ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1670/QĐ-UBND
|
Bình Định,
ngày 12 tháng 5 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CỬA HÀNG
XĂNG DẦU, KHO XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2025”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19/6/2015;
Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số
29/TTr-SCT ngày 07/4/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu,
kho xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2025, với những nội dung chủ yếu
như sau:
1. Quan điểm phát triển
- Quy hoạch phát triển hệ thống
cửa hàng xăng dầu, kho xăng dầu phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội
của tỉnh, quy hoạch phát triển ngành thương mại và một số quy hoạch ngành, lĩnh
vực khác; phù hợp với xu hướng phát triển thị trường tiêu thụ xăng dầu và tính
chất đặc thù của mặt hàng xăng dầu.
- Quy hoạch phát triển hệ thống
cửa hàng xăng dầu, kho xăng dầu phải bảo đảm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đang gia
tăng đối với mặt hàng này, bảo đảm tính hợp lý cả về số lượng, quy mô và phân bố,...;
quy hoạch phải theo hệ thống mở, có tính liên kết và phù hợp với sự gia tăng của
các phương tiện vận tải, máy móc có sử dụng nhiên liệu xăng dầu trên địa bàn tỉnh
trong thời kỳ quy hoạch.
- Quy hoạch phát triển hệ thống
cửa hàng xăng dầu, kho xăng dầu phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, tính
khả thi, đáp ứng được nhu cầu sản xuất công nghiệp, tiêu dùng của nhân dân và đảm
bảo an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Bảo đảm tính hợp
lý giữa nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội với khả năng cung ứng mặt hàng xăng
dầu đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
- Quy hoạch phát triển hệ thống
cửa hàng xăng dầu, kho xăng dầu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong
kiến trúc, xây dựng và các giải pháp công nghệ, kỹ thuật, an toàn phòng cháy,
chữa cháy, vệ sinh môi trường phải ứng dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ
tiên tiến, đáp ứng được các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, an toàn môi trường,
mỹ quan công nghiệp, các quy định, quy chuẩn - tiêu chuẩn hiện hành.
- Quy hoạch phát triển hệ thống
cửa hàng xăng dầu, kho xăng dầu trên cơ sở đa dạng hóa các thành phần kinh tế
tham gia; đổi mới cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu;
tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh
tham gia kinh doanh xăng dầu trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Mục tiêu phát triển a.
Mục tiêu chung
- Xây dựng hệ thống cửa hàng
kinh doanh xăng dầu và kho xăng dầu khang trang, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu
tiêu thụ mặt hàng xăng dầu của các phương tiện giao thông và các nhu cầu tiêu
thụ khác trên địa bàn tỉnh.
- Khuyến khích các cửa hàng
kinh doanh xăng dầu có quy mô lớn (cấp 2 trở lên) trên các tuyến đường giao
thông chính (Quốc lộ 1, Quốc lộ 19, đường cao tốc Bắc - Nam, đường cao tốc Quy
Nhơn - Pleiku,…); phát triển thêm mới các loại hình dịch vụ đi kèm như LPG,…
- Bảo đảm các yêu cầu về kiến
trúc, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường; làm cơ sở phục vụ công tác quản
lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
- Phát triển các kho xăng dầu
phải đảm bảo có hiệu quả kinh tế - xã hội; kết hợp chặt chẽ với yêu cầu về an
ninh quốc phòng, đảm bảo dự trữ xăng dầu cung ứng cho tỉnh và một số tỉnh thuộc
khu vực như miền Trung và Tây Nguyên.
b. Mục tiêu cụ thể
- Đến năm 2020, nâng quy mô
tiêu thụ bình quân một cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh đạt 1.400 -
1.500m³/CH (tăng 6 - 7%) và đến năm 2025, nâng mức tiêu thụ bình quân một cửa
hàng đạt khoảng 1.700 - 1.800 m³/CH.
- Đảm bảo vệ sinh môi trường
và an toàn phòng chống cháy nổ tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu; 100% lao động
được đào tạo nghiệp vụ; 100% cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn về điều kiện kinh
doanh xăng dầu.
- Đến năm 2020, giảm bán
kính phục vụ bình quân một cửa hàng xăng dầu từ 2,79km hiện nay xuống còn khoảng
2,3km - 2,4km và năm 2025 còn khoảng 2,2km - 2,3km. Theo đó, trong giai đoạn
2017 - 2025, dự kiến sẽ di dời 05 cửa hàng xăng dầu không phù hợp với quy hoạch
phát triển chung của tỉnh hoặc vi phạm các quy định về an toàn; số lượng cửa
hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh sẽ tăng thêm tối đa khoảng 160 cửa hàng xăng dầu,
nâng mật độ cửa hàng xăng dầu bình quân lên trên 2,6 - 2,7 cửa hàng xăng dầu/xã,
phường, thị trấn vào năm 2025.
- Nâng cao chất lượng và hiệu
quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, phục vụ tốt
nhu cầu sử dụng xăng dầu của người tiêu dùng.
3. Định hướng phát triển
a. Định hướng phát triển
hệ thống cửa hàng xăng dầu theo địa bàn
- Quy hoạch phát triển hệ thống
cửa hàng xăng dầu phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, các cửa
hàng quy hoạch mới phải đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định. Đối với các
cửa hàng hiện có không bảo đảm các tiêu chí theo quy định, sẽ xây dựng lộ trình
xóa bỏ hoặc cải tạo nâng cấp, mở rộng.
- Trong quá trình đô thị hóa
diễn ra ngày càng nhanh, sự phát triển của các ngành kinh tế cũng như cơ sở hạ
tầng, đặc biệt là giao thông vận tải phát triển nhanh chóng nên nhu cầu tiêu thụ
xăng dầu trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tăng lên cả về quy mô và địa bàn, sự
phát triển các cửa hàng xăng dầu mới được gắn với phát triển các tuyến giao
thông, các vùng sản xuất và các khu dân cư.
- Hạn chế phát triển thêm
các cửa hàng xăng dầu trong các khu vực đô thị trung tâm, đông dân cư, đặc biệt
là khu vực trung tâm thành phố Quy Nhơn. Việc phát triển cửa hàng xăng dầu tại
các ngã ba, ngã tư, các nút giao lộ, đòi hỏi cần phải cân nhắc kỹ, nếu không đảm
bảo an toàn giao thông thì kiên quyết không cho phát triển. Ưu tiên phát triển
cửa hàng tại các huyện, các xã vùng sâu, vùng xa chưa có cửa hàng xăng dầu, nơi
tập trung phát triển hậu cần nghề cá, đặc biệt trên các tuyến đường mới mở;
quan tâm đến việc phát triển, nâng cấp các cửa hàng xăng dầu cung cấp cho các
phương tiện đánh bắt phục vụ kinh tế biển.
- Quy hoạch hệ thống cửa
hàng xăng dầu là quy hoạch mở, nên khi các điều kiện về kinh tế - xã hội phát
triển hơn, căn cứ nhu cầu thực tế có thể xem xét điều chỉnh, bổ sung, xây dựng
các cửa hàng trước thời điểm phân kỳ hoặc có quy mô lớn hơn theo quy hoạch.
b. Định hướng phát triển
các chủ thể tham gia kinh doanh
- Chú trọng đến việc thu hút
các nhà đầu tư kinh doanh xăng dầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và trình độ quản
lý tham gia cung ứng và tạo lập mạng lưới kinh doanh xăng dầu theo hệ thống
trên địa bàn.
- Bảo đảm việc thực hiện tốt
các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh, hạn chế những rào cản đối
với doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thị trường.
c. Định hướng phát triển
các phương thức kinh doanh
- Phát triển loại hình cửa
hàng kinh doanh chuyên sâu, tổ hợp các mặt hàng xăng dầu và các sản phẩm có
liên quan, đặc biệt là tại các khu vực phục vụ cho nhu cầu của các ngành sản xuất
công nghiệp.
- Phát triển các loại hình cửa
hàng, đa dạng về phương thức phục vụ. Về dài hạn, cần quan tâm phát triển loại
hình cửa hàng bán hàng tự động trong mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn
tỉnh (đặc biệt ở tuyến quốc lộ, cao tốc và một số khu vực thuộc thành phố Quy
Nhơn và thị xã An Nhơn) để giảm bớt lao động bán hàng trực tiếp.
d. Định hướng phát triển
hệ thống kho chứa, kho dự trữ
- Trong mạng lưới cửa hàng
kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh hiện nay, các cửa hàng đều có kho dự trữ
bán lẻ (dưới dạng các bồn chứa, xi-téc), nhưng phổ biến ở quy mô nhỏ nên sẽ cần
được mở rộng trong thời kỳ quy hoạch.
- Khối lượng xăng dầu qua
kho trong năm được xác định dựa trên số liệu dự báo về khối lượng xăng dầu tiêu
thụ trên địa bàn trong thời kỳ đến 2020 và 2025.
- Số vòng quay của xăng dầu
qua kho được dự tính căn cứ vào yêu cầu lượng hàng dự trữ lưu thông, điều kiện
cung ứng xăng dầu thực tế. Trong điều kiện nước ta hiện nay, do nguồn cung cấp
xăng dầu chủ yếu từ nhập khẩu nên yêu cầu dự trữ lưu thông cũng sẽ đòi hỏi cao
hơn.
đ. Định hướng tăng cường
công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu
- Công tác kiểm tra, giám
sát của cơ quan quản lý nhà nước, giúp bảo đảm hài hòa lợi ích của ba bên, gồm
nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tăng cường tính cạnh tranh, công
khai, minh bạch trong kinh doanh xăng dầu; quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối
xăng dầu, bảo đảm cung ứng ổn định xăng dầu trong hệ thống, bảo đảm chất lượng
xăng dầu lưu thông trên thị trường.
- Tạo điều kiện cho mọi
thành phần kinh tế tham gia kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở
các chủ thể chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước về điều kiện kinh doanh
xăng dầu.
- Tạo lập mối quan hệ giữa
các cơ quan quản lý và các chủ thể kinh doanh xăng dầu một cách thường xuyên
(chế độ báo cáo, kiểm tra,...), để có thể chủ động điều chỉnh chính sách quản
lý, bao gồm cả việc điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu
nhằm đảm bảo lợi ích cho các chủ thể kinh doanh và lợi ích kinh tế - xã hội
chung của tỉnh.
4. Quy hoạch phát triển
a. Quy hoạch mạng lưới cửa
hàng xăng dầu
- Nguyên tắc chung
Nguyên tắc chung đối với quy
hoạch mạng lưới cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là: Nâng
cấp, cải tạo, mở rộng đối với các cửa hàng có diện tích và các điều kiện không
đảm bảo theo quy định (QCVN 01:2013/BCT đối với cửa hàng xăng dầu trên mặt đất
và QCVN 10:2015/BCT đối với cửa hàng xăng dầu trên mặt nước), nếu không thể tiến
hành nâng cấp, cải tạo, mở rộng thì phải di chuyển đến địa điểm mới hoặc xóa bỏ;
quy hoạch mới một số cửa hàng ở các trục đường giao thông mới, ở khu vực ngoại
vi của các đô thị cũng như ở một số khu vực dân cư chưa có cửa hàng xăng dầu.
Các cửa hàng xăng dầu trong khu vực đô thị phải bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn,
quy định hiện hành.
Về nhu cầu sử dụng đất và vốn
đầu tư: Đối với cửa hàng xăng dầu trên các tuyến quốc lộ, áp dụng quy định về
diện tích sử dụng đất tối thiểu đối với các cửa hàng xăng dầu tại Quyết định số
1665/QĐ-BCT ngày 05/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương; theo đó, nhu cầu sử dụng
đất tối thiểu đối với cửa hàng xăng dầu cấp I là 5.600 m²/CH, đối với cửa hàng
xăng dầu cấp II tối thiểu 3.000 m²/CH (trong đô thị là 1.000 m²), đối với cửa
hàng xăng dầu cấp III tối thiểu là 900 m²/CH (trong đô thị là 500 m²).
Đối với các cửa hàng xăng dầu
trên tuyến đường tỉnh, đường huyện và các tuyến giao thông khác, nhu cầu sử dụng
đất tối thiểu đối với cửa hàng xăng dầu cấp I là 2.400 m²/CH (trong đô thị là
1.500m²), đối với cửa hàng xăng dầu cấp II là 1.200 m²/CH (trong đô thị là
800m²), đối với cửa hàng xăng dầu cấp III là 600m²/CH (trong đô thị là 400m²).
Các cửa hàng xăng dầu cần phải mở rộng, thì tùy trường hợp cụ thể mà bố trí diện
tích đất phù hợp.
Quy mô vốn đầu tư của các cửa
hàng phát triển mới được xác định mức bình quân (gồm chi phí xây dựng và mua
sắm trang thiết bị): Cửa hàng cấp I: 5 tỷ đồng/CH; cửa hàng cấp II: 3,5 tỷ
đồng/CH; cửa hàng cấp III: 2 tỷ đồng/CH; các trường hợp nâng cấp hay mở rộng diện
tích kinh doanh thì nhu cầu vốn bình quân khoảng 0,7 tỷ đồng. Đối với các cửa
hàng xăng dầu nâng cấp, mở rộng, phải bảo đảm diện tích sử dụng tối thiểu đạt
500m² và nhu cầu vốn bình quân khoảng 700 triệu đồng.
Đối với các kho xăng dầu, định
mức về nhu cầu sử dụng đất và vốn đầu tư bình quân của các kho xăng dầu quy hoạch
mới được xác định khoảng 02ha và 60 tỷ đồng mỗi kho.
Đối với các tàu kinh doanh
xăng dầu, việc nâng cấp, xây dựng hay đóng mới phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn
kỹ thuật được nêu tại Quy chuẩn QCVN10:2015/BCT ban hành kèm theo Thông tư số
47/2015/TT-BCT ngày 11/12/2015 của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, để tránh các nguy
cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là sự cố tràn dầu, sẽ tăng cường
công tác quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này. Đối với các tàu
kinh doanh xăng dầu đang hoạt động, yêu cầu các chủ tàu, chủ doanh nghiệp đầu
tư nâng cấp trang thiết bị không đạt chuẩn; đồng thời kiểm soát hoạt động cấp
phép đối với các tàu kinh doanh xăng dầu đóng mới, vừa đáp ứng nhu cầu về nhiên
liệu cho các tàu đánh bắt thủy hải sản, vừa không gây hại cho môi trường và
theo đúng quy hoạch.
Về khoảng cách giữa các cửa
hàng xăng dầu liền kề:
+ Trên các tuyến Quốc lộ, áp
dụng Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông Vận tải về
hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010
của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu giao thông đường bộ, khoảng cách tối
thiểu giữa 2 cửa hàng xăng dầu liền kề được quy định như sau:
Trong khu vực nội thành, nội
thị: Đối với tuyến đường có dải phân cách giữa, khoảng cách giữa hai cửa hàng
xăng dầu liền kề cùng phía dọc theo mỗi bên tuyến quốc lộ không nhỏ hơn 1.000m
(một nghìn mét); đối với tuyến đường không có dải phân cách giữa, khoảng cách
giữa hai cửa hàng xăng dầu liền kề dọc theo mỗi bên của đoạn tuyến quốc lộ
không nhỏ hơn 2.000m (hai nghìn mét).
Ngoài khu vực nội thành, nội
thị các đô thị: Đối với đường có dải phân cách giữa, có quỹ đất để xây dựng làn
chuyển tốc (phương tiện qua nút giao chỉ rẽ phải), khoảng cách giữa hai cửa
hàng xăng dầu liền kề cùng phía dọc theo mỗi bên của đoạn quốc lộ không nhỏ hơn
6.000 m (sáu nghìn mét); đối với tuyến đường không có dải phân cách giữa, khoảng
cách giữa hai cửa hàng xăng dầu liền kề dọc theo mỗi bên của đoạn tuyến quốc lộ
không nhỏ hơn 12.000 m (mười hai nghìn mét).
+ Trên các tuyến đường tỉnh,
đường huyện, các tuyến giao thông khác, áp dụng theo Quyết định số
60/2016/QĐ-UBND ngày 25/11/2016 của UBND tỉnh, theo đó khoảng cách tối thiểu giữa
hai cửa hàng xăng dầu liền kề như sau:
Trong khu vực nội thành, nội
thị các đô thị: Khoảng cách giữa hai cửa hàng xăng dầu liền kề dọc theo mỗi bên
đường không nhỏ hơn 1.500m (một nghìn năm trăm mét).
Ngoài khu vực nội thành, nội
thị các đô thị: Khoảng cách giữa hai cửa hàng xăng dầu liền kề dọc theo một bên
của đoạn tỉnh không nhỏ hơn 8.000m (tám nghìn mét) và liền kề khác bên không nhỏ
hơn 4.000m (bốn nghìn mét).
- Quy hoạch cửa hàng
xăng dầu theo địa bàn hành chính
+ Thành phố Quy Nhơn: Hiện
tại, trên địa bàn thành phố có 39 cửa hàng xăng dầu, chiếm 14,5% số cửa hàng
xăng dầu toàn tỉnh (gồm trên mặt đất và tàu kinh doanh xăng dầu); bán kính phục
vụ bình quân 1,59 km, bình quân mỗi cửa hàng phục vụ gần 7,9 nghìn người.
Quy hoạch đến năm 2025, tổng
số sẽ là 56 cửa hàng xăng dầu, trong đó:
Nâng cấp, mở rộng: 06 cửa
hàng xăng dầu, gồm Cửa hàng xăng dầu Vân Tình; Cửa hàng xăng dầu Nguyễn Khánh
(cơ sở 1); Cửa hàng xăng dầu Nguyễn Khánh (cơ sở 2); Cửa hàng xăng dầu Thành Được;
Cửa hàng xăng dầu số 9 và Cửa hàng xăng dầu Huy Hoàng. Đối với các cửa hàng
xăng dầu khác, yêu cầu hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hồ sơ giấy phép kinh doanh,
các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường,… bảo đảm phù hợp với
các tiêu chí hiện hành.
Quy hoạch mới: Đến năm 2025,
quy hoạch mới 17 cửa hàng, gồm 04 cửa hàng đạt quy mô cấp II và 13 cửa hàng có
quy mô cấp III, cụ thể như sau:
Giai đoạn 2017 - 2020: Trên
địa bàn thành phố Quy Nhơn sẽ quy hoạch thêm 15 cửa hàng xăng dầu, trong đó 03
cửa hàng có quy mô cấp II (01 cửa hàng tại các phường Bùi Thị Xuân, 01 cửa hàng
tại phường Ghềnh Ráng, 01 cửa hàng tại phường Nhơn Bình) và 12 cửa hàng quy mô
cấp III lần lượt được phân bố tại Khu đô thị Long Vân - Long Mỹ, đoạn
đường Ngô Mây nối dài đến
Khu đô thị Phú Hòa, đoạn nối Quốc lộ 1D với Quốc lộ 19, tuyến đường Điện Biên
Phủ, phường Nhơn Bình; xã Nhơn Hải, xã Nhơn Châu và 05 tàu dịch vụ hậu cần nghề
cá, 01 tàu kinh doanh xăng dầu cấp III tại xã Nhơn Châu.
Giai đoạn 2021 - 2025: Quy
hoạch mới 02 cửa hàng xăng dầu, gồm 01 cửa hàng quy mô cấp II trên tuyến Quốc lộ
1D (phường Ghềnh Ráng) và 01 tàu kinh doanh xăng dầu cấp III tại xã Nhơn Châu.
Tổng nhu cầu sử dụng đất đối
với hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố Quy Nhơn vào khoảng
6.800m², nhu cầu vốn khoảng 38 tỷ đồng.
+ Thị xã An Nhơn: Trên
địa bàn thị xã An Nhơn hiện có 27 cửa hàng xăng dầu, chiếm 10,5% tổng số cửa
hàng xăng dầu toàn tỉnh; bán kính phục vụ bình quân khoảng 1,72 km, bình quân một
cửa hàng phục vụ khoảng 7 nghìn người.
Quy hoạch đến năm 2025, trên
địa bàn thị xã An Nhơn có 35 cửa hàng xăng dầu, cụ thể như sau:
Nâng cấp, mở rộng: 05 cửa
hàng xăng dầu, bao gồm: Cửa hàng xăng dầu Hữu Chính; Cửa hàng xăng dầu Nhơn
Khánh; Cửa hàng xăng dầu Hưng Thịnh; Cửa hàng xăng dầu Nhơn Hậu; Cửa hàng xăng
dầu Hợp tác xã Nhơn Lộc.
Di chuyển: 03 cửa hàng xăng
dầu, bao gồm: Cửa hàng xăng dầu Hòa Hiệp số 5; Cửa hàng xăng dầu Tân Nam Phát
(do không đảm bảo hành lang an toàn giao thông); Cửa hàng xăng dầu Giang San
(do có vị trí không còn phù hợp với quy hoạch để làm cửa hàng xăng dầu). Đối với
các cửa hàng xăng dầu còn lại: Tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, nâng
cấp trang thiết bị, cải tạo cơ sở hạ tầng, phương tiện vận chuyển,…
Quy hoạch mới: Giai đoạn
2017 - 2020, quy hoạch mới 08 cửa hàng xăng dầu, gồm 03 cửa hàng quy mô cấp II
và 05 cửa hàng quy mô cấp III, cụ thể như sau:
Quy hoạch mới 03 cửa hàng đạt
quy mô cấp II, trong đó 02 cửa hàng thuộc địa bàn phường Bình Định (khu vực
Liêm Trực và trong trạm dừng chân) và 01 cửa hàng trên tuyến đường tránh Quốc lộ
1 (trên địa bàn xã Nhơn An).
Quy hoạch mới 05 cửa hàng có
quy mô cấp III tại phường Nhơn Thành (khu vực Vạn Thuận), xã Nhơn Phúc, xã Nhơn
Lộc, phường Nhơn Hòa (đoạn từ cầu Trường Thi đi Quốc lộ 19) và xã Nhơn Tân (tuyến
đường vào hồ Núi Một, khu vực thôn Nam Tượng 2).
Đến năm 2025, tổng nhu cầu sử
dụng đất 7.700m² và nhu cầu vốn khoảng 20,5 tỷ đồng.
+ Huyện Hoài Ân: Hiện
tại, trên địa bàn huyện Hoài Ân có 14 cửa hàng xăng dầu, chiếm 4,8% tổng số cửa
hàng xăng dầu toàn tỉnh; bán kính phục vụ 4,45km, bình quân một cửa hàng phục vụ
khoảng 7,2 nghìn người.
Quy hoạch đến năm 2025, tổng
số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn huyện là 18 cửa hàng, trong đó:
Nâng cấp, mở rộng: 01 cửa
hàng xăng dầu số 21; đối với các cửa hàng xăng dầu còn lại sẽ tiến hành nâng cấp
nhỏ, cải thiện điều kiện kinh doanh, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường.
Quy hoạch mới: 04 cửa hàng
xăng dầu có quy mô cấp III, trong đó:
Giai đoạn 2017 - 2020, quy
hoạch mới 02 cửa hàng tại các xã Ân Tường Đông và Ân Tín.
Giai đoạn 2021 - 2025, quy
hoạch mới 02 cửa hàng tại xã Ân Thạnh và xã Ân Phong. Tổng nhu cầu về đất xây dựng
khoảng 2.400m² và vốn đầu tư dự kiến dự kiến là khoảng 8 tỷ đồng.
+ Huyện An Lão: Hiện
tại trên địa bàn huyện mới chỉ có 03 cửa hàng xăng dầu, ít nhất trong số 11 huyện,
thành phố của tỉnh. Là một huyện còn khó khăn, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp,
sản xuất nhỏ, nên nhu cầu tiêu thụ xăng dầu còn hạn chế.
Trong thời kỳ quy hoạch sẽ
hoàn thiện, chỉnh trang lại cơ sở vật chất của các cửa hàng hiện có, đồng thời
xem xét đầu tư thêm 05 cửa hàng xăng dầu, phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu thụ của
người dân, cụ thể như sau:
Giai đoạn 2017 - 2020: Quy
hoạch mới 03 cửa hàng có quy mô cấp III tại xã An Tân (khu vực km 28), xã An
Hòa (trục đường tỉnh 629) và xã An Trung.
Giai đoạn 2021 - 2025: Quy
hoạch mới 02 cửa hàng cấp III tại các tuyến đường liên xã trên địa bàn các xã
An Quang (tuyến An Quang - An Toàn) và xã An Hưng (đường 5B).
Nhu cầu đất xây dựng đến
2025 là 3.000m² và dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 10 tỷ đồng.
+ Huyện Tây Sơn: Hiện
tại trên địa bàn huyện có 26 cửa hàng xăng dầu, chiếm 10,5% tổng số cửa hàng
xăng dầu cả tỉnh, bán kính phục vụ bình quân 2,91km, bình quân một cửa hàng phục
vụ khoảng 4,8 nghìn người.
Quy hoạch đến năm 2025, huyện
sẽ có tổng cộng 32 cửa hàng xăng dầu, trên cơ sở nâng cấp, mở rộng 04 cửa hàng,
di chuyển 01 cửa hàng và quy hoạch mới 06 cửa hàng, cụ thể như sau:
Nâng cấp, mở rộng: 04 cửa
hàng, gồm Cửa hàng xăng dầu Bình Nghi (xã Bình Nghi); Cửa hàng xăng dầu Mười Thấu;
Cửa hàng xăng dầu Mỹ Yên (xã Bình Hòa); Cửa hàng xăng dầu Phương Linh 2.
Di chuyển: Giai đoạn 2017 -
2020, di chuyển Cửa hàng xăng dầu số 10 (Công ty Xăng dầu Bình Định) sang vị
trí mới theo Quyết định số 3564/QĐ-UBND ngày 06/11/2012 của UBND huyện Tây Sơn.
Quy hoạch mới: Quy hoạch mới
06 cửa hàng xăng dầu, trong đó:
Giai đoạn 2017 - 2020: 04 cửa
hàng, bao gồm 01 cửa hàng quy mô cấp II tại xã Bình Tường (khu vực gần chợ đầu
mối) và 03 cửa hàng cấp III tại các xã Tây Phú, Bình Tường và Bình Thành.
Giai đoạn 2021 - 2025: 02 cửa
hàng, gồm 01 cửa hàng quy mô cấp II tại thị trấn Phú Phong (trên tuyến đường
tránh thị trấn đoạn Tây Xuân - Bình Tường) và 01 cửa hàng cấp III tại xã Bình
Hòa.
Ngoài ra, tập trung cải tạo,
chỉnh trang cơ sở vật chất, đảm bảo các yêu cầu về an toàn phòng chống cháy nổ
và vệ sinh môi trường,… đồng thời hoàn thiện hồ sơ giấy phép kinh doanh đối với
các cửa hàng còn thiếu. Nhu cầu sử dụng đất trong thời kỳ quy hoạch khoảng
6.200m² và nhu cầu về vốn khoảng 15 tỷ đồng.
+ Huyện Phù Cát: Hiện
tại trên địa bàn huyện Phù Cát có 28 cửa hàng xăng dầu, chiếm 10,9% số cửa hàng
xăng dầu toàn tỉnh, bán kính phục vụ bình quân 2,83km, bình quân một cửa hàng
phục vụ 7 nghìn dân.
Quy hoạch đến năm 2025, toàn
huyện sẽ có tổng cộng 46 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, cụ thể như sau:
Nâng cấp, mở rộng: 05 cửa
hàng (bao gồm Cửa hàng xăng dầu Đức Long, Cửa hàng xăng dầu Tuyết Diệp, Cửa
hàng xăng dầu Hợp tác xã Cát Chánh, Cửa hàng xăng dầu Long Phương và Cửa hàng
xăng dầu Tường Quang). Khuyến khích các cửa hàng xăng dầu còn lại đầu tư nâng cấp
trang thiết bị, hệ thống xử lý nước thải, bảo đảm phòng chống cháy nổ và vệ
sinh môi trường.
Quy hoạch mới: 18 cửa hàng
kinh doanh xăng dầu, trong đó:
Giai đoạn 2017 - 2020: Quy
hoạch mới 16 cửa hàng xăng dầu quy mô cấp III tại thị trấn Ngô Mây (02 cửa
hàng), xã Cát Hiệp (02 cửa hàng), Cát Khánh (02 cửa hàng) và các xã Cát Trinh,
Cát Tường, Cát Minh, Cát Hanh, Cát Tiến, Cát Lâm, Cát Thắng mỗi xã 01 cửa hàng
xăng dầu và 03 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Giai đoạn 2021 - 2025: Quy
hoạch mới 02 cửa hàng cấp III tại các xã Cát Hải và Cát Thành.
Nhu cầu đất phát sinh thêm
trong quá trình quy hoạch mới, mở rộng các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn huyện
là 9.500m² với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 38 tỷ đồng.
+ Huyện Tuy Phước: Hiện
tại trên địa bàn huyện Tuy Phước có 25 cửa hàng xăng dầu, chiếm 9,7% tổng số cửa
hàng xăng dầu toàn tỉnh, bán kính phục vụ bình quân 1,7km, bình quân một cửa
hàng phục vụ khoảng 7,6 nghìn người. Về cơ bản, mạng lưới cửa hàng xăng dầu
trên địa bàn huyện Tuy Phước đáp ứng được nhu cầu trong hoạt động kinh tế - xã
hội và tiêu dùng của dân cư. Tuy nhiên trong thời gian tới, quá trình đô thị
hóa trên địa bàn sẽ diễn ra nhanh hơn, kinh tế - xã hội được đẩy mạnh, nhu cầu
tiêu thụ các mặt hàng năng lượng, trong đó có xăng dầu cũng được dự báo là sẽ
gia tăng, do đó ngoài hệ thống cửa hàng xăng dầu hiện có sẽ quy hoạch thêm 10 cửa
hàng xăng dầu, cụ thể như sau:
Nâng cấp, mở rộng: 08 cửa
hàng kinh doanh xăng dầu, gồm Cửa hàng xăng dầu Tấn Phát; Cửa hàng xăng dầu Cầu
Ông Đô; Cửa hàng xăng dầu số 1 (DNTN Thương mại Trường Úc); Cửa hàng xăng dầu
Phước Hòa (thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa); Cửa hàng xăng dầu Phước Hòa (thôn Kim
Xuyên, xã Phước Hòa); Cửa hàng xăng dầu Phước Thuận (thôn Phổ Trạch, xã Phước
Thuận), Cửa hàng xăng dầu Hợp tác xã Phước Quang và Cửa hàng xăng dầu Phước
Hưng. Đối với các cửa hàng xăng dầu còn lại yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thiện
các thủ tục, giấy tờ, các tiêu chuẩn về môi trường, phòng chống cháy nổ đảm bảo
theo quy định.
Quy hoạch mới: 10 cửa hàng
(gồm 02 cửa hàng cấp II và 08 cửa hàng cấp III) cụ thể như sau:
Giai đoạn 2017 - 2020: Quy
hoạch mới 02 cửa hàng xăng dầu quy mô cấp II trên tuyến đường mới tại khu vực
xã Phước Lộc và xã Phước Nghĩa; 07 cửa hàng cấp III tại các xã Phước An, Phước
Hòa, Phước Sơn, Phước Thành, Phước Thắng, Phước Hưng và tuyến Đê Đông, mỗi địa
bàn 01 cửa hàng.
Giai đoạn 2021 - 2025: Quy
hoạch mới 01 cửa hàng quy mô cấp III tại tuyến Đê Đông (khu vực các xã Phước Thắng,
Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận).
Tổng nhu cầu sử dụng đất xây
dựng đến năm 2025 khoảng 11.500m², vốn đầu tư dự kiến khoảng 25 tỷ đồng.
+ Huyện Phù Mỹ: Trên
địa bàn huyện Phù Mỹ hiện có 38 cửa hàng xăng dầu, chiếm 14,1% tổng số cửa hàng
xăng dầu toàn tỉnh, bán kính phục vụ bình quân 2,24km, bình quân một cửa hàng
phục vụ khoảng 4,9 nghìn người. Là huyện có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế
của tỉnh, cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông không ngừng được nâng cấp,
mở rộng, lưu lượng phương tiện đi lại ngày một tăng, đây sẽ là một trong những
yếu tố thuận lợi để phát triển mạng lưới cửa hàng xăng dầu trên địa bàn; theo
đó, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo sẽ nâng tổng số
cửa hàng xăng dầu của huyện lên 55 cửa hàng, cụ thể như sau:
Nâng cấp, mở rộng: Giai đoạn
2017 - 2020, yêu cầu các doanh nghiệp nâng cấp mở rộng 06 cửa hàng xăng dầu đảm
bảo theo quy định, bao gồm: Cửa hàng xăng dầu An Kiều; Cửa hàng xăng dầu Lâm
Văn Thiết (cơ sở 1); Cửa hàng xăng dầu Hai Thảo; Cửa hàng xăng dầu Hoàng Minh;
Cửa hàng xăng dầu Thanh Mai và Cửa hàng xăng dầu Thủy Lợi. Đối với các cửa hàng
còn lại: Tiếp tục rà soát và yêu cầu hoàn thiện hồ sơ, giấy phép, cơ sở vật chất
phục vụ hoạt động kinh doanh đảm bảo theo quy định.
Di chuyển: 01 cửa hàng (Cửa
hàng xăng dầu Bình Long, xã Mỹ Hiệp) do vị trí cửa hàng bị ảnh hưởng bởi giải
phóng mặt bằng Quốc lộ 1, phần diện tích còn lại không đủ điều kiện hoạt động
kinh doanh.
Quy hoạch mới: Quy hoạch mới
17 cửa hàng xăng dầu (06 cửa hàng quy mô cấp II và 11 cửa hàng quy mô cấp III),
cụ thể như sau:
Giai đoạn 2017 - 2020: Quy
hoạch mới 16 cửa hàng xăng dầu, gồm: 06 cửa hàng cấp II tại thị trấn Phù Mỹ (2
cửa hàng), xã Mỹ Trinh (02 cửa hàng), xã Mỹ Phong và xã Mỹ Châu (1 cửa hàng);
10 cửa hàng xăng dầu cấp III tại các xã Mỹ Chánh Tây, Mỹ Thành, Mỹ Hòa, Mỹ Hiệp
(thôn Đại Sơn), Mỹ Chánh (thôn An Lương), 01 tàu kinh doanh xăng dầu trên địa
bàn xã Mỹ An (khu vực thôn Xuân Thạnh) và 04 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Giai đoạn 2021 - 2025: Quy
hoạch mới 01 cửa hàng xăng dầu tại xã Mỹ Hiệp (thôn Vạn Thiện).
Tổng diện tích sử dụng đất để
phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu đến 2025 là 17.600m², nhu cầu vốn đầu
tư dự kiến khoảng 43 tỷ đồng.
+ Huyện Hoài Nhơn: Trên
địa bàn huyện Hoài Nhơn hiện có 51 cửa hàng xăng dầu, Hoài Nhơn là địa phương
có số lượng cửa hàng xăng dầu nhiều nhất trên địa bàn tỉnh, chiếm 19,7% tổng số
cửa hàng xăng dầu toàn tỉnh, bán kính phục vụ bình quân 1,65 km, bình quân một
cửa hàng phục vụ khoảng 4,3 nghìn người. Là huyện có kinh tế biển phát triển với
ngành khai thác và đánh bắt thủy hải sản, mạng lưới cung cấp nhiên liệu cho các
tàu thuyền có vai trò quan trọng và luôn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế
của ngư dân.
Theo đó, quy hoạch đến năm
2025, toàn huyện sẽ có 89 cửa hàng xăng dầu; trong đó: Nâng cấp cải tạo đối với
06 cửa hàng, di chuyển 01 cửa hàng và quy hoạch mới 38 cửa hàng, cụ thể như
sau:
Nâng cấp, mở rộng: 06 cửa
hàng, gồm: Cửa hàng xăng dầu Tuyết Nhung; Cửa hàng xăng dầu số 23 (Công ty Xăng
dầu Bình Định); Cửa hàng xăng dầu số 1 và Cửa hàng xăng dầu số 3 (Xí nghiệp
Xăng dầu Hoài Nhơn), Cửa hàng xăng dầu Phú Liễu 2, Cửa hàng xăng dầu Hoài Đức
(DNTN Thương mại dịch vụ Hoài Đức).
Di chuyển: Giai đoạn 2017 -
2020, tiến hành di chuyển cửa hàng xăng dầu Minh Chánh (thôn An Dưỡng, xã Hoài
Tân) đến vị trí mới tại trên tuyến Quốc lộ 1 tại thôn Công Thạnh, xã Tam Quan Bắc
do vị trí cũ không bảo đảm về diện tích.
Quy hoạch mới: Hoài Nhơn là
huyện có thế mạnh về khai thác và đánh bắt thủy hải sản của tỉnh, trong thời
gian tới, số lượng và quy mô các loại tàu cá của ngư dân có xu hướng tiếp tục
gia tăng, do đó bên cạnh việc quy hoạch mới những cửa hàng xăng dầu trên cạn phục
vụ sản xuất và nhu cầu của người dân, cũng cần tập trung phát triển các tàu
kinh doanh xăng dầu (hoặc những cửa hàng xăng dầu tại khu vực bến cá) phục vụ
các đội tàu của ngư dân trong vùng. Theo đó, đến năm 2025 sẽ quy hoạch thêm 38
cửa hàng xăng dầu (gồm 03 cửa hàng cấp II và 35 cửa hàng cấp III), cụ thể như
sau:
Giai đoạn 2017 - 2020: Quy
hoạch mới 35 cửa hàng xăng dầu, gồm 03 cửa hàng cấp II tại thị trấn Bồng Sơn,
xã Tam Quan Bắc, xã Hoài Châu Bắc và 32 cửa hàng quy mô cấp III, trong đó, trên
địa bàn xã Tam Quan Bắc (gồm 04 tàu kinh doanh xăng dầu thuộc khu vực thôn Thiện
Chánh và 02 cửa hàng xăng dầu dọc bờ sông khu vực neo đậu tàu thuyền thôn Công
Thạnh) phục vụ tàu cá, 13 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá và 13 cửa hàng xăng dầu nằm
dọc theo các tuyến đường tỉnh và các giao lộ nông thôn trên địa bàn huyện.
Giai đoạn 2021 - 2025: Quy
hoạch mới 03 cửa hàng xăng dầu, trong đó 03 cửa hàng trên địa bàn xã Tam Quan Bắc
(gồm 02 cửa hàng quy mô cấp III tại khu Gò Dài, phục vụ hoạt động nghề cá và 01
tàu kinh doanh xăng dầu khu vực thôn Thiện Chánh).
Tổng nhu cầu diện tích đất đối
với quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn huyện Hoài Nhơn đến năm
2025 là 17.200m², nhu cầu về vốn khoảng 80,5 tỷ đồng.
+ Huyện Vân Canh: Trên
địa bàn huyện Vân Canh hiện có 05 cửa hàng xăng dầu, chiếm 2% tổng số cửa hàng
xăng dầu toàn tỉnh; bán kính phục vụ bình quân 7,14 km, bình quân một cửa hàng
xăng dầu phục vụ khoảng 5 nghìn người.
Quy hoạch mới: 06 cửa hàng
xăng dầu trên địa bàn.
Giai đoạn 2017 - 2020: Quy
hoạch mới 05 cửa hàng xăng dầu đạt quy mô cấp III tại thị trấn Vân Canh và các
xã Canh Hòa, Canh Thuận, Canh Vinh và Canh Liên; 01 cửa hàng xăng dầu quy mô cấp
II tại xã Canh Vinh.
Tổng nhu cầu sử dụng đất đối
với việc phát triển mới các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn huyện Vân Canh đến
năm 2025 là 6.400m² và nhu cầu về vốn khoảng 13,5 tỷ đồng.
+ Huyện Vĩnh Thạnh: Trên
địa bàn huyện Vĩnh Thạnh hiện có 05 cửa hàng xăng dầu, chiếm 2% tổng số cửa
hàng xăng dầu toàn tỉnh; bán kính phục vụ bình quân 6,78km, bình quân một cửa
hàng phục vụ khoảng 5,7 nghìn người. Là một trong ba huyện có số lượng cửa hàng
xăng dầu ít nhất trong tỉnh, khoảng cách giữa các cửa hàng xăng dầu tương đối
xa, gây khó khăn cho người dân trong việc tiêu thụ mặt hàng xăng dầu.
Quy hoạch mới: 05 cửa hàng
xăng dầu quy mô cấp III, trong đó:
Giai đoạn 2017 - 2020: Quy
hoạch mới 02 cửa hàng xăng dầu thuộc xã Vĩnh Kim và Vĩnh Sơn.
Giai đoạn 2021 - 2025: Quy
hoạch mới 03 cửa hàng xăng dầu, chủ yếu phân bố dọc theo tuyến đường ĐT.637 thuộc
địa phận các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Thuận và Vĩnh Quang.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây
dựng hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2025 khoảng
10 tỷ đồng và nhu cầu sử dụng đất là 3.000m².
+ Khu kinh tế Nhơn Hội: Hiện
tại trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội có 04 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động,
phục vụ nhu cầu sản xuất công nghiệp cũng như nhu cầu tiêu thụ của nhân dân.
Giai đoạn từ nay đến năm 2025, với định hướng sẽ tiếp tục mở rộng khu kinh tế,
đồng thời để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu về mặt hàng xăng dầu ngày một gia tăng
sẽ quy hoạch mới 10 cửa hàng xăng dầu, trong đó: 04 cửa hàng xăng dầu thuộc địa
phận Khu kinh tế hiện hữu (2 cửa hàng giai đoạn 2017 - 2020 và 2 cửa hàng giai
đoạn 2021 - 2025) và 06 cửa hàng xăng dầu tại khu vực dự kiến sẽ mở rộng (04 điểm
dọc theo tuyến đường mới, đoạn từ Quốc lộ 1 đến Khu kinh tế Nhơn Hội và 02 điểm
thuộc xã Nhơn Hải và Nhơn Hội (Nút giao thông Nhơn Lý, Nhơn Hội, Cát Tiến).
Nhu cầu diện tích đất xây dựng
khoảng 4.800m² và nhu cầu vốn đầu tư khoảng 21,5 tỷ đồng.
+ Tuyến đường cao tốc Bắc
- Nam:
Quy hoạch mạng lưới cửa hàng
xăng dầu trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết
định số 6183/QĐ-BCT ngày 08/7/2014; theo đó, trên đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh
Bình Định, sẽ quy hoạch mới 04 cửa hàng xăng dầu quy mô cấp II, cụ thể như sau:
Quy hoạch mới 02 cửa hàng
xăng dầu trên đoạn tuyến Quảng Ngãi - Bình Định và 02 cửa hàng xăng dầu trên đoạn
tuyến Bình Định - Nha Trang với tổng nhu cầu về diện tích đất là 12.000m² và
nhu cầu vốn đầu tư khoảng 14 tỷ đồng.
(Chi tiết tại Phụ lục 01
đính kèm)
b. Quy hoạch kho xăng
dầu
Quan điểm phát triển đối với
xây mới các kho xăng dầu là tập trung xây dựng tại những nơi có điều kiện về cơ
sở hạ tầng giao thông, bến cảng, có triển vọng phát triển kinh tế,…
Theo đó, trong thời kỳ quy
hoạch, tốc độ đô thị hóa và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn được dự báo
là sẽ tăng nhanh chóng, định hướng đến năm 2025 và những năm tiếp theo sẽ quy
hoạch thêm 02 kho trung chuyển xăng dầu (01 kho tại khu vực Cảng Đống Đa, thành
phố Quy Nhơn và 01 kho thuộc địa bàn huyện Hoài Nhơn) với quy mô sử dụng đất của
mỗi kho vào khoảng 02 ha, dung tích bể chứa 5.000m³ và nhu cầu vốn đầu tư khoảng
60 tỷ đồng.
Ngoài ra, tiến hành đầu tư
nâng cấp kho dự trữ của Công ty Bảy Cường (nhu cầu vốn khoảng 8 tỷ đồng) và mở
rộng kho xăng dầu Quy Nhơn của Công ty Xăng dầu Bình Định, nâng tổng dung tích
bể chứa thêm 10.000m³ với nhu cầu về vốn khoảng 20 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu
cầu cung ứng cho các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh Tây
Nguyên, giai đoạn 2017 - 2020 sẽ khuyến khích, kêu gọi đầu tư thêm 04 kho trung
chuyển xăng dầu với dung tích bể chứa khoảng 5.000m³/kho trên địa bàn thành phố
Quy Nhơn; xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn; Khu kinh tế Nhơn Hội và khu vực thị
trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn.
(Chi tiết tại Phụ lục 02
đính kèm)
5. Giải pháp thực hiện
quy hoạch
Để triển khai thực hiện Quy hoạch
phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu, kho xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bình Định
đến năm 2025, có các giải pháp chủ yếu sau:
- Giải pháp về chính sách,
nguồn lực và vốn đầu tư phát triển hệ thống cửa hàng và kho xăng dầu trên địa
bàn tỉnh.
- Giải pháp về phát triển hệ
thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh từ phía các doanh nghiệp.
- Giải pháp nâng cao năng lực
quản lý nhà nước và quản lý của đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
- Giải pháp về phòng cháy chữa
cháy và bảo vệ môi trường.
Điều 2.
Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban
ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công bố và
triển khai các nội dung của Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu,
kho xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2025 đảm bảo theo quy định.
Điều 3.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Công
Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Tài nguyên
và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Cảnh
sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh; Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế; Chủ tịch
UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phan Cao Thắng
|