Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 2374/QĐ-BNN-QLCL Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Người ký: Cao Đức Phát
Ngày ban hành: 21/08/2009 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------

Số: 2374/QĐ-BNN-QLCL

Hà Nội, ngày 21 tháng 08 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM THỦY SẢN ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tăng cường quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quan điểm và mục tiêu phát triển

1.1. Quan điểm

1.1.1. Đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và hội nhập kinh tế quốc tế.

1.1.2. Quản lý chất lượng, VSATTP là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thông qua phối hợp liên ngành và tổ chức chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, sự tham gia tích cực của người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.

1.1.3. Quản lý chất lượng, VSATTP nông lâm thủy sản phải thực hiện theo nguyên tắc kiểm soát toàn bộ quá trình “từ trang trại tới bàn ăn”; kiểm soát chặt chẽ công đoạn có nguy cơ, nguy cơ cao trong toàn bộ quy trình sản xuất và cung cấp nông lâm thủy sản.

1.1.4. Hệ thống cơ quan quản lý chất lượng, VSATTP đảm bảo tính chuyên trách, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Chuyển hướng mạnh mẽ từ quản lý – tác nghiệp sang quản lý vĩ mô ở cấp Trung ương; đẩy mạnh phân công, phân cấp và nâng cao vai trò quản lý cấp địa phương.

1.1.5. Huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế. Phát huy vai trò của khu vực tư nhân và các hiệp hội ngành, nghề tham gia công tác hoạt động đảm bảo chất lượng, VSATTP. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động dịch vụ kỹ thuật, tư vấn, đánh giá, chứng nhận chất lượng, VSATTP nông lâm thủy sản.

1.2. Mục tiêu

1.2.1. Mục tiêu chung:

Hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật tăng cường năng lực thực thi pháp luật của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo hiệu lực và hiệu quả quản lý chất lượng, VSATTP nông lâm thủy sản nhằm góp phần phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, cung cấp nguồn thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn cho thị trường nội địa và xuất khẩu, thực hiện đúng các cam kết về TBT/SPS trong quá trình gia nhập WTO của Việt Nam.

1.2.2. Mục tiêu cụ thể đến 2015:

(1) Hoàn thiện cơ bản hệ thống văn bản QPPL quản lý chất lượng, đảm bảo VSATTP nông lâm thủy sản theo hướng hài hòa với quy định quốc tế.

(2) Hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy và đầu tư năng lực cho cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng, VSATTP nông lâm thủy sản cấp trung ương, cấp tỉnh và một số huyện thí điểm.

(3) Tăng cường quản lý chất lượng, đảm bảo VSATTP ở tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất:

- 80% các tỉnh, thành phố phê duyệt và triển khai quy hoạch và đảm bảo điều kiện cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất thực phẩm an toàn (tập trung vào đối tượng rau, chè, thịt và thủy sản tiêu thụ nội địa).

- 40 – 50% cơ sở nuôi/vùng nuôi thâm canh, 15% cơ sở nuôi/vùng nuôi quảng canh được công nhận BMP/GaqP/CoC (Quy chuẩn thực hành quản lý tốt/Quy phạm thực hành nuôi thủy sản tốt/Quy tắc nuôi thủy sản có trách nhiệm). 100% vùng nuôi thủy sản chủ lực, tập trung có sản lượng hàng hóa lớn phục vụ cho chế biến công nghiệp; 70% vùng nuôi nhỏ lẻ được giám sát dư lượng hóa chất độc hại. 45 – 50% diện tích sản xuất rau, chè áp dụng ViệtGAP (Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt).

- 80% cảng cá, tàu cá từ 90CV trở lên, cơ sở sản xuất nước đá độc lập phục vụ chế biến thủy sản cơ sở thu mua nguyên liệu, cơ sở sơ chế nông lâm thủy sản đạt tiêu chuẩn TCVN về ATVS thú y, VSAT thực phẩm và áp dụng các chương trình đảm bảo ATVSDB (GMP, SSOP) (Quy phạm thực hành sản xuất tốt, Quy phạm vệ sinh chuẩn).

- 70% cơ sở chế biến nông sản, 100% cơ sở chế biến thủy sản thực phẩm quy mô công nghiệp áp dụng quản lý chất lượng theo HACCP (Chương trình Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn), GMP, GHP (Quy phạm thực hành vệ sinh tốt), đáp ứng TCVN về vệ sinh an toàn thực phẩm.

(4) Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của tất cả các đối tượng liên quan, từ người quản lý, nhà sản xuất (lưu thông phân phối, buôn bán nông sản phẩm), đến người tiêu dùng về tầm quan trọng, kiến thức, phương pháp luận và thông tin đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. 90% cán bộ quản lý và kỹ thuật được tuyển dụng, đào tạo đạt tiêu chuẩn chức danh. 90% cơ sở sản xuất kinh doanh, 80-90% nông dân, ngư dân tham gia sản xuất hàng hóa thực phẩm nông lâm thủy sản được cập nhật các thông tin, kiến thức về đảm bảo chất lượng và VSATTP.

(5) Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế và đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động tổng thể các nguồn lực cho công tác quản lý chất lượng, VSATTP.

1.2.3. Định hướng đến 2020:

(1) Hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL quản lý chất lượng, đảm bảo VSATTP nông lâm thủy sản đồng bộ và hài hòa với quy định quốc tế.

(2) Đảm bảo toàn diện năng lực thực thi pháp luật của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản từ trung ương đến địa phương.

(3) Thực hiện đầy đủ quản lý chất lượng, đảm bảo VSATTP hiệu lực, hiệu quả ở tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất nông, lâm, thủy sản.

2. Các giải pháp chính

2.1. Hoàn thiện hệ thống pháp quy

2.1.1. Phối hợp với Bộ Y tế hoàn thành và trình Quốc hội thông qua Luật ATTP thay thế Pháp lệnh Vệ sinh ATTP 2003.

2.1.2. Rà soát tổng thể các văn bản QPPL dưới Luật liên quan đến VSATTP nông lâm thủy sản không phù hợp với Luật ATTP, Hiệp định SPS, Hiệp định TBT để hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung.

2.1.3. Tập trung rà soát, xác định các tiêu chuẩn quốc gia cần ưu tiên hài hòa. Hoàn thiện việc chuyển đổi các Tiêu chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn Ngành bắt buộc áp dụng thành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

2.1.4. Hoàn thiện phương pháp luận và thể chế hóa các quy trình, chương trình kiểm soát VSATTP nông lâm thủy sản trong toàn bộ chuỗi sản xuất và cung cấp nông lâm sản và thủy sản.

2.1.5. Ban hành các chính sách hỗ trợ việc liên minh giữa các hộ sản xuất, tạo thành Tổ sản xuất, Nhóm hộ sản xuất, Tổ hợp tác … có quy mô sản xuất lớn hơn để họ có khả năng tự kiểm tra, kiểm soát sản phẩm của họ trong quá trình sản xuất.

2.1.6. Ban hành các chính sách hỗ trợ việc liên minh giữa các cơ sở sản xuất thực phẩm với các nhà phân phối và bán lẻ thực phẩm.

2.2. Tăng cường năng lực tổ chức thực thi pháp luật.

2.2.1. Thiết lập hệ thống tổ chức đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ.

2.2.1.1. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân công phân cấp và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng, VSATTP nông lâm sản và thủy sản từ trung ương đến địa phương.

2.2.1.2. Phân công nhiệm vụ quản lý chất lượng, VSATTP nông lâm sản và thủy sản ở các Cục chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phù hợp với đối tượng, công đoạn quản lý.

2.2.1.3. Thành lập Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Chi cục QLCLNLS&TS) tại 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

2.2.1.4. Tổ chức lực lượng thanh tra chuyên ngành chất lượng, VSATTP nông lâm sản và thủy sản ở các Cục chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi cục QLCLNLS&TS tỉnh/thành phố.

2.2.1.5. Thí điểm thành lập đơn vị sự nghiệp trực thuộc Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản tỉnh để kiểm nghiệm sản phẩm nông lâm thủy sản tiêu dùng nội địa tại các tỉnh có sản xuất nông lâm thủy sản lớn.

2.2.2. Tăng cường phân cấp trách nhiệm quản lý cho chính quyền địa phương

Tiếp tục phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương trong quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương tập trung nhiệm vụ xây dựng chính sách quản lý vĩ mô, thanh tra kiểm tra và giải quyết các vấn đề đối ngoại, giải quyết các rào cản của thị trường. Các hoạt động quản lý chủ yếu được thực hiện ở cấp địa phương. Hướng phân cấp cụ thể như sau:

2.2.2.1. Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh):

a) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch về quản lý chất lượng nông lâm thủy sản của tỉnh trên cơ sở các quy định của pháp luật. Trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chế độ chính sách về chất lượng nông lâm thủy sản để áp dụng tại địa phương.

b) Tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các chương trình mục tiêu về chất lượng nông lâm sản và thủy sản tại địa phương, kiểm tra giám sát quá trình thực hiện của cơ quan quản lý cấp huyện, xã.

c) Tổ chức tuyên truyền, tập huấn về VSATTP cho cán bộ quản lý của Chính phủ và cho người sản xuất, tiêu dùng.

d) Kiểm tra, công nhận điều kiện đảm bảo VSATTP các cơ sở, vùng nuôi, trồng, thu hoạch, đánh bắt, giết mổ, vận chuyển, chế biến bảo quản nông lâm thủy sản qui mô công nghiệp theo quy định kỹ thuật quốc gia trên địa bàn tỉnh.

e) Trực tiếp kiểm tra, chứng nhận chất lượng, VSATTP nông lâm thủy sản tiêu thụ nội địa.

2.2.2.2. Cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện):

a) Tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các chương trình mục tiêu về chất lượng nông lâm sản và thủy sản tại địa phương.

b) Kiểm tra, công nhận điều kiện đảm bảo VSATTP các cơ sở/vùng nuôi, trồng, thu hoạch, đánh bắt, giết mổ, bảo quản, vận chuyển nông lâm thủy sản qui mô nhỏ, thủ công trên địa bàn huyện.

c) Kiểm tra, công nhận điều kiện đảm bảo chất lượng, VSATTP các cơ sở sơ chế, chế biến nông lâm thủy sản quy mô thủ công, cơ sở chế biến thủ công đưa ra tiêu thụ trực tiếp trên địa bàn huyện theo phân cấp của cơ quan quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản Trung ương hoặc của tỉnh.

2.2.2.3. Cấp xã, phường, thị trấn (cấp xã):

a) Giao nhiệm vụ quản lý chất lượng các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất thực phẩm và VSATTP nông lâm sản và thủy sản cho Ủy ban nhân dân xã. Phát triển đội ngũ cộng tác viên để triển khai hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, giám sát đảm bảo chất lượng nông lâm thủy sản.

b) Tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu về chất lượng nông lâm sản và thủy sản tại địa phương.

c) Giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi thủy sản, phân bón, chế phẩm sinh học và giống cây trồng tại các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản tại địa bàn xã.

d) Giám sát điều kiện đảm bảo VSATTP các cơ sở nuôi, trồng, thu hoạch, đánh bắt, giết mổ, bảo quản, vận chuyển nông lâm thủy sản trên địa bàn xã.

e) Xác nhận xuất xứ, cấp chứng nhận thu hoạch từ cơ sở chăn nuôi, trồng trọt, sơ chế nông lâm thủy sản tại địa phương.

g) Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về VSATTP tại các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ lẻ trên địa bàn xã.

2.2.3. Tăng cường hiệu quả phối hợp liên ngành và các tổ chức hiệp hội có liên quan

2.2.3.1. Xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn phân công quản lý nhà nước về VSATTP giữa các bộ ngành hữu quan trên cơ sở Luật ATTP và các văn bản hướng dẫn dưới Luật.

2.2.3.2. Kết hợp chặt chẽ các chương trình hoạt động của bộ, ngành liên quan, đảm bảo tính kế thừa trong các hoạt động quản lý theo chuỗi và đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và đào tạo chuyên môn nghiệp vụ. Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ ngành thông qua nâng cao vai trò, trách nhiệm và thẩm quyền của Ban Chỉ đạo quốc gia và Tổ công tác về VSATTP.

2.2.3.3. Tăng cường quan hệ phối hợp và chỉ đạo theo ngành dọc; cải tiến quy trình điều phối thông tin, giám sát trực tiếp giữa cơ quan trung ương và địa phương; nâng cao năng lực thu thập dữ liệu và thông tin báo cáo, phù hợp với các chương trình giám sát quốc gia và hệ thống thống kê báo cáo của từng lĩnh vực.

2.2.3.4. Các ngành phối hợp với các tổ chức, hiệp hội tăng cường phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức… đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông lâm sản an toàn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

2.2.4. Tăng cường năng lực hoạt động

2.2.4.1. Đảm bảo năng lực các tổ chức sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước

a) Xây dựng mạng lưới và phân cấp các Trung tâm kiểm nghiệm chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo cấp độ tương ứng với nhiệm vụ được phân cấp cho từng cấp.

b) Tăng cường năng lực các Trung tâm kiểm nghiệm, khảo nghiệm quốc gia chuyên ngành về từng lĩnh vực do các Cục thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách. Các phòng kiểm nghiệm này đồng thời thực hiện chức năng kiểm chứng quốc gia cho từng lĩnh vực.

c) Tăng cường năng lực và sự phối hợp của các đơn vị kiểm nghiệm, khảo nghiệm, thử nghiệm của các Chi cục đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước và dịch vụ sự nghiệp công trên địa bàn tỉnh nhằm tận dụng tối đa năng lực thiết bị, tránh đầu tư trùng lắp.

d) Xây dựng hệ thống phòng kiểm nghiệm kiểm chứng quốc gia về chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên các cơ sở các phòng kiểm nghiệm hiện có của Cục QLCLNLS&TS.

2.2.4.2. Phát triển nguồn nhân lực

a) Đảm bảo có đủ biên chế cho các cơ quan quản lý CL NLS&TS để hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao. Các tỉnh, thành phố căn cứ vào dân số, địa lý, điều kiện kinh tế xã hội và thực tế sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản để định mức biên chế phù hợp.

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chức danh quản lý chất lượng nông lâm thủy sản. Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực về quản lý chất lượng, VSATTP nông lâm thủy sản đồng bộ trên cơ sở khảo sát, đánh giá, tập hợp nhu cầu đào tạo ngắn hạn và dài hạn đối với từng lĩnh vực và chuyên ngành trong hệ thống từ trung ương đến địa phương.

c) Đẩy mạnh đào tạo phân tích rủi ro cho cán bộ quản lý và kỹ thuật cấp Trung ương và địa phương.

d) Xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành quản lý chất lượng được cập nhật tại các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp thuộc ngành.

2.2.4.3. Đầu tư:

a) Đầu tư cơ bản và bổ sung cơ sở vật chất kỹ thuật:

- Đầu tư nâng cấp và mở rộng trụ sở làm việc và phòng kiểm nghiệm của các cơ quan quản lý chất lượng nông lâm thủy sản từ trung ương đến địa phương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Nâng cấp hiện đại các phòng kiểm nghiệm hiện có tương đương với hệ thống các phòng kiểm nghiệm của các nước trong khu vực. Trang bị đồng bộ thiết bị kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng nông lâm thủy sản cho các phòng kiểm nghiệm Phòng kiểm nghiệm kiểm chứng quốc gia và khu vực.

- Đầu tư thiết bị kiểm nghiệm chất lượng cơ bản cho các Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cấp tỉnh.

b) Đầu tư nghiên cứu phân tích nguy cơ và các chương trình giám sát:

- Đầu tư nghiên cứu và xây dựng chương trình phân tích và kiểm soát rủi ro về an toàn thực phẩm, đảm bảo gắn kết với các chương trình kiểm soát dịch bệnh; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chia sẻ thông tin với các bên tham gia.

- Đào tạo cho các cấp quản lý và cán bộ nhân viên các cơ quan quản lý hữu quan từ trung ương đến địa phương.

- Đầu tư nghiên cứu, áp dụng Hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP; hệ thống truy xuất nguồn gốc.

c) Đầu tư nghiên cứu khoa học:

- Áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong quản lý, kiểm soát chất lượng, VSATTP nông lâm thủy sản.

- Đầu tư cho các đề tài nghiên cứu theo yêu cầu cấp bách của sản xuất về VSATTP, các quy trình, tiêu chuẩn phương pháp thử.

- Nghiên cứu phát triển các phương pháp, kít thử, trang thiết bị kiểm tra nhanh hiện trường.

2.2.4.4. Cơ chế tài chính:

- Áp dụng cơ chế tài chính tự chủ một phần kinh phí từ nguồn thu dịch vụ công và phí, lệ phí cho các đơn vị quản lý chất lượng, VSATTP nông lâm thủy sản.

- Phân định rõ các nội dung chi từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động VSATTP. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW đảm bảo bố trí ngân sách nhà nước hàng năm cho công tác quản lý chất lượng, VSATTP theo Nghị quyết của Quốc hội.

2.2.5. Tăng cường hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật

2.2.5.1. Thực hiện các chương trình kiểm soát VSATTP trong toàn bộ chuỗi sản xuất và cung ứng nông lâm thủy sản, trước hết đối với những mặt hàng chủ lực phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Ưu tiên đầu tư áp dụng các chương trình quản lý chất lượng phù hợp với thông lệ quốc tế.

2.2.5.2. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về đảm bảo VSATTP trong toàn bộ quá trình cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản. Đảm bảo duy trì kiểm tra điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tối thiểu 1 lần/1 cơ sở/1 năm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

2.2.5.3. Thực hiện chế độ miễn giảm kiểm tra đối với các cơ sở duy trì tốt điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm song song với áp dụng chế độ kiểm tra giám sát tăng cường đối với các cơ sở vi phạm. Kịp thời đình chỉ sản xuất, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, thu hồi Giấy chứng nhận điều kiện sản xuất, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và thu hồi sản phẩm đối với cơ sở vi phạm nghiêm trọng quy định về đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

2.2.5.4. Nghiên cứu, thực hiện các biện pháp kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của các thị trường xuất khẩu phù hợp các quy định quốc tế, kịp thời giải quyết các rào cản kỹ thuật, rào cản vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường để giữ vững và đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm thủy sản.

2.2.5.5. Xây dựng các biện pháp, yêu cầu kỹ thuật để kiểm soát chặt chẽ nông lâm thủy sản nhập khẩu phục vụ sản xuất và tiêu dùng.

2.2.5.6. Rà soát, tăng cường các chế tài xử lý vi phạm từ xử lý hành chính, dân sự đến hình sự cũng như tăng thẩm quyền cho tổ chức, công chức quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

2.3. Xây dựng và thống nhất phương pháp luận quản lý trên cơ sở phân tích nguy cơ về ATTP nông lâm thủy sản

2.3.1. Nâng cao nhận thức cho các cấp quản lý, chỉ đạo và bồi dưỡng kỹ năng cơ bản về đánh giá nguy cơ cho lãnh đạo và cán bộ nhân viên các cơ quan quản lý hữu quan từ trung ương đến địa phương. Xây dựng các nhóm chuyên gia về đánh giá nguy cơ ô nhiễm hóa học và ô nhiễm vi sinh vật thuộc cấp trung ương.

2.3.2. Điều tra, lựa chọn các mặt hàng mũi nhọn và áp dụng các biện pháp quản lý nguy cơ, triển khai việc thực hiện và giám sát có hiệu quả. Từng bước mở rộng phạm vi áp dụng phân tích nguy cơ tới người sản xuất ở các quy mô khác nhau và cho thị trường tiêu thụ trong nước.

2.3.3. Xây dựng và gắn kết chương trình phân tích và kiểm soát nguy cơ về ATTP tại các Cục quản lý chuyên ngành; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu chia sẻ thông tin giữa các bên.

2.3.4. Xây dựng năng lực phân tích nguy cơ trong tình huống khẩn cấp.

2.3.5. Nghiên cứu phát triển và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp về VSATTP nông lâm thủy sản phục vụ cho việc đánh giá mối nguy hóa học và vi sinh vật trong thực phẩm.

2.4. Ban hành các chính sách khuyến khích sản xuất nông lâm thủy sản thực phẩm an toàn.

2.4.1. Chính sách đầu tư:

Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hướng dẫn đầu tư và phương thức vận hành cơ sở hạ tầng do nhà nước và doanh nghiệp cùng góp vốn. Phát huy tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp trong vận hành hiệu quả và bảo quản phương tiện và đảm bảo khả năng thu hồi vốn. Xây dựng chính sách xúc tiến nhanh quá trình “dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất” chuyển mạnh từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa có quy mô lớn hơn nhằm tăng cường quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến năm 2020 đáp ứng yêu cầu thiết yếu cơ sở hạ tầng và trang thiết bị đảm bảo phục vụ sản xuất nông lâm thủy sản thực phẩm an toàn, đặc biệt trong một số lĩnh vực sau:

- Phát triển hệ thống tưới tiêu cho các cây ăn quả, hoa màu và nuôi trồng thủy sản.

- Phát triển giao thông nông thôn hình thành mạng lưới đảm bảo lưu chuyển nông lâm thủy sản hàng hóa nhanh chóng, thuận tiện và thông suốt, đặc biệt ở các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nguyên liệu thủy sản, chè, cà phê, muối,…

- Tăng cường năng lực bảo quản sau thu hoạch. Nâng cấp công nghệ sơ chế giết mổ, chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.

- Xây dựng và tổ chức đảm bảo VSATTP hệ thống cảng, chợ tập trung đầu mối, chợ loại I ở các vị trí trọng điểm kinh tế - thương mại và chợ biên giới/cửa khẩu.

- Hệ thống nước sạch;

- Hệ thống xử lý chất thải ở các vùng sản xuất hàng hóa tập trung…;

- Phát triển hệ thống lưới điện đến các vùng sản xuất nông lâm thủy sản.

2.4.2. Chính sách tín dụng:

Xây dựng một số chính sách tín dụng ngân hàng ưu tiên phục vụ sản xuất thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, đặc biệt đối với một số sản phẩm quan trọng có lợi thế, tiềm năng xuất khẩu và phục vụ tiêu thụ nội địa với khối lượng lớn.

2.5. Xã hội hóa các dịch vụ về chất lượng, VSATTP nông lâm sản và thủy sản; thu hút và nâng cao vai trò của các hội nghề nghiệp.

2.5.1. Ban hành chính sách, danh mục và lộ trình xã hội hóa các dịch vụ phục vụ quản lý chất lượng, VSATTP nông lâm sản và thủy sản.

2.5.2. Hoàn thiện cơ chế quản lý, đánh giá, công nhận các tổ chức xã hội làm dịch vụ phục vụ quản lý chất lượng, VSATTP nông lâm sản và thủy sản thuộc các thành phần kinh tế.

2.5.3. Tổ chức đánh giá năng lực các tổ chức kiểm nghiệm, các tổ chức chứng nhận chất lượng nông lâm thủy sản hiện có để chỉ định các cơ sở đáp ứng yêu cầu tham gia kiểm tra, chứng nhận chất lượng VSATTP nông lâm thủy sản.

2.5.4. Nâng cao vai trò cầu nối trong quản lý chất lượng, VSATTP nông sản của các hội, hiệp hội sản xuất. Thiết lập cơ chế hỗ trợ các hiệp hội nhà sản xuất, chế biến.

2.6. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác khu vực; khai thác hiệu quả hỗ trợ quốc tế về đảm bảo VSATTP nông sản.

2.6.1. Tăng cường tham gia các hoạt động của các tổ chức quốc tế FAO, IPPC, OIE, CODEX,… nâng cao vai trò và tham gia tích cực vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế.

2.6.2. Đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận song phương và đa phương với các nước, khu vực và vùng lãnh thổ theo hướng thừa nhận lẫn nhau.

2.6.3. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác khu vực, khai thác hiệu quả và hỗ trợ quốc tế về đảm bảo VSATTP nông lâm thủy sản.

2.6.4. Khai thác hiệu quả các dự án, nâng cao hiệu quả hỗ trợ quốc tế thông qua cải thiện sự phối hợp của các dự án, chương trình SPS do nước ngoài tài trợ và của Việt Nam. Tăng cường vai trò điều phối của nhà tài trợ để góp phần sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực và tài chính nhà nước đầu tư.

2.6.5. Xây dựng các dự án kêu gọi tài trợ nước ngoài cho công tác quản lý chất lượng các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất thực phẩm, VSATTP nông lâm thủy sản tập trung vào các nhóm dự án: Hỗ trợ kỹ thuật; Hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng công nghệ, phương pháp quản lý tiên tiến; Xây dựng các mô hình điểm về phát triển sản xuất đảm bảo chất lượng.

2.6.6. Vận hành hiệu quả Văn phòng Thông báo và Hỏi đáp quốc gia về TBT/SPS. Tăng cường năng lực Nhóm Đặc trách kỹ thuật về thương mại thuộc Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ NN&PTNT nhằm tăng cường quan hệ điều phối giữa các dự án hỗ trợ về VSATTP nông lâm thủy sản.

2.7. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

2.7.1. Xây dựng kế hoạch hành động nhằm tổ chức thực hiện có hệ thống và thường xuyên hơn công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật và kiến thức VSATTP, nâng cao nhận thức trong CBCC nhà nước, toàn thể hệ thống chính trị, các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng và sử dụng sản phẩm (bao gồm nông dân, ngư dân, diêm dân, chủ trang trại, cơ sở chế biến, giết mổ, chế biến, đại lý kinh doanh, … và người tiêu dùng) cũng như ý thức về VSATTP trong toàn thể nhân dân.

2.7.2. Xây dựng lộ trình và đưa nội dung ATTP vào giáo trình giảng dạy ở các cấp học, đặc biệt vào giảng đường đại học, cao đẳng, trung học chuyên ngành đảm bảo VSATTP (phân tích nguy cơ,…).

2.7.3. Đưa vào hoạt động ổn định, thường xuyên và định kỳ các chương trình phổ biến, tuyên truyền VSATTP (trên ấn phẩm xuất bản; truyền hình; truyền thanh; hội thi …). Xây dựng Website minh bạch hóa pháp luật về VSATTP nông lâm thủy sản bằng tiếng Việt và tiếng Anh phục vụ mọi chủ thể tham gia thị trường thực phẩm nông lâm thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu cơ chế, chính sách đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm nông lâm thủy sản.

2.7.4. Thu hút sự tham gia đông đảo của toàn thể lực lượng xã hội (đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ, các văn nghệ sĩ ...) để vận động, nâng cao nhận thức VSATTP, đặc biệt là vệ sinh thường thức, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong tiêu dùng và sản xuất - kinh doanh thực phẩm.

2.7.5. Đẩy mạnh đầu tư kinh phí cho công tác tuyên truyền vận động, đào tạo nông, ngư dân nuôi trồng và sản xuất các loại nông sản sạch, an toàn. Chú trọng tuyên truyền sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn ngay từ khâu sản xuất giống, sản xuất thức ăn phục vụ chăn nuôi, sản xuất phân bón, thuốc BVTV, thú y, chế phẩm sinh học, hóa chất phục vụ cho chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Hướng dẫn, hỗ trợ nông dân áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP, GAHP), nuôi thủy sản an toàn (BMP, GAqP, CoC) được chế biến theo tiêu chuẩn GMP/SSOP/HACCP đảm bảo chất lượng, VSATTP…)

2.7.6. Đẩy mạnh đầu tư kinh phí cho công tác tuyên truyền vận động nông dân tham gia các câu lạc bộ, tổ hợp tác tiến tới thành lập hợp tác xã nông nghiệp.

3. Các Chương trình, dự án:

3.1. Xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án trong các đề án đã được phê duyệt (Quyết định số 112/QĐ-BNN-QLCL ngày 14/01/2009 ban hành Đề án tăng cường năng lực quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm sản và thủy sản đến năm 2015):

3.1.1. Các Chương trình:

- Chương trình phát triển vùng sản xuất an toàn thực phẩm nông thủy sản.

- Chương trình giám sát ô nhiễm sinh học và tồn dư các chất độc hại trong sản phẩm động vật.

- Chương trình giám sát ô nhiễm sinh học và tồn dư các chất độc hại trong sản phẩm thực vật.     

- Chương trình kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản sau thu hoạch.

3.1.2. Các Dự án:

- Dự án: Tuyên truyền, giáo dục, đào tạo tập huấn phục vụ quản lý chất lượng, ATVSTP.

- Dự án đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất các cơ quan thuộc Cục Quản lý CL NLTS.

- Dự án hoàn thiện hệ thống kiểm nghiệm, kiểm chứng và chứng nhận chất lượng.

- Dự án xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về chất lượng, ATVSTP nông lâm thủy sản.

3.2. Các Chương trình, dự án đề xuất mới:

- Dự án “Điều tra, đánh giá thực trạng quản lý chất lượng NLS&TS”.

- Dự án “Quy hoạch phát triển, xã hội hóa hệ thống kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng nông lâm sản và thủy sản”.

- Dự án “Đầu tư tăng cường năng lực các Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản  các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương”.

- Dự án “Đào tạo tăng cường năng lực lực lượng cán bộ quản lý chất lượng nông lâm thủy sản”.

- Dự án “Truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản”;

4. Tổ chức thực hiện

4.1. Tổ chức điều hành Đề án

4.1.1. Thành lập Ban Điều hành Đề án do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng ban, các thành viên là đại diện lãnh đạo Cục QLCL NLS&TS, Cục NTTS, Cục KT&VNLTS, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Cục Trồng trọt, Cục BVTV, Cục CB, TM NLS&TM, Vụ KHCN, Trung tâm khuyến nông quốc gia, Hiệp hội Bảo vệ thực vật, Hiệp hội chăn nuôi, Hiệp hội chế biến thủy sản, Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, Hiệp hội Điều Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam, Hiệp hội Trái cây Việt Nam và Hiệp hội lương thực Việt Nam.

4.1.2. Tổ Thư ký giúp việc Ban Điều hành do Trưởng ban quyết định thành lập.

4.1.3. Các cơ quan, tổ chức được phân công chủ trì các hoạt động của Đề án thành lập Tổ công tác hoặc bộ phận chuyên trách để chỉ đạo, điều hành và quản lý việc triển khai thực hiện các hoạt động đó và phối hợp với Ban Điều hành Đề án.

4.2. Phân công trách nhiệm

4.2.1. Cục QLCL NLS&TS

- Chủ trì thực hiện Đề án; tổ chức phối hợp, kiểm tra, đánh giá, tổng kết và báo cáo việc thực hiện các hoạt động của Đề án trên phạm vi cả nước.

- Thường trực giúp việc Trưởng ban điều hành và tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo Đề án.

- Xây dựng, ban hành các văn bản QPPL, quy phạm kỹ thuật liên quan đến quản lý chất lượng, VSATTP nông lâm thủy sản thuộc lĩnh vực quản lý được giao.

- Chủ trì thực hiện các tiểu Đề án, dự án, chương trình theo phân công tại Phụ lục kèm theo.

4.2.2. Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính:

- Xây dựng chính sách đầu tư và cân đối vốn đầu tư phát triển quản lý chất lượng, VSAT thực phẩm nông lâm sản và thủy sản trong các kế hoạch hàng năm và 5 năm.

- Ưu tiên xem xét bố trí vốn thực hiện các tiểu đề án, chương trình, dự án đã được xác định trong Đề án;

- Chủ trì xây dựng Đề án áp dụng cơ chế tài chính tự chủ một phần kinh phí từ nguồn thu dịch vụ công và phí, lệ phí cho các đơn vị quản lý chất lượng, VSATTP nông lâm sản và thủy sản.

4.2.3. Vụ Pháp chế:

- Chủ trì rà soát, xây dựng lộ trình hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chất lượng, VSATTP trong phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

- Xây dựng và tổ chức chương trình phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật và kiến thức VSATTP NLS&TS 2010 – 2020.

4.2.4. Các Viện, Trường thuộc Bộ:

- Phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, và chỉ đạo tổ chức thực hiện bổ sung chương trình đào tạo về kiểm soát chất lượng, VSAT thực phẩm trong các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp.

4.2.5. Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường:

- Tham mưu cho Bộ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về VSATTP.

- Tăng cường các đề tài nghiên cứu khoa học về lĩnh vực quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.

4.2.6. Thanh tra Bộ:

- Hoàn thiện Nghị định về tổ chức thanh tra ngành NN&PTNT.

- Tổ chức kiện toàn hệ thống thanh tra chuyên ngành về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

4.2.7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh:

- Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản ở địa phương theo Thông tư liên tịch 31/2009/TTLT-BNN-BNV.

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực phục vụ quản lý chất lượng, VSATTP nông lâm thủy sản tại địa phương.

- Triển khai nhiệm vụ quản lý chất lượng, VSATTP nông lâm thủy sản được phân cấp;

- Xây dựng, trình UBND ban hành các chính sách, văn bản QPPL, tiêu chuẩn, định mức về phân công, tổ chức bộ máy và cán bộ quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản ở địa phương; và tham gia xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, dự án do Bộ NN&PTNT tổ chức thực hiện.

- Trình UBND tỉnh phương án chủ động bảo đảm kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan triển khai các hoạt động của Đề án này.

4.2.8. Các Hiệp hội ngành hàng:

- Tham gia đề xuất cơ chế, chính sách quản lý chất lượng, VSATTP nông lâm sản và thủy sản;

- Kịp thời cung cấp thông tin về cơ chế chính sách, luật lệ và phối hợp hoạt động của các hội viên trong việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ, đào tạo cán bộ nâng cao năng lực đảm bảo chất lượng, VSATTP trong sản xuất kinh doanh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng các Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Thú y, Chăn nuôi, Trồng trọt, Bảo vệ thực vật, Chế biến Thương mại Nông Lâm Thủy sản và nghề muối, Nuôi trồng thủy sản, Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT; Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lưu: VT, QLCL.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát   

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 2374/QĐ-BNN-QLCL ngày 21/08/2009 ban hành Đề án tăng cường quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.223

DMCA.com Protection Status
IP: 18.217.182.45
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!