Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 2289/QĐ-UBND 2022 nâng cao quản lý thuế hoạt động khai thác chế biến gỗ Bắc Kạn

Số hiệu: 2289/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn Người ký: Nguyễn Đăng Bình
Ngày ban hành: 29/11/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2289/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 29 tháng 11 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC GẮN VỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC, CHẾ BIẾN GỖ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017;

Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019;

Căn cứ Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu;

Căn cứ Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 24/8/2021 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn;

Căn cứ Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 05/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn;

Theo đề nghị của Cục Thuế tỉnh tại Tờ trình số 1606/TTr-CTBCA ngày 28/9/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước gắn với công tác quản lý thuế đối với hoạt động khai thác, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Điều 2. Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện Đề án đảm bảo đúng quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải; Giám đốc Công an tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, Thủ trưởng các đơn vị, các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đăng Bình

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC GẮN VỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC, CHẾ BIẾN GỖ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(Kèm theo Quyết định số 2289/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT

Tỉnh Bắc Kạn có diện tích tự nhiên 485.996ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp có rừng chiếm tỷ trọng cao (85,05% diện tích tự nhiên, tương ứng là 413.362ha, trong đó rừng sản xuất là 301.618ha; rừng phòng hộ là 82.909ha; rừng đặc dụng 28.835ha), sản lượng gỗ khai thác đạt hơn 293.979m3/năm (số liệu thống kê năm 2021),… Đặc biệt, hoạt động khai thác, chế biến gỗ phát triển mạnh trong những năm gần đây đã đem lại lợi ích kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, tuy nhiên đây cũng là lĩnh vực hoạt động phức tạp và khó quản lý.

Để quản lý chặt chẽ, phát huy giá trị kinh tế, gắn với bảo vệ rừng và chống thất thu ngân sách nhà nước đối với hoạt động khai thác, chế biến gỗ, đồng thời phát huy lợi thế về kinh tế rừng của tỉnh góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước và quản lý thuế đối với hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến gỗ trên địa bàn. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 05/10/2021 về tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Vì vậy, trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về hoạt động chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường; hoạt động khai thác, chế biến gỗ đã được các cấp ngành, địa phương quan tâm, phối hợp quản lý tốt, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong giai đoạn 2016 - 2021 giá trị ngành chế biến gỗ bình quân chiếm 14,57% giá trị ngành công nghiệp và chiếm 0,91% GRDP của tỉnh, tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, nhất là năm 2020 tăng 39,87%. Một số dự án lớn về chế biến gỗ đã được đầu tư xây dựng, vận hành; các sản phẩm như ván dán, đũa gỗ,... là sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Thực tế hiện nay còn nhiều bất cập trong công tác quản lý hoạt động khai thác, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh; việc cấp phép hoạt động đối với các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ chưa chặt chẽ; chưa hình thành chuỗi liên kết giữa người chủ rừng với cơ sở chế biến và các nhà máy chế biến gỗ, sản phẩm chủ yếu là sản phẩm sơ chế, chưa tạo giá trị gia tăng cao, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất giữa chủ rừng, cơ sở sơ chế và nhà máy chế biến gỗ nên phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc nhất là gỗ bóc, dăm gỗ; còn tình trạng khai thác gỗ tròn chưa đến tuổi khai thác; các cơ sở chế biến gỗ chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể chưa thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ, kê khai thuế, báo cáo sản lượng chưa trung thực, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định, hoạt động không bền vững, chưa phát huy được tiềm năng lợi thế giúp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước chưa đầy đủ…

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục các hạn chế, tồn tại nêu trên, trong thời gian tới công tác quản lý nhà nước về hoạt động chế biến gỗ và công tác quản lý thuế phải tiếp tục được quan tâm cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, vì vậy, việc ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước gắn với công tác quản lý thuế đối với hoạt động khai thác, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn” là cần thiết.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;

- Luật Lâm nghiệp năm 2017;

- Luật Quản lý thuế năm 2019;

- Các Luật Thuế, Luật Phí và các văn bản hướng dẫn thi hành;

- Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu;

- Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030;

- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025;

- Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 12/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;

- Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 24/12/2020 của Tỉnh ủy Bắc Kạn thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025;

- Nghị quyết số 48/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh 05 năm 2021 - 2025;

- Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 24/8/2021 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn;

- Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 05/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn;

- Quyết định số 50/QĐ-UBND ngày 14/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn;

- Thực trạng công tác quản lý nhà nước và hoạt động quản lý thuế đối với lĩnh vực chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.

Phần thứ hai

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT CHẾ BIẾN GỖ, CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CHẾ BIẾN GỖ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2017 - 2021

Trong giai đoạn 2017 - 2021, công tác quản lý nhà nước và công tác quản lý thuế đối với hoạt động chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở chế biến phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh và đóng góp cho ngân sách. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước và công tác quản lý thuế đối với hoạt động sản xuất, chế biến gỗ vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh để tạo động lực cho phát triển kinh tế và thu ngân sách của tỉnh Bắc Kạn.

I. HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT CHẾ BIẾN GỖ

1. Thực trạng

Ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh Bắc Kạn bước đầu đã hình thành với quy mô ngày càng mở rộng, được nhiều nhà đầu tư quan tâm, từ đó đã thúc đẩy phát triển trồng rừng, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững cho các hộ dân, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh còn đóng góp khá thấp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Với diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh là 413.362ha chiếm 85% diện tích tự nhiên của tỉnh, sản lượng gỗ thu hoạch hằng năm có sự tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, sản lượng gỗ năm 2021 là 293.979m3, tăng 1,91 lần so với năm 2017 (sản lượng 153.437m3). Sản phẩm chủ yếu của chế biến gỗ phần lớn mới sơ chế, chưa có nhiều sản phẩm được chế biến sâu, chủ yếu cung cấp nguyên liệu trong nước và xuất khẩu nguyên liệu thô, số liệu cụ thể tại biểu sau:

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

2016

2017

2018

2019

2020

2021

Tổng/ bình quân

Sản lượng gỗ xẻ, gỗ bóc

m3

45.803

6.331

48.838

107.877

100.994

101.276

411.119

Sản lượng gỗ khai thác

m3

161.880

153.437

161.206

200.025

218.976

293.979

1.189.503

Tỷ lệ gỗ chế biến

%

28,29

4,13

30,30

53,93

46,12

34,45

34,56

Giá trị sản xuất ngành chế biến gỗ

Triệu đồng

107.898

101.003

72.934

88.156

123.304

128.088

621.383

Tốc độ phát triển

%

100,79

93,61

72,21

120,87

139,87

103,88

103,49

Tốc độ phát triển của cả nước

%

 

 

103,5

104,8

96,7

103,6

102,8

Nguồn: Niên giám thống kê năm 2021

Qua biểu trên cho thấy, tỷ lệ sản lượng gỗ được chế biến so với sản lượng gỗ khai thác cũng chiếm tỷ lệ thấp, cao nhất là năm 2019 là 53,9%, đang có xu hướng giảm trong năm 2020 là 46,1%, năm 2021 là 34,4%, qua số liệu và khảo sát tại một số đơn vị cho thấy, lượng gỗ chưa qua chế biến xuất khẩu ra ngoài tỉnh chiếm tỷ lệ khá cao trong khi nhu cầu về nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp trong tỉnh là rất lớn. Thực tế trên cho thấy còn nhiều bất cập trong công tác quản lý nhất là công tác quy hoạch, định hướng phát triển, công tác hỗ trợ, thu hút đầu tư, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh cho ngành chế biến gỗ của tỉnh.

Giá trị sản xuất ngành chế biến gỗ từ năm 2017 đến 2021 tăng trưởng tương đối chậm, bình quân 3,49%, cao nhất là năm 2020 là 39,87%, đây cũng là thời kỳ các cơ sở sản xuất gỗ bóc phát triển mạnh nhưng chủ yếu tự phát chưa có định hướng của nhà nước, việc quản lý chưa chặt chẽ. Đây là thách thức rất lớn đối với ngành công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, việc phát triển tự phát phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc nhất là gỗ bóc, dăm gỗ; một số nhà đầu tư đã đầu tư vào tỉnh để chế biến sâu phục vụ xuất khẩu như (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lechenwood Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ sản xuất & XNK LHC Miền Bắc, Công ty Cổ phần đầu tư Govina, Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Hồng Ngọc, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gỗ ép Anh Bình, Chi nhánh Công ty Cổ phần Hứa Gia Hồng) nhưng cũng gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu đầu vào do yêu cầu thị trường xuất khẩu đòi hỏi nguồn nguyên liệu phải đảm bảo rõ nguồn gốc và hợp pháp, tuy nhiên do việc cung cấp nguyên liệu phục vụ chế biến của các hộ dân chưa đầy đủ các thủ tục pháp lý nên chưa chứng minh được nguồn gốc gỗ.

2. Hạn chế, khó khăn và nguyên nhân

Với thực trạng như trên, ngành công nghiệp chế biến gỗ đang có nhiều khó khăn để phát triển như: Chưa có nguồn nguyên liệu có chất lượng, đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững phục vụ cho nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu sang các thị trường lớn, chưa tạo được chuỗi liên kết giữa người trồng rừng, đến chế biến, xuất khẩu, giữa người trồng rừng với doanh nghiệp; công suất chế biến, sản phẩm chưa đa dạng nên chưa mở rộng được thị trường; nguồn nguyên liệu tại chỗ của tỉnh có tiềm năng lớn nhưng chưa tận dụng được để tạo lợi thế cạnh tranh.

- Về phát triển nguồn nguyên liệu gặp nhiều khó khăn:

Nguồn nguyên liệu của tỉnh khá lớn nhưng chưa có nguồn nguyên liệu có chất lượng, đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững phục vụ cho nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ; chưa tạo được chuỗi liên kết giữa người trồng rừng, đến chế biến, xuất khẩu, giữa người trồng rừng với doanh nghiệp; nguồn nguyên liệu tại chỗ của tỉnh có tiềm năng lớn nhưng chưa được hỗ trợ để xác định nguồn gốc xuất xứ nên chưa được tận dụng được để tạo lợi thế cạnh tranh.

Mặc dù tiềm năng về rừng lớn nhưng nhận thức về kinh tế rừng của người dân còn chưa đầy đủ, còn tình trạng khai thác gỗ tròn chưa đến tuổi khai thác; các cơ sở chế biến gỗ chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định,... hoạt động không bền vững, chưa phát huy được tiềm năng lợi thế giúp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Công tác trồng rừng, khai thác tiêu thụ gỗ chưa được quản lý chặt chẽ nên chủ yếu hoạt động tự phát, phụ thuộc chủ yếu vào các thương lái nên nguồn nguyên liệu có chất lượng thường được vận chuyển ra ngoài tỉnh (do giá bán cao hơn) nên các cơ sở chế biến gỗ trong tỉnh không thu mua được.

- Công tác quản lý nhà nước còn hạn chế, bất cập: Công tác quản lý nhà nước còn hạn chế, chưa tạo được định hướng, động lực cho phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn thể hiện như: chưa có sự quy hoạch, định hướng cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ; thực hiện các chính sách hỗ trợ về vốn, về đất đai cho các cơ sở chế biến gỗ chưa hiệu quả, chưa hình thành chuỗi liên kết giữa người trồng rừng, cung ứng nguyên liệu với cơ sở chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm; chưa định hướng về sản phẩm thế mạnh đạt tiêu chuẩn chất lượng, tạo năng lực cạnh tranh;...

- Quy mô sản xuất của cơ sở chế biến gỗ chủ yếu là nhỏ, công nghệ còn thô sơ, mang tính thủ công, đơn lẻ, thiếu kết hợp, liên kết và phát triển đồng bộ: Các cơ sở chế biến gỗ chủ yếu là các hộ cá nhân kinh doanh, hoạt động theo mô hình tự phát, tính chất nhỏ lẻ, không tập trung, chủ yếu hoạt động ở địa bàn xa trung tâm, giao thông không thuận tiện nên công tác phối hợp quản lý giữa các ban, ngành chưa được đồng bộ, còn nhiều bất cập. Một số cơ sở kinh doanh lưu giữ chưa đầy đủ hồ sơ sổ sách liên quan đến nhập, xuất lâm sản qua các năm đối với gõ đã qua sản xuất, tiêu thụ ảnh hưởng đến tiêu thụ hàng hóa. Phần lớn các cơ sở kinh doanh chủ yếu là hộ cá nhân kinh doanh mang tính chất thời vụ tận thu sản phẩm rừng trồng không đủ quy cách, chất lượng.

- Chưa có giải pháp đồng bộ giữa công tác quy hoạch phát triển gắn với thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; công nghệ chế biến còn lạc hậu, thô sơ, chưa có nhà đầu tư lớn, công nghệ cao tạo động lực cho phát triển ngành chế biến gỗ.

- Chưa cụ thể hóa các chính sách, chiến lược phát triển ngành chế biến gỗ phù hợp với điều kiện của tỉnh. Cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh chưa thực sự đem lại hiệu quả, cơ sở hạ tầng, quỹ đất dành cho sản xuất và phát triển ngành chế biến gỗ.

Các cơ sở chế biến gỗ chủ yếu là các hộ cá nhân kinh doanh, hoạt động theo mô hình tự phát, tính chất nhỏ lẻ, không tập trung, chủ yếu hoạt động ở địa bàn xa trung tâm. Một số cơ sở kinh doanh lưu giữ chưa đầy đủ hồ sơ sổ sách liên quan đến nhập, xuất lâm sản qua các năm đối với gỗ đã qua sản xuất, tiêu thụ ảnh hưởng đến tiêu thụ hàng hóa.

Phần lớn các cơ sở kinh doanh chủ yếu là hộ cá nhân kinh doanh mang tính chất thời vụ tận thu sản phẩm rừng trồng không đủ quy cách, chất lượng. Các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn không tập trung, đa số xa trung tâm, giao thông không thuận tiện nên công tác phối hợp quản lý giữa các ban, ngành chưa được đồng bộ, còn nhiều bất cập.

Công tác trồng rừng, khai thác tiêu thụ gỗ chưa được quản lý chặt chẽ nên chủ yếu hoạt động tự phát, phụ thuộc chủ yếu vào các thương lái nên nguồn nguyên liệu có chất lượng thường được vận chuyển ra ngoài tỉnh (do giá bán cao hơn) nên các cơ sở chế biến gỗ trong tỉnh không thu mua được.

II. CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ

1. Thực trạng

Trên địa bàn tỉnh có tổng số 186 cơ sở chế biến gỗ đang hoạt động và đã thực hiện kê khai nộp thuế, trong đó có: 16 doanh nghiệp, 04 hợp tác xã, 166 hộ kinh doanh cá thể. Tổng số nộp ngân sách năm 2019 là 1.197 triệu đồng, năm 2020 là 2.177 triệu đồng, năm 2021 là 5.334 triệu đồng, sáu tháng đầu năm 2022 là 3.347 triệu đồng.

(Chi tiết sản lượng kê khai và số nộp thuế tại Biểu kèm theo)

Qua đánh giá của ngành chức năng về cơ bản các cơ sở chế biến gỗ thực hiện thu mua trực tiếp từ sản phẩm gỗ rừng trồng của người dân trên địa bàn, đã thực hiện mở sổ sách theo dõi nhập, xuất tại xưởng sản xuất theo quy định. Về quy mô, chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tại địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, công nghệ chế biến lạc hậu (chủ yếu là sản xuất gỗ bóc), việc thực hiện các quy định của nhà nước về chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ còn nhiều hạn chế, chủ yếu nộp thuế theo hình thức hộ khoán. Một số doanh nghiệp có hoạt động chế biến sâu để xuất khẩu, thì chủ yếu mua nguyên liệu gỗ đầu vào phục vụ sản xuất từ các nguồn ngoài tỉnh.

2. Hạn chế, khó khăn và nguyên nhân

Từ thực trạng ngành công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh và những khó khăn, hạn chế trong những năm qua chưa đáp ứng được những yêu cầu đặt ra của thị trường nhất là thị trường xuất khẩu đặc biệt là các thị trường lớn, yêu cầu cao như Mỹ. Các hạn chế, khó khăn chủ yếu đó là:

Công tác quản lý nhà nước còn hạn chế, chưa tạo được định hướng, động lực cho phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh thể hiện như: Chưa có quy hoạch, định hướng cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ; thực hiện các chính sách hỗ trợ về vốn, về đất đai cho các cơ sở chế biến gỗ chưa hiệu quả, chưa hình thành chuỗi liên kết giữa người trồng rừng, cung ứng nguyên liệu với cơ sở chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm; chưa định hướng về sản phẩm thế mạnh đạt tiêu chuẩn chất lượng, tạo năng lực cạnh tranh;...

Mặc dù tiềm năng về rừng lớn nhưng nhận thức về kinh tế rừng của người dân còn chưa đầy đủ, còn tình trạng khai thác gỗ tròn chưa đến tuổi khai thác; các cơ sở chế biến gỗ chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể chưa thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định,... hoạt động không bền vững, chưa phát huy được tiềm năng lợi thế giúp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Số thu thuế từ hoạt động chế biến gỗ nói riêng, lĩnh vực lâm nghiệp nói chung trong những năm qua đạt thấp so với tổng thu trên địa bàn, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh đối với lĩnh vực lâm nghiệp. Hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực chưa cao, thiếu tính đồng bộ; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong quản lý chưa được thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả nên công tác quản lý thuế gặp nhiều khó khăn nhất là việc tiếp cận, nắm bắt thông tin phục vụ quản lý thuế đối với các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn.

Việc chấp hành pháp luật thuế, kế toán, hóa đơn, chứng từ, hồ sơ lâm sản của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến gỗ chưa cao, đặc biệt đối với các cơ sở sơ chế gỗ bóc. Quy mô sản xuất của các cơ sở chế biến gỗ bóc chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún, dây chuyền công nghệ lạc hậu, thiếu vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, khả năng quản trị còn yếu, chủ yếu là quy mô hộ kinh doanh, chưa có khả năng tiếp cận thị trường, sản phẩm có sức cạnh tranh thấp, không đáp ứng được nhu cầu về quy cách, mẫu mã, hồ sơ lâm sản của các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh để tạo ra giá trị gia tăng cao và nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Các chính sách hỗ trợ nguồn lực về vốn, công nghệ, pháp luật của nhà nước đối với các cơ sở chế biến gỗ còn thiếu và yếu, chưa được đồng bộ, thực sự phát huy hiệu quả.

Sự phối hợp trong quản lý của các ngành, địa phương trong việc quản lý thu và chống thất thu ngân sách nhà nước đối với hoạt động chế biến gỗ trong thời gian qua còn nhiều hạn chế.

Các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, công nghệ chế biến sâu thì các sản phẩm chủ yếu để xuất khẩu nên chưa tạo ra nguồn thu nội địa.

Phần thứ ba

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ CHỐNG THẤT THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC, CHẾ BIẾN GỖ TRÊN ĐỊA BÀN

I. MỤC TIÊU

Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động chế biến gỗ gắn với công tác quản lý thuế và chống thất thu ngân sách, cụ thể hóa các quy định của pháp luật các chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và gắn với thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, giúp các ngành, các cấp xác định và phối hợp có hiệu quả, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong công tác quản lý nhà nước, quản lý thuế và chống thất thu ngân sách đối với hoạt động khai thác, chế biến gỗ.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh

1.1. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành gắn với phối hợp, trao đổi thông tin, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động chế biến gỗ, có định hướng phát triển phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, gắn với phát triển kinh tế rừng ở địa phương, coi kinh tế rừng và chế biến lâm sản là một thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Các sở, ngành liên quan chủ động tham mưu, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ gắn với công tác quy hoạch phát triển rừng sản xuất, vùng nguyên liệu.

Xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển rừng sản xuất có định hướng loài cây trồng rừng sản xuất, gắn với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông phục vụ công tác trồng rừng, vận chuyển, chế biến lâm sản; đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng cho người dân phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh.

1.2. Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hiểu biết về vai trò và các giá trị của rừng trong phát triển kinh tế, nhất là lợi ích về lâu dài, có tính bền vững từ trồng rừng. Tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các quy hoạch, kế hoạch của tỉnh về phát triển lâm nghiệp, chính sách thuế giá trị gia tăng, chính sách về tín dụng ưu đãi đầu tư, xuất khẩu cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu; các hiệp định thương mại tự do, các chương trình quốc tế về hội nhập, hợp tác phát triển có liên quan. Tuyên truyền, quảng bá, vận động người dân và doanh nghiệp thay đổi nhận thức về sử dụng gỗ hợp pháp và tập quán sử dụng gỗ rừng tự nhiên sang sử dụng gỗ rừng trồng; từ trồng rừng quảng canh sang thâm canh, kết hợp sản xuất gỗ nhỏ và gỗ lớn, đa dạng hóa sản phẩm… Sản phẩm đồ gỗ được mua sắm từ vốn ngân sách nhà nước ưu tiên sử dụng sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp và bền vững môi trường từ gỗ rừng trồng trong nước, được sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền về các chính sách pháp luật liên quan đến định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ; các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh liên quan đến hoạt động lâm nghiệp, hoạt động chế biến gỗ, chế biến lâm sản ngoài gỗ; các quy định, hiệp định, yêu cầu liên quan đến xác định nguồn gốc gỗ hợp pháp, chất lượng nguyên liệu,…

1.3. Theo chức năng, nhiệm vụ các ngành, các cấp rà soát các quy định pháp luật liên quan, triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh nhất là Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ và giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu, Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 05/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc tăng cường quản lý hoạt động của cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

1.4. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ, đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho hoạt động chế biến gỗ phát triển, đầu tư chiều sâu, nâng cao giá trị sản phẩm và xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm.

Tạo môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, đúng quy định, giúp ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Quản lý chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với hoạt động chế biến gỗ, vận chuyển tiêu thụ gỗ trên địa bàn; nắm bắt tình hình hoạt động các cơ sở chế biến gỗ, sản lượng chế biến để quản lý; xử lý nghiêm, kiên quyết đình chỉ hoạt động, đóng cửa cơ sở không có đăng ký kinh doanh, buộc tháo dỡ máy móc, thiết bị, nhà xưởng đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định, không chứng minh được nguồn gốc lâm sản hợp pháp; xử lý nghiêm cơ sở sử dụng, lấn chiếm đất trái quy định, các cơ sở chế biến gỗ gây ô nhiễm môi trường.

1.5. Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương trong công tác quản lý hoạt động chế biến gỗ, đảm bảo cho công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh phát triển bền vững, hiệu quả, hiện đại, sử dụng nguyên liệu hợp pháp, đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường trong sản xuất.

2. Nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu ổn định từ hoạt động chế biến gỗ

2.1. Phát triển vùng nguyên liệu ổn định, nghiên cứu bổ sung, ban hành chính sách hỗ trợ đẩy mạnh đầu tư trồng rừng gỗ lớn, hỗ trợ xây dựng các chứng chỉ quản lý rừng bền vững nhằm chủ động cung cấp gỗ nguyên liệu chất lượng, có giá trị kinh tế cao; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nguyên liệu, từ chọn, tạo giống, kiểm soát, đảm bảo chất lượng giống cho trồng rừng, đến trồng rừng thâm canh, chăm sóc rừng, khai thác gỗ. Khảo sát đánh giá tiềm năng, thực trạng rừng trên địa bàn từng huyện, thành phố và lập dự án đầu tư phát triển rừng sản xuất trên địa bàn từng huyện; rà soát diện tích rừng, quy hoạch rừng, tăng cường giao đất, giao rừng sản xuất cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng ổn định phục vụ cho phát triển vùng nguyên liệu. Có định hướng loài cây trồng rừng sản xuất phù hợp với điều kiện từng địa phương.

2.2. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết nhằm tạo khu vực cung ứng, chế biến gỗ tập trung; khuyến khích đầu tư xây dựng chợ đầu mối gỗ nguyên liệu làm nhiệm vụ cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến gắn kết với các khu, cụm công nghiệp, làng nghề chế biến gỗ ở vị trí thuận lợi.

2.3. Có chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến gỗ phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh và nhu cầu thị trường, hỗ trợ cơ sở sản xuất trong kết nối cung cầu, hỗ trợ máy móc, thiết bị chế biến gỗ theo chương trình khuyến công phù hợp với định hướng đổi mới công nghệ. Phát triển và xây dựng các cụm công nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, có chính sách hỗ trợ thu hút riêng về cơ sở hạ tầng, vay vốn ưu đãi, thuê đất,... để tạo thành khu công nghiệp trọng điểm; xây dựng tạo chuỗi liên kết giữa các khâu trong hoạt động chế biến gỗ: Cung ứng nguyên liệu, chế biến ban đầu, chế biến xuất khẩu,....

2.4. Có định hướng, hỗ trợ các cơ sở sơ chế làm nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy chế biến sâu phục vụ xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước nhất là các hộ, cá nhân để tổ chức thành các hợp tác xã hoặc phát triển thành doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu về xác định nguồn gốc nguyên liệu. Tạo điều kiện có chính sách ưu đãi, hỗ trợ thị trường, xây dựng thương hiệu gỗ cho các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, tạo thuận lợi cho tiêu thụ hàng hóa, nâng cao giá trị hàng hóa. Hỗ trợ phát triển các trung tâm giao dịch, trung tâm triển lãm hội chợ, tạo cơ hội, lợi thế cho các doanh nghiệp sản xuất, tiếp thị sản phẩm với khách hàng hiệu quả.

2.5. Định hướng và xây dựng cơ chế quản lý khâu lưu thông, thu mua, vận chuyển nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm từ đó có kế hoạch điều phối, hỗ trợ, quản lý hiệu quả, giảm chi phí trung gian, giảm giá thành trong khâu lưu thông, vận chuyển, tiêu thụ giúp quản lý chặt chẽ, đầy đủ, đảm bảo nguồn gốc nguyên liệu hợp pháp cung ứng cho các cơ sở chế biến gỗ, hạn chế hàng hóa trôi nổi, trái phép.

2.6. Về quản lý thuế và tạo nguồn thu ngân sách

Tăng cường phối hợp trong công tác quản lý nhà nước và quản lý thuế đảm bảo kiểm soát chặt chẽ giữa các khâu trong hoạt động chế biến gỗ, đảm bảo mọi giao dịch trong hoạt động chế biến gỗ đều được kiểm soát, quản lý đầy đủ từ đó kịp thời có chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch thúc đẩy sản xuất, tăng nguồn thu cho ngân sách, góp phần chống thất thu ngân sách.

Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ thực hiện các thủ tục liên quan đến đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, sử dụng hóa đơn chứng từ, các dịch vụ về thuế,…

Tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp để quản lý chặt chẽ các khâu trong hoạt động chế biến gỗ đảm bảo tính hợp pháp nguồn nguyên liệu đưa vào chế biến. Kiểm soát chặt chẽ về sản lượng các khoản doanh thu, chi phí của đơn vị chế biến gỗ phục vụ quản lý thuế và chống thất thu ngân sách.

3. Thu hút các nhà đầu tư có năng lực đầu tư vào hoạt động chế biến gỗ tạo giá trị gia tăng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách

3.1. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung và có cơ chế riêng đối với hoạt động đầu tư vào ngành chế biến gỗ, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư, triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.

Kêu gọi đầu tư xây dựng chợ đầu mối gỗ nguyên liệu, nhà đầu tư làm đầu mối thu mua và làm nhiệm vụ cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến tạo sự gắn kết giữa người trồng rừng với các khu, cụm công nghiệp, cơ sở chế biến gỗ của tỉnh.

3.2. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách khuyến khích phát triển sản xuất sản phẩm đồ gỗ có giá trị từ nguồn nguyên liệu sẵn có của tỉnh, chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư vào trồng rừng, phát triển nguồn nguyên liệu, dịch vụ kỹ thuật trồng rừng.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách khuyến khích phát triển sản xuất sản phẩm đồ gỗ nội thất, gỗ công nghiệp, gỗ xuất khẩu, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ chế biến đồ gỗ, chính sách khuyến công nhằm tăng cường các hoạt động hỗ trợ về mô hình trình diễn kỹ thuật ứng dụng công nghệ mới, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, chế biến gỗ.

3.3. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mới, đầu tư chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao, sản phẩm đa dạng, kết hợp được nhiều nguồn nguyên liệu. Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh.

3.4. Tạo điều kiện về quỹ đất, mặt bằng sản xuất cho ngành chế biến gỗ để hình thành các khu, cụm công nghiệp chế biến gỗ và các ngành nghề hỗ trợ chế biến gỗ; từng bước hình thành và xây dựng cụm liên kết ngành công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.

Tập trung hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bên trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp; các công trình dịch vụ công cộng liên quan tạo mặt bằng sạch, sẵn sàng thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến gỗ; quan tâm đầu tư hạ tầng và các công trình phụ trợ phục vụ các dự án đầu tư vào hoạt động chế biến gỗ, mặt bằng tập kết nguyên liệu và tiêu thụ hàng hóa.

3.5. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ sản xuất, đầu tư đối với các cơ sở chế biến gỗ đang hoạt động nhất là hỗ trợ trong kết nối cung cầu, hỗ trợ máy móc, thiết bị chế biến gỗ theo chương trình khuyến công phù hợp với định hướng đổi mới công nghệ; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, đầu tư trong lĩnh vực chế biến gỗ.

4. Công tác quản lý thuế và chống thất thu ngân sách

4.1. Chủ động rà soát các chính sách, pháp luật (chủ yếu là pháp luật thuế, quản lý thuế, pháp luật về đầu tư, đăng ký kinh doanh), các văn bản, chỉ đạo của tỉnh liên quan đến hoạt động chế biến gỗ, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư của tỉnh liên quan đến hoạt động chế biến gỗ để tổ chức triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế; khắc phục các hạn chế vướng mắc trong thực tế, tạo môi trường pháp lý lành mạnh, cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư chiều sâu, thực chất, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư mở rộng, thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo giá trị gia tăng cao từ đó tăng thu cho ngân sách.

4.2. Các cấp, ngành liên quan (Kiểm lâm, Công an, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, điện lực,…) chủ động phối hợp với cơ quan thuế tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, chế biến của các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh; cung cấp thông tin và xác nhận các chỉ tiêu định mức liên quan (về sử dụng điện, tiêu hao nhiên liệu, định mức chi phí,…) phục vụ việc xác định khối lượng và sản lượng gỗ, doanh thu, chi phí,… cung cấp cho cơ quan thuế làm căn cứ tính thuế, giám sát hoạt động kê khai thuế, hoàn thuế và là cơ sở kiểm tra, thanh tra thuế, chống thất thu ngân sách.

4.3. Xây dựng hệ thống chỉ tiêu, định mức sử dụng điện, công suất thiết bị và các chỉ tiêu định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu, nhân công đối với ngành chế biến gỗ phục vụ việc giám sát, kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả hoạt động của cơ sở chế biến gỗ. Định kỳ phối hợp, trao đổi cung cấp thông tin, liên quan đến việc xác định các chỉ tiêu định mức kinh tế, kỹ thuật làm cơ sở xác định sản lượng gỗ chế biến, sản lượng sản phẩm, các chi phí tiêu hao,… làm cơ sở giám sát, kiểm tra tình hình kê khai, tính thuế của cơ sở chế biến gỗ.

4.4. Phối hợp rà soát, kiểm soát 100% các cơ sở có hoạt động thu mua, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh; tổ chức kiểm tra, khảo sát, đánh giá đầy đủ về hoạt động của cơ sở chế biến gỗ về quy mô, thiết bị, nguồn nguyên liệu, công suất chế biến, thị trường tiêu thụ,… để làm cơ sở có các biện pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp, quản lý thuế đầy đủ, chặt chẽ; tham mưu, kiến nghị xử lý nghiêm đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện hoạt động, không chứng minh được nguồn gốc lâm sản hợp pháp, sử dụng đất không đúng mục đích, sai quy định, gây ô nhiễm môi trường.

4.5. Xây dựng bộ tiêu chí rủi ro phục vụ công tác quản lý thuế đối với ngành chế biến gỗ phục vụ công tác tuyên truyền, hỗ trợ cho người nộp thuế và thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và chống thất thu ngân sách.

4.6. Thực hiện tốt công tác phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin theo yêu cầu và hướng dẫn của Cục Thuế tỉnh phục vụ quản lý thuế và chống thất thu ngân sách đối với hoạt động chế biến gỗ trên địa bàn.

4.7. Tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với đơn vị có tiêu chí đánh giá rủi ro cao, hoạt động phức tạp.

4.8. Ngành Thuế tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý thuế theo chức năng trong đó tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền hỗ trợ, giám sát hoạt động kê khai thuế và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để quản lý chặt chẽ, đầy đủ đối với các khoản thu phát sinh liên quan đến hoạt động chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.

4.9. Tăng cường công tác báo cáo, trao đổi thông tin về tình hình hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ, tình hình quản lý hoạt động, quản lý thuế, các chương trình kế hoạch phát triển công nghiệp chế biến gỗ, phát triển kinh tế rừng, sản lượng gỗ khai thác theo định kỳ.

Phần thứ tư

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. CÁC SỞ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

1. Sở Công Thương

1.1. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ, các nội dung của đề án theo thẩm quyền. Thực hiện các giải pháp phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ phù hợp với quy hoạch tỉnh, phổ biến, triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất, phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ; đầu mối tham mưu hoặc đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đồ gỗ trên địa bàn tỉnh.

1.2. Chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng các cụm công nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến gỗ để tạo chuỗi liên kết bền vững.

1.3. Chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát phương án phát triển và xây dựng các cụm công nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh, trong hỗ trợ thực hiện chuỗi liên kết.

1.4. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp về quy hoạch, chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ theo quy định của pháp luật, Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ và giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu, Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 05/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc tăng cường quản lý hoạt động của cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

2. Cục Thuế tỉnh

2.1. Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án liên quan đến công tác quản lý thuế, phối hợp quản lý thuế và chống thất thu ngân sách đối với hoạt động chế biến gỗ trên địa bàn.

2.2. Tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện công tác phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin, xây dựng chỉ tiêu định mức, xây dựng tiêu chí rủi ro phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động chế biến gỗ.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

3.1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương rà soát quy hoạch, quản lý các vùng nguyên liệu, tạo nguồn nguyên liệu ổn định, đáp ứng yêu cầu cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ; tham mưu các giải pháp hỗ trợ trồng rừng, phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư trồng rừng gỗ lớn; tham mưu, đề xuất giải pháp thực hiện liên doanh liên kết giữa cơ sở chế biến gỗ với hộ trồng rừng để thực hiện việc cấp chứng nhận tiêu chuẩn rừng (FSC).

3.2. Tham mưu, chỉ đạo thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ việc khai thác gỗ rừng trồng chưa đến tuổi khai thác do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu; tuyên truyền, vận động chủ rừng không thực hiện khai thác gỗ rừng trồng thuộc sở hữu của chủ rừng khi rừng chưa đến tuổi khai thác.

3.3. Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, kiểm tra xử lý vi phạm đối với các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp về khai thác, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, chế biến lâm sản trái pháp luật. Hướng dẫn chủ lâm sản thực hiện lập hồ sơ lâm sản trong khai thác, vận chuyển, mua bán, cất giữ lâm sản và thực hiện xác nhận bảng kê lâm sản đúng đối tượng, thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

4.1. Chủ trì, phối hợp với các ngành Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh các Hợp tác xã tỉnh,… nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp, chính sách hỗ trợ, phát triển nghề rừng theo hướng bền vững, tạo mối liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ khâu trồng rừng, khai thác, thu mua, sơ chế và chế biến sâu, nhằm tạo giá trị gia tăng cao, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, chủ rừng và doanh nghiệp, đặc biệt nâng cao giá trị, năng suất lao động và hiệu quả cho nông dân trồng rừng khi tham gia vào chuỗi cung ứng.

4.2. Đẩy mạnh rà soát kiến nghị cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu và kinh doanh, tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án lớn, công nghệ hiện đại, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, làm động lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ và tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước.

5. Sở Tài chính

5.1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện các nhiệm vụ và chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp của Trung ương và địa phương; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công tác quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ.

5.2. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước liên quan đến đất đai trong lĩnh vực lâm nghiệp, tuyên truyền, hướng dẫn người dân khi thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở chế biến gỗ, các điểm phơi, sấy gỗ bóc có trách nhiệm chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.

7. Sở Khoa học và Công nghệ

7.1. Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan đánh giá thực trạng công nghệ máy móc, thiết bị các doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh. Triển khai các chương trình khoa học và công nghệ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hỗ trợ đổi mới thiết bị, công nghệ cho các cơ sở chế biến gỗ.

7.2. Hướng dẫn các cơ sở chế biến gỗ nghiên cứu, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, chuyển giao công nghệ mới; ưu tiên phân bổ kinh phí cho các đề tài nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản.

8. Cục Quản lý thị trường tỉnh

8.1. Phối hợp với ngành kiểm lâm tăng cường kiểm tra hoạt động vận chuyển lâm sản trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường vận chuyển trái phép, không có hóa đơn, chứng từ, hồ sơ lâm sản hoặc gian lận trong việc sử dụng chứng từ đi đường như hiện tượng quay vòng hóa đơn, hồ sơ,...

8.2. Phối hợp với các ngành chức năng liên quan như: Thuế, Kiểm lâm, Công an, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cơ sở chế biến gỗ không thực hiện đúng chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ khi xuất bán hàng hóa, kinh doanh trái phép.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

9.1. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, chủ rừng, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ; ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

9.2. Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan rà soát quy hoạch, quản lý các vùng nguyên liệu, tạo nguồn nguyên liệu ổn định, đáp ứng yêu cầu cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn.

9.3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân và chủ các cơ sở chế biến gỗ có nhận thức đúng đắn trong việc chấp hành tốt các chính sách, pháp luật có liên quan trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

9.4. Thường xuyên quan tâm, nắm bắt thông tin kịp thời, hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn trong việc gắn kết thị trường tiêu thụ sản phẩm giữa các cơ sở sơ chế như sản xuất gỗ bóc với các nhà máy chế biến sâu trên địa bàn tỉnh.

9.5. Tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên và đột xuất, cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong khai thác, vận chuyển, chế biến gỗ, bảo vệ môi trường, vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về thuế, chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, hồ sơ lâm sản,...

10. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn

10.1. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến đến các chủ rừng thực hiện tốt việc trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, hiệu quả, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động lâm nghiệp.

10.2. Tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật có liên quan đến chủ các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời trong việc tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường tiêu thụ với các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.

10.3. Thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ đến từng địa bàn thôn, bản, tổ dân phố, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp chủ rừng, đơn vị thu mua, cơ sở chế biến có các hành vi vi phạm pháp luật như vi phạm Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, bảo vệ môi trường, pháp luật thuế, kế toán, hóa đơn, chứng từ, hồ sơ lâm sản,…

10.4. Chỉ đạo cán bộ làm công tác lâm nghiệp xã phối hợp thường xuyên với kiểm lâm địa bàn, cung cấp trao đổi thông tin kịp thời, đầy đủ cho Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn về sản lượng khai thác của các chủ rừng, thương lái thu mua tiêu thụ, các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn để làm căn cứ xác định nghĩa vụ thuế.

II. CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, CÁ NHÂN LIÊN QUAN

1. Các chủ rừng

1.1. Thực hiện nghiêm Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

1.2. Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, hiệu quả; sử dụng đất rừng được giao, thuê đúng mục đích.

1.3. Quản lý hồ sơ lâm sản đầy đủ, đúng quy định; cung cấp trao đổi thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác cho cơ quan thuế và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn.

2. Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ

2.1. Liên kết thành lập hiệp hội (hoặc chi hội) ngành chế biến gỗ của tỉnh để thực hiện vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến gỗ trong công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, nghiên cứu chiến lược sản phẩm, chính sách phát triển, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư và liên kết hợp tác trong sản xuất kinh doanh đồ gỗ, ngoài gỗ và làm cầu nối giữa doanh nghiệp với Ủy ban nhân dân tỉnh, với các tổ chức liên quan hỗ trợ ngành lâm nghiệp, phát triển vùng nguyên liệu.

2.2. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện nghiêm nghĩa vụ kê khai, nộp thuế với Nhà nước theo quy định, thực hiện đầy đủ, đúng quy định về chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, hồ sơ lâm sản.

2.3. Đầu tư dây truyền công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường, tạo công ăn việc làm, nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước.

2.4. Các nhà máy, doanh nghiệp có dây truyền chế biến sâu cần liên kết chặt chẽ với các cơ sở sơ chế (gỗ bóc) trên địa bàn tỉnh để tạo chuỗi cung ứng liên hoàn, cùng tỉnh tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.

3. Các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ; các quy định của pháp luật và trách nhiệm được phân công trong Đề án, xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các nội dung giải pháp đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án.

Trên đây là Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước gắn với công tác quản lý thuế đối với hoạt động khai thác, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Cục Thuế tỉnh) để xem xét, giải quyết./.

 

BÁO CÁO TỔNG HỢP QUẢN LÝ THEO LOẠI HÌNH KINH DOANH

(Kèm theo Quyết định số 2289/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

Đơn vị theo dõi quản lý

Số lượng các cơ sở chế biến gỗ

Loại hình chế biến gỗ

Sản lượng chế biến ván bóc (m3)

Số cuộc thanh tra, kiểm tra trong năm 2021

Số thuế nộp ngân sách năm 2019

Số thuế nộp ngân sách năm 2020

Số thuế đã nộp ngân sách năm 2021

Tổng cộng 2021

Số cuộc thanh tra, kiểm tra 06 tháng đầu năm 2022

Số thuế đã nộp ngân sách 06 tháng năm 2022

Tổng cộng 06 tháng đầu năm 2022

Số thuế phát hiện, xử lý qua thanh tra, kiểm tra

Ghi chú

Doanh nghiệp

Hợp tác xã

Hộ cá nhân kinh doanh

Sản xuất đồ mộc

Sản xuất ván bóc, dăm mảnh

Sản xuất ván dán

Sản xuất ván cốp pha, thanh chi tiết

Sản xuất gỗ khác

Năm 2021

06 tháng đầu năm 2022

Môn bài

GTGT

TNDN

TNCN

Môn bài

GTGT

TNDN

TNCN

GTGT

TNDN

TNCN

 

Tổng toàn tỉnh

16

4

166

28

123

12

2

13

351.835

87.678

25

1.997

2.177

69

4.919

21

325

5.334

2

97

3.075

-

176

3.347

8

45

1

 

1

Chi cục Khu vực Bắc Kạn - Bạch Thông - Chợ Mới

5

4

98

18

63

6

1

10

237.360

15.301

1

 

 

33

3.318

21

174

 

1

49

1.706

-

105

 

8

42

-

 

 

Thành phố

2

-

30

18

11

-

-

1

9.271

2.746

-

 

 

14

913

21

62

 

1

13

331

-

19

 

8

42

-

 

 

Bạch Thông

2

-

36

-

21

6

-

9

219.426

4.390

1

 

 

13

1.217

-

69

 

-

18

284

-

72

 

-

-

-

 

 

Chợ Mới

1

4

32

-

31

-

1

-

8.663

8.165

-

 

 

6

1.188

-

43

 

-

18

1.091

-

15

 

-

-

-

 

2

Chợ Đồn

1

-

12

10

3

-

-

1

-

-

-

 

 

6

274

-

11

 

-

8

187

-

4

 

-

-

-

 

3

Na Rì

4

-

18

-

21

-

1

-

636

84

-

 

 

11

85

-

23

 

1

14

31

-

17

 

-

3

-

 

4

Chi cục Khu vực Ngân Sơn - Ba Bể - Pác Nặm

-

-

38

-

36

2

-

-

3.025

1.927

22

 

 

11

68

-

64

 

-

12

21

-

10

 

-

-

1

 

 

Ngân Sơn

-

-

22

-

22

-

-

-

1.605

1.538

22

 

 

7

7

-

34

 

-

7

1

-

-

 

-

-

1

 

 

Ba Bể

-

-

13

-

13

-

-

-

1.150

319

-

 

 

3

53

-

27

 

-

4

18

-

9

 

-

-

-

 

 

Pác Nặm

-

-

3

-

1

2

-

-

270

70

-

 

 

1

8

-

4

 

-

2

2

-

1

 

-

-

-

 

5

Phòng Thanh tra kiểm tra

6

-

-

-

-

4

-

2

110.814

70.366

2

 

 

9

1.174

-

53

 

-

14

1.130

-

39

 

-

-

-

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 2289/QĐ-UBND ngày 29/11/2022 phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước gắn với công tác quản lý thuế đối với hoạt động khai thác, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.165

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.19.189
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!