BỘ
CÔNG THƯƠNG
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 5540/QĐ-BCT
|
Hà
Nội, ngày 06 tháng 08
năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NGÀNH
CÔNG THƯƠNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ
ngày 09 tháng 6 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP
ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Quyết định số 418/QĐ-TTg
ngày 11 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa
học và Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công
nghệ ngành Công Thương giai đoạn 2011 - 2020 (sau đây gọi là Chiến lược) với
các nội dung chủ yếu sau đây:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN KHOA
HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
1. Khoa học và công nghệ là động lực
then chốt để phát triển bền vững ngành Công Thương. Các hoạt động khoa học và
công nghệ phải đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh
của ngành Công Thương, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước.
2. Triển khai đồng bộ các hoạt động
nghiên cứu ứng dụng cùng với các hoạt động khác như thông tin khoa học và công
nghệ, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hợp tác quốc tế và sở hữu trí tuệ; gắn hoạt động nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ
với yêu cầu chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu phục vụ phát triển của ngành Công Thương.
3. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, tổ
chức và hoạt động khoa học và công nghệ; tăng cường tiềm lực của các Viện
nghiên cứu để nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công
nghệ đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển của ngành Công Thương.
4. Huy động và sử dụng hiệu quả các
nguồn lực từ Ngân sách nhà nước các Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp để
phát triển khoa học và công nghệ ngành Công Thương.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
a) Thực hiện đổi mới cơ bản, toàn diện
và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ theo
yêu cầu của Chính phủ; tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của các Viện
nghiên cứu đáp ứng yêu cầu nghiên cứu phục vụ phát triển của ngành Công Thương.
b) Khoa học và công nghệ đóng góp
tích cực vào sự phát triển bền vững của ngành Công Thương, góp phần xứng đáng
vào việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển ngành và thực hiện tái cấu
trúc công nghiệp và thương mại giai đoạn 2011 - 2020.
c) Khoa học và công nghệ đóng góp
tích cực vào quá trình đổi mới và phát triển công nghệ, thiết bị sản xuất của
các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp,
nâng cao tỷ trọng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch trong các ngành, giảm dần
sự phân tầng trình độ công nghệ trong từng ngành công nghiệp.
d) Khoa học và công nghệ góp phần
thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp mới như: công nghiệp hỗ trợ, công
nghiệp hóa dược, công nghiệp môi trường, công nghiệp cơ điện tử, công nghiệp
công nghệ cao.
đ) Khoa học và công nghệ đóng góp
tích cực vào quá trình đổi mới và phát triển bền vững
ngành Thương mại.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Đến năm 2015, đổi mới cơ bản, đồng
bộ cơ chế quản lý, hoạt động khoa học và công nghệ; hoàn thành công tác chuyển đổi
mô hình hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm
của tất cả các Viện nghiên cứu theo yêu cầu của Chính phủ.
Tỷ lệ số Viện nghiên cứu có đơn vị hoạt động theo mô hình doanh nghiệp khoa học
công nghệ trong viện đến năm 2015 đạt khoảng 30-40% và năm 2020 đạt khoảng
40-50%.
b) Phấn đấu 70 - 80% đề tài nghiên cứu
xuất phát từ nhu cầu của thị trường, phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, tăng 15% (so với giai đoạn 2005-2010) số công trình đạt giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ và các giải thưởng
cao quý khác.
c) Nâng cao năng lực của các Viện
nghiên cứu, phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 6-9 phòng thí nghiệm chuyên
ngành có cơ sở vật chất, thiết bị nghiên cứu hiện đại đạt
trình độ khu vực và thế giới, tỷ lệ cán bộ có trình độ trên đại học (thạc sĩ và
tiến sĩ) đạt 25 - 30% trong tổng số cán bộ nghiên cứu ở các viện, 50-60% cán bộ
nghiên cứu thông thạo ít nhất một ngoại ngữ, 100% cán bộ nghiên cứu biết một
ngoại ngữ trình độ B trở lên, sử dụng thông thạo vi tính.
d) Hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ
được xác định trong các chương trình, đề án khoa học và công nghệ đã được Thủ
tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì thực hiện.
đ) Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sản
xuất thử nghiệm sản phẩm từ kết quả nghiên cứu, dịch vụ khoa học và công nghệ
phục vụ đổi mới, hoàn thiện công nghệ công nghệ, hoàn thiện sản phẩm, nâng cao
tỷ trọng nội địa hóa trong chế tạo các hệ thống thiết bị đồng
bộ; nâng cao tỷ lệ đóng góp của khoa học công nghệ vào giá trị gia tăng của sản
phẩm công nghiệp.
e) Chủ động nghiên cứu và làm chủ được
một số công nghệ mới, hiện đại trong các lĩnh vực như: khai thác, chế biến, sử
dụng và tận thu khoáng sản, năng lượng, vật liệu, sinh học, hóa dược, môi trường,
v.v...
g) Xây dựng mỗi năm 40 - 50 tiêu chuẩn
và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, trong đó 50% hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế,
góp phần nâng cao năng suất, quản lý chất lượng, khả năng cạnh tranh của các sản
phẩm hàng hóa, giảm nhập siêu.
h) Phấn đấu khoảng 40 - 50% số Viện
nghiên cứu chuyên ngành có doanh thu từ hoạt động nghiên cứu, dịch vụ khoa học
công nghệ và sản xuất đạt trên 100 tỷ đồng/năm vào năm 2015 và 200 tỷ đồng/năm
vào năm 2020.
i) Đảm bảo cung cấp các luận cứ khoa
học cho phát triển thương mại nhanh và bền vững, phát triển
thị trường trong nước đi đôi với mở rộng thị trường xuất
khẩu, nâng cao vai trò của thương mại đối với ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an
sinh xã hội trong quá trình hội nhập quốc tế.
III. NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KHOA
HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
1. Hoàn thiện tổ chức, cơ
chế quản lý và thông tin KHCN
a) Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức
của các cơ quan nghiên cứu, tư vấn dịch vụ khoa học công nghệ theo hướng tự chủ,
tự chịu trách nhiệm; chuyển đổi, hình thành và phát triển các mô hình doanh
nghiệp khoa học công nghệ theo định hướng của Chính phủ.
b) Đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả
quản lý hoạt động khoa học và công nghệ phù hợp với yêu cầu mới, bám sát nhu cầu
của thị trường, của doanh nghiệp và yêu cầu phát triển của ngành Công Thương.
c) Đẩy mạnh hoạt động thông tin, quảng
bá kết quả nghiên cứu, tham gia và phát triển thị trường khoa học công nghệ, dịch
vụ khoa học công nghệ.
2. Nâng cao năng lực nghiên
cứu khoa học công nghệ
a) Đầu tư phát triển mới có trọng
tâm, trọng điểm một số phòng thí nghiệm chuyên ngành với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo sản phẩm mới,
phân tích, kiểm tra, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn sản phẩm.
b) Cải tạo, bổ sung trang thiết bị,
chống xuống cấp và nâng cấp các phòng thí nghiệm hiện có theo hướng hiện đại để
đáp ứng yêu cầu nghiên cứu.
c) Nâng cao năng lực, trình độ và phẩm
chất của cán bộ quản lý và nghiên cứu khoa học công nghệ.
3. Nghiên cứu, ứng dụng,
chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững các lĩnh vực của ngành Công
Thương
a) Lĩnh vực chiến lược, chính sách phát
triển công nghiệp và thương mại
Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn
phục vụ cho việc hoạch định các chiến lược, chính sách và quy hoạch phát triển
bền vững ngành Công Thương đến năm 2020.
Nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học
cho việc xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược xuất khẩu
bền vững, quy hoạch tổng thể hạ tầng thương mại theo yêu cầu công nghiệp hóa -
hiện đại hóa đất nước, quy hoạch phát triển thương mại, hạ
tầng thương mại theo vùng Lãnh thổ đến năm 2020.
Nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học
cho việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính thương mại, nâng
cao năng lực quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế điều hành quan hệ cung cầu và ứng
phó với những đột biến của thị trường trong thời kỳ hội nhập,
phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, hệ thống thông tin
thị trường phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh, phát triển
mô hình phân phối, bán buôn và bán lẻ hiện đại.
Nghiên cứu xây dựng các giải pháp nhằm
nâng cao khả năng tham gia vào hệ thống cung ứng toàn cầu để phát triển ngành
công nghiệp hỗ trợ; tăng cường năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thương hiệu đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực
của Việt Nam; thử nghiệm một số mô hình phát triển thương mại hiện đại như sở
giao dịch hàng hóa, sàn giao dịch thương mại điện tử; thương mại di động; các
phương pháp quản trị hiện đại trong doanh nghiệp thương mại.
Nghiên cứu khả năng ký kết các FTA với
các đối tác thương mại lớn; đánh giá tác động và khai thác có hiệu quả các cam
kết này cho phát triển công nghiệp và thương mại của Việt Nam.
Nghiên cứu các cơ sở khoa học và thực
tiễn phục vụ tái cơ cấu hoạt động thương mại phù hợp với yêu cầu của thời kỳ hậu
khủng hoảng; tăng tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường Đông Á, Trung Quốc, duy trì
tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu trong tổng kim ngạch
xuất khẩu, phát triển thị trường xuất khẩu mới ở khu vực Trung Đông, châu Phi,
châu Mỹ la tinh và châu Đại dương.
Nghiên cứu phát triển xuất khẩu dịch
vụ, phát triển dịch vụ logistic, dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu, tham gia vào chuỗi
giá trị toàn cầu, mở rộng các điểm logistic trên lãnh thổ Việt Nam.
Nghiên cứu xây dựng các giải pháp để
đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng
Việt Nam”; các giải pháp để đưa hàng Việt về địa phương và nông thôn theo hướng
bền vững.
b) Lĩnh vực cơ khí, cơ điện tử, thiết bị điện, điện tử và tự động hóa
Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một số
sản phẩm cơ khí có giá trị gia tăng cao trong các dây chuyền công nghệ sản xuất
dầu khí, giấy, hóa chất, phân bón, thủy điện, khai thác khoáng sản.
Nghiên cứu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa
trong các dây chuyền thiết bị đồng bộ của các nhà máy nhiệt
điện, thủy điện công suất trung bình và lớn; các giàn khoan khai thác dầu khí,
các loại tàu chứa dầu và các thiết bị, kết cấu siêu trường, siêu trọng khác phục
vụ ngành công nghiệp dầu khí.
Nghiên cứu, làm chủ công nghệ, chế tạo
một số sản phẩm cơ điện tử, thiết bị tự động điều khiển các quá trình sản xuất,
thu thập, lưu giữ và truyền dữ liệu từ xa, cảnh báo an toàn; các loại động cơ
diezel, động cơ xăng; các chi tiết chính của ô tô; máy biến áp từ 220 KV trở
lên; thiết bị của hệ thống truyền tải và phân phối điện.
Nghiên cứu, nhập khẩu công nghệ, chuyển
giao và phát triển công nghệ nhằm làm chủ, sử dụng thành thạo công nghệ kiểm
tra không phá hủy, công nghệ chiếu xạ công nghiệp và kỹ thuật hạt nhân... phục
vụ các ngành công nghiệp dầu khí, hóa chất, năng lượng, vật liệu, xây dựng,
giao thông, thăm dò và khai thác khoáng sản, xử lý chất thải, công nghiệp chế
biến.
c) Lĩnh vực khai thác và chế biến
khoáng sản, hóa chất và công nghệ vật liệu
Nghiên cứu đổi mới công nghệ, thiết bị,
nâng cao mức độ cơ giới hóa, tự động hóa trong các công đoạn thăm dò, khai
thác, chế biến, vận chuyển và sử dụng khoáng sản nhằm sử dụng hiệu quả tài
nguyên, năng lượng.
Đầu tư nghiên cứu phát triển các mỏ
nhỏ, mỏ nước sâu xa bờ, các mỏ khí có hàm lượng CO2, H2S cao; áp dụng các giải pháp công nghệ mới nâng cao hệ số
thu hồi dầu của các mỏ đang khai thác; thu dọn và xử lý môi trường mỏ sau khai
thác.
Nghiên cứu, lựa chọn, làm chủ và phát
triển các công nghệ tiên tiến trong khai thác bể than đồng bằng sông Hồng, công nghệ xử lý và sử dụng bùn đỏ bauxite trong điều kiện
Việt Nam.
Nghiên cứu công nghệ chế tạo gang,
thép hợp kim đặc biệt và một số hợp kim ferô cho ngành chế
tạo máy, xây dựng, cầu cống và một số ngành công nghiệp chuyên dùng khác; làm chủ công nghệ sản xuất thép lò điện từ sản phẩm hoàn
nguyên trực tiếp, công nghệ luyện kim phi cốc, công nghệ cán tấm nóng, công nghệ
sản xuất vật liệu nano từ nguyên liệu trong nước, vật liệu xốp, vật liệu nhẹ, vật
liệu polymecomposite, polyme phân hủy sinh học, vật liệu y sinh...
Nghiên cứu đổi mới công nghệ, thiết bị,
phát triển sản phẩm mới đối với các nhà máy sản xuất phân lân, phân NPK, phân hữu
cơ sinh học, phát triển đa dạng các loại phân hỗn hợp.
Nghiên cứu sản xuất các sản phẩm pin
và ắc quy cao cấp, sản phẩm cao su kỹ thuật, lốp ô tô theo
công nghệ radial, sản phẩm thuốc trừ sâu gốc sinh học; công nghệ chế biến, sử dụng quặng apatit loại 2, nâng cao hiệu quả tuyển quặng apatit loại
3.
Nghiên cứu tạo công nghệ trong nước,
kết hợp với nhập khẩu và làm chủ công nghệ tiên tiến của nước ngoài để sản xuất
nguyên liệu hóa dược phục vụ ngành công nghiệp dược và công nghiệp bào chế thuốc
chữa bệnh, tiến tới chủ động sản xuất thuốc ở trong nước.
Nghiên cứu khai thác và sử dụng có hiệu
quả các hoạt chất thiên nhiên chiết tách, tổng hợp hoặc bán tổng hợp từ các nguồn
dược liệu và tài nguyên thiên nhiên trong nước phục vụ công nghiệp bào chế một
số loại thuốc đặc thù, đáp ứng nhu cầu chữa bệnh trong nước và xuất khẩu.
Đẩy mạnh việc sản
xuất thử sản phẩm, chuyển giao, tiếp nhận, làm chủ công nghệ mới để tạo ra những
nguyên liệu hóa dược có chất lượng cao phục vụ sản xuất thuốc thiết yếu ở trong
nước.
d) Lĩnh vực công nghiệp năng lượng
Nghiên cứu làm chủ công nghệ, nâng
cao hiệu quả sử dụng các dạng năng lượng, hệ số vận hành các nhà máy điện, ứng
dụng hệ thống đo lường, giám sát và điều khiển tự động hiện đại nhằm ngăn ngừa
sự cố, tăng độ tin cậy và ổn định cung cấp điện; giảm tổn thất điện năng, phát
triển các hệ thống điều độ tiên tiến; hiện đại hóa công tác quản lý vận hành,
nâng cao hiệu quả khai thác tổng hợp tài nguyên nước; áp dụng
công nghệ tự động quan trắc, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và giám sát lũ tại các nhà máy thủy điện.
Nghiên cứu tiếp cận và làm chủ công
nghệ thiết kế, chế tạo một số thiết bị
năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng (mặt trời, tuabin gió quy mô nhỏ và vừa,
thiết bị điện thủy triều, tổ máy thủy điện, thiết bị chiếu
sáng ...).
Nghiên cứu tiếp cận công nghệ xây dựng,
lắp đặt, quản lý, vận hành, bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân, đảm bảo an toàn hạt
nhân và an toàn phóng xạ, công nghệ và thiết bị lò phản ứng nước nhẹ tiên tiến
trên thế giới; xây dựng cơ sở thí nghiệm khoa học, hỗ trợ cho việc nghiên cứu
khoa học các vấn đề liên quan đến công nghệ điện hạt nhân; xây dựng các văn bản
quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ phát triển điện
hạt nhân.
đ) Lĩnh vực công nghiệp nhẹ và công
nghệ sinh học
Nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm,
cải tiến mẫu mã, phát triển sản phẩm mới, sản phẩm phụ trợ trong các lĩnh vực sản
xuất thực phẩm, chế phẩm sinh học, thuốc lá, giấy, nhựa, dệt may, da giầy, sành
sứ thủy tinh công nghiệp.
Nghiên cứu phát triển lĩnh vực thiết
kế thời trang, phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm
trong lĩnh vực dệt may, da giầy, thực phẩm, nhựa, giấy, sành sứ thủy tinh.
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học
hiện đại để phân lập và tạo ra 5-6 chủng vi sinh vật mới, có chất lượng tốt, ổn
định, hiệu suất lên men cao góp phần phát triển mạnh ngành
công nghệ chế biến; đến năm 2015, sản xuất được từ 6-8 loại chế phẩm vi sinh vật phục vụ công nghiệp chế biến.
Nghiên cứu, cải tiến, phát triển các
công nghệ chế biến các sản phẩm thực phẩm an toàn theo hướng chế biến sâu, góp
phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản thực phẩm.
Nghiên cứu phát triển các sản phẩm vi
sinh vật phục vụ sản xuất enzym, thuốc trừ sâu, bệnh sinh học, vắc-xin, bảo quản
chế biến; sản xuất các màng sinh học dùng trong y học, sản xuất và đời sống.
Nâng cao năng lực phân tích, kiểm định,
giám định nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm đáp ứng yêu cầu kiểm soát vệ sinh
an toàn thực phẩm.
Nghiên cứu, phát triển các loại phụ
gia, chất xúc tác sử dụng trong sản xuất nhiên liệu sinh học;
công nghệ phối trộn xăng gốc, condensat, naphta, diesel gốc dầu mỏ với etanol,
diesel gốc sinh học và các chất phụ gia để tạo ra các loại sản phẩm nhiên liệu
sinh học; phát triển các hệ thống tồn trữ, vận chuyển và mạng lưới phân phối
nhiên liệu sinh học.
Nghiên cứu phát triển nhiên liệu sinh
học thế hệ mới, phấn đấu đến năm 2015 làm chủ được công nghệ sản xuất nhiên liệu
sinh học thế hệ thứ 2.
Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và
nâng cao chất lượng các giống cây nguyên liệu (cây thuốc lá, cây nguyên liệu giấy,
cây bông, cây Ramie, cây có dầu).
e) Lĩnh vực công nghiệp môi trường.
Nghiên cứu hoàn thiện các công nghệ xử
lý nước thải, khí thải và chất thải rắn truyền thống theo hướng nâng cao hiệu
quả xử lý, kết hợp thu hồi hóa chất, giảm tiêu hao năng lượng.
Nghiên cứu phát triển các công nghệ xử
lý đặc thù cho các đối tượng đặc biệt, khó xử lý như xử lý mùi, nước thải chứa
các hóa chất khó phân hủy, các chất thải POP (dioxin, furan,..)...
Nghiên cứu phát triển thiết bị, dây
chuyền thiết bị phục vụ xử lý môi trường (thu gom, phân loại, xử lý ...); phụ
kiện và thiết bị phục vụ quan trắc, đo lường, giám sát chất lượng môi trường.
Nghiên cứu sản xuất các chế phẩm, vật
liệu và hóa chất thân thiện môi trường phục vụ xử lý môi trường.
Nghiên cứu cải tiến, phát triển công
nghệ tái chế chất thải thành sản phẩm phục vụ sản xuất và tiêu dùng.
4. Đẩy mạnh hoạt động thông
tin, thống kê khoa học công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và sở
hữu trí tuệ
Thực hiện đầy đủ các yêu cầu về công
tác thông tin, thống kê khoa học và công nghệ như báo cáo đầy đủ và kịp thời về
hoạt động thông tin khoa học công nghệ, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động
của các ấn phẩm thông tin khoa học công nghệ, trang thông tin điện tử về hoạt động
của các Viện nghiên cứu; bổ sung thông tin về hoạt động khoa học công nghệ trên
các trang thông tin điện tử của các Tập đoàn, Tổng công ty...
Đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng các biện
pháp kỹ thuật (tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp)
phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, Hiệp định Hàng rào kỹ
thuật trong thương mại và pháp luật Việt Nam.
Tăng cường công tác đăng ký, thông
tin về sở hữu trí tuệ, phát triển thị trường khoa học công nghệ.
IV. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Giải pháp về thông tin,
truyền thông
Tăng cường công tác thông tin, truyền
thông, phổ biến kịp thời các chủ trương, cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các Bộ về quản lý và phát triển khoa học
và công nghệ.
Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động
thông tin khoa học công nghệ, bao gồm thông tin về nhu cầu của thị trường, của
doanh nghiệp đối với hoạt động khoa học công nghệ, thông tin về kết quả nghiên
cứu khoa học công nghệ của các Viện nghiên cứu, Tập đoàn, Tổng công ty, v.v..
2. Giải pháp về tổ chức, quản
lý và cơ chế, chính sách
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đổi
mới tổ chức của các Viện nghiên cứu theo hướng nâng cao tính tự chủ, tự chịu
trách nhiệm; phát triển các tổ chức tư vấn, chuyển đổi viện nghiên cứu thành
doanh nghiệp khoa học công nghệ hoặc thành lập các doanh nghiệp khoa học công
nghệ trong viện để ứng dụng, sản xuất sản phẩm từ kết quả nghiên cứu.
Đổi mới đồng bộ cơ chế quản lý khoa học
công nghệ ở tất cả các công đoạn: hình thành nhiệm vụ, giao nhiệm vụ, quản lý
thực hiện và nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ
phù hợp với yêu cầu, định hướng của Chính phủ và đặc thù của hoạt động khoa học
công nghệ, bám sát nhu cầu của thị trường; nâng cao trách nhiệm của tổ chức và
cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu trong việc chuyển giao, áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực
tế.
Khuyến khích phối hợp, liên danh,
liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc thực hiện các
nhiệm vụ khoa học công nghệ.
Tăng cường thực hiện cơ chế đặt hàng
các nhiệm vụ khoa học công nghệ để phục vụ thực hiện các chiến lược, kế hoạch
và quy hoạch phát triển của ngành Công Thương.
Xây dựng và áp dụng các cơ chế quản
lý tài chính thông thoáng, đơn giản, chính sách động viên, khuyến khích phát
huy sáng tạo, chính sách đãi ngộ, thu hút, sử dụng cán bộ có trình độ tham gia
hoạt động khoa học công nghệ phù hợp với quy định chung của Chính phủ về đổi mới
đồng bộ và toàn diện cơ chế quản lý khoa học công nghệ.
3. Giải pháp đầu tư và tài
chính
Lựa chọn đầu tư chiều sâu có trọng
tâm, trọng điểm một số phòng thí nghiệm mới cho các Viện nghiên cứu với trang
thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế,
chế tạo sản phẩm mới, phân tích, kiểm tra, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn sản phẩm.
Sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích
nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ hàng năm của Nhà nước để sửa chữa
chống xuống cấp các phòng thí nghiệm, duy tu, bảo dưỡng, bổ sung trang thiết bị
cho các phòng thí nghiệm, kể cả các phòng thí nghiệm trọng
điểm quốc gia và thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ.
Thành lập và sử dụng có hiệu quả các Quỹ
phát triển khoa học và công nghệ của các Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp
để đầu tư phát triển các phòng thí nghiệm, tổ chức thực hiện các chương trình,
nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ.
Chủ động, tích cực tìm kiếm, kêu gọi
tài trợ và sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ quốc tế để đầu tư phát triển các
phòng thí nghiệm, tổ chức thực hiện các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu khoa
học công nghệ.
4. Giải pháp về đào tạo và hợp tác quốc tế
Xây dựng và tổ chức thực hiện các
chương trình, kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ,
tin học và phẩm chất của cán bộ quản lý khoa học và công
nghệ, cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ từ nguồn kinh phí của Nhà nước.
Huy động các nguồn lực của các Tập
đoàn, Tổng công ty và của các Viện nghiên cứu để xây dựng và triển khai thực hiện
các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng
yêu cầu phát triển khoa học công nghệ, phù hợp với yêu cầu của các đơn vị.
Phối hợp, liên danh, liên kết với các
tổ chức trong và ngoài nước để nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu của các
Viện nghiên cứu.
Tổ chức các đoàn khảo sát, trao đổi
kinh nghiệm quản lý, nghiên cứu phát triển công nghệ của các nước có nền khoa học
và công nghệ tiên tiến, tích cực hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Vụ Khoa học và Công nghệ: chủ trì,
phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng nội dung; hướng dẫn tổ chức thực hiện
Chiến lược; cập nhật thông tin, điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển của
ngành Công Thương và định kỳ hàng năm tổng kết báo cáo Bộ trưởng.
2. Vụ Kế hoạch: chủ trì, phối hợp và
các đơn vị liên quan hướng dẫn các đơn vị xây dựng dự án, bố trí vốn và quản lý
các dự án đầu tư chiều sâu nâng cao năng lực của các Viện nghiên cứu từ nguồn vốn Ngân sách nhà nước.
3. Vụ Tổ chức cán bộ: chủ trì, phối hợp
các đơn vị liên quan hướng dẫn các tổ chức, đơn vị hoàn thiện mô hình hoạt động.
4. Vụ Phát triển nguồn nhân lực: xây
dựng và thực hiện các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực khoa học
và công nghệ từ nguồn vốn Ngân sách nhà nước.
5. Vụ Tài chính: chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan huớng dẫn xây
dựng và quản lý thực hiện dự toán kinh phí từ nguồn vốn Ngân sách nhà nước để
thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ của Chiến lược.
6. Các Viện nghiên cứu, các Tập đoàn,
Tổng công ty, Công ty trực thuộc Bộ Công Thương tổ chức xây dựng và thực hiện
các chương trình, kế hoạch nghiên cứu,
đầu tư phát triển và đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ hàng năm và 5
năm từ các nguồn vốn Ngân sách nhà nước, vốn của viện, doanh nghiệp và các nguồn
vốn khác để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược, định kỳ báo cáo Bộ
Công Thương trước ngày 15 tháng 12 hàng năm.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng các Vụ: Khoa học
và Công nghệ, Kế hoạch, Tổ chức cán bộ, Tài chính, Viện trưởng các viện nghiên
cứu và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Bộ: KH&CN, Tài chính, KH&ĐT;
- Website Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, KHCN.
|
BỘ TRƯỞNG
Vũ Huy Hoàng
|