UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 73/2004/ QĐ-UB
|
Tam Kỳ, ngày 22
tháng 9 năm 2004
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO NGƯỜI VÀ TÀU CÁ.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Thuỷ sản ngày 26 tháng 11 năm
2003;
Căn cứ Nghị định 72/1998/NĐ-CP ngày 15/9/1998
của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động
trên biển;
Căn cứ Nghị định 40/CP ngày 05 tháng 7 năm
1996 của Chính phủ về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa;
Căn cứ Quyết định 494/2001/QĐ-BTS ngày 15/ 6/
2001 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản về ban hành quy chế đăng kiểm, đăng ký tàu cá và
thuyền viên;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thuỷ sản Quảng
Nam tại Tờ trình số 225/TT-TS ngày 20 / 8 / 2004 và của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên
phòng tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định đảm bảo an toàn cho
người và tàu cá” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Thuỷ sản, Chỉ huy trưởng
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã,
thủ trưởng các Sở, ngành, đơn vị, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- TVTU, TTHĐND-UBND tỉnh
- Bộ Thuỷ sản, Bộ Tư pháp
- VP Tỉnh uỷ, các Ban của Đảng
- Mặt trận, các Đoàn thể tỉnh
- Các Sở, Ban, ngành trực thuộc
- Viện kiểm soát, Toà án nhân dân tỉnh
- CPVP
- Lưu VT, TH, NC, KTN, KTTH.
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN TỈNH QUẢN NAM
CHỦ TỊCH
Nguyễn Xuân Phúc
|
QUY ĐỊNH
ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO NGƯỜI VÀ TÀU CÁ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 73/2004/QĐ-UB ngày 22 tháng 9 năm 2004 của ủy
ban nhân dân tỉnh Quảng Nam)
Chương I
NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng và
điều chỉnh
- Quy định này được áp dụng đối với người và tàu
cá trong tỉnh Quảng Nam hoạt động trên biển, trên sông, hồ. Người và tàu cá phải
tuân thủ nội dung quy định này và các quy định pháp luật hiện hành có liên
quan.
- Quy định này quy định một số nội dung cụ thể
liên quan trực tiếp đến việc đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, giảm nhẹ thiệt
hại do thiên tai, tai nạn, sự cố đối với người và tàu cá hoạt động trên biển,
trên sông, hồ.
Điều 2. Những thuật ngữ
trong quy định này được hiểu như sau:
1. Đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động:
Là tổng hợp các biện pháp hành chính, kỹ thuật nhằm ngăn ngừa, phòng tránh, xử
lý các sự cố đối với người và tàu cá trước, trong và sau thiên tai, tai nạn.
2. Tàu cá: Là tất cả các loại tàu, thuyền, canô,
sà lan và các phương tiện nổi khác có động cơ hay không có động cơ dùng vào mục
đích khai thác, chế biến, nuôi trồng, thu gom, vận chuyển thủy sản, hậu cần phục
vụ nghề cá, điều tra, thăm dò nguồn lợi thủy sản, kiểm tra, kiểm soát bảo vệ
nguồn lợi thuỷ sản hoạt động trong các vùng nước biển, sông, hồ...
3. Đăng kiểm tàu cá: Là hoạt động kiểm tra, giám
sát, đánh giá xác định trạng thái kỹ thuật tàu cá (đối với tàu cá thuộc diện phải
đăng kiểm) tại một thời điểm nhất định để có kết luận về khả năng hoạt động của
tàu cá trong một khoảng thời gian nhất định.
4. Trang bị an toàn tàu cá: Là các trang bị cứu
sinh, hút khô, chống thủng, phòng cháy chữa cháy, phương tiện thông tin, tín hiệu,
hàng hải.
5. Đăng ký tàu cá: Là hoạt động quản lý Nhà nước
về hành chính đối với tàu cá.
6. Chủ tàu: Là tổ chức, cá nhân sở hữu quản lý,
sử dụng tàu cá.
7. Thuyền trưởng: Là người chỉ huy cao nhất trên
tàu cá, chịu trách nhiệm về hoạt động của tàu cá.
Chương II
ĐĂNG KIỂM, ĐĂNG KÝ TÀU
CÁ VÀ THUYỀN VIÊN
Điều 3. Đăng kiểm tàu cá
1. Đăng kiểm tàu cá phải thực hiện đúng theo quy
trình, quy phạm an toàn kỹ thuật và phân cấp quản lý do Bộ Thủy sản quy định.
Các tàu cá thuộc diện phải đăng kiểm gồm các tàu thuyền lắp máy có tổng công suất
từ 20 sức ngựa trở lên, tàu thuyền không lắp máy hoặc lắp máy với tổng công suất
máy chính dưới 20 sức ngựa nhưng có chiều dài đường nước thiết kế từ 15 m trở
lên. Tàu cá có công suất nhỏ hơn 20 sức ngựa hoặc có chiều dài nhỏ hơn 15 m
không thực hiện đăng kiểm, chủ tàu cá chịu trách nhiệm về an toàn kỹ thuật của
phương tiện, cơ quan đăng kiểm chỉ kiểm tra trang bị an toàn và các thông số cơ
bản trước khi đăng ký.
2. Cơ quan đăng kiểm tàu cá phải thực hiện kiểm
tra kỹ thuật tàu cá đúng các quy phạm, tiêu chuẩn quy định, chịu trách nhiệm về
việc xác nhận kết quả kiểm tra.
3. Chủ tàu cá, thuyền trưởng chịu trách nhiệm
duy trì tình trạng kỹ thuật, tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh môi trường của tàu cá
theo quy định giữa hai kỳ kiểm tra. Đối với tàu cá thuộc diện không đăng kiểm,
chủ tàu chịu trách nhiệm duy trì đảm bảo đầy đủ trang bị an toàn sau khi đăng
ký.
Điều 4. Đăng ký tàu cá
- Các tàu cá gắn máy có công suất lớn hơn 10 sức
ngựa hoặc không gắn máy có chiều dài lớn hơn 8m thuộc diện phải đăng ký.
- Tàu cá có chiều dài 8m trở xuống hoặc có tổng
công suất máy từ 10 sức ngựa trở xuống giao cho UBND Huyện, Thị xã quản lý. Sở
Thuỷ sản hướng dẫn nghiệp vụ cho các địa phương tổ chức quản lý.
Công tác đăng ký tàu cá trên địa bàn tỉnh được
thực hiện theo Chương IV - Quy chế đăng kiểm tàu cá, đăng ký tàu cá và thuyền
viên (Ban hành kèm theo Quyết định 494/2001/QĐ-BTS ngày 15/6/2001 của Bộ trưởng
Bộ Thủy sản).
Điều 5. Đăng ký thuyền viên
Thuyền viên làm việc trên tàu cá phải đủ 18 tuổi
trở lên, có đủ tiêu chuẩn sức khỏe, biết bơi lội, có bằng và chứng chỉ hoặc có
kinh nghiệm đi biển, được tập huấn về những kiến thức cơ bản khi hành nghề trên
biển do cơ quan đăng kiểm tàu cá có thẩm quyền tổ chức.
Việc đăng ký thuyền viên thực hiện theo Chương
VI - Quy chế đăng kiểm tàu cá, đăng ký tàu cá và thuyền viên (Ban hành kèm theo
Quyết định 494/2001/QĐ-BTS ngày 15/6/2001 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản).
Điều 6. Sổ danh bạ thuyền
viên tàu cá
Sổ danh bạ thuyền viên tàu cá được cơ quan đăng
kiểm tàu cá cấp lần đầu cùng với việc đăng ký tàu cá. Theo yêu cầu của chủ tàu
hoặc thuyền trưởng, việc thay thế thuyền viên làm việc trên tàu cá theo từng
chuyến biển phải được người có thẩm quyền (Đối với tàu cá thuộc doanh nghiệp là
Giám đốc doanh nghiệp, đối với tàu cá không thuộc doanh nghiệp là Chủ tịch UBND
xã, phường, thị trấn nơi cư trú của chủ tàu đó) thực hiện ghi tên thuyền viên
thay thế vào sổ danh bạ thuyền viên của tàu, sau đó ghi rõ họ và tên, chức
danh, ký tên và đóng dấu xác nhận.
Chương III
ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG CỦA
TÀU CÁ
Điều 7. Điều kiện hoạt động
của tàu cá
1. Các tàu cá chỉ được hoạt động khi đã hoàn tất
các thủ tục về đăng kiểm, đăng ký tàu cá và thuyền viên và được các cơ quan có
thẩm quyền cấp đủ các loại giấy tờ theo quy định.
2. Các loại giấy tờ mang theo tàu cá: Khi hoạt động,
trên tàu cá phải có đủ các loại giấy tờ tương ứng với loại tàu cá:
- Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;
- Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá (Đối với
tàu cá thuộc diện phải đăng kiểm);
- Giấy phép khai thác thủy sản;
- Sổ danh bạ thuyền viên;
- Các chứng chỉ chuyên môn của thuyền trưởng,
thuyền viên (nếu quy định phải có).
3. Thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá phải có bằng,
chứng chỉ phù hợp quy định của Bộ Thủy sản như sau:
- Tàu cá có công suất máy chính từ 45cv đến dưới
90cv, người điều khiển phương tiện phải có bằng thuyền trưởng, máy trưởng tàu
cá hạng nhỏ.
- Tàu cá có công suất máy chính từ 90cv đến dưới
400cv, người điều khiển phương tiện phải có bằng thuyền trưởng, máy trưởng hạng
năm.
- Tàu cá có công suất máy chính từ 400cv trở
lên, nguời điều khiển phương tiện phải có bằng thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá
hạng tư.
Điều 8. Trách nhiệm và quyền
hạn của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghề cá
1. Trách nhiệm:
- Thực hiện nghiêm túc các nội dung của quy định
này và theo sự hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền trong việc đảm bảo an toàn
cho người và phương tiện hoạt động trên biển theo quy định của pháp luật giao
thông đường thủy nội địa, pháp luật hàng hải liên quan.
- Thực hiện đầy đủ các quy định về kiểm tra an
toàn kỹ thuật và trang bị an toàn theo quy chế đăng kiểm, đăng ký tàu cá và
thuyền viên; chịu trách nhiệm duy trì tình trạng kỹ thuật tàu cá theo quy định
giữa hai kỳ kiểm tra. Tự kiểm tra bổ sung, thay thế kịp thời các trang bị an
toàn trong quá trình hoạt động.
- Chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền
về việc trưng dụng phương tiện tham gia thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn
trên sông, trên biển. Phối hợp với cơ quan chuyên ngành, chính quyền địa phương
thực hiện có hiệu quả các biện pháp giảm nhẹ thiệt hại, ngăn ngừa tai nạn, tìm
kiếm cứu nạn và phòng chống lụt bão.
- Chịu sự kiểm tra của lực lượng Bộ đội Biên
phòng trước khi xuất bến về trách nhiệm đảm bảo điều kiện hoạt động của tàu cá
như khoản 2, Điều 7, Chương III và đảm bảo yêu cầu về Đăng kiểm danh sách thuyền
viên và các trang bị phao cứu sinh, phương tiện thông tin liên lạc, văn bằng chứng
chỉ của thuyền trưởng.
2. Quyền hạn:
- Tham gia góp ý xây dựng các quy chế tổ chức sản
xuất trên biển theo tổ, đội và kết hợp với công tác tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ an
ninh trật tự, quy chế thông tin liên lạc giữa tàu cá và Cơ quan thường trực tìm
kiếm cứu nạn của tỉnh.
- Có quyền khiếu nại đến cơ quan, tổ chức, cá
nhân có thẩm quyền khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính hoặc hành vi
hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền là trái
pháp luật, trái với quy định này, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Công
dân.
Điều 9. Trách nhiệm của chủ
tàu cá
Chủ tàu cá phải thực hiện:
1. Bố trí các chức danh, số lượng thuyền viên
làm việc trên tàu cá phù hợp với cỡ loại tàu, nghề nghiệp và đăng ký thuyền
viên.
2. Trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn, cứu nạn
cho người và tàu cá theo tiêu chuẩn Nhà nước quy định.
3. Mua Bảo hiểm thuyền viên đối với tàu cá xa bờ.
4. Tất cả các tàu cá có trang bị máy thông tin
vô tuyến, chủ tàu phải thông báo, đăng ký với Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, Sở thủy
sản, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh (BCH PCLB và
TKCN) và Huyện, Thị xã nơi cư trú về tần số liên lạc của tàu; thực hiện đúng
quy chế thông tin liên lạc trong quá trình hoạt động trên biển.
5. Xây dựng và ban hành nội quy, quy trình sử dụng
an toàn các trang thiết bị trên tàu cá.
6. Đôn đốc thuyền trưởng thực hiện nghiêm chỉnh
chế độ khai báo khi ra và vào cảng, bến đậu; thực hiện ghi nhật ký khai thác và
báo cáo sản lượng khai thác theo quy định.
7. Tổ chức bồi dưỡng, phổ biến kiến thức nghiệp
vụ đảm bảo an toàn đi biển cho thuyền viên.
8. Thường xuyên nắm số lượng thuyền viên và tàu
cá, vùng biển hoạt động của tàu cá và báo cáo cơ quan quản lý thủy sản địa
phương nơi cư trú khi có yêu cầu; sẵn sàng cho tàu cá đi làm nhiệm vụ bảo vệ an
ninh trật tự, phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh điều động của
cấp có thẩm quyền.
9. Các chủ tàu cá phải cam kết với chính quyền địa
phương các cấp và thực hiện nghiêm túc cam kết về đảm bảo an toàn người và tàu
cá, cam kết về việc ứng cứu, giúp đỡ nhau khi gặp nạn trên biển giữa các tàu cá
trong tổ, đội sản xuất được các cấp chính quyền địa phương thành lập.
Điều 10: Trách nhiệm của
thuyền trưởng.
1. Ngoài những quy định trong chức trách, thuyền
trưởng thường xuyên có trách nhiệm:
- Cho tàu hoạt động ở vùng biển, ngư trường cho
phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
- Phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc thuyền viên thực
hiện các quy định về an toàn khi hoạt động trên biển; phân công nhiệm vụ cho từng
thuyền viên và tổ chức cho thuyền viên thực tập các phương án đảm bảo an toàn.
- Kiểm tra thuyền viên và tàu cá về trang thiết
bị hàng hải, trang bị an toàn, các giấy tờ của tàu cá và thuyền viên.
- Chấp hành và đôn đốc thuyền viên chấp hành
nghiêm chỉnh quy tắc phòng ngừa va chạm tàu thuyền khi hoạt động trên biển.
- Khai báo vùng hoạt động, số thuyền viên thực tế
có trên tàu cá và xuất trình các giấy tờ quy định với Trạm kiểm soát Biên
phòng, cảng vụ nơi đi và nơi đến khi đưa tàu cá đi hoạt động và khi về cảng, ở
những nơi chưa có cảng vụ thì khai báo với UBND xã, phường nơi tàu cá cư trú.
- Đôn đốc thuyền viên trực tàu và sẵn sàng điều
động tàu ứng phó với bão, lũ và hỗ trợ các tàu cá khi có tai nạn xảy ra.
- Thực hiện chế độ ghi nhật ký khai thác và báo
cáo sản lượng theo quy định.
2. Trong trường hợp có bão, thuyền trưởng có
trách nhiệm:
- Khi bão xa: Thông báo tin bão cho thuyền viên
biết, đồng thời kiểm tra lại các trang thiết bị an toàn và thường xuyên theo
dõi diễn biến thời tiết trên Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam,
Đài phát thanh truyền hình tỉnh; liên lạc chặt chẽ với đài chỉ huy trên bờ (BCH
Biên phòng tỉnh, BCH PCLB và TKCN, Sở Thuỷ sản), các phương tiện thông tin khác
và bằng mọi biện pháp thông tin cho các tàu cá khác đang hoạt động trong cùng
khu vực; có kế hoạch để tránh bão được kịp thời.
- Khi bão gần: Thông tin bão gần cho thuyền viên
biết, nhanh chóng ra lệnh thu lưới và rời khỏi ngư trường để về nơi trú bão gần
nhất, thông báo kịp thời cho các tàu cá khác đang hoạt động trong cùng khu vực
biết.
- Khi có tin bão khẩn cấp: Phải ra lệnh cho thuyền
viên mặc áo phao cá nhân, đưa trang thiết bị cấp cứu vào vị trí sẵn sàng ứng cứu
và kịp thời đưa tàu cá vào nơi trú bão gần nhất. Trong trường hợp khẩn cấp,
thuyền trưởng có quyết định bỏ lưới để kịp đưa tàu cá về nơi trú bão; điều động
tàu cá và thuyền viên của mình vào ứng cứu khi phát hiện có người và tàu cá
khác bị nạn trong điều kiện an toàn cho phép.
- Khi tàu cá đang trong vùng bão: Phải trực tiếp
điều khiển và chỉ huy phương tiện của mình; sử dụng mọi biện pháp và kinh nghiệm
để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá. Kịp thời thông báo cho các đài trên bờ
và các tàu cá gần nhất biết về vị trí tàu cá của mình đang hoạt động và phát
tín hiệu cấp cứu khi phương tiện bị tai nạn; tham gia ứng cứu khi phát hiện người
và tàu cá khác bị nạn trong điều kiện an toàn cho phép. Khi tàu vào khu vực neo
đậu để tránh bão thì không được để người trên tàu.
- Khi bão tan: Phải báo cáo kịp thời với cơ quan
chủ quản, Trạm kiểm soát, Đồn Biên phòng hoặc cấp xã, phường nơi gần nhất về
tình trạng người và tàu cá của mình, đồng thời tự kiểm tra lại điều kiện an
toàn của tàu cá trước khi cho tàu rời bến.
Điều 11. Trách nhiệm của
thuyền viên
1. Tự giác chấp hành các quy định về an toàn cho
người và tàu cá và các quy định khác của pháp luật.
2. Khi phát hiện tai nạn xảy ra trên tàu cá của
mình hoặc trên các tàu cá khác phải báo cáo ngay cho thuyền trưởng, sẵn sàng hỗ
trợ, ứng cứu người và tàu cá bị nạn.
3. Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật
về hợp đồng lao động. Có quyền từ chối làm việc trên tàu cá nếu tàu cá đó không
đủ điều kiện đảm bảo an toàn.
Chương IV
TÌM KIẾM CỨU NẠN VÀ
PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO, GIẢM NHẸ THIÊN TAI.
Điều 12. Tổ chức, cá nhân là chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá phải có
trách nhiệm đưa phương tiện đến kiểm tra đăng kiểm theo quy định, phải trang bị
đầy đủ phương tiện cứu sinh, phương tiện theo dõi dự báo thời tiết, phương tiện
thông tin liên lạc vô tuyến (VTĐ), phương tiện phòng cháy chữa cháy, tuân theo
các quy định của pháp luật giao thông đường thủy nội địa và pháp luật hàng hải.
Điều 13. Thuyền trưởng thường xuyên có trách nhiệm đưa tàu vào hoạt
động ở vùng biển, ngư trường cho phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc theo sự
cho phép được ghi trong giấy phép khai thác thủy sản, sổ chứng nhận khả năng hoạt
động. Khi có thời tiết gió bão, thuyền trưởng có trách nhiệm thực hiện các biện
pháp xử lý như khoản 2 Điều 9 quy định này.
Điều 14: Việc phòng, chống lụt bão, ngăn ngừa tai nạn, sự cố trên biển
thực hiện theo nguyên tắc phòng là chính, tìm kiếm cứu nạn tại chỗ, kết hợp với
trợ giúp của cộng đồng và cơ quan Nhà nước. Đối với các tàu cá đánh bắt xa bờ
phải được tổ chức theo tổ, đội khi đi sản xuất trên biển, có thỏa thuận về
trách nhiệm cứu người, cứu phương tiện giữa các tàu cá trong tổ, đội sản xuất
(phải có ít nhất từ 3 chiếc trở lên), thường xuyên thông tin liên lạc với nhau
và liên lạc với trung tâm thông tin BCH Biên phòng tỉnh theo quy chế thông tin
để có thể hỗ trợ, ứng cứu kịp thời khi có sự cố, tai nạn. Khuyến khích tổ chức
theo hình thức này đối với các tàu cá khác.
Điều 15. Cứu người gặp nạn trên biển là trách nhiệm bắt buộc của mọi
người. Thuyền trưởng, thuyền viên khi phát hiện người gặp nạn bằng mọi cách phải
tổ chức cứu người, người nào bỏ mặc người bị nạn trong nguy hiểm sẽ bị xử phạt
vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ theo mức độ vi phạm,
theo quy định của Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam.
Điều 16. Việc tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người và tàu cá trên biển dựa
trên nguyên tắc tự ứng cứu giữa các tàu cá trong tổ, đội là chính trước khi có
sự trợ giúp của phương tiện cứu nạn Nhà nước, cộng đồng. ưu tiên cứu người; việc
cứu hộ tàu thuyền, tài sản được khuyến khích.
Điều 17. Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh là cơ quan thường trực của tỉnh
về tìm kiếm cứu nạn trên biển có trách nhiệm phối hợp với ngành Thủy sản, Bộ chỉ
huy Quân sự tỉnh, chính quyền địa phương trong việc tổ chức thực hiện phương án
cứu nạn, cứu hộ. Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh quản lý, sử dụng hệ thống thông tin
phục vụ PCLB và TKCN trên biển và thực hiện quy chế thông tin giữa các tàu cá với
BCH để theo dõi chỉ đạo việc tìm kiếm cứu nạn và phòng, chống lụt, bão.
Chương V
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT
ĐỘNG TÀU CÁ
Điều 18. Trách nhiệm của Sở
thủy sản.
1. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với
người và tàu cá hoạt động thủy sản. Phối hợp với UBND các huyện, thị, cơ quan
liên quan xây dựng kế hoạch phát triển và tổ chức hoạt động của tàu cá trong tỉnh
theo hướng vươn khơi đánh bắt xa bờ trên cơ sở đảm bảo an toàn cho người và
phương tiện, hạn chế thiệt hại trong sản xuất trên biển.
2. Chỉ đạo BCH PCLB và TKCN ngành thuỷ sản phối
hợp với BCH PCLB và TKCN của tỉnh và của Bộ Thuỷ sản triển khai phương án PCLB
và TKCN của ngành, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố, tai nạn trên biển.
3. Hướng dẫn cho các địa phương thực hiện công
tác quản lý tàu cá được phân cấp về các mặt đăng ký hành chính, đảm bảo an
toàn, hoạt động sản xuất...
4. Có kế hoạch tổ chức đào tạo thuyền trưởng,
máy trưởng cho các tàu cá trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu sản xuất. Tuyên
truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về đảm bảo an toàn cho người
và tàu cá hoạt động trên biển, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho ngư dân về
PCLB và TKCN trên biển.
5. Chỉ đạo Chi cục BVNLTS thực hiện:
- Tổ chức thực hiện việc đăng ký tàu cá, đăng ký
thuyền viên và cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định của Nhà nước, tổ
chức kiểm tra an toàn kỹ thuật và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho các
tàu cá theo phân công, đảm bảo theo đúng quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn quy định.
- Phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Cảnh
sát giao thông đường thủy, Cảnh sát biển thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt
động của người và tàu cá trên các vùng nước. Xử lý theo thẩm quyền các trường hợp
người và tàu cá vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá
theo quy định.
- Tổ chức tàu Kiểm ngư sẵn sàng phối hợp với lực
lượng Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương triển khai phương án tìm kiếm
cứu nạn trên biển.
Điều 19. Trách nhiệm của
các ngành liên quan
* BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh:
- Chỉ đạo các Đồn, Trạm Biên phòng tuyến biển kiểm
tra điều kiện hoạt động của tàu cá trước khi xuất bến, không giải quyết đi biển
đối với các tàu cá không đủ các quy định như: Giấy đăng kiểm, sổ hành trình,
danh sách thuyền viên, bằng lái thuyền trưởng, phao cứu sinh, radio nghe dự báo
thời tiết, máy thu phát VTĐ theo quy định. Thông báo tình hình thời tiết phức tạp
như bão, áp thấp nhiệt đới, giông tố, lũ, lụt cho các tàu cá, không cho tàu
thuyền ra biển trong lúc thời tiết phức tạp.
- Là cơ quan tiếp nhận thông tin TKCN trên biển,
có trách nhiệm báo cáo thông tin kịp thời tình hình tàu cá bị nạn trên biển cho
UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt, TKCN, các ngành, địa phương có liên
quan và tham mưu cho UBND tỉnh phương án tổ chức tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố
trên biển, trực tiếp chỉ huy tổ chức thực hiện các chuyến công tác tìm kiếm cứu
nạn trên biển theo chỉ đạo của UBND tỉnh; tham mưu UBND tỉnh tổng hợp báo cáo kịp
thời tình hình tổ chức tìm kiếm cứu nạn trên biển cho cơ quan cấp trên.
- Thực hiện quy chế thông tin liên lạc giữa các
tàu cá với Trung tâm thông tin của BCH Biên phòng tỉnh. Tổ chức bắn pháo hiệu
báo bão, áp thấp nhiệt đới tại các điểm quy định.
* Công an tỉnh:
Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy
cùng với chính quyền địa phương kiểm tra các tàu cá hoạt động ở các vùng sông,
cửa sông, luồng, tuyến giao thông nội thủy. Xử lý theo thẩm quyền các trường hợp
người và tàu cá vi phạm quy định về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, sẵn
sàng cùng với địa phương ứng cứu người và tàu cá khi có tai nạn xảy ra.
* Công an tỉnh: Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và các
ngành có liên quan có trách nhiệm phối hợp cùng với Bộ chỉ huy Bộ độ Biên phòng
tỉnh trong việc tổ chức tìm kiếm, cứu nạn trên biển và các nhiệm vụ khác có
liên quan theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh.
Điều 20. Trách nhiệm của
UBND huyện, thị nghề cá
1. Tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân, chủ tàu
cá hiểu rõ lợi ích và tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn cho người và tàu
cá khi hoạt động; phối hợp phổ biến kiến thức về nghiệp vụ đảm bảo an toàn đi
biển; chỉ đạo các cơ quan ở địa phương kiểm tra, đôn đốc ngư dân thực hiện
trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn và bảo hiểm thuyền viên trước khi tàu cá
ra khơi hoạt động.
2. Tổ chức quản lý các tàu cá theo phân cấp.
3. Nắm vững số lượng và khu vực hoạt động của
người và tàu cá thuộc địa bàn quản lý, kịp thời thông báo về tình hình bão, lụt
cho ngư dân; thường xuyên kiểm tra và chỉ đạo cho UBND các xã, phường, ngành
liên quan bố trí, sắp xếp tàu thuyền tại các bến bãi, nơi trú đậu đảm bảo an
toàn cho người và tàu cá.
4. Có kế hoạch phát triển đội tàu, chỉ đạo hoạt
động sản xuất của tàu cá tại địa phương hiệu quả gắn với đảm bảo an toàn, an
ninh trật tự trên các vùng nước.
5. Triển khai kịp thời các mệnh lệnh của UBND tỉnh,
BCH PCLB và TKCN tỉnh về công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn; chỉ
đạo phối hợp điều tra các vụ tai nạn xảy ra trên vùng nước thuộc địa phương quản
lý. Huy động các tàu thuyền ngư dân để phối hợp tổ chức tìm kiếm cứu nạn, giúp
dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống.
6. Kiểm tra, đôn đốc ngư dân thực hiện các quy định
của Nhà nước, của tỉnh về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động
trên sông, biển.
7. Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các
công trình phục vụ PCLB và TKCN như cảng cá, âu thuyền, nơi trú bão, hệ thống
thông tin bão lũ thuộc địa phương.
8. Báo cáo kịp thời tình hình hoạt động của người
và tàu cá thuộc địa bàn quản lý.
9. Quyết định thành lập các đội tàu cá sản xuất
theo nghề dưới hình thức tổ tương trợ, tổ đoàn kết trong phạm vi 2 xã trở lên;
chỉ đạo UBND các xã thành lập các tổ tương trợ, tổ đoàn kết trong phạm vi từng
xã, phường nghề cá; phối hợp với Sở Thủy sản và các Đồn biên phòng xây dựng,
ban hành và tổ chức hướng dẫn thực hiện quy chế mẫu về hỗ trợ trong sản xuất,
trong tìm kiếm cứu nạn, làm cơ sở xây dựng quy chế hỗ trợ cho từng tổ, đội sản
xuất trên biển; tổ chức chỉ đạo các chủ tàu cam kết và thực hiện cam kết về đảm
bảo an toàn người và tàu cá cũng như cam kết về hỗ trợ, ứng cứu, giúp đỡ nhau
trong sản xuất và tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Chương VI
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ PHẠT
Điều 21.
- Các tổ chức, cá nhân có
thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo an toàn, tìm kiếm cứu nạn cho người
và tàu cá thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Tổ chức, cá nhân không thực hiện các nội dung
của quy định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan thì tùy theo
tính chất, mức độ vi phạm xử lý theo pháp luật hiện hành.
Chương VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 22. Hiệu lực thi hành
- Quy chế này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể
từ ngày ký.
- Trong quá trình triển khai thực hiện có gì vướng
mắc các đơn vị, địa phương, các sở, Ban, ngành, các chủ phương tiện, Thuyền trưởng
và các cá nhân có liên quan phản ánh về Sở Thỷ sản để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh
xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.