QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC CHĂN NUÔI, ẤP TRỨNG, VẬN CHUYỂN, MUA BÁN, GIẾT MỔ,
TIÊU THỤ GIA CẦM VÀ SẢN PHẨM GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 623/2006/QĐ-UBND ngày 01 tháng 03 năm 2006
của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này áp dụng trong lĩnh vực chăn nuôi, ấp
trứng, vận chuyển, mua bán, tiêu thụ, giết mổ gia cầm và sản phẩm gia cầm.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Tổ chức, cá nhân có hoạt động trong lĩnh vực
chăn nuôi, ấp trứng, vận chuyển, mua bán, tiêu thụ, giết mổ gia cầm và sản phẩm
gia cầm trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
- Gia cầm: bao gồm: gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ
câu, chim cút, đà điểu, chim cảnh.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Về chăn nuôi gia cầm
1. Nghiêm cấm chăn nuôi gia cầm trong thị xã, thị
trấn, các khu đô thị mới, khu công nghiệp, các khu vực gần trường học, bệnh viện.
Cấm chăn nuôi gia cầm thả rông, thủy cầm (vịt, ngan, ngỗng) chạy đồng.
2. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia cầm phải đăng
ký để được thẩm định điều kiện vệ sinh thú y; khi được xác nhận có đủ điều kiện
vệ sinh thú y mới được sản xuất, kinh doanh.
3. Điều kiện vệ sinh thú y đối với chăn nuôi gia
cầm như sau:
a) Chăn nuôi nhỏ hộ gia đình, chuồng nuôi phải cách
biệt với nhà ở; chăn nuôi gia trại và chăn nuôi trang trại phải cách xa khu dân
cư, bệnh viện, trường học, chợ, công sở đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và an
toàn sinh học.
b) Khu vực chăn nuôi phải có hàng rào bao quanh,
chuồng trại chăn nuôi phải xây dựng cho từng loại gia cầm; không nhốt chung gia
cầm với gia súc, gia cầm ốm với gia cầm khỏe mạnh. Có đủ nguồn nước sạch; lối
ra vào khu chăn nuôi phải có hố khử trùng tiêu độc; đối với chăn nuôi trang trại
phải có các thiết bị khử trùng tiêu độc cho người và phương tiện vận chuyển.
c) Giống gia cầm nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng
do tự ấp hoặc mua từ các cơ sở giống đã được kiểm dịch, tiêm phòng các bệnh
nguy hiểm theo quy định của thú y đặc biệt là bệnh cúm gia cầm.
d) Dụng cụ chăn nuôi phải được vệ sinh, khử
trùng tiêu độc sau mỗi lần sử dụng. Chuồng nuôi và khu vực chung quanh chuồng
nuôi phải được vệ sinh khử trùng tiêu độc định kỳ và thực hiện phòng chống dịch
bệnh theo định kỳ của cơ qua thú y.
e) Cơ sở chăn nuôi phải có nơi cách ly, xử lý
gia cầm bệnh, chết, chất thải theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
4. Quy định về đăng ký, thẩm định và xác nhận điều
kiện vệ sinh thú y như sau:
- Chăn nuôi nhỏ ở hộ gia đình có quy mô dưới 200
con: đăng ký để được thẩm định và xác nhận ở Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Chăn nuôi gia trại với quy mô từ 200 con đến
dưới 2000 con: đăng ký để được thẩm định và xác nhận ở Trạm thú y huyện.
- Chăn nuôi trang trại với quy mô từ 2000 con trở
lên: đăng ký để được thẩm định và xác nhận của Chi cục thú y tỉnh.
5. Xử lý tiêu huỷ đàn thủy cầm thương phẩm:
- Tiêu hủy không hổ trợ đối với những đàn vịt,
ngan, ngỗng, chim cút tự ấp nở trái phép từ sau ngày 23/12/2005.
- Tiêu hủy có hỗ trợ đối với những đàn gia cầm
phát hiện nhiễm virut cúm H5N1 qua kiểm tra huyết thanh học và những đàn tiêu
huỷ tự nguyện theo đề xuất của người chăn nuôi.
Điều 4. Về ấp trứng gia cầm
1. Cấm ấp trứng gia cầm trong Thị xã, Thị trấn;
trong các khu dân cư tập trung (các thị tứ, trung tâm, chợ xã phường…), cấm ấp
trứng không rõ nguồn gốc, trứng lấy từ cơ sở chăn nuôi gia cầm bị bệnh hoặc cơ
sở chăn nuôi gia cầm không đăng ký.
2. Tổ chức cá nhân kinh doanh ấp trứng gia cầm
phải đăng ký để được thẩm định điều kiện vệ sinh thú y, khi được xác định điều
kiện vệ sinh thú y mới được sản xuất, kinh doanh.
3. Điều kiện vệ sinh thú y đối với ấp trứng gia
cầm như sau:
a) Trứng phải có nguồn gốc từ các trại giống đã
đăng ký và được kiểm dịch của cơ quan thú y.
b) Địa điểm của cơ sở thủ công phải cách biệt với
nhà ở; địa điểm của cơ sở ấp trứng công nghiệp phải cách xa khu dân cư, trường
học, bệnh viện, chợ, công sở nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và an toàn
sinh học.
c) Phải có hàng rào bao quanh cơ sở ấp trứng.
d) Có đủ nguồn nước sạch; lối ra vào cơ sở ấp trứng
phải có hố khử trùng, tiêu độc; phải có các thiết bị khử trùng tiêu độc cho người
và phương tiện vận chuyển.
đ) Dụng cụ ấp trứng phải được vệ sinh, khử trùng
tiêu độc trước và sau mỗi lần sử dụng. Trong và ngoài xưởng ấp trứng phải được
vệ sinh khử trùng, tiêu độc định kỳ và thực hiện phòng, chống dịch bệnh theo quy
định của cơ quan thú y.
e) Có nơi xử lý gia cầm con chết, trứng hỏng, vỏ
trứng và chất thải khác theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
4. Quy định về đăng ký thẩm định và xác nhận đủ
điều kiện vệ sinh thú y của các cơ sở ấp trứng trên địa bàn huyện do Trạm thú y
huyện chịu trách nhiệm thực hiện.
5. Kiểm soát trứng thủy cầm (vịt, ngan, ngỗng):
- Đối với ấp nở trứng giống: cấm ấp trứng sản xuất
con giống, nuôi mới vịt, ngan, ngỗng và chim cút cho đến hết tháng 2/2007.
- Đối với ấp trứng lộn: các chủ lò ấp trứng phải
đăng ký với Ủy ban nhân dân huyện và chịu sự giám sát của Trạm thú y huyện về số
lượng trứng mỗi đợt ấp.
Điều 5. Về vận chuyển
gia cầm và sản phẩm gia cầm
1. Sản phẩm gia cầm gồm: thịt, trứng và các phụ
phẩm khác ở dạng tươi sống và sơ chế.
2. Cấm vận chuyển gia cầm sống trên các phương
tiện công cộng chuyên chở hành khách; cấm vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc,
không có giấy kiểm dịch thú y; cấm vận chuyển và phát tán gia cầm bị bệnh, chết,
lông, phân gia cầm chưa được xử lý.
3. Gia cầm, sản phẩm gia cầm vận chuyển ra khỏi
huyện, tỉnh phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của Trạm thú y cấp huyện, Chi cục
thú y. Phương tiện vận chuyển gia cầm vào nội thành, nội thị phải có biển báo
“xe chuyển gia cầm đã kiểm dịch”.
4. Thịt gia cầm phải có dấu kiểm soát giết mổ
đóng trên thân thịt hoặc có tem vệ sinh thú y mới được tiêu thụ trên thị trường.
Thịt phải được bao gói, bảo quản trong các phương tiện làm lạnh.
5. Trứng gia cầm trước khi vận chuyển, tiêu thụ
phải được xông khử trùng tiêu độc.
Điểu 6. Về giết mổ
gia cầm
1. Tổ chức giết mổ gia cầm tập trung tại các khu
vực Thị xã, Thị trấn:
Ủy ban nhân dân huyện, thị quy hoạch nơi giết mổ,
đầu tư hoặc khuyến khích tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo
điều kiện vệ sinh thú y, môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.
2. Điều kiện đối với cơ sở giết mổ gia cầm tập
trung như sau:
a) Vị trí cơ sở giết mổ theo quy hoạch của Ủy
ban nhân dân huyện, thị, đảm bảo điểu kiện vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường;
b) Lối ra vào cơ sở giết mổ phải có hố khử trùng
tiêu độc; có hệ thống khử trùng tiêu độc đảm bảo vệ sinh thú y;
c) Khu vực giết mổ phải có khu bẩn, khu sạch
riêng biệt;
d) Có nhà xưởng, thiết bị, dụng cụ, kho bảo quản
sản phẩm đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y;
đ) Có nơi vệ sinh, tắm rửa và thay quần áo cho
người giết mổ;
e) Người giết mổ gia cầm phải được khám sức khỏe
định kỳ và được trang bị bảo hộ theo quy định;
g) Có đủ nước sạch đạt tiêu chuẩn dùng để giết mổ;
h) Có khu cách ly gia cầm ốm, khu xử lý gia cầm
bệnh, sảm phẩm gia cầm không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y;
i) Có hệ thống xử lý chất thải, nước thải đảm bảo
vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường;
k) Thực hiện vệ sinh khử trùng, tiêu độc hàng
ngày trang thiết bị, dụng cụ cơ sở giết mổ theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
3. Giết mổ gia cầm tại các hộ gia đình để sử dụng
hoặc kinh doanh trong địa bàn xã:
Phải giết mổ ở nơi đảm bảo vệ sinh thú y, dùng
nước sạch để giết mổ, dùng vôi bột hoặc hóa chất để xử lý chất thải, phải có
trang bị bảo hộ lao động tối thiểu như khẩu trang, găng tay.
4. Cấm giết mổ gia cầm không đúng nơi quy định,
gia cầm chưa được kiểm dịch, gia cầm bị bệnh chết. Cấm chế biến tiết canh gia cầm.
Điều 7. Về buôn bán
và tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm
1. Cấm buôn bán gia cầm sống, chim cảnh, chim
hoang dã trong khu vực Thị xã, Thị trấn; cấm buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm
chưa được kiểm dịch hoặc không đúng nơi quy định; cấm buôn bán tiết canh gia cầm.
2. Tổ chức buôn bán và tiêu thụ thịt, trứng gia
cầm trong Thị xã, Thị trấn:
- Ủy ban nhân dân huyện, thị quy định địa điểm
buôn bán thịt trứng gia cầm trong khu vực Thị xã, Thị trấn đảm bảo điều kiện vệ
sinh thú y.
- Cơ sở kinh doanh thịt trứng gia cầm tươi sống
phải có thiết bị bảo quản mát, đông lạnh; bàn, khay, tủ kính bằng kim loại
không rỉ; sản phẩm phải được bao gói có nhãn mác và được cơ quan thú y kiểm dịch.
3. Tổ chức buôn bán và tiêu thụ gia cầm, thịt,
trứng gia cầm tại các chợ hoặc cửa hàng ngoài khu vực Thị xã, Thị trấn:
- Ủy ban nhân dân xã quy định địa điểm buôn bán
thịt, trứng gia cầm đảm bảo về điều kiện vệ sinh thú y.
- Cơ sở kinh doanh thịt gia cầm phải có bàn,
khay, tủ kính và chỉ được phép bán thịt gia cầm có dấu kiểm soát giết mổ đóng
trên thân thịt hoặc có tem vệ sinh thú y.
- Trứng gia cầm có nguồn gốc từ các ấp không có dịch
cúm gia cầm được tiêu thụ trong địa bàn xã.
Điều 8. Về chế biến,
tiêu thụ thịt, trứng gia cầm
1.Tất cả các nhà hàng, quán ăn có sử dụng thịt,
trứng gia cầm phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc gia cầm đưa vào chế biến và đảm
bảo thịt trứng gia cầm đã qua kiểm dịch.
2. Nghiêm cấm việc tiêu thụ, chế biến gia cầm, sản
phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc và chưa qua kiểm dịch thú y.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Trách nhiệm của
Ủy ban nhân dân các huyện, thị:
1. Qui hoạch lại các khu vực chăn nuôi gia cầm:
di dời các cơ sở chăn nuôi gia cầm ra khỏi khu vực thị xã, thị trấn; quy hoạch
các khu vực chăn nuôi gia cầm tập trung, cấm nuôi thả rông, chạy đồng.
2. Chỉ đạo các ban ngành địa phương tổ chức đăng
ký, thẩm định và xác nhận điều kiện đối với các cơ sở chăn nuôi gia cầm; tổ chức
kiểm tra và cương quyết xử lý tiêu hủy không hỗ trợ đối với những đàn thủy cầm,
chim cút tự ấp nở trái phép.
3. Qui hoạch nơi giết mổ gia cầm; khuyến khích
hoặc trực tiếp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung tại khu vực thị xã, thị
trấn.
4. Tổ chức nơi buôn bán gia cầm và sản phẩm gia
cầm đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng.
5. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã tổ chức lại
nơi giết mổ buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm đảm bảo vệ sinh thú
y.
6. Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành thường
xuyên kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm nội dung hướng dẫn này.
Điều 10. Trách nhiệm
của Sở Nông nghiệp & PTNT:
1. Chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức triển
khai, việc hướng dẫn thực hiện quy định trong toàn tỉnh.
Chỉ đạo Chi cục thú y hướng dẫn các trình tư
đăng ký trong chăn nuôi, các điều kiện để thẩm định trong vận chuyển, mua bán,
giết mổ và tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm.
2. Phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thị hướng
dẫn cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện nội dung văn bản này tại từng huyện,
thị.
3. Chịu trách nhiệm trực tiếp về mặt quản lý Nhà
nước chuyên ngành, chủ động thanh kiểm tra, xử lý vi phạm theo đúng chức năng,
thẩm quyền; tổng hợp, sơ kết báo cáo định kỳ việc thực hiện về Ủy ban nhân dân
tỉnh.
Điểu 11. Trách nhiệm
của các Sở, Ban ngành
1. Sở Y tế hướng dẫn việc tổ chức kiểm tra mua
bán, tiêu thụ sản phẩm gia cầm tại các nhà hàng, quán ăn; hướng dẫn biện pháp
an toàn sinh học đối với người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm.
2. Sở Tài Nguyên – Môi trường xây dựng các quy
trình xử lý môi trường và cử cán bộ hướng dẫn, giám sát việc xử lý nước thải,
chôn lắp, thiêu hủy lông, ruột, phân gia cầm để đảm bảo an toàn dịch bệnh; hướng
dẫn thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi.
3. Sở Du lịch – Thương mại chỉ đạo các cơ quan
chuyên môn giúp các huyện thị trong việc quy hoạch, xây dựng các nơi mua bán,
giết mổ tại các chợ trong tỉnh; chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường phối hợp các
địa phương tổ chức kiểm tra các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm.
4. Sở Văn hóa – Thông tin chỉ đạo các cơ quan
thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về lợi ích của
việc đổi mới phương thức chăn nuôi, về an toàn của sản phẩm gia cầm, tạo tâm lý
ổn định trong nhân dân khi sử dụng các sản phẩm gia cầm sạch.
5. Sở Công an, Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các
đơn vị chuyên ngành tại địa phương tuyệt đối không cho phép vận chuyển gia cầm
sống trên các phương tiện công cộng chuyên chở hành khách.
Điều 12. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về chăn
nuôi, ấp trứng, vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm sẽ bị
xử lý theo các quy định tại Nghị định số 129/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Thủ
tướng chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y và
các quy định khác của pháp luật.