ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 27/2008/QĐ-UBND
|
Đà Lạt, ngày 09 tháng 07 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ
SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN SẢN PHẨM CÀ PHÊ DI LINH”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ
chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Sở
hữu trí tuệ ngày 29/11/2005;
Căn cứ Nghị định
số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và
hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
Căn cứ Thông tư
số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/2/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng
dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu
công nghiệp;
Theo đề nghị của
UBND huyện Di Linh tại Tờ trình số 50/TTr-UBND ngày 21/5/2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế
quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm Cà phê Di Linh”.
Điều 2. Quyết định này
có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng
UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo
Lộc, thành phố Đà Lạt và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định
thi hành./-
Nơi nhận:
-
Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KHCN;
- Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp;
- Website Chính phủ;
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu QH tỉnh Lâm Đồng;
- Đài PTTH, Báo Lâm Đồng;
- Trung tâm công báo tỉnh Lâm Đồng;
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, VX1.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Huỳnh Đức Hòa
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG
NHẬN SẢN PHẨM “CÀ PHÊ DI LINH”
(Ban hành theo Quyết định số 27 /2008/QĐ-UBND ngày 09 tháng 7 năm 2008 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục
đích, ý nghĩa
Quy chế này nhằm tập hợp các tổ chức, cá nhân trên địa bàn
huyện Di Linh cùng xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Di Linh” thành một
nhãn hiệu có uy tín của cộng đồng những người sản xuất và kinh doanh cà phê của
địa phương.
Điều 2. Phạm
vi, đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về quản lý và sử dụng Nhãn
hiệu chứng nhận “Cà phê Di Linh” cho sản phẩm cà phê nhân của giống cà phê
Robusta được sản xuất và kinh doanh trên địa bàn huyện Di Linh.
2. Quy chế này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhãn hiệu
chứng nhận và các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh cà phê trên địa bàn
huyện Di Linh.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ được sử dụng có nghĩa như sau:
1. Nhãn hiệu chứng nhận được đề cập
trong quy chế này là Nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Di Linh” áp dụng cho các sản phẩm cà phê nhân được
sản xuất và kinh doanh trên địa bàn huyện Di Linh.
2. Văn bản chấp thuận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cà
phê Di Linh” là văn bản do cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận cấp cho các tổ
chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh cà phê trên địa bàn Di Linh khi đáp ứng
các điều kiện theo quy định tại Quy chế này.
Điều 4. Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận
UBND tỉnh Lâm Đồng là chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận “Cà
phê Di Linh” và ủy quyền cho UBND huyện Di Linh thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với Nhãn hiệu chứng nhận
“Cà phê Di Linh”
2. Quản lý, kiểm soát việc sử dụng và cấp Văn bản chấp thuận
quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Di Linh” theo các qui định tại Quy
chế này.
Điều 5. Điều kiện được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
Tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh cà phê nhân trên địa
bàn huyện Di Linh để được sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận nếu đáp ứng các điều
kiện sau:
1. Có hoạt động sản xuất và kinh doanh cà phê thực sự trên
địa bàn huyện Di Linh.
2. Tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các yêu cầu quy định trong
suốt quá trình từ sản xuất đến lưu thông nhằm đảm bảo sản phẩm có đặc tính,
chất lượng quy định.
3. Cam kết tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các nội dung trong
Văn bản chấp thuận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Cà phê Di Linh” trong quá trình sử
dụng nhãn hiệu chứng nhận.
4. Được cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận cấp Văn bản
chấp thuận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Cà phê Di Linh”.
Điều 6. Biểu trưng của nhãn hiệu chứng nhận
Nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Di Linh” được thể hiện tại Phụ lục 1 kèm theo của
Quy chế này và với tỷ lệ thống nhất là 10/16.
Điều 7. Vùng sản xuất và kinh doanh cà phê mang nhãn hiệu chứng nhận
Vùng sản xuất và kinh doanh cà phê mang nhãn hiệu chứng nhận
“Cà phê Di Linh” được
xác định tại theo bản đồ - Phụ lục 2 kèm theo của Quy chế này.
Chương 2.
CÁC ĐẶC TÍNH CỦA SẢN PHẨM CÀ PHÊ
MANG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN “CÀ PHÊ DI LINH”
Điều 8. Sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận
Sản phẩm cà phê mang nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Di Linh”
là loại cà phê nhân, được trồng từ giống cà phê Robusta tại huyện Di Linh.
Điều 9. Các đặc tính chất lượng
Các đặc trưng về ngoại quan và các chỉ tiêu hoá lý, vi sinh,
hàm lượng kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được nêu tại Quy chế
này - Phụ lục 3 kèm theo.
Điều 10. Phương pháp đánh giá các đặc tính chất lượng
1. Phương pháp lấy mẫu: Mẫu sản phẩm để đánh giá chất lượng
phải được lấy ngẫu nhiên của lô hàng mang nhãn hiệu do Cơ quan quản lý nhãn
hiệu chứng nhận thực hiện cùng với tổ chức, cá nhân.
2. Phương pháp đánh giá chất lượng sản phẩm: Các chỉ tiêu
chất lượng của sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận phải được đánh giá theo
phương pháp quy định trong Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN); trường hợp phương pháp
thử không có trong Tiêu chuẩn Việt Nam, phương pháp đánh giá chất lượng sẽ do
Cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận và tổ chức, cá nhân xác định.
3. Phòng kiểm nghiệm: Việc đánh giá chất lượng mẫu sản phẩm
phải được thực hiện tại các phòng thử nghiệm đã được chứng nhận VILAS hoặc các
phòng kiểm nghiệm trong hệ thống đã được VILAS thừa nhận lẫn nhau.
Chương 3.
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA CƠ QUAN QUẢN
LÝ NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN
Điều 11. Cơ quan quản lý
nhãn hiệu chứng nhận
UBND huyện Di Linh là Cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng
nhận, thực hiện chức năng cấp Văn bản chấp thuận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng
nhận, quản lý và kiểm soát việc sử dụng và chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu
chứng nhận “Cà phê Di Linh” theo đúng
các quy định tại Quy chế này.
Điều 12. Chức năng,
nhiệm vụ của Cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận
Cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận có nhiệm vụ sau:
1. Kiểm tra và tổ chức đánh giá chất lượng sản phẩm mang
nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Di Linh”.
2. Cấp Văn bản chấp thuận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
“Cà phê Di Linh” cho các tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện quy định tại
Quy chế này.
3. Quản lý việc sử dụng nhãn hiệu của các tổ chức, cá nhân
đã được cấp Văn bản chấp thuận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Di
Linh”.
4. Phát hiện và đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý
các hành vi vi phạm các quy định về sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Di
Linh”.
5. Phổ biến và cung cấp đầy đủ mọi thông tin cần thiết và
liên quan đến nhãn hiệu chứng nhận cho các tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu
chứng nhận.
Chương 4.
QUẢN LÝ VIỆC SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG
NHẬN
Điều 13. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng
nhận
1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Di Linh” phải gửi đơn đề
nghị Cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận cấp Văn bản chấp thuận quyền sử dụng
nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Di Linh” (theo mẫu quy định).
2. Trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn đề
nghị của các tổ chức, cá nhân; Cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận phải tiến
hành kiểm tra thực tế hoạt động sản xuất và kinh doanh của tổ chức, cá nhân yêu
cầu và đánh giá chất lượng thông qua việc lấy mẫu và gởi mẫu sản phẩm tới các
phòng kiểm nghiệm để đánh giá.
3. Trong thời hạn 30 ngày làm việc Cơ quan quản lý
nhãn hiệu phải ra quyết định cấp hoặc không cấp Văn bản chấp thuận quyền sử
dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Di
Linh”. Trong trường hợp từ chối, phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
Điều 14. Văn bản chấp thuận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
1. Văn bản chấp thuận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cà
phê Di Linh” phải có các nội dung sau :
a) Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân được cấp Văn bản
chấp thuận ;
b) Điện thoại, Fax, Email (nếu có);
c) Danh mục các loại sản phẩm được cấp Văn bản chấp
thuận;
d) Mẫu nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Di Linh”;
đ) Thời hạn sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Di
Linh”;
e) Quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được
cấp Văn bản chấp thuận;
g) Họ tên, chữ ký của đại diện và dấu của cơ quan
quản lý nhãn hiệu chứng nhận.
2. Văn bản chấp thuận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Di Linh” được làm thành 01
bản chính và trao cho tổ chức, cá nhân nộp đơn đề nghị. Mỗi Văn bản chấp thuận
quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sẽ được cập nhật theo số thứ tự liên tục vào
Sổ quản lý Văn bản chấp thuận quyền sử dụng nhãn hiệu của Cơ quan quản lý nhãn
hiệu chứng nhận. Trong trường hợp có yêu cầu cấp thêm các bản sao của Văn bản
chấp thuận thì cơ quan quản lý sẽ cấp (tối đa không quá 10 bản) nhưng trên bản
sao phải có chữ “BẢN SAO” để phân biệt.
3. Văn bản chấp thuận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng
nhận “Cà phê Di Linh” có thời hạn 05 năm.
4. Cấp lại Văn bản chấp thuận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng
nhận “Cà phê Di Linh”.
a) Đối với trường hợp tổ chức, cá nhân đã được cấp Văn bản
chấp thuận quyền sử dụng nhãn hiệu nhưng bị mất thì làm công văn đề nghị Cơ
quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận cấp lại Văn bản mới.
b) Đối với trường hợp hết thời hạn quy định mà trong quá
trình sử dụng không vi phạm quy chế thì chỉ cần có đơn xin cấp lại và nộp chi
phí theo quy định thì Cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận sẽ cấp lại.
c) Đối với trường hợp đã được cấp Văn bản chấp thuận nhưng
trong quá trình sử dụng có vi phạm nhưng chưa đến mức phải thu hồi thì các thủ
tục đề nghị được cấp làm lại như lần đầu.
d) Đối với trường hợp đã được cấp Văn bản chấp thuận nhưng
trong quá trình sử dụng có vi phạm đến mức phải thu hồi, thì phải sau thời gian
01 năm kể từ ngày thu hồi giấy mới đuợc xét cấp và thủ tục đề nghị được cấp làm
lại như lần đầu.
Điều 15. Sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
Các tổ chức, các nhân khi sử dụng
Nhãn hiệu chứng nhận:
1. Có thể sử dụng nhãn hiệu chứng
nhận trên bao bì sản phẩm, phương tiện kinh doanh, thư từ giao dịch, phương
tiện quảng cáo.
2. Phải sử dụng đúng và chính xác
dấu hiệu của nhãn hiệu chứng nhận gồm cả tên nhãn hiệu và hình ảnh logo.
3. Chỉ sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
cho các loại sản phẩm cà phê đã được Cơ quan quản lý cấp Văn bản chấp thuận quyền
sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Di Linh” .
4. Được sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận kèm với nhãn hiệu riêng
của tổ chức, cá nhân, nhưng không được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Di
Linh” làm nhãn hiệu chính cho sản phẩm của mình.
5. Không được tự ý chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng
nhận dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả trường hợp tự cho phép sử dụng giữa các
đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty, công ty mẹ với công ty con và ngược lại.
6. Nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng,
hình thức sử dụng có hoặc không có nhãn hiệu chứng nhận nhưng làm sai lệch nhận
thức hoặc gây ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của nhãn hiệu chứng nhận; mọi
hình thức đưa thông tin sai về nhãn hiệu chứng nhận hoặc làm dụng nhãn hiệu
chứng nhận gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Điều 16. Quản lý việc sử dụng nhãn hiệu chứng
nhận
1. Cơ quan quản
lý nhãn hiệu chứng nhận có thể kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc sử dụng nhãn
hiệu của tổ chức, cá nhân được cấp Văn bản chấp thuận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận để
nhằm duy trì và đảm bảo những tiêu chuẩn và đặc tính riêng của sản phẩm mang
Nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Di Linh”.
2. Cơ quan quản
lý nhãn hiệu chứng nhận có quyền ra quyết định đình chỉ việc sử dụng Nhãn hiệu
chứng nhận đối với tổ chức, cá nhân trong các trường hợp sau:
a) Tổ chức, cá
nhân đó không còn đáp ứng điều kiện sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận quy định tại
Điều 5, Quy chế này.
b) Tổ chức, cá
nhân đó vi phạm quy định về sử dụng nhãn hiệu chứng nhận tại Điều 15, Quy chế
này.
3. Cơ quan quản
lý nhãn hiệu chứng nhận có nghĩa vụ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền áp dụng
các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện có hành vi xâm
phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu chứng nhận để bảo vệ quyền và
lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được cấp Văn bản chấp thuận quyền sử
dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Di Linh”.
Điều 17. Kiểm soát chất lượng sản phẩm mang
nhãn hiệu chứng nhận
1. Định kỳ Cơ quan quản lý nhãn hiệu
chứng nhận sẽ cùng tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu lấy mẫu sản phẩm mang
nhãn hiệu chứng nhận để đánh giá chất lượng. Khoản phí đánh giá chất lượng do
tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu đóng góp theo quy định.
2. Trong trường
hợp có dấu hiệu nghi ngờ về chất lượng của sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận,
Cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận có quyền đột xuất yêu cầu tổ chức, cá nhân
sử dụng nhãn hiệu lấy mẫu để kiểm tra, đánh giá chất lượng của sản phẩm.
3. Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ
chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận đối với mổi tổ chức, cá nhân sử
dụng nhãn hiệu không được vượt quá 02 lần trong một năm.
Điều 18. Chi phí tổ chức, cá nhân phải trả
cho việc chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu chứng nhận
1. Chi phí cấp Văn bản chấp thuận quyền sử dụng Nhãn
hiệu chứng nhận; chi phí thường niên duy trì Nhãn hiệu chứng nhận và chi phí
kiểm nghiệm cho việc đánh giá để được cấp văn bản chấp thuận quyền sử dụng nhãn
hiệu chứng nhận và kiểm tra chất lượng định kỳ hay đột xuất trong quá
trình sử dụng nhãn hiệu chứng nhận được thực hiện theo sự thoả thuận giữa cơ
quan quản lý nhãn hiệu và các tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu trên cơ sở đảm
bảo cho việc cấp Văn bản chấp thuận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận, quản lý
việc sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận và phải thông qua hợp đồng.
2.
Chi phí thu được nộp vào ngân sách huyện và được sử dụng một phần cho những chi
phí cần thiết trong công tác quản lý nhãn hiệu chứng nhận và phục vụ công tác
tuyên truyền quảng bá nhãn hiệu. Mọi chi phí được quyết toán theo chế độ tài
chính quy định.
Chương 5.
QUYỀN LỢI VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ
CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN
Điều 19. Quyền lợi khi tham gia nhãn hiệu chứng nhận
1. Tất cả các tổ chức, cá nhân sử
dụng nhãn hiệu chứng nhận hoàn toàn bình đẳng về quyền, lợi ích cũng như nghĩa
vụ liên quan đến nhãn hiệu chứng nhận.
2. Các tổ chức, cá nhân được cấp Văn bản chấp thuận quyền sử
dụng nhãn hiệu chứng nhận đều có quyền:
a) Gắn nhãn hiệu chứng nhận trên bao bì cho loại sản phẩm đã
được cấp Văn bản chấp thuận quyền sử dụng nhãn hiệu do mình sản xuất, kinh
doanh.
b) Có quyền khai thác, sử dụng và hưởng các lợi ích kinh tế
phát sinh từ nhãn hiệu chứng nhận.
c) Được Nhà nước bảo hộ quyền sử dụng hợp pháp nhãn hiệu
chứng nhận “Cà phê Di Linh”.
3. Khi các tổ chức, cá nhân được cấp Văn bản chấp thuận quyền
sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Di Linh” không còn nhu cầu sử dụng nhãn
hiệu có trách nhiệm thông báo đến Cơ quan quản lý để làm các thủ tục thu hồi
giấy chứng nhận.
Điều 20. Trách nhiệm khi tham gia nhãn hiệu chứng nhận
1. Thực hiện đầy đủ các nội dung của Điều 15,17,18 của Quy
chế này.
2. Tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định liên quan đến
việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận nhằm duy trì, bảo vệ, nâng cao chất lượng sản
phẩm, phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê
Di Linh ”.
3. Duy trì và bảo đảm chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu
chứng nhận “Cà phê Di Linh”.
Chương 6.
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 21: Các hành vi vi phạm
Các hành vi vi phạm quyền sở hữu và quyền sử dụng nhãn hiệu
chứng nhận theo Quy chế này bao gồm :
1. Hành vi sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của các tổ chức, cá
nhân được cấp Văn bản chấp thuận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận theo Quy
chế này nhưng không thực hiện đầy đủ các yêu cầu theo Điều 20 của Quy chế;
2. Hành vi sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho các loại sản
phẩm cà phê chưa được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của các tổ
chức cá nhân trên địa bàn Di Linh;
3. Hành vi sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của tất cả các tổ
chức, cá nhân khác khi chưa được sự cho phép của chủ nhãn hiệu chứng nhận.
Điều 22. Xử lý vi phạm
1. Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào phát
hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu chứng nhận này
đều có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận xử lý hành vi xâm
phạm.
2. Các tổ chức, cá nhân khi sử dụng nhãn hiệu chứng
nhận phải tuân thủ các quy định tại Quy chế này. Trường hợp vi phạm, tùy theo
mức độ vi phạm có thể bị xử lý như sau:
a) Tạm đình chỉ hoặc tước quyền sử dụng nhãn hiệu
chứng nhận đối với tổ chức, cá nhân có hành vi quy định tại khoản 1, Điều 21
của Quy chế này.
b) UBND huyện Di Linh xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có
thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm quy
định tại khoản 2, 3 Điều 21 của Quy chế này./-
PHỤ LỤC 1
PHỤ LỤC 2
VÙNG SẢN XUẤT VÀ KINH DOANH CÀ PHÊ
MANG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN “CÀ PHÊ DI LINH”
PHỤ LỤC 3
BẢNG CHỈ TIÊU CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM CÀ
PHÊ NHÂN MANG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN “ CÀ PHÊ DI LINH ”
I. Hình thái hạt:
- Màu sắc: Màu đặc trưng của cà phê nhân
- Mùi: Mùi đặc trưng của cà phê nhân, không có mùi lạ
II. Các chỉ tiêu hóa lý
1. Độ ẩm: Nhỏ hoặc bằng 12,5%
2. Tỷ lệ lẫn cà phê loại cho phép: Được lẫn C: ≤ 1% và A: ≤
3%
A: Là cà phê Chè
C: Là cà phê Mít
%: tính theo phần trăm khối lượng
3. Số lỗi cho phép: 90 (trong 300g mẫu)
* Xem phụ lục A về trị số lỗi quy định cho từng loại khuyết
tật của TCVN 4193:2005: Cà phê nhân
4. Tỷ lệ khối lượng cà phê trên sàng lỗ tròn Nº16/Nº13 (tức
là kích thước lỗ sàng 6,30mm/5mm ):Tỷ lệ tối thiểu 90/10
III. Các chỉ tiêu vi sinh, hàm lượng kim loại nặng, dư lượng
thuốc bảo vệ thực vật:
Thực hiện theo quy định tại danh mục tiêu chuẩn vệ sinh đối
với lương thực, thực phẩm được ban hành theo Quyết định 867/1998/QĐ-BYT của Bộ
trưởng Bộ Y tế ngày 04/4/1998.