ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
24/2024/QĐ-UBND
|
Sóc Trăng, ngày
17 tháng 7 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHU CÔNG NGHIỆP
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ
Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng
5 năm 2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế;
Xét đề nghị của Ban Quản lý các khu công nghiệp
tỉnh Sóc Trăng.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy chế phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về khu công
nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 8 năm 2024 và thay thế các văn bản sau đây:
1. Quyết định số 28/2011/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8
năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành quy chế phối hợp làm việc
giữa Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng với các Sở, ban ngành, địa
phương.
2. Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01
năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành quy chế phối hợp bảo vệ
môi trường trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp, Giám đốc các Sở,
ban ngành tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan Trung ương tại tỉnh, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, tỉnh Sóc Trăng và các tổ chức, cá nhân
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bọ Nội vụ;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL- Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh ủy; TT. HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh; Đoàn ĐBQH tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Công báo; HTĐT: sotp@soctrang.gov.vn;
- Trang tin điện tử VP UBND tỉnh;
- Lưu: TH, VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lâm Hoàng Nghiệp
|
QUY CHẾ
PHỐI
HỢP THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
SÓC TRĂNG
(Kèm theo Quyết định số 24 /2024/QĐ-UBND ngày 17 tháng 7 năm 2024 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Sóc Trăng)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và
đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung, phương
thức, trách nhiệm phối hợp của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng
và các cơ quan có liên quan trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về khu
công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Các nội dung khác không nêu tại Quy chế
này thì được thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với Ban Quản lý các khu
công nghiệp và các cơ quan có liên quan trong thực hiện công tác quản lý nhà nước
về khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp
1. Nội dung, phương thức phối hợp thực hiện công
tác quản lý nhà nước về khu công nghiệp phải bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng
chéo, đúng theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các Sở, ban ngành tỉnh, Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là các cơ quan chức năng)
theo quy định pháp luật.
2. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, các
cơ quan chức năng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp thực hiện các hoạt động quản
lý nhà nước đối với khu công nghiệp theo quy định pháp luật và Quy chế này.
Khi thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước về khu
công nghiệp, các cơ quan chức năng đều phải thông báo cho cơ quan đầu mối là
Ban Quản lý các khu công nghiệp biết trước khi thực hiện.
3. Việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về khu
công nghiệp của các cơ quan chức năng tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư,
sản xuất, kinh doanh bình thường tại khu công nghiệp của các doanh nghiệp.
Điều 3. Nội dung phối hợp
Ban Quản lý các khu công nghiệp, các Sở, ban ngành
tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan
phối hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo
các lĩnh vực chủ yếu sau:
1. Quản lý nhà nước về đầu tư, đăng ký thành lập
doanh nghiệp liên quan đến khu công nghiệp.
2. Quản lý nhà nước về đất đai, môi trường trong
khu công nghiệp.
3. Quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trong khu
công nghiệp.
4. Quản lý nhà nước về lao động, an toàn, vệ sinh
lao động, bảo hiểm xã hội, vệ sinh thực phẩm trong khu công nghiệp.
5. Quản lý nhà nước về an ninh chính trị, trật tự
an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy tại khu công nghiệp.
6. Quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới
sáng tạo trong các khu công nghiệp.
7. Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi
phạm pháp luật về khu công nghiệp và doanh nghiệp khu công nghiệp.
8. Thực hiện công tác, nhiệm vụ liên quan khác.
Điều 4. Phương thức phối hợp
1. Trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan
đến công tác quản lý nhà nước về khu công nghiệp; tổ chức họp hoặc lấy ý kiến bằng
văn bản về những nội dung thuộc các lĩnh vực nêu tại Điều 3 Quy chế.
2. Thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra xem xét, xử
lý các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư, xây dựng, môi trường, lao động và
các vấn đề phát sinh khác tại khu công nghiệp; đề xuất kiến nghị chấn chỉnh, điều
chỉnh, bổ sung biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước
về khu công nghiệp, doanh nghiệp khu công nghiệp; phát hiện, xử lý nghiêm các
hành vi vi phạm pháp luật tại khu công nghiệp theo quy định pháp luật.
3. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá công tác phối
hợp giữa các cơ quan chức năng trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về khu
công nghiệp.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Phối hợp thực hiện công
tác quản lý nhà nước về đầu tư, đăng ký thành lập doanh nghiệp liên quan đến
khu công nghiệp
1. Trách nhiệm của Ban Quản lý các khu công nghiệp
a) Tiếp nhận, chuyển lấy ý kiến của các cơ quan chức
năng về hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư tại khu công nghiệp do nhà nước đầu
tư.
b) Phối hợp các cơ quan chức năng tham mưu xây dựng
cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng kinh
doanh hạ tầng khu công nghiệp, dự án đầu tư vào khu công nghiệp theo quy định
pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; trình cơ quan có thẩm quyền
xem xét, quyết định.
c) Phối hợp cơ quan chức năng xây dựng danh mục dự
án hạ tầng khu công nghiệp kêu gọi đầu tư; biên soạn các ấn phẩm, tài liệu phục
vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư về khu công nghiệp; thực hiện hoạt động tuyên
truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường đầu tư, chính sách hỗ trợ đầu tư và
kết nối đầu tư liên quan đến lĩnh vực khu công nghiệp.
d) Theo dõi, giám sát hoạt động đầu tư xây dựng hạ
tầng khu công nghiệp, việc thực hiện dự án đầu tư trong khu công nghiệp. Khi
phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đầu tư tại khu công nghiệp, Ban Quản
lý các khu công nghiệp có trách nhiệm thông tin và đề nghị cơ quan chức năng tiến
hành kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định pháp luật về đầu
tư.
2. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Khi Sở Kế hoạch và Đầu tư (Phòng Đăng ký kinh
doanh) thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có
đăng ký trụ sở tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thì thông báo với Ban
Quản lý các khu công nghiệp tỉnh (qua điện thoại, email hoặc văn bản) để Ban Quản
lý các khu công nghiệp tỉnh thực hiện các thủ tục về đầu tư đối với doanh nghiệp
theo quy định của pháp luật về đầu tư.
b) Phối hợp có ý kiến góp ý đối với nội dung tham
mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư đối
với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, dự án đầu tư vào khu công
nghiệp theo quy định pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.
c) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng
có liên quan tiến hành kiểm tra, thanh tra, kết luận và xử lý những vụ việc vi
phạm quy định pháp luật về đầu tư trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh
Sóc Trăng.
3. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
Thẩm định nhu cầu sử dụng đất của dự án đầu tư tại
khu công nghiệp do nhà nước đầu tư và trực tiếp cho thuê đất theo văn bản lấy ý
kiến của Ban Quản lý các khu công nghiệp.
4. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng khác
Tham gia ý kiến, phối hợp kiểm tra, giám sát, đánh
giá hiệu quả, đề xuất, kiến nghị về các hoạt động đầu tư hạ tầng khu công nghiệp,
hoạt động đầu tư của doanh nghiệp vào khu công nghiệp khi có yêu cầu thuộc phạm
vi quản lý chuyên ngành của cơ quan, đơn vị.
Điều 6. Phối hợp thực hiện công
tác quản lý đất đai, môi trường trong khu công nghiệp
1. Trách nhiệm của Ban Quản lý các khu công nghiệp
a) Theo dõi, giám sát việc sử dụng đất được nhà nước
cho thuê tại khu công nghiệp trong thực hiện dự án đầu tư. Khi phát hiện trường
hợp không đầu tư, không đưa đất vào sử dụng đúng theo tiến độ đăng ký đầu tư hoặc
sử dụng đất không đúng mục đích đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp thông
báo cho cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về đất
đai.
b) Theo dõi, giám sát việc chấp hành thực hiện quy
định pháp luật về môi trường tại khu công nghiệp, doanh nghiệp khu công nghiệp.
Khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về môi trường, Ban Quản
lý các khu công nghiệp thông báo cho cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra,
thanh tra, xử lý vi phạm về môi trường.
2. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ
chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, bảo vệ
môi trường.
b) Xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra về đất
đai, môi trường tại khu công nghiệp. Chủ trì và phối hợp thực hiện công tác kiểm
tra, thanh tra và xử lý vi phạm về đất đai và bảo vệ môi trường tại khu công
nghiệp và doanh nghiệp khu công nghiệp.
c) Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan giải quyết
phản ánh, khiếu nại, tố cáo hoặc tranh chấp về đất đai, môi trường phát sinh
trong khu công nghiệp.
d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên
quan thực hiện công tác ứng phó, khắc phục sự cố môi trường xảy ra trong các
khu công nghiệp.
3. Trách nhiệm của Công an tỉnh
a) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác
kiểm tra, điều tra xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường
khi xảy ra tại các khu công nghiệp.
b) Chỉ đạo các lực lượng trực thuộc phối hợp thực
hiện công tác ứng phó, khắc phục sự cố môi trường, sự cố hóa chất khi xảy ra
trong các khu công nghiệp.
4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
Thực hiện và phối hợp thực hiện công tác kiểm tra,
xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường tại khu công nghiệp đóng trên địa
bàn huyện theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo
quy định pháp luật.
Điều 7. Phối hợp thực hiện công
tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trong khu công nghiệp
Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Xây dựng và cơ
quan chức năng có liên quan phối hợp thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng
theo quy định pháp luật về xây dựng và quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh (Quyết
định số 2587/QĐ-UBND ngày 05/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về việc
ban hành Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trong trên địa bàn tỉnh Sóc
Trăng).
Điều 8. Phối hợp thực hiện công
tác quản lý nhà nước về lao động, an toàn lao động, an toàn công nghiệp, hoạt động
hóa chất, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo hiểm xã hội
1. Trách nhiệm của Ban Quản lý các khu công nghiệp
a) Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động
trong khu công nghiệp theo quy định pháp luật. Xây dựng kế hoạch và phối hợp thực
hiện công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lao động tại các khu công
nghiệp. Phối hợp cơ quan chức năng thực hiện công tác quản lý lao động nước
ngoài, nhà đầu tư nước ngoài, đối tác nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp
theo quy định hiện hành.
b) Khi xảy ra đình công, nghỉ việc tập thể trong
khu công nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp báo cáo và phối hợp các cơ
quan chức năng xử lý, giải quyết theo quy định pháp luật, bảo đảm an ninh trật
tự, không để xảy ra tình trạng lợi dụng kích động, lôi kéo thực hiện các hành
vi gây rối, bạo động.
c) Phối hợp Bảo hiểm xã hội tỉnh trong việc tổ chức
tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
cho người lao động trong khu công nghiệp. Định kỳ 06 tháng cung cấp thông tin
cho Bảo hiểm xã hội tỉnh về tình hình sử dụng và thay đổi lao động tại các đơn
vị trong các khu công nghiệp.
2. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội
a) Chủ trì và phối hợp thực hiện công tác tuyên
truyền, phổ biến, tập huấn cho người lao động và người sử dụng lao động trong
các khu công nghiệp về chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về lao động.
b) Chủ trì và phối hợp thực hiện công tác quản lý
nhà nước về lao động, an toàn - vệ sinh lao động; tiếp nhận xử lý, giải quyết
các vụ việc tranh chấp lao động; tổ chức xử lý, hòa giải các vụ việc đình công
của người lao động theo quy định pháp luật.
3. Trách nhiệm của Sở Y tế
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực thuộc phối hợp Ban
Quản lý các khu công nghiệp thực hiện công tác quản lý nhà nước về y tế, phòng
chống dịch bệnh, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với bếp ăn, dịch vụ
cung cấp suất ăn công nghiệp, ứng phó xử lý các trường hợp ngộ độc thực phẩm tập
thể tại doanh nghiệp khu công nghiệp.
4. Trách nhiệm của Sở Công Thương
Chủ trì, phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước
về an toàn công nghiệp, kiểm tra mức tiêu hao sử dụng năng lượng tiết kiệm và
hiệu quả, kiểm tra công tác an toàn điện, hoạt động hóa chất và an toàn thực phẩm
thuộc trách nhiệm của ngành công thương.
5. Trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội tỉnh
a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp
luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động trong khu công nghiệp;
thực hiện việc giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm
thất nghiệp theo đúng quy định pháp luật.
b) Thông báo (quý, năm) về tình hình chấp hành quy
định về bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp khu công nghiệp cho Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp để phối hợp, đôn đốc và
xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm.
Điều 9. Phối hợp thực hiện công
tác quản lý nhà nước về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng cháy
chữa cháy
1. Trách nhiệm của Ban Quản lý các khu công nghiệp
a) Phối hợp Công an tỉnh, các cơ quan, đơn vị chức
năng xây dựng và phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các
khu công nghiệp; tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự
an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy tại các khu công nghiệp; thực hiện các
phương án, biện pháp phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh với các hành vi vi phạm
pháp luật của các tổ chức, đối tượng xấu tại khu công nghiệp.
b) Thông báo kịp thời cho lực lượng công an điều
tra, xử lý các vụ việc liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
xảy ra tại khu công nghiệp.
c) Chỉ đạo đơn vị quản lý khu công nghiệp, doanh
nghiệp hạ tầng khu công nghiệp xây dựng lực lượng bảo vệ, lực lượng phòng cháy
chữa cháy chuyên trách đảm bảo về năng lực nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy tại các khu công nghiệp.
2. Trách nhiệm của Công an tỉnh
a) Chủ trì và phối hợp xây dựng, thực hiện kế hoạch,
phương án phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, trật
tự an toàn xã hội; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự,
phòng cháy, chữa cháy, về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước
ngoài trong khu công nghiệp và các lĩnh vực khác liên quan đến khu công nghiệp;
hướng dẫn xây dựng và phát động phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc tại
các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần phòng ngừa, phát hiện, đấu
tranh ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.
b) Phối hợp tổ chức huấn luyện, tập huấn, bồi dưỡng
kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ, lực lượng phòng cháy chữa
cháy tại các khu công nghiệp.
Điều 10. Phối hợp thực hiện
công tác quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các
khu công nghiệp
1. Trách nhiệm của Ban Quản lý các khu công nghiệp
a) Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn
các chủ đầu tư lập hồ sơ để thẩm định, có ý kiến về công nghệ các dự án đầu tư
vào khu công nghiệp theo quy định Luật Đầu tư; Luật Chuyển giao công nghệ.
b) Phối hợp trong giải quyết các nội dung trong
lĩnh vực khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp.
Phối hợp tổ chức các nội dung, chương trình cho các doanh nghiệp: Đổi mới sáng
tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ, phát triển
thị trường khoa học và công nghệ. Thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, hội
nghị, hội thảo, khảo sát, điều tra thống kê về khoa học và công nghệ.
2. Trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ
a) Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các khu công
nghiệp và các cơ quan liên quan thực hiện thẩm định, có ý kiến về công nghệ,
chuyển giao công nghệ đối với trường hợp dự án đầu tư vào khu công nghiệp thuộc
đối tượng theo quy định hiện hành.
b) Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các khu công
nghiệp và các cơ quan liên quan về các nội dung trong lĩnh vực khoa học và công
nghệ của các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp, hướng dẫn các doanh nghiệp
đề xuất, đặt hàng triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển
công nghệ, đổi mới công nghệ, đánh giá trình độ công nghệ; hướng dẫn để thành lập
doanh nghiệp khoa học và công nghệ; tham gia phát triển thị trường khoa học và
công nghệ, thực hiện các quy định về sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, kiểm soát,
rà soát các nguồn phóng xạ, việc xây dựng và thực hiện phương án ứng phó sự cố
bức xạ hạt nhân tại các khu công nghiệp.
Điều 11. Thực hiện công tác kiểm
tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về khu công nghiệp và doanh nghiệp khu
công nghiệp
1. Trách nhiệm của Ban Quản lý các khu công nghiệp
a) Tổ chức thực hiện và phối hợp thực hiện công tác
kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động đầu tư, sản xuất
của doanh nghiệp hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp khu công nghiệp theo thẩm
quyền.
b) Kiến nghị, đề xuất cơ quan chức năng tiến hành
kiểm tra, thanh tra đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại
khu công nghiệp, doanh nghiệp khu công nghiệp.
2. Trách nhiệm của các cơ quan có chức năng thanh
tra, kiểm tra
a) Tiếp nhận yêu cầu kiểm tra, thanh tra các vụ việc
có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại khu công nghiệp và doanh nghiệp khu công nghiệp
theo đề nghị của Ban Quản lý các khu công nghiệp. Tổ chức kiểm tra, thanh tra,
kết luận và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử
lý vi phạm theo quy định.
b) Thông báo về kết quả kiểm tra, thanh tra đối với
doanh nghiệp khu công nghiệp cho Ban Quản lý các khu công nghiệp biết để phối hợp
giám sát doanh nghiệp chấp hành thực hiện các nội dung yêu cầu theo kết luận kiểm
tra, thanh tra và quyết định xử lý vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 12. Phối hợp thực hiện những
nhiệm vụ liên quan khác
Ban Quản lý các khu công nghiệp, các cơ quan chức
năng phối hợp thực hiện những nhiệm vụ liên quan khác về quản lý khu công nghiệp
phù hợp với chức năng, thẩm quyền. Trường hợp không thuộc thẩm quyền, Ban Quản
lý các khu công nghiệp và cơ quan liên quan tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền
xem xét, xử lý theo quy định hiện hành.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Tổ chức thực hiện
1. Ban Quản lý các khu công nghiệp là cơ quan đầu mối,
chủ trì, phối hợp các Sở, ban ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế; tổ chức phổ biến tới đơn
vị quản lý khu công nghiệp, doanh nghiệp hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp
khu công nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan biết và thực hiện. Đồng thời có
trách nhiệm theo dõi, giám sát và định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết, đánh giá,
báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Quy chế cho Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Căn cứ nguyên tắc phối hợp thực hiện công tác quản
lý nhà nước về khu công nghiệp được quy định tại Quy chế này, Ban Quản lý các
khu công nghiệp và cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp xây dựng, ký kết, ban
hành và tổ chức thực hiện quy chế, kế hoạch phối hợp thực hiện công tác quản lý
nhà nước về khu công nghiệp theo từng lĩnh vực chuyên ngành nếu có yêu cầu.
3. Trong quá trình thực hiện, khi có yêu cầu điều
chỉnh, bổ sung nội dung Quy chế, Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp các
cơ quan chức năng tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù
hợp./.