BỘ NỘI THƯƠNG
*******
|
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******
|
Số : 614-NT
|
Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 1970
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH NHỮNG NGUYÊN
TẮC VỀ TỔ CHỨC CÔNG TÁC KIỂM TRA VÀ CHẾ ĐỘ KIỂM TRA CỦA CÁC CẤP PHỤ TRÁCH TRONG
NGÀNH NỘI THƯƠNG
BỘ
TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 80-CP ngày
16-7-1962 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy
Bộ Nội thương;
Để tăng cường công tác kiểm tra trong ngành nội thương nhằm chống buông lỏng
quản lý và không ngừng cải tiến công tác quản lý trong ngành,
QUYẾT
ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này
Bản quy định những nguyên tắc về tổ chức công tác kiểm tra và chế độ kiểm tra
của các cấp phụ trách trong ngành nội thương.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành
kể từ ngày ký.
Điều 3. Đồng chí Chánh văn phòng Bộ, các
đồng chí vụ trưởng, cục trưởng các vụ, cục Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương có nhiệm thi hành quyết định này.
|
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG
Hoàng Quốc Thịnh
|
BẢN QUY
ĐỊNH
NHỮNG
NGUYÊN TẮC VỀ TỔ CHỨC CÔNG TÁC KIỂM TRA VÀ CHẾ ĐỘ KIỂM TRA CỦA CÁC CẤP PHỤ
TRÁCH TRONG NGÀNH NỘI THƯƠNG
A. NHỮNG NGUYÊN TẮC VỀ TỔ CHỨC CÔNG
TÁC KIỂM TRA TRONG NGÀNH NỘI THƯƠNG
Để tăng cường và cải tiến công tác
kiểm tra trong ngành nội thương, Bộ đề ra 2 yêu cầu chung mà công tác kiểm tra
phải đạt được và 3 nguyên tắc về tổ chức, coi đó là 5 nguyên tắc chung chỉ đạo
việc tổ chức thực hiện công tác kiểm tra trong ngành.
1. Nguyên tắc kiểm tra phải xuất
phát từ lợi ích chung.
Khi xác định mục đích kiểm tra, khi
tiến hành kiểm tra và khi kết luận, phải xuất phát từ lợi ích chung, phải khách
quan, thực sự cầu thị, không định kiến, thiên lệch, phải đặt lợi ích toàn cục
lên trên lợi ích cục bộ.
2. Nguyên tắc kiểm tra phải kịp thời
và có hiệu quả.
Kiểm tra phải đạt được yêu cầu phòng
ngừa và giáo dục, nên kiểm tra phải kịp thời và thường xuyên. Khi kiểm tra phải
tìm được nguyên nhân ưu, khuyết điểm, có biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục
khuyết điểm, ngăn ngừa không cho những khuyết điểm tương tự lại xảy ra ở những
nơi khác và có thái độ xử lý đúng mực đối với cá nhân hay tập thể mắc khuyết
điểm, thì kiểm tra mới có hiệu quả.
3. Nguyên tắc thủ trưởng các cấp có
trách nhiệm kiểm tra.
Thủ trưởng đơn vị thương nghiệp các
cấp có trách nhiệm thực hiện sự kiểm tra trong phạm vi quản lý của mỗi đơn vị
và mỗi cấp.
Cán bộ phụ trách các bộ môn chuyên
môn ở mỗi cấp, chịu trách nhiệm trước thủ trưởng đơn vị cấp đó, thực hiện sự
kiểm tra từng phần việc theo nghiệp vụ chuyên môn của mình.
4. Nguyên tắc quần chúng tham gia
kiểm tra.
Về quản lý cũng như về kiểm tra phải
huy động được sự tham gia rộng rãi của quần chúng. Phải đòi hỏi công nhân, viên
chức trong ngành ai nấy đều có trách nhiệm kiểm tra, ai làm việc gì kiểm tra
việc ấy, ai làm ở nơi nào kiểm tra ở nơi ấy. Mặc khác, phải sử dụng sự kiểm tra
của đông đảo nhân dân và của khách hàng,
5. Nguyên tắc hợp lý hóa trong việc
tổ chức kiểm tra.
Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa
các bộ môn chuyên môn làm công tác kiểm tra với các bộ môn nghiệp vụ khác về
chương trình kiểm tra, về phân công trách nhiệm kiểm tra để khỏi có sự trùng
sót và về việc sử dụng, phát huy kết quả kiểm tra. Mặc khác, phải sử dụng nhiều
hình thức tổ chức kiểm tra để bổ sung cho nhau.
B. CHẾ ĐỘ KIỂM TRA CỦA CÁC CẤP PHỤ TRÁCH TRONG NGÀNH NỘI
THƯƠNG
Kiểm tra là một phần việc rất quan
trọng của công tác quản lý. Để tăng cường công tác đó nhằm chống buông lỏng
quản lý, ngoài việc kiện toàn bộ môn kiểm tra chuyên nghiệp và xây dựng các
hình thức tổ chức kiểm tra, nay quy định trách nhiệm kiểm tra, tổ chức và chỉ
đạo công tác kiểm tra cho thủ trưởng đơn vị các cấp trong ngành nội thương.
I. Trách nhiệm kiểm tra.
Điều 1. Thủ trưởng các đơn vị nội thương các
cấp có trách nhiệm thực hiện sự kiểm tra mọi hoạt động trong phạm vi quản lý
của mỗi đơn vị, mỗi cấp.
Điều 2. Đơn vị cấp trên trực tiếp quản lý
các đơn vị cấp dưới, có trách nhiệm kiểm tra thường xuyên và định kỳ các mặt
hoạt động của các đơn vị cấp dưới trực thuộc, đồng thời chỉ đạo và giám sát các
đơn vị đó tự kiểm tra:
a) Công ty, xí nghiệp kiểm tra các
cửa hàng, các đơn vị hoặc bộ phận trực thuộc
b) Sở, ty kiểm tra các công ty cấp
2, các hợp tác xã mua bán huyện và các công ty tổng hợp hay xí nghiệp huyện
trực thuộc sở, ty;
c) Các cục kinh doanh kiểm tra các
công ty và trạm cấp I;
d) Bộ kiểm tra các vụ, cục và các
địa phương;
đ) Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh
kiểm tra các sở, ty thương nghiệp;
e) Hợp tác xã mua bán huyện kiểm tra
hợp tác xã mua bán xã và giúp đỡ hợp tác xã mua bán xã tự kiểm tra.
Điều 3. Đơn vị cấp trên tuy không phải là
cấp trực tiếp quản lý những đơn vị cấp dưới (như Bộ đối với sở, ty hay công ty;
sở, ty đối với cửa hàng, kho, trạm, trại hợp tác xã mua bán xã, v.v... ) có
trách nhiệm kiểm tra bất thường từng mặt công tác hoặc toàn diện một số đơn vị
cấp dưới đó, nhằm rút kinh nghiệm để chỉ đạo chung, đồng thời giám sát và tăng
cường sự kiểm tra của cấp dưới.
Điều 4. Ngoài việc tổ chức và chỉ đạo công
tác kiểm tra, đích thân cục trưởng, giám đốc sở và trưởng ty thương nghiệp, mỗi
năm phải dành ít nhất một phần tư thời gian công tác xuống kiểm tra một số cơ
sở cửa hàng, kho, xưởng, trạm, trại…; chủ nhiệm và phó chủ nhiệm công ty hoặc
xí nghiệp phải đến kiểm tra tại chỗ mỗi năm mỗi cơ sở ít nhất 2 lần nếu có dưới
10 cơ sở trực thuộc và ít nhất 1 lần nếu có từ 10 cơ sở trở lên.
Khi xuống kiểm tra và làm việc tại
cơ sở phải đi sâu vào việc chấp hành chủ trương, chính sách, vào nội dung và
cách thức quản lý, giải quyết các vấn đề về quản lý kế hoạch, vật tư, tài
chính, lao động và đời sống của công nhân viên chức nhằm tạo điều kiện thuận
lợi cho hoạt động ở cơ sở.
Điều 5. Việc phân công kiểm tra cho phó thủ
trưởng do thủ trưởng đơn vị quyết định.
Điều 6. Mỗi kỳ quyết toán, thủ trưởng đơn vị
cấp trên có trách nhiệm trực tiếp nghe thủ trưởng đơn vị hạch toán kinh tế độc
lập cấp dưới phân tích quyết toán, có kế toán trưởng tham dự và phân tích bổ
sung khi cần thiết.
Sở, ty gửi quyết toán lên Bộ như
thường lệ, nhưng giám đốc sở và trưởng ty không phải trực tiếp lên phân tích
quyết toán với Bộ mà phải làm với Ủy ban hành chính tỉnh.
Điều 7. Cán bộ phụ trách các bộ môn nghiệp
vụ ở mỗi đơn vị mỗi cấp chịu trách nhiệm trước thủ trưởng đơn vị cấp đó kiểm
tra từng phần việc theo nghiệp vụ chuyên môn của mình.
II. Nội dung kiểm tra
Điều 8. Nội dung kiểm tra bao gồm:
a) Việc xây dựng và thực hiện các
chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh của đơn vị và của cấp dưới trực tiếp, kể cả kinh
doanh chính và kinh doanh phụ, các chỉ tiêu kế hoạch khác như kế hoạch tài vụ,
lao động tiền lương, mạng lưới, vận chuyển, kiến thiết cơ bản, v.v...;
b) Việc quản lý tài sản xã hội chủ
nghĩa (vật tư, hàng hóa, tiền vốn và các tài sản khác);
c) Việc chấp hành chính sách, chế
độ, thể lệ của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết và quy định của cấp trên có liên
quan đến công tác nội thương.
d) Việc quản lý tập trung dân chủ,
lề lối làm việc và việc chăm lo đời sống tinh thần và vật chất của công nhân,
viên chức;
đ) Tinh thần, thái độ công tác của
công nhân, viên chức.
III. Tổ chức và theo dõi công tác kiểm tra.
Điều 9. Để thực hiện được nhiệm vụ kiểm tra
của mình ngoài việc trực tiếp kiểm tra, thủ trưởng đơn vị phải tổ chức và chỉ
đạo công tác kiểm tra của các bộ môn nghiệp vụ, bộ môn thanh tra, kiểm tra
chuyên nghiệp và huy động sự kiểm tra của đông đảo quần chúng công nhân, viên
chức và nhân dân.
Điều 10. Kiểm tra phải có chương trình và kế
hoạch cụ thể. Ngoài việc kiểm tra thường xuyên theo chức năng từng bộ môn
nghiệp vụ, mỗi đơn vị phải có chương trình kiểm tra cho cả năm và từng quý, và
phải có lịch kiểm tra của thủ trưởng, phó thủ trưởng. Chương trình kiểm tra cả
năm đề ra phương hướng và những nội dung chính; chương trình kiểm tra cho mỗi
quý cụ thể hóa từng việc phải kiểm tra trong quý. Lịch kiểm tra của thủ trưởng,
phó thủ trưởng xây dựng từng tháng. Cấp dưới phải gửi chương trình kiểm tra cho
cấp trực tiếp.
Điều 11. Đơn vị kiểm tra có trách nhiệm:
a) Sau mỗi cuộc kiểm tra, kết luận
rõ ràng đúng sai, khen thưởng hoặc xử lý nghiêm minh;
b) Đề ra những biện pháp ngăn chặn
không để những khuyết điểm đã phát hiện lại tái diễn ở những nơi đã được kiểm
tra và ngăn chặn kịp thời không để xảy ra những khuyết điểm tương tự ở những
đơn vị khác trực thuộc;
c) Kiểm tra việc thực hiện những
biện pháp bổ khuyết sau kiểm tra;
d) Báo cáo cho đơn vị cấp trên trực
tiếp biết những khuyết điểm lớn đã phát hiện, việc xử lý và biện pháp khắc
phục.
đ). Thống kê và cuối năm báo cáo cho
cấp trên trực tiếp biết việc thực hiện chế độ kiểm tra của thủ trưởng (số đơn
vị thủ trưởng đã trực tiếp kiểm tra, thời gian và kết quả kiểm tra ở từng đơn
vị).
Điều 12. Đơn vị được kiểm tra có trách nhiệm
báo cáo cho đơn vị kiểm tra biết việc chấp hành những biện pháp bổ khuyết của
đơn vị kiểm tra.
Điều 13. Các cửa hàng, kho, xưởng, trạm, trại
phải có sổ kiểm tra của đơn vị mình. Sổ đó phải đánh số trang và có chữ ký của
thủ trưởng cấp trên trực tiếp.
Điều 14. Cán bộ các đơn vị cấp trên, kể cả
thủ trưởng và nhân viên có thẩm quyền kiểm tra, mỗi khi đến kiểm tra tại chỗ
từng mặt công tác, có trách nhiệm ghi kết quả kiểm tra của mình vào sổ kiểm tra
của đơn vị; nội dung bao gồm thời gian kiểm tra, ưu khuyết điểm đã phát hiện,
biện pháp bổ khuyết, tên chức vụ và chữ ký của người kiểm tra. Những biện pháp
bổ khuyết không được trái với nguyên tắc, chế độ, thể lệ hiện hành.
Nhân viên kiểm tra của các ngành
khác như tài chính, ngân hàng, công an, y tế,… cũng có thể ghi kết quả kiểm tra
vào sổ đó.
Những đợt kiểm tra toàn diện hoặc
dài ngày, phải có hồ sơ riêng và chỉ ghi kết quả tóm tắt vào sổ kiểm tra của
đơn vị khi đã kết thúc đợt kiểm tra.
(Ban hành kèm theo Quyết định số
614-NT ngày 31-8-1970 của Bộ Nội thương)