Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 3994/QĐ-UBND quy hoạch phát triển kinh tế xã hội huyện Khánh Sơn Khánh Hòa 2025 2016

Số hiệu: 3994/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa Người ký: Lê Đức Vinh
Ngày ban hành: 26/12/2016 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3994/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 26 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN KHÁNH SƠN ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn lập, điều chỉnh, thẩm định, phê duyệt và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 187/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc cho phép lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân huyện Khánh Sơn tại Tờ trình số 108/TTr-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2016 về việc phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Khánh Sơn đến năm 2025 và đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo thẩm định quy hoạch số 2910/BC-SKHĐT ngày 07 tháng 12 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Khánh Sơn đến năm 2025 với những nội dung chính sau:

I. Quan điểm phát triển

Phát triển kinh tế - xã hội huyện Khánh Sơn phải đặt trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa và khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, có xem xét đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên. Khai thác có hiệu quả các nguồn lực, các lợi thế về tiềm năng đất đai và tranh thủ sự hỗ trợ từ bên ngoài để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực; phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ nhanh gắn với xóa đói giảm nghèo bền vững, giảm dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển với các địa phương khác trong tỉnh.

Lấy sản xuất nông - lâm nghiệp làm cơ sở ổn định phát triển kinh tế, làm tiền đề để phát triển các ngành khác; trong nông nghiệp tập trung vào phát triển sản xuất hàng hóa nhất là đối với những mặt hàng nông sản có lợi thế so sánh của địa phương như: Mía tím, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt... xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu sản phẩm; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành của tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; phát triển kinh tế rừng, đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng theo hướng đa mục tiêu, nông lâm kết hợp, hiệu quả và bền vững.

Đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; chú trọng phát triển theo chiều sâu các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch có lợi thế.

Tập trung đầu tư nâng cao trình độ dân trí và phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế; đặc biệt là đội ngũ lao động phục vụ cho phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nguồn nhân lực cho dịch vụ du lịch... Ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng: Giao thông, điện, thủy lợi, cấp nước, bưu chính viễn thông, y tế, giáo dục, văn hóa thông tin... Tăng cường quan hệ hợp tác giữa huyện Khánh Sơn với các địa phương trong và ngoài tỉnh, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để cùng phát triển.

Phát triển kinh tế đi đôi với củng cố an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, công bằng xã hội, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững.

II. Mục tiêu phát triển

1. Mục tiêu tổng quát

Tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh để sớm đưa kinh tế huyện phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các Chương trình trọng điểm của tỉnh trên địa bàn huyện, giữ vững quốc phòng an ninh, nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp - dịch vụ du lịch - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phấn đấu đưa thu nhập của huyện từng bước tiếp cận và đạt tiêu chí thu nhập trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; đồng thời rút ngắn khoảng cách thu nhập bình quân/người so với bình quân của vùng Duyên hải miền Trung và của cả nước. Phấn đấu đến năm 2025 Khánh Sơn có từ 2 - 3 xã đạt xã nông thôn mới.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về kinh tế

- Tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2016-2020 đạt 11,13%/năm (trong đó nông lâm nghiệp tăng 10,21%, công nghiệp - xây dựng tăng 12,1%, thương mại - dịch vụ tăng 13,01%); giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng bình quân đạt 12,11%/năm (trong đó nông lâm nghiệp tăng 8,27%/năm, công nghiệp - xây dựng tăng 15,88%/năm, thương mại - dịch vụ tăng 17,39%/năm).

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế (VA) theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, giảm dần tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp; đến năm 2020 tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp còn 59,10%, công nghiệp - xây dựng chiếm 19,61%, thương mại - dịch vụ chiếm 21,29%; đến năm 2025 tỷ trọng các ngành nông lâm nghiệp giảm xuống còn 55,04%, công nghiệp - xây dựng tăng lên 20,38%%, thương mại - dịch vụ chiếm 24,57%.

- Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 19,0 triệu đồng; đến năm 2025 đạt 30,0 triệu đồng/người.

- Thu ngân sách tăng bình quân hàng năm từ 15 - 17%/năm; đến năm 2020 thu ngân sách trên địa bàn đạt khoảng 22.988 triệu đồng, năm 2025 đạt 38.658 triệu đồng.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 vào khoảng 1.160 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2025 vào khoảng 1.355 tỷ đồng.

- Đến năm 2020 có 01 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (đạt 19/19 tiêu chí), các xã còn lại đạt từ 12 tiêu chí trở lên; đến năm 2025 phấn đấu có 2 - 3 xã đạt tiêu chí nông thôn mới và hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2030.

b) Về văn hóa - xã hội

- Giảm tỷ suất sinh hàng năm là 0,35‰, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống 1,20% vào năm 2020 và 1,10% vào năm 2025. Đến năm 2020 dân số trung bình của huyện có 26.786 người, đến năm 2025 có 29.289 người.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 6,5%/năm, đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 24%, đến năm 2025 còn dưới 5% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020).

- Lĩnh vực giáo dục - đào tạo:

+ Đến năm 2020 huy động ít nhất 50% và 90% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo đến trường; 100% trẻ 5 tuổi, 90% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày; 40% học sinh trung học cơ sở được học 6 buổi/tuần; 100% các trường tiểu học tổ chức bán trú cho học sinh người dân tộc thiểu số. Đến năm 2025 huy động trẻ dưới 3 tuổi đi học nhà trẻ đạt 75%, trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 100%.

+ Đến năm 2020 tỷ lệ học sinh tiểu học trong độ tuổi đến trường 99%, bậc trung học cơ sở đạt 99%; duy trì tỷ lệ trên giai đoạn 2021-2025.

+ Đến năm 2020 có thêm 3 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I (nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất lên 7 trường), đến năm 2025 có 13 trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất.

+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 26%; đến năm 2025 đạt trên 30%; giai đoạn 2015-2020 bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 200 lao động, tạo việc làm mới cho 400 lao động; giai đoạn 2021-2025 bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 600 lao động.

- Lĩnh vực y tế:

+ Đến năm 2020 có 35 giường bệnh/10.000 dân, 1 bác sỹ/1.000 dân; đến năm 2025 có 38 giường bệnh/10.000 dân, 1,2 bác sỹ/1.000 dân.

+ Đến năm 2020 có 08/08 xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế, duy trì 8/8 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế sau năm 2020.

+ Thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi đến năm 2020 đạt từ 95 - 98%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở mức dưới 25%; đến năm 2025 tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 100%, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở mức dưới 20%.

+ Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2020 đạt 100% và duy trì mức 100% giai đoạn 2021-2025.

+ Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95% trở lên vào năm 2020 và đạt 98% trở lên vào năm 2025.

- Văn hóa: Đến năm 2020 hàng năm có 80% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 80% thôn, tổ dân phố được công nhận giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”; 90% cơ quan đơn vị trở lên đạt chuẩn văn hóa; 50% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Đến năm 2025 có 90% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 90% thôn, tổ dân phố được công nhận giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”; 98% cơ quan đơn vị trở lên đạt chuẩn văn hóa; 65% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

- Thể thao: Tỷ lệ người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đến năm 2020 đạt trên 28%, đến năm 2025 đạt 33%. Đến năm 2020 có 38 câu lạc bộ thể thao, đến năm 2025 có 58 câu lạc bộ thể thao.

c) Về môi trường

- Độ che phủ rừng đến năm 2020 đạt 65%, duy trì tỷ lệ trên giai đoạn 2021-2025.

- Thu gom và xử lý trên 90% chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp, trên 80% chất thải nguy hại và 100% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường.

- Trên 50% nghĩa trang trên địa bàn huyện được xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới.

- 100% cơ sở sản xuất đảm bảo vệ sinh môi trường, 100% cơ sở sản xuất xây dựng mới có công nghệ sạch.

d) Về quốc phòng - an ninh

Quốc phòng an ninh được giữ vững; gắn quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh từ cơ sở.

III. Quy hoạch phát triển các ngành, các lĩnh vực

1. Nông, lâm nghiệp, thủy sản

Khai thác hợp lý các lợi thế về khí hậu, đất đai, các nguồn lực để tiếp tục phát triển khu vực kinh tế nông nghiệp với tốc độ cao và ổn định, có những bước chuyển biến tích cực về cơ cấu trong nội bộ các ngành. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong nông nghiệp.

Đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ nhóm ngành, xây dựng cơ cấu hợp lý giữa sản xuất nông nghiệp - lâm nghiệp, trồng trọt - chăn nuôi - dịch vụ nông nghiệp, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến và phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng các mô hình canh tác tối ưu để gia tăng giá trị sản lượng và lợi nhuận trên một đơn vị diện tích.

Phát triển nông nghiệp đi đôi với xây dựng nông thôn mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực ở nông thôn, tạo ra sự phân công lao động mới, giải quyết việc làm và thu hẹp mức sống giữa nông thôn và thành thị.

Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2016-2020 đạt 10,21%, giai đoạn 2021-2025 đạt 8,27%. Đến năm 2020 tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp (tính theo VA) chiếm 59,10%, đến năm 2025 giảm xuống còn 55,04%.

a) Trồng trọt

Đến năm 2025 xác định các cây trồng chủ lực bao gồm: Cây ăn quả (sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, mít nghệ, chuối...) cây công nghiệp lâu năm (cà phê, tiêu) cây công nghiệp ngắn ngày (cây mía tím); ngoài ra duy trì diện tích lúa ở những khu vực chủ động về nguồn tưới tiêu, những khu vực trồng lúa khó khăn về nguồn nước tưới cần chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, giảm dần diện tích trồng ngô, sắn để chuyển sang trồng cây ăn quả... phát triển một số loại cây trồng mới cây bơ booth, tiếp tục nghiên cứu mô hình trồng thử nghiệm cây macca... đẩy mạnh vào thâm canh, xây dựng các quy trình sản xuất tiên tiến để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường và nâng hiệu quả kinh tế.

Đến năm 2025 diện tích gieo trồng các loại cây trồng chủ yếu như sau: Lúa 480 ha (sản lượng 1.840 tấn), ngô 900 ha (sản lượng 3.780 tấn), sắn 200 ha (sản lượng 2.600 tấn), mía 700 ha (sản lượng 52.500 tấn), cà phê 550 ha (sản lượng 1.375 tấn), tiêu 50 ha (sản lượng 60 tấn), sầu riêng 470 ha (sản lượng 3.290 tấn), mít nghệ 394 ha, chuối 800 ha (sản lượng 16.000 tấn), măng cụt 325 ha (sản lượng 900 tấn), chôm chôm 150 ha (sản lượng 1.500 tấn), bơbooth 50 ha.

b) Chăn nuôi

Từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo mô hình trang trại, gia trại tập trung, đáp ứng nhu cầu thực phẩm đảm bảo chất lượng cho tiêu dùng trong và ngoài huyện, đồng thời tạo sản phẩm cung cấp cho phát triển du lịch. Đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm, khống chế có hiệu quả các bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi; khuyến khích phát triển chăn nuôi tại các xã và hạn chế phát triển chăn nuôi tại thị trấn Tô Hạp. Chỉ tiêu của ngành chăn nuôi của huyện đến năm 2025 như sau:

Mức tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2020 ở mức 10,96%, giai đoạn 2021-2025 ở mức 9,36%.

Đến năm 2020 tổng đàn gia súc có 13.750 con (trâu 250 con, bò 6.500 con, heo 7.500 con), sản lượng đạt 667,8 tấn; tổng đàn gia cầm có 59.300 con, sản lượng đạt 68 tấn. Đến năm 2025 tổng đàn gia súc có 20.760 con (trâu 260 con, bò 8.500 con, heo 12.000 con), sản lượng đạt 1.054,2 tấn; đàn gia cầm có 89.000 con, sản lượng đạt 102 tấn.

c) Thủy sản

Tập trung khai thác diện tích mặt nước, ao hồ và diện tích mặt nước các hồ thủy lợi để phát triển nuôi cá, tập trung vào các giống như: Rô phi, diêu hồng, cá truyền thống; hỗ trợ xây dựng thí điểm một số mô hình nuôi lươn, nuôi cá lóc, cá trê, nuôi ếch trong bể xi măng, nuôi cá chép giòn...

Diện tích nuôi thủy sản phát triển đơn lẻ, phân tán trong các hộ gia đình; quy mô diện tích nuôi đến năm 2020 và 2025 ở mức 20 ha, sản lượng đạt 58 tấn.

d) Lâm nghiệp

Bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng để nâng cao năng lực cung cấp của rừng, nâng độ che phủ rừng. Hình thành diện tích rừng sản xuất kinh doanh rõ nét chủ yếu là rừng trồng. Chú trọng phát triển sản xuất lâm nghiệp từ gỗ, ngoài gỗ, từ sản xuất nông lâm kết hợp và đặc sản rừng cũng như phát triển kinh doanh du lịch sinh thái thông qua giá trị cảnh quan của rừng.

Hoàn thành nhiệm vụ phủ xanh đất trống đồi trọc, đảm bảo độ che phủ của rừng đạt từ 65% vào năm 2020 và duy trì tỷ lệ trên sau năm 2020, phấn đấu nâng cao chất lượng quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng rừng tự nhiên, rừng trồng; đẩy mạnh công tác giao rừng cho hộ gia đình quản lý bảo vệ đồng thời có chính sách, cơ chế hỗ trợ phù hợp để người dân khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng (trong đó xây dựng hỗ trợ một số mô hình khoanh nuôi tái sinh rừng lồ ô, trồng rừng lồ ô đây là mô hình vừa bảo vệ rừng, tăng độ che phủ rừng, giúp người dân có thu nhập ổn định từ rừng từ việc thu măng và bán cây lồ ô).

Giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng ngành lâm nghiệp bình quân đạt 14,68%/năm, giai đoạn 2021-2025 bình quân đạt 8,78%/năm. Đến năm 2020 cơ cấu giá trị ngành lâm nghiệp chiếm 11,5% giá trị ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, đến năm 2025 cơ cấu ngành chiếm 12,1%.

- Tổng diện tích khoanh nuôi tái sinh từ năm 2016 đến năm 2020 là 955 ha; giai đoạn 2021-2025 là 550 ha.

- Tổng diện tích trồng đến năm 2020 là 7.175 ha (trong đó rừng phòng hộ 250 ha, trồng rừng sản xuất 3.434 ha, trồng rừng sau khai thác 4.491 ha); giai đoạn 2021-2025 tổng diện tích trồng rừng 6.200 ha (trồng rừng phòng hộ 250 ha, trồng rừng sản xuất 3.000 ha, trồng lại rừng sau khai thác 3.000 ha).

- Khai thác rừng: Giai đoạn 2016-2020 khai thác 3.491 ha, với sản lượng khai thác 209.467 m3; giai đoạn 2021-2025 khai thác 3.000 ha, sản lượng khai thác 180.000 m3.

- Giai đoạn 2016-2020 mỗi năm trồng 200.000 cây phân tán tương đương 100 ha/năm; mở đường lâm nghiệp 37 km, làm mới ranh cản lửa 50 km, duy tu 450 km ranh cản lửa, xây dựng sửa chữa 08 chòi canh cản lửa; xây dựng sửa chữa 03 Trạm quản lý bảo vệ rừng.

Đến năm 2020 tổng diện tích đất lâm nghiệp của huyện có 23.895,43 ha (rừng phòng hộ 13.533,77 ha, rừng đặc dụng 2.329,99 ha, rừng sản xuất 8.031,87 ha); đến năm 2025 diện tích đất lâm nghiệp có 23.963,76 ha (rừng phòng hộ có 15.533,77 ha, rừng đặc dụng có 2.329,99 ha, rừng sản xuất có 8.100 ha).

2. Công nghiệp - xây dựng và tiểu thủ công nghiệp

Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển ngành công nghiệp - xây dựng với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 ở mức 12,1%/năm, giai đoạn 2021-2025 đạt 15,88%/năm. Đến năm 2020 tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng trong tổng cơ cấu kinh tế của huyện (theo VA) chiếm 19,61%, đến năm 2025 chiếm 20,38%.

Huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Sơn Bình, kêu gọi và thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, trong đó ưu tiên các lĩnh vực sản xuất như: Mộc dân dụng, chế biến các sản phẩm từ chuối, mít, nhựa thông, sản xuất thức ăn gia súc...; cấp phép cho doanh nghiệp khai thác đá xây dựng tại các mỏ đá tại xã Sơn Trung, Ba Cụm Bắc, Tô Hạp, khai thác cát xây dựng trên sông Tô Hạp (đoạn từ Sơn Lâm đến thị trấn Tô Hạp)...

Khuyến khích phát triển các nghề như: Sửa chữa ô tô, xe máy, máy nông nghiệp, điện tử, điện gia dụng, sản xuất nông cụ cầm tay, may mặc, dệt thổ cẩm, xây dựng...

* Bố trí quy hoạch không gian sản xuất

- Giai đoạn 2016-2020 đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Sơn Bình, quy mô 20,0 ha để thu hút, phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến nông sản, cơ khí - sửa chữa, chế biến thức ăn gia súc, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến lâm sản...

- Giai đoạn 2021-2025: Triển khai xây dựng cụm điểm công nghiệp tại thị trấn Tô Hạp (quy mô 15 ha thuộc phần mở rộng tại xã Sơn Trung) với ngành nghề chủ yếu sản xuất sản phẩm kim loại (nông cụ, cửa sắt, đồ nhôm) và sửa chữa ô tô, máy kéo, máy nông nghiệp.

3. Thương mại, dịch vụ và du lịch

Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch theo hướng văn minh, hiện đại với sự tham gia của các thành phần kinh tế và sự đa dạng của các loại hình tổ chức phân phối, các hoạt động dịch vụ và phương thức kinh doanh. Đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và phục vụ đời sống; góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xóa đói giảm nghèo, hội nhập kinh tế - thương mại của tỉnh và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Đầu tư xây dựng các cơ sở kinh doanh dịch vụ thương mại 2 bên bờ sông Tô Hạp (đoạn thuộc thị trấn Tô Hạp, Ba Cụm Bắc, Sơn Trung) sau khi dự án xây dựng kè sông Tô Hạp được hoàn thành, đầu tư xây dựng điểm dừng chân đỉnh đèo, thác nước cây Da... để tạo điểm nhấn và động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành du lịch, dịch vụ thương mại của huyện.

Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tự do kinh doanh, tự do hành nghề, tự do cạnh tranh theo cơ chế thị trường và đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh phát triển hệ thống trung tâm thương mại, chợ đầu mối nông sản, hoàn thiện hệ thống chợ xã và các cửa hàng chính sách; đẩy mạnh phát triển các nhà hàng khách sạn, hệ thống dịch vụ đáp ứng nhu cầu cho phát triển du lịch...

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ đạt 13,01% giai đoạn 2016-2020 và 17,39% giai đoạn 2021-2025. Tăng tỷ trọng của ngành thương mại - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của huyện (theo VA) từ 19,87% năm 2015, lên 21,29% vào năm 2020 và 24,57% vào năm 2025.

* Các lĩnh vực chủ yếu:

- Lĩnh vực dịch vụ: Phát triển nhanh tất cả các dịch vụ công cộng và dịch vụ sản xuất như: Khách sạn - nhà hàng, tài chính - ngân hàng, vận tải - bưu điện, tư vấn, khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế, văn hóa - thể thao, phục vụ cá nhân và cộng đồng... trong đó đặc biệt chú trọng các dịch vụ như: Tài chính - ngân hàng, vận tải - bưu điện, giáo dục, y tế, văn hóa - thể thao.

- Lĩnh vực thương mại: Đẩy mạnh và hoàn thiện khâu tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là tiêu thụ các sản phẩm nông sản bằng việc liên kết với các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng một số cửa hàng, siêu thị chuyên bán các loại nông sản đặc sản của huyện tại các trung tâm du lịch của tỉnh như: Thành phố Nha Trang, thành phố Cam Ranh... để phục vụ khách du lịch, người dân trong vùng, đồng thời là kênh quảng bá thương hiệu sản phẩm nông sản; đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng thương mại gồm:

+ Xây dựng trung tâm thương mại tại thị trấn Tô Hạp, quy mô 0,60 ha (trên cơ sở mở rộng chợ Tô Hạp hiện có ra hết phần diện tích bến xe) đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa trong và ngoài huyện.

+ Xây dựng chợ trung tâm nông sản quy mô 1,50 ha phần diện tích mở rộng của thị trấn Tô Hạp thuộc xã Ba Cụm Bắc, đáp ứng cho nhu cầu thu mua, trao đổi hàng nông sản của huyện với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.

+ Giai đoạn 2015-2025 cần đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các chợ Sơn Hiệp (quy mô 0,20 ha), chợ Ba Cụm Nam (diện tích 0,2 ha), chợ Thành Sơn (diện tích 0,20 ha), chợ Ba Cụm Bắc (diện tích 0,2 ha); đầu tư nâng cấp chợ Sơn Bình, chợ Sơn Lâm.

+ Cửa hàng xăng dầu: Duy trì hệ thống cửa hàng cung cấp xăng dầu hiện có; đầu tư xây dựng thêm cửa hàng xăng dầu tại thị trấn Tô Hạp, xã Sơn Hiệp, xã Thành Sơn.

- Lĩnh vực du lịch: Liên kết với các trung tâm du lịch trong và ngoài tỉnh để hình thành các tour du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với thưởng thức các sản phẩm nông sản của địa phương; giai đoạn 2016-2020 hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng khu du lịch sinh thái thác Tà Gụ, điểm dừng chân đỉnh đèo, thác nước cây Da... đầu tư xây dựng các nhà hàng khách sạn tại thị trấn Tô Hạp để đáp ứng cho nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của khách du lịch. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ngành du lịch và hình thành các tour du lịch sau:

- Tour du lịch: Phối hợp với các trung tâm du lịch trong và ngoài tỉnh (Nha Trang, Bãi Dài, Ninh Thuận, Đà Lạt...) các đơn vị kinh doanh du lịch để hình thành và khai thác các tour du lịch: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá núi rừng, tìm hiểu bản sắc văn hóa, di tích lịch sử và thưởng thức các loại nông sản đặc sản của địa phương:

+ Liên kết các trang trại trồng cây ăn trái để hình thành các tour du lịch tham quan nghỉ dưỡng Khánh Sơn (dừng chân tại thị trấn Tô Hạp, hoặc khu du lịch thác Tà Gụ) du khách đi tham quan, ngắm cảnh các điểm du lịch trên địa bàn huyện, xuống các thôn làng tìm hiểu đời sống văn hóa và tập quán sản xuất của đồng bào tại chỗ, tham quan các vườn cây, thưởng thức những loại nông đặc sản của địa phương...

+ Tour du lịch tìm hiểu khám phá vườn quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận), khu rừng sinh thái Tà Gụ và khu bảo tồn sinh thái Hòn Bà.

+ Tour du lịch Tà Gụ - Vườn Quốc gia Phước Bình - Thành phố Đà Lạt...

- Các điểm kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện gồm:

+ Nhà hàng và trạm dừng chân điều hành tại thị trấn Tô Hạp (theo quy hoạch xây dựng thị trấn Tô Hạp).

+ Khu du lịch sinh thái thác Tà Gụ, xã Sơn Hiệp (trong đó khu hạ tầng phục vụ cho du lịch quy mô 12,52 ha); khu du lịch sinh thái Hòn Quy - Cô Róa, (xã Sơn Lâm), khu du lịch sinh thái núi Sa Gai (xã Thành Sơn), điểm du lịch suối Đá, trạm dừng chân đỉnh đèo, thác nước cây Da (xã Ba Cụm Bắc), điểm du lịch rừng thông (xã Sơn Hiệp - Sơn Bình).

+ Các điểm du lịch về tìm hiểu về lịch sử văn hóa như: Sân bay Tà Nĩa (xã Sơn Trung), căn cứ cách mạng thị trấn Tô Hạp, di tích Đàn Đá Khánh Sơn (thị trấn Tô Hạp), khu căn cứ Công an tỉnh (xã Ba Cụm Nam)... Các điểm du lịch tìm hiểu đời sống văn hóa, tập quán sản xuất của người dân, tham quan vườn cây ăn trái, thưởng thức những sản phẩm nông sản (tại thị trấn Tô Hạp, xã Thành Sơn, xã Sơn Lâm, xã Sơn Bình, xã Ba Cụm Bắc, xã Sơn Trung...).

4. Văn hóa - xã hội

a) Dân số, lao động, việc làm

- Quy mô dân số đến năm 2020 có 26.786 người và đến năm 2025 có người 29.289 người. Đến năm 2020 tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức 1,20%, đến năm 2025 tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm xuống còn 1,10%.

- Dân số đô thị đến năm 2020 có 5.623 người, đến năm 2025 dân số đô thị có 6.300 người (chiếm 21,4%) .

- Đến năm 2020 nguồn lao động của huyện có 14.700 người, năm 2025 có 16.450 người. Lao động cần bố trí việc làm vào năm 2020 khoảng 13.500 người, năm 2025 khoảng 15.300 người.

- Cơ cấu lao động đến năm 2020: Nông lâm nghiệp chiếm 67,0%, phi nông nghiệp chiếm 33,0%; đến năm 2025: Nông lâm nghiệp chiếm 60,0%, phi nông nghiệp chiếm 40,0%.

b) Giáo dục và đào tạo

Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo theo hướng toàn diện. Ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí và bồi dưỡng nguồn nhân lực. Thực hiện có hiệu quả các phong trào “Hai không”, xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, qua đó cải thiện chất lượng giáo dục toàn diện. Đổi mới cơ cấu tổ chức quản lý, nội dung, phương pháp dạy và học, thực hiện chủ trương “Chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa”. Nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng.

* Huy động học sinh đến trường:

- Giáo dục mầm non: Đến năm 2020, huy động ít nhất 50% và 85% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo đến trường, trẻ 5 tuổi học mẫu giáo để chuẩn bị vào lớp 1 đạt 100%, có 100% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày. Đến đến năm 2025 huy động ít nhất 75% và 95% trẻ trong độ tuổi, mẫu giáo đến trường, trẻ 5 tuổi học mẫu giáo để chuẩn bị vào lớp 1 đạt 100%, 100% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày.

- Giáo dục tiểu học: Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đến năm 2020 đạt 99% và duy trì tỷ lệ 99% vào năm 2025; đến năm 2020 có 90% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày và tỷ lệ trên đạt 100% vào năm 2025.

- Bậc trung học cơ sở: Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường năm 2020 đạt 99% và duy trì mức 99% năm 2025.

- Bậc phổ thông trung học: Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở theo học ở bậc phổ thông trung học đến năm 2020 đạt 40% và đến năm 2025 đạt 55%.

* Đối với cơ sở vật chất:

- Đến năm 2020: Cấp mầm non có 10 trường (có 05 trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất), cấp tiểu học có 6 trường (có 2 trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất), cấp trung học cơ sở có 06 trường (có 02 trường đạt chuẩn), cấp phổ thông trung học có 01 trường.

- Đến năm 2025: Cấp mầm non có 10 trường (có 08 trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất), cấp tiểu học có 06 trường (có 04 trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất), trung học cơ sở có 07 trường (có 04 trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất), cấp phổ thông trung học có 02 trường (có 01 trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất).

* Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất: Giai đoạn 2016-2020 xây dựng mới 2 trường mầm non (mầm non Phong Lan xã Sơn Lâm, mầm non xã Ba Cụm Bắc); xây dựng văn phòng, phòng học cho các trường: Mầm non Anh Đào, mầm non Hoàng Oanh, mầm non Vành Khuyên. Xây dựng văn phòng làm việc Trường Trung học cơ sở Sơn Bình; xây dựng mới trường phổ thông trung học cho các xã cánh Tây huyện (xã Sơn Lâm). Giai đoạn 2021-2025 duy tu bảo dưỡng, nâng cấp các công trình hiện có.

* Đào tạo nghề: Thực hiện tốt công tác đào tạo nghề tại Trường Trung cấp nghề; đến năm 2020 lao động qua đào tạo đạt 40%, đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 50%. Đến năm 2020 số người có việc làm tăng thêm 400 người/năm, đến năm 2020 số người có việc làm tăng thêm 600 người/năm. Giai đoạn 2016-2020 mỗi năm đào tạo nghề cho 200 lao động, giai đoạn 2021-2025 mỗi năm đào tạo nghề cho 400 lao động. Ngoài các lớp đào tạo nghề tại Trường Trung cấp nghề của huyện thì các lao động có thể theo học tại các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề trong và ngoài tỉnh hoặc các cơ sở đào tạo nghề tư nhân.

* Đào tạo cán bộ: Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức xã đủ tiêu chuẩn, trình độ quản lý nhà nước và thành thạo chuyên môn, nghiệp vụ theo từng chức danh quy định của cấp trên; đến năm 2020 có 100% cán bộ, công chức xã đạt chuẩn về trình độ văn hóa, chính trị và chuyên môn, trong đó có 30% trên chuẩn; đến năm 2025 có trên 50% cán bộ các xã đạt trên chuẩn. Giai đoạn 2015-2020 đào tạo 720 cán bộ (bình quân mỗi năm 120 người).

c) Y tế

Xây dựng hệ thống y tế huyện để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ; giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong, tăng tuổi thọ, nâng cao chất lượng giống nòi và cải thiện chất lượng cuộc sống. Thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về dân số và kế hoạch hóa gia đình. Củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở, nhất là ở các thôn làng vùng dân tộc thiểu số. Chú trọng công tác truyền thông, nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục bình đẳng giới, nhân rộng các mô hình gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, qua đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi gia đình đối với toàn xã hội.

* Một số chỉ tiêu đến năm 2020 và năm 2025

- Đến năm 2020 có 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; duy trì tỷ lệ 100% từ 2021-2025.

- Đến năm 2020 có 10 bác sỹ/vạn dân và duy trì tỷ lệ 10 bác sỹ/vạn dân giai đoạn 2021-2025.

- Đến đến năm 2020 có 70% trạm y tế có bác sỹ và đến năm 2025 có 100% trạm y tế có bác sỹ.

- Đến năm 2020 có 35 giường bệnh/vạn dân; đến năm 2025 đạt 37 giường bệnh/vạn dân.

- Tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm còn 21,37% vào năm 2020 và giảm còn 18,37% vào năm 2025.

- Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2020 đạt 100% và duy trì tỷ lệ đạt 100% giai đoạn 2021-2025.

* Củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở

- Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cơ bản của toàn dân, đồng thời thực hiện được một số kỹ thuật đơn giản trong khám, điều trị một số bệnh chuyên khoa về mắt, răng, tai - mũi - họng, sức khỏe sinh sản và sức khỏe trẻ em.

- Bảo đảm trên 100% số trạm y tế xã có bác sĩ; duy trì 100% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 100% trạm y tế xã có dược tá hoặc cán bộ y tế kiêm nhiệm dược tá và 100% trạm y tế xã có cán bộ làm công tác y dược học cổ truyền. Bảo đảm tối thiểu có 05 cán bộ y tế theo chức danh do Bộ Y tế quy định cho một trạm y tế xã.

- Bảo đảm mỗi thôn, làng có từ 01 đến 02 nhân viên y tế có trình độ từ sơ cấp y trở lên hoạt động.

- Bảo đảm mỗi trường phổ thông có từ 01 - 02 cán bộ y tế phục vụ, trong đó ít nhất có 01 cán bộ đạt trình độ từ trung cấp y trở lên.

- Tiếp tục nâng cấp bệnh viện huyện cả về quy mô và trang thiết bị, xây dựng phòng khám khu vực và nâng cấp các trạm y tế xã đạt chuẩn.

* Củng cố và phát triển mạng lưới y tế dự phòng

Xây dựng và phát triển Trung tâm Y tế dự phòng huyện đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ: Giám sát dịch tễ, vệ sinh phòng, chống dịch; kiểm soát và phòng, chống HIV/AIDS; truyền thông giáo dục sức khỏe; chăm sóc sức khỏe sinh sản và xây dựng làng văn hóa sức khỏe.

* Đầu tư xây dựng: Giai đoạn 2016-2020 xây dựng Trung tâm Y tế dự phòng kết hợp với Đội chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ trẻ em huyện tại xã Sơn Trung diện tích 0,05 ha; đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ cho khám chữa bệnh tại bệnh viện huyện; đầu tư trang thiết bị cho phòng khám đa khoa tại xã Sơn Lâm; đầu tư nâng cấp trang thiết bị cho các trạm y tế xã, thị trấn. Giai đoạn 2021-2025 tiếp tục nâng cấp và đầu tư trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh cho các cơ sở y tế trên địa bàn huyện.

d) Văn hóa, thông tin, thể thao

Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao hướng về cơ sở; mở rộng và nâng cao chất lượng hệ thống thông tin, truyền thông; đẩy mạnh phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, từng bước cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục nâng cao công tác bảo tồn và xây dựng các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng tại các làng, xã để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số.

* Các chỉ tiêu chính đến năm 2020 và năm 2025

- Đến năm 2020 có 80% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 80% thôn, tổ dân phố được công nhận giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”’ 90% cơ quan, đơn vị trở lên đạt chuẩn văn hóa; 50% xã chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn chuẩn văn minh đô thị.

- Đến năm 2025 có 85% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 85% thôn, tổ dân phố được công nhận giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”’ 95% cơ quan, đơn vị trở lên đạt chuẩn văn hóa; 60% xã chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn chuẩn văn minh đô thị.

- Tỷ lệ người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đến năm 2020 đạt trên 28% tổng dân số và đến năm 2025 đạt 33%.

- Đến năm 2020 có 38 câu lạc bộ, phòng tập thể dục thể thao, đến năm 2025 có 58 câu lạc bộ, phòng tập thể dục thể thao.

* Đầu tư xây dựng hạ tầng văn hóa thể thao

- Lĩnh vực văn hóa: Xây dựng nhà văn hóa thiếu nhi huyện tại thị trấn Tô Hạp (diện tích 0,4 ha), khu vui chơi thiếu nhi của huyện (diện tích 0,45 ha); xây dựng mới trung tâm văn hóa của các xã Sơn Hiệp, Thành Sơn, Sơn Bình, Sơn Trung, Ba Cụm Bắc; nâng cấp trung tâm văn hóa các xã Sơn Lâm, Ba Cụm Nam. Xây dựng các điểm sinh hoạt văn hóa cho tất cả các thôn, tổ dân phố.

- Lĩnh vực thể thao: Xây dựng khu liên hợp thể thao của huyện tại thị trấn Tô Hạp (diện tích 3,20 ha); xây dựng mới sân thể thao trung tâm các xã Sơn Trung, Sơn Hiệp, Sơn Bình, Thành Sơn, Ba Cụm Bắc; cải tạo nâng cấp sân thể thao của xã Sơn Lâm, Ba Cụm Nam. Xây dựng sân thể thao các thôn theo đề án quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt.

e) An sinh xã hội

Hình thành hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân, bảo đảm cho người dân trên địa bàn huyện tiếp cận đến các chính sách việc làm, giảm nghèo, tham gia bảo hiểm xã hội, hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tăng cường các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin), từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng.

- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp: Đảm bảo 100% người lao động trong các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện được đóng và hưởng quyền lợi theo quy định.

- Bảo hiểm y tế: Đến năm 2020 tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 100% và duy trì tỷ lệ trên sau năm 2020.

- Cứu trợ và trợ giúp xã hội: Huy động các nguồn lực của Nhà nước, của doanh nghiệp của tư nhân để thực hiện công tác cứu trợ và trợ giúp xã hội đối với người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khi gặp rủi ro, thiên tai... đúng đối tượng, kịp thời; đẩy mạnh phát triển các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ mồ côi, người khuyết tật, nhất là mô hình dưỡng lão.

- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống an sinh khác như: Đào tạo nghề giải quyết việc làm, giáo dục, y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, xóa nhà tạm...

Hạng mục đầu tư:

- Nâng cấp, mở rộng Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác xã hội của huyện tại xã Ba Cụm Bắc (nâng quy mô nuôi dưỡng từ 21 đối tượng lên 100 đối tượng vào năm 2020) và 150 - 200 đối tượng vào năm 2025.

- Huy động các nguồn vốn hỗ trợ từ doanh nghiệp, vốn vay tín dụng, vốn ngân sách kết hợp nguồn vốn sẵn có của dân để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho đối tượng là hộ nghèo, hộ gia đình chính sách trên địa bàn huyện; phấn đấu giai đoạn 2016-2020 xây dựng mới và sửa chữa 859 nhà cho đối tượng là hộ nghèo trên địa bàn huyện.

5. Phát triển hạ tầng kỹ thuật

a) Quy hoạch giao thông

Tập trung và huy động các nguồn vốn để đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh, đường huyện, lộ chạy qua địa bàn huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa các vùng kinh tế, giúp cho việc vận chuyển hàng hóa, nông sản được thuận lợi và tăng hiệu quả kinh tế rút ngắn thời gian vận chuyển. Phối hợp với tỉnh Ninh Thuận đề xuất nâng cấp đường Tỉnh ĐT.656 Khánh Hòa (dài 56 km) và đường Tỉnh ĐT.707 Ninh Thuận (dài 40 km) lên thành quốc lộ kết nối với Quốc lộ 27 đi tỉnh Lâm Đồng để tạo điều kiện thuận lợi nâng cấp mở rộng tuyến đường này; xây dựng tuyến đường Yang Bay đi thác Tà Gụ kết nối với đường Tỉnh ĐT.656 để góp phần phát triển kinh tế - xã hội 2 huyện Khánh Sơn - Khánh Vĩnh và đảm bảo đường ĐT.656 không bị xảy ra cô lập khi bị thiên tai, phục vụ an ninh quốc phòng của địa phương và khu vực; phối hợp với tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu xây dựng tuyến đường từ cầu Hàm Leo (xã Thành Sơn) nối với khu vực K’Long Lanh (huyện Lạc Dương) kết nối với Quốc lộ 27C đi thành phố Đà Lạt để thông thương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Khánh Sơn, huyện Lạc Dương và thành phố Đà Lạt. Đầu tư xây dựng hệ thống đường phục vụ sản xuất lâm nghiệp, phát triển và bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; xây dựng cầu kiên cố qua sông Tô Hạp.

* Đầu tư phát triển

- Đường tỉnh lộ, đường huyện: Duy tu bảo dưỡng, nâng cấp mở rộng đường Tỉnh lộ 9 (ĐT.656) đạt tiêu chuẩn đường IV miền núi, phối hợp với tỉnh Ninh Thuận đề xuất nâng cấp đường ĐT.656 (Khánh Hòa) và đường ĐT.704 (Ninh Thuận) lên thành quốc lộ kết nối với Quốc lộ 27; nâng cấp, mở rộng các tuyến đường: Đường đi thác Tà Gụ, đường Ba Cụm Bắc - Ba Cụm Nam, đường liên xã Sơn Trung - Sơn Hiệp - Sơn Bình; đường vào Trung tâm Dạy nghề của huyện; đường vào suối Đá (xã Ba Cụm Bắc); đường vào suối Sóc (xã Sơn Bình) đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi. Thông tuyến đường từ Dốc Gạo đi cầu Gỗ Sơn Bình, nối với đường Liên Bình xã Sơn Lâm; xây dựng tuyến đường từ Cô Róa (xã Sơn Lâm) đi xã Thành Sơn. Giai đoạn 2020-2025 phối hợp với tỉnh Lâm Đồng xây dựng tuyến đường từ cầu Hàm Leo (xã Thành Sơn) nối với Quốc lộ 27C đường Khánh Lê - Lâm Đồng tại khu vực K’Long Lanh (huyện Lạc Dương); xây dựng cầu kiên cố qua sông Tô Hạp.

- Đường đô thị: Xây dựng mới tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, đường Ngô Quyền (nối Sơn Trung - Ba Cụm Bắc), đường D9; nâng cấp, cải tạo vỉa hè đường Lê Duẩn, đường Hai Bà Trưng; nâng cấp, đường đi thôn Tà Lương, đường Nguyễn Du, đường Lê Hồng Phong, đường Dốc Gạo đi trường Sơn Ca... nâng cấp các tuyến đường nội bộ theo quy hoạch xây dựng thị trấn Tô Hạp.

- Đường xã, đường thôn, đường sản xuất: Đầu tư xây dựng, nâng cấp theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới (đường xã 7,76 km, đường thông xóm 35,52 km, đường sản xuất 46,8 km).

* Xây dựng bến bãi: Đến năm 2020 xây dựng mới một bến xe tại thị trấn Tô Hạp (phần diện tích mở rộng thuộc xã Ba Cụm Bắc) với diện tích 0,87 ha; đồng thời chuyển diện tích của bến xe hiện có sang mở rộng trung tâm thương mại của huyện.

b) Quy hoạch phát triển hệ thống thủy lợi

Đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi hiện có, xây dựng mới các công trình đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, trong đó:

* Giai đoạn 2016-2020:

- Xây dựng mới các công trình: Hồ thủy lợi Sơn Trung, quy mô tưới 100 ha, hồ Cô Róa (Sơn Lâm) quy mô tưới 200 ha, xây dựng đập dâng tại xã Sơn Lâm (đập suối Cối, suối Mã, suối Ngựa), xây dựng kè Tô Hạp giai đoạn II (qua thị trấn Tô Hạp, Ba Cụm Bắc, Sơn Trung và Sơn Hiệp).

- Nâng cấp công trình đầu mối và kênh mương đập Đầu Bò Thượng (xã Sơn Trung), công trình đầu mối và hệ thống kênh mương đập thủy lợi Dốc Trầu (xã Ba Cụm Bắc), đập và kênh mương của đập dâng Kra Nóa (xã Sơn Bình).

* Các công trình đầu tư giai đoạn 2021-2025

- Các công trình xây dựng mới: Hồ Sơn Bình (xã Sơn Bình) quy mô tưới 100 ha, hồ Ba Cụm Bắc (xã Ba Cụm Bắc) quy mô tưới 100 ha, đập dâng Ka Tơ (xã Ba Cụm Nam) quy mô tưới 20 ha, hồ thủy lợi hồ Tà Lương (thị trấn Tô Hạp) quy mô tưới 25 ha; xây dựng kè sông Tô Hạp (đoạn qua xã Sơn Bình).

- Nâng cấp đập dâng và hệ thống kênh mương của các công trình: Đập A Pa II (xã Thành Sơn); đập Kra Nóa, đập suối Sóc, đập Kô Lắk (xã Sơn Bình); đập Ty Lay, đập Tà Gụ (xã Sơn Hiệp); đập Ty Kay, đập suối Cạn, đập Đầu Bò Thượng (xã Sơn Trung); đập Hòn Dung, đập Tà Lương (thị trấn Tô Hạp); đập A Thi, đập suối Mây, đập Lô Ô, đập Dốc Trầu, đập Cây Da (Ba Cụm Bắc); đập suối Me (Ba Cụm Nam)...

c) Quy hoạch cấp điện

Hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, nâng cao chất lượng mạng lưới truyền tải điện đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định cho khách hàng, giảm sự cố, giảm tổn thất điện năng. Tập trung đầu tư nguồn và lưới điện truyền tải đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định cho sản xuất tại cụm công nghiệp Sơn Bình (khi cụm đi vào hoạt động) và các cở sở sản xuất kinh doanh, các tổ chức và hộ gia đình cá nhân có nhu cầu dùng trên địa bàn toàn huyện.

- Nâng cấp trạm 35/22KV tại xã Sơn Trung thành trạm 110/22KV dung lượng 16MVA để đáp ứng nhu cầu điện cho sinh hoạt và sản xuất;

- Xây dựng mới tuyến hạ thế từ chợ đi xóm 10 thôn Liên Hòa (xã Sơn Bình);

- Xây dựng lưới hạ thế thôn Tha Mang, xã Ba Cụm Bắc;

- Xây dựng cải tạo lưới hạ thế từ Tỉnh lộ 9 đi suối Phèn xã Sơn Hiệp;.

- Nâng cấp lưới hạ thế trong các khu dân cư để đáp ứng nhu cầu dùng điện, đảm bảo đến năm 2020 có 100% hộ gia đình được sử dụng điện cho sinh hoạt.

d) Quy hoạch cấp nước sinh hoạt

Tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 95% vào năm 2020 và đạt trên 97% vào năm 2025. Đối với thị trấn Tô Hạp đảm bảo cấp nước sinh hoạt đến từng hộ dân, đến năm 2020 tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ công trình cấp nước tập trung chiếm 85% và đến năm 2025 đạt trên 95%. Đối với các xã, đến năm 2020 có 80% hộ gia đình được sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ công trình cấp nước tập trung, đến năm 2025 là trên 90%.

Giai đoạn 2016-2020: Đầu tư nâng cấp tuyến ống và bể chứa lắng lọc công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Sơn Trung. Tiến hành lắp đặt đồng hồ và triển khai thu phí nước sinh hoạt tại 03 xã: Sơn Bình, Sơn Hiệp, Sơn Trung trên để lấy kinh phí duy tu bảo dưỡng và vận hành công trình. Tiếp tục sửa chữa nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt tại các xã Sơn Trung - Ba Cụm Bắc, Sơn Lâm... Giai đoạn 2021-2025 tiếp tục duy tu bảo dưỡng và nâng cấp các công trình hiện có.

e) Quy hoạch bưu chính viễn thông, phát thanh truyền hình

Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới thông tin, truyền thông của huyện đảm bảo tính tiên tiến, hiện đại, hoạt động hiệu quả, an toàn, tin cậy và phủ rộng trên địa bàn huyện. Phát triển dịch vụ thông tin, truyền thông, đẩy nhanh tốc độ phổ cập các dịch vụ mới, trong đó chú ý đến việc phát triển dịch vụ di động, Internet, thương mại điện tử và các dịch vụ khác. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn và phẩm chất, đủ khả năng giải quyết những vấn đề quản lý, điều hành, khai thác cơ sở hạ tầng phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nền kinh tế, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Các chỉ tiêu của ngành đến năm 2025 như sau:

- Tiếp tục duy trì 07/07 xã đạt tiêu chí về bưu điện đến năm 2020 và 2025.

- Đảm bảo các hộ gia đình có máy thu hình trên địa bàn huyện xem được truyền hình bằng các phương thức khác nhau sau khi chuyển đổi sang phát sóng truyền hình số mặt đất. Đến năm 2020, mật độ điện thoại (cố định và di động) là trên 85 thuê bao/100 dân, tỷ lệ số dân sử dụng Internet đạt 40%, mật độ Internet đạt 7 máy/100 dân. Đến năm 2025, mật độ điện thoại (cố định + di động) là trên 95 thuê bao/100 dân, tỷ lệ số dân sử dụng Internet đạt trên 50%, mật độ Internet đạt 10 máy/100 dân.

- Đến năm 2020 đưa Internet tốc độ cao đến các thôn làng, đảm bảo 50% thôn làng có Internet và đạt trên 55% vào năm 2025.

- Đến năm 2020 thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực của xã hội; ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính nhằm xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4, phấn đấu 80% văn bản trao đổi giữa các cơ quan quản lý nhà nước được trao đổi hoàn toàn trên mạng; ứng dụng hệ thống một cửa điện tử hiện đại, triển khai hệ thống hội nghị truyền hình đến cấp xã...

- Xây dựng hạ tầng thông tin phục vụ tốt công tác phòng chống lũ lụt, tìm kiếm cứu nạn, an ninh quốc phòng.

g) Quy hoạch bảo vệ môi trường, xử lý chất thải rắn

* Về thoát nước: Xây dựng hệ thống mương, rãnh thoát nước ở khu vực thị trấn Tô Hạp và các cụm dân cư tập trung đông tại các xã, hệ thống thoát nước thải sinh hoạt và nước mưa được thiết kế riêng. Trước mắt tập trung đầu tư hệ thống thoát nước cho thị trấn Tô Hạp (theo quy hoạch xây dựng đô thị được duyệt), khu trung tâm các xã theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

* Quy hoạch xử lý chất thải rắn

- Chất thải rắn sinh hoạt của thị trấn Tô Hạp được thu gom xử lý tại khu xử lý rác thải tập trung của huyện bố trí tại xã Sơn Trung, xử lý bằng công nghệ đốt và chôn lấp.

- Chất thải rắn xây dựng: Phần lớn chất thải được tái sử dụng hoặc tận dụng để san lấp mặt bằng tại công trình; khối lượng còn lại được thu gom, vận chuyển đến khu xử lý gần nhất (bãi rác của huyện và bãi rác của các xã), xử lý bằng công nghệ chôn lấp.

- Chất thải rắn nông nghiệp: Chất thải rắn nông nghiệp thông thường khuyến khích nông dân tái sử dụng cho các hoạt động sản xuất và đời sống; khối lượng còn lại được thu gom, vận chuyển đến khu xử lý gần nhất và xử lý cùng với chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải rắn nông nghiệp nguy hại phải lưu chứa trong những thùng, túi không thấm và thu gom, vận chuyển đến bãi rác của huyện tại xã Sơn Trung hoặc các bãi rác của các xã; xử lý bằng công nghệ đốt, chôn lấp hợp vệ sinh.

- Chất thải chăn nuôi: Chất thải chăn nuôi từ các trang trại xử lý bằng công nghệ hầm Biogas, bằng các chế phẩm sinh học, bằng ủ phân hữu cơ...

- Chất thải rắn công nghiệp: Chất thải rắn công nghiệp (chủ yếu tại cụm công nghiệp Sơn Bình) gồm chất thải rắn có khả năng tái chế và chất thải rắn không còn khả năng tái chế; chất thải được thu gom, vận chuyển đến khu xử lý gần nhất, xử lý bằng công nghệ đốt, chôn lấp hợp vệ sinh.

- Chất thải rắn y tế: Chất thải rắn y tế không nguy hại được thu gom xử lý theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tại bãi rác tập trung của huyện tại xã Sơn Trung. Chất thải rắn y tế nguy hại phải thu gom, xử lý theo công nghệ đốt (lò đốt tại trung tâm y tế).

* Hạng mục đầu tư

- Quy hoạch mới bãi tập kết và xử lý rác thải tập trung của huyện tại xã Sơn Trung quy mô từ 3 - 5 ha (xử lý chôn lấp rác thải của thị trấn Tô Hạp và xã Sơn Trung); đóng cửa bãi rác hiện có (gần Trường Trung cấp nghề của huyện).

- Xây dựng 01 lò đốt chất thải y tế tại Trung tâm Y tế huyện, công suất đốt 15 20kg chất thải rắn y tế/ngày và 10 kg chất thải rắn y tế nguy hại/ngày...

* Nghĩa trang

- Đối với cấp huyện: Quy hoạch nghĩa trang chung của huyện tại xã Sơn Trung phục vụ cho thị trấn Tô Hạp và xã Sơn Trung.

- Đối với các xã còn lại: Mỗi xã có từ 1 - 2 nghĩa trang theo quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới đã được duyệt với bán kính phục vụ 3 km, nằm cách khu dân cư tối thiểu là 500 m. Các nghĩa trang cần đầu tư xây dựng tường rào, cách ly đảm bảo theo quy định của tiêu chí nông thôn mới.

6. Phát triển khoa học công nghệ

Tập trung ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại; nghiên cứu, chuyển giao trong lĩnh vực công nghệ sinh học; nâng cao chất lượng thương hiệu rau hoa Đà Lạt, xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện; áp dụng rộng rãi quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (GAP), xây dựng các chứng nhận về an toàn cho nông sản theo các chuẩn GlobalGAP, EuroGAP, VietGAP, đẩy mạnh áp dụng khoa học và công nghệ trong phát triển ngành nghề nông thôn.

Trong công nghiệp, lựa chọn những thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến và các phương pháp quản lý chất lượng sản phẩm từ đầu vào đến khi cho ra sản phẩm vào sản xuất ở một số lĩnh vực: Chế biến nông sản, khai thác khoáng sản...

Củng cố và phát triển mạng lưới khuyến nông, khuyến công. Tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ, đào tạo bồi dưỡng và thu hút đội ngũ cán bộ quản lý, lao động có trình độ tay nghề cao đến làm việc tại địa phương.

7. Bảo vệ môi trường

Sử dụng hợp lý và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phòng ngừa suy thoái và ô nhiễm môi trường, khuyến khích các cơ sở sản xuất đổi mới công nghệ; áp dụng công nghệ sạch và thân thiện với môi trường. Thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường năm 2015, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh công tác trồng khoanh nuôi tái sinh rừng, quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, đến năm 2020 độ che phủ rừng đạt 65%, duy trì tỷ lệ che phủ trên sau năm 2020.

8. Kết hợp kinh tế với đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, chủ động làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội; kiềm chế và ngăn chặn có hiệu quả tai nạn giao thông. Đầu tư xây dựng công trình quốc phòng an ninh trên địa bàn theo quy hoạch. Xây dựng bộ máy chính quyền các cấp có năng lực quản lý điều hành trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội - an ninh quốc phòng. Tăng cường đoàn kết dân tộc, củng cố mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp vững mạnh, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và tạo đồng thuận trong xã hội. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nhân dân.

9. Tổ chức không gian lãnh thổ

a) Định hướng phát triển đô thị

Để đảm bảo xây dựng phát triển thị trấn Tô Hạp đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV; đến năm 2025 sẽ mở rộng địa giới hành chính của thị trấn Tô Hạp trên cơ sở sát nhập một phần diện tích tự nhiên (48,035 ha) của thôn Tà Nỉa xã Sơn Trung và sát nhập toàn bộ diện tích tự nhiên (754,235 ha) của thôn A Thi xã Ba Cụm Bắc. Sau khi điều chỉnh mở rộng, thị trấn Tô Hạp có diện tích 2.479,73 ha.

b) Quy hoạch các tiểu vùng kinh tế

- Tiểu vùng 1: Tiểu vùng trung tâm huyện (gồm thị trấn Tô Hạp và diện tích giáp ranh thuộc 2 xã Sơn Trung, Ba Cụm Bắc) là tiểu vùng trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo của cả huyện; trong đó thị trấn Tô Hạp đóng vai trò chủ đạo là nơi tập trung phát triển ngành dịch vụ, thương mại, bưu chính viễn thông, ngân hàng, khách sạn, nhà hàng... Sơn Trung tập trung đào tạo nghề, nghiên cứu sản xuất giống nông nghiệp công nghệ cao, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực; Ba Cụm Bắc gồm chợ trung tâm nông sản, bến xe, cơ quan công sở, giáo dục, đào tạo, sản xuất nông nghiệp...

- Tiểu vùng 2: Gồm tất cả diện tích và dân cư còn lại của các xã: Đặc điểm là tiểu vùng phát triển nông - lâm nghiệp, phát triển công nghiệp (cụm công nghiệp Sơn Bình); du lịch dịch vụ (khu du lịch thác Tà Gụ xã Sơn Hiệp).

c) Quy hoạch sử dụng đất

Quy hoạch sử dụng đất trên cơ sở sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, đảm bảo cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài. Đến năm 2020 đất nông nghiệp có 27.845,86 ha (chiếm 82,26% diện tích tự nhiên), đất phi nông nghiệp có 2.220,64 ha (chiếm 6,56% diện tích tự nhiên), đất chưa sử dụng có 3.786,27 ha (chiếm 11,18% diện tích tự nhiên). Đến năm 2025 đất nông nghiệp có 28.899,06 ha (chiếm 85,34%), đất phi nông nghiệp có 2.054,43 ha (chiếm 6,07%), đất chưa sử dụng có 2.909,27 ha (chiếm 8,59%).

10. Các chương trình trọng điểm và dự án ưu tiên

a) Chương trình trọng điểm

Đến năm 2025 Khánh Sơn cần triển khai thực hiện tốt 4 chương trình trọng điểm (Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Chương trình nâng cao trình độ dân trí và phát triển nguồn nhân lực, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gắn với phòng chống bão lụt và giảm nhẹ thiên tai).

b) Các dự án ưu tiên đầu tư

* Các dự án thuộc lĩnh vực nông lâm thủy sản:

- Dự án xây dựng Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm và sản xuất giống nông nghiệp Công nghệ cao tại xã Sơn Trung quy mô 4,0 ha;

- Quy trình chuẩn về trồng, chăm sóc cây sầu riêng nhằm nâng cao chất lượng, bảo vệ nâng cao uy tín thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn;

- Xây dựng và nhân rộng mô hình trồng măng cụt xen cây cà phê, măng cụt trồng thuần và trồng cây bơ booth ở các xã trên địa bàn huyện;

- Dự án quy hoạch vùng trồng mía tím chất lượng cao tại xã Sơn Hiệp, Ba Cụm Bắc, thị trấn Tô Hạp, Ba Cụm Nam; xây dựng cánh đồng mẫu trồng mía tím năng suất cao, xây dựng thương hiệu mía tím Khánh Sơn;

- Dự án trồng, chăm sóc, khoanh nuôi bảo vệ rừng theo quy hoạch phát triển lâm nghiệp đến năm 2020.

* Dự án công nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch:

- Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Sơn Bình, quy mô 20 ha;

- Dự án xây dựng hạ tầng khu du lịch thác Tà Gụ (xã Sơn Hiệp). Xây dựng điểm dừng chân đỉnh đèo, thác nước cảnh quan cây Da (xã Ba Cụm Bắc)...;

- Dự án nâng cấp nhà máy cấp nước tập trung tại thị trấn Tô Hạp, nâng cấp các công trình cấp nước tập trung tại các xã.

* Dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa - thể thao:

- Dự án xây dựng Trung tâm Y tế dự phòng, Đội y tế chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em huyện (xã Sơn Trung);

- Dự án xây dựng nhà văn hóa và khu vui chơi thiếu nhi huyện tại thị trấn Tô Hạp;

- Dự án nâng cấp, mở rộng Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú huyện Khánh Sơn;

- Dự án xây dựng mới Trường Mầm non Phong Lan tại vị trí quy hoạch mới (sân thể thao cũ của xã Sơn Lâm); xây dựng mới Trường Mầm non Ba Cụm Bắc; xây dựng mới Trường Phổ thông trung học cho các xã cánh Tây huyện;

- Dự án xây dựng khu liên hợp thể dục thể thao huyện (thị trấn Tô Hạp).

* Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, lĩnh vực khác:

- Dự án mở rộng địa giới hành chính thị trấn Tô Hạp, xây dựng thị trấn Tô Hạp trở thành đô thị loại IV.

- Dự án xây dựng trụ sở Ủy ban nhân dân xã Thành Sơn, trụ sở Ủy ban nhân dân xã Ba Cụm Bắc, trụ sở Ủy ban nhân dân xã Sơn Hiệp.

- Dự án xây dựng hồ thủy lợi Sơn Trung, hồ Cô Róa (Sơn Lâm), hồ Ba Cụm Bắc, hồ Sơn Bình...

- Dự án nâng cấp, mở rộng Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác bảo vệ xã hội huyện Khánh Sơn (nâng cấp quy mô nuôi dưỡng từ 21 đối tượng hiện nay lên 100 đối tượng vào năm 2020).

- Dự án nâng cấp Tỉnh lộ 9 (ĐT.656); đường Yang Bay đi thác Tà Gụ, nâng cấp đường liên xã Sơn Trung - Sơn Hiệp - Sơn Bình; nâng cấp đường vào Trung tâm Dạy nghề; đường liên xã Ba Cụm Bắc - Ba Cụm Nam; đường phục vụ phát triển lâm nghiệp và phòng cháy, chữa cháy rừng; các tuyến đường theo quy hoạch xây dựng thị trấn Tô Hạp. Dự án xây dựng kè sông Tô Hạp giai đoạn II.

IV. Giải pháp thực hiện quy hoạch

1. Giải pháp huy động vốn đầu tư

Huy động vốn từ ngân sách nhà nước: Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, tỉnh (đầu tư theo các chương trình trọng điểm như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi, Chương trình phát triển nguồn nhân lực...), sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của các nhà tài trợ của các tổ chức nước ngoài và các nguồn vốn khác; phát triển nguồn thu ngân sách để từng bước đầu tư cho đầu tư phát triển kinh tế - xây dựng cơ sở hạ tầng.

Huy động vốn từ các doanh nghiệp: Có chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp từ các thành phần kinh tế mở rộng quy mô sản xuất, tạo điều hoạt động có hiệu quả; có cơ chế, chính sách đặc thù để ràng buộc các doanh nghiệp, tập đoàn được cấp phép đầu tư trên địa bàn tỉnh dành một phần vốn đầu tư để xây dựng những công trình trọng điểm trên địa bàn huyện nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi.

Xây dựng quỹ tín dụng nhân dân để tương trợ vốn, hợp tác với nhau về vốn. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển giáo dục, y tế, văn hóa để tăng nguồn lực đầu tư xây dựng trường lớp, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, thể thao, giải trí...

Huy động vốn từ đất đai: Đấu giá quyền sử dụng đất ở một số tuyến đường mới như đường Hai Bà Trưng, đường Đinh Tiên Hoàng... để lấy vốn đầu tư một số công trình phúc lợi công cộng.

2. Giải pháp xây dựng cơ sở hạ tầng

Đổi mới chính sách huy động vốn đầu tư theo hướng khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, người dân phát triển cơ sở hạ tầng, giảm dần tỷ lệ đầu tư từ ngân sách nhà nước; thực hiện cơ chế sử dụng vốn đầu tư bảo đảm hiệu quả kinh tế, giảm thiểu thất thoát, lãng phí vốn.

Công tác quy hoạch, lập dự án đầu tư, thiết kế... cần được giao cho các đơn vị có kinh nghiệm và uy tín trên cơ sở đấu thầu công khai, để chọn được những tổ chức đủ năng lực, có ý tưởng tốt thích ứng với sự biến động trong nước và quốc tế; chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng được đổi mới, đảm bảo thực hiện hiệu quả, đúng quy định; việc triển khai xây dựng công trình cần được cải tiến để bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội.

Khuyến khích việc thành lập các tổ chức tư vấn, giám định các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật để bảo đảm chất lượng, chi phí hợp lý và triển khai đúng tiến độ; phương châm xã hội hóa cần được thể chế hóa bằng các quy định trong từng lĩnh vực như đấu giá quyền sử dụng đất, giao khoán xây dựng từng khu dân cư mới cho các nhà thầu.

Giải quyết đúng đắn việc phân phối lợi ích của các mối quan hệ cộng sự giữa những đối tác tham gia, kết hợp và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, khu vực tư nhân, các tổ chức và nhà đầu tư quốc tế; thể chế hóa bằng các quy định của Nhà nước để bảo đảm cả ba đối tượng: Nhà nước, các nhà thầu, người dân và cộng đồng có quyền hạn, nghĩa vụ và được hưởng lợi.

3. Giải pháp về cơ chế chính sách

Nâng cao năng lực bộ máy nhà nước, kiện toàn và nâng cao năng lực của tổ chức bộ máy hành chính, các cơ quan, ban ngành trong huyện có đủ khả năng và trình độ để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn, chính xác, đúng luật. Phát triển dịch vụ hành chính công theo hình thức trọn gói.

Tiếp tục thực hiện tốt chính sách kinh tế nhiều thành phần, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi, đối xử bình đẳng, công bằng đối với tất cả các thành phần kinh tế tham gia bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Tiến hành sắp xếp, bố trí sản xuất trên địa bàn huyện cho phù hợp, tăng cường chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhằm giải quyết việc làm và tăng số lượng lao động tham gia trong các ngành kinh tế. Khuyến khích đào tạo, nâng cao trình độ người lao động. Phát triển các cơ sở dạy nghề và có chính sách thu hút lực lượng lao động về địa phương.

4. Giải pháp về nguồn nhân lực

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Tạo điều kiện cho mọi người dân đều có cơ hội học tập để nâng cao trình độ, nhất là đồng bào dân tộc.

Đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp và trang thiết bị, tạo môi trường giảng dạy và học tập thuận lợi để đáp ứng nhu cầu học tập trên địa bàn huyện.

Củng cố đội ngũ giáo viên, đảm bảo chất lượng giảng dạy, phát triển các hình thức đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm cho người lao động. Khuyến khích các cơ sở sản xuất tạo điều kiện cho người lao động nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn và tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công nhân và cán bộ quản lý nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế.

Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trên địa bàn huyện Khánh Sơn là người địa phương có đủ trình độ và tâm huyết.

5. Giải pháp phát triển khoa học và công nghệ

Tăng cường việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ cập các tri thức về khoa học công nghệ trong nhân dân thông qua việc thực hiện tốt các chương trình khuyến công, khuyến thương, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến dịch vụ. Triển khai và trực tiếp hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất: Quy trình chuẩn về trồng chăm sóc cây sầu riêng, quy trình sản xuất mía theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, quy tình trồng, chăm sóc cây cà phê theo tiêu chuẩn VietGap, các quy trình trồng cây măng cụt, cây bơ booth, chuối nuôi cấy mô; trồng cỏ nuôi bò theo hướng bán công nghiệp, trang trại chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi heo...

Phát triển mạnh hệ thống dịch vụ nông nghiệp, kết hợp với sự trợ giúp của cơ quan khuyến nông tỉnh, để tổ chức trình diễn và chuyển giao các loại giống cây trồng vật nuôi và công nghệ mới cho hộ nông dân.

Triển khai thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả: Chăn nuôi trang trại, sản xuất nông nghiệp sạch... để người dân trong huyện có điều kiện tiếp xúc với các kỹ thuật sản xuất mới, hiện đại và hiệu quả hơn. Nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ thích hợp để phát triển tiểu thủ công nghiệp phục vụ sản nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch.

Phát triển mạnh nguồn nhân lực cho hoạt động khoa học và công nghệ, nhất là tại các cơ quan khuyến nông, khuyến công, khuyến thương... có chính sách thu hút lực lượng cán bộ, chuyên gia khoa học - kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, tư vấn, chuyển giao, trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện.

6. Giải pháp phát triển thị trường, liên kết vùng

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hàng năm tổ chức các hội chợ thương mại để các doanh nghiệp và nhân dân có điều kiện tham gia giới thiệu các sản phẩm của địa phương.

Đầu tư xây dựng chợ đầu mối nông sản, phát triển hệ thống chợ các xã, nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển thị trường trên địa bàn huyện.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ về chế biến, xuất khẩu nông, lâm sản, thực phẩm.

Tạo điều kiện phát triển các hình thức hợp tác nhằm mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất của các tổ chức, cá nhân.

Liên kết với các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là các công ty lữ hành của Nha Trang, Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh... để phát triển du lịch trên địa bàn.

Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch

Giao Ủy ban nhân dân huyện Khánh Sơn phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Tổ chức công bố công khai quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Khánh Sơn đến năm 2025 cho các cấp, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân trong huyện, trong tỉnh được biết.

- Trên cơ sở các định hướng và giải pháp phát triển tiến hành xây dựng, rà soát quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn theo hướng có sự liên kết, phối hợp liên ngành; xác định các trọng điểm và bước phát triển trong từng giai đoạn.

- Triển khai thực hiện quy hoạch thông qua các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Kế hoạch hàng năm phải bám vào các mục tiêu quy hoạch đã được duyệt và tiến độ phải thực hiện trong từng giai đoạn.

- Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác thực hiện đầu tư phát triển theo đúng quy hoạch. Cuối mỗi kỳ kế hoạch 5 năm tiến hành rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch của từng giai đoạn để điều chỉnh, bổ sung mục tiêu cho phù hợp với tình hình thực tế.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Đức Vinh

 

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 3994/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.817

DMCA.com Protection Status
IP: 18.226.93.209
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!