ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1907/QĐ-UBND
|
Lào
Cai, ngày 24 tháng 6 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN VĂN BÀN,
TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND
ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP
ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế xã hội; Nghị định số
04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều
của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006;
Xét đề nghị của UBND huyện Văn Bàn
tại Tờ trình số 84/TTr-UBND ngày 29/5/2015 và ý kiến thẩm định của Sở Kế hoạch
và Đầu tư tại Tờ trình số 150/TTr-SKH ngày 16/6/2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế
- xã hội huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những
nội dung sau:
I. Quan điểm phát
triển
- Phát triển kinh tế - xã hội huyện
Văn Bàn phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh
Lào Cai, của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, phù hợp điều kiện thực tế của địa
phương.
- Tập trung phát triển các ngành kinh
tế tạo động lực trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của huyện một cách bền
vững. Phát triển kinh tế huyện Văn Bàn trong giai đoạn tới, xác định nông, lâm
nghiệp, xây dựng nông thôn mới giữ vai trò trọng tâm, xuyên suốt; du lịch - dịch
vụ là mũi nhọn; công nghiệp, xây dựng là quan trọng.
- Phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ
với phát triển xã hội, gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng, tiến bộ xã hội nhằm
trước hết tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống vật chất
tinh thần cho nhân dân.
- Phát triển kinh tế - xã hội kết hợp
chặt chẽ với bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững.
- Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế,
văn hóa, xã hội với đảm bảo quốc phòng an ninh.
II. Mục tiêu phát triển
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển kinh tế theo hướng hàng
hóa, chất lượng, hiệu quả; chuyển dịch mạnh cơ cấu nội ngành theo hướng tích cực.
Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới, khai thác tối đa lợi thế so sánh của
huyện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Từng bước nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực; giải quyết tốt các vấn đề xã hội; quan tâm đúng mức bảo vệ môi
trường; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa. Nâng cao chất lượng đời sống vật chất
và tinh thần của nhân dân; củng cố quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị, trật
tự an toàn xã hội. Xây dựng hệ thống chính trị ngày một trong sạch, vững mạnh.
Xây dựng huyện Văn Bàn trở thành huyện phát triển khá của tỉnh.
2. Mục
tiêu cụ thể
a) Về phát triển kinh tế
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất
trên địa bàn bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11,8%, trong đó: tăng trưởng
giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp, thủy sản là 5,5%/năm, ngành công nghiệp
- xây dựng là 15,5%/năm, ngành thương mại - dịch vụ là 14,5%. Cơ cấu giá trị sản
xuất phân theo trật tự: Nông, lâm thủy sản - Công nghiệp, xây dựng - Dịch vụ
năm 2020: 22,5% - 55,8% - 21,7%.
Phát triển sản xuất, ổn định đời sống
nhân dân, đến năm 2020, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt
41 triệu đồng/người.
Phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng
trưởng giá trị sản xuất được duy trì đều ở mức 9,17%/năm. Tổng giá trị sản xuất
huyện Văn Bàn quản lý đạt 12.788 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), cơ cấu tỷ trọng
các ngành nông, lâm, ngư nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ là 13,8% -
66,1% - 20,1%. Thu nhập bình quân đầu người đạt mức 75 triệu đồng/người.
b) Về phát triển xã hội
- Về xã hội: Giai đoạn 2016 - 2020,
phấn đấu duy trì tỷ lệ tăng dân số tự nhiên khoảng 1,05 -
1,1%; quy mô dân số của huyện đến năm khoảng 90.505 người, đến năm 2030 là
98.011 người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,5%/năm trong giai đoạn 2016 -
2020. Phấn đấu tạo việc làm tăng thêm bình quân cho 2.000 lao động/năm.
Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho
người lao động, đến năm 2020 đạt trên 50% lao động đã qua đào tạo nghề và đến
năm 2030 có 75% số lao động qua đào tạo, tập huấn nghề.
- Về giáo dục: Đến năm 2020, tỷ lệ
huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường mẫu giáo đạt 100%, tiểu học: đạt 100%,
trung học cơ sở: 99,9%; tỷ lệ học sinh vào các trường trung học phổ thông đạt
80%; Phấn đấu 90% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông
tham gia đào tạo nghề và học trung học chuyên nghiệp.
- Về y tế: Các cơ sở y tế xã đáp ứng
yêu cầu theo dõi và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân với 100% xã đạt chuẩn
quốc gia vào năm 2020.
Y tế huyện được kiện toàn đáp ứng nhu
cầu khám chữa bệnh nhân dân trong huyện, giảm tải cho bệnh viện cấp trên. Nâng
cấp, mở rộng bệnh viện huyện, phấn đấu đến năm 2020 đạt 170-180 giường bệnh
(không tính giường của trạm y tế xã). Tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng giảm xuống
dưới 15% vào năm 2020. Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ
sinh an toàn thực phẩm.
- Không ngừng nâng cao mức hưởng thụ về
đời sống văn hóa, thông tin, thể thao cho người dân.
- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng
bộ, đáp ứng yêu cầu phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của
huyện: Trên 95% số hộ được dùng điện lưới vào năm 2020.
- Mục tiêu môi trường:
Nâng độ che phủ rừng lên trên 66% vào
năm 2020 và 69% vào năm 2030; bảo vệ tốt môi trường ở trung tâm huyện, các
trung tâm cụm xã, các khu dân cư, các khu vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp và
dịch vụ phát triển; kết hợp khai thác du lịch sinh thái với bảo tồn sinh học rừng,
ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cung cấp đủ nước hợp vệ sinh cho 100% hộ dân. Nâng cấp và xây dựng thêm các cơ sở, các
công trình xử lý rác thải, nước thải trên địa bàn huyện.
- Về xây dựng nông thôn mới:
Phấn đấu đến năm 2020 có 8 xã đạt tiêu
chí về nông thôn mới. Năm 2030 có khoảng 80% tổng số xã đạt tiêu chí về nông
thôn mới.
- Về quốc phòng, an ninh: Xây dựng
khu vực phòng thủ vững chắc, đảm bảo huyện Văn Bàn trở thành khu vực phòng thủ
vững chắc của tỉnh Lào Cai, đảm bảo an ninh chính trị, giữ vững trật tự xã hội;
giữ vững thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.
Công tác quân sự địa phương cần được
đảm bảo duy trì chế độ trực sẵn sàng chiến đấu theo quy định. Tăng cường nắm chắc
tình hình ở địa bàn trọng điểm, đảm bảo giữ gìn an ninh
chính trị ổn định. Công tác huấn luyện dân quân tự vệ cần được tổ chức thường
xuyên và phù hợp với nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự xã hội.
III. Lựa chọn các lĩnh vực trọng
điểm có tính đột phá đến năm 2020
1. Tiêu chuẩn lựa chọn các lĩnh vực trọng điểm
- Có tiền đề và lợi thế phát triển.
- Có vai trò to lớn đối với nền kinh
tế trong lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa: tạo ra đóng góp lớn về giá trị
sản xuất, về ngân sách, về tích lũy và khả năng thu hút lao động.
- Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế xã hội tỉnh Lào Cai, Quy hoạch các ngành, các lĩnh vực của tỉnh.
- Đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội,
môi trường, góp phần phát triển bền vững.
2. Các lĩnh vực trọng điểm dự kiến
- Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng,
xây dựng và chỉnh trang bộ mặt đô thị được coi là khâu đột phá để một mặt Văn
Bàn sớm trở thành một huyện có hệ thống hạ tầng khá trong hệ thống các huyện,
thành phố của tỉnh Lào Cai; mặt khác, tạo sức thu hút cho phát triển kinh tế,
trước hết là xây dựng, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
- Tập trung cho đào tạo phát triển
nguồn nhân lực đáp ứng tốt các yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển
nông, lâm nghiệp chất lượng cao.
- Đối với kinh tế, phát triển thương
mại dịch vụ gắn với khai thác tối đa lợi thế đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tạo
ra bước phát triển mũi nhọn để kinh tế huyện có tốc độ tăng trưởng cao, tạo nguồn
thu cho ngân sách và nâng cao thu nhập cho các tầng lớp dân cư.
IV. Phương hướng phát triển các
ngành và lĩnh vực
1. Phát triển nông, lâm, thủy sản
Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị
sản xuất của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 là
5,5%/năm. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản huyện Văn Bàn năm 2020 đạt
1.729,5 tỷ đồng (giá hiện hành). Trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tỷ trọng của
ngành trồng trọt giảm dần, tăng dần tỷ trọng các ngành chăn nuôi. Tiếp tục đẩy
mạnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất kinh tế nông nghiệp, đầu tư trọng điểm
để nâng cao hiệu quả các vùng sản xuất chuyên canh, các vùng cây trồng có giá
trị kinh tế cao. Đẩy mạnh việc thâm canh tăng vụ, sản xuất lúa giống, lúa cao sản,
lúa chất lượng cao, ngô hàng hóa nhằm tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị
canh tác. Xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại các xã phía
Tây của huyện (Dương Quỳ, Thẳm Dương, Nậm Xây,...), xây dựng vùng cây ăn quả tại
các xã phía Nam (Khánh Yên Trung, Liêm Phú, Chiềng Ken, Khánh Yên Hạ...). Tập
trung phát triển kinh tế lâm nghiệp; đưa kinh tế lâm nghiệp là thu nhập chính
cho người nông dân. Tăng nhanh tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp; ưu tiên
phát triển chăn nuôi đại gia súc, trang trại chăn nuôi công nghệ cao. Tiếp tục
nghiên cứu, nhân rộng đưa một số loại thủy sản có giá trị kinh tế cao nhất là
cá nước lạnh.
a) Nông nghiệp
Xây dựng ngành nông nghiệp hàng hóa
đa dạng, phù hợp với hệ sinh thái, phát triển bền vững, áp dụng các công nghệ
tiên tiến trong sản xuất, bảo quản và chế biến để tạo ra các sản phẩm có chất
lượng và giá trị cao. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng dần
tỷ trọng ngành chăn nuôi.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất
ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 đạt mức bình quân 5,8%/năm và giai đoạn
năm 2021 - 2030 đạt mức 4,5%/năm.
b) Lâm nghiệp
Phấn đấu giá trị sản xuất ngành lâm
nghiệp tăng 2,5%/năm giai đoạn 2016 - 2020, tăng 4,5%/năm giai đoạn 2021 -
2030.
Đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ rừng,
PCCC rừng, khoanh nuôi tái sinh để nhanh chóng phủ xanh đất trống đồi núi trọc;
đổi mới cơ cấu giống cây lâm nghiệp có năng suất, chất lượng và hiệu quả; khuyến
khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, trồng rừng sản
xuất, rừng có giá trị kinh tế cao; trồng rừng kinh tế cần gắn với chế biến lâm
sản.
c) Thủy sản
Ổn định và phát triển vùng nuôi ao hồ
nhỏ, đến năm 2020 diện tích đạt 367 ha, sản lượng đạt 1.285 tấn, với các đối tượng
cá truyền thống ở các xã Văn Sơn, Khánh Yên Trung, Khánh Yên Hạ... góp phần phục
vụ nhu cầu tại chỗ và bước đầu tập trung sản xuất thủy sản theo hướng hàng hóa.
Quy hoạch vùng phát triển cá nước lạnh
(cá hồi, cá tầm) với hình thức nuôi ao, bồn, bể đạt 3.500 m3 sản lượng
67 tấn tại các xã vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên bao gồm Liêm Phú,
Nậm Xây, Nậm Xé.
2. Phát triển dịch vụ
Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng
trưởng chung của ngành dịch vụ ở mức 14,5%/năm. Giai đoạn 2021 - 2030 là
10,5%/năm. Giá trị ngành dịch vụ năm 2020 đạt 1.669,9 tỷ đồng (giá hiện hành).
a) Thương mại
Đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch
vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của sản xuất kinh doanh và đời
sống, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, mở rộng thị trường.
Hoàn chỉnh hệ thống thương mại trên địa
bàn huyện, đặc biệt chú trọng tới phát triển thị trường nông thôn, phát triển
các chợ đầu mối. Dự kiến tốc độ tăng trưởng tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa
giai đoạn 2016 - 2020 là 18%/năm.
Dịch vụ thương mại tập trung vào mở rộng
giao lưu hàng hóa với 2 chức năng chính: khai thác thế mạnh về vai trò trung
chuyển của chợ Trung tâm huyện và chợ đầu mối của xã Võ Lao và các chợ khác ở
các xã trong huyện; tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng giao lưu các sản phẩm
trước hết là các nông sản của Văn Bàn ra các địa phương khác, tạo điều kiện cho
các ngành trong huyện phát triển.
b) Dịch vụ du lịch
Phát triển du lịch huyện Văn Bàn tạo
sự thống nhất trong hoạt động phát triển du lịch của tỉnh Lào Cai, tạo cơ sở
khai thác có hiệu quả tiềm năng tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú trên địa
bàn; Đến năm 2020 phấn đấu số lượt khách du lịch nội địa đến địa phương trên 11.500 người, đến năm 2030 là trên 15.000 người.
Tạo sản phẩm du lịch độc đáo, đặc
trưng nhất là du lịch gắn với văn hóa tâm linh Đền Cô xã Tân An, Đền Ken xã Chiềng
Ken. Tạo sản phẩm du lịch chuyên đề nhất là chú trọng khai thác tiềm năng du lịch
sinh thái tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên, Thác Bay xã Liêm Phú, Khu du
kích Pú Gia Lan, Đèo Khau Co xã Nậm Xé... Đặc biệt với bản sắc văn hóa độc đáo
của dân tộc Tày là một tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch cộng đồng gắn với
các lễ hội Lồng Tồng, hát Nôm, hát Then... có thể phát triển
tại các xã Võ Lao, Chiềng ken, Liêm Phú, Dương Quỳ...
c) Các dịch vụ tài chính, ngân
hàng, bảo hiểm
Trong những năm tới cần đẩy mạnh hoạt
động của các dịch vụ tài chính ngân hàng theo xu hướng của kinh tế thị trường để
phục vụ cho các nhu cầu mở rộng sản xuất và nâng cao đời sống trong huyện, nhất
là phục vụ cho nhu cầu xây dựng cơ bản của huyện.
3. Phát triển công nghiệp, xây dựng
Giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng
GTSX toàn ngành công nghiệp đạt 12%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng GTSX công nghiệp khai thác đạt 12%/năm, công nghiệp chế biến đạt
8%/năm, công nghiệp sản xuất và phân phối điện nước đạt 15%/năm.
Giai đoạn 2021 - 2030, tăng trưởng
GTSX toàn ngành công nghiệp đạt 9%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng GTSX công nghiệp khai thác đạt 10%/năm, công nghiệp chế biến đạt
7%/năm, công nghiệp sản xuất và phân phối điện nước đạt 10%/năm.
Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh
nghiệp tiếp tục đầu tư khai thác chế biến khoáng sản như sắt Quý Sa, vàng Minh
Lương, Apaptít Chiềng Ken; đẩy mạnh tiến độ thi công công trình thủy điện theo
quy hoạch trên địa bàn huyện; chú trọng phát triển công
nghiệp phụ trợ để giải quyết việc làm, phát triển dịch vụ. Khuyến khích các
thành phần kinh tế đầu tư sản xuất và khai thác vật liệu xây dựng, phát triển
nghề truyền thống, chế biến nông lâm sản, sản xuất thức ăn gia súc.
4. Văn hóa - xã hội
a) Thực hiện chính sách lao động,
giảm nghèo và an sinh xã hội
Thực hiện xã hội hóa, đa dạng hóa
công tác giáo dục, đào tạo. Tập trung nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất,
trang thiết bị và nâng cấp hệ thống giáo dục cơ sở từ mầm non cho đến các cấp
giáo dục phổ thông để nâng cao trình độ dân trí và kiến thức chung cho người
dân.
Thường xuyên mở các lớp tập huấn, phổ
biến kiến thức, kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ cho nông dân trong huyện về
việc áp dụng các loại giống cây, con mới, biện pháp canh tác, chăn nuôi mới,
phương pháp bảo vệ thực vật, kỹ thuật thú y...
Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ
công nhân kỹ thuật giỏi trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ-du lịch...
gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện và của tỉnh, trước
mắt là đáp ứng cho nhu cầu lao động của các ngành sản xuất trên địa bàn (cơ
khí, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến đồ gỗ xuất khẩu...). Đặc biệt chú trọng
mở các lớp dạy nghề, truyền nghề, đào tạo công nhân.
Từng bước thay đổi tư duy và nhận thức
của người lao động về nghề nghiệp, về ý thức kỷ luật trong lao động. Khuyến
khích các hoạt động đưa người lao động trên địa bàn huyện đi làm việc, lao động
ở nước ngoài. Giai đoạn 2016 - 2020, tạo việc làm mới cho trên 2.000 lao động/năm
và giai đoạn 2021 - 2030 cho trên 3.000 lao động/năm.
Thực hiện tốt chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình. Dự kiến dân số huyện Văn Bàn đến năm
2015 là 85.687 người; năm 2020 là 90.505 người; năm 2030 là 98.011 người.
Cơ cấu lao động phải được thay đổi mạnh
theo hướng giảm mạnh lao động sản xuất nông nghiệp, tăng nhanh lao động dịch vụ,
lao động công nghiệp - xây dựng. Dự kiến đến năm 2020 lao động nông nghiệp còn
khoảng 78% tổng số lao động trong huyện. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động
đã qua đào tạo nghề của toàn huyện đạt trên 50%.
Tập trung công tác giải quyết việc
làm cho người lao động. Giúp người lao động có nguồn thu nhập ổn định. Phấn đấu
giảm tỷ lệ đói nghèo, phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 tỷ lệ
hộ nghèo giảm bình quân 3,5%/năm (theo tiêu chuẩn hiện tại).
b) Giáo
dục - đào tạo
Tiếp tục xây dựng, phát triển hệ thống
giáo dục, đào tạo cân đối, đồng bộ và chất lượng cao để bảo đảm quyền và nghĩa
vụ học tập của nhân dân, thực hiện công bằng trong giáo dục.
Phấn đấu 100% các trường phổ thông đạt
chuẩn quốc gia về diện tích vào năm 2020. Đảm bảo quy mô diện tích hệ thống trường
lớp theo tiêu chuẩn quốc gia. Đáp ứng đủ giáo viên các cấp;
có 100% giáo viên các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông, trong đó có
50% giáo viên đạt trình độ đào tạo trên
chuẩn của cấp học vào năm 2020, đến năm 2030 tỷ lệ này đạt 80%; 100% trường học
được kiên cố hóa; có 80% số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020, đến
năm 2030 tỷ lệ này đạt trên 92%.
c) Y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Từng bước xã hội hóa các hoạt động y
tế. Phát triển và hoàn thiện hệ thống khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho
nhân dân; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế, tăng cường
công tác quản lý sức khỏe tại cộng đồng.
Đến năm 2020, 100% số xã đạt tiêu chí
quốc gia về y tế, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống dưới 15%, duy trì tỷ lệ
tăng dân số tự nhiên khoảng 1,05 - 1,1%; 100% trạm y tế cơ sở có bác sĩ. Đạt
18,4 giường bệnh/1 vạn dân. Thành lập Phòng khám Đa khoa khu vực Khánh Yên Hạ;
tăng quy mô giường bệnh các phòng khám Minh Lương, Dương Quỳ, Tân An, Võ Lao
lên 15 giường bệnh/phòng khám; Bệnh viện Đa khoa huyện 110 giường bệnh và đến
năm 2030 là 130-150 giường bệnh để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
d) Văn hóa, thể dục thể thao
- Đầu tư xây dựng các thiết chế văn
hóa theo đúng các chủ trương, quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, của
tỉnh Lào Cai về xây dựng các thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng và phát huy vai trò của
trung tâm văn hóa, thể thao huyện; đảm bảo trung tâm là nơi tổ chức mọi hoạt động
văn hóa thể thao chung cho toàn huyện, nhất là vào những dịp lễ hội lớn của địa
phương.
- Coi trọng bản sắc văn hóa của cộng
đồng các dân tộc của Văn Bàn; xây dựng nhà văn hóa ở các trung tâm cụm xã.
- Xây dựng mới và nâng cấp các hội
trường kiêm nhà văn hóa xã, phòng truyền thống, điểm bưu điện văn hóa xã ở tất
cả các xã trong huyện.
- Xây dựng mới và nâng cấp các điểm
sinh hoạt văn hóa (nhà văn hóa) cộng đồng ở tất cả các khu dân cư; đầu tư thêm
những phương tiện, trang thiết bị cần thiết cho hoạt động của các điểm sinh hoạt
văn hóa cộng đồng.
- Trùng tu, tôn tạo các di tích lịch
sử văn hóa trên địa bàn huyện, một mặt, bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử, đáp ứng đời sống tinh thần, tâm linh của nhân dân, mặt
khác kết hợp với kinh doanh dịch vụ du lịch.
- Xây dựng sân luyện tập thể thao,
các sân bóng đá, cầu lông, bóng chuyền... ở tất cả các cụm xã và ở tất cả các
xã trên địa bàn. Xây dựng các sân thể thao hợp lý tại các khu dân cư, tại các
cơ sở kinh doanh...
5. Quốc phòng, an ninh
Tập trung các nguồn lực của địa
phương, đầu tư nguồn ngân sách hợp lý, đáp ứng yêu cầu xây
dựng các nội dung trọng điểm trong hoạt động quốc phòng an ninh của huyện như đầu
tư nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng, thực hiện công tác bồi dưỡng
dân quân tự vệ, dự bị động viên và có những chủ trương chính sách phù hợp; từng
bước xây dựng và hoàn thiện các công trình quốc phòng trọng
điểm.
6. Phương hướng phát triển và quy
hoạch kết cấu hạ tầng
* Mục tiêu phát triển:
- Giai đoạn đến năm 2020: 100% số km
đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 80% số km đường trục xã, liên xã được
nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 50% số km đường GTNT (nội thôn, bản) được cứng hóa.
- Giai đoạn đến năm 2030: 100% số km
đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 80% số km đường GTNT được
cứng hóa.
* Hạ tầng giao thông:
Xây dựng, nâng cấp các tuyến Quốc lộ
và đường tỉnh chạy qua địa bàn huyện (theo quy hoạch chung của Trung ương và tỉnh
Lào Cai). Cụ thể:
+ Cao tốc Hà Nội - Lào Cai: Đến năm
2020 nâng cấp quy mô 4 làn xe.
+ Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai về
Lai Châu: Theo hướng Lai Châu - Đông Pao - Bản Bo - QL32 - QL279 - Bảo Hà - nút
giao IC.16, với tiêu chuẩn cấp III MN (Thông báo số
327/TB-VPCP ngày 13/11/2009 của Văn phòng Chính phủ).
+ Cải tạo nâng cấp QL279 đạt tiêu chuẩn
cấp IV, cấp III, các đoạn qua các thị trấn mở rộng theo quy hoạch đô thị.
+ Cải tạo nâng cấp tuyến đường tỉnh đạt
tiêu chuẩn cấp III, cấp IV, cấp V; bổ sung quy hoạch ĐT 151C theo hướng Sơn Hà
- Cam Cọn - Tân An - Khe Sang; điều chỉnh quy hoạch ĐT 151B theo hướng tuyến:
Võ Lao - Nậm Dạng - Hòa Mạc (km112-QL279) - Văn Bàn - Nậm
Tha - Phong Dụ Hạ; bổ sung quy hoạch ĐT 152B theo hướng Thanh Phú - Nậm Sài - Nậm
Cang - Nậm Chày - Dương Quỳ.
+ Đường vận chuyển quặng sắt Quý Sa -
Tằng Lỏng: Cải tạo nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp III, cấp IV.
+ Quy hoạch giao thông liên xã và nội
bộ xã:
* Nâng cấp: Rải nhựa, bê thông nhựa một
số tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã.
* Đầu tư xây dựng mới, cải tạo và
nâng cấp một số tuyến đường giao thông liên thôn.
* Quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh:
- Quy hoạch xây dựng điểm đỗ, đón trả
khách tại nút giao IC16 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Điểm đỗ phải đảm bảo
thuận lợi và an toàn cho hành khách.
- Ngoài ra, tại các điểm du lịch có
đông khách lui tới (Đền Cô Tân An, Đền Ken), cần xây dựng các bãi đỗ xe phù hợp.
- Hoàn thành xây dựng bến xe khách
Văn Bàn, huyện Văn Bàn theo tiêu chuẩn bến xe loại 3.
+ Xây dựng mới bến xe tại các xã Võ
Lao, Minh Lương, Liêm Phú, Nậm Tha tiêu chuẩn bến xe loại 6.
* Đường thủy nội địa: Chỉnh trị sông Hồng, tập trung nạo vét tuyến đường thủy nội địa Hà Nội
- Việt Trì - Lào Cai để đảm bảo tuyến vận tải đường thủy Yên Bái - Lào Cai đạt
tiêu chuẩn cấp IV.
- Phương hướng phát triển thông
tin và truyền thông
+ Phát triển mạng điện thoại cố định,
nâng mức phủ sóng viễn thông, phát triển mạng Internet băng thông rộng để đáp ứng
nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân.
+ Phấn đấu đến năm 2020: 100% số xã
có máy điện thoại và điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; 100% số xã có kết nối
Internet băng thông rộng; có 100% cán bộ công chức, viên chức chuyên môn nghiệp
vụ được trang bị máy tính phục vụ công việc; 100% cơ quan nhà nước từ cấp xã trở
lên đều có mạng LAN và kết nối với mạng thông tin của tỉnh; 100% cơ quan nhà nước
cấp huyện và 30% cơ quan nhà nước cấp xã, thị trấn được sử dụng phần mềm Quản
lý HSCV và hệ thống thư điện tử của tỉnh; 100% cơ quan nhà nước cấp huyện ứng dụng
chữ ký số trong giao dịch công việc; 15% các xã, thị trấn có cổng thông tin
giao tiếp với người dân; 100% cơ quan nhà nước cấp xã, thị trấn triển khai hệ
thống một cửa điện tử.
- Phương hướng phát triển và quy
hoạch mạng lưới điện
Trên toàn địa bàn huyện cần phải đầu
tư nâng cấp toàn bộ mạng lưới điện cao thế, trung và hạ thế hiện có.
Đầu tư xây dựng mới hệ thống lưới điện
trung áp, hạ áp, trạm biến áp để cấp điện cho 29 thôn bản trên địa bàn huyện
chưa có lưới điện quốc gia hoặc lưới điện không đảm bảo do nhân dân tự kéo. Đến
năm 2020 đảm bảo 100% số thôn bản trên địa bàn huyện được sử điện lưới quốc
gia. Trên 95% số hộ được dùng điện lưới vào năm 2020.
- Quy hoạch phát triển các công
trình thủy lợi, cấp và thoát nước
+ Giai đoạn 2016 - 2020: Phấn đấu
nâng tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa từ 95% vào năm 2020 và đạt 100% vào năm
2030. Đầu tư nâng cấp, sửa chữa làm mới 32 công trình thủy lợi, trong đó: Làm mới
36 đập đầu mối; làm mới 02 hồ chứa; sửa chữa nâng cấp 15 hồ chứa vừa và nhỏ;
Kiên cố 52 km kênh mương; tăng diện tích tưới tiêu chủ động thêm 2.800 ha ruộng
lúa và hoa màu các loại.
+ Giai đoạn 2016 - 2020: Đầu tư nâng
cấp, sửa chữa các công trình CNSH để đạt 80% số km cấp nước sinh hoạt và sản xuất
được nâng cấp, xây mới vào năm 2020. Nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt cho
trung tâm các xã, nâng cấp một số công trình cấp nước tự chảy bằng nguồn vốn
huy động từ các chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ có mục tiêu của Trung
ương, đầu tư từ ngân sách của huyện và huy động đóng góp các nguồn lực của nhân
dân.
- Về rác thải: Đối với khu vực thị trấn, vùng trung tâm huyện, cần tăng cường tổ chức
hệ thống thu gom rác trong các khu dân cư, sau đó chuyển về khu xử lý rác để chờ
xử lý. Đối với các trung tâm cụm xã và trung tâm xã cũng cần đẩy mạnh tổ chức
hoạt động thu gom rác và bố trí những khu xử lý rác thích hợp.
- Quy hoạch nghĩa trang, nghĩa địa:
Mỗi xã cần giành diện tích để quy hoạch nghĩa địa. Tính đến việc di dời các
nghĩa địa không đủ quy chuẩn ra nơi xa khu dân cư và tập trung, với khu hung
táng và cải táng riêng.
- Tổ chức phát triển đô thị:
+ Với quy mô phát triển theo quy hoạch
và thực tế hiện nay thì trong tương lai gần thị trấn Khánh Yên sẽ đủ các điều
kiện, tiêu chuẩn của quy hoạch đô thị loại V với quy mô mở rộng 750 ha.
+ Phối hợp với huyện Bảo Yên hoàn
thành các tiêu chí đô thị loại IV đối với đô thị Bảo Hà - Tân An.
- Tổ chức các trung tâm cụm xã:
Cụm 1: Gồm thị trấn Khánh Yên và vùng phụ cận; Cụm 2: Trung tâm cụm xã ở Võ
Lao; Cụm 3: Trung tâm cụm xã Khánh Yên Hạ; Cụm 4: Trung tâm cụm xã Dương Quỳ; Cụm
5: Trung tâm cụm xã Minh Lương.
- Định hướng quy hoạch sử dụng đất:
Đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch
ngành, lĩnh vực cụ thể.
V. Các giải pháp phát
triển chủ yếu
1. Giải pháp huy động các nguồn vốn
đầu tư
Để đáp ứng được nhu cầu đầu tư như
trên cần phải có các biện pháp huy động vốn một cách tích cực, trong đó nguồn nội
lực là chủ yếu, huy động tối đa nguồn vốn từ quỹ đất để phát triển đô thị, tiểu
thủ công nghiệp, chú trọng thu hút vốn từ các thành phần kinh tế ngoài quốc
doanh, xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa - thể thao.
2. Các giải pháp sử dụng có hiệu
quả vốn đầu tư
Có biện pháp phối hợp nguồn vốn để tạo
sức thu hút vốn, đồng thời sử dụng vốn có hiệu quả. Thực hiện đầu tư có trọng
điểm, đầu tư dứt điểm để phát huy hiệu quả của nguồn vốn.
Đối với nguồn vốn ngân sách: có biện
pháp phối hợp với các nguồn vốn khác để tạo sức thu hút vốn, đồng thời sử dụng
vốn có hiệu quả. Thực hiện đầu tư có trọng điểm, đầu tư dứt điểm để phát huy hiệu
quả của nguồn vốn.
Đối với các nguồn vốn khác, cần tạo
điều kiện cho các tổ chức và cá nhân đầu tư đúng hướng, thông qua triển khai
quy hoạch thành các chương trình, dự án, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi
nâng cao hiệu quả sử dụng.
3. Giải pháp phát triển nguồn nhân
lực
Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục
đào tạo, khuyến khích các phong trào học tập trong học sinh thanh niên để các
thanh niên đến độ tuổi lao động có đủ trình độ văn hóa để theo học các trường đại
học, cao đẳng và học nghề tập trung của Trung ương và tỉnh Lào Cai.
Tăng cường hệ thống các cơ sở đào tạo
nghề (đẩy mạnh dự án xây dựng Trung tâm Dạy nghề và GDTX huyện thành Trường
trung cấp nghề). Mở rộng hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo có uy tín để
đào tạo lao động kỹ thuật lành nghề. Đặc biệt chú trọng mở các lớp dạy nghề, truyền nghề, đào tạo công nhân. Kết hợp các hình thức đào tạo chính quy là hướng đào tạo khác, trong đó coi đào
tạo chính quy là hướng đào tạo cơ bản, đảm bảo nguồn nhân lực trình độ cao, bên
cạnh đó cũng chú trọng kết hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn đào tạo công
nhân theo nhu cầu của doanh nghiệp.
4. Giải pháp ứng dụng khoa học -
công nghệ và bảo vệ môi trường
Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa
bàn tập trung đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất; Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học
và công nghệ, nhất là về giống cây trồng, con vật nuôi, trang thiết bị, dây
chuyền công nghệ chế biến để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm
hàng hóa. Kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới công nghệ và bảo vệ môi trường, cần có
quy hoạch chung về hệ thống xử lý rác thải công nghiệp và nước thải, rác thải
sinh hoạt.
5. Giải pháp về thị trường
Khuyến khích phát triển thị trường
theo hướng đa dạng, năng động để có thể thu hút và thích ứng với nhiều tầng lớp
người tiêu dùng khác nhau, ở nhiều vùng với các sản phẩm đặc trưng cho mỗi
vùng. Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có sản phẩm chất lượng tốt và có triển
vọng đáp ứng nhu cầu của thị trường trong tương lai, tăng cường việc quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như bằng nhiều
hình thức quảng cáo khác.
6. Giải pháp tăng cường hiệu lực
và hiệu quả quản lý Nhà nước
Thực hiện tốt nhóm chính sách về phát
triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, chính sách dân tộc thiểu số...
Củng cố, hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, nhất là cấp cơ sở; tiếp tục đẩy
mạnh cải cách hành chính; nâng cao chất lượng, tinh thần trách nhiệm trước công
việc, trước nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức từ huyện đến cơ sở; thực hiện
có hiệu quả công tác tinh giản biên chế, cần kiên quyết loại bỏ những cán bộ,
công chức không đủ năng lực, thiếu tinh thần trách nhiệm, thoái hóa, biến chất
ra khỏi cơ quan nhà nước các cấp. Xây dựng chính quyền các cấp trong sạch vững
mạnh toàn diện.
7. Các giải pháp về giảm nghèo,
chính sách người có công và an sinh xã hội
Thực hiện tốt các chính sách, biện
pháp trợ giúp phát triển kinh tế và tiếp cận các dịch vụ xã hội cho người
nghèo.
Nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo
và đào tạo nghề nhằm tạo thuận lợi cho người nghèo tham gia vào thị trường lao
động, nhất là xuất khẩu lao động.
8. Giải pháp về đất đai
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của
huyện Văn Bàn là cơ sở pháp lý để quản lý đất đai và là căn cứ để bố trí sử dụng
đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất... do đó các cấp, các
ngành, tổ chức, cá nhân sử dụng đất phải tuân thủ đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng
đất đã được xét duyệt.
9. Tăng cường quốc phòng, an ninh
Thực hiện tốt chiến lược quốc phòng,
an ninh, nhất là xây dựng huyện Văn Bàn trở thành khu vực phòng thủ vững chắc của
tỉnh; đẩy mạnh phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc;
kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc
phòng, an ninh.
VI. Tổ chức thực
hiện quy hoạch
Trên cơ sở các mục tiêu quy hoạch,
xây dựng cụ thể chương trình thực hiện, kế hoạch hành động nhằm đạt được mục
tiêu quy hoạch đề ra.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư,
chú trọng vào các dự án trọng điểm có sản phẩm chủ lực, mang tính quyết định đến
sự thành công trong thực hiện mục tiêu quy hoạch.
Xây dựng các chương trình, đề án trọng
tâm của huyện theo các lĩnh vực, các sản phẩm chủ lực của huyện và tổ chức thực
hiện một cách nghiêm túc, tạo động lực mới cho phát triển sản xuất - kinh doanh
của nhân dân; có các chính sách thực sự khuyến khích, ưu đãi đối với việc phát
triển sản xuất và kinh doanh các sản phẩm chủ lực này về thị trường tiêu thụ, về
vốn và đất đai.
Từng bước cụ thể hóa công tác quy hoạch
và đưa vào các kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm để thực hiện. Ngoài ra, tùy
theo sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, dự án quy
hoạch tổng thể của huyện cần được bổ sung, chỉnh lý cho phù hợp với quá trình
phát triển.
Điều 2. Ủy ban nhân dân huyện Văn Bàn căn cứ mục tiêu,
nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện nêu trong Quy hoạch,
phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo việc lập, trình duyệt và triển
khai thực hiện nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm
quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của huyện
trong từng giai đoạn nhằm thu hút, huy động các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch.
Điều 3. Giao các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan theo
chức năng, nhiệm vụ của mình hỗ trợ UBND huyện Văn Bàn nghiên cứu xây dựng và
trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp
với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Văn Bàn trong từng giai đoạn
nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, khuyến khích, thu hút đầu
tư để bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh
tế - xã hội của huyện nêu trong Quy hoạch. Đẩy nhanh việc đầu tư, thực hiện các
công trình, dự án có quy mô, tính chất vùng và quan trọng đối với sự phát triển
của huyện Văn Bàn đã được quyết định đầu tư. Nghiên cứu, xem xét điều chỉnh, bổ
sung vào các quy hoạch phát triển ngành, kế hoạch đầu tư các công trình, dự án
liên quan được nêu trong Quy hoạch.
Điều 4. Quyết định này thay thế Quyết định số
423/QĐ-UBND ngày 24/02/2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội huyện Văn Bàn đến năm 2020. Quyết định có hiệu lực
thi hành kể từ ngày ký.
Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy
ban nhân dân huyện Văn Bàn; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan của tỉnh và
các đơn vị, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- TT. TU, HĐND, UBND tỉnh;
- TT. Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- Như Điều 5 QĐ;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- Các cơ quan ngành dọc TW trên địa bàn;
- Huyện ủy, UBND huyện Văn Bàn;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Lào Cai;
- Công báo Lào Cai, Cổng TTĐT tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Lưu VT, THCB, Các CV.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Doãn Văn Hưởng
|
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 2016 -
2020
(Kèm theo Quyết định số 1907/QĐ-UBND ngày 24/6/2015 của UBND tỉnh Lào Cai)
1. Các dự án về các công trình
giáo dục, văn hóa, xã hội, du lịch
- Dự án xây dựng nhà đa năng, nhà hiệu
bộ, phòng chức năng, nhà nội trú, nhà bếp, nhà vệ sinh và
các công trình phụ trợ cho các trường học trên địa bàn.
- Xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất
các phòng học các cấp (141 phòng).
- Dự án nâng cấp, mở rộng Trung tâm dạy
nghề và GDTX huyện Văn Bàn
- Dự án nâng cấp, mở rộng trường PTDT
Nội trú huyện Văn Bàn.
- Dự án xây dựng thêm các phòng chức
năng cho các trường phổ thông.
- Dự án xây dựng thêm 15 nhà văn hóa
xã đến năm 2020.
- Dự án xây dựng nhà thiếu nhi huyện
Văn Bàn.
- Dự án xây dựng trung tâm cai nghiện
cộng đồng.
- Dự án xây dựng nhà hợp khối y tế (Trung tâm y tế, TT dân số, Phòng y tế).
- Dự án nâng cấp 15 trụ sở HĐND &
UBND xã.
- Dự án cải tạo, nâng cấp, đầu tư
trang thiết bị 22 bưu điện xã.
- Dự án xây dựng trạm chuyển phát
thanh (22 công trình cho 22 xã).
2. Các dự án về các công trình hạ
tầng
- Dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh
ĐT 151.
- Dự án nâng cấp và xây dựng mới đường
liên xã (Nâng cấp tuyến đường Chiềng Ken - Liêm Phú).
- Dự án xây dựng và nâng cấp đường
giao thông liên thôn, bản và đường vào các khu sản xuất tập trung.
- Dự án xây dựng các công trình thủy
lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp.
- Dự án xây dựng các công trình cấp
nước tập trung và các hình thức khác phục vụ sinh hoạt.
- Dự án đầu tư hệ thống đèn chiếu
sáng 6 trung tâm cụm xã.
- Đường giao thông nội thị 6 trung
tâm cụm xã.
- Dự án xây dựng các công trình cấp
điện phục vụ sản xuất và dân sinh.
- Dự án xây dựng hệ thống thoát nước
khu vực trung tâm huyện Văn Bàn.
3. Các dự án về phát triển sản xuất
- Đối với nông, lâm nghiệp
+ Dự án trồng rừng sản xuất và rừng
phòng hộ.
+ Dự án hỗ trợ chăm sóc và bảo vệ rừng.
+ Dự án chuyển đổi cây trồng: Khôi phục
cây ăn quả Hồng không hạt tại xã Tân An, Tân Thượng; lúa giống, ngô lai, lúa lai, cây rau, lạc, đậu tương...
+ Dự án trồng
cây gỗ lớn có giá trị thay thế cây sắn tại xã Tân An, Tân Thượng.
+ Dự án bảo tồn và phát huy các nguồn
gen quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Sơn - Văn Bàn
+ Dự án khôi phục và phát triển loài
cây ăn quả có múi tại các xã phía nam của huyện.
+ Dự án phát triển cây dược liệu (Sa
nhân tím, Đương quy...)
+ Dự án đầu tư phát triển chăn nuôi:
Trâu, lợn đen,...
+ Dự án xây dựng khu nông nghiệp công
nghệ cao...
+ Dự án nuôi trồng thủy sản (nuôi cá
nước lạnh...).
- Đối với công nghiệp, tiểu thủ
công nghiệp
+ Đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công
nghiệp Võ Lao, Khánh Yên Trung.
+ Dự án khôi phục các làng nghề: Rượu
Nậm Cần,...
+ Dự án xây dựng các cơ sở, nhà máy bảo
quản, chế biến dược liệu, chế biến nông sản sau thu hoạch...
- Đối với các ngành dịch vụ
+ Dự án xây dựng chợ tại Dương Quỳ,
Khánh Yên Hạ...
+ Dự án xây dựng hệ thống nhà hàng,
nhà nghỉ, khách sạn.
+ Dự án xây dựng và khai thác tua du
lịch văn hóa (du lịch sinh thái, du lịch tâm linh).
+ Dự án đầu tư xây dựng trung tâm
thương mại, siêu thị tại trung tâm huyện.