UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 646/QĐ-UBND
|
Vĩnh Long,
ngày 29 tháng 4 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ
HỘI HUYỆN MANG THÍT ĐẾN NĂM 2020
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày
07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày
11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch
tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày
31/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định,
phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
Xét Tờ trình số 48/TTr-UBND ngày 16/4/2014 của
Uỷ ban nhân dân huyện Mang Thít và Tờ trình số 581/TTr-SKHĐT ngày 21/4/2014 của
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội huyện Mang Thít đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện
Mang Thít đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Quan điểm phát triển:
Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội
huyện Mang Thít đến năm 2020 phải phù hợp với quy hoạch phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch các ngành, lĩnh vực.
Phát huy tối đa lợi thế về tiềm năng, thế
mạnh về vị trí địa lý của một huyện nằm bên bờ sông Cổ Chiên và Mang Thít là
tuyến đường thuỷ quốc gia nối vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long với
thành phố Hồ Chí Minh; tập trung huy động các nguồn nội lực, tăng dần tích
luỹ cho nền kinh tế; tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài, tập trung đúng mức
cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển công nghiệp, giao thông vận tải,
kết nối nhanh với các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, tạo môi trường thuận lợi
thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển theo hướng nâng cao chất lượng
và hiệu quả nhằm tạo ra những đột phá về chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong từng
ngành, từng lĩnh vực, gắn sản xuất hàng hoá với thị trường tiêu thụ trong nước
và xuất khẩu; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của
các sản phẩm, của các doanh nghiệp và toàn nền kinh tế.
Phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, chuyển
dịch cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng đa dạng hoá sản phẩm,
thích ứng với nhu cầu thị trường; tăng nhanh khối lượng và nâng cao chất lượng
các sản phẩm nông sản và thuỷ sản xuất khẩu. Đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết
cấu hạ tầng nông thôn, gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và
không ngừng nâng cao chất lượng chuyển dịch. Đảm bảo các điều kiện cần thiết để
thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động và
nâng cao năng suất lao động. Cơ cấu kinh tế của huyện được tiếp tục duy trì
theo hướng giảm dần tỷ trọng khu vực nông -lâm - thuỷ sản và tăng tỷ trọng khu
vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
tạo tiền đề phát triển công nghiệp và dịch vụ.
Phát triển kinh tế gắn với phát triển y
tế, văn hoá, giáo dục - đào tạo; thực hiện tiến bộ, công bằng xã
hội, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật
chất và tinh thần cho nhân dân, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội.
Không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,
đảm bảo mối quan hệ hài hoà giữa phát triển kinh tế với tiến bộ xã hội. Tăng tỷ
lệ lao động qua đào tạo; thu hút lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao,
có trình độ quản lý và kinh doanh giỏi.
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế -
xã hội với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững; xây dựng hệ thống
chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an
toàn xã hội.
2. Mục tiêu phát triển:
a) Mục tiêu tổng quát:
Tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt
các tiềm năng và lợi thế nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, chuyển đổi mô hình
tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh
cao và bền vững; phát triển hài hoà giữa đô thị và vùng nông thôn. Đẩy mạnh thực
hiện chương trình phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn, thúc đẩy chuyển
dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng
công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Tăng cường đầu tư, hoàn thiện và nâng
cao chất lượng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
Chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo, nâng
cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực; cải thiện đời sống vật chất và
tinh thần của nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với khai thác sử dụng
có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Tăng cường quốc
phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
b) Mục tiêu cụ thể:
b.1) Về kinh tế:
- Tổng giá trị gia tăng (VA) trên địa bàn huyện
(theo giá so sánh 1994) tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2011 - 2015 là 8,50%;
giai đoạn 2016 - 2020 là 10,00%. Trong đó:
+ Khu vực nông nghiệp và thuỷ sản tăng bình quân
hàng năm giai đoạn 2011 - 2015 là 4,50%; giai đoạn 2016 - 2020 là 5,50%.
+ Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng bình quân
hàng năm giai đoạn 2011 - 2015 là 13,00%; giai đoạn 2016 - 2020 là 13,5%.
+ Khu vực dịch vụ tăng bình quân hàng năm giai
đoạn 2011 - 2015 là 11,00%; giai đoạn 2016 - 2020 là 12,50%.
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần
tỷ trọng các ngành nông - lâm nghiệp - thuỷ sản và tăng tỷ trọng các ngành công
nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong tổng giá trị gia tăng (VA) của huyện (theo
giá thực tế); đến năm 2015 cơ cấu các ngành nông - lâm nghiệp - thuỷ sản, công
nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong tổng giá trị gia tăng đạt 48,50% - 28,00% -
23,50%; đến năm 2020 tương ứng là 37,50% - 35,00% - 27,50%.
- Giá trị gia tăng bình quân đầu người (theo giá
thực tế) năm 2015 là 33,5 triệu đồng, năm 2020 là 60 triệu đồng.
- Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội
trên địa bàn huyện giai đoạn 2011 - 2015 đạt 6.200 tỷ đồng, giai đoạn 2016 -
2020 đạt 10.600 tỷ đồng.
b.2) Về xã hội:
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 3% vào năm 2015 và còn
2% vào năm 2020.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40% năm 2015 và
50% vào năm 2020.
- Trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đến lớp đạt tỷ lệ
85% năm 2015 và 95% năm 2020.
- Số học sinh trong độ tuổi cấp 2 đến trường năm
2015 đạt 95% và năm 2020 đạt 99%.
- Số học sinh trong độ tuổi cấp 3 đến trường năm
2015 đạt 75% và năm 2020 đạt 80%.
- Đến năm 2015 có 7 bác sĩ/1 vạn dân, năm 2020
là 12 bác sĩ/1 vạn dân.
- Đến năm 2015 có 03 xã đạt nông thôn mới, năm
2020 có 06 xã đạt nông thôn mới.
Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn
dưới 13% năm 2015 và dưới 10% vào năm 2020.
b.3) Về môi trường:
- Tỷ lệ hộ đô thị sử dụng nước sạch năm 2015 đạt
98,5%, năm 2020 đạt 100%; tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước từ hệ thống cấp nước
tập trung đạt 60% năm 2015 và 80% năm 2020.
- Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị được
thu gom và xử lý đạt 90% năm 2015 và 100% năm 2020. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt
ở nông thôn được thu gom và xử lý đạt 60% năm 2015 và 80% năm 2020.
- Chất thải rắn và nước thải các khu, cụm,
tuyến công nghiệp trên địa bàn huyện được thu gom và xử lý 100%.
- Chất thải y tế (chất thải rắn và nước thải) được
thu gom và xử lý 100%.
3. Phát triển các ngành và
lĩnh vực:
a) Nông nghiệp, thuỷ sản:
Tiếp tục định hướng đầu tư cho phát triển
nông nghiệp toàn diện, tổ chức sản xuất theo hướng chuyên canh, thâm
canh tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, an toàn dịch bệnh; phát
huy những vùng sản suất nguyên liệu phục vụ chế biến đáp ứng nhu cầu
công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn; khai thác có hiệu quả
tiềm năng đất đai, nguồn nước và nguồn nhân lực. Tăng cường công tác phòng
trừ dịch bệnh trên cây trồng; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu trong nội
bộ ngành nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao,
phù hợp với nhu cầu của thị trường. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng
giá trị sản xuất bình quân hàng năm (giá cố định 1994) ngành nông - lâm
nghiệp - thuỷ sản giai đoạn 2011 - 2015 là 4,00%, giai đoạn 2016 - 2020 tăng
4,50%; cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp - thuỷ sản chuyển dịch theo hướng giảm
tỷ trọng nông nghiệp và tăng thuỷ sản.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ
nhất là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành
sản phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung đầu tư cơ
giới hoá trong các khâu làm đất, thu hoạch, phát triển công nghiệp
chế biến, bảo quản sau thu hoạch nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và
nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Phát triển các vùng chuyên canh lúa và cây ăn
trái đặc sản của huyện, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu
thị trường. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm tăng từ 17.090 ha năm 2010
lên 19.032 ha năm 2015 và 18.785 ha năm 2020. Diện tích gieo trồng lúa cả năm ổn
định ở mức 16.286 ha, sản lượng lúa ổn định ở mức 85.000 - 87.000 tấn; diện
tích gieo trồng rau, đậu thực phẩm các loại tăng từ 1.407 ha năm 2010 lên 2.584
ha năm 2015 và 3.000 ha năm 2020; diện tích trồng cây lâu năm tăng từ 3.857 ha
năm 2010 lên 4.387 ha năm 2015 và 4.749 ha năm 2020. Trong đó, một số vùng trồng
cây ăn trái tập trung kết hợp với phát triển du lịch sinh thái miệt vườn khoảng
2.500 ha, chủ yếu ở các xã ven sông Cổ chiên, Măng Thít.
Phát triển các hình thức chăn nuôi theo mô
hình sinh học với quy mô trang trại vừa và lớn, từng bước chăn nuôi
nhỏ lẻ lại theo hướng chuyên nghiệp, có kiểm soát, đảm bảo vệ sinh
thú y, không gây ô nhiễm môi trường. Coi trọng công tác đầu tư nâng cao chất
lượng con giống nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Tăng cường
công tác thú y, phòng trừ dịch bệnh. Đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia
súc, gia cầm tập trung đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm sạch, chất lượng cao,
giá thành hợp lý, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản theo hướng
tập trung, liên kết sản xuất theo hướng nuôi công nghiệp, áp dụng các
quy trình nuôi công nghệ cao, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đa dạng các đối tượng và hình thức nuôi phù hợp với điều kiện của
huyện như nuôi trong ao, mương vườn, nuôi xen lúa…; chú trọng các loại
thuỷ sản mới có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định
như cá lóc, rô phi, thát lát cườm, v.v… Tổng sản lượng thuỷ sản nuôi
trồng và khai thác đạt 32.479 tấn năm 2015 và 43.645 tấn năm 2020.
b) Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:
Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
trên cơ sở phát huy các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế; ưu tiên
phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông thuỷ sản, đóng tàu, cơ khí
chế tạo, may mặc, giày da, chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng,
hàng gia dụng, bao bì các loại, vật liệu trang trí nội thất, dịch vụ trung chuyển
và vận chuyển kho bãi, cảng, v.v…
Tổ chức lại và tiếp tục phát huy thế mạnh
ngành sản xuất gạch, gốm mỹ nghệ xuất khẩu trên cơ sở quy hoạch, theo
hướng áp dụng công nghệ mới, ít ô nhiễm môi trường và xác định đây vẫn
là sản phẩm chủ lực của huyện trong thời gian tới. Khuyến khích các thành
phần kinh tế đầu tư phát triển ngành nghề ở nông thôn, gắn với sử
dụng nguyên liệu và thu hút nhiều lao động tại chỗ; ứng dụng tiến bộ
khoa học kỹ thuật để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản
phẩm; duy trì và phát triển, nâng chất lượng hoạt động các làng nghề
thủ công truyền thống; khai thác tốt lợi thế của các làng nghề,
tuyến công nghiệp để phát triển kinh tế.
Duy trì, củng cố và phát triển các làng
nghề đã được công nhận như các làng nghề sản xuất gạch ngói ở xã An Phước,
Mỹ Phước, Chánh An, Nhơn Phú, v.v… Ứng dụng những công nghệ mới sản xuất để tiết
kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa
bàn huyện (giá cố định 1994) từ 550 tỷ đồng năm 2010, tăng lên 950 tỷ đồng năm
2015 và 1.700 tỷ đồng năm 2020. Tốc độ gia tăng bình quân giai đoạn 2011- 2015
là 11,5%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 là 12,5%/năm.
c) Phát triển các ngành dịch vụ:
c.1) Thương mại du lịch:
c.1.1) Phát triển thương mại:
Phát triển đa dạng các loại hình kinh
doanh thương mại dịch vụ, phù hợp với mức thu nhập của nhiều đối tượng, nhiều tầng
lớp dân cư, trong đó chú trọng phục vụ các vùng dân cư nông thôn, có mức thu nhập
thấp, đồng thời đáp ứng nhu cầu của một bộ phận dân cư có mức thu nhập cao. Đẩy
mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng
hoá địa phương, đảm bảo lưu thông hàng hoá đến các vùng nông thôn, đáp ứng yêu
cầu cung ứng vật tư thiết bị phục vụ sản xuất và tiêu dùng của dân cư.
Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây
dựng Trung tâm thương mại và siêu thị tại thị trấn Cái Nhum, hoàn chỉnh hạ
tầng các chợ xã nông thôn phù hợp với quy hoạch phát triển ngành thương mại.
Phát triển các chợ nông thôn, điểm bán hàng tổng hợp phục vụ nhu cầu của người
lao động tại tuyến công nghiệp Cổ Chiên và các cụm công nghiệp, làng nghề sản
xuất gạch, gốm, v.v… Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực thương
mại, nhằm ổn định thị trường, giá cả, phát triển nhanh các hình thức kinh doanh
văn minh, hiện đại.
c.1.2) Phát triển du lịch:
Tập trung phát triển các loại
hình du lịch phù hợp với điều kiện phát triển của huyện như du lịch
sinh thái miệt vườn, du lịch tham quan vùng sông nước kết hợp với tham quan di
tích lịch sử và làng nghề. Tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng
du lịch trên địa bàn. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch của huyện Mang
Thít với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các tuyến du
lịch liên tỉnh. Đào tạo đội ngũ những người làm công tác du lịch có tác phong
cung cách phục vụ tốt, lành nghề và mang nét đặc trưng của địa phương. Chú
trọng phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch như nhà hàng, cửa hàng
buôn bán trái cây, hàng lưu niệm, hoạt động văn nghệ đờn ca tài tử, v.v...
Tổng số lượt khách du lịch tăng từ
12.736 lượt người năm 2015 lên 26.732 lượt người năm 2020, tốc độ tăng bình
quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 là 16,0%; khách lưu trú tăng từ 8.215 lượt
người năm 2015 và 18.347 lượt người năm 2020, tốc độ tăng bình quân hàng năm
giai đoạn 2016 - 2020 là 17,4%.
c.2) Dịch vụ vận tải:
Phát triển dịch vụ vận tải hành
khách và hàng hoá cả đường bộ và đường thuỷ theo hướng nâng cao chất lượng,
an toàn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng cao của địa phương, tham gia vào
các tuyến vận tải liên huyện, liên tỉnh; coi trọng phát triển phương tiện vận
chuyển hành khách công cộng.
Đa dạng hoá các hình thức vận tải
trên địa bàn huyện, phát huy lợi thế tuyến vận tải đường sông, đường bộ, các
bến bãi hiện có để phát triển du lịch; tăng cường phát triển các dịch vụ vận
chuyển đường sông kết hợp với xây dựng hệ thống kho bãi, bến cảng đường thuỷ.
Khuyến khích các thành phần kinh tế
đầu tư mở rộng quy mô kinh doanh, phát triển số lượng phương tiện vận tải,
bao gồm cả đường bộ và đường thuỷ, tăng nhanh khối lượng vận chuyển hành khách
và hàng hoá, phục vụ tốt cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và nâng cao đời sống
nhân dân, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thêm nguồn thu
cho ngân sách.
c.3) Dịch vụ bưu chính viễn thông:
Đảm bảo thông tin thông suốt, đáp ứng
nhu cầu ngày càng tăng về thông tin liên lạc, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế
- xã hội và đảm bảo an toàn hệ thống thông tin. Nâng cấp dung lượng tổng
đài ở bưu cục trung tâm và các bưu cục khu vực nhằm đáp ứng nhu cầu ngày
càng tăng và yêu cầu công nghệ thông tin ngày càng hiện đại, phủ sóng
di động đều khắp toàn phạm vi huyện. Gắn tin học hoá quản lý hành chính
nhà nước với xây dựng nền hành chính điện tử; đẩy mạnh đào tạo, phổ cập kiến
thức tin học và internet cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho họ có cơ hội
khai thác thông tin điện tử trên mạng internet phục vụ cho sản xuất và đời sống.
Giai đoạn 2011 - 2015: Phát triển
hệ thống cáp quang, tăng công suất tổng đài cho bưu điện trung tâm huyện, kết
hợp với hệ thống vi ba số, phủ sóng di động đều khắp 100% các xã trong huyện;
nâng tần suất các tuyến đường cấp III nội huyện lên 2 chuyến/ngày. Bảo đảm 100%
cơ quan cấp huyện sử dụng dịch vụ ADSL và kết nối mạng LAN, kết nối WAN; 70%
doanh nghiệp kết nối internet và từng bước phát triển thương mại điện tử.
Giai đoạn 2016 - 2020: Phát triển
mạng di động theo công nghệ Wimax và phủ sóng toàn huyện, lắp đặt mạng Wifi
trong các trường học và cơ quan; tất cả các xã đều sử dụng mạng LAN, kết nối WAN ;
100% doanh nghiệp sử dụng internet và phát triển kinh doanh thương mại qua mạng;
80% hộ gia đình có thể truy cập internet và 70% giao dịch tín dụng, thuế và
hành chính thông qua mạng internet.
c.4) Tài chính - ngân hàng:
Nâng cao hiệu quả hoạt động tài
chính, tín dụng theo hướng văn minh, hiện đại và đáp ứng được yêu cầu sản xuất
kinh doanh và hội nhập quốc tế.
c.5) Các lĩnh vực dịch vụ khác:
Phát triển mạnh các lĩnh vực dịch
vụ bảo hiểm, tư vấn pháp lý, thông tin thị trường, v.v... Đặc biệt, coi trọng
phát triển dịch vụ kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản, chuyển
giao ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công
nghiệp; mở rộng các hình thức tư vấn kinh tế, kỹ thuật và chuyển
giao công nghệ.
d) Giáo dục và đào tạo:
d.1) Giáo dục:
Giáo dục mầm non: Định hướng mỗi
xã có 1-2 trường mẫu giáo và bố trí thành nhiều điểm thuận lợi cho trẻ đi học,
khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập phù hợp với
yêu cầu và điều kiện phát triển của địa phương. Tỷ lệ trẻ em dưới 3 tuổi
đến nhóm, lớp mầm non đạt 6,05% năm 2015 và 6,15% năm 2020. Phấn đấu huy động số
trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đến lớp đạt 80% vào năm 2015 và 85% năm 2020.
Bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên mầm non đảm bảo đủ về số lượng và
có 30-35% đạt chuẩn trong giai đoạn 2011 - 2015; tỷ lệ giáo viên mầm non có
trình độ từ cao đẳng trở lên đạt 45-50% vào năm 2020.
Giáo dục tiểu học: Duy trì thường
xuyên tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi học tiểu học đến trường đạt 100%. Tăng số lớp
học 2 buổi chiếm từ 18 - 20% so với tổng số lớp tiểu học năm 2010 lên 30 - 35%
năm 2015 và 50 - 60% năm 2020. Tỷ lệ học sinh hoàn thành tiểu học ở độ tuổi 11
tăng từ 90% năm 2010 lên 92,0% năm 2015 và trên 95% năm 2020. Tiếp tục đầu
tư hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy, đào tạo
nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, phấn đấu đến năm 2015 có 25-30%
giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, năm 2020 là 45-50%.
Trung học cơ sở: Tiếp tục đầu tư
xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ
giáo viên, tăng tỷ lệ giáo viên trên chuẩn. Tỷ lệ giáo viên trên chuẩn tăng từ
15% năm 2010 lên 25 - 30% năm 2015 và 45 - 50% năm 2020. Năm 2015 huy động 85%
số em đến tuổi đi học đến trường và năm 2020 là 90%; tỷ lệ tốt nghiệp đạt 85 -
95%.
Trung học phổ thông: Tiếp tục đầu
tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị, đào tạo nâng cao chất lượng đội
ngũ giáo viên, tăng tỷ lệ giáo viên trên chuẩn, giáo viên sử dụng thành thạo
công nghệ thông tin và truyền thông vào dạy học; áp dụng có hiệu quả các phương
pháp dạy học mới. Tăng cường quản lý chất lượng giáo dục trung học phổ thông,
thực hiện tốt việc phân luồng học sinh từ trung học cơ sở vào trung học phổ
thông. Phấn đấu năm 2015 số học sinh trong độ tuổi đến trường là 75% và năm
2020 là 80%.
Giáo dục thường xuyên: Phát triển
đa dạng các hình thức giáo dục và đào tạo, xây dựng mô hình mẫu về xã hội học tập,
đảm bảo cho số học sinh không đủ điều kiện học phổ thông và người lớn tuổi được
tiếp tục đi học, được nâng cao kiến thức, kỹ năng thiết thực để có thể tiếp tục
tham gia các chương trình giáo dục liên thông, đa dạng và đáp ứng được yêu cầu
của công việc.
d.2) Đào tạo và dạy nghề:
Tăng cường tuyển sinh đào tạo, bồi
dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn lao động theo nhu cầu của xã hội, nhu cầu của
doanh nghiệp đáp ứng không chỉ của địa phương mà còn cho các địa phương khác. Kết
hợp chặt chẽ nhiều hình thức đào tạo, coi trọng đào tạo tập trung chính quy,
khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển đào tạo nghề ngắn hạn, chú trọng
đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xây dựng
nông thôn mới. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án dạy nghề cho lao động
nông thôn, đảm bảo lao động có tay nghề qua đào tạo đến năm 2015 là 40% và
năm 2020 là 50%.
e) Y tế và chăm sóc sức khoẻ:
Thực hiện tốt chương trình mục
tiêu Quốc gia về y tế, nâng cao sức khoẻ công đồng, chất lượng dân số
theo quan điểm dự phòng tích cực, giáo dục dinh dưỡng, vệ sinh phòng bệnh,
rèn luyện thân thể, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
Duy trì kết quả thanh toán bại liệt,
phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết, loại trừ uốn ván sơ sinh, hạn chế tốc độ
lây nhiễm HIV/AIDS. Tăng cường công tác phòng chống dịch, kiểm soát chặt chẽ
các dịch bệnh nguy hiểm, nhất là các loại dịch bệnh mới phát sinh. Nâng cao hiệu
quả hoạt động của chương trình dân số và kế hoạch hoá gia đình, công tác vệ
sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng bảo hiểm y tế
tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hoá
ngành y tế, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ y tế; thu hút đầu tư của
các thành phần kinh tế tham gia nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho
nhân dân.
Đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa
huyện, trung tâm y tế huyện. Coi trọng công tác tuyển dụng đưa đi đào tạo đội
ngũ cán bộ y tế, nâng cao trình độ sử dụng các thiết bị và công nghệ hiện đại
trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Từng bước đầu tư hiện đại hoá trang thiết
bị y tế ở cả tuyến huyện và xã. Tiếp tục duy trì 100% trạm y tế xã có bác sĩ, y
sĩ sản, nhi và thầy thuốc đông y. Đến năm 2015, các ấp có nhân viên y tế cộng đồng,
các trường phổ thông có 1 - 2 cán bộ y tế.
Tổng số cán bộ y tế và dược tăng từ
202 người năm 2010 lên 225 người năm 2015 và 259 người năm 2020; trong đó, số
bác sĩ và trình độ cao hơn tăng từ 35 người năm 2010 lên 45 người năm 2015 và
70 người năm 2020. Số bác sĩ bình quân trên 1 vạn dân tăng từ 4 người năm 2010
lên 7 người năm 2015 và 12 người năm 2020.
f) Văn hoá, thông tin, thể dục -
thể thao:
f.1) Văn hoá, thông tin:
Phát triển hệ thống thiết chế văn hoá,
thông tin cơ sở; nâng cấp, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá đã được công
nhận, đa dạng các hoạt động về cội nguồn gắn với các hoạt động du lịch, vui
chơi giải trí, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá tinh thần cho người dân và
giáo dục ý thức bảo vệ nền văn hoá dân tộc; xây dựng và nâng cao chất lượng gia
đình văn hoá, đưa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở
khu dân cư” và “xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng” đi vào chiều sâu.
Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hoá mới ở nông thôn, góp phần đẩy
nhanh việc hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Phấn đấu đến năm 2015, mỗi
xã, thị trấn có ít nhất 90% số ấp, khóm được huyện công nhận đạt văn hoá, có
25% số xã được công nhận xã văn hoá nông thôn mới và năm 2020, có 50% số xã
được công nhận là xã văn hoá nông thôn mới.
Nâng cao chất lượng và hình thức tuyên truyền
các hoạt động văn hoá, thông tin. Đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, cổ
động trực quan theo hướng hiện đại, văn minh, phù hợp; thông tin đầy đủ, kịp
thời các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước đến mọi người dân. Nâng
cấp và đảm bảo hoạt động tốt đài truyền thanh huyện, nội dung chương trình của
đài truyền thanh địa phương sát với yêu cầu nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền
gương người tốt việc tốt và thực hiện tốt việc tiếp âm đài tiếng nói Việt Nam,
đài phát thanh tỉnh, phát chương trình địa phương. Củng cố và nâng cao chất lượng
hoạt động của các đội thông tin lưu động, đảm bảo đưa các nội dung thông tin,
tuyên truyền cổ động đến với nhân dân kịp thời, chính xác và hiệu quả.
f.2) Thể dục - thể thao:
Tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh cuộc vận
động “toàn dân rèn luyện thể dục thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại”
với tiêu chí, nội dung và phương thức tổ chức mới phù hợp với điều
kiện về kinh tế - xã hội và điều kiện tự nhiên của huyện. Phát
triển mạnh phong trào thể dục - thể thao trong lực lượng cán bộ công
chức, lực lượng vũ trang, trong trường học làm hạt nhân thúc đẩy
phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển.
Phấn đấu số người thường xuyên luyện tập thể dục
thể thao khoảng 35 - 40% dân số năm 2015 và 50% vào năm 2020; số học sinh
tham gia rèn luyện thể chất 100%, xây dựng trường chuẩn có đầy đủ sân thể dục
thể thao cho học sinh. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị thể dục
thể thao đồng bộ và theo hướng hiện đại.
g) Các vấn đề xã hội khác:
Đẩy mạnh sản xuất, phấn đấu đạt các mục tiêu
tăng trưởng kinh tế, đi đôi với phân bố lại dân cư hợp lý trên địa bàn, nhất là
các xã vùng sâu. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu sản xuất và đời
sống của người dân bằng việc xây dựng các cụm, tuyến dân cư tập trung, ổn
định để có điều kiện cải thiện cơ sở vật chất, phát triển trí lực, thể lực và
đào tạo dạy nghề cho lao động trẻ, cung cấp lao động cho các ngành kinh tế.
Chú trọng công tác giải quyết việc làm cho lao động
tại chỗ, điều chuyển lao động trong nội bộ huyện bằng cách phân bố lại dân cư hợp
lý theo lãnh thổ. Thông qua các dự án đầu tư về công nghiệp - tiểu thủ công
nghiệp để giải quyết việc làm.
Phấn đấu đến năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới
3%, đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2% (theo tiêu chí mới). Đến năm 2015
có 99,5% số hộ sử dụng điện, có 98,5% số hộ dân đô thị và 60% số hộ nông thôn sử
dụng nước sạch; đến năm 2020 có 100% số hộ sử dụng điện, có 100% số hộ dân đô
thị và 80% số hộ nông thôn sử dụng nước sạch.
4. Phát triển kết cấu hạ tầng:
a) Giao thông:
a.1) Giao thông đường bộ:
Phát triển giao thông đường bộ hợp lý, có
tính khả thi; phân chia đầu tư hoàn thiện các tuyến theo từng giai
đoạn, ưu tiên cải tạo nâng cấp các tuyến hiện hữu đảm bảo yêu cầu
phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn giao thông, môi trường
trong sạch, đáp ứng yêu cầu về quốc phòng.
a.1.1) Đường quốc lộ:
Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 53, đảm bảo lưu thông
thuận tiện, tổng chiều dài 9,5 km đi qua các xã Bình Phước, Tân Long, Tân
Long Hội.
a.1.2) Đường tỉnh:
Đầu tư, nâng cấp các tuyến đường tỉnh theo
tiêu chuẩn mặt đường láng nhựa, đạt cấp 4 đồng bằng, các cầu bê tông cốt
thép có tải trọng tối đa H30, cụ thể các tuyến đường sau:
- Đường tỉnh 902: Cải tạo và nâng cấp tổng chiều
dài 20 km, nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 7m trải nhựa, chiều rộng thông xe
7m, chịu tải H30.
- Đường tỉnh 903: Cải tạo nâng cấp với tổng
chiều dài 17 km, nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 7m, đường tráng nhựa.
- Đường tỉnh 907: Đầu tư mới, cải tạo và nâng cấp
mặt đường với tổng chiều dài 23 km, nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 7m.
- Đường tỉnh 909: Đầu tư mới, cải tạo và nâng cấp
mặt đường với tổng chiều dài 7 km, nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 7m.
a.1.3) Đường huyện: Tập trung đầu tư mới 4
tuyến với 12,7km, cải tạo và nâng cấp 7 tuyến với 29,7 km, với nền rộng
6,5m, mặt đường rộng 5,5m, cầu có chiều rộng thông xe 5,5m và chịu tải H8 (các
tuyến đường huyện đạt cấp 5 đồng bằng, mặt đường láng nhựa, các cầu BTCT đạt tải
trọng 13 tấn).
a.1.4) Đường giao thông các xã: Đầu tư mới,
nâng cấp và mở rộng các tuyến đường liên xã, đường giao thông liên ấp đảm bảo
đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; có 100% đường đến trung tâm xã, liên xã
xe ô tô đi được.
a.1.5) Đường đô thị: Cải tạo nâng cấp, xây
mới các cầu, các tuyến đường trục chính, đường khu vực, đường vành đai theo
cấp đường đô thị theo quy hoạch.
a.2) Giao thông đường thuỷ:
Phát triển mạng lưới đường thuỷ theo hướng liên
kết với đường bộ, tạo điều kiện phát triển đồng bộ giữa vận tải thuỷ và bộ.
Xây dựng và gắn đầy đủ các biển báo, phao tiêu báo hiệu, tháo gỡ các chướng ngại
vật gây cản trở lưu thông trên tuyến ở các tuyến đường thuỷ đảm bảo lưu thông
hàng hoá và vận chuyển khách du lịch được thuận lợi và an toàn.
Định hướng mở rộng và nâng cấp các bến đò khách
ngang liên tỉnh và liên huyện trên sông Cổ Chiên, sông Măng Thít. Ngoài ra,
để nâng cao hiệu quả và phát huy công suất vận chuyển bằng đường thuỷ,
nâng cấp hoàn chỉnh và làm mới một số cảng sông chính để đáp ứng
năng lực vận chuyển, bốc xếp hàng hoá, phục vụ kịp thời cho phát
triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện.
b) Hệ thống thuỷ lợi:
Tiếp tục đầu tư kiên cố hoá hệ thống
thuỷ lợi, nạo vét các tuyến kênh trục, kênh cấp I, kênh cấp II để tăng cường
nguồn cung nước chủ động phục vụ nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp,
đồng thời tiêu thoát nước nhanh trong mùa mưa lũ. Kết hợp chặt chẽ đầu tư
công trình tưới tiêu chống lũ phục vụ sản xuất nông nghiệp với việc phát triển
nuôi trồng thuỷ sản trên ruộng lúa và vùng ven sông. Thường xuyên duy tu, bảo
dưỡng các hệ thống công trình thuỷ lợi; chủ động phòng chống sạt lở bờ sông bảo
vệ hạ tầng kinh tế - xã hội, tính mạng và tài sản của nhân dân.
Dự kiến đầu tư hệ thống thuỷ lợi:
- Nạo vét kênh trục và cấp I: 50 km.
- Nạo vét hệ thống kênh cấp II: 100 k m.
- Nạo vét hệ thống kênh cấp III: 300 km.
- Đê bao dọc sông Măng Thít: 20 km.
c) Phát triển lưới điện:
Phát triển hệ thống lưới điện đáp ứng
yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng
cấp cải tạo hệ thống lưới điện phục vụ tốt cho nhu cầu sinh hoạt,
sản xuất; nâng cao tỷ lệ hộ sử dụng điện và giảm tỷ lệ tổn thất
điện.
Dự kiến đến năm 2015, công suất cực đại Pmax =
18,4MW, điện thương phẩm đạt 82,3 triệu kWh. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm
bình quân hàng năm là 19%; đến năm 2020, công suất cực đại Pmax = 32,7MW, điện
thương phẩm đạt 156,95 triệu kWh. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân
hàng năm là 13,8%.
Phấn đấu đến năm 2015, có 99,5% hộ dân có điện
sử dụng; hoàn thành việc đầu tư nâng cấp hệ thống điện trung thế, hạ thế đến
các điểm dân cư tập trung và các địa bàn xa; đến năm 2015, tổng chiều dài đường
dây trung thế là 240 km, đường dây hạ thế 330 km; đến năm 2020 số liệu tương ứng
là 292 km và 370 km. Tập trung cải tạo và nâng cấp lưới điện phù hợp theo từng
giai đoạn phát triển phụ tải, đảm bảo cung cấp điện hiệu quả, an toàn và tin cậy.
Giai đoạn 2011 - 2015: Đầu tư mới 37,6 km và
cải tạo 37,4 km đường dây trung thế; đầu tư mới 111 km và cải tạo 68,9
km đường dây hạ thế; xây dựng mới 141 trạm phân phối với dung lượng 26.415
kVA.
Giai đoạn 2016 - 2020: Xây dựng mới 52,5 km và
cải tạo 33,7 km đường dây trung thế; xây dựng mới 39,4 km đường dây hạ
thế và 160 trạm phân phối với dung lượng 31.698 kVA.
Hoàn chỉnh hệ thống điện chiếu sáng các tuyến đường
đô thị thị trấn Cái Nhum và các đoạn tuyến đường tỉnh, đường huyện đi qua các
khu trung tâm hành chính xã, các khu dân cư tập trung.
d) Cấp, thoát nước:
d.1) Cấp nước:
Tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp các trạm cấp
nước sạch với quy mô thích hợp; quan tâm đầu tư, bảo trì, sửa chữa nâng cấp
các trạm cấp nước để đảm bảo việc cung cấp nước được liên tục và
đạt chất lượng. Đối với khu vực dân cư nông thôn ven thị trấn, thị tứ đầu
tư đấu nối với hệ thống mạng đường ống khai thác nguồn nước đô thị đã có theo
phân cấp với các mô hình đầu tư, quản lý, khai thác thích hợp nhằm từng bước xã
hội hoá công tác nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đầu tư hệ thống
cấp nước riêng cho các khu, tuyến, cụm công nghiệp.
Định mức cấp nước sạch giai đoạn 2011 - 2015:
Khu vực đô thị là là 120lít/ người/ngày, khu vực nông thôn 100 lít/người/ngày
và các nhu cầu khác. Giai đoạn 2016 - 2020: khu vực đô thị là
120-150lít/người/ngày, khu vực nông thôn 100 - 120 lít/người/ngày và các nhu
cầu khác.
d.2) Thoát nước:
Trên cơ sở các quy hoạch chi tiết xây dựng, bao
gồm khu trung tâm huyện, khu, cụm công nghiệp, trung tâm các xã, các khu dân cư
lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải cho từng khu vực,
đồng thời thực hiện đầu tư xây dựng đồng bộ các hệ thống thoát nước mưa, hệ thống
thoát nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp cùng với các công trình hạ tầng
thoát nước khác.
Xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho khu vực thị
trấn Cái Nhum và khu xử lý nước thải tập trung cho các khu, cụm công nghiệp
đảm bảo thu gom và xử lý đạt 100% trước khi xả vào hệ thống cống chung.
d.3) Xử lý rác thải:
Thành lập đội vệ sinh môi trường của thị trấn và
các xã, trang bị đủ số lượng và phương tiện vận chuyển rác chuyên dùng vận chuyển
rác thải tới điểm trung chuyển rác thải để vận chuyển đến nơi xử lý theo quy
định.
- Đến năm 2015, lượng chất thải rắn sinh hoạt đô
thị được thu gom và xử lý đạt 90%, năm 2020 là 100%. Chất thải rắn sinh hoạt ở
nông thôn được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường đạt 60% vào năm
2015 và đạt 80% vào năm 2020. Chất thải y tế (chất thải rắn và nước
thải) được thu gom và xử lý đạt 100%.
5. Phát triển kết cấu hạ tầng:
Tăng cường năng lực quản lý về môi trường; đẩy mạnh
các biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường đảm bảo cảnh quan xanh sạch đẹp hướng
tới phát triển Mang Thít trở thành đô thị văn minh, hiện đại và thân thiện với
môi trường.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng
hiệu quả và hợp lý, áp dụng quy trình sản xuất sản phẩm sạch, coi trọng phát
triển đa dạng sinh học, sử dụng hợp lý thuốc bảo vệ thực vật và xử lý phế thải
trong nông nghiệp. Ứng dụng rộng rãi biện pháp IPM, ICM (phòng trừ dịch bệnh tổng
hợp, sử dụng phân bón vi sinh , v.v...) trong xản xuất nông nghiệp. Phát triển
mô hình chăn nuôi sạch, an toàn sinh học gắn với giết mổ tập trung; chú trọng
phát triển mô hình VAC - Biogas, đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường, nâng cao
hiệu quả chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh.
Sử dụng tiết kiệm nguồn nước, quản lý đầu vào
và đầu ra của nguồn nước cho các mục tiêu phục vụ, kiểm soát chất lượng nước,
thực hiện tốt các quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ tài nguyên nước;
ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc thu gom và xử lý rác thải. Đẩy mạnh
công tác vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng hố xí tự hoại tại các hộ gia
đình. Đến năm 2020, đảm bảo 100% hộ gia đình nông thôn có công trình vệ sinh tự
hoại.
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận
thức và trách nhiệm của cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường, nhận thức về
biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và các biện pháp phòng tránh hiệu quả.
Kết hợp với tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm
các quy định về bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững, hài hoà lợi
ích của cộng đồng.
Đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho công tác quan trắc
và xử lý môi trường theo đúng qui định hiện hành trong quá trình triển khai thực
hiện các dự án đầu tư. Thực hiện tốt việc đánh giá tác động môi trường đối với
từng dự án đầu tư, các dự án nằm trong vùng nhạy cảm về môi trường như vùng ven
sông Cổ Chiên, tuyến quốc lộ 53, khu vực sản xuất gạch, gốm, cụm công nghiệp,
làng nghề, v.v...
6. Tổ chức không gian lãnh
thổ:
a) Vùng sản xuất nông nghiệp:
- Vùng chuyên lúa (khoảng 1.561 - 2.983 ha): Tập
trung ở xã Bình Phước, Tân Long, Chánh Hội, Nhơn Phú, Tân Long Hội, Tân An Hội
và Hoà Tịnh. Trong đó, cần tập trung xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao
từ 500 - 1.000 ha tại các xã Bình Phước, Tân Long, Tân Long Hội, Tân An Hội
và Chánh Hội.
- Vùng lúa và màu: Vùng trồng 2 vụ lúa và 1
vụ màu: Lúa Đông Xuân - màu Xuân Hè - lúa Hè Thu khoảng 1.700 - 2.479 ha, bao
gồm một phần diện tích ở xã Bình Phước, Tân Long, Chánh Hội, Nhơn Phú, An
Phước, Tân An Hội, Tân Long Hội, Chánh An, Long Mỹ, Mỹ An và Mỹ Phước. Các loại
cây màu thích hợp là bắp, đậu nành, dưa hấu và rau màu các loại.
- Vùng chuyên màu (khoảng 295 - 420 ha): Bao gồm
một phần diện tích của các xã Chánh An, An Phước, Mỹ An và Long Mỹ; tập trung
trồng rau sạch các loại cung cấp cho các đô thị lớn.
- Vùng lúa kết hợp thuỷ sản (chiếm diện tích khoảng
540 - 690 ha) ở các xã có địa hình trũng thấp như Chánh Hội, Bình Phước, Hoà Tịnh
và Nhơn Phú.
- Vùng trồng cây ăn trái khoảng 4.738 - 5.130
ha: Trồng tập trung theo hướng chuyên canh dọc sông Cổ Chiên, sông Măng Thít,
ven quốc lộ 53; các loại cây ăn trái như: Nhãn, xoài, bưởi, cam, sầu riêng.
- Vùng nuôi thuỷ sản theo hướng công nghiệp (khoảng
340 ha): Tập trung các xã ven sông Cổ Chiên như: Mỹ An, Mỹ Phước, Chánh An và
An Phước. Vùng nuôi thuỷ sản kết hợp trồng lúa ở các xã An Phước,
Mỹ Phước.
- Tất cả các khu sản xuất đuợc quy hoạch cần phải
áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiến bộ theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm
và thân thiện với môi trường tiến tới áp dụng tiêu chuẩn GAP để và nâng cao chất
lượng, giá trị và lợi nhuận; đảm bảo sức khoẻ con người và môi trường.
b) Phát triển khu, cụm công nghiệp, khu du lịch:
Phát triển khu công nghiệp An Định tại xã An
Phước và các cụm công nghiệp ấp Ba, ấp Nhất B xã Chánh Hội; cụm công nghiệp ấp
Thuỷ Thuận, xã An Phước. Các ngành công nghiệp được bố trí gồm: Chế biến nông sản,
lương thực, thực phẩm, chế biến rau quả và các thực phẩm từ trái cây; chế biến
thuỷ sản; các sản phẩm từ chăn nuôi; công nghiệp hàng tiêu dùng: Dệt may, thủ
công mỹ nghệ; công nghiệp lắp ráp điện tử; bao bì; công nghiệp dược phẩm, mỹ phẩm;
công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng; kho bãi; dịch vụ và một số
ngành khác ít ô nhiễm.
Phát triển các làng nghề: Tập trung phát triển
các làng nghề mây tre đan tại xã Phước Lộc A và Phước Lộc B; làng nghề chằm lá
tại xã Long Mỹ; làng nghề nuôi trồng thuỷ sản (cá tra xuất khẩu) tại 2 xã Mỹ An
và Chánh An, v.v…
Củng cố và phát triển các hình thức du lịch
sinh thái, sông nước miệt vườn trên các tuyến sông Cổ Chiên, sông Măng
Thít, phát triển các dịch vụ phục vụ cho tuyến du lịch; xây dựng các điểm du lịch
tại các xã Chánh An, Long Mỹ; kết hợp kinh doanh du lịch với thương mại
và các dịch vụ khác.
c) Định hướng phát triển khu trung tâm huyện và
các khu liên quan:
Phấn đấu xây dựng thị trấn Cái Nhum thành trung
tâm hành chính của huyện. Hình thành bản đồ quy hoạch cơ sở hạ tầng chi tiết với
tỉ lệ 1/500. Định hướng đến năm 2020, thị trấn Cái Nhum đạt tiêu chuẩn đô thị
loại IV. Xây dựng các đơn vị phục vụ cho khu dân cư tập trung như chợ, bến xe,
trường học, bệnh xá, nhà văn hoá, trung tâm thể thao, thư viện, hệ thống chiếu
sáng, nước sạch bảo đảm an toàn và vệ sinh môi trường, tạo động lực để
phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tăng cường công tác quản lý đô thị;
đảm bảo trật tự đô thị, bảo vệ và cải thiện môi trường, xây dựng nếp sống đô thị
văn minh.
d) Phát triển nông thôn:
Xây dựng các cụm, khu dân cư tập trung, ổn định
gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng: Giao thông, điện, nước sạch, y tế,
giáo dục, v.v…tạo điều kiện cho người dân nông thôn được tiếp cận với các hoạt
động văn hoá, thể dục thể thao, thông tin truyền thông, v.v…; bố trí hợp lý các
tuyến dân cư kết hợp phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc phòng. Tập
trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng xã đạt tiêu chí nông thôn mới,
với mục tiêu đến năm 2015 có 3 xã đạt tiêu chí nông thôn mới và đến năm
2020 có 6 xã đạt tiêu chí nông thôn mới.
7. Công tác quốc phòng -
an ninh:
Đảm bảo ổn định chính trị, nâng cao cảnh giác,
chống diễn biến hoà bình, bạo loạn, kích động lợi dụng tôn giáo, xuyên tạc lịch
sử. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc trên cơ sở các phương án
phòng thủ đã xác định. Thực hiện kế hoạch xây dựng vùng hậu cứ, tạo thế liên hoàn
giữa các vùng, kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, xây dựng các công
trình lưỡng dụng trong từng dự án phát triển.
Đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ
quốc, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển
quân hàng năm, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và công an xã vững mạnh với
tinh thần chiến đấu cao, thường xuyên tổ chức diễn tập nâng cao tính cơ động sẵn
sàng chiến đấu.
Quán triệt và triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ
bảo vệ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác giáo dục quốc
phòng toàn dân, tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang, gồm lực lượng dự bị động
viên và dân quân tự vệ. Thực hiện tốt công tác đăng ký công dân trong độ tuổi
nghĩa vụ quân sự. Thường xuyên giữ vững quân số lực lượng dân quân tự vệ chiếm
2 - 3% so với dân số.
8. Định hướng sử dụng đất:
Trên cơ sở dự báo nhu cầu sử dụng đất cho từng
ngành, với quan điểm sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm, đảm bảo tính bền vững,
tạo sự phát triển hài hoà về không gian lãnh thổ, cân đối sử dụng quỹ đất năm
2015 và 2020 như sau:
Diện tích đất canh tác nông nghiệp và thuỷ sản
giảm từ 11.448,47 ha năm 2010 xuống 11.130,64 ha năm 2015 và 10.810,56 ha năm
2020. Trong đó, diện tích canh tác lúa giảm từ 6.834,29 ha năm 2010 xuống
6.761,29 ha năm 2015 và 6.195,77 ha năm 2020; diện tích đất nuôi trồng thuỷ sản
tăng từ 131,17 ha năm 2010 lên 240,39 ha năm 2015 và 275,50 ha năm 2020.
Sử dụng hợp lý, tiết kiệm trong quá trình xây dựng
cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và phát triển các điểm du lịch, cụm công
nghiệp. Đất chuyên dùng và phi nông nghiệp khác tăng từ 3.571,59 ha năm 2010
lên 3.781,510 ha năm 2015 và 4.037,17 ha năm 2020.
9. Tổng hợp danh mục các dự
án ưu tiên đầu tư:
Xác định danh mục các dự án đầu tư và phân kỳ thực
hiện đầu tư hợp lý theo từng giai đoạn là nội dung quan trọng của quy hoạch tổng
thể phát triển kinh tế - xã hội, trong từng giai đoạn thực hiện quy hoạch,
tuỳ theo điều kiện thực tế, tình hình phát triển, tính cấp thiết của
từng dự án và khả năng đáp ứng của các nguồn lực mà lựa chọn các
dự án trong nhóm dự án để thực hiện nhằm tạo động lực thúc đẩy
phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Danh mục các dự án nghiên cứu đầu tư trên địa bàn
huyện Mang Thít gồm có 50 dự án, nhóm dự án thuộc các lĩnh vực cần ưu tiên đầu
tư phát triển, bao gồm: 09 dự án, nhóm dự án lĩnh vực giao thông; 09 dự án,
nhóm dự án lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thuỷ lợi; 02 nhóm dự án phát triển
lưới điện; 03 nhóm dự án cấp thoát nước; 06 nhóm dự án bưu chính viễn thông; 07
dự án, nhóm dự án lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại; 05 dự án, nhóm dự
án lĩnh vực giáo dục - đào tạo; 02 dự án, nhóm dự án lĩnh vực y tế; 03 dự án,
nhóm dự án lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và 04 dự án, nhóm dự án ở các
lĩnh vực khác. Việc thực hiện các dự án đầu tư ưu tiên này là sẽ tạo ra động lực
thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội Mang Thít trong giai đoạn 2011 -
2015 và là tiền đề vững chắc cho phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn
2016 - 2020.
10. Một số giải pháp chủ
yếu thực hiện quy hoạch:
a) Giải pháp về vốn đầu tư:
a.1) Tổng nhu cầu vốn đầu tư:
Trên cơ sở phương án phát triển kinh tế chọn, tổng
nhu cầu vốn đầu tư cho thực hiện quy hoạch 16.800 tỷ đồng, trong đó giai đoạn
2011 - 2015 là 6.200 tỷ đồng và giai đoạn 2016 - 2020 là 10.600 tỷ đồng. Dự kiến
các nguồn vốn như sau:
- Nguồn vốn nhà nước các cấp quản lý đầu tư trên
địa bàn 4.000 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2011 - 2015 là 1.500 tỷ đồng, giai
đoạn 2016 - 2020 là 2.500 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn đầu tư do nhà nước quản
lý, chủ yếu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển nguồn
nhân lực, giáo dục - đào tạo, y tế v.v… Nguồn vốn này đóng vai trò quan trọng
và có tác động đến việc thu hút các nguồn vốn đầu tư khác.
- Vốn tín dụng cho đầu tư phát triển 5.000 tỷ đồng;
trong đó, giai đoạn 2011 - 2015 là 1.800 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là
3.200 tỷ đồng. Nguồn vốn này chủ yếu do các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới, đầu
tư mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ.
- Vốn tự có của dân cư và các thành phần kinh tế
ngoài Nhà nước 6.400 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2011 - 2015 là 2.400 tỷ đồng,
giai đoạn 2016 - 2020 là 4.000 tỷ đồng. Để nguồn vốn này phát huy hiệu quả, cần
tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tham gia đầu
tư, tổ chức sản xuất kinh doanh với nhiều hình thức và đầu tư hiệu quả.
- Vốn ODA, FDI và các nguồn vốn khác 1.400 tỷ đồng;
trong đó, giai đoạn 2011 - 2015 là 500 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 900 tỷ
đồng. Tăng cường công tác thông tin, mời gọi đầu tư trên địa bàn huyện.
a.2) Giải pháp huy động vốn đầu tư:
Phát huy cao nhất các nguồn nội lực, tranh thủ
các nguồn lực từ bên ngoài, đẩy mạnh thực hiện chủ trương tạo vốn từ quỹ đất để
xây dựng cơ sở hạ tầng khu trung tâm thương mại và các khu dân cư, đô thị tập
trung. Xây dựng và ban hành danh mục các chương trình, dự án mời gọi
đầu tư trên địa bàn huyện, phối hợp đẩy mạnh công tác quảng bá,
giới thiệu, xúc tiến đầu tư nhằm thu hút vốn đầu tư từ các thành
phần kinh tế; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ
tục hành chính theo hướng hợp lý nhất, đảm bảo tính minh bạch, công
khai tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham
gia, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thêm nguồn thu mới
cho ngân sách. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, xây dựng đồng
bộ các công trình kết cấu hạ tầng trên từng địa bàn, ưu tiên đầu tư hoàn
chỉnh cơ sở hạ tầng phát triển công nghiệp để sẵn sàng tiếp nhận
các dự án đầu tư.
Thực hiện nhanh và có hiệu quả Đề án tổ chức lại
ngành sản xuất gạch gốm, tăng tỷ lệ tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế của huyện,
thực hiện tốt thực hành tiết kiệm trong chi tiêu công và quản lý có hiệu quả
các tài sản công; đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành các dự án do trung
ương, tỉnh đầu tư trên địa bàn, sớm đưa vào khai thác có hiệu quả,
thúc đẩy phát triển kinh tế. Tập trung đầu tư vào những lĩnh vực có
lợi thế, thế mạnh nhằm chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất theo hướng hiệu quả,
phát huy lợi thế của từng ngành, từng sản phẩm.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi về giá thuê đất và
chính sách sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, cung cấp dịch vụ hạ tầng, v.v...
cho các nhà đầu tư đến đầu tư vào huyện. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ
trương xã hội hoá trong đầu tư phát triển giáo dục, y tế, văn hoá thông tin, thể
dục thể thao, bảo vệ môi trường, v.v…
b) Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực:
- Đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục, đa dạng
hoá các hình thức đào tạo, kết hợp hài hoà giữa đào tạo với giải
quyết việc làm cho người lao động; phối hợp các cơ sở đào tạo và trung tâm
dạy nghề của tỉnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, cung cấp cho xã hội
nguồn nhân lực có tri thức, trình độ văn hoá, tay nghề khá, đáp ứng tốt nhu
cầu về lao động thuộc các ngành nghề hoạt động và phù hợp với
chuyên môn đào tạo.
- Coi trọng phát triển và sử dụng có hiệu quả
nguồn nhân lực, xây dựng phương án đào tạo đội ngũ cán bộ cho các ban, ngành của
huyện và xã, đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật. Thực
hiện tốt các chính sách ưu đãi để thu hút lao động chất lượng cao có trình độ
chuyên môn kỹ thuật, có trình độ quản lý và kinh doanh giỏi để phục vụ phát triển
kinh tế và văn hoá - xã hội của huyện.
Mở rộng hợp tác với các trường, viện, trung tâm
đào tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; thực hiện xã hội hoá công
tác giáo dục, đào tạo, khuyến khích các hoạt động xã hội về
khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đáp ứng yêu cầu
tại địa phương và hội nhập quốc tế.
c) Giải pháp khoa học công nghệ:
- Xây dựng kế hoạch chuyển giao, ứng dụng khoa học
và công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nhằm tạo ra bước đột phá
về năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá, nâng cao giá trị và sức cạnh
tranh của sản phẩm, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi,
thuỷ sản, v.v… Xây dựng các tiểu vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao,
tăng năng suất và chất lượng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường: Vùng lúa
chất lượng cao, áp dụng quy trình GAP theo trình độ sản xuất của người dân;
vùng cây ăn trái chuyên canh tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản hàng hoá.
Khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên đầu
tư nghiên cứu đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất
lao động đi đôi với bảo vệ môi trường, hợp tác với các viện nghiên
cứu các trường đại học để thực hiện tốt việc nghiên cứu gắn với
ứng dụng vào sản xuất, đời sống. Thực hiện tốt chính sách đãi ngộ
cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, khuyến khích xã hội hoá đầu
tư nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển thị trường khoa học
công nghệ.
Hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn chất lượng cho
doanh nghiệp và cơ sở sản xuất; hỗ trợ kinh phí cho các công trình nghiên cứu,
ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, không phân biệt hình thức
sở hữu; quản lý chặt chẽ hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ,
giám định chất lượng công nghệ, chất lượng và ô nhiễm môi trường.
d) Giải pháp thị trường:
Tổ chức liên kết sản xuất theo hướng chất lượng,
an toàn theo quy trình Việt GAP, Global GAP tiến tới xây dựng thương hiệu cho
các sản phẩm chủ lực của huyện gắn liền với quá trình sản xuất kinh doanh nhằm
nâng cao giá trị của hàng hoá, giữ vững thị trường truyền thống, tích cực chủ
động thâm nhập thị trường mới.
Vận động các tổ chức làm cầu nối và tạo cơ chế
chính sách khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức của người sản xuất (tổ nhóm, hợp
tác xã, v.v…) hợp tác với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ hàng hoá, đặc biệt
là nông thuỷ sản, thông qua hợp đồng đầu tư và thu mua sản phẩm, tiến tới chia
sẻ lợi nhuận và cộng đồng trách nhiệm trên sản phẩm cuối cùng.
Khuyến khích liên doanh, liên kết trong đầu
tư, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phát triển mạng lưới thương mại
dịch vụ đến khắp các vùng nông thôn, tăng nhanh mức tiêu thụ sản phẩm hàng hoá
nội địa. Xây dựng vùng sản xuất chuyên canh chất lượng cao, đặc thù địa phương
(đặc biệt là lúa gạo, cây ăn trái và rau sạch) xây dựng và quảng bá thương hiệu,
liên kết lâu dài và tạo uy tín với khách hàng để giữ vững thị trường, từng bước
mở rộng mạng lưới và nâng cao giá bán nông sản, cải thiện thu nhập và đời sống
người dân.
Nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, hạ
giá thành để tăng sức cạnh tranh. Thực hiện đồng bộ các khâu: Tiếp thị, quảng
cáo, phân phối, tiêu thụ sản phẩm; thực hiện bảo hiểm sản phẩm trồng trọt và
chăn nuôi cho người sản xuất.
Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tiếp thị
đầu tư, nghiên cứu và dự báo thị trường đối với các sản phẩm chủ lực. Xây dựng
thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn liền với quá trình sản
xuất kinh doanh, nhằm nâng cao giá trị của hàng hoá, giữ vững thị trường truyền
thống, tích cực xâm nhập thị trường mới. Hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh hội nhập
cho doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển
các ngành nghề mới, sản phẩm mới thông qua các chính sách giảm chi phí cho
doanh nghiệp.
e) Giải pháp về bảo vệ môi trường:
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục
nâng cao nhận thức cho người dân và các tổ chức, doanh nghiêp về bảo
vệ môi trường, xem bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của toàn
xã hội. Phát huy phù hợp các nguồn lực của xã hội đầu tư cơ sở vật chất và
xây dựng nguồn nhân lực cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển
dâng. Đồng thời, tranh thủ và sử dụng hiệu quả sự trợ giúp của các tổ chức quốc
tế để bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó có hiệu quả với quá trình biến đổi
khí hậu và nước biển dâng.
Thực hiện tốt công tác quản lý, khai
thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn tài
nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi
trường.
Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và ứng dụng
công nghệ tiên tiến, công nghệ sản xuất sạch để giảm thiểu ô nhiễm
và bảo vệ môi trường; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tăng cường công tác điều tra cơ bản, theo dõi động
thái và bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm sự phát triển lâu dài và bền vững. Xây dựng
các quy chế và biện pháp đồng bộ để giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường
một cách có hiệu quả.
f) Cải tiến hệ thống tổ chức quản lý:
Không ngừng nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động
của bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và phát triển. Trong
đó, trọng tâm và trước mắt là cải cách thủ tục hành chính, cải cách lề lối làm
việc, chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao tinh thần trách nhiệm và
công khai minh bạch các thủ tục hành chính.
Trong phạm vi thẩm quyền, nghiên cứu ban hành
các quy định cụ thể về xử lý đối với cán bộ công chức có hành vi vi phạm. Phát
huy tính dân chủ và sức mạnh của các tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân,
tăng cường sự giám sát của cộng đồng dân cư trong việc triển khai thực hiện quy
hoạch và kế hoạch.
Đào tạo đội ngũ cán bộ các cấp có đủ năng lực quản
lý nhà nước, các chức danh theo luật định, thực hiện tốt việc cụ thể hoá nghị
quyết của cấp uỷ Đảng; nâng cao hiệu lực các ban kiểm tra, giám sát của Hội đồng
nhân dân.
Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức và hoạt động
Uỷ ban nhân dân các cấp, thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật, đúng quy chế;
tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan thực hiện tốt kế hoạch và đề án của
huyện về phát triển kinh tế - xã hội.
Điều 2. UBND huyện Mang Thít có trách nhiệm:
Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện quy hoạch tổng
thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện, giao cho Phòng Tài chính - Kế hoạch
làm thường trực, thủ trưởng các phòng, ban liên quan và Chủ tịch UBND các xã,
thị trấn làm uỷ viên.
Công khai quy hoạch tổng thể đến các cấp uỷ,
chính quyền, đoàn thể, tổ chức doanh nghiệp và toàn thể nhân dân về
các định hướng, mục tiêu của quy hoạch; phổ biến và vận động các
thành phần trong xã hội tham gia thực hiện quy hoạch, đồng thời thu
hút mọi nguồn lực trong nhân dân, nhà đầu tư tham gia đầu tư theo quy
hoạch; cụ thể hoá các nội dung của quy hoạch bằng các kế hoạch 5
năm và hàng năm để thực hiện và tổ chức đánh giá kết quả đạt
được.
Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch nếu
phát hiện những vấn đề không còn phù hợp với thực tế, trình Uỷ ban nhân dân
tỉnh xem xét cho rà soát bổ sung điều chỉnh kịp thời đảm bảo phù hợp
với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong từng thời
kỳ và thực hiện đạt các mục tiêu của quy hoạch đề ra.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu
tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Thông
tin và Truyền thông, Chủ tịch UBND huyện Mang Thít và thủ trưởng các sở, ngành
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trương Văn Sáu
|