ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2381/2006/QĐ-UBND
|
Bến
Tre, ngày 22 tháng 11 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
TRONG CHỢ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật tổ chức Hội ñồng
nhân daân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số
163/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ Quy định chi tiết thi
hành một số điều của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm;
Căn cứ Quyết định số
41/2005/QĐ-BYT ngày 08 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành
“Quy định điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ,
phục vụ ăn uống”;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định tiêu chuẩn về
vệ sinh an toàn thực phẩm trong Chợ”.
Điều 2.
Giao cho Giám đốc Sở Y tế phối hợp với các Sở, Ban, ngành
tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, xã, phường, thị trấn
tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.
Điều 3.
Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ
trưởng các Sở, Ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện thị, xã, phường,
thị trấn, Ban Quản lý Chợ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau
15 ngày kể từ ngày ký./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Thành Hạo
|
QUY ĐỊNH
TIÊU CHUẨN VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG CHỢ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2381/2006/QĐ-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2006
của UBND tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục
tiêu và phạm vi áp dụng
1. Quy định này ban hành những
tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chợ nhằm mục tiêu cải thiện và bảo
vệ sức khỏe cho cộng đồng, góp phần ổn định và phát triển kinh tế, xã hội.
2. Quy định này áp dụng đối với
tất cả mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có kinh doanh thực phẩm và kinh
doanh dịch vụ ăn uống trong phạm vi các chợ trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Điều 2. Giải
thích từ
Trong quy định này các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. “Chợ” là điểm kinh doanh cố định,
có địa giới được quy định trên địa bàn dân cư, có lồng chợ hoặc không có lồng
chợ, được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh hoặc huyện, thị, nơi tập
trung để mọi người đến mua, bán theo những ngày, buổi nhất định của các thành
phần kinh tế được pháp luật cho phép.
2. Chợ đạt chuẩn về vệ sinh an
toàn thực phẩm là Chợ mà nơi đó các “Cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống
cố định, cơ sở bán thực phẩm” có đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
3. “Cơ sở kinh doanh, dịch vụ,
phục vụ ăn uống cố định” là bất cứ một gian nhà, toà nhà nằm trong mặt phố,
dùng để kinh doanh thực phẩm được chia làm hai loại: cơ sở dịch vụ ăn uống và
cơ sở bán thực phẩm.
“Cơ sở dịch vụ ăn uống” là các
cơ sở chế biến, xử lý thực phẩm để bán cho khách ăn uống ngay tại chỗ.
“Cơ sở bán thực phẩm” là các cơ sở
để bán thực phẩm (còn gọi là cửa hàng thực phẩm) không có dịch vụ ăn uống tại
chỗ.
4. “Cửa hàng ăn” là các cơ sở dịch
vụ ăn uống cố định tại chỗ bảo đảm cùng lúc cho số lượng người ăn khoảng dưới
50 người (cửa hàng cơm bình dân, phở, bún, miến, cháo…).
5. “Quán ăn” là các cơ sở ăn uống
nhỏ, thường chỉ có một vài nhân viên phục vụ, có tính bán cơ động, thường được
bố trí ở dọc đường, trên hè phố, những nơi công cộng.
Chương II
ĐIỀU KIỆN VỆ SINH AN
TOÀN ĐỐI VỚI CƠ SỞ DỊCH VỤ ĂN UỐNG
Điều 3. Cửa
hàng ăn
1. Bảo đảm có đủ nước và nước đá
sạch.
2. Có dụng cụ, đồ chứa đựng đảm
bảo vệ sinh và khu vực trưng bày riêng biệt giữa thực phẩm sống và thực phẩm
chín.
3. Nơi chế biến thực phẩm phải sạch,
cách biệt nguồn ô nhiễm (cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán
gia súc, gia cầm) và thực hiện quy trình chế biến một chiều.
4. Người làm dịch vụ chế biến phải
được khám sức khỏe và cấy phân định kỳ ít nhất mỗi năm một lần.
5. Người làm dịch vụ chế biến phải
có Giấy chứng nhận đã được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm.
6. Người tiếp xúc với thực phẩm
phải mặc quần áo bảo hộ, có mũ chụp tóc, tháo bỏ mọi đồ trang sức, cắt ngắn
móng tay và tay phải luôn giữ sạch sẽ.
7. Nguyên liệu thực phẩm phải có
nguồn gốc an toàn và không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép của
Bộ Y tế.
8. Thức ăn phải được bày bán
trên bàn hoặc giá cao cách mặt đất ít nhất 60cm.
9. Thức ăn bày bán phải để trong
tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống ruồi, bụi, mưa, nắng và sự
xâm nhập của các côn trùng, động vật khác.
10. Có dụng cụ chứa đựng chất thải
kín, có nắp đậy và được chuyển đi trong ngày.
Điều 4. Quán
cà phê, hàng giải khát
1. Bảo đảm có nguồn gốc nguyên
liệu an toàn.
2. Không sử dụng trà, cà phê có dư
lượng hoá chất bảo vệ thực vật và độc tố nấm mốc.
3. Bảo đảm đủ điều kiện vệ sinh
an toàn thực phẩm về cơ sở, thiết bị dụng cụ, đặc biệt các dụng cụ để pha trà
và pha cà phê.
4. Nhân viên phục vụ phải được
khám sức khỏe, cấy phân định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần; có Giấy chứng nhận đã được
tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo đảm thực hiện tốt vệ
sinh cá nhân.
5. Nếu có sử dụng phụ gia, cần
phải có nhãn mác và trong thời hạn sử dụng. Chỉ được sử dụng phụ gia, chất tạo
ngọt hóa học nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế.
Điều 5. Quán
rượu, bia
1. Chỉ được bán rượu, bia có nguồn
gốc an toàn và bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
2. Nơi bán hàng và nơi để cho
khách ngồi uống phải sạch sẽ, thoáng mát, không có ruồi, bọ, côn trùng, động vật
và phải cao hơn mặt đất ít nhất 60cm. Nơi bán hàng phải có đủ nhà vệ sinh, bồn
rửa tay cho khách.
3. Ly, tách để uống phải là loại
an toàn, được rửa sạch, lau hoặc sấy khô trước khi cho khách sử dụng.
4. Các đồ ăn kèm phải bảo đảm
yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Không dùng đường hoá học để pha chế nước giải
khát.
5. Nhân viên phục vụ phải được
khám sức khỏe, cấy phân định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần, có Giấy chứng nhận đã tập
huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo đảm thực hành tốt vệ sinh cá
nhân.
Chương III
ĐIỀU KIỆN VỆ SINH AN
TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI CÁC CỬA HÀNG KINH DOANH THỰC PHẨM
Điều 6. Các
cửa hàng bán bánh (bánh bao, bánh mì, bánh ngọt, bánh xuxê, bánh cốm, bánh gai,
bánh đậu xanh, bánh ít, bánh tét…)
1. Cơ sở và thiết bị dụng cụ chế
biến bảo quản và chứa đựng phải bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm
theo quy định của Bộ Y tế.
2. Nguyên liệu để sản xuất, chế
biến phải có nguồn gốc an toàn, không sử dụng nguyên liệu mốc, kém phẩm chất.
3. Chỉ được bán bánh bánh không
mốc và hư hỏng. Không được phép sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép. Tuyệt
đối không sử dụng phẩm mầu độc và hàn the để chế biến, bảo quản.
4. Nhân viên bán hàng phải được
khám sức khỏe, cấy phân định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần; có Giấy chứng nhận đã tập
huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo đảm thực hành tốt vệ sinh cá
nhân.
5. Tuyệt đối không dùng giấy bẩn,
lá bẩn và các đồ bao gói không bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.
Điều 7. Cửa
hàng bán bánh kẹo
1. Chỉ được bán bánh, kẹo có đầy
đủ nhãn mác theo quy định và còn hạn sử dụng. Tuyệt đối không bày bán các thực
phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm không đảm bảo yêu cầu vệ sinh
an toàn thực phẩm.
2. Phải có giá, tủ, kệ, kê xếp
thực phẩm thông thoáng, chống được bụi, mưa, nắng, gió, côn trùng và động vật
gây hại.
3. Phải kiểm tra thường xuyên về
nhãn mác, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của thực phẩm được bày bán trong
cửa hàng, kịp thời loại bỏ các thực phẩm quá hạn, biến chất hư hỏng.
4. Nhân viên bán hàng phải được
khám sức khỏe, cấy phân định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần, có Giấy chứng nhận đã tập
huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và có thực hành tốt vệ sinh cá
nhân.
5. Phải có thiết bị bảo quản
chuyên dụng phù hợp với các loại thực phẩm khác nhau.
Điều 8. Cửa
hàng bán thức ăn chín
1. Thức ăn được bày bán phải để
trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được ruồi, bụi, mưa, nắng
và sự xâm nhập của các côn trùng, động vật khác. Không được bán thức ăn có dấu
hiệu ôi thiu, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc.
2. Nhân viên bán hàng phải được
khám sức khỏe, cấy phân định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần; có Giấy chứng nhận đã tập
huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và có thực hành tốt vệ sinh cá
nhân.
3. Tuyệt đối không dùng phụ gia,
phẩm màu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế.
4. Có dụng cụ gắp, xúc thức ăn để
bán cho khách.
5. Đồ bao gói thức ăn phải sạch,
chỉ dùng các loại chuyên dùng cho thực phẩm.
Điều 9. Cửa
hàng dưa, cà, tương, mắm, gia vị, dầu ăn
1. Nơi bày bán hàng và chứa hàng
phải cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ, không có ruồi, côn trùng, động vật gây hại
và nguồn ô nhiễm khác.
2. Dụng cụ chứa đựng phải bảo đảm
yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định Bộ Y Tế.
3. Nhân viên bán hàng phải được
khám sức khoẻ, cấy phân định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần, có Giấy chứng nhận đã được
tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo đảm thực hành tốt vệ
sinh cá nhân. Nguyên liệu và sản phẩm bày bán, bán phải có nguồn gốc an toàn.
4. Tuyệt đối không dùng và bán
các phụ gia, chất bảo quản ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế.
5. Các bao bì thực phẩm phải bảo
đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.
Điều 10. Cửa
hàng bán sữa, đường
1. Phải bảo đảm đầy đủ điều kiện
vệ sinh an toàn thực phẩm về cơ sở, thiết bị dụng cụ, phải có giá, bàn tủ, kệ để
trưng bày thực phẩm.
2. Nhân viên bán hàng phải được
khám sức khỏe, cấy phân định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần, có Giấy chứng nhận đã được
tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo đảm thực hành tốt vệ sinh
cá nhân.
3. Hàng hóa được bày bán phải có
nguồn gốc an toàn và đầy đủ nhãn mác theo quy định (nếu bán lẻ phải có bao bì
chứng minh nguồn gốc hàng hóa), không bày bán thực phẩm giả, quá hạn và kém chất
lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
4.Thường xuyên kiểm tra về nhãn
mác, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng hoá, kịp thời loại bỏ những
thực phẩm bị hư hỏng, biến chất, quá hạn sử dụng.
5. Phải có thiết bị bảo quản thực
phẩm phù hợp với các loại thực phẩm khác nhau.
Điều 11. Cửa
hàng thịt
1. Tất cả các loại thịt được bày
bán phải có nguồn gốc an toàn và phải có chứng nhận kiểm dịch của thú y.
2. Thịt phải được bày bán trên
bàn cao cách mặt đất ít nhất 60cm và có thiết bị chống ruồi, nhặng và các loại
côn trùng, động vật gây hại khác.
3. Không được bày bán thịt bị bệnh,
thịt ôi và thịt bị ô nhiễm.
4. Tuyệt đối không sử dụng các
chất bảo quản độc hại để bảo quản thịt (hàn the, urê…).
5. Nhân viên bán hàng phải được
khám sức khỏe, cấy phân định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần, có Giấy chứng nhận đã được
tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo đảm thực hành tốt vệ sinh
cá nhân.
Điều 12. Cửa
hàng thủy sản
1. Phải bảo đảm điều kiện vệ
sinh an toàn thực phẩm về cơ sở, thiết bị dụng cụ, thiết bị chứa đựng bảo quản
thủy sản theo quy định.
2. Thủy sản bày bán phải có nguồn
gốc an toàn. Không được bày bán các loại thủy sản bị bệnh, ô nhiễm và ươn thối.
3. Tuyệt đối không được dùng các
loại hóa chất độc hại để bảo quản thuỷ sản (hàn the, phân urê…).
4. Nhân viên bán hàng phải được
khám sức khỏe, cấy phân định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần, có Giấy chứng nhận đã được
tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo đảm thực hành tốt vệ sinh
cá nhân.
5. Nước sử dụng để rửa, bảo quản
thủy sản phải sạch.
Điều 13. Cửa
hàng rau quả
1. Rau quả bày bán phải có nguồn
gốc an toàn.
2. Nơi bán hàng, kho chứa,
phương tiện bán hàng, phương tiện vận chuyển, phương tiện bảo quản phải bảo đảm
yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
3. Tuyệt đối không được phun,
ngâm, tẩm các hoá chất để bảo quản rau quả. Không được bày bán rau quả úa, nát,
ô nhiễm và rau quả bảo quản bằng hoá chất độc hại.
4. Nhân viên bán hàng phải được
khám sức khỏe, cấy phân định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần, có Giấy chứng nhận đã được
tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo đảm thực hành tốt vệ sinh
cá nhân…
5. Không được bày bán lẫn lộn giữa
“rau quả sạch” và “rau quả không sạch”.
Điều 14. Cửa
hàng gạo, lương thực, ngũ cốc
1. Mọi loại gạo, ngũ cốc bày bán
phải có nguồn gốc an toàn.
2. Phải đảm bảo điều kiện vệ
sinh an toàn thực phẩm về cơ sở, kho chứa, dụng cụ chứa đựng, phải có thiết bị
chống chuột, bọ, gián.
3. Tuyệt đối không dùng các loại
hóa chất để bảo quản gạo và ngũ cốc.
4. Không bán các loại gạo, ngũ cốc
có dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, kim loại nặng, độc tố nấm mốc và gạo, ngũ
cốc mốc, hư hỏng, có sạn.
5. Nhân viên bán hàng phải được
khám sức khỏe, cấy phân định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần, có Giấy chứng nhận đã được
tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo đảm thực hành tốt vệ sinh
cá nhân.
Điều 15. Điều
kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ
1. Tất cả các thực phẩm đem vào
chợ bán phải có nguồn gốc an toàn. Đối với gia súc, gia cầm và thịt phải có sự
kiểm soát chứng nhận của cơ quan thú y.
2. Trong chợ phải quy hoạch bố
trí riêng biệt các khu: bán gia súc, gia cầm; bán thịt; bán cá; rau quả; đồ
khô; đồ tươi sống; ngũ cốc; thực phẩm đã chế biến; bánh kẹo; rượu, bia, nước giải
khát và khu dịch vụ ăn uống tại chỗ hợp lý và phù hợp với quy mô chợ.
3. Hệ thống cống rãnh phải kín,
thoát nước tốt, không gây ô nhiễm các vùng xung quanh. Dụng cụ chứa đựng chất
thải phải kín, có nắp đậy và được thu gom xử lý hàng ngày, không để ứ đọng ô
nhiễm.
4. Phải có đủ nhà vệ sinh, bồn rửa
tay và thường xuyên giữ vệ sinh sạch sẽ.
5. Tất cả các loại thực phẩm phải
được bày bán trên bàn, giá kệ, tủ cách ly khỏi mặt đất ít nhất 60cm.
6. Các cơ sở dịch vụ ăn uống
trong chợ phải bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.
7. Phải bảo đảm có đủ nước sạch
sử dụng trong chợ.
8. Có khu giết mổ gia súc, gia cầm
riêng, cách biệt khu bày bán thực phẩm.
9. Tuyệt đối không bày bán thực
phẩm giả, thực phẩm quá hạn, kém chất lượng hoặc thịt và gia súc, gia cầm bị bệnh.
10. Không sử dụng và bày bán các
phụ gia ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế.
Điều 16.
Hàng hóa là thực phẩm kinh doanh phải có nhãn hàng hóa
theo quy định. Trừ những “Hàng hóa thực phẩm tươi sống, nhu yếu phẩm không có
bao gói sẵn được bán trực tiếp cho người tiêu dùng; đồ ăn, đồ uống có bao gói sẵn
có giá trị tiêu dùng trong 24 giờ”.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC
NGÀNH, CÁC CẤP
Điều 17.
Sở Y tế chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh
việc thực hiện tiêu chuẩn chợ đạt chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Điều 18.
Các Sở, Ban ngành tỉnh trong phạm vi quyền hạn của
mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế thực hiện quản lý Nhà nước về vệ sinh
an toàn thực phẩm trong lĩnh vực được phân công.
Điều 19.
Ủy ban nhân dân huyện, thị xã; Ủy ban nhân dân xã, phường,
thị trấn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn quản lý toàn bộ hệ thống chợ trên địa
bàn trong đó có chợ điểm.
Điều 20.
- Các tổ
chức, cá nhân các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống có trách nhiệm tạo
điều kiện cho đoàn thanh tra và thanh tra viên thực hiện nhiệm vụ thanh tra về
vệ sinh.
- Các tổ chức, cá nhân các cơ sở
kinh doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống có quyền khiếu nại; tố cáo hành vi vi phạm
pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm với cơ quan tổ chức có thẩm quyền.
Điều 21.
Thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý vi phạm
pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chương V
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI
PHẠM
Điều 22.
Khen thưởng
Tổ chức, cá nhân các cơ sở kinh
doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống có thành tích trong hoạt động bảo đảm vệ sinh
an toàn thực phẩm hoặc có công phát hiện vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn
thực phẩm thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 23. Xử lý
vi phạm
Tổ chức, cá nhân các cơ sở kinh
doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống có hành vi vi phạm quy định này thì tùy theo
tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm
hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24.
1. Các tổ
chức cá nhân, chế biến kinh doanh dịch vụ - phục vụ ăn uống có trách nhiệm thực
hiện quy định này.
2. Sở Y tế chủ trì phối hợp các
Sở, Ban ngành có chức năng và các cơ quan có liên quan hướng dẫn, chỉ đạo thực
hiện quy định này ./.