ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1861/QĐ-UBND
|
Phú
Yên, ngày 25 tháng 9 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ HỖ TRỢ
PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN
2017-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 2085/QĐ-TTG NGÀY
31/10/2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền
địa phương ngày 19/6/2005;
Căn cứ Quyết định số
2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc
thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai
đoạn 2017-2020;
Căn cứ Quyết định số
900/QĐ-TTg ngày 20/06/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách
xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào
diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020;
Căn cứ Quyết định số
33/2007/QĐ-TTg ngày 05/03/2007; Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 25/8/2009; Quyết
định số 33/2013/QĐ-Tg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách, kế hoạch
định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh du cư;
Căn cứ Quyết định số
414/QĐ-UBDT ngày 11/7/2017 của Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách thôn đặc
biệt khó khăn vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020;
Căn cứ Thông tư số 02/TT-UBDT
ngày 22/05/2017 của Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện Quyết định số
2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Công văn số
468/UBDT-CSDT ngày 26/05/2017; Công văn số 652/UBDT-CSDT ngày 12/7/2017 của Ủy
ban Dân tộc về triển khai xây dựng Đề án thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của
Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 926/UBDT-CSDT ngày 08/9/2017 của Ủy ban Dân tộc
về việc rà soát bổ sung đối tượng vay vốn thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg;
Công văn số 921/UBDT-CSDT ngày 08/9/2017 của Ủy ban Dân tộc về việc góp ý dự thảo
Đề án theo Quyết định 2085/QĐ-TTg tỉnh Phú Yên;
Theo đề nghị của Ban Dân tộc
(tại Tờ trình số 26/TTr-BDT ngày 21/09/2017),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này “Đề án thực hiện chính
sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền
núi giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Phú Yên theo Quyết định số
2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ”.
Điều 2. Giao Ban Dân tộc
là cơ quan thường trực chủ trì, phối hợp các ngành và địa phương liên quan
giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra việc tổ chức thực
hiện các nội dung Quyết định này.
Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc, Giám đốc các
Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài
nguyên và Môi trường, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện: Sơn Hòa;
Sông Hinh; Đồng Xuân; Tây Hòa; Phú Hòa và thị xã Sông Cầu, Thủ trưởng các cơ
quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày
ký./.
|
TM.ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Hữu Thế
|
ĐỀ ÁN
THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ
HỘI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2017-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ
YÊN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 2085/QĐ-TTG NGÀY 31/10/2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(Kèm theo Quyết định số: 1861/QĐ-UBND ngày 25/9/2017 của UBND tỉnh)
Phần thứ nhất
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI
I. Khái quát về thực trạng
kinh tế - xã hội
1. Đặc điểm tình hình
Tỉnh Phú Yên nằm ở khu vực Nam Trung bộ, có diện
tích tự nhiên 5.060 km2, phía bắc giáp tỉnh Bình Định, phía nam giáp
tỉnh Khánh Hoà, phía tây giáp tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc, phía đông giáp biển
Đông, với chiều dài bờ biển gần 200 km kéo dài từ đầm Cù Mông đến Vũng Rô.
Toàn tỉnh có 7 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố với
dân số hơn 888 nghìn người. Vùng miền núi dân tộc của tỉnh Phú Yên có 3 huyện
miền núi (Sơn Hoà, Sông Hinh, Đồng Xuân) và 9 xã miền núi của 4 huyện, thị xã
có miền núi (huyện Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An và thị xã Sông Cầu), với diện tích
tự nhiên 3.536 km2 (chiếm 70% diện tích của tỉnh). Toàn vùng miền
núi có 45 xã, thị trấn, trong đó: 11 xã thuộc huyện Sông Hinh, 14 xã thuộc huyện
Sơn Hoà, 11 xã thuộc huyện Đồng Xuân, 4 xã thuộc huyện Tây Hoà, 3 xã thuộc huyện
Tuy An, 1 xã thuộc huyện Phú Hoà và 1 xã thuộc thị xã Sông Cầu. Trên vùng miền
núi dân tộc của tỉnh có 16 xã và 29 thôn, buôn đặc biệt khó khăn được đầu tư
Chương trình 135 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2017; có 02 huyện
nghèo (Đồng Xuân và Sông Hinh) được đầu tư một phần chính sách theo Nghị quyết
số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.
Dân số vùng miền núi 236.350 người (57.973 hộ),
chiếm 26,6% dân số toàn tỉnh; trong đó dân tộc thiểu số 58.012 người (13.589 hộ),
chiếm tỷ lệ 24,9% dân số vùng miền núi và 6,6% so với dân số toàn tỉnh) với 31
dân tộc sinh sống, chủ yếu là người Êđê, Chăm, Ba Na, Tày, Nùng, Dao, Thái,… Tổng
số hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2016 là 25.765 hộ (chiếm tỷ lệ 10,23%), trong đó
hộ nghèo dân tộc thiểu số 6.940 hộ, chiếm 26,93% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh
và chiếm 51,06% so với hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn. Tỷ lệ hộ nghèo bình
quân mỗi năm giảm từ 3-4% (toàn tỉnh 3,3%), riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số
từ 4-5%.
2. Tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền
núi
Được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự
chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa
phương đã tập trung phối hợp thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng và
Chính sách của Nhà nước, nhất là việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc
gia đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống với vùng đồng
bào dân tộc thiểu số từng bước tăng trưởng khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Tỷ lệ
tăng dân số tự nhiên: 1,3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo: 45%, trong đó đào tạo
nghề: 25%; Giải quyết việc làm cho lao động bình quân hàng năm: 3.000 - 4.000
người/năm. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm khu vực miền núi đạt
13,5-14%, GDP bình quân đầu người ở khu vực miền núi từ 18-26 triệu đồng/người,
ở khu vực có đồng bào dân tộc sinh sống đạt gần 12-14 triệu đồng/người (riêng
đồng bào dân tộc thiểu số 6-7 triệu đồng). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch
theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng
bào miền núi được cải thiện, quyền bình đẳng giữa các dân tộc được tôn trọng, sự
đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố,
trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc phòng được giữ vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh
tế xã hội miền núi và đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, khó
khăn:
- Kết cấu hạ tầng được đầu tư nhưng chưa đồng bộ,
nhiều tuyến giao thông nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại và thông
thương hàng hóa giữa các vùng; một số công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt
chất lượng xây dựng chưa bảo đảm và chưa phát huy hiệu quả sử dụng; còn nhiều
trường học chưa được kiên cố hóa; đội ngũ y, bác sỹ và trang thiết bị ở các bệnh
viện đa khoa tuyến huyện và trạm y tế xã còn thiếu nhiều;
- Chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chưa đáng
kể, trình độ dân trí của người dân còn thấp, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu
số; tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, thiếu lực lượng lao động kỹ thuật, công
nhân lành nghề, chất lượng nên khó khăn trong giải quyết việc làm cho lao động
khu vực miền núi;
Do xuất phát điểm nền kinh tế còn thấp, vùng miền
núi của tỉnh vẫn là vùng còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao nhất là
ở 2 huyện Đồng Xuân, Sông Hinh và một số xã của huyện Sơn Hòa, kết quả giảm
nghèo chưa thật bền vững, hộ tái nghèo còn nhiều. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng
được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân trong vùng.
Tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, điện, nước sinh hoạt, du canh du cư vẫn
còn tồn tại ở một số nơi. Năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc ở một số
địa phương còn hạn chế; còn có khoảng cách tương đối lớn về phát triển giữa
vùng miền núi dân tộc so với vùng đồng bằng của tỉnh.
II. Kết quả và đánh giá việc
thực hiện các Quyết định 755/QĐ-TTg; Quyết định 33/2013/QĐ-TTg và Quyết định
54/2012/QĐ-TTg
1. Kết quả thực hiện
1.1. Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và
nước sinh hoạt cho hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo theo Quyết định
1592/QĐ-TTg nay là Quyết định 755/QĐ-TTg:
a) Tổng vốn phân bổ (2011-2012) theo Quyết định
1592/QĐ-TTg: 15.500 triệu đồng, chủ yếu thực hiện đầu tư công trình nước theo
chỉ đạo của Ủy ban Dân tộc. Đã thực hiện đầu tư xây dựng: 30 công trình giếng
nước tập trung (phục vụ cho 245 hộ), kinh phí thực hiện 792 triệu đồng; 20 công
trình nước tập trung (phục vụ cho 1.992 hộ), kinh phí thực hiện 14.708 triệu đồng
(năm 2013, 2014 không được giao vốn kế hoạch).
b) Tình hình thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg năm
2015:
Tổng vốn kế hoạch giao năm 2015 thực hiện chính
sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu
số nghèo và hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 15.000 triệu đồng. Phân bổ cụ thể như
sau:
- Hỗ trợ giải quyết nhu cầu thiếu đất sản xuất:
3.494 triệu đồng, cụ thể:
+ Hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho 179 hộ, kinh
phí 2.689 triệu đồng;
+ Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề mua nông cụ sản
xuất cho 161 hộ với 161 lao động, kinh phí 805 triệu đồng.
- Hỗ trợ giải quyết nước sinh hoạt: 6.506 triệu
đồng, trong đó: Hỗ trợ đầu tư 9 công trình nước sinh hoạt tập trung: 5.000 triệu
đồng và hỗ trợ đào giếng nước phân tán cho 812 hộ, kinh phí thực hiện 1.506 triệu
đồng.
- Vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội đề án
thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg: 5.000 triệu đồng, đã phân bổ cho các địa
phương và đang triển khai thực hiện.
c) Tình hình thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg năm
2016:
Trong năm 2016 (được UBND tỉnh giao kế hoạch tại
Quyết định số 799/QĐ-UBND ngày 08/04/2016, về việc bổ sung dự toán ngân sách
năm 2016 cho các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh), nguồn vốn thực hiện các nội
dung của chính sách hỗ trợ giải quyết đất sản xuất cho dân tộc thiểu số và hộ
nghèo theo Quyết định 755/QĐ-TTg: 11.000 triệu đồng (vốn vay thực hiện các nội
dung hỗ trợ thuộc Quyết định 755/QĐ-TTg).
1.2. Chính sách định canh định cư cho đồng
bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 33/QĐ-TTg
a) Tổng vốn kế hoạch từ năm 2011 đến năm 2014:
38.520 triệu đồng.
Trong đó: + Vốn đầu tư phát triển: 19.520 triệu
đồng.
+ Vốn sự nghiệp: 19.000 triệu đồng.
Thực hiện đầu tư cho 9 dự án ĐCĐC trên địa bàn gồm:
6 dự án ĐCĐC tập trung và 3 dự án ĐCĐC xen ghép.
Trong giai đoạn 2011-2014: Đã thực hiện ổn định
ĐCĐC cho 510 hộ với tổng kinh phí thực hiện: 34.609 triệu đồng, đạt 89,8% kế hoạch.
b) Kế hoạch năm 2015: Trung ương không phân bổ
nguồn vốn về cho tỉnh, vì vậy BQL.DA các huyện chỉ tiếp tục thực hiện nguồn vốn
năm 2014 còn tồn chuyển sang năm 2015: 3.911 triệu đồng (Trong đó: Vốn đầu
tư phát triển: 17 triệu đồng và vốn sự nghiệp:3.894 triệu đồng).
1.3. Chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất
đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo Quyết định số
54/2012/QĐ-TTg:
a) Kết quả thực hiện chính sách giai đoạn 2012-2015:
Tính đến ngày 30/6/2015 có tổng số dư nợ là 8.828 triệu đồng/1.557 hộ vay (6
tháng đầu năm 2015 là 366 triệu đồng/46 hộ vay).
b) Kết quả thực hiện năm 2016: Phân bổ chỉ
tiêu kế hoạch tín dụng vốn vay đối với hộ dân tộc thiểu số ĐBKK năm 2016 là: 20.591
triệu đồng (huyện Sông Hinh: 7.534 triệu đồng, huyện Sơn Hòa: 5.314 triệu đồng,
huyện Đồng Xuân: 7.399 triệu đồng, huyện Tây Hòa: 160 triệu đồng, huyện Phú
Hòa: 184 triệu đồng). Đến thời điểm báo cáo tổng dư nợ cho vay hộ dân tộc thiểu
số ĐBKK trên địa bàn tỉnh là: 10.066 triệu đồng/1.592 hộ vay.
2. Nhận xét, đánh giá
2.1. Về hỗ trợ đất sản xuất và nước sinh hoạt:
- Chính sách giải quyết đất sản xuất đối với với
vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần bổ sung các chính sách liên quan tới cơ chế
chuyển dịch đất đai và những vấn đề có liên quan, trong đó có cơ chế định giá đất
phục vụ tính toán giá trị bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải quyết khiếu kiện
của người bị thiệt hại do các dự án đầu tư gây ra. Chính sách đất đai phải bảo
đảm mục tiêu phát triển bền vững trong quá trình đầu tư thực hiện công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước, trên cơ sở tăng cường năng lực quản lý bằng các
công cụ pháp luật, tài chính, hành chính phù hợp với cơ chế thị trường, hạn chế
được các yếu kém hiện tại.
Mặt khác chính sách, pháp luật đất đai phải tính
đến yếu tố vùng, yếu tố dân tộc để tránh tình trạng phát sinh những khó khăn phức
tạp trong quản lý và sử dụng đất. Chính sách tái định cư cần tính đến các vấn đề
văn hóa bản địa, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số, việc thu hồi đất của
đồng bào đang sử dụng để đầu tư các dự án, phải đảm bảo sinh kế ổn định an ninh
lương thực.
- Cần rà soát lại các diện tích đất có rừng do
các tổ chức và cá nhân chiếm giữ một cách không chính đáng để có kế hoạch cụ thể
giao lại càng sớm càng tốt cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trồng
rừng chăm sóc nuôi dưỡng rừng;
- Đổi mới cơ chế quản lý giá đất trên nguyên tắc
phù hợp với giá thị trường là điều cần quan tâm. Về nguyên tắc cần đổi mới một
số điểm bao gồm: Cần xác định nội dung của bồi thường cho cả những thiệt hại bằng
tiền và thiệt hại không bằng tiền. Không dùng hình thức hỗ trợ thay cho một số
giá trị bồi thường nhằm tăng cường trách nhiệm của địa phương;
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất
đai trong việc mua bán chuyển nhượng đất đai trái phép ở vùng đồng bào dân tộc
thiểu số, hạn chế tình trạng dân các nơi đến vùng miền núi mua đất của đồng bào
để đầu tư mở các trang trại lớn, người dân tại chỗ không còn đất sản xuất dẫn đến
việc tái du canh, du cư phá rừng làm nương rẫy;
- Chính sách đất đai đối với đồng bào dân
tộc thiểu số phải tính đến không gian dành cho việc phát triển chăn nuôi của đồng
bào. Hiện nay các địa phương đang thu hút quá nhiều dự án đầu tư trồng rừng,
cây công nghiệp của các tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài, Nhà nước
cho thuê đất với diện tích lớn, người dân không còn đất chăn nuôi vì tập quán
còn chăn thả, nên dễ xảy ra tình trạng xâm lấn tranh chấp giữa người dân bản địa
và chủ đầu tư dự án.
2.2. Về công tác hỗ trợ di dãn dân dự án định
canh định cư:
- Chính sách ổn định di dân, thực hiện ổn định định canh
định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan
tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc đang gặp nhiều khó khăn để
có điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống lâu dài, đồng thời mang lại
lợi ích kinh tế xã hội, môi trường và bảo vệ an ninh chính trị vùng đồng bào
dân tộc thiểu số nói riêng và an ninh quốc phòng chung cho cả nước nói chung.
Chính sách thực hiện hỗ trợ di dân thực hiện ổn định ĐCĐC cho đồng bào dân tộc
thiểu số bao quát hầu hết các lĩnh vực: Cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, trường,
trạm, y tế, văn hóa, hỗ trợ phát triển sản xuất,... sắp xếp theo hướng quy hoạch
mới, phù hợp với văn hóa truyền thống của các dân tộc;
- Đối với những hộ
ĐCĐC đã được bố trí ổn định tại các dự án có nhận thức đúng đắn hơn trong việc
bảo vệ và phát triển rừng, đất đai, nguồn nước. Những hộ dân ở đây từng bước tiếp
cận với các dịch vụ xã hội xã hội cơ bản, quyền sở hữu đất đai, biết quý trọng
nguồn tài nguyên thiên nhiên,…nên đời sống của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số
từng bước được nâng lên, ổn định tư tưởng để tập trung phát triển sản xuất và
kinh tế hộ gia đình;
- Về hạn chế của
chính sách: Quy định về quy mô áp dụng điểm dự án ĐCĐC tập trung 45 hộ/điểm cho
các tỉnh duyên hải miền Trung là chưa phù hợp, gây khó khăn cho việc triển khai
thực hiện của các địa phương. Với mức quy định đó, dù dù địa phương có đối tượng
du canh, du cư nhưng không thể thực hiện được vì quỹ đất không đủ để bố trí cho
số hộ/điểm dự án ĐCĐC tập trung theo quy định. Mức hỗ trợ hộ định canh định cư
bình quân 15 triệu đồng/hộ khi chưa được tổ chức về điểm định canh định cư để
làm nhà ở, phát triển sản xuất, nước sinh hoạt, mua lương thực 6 tháng đầu tính
từ khi đến điểm định canh định cư là chưa phù hợp với điều kiện thực tế;
- Về chất lượng
điểm định canh định cư: Một số địa phương lập dự án ĐCĐC tập trung chưa đạt yêu
cầu, dự kiến mức vốn đầu tư cho điểm ĐCĐC thấp, phương án hỗ trợ phát triển sản
xuất chưa thật cụ thể, chưa đảm bảo điều kiện tăng thu nhập, phát triển kinh tế
cho các hộ định canh định cư;
- Về bố trí và sử
dụng vốn: Do nguồn vốn Trung ương cấp hàng năm có hạn, thường bị kéo dài qua
nhiều năm, trong khi nhu cầu vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng điểm ĐCĐC tập trung
thì rất lớn, dẫn đến có sự đầu tư dàn trải, thiếu tập trung nên nhiều dự án còn
dở dang. Các huyện thực hiện dự án ĐCĐC phần lớn là các huyện miền núi còn
nghèo, kinh phí đầu tư dự án ĐCĐC hàng năm chủ yếu dựa vào ngân sách Trung ương
bố trí nên gặp rất nhiều khó khăn. Việc kết hợp sử dụng các nguồn vốn đầu tư
theo các chương trình, dự án lồng ghép đầu tư cho dự án định canh định cư còn
chưa được quan tâm đúng mức để tạo môi trường phối hợp đầu tư đồng bộ, mà sử dụng
chủ yếu nguồn vốn ĐCĐC do Trung ương đầu tư là chính nên hiệu quả đầu tư cho
các dự án chưa cao;
- Về triển khai
thực hiện dự án: Một số địa phương nắm quy định về chính sách chưa sâu, chưa thật
sự chủ động trong việc tổ chức triển khai thực hiện nên xây dựng các dự án, điểm
ĐCĐC có chất lượng chưa cao. Mặc khác, hầu hết hộ du canh du cư tập quán sản xuất
và nhận thức còn hạn chế, dễ bị kẻ xấu lôi kéo kích động nên rất khó khăn trong
công tác vận động về điểm định canh định cư. Giá trị của đất tăng rất nhanh
trong những năm gần đây nên ảnh hưởng nhiều đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng,
thu hồi giao đất cho các hộ gia đình tại điểm ĐCĐC.
3. Kiến nghị,
đề xuất
3.1. Về hỗ trợ
đất sản xuất và nước sinh hoạt:
Trung ương tiếp tục sớm thực hiện mục tiêu hỗ trợ
giải quyết đất sản xuất (bao gồm: hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất, hỗ trợ giao
khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ nhu cầu học nghề, hỗ trợ
xuất khẩu lao động) đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số (Cụ thể là hỗ trợ kinh
phí thực hiện hoàn thành các mục tiêu của đề án thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg
trên địa bàn tỉnh).
3.2. Về công
tác hỗ trợ di dãn dân dự án định canh định cư:
Để thực hiện hoàn thành các dự án định canh định
cư theo mục tiêu đề ra ban đầu là rất khó khăn, nguyên nhân chính vẫn là do tổng
mức đầu tư dự án được phê duyệt từ những năm 2007, 2008 đến nay đã không còn
phù hợp với biến động giá cả thị trường, trong khi nguồn kinh phí Trung ương
phân bổ đầu tư lại kéo dài qua các năm.
Đến thời điểm báo cáo thì vốn đầu tư đã được cấp
đủ theo kế hoạch được phê duyệt nhưng một số hạng mục công trình của các dự án
vẫn chưa được đầu tư do thiếu vốn. Vì vậy, kính đề nghị các Bộ ngành Trung ương
xem xét, bổ sung vốn kế hoạch ĐCĐC cho tỉnh Phú Yên để thực hiện hoàn thành các
dự án định canh định cư trong giai đoạn tiếp theo.
Phần thứ hai
NỘI DUNG ĐỀ ÁN THỰC HIỆN
QUYẾT ĐỊNH 2085/QĐ-TTG
I. Tên Đề án: Đề
án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng Dân tộc
thiểu số và miền núi tỉnh Phú Yên giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số
2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
II. Mục tiêu và nguyên tắc
thực hiện
1. Mục tiêu tổng quát
Tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức
xúc nhất về đời sống, sản xuất; từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống
cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ ở vùng đặc biệt khó khăn; góp phần giảm nghèo
bền vững, giảm dần chênh lệch trong phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số và miền
núi với các vùng khác trong cả nước.
2. Mục tiêu cụ thể
- Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dân tộc
thiểu số và miền núi từ 3% đến 4%/năm; hộ nghèo được xác định theo Quyết định số
59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn
nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020;
- Giải quyết đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho
trên 80% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó
khăn thiếu đất sản xuất; cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho
hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo sống phân tán ở vùng đặc biệt khó khăn;
- Hoàn thành các dự án định canh định cư tập
trung theo kế hoạch được duyệt để tiếp tục bố trí sắp xếp dân cư nhằm ổn định đời
sống, phát triển sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư
còn lại theo Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 25/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ;
- Tạo điều kiện thuận lợi để hộ dân tộc thiểu số
nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển
sản xuất.
3. Phạm vi: Chính sách này được thực hiện
ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.
4. Nguyên tắc thực hiện
- Hỗ trợ trực tiếp đến hộ đồng bào dân tộc thiểu
số nghèo; hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Đảm bảo công
khai, minh bạch, đúng đối tượng; các hộ được hỗ trợ phải sử dụng vốn đúng mục
đích;
- Giao quyền chủ động cho các địa phương, tăng
cường sự tham gia của người dân trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện
chính sách;
- Bố trí vốn theo các quy định của chính sách và
khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.
III. Đối tượng áp dụng và nội
dung chính sách đặc thù
1. Đối
tượng áp dụng
a) Đối tượng áp dụng chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh
hoạt: Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo (hộ có vợ hoặc chồng là người dân tộc
thiểu số) sinh sống ở các thôn, xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hộ nghèo
(gồm cả dân tộc Kinh) ở xã khu vực III, thôn, buôn,... (sau đây gọi tắt chung
là thôn) đặc biệt khó khăn theo tiêu chí hộ nghèo quy định tại Quyết định số
59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có trong danh sách hộ nghèo đã được cấp
có thẩm quyền phê duyệt; sinh sống bằng nghề nông nghiệp, lâm nghiệp; chưa có
hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất theo hạn mức quy định; thiếu nước sinh hoạt;
chưa được hưởng các chính sách nhà nước về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước
sinh hoạt. Riêng các hộ đã được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số
75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn
với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số
giai đoạn 2015-2020 thì không được hưởng chính sách hỗ trợ đất và chuyển đổi
nghề.
b) Đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi: Đối tượng chưa có hoặc
thiếu đất sản xuất theo hạn mức quy định được vay vốn tại hệ thống Ngân hàng
Chính sách xã hội để tạo quỹ đất hoặc chuyển đổi nghề; đối tượng là hộ đồng bào
dân tộc thiểu số nghèo ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn được vay vốn tại
Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
c) Đối tượng áp dụng chính sách bố trí ổn định dân cư: Thực hiện quy định
tại Thông tư số: 06/2013/TTLT-UBDT-BTC ngày 27/12/2013 của Ủy ban Dân tộc, Bộ
Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định 33/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
d) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện chính
sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tín dụng ưu đãi và bố trí sắp xếp
ổn định dân cư theo Quyết định 2085/QĐ-TTg.
2. Nội dung
chính sách đặc thù
2.1. Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân
tán cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn,
buôn đặc biệt khó khăn:
1. Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất,
nước sinh hoạt phân tán cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo ở xã
khu vực III, thôn, buôn đặc biệt khó khăn
a) Hỗ trợ đất ở: Ủy ban nhân
dân cấp huyện chủ động bố trí ngân sách, tạo quỹ đất để giao đất cho các hộ làm
nhà ở. Mức giao đất ở cho hộ do Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định theo định mức
phù hợp với thực tế của địa phương.
b) Hỗ trợ đất sản xuất: Hộ chưa có đất sản xuất nếu có nhu cầu thì được chính
quyền địa phương trực tiếp giao đất hoặc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền tối đa 15 triệu đồng/hộ từ ngân
sách nhà nước và được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo quỹ đất sản xuất.
Trường hợp chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất thì hộ
chưa có đất hoặc thiếu đất sản xuất được hỗ
trợ chuyển đổi nghề từ ngân sách nhà nước bằng tiền tối đa 5 triệu
đồng/hộ và vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội theo quy định. Các
đối tượng nêu trên chỉ được thụ hưởng một trong hai chính sách hỗ trợ đất sản xuất hoặc
hỗ trợ chuyển đổi nghề.
Hỗ trợ nước sinh hoạt: Hộ dân tộc thiểu số
nghèo; hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn, buôn đặc biệt khó khăn thiếu nước sinh
hoạt được hỗ trợ bình quân 1,5 triệu đồng/hộ để tạo nguồn nước phục vụ sinh hoạt.
Tùy theo tình hình thực tế của từng thôn, buôn, có thể tiến hành hỗ trợ theo
nhóm hộ trên cơ sở mức hỗ trợ bình quân là 1,5 triệu đồng/hộ để xây dựng công
trình sử dụng chung, nhóm hộ phải tự nguyện, cam kết bảo vệ và duy trì công
trình, bảo đảm có nguồn nước sử dụng ổn định cho nhóm hộ.
2.2. Bố trí sắp xếp ổn định dân cư cho hộ dân
tộc thiểu số còn du canh du cư
Tiếp tục thực hiện chính sách, kế hoạch định canh, định cư cho đồng bào dân tộc
thiểu số du canh, du cư theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg,
Quyết định số 1342/QĐ-TTg và Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ:
a) Tiếp tục đầu tư các công trình theo kế hoạch được duyệt tại các điểm
định canh, định cư tập trung;
b) Bố trí vốn thanh toán cho các công trình hạ tầng tại các điểm định
canh, định cư đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng còn thiếu vốn;
c) Chi trả các khoản hỗ trợ theo
quy định tại Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
3. Hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi
a) Đối tượng: Hộ thiếu đất sản xuất quy định tại điểm a khoản 1
Điều 3 của Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày
31/10/2016; Hộ dân tộc thiểu số nghèo
sinh sống tại các xã khu vực III, thôn, buôn đặc biệt khó khăn.
b) Phương thức cho vay: Thực hiện theo quy
định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của
Chính phủ.
IV. Tổng
hợp kết quả rà soát đối tượng thụ hưởng và nhu cầu đầu tư hỗ trợ đối với chính
sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền
núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh
Phú Yên giai đoạn 2017-2020:
Trên cơ sở hướng dẫn tại thông tư số 02/TT-UBDT
ngày 22/05/2017 của Ủy ban Dân tộc, UBND các huyện, thị xã đã tiến hành thực
hiện rà soát từ thôn, buôn, xã, huyện theo đúng quy định. Tổng hợp kết quả rà
soát nhu cầu giai đoạn 2017-2020 theo các nội dung hỗ trợ, cụ thể như sau:
1. Về đất sản xuất: Tổng số hộ thiếu đất
sản xuất có nhu cầu được hỗ trợ: 2.157 hộ; cụ thể về các mục tiêu như sau:
a) Nhu cầu hỗ trợ giải quyết trực tiếp đất sản
xuất: 1.544 hộ, diện tích khoảng 707,74 ha:
- Huyện Đồng Xuân: 580 hộ;
- Huyện Sông Hinh: 298 hộ;
- Huyện Sơn Hòa: 654 hộ;
- Huyện Tây Hòa: 7 hộ;
- Thị xã Sông Cầu: 4 hộ;
- Huyện Phú Hòa: 01 hộ.
b) Nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi nghề: 613 hộ:
- Huyện Đồng Xuân: 530 hộ;
- Huyện Sông Hinh: 31 hộ;
- Huyện Sơn Hòa: 52 hộ.
2. Về nước sinh hoạt: Tổng số hộ có nhu cầu
giải quyết nước sinh hoạt phân tán: 2.634 hộ; cụ thể:
- Huyện Đồng Xuân: 1.227 hộ;
- Huyện Sông Hinh: 459 hộ;
- Huyện Sơn Hòa: 893hộ;
- Huyện Phú Hòa: 01 hộ;
- Thị xã Sông Cầu: 54 hộ.
3. Về đất ở: Tổng số hộ có nhu cầu là
1.252 hộ, diện tích khoảng 41,17 ha:
- Huyện Đồng Xuân: 401 hộ;
- Huyện Sông Hinh: 379 hộ;
- Huyện Sơn Hòa: 472 hộ.
4. Về bố trí sắp xếp, ổn định
dân cư:
Nhu cầu bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư của các
địa phương cụ thể như sau:
4.1. Huyện Đồng
Xuân: 03 dự án:
- Dự án ĐCĐC tập trung: 02 dự án, gồm:
+ Dự án ĐCĐC tập trung xã Xuân Lãnh;
+ Dự án ĐCĐC tập trung xã Xuân Quang I.
- Dự án ĐCĐC xem ghép: 01 dự án: Dự án
ĐCĐC xen ghép 4 xã (Phú Mỡ, Xuân Phước, Xuân Quang II, Đa Lộc).
- Số hộ ổn định định canh định cư: 180 hộ.
4.2. Huyện
Sông Hinh: 03 dự án
- Dự án ĐCĐC tập trung: 02 dự án:
+ Dự án ĐCĐC tập trung Xã Ea Lâm;
+ Dự án ĐCĐC tập trung xã Ea Bar.
- Dự án xen ghép: 01 dự án: Dự án xen
ghép 4 xã (Xã Ea Bia, Ea Trol, Đức Bình Tây, và Ea Bá).
- Số hộ ổn định định canh định cư: 330 hộ.
4.3. Huyện Sơn
Hòa: 03 dự án:
- Dự án ĐCĐC tập trung: 02 dự án; gồm:
+ Dự án ĐCĐC tập trung xã Phước Tân;
+ Dự án ĐCĐC tập trung xã Krông Pa.
- Dự án ĐCĐC xen ghép: 01 dự án: Dự án
ĐCĐC xen ghép 8 xã (Cà Lúi, Sơn Hội, Suối Trai, Phước Tân, Sơn Phước, Suối Bạc,
Sơn Hà, Sơn Nguyên).
- Số hộ ổn định định canh định cư: 448 hộ.
V. Nhu cầu vốn thực hiện hỗ
trợ giai đoạn 2017-2020
1. Đất sản xuất
a) Hỗ trợ giải quyết trực tiếp đất sản xuất:
1.544 hộ, diện tích khoảng 709,74 ha;
- Huyện Đồng Xuân: 580 hộ, diện tích: 229,4 ha,
kinh phí: 28.590 triệu đồng. Trong đó: Vốn NSTW hỗ trợ: 6.883 triệu đồng, vốn
vay 21.707 triệu đồng;
- Huyện Sông Hinh: 298 hộ, diện tích: 149 ha,
kinh phí 8.940 triệu đồng. Trong đó: Vốn NSTW hỗ trợ: 4.470 triệu đồng, vốn vay
4.470 triệu đồng;
- Huyện Sơn Hòa: 654 hộ, diện tích: 325,24 ha,
kinh phí 19.620 triệu đồng. Trong đó: Vốn NSTW hỗ trợ: 9.810 triệu đồng, vốn
vay 9.810 triệu đồng;
- Huyện Tây Hòa: 7 hộ, diện tích: 3,5 ha, kinh
phí 210 triệu đồng. Trong đó: Vốn NSTW hỗ trợ: 105 triệu đồng, vốn vay 105 triệu
đồng;
- Huyện Phú Hòa: 1 hộ, diện tích: 0,6 ha, kinh
phí 30 triệu đồng. Trong đó: Vốn NSTW hỗ trợ: 15 triệu đồng, vốn vay 15 triệu đồng;
- Thị xã Sông Cầu: 4 hộ, diện tích 2 ha, kinh
phí 260 triệu đồng. Trong đó: Vốn NSTW hỗ trợ: 60 triệu đồng, vốn vay 200 triệu
đồng.
Tổng vốn thực hiện hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất:
57.650 triệu đồng.
Trong đó: + Ngân sách trung ương: 21.343 triệu đồng;
+ Vốn vay ngân hàng: 36.307 triệu đồng.
(Số liệu chi tiết theo biểu số 01 đính kèm).
b) Hỗ trợ chuyển đổi nghề: 613 hộ
- Huyện Đồng Xuân: 580 hộ, kinh phí: 19.223 triệu
đồng. Trong đó: Vốn NSTW hỗ trợ: 2.020 triệu đồng, vốn vay 17.203 triệu đồng;
- Huyện Sông Hinh: 31 hộ, kinh phí 310 triệu đồng.
Trong đó: Vốn NSTW hỗ trợ: 155 triệu đồng, vốn vay 155 triệu đồng;
- Huyện Sơn Hòa: 52 hộ, kinh phí 260 triệu đồng.
Trong đó: Vốn NSTW hỗ trợ: 260 triệu đồng, vốn vay: không.
Tổng vốn thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề:
19.793 triệu đồng.
Trong đó: + Ngân sách trung ương: 2.453 triệu đồng;
+ Vốn vay ngân hàng: 17.358 triệu đồng.
(Số liệu chi tiết theo biểu số 01 đính kèm).
c) Tổng nhu cầu vốn để thực hiện các mục tiêu của
hỗ trợ giải quyết đất sản xuất (hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi
nghề) là: 77.443 triệu đồng, cơ cấu nguồn vốn như sau:
+ Ngân sách trung ương: 23.778 triệu đồng.
+ Vốn vay ngân hàng: 53.665 triệu đồng.
(Số liệu chi tiết theo biểu 01 đính kèm).
2. Hỗ trợ giải quyết nước sinh hoạt phân
tán: 2.643 hộ, kinh phí 4.011 triệu đồng (NSTW).
- Huyện Đồng Xuân: 1.227 hộ, kinh phí
1.907,5 triệu đồng.
- Huyện Sông Hinh: 459 hộ, kinh phí 330 triệu đồng.
- Huyện Sơn Hòa: 893 hộ, kinh phí 1.332 triệu đồng.
- Huyện Phú Hòa: 1 hộ, kinh phí 1,5 triệu đồng.
- Thị xã Sông Cầu: 54 hộ, kinh phí 81 triệu đồng.
Tổng nhu cầu vốn để thực hiện hỗ trợ giải quyết
nước sinh hoạt là: 4.011 triệu đồng (100% vốn ngân sách trung ương)
(Số liệu chi tiết theo biểu số 01 đính kèm).
3. Hỗ trợ về đất ở: Huyện
Đồng Xuân: 401 hộ, diện tích 6,71 ha; huyện Sông Hinh: 379 hộ, diện tích 15,16
ha; huyện Sơn Hòa: 472 hộ, diện tích 19,3 ha.
Nguồn vốn hỗ trợ đất ở do Ngân sách địa phương
thực hiện là 20.155 triệu đồng.
(Số liệu chi tiết theo biểu số 01 đính kèm).
UBND các huyện, thị xã Sông Cầu có trách nhiệm tự
cân đối quỹ đất và ngân sách để giao đất cho hộ thuộc nhóm đối tượng thụ hưởng
chính sách để làm nhà ở theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 3 của Quyết định
số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
4. Về bố trí sắp xếp, ổn định dân cư:
4.1. Huyện Đồng
Xuân: 16.400 triệu đồng:
- Dự án ĐCĐC tập trung: 02 dự án - 14.400 triệu
đồng;
- Dự án ĐCĐC xen ghép: 01 dự án (4 xã) - 2.000
triệu đồng;
- Số hộ ổn định định canh định cư: 180 hộ.
4.2. Huyện
Sông Hinh: 17.500 triệu đồng:
- Dự án ĐCĐC tập trung: 02 dự án - 9.380 triệu đồng;
- Dự án ĐCĐC xen ghép: 01 dự án (4 xã) - 8.120
triệu đồng;
- Số hộ ổn định định canh định cư: 330 hộ.
4.3. Huyện Sơn
Hòa: 7.509 triệu đồng:
- Dự án ĐCĐC tập trung: 02 dự án - 3.792 triệu đồng;
- Dự án ĐCĐC xen ghép: 01 dự án (8 xã) - 3.780
triệu đồng;
- Số hộ ổn định định canh định cư: 448 hộ.
Tổng hợp nhu cầu
vốn cần bổ sung giai đoạn 2017-2020: 41.409
triệu đồng cho từng dự án giai đoạn 2017-2020
(chi tiết phụ
biểu số 01 đính kèm)
5. Kinh phí quản lý: 715 triệu đồng (Nguồn ngân
sách địa phương).
VI. Tổng hợp nhu cầu vốn thực hiện
chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền
núi giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Phú Yên (Phụ
lục số 1).
Tổng vốn thực hiện đề án: 143.733 triệu đồng.
1. Hạng mục đầu tư
a) Hỗ trợ đất sản xuất: 77.443 triệu đồng (Trong
đó: Ngân sách trung ương hỗ trợ: 23.778 triệu đồng, vốn vay ngân hàng: 53.665
triệu đồng. Cụ thể:
* Hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất: 57.650 triệu đồng
(Trong đó: Ngân sách trung ương hỗ trợ: 21.343 triệu đồng, vốn vay ngân hàng
CSXH: 36.307 triệu đồng);
* Hỗ trợ chuyển đổi nghề: 19.793 triệu đồng
(Trong đó: Ngân sách trung ương hỗ trợ: 2.435 triệu đồng, vốn vay ngân hàng
CSXH: 17.358 triệu đồng).
b) Nước sinh hoạt phân tán: 4.011 triệu đồng
(Ngân sách trung ương hỗ trợ 100%).
c) Hỗ trợ bố trí sắp xếp, ổn định dân cư: 41.409
triệu đồng (Ngân sách trung ương hỗ trợ 100%).
d) Đất ở: 20.155 triệu đồng (UBND các địa phương
tự cân đối ngân sách để giải quyết cấp đất ở cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số
nghèo và hộ nghèo)
e) Chi phí quản lý: 715 triệu đồng (Nguồn ngân
sách địa phương).
2. Cơ cấu vốn đầu tư: 143.733 triệu đồng;
trong đó:
- Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 69.198 triệu đồng;
- Vốn vay ngân hàng: 53.665 triệu đồng;
- Ngân sách địa phương: 20.870 triệu đồng.
VII. Phân kỳ tiến độ đầu tư
giai đoạn 2017-2020
a) Năm 2017: Tổng vốn đầu tư: 57.207 triệu đồng.
Trong đó:
+ Ngân sách trung ương: 34.622 triệu đồng;
+ Vốn vay ngân hàng: 14.523 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương và lồng ghép các nguồn vốn
khác: 8.062 triệu đồng.
b) Năm 2018: Tổng vốn đầu tư: 28.843 triệu đồng.
Trong đó:
+ Ngân sách trung ương: 11.525 triệu đồng;
+ Vốn vay ngân hàng: 13.048 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương và lồng ghép các nguồn vốn
khác: 4.270 triệu đồng.
c) Năm 2019: Tổng vốn đầu tư: 28.841 triệu đồng.
Trong đó:
+ Ngân sách trung ương: 11.525 triệu đồng;
+ Vốn vay ngân hàng: 13.047 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương và lồng ghép các nguồn vốn
khác: 4.269 triệu đồng.
d) Năm 2020: Tổng vốn đầu tư: 28.842 triệu đồng.
Trong đó:
+ Ngân sách trung ương: 11.526 triệu đồng;
+ Vốn vay ngân hàng: 13.047 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương và lồng ghép các nguồn vốn
khác: 4.269 triệu đồng
Phần thứ ba
CÁC GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
I. Các giải pháp triển khai
thực hiện
1. Về hỗ trợ giải quyết đất ở: UBND các
huyện, thị xã (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện) căn cứ quỹ đất ở trên địa bàn
có trách nhiệm tự cân đối quỹ đất và ngân sách để giao đất cho hộ thuộc nhóm đối
tượng thụ hưởng chính sách để làm nhà ở theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 của
Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Về hỗ trợ giải quyết đất sản xuất
2.1. Hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất:
a) Đất sản xuất quy định tại Quyết định số
2085/QĐ-TTg bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng
thủy sản, đất rừng sản xuất và đất nông nghiệp khác;
b) UBND cấp huyện căn cứ các quy định hiện hành
về định mức bình quân diện tích đất sản xuất cho mỗi hộ gia đình trên địa bàn;
trên cơ sở quỹ đất hiện có và điều kiện thực tế của địa phương để xem xét giao
đất sản xuất cho các hộ gia đình trên địa bàn nhưng không vượt quá hạn mức giao
đất nông nghiệp cho mỗi hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật đất
đai;
c) Mức hỗ trợ từ ngân sách và vay vốn từ Ngân
hàng chính sách xã hội để tạo quỹ đất sản xuất bình quân là 30 triệu đồng/hộ.
Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ và được vay tín dụng tối
đa không quá 15 triệu đồng/hộ, thời gian vay là 5 năm với mức lãi suất bằng
0,1%/tháng tương đương với 1,2%/năm. Đối với hộ thiếu đất sản xuất, số tiền được
hỗ trợ tương ứng với diện tích còn thiếu so với mức bình quân diện tích đất sản
xuất cho mỗi hộ gia đình trên địa bàn tỉnh;
d) UBND cấp huyện căn cứ vào quỹ đất và quy định
định mức đất sản xuất của UBND tỉnh đã hướng dẫn và trên cơ sở, điều kiện thực
tế của địa phương để quyết định thực hiện hỗ trợ đất sản xuất cho các hộ thuộc
đối tượng thụ hưởng chính sách theo quy định cụ thể như sau:
- Trường hợp địa phương còn quỹ đất có khả năng
sản xuất được mà không cần phải thực hiện cải tạo đất thì UBND cấp huyện căn cứ
quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt
thực hiện giao đất hỗ trợ cho các hộ thuộc đối tượng chính sách chưa có đất sản
xuất hoặc chưa đủ đất sản xuất theo quy định của Luật đất đai, Quyết định số
2085/QĐ-TTg và Thông tư số 02/TT-UBDT. Các hộ này không được sử dụng kinh phí hỗ
trợ từ ngân sách Trung ương và không được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội;
- Trường hợp địa phương còn quỹ đất sản xuất
nhưng phải khai hoang, phục hóa, cải tạo đất để có khả năng sản xuất được thì
UBND cấp huyện chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND cấp
xã) hướng dẫn các hộ trực tiếp khai hoang, phục hóa, cải tạo đất hoặc tổ chức lập
và thực hiện dự án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất theo quy hoạch, kế hoạch sử
dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để giao đất sản xuất cho
các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách theo quy định của Luật đất đai, Quyết
định số 2085/QĐ-TTg và Thông tư số 02/TT-UBDT. Kinh phí thực hiện việc khai
hoang, phục hóa và cải tạo đất thực hiện theo quy định tại Quyết định số
2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ;
3. Các loại hỗ trợ khác: Những nơi không
còn quỹ đất để giao đất sản xuất cho các hộ thì được hỗ trợ để chuyển đổi sang
một trong các hình thức sau:
a) Hỗ trợ chuyển đổi nghề:
- Đối với những hộ có lao động học nghề để chuyển
đổi nghề thì được ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/lao động; mức
hỗ trợ cho từng lao động cụ thể căn cứ vào học phí, ngành nghề và thời gian học
thực tế của lao động do UBND cấp tỉnh quyết định.
Những hộ, lao động có nhu cầu chuyển đổi nghề,
ngoài việc được hưởng các chính sách nêu trên, còn được hưởng các chính sách ưu
đãi liên quan về dạy nghề theo quy định hiện hành. Cơ chế, chính sách thực hiện
theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc
gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2016-2020.
- Những hộ có lao động, có nhu cầu vốn để mua sắm
nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp hoặc cần vốn để làm các nghề
khác, tăng thu nhập, thì được ngân sách Trung ương hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ và được
vay vốn tín dụng tối đa không quá 50 triệu đồng/hộ, thời gian vay 5 năm với mức
lãi suất bằng 0,1%/tháng tương đương 1,2%/năm.
UBND cấp huyện quyết định phê duyệt danh sách
các hộ có nhu cầu vốn mua sắm nông cụ, máy móc để làm dịch vụ sản xuất nông
nghiệp và quyết định danh sách các hộ được vay vốn. UBND cấp xã giám sát và cấp
vốn hỗ trợ theo chính sách cho các hộ trong danh sách đã được phê duyệt, đồng
thời thông báo và phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện giải ngân
phần vốn vay.
4. Giải pháp lồng ghép các nguồn vốn
Tỉnh Phú Yên là một trong những tỉnh còn khó
khăn, thu ngân sách không đủ chi thường xuyên (chưa tự cân đối được ngân sách),
nguồn tích lũy trong dân nhỏ, khả năng huy động nguồn vốn tại chỗ đầu tư là
không khả thi. Để đáp ứng nhu cầu nguồn vốn lồng ghép để đầu tư các mục tiêu
trên cần phải có biện pháp huy động, lồng ghép vốn một cách tích cực và tập
trung.
- Lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình đầu
tư trên địa bàn như nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn
mới, vốn Chương trình 135, vốn chương trình nước sạch nông thôn,…
- Tập trung mọi nguồn lực từ các doanh nghiệp,
các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, huy động nhân dân và huy động các nguồn tài
chính hợp pháp khác.
- Tăng cường quản lý thu chi ngân sách, đảm bảo
huy động đúng mức các nguồn thu từ các thành phần kinh tế, tăng cường nguồn lực
cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo hướng tạo nguồn thu cho ngân sách nhà
nước, tăng dần chi cho phúc lợi an sinh xã hội, dành vốn để ưu tiên đầu tư cho
vùng sâu vùng xa, vùng miền núi có xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ
nghèo còn cao, còn nhiều khó khăn.
II. Tổ chức thực hiện
1. Đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh
a) Ban Dân tộc:
Là cơ quan trực tiếp tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ
đạo, tổ chức triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh;
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính
phân bổ nguồn kinh phí hàng năm cho các địa phương thực hiện;
Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện và
tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp
với Ban Dân tộc và Sở Tài chính tổng hợp nhu cầu, dự kiến vốn kế hoạch hàng năm
và cả giai đoạn cho các địa phương.
c) Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với
Ban Dân tộc, Sở Kế hoạch và Đầu tư phân bổ nguồn vốn thực hiện các mục tiêu của
Đề án cho các địa phương; Cấp vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất, chi phí quản
lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo kế hoạch vốn hàng năm và cả giai đoạn;
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan
xây dựng văn bản hướng dẫn lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh quyết toán nguồn
vốn ngân sách nhà nước để thực hiện đề án tại địa phương;
Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng vốn vay đã được
thu hồi theo quy định, đồng thời kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng vốn
của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội;
d) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc, các Sở, ngành có liên quan chỉ đạo hướng dẫn
các địa phương thực hiện việc giao khoán bảo vệ rừng, trồng rừng và đào tạo nghề
nông, lâm nghiệp cho lao động nông thôn; bố trí tạo quỹ đất sản xuất từ các
chương trình, dự án do Sở quản lý cho các hộ thiếu đất sản xuất thuộc đối tượng
quy định của đề án;
đ) Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Chủ
trì, phối hợp với Ban Dân tộc chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm
vụ đào tạo nghề để chuyển đổi nghề và xuất khẩu lao động cho đối tượng của Đề
án;
e) CN.Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh:
Chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng, giải ngân và thu hồi có hiệu quả nguồn vốn
thực hiện các mục tiêu của Đề án trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Sở Tài
chính;
f) Các Sở, ngành, đơn vị liên quan: Có
trách nhiệm phối hợp thực hiện các nội dung của đề án thực hiện Quyết định số
2085/QĐ-TTg của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao;
g) Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, các Hội đoàn thể và nhân dân tham gia thực hiện có hiệu quả các
nội dung của Đề án.
2. Đối với UBND các huyện, thị xã liên quan:
- Chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện trong việc
tổ chức thực hiện chính sách trên địa bàn quản lý;
- Rà soát, lập hoặc điều chỉnh quy hoạch sử dụng
đất (theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền) để tạo quỹ đất dành cho hộ đồng
bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo thiếu đất sản xuất ở và đất sản xuất.
Kiên quyết kiến nghị cấp có thẩm quyền thu hồi đất của các nông, lâm trường sử
dụng không hiệu quả để cấp cho các đối tượng có nhu cầu về đất sản xuất;
- Ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện
các nội dung chính sách trên địa bàn; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, phối hợp
với Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương triển khai thực hiện cho vay kịp
thời, đúng quy định;
- Định kỳ tổng hợp báo cáo quý, 6 tháng, 9 tháng
và 01 năm về Ban Dân tộc theo quy định.
3. Đối với cơ quan làm công tác dân tộc cấp
huyện (Phòng Dân tộc huyện)
- Tiến hành rà soát tham mưu cho UBND huyện tổng
hợp nhu cầu của các xã, lập hồ sơ theo đúng quy định kèm theo danh sách chi tiết
các đối tượng được thụ hưởng theo đề nghị của xã, gửi lên cơ quan làm công tác
dân tộc cấp tỉnh;
Phòng Dân tộc là cơ quan thường trực giúp UBND
huyện làm chủ đầu tư quản lý tổ chức thực hiện đầu tư, quản lý nguồn vốn được
phân bổ kế hoạch hàng năm theo dự án danh mục công trình được phê duyệt đầu tư
và giao kế hoạch vốn và là cầu nối cung cấp thông tin, báo cáo việc thực hiện Đề
án cho cơ quan thường trực quản lý Đề án (Ban Dân tộc) để báo cáo UBND tỉnh và Ủy
ban Dân tộc.
4. Đối với UBND cấp xã
a) Phối hợp với các phòng, ban, đơn vị chuyên
môn của huyện thực hiện công tác rà soát, điều chỉnh hộ dân tộc thiểu số nghèo
và hộ nghèo thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách theo định kỳ hàng năm.
b) Chủ động, phối hợp với các phòng, ban, đơn vị
liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các nguồn vốn hỗ trợ
và vốn vay đối với các đối tượng được thụ hưởng chính sách trên địa bàn quản lý
theo quy định.
III. Kết luận và kiến nghị
- Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế -
xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước
ta, đã góp phần hỗ trợ đời sống của người dân, xóa đói giảm nghèo, phát triển
kinh tế - xã hội ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, được nhân dân đồng tình ủng
hộ. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa các chính sách trên, kiến nghị với Chính phủ
và các Bộ, ngành Trung ương nên kéo dài thời gian thực hiện chính sách đến năm
2025 là phù hợp.
- Nguồn vốn hỗ trợ cho các mục tiêu chính sách
theo quy định tại Quyết định 2085/QĐ-TTg còn thấp. Kiến nghị các năm sau nâng mức
hỗ trợ đầu tư để phù hợp với tình hình giá cả thực tế.
Việc triển khai xây dựng Đề án theo Quyết định số
2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là rất phù hợp với nhu cầu phát triển của
xã hội, của nhân dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, góp phần cùng
với các chính sách khác đầu tư hỗ trợ để phát triển kinh tế - xã hội, từng bước
thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đây cũng là nguồn đầu tư rất quan
trọng trong công tác thực hiện chính sách an sinh xã hội trong những năm đến của
tỉnh Phú Yên./.