QUYẾT
ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT
TRIỂN MẠNG LƯỚI BÁN BUÔN, BÁN LẺ TỈNH HOÀ BÌNH ĐẾN NĂM 2020
CHỦ
TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HOÀ BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính
phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -
xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ
sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006;
Căn cứ Thông tư số 17/2010/TT-BCT ngày 05/5/2010 của Bộ Công
thương quy định về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy
hoạch phát triển ngành thương mại;
Căn cứ Quyết định số 2247/QĐ-UBND ngày 09/11/2009 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc phê duyệt Đề cương quy hoạch mạng lưới bán buôn,
bán lẻ tỉnh Hòa Bình đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại Tờ trình số 101/TTr-SCT ngày 15-02-2011,
QUYẾT
ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát
triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ tỉnh Hoà Bình đến năm 2020 với các nội dung chủ
yếu như sau:
1. Quan điểm phát triển
Phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ nhằm thúc đẩy tiêu thụ
sản phẩm và khuyến khích sản xuất hàng hóa phát triển, phù hợp với những quy luật
khách quan của kinh tế thị trường có định hướng của Nhà nước; Quyền tự chủ, tự
do kinh doanh và sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà bán buôn, bán lẻ được đảm
bảo theo các cam kết khi gia nhập WTO và các cam kết song phương, đa phương mà
Việt Nam đã ký kết trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.
Phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ tỉnh Hòa Bình nhằm đáp
ứng được nhu cầu tiêu dùng đa dạng và ngày càng tăng của các tầng lớp dân cư trên
địa bàn, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người có thu nhập thấp cũng như
người có thu nhập cao; đồng thời đáp ứng được yêu cầu về văn minh thương mại.
Quy hoạch phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ tỉnh Hòa Bình
phải phù hợp với các quy hoạch của tỉnh như Quy hoạch phát triển kinh tế - xã
hội tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, Quy hoạch phát triển thành phố Hoà Bình, Quy hoạch
Giao thông, Quy hoạch Nông nghiệp phát triển Nông thôn và xây dựng Nông thôn
mới, Quy hoạch sử dụng đất...
2. Mục tiêu phát triển
2.1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển mới phải đi đôi với việc cải tạo, mở rộng quy mô,
nâng cấp trang bị, đổi mới công nghệ vận doanh để vừa tăng số lượng cơ sở, vừa nâng
dần quy mô về diện tích kinh doanh của một cơ sở, nâng cao chất lượng phục vụ
và hiệu quả hoạt động kinh doanh của các loại hình bán buôn, bán lẻ.
Thông
qua hoạt động đầu tư phát triển mới và các hình thức tập trung kinh tế (sáp
nhập, hợp nhất, mua lại, liên doanh...), phát triển chuỗi cửa hàng của các
doanh nghiệp để nâng dần mức độ tập trung ở thị trường bán buôn, bán lẻ.
Bảo
đảm tính hệ thống, quá trình hoạt động kinh doanh không gây ra các vấn đề và
tác động xấu tới sự phát triển bền vững (đó là phát triển có sự kết hợp chặt
chẽ, hợp lý và hài hòa giữa 3 mặt kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường).
2.2. Mục tiêu cụ thể
Tốc độ tăng trưởng bình quân của hàng hóa bán lẻ hàng hóa và
doanh thu dich vụ tiêu dùng giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 25%/năm và năm giai đoạn
2016 - 2020 khoảng 20%/năm so với năm 2015.
Hiện đại hoá kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển mạng lưới bán
buôn, bán lẻ, đặc biệt là hệ thống bán buôn, bán lẻ hiện đại (Trung tâm thương
mại, Siêu thị, trung tâm mua sắm, khu thương mại - dịch vụ, cửa hàng tiện lợi,
cửa hàng chuyên doanh, trung tâm dịch vụ logistics, tổng kho bán buôn, Trung
tâm Hội chợ - Triển lãm). Đến năm 2020, có ít nhất một cơ sở của loại hình bán
buôn, bán lẻ theo hướng văn minh, hiện đại ở các địa bàn trung tâm huyện, tỉnh.
3. Quy hoạch phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ tỉnh Hòa Bình
đến năm 2020
3.1. Quy hoạch theo không gian
- Khu vực đô thị
Cùng với việc nâng cấp, cải tạo các loại hình bán buôn, bán lẻ
truyền thống như mạng lưới Chợ, tập trung phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ
hiện đại như Trung tâm thương mại, Siêu thị, Cửa hàng tiện lợi... xây mới các
Trung tâm thương mại, Trung tâm thương mại bán buôn, Trung tâm đại diện thương
mại tại thành phố Hòa Bình, thị xã Lương Sơn (trong tương lai); các Trung tâm
mua sắm tại các nơi giao thông thuận lợi, các khu thương mại trung tâm; các
Siêu thị hạng II và hạng III tại thành phố Hòa Bình và trung tâm các huyện (có
thể xây dựng độc lập hoặc trong các Trung tâm mua sắm); xây mới hoặc cải tạo
các cửa hàng bán lẻ truyền thống thành các cửa hàng tiện lợi, kinh doanh theo
hướng văn minh hiện đại.
- Khu vực nông thôn
+ Loại hình thương mại hiện đại sẽ được phát triển ở khu vực
trung tâm huyện, khu dân cư đông đúc trong cả thời kỳ đến năm 2020 trên cơ sở xây
mới hoặc nâng cấp cải tạo các cơ sở thương mại đã có.
+ Loại hình thương mại truyền thống vẫn tồn tại đan xen và phát
triển chủ yếu trên địa bàn xã, cụm xã.
- Theo phân vùng kinh tế:
Tiểu vùng 1: Tiểu vùng đô thị, công nghiệp thành phố Hòa Bình,
huyện Kỳ Sơn, huyện Lương Sơn là vùng động lực phát triển kinh tế, xã hội của
tỉnh. Tập trung phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ hiện đại làm đầu tàu kéo
các vùng lân cận phát triển.
Tiểu vùng 2: Tiểu vùng phía Đông và Nam tỉnh gồm các huyện Kim
Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lạc Sơn; đây là tiểu vùng có tiềm năng về du lịch như
Suối nước nóng huyện Kim Bôi, Khu du lịch Chùa Tiên huyện Lạc Thủy... Tập trung
phát triển hệ thống cơ sở bán buôn, bán lẻ hiện đại, các Trung tâm thương mại
tại trung tâm các huyện, các điểm du lịch làm động lực phát triển cho từng khu
vực.
Tiểu vùng 3: Tiểu vùng phía Tây và Tây Bắc gồm các huyện Mai
Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong. Phát triển mạng lưới bán buôn bán lẻ khu vực tiểu
vùng này được thực hiện nhằm mục đích chủ yếu là phát triển kinh tế - xã hội
phía Tây và Tây Bắc của tỉnh, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Đặc biệt
Tập trung phát triển hệ thống các Siêu thị tổng hợp hạng II và hạng III tại
trung tâm các huyện, các điểm du lịch
3.2. Quy hoạch theo thành phần kinh tế
Doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ có vốn của Nhà nước thực hiện vai
trò nòng cốt trong một số kênh, một số hệ thống phân phối thuộc một số ngành
hàng quan trọng, có tính đặc thù mà các thành phần kinh tế khác chưa có điều
kiện kinh doanh.
Hỗ trợ và khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể tự nguyện thành
lập hợp tác xã thương mại, dịch vụ để phát triển và hoạt động kinh doanh.
Thành phần thương mại tư nhân phát triển phù hợp với loại hình
Trung tâm thương mại, Trung tâm mua sắm, Chợ đầu mối, khu thương mại, dịch vụ
và đường phố thương mại.
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia hoạt động
thương mại trên địa bàn nhưng phải đảm bảo tuân thủ luật pháp Việt Nam và các
cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia với các nước liên quan. Tích cực thu hút
các doanh nghiệp nước ngoài có kinh nghiệm vào hoạt động bán buôn, bán lẻ nhằm
hiện đại hoá ngành với tốc độ nhanh hơn, những loại hình dịch vụ phân phối chất
lượng cao, hiện đại, quy mô lớn.
3.3. Quy hoạch phát triển theo hình thái tổ chức
- Phát triển mạng lưới Chợ
Đến 2020, tổng số Chợ tỉnh Hoà Bình là 160 Chợ, trong đó có 02
Chợ hạng I, 05 Chợ hạng II, 145 Chợ hạng III và 08 Chợ đầu mối chuyên doanh và
tổng hợp. Trong đó xây mới 95 Chợ; di dời - xây mới 04 Chợ; nâng cấp, cải tạo
mở rộng 61 Chợ; giải toả chuyển mục đích khác 06 Chợ.
- Phát triển mạng lưới Siêu thị
Xây mới một số Siêu thị hạng II và III độc lập hoặc nằm trong
các Trung tâm thương mại, Trung tâm mua sắm. Hình thành các Siêu thị hạng III ở
các huyện trên cơ sở cổ phần hoá và thu hút các cửa hàng bán lẻ thuộc mọi thành
phần kinh tế tham gia vào mạng lưới của Siêu thị. Dự kiến, đến 2020 trên địa
bàn tỉnh có 20 Siêu thị, trong đó có 08 Siêu thị hạng II; 12 Siêu thị hạng III.
- Phát triển mạng lưới Trung tâm thương mại, Trung tâm mua sắm
Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ phát triển 01 Trung tâm Hội
chợ - Triển lãm, 05 Trung tâm mua sắm, 02 Trung tâm thương mại, 01 Trung tâm
thương mại bán buôn hàng công nghiệp tiêu dùng; 01 Trung tâm thương mại bán buôn
hàng vật tư sản xuất.
3.4. Quy hoạch theo địa bàn
a) Thành phố Hoà Bình
Có 06 Chợ (01 Chợ hạng I và 05 Chợ hạng III) trong đó nâng cấp,
mở rộng, cải tạo 06 Chợ; Giải toả, chuyển mục đích 03 Chợ (Thái Bình, Tân Thịnh,
Tân Thành) thành Trung tâm mua sắm.
Có 03 Trung tâm thương mại (trong đó xây mới 01 Trung tâm thương
mại hạng II tại phường Tân Thịnh), 01 Trung tâm bán buôn hàng công nghiệp tiêu
dùng tại giáp danh huyện Kỳ Sơn, 04 Trung tâm mua sắm, và một số Siêu thị hạng
III tại các Trung tâm mua sắm.
b) Huyện Lương Sơn
Có 20 Chợ (01 Chợ đầu mối hàng nông sản, 19 Chợ hạng III) trong
đó xây mới 14 Chợ, nâng cấp 6 Chợ; giải toả chuyển mục đích 01 Chợ.
Có 01 Trung tâm thương mại hạng III, 01 Trung tâm thương mại
bán buôn hàng vật tư sản xuất và 04 Siêu thị tổng hợp.
c) Huyện Kỳ Sơn
Có 04 Chợ (02 Chợ hạng II và 02 Chợ hạng III) trong đó xây mới
01 Chợ, Di dời - xây mới 03 Chợ.
Xây mới 01 Siêu thị tổng hợp hạng III ở khu vực trung tâm huyện.
d) Huyện Cao Phong
Có 07 Chợ (01 chợ hạng II, 04 chợ hạng III, 02 chợ đầu mối chuyên
doanh) trong đó xây mới 05 Chợ, nâng cấp 02 Chợ.
Xây mới 01 Siêu thị tổng hợp hạng II tại thị trấn Cao Phong.
e) Huyện Tân Lạc
Có 25 Chợ (01 Chợ hạng II, 24 Chợ hạng III) trong đó xây mới
15 Chợ, nâng cấp cải tạo 10 Chợ.
Xây mới 01 Siêu thị tổng hợp hạng II ở khu vực ngã ba Mãn Đức.
f) Huyện Lạc Sơn
Có 30 Chợ (01 Chợ hạng I, 28 Chợ hạng III, 01 Chợ đầu mối chuyên
doanh hàng nông sản tổng hợp tại thị trấn Vụ Bản) trong đó xây mới 25 Chợ (đặc
biệt là chuẩn bị mặt bằng để xây dựng 01 Chợ đầu mối nông sản tổng hợp ở thị
trấn Vụ Bản), nâng cấp 05 Chợ.
Xây mới 02 Siêu thị tổng hợp hạng II tại thị trấn Vụ Bản, 01
Siêu thị tổng hợp hạng III tại khu vực xã Ân Nghĩa.
g) Huyện Lạc Thuỷ
Có 16 Chợ (14 Chợ hạng III, 02 Chơ đầu mối chuyên doanh hàng
nông sản và lâm sản) trong đó xây mới 08 Chợ, di dời, xây mới 01 Chợ, nâng cấp cải
tạo 07 Chợ; chuyển đổi mục đích khác 02 Chợ.
Xây mới 01 Siêu thị tổng hợp hạng II ở thị trấn Chi Nê, 02 Siêu
thị tổng hợp hạng III tại thị trấn Thanh Hà và xã Phú Lão (khu vực gần Chùa
Tiên).
h) Huyện Yên Thuỷ
Có 12 Chợ (01 Chợ đầu mối hàng nông sản tại thị trấn Hàng Trạm,
11 Chợ hạng III) trong đó xây mới 06 Chợ, nâng cấp cải tạo 06 Chợ. Giải toả
chuyển mục đích 01 chợ.
Xây mới 01 Siêu thị tổng hợp hạng II ở khu vực trung tâm thị
trấn Hàng Trạm và 01 Siêu thị hạng III tại khu công nghiệp Lạc Thịnh.
i) Huyện Kim Bôi
Có 13 Chợ (13 chợ hạng III) trong đó xây mới 09 Chợ, nâng cấp
04 Chợ. Giải toả chuyển mục đích 01 Chợ.
Xây mới 01 Trung tâm mua sắm hạng II với hạt nhân là Chợ trung
tâm tại khu vực sân vận động, 02 Siêu thị tổng hợp hạng III ở khu vực trung tâm
thị trấn Bo.
j) Huyện Đà Bắc
Có 13 Chợ (12 Chợ hạng III, 01 Chợ đầu mối chuyên doanh hàng
nông sản) trong đó xây mới 01 Chợ, nâng cấp cải tạo 12 Chợ.
Xây mới 01 Siêu thị tổng hợp hạng III ở khu vực trung tâm thị
trấn.
k) Huyện Mai Châu
Có 14 Chợ (01 Chợ hạng II, 13 Chợ hạng III) trong đó xây mới
11 Chợ, nâng cấp cải tạo 03 Chợ.
Xây mới 01 Siêu thị tổng hợp hạng II ở khu vực trung tâm thị
trấn và 01 Siêu thị hạng III tại khu du lịch Bản Lác theo kiểu nhà sàn dân tộc
Thái.
4. Lựa chọn đầu tư
Đầu tư nâng cấp, sửa chữa, cải tạo, di dời, xây mới các Chợ đảm
bảo đến năm 2015 có đủ Chợ phục vụ cho nhu cầu mua bán, giao lưu văn hoá của
nhân dân tại các địa bàn có nhu cầu.
Phát triển các Siêu thị, Trung tâm thương mại hay Trung tâm mua
sắm, trước hết ở các khu đô thị, các địa bàn phát triển của tỉnh.
5. Nhu cầu vốn đầu tư, nhu cầu đất phát triển
5.1. Nhu cầu đất phát triển: Tổng nhu cầu diện tích đất phục
vụ cho mạng lưới Chợ, Trung tâm thương mại, Siêu thị đến năm 2020 là: 758.322,3
m2.
5.2. Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2011-2020: 511,2 tỷ đồng,
trong đó:
- Giai đoạn 2011 – 2015: 314,2 tỷ đồng;
- Giai đoạn 2016 – 2020: 197 tỷ đồng.
5.3. Nguồn vốn
- Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước: 83,5 tỷ đồng.
+ Giai đoạn 2011 - 2015: 54,9 tỷ đồng;
+ Giai đoạn 2016 - 2020: 28,6 tỷ đồng.
- Vốn khác: 427,7 tỷ đồng.
+ Giai đoạn 2011 - 2015: 259,3 tỷ đồng;
+ Giai đoạn 2016 - 2020: 168,4 tỷ đồng.
Đối với việc triển mạng lưới Trung tâm thương mại, Siêu thị,
vốn đầu tư chủ yếu từ nguồn vốn tự có của các nhà đầu tư.
Đối với việc phát triển mạng lưới Chợ: Nhà nước hỗ trợ vốn để
phát triển mạng lưới Chợ, cụ thể:
+ Ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các
Chợ đầu mối chuyên doanh hoặc tổng hợp bán buôn nông sản, thực phẩm để tiêu thụ
hàng hoá ở các vùng sản xuất tập trung; Chợ trung tâm các huyện thuộc địa bàn
có điều kiện kinh tế khó khăn;
+ Ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư xây dựng các Chợ đầu mối
nông sản, thực phẩm, Chợ hạng II, hạng III ở địa bàn nông thôn, miền núi.
6. Các giải pháp phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ
6.1. Tạo nguồn hàng cung ứng chất lượng, ổn định cho mạng lưới bán buôn,
bán lẻ trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện tốt và có hiệu quả công tác dự báo để có kế hoạch phát
triển đa dạng nguồn cung ứng các loại hàng nông, thủy sản; hàng công nghiệp,
tiểu thủ công nghiệp và hàng hóa khác đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã
hội và tiêu dùng của nhân dân.
6.2. Tăng cường
công tác quản lý nhà nước đối với mạng lưới bán buôn bán lẻ
a) Đối với công tác quản lý nhà nước về mạng lưới bán buôn, bán
lẻ:
Giao quyền chủ động cho các đơn vị quản lý, kinh doanh. Chuyển
dần công tác quản lý Chợ cho các doanh nghiệp và hợp tác xã. Xây dựng quy hoạch
và kế hoạch phù hợp với quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của
tỉnh. Ban hành các chính sách đầu tư, xây dựng, khai thác và quản lý. Tổ chức
bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ quản lý, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính
sách, cung cấp thông tin về thị trường, giá cả. Tổ chức kiểm tra, khen thưởng
và xử lý vi phạm; kịp thời phát hiện những bất hợp lý từ đó đề ra các biện pháp
khắc phục phù hợp.
b) Mô hình quản lý nhà nước về mạng lưới bán buôn, bán lẻ
Đối với các Chợ lớn ở khu vực thành thị cần chuyển đổi theo mô
hình doanh nghiệp; đối với các Chợ chưa có điều kiện thành lập doanh nghiệp có
thể giao cho hợp tác xã thương mại quản lý khai thác kinh doanh.
c) Đổi mới các
phương thức, nội dung công tác quản lý nhà nước đối với mạng lưới bán buôn, bán
lẻ
- Sở Công thương chủ trì xây dựng các kế hoạch phát triển mạng
lưới bán buôn, bán lẻ cho 5 năm và từng năm. Dành quỹ đất đảm bảo đủ diện tích
theo tiêu chuẩn. Lựa chọn những Chợ hoạt động có hiệu quả để đưa vào quy hoạch
và kế hoạch nâng cấp, cải tạo hoặc mở rộng. Xây dựng phương án chuyển đổi các
Chợ hoạt động không hiệu quả.
- Bố trí công tác ổn định, lâu dài, và đào tạo bồi dưỡng cho
cán bộ quản lý.
- Thống nhất việc phân cấp thực hiện quy hoạch; Phối hợp thường
xuyên, có hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
d) Khuyến kích, tạo điều kiện để mở rộng các hoạt động dịch vụ
trong Chợ, Trung tâm thương mại, Siêu thị
Tạo điều kiện khai thác tối đa cơ sở vật chất, kỹ thuật. Từng
bước hình thành thị trường hàng hoá tập trung, trước hết là hàng nông sản, thực
phẩm. Tổ chức kinh doanh, phát triển các loại hình dịch vụ hỗ trợ. Phân định rõ
tính chất của các loại hình dịch vụ được cung ứng. Xây dựng cơ chế, chính sách
quản lý. Quy định các tiêu chuẩn cấp phép.
6.3. Các giải pháp thu hút vốn đầu tư
Xây dựng kế hoạch ngân sách hàng năm và dài hạn, huy động các
nguồn vốn đầu tư, khuyến khích đầu tư.
6.4. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực.
Nâng cao năng lực, bồi dưỡng đào tạo, có chính sách đãi ngộ,
thu hút nhân tài, tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý.
6.5. Giải pháp và chính sách về đất đai, tài chính tín dụng
và chính sách khác
Tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tạo cơ sở
hạ tầng, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư đối với những đơn vị đầu tư xây dựng các cơ sở
bán buôn, bán lẻ theo hướng văn minh, hiện đại ở những thị trường kém sôi động,
sức mua còn hạn chế, lợi nhuận thấp và khả năng thu hồi vốn chậm.
Miễn, giảm tiền sử dụng đất; Xây dựng cơ chế chính sách về thời
gian cho thuê đất, không thu tiền sử dụng đất đối với Chợ thuộc địa bàn vùng
nông thôn, vùng kinh tế khó khăn.
Cho vay tín dụng trung hạn và dài hạn với lãi suất ưu đãi, quy
định cụ thể giá cho thuê diện tích kinh doanh, các loại phí dịch vụ.
Cung cấp kịp thời và đầy đủ thông tin về các loại quy hoạch có
liên quan; rút gọn thời gian đối với quá trình thụ lý, giải quyết hồ sơ có liên
quan đến quy hoạch và đầu tư.
6.6. Giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển mạng
lưới bán buôn, bán lẻ
Ngoài việc tuân thủ những quy định về phòng chống cháy nổ thì
các cơ sở bán buôn, bán lẻ phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Đặc
biệt tại các cơ sở bán buôn bán lẻ rác thải phải được phân loại, thu gom, vận
chuyển và xử lý theo quy định.
7. Phân công thực hiện
7.1. Sở Công thương
Chủ trì phối hợp với các ngành quản lý quy hoạch công bố quy
hoạch, rà soát, đề xuất, bổ sung quy hoạch khi cần thiết, xây dựng kế hoạch
triển khai các đề án chi tiết, các dự án đầu tư cụ thể để đưa vào kế hoạch thực
hiện cho từng giai đoạn 2010 - 2015 và 2016 - 2020.
7.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Trong kế hoạch phân bổ vốn đầu tư hàng năm cho các ngành, có
kế hoạch phân bổ cụ thể vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại tỉnh
Hoà Bình.
Trên cơ sở chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư xây dựng kinh
doanh khai thác cơ sở hạ tầng thương mại có hướng dẫn cụ thể và chi tiết tổ
chức, cá nhân kinh doanh các loại hình bán buôn, bán lẻ trên địa bàn.
7.3. Sở Tài chính
Xây dựng kế hoạch cân đối bố trí nguồn ngân sách hàng năm dành
cho chương trình phát triển kết cấu hạ tầng thương mại.
Hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho các ban quản lý Chợ, doanh
nghiệp và hợp tác xã kinh doanh, quản lý Chợ;
Hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho việc chuyển đổi các Ban
quản lý Chợ doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh, quản lý Chợ;
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quy định khung về
quản lý giá hay mức phí cho thuê diện tích kinh doanh trong Chợ cũng như các quy
định khác về tổ chức các dịch vụ có thu theo hướng tăng cường tính chủ động cho
các tổ chức, cá nhân kinh doanh và góp phần phát triển hoạt động kinh doanh trên
các loại hình này.
7.4. Sở Xây dựng
Hướng dẫn chủ đầu tư làm thủ tục xây dựng các công trình thuộc
mạng lưới bán buôn, bán lẻ tỉnh Hoà Bình.
7.5. Sở Tài nguyên và Môi trường
Lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất xây dựng các công trình thuộc
kết cấu hạ tầng thương mại đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Hướng dẫn
trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, làm hợp đồng thuê đất trình Ủy ban
nhân dân tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất
đai.
7.6. Các Ngân hàng thương mại
Thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước
theo các quy định hiện hành.
7.7. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố
Phổ biến quy hoạch chi tiết phát triển mạng lưới bán buôn bán
lẻ theo quy hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đến mọi tầng lớp nhân
dân và các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn.
Thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn.
Tuyên truyền, phổ biến chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư xây dựng và kêu
gọi, vận động các thương nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển hạ tầng thương
mại trên địa bàn.
Phối hợp với Sở Công thương và các Sở, ngành chức năng đề xuất
với Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp xử lý đối với các vấn đề nảy sinh trong
thực tế, điều chỉnh bổ sung quy hoạch cho phù hợp sự phát triển chung.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm quản lý, kiểm tra chặt chẽ việc đầu tư xây
dựng mạng lưới cửa hàng kinh doanh trên địa bàn.
7.8. Các cơ quan thông tin, tuyên truyền
Tuyên truyền phổ biến nội dung quy hoạch rộng rãi trong nhân
dân và các đối tượng kinh doanh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực
kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh văn phòng Uỷ ban nhân
dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện,
thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.