 - 20% và đến 2020 là 35 - 40% hàng hoá lưu chuyển qua các loại hình thương mại hiện đại, đảm bảo nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước.

- Chuyển dịch cơ cấu hàng hoá trao đổi trên thị trường nội địa và quốc tế theo hướng gia tăng sản phẩm chế biến, có hàm lượng công nghệ và chất xám cao; thúc đẩy hoạt động dịch vụ, đa dạng hoá thị trường và phương thức kinh doanh theo hướng văn minh hiện đại; hoàn thiện cơ chế chính sách thương mại phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và thông lệ quốc tế.

2.3. Luận chứng và lựa chọn phương án phát triển

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 là:

- Tổng sản phẩm nội tỉnh (GDP) thời kỳ 2006 2010 tăng bình quân 12,0%/năm; giai đoạn 2011 - 2020 bình quân hàng năm tăng 11,8%.

- Dân số: hàng năm giảm sinh bình quân từ 0,2 - 0,3%o, để ổn định quy mô dân số khoảng 3, 5 triệu người vào năm 2020;

- Tốc độ tăng GDP bình quân năm của khu vực dịch vụ: 10,8% đến năm 2010 và 13,5 - 13,8% đến năm 2020.

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Tạo sự chuyển biến rõ nét và vững chắc theo hướng tích cực, giảm nhanh tỷ trọng nông, lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng công ngiệp và dịch vụ trong tổng GDP của tỉnh; đến năm 2010 nông lâm nghiệp chiếm 24%, công nghiệp - xây dựng chiếm 39%, dịch vụ chiếm 37%. Đến năm 2020, nông lâm nghiệp còn 14%, công nghiệp - xây dựng 43% và dịch vụ chiếm 43%.

Trên cơ sở những chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội trên và căn cứ vào tình hình phát triển trong giai đoạn 2004 - 2008, dự báo các chỉ tiêu phát triển thương mại (giá so sánh) của tỉnh Nghệ An đến 2020 theo các phương án như sau:

a) Phương án I (phương án tăng trưởng trung bình): được dự báo dựa trên cơ sở tăng trưởng GDP ở mức trung bình. Phương án này tính đến khả năng các dự án mang tính đột phá lớn tác động đến Nghệ An như tuyến hành lang Đông Tây bắt đầu được triển khai nhưng tốc độ tiến triển chậm và tác động không thuận của các yếu tố bên ngoài đối với cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng. Nhu cầu đầu tư của toàn bộ nền kinh tế để thực hiện phương án giai đoạn 2006-2010 là 75.000 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2020 là 570.000 tỷ đồng (giá hiện hành). Cụ thể đối với ngành thương mại:

- Giá trị tăng thêm của ngành thương mại năm 2010 đạt 2.160 tỷ đồng, năm 2015 đạt 3.900 tỷ đồng và năm 2020 đạt 8.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010, 2011 - 2015 và 2016 - 2020 lần lượt là 15,7%/năm, 12, 54 và 15,45%/năm.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội (giá thực tế) năm 2010 đạt 18.000 tỷ đồng, năm 2015 đạt 34.000 tỷ đồng và năm 2020 đạt 65.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2006-2010, 2011 - 2015 và 2016 - 2020 lần lượt là 15,7%/năm, 13, 56 và 13,84 %/năm.

Chỉ tiêu

PA I

2006-2010

2011 - 2015

2016 - 2020

Tổng GDP năm cuối kỳ (giá so sánh - tỷ đồng)

18.140

30.000

50.657

Tốc độ tăng GDP bình quân năm (%)

12,0

10,59

11,05

GDP khu vực dịch vụ năm cuối kỳ (giá so sánh tỷ đồng)

5.362

9.450

16.650

Tốc độ tăng GDP khu vực dịch vụ bình quân năm (%)

10,8

12,0

12,0

Giá trị tăng thêm của ngành thương mại năm cuối kỳ (giá so sánh - tỷ đồng)

2.160

3.900

8.000

Tốc độ tăng trưởng của ngành thương mại /năm (%)

15,7

12,54

15,45

TMBLHH và doanh thu dịch vụ xã hội năm cuối kỳ (giá TT - tỷ đồng)

18.000

34.000

65.000

Tốc độ tăng trưởng TMBLHH &DVXH (%)

15,7

13,56

13,84

Nhu cầu vốn đầu tư của ngành thương mại (giá TT - tỷ đồng)

8.640

19.500

36.000

Nhu cầu vốn hàng năm (giá TT - tỷ đồng)

1.728

3.900

7.200

b) Phương án II (Phương án tăng trưởng cao): dựa trên yếu tố phấn đấu tích cực, phát huy được các lợi thế so sánh của Nghệ An, tháo bỏ các khó khăn, đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ, khuyến khích, huy động các nguồn lực vào đầu tư phát triển. Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An bắt đầu đi vào hoạt động và các khu công nghiệp, khu chế xuất trong tỉnh bước đầu hoạt động có hiệu quả. Theo phương án này, dự báo khả năng tăng trưởng kinh tế của Nghệ An có thể đạt tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2020 khoảng 11,8%/năm. GDP /người theo giá hiện hành đạt khoảng 850 USD năm 2010 và khoảng 3.130 USD năm 2020. Nhu cầu đầu tư của toàn bộ nền kinh tế để thực hiện phương án trong giai đoạn 2006-2010 là 75.000 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2020 là 630.000 tỷ đồng. Cụ thể đối với ngành thương mại:

- Giá trị tăng thêm của ngành thương mại năm 2010 đạt 2.160 tỷ đồng, năm 2015 đạt 4.250 tỷ đồng và năm 2020 đạt 8.365 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010, 2011 - 2015 và 2016 - 2020 lần lượt là 15,7%/năm, 14,5%/năm và 14,5%/năm.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội (giá thực tế) năm 2010 đạt 18.000 tỷ đồng, năm 2015 đạt 34.800 tỷ đồng và năm 2020 đạt 67.500 tỷ đồng. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2006-2010, 2011 - 2015 và 2016 - 2020 lần lượt là 15,7%/năm, 14,09%/năm và 14 %/năm.

Chỉ tiêu

PA II

2006-2010

2011 - 2015

2016- 2020

Tổng GDP năm cuối kỳ (giá so sánh - tỷ đồng)

18.140

31.700

55.494

Tốc độ tăng GDP bình quân năm (%)

12,0

11,81

11,85

GDP khu vực dịch vụ năm cuối kỳ (giá so sánh tỷ đồng)

5.363

10.000

19.530

Tốc độ tăng GDP khu vực dịch vụ bình quân năm (%)

10,8

13,27

14,11

Giá trị tăng thêm của ngành thương mại năm cuối kỳ (giá so sánh - tỷ đồng)

2.160

4.250

8.365

Tốc độ tăng trưởng của ngành thương mại /năm (%)

15,7

14,5

14,5

TMBLHH và doanh thu dịch vụ xã hội năm cuối kỳ (giá TT - tỷ đồng)

18.000

34.800

67.500

Tốc độ tăng trưởng TMBLHH &DVXH (%)

15,7

14,09

14,17

Nhu cầu vốn đầu tư của ngành thương mại (giá TT - tỷ đồng)

8.640

21.250

37.640

Nhu cầu vốn hàng năm (giá TT - tỷ đồng)

1.728

4.250

7.528

c) Phương án III (Phương án tăng trưởng rất cao): Đây là phương án tích cực hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để có thể thu hút được khối lượng lớn vốn đầu tư, có bước chuyển mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, đến năm 2020 tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn khoảng 5%, tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp đã chiếm trên 90% trong cơ cấu kinh tế tính theo GDP của tỉnh. Theo phương án này, dự báo khả năng tăng trưởng kinh tế của Nghệ An giai đoạn 2006-2010 bình quân khoảng 13%/năm, giai đoạn 2011-2020 khoảng 12,3%/năm. GDP /người năm 2010 đạt khoảng 1.000 USD và năm 2020 khoảng 3.400 USD. Nhu cầu vốn đầu tư của toàn bộ nền kinh tế để thực hiện phương án trong giai đoạn 2006-2010 là 80.000 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2020 là 670.000 tỷ đồng. Cụ thể đối với ngành thương mại:

- Giá trị tăng thêm của ngành thương mại năm 2010 đạt 2.189 tỷ đồng, năm 2015 đạt 4.300 tỷ đồng và năm 2020 đạt 8.480 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010, 2011 - 2015 và 2016 - 2020 lần lượt là 16%/năm, 14,46%/năm và 14,55%/năm.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội (giá thực tế) năm 2010 đạt 18.000 tỷ đồng, năm 2015 đạt 36.200 tỷ đồng và năm 2020 đạt 72.800 tỷ đồng. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2006-2010, 2011 - 2015 và 2016 - 2020 lần lượt là 15,7%/năm 15,0% và 15%/năm.

Chỉ tiêu

PA III

2006-2010

2011 - 2015

2016- 2020

Tổng GDP năm cuối kỳ (giá so sánh - tỷ đồng)

18.920

33.900

60.422

Tốc độ tăng GDP bình quân năm (%)

13,0

12,37

12,25

GDP khu vực dịch vụ năm cuối kỳ (giá so sánh tỷ đồng)

5.534

11.000

22.390

Tốc độ tăng GDP khu vực dịch vụ bình quân năm (%)

11,5

14,73

15,27

Giá trị tăng thêm của ngành thương mại năm cuối kỳ (giá so sánh - tỷ đồng)

2.189

4.300

8.480

Tốc độ tăng trưởng của ngành thương mại /năm (%)

16.0

14,46

14,55

TMBLHH và doanh thu dịch vụ xã hội năm cuối kỳ (giá TT - tỷ đồng)

18.000

36.200

72.800

Tốc độ tăng trưởng TMBLHH &DVXH (%)

15,7

15,0

15,0

Nhu cầu vốn đầu tư của ngành thương mại (giá TT - tỷ đồng)

8.756

21500

38.160

Nhu cầu vốn hàng năm (giá TT - tỷ đồng)

1.750

4.300

7.632

* Lựa chọn phương án tăng trưởng

Việc lựa chọn cơ cấu kinh tế và phương án phát triển phụ thuộc vào mức độ vốn đầu tư, trình độ công nghệ, yếu tố nguồn nhân lực và các nhân tố ảnh hưởng bên ngoài khác đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ những phân tích về nhân lực, nguồn vốn đầu tư, thực trạng tăng trưởng kinh tế và mức GDP bình quân đầu người của Nghệ An, đồng thời đặt Nghệ An trong bối cảnh phát triển kinh tế năng động của cả nước, đặc biệt trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cũng như trong xu thế phục hồi và phát triển của nền kinh tế khu vực và thế giới nhận thấy cả 3 phương án trên đều có các điểm chung là đều nâng được tỷ trọng GDP của tỉnh trong tổng GDP của cả nước; đều khai thác được các lợi thế so sánh của tỉnh; đều tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trong các ngành dịch vụ. Tuy nhiên, trong 3 phương án trên thì phương án II là phương án phấn đấu phù hợp nhất với khả năng khai thác hiệu quả các lợi thế so sánh của tỉnh Nghệ An nên có thể xem xét lựa chọn làm phương hướng phát triển chủ đạo. Lý do chính của sự lựa chọn phương án này là:

- Phương án II được tính đến các yếu tố thuận lợi từ vị thế của cả nước khi thực hiện các cam kết với WTO, nền kinh tế của tỉnh có chuyển biến và phát triển nhanh ngay từ kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 và tiếp tục phát triển với nhịp độ cao vượt mức trung bình của cả nước về GDP bình quân đầu người (bằng 1, 1 lần mức BQ cả nước vào năm 2020). Tỷ lệ thất nghiệp rất thấp, tạo việc làm cho khoảng 28.000 lao động mỗi năm; tỷ trọng lao động nông nghiệp chiếm dưới 50%. Tuy theo phương án này thì đòi hỏi nhu cầu đầu tư lớn, song có khả năng khắc phục, cân đối được bằng cách tăng thêm đầu tư từ Trung ương cho các ngành trọng điểm, mũi nhọn và cải cách mạnh hơn để thu hút được nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

- Phương án II đáp ứng được các nhiệm vụ mà cả nước, vùng đặt ra cho Nghệ An thể hiện được vai trò làm động lực thúc đẩy các địa phương khác trong vùng Bắc Trung Bộ phát triển. Ngoài ra, theo phương án này, vị thế của Nghệ An trong cả nước cũng được nâng dần lên trong vị thế của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước..

- Mặc dù cả 3 phương án đều có sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ trong tổng GDP nhưng phương án II ưu việt hơn ở chỗ các ngành dịch vụ có thế mạnh vửa đảm bảo tăng nhanh lại vừa phát triển bền vững ở mức 43% vào năm 2020.

* Các khâu đột phá trong phát triển thương mại tỉnh Nghệ An thời kỳ đến 2020

Ngoài việc tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ, để thực hiện thành công phương án tăng trưởng thương mại, Nghệ An cần tập trung phát triển các khâu đột phá sau:

- Hình thành các cực tăng trưởng, vùng trọng điểm. Việc hình thành KKT Đông Nam Nghệ An sẽ là bước đột phá quan trọng nhất đối với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong thời kỳ quy hoạch. Xây dựng và phát triển KKT Đông Nam Nghệ An đa ngành, đa chức năng, trở thành địa bàn phát triển có tính đột phá của tỉnh Nghệ An; cực phát triển quan trọng của vùng Trung Bộ; trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp, du lịch, thương mại, cảng biển lớn của vùng Bắc Trung Bộ; trung tâm đô thị lớn của Nghệ An; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đô thị văn minh, kiến trúc tiên tiến. Tập trung sức thực hiện Quyết định số 239/2005/QĐ-TTg ngày 30/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hoá vùng Bắc Trung Bộ; Quyết định số 147/2005/QĐ-TTg ngày 15/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An. Đầu tư mạnh và tạo cơ chế thuận lợi để phát triển các khu công nghiệp Nam Cấm, Hoàng Mai, Nghĩa Đàn..., khu du lịch biển Quỳnh Lưu - Diễn Châu - Nghi Lộc nhằm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế tỉnh. Hình thành các trọng điểm phát triển kinh tế biển dọc theo dải ven biển với các ngành mũi nhọn là cảng biển và kinh tế hàng hải, đóng tàu; nuôi trồng và đánh bắt hải sản; du lịch biển đảo kết hợp với phát triển các đô thị ven biển.

- Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng thương mại nói riêng một cách đồng bộ ở cả đô thị và nông thôn. Tiếp tục tập trung đầu tư vào việc nâng cấp cả quy mô và chất lượng của hệ thống Cảng Cửa Lò với vai trò một cảng thương mại tổng hợp của vùng; Đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp để thu hút các dự án đầu tư; nâng cấp hệ thống giao thông bao gồm cả đường bộ, đường sắt và đường thuỷ; nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, đặc biệt là ở các vùng miền núi cao; nâng cấp sân bay Vinh thành cảng hàng không quốc tế; hiện đại hoá hệ thống thông tin liên lạc; hoàn chỉnh mạng cấp điện và cấp thoát nước, xử lý ô nhiễm môi trường, đáp ứng nhu cầu của một trung tâm kinh tế, hiện đại cấp vùng.

- Tập trung đầu tư để hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực trong những ngành và lĩnh vực có lợi thế so sánh (nhất là ngành dịch vụ) nhằm tạo ra thế và lực cho sự phát triển lâu dài của tỉnh. Ngoài nhóm các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh (xi măng và các loại vật liệu xây dựng khác, sản phẩm chế biến nông - lâm - thuỷ hải sản, bia, dệt may) sẽ phát triển thêm các sản phẩm chủ lực mới, có tầm ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế của tỉnh như đóng tàu, cơ khí chế tạo, thiết bị kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ thông tin, sản xuất vật liệu mới... Bên cạnh đó, tập trung vào phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ tài chính - ngân hàng, bưu chính viễn thông, vận tải (chú trọng vận tải biển), giáo dục - đào tạo (nhất là giáo dục đại học và đào tạo nghề), y tế, khoa học - công nghệ. Tập trung vào các nhóm cây công nghiệp; cây ăn quả; cây lâm nghiệp với các cây chủ lực là: lạc, mía đường, chè, cà phê, cao su, dứa, cam, các loại cây lâm nghiệp phục vụ cho nguyên liệu giấy, chế biến đồ gỗ chất lượng cao và ván ép; lợn nạc, trâu, bò thịt, gia cầm; các sản phẩm thuỷ sản nuôi ngọt, mặn, lợ có giá trị.

- Đẩy mạnh tốc độ đô thị hoá. Phát triển các đô thị trung tâm, đô thị ngoại vi và các điểm dân cư nông thôn nhằm tạo ra một bức tranh phân bố dân cư mới.

Mở rộng không gian nội thị của các đô thị đã có; phát triển nhanh các tuyến phố mới (nhất là ở phía Bắc và Đông Bắc thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò); xây dựng nếp sống văn minh đô thị; cải tạo và chỉnh trang đô thị; đầu tư phát triển hạ tầng đô thị thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò, trong đó ưu tiên phát triển thành phố Vinh để thành phố thực sự là trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học của vùng Bắc Trung Bộ và là một trong những trung tâm công nghiệp và giáo dục - đào tạo của cả nước. Hình thành các khu đô thị mới. Phát triển mạnh các đô thị vệ tinh (trong bán kính 20-30 km), các đô thị bám dọc dải ven biển các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc; phát triển các thị trấn, thị tứ và các điểm dân cư nông thôn trên cơ sở bố trí lại cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả, thu hút nhiều lao động nông nghiệp vào phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và các hoạt động dịch vụ.

2.4. Định hướng phát triển ngành thương mại tỉnh Nghệ An đến năm 2020

2.4.1. Định hướng phát triển xuất - nhập khẩu

- Phát triển mạnh các hoạt động XNK với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế.

- Chuyển dịch mạnh cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến và sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tập trung đầu tư phát triển một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, hàng thủ công mỹ nghệ và một số nông, lâm sản chế biến khác, hạn chế tối thiểu tình trạng xuất thô, tăng nhanh tỷ trọng hàng chế biến.

- Đẩy mạnh việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào sản xuất, chế biến sản phẩm xuất khẩu; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất sản phẩm xuất khẩu hoặc thay thế nhập khẩu.

- Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của các nhóm sản phẩm có lợi thế, có tốc độ tăng trưởng, có tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu; đồng thời tập trung phát triển mạnh các nhóm sản phẩm mặc dù hiện còn đang chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu xuất khẩu nhưng có giá trị gia tăng lớn hoặc có tốc độ tăng trưởng cao.

- Tập trung phát triển thị trường cho các sản phẩm có sức cạnh tranh lớn, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch lớn.

- Phát triển xuất khẩu dịch vụ: Du lịch, dịch vụ cửa khẩu, dịch vụ phục vụ hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài (dịch vụ tư vấn, dịch vụ phục vụ cho khu công nghiệp...)

Trọng tâm của công tác thị trường ngoài nước của Nghệ An trong thời gian tới là: đa phương hoá thị trường, đa dạng hoá bạn hàng; giữ vững và phát triển các thị trường đã có, đẩy mạnh xuất khẩu tiêu thụ trực tiếp, có dung lượng lớn và ổn định như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và các nước ASEAN; tích cực phát triển các thị trường mới. Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt hiện nay, không loại trừ việc vẫn duy trì và tăng cường xuất khẩu qua các thị trường trung gian cùng với hình thức gia công. Cụ thể như sau:

Thị trường các nước ASEAN: Singapore là nước không có khả năng sản xuất những mặt hàng nông sản hàng hoá để đáp ứng nhu cầu trong nước và là thị trường trung chuyển tái xuất lớn nên nhu cầu về hàng hoá là rất lớn và đa dạng. Điều đáng chú ý là dù đa số hàng nông phẩm xuất vào Singapore không phải chịu thuế, nhưng những quy định về an toàn vệ sinh và chất lượng lại cao do Singapore ban hành đạo luật về hàng thực phẩm, áp dụng hệ thống cấp giấy phép kiểm nghiệm và giám định rất ngặt nghèo nên đòi hỏi hàng vào thị trường này phải có chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Thị trường Trung Quốc: Trong kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc, hoạt động biên mậu chiếm tỷ trọng rất lớn do Trung Quốc chủ trương tăng cường buôn bán biên giới với các nước láng giềng (Trung Quốc giảm 50% thuế nhập khẩu cho các mặt hàng xuất khẩu của các nước láng giềng). Bên cạnh việc hình thành Khu vực Mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN và Khu kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc, 2 hành lang kinh tế mở ra sẽ là cơ hội thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. Nghệ An có thể xuất sang thị trường này các loại hàng như tinh bột sắn, khoáng sản, dăm gỗ, mủ cao su.

Thị trường Nhật Bản: là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, mặt hàng chủ yếu xuất sang Nhật là dầu thô, hải sản, dệt may và than. Trong những năm gần đây, hàng thủ công mỹ nghệ như mây tre đan, gốm, sứ, nội thất làm bằng gỗ là những mặt hàng đang có nhu cầu cao trên thị trường Nhật Bản với mức thuế suất thấp từ 1-3%. Nghệ An có thể xuất sang thị trường này các mặt hàng nông, thuỷ sản chế biến, sản phẩm may mặc, thủ công mỹ nghệ

Thị trường Hàn Quốc: Với kim ngạch nhập khẩu hàng năm lên tới 140-150 tỷ USD, Hàn Quốc là một thị trường nhập khẩu lớn trong khu vực Đông á. Thị trường Hàn Quốc có yêu cầu về tiêu chuẩn về chất lượng và vệ sinh rất cao, hàng nông sản thực phẩm trước khi đưa vào Hàn Quốc đều phải có báo cáo đầy đủ về quá trình nuôi trồng, bảo quản ... và chỉ sau khi nhận được giấy phép của cơ quan có thẩm quyền mới có thể nhập vào Hàn Quốc. Ngoài ra, Hàn Quốc còn là thị trường đầy tiềm năng trong hoạt động xuất khẩu lao động và đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam. Hàng năm số lượng lao động xuất khẩu sang thị trường này chiếm tới 44% tổng số lao động xuất khẩu của cả nước. Nghệ An có thể xuất khẩu sang thị trường này các mặt hàng may mặc, thủ công mỹ nghệ và lao động.

Thị trường Đài Loan: Đài Loan là bạn hàng xuất khẩu quan trọng thứ ba của Việt Nam ở Châu á sau Nhật Bản và Singapore với nhu cầu nhập khẩu hàng năm của Đài Loan vượt ngưỡng 100 tỷ USD /năm. Hiện nay, Đài Loan đã dành cho Việt Nam quy chế ưu đãi thuế đối đẳng và không có sự phân biệt trên các phương diện khác đối với hàng hoá nên việc thâm nhập vào thị trường Đài Loan có nhiều thuận lợi. Nghệ An có thể xuất khẩu các mặt hàng giầy dép, dăm gỗ, gỗ chế biến, gỗ mỹ nghệ, xuất khẩu lao động vào thị trường này.

Thị trường Hồng Kông: Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của Hồng Kông rất lớn, hàng năm lên tới 200 tỷ USD và phần lớn được tái xuất sang nước khác, phần tiêu thụ tại Hồng Kông chỉ khoảng 20 - 25 tỷ USD. Do truyền thống kinh doanh chuyển khẩu, Hồng Kông có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng hoá khác nhau, để tái xuất hoặc sơ chế rồi tái xuất đi nước thứ ba. Nhờ sự gần gũi về mặt địa lý, vận tải thuận lợi và quan hệ buôn bán làm ăn lâu đời, Việt Nam có thể tận dụng yếu tố này để bán các loại hàng của mình thông qua Hồng Kông ra thế giới. Hàng thủ công mỹ nghệ, rau quả, thịt lợn, giày dép, dệt may... đã được xuất khẩu vào thị trường Hồng Kông. Nghệ An có thể xuất khẩu vào thị trường này các mặt hàng may mặc, thuỷ sản chế biến, chế biến rau quả, các loại nông sản, đồ gỗ mỹ nghệ...      

Thị trường EU: với 27 nước thành viên, EU là khối thị trường rộng lớn và hấp dẫn với các doanh nghiệp Việt Nam. Một điều cần lưu ý rằng EU là thị trường có yêu cầu rất khắt khe về chất lượng và các tiêu chuẩn khác, có khá nhiều hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu nên đòi hỏi các doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hoá sang thị trường này phải có những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh dịch tễ cũng như môi trường rất khắt khe. Nghệ An có thể xuất khẩu vào thị trường này các mặt hàng may mặc (sợi, quần áo thể thao, đồ bảo hộ lao động, áo jăcket), thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ, nông sản, thuỷ sản chế biến

Thị trường Nga và các nước Đông Âu, SNG: Đây là khu vực thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam đã có những hiểu biết nhất định, có thể tiêu thụ các loại hàng hoá có chất lượng và giá cả trung bình, không đòi hỏi quá cao về tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh như các thị trường khó tính khác. Nhìn chung, tiềm năng kinh tế của các nước này trong thời này vẫn còn yếu, khả năng tài chính của các doanh nghiệp hạn chế, lại xa cách về địa lý, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước này không lớn. Tuy nhiên, trong tương lai, đây là thị trường cần được quan tâm. Hàng nhập khẩu của các nước Đông Âu và SNG chủ yếu là hàng may mặc, giầy dép, thực phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ, gạo, cà phê, chè, cao su và thuỷ sản. Nghệ An có thể xuất khẩu vào khu vực thị trường này các mặt hàng may mặc, giầy dép, nông sản, rau quả, đồ hộp thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ, cao su, cà phê, thuỷ sản chế biến ...

Thị trường Hoa Kỳ: là một thị trường rộng lớn và có tiềm năng rất lớn. Sức mua của thị trường này cao và không có những đòi hỏi quá khắt khe như người tiêu dùng tại các thị trường Tây Âu hay Nhật Bản. Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng có thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ các mặt hàng như hải sản, giày dép, dệt may, gạo, sản phẩm gỗ, đồ nhựa gia dụng (trong đó có đồ chơi), thực phẩm chế biến, sản phẩm cơ khí điện, hàng thủ công mỹ nghệ, hạt tiêu, nhân điều, chè, gia vị, rau quả ...

Thị trường Trung Cận Đông và Nam á. Hiện nay Việt Nam đã xuất khẩu được một số mặt hàng vào hai khu vực thị trường này (như gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, hàng may mặc, điện tử...) nhưng chủ yếu là thông qua một nước thứ ba. Tại khu vực Nam á, thị trường trọng điểm là ấn Độ. Tại khu vực Trung Đông, thị trường trọng điểm là Các tiểu vương quốc ả Rập thống nhất và I -rắc. Các mặt hàng mà Nghệ An có thể xuất khẩu được vào thị trường này là hàng điện tử, thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng - nội thất, thực phẩm chế biến, nông sản khô, xuất khẩu lao động ...

2.4.2. Định hướng phát triển thương mại trong khu vực các cửa khẩu

- Phát triển mạnh kinh tế cửa khẩu đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, thúc đẩy hợp tác phát triển thương mại Việt Nam - Lào; Hợp tác với CHDCND Lào trong việc nghiên cứu xây dựng mô hình khu hợp tác kinh tế (HTKT) biên giới với các lợi thế và chính sách đặc thù để có điều kiện phát triển nhanh và bền vững, phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có của mỗi bên, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ.

- Xây dựng và phát triển thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ và Nậm Cắn trở thành các trung tâm trung chuyển để phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch hướng tới thị trường đầy tiềm năng là Thái Lan. Từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, áp dụng các chính sách ưu đãi phù hợp, cởi mở để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực cửa khẩu.

- Tập trung nguồn vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn; Nâng cấp cửa khẩu Thanh Thuỷ, mở các cửa khẩu tiểu ngạch để tăng cường quan hệ trao đổi hàng hoá qua biên giới, đẩy nhanh kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn chú trọng hàng hoá xuất khẩu của tỉnh và tổ chức đón khách du lịch từ nước thứ ba đến với Nghệ An.

- Các doanh nghiệp tăng cường liên doanh, liên kết với các tỉnh khai thác nguồn hàng trong nước xuất khẩu, coi đây là ưu thế của tỉnh có cửa khẩu biên giới; đặc biệt quan tâm xuất khẩu tại chỗ thông qua đón khách du lịch quốc tế vào Nghệ An, tổ chức các tour du lịch trong nước sang Lào và Thái Lan và xuất khẩu lao động.

- Tiến hành khảo sát trình cấp có thẩm quyền xây dựng các cặp chợ biên giới ở các cửa khẩu để tăng cường quan hệ buôn bán, trao đổi mậu dịch khu vực biên giới.

2.4.3. Định hướng phát triển các hệ thống thị trường nội địa

1.4.3.1. Thị trường hàng công nghiệp tiêu dùng

* thành thị

- Hình thành cấu trúc cân đối, hợp lý giữa các khu thương mại - dịch vụ ở thành phố, thị xã, khu thương mại - dịch vụ ở các khu dân cư và các thị trấn huyện để hình thành mạng lưới các khu thương mại - dịch vụ của tỉnh có hạt nhân là các loại hình thương mại (trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị, chợ)

- Từng bước khuyến khích việc phát triển các doanh nghiệp kinh doanh chuỗi để thu hút nhiều nguồn đầu tư đa dạng cho phát triển mạng lưới phân phối hiện đại, trong đó cần chú trọng phát triển các chuỗi liên kết theo phương thức nhượng quyền kinh doanh và các chuỗi liên kết tự nguyện của các siêu thị nhỏ, các cửa hàng chuyên doanh để tăng cường năng lực cạnh tranh.

- Phát triển các hình thức bán lẻ mới như trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị tổng hợp và siêu thị chuyên doanh (như siêu thị thực phẩm, điện máy, dụng cụ gia đình, sách và văn phòng phẩm...),...; có chính sách, biện pháp khuyến khích đầu tư vào những hình thức này. Đồng thời, từng bước phát triển mạng lưới chuỗi cửa hàng tiện lợi gần kề ở các khu dân cư; khuyến khích, giúp đỡ những cửa hàng, quầy hàng, tiệm tạp hoá thành lập những liên minh kinh doanh, thống nhất trong mua và bán với mục tiêu đảm bảo cung ứng hàng rẻ, chất lượng tốt và tiện lợi cho dân cư.

- Điều chỉnh, sắp xếp và nâng cấp mạng lưới thương mại truyền thống thông qua việc khống chế quy mô và số lượng của loại hình này ở từng khu vực; khuyến khích các cửa hàng chuyển đổi thành các siêu thị chuyên doanh, các quầy, tiệm tạp hoá nhỏ gia nhập các liên minh mua bán hàng hoá.

- Cải tạo phát triển đường phố chuyên doanh để cùng với chợ truyền thống trở thành hạt nhân ở các khu thương mại - dịch vụ tổng hợp, đảm bảo các yêu cầu hiện đại và mang bản sắc văn hoá kinh doanh truyền thống.

- Phát triển mạng lưới kinh doanh hàng vật liệu xây dựng, đồ dùng gia đình, đồ điện gia dụng theo hướng phát triển kinh doanh chuỗi, quy mô vừa và tổng hợp.

- Phát triển phương thức bán hàng hiện đại theo hướng khuyến khích bán hàng qua các tổng đại lý hoặc nhượng quyền thương mại, bao gồm cả các chức năng chế biến, gia công, lắp đặt, dự trữ và từng bước áp dụng thương mại điện tử.

- Phát triển các trung tâm logistics để cung cấp đồng bộ các dịch vụ hậu cần phân phối.

- Nâng cấp, xây mới và đa dạng chức năng của chợ bán buôn theo hướng thành lập công ty chợ và áp dụng các hình thức giao dịch hiện đại, các dịch vụ tổng hợp. Đầu tư xây dựng các chợ đầu mối nông sản tổng hợp đa ngành và chuyên ngành.

* nông thôn miền núi

- Phát triển đa dạng các loại hình thương mại trên địa bàn nhằm đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu tiêu dùng, vật tư phục vụ sản xuất cho nhân dân, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Từng bước xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá, hình thành và củng cố các vùng sản xuất chuyên canh.

- Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ thương mại bám sát việc sản xuất hàng hoá ở các vùng sản xuất chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi, chế biến, các làng nghề truyền thống... Tại các khu, cụm kinh tế thương mại dịch vụ trên địa bàn các huyện phát triển các cơ sở thu mua, phân loại, sơ chế, đóng gói, thu gom hàng hoá từ các hộ sản xuất cung cấp cho các nhà máy chế biến hoặc các doanh nghiệp lớn.

- Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại phát triển hệ thống cửa hàng (trong đó chú trọng đến nâng cấp, phát triển mạng lưới cửa hàng kiêm kho) để trở thành kênh phân phối chủ yếu hàng công nghiệp tiêu dùng ở thị trường nông thôn, miền núi .

- Xây mới, mở rộng và hoàn thiện mạng lưới chợ tại các trung tâm cụm xã, xã và các khu dân cư tập trung, đặc biệt tại khu vực 3 huyện nghèo là Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn (theo Nghị Quyết 30a của Chính phủ).

- Nâng cấp mạng lưới chợ bán lẻ ở địa bàn các xã, khuyến khích thương nhân kinh doanh trên chợ thành lập các liên minh mua bán hàng hoá; lấy chợ làm hạt nhân để phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, tổng hợp xung quanh khu vực chợ, hình thành khu thương mại - dịch vụ tổng hợp.

- Hình thành các cụm kinh tế - thương mại - dịch vụ gắn với các huyện lỵ, trung tâm cụm xã với nhiều chủ thể kinh doanh.

Phát triển thị trường nông thôn miền núi gắn với việc tổ chức tốt hệ thống chợ cụm xã và các cụm thương mại - dịch vụ tại các trung tâm dân cư, vừa đảm bảo kinh doanh và phục vụ hàng chính sách, vừa kết hợp hoạt động thương mại với giao lưu văn hóa của đồng bào dân tộc, đảm bảo đến năm 2015, có đủ chợ dân sinh phục vụ nhu cầu mua bán của nhân dân ở khu vực nông thôn, miền núi. Tổ chức thị trường có sự kết hợp chặt chẽ với chính sách bảo trợ, bảo hiểm sản xuất nông nghiệp để tạo điều kiện phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, phát triển kinh tế hộ và kinh tế trang trại.

2.4.3.2. Thị trường hàng tư liệu sản xuất

- Phát triển hệ thống thị trường hàng tư liệu sản xuất

+ Thị trư­ờng giao dịch kỳ hạn.

+ Các trung tâm bán buôn.

+ Các doanh nghiệp bán buôn lớn.

+ Cung ứng trực tiếp từ sản xuất đến tiêu dùng cuối cùng.

- Phát triển đa dạng các hình thức bán buôn theo hướng khuyến khích đấu thầu mua sắm với sản phẩm chủ yếu, khối lượng lớn và cung ứng hàng hoá trực tiếp để giảm chi phí.

- Khuyến khích và hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp bán buôn quy mô lớn của tư nhân.

- Khuyến khích và hỗ trợ giao dịch giữa các hệ thống theo mạng.

2.4.3.3. Thị trường hàng nông sản

- Khuyến khích và hỗ trợ các trung tâm mua sắm, siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm ở thành thị mua hàng trực tiếp ở nông thôn và khuyến khích, hỗ trợ các nhà sản xuất, nhà cung ứng bán nông sản vào các siêu thị, cửa hàng.

- Khuyến khích phát triển mua bán thông qua hợp đồng giữa thương nhân và người nông dân.

- Phát triển mạng lưới các chợ bán buôn nông sản hiện đại (trong đó có các kho nông sản) theo hướng mua bán chuyên nghiệp và đấu giá, gắn kết doanh nghiệp chợ với các nhà sản xuất nông sản.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại, các nhà sản xuất tham gia thị trường giao dịch kỳ hạn.   

* Phát triển các dạng thị trường chung

- Hội chợ;

- Triển lãm, triển lãm - bán hàng;

- Chợ tổng hợp quy mô lớn;

- Chợ thời vụ;

- Chợ tuần;

- Khu trưng bày hàng mẫu và đặt hàng;

- Sàn giao dịch hàng hoá.

2.4.4. Định hướng phát triển doanh nghiệp thương mại của các thành phần kinh tế

- Phát triển các doanh nghiệp thương mại bán lẻ của các thành phần kinh tế theo những hình thái và quy mô thích hợp với từng loại thị trường, khuyến khích các loại hình kinh doanh hiện đại như siêu thị; các trung tâm mua sắm (gồm các doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ phụ thuộc vào nhau); các trung tâm thương mại; chợ tổng hợp, chợ chuyên canh; chi nhánh bán lẻ của nhà sản xuất; mạng lưới bán hàng lưu động...

- Phát triển các doanh nghiệp thương mại bán buôn của các thành phần kinh tế theo các hình thái như: các loại công ty bán buôn, trung tâm bán buôn, HTX thu mua bán buôn và các đại lý uỷ quyền, doanh nghiệp nhượng quyền.

1.4.4.1 Phát triển các doanh nghiệp thương mại bán lẻ

Phát triển các doanh nghiệp thương mại bán lẻ của các thành phần kinh tế theo những loại hình như:

+ Trung tâm thương mại;

+ Trung tâm mua sắm:

+ Siêu thị vừa và nhỏ;

+ Các loại cửa hàng: cửa hàng bách hóa, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng thời trang, chuỗi cửa hàng tiện lợi, cửa hàng miễn thuế, cửa hàng giảm giá, cửa hàng chiết khấu, của hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm, cửa hàng đồ cũ, cửa hàng tạp hóa;

+ Chợ tổng hợp, chợ chuyên doanh;

+ Chi nhánh bán lẻ của nhà sản xuất;

+ Mạng lưới bán hàng lưu động (không gắn với một địa điểm cố định, một cửa hàng nhất định) như những người bán hàng tại nhà, những người đến tận hộ gia đình để giới thiệu và bán hàng, xe bán hàng lưu động tại khu dân cư, xe bán hàng ngoài đường, chợ sớm, chợ đêm, chợ tuần, chợ tết; Bán hàng qua mạng, bán hàng qua bưu điện, máy bán hàng tự động, …

2.4.4.2 Phát triển các doanh nghiệp thương mại bán buôn

Phát triển các doanh nghiệp thương mại bán buôn của các thành phần kinh tế theo các lọai hình như:

+ Công ty bán buôn tổng hợp;

+ Công ty bán buôn chuyên doanh;

+ Hợp tác xã thương mại thu mua (thu gom hàng hoá, phân loại và đóng gói);

+ Hợp tác xã bán buôn

+ Trung tâm thương mại bán buôn;

+ Trung tâm Logistics (phục vụ chung cho các hoạt động thương mại bán buôn, như sử dụng diện tích nhà kho, kỹ thuật bảo quản, chuyên chở, thiết bị...để nâng cao năng suất giao nhận - vận chuyển hàng hoá);

+ Công ty chợ bán buôn nông sản

2.4.4.3. Phát triển các đại lý

Phát triển các đại lý theo hướng: Chức năng và vai trò của các đại lý thay đổi từ chức năng bán buôn đơn thuần sang cung cấp dịch vụ là chính. Các nhà bán buôn, đại lý sẽ chuyển trọng tâm từ mua bán, giao dịch, lợi nhuận ngắn hạn chuyển sang xây dựng thương hiệu dịch vụ phân phối hàng hóa. Nguồn lợi nhuận chính của các nhà đại lý sẽ từ chênh lệnh giá mua bán hàng hóa chuyển sang giá trị dịch vụ gia tăng. Tăng mức độ chuyên nghiệp hoá trong hệ thống đại lý, như đại lý nghiệp vụ bán lẻ; đại lý nghiệp vụ của trung tâm thương mại và chuỗi siêu thị, cửa hàng; đại lý nghiệp vụ mua hàng tập thể; đại lý kênh phân phối hàng đặc chủng; đại lý nghiệp vụ thương mại bất động sản; đại lý mua hàng qua bưu điện; đại lý mua hàng qua mạng; tổng đại lý khu vực xây dựng đội ngũ quản lý để khai thác, phát triển một cách chuyên nghiệp hoá theo từng loại hình kênh phân phối.

2.4.4.4. Phát triển mô hình tổ chức kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại

Phát triển các mô hình tổ chức kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại theo các hình thức sau:

+ Cửa hàng bán lẻ;

+ Công ty, chi nhánh - văn phòng đại diện;

+ Tổng đại lý khu vực và đại lý;

+ Bán hàng trực tiếp từ kho;

+ Kinh doanh theo hợp đồng nhượng quyền thương mại;

+ Doanh nghiệp bán lẻ lớn;

2.4.5. Định hướng phát triển các thành phần kinh tế hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh.

Trong nền kinh tế thị trường, sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp thương mại thuộc mọi thành phần kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

+ Định hướng phát triển doanh nghiệp thương mại có vốn của Nhà nước:

Định hướng phát triển cơ bản của doanh nghiệp thương mại có phần vốn của Nhà nước là hướng vào việc thực hiện vai trò nòng cốt trong một số kênh, một số hệ thống phân phối của một số ngành hàng thuộc diện quan trọng và đặc thù, tập trung vào những hoạt động hoặc những địa bàn mà các thành phần kinh tế khác chưa có điều kiện kinh doanh.

+ Định hướng phát triển các thành phần thương mại khác:

- Hợp tác xã thương mại:

Bên cạnh thương mại có vốn Nhà nước, khuyến khích phát triển các loại hình hợp tác xã thương mại; đặc biệt là các HTX cung - tiêu hay HTX thương mại - dịch vụ và hệ thống thu mua của những người buôn chuyến. Trong đó, các HTX thương mại - dịch vụ là nền móng để phát triển thương mại lớn trên thị trường. Hợp tác xã thương mại là một hình thức tổ chức kinh tế đang được Đảng và Nhà nước khuyến khích phát triển.

Vai trò của HTX thương mại - dịch vụ rất quan trọng, đặc biệt ở tỉnh có nhiều địa bàn nông thôn, miền núi như Nghệ An. Trong điều kiện của nền sản xuất nhỏ, phân tán, thành phần thương mại HTX được xem là những hạt nhân cơ bản để thúc đẩy quá trình liên kết và phát triển thị trường, đặc biệt là quá trình liên kết các hộ sản xuất ở khu vực nông thôn để tạo nên quy mô sản xuất đủ lớn, có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các HTX thương mại - dịch vụ là mầm mống để phát triển thương mại quy mô lớn trên thị trường, đòi hỏi được tổ chức phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế của tỉnh. Thiết lập mạng lưới HTX thương mại - dịch vụ sẽ tạo ra hệ thống vệ tinh là các đại lý cung ứng hàng phục vụ sản xuất, tiêu dùng hoặc thu gom sản phẩm, đặc biệt là hàng xuất khẩu cho các doanh nghiệp thương mại.

Định hướng và bồi dưỡng các HTX thương mại - dịch vụ do nông dân thành lập. Hỗ trợ và khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể tự nguyện thành lập hợp tác xã thương mại - dịch vụ để phát triển và hoạt động kinh doanh. Tổ chức này cần được hỗ trợ để hiểu và nắm vững phương hướng sản xuất và động thái thị trường, thống nhất tổ chức tiêu thụ sản phẩm, đồng thời thông qua thống nhất thoả thuận mua bán mà nâng cao vị trí và năng lực mặc cả của những tổ chức này trong quá trình đàm phán, nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất cho thành viên.

ở thành thị, hợp tác xã thương mại - dịch vụ được phát triển trên cơ sở liên kết các hộ kinh doanh nhỏ ở các đường phố thương mại, ở các chợ truyền thống để trở thành các liên minh mua và bán hàng hoá, thực hiện được phân công và hợp tác giữa các thành viên, đảm bảo vừa mở rộng quy mô kinh doanh, vừa tiết giảm chi phí, vừa có sức cạnh tranh cao hơn, đồng thời tạo cơ sở và điều kiện thuận lợi để chuyển đổi các chợ, các đường phố thương mại truyền thống sang hình thức thương mại hiện đại; Phát triển hợp tác xã thương mại - dịch vụ cho các đối tượng tiêu thụ lớn, thường xuyên và ổn định, như ở các công sở, các khu dân cư, các khu, cụm công nghiệp,...

- Thương mại tư nhân:

Trong ngành thương mại Nghệ An, hoạt động của thương mại tư nhân chiếm một phần quan trọng trong tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ xã hội. Thành phần thương mại tư nhân là lực lượng chủ yếu trên thị trường, là nòng cốt thực hiện khâu bán lẻ hàng hoá, đồng thời cũng chính là lực lượng khai thác, phát triển các thị trường cung ứng và tiêu thụ các sản phẩm có quy mô vừa và nhỏ. Những năm vừa qua, kinh tế tư nhân đã có những đóng góp lớn vào thành tích của ngành thương mại trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, do quy mô nhỏ bé, phương thức kinh doanh còn lạc hậu, phân bố phân tán, lại chưa được sự hỗ trợ cần thiết của Nhà nước nên hiệu quả và sức cạnh tranh còn yếu, đang là thách thức lớn đối với ngành thương mại Nghệ An, đặc biệt khi thị trường dịch vụ phân phối nước ta mở cửa và hội nhập kinh tế vào khu vực và thế giới.

Định hướng phát triển thương mại tư nhân như sau:

+ Phát triển thành phần thương mại tư nhân tại các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, chợ đầu mối, khu thương mại - dịch vụ và đường phố thương mại.

+ Hỗ trợ thương mại tư nhân thực hiện tích tụ và tập trung vốn, khuyến khích các hộ kinh doanh lớn phát triển thành các công ty thương mại có quy mô và phạm vi hoạt động rộng, áp dụng phương thức kinh doanh hiện đại, nâng cao khả năng cạnh tranh để trở thành lực lượng chính cùng với thành phần thương mại khác phát triển thị trường và đẩy mạnh hoạt động thương mại của tỉnh.

+ Đối với các hộ kinh doanh nhỏ cần có những định hướng phát triển phù hợp để họ tham gia tích cực vào các hoạt động thương mại, đặc biệt ở khu vực kém phát triển. Trợ giúp họ dần chuyển đổi phương thức kinh doanh từ truyền thống sang hiện đại; tuyên truyền và áp dụng nhiều biện pháp thúc đẩy phát triển các liên kết giữa các công ty thương mại lớn, vừa và nhỏ với các hộ kinh doanh bằng nhiều hình thức để hình thành nhiều hệ thống phân phối đa dạng, thực hiện phân công và hợp tác trên cơ sở thế mạnh của mỗi thành viên, mở rộng quy mô và mạng lưới bán hàng, xây dựng thương hiệu phân phối của từng hệ thống,

- Thu hút đầu tư nước ngoài.

Thu hút các doanh nghiệp nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực phân phối bán buôn, bán lẻ trên thế giới vào ngành thương mại Nghệ An nhằm hiện đại hoá ngành với tốc độ nhanh hơn; khuyến khích và ưu đãi đối với đầu tư nước ngoài vào những loại hình dịch vụ phân phối chất lượng cao, hiện đại, quy mô lớn, như các siêu thị hạng I, cửa hàng bách hoá, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, trung tâm bán buôn, chợ bán buôn nông sản....; thúc đẩy và khuyến khích liên kết giữa các công ty phân phối nước ngoài với các nhà cung ứng hàng hoá trong nước.

2.4.6. Định hướng phát triển dịch vụ phụ trợ của ngành thương mại

- Các dịch vụ phụ trợ liên quan đến quá trình phân phối hàng hoá như: bảo quản, lưu kho; lắp ráp, sắp xếp và phân loại hàng hoá có khối lượng lớn, bốc dỡ và phân phối lại đối với hàng hoá khối lượng nhỏ; dịch vụ giao hàng; dịch vụ bảo quản lạnh; các dịch vụ khuyến mãi do những người bán buôn thực hiện; các dịch vụ liên quan đến việc kinh doanh của người bán lẻ (chế biến phục vụ cho bán hàng..); bãi đỗ xe;

- Chuyên nghiệp hoá các dịch vụ phụ trợ phù hợp với các quá trình chuyên nghiệp hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá của ngành thương mại;

- Tập trung hoá việc đầu tư các khu dịch vụ phụ trợ của ngành thương mại, đảm bảo cung ứng dịch vụ đầy đủ và thuận lợi, chi phí thấp cho các nhà phân phối;

- Tổ chức các dịch vụ phụ trợ ở các Trung tâm bán buôn, chợ đầu mối, trung tâm logistics, các trung tâm mua sắm...

- Khuyến khích và hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ phụ trợ áp dụng các phương thức, thiết bị, công nghệ tiên tiến;

- Thu hút các nguồn lực theo hướng xã hội hoá vào phát triển các dịch vụ phụ trợ của ngành thương mại.

2.5. Định hướng phân bố cơ cấu bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020

Định hướng chung

- Quy hoạch mạng lưới thương mại cần lấy việc xây dựng hệ thống thị trường hàng hoá thống nhất và mở cửa, có sức cạnh tranh và có trật tự làm mục tiêu, lấy việc đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao mức sống của người dân làm điểm xuất phát, lấy việc tối ưu hoá cấu trúc các hệ thống thị trường và điều chỉnh cơ cấu thị trường làm hướng chủ đạo. Đồng thời, tránh việc xây dựng trùng lặp hoặc xây dựng ở trình độ thấp, vừa gây lãng phí nguồn lực của xã hội, vừa dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, nhờ vậy thúc đẩy phát triển hài hoà kinh tế và xã hội của tỉnh.

- Các nguyên tắc cơ bản của quy hoạch mạng lưới thương mại:

+ Quy hoạch mạng lưới thương mại cần có sự phối kết hợp chặt chẽ với quy hoạch xây dựng của tỉnh Nghệ An. Xây dựng mạng lưới thương mại cần được coi là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng của tỉnh, quy hoạch mạng lưới thương mại là một bộ phận quan trọng cấu thành trong quy hoạch xây dựng tổng thể của tỉnh. Việc xây dựng quy hoạch mạng lưới thương mại cần căn cứ theo yêu cầu, phân bố dân cư, nhu cầu tiêu thụ, hệ thống giao thông, cảnh quan văn hoá, bảo vệ môi trường, đồng thời kết hợp với sự phát triển của các ngành sản xuất có liên quan và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

+ Quy hoạch mạng lưới thương mại phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của địa phương. Cần nghiên cứu một cách đầy đủ về thực trạng mạng lưới thương mại hiện có, nhu cầu thị trường, mức độ tiêu dùng của địa phương và các khu vực xung quanh. Xác định một cách hợp lý cơ cấu ngành, tiêu chuẩn, quy mô, số lượng các điểm kinh doanh thương mại trong khi quy hoạch, tránh xây dựng trùng lặp và xây dựng lớn vượt quá so với nhu cầu, đồng thời cần giữ lại đất dư cho sự phát triển trong tương lai.

+ Quy hoạch mạng lưới thương mại cần phối kết hợp nhằm tối ưu hoá việc phân bố và điều chỉnh cơ cấu ngành. Cần phát triển các doanh nghiệp bán lẻ theo phương thức mới bên cạnh việc điều chỉnh, nâng cao và đưa các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống đi vào nề nếp. Các địa bàn mà ngành thương mại đang bị hạn chế về năng lực cạnh tranh cần tăng cường các điểm thương mại, các địa bàn mà ngành thương mại có sức cạnh tranh mạnh thì cần kiểm soát chặt chẽ mạng lưới thương mại tăng thêm. Cần căn cứ vào các đặc điểm khác nhau của các khu vực để quy hoạch một cách hợp lý các cơ cấu bán buôn và bán lẻ và các khu dịch vụ phụ trợ.

+ Kết hợp hài hoà các loại hình thương mại quy mô lớn với các cửa hàng vừa và nhỏ. Các loại hình thương mại quy mô lớn có ưu thế cạnh tranh rất mạnh mẽ, nếu phát triển tuỳ tiện, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự tồn tại của các cửa hàng vừa và nhỏ. Các loại hình thương mại bán lẻ quy mô lớn có lợi thế về giá hàng hoá thấp, chủng loại hàng hoá phong phú, trong khi các cửa hàng bán lẻ vừa và nhỏ lại nằm rải rác trong các khu dân cư, lại có ưu thế là rất tiện lợi trong mua sắm hàng hoá.

+ Kết hợp vai trò của cơ chế thị trường với chức năng điều tiết của Nhà nước bằng quy hoạch. Việc xây dựng quy hoạch mạng lưới thương mại cần thể hiện rõ được ý đồ quản lý xã hội của chính quyền, lại cần tôn trọng các quy luật kinh tế thị trường. Cần phát huy một cách thực sự vai trò chỉ đạo và định hướng đầu tư vốn trong xã hội, giảm thiểu việc xây dựng trùng lặp, phát triển bừa bãi và cạnh tranh không lành mạnh của mạng lưới thương mại.

Quy chế Siêu thị, Trung tâm thương mại ban hành kèm theo Quyết định số 1371/2004/QĐ- BTM ngày 24/ 09/2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại thì Trung tâm thương mại (TTTM) được hiểu như sau:

Trung tâm thương mại là một loại hình tổ chức kinh doanh thương mại hiện đại, đa chức năng bao gồm tổ hợp các loại hình của hàng, cơ sở hoạt động dịch vụ, hội trường phòng họp, văn phòng cho thuê được bố trí tập trung liên hoàn trong một hoặc một hoặc một số công trình kiến trúc liền kề, đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh, trang bị kỹ thuật và trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh, có các phương thức phục vụ văn minh thuận tiện đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động kinh doanh của tư nhân và thỏa mãn nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ của khách hàng.

Có thể nói, trong nền kinh tế hiện đại, nhu cầu tiêu dùng, hình thức sản xuất và phân phối có những bước phát triển vượt bậc, vai trò của TTTM ngày càng trở nên quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. Những vai trò cơ bản như: là hạt nhân trong các hoạt động thương mại; là nơi thu, phát tập trung các thông tin kinh tế - xã hội; kích thích sản xuất, tiêu dùng; tạo công việc làm; tạo nguồn thu ngân sách. Các TTTM không chỉ hỗ trợ cho việc mở rộng thị trường của sản phẩm hàng hoá tới trong và ngoài nước, mà còn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế.

Hiện nay, cách hiểu và quan niệm của nhiều địa phương về TTTM rất khác nhau và nhiều khi có sự nhầm lẫn. Trên thực tế, ngay cả những địa phương lớn như Tp. Hồ Chí Minh hay Hà Nội thì hầu hết số cơ sở hiện đang được gọi là TTTM đều không đạt tiêu chuẩn theo Quyết định 1371. Căn cứ vào tốc độ phát triển thương mại của tỉnh Nghệ An trong thời gian qua, mạng lưới trung tâm thương mại của tỉnh cần được phát triển theo hướng có các trung tâm thương mại được chuyên biệt hoá, như Trung tâm mua sắm (phục vụ cho bán lẻ hàng hoá là chính); Trung tâm bán buôn (phục vụ cho bán buôn là chính), gồm: Trung tâm thương mại bán buôn tổng hợp hàng công nghiệp tiêu dùng và Trung tâm thương mại bán buôn hàng vật tư sản xuất; và Trung tâm văn phòng đại diện thương mại.

2.5.1. Định hướng phân bố cơ cấu bán buôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An

a) Chợ bán đầu mối nông sản đa ngành và chuyên ngành:

- Chợ đầu mối bán buôn nông sản tổng hợp cấp vùng: Thực hiện các chức năng tập hợp và phân phối nông sản, bán buôn và một phần bán lẻ, cung cấp đầy đủ dịch vụ chuyên nghiệp cho các hoạt động giao dịch, mua bán, giao nhận, vận chuyển, phân loại, đóng gói, chế biến, bảo quản, kiểm tra hàng hoá và các dịch vụ tài chính, thông tin, môi giới, xuất - nhập khẩu nông sản mau hỏng...

* Số lượng chợ bán buôn nông sản tổng hợp cấp vùng (Chợ đầu mối nông sản Miền trung): 1 chợ (huyện Nghi Lộc)

* Địa điểm: Cách trung tâm thành phố Vinh 10-20 km, trục giao thoa của các tuyến giao thông, phù hợp theo dòng lưu chuyển hàng hoá

* Diện tích: tối thiểu 50.000 m2.

* Cấu trúc: 3 Khu chủ yếu: Khu giao dịch (ngoài trời và trong nhà); Khu quản lý và dịch vụ; Khu kho tàng và đóng gói.

- Chợ đầu mối bán chuyên ngành: Thực hiện các chức năng tập hợp và phân phối thuỷ sản tại cảng biển, vùng nuôi trồng thuỷ sản lớn và là đầu mối tập trung, bán buôn và một phần bán lẻ, cung cấp đầy đủ dịch vụ chuyên nghiệp cho các hoạt động giao dịch, mua bán, giao nhận, vận chuyển, phân loại, đóng gói, chế biến, bảo quản, kiểm tra hàng hoá và các dịch vụ tài chính, thông tin, môi giới, ...

* Số lượng: 2 chợ

* Địa điểm: Tại huyện Diễn Châu và Thị xã Cửa Lò.

* Diện tích: tối thiểu 15.000 m2 /chợ.

Vốn đầu tư xây dựng chợ đầu mối chủ yếu là vốn đầu tư của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả doanh nghiệp nước ngoài đầu tư hoặc liên doanh, hợp tác đầu tư, vốn góp hoặc tiền thuê diện tích kinh doanh của thương nhân trong chợ và ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng (mặt bằng, nền, đường giao thông, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, tường rào bao quanh...);

- Để hình thức tổ chức thị trường trung tâm qua mạng lưới các chợ đầu mối trở nên quen thuộc, phải có sự quan tâm đến việc chiêu thương vào kinh doanh trong chợ như miễn thu phí trong thời gian đầu, được tham gia vào các dự án của Chính phủ, được vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi...; thông qua các phương tiện thông tin tuyên truyền đại chúng để nâng cao hiểu biết vai trò của chợ và giới thiệu chợ đến với công chúng và thu hút các khách hàng lớn ở các nơi đến kinh doanh trong chợ; Thông qua các hình thức hội chợ, triển lãm để thu hút nhiều nông sản của Nghệ An, của các vùng miền vào chợ, từ đó thúc đẩy các giao dịch mua - bán trên quy mô lớn hơn, đồng thời tăng thêm sức hấp dẫn cho chợ; Thực hiện cơ chế thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa các nhà sản xuất và chợ để từ đó đảm bảo chất lượng, cơ cấu, số lượng hàng hoá và thời gian giao dịch mua - bán nông sản trong chợ;

- Quá trình hiện đại hoá chợ đầu mối có thể theo từng giai đoạn, từ chợ bán buôn nông sản, mở rộng thành đầu mối xuất nhập khẩu nông sản, rồi phát triển thành trung tâm giao dịch nông sản đa sản phẩm của tỉnh, của vùng. Để khai thác các cơ hội thị trường trong hội nhập với thị trường nông sản khu vực.

b) Trung tâm thương mại bán buôn tổng hợp hàng công nghiệp tiêu dùng: Khu vực bao gồm nhiều doanh nghiệp bán buôn, các nhà môi giới thương mại, kho của nhà sản xuất, tổng kho của các nhà bán buôn và bán lẻ, các doanh nghiệp hỗ trợ khác...

* Quy mô: diện tích 100.000 m2; Đảm bảo cho mức lưu chuyển hàng hoá của 1.000 xe ô tô;

* Địa điểm: Khu vực ngoại vi Thành phố Vinh;

* Số lượng: 1 trung tâm;

* Cấu trúc: Khu giao dịch; Khu kho; Khu dịch vụ.

c) Trung tâm thương mại bán buôn hàng vật tư sản xuất: Khu vực dành cho các nhà sản xuất, đại diện thương mại, công ty bán buôn ... thường xuyên trưng bày hàng mẫu, triển lãm bán hàng, giới thiệu hàng hoá và bán buôn hàng vật tư sản xuất.

* Quy mô: Tuỳ thuộc cơ cấu hàng vật tư cho các ngành sản xuất khác nhau được giao dịch mà có diện tích từ 100.000 m2 - 200.000 m2;

* Địa điểm: Cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 15-20 km, gần hoặc ở trong các khu công nghiệp, giao thông thuận lợi;

* Số lượng: 1 trung tâm;

* Cấu trúc: Khu giao dịch; khu trưng bày và triển lãm hàng hoá; khu kho; khu dịch vụ.

d) Trung tâm đại diện thương mại: Phục vụ nhiều doanh nghiệp đại diện thương mại gắn liền với trưng bày hàng mẫu, sử dụng chung các diện tích văn phòng, diện tích kho, bãi để hàng, thiết bị thông tin hay bãi đỗ xe...

* Quy mô: Diện tích từ 10.000 m2 trở lên;

* Địa điểm: Khu vực ngoại vi thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò

* Số lượng: 2 trung tâm

* Cấu trúc: khu văn phòng đại diện; khu trưng bày hàng mẫu; khu dịch vụ; khu kho và bãi đỗ xe.

2.5.2. Định hướng phân bố cơ cấu bán lẻ trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Các loại hình bán lẻ cần có nơi và không gian để tiến hành bày bán và tiêu thụ hàng hóa cố định, đồng thời họat động mua hàng của người tiêu dùng chủ yếu được thực hiện trong nơi này. Các loại hình trong mạng lưới bán lẻ cần đáp ứng theo các tiêu chuẩn cơ bản như:

a) Siêu thị (Super market): Là loại hình bán lẻ có giá bán hàng, tập trung thu tiền, đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng ở các khu vực có mức thu nhập từ 500 - 600 USD/ năm trở lên. Căn cứ theo cơ cấu hàng hóa, có thể phân thành siêu thị chuyên doanh và siêu thị tổng hợp.

* Siêu thị chuyên doanh: là một hình thái bán lẻ áp dụng phương pháp bán hàng tự chọn, chủ yếu bán các mặt hàng chuyên doanh (như thực phẩm, hải sản, thực phẩm phụ, đồ dùng sinh hoạt thoả mãn nhu cầu mua sắm hàng ngày của khách hàng).

- Địa điểm kinh doanh: khu dân cư, giao thông thuận tiện, khu thương mại.        

- Đối tượng khách hàng chủ yếu là cư dân địa phương, 15 phút họ có thể đến siêu thị.

- Diện tích kinh doanh: 400- 1000m2

- Cơ cấu mặt hàng: chủ yếu là các mặt hàng được khách hàng mua nhiều.

- Áp dụng hình thức bán hàng tự chọn, cửa ra vào phân biệt, thanh toán được tiến hành tại máy thu ngân đặt tại lối ra.

- Mỗi ngày kinh doanh không dưới 11 giờ.

- Có chỗ đỗ xe nhất định.

* Siêu thị tổng hợp: là một hình thái bán lẻ áp dụng phương pháp bán hàng tự chọn, chủ yếu bán các mặt hàng đại chúng, thoả mãn nhu cầu mua sắm một lần của khách hàng.

- Địa điểm kinh doanh: nơi giao thoa giữa thành thị và nông thôn, trong các khu đô thị mới, giao thông thuận tiện.

- Diện tích kinh doanh: khoảng 2.500m2 trở lên.

- Cơ cấu mặt hàng: chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng, chú trọng phát triển thương hiệu của doanh nghiệp.

- Áp dụng hình thức bán hàng tự chọn.

- Có chỗ đỗ xe tương ứng với cửa hàng.

b) Các loại cửa hàng

- Cửa hàng bán đồ ăn (Traditional Grocery Store)

Chủ yếu bán thuốc lá, rượu, đồ uống, đồ ăn nhẹ, là loại hình bán lẻ độc lập, truyền thống không có hình tượng thương hiệu rõ rệt.

- Cửa hàng tiện lợi (Convenience Store)

Cửa hàng tiện lợi là một hình thái bán lẻ nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu mua sắm thuận tiện của khách hàng.

* Địa điểm kinh doanh: khu dân cư, gần nơi công sở, trung tâm vui chơi giải trí, bệnh viện, bến xe và các điểm trên đường quốc lộ chính.

* Diện tích kinh doanh: khoảng 100 m2.

* Thời gian đi đến mua hàng từ 5-7 phút, 80% khách hàng có mục đích mua hàng.

* Cơ cấu mặt hàng: là các mặt hàng cần thiết cho tiêu dùng hàng ngày, nhỏ, nhẹ như thực phẩm, đồ uống và các tạp phẩm.

* Thời gian kinh doanh dài, từ 10 - 24h, ngày cuối tuần, lễ, tết đều không nghỉ.

* Phương thức kinh doanh: các kệ giá hàng tự chọn, thanh toán tại quầy thu ngân.

- Cửa hàng chuyên doanh (Exclusive shop): Loại hình bán lẻ chủ yếu chuyên kinh doanh hoặc được ủy quyền kinh doanh một loại hàng hóa chính nào đó. Cửa hàng chuyên doanh là một hình thái bán lẻ chuyên bán một chủng loại hàng nào đó, có các nhân viên bán hàng được trang bị kiến thức đầy đủ về chủng loại mặt hàng này và có dịch vụ hậu mãi phù hợp, đáp ứng nhu cầu lựa chọn của khách hàng cho loại hình sản phẩm này.

* Địa điểm kinh doanh: đa dạng, đại đa số cửa hàng đặt tại trung tâm thành phố tấp nập, phố mua bán, bách hoá tổng hợp hoặc trung tâm thương mại.

* Diện tích kinh doanh căn cứ theo đặc điểm của mặt hàng kinh doanh chính.

* Cơ cấu mặt hàng thể hiện tính chuyên nghiệp, chiều sâu, chủng loại đa dạng, nhiều cơ hội lựa chọn, mặt hàng kinh doanh chính chiếm 90%.

* Mặt hàng, thương hiệu kinh doanh phải có được nét đặc biệt riêng.

* Áp dụng hình thức bán hàng định giá.

* Nhân viên bán hàng cần phải có kiến thức chuyên ngành.

- Cửa hàng đồ hiệu: Cửa hàng đồ hiệu là một hình thái bán lẻ chuyên bán hoặc được quyền bán một thương hiệu hàng nào đó, phù hợp nhu cầu lựa chọn của khách hàng cho thương hiệu này và thương hiệu trung gian.

* Địa điểm kinh doanh đa dạng, đại đa số cửa hàng đặt tại trung tâm thành phố tấp nập, phố mua bán, hoặc trong trung tâm thương mại.

* Cơ cấu mặt hàng là những thương hiệu nổi tiếng và những thương hiệu đại chúng.

* Lượng hàng kinh doanh không lớn nhưng chất lượng và lợi nhuận cao.

* Áp dụng hình thức bán hàng định giá.

* Phải chú trọng việc khẳng định thương hiệu, nhân viên bán hàng cần phải có kiến thức chuyên ngành.

- Cửa hàng bán đồ chuyên ngành (Speciality Store):         Loại hình bán lẻ chuyên kinh doanh một ngành hàng hóa nào đó. Ví dụ như cửa hàng văn phòng phẩm, cửa hàng đồ chơi, cửa hàng đồ điện gia dụng, cửa hàng thuốc, cửa hàng trang sức...

c) Trung tâm mua sắm (Shopping Center/ Shopping Mall): Là một khu tập trung các hoạt động thương mại, có nhiều cửa hàng bán lẻ và dịch vụ tập trung tại một khu vực kiến trúc hoặc một khu vực do doanh nghiệp quản lý kinh doanh, phát triển có kế hoạch, bộ máy quản lí chuyên nghiệp. Cung cấp dịch vụ mang tính tổng hợp cho người tiêu dùng.

- Cấu trúc của trung tâm mua sắm bao gồm các hạt nhân là cửa hàng bách hoá, siêu thị và các cửa hàng chuyên doanh,... và các dãy cửa hàng. Cửa hàng hạt nhân không vượt quá 80% diện tích của trung tâm. Có các dịch vụ phụ trợ cho bán lẻ, giải trí,... được bố trí tập trung và có bãi đỗ xe rộng.

- Định hướng địa điểm kinh doanh của trung tâm mua sắm là ở nơi giao thông thuận lợi, tại các khu thương mại trung tâm, nơi giao thoa giữa thành thị và nông thôn.

- Trung tâm mua sắm có thể được phát triển từ các chợ trung tâm thị trấn huyện, thị xã (trong đó vẫn tồn tại chợ thực phẩm tươi sống phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của nhân dân trong khu vực).

* Trung tâm mua sắm bên ngoài được thiết kế đẹp đẽ, cuốn hút khách hàng, bên trong sang trọng, thanh nhã, áp dụng cho thuê hoặc bán gian hàng. Theo địa điểm kinh doanh, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có thể phát triển 3 loại Trung tâm mua sắm:

1. Trung tâm mua sắm được xây dựng tại khu trung tâm thương mại của thành phố, diện tích kinh doanh 7.000- 10.000 m2.

2. Trung tâm mua sắm xây dựng tại các khu đô thị lớn, diện tích kinh doanh 10.000- 15.000 m2.

3. Trung tâm mua sắm được xây dựng tại khu thương mại - dịch vụ tổng hợp của các huyện, thị xã diện tích kinh doanh 10.000 m2.

d) Chợ bán lẻ: Phân bố chủ yếu ở khu vực nông thôn đặc biệt ở vùng miền núi khó khăn và đáp ứng các yêu cầu kinh tế - kỹ thuật theo tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành.

III. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI THEO CÁC LOẠI HÌNH TỔ CHỨC KINH DOANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN THỜI KỲ ĐẾN 2020

3.1. Phát triển mạng lưới chợ

3.1.1. Nguyên tắc phát triển

- Tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi địa bàn tỉnh, đảm bảo sự phát triển hài hoà giữa chợ và các loại hình thương mại khác, phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế và sự gia tăng hoạt động thương mại.

- Tích cực đẩy nhanh quá trình xã hội hoá hoạt động đầu tư để vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, vừa nâng cao hiệu quả tài chính trong đầu tư phát triển mạng lưới chợ.

- Tăng cường quản lý và quản lý thống nhất vốn hỗ trợ đầu tư phát triển chợ của Nhà nước cả trong quá trình thực hiện đầu tư và trong quá trình khai thác, sử dụng kết quả đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả tài chính của Nhà nước trong đầu tư phát triển mạng lưới chợ.

- Nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển chợ trên cơ sở khai thác năng lực phục vụ của mạng lưới chợ

3.1.2. Phương hướng phát triển

+ Chợ thành thị

- Hạn chế xây dựng mới các chợ ở khu vực nội thành;

- Lựa chọn để nâng cấp, cải tạo một số chợ quy mô lớn hiện có thành một số chợ trung tâm của tỉnh và huyện với quy mô chợ loại I hoặc chuyển hoá chợ trung tâm thị trấn thành các trung tâm mua sắm, khang trang và hiện đại, phù hợp với quần thể kiến trúc xung quanh, cùng với các siêu thị, đường phố thương mại quanh khu vực chợ để hình thành nên các khu thương mại - dịch vụ tổng hợp của tỉnh, thị xã, thị trấn huyện;

- Từng bước chuyển hoá các chợ dân sinh loại nhỏ (có diện tích đất chợ < 2.000m2) thành các siêu thị hạng III, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi;

+ Chợ Nông thôn, miền núi

Về phương diện xã hội, chợ là nơi thể hiện, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc, nhất là đối với đồng bào dân tộc miền núi, chợ là nơi gắn kết các bộ phận dân cư khác nhau theo nơi cư trú, nghề nghiệp. ở miền núi, chợ là nơi sinh hoạt văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc, người dân đến chợ không chỉ với mục đích là mua bán hàng hoá mà còn để giao tiếp, gặp gỡ người thân, trao đổi công việc - kể cả dựng vợ gả chồng cho con cái. Vì vậy ở đây xuất hiện từ chơi chợ, xuống chợ. ở miền núi, chợ là nơi duy nhất tụ họp đông người, có đông đủ đại diện của các lứa tuổi, các dân tộc, các dòng họ, vì vậy đã từ lâu chính quyền đã lấy chợ phiên là nơi phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, là nơi tuyên truyền vận động bà con cảnh giác với những phần tử xấu phao tin, đồn nhảm hoặc xuyên tạc chủ trương gây mất ổn định xã hội. Nét sinh hoạt văn hoá ở chợ miền núi, vùng cao đang là yếu tố thu hút khách du lịch trong và ngoài nước ngày một nhiều hơn. Chính vì vậy. trong thời kỳ đến năm 2015, Nghệ An cầng chú trọng củng cố mạng lưới chợ này, cụ thể:

- Từng bước cải tạo, xây dựng mới và mở rộng mạng lưới chợ nông thôn, làm nơi trao đổi, buôn bán hàng hóa thuận lợi cho nông dân. Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tập trung đầu tư các chợ trung tâm cụm xã và xã, các điểm dân cư tập trung, duy trì tốt chế độ chợ phiên, chợ chuyên doanh (chợ trâu, bò, dê,...) đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân;

- Cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới các chợ thị trấn, thị tứ thành các chợ lớn hơn, có quy mô chợ hạng I, II để trở thành chợ trung tâm của huyện hoặc của một tiểu vùng gồm nhiều xã trong huyện, làm hạt nhân của mạng lưới chợ dân sinh ở các xã; Lấy chợ làm hạt nhân, tổ chức quanh khu vực ảnh hưởng của chợ các loại hình thương mại, dịch vụ khác để hình thành các Khu thương mại - dịch vụ tổng hợp ở các địa bàn;

- Vốn đầu tư để hoàn thiện mạng lưới chợ nông thôn được huy động từ các nguồn hỗ trợ của Ngân sách nhà nước, lồng ghép với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của trung ương và địa phương; và từ các hộ kinh doanh trong chợ góp vốn trước rồi thuê lại quầy, sạp, cửa hàng trong chợ sau.

+ Chợ đầu mối nông, thuỷ sản

- Để thúc đẩy lưu thông hàng hoá ở nông thôn, đảm bảo nhu cầu xuất khẩu, với ưu thế địa kinh tế, giai đoạn tới, trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ hình thành một số chợ đầu mối nông sản, thuỷ sản.

Những chợ đầu mối này có quy mô lớn và tổ chức hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, tiến đến phát triển thành một sàn giao dịch chuyên về nông sản, thuỷ sản ở vùng Bắc Trung Bộ. Những điều kiện phục vụ kinh doanh của chợ đầu mối không chỉ bao gồm điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật, mà quan trọng hơn là những hoạt động hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán như dịch vụ kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm, thông tin, giao dịch, đấu giá, thanh toán, vận chuyển, giao nhận hàng hoá, đóng gói, bảo quản, lưu giữ, xuất, nhập khẩu hàng hoá;

- Vốn đầu tư xây dựng chợ đầu mối chủ yếu là vốn đầu tư của các loại hình doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả doanh nghiệp nước ngoài đầu tư hoặc liên doanh, hợp tác đầu tư, vốn góp hoặc tiền thuê diện tích kinh doanh của thương nhân trong chợ và ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng (mặt bằng, nền, đường giao thông, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, tường rào bao quanh...);

- Quá trình hiện đại hoá chợ bán buôn nông sản có thể theo từng giai đoạn, từ chợ bán buôn nông sản, mở rộng thành đầu mối xuất nhập khẩu nông sản, rồi phát triển thành trung tâm giao dịch nông sản đa sản phẩm của tỉnh, của vùng, nhằm khai thác các cơ hội thị trường, hội nhập với thị trường nông sản khu vực.

- Vị trí đặt chợ đầu mối phải thuận lợi, đáp ứng được vai trò vừa là nơi tập kết nguồn hàng nông sản của các địa phương trong nước để bảo quản, gia công, phân loại, đóng gói và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, vừa là nơi phân phối đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn.

+ Chợ biên giới, cửa khẩu: Loại hình chợ này thực chất cũng là chợ dân sinh, tức là phục vụ cho nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hoá thiết yếu cho bộ phận dân cư sở tại. Nhưng do vị trí địa lý, cùng với sự phát triển và giao lưu kinh tế, văn hoá giữa nhân dân các nước ở vùng biên giới, chợ không chỉ phục vụ nhu cầu của dân nội vùng, của khách vãng lai mà còn thoả mãn nhu cầu của nhân dân bên kia biên giới nữa. Tuỳ thuộc vào mức sống của người dân hai bên biên giới, chợ có thể phát triển rất mạnh và có thể là cầu nối cho hoạt động xuất nhập khẩu giữa các nước.

Phạm vi ảnh hưởng của loại hình chợ này, như trên đã phân tích, có thể rất rộng, nhưng cũng có thể chỉ bó hẹp phục vụ nhu cầu của cụm dân cư ở hai bên biên giới. Vị trí, vai trò của loại chợ này, ngoài chức năng chủ yếu là nơi trao đổi mua bán hàng hoá ra, nó còn là nơi giao lưu văn hoá, thể hiện tình hữu nghị giữa các nước có đường biên giới chung và đồng thời nó cũng đóng vai trò như cột mốc chủ quyền về lãnh thổ của các quốc gia. Loại hình chợ này, tuỳ diều kiện phát triển kinh tế của vùng đó có thể được xây dựng lớn hay nhỏ, nhưng nhìn chung, quy mô thường ở loại III hoặc loại II với diện tích từ 3.000 - 8.000m2

+ Các loại chợ khác

* Chợ du lịch: ở các thành phố lớn hoặc ở các khu du lịch lớn, người ta thường tổ chức chợ du lịch, mục đích xây dựng loại hình chợ này để quảng bá các sản phẩm du lịch là chính, việc trao đổi mua bán hàng hoá thiết yếu cũng có nhưng chỉ thu hẹp ở các loại sản phẩm đặc sản của vùng hoặc quà lưu niệm. Cũng có nơi người ta dành riêng một khu vực để bán hàng ăn, giới thiệu cho khách du lịch các món ăn của địa phương.

Loại hình chợ này thường được mở theo phiên (vào thứ bảy, chủ nhật hay vào các dịp lễ tết). Địa điểm tổ chức có thể chỉ là một vài dãy phố trung tâm thành phố, hay dọc bờ biển với các gian hàng có thể tháo lắp dễ dàng. Hàng hoá mua bán trao đổi ở đây thường là đặc sản của vùng. Đối tượng đến đây thường là khách du lịch. Thời gian hoạt động của chợ có thể là ban ngày hoặc ban đêm.

Trong thời kỳ đến năm 2020, tiềm năng du lịch của tỉnh là rất lớn và phân bố rộng với nhiều loại hình du lịch khác nhau. Vì vậy, việc hình thành chợ du lịch trên địa bàn tỉnh cần có sự lựa chọn kỹ lưỡng về địa điểm cụ thể.

3.1.3. Phương hướng đổi mới quản lý chợ

- Đưa ra mục tiêu quản lý cần đạt được ở từng giai đoạn cụ thể trong quá trình phát triển của chợ. Chẳng hạn, đối với khu vực nông thôn, mục tiêu quản lý là nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại trong vùng quan trọng hơn mục tiêu đảm bảo cân đối thu - chi của chợ, nhưng đối với khu vực thành thị, mục tiêu quản lý cần đạt được sẽ toàn diện hơn, như đảm bảo tăng thêm nguồn thu cho ngân sách, đảm bảo văn minh đô thị, tạo việc làm cho dân cư đô thị,...;

- Từng bước tiến hành xây dựng mô hình tổ chức quản lý chợ và áp dụng thí điểm vào thực tế quản lý, tổng kết và rút kinh nghiệm. Sau đó, sẽ triển khai áp dụng thống nhất những mô hình tổ chức quản lý phù hợp với từng loại hình chợ;

- Xây dựng kế hoạch đào tạo và tuyển dụng những người trực tiếp tham gia quản lý, điều hành hoạt động chợ như là một nghề nghiệp có tính chuyên môn.

- Tổ chức bộ máy quản lý phải phù hợp với đặc điểm, hoạt động, quy mô và loại hình chợ trên từng địa bàn.

+ Đối với khu vực thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò, Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan ban ngành chức năng hướng dẫn giúp đỡ thành lập doanh nghiệp kinh doanh chợ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

+ Đối với các chợ ở các huyện chưa có điều kiện thành lập doanh nghiệp kinh doanh chợ, tiến hành tổ chức các Ban quản lý chợ, chịu sự quản lý của Phòng Công Thương huyện. Ban quản lý chợ là một đơn vị sự nghiệp có thu, tự trang trải các chi phí, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước; chịu trách nhiệm quản lý tài sản nhà nước và các hoạt động trong phạm vi chợ; thực hiện ký hợp đồng với thương nhân, …

+ Đối với các chợ tại trung tâm cụm xã, chợ tại xã do UBND xã quản lý theo hình thức: (1) thành lập Ban quản lý chợ và giao cho người làm công tác tài chính xã trực tiếp chỉ đạo điều hành; (2) giao cho HTX thương mại quản lý khai thác kinh doanh chợ.

Đối với các chợ bán lẻ nhỏ ở nội thành (thuộc Tp. Vinh và trung tâm thị xã, thị trấn), từng bước nâng cấp và chuyển hoá sang loại hình siêu thị và cửa hàng thực phẩm. Đối với các chợ tổng hợp ở trung tâm huyện, thị xã, từng bước nâng cấp, cải tạo thành các trung tâm mua sắm (lấy chợ làm hạt nhân).

Một số phương thức chuyển đổi đang được thực hiện

1) Phương thức giao quyền khai thác kinh doanh chợ cho một doanh nghiệp nhà nước.

2) Phương thức đấu thầu: bằng cách tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị có phương án khai thác, kinh doanh hiệu quả nhất

3) Phương thức lập công ty cổ phần kinh doanh chợ: số vốn của Nhà nước đã đầu tư xây dựng chợ giao cho ban quản lý sử dụng để tham gia vào cổ phần của công ty.

4) Phương thức giải thể ban quản lý chợ và thành lập doanh nghiệp mới: Mô hình quản lý có thể là công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty tư nhân hoặc Hợp tác xã.

3.2. Phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, trung tâm bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh

3.2.1. Phát triển mạng lưới siêu thị

Việc phát triển mạng lưới siêu thị về số lượng và quy mô không chỉ xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng của cư dân tỉnh Nghệ An ở từng khu vực, mà còn phải tính đến cả nhu cầu mua sắm của khách du lịch trong nước, quốc tế và khách vãng lai; đa dạng về loại hình, quy mô và phương thức kinh doanh. Đồng thời, việc phát triển mạng lưới siêu thị phải đảm bảo sự cân đối, cấu trúc hài hoà với các loại hình thương mại bán lẻ hiện đại khác như chợ, trung tâm mua sắm, cửa hàng bách hoá, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi ở các khu dân cư. Phân bố mạng lưới siêu thị phải đảm bảo bán kính và không gian phục vụ của từng quy mô siêu thị để vừa thu hút được khách hàng, vừa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của các đối tượng khách hàng, tránh cạnh tranh quá mức ở từng khu vực làm giảm hiệu quả kinh doanh của các siêu thị; Đồng thời phải phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh Nghệ An.

Giai đoạn từ nay đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Nghệ An cần xây mới một số siêu thị hạng II và III đứng độc lập hoặc nằm trong các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm. Hình thành 1 siêu thị hạng III tại mỗi huyện, thị trấn trên cơ sở cổ phần hoá và thu hút các cửa hàng bán lẻ thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào mạng lưới của siêu thị. Dự kiến đến 2020 trên địa bàn tỉnh có 92 siêu thị, trong đó có 02 siêu thị hạng II; 90 siêu thị hạng III (11 siêu thị chuyên doanh, 81 siêu thị tổng hợp).

3.2.2. Phát triển Trung tâm thương mại (trung tâm mua sắm, trung tâm đại diện thương mại, trung tâm bán buôn) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

* Nguyên tắc phân bố mạng lưới trung tâm thương mại:

+ Trung tâm thương mại là loại hình tổ chức thương mại hiện đại đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, do vậy việc xác định số lượng và quy mô của các trung tâm thương mại có ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả đầu tư của mạng lưới này, nếu quá nhiều sẽ không chỉ gây lãng phí nguồn lực xã hội mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của cả các ngân hàng. Cần phải căn cứ vào phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và thương mại trong từng giai đoạn của Tỉnh, Vùng Bắc Trung Bộ và cả nước để xác định số lượng và quy mô của trung tâm thương mại bán lẻ hoặc bán buôn, phải căn cứ vào số lượng, trình độ sử dụng dịch vụ của các đối tượng khách hàng được phục vụ để xác định số lượng và quy mô phù hợp;

+ Phân bố mạng lưới trung tâm thương mại phải phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể đô thị của Tỉnh; Phải đảm bảo sự phát triển đồng bộ của kết cấu hạ tầng kỹ thuật;

Định hướng đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ phát triển một số TTTM tại Tp. Vinh, thị xã Cửa Lò, khu vực cửa khẩu; phát triển trung tâm bán buôn và văn phòng đại diện tại Tp. Vinh, thị xã Cửa Lò; phát triển các trung tâm mua sắm tại thị trấn các huyện (có thể xây dựng mới, độc lập hoặc nâng cấp từ chợ trung tâm huyện).

Trung tâm thương mại của tỉnh tại thành phố Vinh cần tập trung vào các hoạt động giao dịch, xúc tiến thương mại và đầu tư, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cho các doanh nghiệp thương mại trong tỉnh, đặc biệt cần có các khu trưng bày, giới thiệu và bán buôn, bán lẻ các sản phẩm nổi trội của tỉnh. Trung tâm thương mại cần được phát triển đồng bộ các hoạt động thương mại và dịch vụ để trở thành hạt nhân thúc đẩy các liên kết kinh tế và thương mại không chỉ trong tỉnh mà còn với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ. Phát triển trung tâm thương mại tại Khu vực Tp. Vinh, thị xã Cửa Lò, Thái Hoà và một số thị xã sẽ thành lập trong tương lai, khu vực cửa khẩu được xem là các trụ cột thương mại chính của tỉnh.

3.2.3. Phát triển Trung tâm Hội chợ, triển lãm thương mại

Trung tâm hội chợ, triển lãm có chức năng tổ chức thường xuyên và chuyên nghiệp các hội chợ, triển lãm hàng hoá trong nước và quốc tế; thực hiện đồng bộ các chức năng dịch vụ hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp và các dịch vụ phục vụ cho hội chợ, triển lãm; thực hiện vai trò đầu mối để đưa hàng hoá của Việt Nam tham gia vào các hội chợ, triển lãm quốc tế. Cấu trúc của Trung tâm hội chợ, triển lãm bao gồm chủ yếu các khu như: Khu trưng bày, giới thiệu hàng hoá (được phân khu theo các ngành hàng, nhóm hàng, bán lẻ và nhượng quyền); Khu dịch vụ (trung tâm giao dịch, khu dành cho mua bán hàng hoá, thông tin, ăn uống, in ấn, quảng cáo, hội thảo, hội nghị khách hàng, sơ cứu và y tế, khu vui chơi cho trẻ em, khu văn phòng dành cho các đơn vị tổ chức, khu vực tín ngưỡng, trung tâm báo chí,...); Khu quản lý của Trung tâm. Định hướng trong thời kỳ đến 2020 sẽ xây dựng 01 Trung tâm hội chợ triển lãm cấp vùng với diện tích tối thiểu 200.000 m2/trung tâm tại thành phố Vinh.

3.3. Phát triển các Tổng kho thương mại, trung tâm logistics

- Kho thương mại

+ Đầu tư xây dựng 02 Tổng kho ở khu vực cửa khẩu Thanh Thuỷ (huyện Thanh Chương) và cửa khẩu Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn) nhằm tạo điều kiện cho việc giao dịch xuất khẩu hàng nông, thủy hải sản, lâm thổ sản và hàng hóa khác của các doanh nghiệp xuất khẩu sang Lào.

- Trung tâm Logistics

Nguyên tắc phát triển các dịch vụ phụ trợ cho hoạt động phân phối hàng hoá của Nghệ An là bên cạnh việc phát triển các dịch vụ logistic được tổ chức thực hiện ở các doanh nghiệp độc lập, sẽ phát triển theo hướng chuyên nghiệp hoá và tập trung hoá một số trung tâm logistics phục vụ cho phân phối hàng hoá của ngành thương mại. Trung tâm logistics phục vụ phân phối hàng hoá được hiểu là một khu tập trung nhiều doanh nghiệp có thể phối hợp với nhau một cách `đồng bộ, có thể cung cấp các dịch vụ logistic phục vụ cho phân phối hàng hoá tương đối đầy đủ như vận tải, phân loại và đóng gói hàng hoá, bảo quản, dự trữ, tập trung hàng hoá hoặc phân loại và trung chuyển hàng hoá, dịch vụ thông tin có liên quan đến phân phối và lưu thông hàng hoá, xếp dỡ hàng, thông quan ....

Các Trung tâm logistics cần đáp ứng được các điều kiện

- Xây dựng và sử dụng các thiết bị hiện đại, như kho hàng hình khối, thiết bị xếp dỡ cơ giới hoá, hệ thống thông tin cho phân phối và lưu thông hàng hoá hiện đại.

- Địa điểm xây dựng thường là nơi thuận lợi về giao thông, hoặc được đặt tại các đầu mối giao thông quan trọng như đường thuỷ hoặc đường bộ, hoặc được dựa vào các trung tâm thương mại hoặc các cơ sở chế biến công nghiệp cỡ lớn nhằm cung cấp các dịch vụ phân phối và lưu thông hàng hoá cho các trung tâm thương mại và cơ sở sản xuất hàng công nghiệp quy mô lớn này.

Phương hướng phát triển.

+ Trung tâm logistics của các doanh nghiệp bán buôn có thể phát triển ở khu vực khu kinh tế Đông Nam Tp. Vinh

+ Trung tâm logistics phục vụ cho phân phối và lưu thông hàng hoá ở các thị trường giao dịch lớn (chợ bán buôn nông sản, trung tâm bán buôn tổng hợp hàng công nghiệp tiêu dùng, trung tâm bán buôn hàng vật tư sản xuất) phát triển ở khu vực chợ đầu mối nông sản Miền Trung (H. Nghi Lộc)

+ Trung tâm logistic của các doanh nghiệp kinh doanh chuỗi siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi (ngoại vi Tp, Vinh)

+ Trung tâm logistics phục vụ việc phân phối và lưu thông hàng hoá của các cửa hàng tiện lợi và cửa hàng tạp hoá (Ngoại vi Tp, Vinh; Tx. Cửa Lò)

3.4. Phát triển mạng lưới xăng dầu

3.4.1. Quan điểmu phát triển mạng lưới bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020

- Đảm bảo sự phối chặt chẽ giữa quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ đối với các điểm kinh doanh xăng dầu trên cơ sở tôn trọng quy hoạch đã được xác lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 trong đó cần đẩy nhanh tién độ thực hiện quy hoạch mạng lưới kinh doanh xăng dầu đã được UBND tỉnh phê duyệt, đặc biệt chú trọng đến việc hoàn thiện mạng lưới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn theo tiêu chuẩn quy định hiện hành của Nhà nước.

- Xác định những vùng quy hoạch cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành, tuân thủ các nội dung quy hoạch đã đề ra như diện tích mặt bằng, vị trí xây dựng của các điểm kinh doanh xăng dầu...

- Quy hoạch phát triển mạng lưới xăng dầu phải được triển khai đồng thời với quy hoạch các hạng mục khác để đảm bảo việc cấp đất, bồi thường và giải phóng mặt bằng được thuận lợi, đáp ứng nhu cầu dân sinh, cảnh quan, môi trường, sinh thái.

3.4.2. Định hướng phát triển phát triển mạng lưới bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020

- Định hướng phát triển mạng lưới xăng dầu theo địa bàn: Do quá trình phát triển nhanh các ngành công nghiệp, cũng như mạng lưới giao thông, nên nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục được tăng lên về quy mô và mở rộng theo địa bàn. Để đảm bảo phù hợp với xu hướng tăng nhanh của nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mở rộng quy mô các cửa hàng hiện có. Từ sau năm 2010, không chỉ chú trọng đến việc tăng số lượng cửa hàng mà cần chú trọng đến các phương diện tăng quy mô và điều chỉnh vị trí của các cửa hàng hợp lý hơn với quá trình phát triển thực tế của nhu cầu tiêu thụ xăng dầu. Chú trọng phát triển các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại các trạm dừng chân và gần các bến xe lớn theo quy hoạch

- Định hướng phát triển các chủ thể tham gia kinh doanh:

Thứ nhất, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường sẽ tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế, đặc biệt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tham gia kinh doanh các mặt hàng xăng dầu, không chỉ tập trung vào lĩnh vực bán lẻ mà còn mở rộng sang lĩnh vực bán buôn. Do đó, trong những năm tới, Nghệ An cũng cần chú trọng đến việc thu hút các nhà kinh doanh xăng dầu khác tham gia cung ứng và tạo lập mạng lưới bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, cần đảm bảo việc thực hiện tốt các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh có tính đặc thù này nhưng cần hạn chế những khó khăn cho việc tham gia thị trường của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Định hướng phát triển các loại hình cửa hàng kinh doanh

+ Phát triển loại hình cửa hàng kinh doanh chuyên sâu, tổ hợp các mặt hàng xăng dầu và các sản phẩm có liên quan tại các khu vực phục vụ cho nhu cầu của các ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

+ Phát triển các loại hình cửa hàng, đa dạng về phương thức phục vụ. Về dài hạn, Nghệ An cần quan tâm phát triển loại hình cửa hàng bán hàng tự động trong mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn (đặc biệt ở thành phố Vinh và các thị xã) để giảm bớt lao động bán hàng trực tiếp.  

- Định hướng tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An

+ Tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời kỳ đến năm 2020, trên cơ sở các chủ thể chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước về điều kiện kinh doanh xăng dầu.

+ Tạo lập mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý và các chủ thể kinh doanh xăng dầu một cách thường xuyên (chế độ báo cáo, kiểm tra...), để có thể chủ động điều chỉnh chính sách quản lý, bao gồm cả việc điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới xăng dầu nhằm đảm bảo lợi ích cho các chủ thể kinh doanh và lợi ích kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, để tham gia kinh doanh mặt hàng này cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về nhân lực (qua đào tạo), đảm bảo các yêu cầu về khoảng cách cửa hàng với đường giao thông, về đấu nối với đường giao thông, về an toàn PCCC, đảm bảo vệ sinh môi trường, thế nhưng hiện nay, trong mạng lưới kinh doanh xăng dầu tỉnh Nghệ An, có tới 105 cửa hàng, chiếm 26,31% trong tổng số cửa hàng hiện có đang trong tình trạng chưa đáp ứng đầy đủ theo quy định, đang trong tình trạng tạm. Vì vậy, trong thời kỳ trước mắt, cần phải chấn chỉnh và xoá bỏ tình trạng này, cụ thể:

+ Rà soát lại mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, đối chiếu với các quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 4530 - 1998: Cửa hàng xăng dầu. Yêu cầu thiết kế; TCVN 5684 - 1992; TCVN 6223:1996: An toàn cháy các công trình xăng dầu;…). Các Quyết định số 1505/2003/QĐ-BTM ngày 17/11/2003 về việc ban hành quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu; Quyết định số 11/2007/QĐ-BTM ngày 22/5/2007 của Bộ Thương mại về việc sửa đổi, bổ xung một số điều của Quyết định 1505/2003/QĐ-BTM; Nghị định số 55/2007/NĐ-CP ngày 06/04/2007 của Chính phủ về Kinh doanh xăng dầu. Kiên quyết xoá bỏ đối với các cửa hàng không đủ điều kiện. Di dời, chuyển vị trí các cửa hàng hiện có ảnh hưởng tới môi trường.

IV. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI THEO KHÔNG GIAN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN THỜI KỲ ĐẾN 2020

Trên cơ sở định hướng phân bố ngành thương mại tỉnh Nghệ An trong giai đoạn từ nay đến 2020 tương xứng với trình độ phát triển của thị trường tỉnh, việc phân bố các loại hình thương mại (hiện địa và truyền thống) trên địa bàn tỉnh đối với từng giai đoạn trên từng khu vực cụ thể phải được quan tâm đúng mức, Nhìn chung, đến năm 2020, loại hình thương mại chợ vẫn sẽ tồn tại và chưa có loại hình nào có thể thay thế hoàn toàn, loại hình thương mại hiện đại sẽ phát triển đan xen với loại hình thương mại truyền thống, nguyên tắc phân bố thương mại theo không gian địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020 như sau:

- Về nguyên tắc, việc bố trí quy hoạch theo không gian thương mại tỉnh đảm bảo các yêu cầu cơ bản: Một là, vừa đảm bảo tính tập trung, vừa đảm bảo tính phân bố đều trên phạm vi lãnh thổ tỉnh; hai là, tạo nên không gian thương mại phát triển mở rộng ngay từ các trung tâm thành phố, thị xã, huyện lỵ, các chợ đầu mối.

Có thể bố trí quy hoạch phát triển thương mại trong phạm vi không gian lãnh thổ tỉnh Nghệ An theo ba cấp:

a) Cấp cơ sở: lấy các chợ xã làm hạt nhân phát triển kết hợp với các cửa hàng, điểm bán tạo thành khu thương mại - dịch vụ tổng hợp phục vụ trực tiếp cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của các tầng lớp dân cư trong khu vực xã.

b) Cấp trung tâm huyện, thị xã: Được xây dựng tại các trung tâm kinh tế của tỉnh tại các thị trấn huyện theo mô hình vừa kết hợp với các khu vực buôn bán và dịch vụ để tạo thành các trung tâm thương mại hạng III; Trung tâm mua sắm; hoặc các siêu thị hạng II, III vừa phục vụ nhu cầu mua bán của dân cư trong địa bàn huyện, vừa có sức thu hút và phát luồng hàng hoá trong khu vực liên xã, liên huyện với thị trường các tỉnh lân cận; phù hợp theo loại sản phẩm hàng hoá được sản xuất ra trên địa bàn, năng lực tổ chức thực hiện kinh doanh của các chủ thể kinh doanh và các điều kiện, cơ hội liên kết với các thị trường ngoài tỉnh,…

c) Cấp trung tâm tỉnh: Được xây dựng tại trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Theo đó, các khu thương mại - dịch vụ tổng hợp cấp tỉnh tại TP. Vinh sẽ được hình thành với quy mô lớn nhất, đóng vai trò chủ đạo trong các hoạt động thương mại của tỉnh Nghệ An, không chỉ đối với các huyện trong tỉnh, mà còn đối với ngoài tỉnh.

Ba cấp độ thương mại này không tách rời nhau mà đan xen vào nhau nhờ khả năng tổ chức thu hút nguồn hàng hay phát luồng hàng hoá tiêu dùng từ các khu thương mại dịch vụ tổng hợp từ các xã, các khu vực trong huyện, trong tỉnh. Các khu thương mại - dịch vụ trong tỉnh vừa có sự liên kết với nhau trong việc tổ chức nguồn hàng và tiêu thụ hàng hoá, vừa có sự độc lập với nhau trong việc khai thác các thị trường ngoài tỉnh.

- Quy hoạch phát triển thương mại theo không gian trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020 sẽ được phân bố căn cứ vào thực trạng và triển vọng phát triển kinh tế xã hội của từng vùng, miền cụ thể:

1. Khu vực đô thị: thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, thị xã Thái Hòa, thị xã Con Cuông:

- Tập trung phát triển các loại hình thương mại hiện đại trên cơ sở xây mới và nâng cấp các cơ sở thương mại cũ.

- Loại hình thương mại truyền thống còn tồn tại là các chợ thực phẩm tươi sống, phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của nhân dân.

2. Khu vực các huyện Đồng bằng và Ven biển: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên:

 - Loại hình thương mại hiện đại sẽ được phát triển ở khu vực trung tâm huyện, khu dân cư đông đúc trong cả thời kỳ đến năm 2020 trên cơ sở xây mới hoặc nâng cấp cải tạo các cơ sở thương mại cũ;

- Loại hình thương mại truyền thống vẫn tồn tại đan xen và phát triển chủ yếu trên địa bàn các xã.

3. Khu vực các huyện Miền núi (Tây Bắc: Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ; Tây Nam: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương):

- Loại hình thương mại truyền thống sẽ vẫn được chú trọng phát triển như: xây mới chợ ở những nơi nhân dân có nhu cầu, nâng cấp, cải tạo những chợ đã xuống cấp, xóa bỏ tình trạng chợ tranh tre nứa lá, đảm bảo đến năm 2015, cơ bản có đủ chợ phục vụ cho nhu cầu mua bán của nhân dân trên địa bàn.

- Loại hình thương mại hiện đại sẽ được phát triển ở giai đoạn 2016 - 2020 là chủ yếu.

Quy hoạch phát triển thương mại theo không gian trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020 được phân bố cụ thể như sau:

4.1. Thành phố Vinh

Thành phố Vinh đô thị lớn nhất của vùng đồng bằng ven biến Nghệ An. Theo Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Thành phố Vinh sẽ là đô thị trung tâm cấp quốc gia (đô thị loại I) và là trung tâm kinh tế - văn hoá của vùng Bắc Trung Bộ, được quy hoạch thành chùm đô thị vùng Vinh, có bán kính ảnh hưởng từ 20 - 25 km, trong đó thành phố Vinh hiện nay là đô thị hạt nhân. Quy hoạch mở rộng quy mô theo hướng Bắc và Đông Bắc nối liền thị xã Cửa Lò nhằm tạo chuỗi đô thị công nghiệp, dịch vụ thương mại và du lịch; mở rộng về hướng Tây theo đường tránh Vinh; định hướng quy hoạch không gian bao gồm một số xã của huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh để hình thành đô thị ven bờ hạ lưu Sông Lam. Thị xã Cửa Lò cách thành phố Vinh 16 km về phía Đông, có diện tích 28 km, dân số khoảng 55 nghìn người phân bố trên 5 phường và 2 xã. phường. Theo Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020, sẽ có trục đường Vinh - Cửa Lò dài 11,5 km, rộng 165 m gắn kết nhanh hơn 2 đô thị là Vinh và Cửa Lò để sau đó Cửa Lò sát nhập vào Vinh và trở thành đô thị loại 1. Xây dựng Cầu Cửa Hội nối Cửa Lò với Nghi Xuân, đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò, nâng cấp đường 46 đi quê Bác, lúc đó sẽ tạo nên một chuỗi các đô thị du lịch liên hoàn, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các du khách trong và ngoài nước. Năm 2020, thành phố Vinh dự kiến có quy mô dân số khoảng 65 vạn người. Là nơi tập trung các cơ quan quản lý Nhà nước và là khu vực tập trung dân cư với mật độ cao, có thu nhập và trình độ tiêu dùng khá. Thành phố Vinh vừa là trung tâm bán buôn, bán lẻ hàng hoá phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong tỉnh, thu hút, phát luồng hàng hoá từ Nghệ An đi các tỉnh khác, vừa là trung tâm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, văn hoá thể thao của dân cư trong tỉnh và sự giao lưu của các đối tượng khách vãng lai. Trên cơ sở quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh đến năm 2020, thành phố Vinh được xác định là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học kỹ thuật và là đô thị phát triển lớn nhất trong tỉnh. Xuất phát từ thực trạng cũng như triển vọng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, quy hoạch phát triển mạng lưới thương mại đến năm 2020 như sau:

a) Mạng lưới chợ: hiện nay trên địa bàn thành phố hầu hết các phường đều có chợ, tuy nhiên những chợ này đều ít nhiều ảnh hưởng đến trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong thời gian tới, cần phải tiến hành cải tạo, nâng cấp một số chợ phục vụ nhu cầu dân sinh hoặc cải tạo, chuyển hoá thành các trung tâm mua sắm (chợ làm hạt nhân) hoặc thành các siêu thị hạng III. Tổng số chợ quy hoạch đến 2010 là 18 chợ với tổng diện tích 92.270 m2, vốn đầu tư 231, 6 tỷ đồng.

b) Trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, Siêu thị: Quy hoạch đến 2020, trên địa bàn thành phố sẽ hoàn thành xây dựng 02 TTTM (01 TTTM hạng I, 01 TTTM hạng II); 1 trung tâm đại diện thương mại; Xây dựng một số siêu thị hạng III (tại các khu vực: Chợ Ga, Ngã tư Ga Vinh, Đường Nguyễn Trãi, Ngã tư Bến Thuỷ, Nhà hát, Quán Bàu, Quán Bánh, Trường Thi, Nghi Phú, Quán Hành,...); xây dựng mạng lưới các cửa hàng tiện lợi tại các phường; và cải tạo một số chợ thành Trung tâm mua sắm.

c) Trung tâm thương mại bán buôn và trung tâm logistics: Xây dựng 2 trung tâm bán buôn tổng hợp hàng công nghiệp tiêu dùng (bao gồm trung tâm logistics) và trung tâm thương mại bán buôn hàng vật tư sản xuất ở khu vực ngoại vi thành phố Vinh với quy mô diện tích đất 3 - 5 ha/ trung tâm (khu vực cạnh hoặc trong khu kinh tế Đông - Nam). Ngoài ra, xây dựng hệ thống kho công cộng cho thuê để khai thác hết công suất các kho, đưa thành phố Vinh trở thành đầu mối trung chuyển hàng hóa của vùng và khu vực, gồm khu ga Vinh, khu kho cảng Bến Thủy; khu kho công nghiệp Bắc Vinh; khu kho Hưng Đông; khu kho xăng dầu Hưng Hòa.

d) Khu thương mại - dịch vụ: Trong quá trình nâng cấp quy hoạch đô thị của thành phố, cần tổ chức một số khu Thương mại - Dịch vụ tổng hợp ở các khu dân cư và tại khu phố đi bộ trên địa bàn thành phố.

f) Trung tâm Hội chợ - Triển Lãm Thương mại: Trong giai đoạn đến 2015, xây dựng tại đường Xô viết Nghệ Tĩnh một Trung tâm hội chợ triển lãm với diện tích sàn 200.000 m2; kinh phí xây dựng khoảng 350 tỷ đồng.

g) Đường phố chuyên doanh: Dự kiến xây dựng các đường phố chuyên kinh doanh như:

- Phố Phan Bội Châu hình thành phố chuyên doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm công nghệ. Với lợi thế là phố nằm sát quốc lộ 1A, ga Vinh và chợ Ga Vinh nên rất dễ dàng trong vận chuyển, lưu thông, buôn bán các loại hàng hóa trong đó chủ yếu là hàng nông sản, lương thực, thực phẩm.

- Phố Nguyễn Thị Minh Khai: hình thành phố chuyên doanh mặt hàng thiết bị viễn thông, đồ dùng văn phòng, dịch vụ photocopy.

- Phố Quang Trung: hình thành phố chuyên doanh các mặt hàng điện tử, điện lanh, xe đạp, xe máy. Bên cạnh lợi thế của phố là nằm trên quốc lộ 1A, nằm trên trục đường ngã tư chợ Vinh, phố này còn có lợi thế rất lớn là tuyến đường trung tâm của thành phố Vinh, có nhiều thuận lợi trong việc vận chuyển, mua sắm.

- Phố Trần Phú: hình thành phố chuyên doanh mặt hàng đồ nội thất, trang trí, đồ gỗ;

- Phố Lý Thường Kiệt: là tuyến phố mới được hình thành của thành phố và chưa có định hình trong việc phát triển kinh doanh các mặt hàng; dự kiến sẽ hình thành phố chuyên kinh doanh mua bán thuốc tân dược.

- Phố ăn đêm: hình thành 2 phố ăn đêm ở đường Trần Phú (vỉa hè khu vực công viên trung tâm thành phố), từ 15-20 gian hàng phục vụ; đường Lê Lợi (vỉa hè công ty cổ phần đường bộ Nghệ An) từ 10-15 gian hàng phục vụ. Các gian hàng phục vụ ăn đêm hoạt động từ 18 h tối đến 5 h sáng, được thiết kế linh động nhằm đảm bảo giữ nguyên hiện trạng của vỉa hè thành phố, mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường, hoạt động đúng giờ, đảm bảo trật tự an ninh đường phố.

h) Mạng lưới xăng dầu:

Theo quy hoạch đến 2010, trên địa bàn thành phố sẽ gồm 24 điểm kinh doanh xăng dầu được bố trí tại đầu các cửa ngõ ra vào thành phố, trên các tuyến đường chính; xóa bỏ và di chuyển 7 cửa hàng vi phạm các điều kiện kinh doanh và hành lang giao thông; xây dựng thêm 5 cửa hàng trên tuyến đường Nguyễn Trường Tộ, Đặng Thái Mai, đường ven sông Lam.

Giai đoạn 2011 - 2020, với định hướng mở rộng địa giới hành chính của Tp. Vinh, mạng lưới kinh doanh xăng dầu cũng cần được phát triển theo các định hướng sau: 1) Cải tạo, nâng cấp các cửa hàng hiện có thành những cửa hàng kinh doanh đa ngành: ngoài kinh doanh mặt hàng chính là xăng dầu, cần phát triển thêm các dịch vụ như kinh doanh gaz và khí hoá lỏng, dịch vụ sửa chữa xe, dịch vụ rửa xe,... Đối với các cửa hàng ở cửa ngõ ra vào thành phố có thể có thêm các dịch vụ như nhà hàng, phòng nghỉ, cửa hàng tiện lợi,...; 2) Di dời, xoá bỏ đối với các cửa hàng vi phạm quy định về an toàn giao thông, về môi trường và về phòng cháy chữa cháy,...; 3) Xây mới các cửa hàng ở những khu đô thị, khu dân cư mới.

4.2. Thị xã Cửa Lò

Thị xã Cửa Lò có diện tích 27,8261km2 , dân số trung bình năm 2008 là 51.889người, sau thành phố Vinh, Cửa Lò là đô thị phát triển thứ 2 của Nghệ An, với lợi thế có cảng biển, có khu du lịch lớn nhất tỉnh, kinh tế của Cửa Lò trong thời gian qua phát triển rất mạnh, tuy nhiên, mạng lưới thương mại trên địa bàn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của thị xã. Cửa Lò được quy hoạch nằm trong chùm đô thị vùng Vinh, với việc phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ nối với thành phố Vinh tạo chuỗi đô thị công nghiệp, dịch vụ thương mại và du lịch. Quy hoạch mạng lưới thương mại trên địa bàn thị xã sẽ phát triển như sau:

a) Mạng lưới chợ: hiện nay trên địa bàn thị xã có 6 chợ, trong đó còn 1 chợ tạm, đối với Cửa Lò, khu du lịch lớn nhất của tỉnh, trong thời gian tới, cần phải tiến hành cải tạo, nâng cấp các chợ đã xuống cấp phục vụ nhu cầu dân sinh và phục vụ khách du lịch hoặc cải tạo, chuyển hoá thành các trung tâm mua sắm hoặc thành các siêu thị hạng III. Với vị trí có cảng biển lớn, nơi tập trung thu hút nguồn thuỷ hải sản lớn của tỉnh, trong thời kỳ quy hoạch cần xây dựng ở đây 1 chợ đầu mối thuỷ sản. Ngoài ra, vào mùa du lịch biển, để thu hút khách du lịch, có thể tổ chức ở khu vực gần bờ biển một số chợ du lịch. Tổng số chợ quy hoạch đến 2020 là 11 chợ, trong đó nâng cấp 5 chợ, xây mới 4 chợ tổng hợp và 1 chợ đầu mối thuỷ sản.

b) Trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, Siêu thị: Quy hoạch đến 2020, trên địa bàn thị xã sẽ xây dựng 01 TTTM hạng III, một số siêu thị III; và nâng cấp, cải tạo chợ Hôm - Nghi Thuỷ thành Trung tâm mua sắm.

c) Khu thương mại - dịch vụ: Trong quá trình nâng cấp quy hoạch đô thị của thị xã, cần tổ chức một số khu Thương mại - Dịch vụ tổng hợp ở các khu dân cư và tại khu phố đi bộ trên địa bàn thị xã.

e) Hệ thống kho, bãi thương mại: Nâng cấp, hoàn thiện các kho, bãi dành cho việc lưu trữ, phân loại, đóng gói hàng hoá,... ở khu vực trong và ngoài cảng Cửa Lò và Cửa Hội, xây mới kho trong chợ đầu mối thuỷ sản sẽ xây dựng trong tương lai.

e) Đường phố đi bộ: Hình thành tuyến phố bán hàng lưu niệm, ăn đêm đường Bình Minh thị xã Cửa Lò để phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước theo hướng văn minh, đảm bảo mỹ quan của đô thị du lịch.

h) Mạng lưới xăng dầu:

Theo quy hoạch đến 2010, trên địa bàn thị xã sẽ gồm 7 điểm kinh doanh xăng dầu được bố trí trên khắp địa bàn thị xã. Giai đoạn 2011 - 2020, với định hướng sáp nhập với Tp. Vinh, mạng lưới kinh doanh xăng dầu cũng cần được phát triển theo các định hướng sau: 1) Cải tạo, nâng cấp các cửa hàng hiện có thành những cửa hàng kinh doanh đa ngành: ngoài kinh doanh mặt hàng chính là xăng dầu, cần phát triển thêm các dịch vụ như kinh doanh gaz và khí hoá lỏng, dịch vụ sửa chữa xe, dịch vụ rửa xe,...; 2) Di dời, xoá bỏ đối với các cửa hàng vi phạm quy định về an toàn giao thông, về môi trường và về phòng cháy chữa cháy,...; 3) Xây mới các cửa hàng ở những khu đô thị, khu dân cư mới, và các tuyến giao thông mới mở.

4.3. Quy hoạch phát triển thương mại các huyện đồng bằng (trừ thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò) trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời kỳ đến năm 2020

Vùng này bao gồm 7 huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên. Diện tích tự nhiên 274.228 ha, chiếm 16,6% đất tự nhiên toàn tỉnh. Dân số 1.912.463 người, chiếm 63,1% dân số của tỉnh. Trong vùng hiện có 8 thị trấn (7 thị trấn huyện lỵ và 1 thị trấn vùng là Hoàng Mai). Dân số khu vực đô thị khoảng 268.118 nghìn người chiếm 82,9% dân số đô thị toàn tỉnh. Đây là vùng kinh tế tương đối phát triển và có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng như: giao thông, thuỷ lợi, điện, mạng lưới bưu chính viễn thông ... Theo Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Nghệ An đến 2020, phương hướng đô thị hóa đối với vùng này gôm:

- Các đô thị vệ tinh TP Vinh: phía Bắc là khu kinh tế Nghệ An, có quy mô dân số tới năm 2020 là 16-17 vạn người; phía Tây là cụm đô thị Nam Đàn - Hưng Nguyên có quy mô dân số tới năm 2020 khoảng 2,5-3 vạn người.

- Thị xã Hoàng Mai: là đô thị mới và là một đô thị trung tâm của vùng trọng điểm phát triển công nghiệp, được quy hoạch có quy mô dân số tới năm 2020 là 16 vạn người, giữ chức năng là trung tâm kinh tế công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ.

- Thị xã Diễn Châu (Phủ Diễn), Đô Lương: định hướng đến năm 2020 có quy mô dân số mỗi thị xã khoảng 9-10 vạn người.

- Đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, phát triển và mở rộng quy mô đô thị như: Cầu Giát, Nghi Lộc và xây dựng mới một số thị trấn, thị tứ.

Như vậy, đến năm 2020 vùng đồng bằng ven biển sẽ có 2 thị xã (Hoàng Mai và Phủ Diễn), 7 thị trấn huyện lỵ, 7 thị trấn tiểu vùng (Tuần, Sơn Hải, Yên Lý, Diễn An, Thịnh Sơn, Giang Sơn, Nam Trung), 26 thị tứ và một số khu đô thị nằm trong Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An. Dân số đô thị của vùng đến năm 2020 khoảng 950-970 nghìn người, chiếm trên 75% dân số đô thị toàn tỉnh. Dự kiến quy hoạch phát triển thương mại khu vực này như sau:

3.3.1. Huyện Quỳnh Lưu

Huyện Quỳnh Lưu là huyện đồng bằng ven biển, nằm ở Đông Bắc, tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 60 km về phía Nam; dân số trung bình năm 2008 là 373.043 người; chiếm 11,1% dân số toàn tỉnh. Huyện có 41 đơn vị hành chính cấp xã và 02 thị trấn (thị trấn Cầu Giát và thị trấn Hoàng Mai), có 88 km đường ranh giới đất liền và 34 km đường biển. Vùng phía Nam của huyện có chung khu vực đồng bằng với hai huyện Diễn Châu và Yên Thành, Quỳnh Lưu là trung tâm giao lưu kinh tế giữa các huyện đồng bằng và miền núi, trung du. Quỳnh Lưu còn là mặt tiền, cửa mở của tỉnh Nghệ An nên trong thời gian vừa qua, được sự đầu tư của tỉnh, của trung ương, kinh tế của huyện có sự phát triển rất khả quan, Quỳnh Lưu đang và sẽ trở thành một trong những bộ phận cấu thành quan trọng của trung tâm phát triển kinh tế biển và hợp tác quốc tế về biển của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước. Với định hướng nâng cấp thị trấn cầu Giát, thị trấn Hoàng Mai lên đô thị loại 3 (thị xã) và nâng cấp một số khu đô thị lên thành thị trấn (Tuần, Ngò), thành thị tứ (Quỳnh Thách, Quỳnh Xuân) trong thời kỳ quy hoạch, do vậy trong mạng lưới thương mại, loại hình thương mại hiện đại (trung tâm mua sắm, siêu thị) sẽ được chú trọng phát triển ở các khu vực này. Dự kiến quy hoạch mạng lưới thương mại trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đến năm 2020 như sau:

a) Mạng lưới chợ: Hiện nay trên địa bàn huyện có 33 chợ được quy hoạch và một số chợ tạm đang hoạt động, về cơ bản, mạng lưới chợ đã đáp ứng nhu cầu hiện tại của nhân dân trong huyện và phát triển tương đối tốt. Trong thời gian tới, cần phải tiến hành cải tạo, nâng cấp các chợ đã xuống cấp phục vụ nhu cầu dân sinh và phục vụ khách vãnh lai qua địa bàn hoặc chuyển hoá thành các trung tâm mua sắm (như chợ Trung tâm thị trấn Cầu Giát).

b) Trung tâm mua sắm, siêu thị: Huện tại trên địa bàn huyện có Quỳnh Lưu Plaza đang hoạt động được gọi là trung tâm thương mại nhưng thực chất chỉ kinh doanh khách sạn là chính, do vậy đây không thhể gọi là trung tâm thương mại được. Xuất phát từ định hướng phát triển đô thị của huỵện trong thời kỳ đến năm 2020, trên địa bàn huyện sẽ xây dựng một số trung tâm mua sắm và siêu thị, cụ thể:

Giai đoạn 2010 - 2015:

- Trung tâm mua sắm Chợ Cầu Giát (trên cơ sở nâng cấp chợ thị trấn)

- Trung tâm mua sắm Hoàng Mai

- một số siêu thị hạng III tại Cầu Giát và Hoàng Mai

Giai đoạn 2016 - 2020:

- Trung tâm mua sắm Tuần (trên cơ sở chợ trung tâm Tuần)

- Trung tâm mua sắm Ngò (trên cơ sở chợ trung tâm Ngò)

- Một số siêu thị tại Ngò và Tuần

c) Khu thương mại - dịch vụ: trong thời kỳ quy hoạch, từng bước hình thành khu thương mại - dịch vụ tại thị trấn huyện Quỳnh Lưu, trung tâm thị xã mới Hoàng Mai và tại các trung tâm cụm xã, trong đó lấy trung tâm mua sắm, chợ trung tâm làm hạt nhân.

d) Mạng lưới xăng dầu:

Trên địa bàn huyện có 55 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đăng ký. Tuy nhiên, mạng lưới kinh doanh XD trên địa bàn huyện còn nhiều bất cập, nhiều cửa hàng có diện tích quá nhỏ, nhu cầu xăng dầu cho các phương tiện thuỷ giảm sút dẫn đến nhiều cửa hàng phải đồng cửa. Giai đoạn đến 2020, Huyện Quỳnh Lưu cần phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng rà soát lại mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn và mạng lưới kinh doanh xăng dầu cần được phát triển theo các định hướng sau: 1) Cải tạo, nâng cấp các cửa hàng hiện có thành những cửa hàng kinh doanh đa ngành: ngoài kinh doanh mặt hàng chính là xăng dầu, cần phát triển thêm các dịch vụ như kinh doanh gaz và khí hoá lỏng, dịch vụ sửa chữa xe, dịch vụ rửa xe,...; 2) Di dời, xoá bỏ đối với các cửa hàng vi phạm quy định về an toàn giao thông, về môi trường và về phòng cháy chữa cháy,...; 3) Xây mới các cửa hàng ở những khu đô thị, khu dân cư mới, và các tuyến giao thông mới mở.

3.3.2. Huyện Diễn Châu

Huyện Diễn Châu là huyện đồng bằng ven biển nằm trên trục đường quốc lộ 1A, trung tâm huyện cách thành phố Vinh 38 km về phía Bắc; phía Bắc giáp huyện Quỳnh Lưu, phía nam giáp huyện Nghi Lộc, phía đông giáp biển Đông, phía tây giáp huyện Yên Thành. Huyện Diễn Châu có 39 đơn vị hành chính (38 xã, 1 thị trấn) có diện tích 305,0467 km2 , dân số trung bình năm 2008 là 300.940 người. Diễn Châu là huyện có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế và đặc biệt là phát triển du lịch như: du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch lịch sử. Trong những năm qua được sự đầu tư của tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện ổn định và tiếp tục phát triển, tuy nhiên, do xuất phát điểm về kinh tế thấp, tích luỹ nội bộ của nền kinh tế không cao, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn,.... Do vậy, phát triển thương mại của huyện trong thời gian tới sẽ chú trọng vào nâng cấp mạng lưới thương mại truyền thống là chính, còn đối với loại hình thương mại hiện đại (trung tâm mua sắm, siêu thị) sẽ được chú trọng phát triển ở các khu vực trung tâm huyện lỵ và dọc các tuyến đường quốc lộ chính. Dự kiến quy hoạch cụ thể mạng lưới thương mại trên địa bàn huyện Diễn Châu đến năm 2020 như sau:

a) Mạng lưới chợ: Hầu hết chợ trên địa bàn huyện đều xuống cấp, vệ sinh môi trường không đảm bảo, nhiều chợ vẫn còn họp tạm trên nền đất trống, do vậy, trong giai đoạn đến năm 2015, cần tập trung bố trí quỹ đất để xây mới các chợ loại 3 phục vụ nhu cầu mua bán hàng ngày của nhân dân ở những xã chưa có chợ, nâng cấp, cải tạo các chợ đã xuống cấp như (chợ Diễn Thành, chợ Sỹ Bắc - Diễn Kỳ; chợ Sỹ Nam -Diễn Thịnh; chợ Dàn -Diễn Hồng; chợ Huyện -Yên Lý; chợ Sở -Diễn Đồng -; chợ Đình -Diễn Mỹ; chợ Mới -Diễn Bình, chợ Bạc -Diễn Phú, chợ Cầu -Diễn Cát, ....đặc biệt, với lợi thế có cảng biển, nơi có thể thu hút nguồn thủy sản hàng hóa dồi dào, trong thời kỳ đến năm 2015, sẽ xây mới 1 chợ đầu mối thủy sản trên địa bàn huyện.

b) Trung tâm mua sắm, siêu thị: Xuất phát từ thực tế và triển vọng phát triển kinh tế của huỵện, trong thời gian tới cần xây dựng hoặc nâng cấp, cải tạo các chợ truyền thống thành các trung tâm mua sắm và xây mới một số siêu thị ở khu vực đô thị trên địa bàn huyện, cụ thể như:

Giai đoạn 2010 - 2015:

- Xây mới Trung tâm mua sắm Phủ Diễn

- Xây mới một vài siêu thị tại trung tâm thị trấn và tại các khu đô thị

Giai đoạn 2016 - 2020

- Nâng cấp chợ trung tâm thị trấn thành trung tâm mua sắm

- Xây mới một vài siêu thị hạng III tại các khu dân cư, khu du lịch,..

c) Khu thương mại - dịch vụ tổng hợp: trong thời kỳ quy hoạch, từng bước hình thành các khu thương mại - dịch vụ tổng hợp tại các khu vực trung tâm huỵện, trung tâm cụm xã (lấy chợ, trung tâm mua sắm làm hạt nhân của các khu thương mại dịch vụ tổng hợp này) như: Thị trấn huyện; Diễn Thành; Diễn Thịnh; Diễn An; Diễn Ngọc; Diễn Kỷ; Diễn Hồng; Diễn Yên; Diễn Mỹ; Diễn Hải; Diễn Đồng; Diễn Bình; Diễn Phú.

d) Mạng lưới xăng dầu:

Tính đến quý I năm 2009, trên địa bàn huyện có 62 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang hoạt động, trong đó chỉ có 43 cửa hàng nằm trong quy hoạch và đã được cấp giấy phép kinh doanh. Nhìn chung, mạng lưới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân trong huyện và đối tượng khách vãng lai qua địa bàn huyện, tuy nhiên, do nhiều cửa hàng chưa có giấy phép hoạt động nên vấn đề kiểm tra, quản lý gặp nhiều khó khăn, đặc biệt, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và cháy nổ của những cửa hàng này không thể kiểm soát được. Đây là vấn đề cần phải giải quyết ngay trong giai đoạn trước mắt, huyện Diễn Châu cần phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng rà soát lại mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn và mạng lưới kinh doanh xăng dầu cần được phát triển theo các định hướng sau: 1) Di dời, xoá bỏ đối với các cửa hàng kinh doanh không phép, vi phạm quy định về an toàn giao thông, về môi trường và về phòng cháy chữa cháy, ...; 2) Cải tạo, nâng cấp các cửa hàng hiện có thành những cửa hàng kinh doanh đa ngành: ngoài kinh doanh mặt hàng chính là xăng dầu, cần phát triển thêm các dịch vụ như kinh doanh gaz và khí hoá lỏng, dịch vụ sửa chữa xe, dịch vụ rửa xe,...; 3) Xây mới các cửa hàng ở những khu đô thị, khu dân cư mới, và các tuyến giao thông mới mở.

3.3.3. Huyện Yên Thành

Huyện Yên Thành là huyện đồng bằng, bán sơn địa, thuộc vùng kinh tế trọng điểm lúa của tỉnh Nghệ An, Yên Thành gồm 38 đơn vị hành chính (37 xã, 1 thị trấn) có diện tích 548,4912 km2, dân số trungbình năm 2008 là 278.210 người. Yên thành là huyện có quy mô diện tích đất nông nghiệp lớn, khí hậu, thời tiết tương đối thuận lợi do vậy thích hợp cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là lúa. Trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn 2006 - 2008, kinh tế của huyện phát triển tương đối toàn diện trên các mặt như nông nghiệp, công nghiệp (sản xuất vật liệu XD, khai thác chế biến đá,...) và từ đó thúc đẩy thương mại phát triển. Xuất phát từ thực trạng và định hướng phát triển kinh tế xã hội của huyện trong thời kỳ đến năm 2020, quy hoạch mạng lưới thương mại trên địa bàn huyện Yên Thành như sau:

a) Mạng lưới chợ: Mạng lưới chợ trên địa bàn huyện hiện nay về cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu mua bán của nhân dân trong huyện, chợ chủ yếu là chợ tạm (tranh, tre, nứa, lá). Với tổng số 28 chợ trên 39 xã, thị trấn (có 13 chợ họp theo phiên, ngày chẵn, ngày lẻ), 6 xã hiện chưa có chợ và một số xã chợ đã trở nên quá tải dẫn đến tình trạng chợ tự phát xuất hiện, đây là vấn đề cần phải giải quyết trong giai đoạn đến năm 2015, cụ thể:

- Xây mới 16 chợ (đặc biệt ở các xã chưa có chợ mà ở đó nhân dân có nhu cầu), phấn đấu đến 2015 100% số xã có chợ.

- Cải tạo, nâng cấp mạng lưới chợ hiện có (28 chợ)

b) Trung tâm mua sắm, siêu thị:

Xuất phát từ thực tế và triển vọng phát triển kinh tế của huỵện, trong thời gian tới cần xây dựng hoặc nâng cấp, cải tạo các chợ truyền thống thành các trung tâm mua sắm và xây mới một số siêu thị ở khu vực đô thị trên địa bàn huyện, cụ thể như:

Giai đoạn 2010 - 2015:

- Xây mới một vài siêu thị hạng III tại thị trấn Yên Thành

Giai đoạn 2016 - 2020:

- Nâng cấp chợ thị trấn Yên Thành

- Nâng cấp chợ thị trấn Vân Tụ thành Trung tâm mua sắm

- Xây mới một vài siêu thị tại thị trấn Vân Tụ

 c) Khu thương mại - dịch vụ: trong thời kỳ quy hoạch, từng bước hình thành khu thương mại - dịch vụ tại thị trấn huyện Yên Thành, thị trấn Vân Tụ và tại các trung tâm cụm xã trên địa bàn huyện trong đó lấy chợ trung tâm làm hạt nhân.

d) Mạng lưới xăng dầu:

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện có 39 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang hoạt động, trong đó chỉ có 25 cửa hàng nằm trong quy hoạch và đã được cấp giấy phép kinh doanh. Nhìn chung, mạng lưới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Tuy nhiên, do nhiều cửa hàng chưa có giấy phép hoạt động (14 của hàng) nên vấn đề kiểm tra, quản lý gặp nhiều khó khăn, đặc biệt, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và cháy nổ của những cửa hàng này không thể kiểm soát được. Đây là vấn đề cần phải giải quyết ngay trong giai đoạn trước mắt, huyện Yên Thành cần phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng rà soát lại mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn và mạng lưới kinh doanh xăng dầu cần được phát triển theo các định hướng sau: 1) Di dời, xoá bỏ đối với các cửa hàng kinh doanh không phép, vi phạm quy định về an toàn giao thông, về môi trường và về phòng cháy chữa cháy, ...; 2) Cải tạo, nâng cấp các cửa hàng hiện có thành những cửa hàng kinh doanh đa ngành: ngoài kinh doanh mặt hàng chính là xăng dầu, cần phát triển thêm các dịch vụ như kinh doanh gaz và khí hoá lỏng, dịch vụ sửa chữa xe, dịch vụ rửa xe,...; 3) Xây mới các cửa hàng ở những khu đô thị, khu dân cư mới, và các tuyến giao thông mới mở.

3.3.4. Huyện Đô Lương

Đô Lương là một huyện đồng bằng bán sơn địa, nằm về phía Tây của Nghệ An, cách thành phố Vinh 70 km về phía Tây Bắc, phía Bắc giáp Tân Kỳ, phía Nam giáp Thanh Chương - Nam Đàn, phía Đông giáp Yên Thành - Nghi Lộc, phía Tây giáp Anh Sơn. Trung tâm huyện có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua, đồng thời là giao điểm của đường Quốc lộ 7, Quốc lộ 46, quốc lộ 15 và cách cột mốc của đường Hồ Chí Minh 19 km; đường thủy có 20 km. Với 33 đơn vị hành chính (32 xã và 1 thị trấn), diện tích 354,8458 km2, dân số trung bình năm 2008 là 200.552 người, Đô Lương là huyện tương đối có lợi thế để phát triển thương mại. Dự kiến quy hoạch phát triển mạng lưới thương mại trên địa bàn huyện Đô Lương đến năm 2020 như sau:

a) Mạng lưới chợ:

Mạng lưới chợ trên địa bàn huyện Đô Lương phân bố không đồng điều, với 30 chợ đang hoạt động trong tổng số 32 xã và 1 thị trấn nhưng vẫn còn 4 xã chưa có chợ. Chợ trên địa bàn huyện, trừ chợ trung tâm thị trấn huyện, còn lại chủ yếu họp vài tiếng buổi sáng, cơ sở vật chất chợ còn thiếu thốn, 40% chợ là tạm bợ. Số lượng chợ vi phạm an toàn giao thông và vệ sinh môi trường còn nhiều (chiếm gần 27%). Trong giai đoạn đến năm 2015, bên cạnh việc nâng cấp, cải tạo các chợ cũ, thực hiện việc đầu tư xây dựng thêm chợ ở các xã Minh Sơn, Nam Sơn, Bài Sơn (chợ trung tâm cụm xã) ...; và xây dựng thêm các chợ mới ở các xã Đông Sơn, Nhân Sơn, Trung Sơn, Giang Sơn Tây đảm bảo đến năm 2015, tất cả các xã trên địa bàn huyện đều có chợ.

b) Trung tâm TTTM, TT mua sắm, siêu thị: Xuất phát từ định hướng phát triển kinh tế xã hội của huyện trong thời gian tới, huyện Đô Lương sẽ phát triển một số trung tâm mua sắm và siêu thị. cụ thể:

Giai đoạn 2010 - 2015:

- Nâng cấp chợ trung tâm Đô Lương thành Trung tâm mua sắm;

- Xây dựng mới Trung tâm Mua sắm (Bắc đường 7A, thị trấn Đô Lương;

- Xây mới siêu thị hạng III tại trường THCS thị trấn cũ (850 - 1500 m2).

Giai đoạn 2016 - 2020:

- Xây mới Trung tâm mua sắm ở xã Bùi Sơn;

- Xây mới một số siêu thị hạng III tại các khu vực dân cư phát triển.

c) Khu thương mại - dịch vụ: trong thời kỳ quy hoạch, từng bước hình thành khu thương mại - dịch vụ tại thị trấn huyện Đô Lương, và tại các trung tâm cụm xã trên địa bàn huyện trong đó lấy chợ trung tâm làm hạt nhân.

d) Mạng lưới xăng dầu:

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện có 22 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang hoạt động, trong đó chỉ có 13 cửa hàng nằm trong quy hoạch và đã được cấp giấy phép kinh doanh. Nhìn chung, mạng lưới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện chưa đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, còn nhiều cửa hàng chưa đủ điều kiện như yêu cầu về diện tích, yêu cầu về đảm bảo an toàn giao thông,...do nhiều cửa hàng chưa có giấy phép hoạt động (9 của hàng) nên vấn đề kiểm tra, quản lý gặp nhiều khó khăn. Đây là vấn đề cần phải giải quyết ngay trong giai đoạn trước mắt, huyện Đô Lương cần phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng rà soát lại mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn và mạng lưới kinh doanh xăng dầu cần được phát triển theo các định hướng sau: 1) Di dời, xoá bỏ đối với các cửa hàng kinh doanh không phép, vi phạm quy định về an toàn giao thông, về môi trường và về phòng cháy chữa cháy, ...; 2) Cải tạo, nâng cấp các cửa hàng hiện có thành những cửa hàng kinh doanh đa ngành: ngoài kinh doanh mặt hàng chính là xăng dầu, cần phát triển thêm các dịch vụ như kinh doanh gaz và khí hoá lỏng, dịch vụ sửa chữa xe, dịch vụ rửa xe,... 3) Xây mới 14 cửa hàng ở những xã như: xã Ngọc, Lam, Giang Đông, Hồng, Bài, Nam, Đặng, Tràng, Đông, Đà, Lạc, Trung, Xuân, Mỹ.

3.3.5. Huyện Nam Đàn

Huyện Nam Đàn là huyện phụ cận thành phố Vinh, có nhiều tuyến quốc lộ đi qua như quốc lộ 46 nối Thanh Chương, Thành phố Vinh với Nam Đàn; quốc lộ 15A nối Nam Đàn với Đô Lương và Đức Thọ, Hà Tĩnh; đường ven sông Lam nối Cửa Lò với Nam Đàn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển giao lưu thương mại với các địa phương giáp ranh. Nam Đàn là địa bàn trọng điểm về du lịch lịch sử, đây là cơ hội tốt để phát triển thương mại. Định hướng phát triển Nam Đàn trong thời gian tới là xây dựng thị trấn Nam Đàn trở thành một trung tâm đô thị và thương mại ngang tầm một thị xã phát triển. Xuất phát từ thực trạng và định hướng phát triển của huyện trong thời kỳ đến năm 2020, quy hoạch cụ thể mạng lưới thương mại trên địa bàn huyện Nam Đàn đến năm 2020 như sau:

a) Mạng lưới chợ: Mạng lưới chợ của Nam Đàn hiện nay gồm 19 chợ (18/24 xã, thị trấn có chợ). Nhìn chung mạng lưới chợ đã đáp ứng được nhu cầu mau bán của nhân dân, tuy nhiên cơ sở vật chất chợ còn nghèo nàn, còn có tới 4 chợ trong tình trạng lán tạm. Trong giai đoạn đến năm 2015, bên cạnh việc nâng cấp, cải tạo các chợ cũ, xoá bỏ tình trạng chợ tạm, Nam đàn cần thực hiện việc đầu tư xây dựng thêm chợ ở 6 xã chưa có chợ để đảm bảo đến năm 2015, 100% xã có chợ. Đồng thời, từng bước nâng cấp chợ trung tâm thị trấn thành trung tâm mua sắm.

b) Trung tâm TTTM, TT mua sắm, siêu thị: Xuất phát từ định hướng phát triển kinh tế xã hội của huyện trong thời gian tới, huyện Nam Đàn sẽ phát triển một số trung tâm mua sắm và siêu thị. cụ thể:

Giai đoạn 2010 - 2015:

- Xây dựng mới Trung tâm Mua sắm huyện tại xã Văn Diên

- Xây mới một vài siêu thị tại trung tâm thị trấn Nam Đàn

Giai đoạn 2016 - 2020:

- Nâng cấp chợ Trung tâm thị trấn Nam Đàn thành Trung tâm mua sắm

- Nâng cấp chợ tại trung tâm thị tứ Nam Nghĩa và Nam Trung thành các trung tâm mua sắm .

c) Khu thương mại - dịch vụ: trong thời kỳ quy hoạch, từng bước hình thành khu thương mại - dịch vụ tại thị trấn huyện Nam Đàn, xã Văn Diên, thị tứ Nam Nghĩa và Nam Trung và tại các trung tâm cụm xã trên địa bàn huyện trong đó lấy các chợ trung tâm làm hạt nhân.

d) Mạng lưới xăng dầu:

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện có 13 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang hoạt động, trong đó chỉ có 9 cửa hàng nằm trong quy hoạch và đã được cấp giấy phép kinh doanh. Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện đều thuộc quy mô nhỏ. Nhìn chung, mạng lưới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện chưa đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, còn nhiều cửa hàng chưa đủ điều kiện như yêu cầu về diện tích, yêu cầu về đảm bảo an toàn giao thông,... Trong thời gian trước mắt huyện Nam Đàn cần phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng rà soát lại mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn và mạng lưới kinh doanh xăng dầu cần được phát triển theo các định hướng sau: 1) Di dời, xoá bỏ đối với các cửa hàng kinh doanh không phép, vi phạm quy định về an toàn giao thông, về môi trường và về phòng cháy chữa cháy, ...; 2) Cải tạo, nâng cấp các cửa hàng hiện có thành những cửa hàng kinh doanh đa ngành: ngoài kinh doanh mặt hàng chính là xăng dầu, cần phát triển thêm các dịch vụ như kinh doanh gaz và khí hoá lỏng, dịch vụ sửa chữa xe, dịch vụ rửa xe,...; 3) Xây mới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở các khu dân cư mới, các tuyến giao thông mới mở hoặc ở các xã chưa có cửa hàng xăng dầu hoạt động.

3.3.6. Huyện Nghi Lộc

Nghi Lộc là huyện đồng bằng phụ cận thành phố Vinh và thị xã cửa Lò, có hệ thống giao thông phát triển, các dự án đầu tư trên địa bàn không ngừng tăng, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng có bước phát triển đáng kể trong thời gian vừa qua là động lực thúc đẩy các loại hình thương mại, dịch vụ phát triển. Trên địa bàn huyện Nghi Lộc có nhiều khu công nghiệp lớn của tỉnh như khu công nghiẹp Nam Cấm, các khu công nghiệp nhỏ và Khu kinh tế Đông Nam. Với vị trí nằm cạnh hai thị thị trường lớn nhất của tỉnh là Tp. Vinh và thị xã Cửa Lò, Nghi Lộc có nhiều điều kiện để phát triển thương mại, đặc biệt là các dịch vụ hỗ trợ cho thương mại như logistics, chợ đầu mối,... Xuất phát từ thực trạng và định hướng phát triển kinh tế xã hội của huyện Nghi Lộc, quy hoạch cụ thể mạng lưới thương mại trên địa bàn huyện đến năm 2020 như sau:

a) Mạng lưới chợ: Tổng số chợ trên địa bàn huyện hiện nay là 24 chợ, trong đó có 1 chợ đầu mối nông sản Miền trung, 4 chợ loại 3 và 19 chợ trong tình trạng lán tạm. Trong giai đoạn đến năm 2015, huyện Nghi Lộc cần tập trung hoàn thiện chợ đầu mối nông sản (chợ này mặc dù đã được nhà nước hỗ trợ đầu tư nhưng hoạt động còn yếu), để chợ này trở thành nơi thu hút hàng hoá nông sản trong tỉnh, phân loại, đóng gói, ... và cung cấp cho mạng lưới bán lẻ trên địa bàn thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, đồng thời góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Ngoài ra, cũng trong giai đoạn này, huyện cần chú trọng nâng cấp, cải tạo các chợ cũ, xoá bỏ tình trạng chợ tạm để đảm bảo đến năm 2015, 100% xã có chợ đạt chuẩn tối thiểu loại 3. Đồng thời, từng bước nâng cấp chợ trung tâm thị trấn thành trung tâm mua sắm.

b) Trung tâm mua sắm, siêu thị:

- Xây dựng 01 trung tâm mua sắm trên cơ sở nâng cấp chợ trung tâm thị trấn.

- Xây dựng mới một vài siêu thị hạng III tại thị trấn huyện.

c) Khu thương mại - dịch vụ: trong thời kỳ quy hoạch, từng bước hình thành khu thương mại - dịch vụ tại thị trấn huyện Nghi Lộc và tại các trung tâm cụm xã trên địa bàn huyện, trong đó lấy các chợ trung tâm (hay trung tâm mua sắm) làm hạt nhân.

d) Hệ thống kho hàng nông sản:

Hoàn thiện các kho hàng nông sản trong chợ đầu mối nông sản

e) Mạng lưới xăng dầu:

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện có 36 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang hoạt động, trong đó có đến 8 cửa hàng chưa đủ điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh. Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện phần lớn thuộc quy mô nhỏ. Nhìn chung, mạng lưới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân,... Trong thời gian trước mắt huyện Nghi Lộc cần phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng rà soát lại mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn và mạng lưới kinh doanh xăng dầu cần được phát triển theo các định hướng sau: 1) Di dời, xoá bỏ đối với các cửa hàng kinh doanh không phép, vi phạm quy định về an toàn giao thông, về môi trường và về phòng cháy chữa cháy, ...; 2) Cải tạo, nâng cấp các cửa hàng hiện có thành những cửa hàng kinh doanh đa ngành: ngoài kinh doanh mặt hàng chính là xăng dầu, cần phát triển thêm các dịch vụ như kinh doanh gaz và khí hoá lỏng, dịch vụ sửa chữa xe, dịch vụ rửa xe,... 3) Xây mới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở các khu dân cư mới, các tuyến giao thông mới mở hoặc ở các xã chưa có cửa hàng xăng dầu hoạt động.

3.3.7. Huyện Hưng Nguyên

Hưng Nguyên là huyện đồng bằng, nằm ở phía Tây Nam thành phố Vinh, gồm 22 đơn vị hành chính (21 xã, 1 thị trấn) có diện tích 159,0616 km2, dân số trung bình năm 2008 là 114.836 người. Hưng Nguyên là huyện thuần nông, có hệ thống giao thông khép kín, khá thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội nói chung và thương mại nói riêng. Xuất phát từ thực trạng và định hướng phát triển kinh tế xã hội của huyện, quy hoạch cụ thể mạng lưới thương mại trên địa bàn huyện Hưng Nguyên đến năm 2020 như sau:

a) Mạng lưới chợ: Tổng số chợ trên địa bàn huyện là 16 chợ, chủ yếu là chợ loại 3 và chợ tạm. Trong thời gian từ 2001, huyện đã chủ động huy động từ nhiều nguồn để củng cố nâng cấp mạng lưới chợ, tuy nhiên vẫn còn 8 chợ cần được nâng cấp, đảm bảo cho nhân dân có nơi trao đổi, mua bán hàng hoá với vệ sinh môi trường được đảm bảo, văn minh thương mại được thực hiện, giai đoạn đến năm 2015:

- Nâng cấp, cải tạo 8 chợ, gồm: chợ Hến, chợ Cầu, chợ Lò, chợ Cần, chợ Trung, chợ Chùa, chợ Cồn, chợ Nhà máy đường.

- Xây mới 2 chợ, gồm: chợ Bò, chợ Già.

b) Trung tâm mua sắm, siêu thị:

Giai đoạn 2010 - 2015:

- Xây dựng 01 trung tâm mua sắm trên cơ sở nâng cấp chợ trung tâm thị trấn

- Xây mới một siêu thị hạng III tại trung tâm thị trấn Hưng Nguyên

Giai đoạn 2016 - 2020:

- Nâng cấp chợ Mý (Hưng Châu) thành trung tâm mua sắm

- Nâng cấp chợ Hưng Xá thành Trung tâm mua sắm

c) Khu thương mại - dịch vụ: trong thời kỳ quy hoạch, từng bước hình thành khu thương mại - dịch vụ tại thị trấn huyện Hưng Nguyên, và tại các cụm kinh tế Hưng Châu, Hưng Xá, Hưng Đạo, Hưng Tây, Hưng Yên trên địa bàn huyện trong đó lấy các chợ trung tâm (hoặc trung tâm mua sắm) làm hạt nhân.

d) Mạng lưới xăng dầu:

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện có 8 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang hoạt động, trong đó có 7 cửa hàng nằm trong quy hoạch và đã được cấp giấy phép kinh doanh. Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện đều thuộc quy mô nhỏ. Nhìn chung, mạng lưới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Trong thời gian trước mắt huyện Hưng Nguyên cần phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng rà soát lại mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn và mạng lưới kinh doanh xăng dầu cần được phát triển theo các định hướng sau: 1) Di dời, xoá bỏ đối với các cửa hàng kinh doanh không phép, vi phạm quy định về an toàn giao thông, về môi trường và về phòng cháy chữa cháy, ...; 2) Cải tạo, nâng cấp các cửa hàng hiện có thành những cửa hàng kinh doanh đa ngành: ngoài kinh doanh mặt hàng chính là xăng dầu, cần phát triển thêm các dịch vụ như kinh doanh gaz và khí hoá lỏng, dịch vụ sửa chữa xe, dịch vụ rửa xe,...3) Xây mới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở các khu dân cư mới, các tuyến giao thông mới mở (tuyến đường tránh Tp. Vinh, đường ven Sông Lam, đường nối khu di tích Lê Hồng Phong - Quê Bác,...) hoặc ở các xã chưa có cửa hàng xăng dầu hoạt động.

4.4. Vùng miền núi Tây Bắc

Vùng này gồm 5 huyện và 1 thị xã gồm: huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ và thị xã Thái Hoà, có diện tích tự nhiên 537.420 ha (chiếm 32,6% diện tích toàn tỉnh); dân số 564.131 người (chiếm 18,6%). Trong vùng hiện có 5 đô thị (thị trấn huyện lỵ). Vùng này chủ yếu phát triển các đô thị nhỏ và vừa thuộc 3 cấp: tỉnh, huyện và khu vực được bố trí gắn với các trục giao thông, các vùng khai thác khoáng sản hoặc vùng chuyên canh và chế biến sản phẩm cây công nghiệp. Đây là vùng có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, địa hình không phức tạp so với vùng Tây Nam, quỹ đất tốt (trong đó có 1, 3 vạn ha đất đỏ bazan). Cơ sở hạ tầng giao thông, điện, thuỷ lợi phát triển khá. Đây là vùng tập trung các cơ sở nông lâm trường của trung ương trước đây.

Định hướng đô thị hoá: Đến năm 2020 có 1 đô thị cấp III (thị xã Thái Hoà), 5 thị trấn huyện lỵ, 1 thị trấn tiểu vùng (3/2 Quỳ Hợp), 18 thị tứ (đa số nằm dọc theo đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 48), dân số đô thị đến 2020 là: 154.000 người, chiếm 11,8% dân số đô thị toàn tỉnh. Trong đó, thị xã Thái Hoà là đô thị trung tâm kinh tế - văn hoá - xã hội của vùng, được quy hoạch trên cơ sở hạt nhân là thị trấn Thái Hoà, mở rộng thêm về phía Tây và Tây Bắc (dọc hai bên bờ sông Hiếu) và phía Nam. Diện tích đến năm 2010 khoảng 1.900 ha và dân số 38, 8 nghìn người, đến năm 2020 khoảng 59 nghìn người.

3.4.1. Huyện Quế Phong

Huyện Quế Phong gồm 14 đơn vị hành chính (13 xã, 1 thị trấn) có diện tích 1.890,8645 km2, dân số trung bình năm 2008 là 63.543 người. Quế Phong là 1 trong 61 huyện nghèo nhất Việt Nam, mặc dù trong thời gian gần đây, huyện đã được sự quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh Nghệ An, của Trung ương nhưng do xuất phát điểm kinh tế thấp, trình độ dân trí không đồng đều, có nhiều dân tộc khác nhau sống rải rác nên khó đầu tư xây dựng. Thời kỳ đến năm 2020 trên địa bàn huyện sẽ mở thêm của khẩu Thông Tụ, đây sẽ là yếu tố góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại trên địa bàn phát triển, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước của tỉnh (thông qua các Chương trình, Nghị quyết,... ), Quế Phong sẽ sớm ra khỏi tình trạng là 1 trong những huyện nghèo nhất. Xuất phát từ thực trạng và định hướng phát triẻn kinh tế xã hội của huyện trong thời kỳ đến năm 2020, Quy hoạch cụ thể mạng lưới thương mại trên địa bàn huyện Quế Phong đến năm 2020 như sau:

a) Mạng lưới chợ: Mạng lưói chợ sẽ chiếm phần chủ đạo trong phân phối lưu thông hàng hoá trên địa bàn huyện trong suốt giai đoạn từ nay đến năm 2020. Hiện tại trên địa bàn huyện có 7 chợ đang hoạt đồng thì có tới 6 chợ trong tình trạng lán tạm. Cần tập trung nâng cấp, cải tạo, xây mới mạng lưới chợ, phấn đấu đến năm 2015, cơ bản hoàn thành chương trình phát triển chợ trên địa bàn huyện, đảm bảo đủ chợ cho nhân dân mua bán, trao đổi và giao lưu văn hoá, cụ thể:

- Nâng cấp 7 chợ hiện tại

- Xây mới chợ cửa khẩu Thông Thụ để tăng cường trao đổi thương mại với Lào.

- Xây mới chợ thị tứ xã Tiền Phong

- Xây mới chợ thị tứ xã Tri Lễ

- Xây mới chợ xã Kắm Muộn

- Xây mới chợ gia súc xã Châu Kim

- Xây mới chợ TTCX Đồng Văn

b) Trung tâm thương mại, siêu thị:

Với xuất phát điểm kinh tế còn thấp, cần tiến hành nghiên cứu xây dựng các loại hình thương mại hiện đại trên địa bàn huyện cho phù hợp với nhu cầu và trình độ tiêu dùng của nhân dân. Đối với Huyện Quế Phong, các loại hình thương mại hiện địa như trung tâm mua sắm, siêu thị sẽ xuất hiện nhưng nên đầu tư vào giai đoạn thích hợp (từ năm 2015 trở đi là phù hợp), Trung tâm mua sắm có thể được phát triển độc lập hoặc trên cơ sở nâng cấp chợ thị trấn Kim Sơn sẽ xuất phát từ thực tế phát triển kinh tế xã hội của huyện trong thời gian tới, quy hoạch mạng lưới trung tâm mua sắm và siêu thị trên địa bàn huyện đuợc dự kiến như sau:

Giai đoạn 2016 - 2020:

- Hình thành Trung tâm mua sắm thị trấn Kim Sơn (có thể xây mới độc lập hoặc trên cơ sở nâng cấp chợ thị trấn Kim Sơn)

- Hình thành ít nhất 1 siêu thị tổng hợp tại khu vực thị trấn Kim Sơn

d) Mạng lưới xăng dầu:

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện có 7 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang hoạt động, Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện đều thuộc quy mô nhỏ. Nhìn chung, mạng lưới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Trong thời gian tới, xuất phát từ định hướng phát triển đô thị, khu dân cư tập trung và sự xuất hiện của các tuyến giao thông mới, mạng lưới kinh doanh xăng dầu cần được phát triển theo các định hướng sau: 1) Di dời, xoá bỏ đối với các cửa hàng vi phạm quy định về an toàn giao thông, về môi trường và về phòng cháy chữa cháy, ...; 2) Cải tạo, nâng cấp các cửa hàng hiện có thành những cửa hàng kinh doanh đa ngành: ngoài kinh doanh mặt hàng chính là xăng dầu, cần phát triển thêm các dịch vụ như kinh doanh gaz và khí hoá lỏng, dịch vụ sửa chữa xe, dịch vụ rửa xe,...; 3) Xây mới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở các khu dân cư mới, các tuyến giao thông mới mở hoặc ở các xã chưa có cửa hàng xăng dầu hoạt động.

3.4.2. Huyện Quỳ Châu

Huyện Quỳ Châu có tổng diện tích tự nhiên 1.057,6563 km2 , dân số trung bình năm 2008 là 55.1188 người, là huyện miền núi cao có tiềm năng về khoáng sản. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của huyện tương đối thuận tiện, có tuyến quốc lộ 48 dài 399 km chạy dọc từ đầu huyện đến cuối huyện qua 6 xã, thị trấn. Xuất phát từ thực trạng và định hướng phát triển kinh tế xã hội của huyện trong thời kỳ đến năm 2020, Quy hoạch cụ thể mạng lưới thương mại trên địa bàn huyện Quỳ Châu đến năm 2020 như sau:

a) Mạng lưới chợ: Tổng số chợ đang hoạt động trên địa bàn là 6 chợ (trong đó có 1 chợ loại 2, 3 chợ loại 3 và 2 chợ tạm), Dự kiến trong thời kỳ đến năm 2020 trên địa bàn sẽ tiến hành xây mới và cải tạo, nâng cấp 12 chợ, cụ thể:

- Xây mới chợ trung tâm thị trấn Quỳ Châu

- Cải tạo nâng cấp chợ Châu Bình

- Cải tạo, nâng cấp chợ Châu Phong

- Xây mới các chợ tại trung tâm các xã gồm: chợ Chùa Hội (4000 m2); chợ Châu Tiên (5000 m2); chợ Châu Thắng (5000 m2); chợ Châu Thuận (5000 m2); chợ Châu Nga (5000 m2); chợ Châu Hạnh (5000 m2); chợ Châu Hoàn (4000 m2); và chợ Diên Lãm (4000 m2).

b) Trung tâm mua sắm, siêu thị:

Giai đoạn 2016 - 2020:

- Xây dựng 01 trung tâm mua sắm trên cơ sở nâng cấp chợ trung tâm thị trấn Quỳ Châu

- Xây mới một siêu thị hạng III tại trung tâm thị trấn Quỳ Châu

c) Khu thương mại - dịch vụ: trong thời kỳ quy hoạch, từng bước hình thành khu thương mại - dịch vụ tại thị trấn huyện Quỳ Châu và tại các trung tâm cụm xã trên địa bàn huyện trong đó lấy các chợ trung tâm (trung tâm mua sắm) làm hạt nhân.

d) Mạng lưới xăng dầu:

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện có 5 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang hoạt động, Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện đều thuộc quy mô nhỏ. Nhìn chung, mạng lưới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Trong thời gian trước mắt huyện Quỳ Châu cần phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng rà soát lại mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn và mạng lưới kinh doanh xăng dầu cần được phát triển theo các định hướng sau: 1) Di dời, xoá bỏ đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm quy định về an toàn giao thông, về môi trường và về phòng cháy chữa cháy, ...; 2) Cải tạo, nâng cấp các cửa hàng hiện có thành những cửa hàng kinh doanh đa ngành: ngoài kinh doanh mặt hàng chính là xăng dầu, cần phát triển thêm các dịch vụ như kinh doanh gaz và khí hoá lỏng, dịch vụ sửa chữa xe, dịch vụ rửa xe,...; 3) Xây mới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở các khu dân cư mới, các tuyến giao thông mới mở hoặc ở các xã chưa có cửa hàng xăng dầu hoạt động.

3.4.3. Huyện Quỳ Hợp

Quỳ Hợp là huyện miền núi ở phía Bắc tỉnh Nghệ An gồm 21 đơn vị hành chính (20 xã, 1 thị trấn), có diện tích 942,2055 km2, dân số trung bình năm 2008 là 125.119 người. Trong những năm vừa qua, mặc dù có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao nhưng do xuất phát điẻm kinh tế thấp nên trên địa bàn huyện vẫn còn tới 10 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Xuất phát từ thực trạng và định hướng phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện trong thời gian tới theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, quy hoạch cụ thể mạng lưới thương mại trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đến năm 2020 như sau:

a) Mạng lưới chợ: Tổng số chợ đang hoạt động trên địa bàn là 10 chợ (trong đó còn có đến 5 chợ tạm), Dự kiến trong thời kỳ đến năm 2020 trên địa bàn sẽ tiến hành xây mới và cải tạo mạng lưới chợ hiện có như: chợ Bãi, chợ Đồng Hợp, chợ Yên Hợp, chợ Châu Hồng và chợ nông sản thị trấn Quỳ Hợp. Đồng thời nâng cấp 3 chợ: chợ trung tâm thị trấn Quỳ Hợp, Chợ Dinh xã Nghĩa Xuân và chợ Đồng Nại thành trung tâm mua sắm chợ

b) Trung tâm mua sắm, siêu thị:

Giai đoạn 2010 - 2015:

- Nâng cấp chợ trung tâm thị trấn Quỳ Hợp thành Trung tâm mua sắm

Giai đoạn 2016 - 2020:

- Nâng cấp chợ Dinh xã Nghĩa Xuân thành Trung tâm mua sắm

- Nâng cấp chợ Đồng Nại xã Châu Quang thành trung tâm mua sắm

- Xây mới một siêu thị hạng III tại khu vực cầu Năm Tôn, khối 9, thị trấn Quỳ Hợp

c) Khu thương mại - dịch vụ: trong thời kỳ quy hoạch, từng bước hình thành khu thương mại - dịch vụ tại thị trấn huyện Quỳ Hợp và tại các trung tâm cụm xã trên địa bàn huyện trong đó lấy các chợ trung tâm (trung tâm mua sắm) làm hạt nhân.

d) Mạng lưới xăng dầu:

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện có 14 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang hoạt động (trong đó còn 1 cửa hàng chưa nằm trong quy hoạch được cấp giấy phép kinh doanh). Hầu hết các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện đều thuộc quy mô nhỏ. Nhìn chung, mạng lưới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Trong thời gian trước mắt huyện Quỳ Hợp cần phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng rà soát lại mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn và mạng lưới kinh doanh xăng dầu cần được phát triển theo các định hướng sau: 1) Di dời, xoá bỏ đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu chưa có giấy phép, vi phạm quy định về an toàn giao thông, về môi trường và về phòng cháy chữa cháy, ...; 2) Cải tạo, nâng cấp các cửa hàng hiện có thành những cửa hàng kinh doanh đa ngành: ngoài kinh doanh mặt hàng chính là xăng dầu, cần phát triển thêm các dịch vụ như kinh doanh gaz và khí hoá lỏng, dịch vụ sửa chữa xe, dịch vụ rửa xe,...; 3) Xây mới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở các khu dân cư mới, các tuyến giao thông mới mở hoặc ở các xã chưa có cửa hàng xăng dầu hoạt động.

3.4.4. Huyện Nghĩa Đàn

Huyện Nghĩa Đàn nằm về phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh khoảng 90 km, cách thị xã Thái Hòa khoảng 6 km về phía Đông Bắc. Nghĩa Đàn có đường Hồ Chí Minh, quốc lộ lộ 48, quốc lộ 15 A đi qua. Với 24 đơn vị hành chính có diện tích 617,8929 km2 , dân số trung bình năm 2008 là 140.843 người và là huyện có vùng đất đỏ Bazan lớn nhất các tỉnh miền Bắc. Nghĩa Đàn nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía bắc của tỉnh Nghệ An, có tiềm năng phát triển nhiều loại cây trồng có quy mô lớn như cao su, cà phê, cam, mía,... nên có nhiều lợi thế trong việc cung cấp hàng hóa cho hoạt động trao đổi thương mại. Xuất phát từ thực trạng phát triển kinh tế xã hội của huyện trong thời gian qua cũng như triển vọng phát triển kinh tế của huyện, dự kiến quy hoạch mạng lưới thương mại trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn đến năm 2020 như sau:

a) Mạng lưới chợ: Hiện tại có 19 chợ đang hoạt động trên địa bàn nhưng có tới 18 chợ trong tình trạng lán tạm, đây là vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian trước mắt, cụ thể:

- Nâng cấp, cải tạo, kiên cố hoá 18 chợ đang trong tình trạng lán tạm hiện nay

- Cải tạo, nâng cấp chợ trung tâm huyện để làm tiền đề cho giai đoạn sau nâng cấp thành trung tâm mua sắm

b) Trung tâm mua sắm, siêu thị:

Giai đoạn 2016 - 2020:

- Nâng cấp chợ trung tâm thị trấn thành trung tâm mua sắm

- Xây mới 1 siêu thị tổng hợp hạng III ở khu vực thị trấn Nghĩa Đàn

c) Khu thương mại - dịch vụ: trong thời kỳ quy hoạch, từng bước hình thành khu thương mại - dịch vụ tại thị trấn huyện Nghĩa Đàn và tại các trung tâm cụm xã, thị tứ trên địa bàn huyện trong đó lấy các chợ trung tâm (trung tâm mua sắm) làm hạt nhân.

d) Mạng lưới xăng dầu:

Do thị xã Thái Hoà mới được thành lập nên số liệu thống kê chung trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hoà gồm 26 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang hoạt động (trong đó còn 1 cửa hàng chưa nằm trong quy hoạch được cấp giấy phép kinh doanh). Hầu hết các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thuộc quy mô nhỏ (23/26 cửa hàng). Nhìn chung, mạng lưới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Trong thời gian trước mắt huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hoà cần phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng rà soát lại mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn và mạng lưới kinh doanh xăng dầu cần được phát triển theo các định hướng sau: 1) Di dời, xoá bỏ đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu chưa có giấy phép, vi phạm quy định về an toàn giao thông, về môi trường và về phòng cháy chữa cháy, ...; 2) Cải tạo, nâng cấp các cửa hàng hiện có thành những cửa hàng kinh doanh đa ngành: ngoài kinh doanh mặt hàng chính là xăng dầu, cần phát triển thêm các dịch vụ như kinh doanh gaz và khí hoá lỏng, dịch vụ sửa chữa xe, dịch vụ rửa xe,...; 3) Xây mới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở các khu dân cư mới, các tuyến giao thông mới mở hoặc ở các xã chưa có cửa hàng xăng dầu hoạt động.

3.4.5. Thị xã Thái Hòa

Thị xã Thái Hòa là một trong những vùng kinh tế trọng điểm và là cực tăng trưởng kinh tế của Nghệ An, chiếm vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói chung và vùng Tây Bắc Nghệ An nói tiêng. Thị xã Thái Hòa là đầu mối giao thông quan trọng, có quốc lộ 48 chạy suốt từ Đông sang Tây, đường Hồ Chí Minh, tỉnh lộ 545 và 598, đường sắt, đường thủy, là cơ sở thuận lợi để vận chuyển giao lưu hàng hóa với các vùng xung quanh. Thị xã Thái Hòa có số dân hơn 67.000 người. Xuất phát từ thực trạng phát triển kinh tế xã hội của thị xã cũng như triển vọng phát triển kinh tế trong thời gian tới, dự kiến quy hoạch mạng lưới thương mại trên địa bàn thị xã Thái Hoà đến năm 2020 như sau:

a) Mạng lưới chợ: Tổng số chợ hiện có trên địa bàn là 7 chợ (trong đó còn có 2 chợ tạm). Trong thời kỳ quy hoạch đến năm 2015, thị xã Thái Hoà cần đầu tư nâng cấp mở rộng mạng lưới chợ trên địa bàn nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu trao đổi hàng hoá, phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Từng bước nâng cấp chợ trung tâm thành trung tâm mua sắm.

b) Trung tâm mua sắm, siêu thị:

Giai đoạn 2010 - 2015:

- Nâng cấp chợ trung tâm thị xã thành trung tâm mua sắm

- Xây mới 1 siêu thị tổng hợp hạng III ở trung tâm thị xã

c) Khu thương mại - dịch vụ: trong thời kỳ quy hoạch, từng bước hình thành khu thương mại - dịch vụ tại khu vực trung tâm thị xã và các xã trên địa bàn trong đó lấy các chợ (trung tâm mua sắm) làm hạt nhân.

3.4.6. Huyện Tân Kỳ

Tân Kỳ là huyện miền núi thấp nằm ở phía Tây tỉnh Nghệ An, phía Đông giáp huyện Nghĩa Đàn, phía Tây giáp huyện Anh Sơn - Con Cuông, phía Nam giáp huyện Quỳnh Lưu - Yên Thành - Đô Lương, phía Bắc giáp Quỳ Hợp; gồm 22 đơn vị hành chính (21 xã, 1 thị trấn) có diện tích 729,2718 km2, dân số trung bình năm 2008 là 139.218 người. Do có nhiều đồi rừng và khe suối chia cắt nên giao thông gặp nhiều trở ngại, tuy nhiên, trong thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện tương đối khá, hoạt động thương mại dịch vụ phát triển, hàng hoá phong phú, dồi dào đáp đứng được nhu cầu của nhân dân. Xuất phát từ thực trạng và định hướng phát triển kinh tế của huyện trong thời gian tới, dự kiến quy hoạch mạng lưới thương mại trên địa bàn huyện Tân Kỳ đến năm 2020 như sau:

a) Mạng lưới chợ: Tổng số chợ hiện nay trên địa bàn huyện là 22 chợ (trong đó có 6 chợ đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp và còn 10 chợ trong tình trạng lán tam). Trong trong thời kỳ đến năm 2015, mạng lưới chợ trên địa bàn cần được củng cố, nâng cấp, xoá bỏ tình trạng chợ tạm, cụ thể xây dựng mới 9 chợ: chợ Kỳ Sơn; chợ Nghĩa Phúc; Chợ Tiến Kỳ; chợ Tân Hợp; chợ Đồng Văn; chợ Nghĩa Hoàn; chợ Nghĩa Thái; chợ Hương Sơn; và chuẩn bị điều kiện để nâng cấp một số chợ tại trung tâm thị trấn, thị tứ thành các trung tâm mua sắm

b) Trung tâm mua sắm, siêu thị:

Giai đoạn 2010 - 2015:

- Nâng cấp chợ thị trấn Tân Kỳ thành trung tâm mua sắm

- Nâng cấp chợ xã Tân An thành trung tâm mua sắm

- Xây mới 1 siêu thị tổng hợp tại thị trấn Tân Kỳ

- Xây mới 1 siêu thị tổng hợp tại Kỳ Sơn,

- Xây mới 1 siêu thị tổng hợp tại Nghĩa Hoàn

Giai đoạn 2016 - 2020:

- Nâng cấp chợ xã Nghĩa Dũng thành trung tâm mua sắm

- Nâng cấp chợ xã Tân Phú thành trung tâm mua sắm

- Nâng cấp chợ xã Nghĩa Hành thành trung tâm mua sắm

- Nâng cấp chợ xã Đồng Văn thành trung tâm mua sắm

- Nâng cấp chợ xã Nghĩa Hoàn thành trung tâm mua sắm

- Nâng cấp chợ xã Giai Xuân thành trung tâm mua sắm

- Xây mới 1 siêu thị tổng hợp tại Nghĩa Đồng

- Xây mới 1 siêu thị tổng hợp tại Nghĩa Bình

c) Hệ hống kho bãi: Trên địa bàn huyện đã quy hoạch 4 khu công nghiệp nhỏ tại Đồng Văn, Nghĩa Dũng, Nghĩa Hoàn và Thị Trấn, do vậy trong thời kỳ 2016 - 2020, có thể định hướng xây dựng một số kho bãi phục vụ cho các hoạt động thương mại tại các khu công nghiệp trên.

d) Khu thương mại - dịch vụ: trong thời kỳ quy hoạch, từng bước hình thành khu thương mại - dịch vụ tại thị trấn huyện và tại các trung tâm cụm xã trên địa bàn huyện trong đó lấy các chợ (trung tâm mua sắm) làm hạt nhân.

e) Mạng lưới xăng dầu:

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện có 26 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang hoạt động (trong đó có đến 9 cửa hàng chưa nằm trong quy hoạch được cấp giấy phép kinh doanh). Hầu hết các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện đều thuộc quy mô nhỏ. Nhìn chung, mạng lưới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Trong thời gian trước mắt huyện Tân Kỳ cần phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng rà soát lại mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn và mạng lưới kinh doanh xăng dầu cần được phát triển theo các định hướng sau: 1) Di dời, xoá bỏ đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu chưa có giấy phép, vi phạm quy định về an toàn giao thông, về môi trường và về phòng cháy chữa cháy, ...; 2) Cải tạo, nâng cấp các cửa hàng hiện có thành những cửa hàng kinh doanh đa ngành: ngoài kinh doanh mặt hàng chính là xăng dầu, cần phát triển thêm các dịch vụ như kinh doanh gaz và khí hoá lỏng, dịch vụ sửa chữa xe, dịch vụ rửa xe,...; 3) Xây mới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở các khu dân cư mới, các tuyến giao thông mới mở hoặc ở các xã chưa có cửa hàng xăng dầu hoạt động.

4.5. Vùng miền núi Tây Nam

Vùng này gồm 5 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương. Diện tích tự nhiên 837.081 ha, chiếm 50,8% so với toàn tỉnh; dân số 554.354 người chiếm 18,3% toàn tỉnh. Trong vùng hiện có 5 đô thị (thị trấn huyện lỵ). Đây là vùng có địa hình phức tạp, quỹ đất chưa sử dụng khá lớn. Lợi thế của vùng là có tuyến quốc lộ 7 và tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua; Có 2 cửa khẩu qua nước bạn Lào (cửa khẩu Nậm Cắn - Kỳ Sơn, Thanh Thuỷ - Thanh Chương); Đã và sẽ xây dựng các nhà máy thủy điện như: Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương) công suất 320MW sẽ đưa vào hoạt động năm 2010, Nhà máy thủy điện Khe Bố công suất 98 MW khởi công năm 2007,... Trong vùng còn có khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát, nơi còn lưu giữ nhiều loại thực vật và động vật quý hiếm, là một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của cả nước.

Định hướng đô thị hoá: đến năm 2020 có 1 đô thị cấp III (Thị xã Con Cuông sẽ thành lập vào năm 2010) và 5 thị trấn huyện lỵ, 5 thị trấn tiểu vùng (Thanh Thủy, Rộ, Chợ Chùa, Chợ Cồn, Cây Chanh), 27 thị tứ; các thị trấn và thị tứ được bố trí chủ yếu dọc đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 46 và quốc lộ 7. Dân số đô thị đến 2020 là 171.000 người, chiếm 13,2% dân số đô thị toàn tỉnh. Trong đó thị xã Con Cuông là đô thị trung tâm của vùng.

3.5.1. Huyện Kỳ Sơn

Kỳ Sơn là một huyện miền núi cao, phía Tây, Nam, Bắc giáp với nước CHDCND Lào (phía Bắc giáp tỉnh Hủa Phăn, phía Nam giáp tỉnh PoLiKhămXây, phía Tây giáp tỉnh Xiêng Khoảng; phía Nam giáp huyện Tương Dương; Kỳ Sơn gồm 21 đơn vị hành chính (20 xã và 1 thị trấn) với diện tích 2.094,3384 km2, dân số trung bình năm 2008 là 68.212 người. Trong thời gian qua, kinh tế Kỳ Sơn đã có bước phát triển, tuy nhiên, do địa hình nhiều đồi núi, sông suối, giao thông đi lại khó khăn (nhiều xã còn chưa có đường giao thông, các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân phải chuyển chở bằng thuyền rất khó khăn), xuất phát điểm kinh tế thấp nên đời sống của nhân dân trong huyện còn gặp nhiều khó khăn. Kỳ Sơn vẫn là 1 trong 61 huyện nghèo nhất Việt Nam. Theo quy hoạch phát triển đô thị, thời kỳ từ nay đến 2020 trên địa bàn huyện sẽ hoàn thành xây dựng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn phát triển kinh tế tương xứng với cửa khẩu quốc tế. Mặc dù trên địa bàn có cửa khẩu quốc tế nhưng do khu vực bên kia biên giới thuộc CHDCND Lào đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, từ biên giới tới khu vực dân cư xa nên trong thời gian qua, hoạt động trao đổi thương mại qua biên giới chưa phát triển. Xuất phát từ thực trạng và định hướng phát triển kinh tế xã hội của huyện trong thời gian tới, dự kiến quy hoạch phát triển thương mại trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đến năm 2020 như sau:

b) Mạng lưới chợ: Mạng lưói chợ sẽ chiếm phần chủ đạo trong phân phối lưu thông hàng hoá trên địa bàn huyện trong suốt giai đoạn từ nay đến năm 2020. Trên địa bàn huyện hiện chỉ có 3 chợ đang hoạt động, trong đó có 2 chợ họp theo phiên, ngay cả chợ trung tâm thị trấn Mường Xén cũng ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, Trong trong thời kỳ đến năm 2015, mạng lưới chợ trên địa bàn cần được củng cố, nâng cấp và xây mới một số chợ ở những địa bàn đang có nhu cầu mua bán trao đổi và dần nâng cấp chợ trung tâm Mường Xén thành trung tâm mua sắm, cụ thể:

- Nâng cấp, cải tạo chợ trung tâm thị trấn Mường Xén

- Nâng cấp mở rộng, cải tạo chợ Trung tâm xã Huổi Tụ và chợ Mường Luống;

- Xây dựng mới 03 chợ xã biên giới Na Ngoi, Nậm Cắn, Mỹ Lý

- Xây mới 1 chợ Trung tâm thị tứ xã Chiêu Lưu

- Xây mới các chợ cho 08 xã biên giới: Nậm Càn, Bắc Lý, Na Loi, Mường Típ, Mường ải, Tà Cạ, Đoọc Mạy, Keng Đu.

c) Trung tâm mua sắm, siêu thị:

Trong thời kỳ đến năm 2020 huyện Kỳ Sơn sẽ từng bước đầu tư các loại thương mại mới như trung tâm mua sắm, siêu thị, cụ thể:

Giai đoạn 2016 - 2020:

- Nâng cấp chợ ttrung tâm thị trấn Mường Xén thành Trung tâm mua sắm

- Xây mới 1 siêu thị tổng hợp hạng III ở khu vực trung tâm thị trấn Mường Xén

- Xây mới 1 siêu thị hạng 3 tại khu vực cửa khẩu Nậm Cắn.

d) Khu thương mại - dịch vụ: trong thời kỳ quy hoạch, từng bước hình thành khu thương mại - dịch vụ tại thị trấn huyện và tại các trung tâm cụm xã trên địa bàn huyện trong đó lấy các chợ (trung tâm mua sắm) làm hạt nhân.

e) Tổng kho tập trung: Xuất phát từ vị trí có cửa khẩu quốc tế, giai đoạn 2016 - 2020 cần xây dựng ở khu vực cửa khẩu Nậm Cắn 1 tổng kho nhằm tạo điều kiện cho việc giao dịch xuất khẩu hàng nông, thủy hải sản và hàng hóa khác của các doanh nghiệp xuất khẩu sang Lào. Ngoài ra, đầu tư xây dựng thêm một số kho bãi dành cho hoạt động thương mại trên địa bàn huyện.

g) Mạng lưới xăng dầu: Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện có 6 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang hoạt động (trong đó có 4 cửa hàng được cấp giấy phép kinh doanh). Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện đều thuộc quy mô nhỏ. Nhìn chung, mạng lưới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân trong giai đoạn hiện nay. Trong thời gian trước mắt huyện Kỳ Sơn cần phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng rà soát lại mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn và mạng lưới kinh doanh xăng dầu cần được phát triển theo các định hướng sau: 1) Di dời, xoá bỏ đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu chưa có giấy phép, vi phạm quy định về an toàn giao thông, về môi trường và về phòng cháy chữa cháy, ...; 2) Cải tạo, nâng cấp các cửa hàng hiện có thành những cửa hàng kinh doanh đa ngành: ngoài kinh doanh mặt hàng chính là xăng dầu, cần phát triển thêm các dịch vụ như kinh doanh gaz và khí hoá lỏng, dịch vụ sửa chữa xe, dịch vụ rửa xe,...; 3) Xây mới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở các khu dân cư mới, các tuyến giao thông mới mở hoặc ở các xã chưa có cửa hàng xăng dầu hoạt động.

3.5.2. Huyện Tương Dương

Tương Dương là huyện miền núi cao, nằm ở phía tây tỉnh Nghệ An, có 57 km đường biên giới với CHDCND Lào. Tổng diện tích tự nhiên của Tương Dương 2.811,2973 km2, dân số trung bình năm 2008 là 74.736 người, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, trình độ dân trí không cao và tỷ lệ đói nghèo chiếm tới 79,9%. Tuy nhiên, hoạt động thương mại ở Tương Dương khá phát triển. Với triển vọng phát triển kinh tế xã hội của huyện trong thời gian tới (khi Nhà nước cho phép xây dựng các nhà máy thủy điện, và mở cửa khẩu Tam Hợp), Tương Dương sẽ có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế đặc biệt là phát triển thương mại. Xuất phát từ thực trạng và định hướng phát triển của huyện, quy hoạch mạng lưới thương mại trên địa bàn huyện Tương Dương đến 2020 như sau:

a) Mạng lưới chợ: Hiện tại trên địa bàn có 4 chợ đang hoạt động (trong đó có 2 chợ trong tình trạng lán tạm). Trong thời gian trước mắt, huyện sẽ tập trung đầu tư nâng cấp các chợ hiện có, xây mới một số chợ đảm bảo cho nhân dân có nơi mua bán, trao đổi và giao lưu văn hóa, cụ thể như sau

- Nâng cấp 4 chợ hiện có, trong đó chú trọng chợ thị trấn Hòa Bình để đến giai đoạn sau nâng cấp thành trung tâm mua sắm

- Xây mới chợ xã Tam Thái

- Xây mới chợ Lưu Kiền

- Xây mới chợ Bản Vẽ

- Xây mới chợ trâu bò Tam Quang

- Xây mới chợ trâu bò Xá Lượng

- Xây mới chợ cửa khẩu Tam Hợp

b) Trung tâm mua sắm, siêu thị:

Giai đoạn 2010 - 2015:

- Nâng cấp chợ trung tâm thị trấn Hòa Bình thành Trung tâm mua sắm

Giai đoạn 2016 - 2020:

- Xây mới Trung tâm mua sắm tại TTCX Khe Bố

- Nâng cấp chợ Bản Vẽ - xã Yên Na thành Trung tâm mua sắm

- Xây mới Trung tâm mua sắm tại TTCX Yên Hòa

- Nâng cấp chợ TTCX Tam Thái thành Trung tâm mua sắm

c) Khu thương mại - dịch vụ: trong thời kỳ quy hoạch, từng bước hình thành khu thương mại - dịch vụ tại thị trấn huyện và tại các trung tâm cụm xã trên địa bàn huyện trong đó lấy các chợ (trung tâm mua sắm) làm hạt nhân.

d) Mạng lưới xăng dầu:

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện có 7 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang hoạt động (trong đó có 4 cửa hàng được cấp giấy phép kinh doanh). Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu (CHXD) trên địa bàn huyện đều thuộc quy mô nhỏ. Nhìn chung, mạng lưới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Trong thời gian trước mắt huyện Tương Dương cần phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng rà soát lại mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn và mạng lưới kinh doanh xăng dầu cần được phát triển theo các định hướng sau: 1) Di dời, xoá bỏ đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu chưa có giấy phép, vi phạm quy định về an toàn giao thông, về môi trường và về phòng cháy chữa cháy, ...; 2) Cải tạo, nâng cấp các cửa hàng hiện có thành những cửa hàng kinh doanh đa ngành: ngoài kinh doanh mặt hàng chính là xăng dầu, cần phát triển thêm các dịch vụ như kinh doanh gaz và khí hoá lỏng, dịch vụ sửa chữa xe, dịch vụ rửa xe,...; 3) Xây mới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở các khu dân cư mới, các tuyến giao thông mới mở hoặc ở các xã chưa có cửa hàng xăng dầu hoạt động. Giai đoạn đến năm 2015 sẽ xây mới 8 cửa hàng và di dời 1 cửa hàng (tại thị trấn Hòa Bình), cụ thể:

- Xây mới CHXD bản Quang Yên, xã Tam Đình

- Xây mới CHXD bản Cửa Rào II, xã Xá Lượng

- Xây mới CHXD Bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền

- Xây mới CHXD bản Xiêng Nứa, xã Yên Na

- Xây mới CHXD bản Xiêng Líp, xã Yên Hòa

- Xây mới CHXD bản Vẽ, xã Yên Na

- Xây mới CHXD làng Nhùng, xã Tam Quang

- Xây mới CHXD bản Xốp Nậm, xã Tam Hợp

3.5.3. Huyện Con Cuông

Con Cuông là huyện miền núi, cách thành phố Vinh 123 km về phái Tây Nam tỉnh Nghệ An, có diện tích tự nhiên 1.738,3112 km2, dân số trung bình năm 2008 là 70.513 người. Con Cuông là huyện có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành du lịch (trên địa bàn có Vườn quốc gia Pù Mát), dịch vụ và vận tải. Trong những năm gần đây, hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của huyện đều đạt khá, tuy nhiên, do xuất phát điểm kinh tế thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu nông nghiệp nên đã làm hạn chế tiềm năng phát triển của huyện. Xuất phát từ thực trạng và định hướng phát triển của huyện, đặc biệt trong thời gian tới, thị xã Con Cuông sẽ được thành lập, quy hoạch mạng lưới thương mại trên địa bàn huyện Con Cuông đến 2020 như sau:

a) Mạng lưới chợ: Hiện tại trên địa bàn có 8 chợ đang hoạt động (trong đó có đến 5 chợ trong tình trạng lán tạm). Trong giai đoạn đến năm 2015, tập trung đầu tư nâng cấp các chợ hiện có, xây mới một số chợ đảm bảo cho nhân dân có nơi mua bán, trao đổi và giao lưu văn hóa, cụ thể như sau:

- Nâng cấp, cải tạo 8 chợ hiện có

- Xây mới chợ tại khu đô thị mới Khe Choăng - Châu Khê

- Xây mới các chợ ở trung tâm các thị tứ: Môn Sơn, Mậu Đức, Thạch Ngàn, Châu Khê

- Xây mới chợ tại khu kinh tế mới (khu vực Tổng đội TNXP)

- Xây mới chợ trâu bò tại xã Yên Khê

b) Trung tâm mua sắm, siêu thị:

Giai đoạn 2010 - 2015:

- Nâng cấp chợ trung tâm thị trấn Con Cuông thành Trung tâm mua sắm

- Nâng cấp cửa hàng của đơn vị thương mại huyện (Trung tâm thương mại) thành Siêu thị tổng hợp

Giai đoạn 2016 - 2020:

- Xây mới trung tâm mua sắm tại khu đô thị mới Khe Choăng - Châu Khê

- Xây mới Siêu thị tổng hợp tại khu đô thị mới Khe Choăng - Châu Khê

c) Khu thương mại - dịch vụ: trong thời kỳ quy hoạch, từng bước hình thành khu thương mại - dịch vụ tại thị trấn huyện và tại các trung tâm cụm xã trên địa bàn huyện trong đó lấy các chợ (trung tâm mua sắm) làm hạt nhân.

d) Mạng lưới xăng dầu:

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện có 4 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang hoạt động và tập trung ở khu vực thị trấn huyện. Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện đều thuộc quy mô nhỏ. Nhìn chung, mạng lưới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Trong thời gian tới, huyện Con Cuông sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp 4 cửa hàng hiện có tại khu vực thị trấn và xây mới 9 cửa hàng kinh doanh trên các địa bàn: thị tứ Mậu Đức (1 CH), xã Lạng Khê (1 CH), thị tứ Môn Sơn (1 CH), thị tứ Thạch Ngàn (1 CH), thị tứ Châu Khê (2 CH), xã Lục Dạ (1 CH), xã Yên Khê (1 CH), và xã Chi Khê (1 CH).

3.5.4. Huyện Anh Sơn

Anh Sơn là huyện miền núi phía Tây của tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 100 km, gồm 20 đơn vị hành chính (19 xã, 1 thị trấn) có diện tích 603,2850 km2, dân số trung bình năm 2008 là 114.005 người. Dân số có Anh Sơn phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung ở khu vực thị trấn và một số vùng phụ cận và thương mại tương đối phát triển, còn ở khu vực tả ngạn Sông Lam, dân cư thưa thớt, thương mại chậm phát triển. Xuất phát từ thực trạng và định hướng phát triển của huyện, quy hoạch mạng lưới thương mại trên địa bàn huyện Anh Sơn đến 2020 như sau:

a) Mạng lưới chợ: Hiện tại trên địa bàn huyện có 21 chợ đang hoạt động, trong đó có nhều chợ xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp. Trong thời gian trước mắt, huyện sẽ tập trung đầu tư nâng cấp các chợ hiện có, xây mới một số chợ đảm bảo cho nhân dân có nơi mua bán, trao đổi và giao lưu văn hóa, như: Nâng cấp, cải tạo, mở rộng chợ trung tâm thị trấn; xây mới và nâng cấp sửa chữa một số chợ tại xã Thạch Sơn, Đức Sơn, Thọ Sơn và Thành Sơn; Tiếp tục quy hoạch và đầu tư xây mới cũng như nâng cấp cải tạo các chợ hiện có, đảm bảo đến 2015 có 100% xã có chợ phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi và giao lưu văn hóa của nhân dân.

b) Trung tâm mua sắm, siêu thị:

Giai đoạn 2010 - 2015:

- Xây mới Trung tâm mua sắm tại trung tâm thị trấn huyện (hiện Trung tâm mua sắm này đã được quy hoạch cạnh chợ trung tâm)

- Xây mới Siêu thị tại thị trấn (Siêu thị này có thể nằm Trung tâm mua sắm)

Giai đoạn 2016 - 2020:

- Xây mới 1 Trung tâm mua sắm và 1 siêu thị tổng hợp tại xã Khai Sơn

- Xây mới 1 Trung tâm mua sắm và 1 siêu thị tổng hợp tại xã Đỉnh Sơn

- Xây mới 1 Trung tâm mua sắm và 1 siêu thị tổng hợp tại xã Thành Sơn

c) Khu thương mại - dịch vụ: trong thời kỳ quy hoạch, từng bước hình thành khu thương mại - dịch vụ tại thị trấn huyện và tại các trung tâm cụm xã trên địa bàn huyện trong đó lấy các chợ (trung tâm mua sắm) làm hạt nhân.

d) Mạng lưới xăng dầu:

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện có 16 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang hoạt động (trong đó có 12 cửa hàng được cấp giấy phép kinh doanh). Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện đều thuộc quy mô nhỏ. Nhìn chung, mạng lưới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Trong thời gian trước mắt huyện Anh Sơn cần phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng rà soát lại mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn và mạng lưới kinh doanh xăng dầu cần được phát triển theo các định hướng sau: 1) Di dời, xoá bỏ đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu chưa có giấy phép, vi phạm quy định về an toàn giao thông, về môi trường và về phòng cháy chữa cháy, ...; 2) Cải tạo, nâng cấp các cửa hàng hiện có thành những cửa hàng kinh doanh đa ngành: ngoài kinh doanh mặt hàng chính là xăng dầu, cần phát triển thêm các dịch vụ như kinh doanh gaz và khí hoá lỏng, dịch vụ sửa chữa xe, dịch vụ rửa xe,...; 3) Xây mới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở các khu dân cư mới, các tuyến giao thông mới mở hoặc ở các xã chưa có cửa hàng xăng dầu hoạt động. Giai đoạn 2009 - 2015 sẽ chú trọng việc xây mới 1 cửa hàng xăng dầu loại 1 nằm trên đường Hồ Chí Minh thuộc đại phận xã Khai Sơn và củng cố, hoàn chỉnh mạng lưới cửa hàng xăng dầu trên địa bàn.

3.5.5. Huyện Thanh Chương

Huyện Thanh Chương là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 45 km, phía Bắc giáp huyện Anh Sơn, phía Nam giáp huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, phía Đông giáp huyện Nam Đàn, phía Tây giáp tỉnh Bolykhamxay (CHDCND Lào); có tổng diện tích tự nhiên là 1.128,9065 km2; dân số trung bình năm 2008 là 244.914 người; có 38 xã, thị trấn, trong đó có 29 xã miền núi. Trong thời gian qua, được sự đầu tư của tỉnh và trung ương, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đã được cải thiện đáng kể góp phần thúc đẩy thương mại phát triển. Cửa khẩu Thanh Thủy mới hình thành và theo quy hoạch phát triển đô thị, thời kỳ từ nay đến 2020, tỉnh sẽ thực hiện việc nâng cấp cửa khẩu Thanh Thuỷ thành cửa khẩu quốc tế Việt Nam - Lào, nối với tuyến đường Hồ Chí Minh để giao lưu với nước CHDCND Lào và các nước trong khu vực (cửa khẩu này chỉ cách Tp. Vinh 70 km, giao thông từ cửa khẩu tới Tp. Vinh rất thuận tiện, tuy nhiên, giao thông bên phía bạn còn rất khó khăn). Xuất phát từ thực trạng phát triển kinh tế xã hội của huyện trong thời gian qua cũng như triển vọng phát triển kinh tế trong thời kỳ đến năm 2020, dự kiến quy hoạch mạng lưới thương mại trên địa bàn huyện Thanh Chương đến năm 2020 như sau:

a) Mạng lưới chợ: Tổng số chợ hiện đang hoạt động trên địa bàn là 35 chợ (12 chợ họp thường xuyên) và trong đó còn đến 18 chợ ở tình trạng lán tạm. Trong thời gian trước mắt, huyện sẽ tập trung đầu tư nâng cấp các chợ hiện có, xây mới một số chợ đảm bảo cho nhân dân có nơi mua bán, trao đổi và giao lưu văn hóa, như: Nâng cấp, cải tạo, mở rộng mạng lưới chợ hiện có đảm bảo đến 2015 có đủ chợ phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi và giao lưu văn hóa của nhân dân.

b) Trung tâm mua sắm, siêu thị: Dự kiến thời kỳ đến 2020 trên địa bàn huyện sẽ đầu tưu xây dựng một số trung tâm mua sắm và siêu thị tập trung tại các các trung tâm kinh tế của huyện như thị trấn, thị tứ, khu vực cửa khẩu,..., cụ thể:

Giai đoạn 2010 - 2015:

- Nâng cấp chợ thị trấn Dùng thành Trung tâm Mua sắm

- Hoàn chỉnh trung tâm mua sắm Rộ

Giai đoạn 2016 - 2020:

- Xây mới Trung tâm mua sắm tại cửa khẩu Thanh Thủy

- Xây mới Trung tâm mua sắm chợ Chùa (Phong Thịnh)

- Trung tâm mua sắm Hạnh Lâm

- Cải tạo, nâng cấp địa điểm bán hàng của TTTM huyện Thanh Chương tại thị trấn Dùng thành siêu thị tổng hợp hạng III

- Xây mới 2 siêu thị tổng hợp hạng III tại Thanh Dương (chợ Cồn), Thanh Mỹ (3/2)

 c) Khu thương mại - dịch vụ: trong thời kỳ quy hoạch, từng bước hình thành khu thương mại - dịch vụ tại thị trấn huyện và tại các trung tâm cụm xã trên địa bàn huyện trong đó lấy các chợ (trung tâm mua sắm) làm hạt nhân.

d) Tổng kho tập trung: Xuất phát từ vị trí sẽ xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, trong thời kỳ quy hoạch cần xây dựng tại khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy 01 kho nhằm tạo điều kiện cho việc giao dịch xuất khẩu hàng nông, thủy hải sản và hàng hóa khác của các doanh nghiệp xuất khẩu sang Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.

e) Mạng lưới xăng dầu:

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện có 16 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang hoạt động (trong đó có 13 cửa hàng được cấp giấy phép kinh doanh). Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện đều thuộc quy mô nhỏ. Nhìn chung, mạng lưới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Trong thời gian trước mắt huyện Thanh Chương cần phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng rà soát lại mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn và mạng lưới kinh doanh xăng dầu cần được phát triển theo các định hướng sau: 1) Di dời, xoá bỏ đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu chưa có giấy phép, vi phạm quy định về an toàn giao thông, về môi trường và về phòng cháy chữa cháy, ...; 2) Cải tạo, nâng cấp các cửa hàng hiện có thành những cửa hàng kinh doanh đa ngành: ngoài kinh doanh mặt hàng chính là xăng dầu, cần phát triển thêm các dịch vụ như kinh doanh gaz và khí hoá lỏng, dịch vụ sửa chữa xe, dịch vụ rửa xe,...; 3) Xây mới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở các khu dân cư mới, các tuyến giao thông mới mở hoặc ở các xã chưa có cửa hàng xăng dầu hoạt động.

V. DỰ BÁO NHU CẦU VỐN VÀ DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ TRỌNG ĐIỂM CỦA NGÀNH THƯƠNG MẠI TỈNH NGHỆ AN THỜI KỲ ĐẾN 2020

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển ngành thương mại trên địa bàn tỉnh Nghệ An bao gồm:

1. Nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại;

2. Nhu cầu đầu tư các trang thiết bị và phương tiện phục vụ cho quá trình lưu thông hàng hoá;

3. Nhu cầu đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực và lao động trong lĩnh vực thương mại. Trong nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại: đầu từ xây dựng chợ; đầu tư phát triển các loại hình cửa hàng bán lẻ; đầu tư xây dựng siêu thị, TTTM; đầu tư vào hệ thống kho, bãi.

Để đạt được mục tiêu phát triển của ngành thương mại như đã nêu tại phương án chọn là phương án II, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư cho ngành thương mại tỉnh Nghệ An trong các giai đoạn như sau:

- Giai đoạn 2011-2015: 21.250 tỷ đồng, bình quân mỗi năm là 4.250 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2016-2020: 37.640 tỷ đồng, bình quân mỗi năm là 7.528 tỷ đồng.

Danh mục các dự án trọng điểm của ngành thương mại tỉnh Nghệ tn đến năm 2020

TT

Tp, Huyện

Dự án

Quy mô diện tích kinh doanh (m2)

Giai đoạn đầu tư

Vốn (tỷ đồng)

2010 -2015

2016- 2020

2010 - 2015

2016-2020

1.

Tp. Vinh

Trung tâm Thương mại hạng I

50.000

x

-

250

-

Trung tâm Thương mại hạng II

30.000

x

-

150

-

Trung tâm văn phòng đại diện cấp vùng

20.000

 

x

-

100

Trung tâm bán buôn hàng công nghiệp tiêu dùng

100.000

x

x

200

300

Trung tâm bán buôn hàng vật tư sản xuất

100.000

x

x

200

300

Trung tâm Hội chợ triển lãm thương mại quốc tế cấp vùng

200.000

x

-

200

-

2.

Tx. Cửa Lò

Trung tâm thương mại hạng III

10.000

x

-

50

 

Trung tâm mua sắm chợ Hôm - Nghi Thủy

10.000

x

-

20

-

3.

Tx. Thái Hòa

Trung tâm mua sắm chợ trung tâm

10.000

x

-

20

-

4.

H. Quỳnh Lưu

Trung tâm mua sắm Chợ Cầu Giát

10.000

x

-

10

 

Trung tâm mua sắm thị xã Hoàng Mai

10.000

x

-

20

-

Trung tâm mua sắm chợ thị trấn Tuần

10.000

-

x

-

20

Trung tâm mua sắm chợ thị trấn Ngò

10.000

-

x

-

20

5.

H. Con Cuông

Trung tâm mua sắm chợ thị trấn

10.000

x

-

20

-

Trung tâm mua sắm khu ĐTM Khe Choăng - Châu Khê

10.000

-

x

-

20

6.

H. Diễn Châu

Trung tâm mua sắm Phủ Diễn

10.000

x

-

20

-

Trung tâm mua sắm chợ Trung tâm

10.000

-

x

-

20

7.

H. Yên Thành

Trung tâm mua sắm chợ thị trấn Yên Thành

10.000

x

-

20

-

Trung tâm mua sắm chợ thị trấn Vân Tụ

10.000

-

x

-

20

8.

H. Đô Lương

Trung tâm mua sắm chợ trung tâm Đô Lương

15.000

x

-

30

-

Trung tâm mua sắm tại Thị trấn (bắc đường 7A)

20.000

x

-

40

 

Trung tâm mua sắm xã Bùi Sơn

10.000

-

x

-

20

9.

H. Nam Đàn

Trung tâm mua sắm huyện tại xã Văn Diên

10.000

x

-

20

-

Trung tâm mua sắm chợ thị trấn Nam Đàn

10.000

-

x

-

20

Trung tâm mua sắm chợ Nam Nghĩa

10.000

-

x

-

20

Trung tâm mua sắm chợ Nam Trung

10.000

-

x

-

20

10.

H. Nghi Lộc

Trung tâm mua sắm chợ thị trấn Nghi Lộc

10.000

x

-

20

-

11.

H. Hưng Nguyên

Trung tâm mua sắm chợ thị trấn

10.000

x

-

20

-

Trung tâm mua sắm chợ Mía (Hưng Châu)

10.000

-

x

-

20

12.

H. Quế Phong

Trung tâm mua sắm Chợ trung tâm huyện

10.000

-

x

-

20

13.

H. Quỳ Châu

Trung tâm mua sắm chợ trung tâm

10.000

-

x

-

20

14.

H. Quỳ Hợp

Trung tâm mua sắm chợ trung tâm Quỳ Hợp

10.000

x

-

20

-

Trung tâm mua sắm chợ Dinh - Nghĩa Xuân

10.000

-

x

-

20

Trung tâm mua sắm chợ Đồng Nại - Châu Quang

10.000

-

x

-

20

15.

H. Nghĩa Đàn

Trung tâm mua sắm chợ trung tâm thị trấn huyện

10.000

-

x

-

20

16.

H. Tân Kỳ

Trung tâm mua sắm chợ thị trấn Tân Kỳ

10.000

x

-

20

-

Trung tâm mua sắm chợ xã Tân An

10.000

x

-

20

-

Trung tâm mua sắm chợ xã Nghĩa Dũng

10.000

-

x

-

20

Trung tâm mua sắm chợ xã Tân Phú

10.000

-

x

-

20

Trung tâm mua sắm chợ xã Nghĩa Hành

10.000

-

x

-

20

Trung tâm mua sắm chợ xã Đồng Văn

10.000

-

x

-

20

Trung tâm mua sắm chợ xã Nghĩa Hoàn

10.000

-

x

-

20

Trung tâm mua sắm chợ xã Giai Xuân

10.000

-

x

-

20

17.

H. Kỳ Sơn

Trung tâm mua sắm chợ Mường Xén

10.000

-

x

-

20

Tổng kho CK Nậm Cắn

50.000

-

x

-

50

18.

H. Tương Dương

Trung tâm mua sắm chợ thị trấn Hòa Bình

10.000

x

-

20

-

Trung tâm mua sắm tại TTCX Khe Bố

10.000

-

x

-

20

Trung tâm mua sắm chợ Bản Vẽ - Yên Na

10.000

-

x

-

20

Trung tâm mua sắm tại TTCX Yên Hòa

10.000

-

x

-

20

Trung tâm mua sắm chợ TTCX Tam Thái

10.000

-

x

-

20

19.

H. Anh Sơn

Trung tâm mua sắm tại thị trấn huyện

10.000

x

-

20

-

Trung tâm mua sắm chợ xã Khai Sơn

10.000

-

x

-

20

Trung tâm mua sắm chợ xã Đỉnh Sơn

10.000

-

x

-

20

Trung tâm mua sắm chợ xã Thành Sơn

10.000

-

x

-

20

20.

H. Thanh Chương

Trung tâm mua sắm Rộ

10.000

x

-

20

-

Trung tâm mua sắm chợ Dùng

10.000

x

-

20

-

Trung tâm mua sắm CK Thanh Thủy

10.000

-

x

-

20

Trung tâm mua sắm chợ Chùa (Phong Thịnh)

10.000

-

x

-

20

Trung tâm mua sắm Hạnh Lâm

10.000

-

x

-

20

Tổng kho tại CK Thanh Thủy

50.000

-

x

-

50

Tổng cộng

1.135.000

25

37

1.450

1.440

Tổng hợp mạng lưới chợ đầu mối nông sản; Chợ tổng hợp loại 1 cấp tỉnh, thành phố; và chợ biên giới cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020 (Theo Quyết định số 012/2007/QĐ-BCT ngày 26 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020)

Chợ Đầu mối nông sản

TT

Tên chợ, Địa điểm

Quy mô diện tích đất (ha)

Chợ hiện có

Chợ Xây mới

Ngành hàng

Vốn đầu tư (tỷ đồng)

Đa ngành

Thuỷ sản

Tổng VĐT

Phân kỳ đầu tư

2007- 2010

2011-2015

2016-2020

Giữ nguyên

Nâng cấp, mở rộng

1

Chợ ĐM N ông sản Miền Trung, Huyện Nghi Lộc, Nghệ An

5

 

 

x

x

 

80

30

50

 

2

Chợ ĐM Thuỷ sản, Thị xã Cửa Lò, Nghệ An

1.5

 

 

x

 

x

15

5

10

 

3

Chợ ĐM Thủy Sản Huyện Diễn Châu, Nghệ An

1.5

 

 

x

 

x

15

5

10

 

Tổng cộng

8

0

0

3

1

2

110

40

70

0

Chợ Tổng hợp bán buôn bán lẻ loại 1

TT

Tên chợ, địa điểm

Quy mô, diện tích quy hoạch (m2)

Chợ hiện có

Chợ Xây mới

Vốn đầu tư (tỷ đồng)

Giữ nguyên

Nâng cấp, mở rộng

Tổng VĐT

Phân kỳ đầu tư

2007-2010

2011-2015

2016-2020

1

Chợ TP Vinh - Nghệ An

10000

 

x

 

12

8

4

 

2

Chợ Tx Cửa Lò - Nghệ An

10000

 

x

 

10,2

6,2

4

 

3

chợ Nghi Lộc - Nghệ An

10000

 

x

 

12

8

4

 

4

Chợ Hưng Nguyên - Nghệ An

10000

 

 

x

20

 

20

 

5

Chợ Nam Đàn- Nghệ An

10000

 

 

x

20

 

20

 

6

Chợ H. Diễn Châu - Nghệ An

10000

 

 

x

20

15

5

 

7

Chợ H. Yên Thành - Nghệ An

10000

 

 

x

20

15

5

 

8

Chợ Cầu Dát - H.Quỳnh Lưu - Nghệ An

10000

 

x

 

12

8

4

 

9

Chợ Anh Sơn - Nghệ An

10000

 

 

x

20

 

20

 

10

Chợ Thanh Chương- Nghệ An

10000

 

 

x

20

15

5

 

11

Chợ Đô Lương - Nghệ An

10000

 

 

x

20

15

5

 

12

Chợ Tương Dương - Nghệ An

10000

 

 

x

20

 

20

 

13

Chợ Tân Kỳ - Nghệ An

10000

 

 

x

20

 

20

 

14

Chợ Nghĩa Đàn- Nghệ An

10000

 

 

x

20

15

5

 

15

Chợ Quỳ Hợp - Nghệ An

10000

 

 

x

20

 

20

 

16

Chợ Quế Phong - Nghệ An

10000

 

 

x

20

 

20

 

Tổng cộng

160.000

0

4

12

286,2

105,2

181

0

Chợ Biên giới, cửa khẩu

 

Tên chợ, Địa điểm

Quy mô diện tích đất (m2)

Chợ hiện có

Chợ Xây mới

Phân loại chợ

Vốn đầu tư (tỷ đồng)

Chợ biên giới

Chợ cửa khẩu

Tổng VĐT

Phân kỳ đầu tư

2007- 2010

2011-2015

2016-2020

Giữ nguyên

Nâng cấp, mở rộng

1

Tam Quang -H. Tương Dương

5000

 

x

 

x

 

4.5

 

4.5

 

2

Châu Khê -H. Con Cuông

5000

 

x

 

x

 

4.5

 

4.5

 

3

Môn Sơn -H. Con Cuông

5000

 

x

 

x

 

4.5

4.5

 

 

4

Hạnh Lâm H. Thanh Chương

5000

 

x

 

x

 

4.5

4.5

 

 

5

Thanh Hương - H. Thanh Chương

5000

 

x

 

x

 

4.5

 

 

4.5

6

Thanh Thịnh -H. Thanh Chương

5000

 

x

 

x

 

4.5

 

 

4.5

7

Thanh Thuỷ -H. Thanh Chương

5000

 

x

 

x

 

4.5

 

 

4.5

8

Xã Thông Thụ -H. Quế Phong

2000

 

 

x

x

 

2

 

2

 

9

Xã Hạnh Dịch -H. Quế Phong

2000

 

 

x

x

 

2

 

2

 

10

Xã Nậm Giải - H. Quế Phong

2000

 

 

x

x

 

2

 

 

2

11

Xã Tri Lễ -H. Quế Phong

5000

 

 

x

x

 

7.5

7.5

 

 

12

Xã Nhôn Mai -H. Tương Dương

2000

 

 

x

x

 

2

 

 

2

13

Xã Mai Sơn -H. Tương Dương

2000

 

 

x

x

 

2

 

 

2

14

Xã Tam Hợp - H. Tương Dương

2000

 

 

x

x

 

2

2

 

 

15

Xã Mỹ Lý - H. Kỳ Sơn

5000

 

 

x

x

 

7.5

7.5

 

 

16

Xã Bắc Lý - H. Kỳ Sơn

2000

 

 

x

x

 

2

2

 

 

17

Xã Keng Đu -H. Kỳ Sơn

2000

 

 

x

x

 

2

2

 

 

18

Xã Na Ngoi - H. Kỳ Sơn

5000

 

 

x

x

 

7.5

7.5

 

 

19

Xã Nậm Càn -H. Kỳ Sơn

2000

 

 

x

x

 

2

2

 

 

20

Xã Tà Cạ -H. Kỳ Sơn

2000

 

 

x

x

 

2

2

 

 

21

Xã Mường Lống -H. Kỳ Sơn

5000

 

 

x

x

 

7.5

7.5

 

 

22

Xã Mường ải -H. Kỳ Sơn

2000

 

 

x

x

 

2

2

 

 

23

Xã Na Loi -H. Kỳ Sơn

2000

 

 

x

x

 

2

 

2

 

24

Xã Nam Cẩn -H. Kỳ Sơn

2000

 

 

x

x

 

2

 

 

2

25

Xã Phúc Sơn - H. Anh Sơn

5000

 

 

x

x

 

7.5

 

7.5

 

26

Xã Thanh Tiên -H. Thanh Chương

5000

 

 

x

x

 

7.5

 

7.5

 

Tổng cộng

91000

0

7

19

26

0

102,5

51

30

21,5

- Tổng nguồn vốn đầu tư cho các công trình thương mại trọng điểm của ngành thương mại tỉnh Nghệ An đến năm 2020 khoảng: 2.890 tỷ đồng, trong đó:

+ Giai đoạn 2010 - 2015 khoảng: 1.450 tỷ đồng

+ Giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 1.440 tỷ đồng

- Tổng nguồn vốn đầu tư cho 3 loại hình chợ đầu mối, chợ tổng hợp loại 1 và chợ biên giới, cửa khẩu là: 498, 7 tỷ đồng, trong đó:

+ Giai đoạn 2007 - 2010: 196, 2 tỷ đồng

+ Giai đoạn 2011 - 2015: 281 tỷ đồng

+ Giai đoạn 2016 - 2020: 21, 5 tỷ đồng

Phần Thứ Ba

HỆ THỐNG CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI NGHỆ AN ĐẾN 2020

Để thực hiện quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh Nghệ An, cần thực hiện đồng bộ hệ thống các giải pháp, chính sách phù hợp, thiết thực thúc đẩy phát triển thương mại, thực hiện mục tiêu xây dựng Nghệ An thành một trong những trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của Vùng Bắc Trung Bộ.

I. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH.

1.1. Chính sách và giải pháp khuyến khích phát triển thương mại của Nghệ An.

1.1.1. Chính sách và giải pháp khuyến khích phát triển xuất khẩu.

Chính sách khuyến khích xuất khẩu cần hướng vào những nội dung sau:

+ Trên cơ sở các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch phát triển ngành, có kế hoạch đầu tư cho những khu, cụm công nghiệp, khu sản xuất, chế biến, gia công hàng xuất khẩu.

+ Tổ chức thực hiện quy hoạch, chương trình, dự án phát triển vùng sản xuất hàng xuất khẩu tập trung, các mặt hàng xuất khẩu với sản lượng lớn, từ đó có hướng đầu tư một cách thoả đáng cho lĩnh vực này.

+ Đổi mới chính sách hỗ trợ xuất khẩu nhằm hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập.

+ Thực hiện tốt các nội dung cơ bản của hoạt động xúc tiến thương mại như tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp, tư vấn kinh doanh cho các doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) về thị trường; Giới thiệu doanh nghiệp và tìm kiếm bạn hàng, thông qua tổ chức các đoàn doanh nghiệp giao tiếp với bạn hàng nước ngoài và ngược lại, thông qua các cuộc gặp mặt, toạ đàm... để các doanh nghiệp tìm kiếm bạn hàng; Giới thiệu và phổ biến thông tin thị trường trong và nước ngoài, thông qua hệ thống báo chí, đĩa CD, mạng thông tin; Tổ chức hướng dẫn doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm thương mại, giới thiệu, quảng cáo hàng hoá, tìm kiếm bạn hàng và thị trường tiêu thụ; Tổ chức thực nghiệm và giới thiệu các hình thức thương mại mới như: thương mại điện tử, đặt hàng qua bưu điện, kinh doanh trên thị trường kỳ hạn hàng hoá; Hợp tác quốc tế về xúc tiến thương mại để mở rộng khả năng phát triển thị trường với sự đa dạng hoá bạn hàng cho các doanh nghiệp..

+ Xây dựng hệ thống thông tin thị trường để cung cấp cho các doanh nghiệp.

- Tiến hành một số nhóm giải pháp hỗ trợ, cụ thể:

+ Hỗ trợ nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp và hàng hoá xuất khẩu của tỉnh thông qua việc tiếp tục tạo ra các yếu tố cần thiết để xây dựng một môi trường cạnh tranh cho doanh nghiệp như hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực; Nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian cung cấp các dịch vụ công và giải quyết các thủ tục hành chính tại các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở hành chính công; hỗ trợ cung cấp thông tin xúc tiến thương mại, dự báo thị trường nhằm nâng cao năng lực tiếp cận thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp.

- Nhóm biện pháp hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu thông qua sắp xếp doanh nghiệp, ngành nghề; nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn vốn; hỗ trợ tín dụng, tài chính đối với các nhà sản xuất thuộc những ngành công nghiệp non trẻ cần bảo hộ.

- Nhóm biện pháp hỗ trợ các nhà sản xuất, xuất khẩu vượt qua các rào cản thương mại và phi thương mại, ứng phó hiệu quả các biện pháp tự vệ của thị trường nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu.

1.1.2. Chính sách và giải pháp khuyến khích phát triển các loại hình tổ chức thương mại truyền thống và hiện đại.

+ Cải cách để tăng cường năng lực hoạt động của các doanh nghiệp thương mại

Đẩy mạnh tiến trình cải cách các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ nhà nước, xây dựng chế độ phân cấp rõ ràng, minh bạch giữa quyền và trách nhiệm.

Cải cách cơ chế quản lý của các doanh nghiệp thương mại quy mô vừa theo hướng kiện toàn cơ cấu nhân sự của các doanh nghiệp, căn cứ vào yêu cầu của một doanh nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ chế kinh doanh, chế độ kinh doanh, nhân sự và phân phối thu nhập của doanh nghiệp, nâng cao tính tích cực của cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp.

Hướng dẫn các doanh nghiệp thương mại áp dụng các biện pháp liên doanh, liên kết, mua bán, sáp nhập, cho thuê, đấu thầu kinh doanh, vv nhằm cải cách cơ chế kinh doanh và chế độ sở hữu về tài sản, đẩy nhanh việc thay đổi chế độ sở hữu của các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ nhà nước. Nỗ lực đẩy mạnh công tác cổ phần hoá các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ, khuyến khích và ủng hộ việc thu hút các loại hình vốn của dân, vốn đầu tư nước ngoài, vv cùng tham gia thực hiện cải cách các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ nhà nước, thực hiện đa dạng hoá các chủ thể đầu tư. Hướng dẫn các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ coi trọng công tác quản lý cơ sở, tăng cường hơn nữa quản lý doanh nghiệp, căn cứ vào pháp luật mà xây dựng cơ chế quản lý nội bộ doanh nghiệp như quản lý kinh doanh hàng hoá, quản lý tài chính, quản lý hợp đồng, quản lý nguồn nhân lực, vv hoàn thiện các tiêu chuẩn và quy phạm quản lý trong nội bộ doanh nghiệp.

Sở Công Thương cần tích cực phối kết hợp với các Sở, ngành hữu quan khác xây dựng và thực thi các chính sách hỗ trợ về tài chính và chính sách thuế nhằm khuyến khích, ủng hộ các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ sáng tạo trong hoạt động kinh doanh, đổi mới công nghệ kỹ thuật hiện đại và mở rộng thị trường, hạ thấp chi phí; thực hiện các chính sách ưu đãi của nhà nước nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tạo thêm công ăn việc làm cho cán bộ nhân viên, cũng như khuyến khích các thành phần kinh tế thành lập doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ.

Xây dựng các quỹ khuyến thương và các quỹ chuyên phục vụ cho việc cải cách các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ của nhà nước, thanh toán các chi phí phát sinh trong quá trình tiến hành cải cách đối với các doanh nghiệp không đủ khả năng chi trả phí đổi mới, hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp bị thất thoát về vốn sau khi phá sản không đủ bồi thường về kinh tế và chi trả bảo hiểm xã hội cho cán bộ, nhân viên. Cần tích cực phối hợp và tranh thủ sự ủng hộ của cơ quan quản lý tài sản nhà đất của địa phương, giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền sử dụng đất lâu dài để kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ.

+ Phát triển các phương thức lưu thông hiện đại, nâng cao trình độ hiện đại hoá của các doanh nghiệp thương mại.

Tích cực thúc đẩy phát triển các phương thức dịch vụ và hình thức tổ chức kinh doanh theo dạng chuỗi, nhượng quyền kinh doanh, đại lý, vận tải liên vận đa phương thức, thương mại điện tửvv. Khuyến khích các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ phát triển liên minh mua bán hàng hoá, nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả kinh doanh nhờ mở rộng quy mô.

Dựa vào các doanh nghiệp thương mại có năng lực cạnh tranh, thúc đẩy hình thành một loạt các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ ưu thế, có thương hiệu dịch vụ nổi tiếng và đa dạng chủ thể đầu tư.

Sở Công Thương cần tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan khác của địa phương tạo ra môi trường lành mạnh cho sự phát triển của các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ. Chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ từng bước áp dụng công nghệ thông tin phù hợp với nhu cầu thực tế và trình độ phát triển của mỗi doanh nghiệp.

+ Hoàn thiện hệ thống tài chính cho các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ để giải quyết các vấn đề khó khăn về vốn.

Tích cực tranh thủ các Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của các cơ quan hữu quan để hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ. Sở Công Thương cần tranh thủ sự ủng hộ của các ngân hàng thương mại trong việc tăng cường hơn nữa hỗ trợ các khoản vay của các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ. Cần xây dựng các chính sách tương ứng nhằm khuyến khích thu hút các nguồn vốn trong xã hội đầu tư vào phát triển và đổi mới các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ.

Mở rộng các kênh cung cấp tài chính, hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ tham gia thị trường cổ phiếu phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp. Thúc đẩy các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ tiến hành cải tạo, đổi mới, đưa hoạt động kinh doanh đi vào nề nếp thông qua việc tận dụng vốn đầu tư nước ngoài dưới các hình thức liên doanh, hợp tác, nhượng quyền.vv.

+ Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ tiến hành đổi mới kỹ thuật công nghệ kinh doanh.

+ Kiện toàn hệ thống dịch vụ để cung cấp dịch vụ thông tin, bồi dưỡng nhân tài cho các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ

1.1.3. Chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Các doanh nghiệp Nhà nước về thương mại trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến nay đã cổ phần hoá. Mạng lưới thương mại tư nhân đã "đảm nhận" vai trò cung ứng và thu mua nông sản trên 3/4 địa bàn Miền núi. Do vậy, trong thời kỳ quy hoạch, tỉnh Nghệ An cần áp dụng các chính sách hiện hành của Nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp (thuộc mọi thành phần kinh tế) hoạt động tại khu vực miền núi, đảm bảo đủ lượng hàng hoá cung ứng cho nhân dân ở khu vực Miền núi, đồng thời tránh hiện tượng ép giá thu mua nông sản của đồng bào dân tộc.

1.2. Chính sách và giải pháp thu hút vốn phát triển thương mại.

Để đạt được các chỉ tiêu phát triển thương mại trong thời kỳ đến năm 2020, cần huy động một lượng vốn đầu tư lớn cho việc phát triển kết cấu hạ tầng của ngành thương mại, nguồn vốn cho các doanh nghiệp thương mại, kinh doanh các dịch vụ thương mại khác. Vì vậy cần có chính sách và giải pháp huy động vốn từ nhiều nguồn. Đối với các hạng mục công trình thương mại cần tranh thủ tối đa nguồn vốn trong dân và các doanh nghiệp. Nguồn vốn tín dụng được tập trung cho các doanh nghiệp trong việc mở rộng kinh doanh.

Tăng nguồn lực đầu tư phát triển để đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển thương mại, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật thương mại dưới hình thức đan xen, lồng ghép với các hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KT - XH. Vốn ngân sách nhà nước tập trung đầu tư vào các lĩnh vực thuộc hạ tầng cơ sở; Chú trọng khai thác nguồn vốn của các thành phần kinh tế để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng thương mại; Tăng cường xây dựng các dự án để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước với các cơ chế, chính sách, điều kiện ưu đãi để thu hút vốn. Có cơ chế hỗ trợ, thu hút vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau; khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có của ngành thương mại; quản lý tốt phần vốn của Nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá; Sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước đối với các công trình thương mại trên cơ sở ưu tiên đầu tư các chợ đầu mối, chợ loại 1, chợ cửa khẩu, biên giới và các chợ ở vùng sâu vùng xa.

Giai đoạn từ nay đến 2020, hoạt động thương mại của tỉnh Nghệ An sẽ có sự phát triển theo hướng kết hợp các loại hình tổ chức thương mại truyền thống và hiện đại như chợ, mạng lưới cửa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị, đường phố thương mại, trung tâm hội chợ - triển lãm thương mại với sự tham gia của các loại hình doanh nghiệp thương mại thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh. Trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh, các loại hình thương mại truyền thống vẫn tồn tại song song với các hình thức thương mại hiện đại nhưng tỷ trọng sẽ có sự thay đổi và được tổ chức phát triển theo những định hướng đã xác định. Việc tổ chức có hiệu quả các loại hình thương mại truyền thống và hiện đại trên địa bàn tỉnh có tầm quan trọng đặc biệt, tạo điều kiện thực hiện tốt quy hoạch phát triển thương mại đã được thiết lập. Do vậy, Nghệ An cần có những chính sách hỗ trợ đối với việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn, cụ thể:

1.2.1. Đối với đầu tư xây dựng mới

- Đối với các chợ đầu mối: Điều 5 Nghị định 02/CP đưa ra các quy định về huy động các nguồn vốn đầu tư (tại các khoản 1 và 2). Đối với các chợ có quy mô loại I và chợ đầu mối nông sản, Nghị định đã xếp vào diện được hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn nhà nước (khoản 3) và được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư.

Thực tế cho thấy, việc hình thành và phát triển các chợ đầu mối nông sản ở nước ta đến nay chủ yếu vẫn dựa vào sự hỗ trợ của nhà nước. Mặc dù, áp lực về tiêu thụ nông sản đã đặt ra nhu cầu cấp thiết phải phát triển các chợ đầu mối nông sản ở nước ta ngay từ đầu những năm 90. Tuy nhiên, trong thực tế, rất ít địa phương thực hiện đầu tư xây dựng được chợ đầu mối nông sản. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là vốn đầu tư xây dựng chợ đầu mối thường rất lớn, nên nếu không có ngân sách hỗ trợ, các nhà đầu tư không thể tự làm được. Vì vậy, khi Nghị định 02/NĐ-CP được ban hành và sau đó là Quyết định 559/QĐ-TTg ngày 31/5/2004 với chủ trương hỗ trợ vốn đầu tư từ Ngân sách nhà nước đã thúc đẩy nhanh hơn quá trình đầu tư xây dựng chợ đầu mối nông sản.

Hầu hết các chợ đầu mối nông sản mới được xây dựng đều có số vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu chiếm từ 30% tổng số vốn đầu tư cho các chợ đầu mối nông sản. Tuy nhiên, mức hỗ trợ có sự chênh lệch lớn; Vốn ngân sách Nhà nước đầu tư chưa được dự toán và hạch toán riêng; Các chủ đầu tư chợ là tư nhân còn gặp khó khăn khi nhận được hỗ trợ vốn ngân sách,…

Các nguồn vốn khác đầu tư xây dựng chợ, bao gồm: vốn huy động từ các hộ tham gia kinh doanh trên chợ; vốn tự có của các đơn vị chủ đầu tư; vốn vay ưu đãi. Việc huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng chợ đầu mối là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, thực tế nguồn vốn huy động chính hiện nay là dưới hình thức bán (có thời hạn) quyền sử dụng diện tích cho các hộ sẽ tham gia kinh doanh trên chợ. Do đó, khả năng huy động vốn sẽ không lớn do sự hạn chế về vốn của các hộ kinh doanh, khả năng sinh lời từ hoạt động kinh doanh của các hộ, nhất là đối với các chợ mới xây dựng sẽ dẫn đến sự do dự của các hộ khi quyết định mua quyền sử dụng diện tích kinh doanh,…

Ngoài những chính sách hỗ trợ về vốn đầu tư, các địa phương cũng ban hành những chính sách phát triển chợ thuộc phạm vi thẩm quyền của mình. Trong đó, chính sách do các địa phương ban hành thường tập trung vào chính sách sử dụng đất xây dựng chợ và tổ chức quản lý các chợ trên địa bàn

- Đối với các chợ loại 3 ở các vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, vùng biên giới, nếu thuộc các Chương trình phát triển kinh tế -xã hội, xoá đói, giảm nghèo, có điều kiện kinh tế -xã hội khó khăn như khu vực II, III của miền núi, ngân sách Nhà nước xem xét đầu tư 100% hoặc hỗ trợ trên 50% tổng số vốn đầu tư cho việc xây dựng mới.

- Đối với các chợ dân sinh khác trên địa bàn, tuỳ theo điều kiện cụ thể ở từng địa bàn có thể áp dụng các mức hỗ trợ với tỷ lệ khác nhau tuỳ theo chợ cụ thể.

- Đối với chợ có quy mô loại 1-2 có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của huyện, thị và của tỉnh, nếu có điều kiện về tài chính, có thể xem xét ứng vốn trước để xây dựng nhà lồng chợ, sau đó đơn vị được giao quản lý chợ sẽ hoàn trả sau cho ngân sách theo quy định;

- Đối với việc xây dựng mới Trung tâm Thương mại, Siêu thị, Trung tâm hội chợ triển lãm có thể hỗ trợ kinh phí chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng

1.2.2. Đầu tư cải tạo và nâng cấp mạng lưới chợ

Tỉnh Nghệ An vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các thương nhân kinh doanh trong chợ và các hộ kinh doanh được hưởng lợi từ chợ trên địa bàn cùng góp vốn với chính quyền để cải tạo, nâng cấp chợ theo quy hoạch, kế hoạch; hai bên có hợp đồng chặt chẽ trên cơ sở chấp hành đúng quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế và quy định về đầu tư xây dựng.

1.3. Giải pháp phát triển khoa học công nghệ

- Tích cực thúc đẩy việc áp dụng kỹ thuật quản lý kinh doanh hiện đại, nâng cao khả năng áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại của các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ. Hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ phát triển, đổi mới khoa học công nghệ, tích cực ứng dụng các phương thức hiện đại như quản lý bằng máy tính, các doanh nghiệp bán lẻ áp dụng Hệ thống quản lý điểm bán hàng - POS (point of sales system), đây là hệ thống quản lý được áp dụng phổ biến trong phân ngành dịch vụ bán lẻ ở các nước phát triển và đang được khuyến khích áp dụng ở Trung Quốc, Thái Lan.

- Thực thi tốt các chính sách có liên quan của Nhà nước, của tỉnh về hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới khoa học công nghệ.

- Vận dụng tối đa các biện pháp tài chính nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại tiến hành điều chỉnh cơ cấu, hỗ trợ có trọng điểm việc áp dụng và mở rộng các phương thức phân phối hiện đại. UBND tỉnh cần có hỗ trợ về sử dụng đất, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp kinh doanh theo dạng chuỗi, đặc biệt là xây dựng mạng lưới từ thành thị đến nông thôn, chỉ đạo các doanh nghiệp từng bước đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin thay thế các phương thức nghiệp vụ truyền thống, áp dụng kỹ thuật quản lý hiện đại, khuyến khích các doanh nghiệp thương mại phát triển thương mại điện tử.

1.4. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực thương mại

- Cần phải coi trọng bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực của ngành thương mại tỉnh Nghệ An. Các doanh nghiệp thương mại đến nay cũng đã ý thức được cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau thực chất cho cùng là cạnh tranh về mặt nhân lực. Cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành thương mại để khuyến khích phát triển tiềm năng cho các nhà kinh doanh, thúc đẩy nâng cao trình độ công nghệ kinh doanh, tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ mới trong quản lý kinh doanh. Những chức danh như các loại giám đốc của tổng công ty, công ty, doanh nghiệp, chủ nhiệm hợp tác xã thương mại phải được đào tạo ở cấp cao, đảm bảo thực hành công nghệ quản lý hiện đại và đáp ứng yêu cầu đổi mới.

- Khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà quản lý được tham quan, học tập kinh nghiệm ở các cơ sở trong nước và nước ngoài...

- Cần có kế hoạch và biện pháp cụ thể trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của hội nhập thương mại khu vực và quốc tế.

1.5. Giải pháp đổi mới phương thức và tăng cường năng lực quản lý nhà nước đối với thương mại trên địa bàn tỉnh Nghệ An

1.5.1. giải pháp tăng cường năng lực quản lý Nhà nước đối với thương mại

Với những nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Công Thương hiện nay, đòi hỏi cần phải tăng cường năng lực quản lý của Sở trên rất nhiều phương diện mà hiện nay còn đang hạn chế, như:

- Bảo vệ người tiêu dùng;

- Xây dựng chính sách và cơ chế quản lý thương mại hàng hoá và dịch vụ trong địa phương;

- Quản lý chiến lược và quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển thương mại của địa phương;

- Xây dựng và phát triển các hệ thống thị trường hàng hoá trên địa bàn;

- Phối hợp liên ngành để thích ứng với những điều kiện của kinh tế thị trường,....

- Đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về thương mại trên địa bàn; Từng bước tách dần chức năng quản lý hành chính với chức năng cung cấp dịch vụ công; phân định và làm rõ các quy chế phối hợp giữa các Sở, Ban, Ngành, các cấp chính quyền đảm bảo tính thống nhất theo mục tiêu phát triển ngành thương mại của tỉnh và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp thương mại; Thực hiện tốt việc phân cấp quản lý thương mại và giao quyền chủ động cho chính quyền các phường, xã đi đôi với công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, hậu kiểm đối với các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường công tác quản lý thị trường đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng.

- Đổi mới hệ thống tổ chức, mô hình quản lý và cơ chế chính sách để nâng hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại trên địa bàn tỉnh. Từng bước hiện đại hoá lĩnh vực kinh doanh. Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ lao động thương mại.

- Để nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành quản lý đối với thương mại, cần đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, hợp chuẩn và tăng cường kiểm tra thực hiện các quy định về tiêu chuẩn của ngành thương mại.

- Chú trọng công tác xúc tiến thương mại, tổ chức tốt hệ thống cung cấp thông tin về thị trường trong và ngoài nước. Tổ chức mạng lưới thông tin và công tác dự báo thị trường là biện pháp quan trọng để giúp hoạt động thương mại có hiệu quả. Cần tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức Xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại của Nghệ An trong thời thời gian tới.

1.5.2. Giải pháp thúc đẩy và nâng cao hiệu quả liên kết giữa Nghệ An với thị trường các địa phương khác trong nước

Để mở rộng quan hệ liên kết thương mại với địa phương khác, Nghệ An cần thực hiện một số biện pháp sau:

+ Tổ chức nghiên cứu thị trường và hoạt động xúc tiến thương mại với các thị trường trọng điểm, thị trường các tỉnh lân cận để xác định lợi thế so sánh và khả năng giao lưu thương mại để có hướng điều chỉnh phù hợp cơ cấu sản xuất và thương mại của tỉnh.

+ Nghiên cứu đưa ra các điều kiện ưu đãi cho các địa phương có mối quan hệ liên kết thương mại với tỉnh.

+ Tiến hành trao đổi, ký kết các thoả thuận cấp tỉnh giữa Nghệ An và các địa phương khác về mua bán sản phẩm hàng hoá, có thể là cung ứng nguyên vật liệu và nhận tiêu thụ lại một phần sản phẩm, hay những cam kết xây dựng quan hệ bạn hàng ổn định, lâu dài và đảm bảo chữ tín trong kinh doanh.

1.5.3. Giải pháp thúc đẩy liên kết giữa thị trường Nghệ An với các thị trường ngoài nước có tính chiến lược

- Đối với thị trường ngoài nước có tính chiến lược của Nghệ An, tỉnh cần chủ động trong việc tạo lập các mối liên kết song phương với nhiều cấp độ và hình thức khác nhau.

+ Tăng cường liên kết và xúc tiến hoạt động hợp tác với các tỉnh của Lào và với các nước trong khu vực ASEAN

+ Trong giai đoạn sắp tới, đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh sẽ được chú trọng hơn vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá. Do đó, khi phê duyệt các dự án đầu tư, Tỉnh cần chú trọng tới cấp độ công nghệ và xuất xứ công nghệ theo hướng sản phẩm tạo ra phải đạt được tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với một hay một vài thị trường xuất khẩu hay sẽ được hưởng ưu đãi mậu dịch do xuất xứ công nghệ mang lại. Hoặc, liên doanh sản xuất và bao tiêu sản phẩm của phía nước ngoài,...

+ Có chế độ chính sách khuyến khích thoả đáng các hoạt động môi giới, trợ giúp tiếp cận thâm nhập thị trường mới.

+ Khuyến khích khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp của Nghệ An từng bước xây dựng và phát triển hệ thống phân phối hiện đại, từ đó tăng cường khả năng mở rộng thị trường cho các hàng hoá và dịch vụ có lợi thế của tỉnh.

- Đối với thị trường trong nước, cần ưu tiên hàng đầu cho việc thiết lập các mối quan hệ liên kết giữa thị trường Nghệ An với thị trường các tỉnh thông qua hệ thống giao thông đường thuỷ, đường bộ, đường sắt như Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh khác ... Sự liên kết chặt chẽ giữa thị trường Nghệ An với các tỉnh nói trên sẽ nâng cao vị thế của Nghệ An trên thị trường trong nước và tạo cơ sở để Nghệ An tiếp cận với các thị trường khác trong nước. Bên cạnh các mối liên kết thị trường nêu trên, Nghệ An cần duy trì và mở rộng các mối liên kết với các tỉnh phụ cận cũng như các tỉnh và địa phương khác trong cả nước để tạo ra các liên kết bổ sung và phân tán rủi ro khi có biến động lớn ở thị trường chi phối. Quan hệ liên kết thị trường giữa Nghệ An với các địa phương khác trước hết hướng vào việc trao đổi sản phẩm hàng hoá hai chiều. Nghệ An có thể cung cấp cho các tỉnh các mặt hàng thuỷ sản, vật liệu xây dựng một số hàng tiêu dùng. Các tỉnh khác có thể cung cấp cho Nghệ An nông sản, thực phẩm, hàng công nghiệp, vật tư nông nghiệp, giống cây, con mới...

- Đối với thị trường ngoài nước:

+ Trên cơ sở các hiệp định cấp quốc gia, các văn bản thoả thuận từ các cuộc đàm phán cấp Chính phủ giữa Việt Nam với các nước khác, tỉnh cần triển khai nghiên cứu các điều khoản chi tiết để vận dụng thích hợp với các điều kiện của tỉnh, tìm cách tiếp cận nhanh nhất với thị trường nước ngoài, qua đó trực tiếp hay thông qua Nhà nước để tiến hành các giao dịch thương mại.

+ Nghiên cứu để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu thích hợp với khả năng và lợi thế của tỉnh. Đối với thị trường xuất khẩu, do hạn chế về số lượng, chủng loại và chất lượng mặt hàng, nên tập trung vào các thị trường gần, truyền thống như ASEAN, Đông Âu, Trung Quốc, từng bước củng cố và phát triển bền vững đối với các thị trường khác như Nhật Bản, EU và nhất là thị trường Mỹ. Hướng phát triển của thị trường nhập khẩu Nghệ An là thị trường Trung Quốc, ASEAN đối với các vật tư nông nghiệp và hàng tiêu dùng và thị trường các nước công nghiệp phát triển đối với nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại.

+ Bằng nhiều hình thức khác nhau như liên doanh liên kết, sáp nhập hoặc thành lập mới, xây dựng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn làm nòng cốt cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chuyên ngành, tạo môi trường thuận lợi trong kinh doanh và tiền đề cho việc phát triển lĩnh vực xuất nhập khẩu.

+ Tăng cường phát triển mậu dịch biên giới với thị trường Lào để phát triển xuất nhập khẩu và dịch vụ tạm nhập tái xuất cho hàng hoá của Lào và Thái Lan. Mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu với Lào không lớn song thị trường Lào là thị trường trung chuyển hàng hoá của Thái Lan sang Việt Nam và ngược lại qua tuyến biên giới.

+ Cần nhanh chóng bổ xung và hoàn thiện đề án phát triển xuất nhập khẩu có tính lâu dài, ổn định. Trong đó, xác định rõ chính sách mặt hàng, cơ cấu hàng hoá xuất nhập khẩu phù hợp.

- Đối với thị trường nông thôn và miền núi, trước hết cần có chính sách đảm bảo cho nông dân bán được nông sản, mua vật tư cho sản xuất, hàng tiêu dùng cho sinh hoạt được thuận lợi, giá cả hợp lý. Bên cạnh việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các sản phẩm nông, lâm nghiệp nhằm mở rộng thị trường nông thôn và nâng cao sức mua.

1.6. Phương hướng và giải pháp bảo vệ môi trường của ngành thương mại

1.6.1. Hiện trạng môi trường của ngành thương mại

Hiện tại, các họat động thương mại của ngành chủ yếu diễn ra tại mạng lưới chợ, mạng lưới của hàng xăng dầu và các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng, cửa hiệu quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh.

Qua khảo sát điều tra cho thấy thực mạng môi trường trên mạng lưới chợ và các cửa hàng kinh doanh xăng dầu như sau:

- Cơ sở vật chất chợ: Trong số 354 chợ, có 45 chợ kiên cố, chiếm 12,71%; 157 chợ bán kiên cố, chiếm 43,45% và 152 chợ tạm, chiếm 42,94%. Nhìn chung, cơ sở vật chất kỹ thuật chợ tỉnh Nghệ An còn lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu trao đổi, giao lưu hàng hoá của dân cư. Do đó, điều kiện vệ sinh môi trường không được đảm bảo: khu vệ sinh tạm bợ hoặc không có, hệ thống cấp thoát nước thô sơ, hoặc chỉ là rãnh thoát tạm bợ; Quá trình quản lý thu gom và xử lý chất thải, nước thải còn khá thủ công.

Diện tích các chợ ở tỉnh Nghệ An không lớn, diện tích bán hàng, diện tích dành cho khách đi lại, lựa chọn hàng hóa, diện tích đường trong chợ đều hẹp gây khó khăn cho khách hàng, cho chuyên chở hàng hóa, cho việc cứu hỏa khi cần thiết, cũng như không đủ diện tích xây dựng hệ thống cấp thoát nước đến từng quầy thực phẩm. Hiện tượng ngập úng, bùn lầy trong khu vực chợ còn phổ biến.

Bên cạnh đó, việc chế biến nông sản thực phẩm tươi sống được thực hiện ngay tại chợ khiến lượng rác thải hàng ngày lớn, gây mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm với các sản phẩm lưu thông trên chợ. Hơn thế nữa, phần lớn hàng hóa ở chợ là của các cơ sở không công bố tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Cơ sở vật chất của mạng lưới cửa hàng kinh doanh xăng dầu: Phân bố trên địa bàn chưa hợp lý. Dày ở khu vực thành phố, trên các tuyến quốc lộ, quá thưa trên địa bàn một số khu vực, đặc biệt là ở các xã và các tuyến giao thông mới mở, nhiều cửa hàng nằm cạnh nhà dân, khách sạn, cửa hàng ăn uống,...; Nhiều cửa hàng có quy mô nhỏ, cả về quy mô xây dựng cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật. hiện có 105/399 cửa hàng xăng dầu trong tình trạng chưa đảm bảo các tiêu chuẩn của để xếp hạng cửa hàng. Việc phát triển mạng lưới bán lẻ chưa tuân thủ theo một quy hoạch thống nhất, do vậy có nguy cơ ảnh hưởng đến giao thông, môi trường, phòng chống cháy nổ và cảnh quan chung.

- Về điều kiện vệ sinh môi trường tại các cửa hàng tạp hóa thì phần lớn các gia đình sử dụng một phần diện tích nhà hoặc thuê những mặt bằng, kiốt nhỏ để làm cửa hàng nên còn hạn chế.

Qua đánh giá hiện trạng môi trường ngành thương mại trên địa bàn tỉnh Nghệ An như trên, có thể rút ra một số vấn đề môi trường cơ bản cần lưu ý trong thực hiện quy hoạch, đó là:

- Vấn đề vị trí, địa điểm, diện tích và thiết kế xây dựng các chợ, siêu thị, TTTM, trung tâm mua sắm.

- Vấn đề nâng cấp cơ sở vật chất chợ

- Vấn đề thu gom, xử lý rác thải và hệ thống cấp thoát nước với hệ thống thương mại trên địa bàn tỉnh nói chung và đặc biệt với mạng lưới chợ nói riêng.

- Vấn đề ý thức của người tiêu dùng trong vấn đề VSATTP và chất lượng hàng hóa lưu thông trên chợ, siêu thị, TTTM và cửa hàng.

1.6.2. Biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường

- Đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí của Việt Nam về thiết kế chợ, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, trung tâm bán buôn, chợ đầu mối bán buôn nông sản,…;

Đảm bảo số lượng và chất lượng các hạng mục công trình cần thiết như: hệ thống cấp thoát nước trong và ngoài; hệ thống thu gom, xử lý rác thải; hệ thống xử lý nước thải,…;

- Quy định về phân công trách nhiệm, phối hợp quản lý giữa các ban, ngành, tổ chức tại địa phương trong việc chỉ đạo, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường. Hoàn thiện các quy định và chính sách có liên quan đến bảo vệ môi trường đối với hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2020;

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức trong ngành về trách nhiệm bảo vệ môi trường, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác môi trường;

- Phối hợp liên ngành trong việc đảm bảo các tiêu chuẩn VSATTP đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường;

- Khuyến khích người bán và người mua sử dụng bao bì và bao gói thân thiện với môi trường;

- Hỗ trợ và tư vấn cho khách hàng để trở thành người tiêu dùng thông thái.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

2.1. Công khai Quy hoạch phát triển ngành thương mại Nghệ An

Sau khi dự án quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Nghệ An đến năm 2020 được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, cần tổ chức công bố công khai và rộng rãi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thực hiện quy hoạch.

2.2. Tổ chức triển khai thực hiện các nội dung quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh Nghệ An

- Sở Công Thương là cơ quan chủ trì thực hiện theo chức năng của Sở về xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển Ngành. Các cơ quan phối hợp là UBND các huyện, thị, thành phố và các sở, ban, ngành có liên quan.

- Trên cơ sở Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Sở Công Thương Nghệ An cần phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố xây dựng và thực hiện các Quy hoạch phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng của ngành (Quy hoạch mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, trung tâm bán buôn, trung tâm mua sắm, siêu thị và cửa hàng lớn... quy hoạch các đường phố thương mại chuyên doanh; các tổng kho,...) và mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên từng địa bàn, từ đó có các biện pháp và chính sách phù hợp để mạng lưới kết cấu hạ tầng thương mại và các phân ngành bán buôn và bán lẻ của ngành thương mại phát triển một cách hài hoà, hợp lý, hiệu quả.

- Để hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp thương mại của Nghệ An, Sở Công Thương cần xây dựng và phối hợp tổ chức thực hiện các đề án về hỗ trợ doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ; đề án hỗ trợ phát triển thương mại điện tử cho doanh nghiệp thương mại; đề án hỗ trợ phát triển phương thức kinh doanh hiện đại cho doanh nghiệp thương mại; đề án hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại áp dụng kỹ thuật, công nghệ kinh doanh hiện đại; đề án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho doanh nghiệp thương mại; đề án cải cách các nhà phân phối truyền thống sang hiện đại;...

- Để thu hút đầu tư vào phát triển cơ cấu thương mại quy mô lớn và hiện đại, Sở Công Thương chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và trình UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt và ban hành Quy chế khuyến khích đầu tư xây dựng các loại hình thương mại hiện đại trên địa bàn; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các tập đoàn, công ty phân phối đa quốc gia hàng đầu thế giới vào đầu tư phát triển hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn tỉnh.

- Để tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, Sở Công Thương cần phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng và ban hành một số Quy định về các hành vi giao dịch, mua bán hàng hoá trên địa bàn tỉnh, như: Quy định về hành vi giao dịch nhập hàng của các doanh nghiệp bán lẻ thương mại; Biện pháp quản lý hành vi khuyến mãi của các doanh nghiệp bán lẻ; Hợp đồng đại lý tiêu thụ hàng hoá, nhằm đảm bảo lợi ích của các bên tham gia, đưa hoạt động dịch vụ đại lý của tỉnh vào nề nếp và phát triển.

- Sở Công Thương từng bước xây dựng và tiến tới thành lập Hiệp hội các nhà phân phối của tỉnh Nghệ An và hỗ trợ để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược và các chính sách phát triển ngành, thực hiện các chương trình liên kết giữa các nhà phân phối của Nghệ An với các nhà phân phối trong và ngoài nước để tạo điều kiện và yếu tố thuận lợi cho triển khai các liên kết phát triển ngành thương mại của tỉnh.

- Kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Xúc tiến Công Thương để hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp. Phát triển các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu như: nghiên cứu phát triển (R&D), thiết kế mẫu, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, dịch vụ vận chuyển, kho bãi, dịch vụ hải quan, tư vấn xuất khẩu,...

- Phát triển cơ sở hạ tầng nhằm thu hút các dự án đầu tư. Đa dạng hoá nguồn vốn và các hình thức đầu tư cho phát triển nguồn hàng xuất khẩu. Đầu tư mạnh cho phát triển các sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Chú trọng đầu tư trên cả 3 mặt: (i) nguồn nhân lực (quản lý, nghiệp vụ và lao động), (ii) đổi mới công nghệ, (iii) mở rộng sản xuất và tăng năng suất lao động.

- Gắn kết các hoạt động phát triển xuất khẩu với mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của nhân dân trong tỉnh và trong vùng Bắc Trung Bộ.

- Cải tiến chế độ thống kê, báo cáo; tổ chức cập nhật, phổ biến thông tin kinh tế - xã hội chung của tỉnh và các thông tin về thị trường, sản phẩm, giá cả hàng hoá xuất khẩu lên các trang thông tin điện tử của UBND tỉnh và các sở /ngành liên quan.

2.3. Phối hợp thực hiện

Các Sở, ngành xác định danh mục mặt hàng, dịch vụ xuất khẩu chủ lực và cơ chế, kế hoạch xúc tiến xuất khẩu những sản phẩm đó; triển khai thực hiện các Quy hoạch phát triển của từng ngành để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hoá cho lĩnh vực thương mại; nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp trong ngành về sự cần thiết sử dụng các dịch vụ phân phối chuyên nghiệp của các doanh nghiệp thương mại; thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành với doanh nghiệp thương mại để phát triển các chuỗi cung ứng hàng hoá có giá trị gia tăng cao và có khả năng chiếm lĩnh được các thị trường mục tiêu ở trong và ngoài nước,...

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: cân đối, bố trí kế hoạch vốn đầu tư; nghiên cứu đề xuất những cơ chế, chính sách thu hút đầu trong và ngoài nước vào lĩnh vực thương mại dịch vụ; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư vào những ngành hàng xuất khẩu chủ lực và vào lĩnh vực thương mại của tỉnh.

- Sở Xây dựng: Trên cơ sở Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Nghệ An đến năm 2020 được phê duyệt, đảm bảo bố trí không gian và kiến trúc phù hợp theo tiêu chuẩn cho các loại hình thương mại ở từng khu vực trên địa bàn tỉnh.

- Sở Tài chính: Phối hợp với các sở, ban ngành tham mưu trình UBND tỉnh:

+ Xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí cho các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư cho các hạng mục công trình thương mại có sự hỗ trợ của kinh phí của Nhà nước;

+ Tham mưu: Kế hoạch và cơ chế phát triển xuất khẩu các dịch vụ thuộc lĩnh vực tài chính; Quy định về phí và lệ phí và chính sách về thuế để ổn định thị trường và khuyến khích, hỗ trợ phát triển thương mại của tỉnh.

- Sở Giao thông vận tải: Trên cơ sở mạng lưới thương mại được quy hoạch, cần có kế hoạch triển khai hoặc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giao thông của tỉnh, tạo thuận lợi cho phát triển mạng lưới thương mại và cho lưu chuyển hàng hoá trên thị trường. Phối hợp với Sở Công an cải tiến và hoàn thiện quản lý giao thông để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại ở các khu vực cũng như thuận lợi cho việc cung ứng, bốc dỡ và nhập hàng vào mạng lưới thương mại trên địa bàn tỉnh.

- Sở Tài nguyên và Môi trường: trên cơ sở quy hoạch phát triển ngành thương mại được phê duyệt, Sở điều chỉnh và bổ sung quy hoạch sử dụng đất của tỉnh để ưu tiên dành đất cho phát triển thương mại, xác định địa giới cho các loại hình thương mại đã được quy hoạch. Phối hợp với Sở Công Thương và các sở /ngành khác để xây dựng và ban hành các chính sách sử dụng đất cho phát triển thương mại của tỉnh.

- Sở Khoa học - công nghệ: Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan khác để xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại của tỉnh áp dụng các công nghệ kinh doanh và quản lý hiện đại, từng bước áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2001, ISO 14000,…

- Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn: Chủ trì triển khai thực hiện xây dựng các dự án phát triển ngành hàng đã có quy hoạch; tiếp tục xây dựng các dự án phát triển ngành hàng nhằm tạo ra lượng hàng hoá đảm bảo cho tiêu dùng và góp phần vào xuất khẩu.

- Sở Lao động Thương binh & Xã hội: Xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi để thu hút lao động có trình độ cao, nhân tài vào ngành thương mại. Lập Đề án xây dựng một số Trung tâm và chương trình đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp về sản xuất hàng xuất khẩu và xuất khẩu lao động.

- Sở Bưu chính viễn thông: phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì hướng dẫn thực hiện Chương trình Chính phủ điện tử, thương mại điện tử trên địa bàn; hỗ trợ doanh nghiệp thông tin về công nghệ và chuyển giao công nghệ; phối hợp với Sở Công Thương xây dựng và vận hành mạng thông tin thương mại.

- Các Huyện, thị, thành phố: phối hợp liên ngành và liên vùng nhằm triển khai các chương trình, kế hoạch và giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển lĩnh vực thương mại của tỉnh, xây dựng và triển khai các quy hoạch, chương trình, kế hoạch và giải pháp phát triển thương mại trên từng địa bàn. Đảm bảo bố trí và sử dụng cán bộ có năng lực phù hợp, có trình độ chuyên nghiệp về quản lý thương mại.

- Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành trung ương và hợp tác liên kết cùng phát triển thương mại với các tỉnh, thành phố trong nước theo nhiều phương thức linh hoạt.

KẾT LUẬN

Đề án " Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Nghệ An đến năm 2020" được thực hiện trên cơ sở điều tra, khảo sát thực tế hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh và thu thập các nguồn thông tin, tư liệu khác nhau phản ánh thực trạng và triển vọng phát triển kinh tế, thương mại trên địa bàn tỉnh.

Qua phân tích số liệu và khảo sát thực tế cho thấy, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An hiện nay nói chung cũng như những yếu tố về sản xuất, tiêu dùng nói riêng còn chưa cao và chưa thực sự tạo ra được xung lực phát triển mạnh mẽ cho các hoạt động thương mại, nhất là các hoạt động thương mại có quy mô và phạm vi lớn. Bên cạnh đó, bản thân năng lực của các lực lượng tham gia hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh cũng là nguyên nhân bên trong làm hạn chế sự phát triển của các hoạt động thương mại ở tỉnh Nghệ An, hạn chế khả năng khai thác các lợi thế và tiềm năng phát triển thương mại của tỉnh.

Từ những vấn đề về thực trạng và tiềm năng, triển vọng phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thương mại nói riêng của tỉnh Nghệ An và của cả nước, cho thấy, trong thời kỳ quy hoạch đến năm 2020, tỉnh Nghệ An cần có các biện pháp tác động tích cực theo hướng mở rộng quy mô và phạm vi để qua đó tạo cơ sở phát triển tốt các hoạt động thương mại. Đồng thời, các cơ cấu của thương mại trên địa bàn tỉnh cũng cần được quy hoạch, định hướng phát triển theo hướng chuyên nghiệp hoá, hiện đại hoá, tổ chức hoá, xã hội hoá và tiêu chuẩn hoá để tạo giá trị tăng thêm cao hơn đóng góp vào GDP của tỉnh, đồng thời thúc đẩy và hỗ trợ các ngành sản xuất và dịch vụ phát triển.

Trên cơ sở các kết quả khảo sát, nghiên cứu, dự án đã đưa ra những nội dung quy hoạch phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh Nghệ An một cách toàn diện và trọng yếu trong thời kỳ đến năm 2020. Đồng thời, dự án cũng đề cập đến những giải pháp phát triển thương mại và tổ chức thực hiện quy hoạch. Tất cả những điều đó nhằm xây dựng và phát triển ngành thương mại Nghệ An không những đạt trình độ phát triển ngang bằng mà còn vượt mức bình quân của cả nước, phù hợp với định hướng phát triển thị trường, thương mại nước ta trong điều kiện hội nhập./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 89/2009/QĐ-UBND ngày 15/09/2009 phê duyệt Đề án: Quy hoạch phát triển Thương mại Nghệ An đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.021

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.34.51
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!