Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 142/QĐ-TTg 2015 Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Tiền Giang đến 2020 2030

Số hiệu: 142/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 28/01/2015 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 142/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH TIỀN GIANG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang phải đặt trong mối quan hệ hữu cơ với định hướng phát triển chung cả nước, Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực trong mối quan hệ tổng thể, kết nối với các tỉnh trong không gian kinh tế mở với bên ngoài.

2. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng tiến tới đồng bộ và từng bước hiện đại, nhất là hạ tầng đô thị thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy, các vùng trọng điểm, các trung tâm huyện lỵ, nhằm tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH); tạo cơ hội để phát triển mạnh kinh tế đối ngoại; thu hút nguồn lực từ bên ngoài đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

3. Phát triển nhanh các ngành kinh tế, tạo ra bước đột phá về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất trong từng ngành, từng lĩnh vực, tạo điều kiện sớm hình thành các lãnh thổ trọng điểm; phát triển nhanh công nghiệp, du lịch và dịch vụ, đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là một khâu đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh; coi trọng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, quy mô hàng hóa lớn; phát triển mạnh và toàn diện kinh tế biển, ven biển; gắn Tiền Giang trong mối quan hệ tổng thể với các tỉnh trong Vùng và các đô thị của Vùng ĐBSCL, Vùng KTTĐ phía Nam và tiểu Vùng sông Mê Kông mở rộng để phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch.

4. Xây dựng thành phố Mỹ Tho với chức năng trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh giai đoạn đến năm 2020; xây dựng thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy thành đô thị loại III. Đồng thời, cải tạo, nâng cấp và phát triển hệ thống đô thị, các thị tứ trở thành các trung tâm kinh tế phát triển với chức năng hạt nhân thúc đẩy và lan tỏa tới các vùng nông thôn trong tỉnh phát triển.

5. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các tỉnh, thành phố phát triển trong nước và ở nước ngoài về xây dựng quê hương, khuyến khích cùng làm giàu chính đáng cho mình và xã hội; có cơ chế tạo công bằng xã hội trong phát triển giáo dục, đào tạo nhất là đào tạo đội ngũ công chức, công nhân và lao động kỹ thuật, đội ngũ chuyên gia về công nghệ và quản lý, đội ngũ các doanh nhân.

6. Gắn chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế với chỉ tiêu công bằng xã hội nhằm tạo việc làm, giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân; chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập kinh tế trong cả nước, khu vực và quốc tế, tận dụng tối đa các cơ hội để phát triển; phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững ổn định chính trị và an toàn, trật tự xã hội. Chủ động phòng ngừa những ảnh hưởng, tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển kinh tế Tiền Giang với tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế cơ cấu lao động. Đến năm 2020, phấn đấu xây dựng Tiền Giang trở thành một trong những tỉnh phát triển kinh tế - xã hội mạnh trong Vùng ĐBSCL, là một cực phát triển của Vùng KTTĐ phía Nam, là một đầu mối phát triển dịch vụ vận tải, du lịch của Vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng tiến tới đồng bộ và từng bước hiện đại; đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, có nền văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc; có nền quốc phòng - an ninh vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về kinh tế

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 9 - 10%/năm (giá so sánh 2010).

- Cơ cấu kinh tế năm 2020: Công nghiệp - Xây dựng chiếm 35 - 35,5%; Dịch vụ chiếm 36,1 - 37% và Nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 27,5-28,9%.

- Thu nhập bình quân đầu người (giá thực tế) năm 2020 đạt khoảng 74­78 triệu đồng. Rút ngắn dần khoảng cách so với cả nước về GDP/người.

- Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt khoảng 3.400 triệu USD.

- Phấn đấu thu ngân sách năm 2020 đạt trên 9.000 tỷ đồng.

b) Về văn hóa xã hội

- Tốc độ phát triển dân số trung bình khoảng 0,8%/năm; giảm tỷ lệ sinh bình quân hàng năm 0,1‰ trong giai đoạn 2016 - 2020. Dân số trung bình đến năm 2020 là 1.800 ngàn người.

- Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 30 - 35%.

- Giải quyết việc làm cho 18.000 - 19.000 lao động/năm giai đoạn 2016 - 2020.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo vào năm 2020 là 51%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 40%.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3% vào năm 2020, bình quân mỗi năm giảm khoảng 0,5% trong giai đoạn 2016 - 2020 (chuẩn nghèo áp dụng theo quy định hiện hành).

- Phấn đấu tỷ lệ xã cơ bản đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới là 50% vào năm 2020.

- Phấn đấu đến năm 2020, 100% trạm y tế xã có bác sĩ; số bác sĩ/vạn dân đạt 8 - 9 bác sĩ; số giường bệnh/vạn dân đạt 25 giường bệnh; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 12%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí về y tế xã là 100%.

- Đến năm 2020, tỷ lệ huy động so với dân số trong độ tuổi: nhà trẻ là 20%, mẫu giáo 85%, tiểu học 99%, trung học cơ sở 98%, trung học phổ thông đạt 60%.

- Tỷ lệ hộ được sử dụng điện 100% vào năm 2015 và tiếp tục nâng cao chất lượng những năm tiếp theo.

- Đến năm 2020, mật độ thuê bao internet đạt 7 thuê bao/100 dân.

- Đến năm 2020, mỗi huyện có một trung tâm văn hóa, thể thao; 95% hộ gia đình và 95% số khóm ấp - khu phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa và 100% xã xây dựng thiết chế văn hóa.

c) Về bảo vệ môi trường

- Đến năm 2020, trên 90% dân số nông thôn sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung; 95% chất thải rắn được thu gom, xử lý; 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

- Phòng chống, hạn chế tối đa sự suy kiệt và ô nhiễm các nguồn tài nguyên; có các giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

d) Về an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội

- Hoàn chỉnh hệ thống phòng thủ, tiếp tục xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, đảm bảo an ninh nhân dân, trật tự an toàn xã hội và đề cao pháp chế xã hội chủ nghĩa.

- Tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội tại cơ sở, phòng, chống các tệ nạn xã hội; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tiến tới xây dựng các địa bàn trở thành địa bàn văn minh, lịch sự, có đời sống văn hóa, xã hội lành mạnh.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục và vận động quần chúng chấp hành nghiêm chỉnh Luật pháp nhằm hạn chế, đẩy lùi các tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông.

- Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội.

3. Tiếp tục hình thành 5 đột phá chiến lược

a) Hình thành các cực tăng trưởng, vùng trọng điểm: Xây dựng các khu công nghiệp (KCN) tập trung ở các khu vực Đông Nam Tân Phước, Gò Công; khu vực phát triển công nghiệp xay xát lúa gạo, chế biến hàng nông sản ở khu vực Cái Bè - Cai Lậy... gắn với hệ thống các KCN tập trung của Vùng KTTĐ phía Nam và đầu tư phát triển có hiệu quả các cụm công nghiệp, góp phần tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động. Đây là bước đột phá quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong thời kỳ quy hoạch.

b) Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và từng bước hiện đại ở cả đô thị và nông thôn: Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút các dự án đầu tư; nâng cấp hệ thống giao thông bao gồm cả đường bộ, đường thủy và mạng lưới giao thông nông thôn; hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc; hoàn chỉnh mạng cấp điện và cấp thoát nước, xử lý ô nhiễm môi trường, đáp ứng nhu cầu của một trung tâm kinh tế cấp vùng.

c) Tập trung đầu tư để hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực trong những ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh (nhất là sản phẩm nông nghiệp, du lịch) nhằm tạo ra thế và lực cho sự phát triển lâu dài của tỉnh. Hình thành các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu và tiêu dùng, đặc biệt là vành đai lương thực, thực phẩm, rau quả hàng hóa cho Vùng KTTĐ phía Nam, nhất là TP. Hồ Chí Minh; nâng cấp và xây dựng mới các trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất sạch và an toàn... m hạt nhân lan tỏa trong vùng Bắc sông Tiền về phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

d) Đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, phát triển các đô thị trung tâm, đô thị ngoại vi và các điểm dân cư nông thôn nhằm tạo ra một bức tranh phân bố dân cư mới. Cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng TP Mỹ Tho cho tương xứng với đô thị loại I - trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Bắc sông Tiền; chỉnh trang, nâng cấp, phát triển thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy đạt đô thị loại III, các thị trấn; hình thành các khu dân cư, khu đô thị - dịch vụ mới gắn với các KCN tập trung ở khu vực Đông Nam Tân Phước, Gò Công; xây dựng hoàn chỉnh các cụm, tuyến dân cư trong vùng lũ.

đ) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ của tỉnh đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng CNH - HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển các cơ sở đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo cho tỉnh và một số địa phương khác.

III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH VÀ LĨNH VỰC

1. Nông - lâm - ngư nghiệp

a) Nông nghiệp: Tập trung xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa cây trồng và vật nuôi chủ lực có lợi thế cạnh tranh; huy động hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai ứng dụng khoa học công nghệ nhằm xây dựng tiêu chuẩn nuôi trồng và nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm, từng bước xây dựng và phát triển các khu, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ canh tác, chế biến đến tiêu thụ. Trước mắt, quy hoạch, đầu tư, thu hút đầu tư khai thác phát triển hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô khoảng 100 ha.

- Trồng trọt: Đến năm 2020 diện tích (DT) canh tác lúa dự kiến còn khoảng 78.000 ha, diện tích gieo trồng lúa đạt tối đa 201.500 ha; năng suất đạt khoảng 5,8 tấn/ha/vụ; sản lượng lúa dự kiến đạt 1.170.000 tấn.

Xây dựng vùng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích gieo trồng vào năm 2020 dự kiến 45.200 ha; năng suất gieo trồng đạt khoảng 17 tấn/ha; sản lượng đạt khoảng 768.400 tấn.

Hỗ trợ và khuyến khích nâng cao năng suất, chất lượng các cây trồng chủ lực và có lợi thế của tỉnh. Đến năm 2020 diện tích cây ăn trái dự kiến khoảng 74.000 ha, dừa khoảng 13.500 ha, ca cao khoảng 3.000 ha; phát triển cây kiểng (Gò Công), cây mai vàng (Tân Phước, Châu Thành và Cai Lậy...) để cung ứng cho thị trường trong nước và nước ngoài; tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn kết hợp với du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.

- Chăn nuôi: Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo vùng, khu vực tập trung với quy mô trang trại, công nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Cơ bản đến năm 2020, các sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo quy trình công nghệ tiên tiến, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung tại khu vực huyện Tân Phước.

b) Lâm nghiệp

- Quản và sử dụng có hiệu quả hệ thống rừng phòng hộ ven biển 3.146 ha, rừng phòng hộ sinh thái Đồng Tháp Mười là 549 ha và rừng sản xuất 6.012 ha. Triển khai dự án gây bồi tại vùng bãi triều nhằm mở rộng đất rừng phòng hộ. Trồng rừng mới 1.530 ha cho giai đoạn 2016 - 2020.

- Trồng cây phân tán bình quân 2,3 - 2,4 triệu cây/năm. Nâng cao nguồn thu từ các giá trị môi trường rừng thông qua cơ chế phát triển sạch, du lịch sinh thái, phòng hộ chống xói lở bờ biển.

c) Thủy sản

- Tập trung xây dựng các vùng nuôi cá tra, tôm nước mặn, lợ với tỷ lệ thâm canh thích hợp, khai thác nghêu, sò; gia tăng hiệu quả khai thác thủy hải sản theo hướng tăng tỷ trọng đánh bắt xa bờ và nâng cao chất lượng thủy hải sản đánh bắt kết hợp với bảo vệ an ninh quốc gia trên biển; tích cực bảo vệ nguồn lợi thủy sản nội địa và ven bờ.

- Xây dựng phát triển vùng nuôi tôm nước mặn, lợ - một vụ lúa nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích nghi với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, đảm bảo hiệu quả và bền vững.

Nuôi trồng: Đến năm 2020, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản dự kiến đạt 15.000 ha, tăng bình quân 1,3%/năm, trong đó diện tích nuôi thủy sản nước ngọt đạt 7.000 ha, diện tích mặt nước nuôi thủy sản nước lợ, mặn đạt: 8.000 ha.

Đánh bắt: Đối với đánh bắt biển, khai thác kết hợp với bảo vệ nguồn lợi và ngư trường; khai thác tối ưu tiềm năng cá, bao gồm cá nổi, cá đáy, tôm và các đặc sản biển cả về chất lượng lẫn số lượng. Đồng thời, phát triển đánh bắt xa bờ một cách hợp lý và bền vững trên cơ sở cải hoán phương tiện đánh bắt và từng bước ứng dụng công nghệ, trang thiết bị tiên tiến trong đánh bắt, giảm dần đánh bắt ven bờ để tạo điều kiện tái tạo nguồn lợi.

Đối với đánh bắt nội địa, khai thác tiềm năng thủy sản một cách hợp lý, kết hợp chặt chẽ với việc bảo vệ nguồn lợi và môi trường.

2. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

- Tiếp tục phát triển công nghiệp, tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tập trung vào các ngành chế biến nông, lâm sản, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Làm thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp.

- Đến năm 2020, tỉnh sẽ có 7 khu công nghiệp và 27 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 3.085 ha. Định hướng trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục hoàn chỉnh hạ tầng và thu hút đầu tư để lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp 04 khu công nghiệp; đồng thời tiếp tục triển khai thêm 03 khu, 23 cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện, thị.

3. Thương mại - dịch vụ

- Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có thế mạnh của tỉnh như du lịch, bán buôn, bán lẻ các mặt hàng hàng nông sản, thủy hải sản. Tiếp tục mở rộng thị trường hàng hóa và cung cấp dịch vụ đến các vùng nông thôn.

- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các dịch vụ bưu chính, viễn thông nhằm hỗ trợ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin cho nhân dân; chú trọng đưa các dịch vụ viễn thông về nông thôn. Đẩy mạnh các dịch vụ tín dụng, ngân hàng đáp ứng tốt nhu cầu vốn đầu tư phát triển.

- Tập trung phát triển 4 trung tâm thương mại tại khu vực thành phố Mỹ Tho, Gò Công, Cai Lậy, Cái Bè; đặc biệt từng bước phát triển, hình thành đô thị - dân cư - thương mại - dịch vụ - khoa học kỹ thuật Trung Lương phục vụ khu vực Bắc ĐBSCL và gắn liền với các khu, cụm công nghiệp chủ yếu của tỉnh.

- Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mạng lưới các chợ trung tâm, chợ đầu mối các bến hàng hóa, bến ghe thuyền... tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế hàng hóa, tăng thu nhập và mở rộng nguồn thu cho ngân sách. Ưu tiên phát triển chợ ở vùng ven đô thị, những vùng đô thị mới hình thành gắn với việc xây dựng và hình thành trung tâm hành chính - kinh tế - văn hóa - xã hội.

- Tập trung phát triển các dịch vụ hỗ trợ sản xuất như: dịch vụ cảng biển, logistic, viễn thông quốc tế, dịch vụ thông tin tư vấn, dịch vụ tài chính ngân hàng...

- Phát triển du lịch đặt trong tổng thể du lịch vùng ĐBSCL, Đông Nam Bộ và cả nước, mà trước hết là gắn với tam giác du lịch phía Nam và địa bàn KTTĐ phía Nam (TP. Hồ Chí Minh - Bà Rịa Vũng Tàu - Đà Lạt). Phấn đấu đến năm 2020, lượng khách du lịch đạt khoảng 2-2,2 triệu người, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 1 triệu người.

Tiếp tục đầu tư phát triển những địa điểm có tiềm năng du lịch thành những điểm du lịch và giải trí (cảnh quan Sông Tiền, bãi biển, các cù lao, Đồng Tháp Mười, vườn cây ăn trái, các di tích văn hóa lịch sử...); phát triển hạ tầng du lịch và dịch vụ cần thiết để thu hút khách du lịch.

Phát triển kế hoạch tiếp cận thị trường và tăng cường công tác tuyên truyền quảng cáo để thu hút khách du lịch quốc tế. Tăng cường phát triển chương trình hợp tác du lịch trong và ngoài nước để tổ chức các tuyến du lịch nội tỉnh và liên tỉnh.

Khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước vào việc nâng cấp hệ thống cơ sở lưu trú khách sạn của tỉnh và phát triển những địa điểm giải trí. Hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, đặc biệt các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp truyền thống và các món ăn đặc sản.

- Khuyến khích phát triển các lĩnh vực dịch vụ sau:

+ Dịch vụ vận tải và logistic, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm...

+ Các dịch vụ khác, phát huy vị thế liền kề TP. Hồ Chí Minh, tập trung phát triển mạnh các loại hình dịch vụ như: dịch vụ cải tiến kỹ thuật, dịch vụ pháp luật, dịch vụ thông tin, chuyển giao công nghệ, dịch vụ văn hóa - vui chơi nghỉ cuối tuần... Phối hợp cùng với TP. Hồ Chí Minh phát triển mạnh các loại dịch vụ bảo hiểm, thương mại và dịch vụ khoa học công nghệ... Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ để đáp ứng nhu cầu sản xuất, đô thị hóa và đời sống, tăng phần đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

4. Phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội

- Đầu tư nâng cấp các cơ sở, chú trọng đào tạo nghề dài hạn, nâng cao chất lượng dạy nghề; giải quyết việc làm cho người lao động, đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Tập trung đầu tư phát triển các cơ sở đào tạo trọng điểm của tỉnh như: trường Đại học Tiền Giang, trường Cao đẳng Y tế, trường Cao đẳng nghề, các trường trung cấp nghề khu vực phía Tây và phía Đông…

- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, chất lượng dạy và học; thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở.

- Đầu tư, thu hút đầu tư xây dựng, hình thành đồng bộ các cơ sở khám chữa bệnh; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; chủ động phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

- Bảo vệ chăm sóc trẻ em và người cao tuổi. Tuyên truyền nâng cao nhận thức vị trí, vai trò và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình và trong toàn xã hội về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tôn trọng và đảm bảo cho trẻ em thực hiện các quyền và bổn phận trong gia đình và xã hội, đảm bảo cho trẻ em được bảo vệ an toàn, học hành, chăm sóc sức khỏe phát triển mọi mặt về thể lực, trí lực. Bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và phát triển thanh niên.

- Tiếp tục đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống các đối tượng chính sách thông qua các hoạt động đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, nâng cao đời sống các đối tượng chính sách...

5. Khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường

a) Khoa học và công nghệ

- Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ những giống lúa, cây ăn trái có ưu thế về chất lượng và phù hợp từng vùng sinh thái; hình thành những mô hình chuyên canh cây ăn trái tập trung, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng nông sản từ khâu canh tác cho đến khi thu hoạch.

- Hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp, đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong chế biến rau quả, thức ăn gia súc, thịt gia súc gia cầm...

- Chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng dần tỉ lệ cơ giới trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã để góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

- Nghiên cứu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời khai thác sử dụng các dạng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo nhằm khai thác tài nguyên hợp lý và bảo vệ môi trường.

- Nghiên cứu nâng cao chất lượng và hạ giá thành các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn. Giải quyết các vấn đề thoát nước đô thị, xử lý nước thải, quản lý, quy hoạch đô thị.

b) Bảo vệ môi trường

- Bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên (trước hết quỹ đất, tài nguyên nước mặt và nước ngầm), cảnh quan thiên nhiên và các không gian đô thị, văn hóa, du lịch công nghiệp, nông nghiệp sinh thái và dải ven biển theo hướng phát triển bền vững.

- Xây dựng hoàn chỉnh dần hệ thống xử lý rác thải, chất thải (gồm cả chất thải rắn, nước thải và không khí). Thu hút đầu tư xây dựng 02 khu xử lý rác tập trung tại huyện Tân Phước và khu vực Gò Công.

- Tiếp tục triển khai chương trình quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu và có các giải pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

6. Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật

a) Về giao thông

- Mạng lưới đường bộ: Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh, có quy mô tải trọng đồng bộ trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện và hệ thống giao thông thủy bộ phục vụ các khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch. Nghiên cứu giải pháp đầu tư cầu thay cho một số bến phà qua các vùng cù lao nhất là khu vực đô thị và các khu vực phát triển; cải tạo nâng cấp đồng bộ, bổ sung đấu nối hệ thống cầu để liên thông giữa các tuyến đường tỉnh; đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước dọc đường tỉnh qua khu vực đô thị, xây dựng các tuyến đường vào các khu, cụm công nghiệp, đường nhánh kết nối với hệ thống đường quốc lộ, đường cao tốc, tỉnh lộ; đường tránh của các tuyến Quốc lộ qua các đô thị.

- Đường thủy: Hoàn thành nâng cấp các tuyến thủy nội địa chính đạt cấp kỹ thuật quy định; tập trung cải tạo, nâng cấp một số đoạn tuyến quan trọng; tăng chiều dài các đoạn, tuyến sông được quản lý khai thác. Đầu tư chiều sâu, nâng cấp và xây dựng mới các cảng đầu mối, bến hàng hóa và hành khách (xem xét bãi bỏ các bến nhỏ, lẻ không an toàn và không cần thiết). Các cụm cảng địa phương bố trí các cơ sở công nghiệp giao thông vận tải nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các cảng. Nạo vét và khai thông luồng lạch các kênh trục lớn có giá trị giao thông, hoàn thành hệ thống bến bãi hàng hóa và ghe thuyền cho các huyện, đầu tư chiều sâu và nâng cấp cảng Mỹ Tho trở thành cảng khu vực có năng lực thông qua trên 500.000 tấn/năm. Mời gọi đầu tư các dự án khu dịch vụ hậu cần cảng biển tổng hợp năng lượng Tiền Giang tại Gò Công Đông, Cảng Lê Thạch, Cảng nông sản thực phẩm, Cảng hành khách Mỹ Tho; hỗ trợ triển khai dự án Cảng quốc tế Nam Sài Gòn...

- Đường sắt: Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương trong việc nghiên cứu triển khai xây dựng tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ theo quy hoạch ngành đường sắt tại Quyết định số 1686/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển GTVT đường sắt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

b) Bưu chính viễn thông

- Phát triển cơ sở hạ tầng bưu chính viễn thông với công nghệ hiện đại, có độ bao phủ rộng với thông lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao, đảm bảo an toàn an ninh thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

- Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng các nghiệp vụ truyền thông hiện có, đặc biệt đến các vùng sâu vùng xa, đồng thời phát triển thêm các nghiệp vụ mới để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của khách hàng và các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

- Tiến hành cáp quang hóa mạng truyền dẫn từ tổng đài HOST đến các bưu cục cấp 3; từng bước chuyển đổi, mạng liên kết số (IDN) sang mạng liên kết đa dịch vụ (ISDN).

c) Mạng lưới điện

Tiếp tục đầu tư phát triển và cải tạo hệ thống lưới điện trung, hạ thế và trạm đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Dự báo sản lượng điện tiêu thụ đến năm 2020 đạt 5.213 triệu KWh; điện thương phẩm chung bình quân là 2.894 KWh/người.

d) Cấp thoát nước và rác thải

- Tiếp tục đầu tư hệ thống cấp, thoát nước và xử lý nước thải, rác thải gắn liền với công tác quy hoạch xây dựng cải tạo, nâng cấp và phát triển thành phố, các thị xã, thị trấn, thị tứ, các khu dân cư tập trung. Chú trọng vấn đề cấp thoát nước và xử lý nước thải, rác thải của các khu, cụm, điểm công nghiệp các bệnh viện, trường học. Quy hoạch, đầu tư, thu hút đầu tư các khu xử lý nước thải, rác thải cho đô thị, khu vực phát triển công nghiệp, dịch vụ...

- Tiến hành rà soát quy hoạch hệ thống cấp nước nông thôn gắn liền với việc quản lý khai thác, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước ngầm.

- Tiếp tục hỗ trợ và khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống cấp nước và nâng cao chất lượng nước cho khu vực nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020, giải quyết 100% dân cư nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

đ) Quy hoạch thủy lợi

- Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi kiểm soát lũ triệt để nhằm gia tăng hơn nữa diện tích được chủ động kiểm soát lũ ở khu vực được quy hoạch trồng cây ăn trái và trồng khóm thuộc vùng ảnh hưởng lũ của tỉnh. Từng bước thực hiện kiểm soát lũ cho khu vực trồng lúa ở phía Bắc Quốc lộ 1A.

- Nâng mức bảo đảm tưới, tiêu, cấp nước, ngăn mặn. Từng bước hoàn thiện các hệ thống thủy lợi bảo đảm cấp đủ nước đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, sản xuất, trong đó chú trọng đến các khu vực xa công trình đầu mối, đặc biệt là tại vùng ngọt hóa Gò Công, vùng Bảo Định và huyện Tân Phú Đông. Tăng khả năng chủ động ngăn ngập, tiêu úng, kiểm soát mặn nhằm tăng hơn nữa diện tích được bảo đảm an toàn khi có nguy cơ bị ngập úng, bị mặn xâm nhập do tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến bất thường và do tác động của biến đổi khí hậu - nước biển dâng.

- Chủ động phòng, chống, giảm nhẹ tác hại của thiên tai. Nâng cao mức an toàn trong phòng chống thiên tai, chủ động phòng chống, né tránh hoặc thích nghi để bảo đảm an toàn sinh mạng, tài sản của người dân và của nhà nước. Từng bước nâng cấp hệ thống đê biển, đê cửa sông phù hợp với tầm quan trọng của khu vực được bảo vệ. Phòng chống xói lở, tăng mức an toàn trong việc bảo vệ, ổn định bờ sông, kênh rạch do ngành quản lý.

- Từng bước nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành khai thác các công trình và hệ thống thủy lợi, bảo đảm phát huy tối đa năng lực thiết kế.

7. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội

- Tiếp tục củng cố và xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh. Tập trung lực lượng Bộ đội biên phòng làm tốt chức năng quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự trên khu vực biên giới biển của tỉnh.

- Thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chiến lược an ninh quốc gia trong tình hình mới, về công tác đảm bảo an ninh - quốc phòng vùng Tây Nam Bộ, về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác công an trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh trật tự, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

8. Phương hướng tổ chức không gian phát triển

a) Phân vùng phát triển

- Vùng kinh tế - đô thị trung tâm: Bao gồm thành phố Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo và huyện Châu Thành. Trong đó, thành phố Mỹ Tho vừa là đô thị trung tâm vùng tỉnh Tiền Giang, vừa là đô thị vệ tinh, là cực phát triển phía Tây Nam vùng TP. Hồ Chí Minh, cực phát triển phía Bắc của vùng ĐBSCL. Nghiên cứu từng bước hình thành thị xã Tân Hiệp trên cơ sở tách ra từ huyện Châu Thành.

Định hướng phát triển: Phát triển đô thị, dân cư, giáo dục đào tạo, y tế cấp tiểu vùng phía Tây Nam vùng TP. Hồ Chí Minh, phía Bắc của vùng ĐBSCL và vùng tỉnh; phát triển công nghiệp chế biến nông thủy sản, thương mại - dịch vụ, du lịch sinh thái cù lao trên sông Tiền, du lịch văn hóa, lịch sử cấp quốc gia; phát triển nông nghiệp công nghệ cao trồng hoa cây cảnh, rau an toàn.

- Vùng kinh tế - đô thị phía Đông: Gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây và huyện Tân Phú Đông; là vùng phát triển năng động thứ 2 của tỉnh Tiền Giang, trong đó thị xã Gò Công là đô thị hạt nhân. Định hướng phát triển: Phát triển kinh tế biển, phát triển công nghiệp cơ khí, dịch vụ cảng, logistic, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái biển, bảo tồn rừng ngập mặn. Sau năm 2020, sẽ hình thành khu kinh tế biển.

- Vùng kinh tế - đô thị phía Tây: Gồm thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè và huyện Tân Phước; trong đó, thị xã Cai Lậy là đô thị hạt nhân. Định hướng phát triển: Phát triển công nghiệp chế biến nông sản (lúa gạo, trái cây); nông nghiệp công nghệ cao; phát triển thương mại dịch vụ, chợ đầu mối nông sản; du lịch sinh thái cảnh quan vườn cây ăn trái và vùng Đồng Tháp Mười.

b) Định hướng phát triển đô thị

- Đô thị trung tâm vùng: Tập trung đầu tư, thu hút đầu tư phát triển 03 đô thị trung tâm 03 vùng của tỉnh: thành phố Mỹ Tho đô thị loại I, thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy đô thị loại III.

- Đô thị trung tâm huyện: Cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang, thu hút đầu tư phát triển 02 đô thị loại IV (Cái Bè, Tân Hiệp), 06 đô thị loại V (Chợ Gạo, Mỹ Phước, Tân Hòa, Vĩnh Bình, thành lập mới thị trấn Tân Phú Đông, Bình Phú); nghiên cứu quy hoạch và đầu tư phát triển thị trấn Long Định trở thành trung tâm huyện lỵ mới của huyện Châu Thành và từng bước hình thành thị xã Tân Hiệp.

- Thị trấn trung tâm khu vực: Gồm 01 đô thị loại IV (thị trấn m Láng, phục vụ phát triển công nghiệp - dịch vụ gắn với kinh tế biển và vùng công nghiệp Gò Công), thành lập mới 05 đô thị loại V (đô thị Vĩnh Kim, Long Định, Bến Tranh, An Hữu, Thiên Hộ).

- Thị tứ: Phát triển 30 - 40 thị tứ với quy mô dân số khoảng 2.000 - 4.000 dân/thị tứ gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới.

c) Định hướng phát triển và phân bố dân cư nông thôn

- Phân bố dân cư nông thôn tỉnh Tiền Giang chủ yếu là hình thái cụm - điểm dân cư tại thị tứ, trung tâm huyện, xã; hình thái tuyến dân cư phân bố dọc theo đường giao thông, các sông kênh rạch lớn; và dạng hình thái phân bố rải rác trong khu vực chuyên canh lúa, ở đan xen vườn cây ăn trái gắn kết các hình thái dân cư này với mô hình du lịch cộng đồng.

- Mô hình phân bố dân cư nông thôn Tiền Giang là vùng đồng bằng trên cơ sở ấp, xã. Quy hoạch xây dựng xã theo mô hình nông thôn mới, để đảm bảo tiện nghi về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và hình thành các vùng chuyên canh lớn, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp để phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.

d) Định hướng phát triển nhà ở

Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, đề án nhà ở trọng điểm giai đoạn 2011 - 2020 đã được Chính phủ phê duyệt: Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng; Chương trình phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp; Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ khu vực ĐBSCL (giai đoạn 2); Chương trình hỗ trợ hộ nghèo khu vực nông thôn cải tạo nhà ở; Chương trình cải tạo, nâng cấp các khu nhà ở cũ để chỉnh trang đô thị theo quy hoạch...

9. Phát triển kinh tế biển và ven biển

- Tiếp tục khẳng định vùng biển và vùng ven biển là một địa bàn chiến lược, có tiềm năng kinh tế to lớn, có vị trí quốc phòng vô cùng quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng của tỉnh Tiền Giang, trong đó phát triển thủy sản, du lịch và cảng biển là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực mạnh mẽ cho sự chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế của tỉnh.

- Trên cơ sở tiềm năng và lợi thế của vùng biển và ven biển, sẽ xây dựng thành một vùng kinh tế phát triển năng động, thu hút các nguồn đầu tư trong tỉnh, trong nước và nước ngoài, chuẩn bị tiền đề, điều kiện cho việc hình thành khu kinh tế ven biển Gò Công.

- Phát triển các ngành kinh tế biển và ven biển, phát triển du lịch và phát triển thủy hải sản đảm bảo đạt yêu cầu, hiệu quả cao và bền vững; gắn với bảo vệ an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

- Chuẩn bị lập đề án xây dựng Khu kinh tế Gò Công, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vào quy hoạch phát triển Khu kinh tế ven biển cả nước.

10. Định hướng phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030

a) Định hướng tầm nhìn đến năm 2030

- Xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội Tiền Giang đến năm 2030 trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, là chùm đô thị lớn (gồm 3 vùng: vùng Trung tâm, vùng phía Tây và vùng phía Đông) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, môi trường bền vững; có hệ thống các cơ sở văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế và thể dục - thể thao ở mức trung bình cao so với cả nước; kinh tế phát triển năng động và hiệu quả với cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao; xã hội phát triển hài hòa.

- Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển theo hướng: "Xanh, sạch - Giàu bản sắc văn hóa - Chất lượng sống tốt". Nền kinh tế dựa trên những nền tảng phát triển bền vững, tập trung phát triển kinh tế xanh gắn với hiệu quả bảo vệ môi trường dựa trên các trụ cột cơ bản: nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao, nông nghiệp sạch; du lịch sinh thái - dịch vụ đầu mối trung chuyển kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL qua hành lang quốc lộ 1 và quốc lộ 60; công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường. Hệ thống đô thị phát triển theo hướng hiện đại với TP. Mỹ Tho là đô thị trung tâm của vùng phía Tây vùng KTTĐ phía Nam với một không gian Xanh - Hiện đại - Văn minh ven sông Tiền, là đô thị đầu mối, trung chuyển tuyến hành lang đường thủy hội nhập với khu vực và quốc tế. Người dân Tiền Giang văn minh, hiếu khách, thân thiện, có cuộc sống tốt (thu nhập khá cao, được hưởng các dịch vụ chất lượng cao, môi trường sống và làm việc tốt). Môi trường đầu tư đạt chuẩn quốc gia và khu vực (thông thoáng, minh bạch, thân thiện, an ninh, an toàn). An ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các tỉnh, thành trong và ngoài nước, nâng cao vị thế kinh tế - xã hội của Tiền Giang trong tổng thể nền kinh tế vùng KTTĐ, vùng ĐBSCL.

b) Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GRDP) bình quân khoảng 9,5 - 10,5%/năm thời kỳ 2021 - 2030. GRDP năm 2030 (theo giá so sánh năm 2010) tăng khoảng 2,6 lần so năm 2020. Vị thế kinh tế của Tiền Giang năm 2020 đứng ở mức khá cao trong các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và đứng thứ hạng trên trung bình trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 10.300 - 11.900 USD.

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, hiệu quả, từng bước hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức. Tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp năm 2030 khoảng 86% tổng GRDP.

- Quy mô dân số Tiền Giang đến năm 2030 đạt khoảng 1.911 ngàn người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2030 khoảng 65 - 70%. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực đô thị ở mức 3,0 - 3,5% năm 2030. Tỷ lệ nghèo khoảng 1 - 2%.

- Sức khỏe của nhân dân được nâng cao, thể trạng, tầm vóc được cải thiện: tuổi thọ trung bình trên 76 tuổi năm 2030...

c) Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực

- Về nông nghiệp, nông thôn: xây dựng một nền nông nghiệp sạch sử dụng công nghệ thân thiện môi trường, hình thành thương hiệu sản phẩm hàng hóa nông sản có chỗ đứng vững chắc trên thị trường gắn với lợi thế về điều kiện tự nhiên của tỉnh, đặc biệt là thương hiệu về một số loại cây ăn quả vươn ra tầm khu vực và quốc tế. Mạng lưới hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được xây dựng đồng bộ (giao thông nông thôn, thủy lợi, cấp điện...) gắn với mạng lưới dịch vụ nông nghiệp hiệu quả (trung tâm giống, dịch vụ chuyển giao ứng dụng, máy nông nghiệp, tín dụng nông nghiệp, bảo hiểm nông nghiệp...).

- Về công nghiệp, đô thị: Công nghiệp và đô thị Tiền Giang đến năm 2030 được gắn kết chặt chẽ trong tổng thể phân bố không gian toàn tỉnh, TP Mỹ Tho đóng vai trò vừa là đô thị hạt nhân của vùng, tỉnh Tiền Giang vừa là đô thị vệ tinh vùng đô thị hạt nhân cực phát triển phía Tây Nam vùng TP. Hồ Chí Minh. TP Mỹ Tho là đô thị cửa ngõ, trung chuyển giữa 2 đô thị trung tâm vùng TP. Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ là đô thị hạt nhân, đầu tàu về phát triển kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ mới của các tỉnh phía Bắc sông Tiền. Công nghiệp dựa trên các nền tảng phát triển chung của cả nước, nhưng chủ yếu vẫn là các ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản, công nghiệp sạch công nghệ cao và công nghiệp phục vụ nông lâm ngư nghiệp và du lịch.

- Về dịch vụ, du lịch: Hình thành một mạng lưới dịch vụ đồng bộ, đảm nhiệm chức năng là trung tâm dịch vụ đầu mối của tỉnh trong tuyến du lịch hành lang Quốc lộ 1 với một số loại hình dịch vụ như logistic, tài chính - ngân hàng sàn giao dịch nông sản, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp... Du lịch sông nước và du lịch biển, ven biển sẽ trở thành ngành mũi nhọn trong định hướng phát triển bền vững.

- Mọi người dân đều được tiếp cận với giáo dục một cách toàn diện; thụ hưởng dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng; đời sống văn hóa địa phương được bảo tồn và phát triển theo hướng tiến bộ, văn hóa là nền tảng, văn minh là mục tiêu tiếp cận.

- Môi trường tự nhiên được bảo vệ, bảo tồn sự đa dạng sinh học trên địa bàn gắn phát triển du lịch sinh thái bền vững.

- An ninh quốc phòng luôn được giữ vững và tạo điều kiện để các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển.

IV. DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN, DỰ ÁN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ; CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ (Phụ lục đính kèm)

V. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giải pháp huy động vốn đầu tư

Tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 180 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 1.200 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành). Để thu hút và huy động đủ nguồn vốn đáp ứng yêu cầu này cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

- Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách nhà nước. Căn cứ khả năng cân đối ngân sách theo trung hạn, hàng năm, chủ động xây dựng kế hoạch, phân kỳ đầu tư phù hợp bảo đảm vốn cho các công trình, dự án trọng điểm. Tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương thông qua các chương trình phát triển và các cơ chế, chính sách ưu đãi. Xây dựng các dự án khả thi, chi tiết, phù hợp để phát triển sản xuất, trên cơ sở tính toán hiệu quả để thu hút các nguồn vốn vay tín dụng của Nhà nước.

- Huy động và khai thác tốt nhất các nguồn vốn từ Trung ương, các nguồn lực trong và ngoài nước, nhất nguồn vốn ODA, FDI. Tranh thủ sự đầu tư giúp đỡ của các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm, ưu tiên cho các công trình giao thông, thủy lợi; các dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp và khu du lịch, dịch vụ, hạ tầng nông thôn, chú ý đầu tư cho các xã nghèo, vùng đặc biệt khó khăn.

- Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để huy động các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh đầu tư phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm. Huy động vốn tự có trong dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh.

- Đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, môi trường cho phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thu hút vốn nước ngoài; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

2. Giải pháp về nguồn nhân lực

- Thực hiện tốt xã hội hóa công tác đào tạo nghề; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thu hút đầu tư xây dựng các trường, cơ sở đào tạo với trang thiết bị hiện đại; tăng cường liên kết, phối hợp với các cơ sở đào tạo tại TP. Hồ Chí Minh, Trung ương và các địa phương khác để nâng cao trình độ, chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ, lực lượng lao động kỹ thuật lành nghề.

- Mở rộng hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo có chất lượng để đào tạo lực lượng khoa học kỹ thuật, đội ngũ lao động kỹ thuật cao. Khuyến khích các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động liên kết góp vốn, hỗ trợ trang bị phương tiện với các trường đại học, các cơ sở đào tạo công nhân kỹ thuật trong vấn đề đào tạo, cung ứng, sử dụng nhân lực một cách có hiệu quả nhất.

- Đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học, đổi mới chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội. Thực hiện đánh giá năng lực nguồn nhân lực đã qua đào tạo và điều tra xem xét mức độ đáp ứng yêu cầu công việc của lao động đã qua đào tạo để có cơ sở cải tiến quá trình đào tạo.

- Phân luồng học sinh cuối cấp một cách hợp lý, thành lập các trường, cơ sở đào tạo nghề theo hướng tập trung với máy móc thiết bị hiện đại để học viên khi ra trường có thể làm việc được ngay.

- Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học với công nghệ hiện đại. Xây dựng cơ sở vật chất phục vụ tốt cho công tác giảng dạy với đầy đủ phòng học, phòng thực hành, thí nghiệm và trang thiết bị cho hoạt động dạy và học.

- Thực hiện tốt các chế độ, chính sách thu hút nhân tài và lao động có trình độ cao công tác lâu dài tại Tiền Giang, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

3. Giải pháp về quy hoạch, đầu tư theo chương trình, công trình trọng điểm của tỉnh

- Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý theo quy hoạch.

- Tập trung đầu tư phát triển theo các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm của tỉnh.

- Thực hiện đầy đủ và vận dụng các cơ chế, chính sách do Trung ương ban hành trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư theo hướng có lợi nhất cho các nhà đầu tư đặc biệt là đối với các dự án có vốn đầu tư quy mô lớn và những ngành, lĩnh vực mà tỉnh khuyến khích đầu tư.

- Xúc tiến đầu tư và thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.

4. Giải pháp về khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ trong các ngành; phát triển công nghệ sinh học và ứng dụng trong hoạt động sản xuất và đời sống.

- Phát huy hiệu quả các hình thức nghiên cứu khoa học theo chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện các loại cây con có thế mạnh của tỉnh. Trong nông nghiệp và thủy sản khuyến khích sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt, ứng dụng phòng trừ diệt hại tổng hợp IPM, hóa học hóa, cơ giới hóa sản xuất... Trong công nghiệp cần ưu tiên lựa chọn công nghệ thích hợp cho công nghiệp chế biến nông thủy sản, tập trung vào công đoạn tinh chế để nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của các mặt hàng công nghiệp đáp ứng nhu cầu nội địa và hướng đến xuất khẩu...

- Xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, ưu tiên cho các xã điểm xây dựng nông thôn mới; xác định chuỗi giá trị và sự liên kết “4 nhà”, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất, nâng chất lượng hàng hóa nông sản, phát triển bền vững theo hướng GAP.

- Tăng cường hợp tác nghiên cứu với các Viện, Trung tâm nghiên cứu ở Trung ương, TP. Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ để giải quyết các vấn đề vướng mắc về khoa học công nghệ cho doanh nghiệp phục vụ phát triển ngành.

- Đầu tư đồng bộ các trang thiết bị, mạng thông tin hiện đại cho các Trung tâm ứng dụng, tư vấn và chuyển giao công nghệ để có điều kiện liên doanh liên kết với các Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong và ngoài nước. Khuyến khích phát triển các tổ chức khoa học công nghệ ngoài nhà nước.

- Đổi mới cơ chế, chính sách đào tạo bồi dưỡng, sử dụng và có kế hoạch trẻ hóa đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học công nghệ. Mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế để thu hút chuyên gia giỏi nước ngoài hợp tác huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ, công nhân lành nghề cho tỉnh, chuyển giao công nghệ.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp hợp tác xã, chủ trang trại, hộ nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học và thực hiện đổi mới công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp và các hộ nông dân sử dụng công nghệ sạch. Ngăn ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp nhập và sử dụng công nghệ gây ô nhiễm môi trường.

- Bảo vệ môi trường hiệu quả hơn: Xử lý tốt nguồn thải, giảm thiểu tác hại của tai biến tự nhiên; quản lý và bảo vệ môi trường nước dưới đất; nâng cao hiệu quả cung cấp nước sạch và cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường nông thôn; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững; phòng ngừa, giảm thiểu suy thoái tài nguyên nước; gia tăng hiệu quả, tính bền vững của sử dụng tài nguyên đất sử dụng cho mục đích nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; kiểm soát ô nhiễm do sử dụng các hóa chất nông nghiệp, ô nhiễm do chăn nuôi; sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững tài nguyên sinh học; nâng cấp hệ thống thoát nước, xử lý nước thải; cân nhắc kỹ lưỡng các vấn đề môi trường khi xem xét cấp phép đầu tư; tăng cường tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật về môi trường; tổ chức thực hiện tốt và giám sát chặt chẽ việc thực thi các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy nhà nước quản lý môi trường đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

5. Giải pháp về tăng cường hợp tác liên tỉnh, liên vùng và mở rộng thị trường với bên ngoài

- Tăng cường phối hợp giữa tỉnh với các Bộ, ngành Trung ương từ khâu nghiên cứu, hình thành dự án, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành và lãnh thổ; phối hợp giữa các ngành trong tỉnh, giữa tỉnh và các tỉnh khác trong vùng ĐBSCL và vùng KTTĐ phía Nam trong quá trình phát triển đảm bảo lựa chọn hướng đi thích hợp với từng ngành, từng tỉnh, tránh đầu tư tràn lan, chồng chéo, trùng lặp, xác lập sự cân đối giữa cung và cầu, nâng cao hiệu quả đầu tư.

- Tăng cường hoạt động thương mại tại các đô thị, hướng mạnh hơn nữa về thị trường nông thôn, phát triển hệ thống đô thị để đẩy mạnh thị trường, xây dựng hệ thống chợ nông thôn. Tăng cường liên doanh liên kết với mạng lưới thương nghiệp của các thành phần kinh tế nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa và dịch vụ kịp thời, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và tiêu thụ nông sản cho nông dân.

- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nghiên cứu thị trường nước ngoài, giới thiệu sản phẩm, liên doanh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các công ty nước ngoài.

- Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, tìm thị trường mới; củng cố và mở rộng thị trường truyền thống.

- Tạo điều kiện phát triển thị trường đất đai và bất động sản, từng bước hình thành thị trường vốn. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực nhà đất. Tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong việc thành lập và hoạt động của các trung tâm địa ốc, các trung tâm môi giới, dịch vụ cho vay, thanh toán phát mại theo hướng chuyên nghiệp.

- Thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa trong phát triển thị trường xuất khẩu lao động. Tiếp tục đổi mới và phát triển mạng lưới doanh nghiệp, đơn vị tham gia xuất khẩu lao động. Thành lập quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động.

6. Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh

Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp trong thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh trong thời kỳ mới; củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò tham mưu của cơ quan chuyên trách quốc phòng - an ninh các cấp.

Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch.

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch ngành (quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan), các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang

- Tổ chức công bố, phổ biến Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cho cấp ủy Đảng và chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Căn cứ nội dung của Quy hoạch, tiến hành xây dựng chương trình hành động cụ thể để có kế hoạch thực hiện đạt kết quả.

- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tổ chức giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế của địa phương với các nhà đầu tư; giới thiệu các chương trình, dự án cần được ưu tiên đầu tư, trong đó chú trọng kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm tạo ra những sản phẩm chủ lực.

- Cụ thể hóa nội dung của Quy hoạch bằng các kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện và có đánh giá kết quả đạt được. Trên cơ sở đó tiến hành rà soát lại Quy hoạch và trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung kịp thời đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng thời kỳ.

- Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch.

Căn cứ nội dung Quy hoạch được phê duyệt chỉ đạo việc lập, duyệt và triển khai thực hiện theo quy định các nội dung sau:

+ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện; quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trong tỉnh phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh.

+ Lập các kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn gắn với các dự án cụ thể để có kế hoạch bố trí vốn đầu tư phù hợp.

+ Nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành (nếu vượt quá thẩm quyền) một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm

- Hướng dẫn và giúp Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang trong quá trình thực hiện Quy hoạch.

- Phối hợp với tỉnh Tiền Giang trong quá trình rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ngành, lĩnh vực để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Quy hoạch; xem xét, hỗ trợ Tỉnh trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để thực hiện Quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này thay thế Quyết định số 17/2009/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang đến năm 2020. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

PHỤ LỤC I

DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN, DỰ ÁN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Tên chương trình, dự án

2015 -2020

2021 - 2030

I

CÁC CHƯƠNG TRÌNH

 

 

1

Chương trình xây dựng nông thôn mới

X

X

2

Chương trình phát triển lúa gạo

X

 

3

Chương trình phát triển vườn và rau màu

X

X

4

Chương trình phát triển chăn nuôi

X

X

5

Chương trình phát triển thủy sản

X

 

6

Chương trình phát triển đô thị

X

X

7

Chương trình cải thiện môi trường đô thị: cải tạo và nâng cấp đô thị; xây dựng khu liên hợp xử lý CTR tại huyện Tân Phước, khu xử lý CTR thị xã Gò Công; nhà máy xử lý nước thải tại các đô thị.

X

X

8

Chương trình bảo vệ nguồn nước: bảo vệ nguồn nước trong hệ thống Dự án ngọt hóa Gò Công; bảo vệ nguồn nước mặt trên sông Tiền, TP Mỹ Tho; bảo vệ nguồn nước ngầm tại các đô thị

X

X

9

Chương trình phát triển nhà ở

X

X

10

Chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường

X

X

11

Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng

X

X

II

CÁC ĐỀ ÁN

 

 

1

Đề án xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa thể thao, môi trường và giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2020

X

 

2

Đề án xây dựng Khu kinh tế Gò Công

X

X

3

Đề án tái cơ cấu ngành nông ngư nghiệp tỉnh Tiền Giang

X

 

4

Đề án phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn

X

 

5

Đề án tái cấu trúc ngành công nghiệp tỉnh Tiền Giang

X

 

6

Đề án tái cơ cấu các ngành dịch vụ tỉnh Tiền Giang

X

 

7

Đề án công nhận TP. Mỹ Tho là đô thị loại I, thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy là đô thị loại III, thị trấn Vàm Láng và thị trấn Tân Hiệp là đô thị loại IV.

X

X

8

Đề án phát triển và mở rộng tiêu thụ nông sản tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

X

 

III

CÁC DỰ ÁN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ

 

 

1

Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

X

 

2

Dự án khu chăn nuôi tập trung

X

 

3

KCN Dịch vụ Dầu khí

X

X

4

KCN Tân Phước 1

X

X

5

KCN Tân Phước 2

X

X

6

KCN Bình Đông

X

X

7

Nghiên cứu XD dự án và mời gọi đầu tư khu chế biến lúa gạo, nông sản khu vực phía Tây

X

 

8

Dự án đầu tư Cảng Quốc tế Nam Sài Gòn

X

 

9

Dự án khu dịch vụ hậu cần cảng biển tổng hợp năng lượng Tiền Giang

X

 

10

Dự án Cảng cá Vàm Láng kết hợp trú bão

X

 

11

Cảng Lê Thạnh

X

X

12

Cảng nông sản thực phẩm Tiền Giang

X

 

13

Cảng hành khách Mỹ Tho

X

 

14

Chung cư chuyên gia và chung cư công nhân ở Khu Tái định cư Tân Hương

X

 

15

Trung tâm thương mại Trung Lương

X

 

16

Trung tâm Hội chợ triển lãm thương mại cấp vùng

X

 

17

Trung tâm bán buôn hàng CN tiêu dùng

X

 

18

Trung tâm bán buôn hàng vật tư sản xuất

X

 

19

Chợ Bến Tranh - Khu tái định cư

X

 

20

Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười

X

X

21

Khu Du lịch sinh thái Hàng Dương

X

 

22

Dự án đầu tư khu tổ hợp khách sạn, nhà hàng, bến du thuyền, chợ trái cây

X

X

23

Dự án nghỉ dưỡng và sân Golf Tiền Giang

X

X

24

Dự án Khu du lịch sinh thái - Nghỉ dưỡng xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè

X

X

25

Khu du lịch sinh thái cù lao Thới Sơn (gồm: KDL sinh thái - nghỉ dưỡng, KDL nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe, KDL thể thao dưới nước)

X

X

26

Khu du lịch sinh thái biển Tân Thành

X

X

27

Khu du lịch sinh thái cồn Ngang

X

X

28

DA Khu xử lý rác thải phía Tây của tỉnh tại huyện Tân Phước

X

 

29

Dự án Khu xử lý rác thải phía Đông của tỉnh

X

 

30

Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Mỹ Tho

X

X

31

Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thị xã Gò Công

X

X

 

PHỤ LỤC II

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Tên chương trình, dự án

2015 - 2020

2021 - 2030

I

VỀ LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN

 

 

1

Dự án nâng cấp đê biển Gò Công

X

X

2

Dự án các tuyến đê huyện Tân Phú Đông

X

X

3

Dự án 5 kênh Bắc Quốc lộ 1A

X

 

4

Dự án đầu tư xây dựng kênh Xuân Hòa - Cầu Ngang (vét kênh Xuân Hòa, kênh 14 và xây các cống đầu các kênh cấp I thông với 2 kênh)

X

 

5

Tiểu dự án nâng cấp hệ thống kiểm soát xâm nhập mặn vùng Gò Công

X

 

6

Các dự án Kiểm soát lũ bảo vệ sản xuất nông nghiệp vùng ngập lũ của tỉnh

X

X

7

Các công trình đê, kè, di dân phòng chống sạt lở của các địa phương

X

X

8

Dự án Thủy lợi Bảo Định giai đoạn 2

X

 

9

Hoàn thiện dự án ngọt hóa Gò Công

X

X

10

Dự án trồng rừng sản xuất kết hợp du lịch sinh thái xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông

X

 

11

Dự án Mở rộng Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước

X

 

12

Cụm tuyến dân cư vùng ngập lũ

X

 

13

Đắp đập hai đầu sông cửa Trung để tạo thành hồ chứa nước

X

X

14

Đầu tư XDCT bờ kè phía Tây sông Ba Rài huyện Cai Lậy

X

X

15

Đầu tư XDCT bảo vệ vườn cây ăn trái Thuộc Nhiêu - Mỹ Long

X

X

16

Đầu tư bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn Đông kênh lộ mới - huyện Tân Phước

X

X

17

Đầu tư bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn tây kênh lộ mới - huyện Tân Phước

X

X

18

Dự án đầu tư hạ tầng chuyển đổi thời vụ lúa các huyện phía Tây

X

X

19

Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VUSAT)

X

X

20

Dự án cây sơ ri

X

X

21

Dự án quản lý và giảm nhẹ rủi ro hạn hán và lũ lụt tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng

X

 

22

Dự án gây bồi rừng phòng hộ ven biển bằng công nghệ kè mềm tại huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông

X

 

23

Dự án chống xói lở, gây bồi và trồng cây chắn sóng bảo vệ tuyến đê biển Gò Công, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang

X

X

24

Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa sông Soài Rạp kết hợp bến cá Vàm Láng

X

 

25

Dự án đầu tư nâng cấp hệ thống công trình phục vụ dự án nuôi trồng thủy sản Nam Gò Công

X

 

26

Chống úng vùng trũng Gò Công Tây

X

 

II

VỀ LĨNH VỰC XÂY DỰNG, NHÀ Ở

 

 

1

Quảng Trường Trung Tâm tỉnh Tiền Giang

X

 

2

Khu hành chính tỉnh Tiền Giang

X

 

3

Dự án nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Tiểu dự án TP. Mỹ Tho

X

 

4

Đầu tư xây dựng khu trung tâm hành chính Huyện ủy, UBND huyện Cai Lậy

X

 

5

Đầu tư xây dựng khu trung tâm hành chính Huyện ủy, UBND huyện Tân Phú Đông

X

 

6

Đầu tư xây dựng khu trung tâm Hành chính, Huyện ủy, UBND huyện Châu Thành

X

X

7

Trụ sở UBND huyện Chợ Gạo và các cơ quan hành chính sự nghiệp.

X

 

III

GIAO THÔNG

 

 

1

Đường cao tốc đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận

X

X

2

Dự án các cầu trên Quốc lộ 1

X

 

3

Tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy

X

 

4

Đường song hành Quốc lộ 30 (An Hữu - Cao lãnh)

X

 

5

Dự án cầu Mỹ Lợi

X

 

6

Hoàn thành dự án Quốc lộ 50

X

 

7

Đường Cần Đước - Chợ Gạo

X

 

8

DA phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL (WB 5) hợp phần B

X

X

9

Dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo

X

 

10

Dự án Đường và kè sông Tiền khu vực thành phố Mỹ Tho

X

 

11

Dự án đường tỉnh 878 (đường Kênh Năng)

X

 

12

Đường tỉnh (song hành ĐT.875)

X

 

13

Đường Lê Văn Phẩm (đoạn 2)

X

 

14

Dự án đường tỉnh 871B (Đường vào khu kinh tế phía Đông)

X

 

15

Đường lộ Dây Thép

X

 

16

Đường vào trung tâm Hành chính huyện Tân Phú Đông

X

 

17

Đường đê bao sông Gò Công

X

 

18

Đường song song Quốc Lộ 50

 

X

19

Dự án Đường tỉnh 867

X

 

20

Cầu kênh Chợ Gạo

X

 

21

Cầu Cống Đập trên Đường tỉnh 873B

X

 

22

Cầu Bình Xuân trên ĐT.873

X

 

23

Đường Trần Văn Ưng nối dài - huyện Chợ Gạo

X

 

24

Các cầu trên ĐT.863

X

 

25

Các cầu trên ĐT.869

X

 

26

Cầu Quan Cư trên ĐT.869

X

 

27

Đường huyện 60

X

 

28

Đường liên 6 xã (đoạn từ ĐT 868 - sông Ba Rài)

X

 

29

Đường Bình Phú - Tân Bình - thị xã Cai Lậy

X

 

30

Đường Tây Mỹ Long - Bà Kỳ - thị xã Cai Lậy

X

 

31

Cầu Hai Hạt (trên ĐT.868)

X

 

32

Cầu Tân Bình (trên ĐT.868)

X

 

33

Đường tỉnh 877B (Đoạn nối thẳng ra biển)

X

 

IV

Y TẾ

 

 

1

Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang 1.000 giường

X

 

2

Bệnh viện đa khoa Tân Phú Đông

X

 

3

Bệnh viện đa khoa huyện Tân Phước

X

 

4

Bệnh viện ĐKKV Cai Lậy

X

 

5

Bệnh viện Phụ sản tỉnh Tiền Giang

X

 

6

Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Tiền Giang

X

 

7

Bệnh viện Y học cổ truyền

X

 

8

Bệnh viện Da Liễu

X

 

9

Bệnh viện Thị xã Cai Lậy

X

 

10

Bệnh viện Thị xã Gò Công

X

 

11

Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Tiền Giang

X

 

12

Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình

X

 

13

Bệnh viện Mắt

X

 

14

Trung tâm phòng chống HIV/AIDS

X

 

15

Mở rộng Bệnh viện tâm thần tỉnh

X

 

16

Bệnh viện đa khoa khu vực Gò Công

X

 

V

GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

 

1

Trường Trung cấp Kinh tế Công Nghệ Cai Lậy

X

X

2

Dự án Trường Đại học Tiền Giang

X

 

3

Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tiền Giang

X

 

4

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Tiền Giang

 

X

5

Trường THPT Tân Hiệp

X

 

6

Trường THCS Lê Ngọc Hân - thành phố Mỹ Tho

X

 

7

Trường THPT chuyên Tiền Giang

X

 

8

Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu

X

 

9

Trường THPT Tân Phú Đông

X

 

10

Khối thực hành phục vụ giảng dạy các nghề trọng điểm - Trường Cao đẳng nghề Tiền Giang

X

 

11

Đầu tư nghề trọng điểm các Trường Trung cấp nghề

X

 

VI

THỂ DỤC THỂ THAO VÀ PHÁT THANH - TRUYỀN HÌNH

 

 

1

Nâng cấp, sửa chữa trung tâm thể dục thể thao tỉnh

 

X

2

Xây dựng khu trung tâm phát thanh - truyền hình bao gồm (xây dựng nhà trung tâm trong đó có phim trường, phòng thu, phòng dựng và nhiều phòng chức năng khác...)

X

 

VII

KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ

 

 

1

Dự án Nâng cao tiềm lực của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Dịch vụ KHCN

X

X

2

Dự án “Thành lập Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng”

X

X

VIII

NỘI VỤ

 

 

1

Kho Lưu trữ chuyên dụng (Chi cục Văn thư - Lưu trữ)

X

 

IX

MÔI TRƯỜNG

 

 

1

Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế (Các cơ sở y tế công lập)

X

 

2

Mở rộng trạm xử lý nước thải công suất 1000 m3/ngày - Cụm Công nghiệp và Tiểu thủ Công nghiệp Tân Mỹ Chánh - thành phố Mỹ Tho

X

 

X

CẤP NƯỚC

 

 

1

Xây dựng tuyến ống tiếp nhận nước từ nhà máy BOO Đồng Tâm cung cấp cho huyện Tân Phú Đông

X

 

Ghi chú:

Vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động nguồn lực của từng giai đoạn.

THE GOVERNMENT
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom – Happiness
----------------

No. 142/QD-TTg

Hanoi, January 28, 2015

 

DECISION

APPROVING THE ADJUSTMENT OF THE MASTER PLAN ON SOCIO-ECONOMIC DEVELOPMENT OF TIEN GIANG PROVINCE THROUGH 2020, WITH A VISION TOWARD 2030

THE PRIME MINISTER

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;

Pursuant to the Government’s Decree No. 92/2006/ND-CP of September 7, 2006, on the formulation, approval and management of socio-economic development master plans, and Decree No. 04/2008/ND-CP of January 11, 2008 amending and supplementing a number of articles of Decree No. 92/2006/ND-CP;

At the proposal of the People’s Committee of Tien Giang province,

DECIDES:

Article 1. To approve the adjustment of the master plan on socio-economic development of Tien Giang province through 2020, with a vision toward 2030, with the following principal contents:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Tien Giang province’s socio-economic development must be in line with the development orientations of the country, Mekong River delta and southern key economic region; and ensure the consistency and harmony with the regions’ socio-economic development master plans and sectoral master plans in the overall relationship and linkage with provinces in an open economic space with foreign countries.

2. To speed up infrastructure construction toward synchrony and step-by-step modernity, especially urban infrastructure of My Tho city, Go Cong and Cai Lay towns, strategic areas and district centers, in order to create a breakthrough in socio-economic development and accelerate the industrialization-modernization process; to create opportunities for the strong development of foreign trade; and to attract external resources for provincial socio-economic development.

3. To quickly develop economic sectors to create a breakthrough in the economic and production restructuring in each sector or field to facilitate the early formation of strategic territories; to quickly develop industries, tourism and services and make tourism one of the province’s spearhead economic sectors and a breakthrough in the province’s economic development; to attach importance to agricultural development toward hi-tech agriculture and mass production; to strongly and comprehensively develop marine and coastal economy; to put Tien Giang province in an overall relationship with other provinces in the region and urban centers of the Mekong River delta, southern key economic region and greater Mekong sub-region for development of industries and tourism services.

4. To build My Tho city as an economic, cultural, scientific and technical center into a provincially run grade-I urban center by 2020; to build Go Cong and Cai Lay towns into grade-III urban centers. At the same time, to restore, upgrade and develop the urban system and townships into developed economic centers functioning as nuclei to promote the development of, and create a spillover effect on, rural areas in the province.

5. To improve the quality of human resources, adopt policies to attract high-quality human resources from developed provinces and cities at home and abroad to build the homeland, and encourage people to get rich lawfully for themselves and the society; to adopt mechanisms for building social justice in development of education and training, particularly training the contingents of civil servants, workers, technicians, technical experts, managers and entrepreneurs.

6. To combine economic growth targets with social justice targets so as to create jobs, alleviate poverty and improve people’s spiritual and material lives; to actively and proactively promote domestic, regional and international economic integration and make full use of opportunities for development; to combine socio-economic development with consolidation of national defense and security, protection of the ecological environment and the maintenance of political stability and social order and safety. To take the initiative in preventing impacts of global climate change and sea level rise.

II. DEVELOPMENT OBJECTIVES

1. General objectives

To develop Tien Giang’s economy at a fast rate and in a sustainable manner to create big changes in the economic and labor structures. By 2020, to strive to build Tien Giang into one of the strong socio-economic development provinces in the Mekong River delta, a development pole of the southern key economic region and a transport and tourism service development hub of the Mekong river delta with a synchronous and modem infrastructure system; to constantly improve people’s material, cultural and spiritual lives with a healthy culture imbued with national identity; to maintain a firm national defense, security and social order and safety.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ Economic objectives

- The average economic growth rate will reach around 9-10%/year in the 2016-2020 period (at the 2010 comparative price).

- By 2020, the industry-construction sector will make up 35-35.5%; services, 36.1-37%; and agriculture-forestry-fisheries, 27.5-28.9%, of the economic structure.

- The average per-capita GDP (at real prices) will reach around VND 74-78 million by 2020, narrowing the gap with the country’s per-capita GDP.

- Export revenues will reach around USD 3,400 million by 2020.

- To strive to attain a total budget revenue of over VND 9,000 billion by 2020.

b/ Socio-cultural objectives

- The average annual population growth rate will be around 0.8% and the average annual birth rate will be slashed by 0.1 %0 in the 2016-2020 period. The average population will be 1,800,000 by 2020.

- The urbanization rate will reach 30-35% by 2020.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- The rate of trained laborers will be 51 % by 2020, including the rate of vocationally trained laborers being 40 percent.

- To reduce the poor household rate to below 3% by 2020 with an average annual reduction rate of around 0.5% in the 2016-2020 period (according to the poverty line applied under the current regulations).

- The rate of communes satisfying the national criteria for new countryside building will be 50% by 2020.

- By 2020, all commune health stations will be staffed with medical doctors, reaching the rate of 8-9 doctors/10,000 people; to increase the number of hospital beds per 10,000 people to 25; to reduce the malnutrition rate among under-five children to below 12%; and all commune will satisfy the communal health criteria.

- By 2020, the rate of school goers among children of eligible age groups will be 20% for kindergartens, 85% for preschool establishments, 99% for primary schools, 98% for lower secondary schools and 60% for upper secondary schools.

- By 2015, all households will have access to electricity and the quality will be further improved in the following years.

- By 2020, there will be 7 internet subscribers per 100 people.

- By 2020, each district will have one cultural and sports center, 95% of households and 95% of street quarters will satisfy the cultural criteria and all communes will build their cultural institutions.

c/ Environmental protection objectives

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To prevent and minimize the exhaustion and pollution of natural resources; to take solutions to actively respond to climate change and sea level rise.

d/ National defense, security and social order and safety objectives

- To perfect the defensive system, continue building all-people defense posture and people’s security posture, assuring people’s security, social order and safety and heighten the socialist legislation.

- To maintain political security and social order at grassroots level and prevent and control social evils; to launch the movement all people defend homeland security and turn the locality into a civilized and courteous one with a healthy socio-cultural lifestyle.

- To step up communication, education and mobilization of people to strictly observe the law so as to prevent and repel social evils and traffic accidents.

- To maintain political stability and social order and safety in the locality and promote national defense and security potential associated with socio-economic development.

3. Five strategic breakthroughs

a/ To form development poles and strategic areas: to build industrial parks in southeastern Tan Phuong and Go Cọng areas; to combine the development of rice milling industry and farm produce processing in Cai Be-Cai Lay areas with the system of industrial parks in the southern key economic region and investment in effectively developing industrial clusters, generating jobs and restructuring the labor force. This is an important breakthrough in the province’s socio-economic development in the planning period.

b/ To develop the synchronous and modem infrastructure system in both urban and rural areas: To invest in infrastructure systems of industrial parks and clusters to attract investment projects; to upgrade transport network including road, waterway and rural road network; to modernize the information and communication system, complete the electricity supply and water supply and drainage networks, treat environmental pollution to meet the requirements of a regional economic center.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d/ To speed up the urbanization rate, develop urban centers, outlying urban areas and rural residential quarters in order to make a new picture of population distribution. To upgrade the infrastructure of My Tho city to suit the grade-I urban center - a socio-economic center of the northern Tien River region; to embellish, upgrade and develop Go Cong and Cai Lay towns into grade-III urban centers and townships; to establish residential areas and urban- service areas associated with industrial parks in southeastern Tan Phuoc and Go Cong areas; to completely build residential clusters in flooded areas;

dd/ To develop high-quality human resources and build the province’s scientific and technological potential to meet socio-economic development requirements toward industrialization and modernization and international economic integration. To develop vocational training institutions to meet the training demand of the province and other localities.

III. ORIENTATIONS FOR DEVELOPMENT OF SECTORS AND FIELDS

1. Agriculture-forestry-fisheries:

a/ Agriculture: To focus on building areas specializing in the production of key plant varieties and animal breeds with competitive advantages; to effectively mobilize resources and accelerate the application of science and technology to build breeding and farming standards and increase the technological content in products, gradually building and developing hi-tech agricultural zones. To develop agricultural products in the value chain from cultivation, processing to consumption. In the immediate future, to zone off, invest and attract investment in exploiting and developing the infrastructure of a hi-tech agricultural zone covering around 100 ha.

- Cultivation: By 2020, the area planned for rice cultivation will be around 78,000 ha and the rice-farming area will reach a maximum of201,500 ha with a yield of 5.8 tons/hectare/ crop and a rice output of 1,170,000 tons.

To establish safe vegetable production areas up to VietGAP standards with an estimated cultivation area of45,200 ha by 2020 with a yield of around 17 tons per hectare and an output of around 768,400 tons.

To support and encourage the increase in yield and quality of key plants with the province’s advantages. By 2020, there will be around 74,000 ha of fruit trees, around 13,500 ha of coconut trees and around 3,000 ha of cacao; to develop pot trees (Go Cong), yellow apricot trees (Tan Phuoc, Chau Thanh and Cai Lay...) to supply to domestic and overseas markets; to actively boost the development of horticulture in association with ecological and leisure tourism.

- Breeding: To develop cattle and poultry breeding in concentrated zones on a farm or industrial scale up to VietGap standards to prevent epidemics and ensure food hygiene and environmental protection; to increase production efficiency and value, thus contributing to sustainable agricultural development. By 2020, all husbandry products will be turned out with the application of cutting-edge technologies, and food safety and hygiene, to satisfy domestic consumption and export demands. To zone off concentrated breeding areas in Tan Phuoc district.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To effectively manage and use the coastal protection forest system covering 3,146 ha, Dong Thap Muoi (the Plain of Reeds) ecological protection forests covering 549 ha and production forests covering 6,012 ha. To carry out an alluvial ground development project in the tidal flats to expand protection forest land areas. To plant 1,530 ha of new forests in the 2016-2020 period.

- To plant an average of 2.3-2.4 million scattered trees per year. To increase income from the value of the forest environment under the mechanism of clean growth, ecological tourism and prevention of coastal erosion.

c/ Fisheries

- To focus on building zones for rearing tra catfish, saline and brackish water shrimp with an appropriate intensive rearing rate, and exploiting clams and oysters; to increase the efficiency of aquatic product and marine resource exploitation toward raising off-shore fishing proportion and the quality of netted aquatic products and marine resources together with the protection of national security at sea; to actively protect inland and coastal aquatic resources.

- To build and develop zones under saline and brackish water shrimp - one rice crop farming so as to gradually shift agricultural production structure adaptable to climate change and saltwater intrusion, thus ensuring efficiency and sustainability.

- Aquaculture: By 2020, the water surface area planned for aquaculture is expected to reach 15,000 ha, an average annual increase of 1.3%, including 7,000 ha of fresh water aquaculture and 8,000 ha of brackish water aquaculture and mariculture.

Fishing: For marine fishing, to exploit and protect marine resources and fishing grounds; to fully exploit fish potential, including surface and substrate fish, shrimp and sea specialties, in both quality and quantity. Concurrently, to rationally and sustainably develop offshore fishing based on converting and improving fishing equipment and gradually apply cutting-edge technologies and equipment in fishing and reduce on-shore fishing to facilitate the reproduction of marine resources.

For inland fishing, to closely combine the rational exploitation of potential of aquatic products and the protection of aquatic resources and environment.

2. Industries, handicrafts and cottage industries

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- By 2020, the province will have 7 industrial parks and 27 industrial clusters on a total area of 3,085 ha. In the coming period, to continue completing infrastructure and attract investment to fill up the land area of 4 industrial parks; and at the same time additionally build 3 industrial parks and 23 industrial clusters in districts and towns.

3. Trade-services

- To concentrate on developing a number of services with provincial strengths such as tourism, wholesale and retail of agricultural, aquatic and marine products. To further expand commodity market and service provision to rural areas.

- To continue promoting the development of post and telecommunications services to support socio-economic development and better satisfy people’s information needs; to bring telecommunications services to rural areas. To promote credit and banking services to satisfy the demand for development investment capital.

- To develop 4 trade centers in My Tho city, Go Cong, Cai Lay and Cai Be, particularly gradually develop and establish the Trung Luong urban-resident-trade-service-scientific and technical center serving the northern Mekong River delta and associated with the province’s major industrial parks and clusters.

- To restore, upgrade and build the network of central markets, wholesale markets and cargo wharves and boat landings to facilitate the development of commodity economy, increase income and budget revenue sources. To prioritize the development of markets in suburban areas and newly-established urban areas associated with the construction and establishment of administrative, economic, cultural and social centers.

- To develop production support services such as seaport services, logistics, international telecommunications, consultancy information, finance and banking services.

- To develop tourism in the general tourism system in the Mekong River delta, southeastern region and whole country, first of all in association with the southern tourism triangle and the southern key economic region (Ho Chi Minh City- Ba Ria Vung Tau-Da Lat). By 2020, the number of tourists visiting the province will be around 2-2.2 million, including around 1 million of international tourists.

To further invest in developing sites with great tourist potential into tourist and recreation sites (Tien river landscape, beaches, islets, Dong Thap Muoi (the Plain of Reeds), orchards and cultural and historical relics); to develop tourism infrastructure and necessary tourist services.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

To promote domestic and foreign investment in upgrading the province’s hotel system and developing recreation sites. To support production, diversify and improve the quality of tourist products, particularly traditional handicrafts and cottage products and specialties.

- To promote the development of the following services:

+ Transport and logistics services, finance, banking, and insurance.

+ Other services, to bring into play the province’s position adjacent to Ho Chi Minh City to strongly develop types of services such as technical innovation services, legal service, information service, technology transfer, weekend culture-entertainment services. To work with Ho Chi Minh City to strongly develop insurance, trade and science-technology services. To further increase the quality of services to meet the requirements of production, urbanization and people’s life, contributing to provincial economic growth.

4. Socio-cultural fields

- To invest in upgrading institutions, attach importance to long-term vocational training and improve vocational training quality; to generate jobs and boost the sending of guest workers abroad. To develop the province’s major training institutions such as the Tien Giang University, the Medical College, the Vocational Training College, and vocational intermediate schools in the western and eastern areas of the province.

- To promote socialization in cultural fields; to invest in building material foundations, to improve the quality of teaching and education administering staff and teaching and learning quality; to effectively implement the universalization of primary and lower secondary education.

- To invest and attract investment in synchronously building and developing medical examination and treatment establishments; to raise staff quality; to take the initiative in preventing and controlling epidemics, ensuring food safety and hygiene; to provide healthcare for people.

- To protect and care for children and the elderly: To communicate and raise the awareness about the position, role and responsibility of family members and the entire society for protection of, care for, and education of, children, respect and ensure children’s rights and obligations toward family and society, and ensure that children are entitled to protection, education and healthcare for their comprehensive physical and mental development. To ensure gender equality, raise women’s position and youth development.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Science, technology and environmental protection

a/ Science and technology:

- To research and apply science and technology in new rice and fruit tree varieties with quality advantages and suitable to each ecological zone; to set up models of intensive farming of fruit trees. To apply technical methods to increase productivity and quality of agricultural products from cultivation to harvest.

- To support the development of industrial products, renovate technologies in processing fruits and vegetables, cattle feed, cattle and poultry meat to increase output and quality of products.

- To support enterprises in technological renewal, gradually increase the mechanization rate in agricultural production, handicraft and cottage industries, processing industry for small- and medium-sized enterprises and cooperatives, contributing to seeking outlets for agricultural products and rural economic restructuring.

- To research the economical and efficient use of energy, concuưently utilize clean and renewable energies so as to rationally exploit natural resources and protect the environment.

- To improve quality and reduce costs of infrastructure projects in agricultural and rural development. To solve urban water drainage problems, wastewater treatment, urban management and planning.

b/ Environmental protection

- To ensure the harmony between economic development and environmental protection, rational and efficient use of natural resources (especially land, surface-water and groundwater resources), natural landscapes and urban, cultural, tourism, industrial, and ecological agricultural spaces and coastal strips in the direction of sustainable development.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To continue implementing a national program in response to climate change and adopt solutions to actively prevent and cope with climate change and sea level rise.

6. Technical infrastructure development

a/ Transport

- Road network: To further invest in and complete the province’s road transport system with a synchronous load capacity on provincial and district roads and the waterway-road transport system for industrial parks and clusters and tourist zones. To study solutions to invest in bridges in replacement of ferry landings to islets, especially urban areas and developing areas; to synchronously upgrade and connect the bridge system to link to provincial roads; to invest in building the sewage system along provincial roads through urban areas, build roads leading to industrial parks and clusters and bypasses connected with the system of national highways, expressways and provincial roads; bypasses on national highways through urban centers.

- Waterways: To complete the upgrading of main inland waterways up to the prescribed technical grade; to transform and upgrade a number of important sections and routes; to lengthen river sections and routes subject to operation management. To intensively invest in, upgrade and build, new major ports, cargo and passenger wharves (with eradication of small, unsafe and unnecessary wharves taken into account). Local port clusters will be arranged with transport industrial establishments in order to raise ports’ production and business efficiency. To dredge and clear fairways of major canals that are important for navigation and complete the system of cargo wharves and storing yards and boats for districts, intensively invest in and upgrade My Tho port into a regional port with a throughput capacity of over 500,000 tons/year. To call for investment in Tien Giang general seaport and logistic service area project in eastern Go Cong, Le Thach port, the farm produce and food port, and My Tho passenger port; to support the implementation of the southern Sai Gon international port project.

- Railways: To closely coordinate with ministries and central sectors in studying and building the Ho Chi Minh City-My Tho-Can Tho railway according to the railway sector master plan under the Prime Minister’s Decision No. 1686/QD-TTg of November 20, 2008, approving the railway transport development strategy through 2020, with a vision toward 2050, in association with orientations for provincial socio-economic development.

b/ Post and telecommunications

- To develop a modem post and telecommunications infrastructure with a wide service coverage, large capacity, high speed and quality, ensuring information security and safety to meet socio-economic development needs.

- To further complete and improve the quality of modem communications operations, especially in remote and deep-lying areas, concurrently develop more new operations to better satisfy customers’ demand and socio-economic development.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c/ Electricity network

To further invest in the development and upgrading of the medium and low voltage networks and transformer stations to serve production, business and consumption demands. Electricity output for consumption is forecast to be 5,213 million kWh by 2020 and commercial electricity output will reach 2,894 kWh/person.

d/ Water supply and drainage and garbage treatment

- To further invest in the water supply and drainage and wastewater and garbage treatment systems in association with the planning of upgrading and developing towns and townships and concentrated residential areas. To concentrate on water supply and drainage and treatment of wastewater and garbage of industrial parks and clusters, hospitals and schools. To zone off, make and attract investment in wastewater and garbage treatment facilities in urban centers, industrial and service development areas.

- To review the master plan on rural water supply system together with the management of exploitation, protection and efficient use of groundwater sources.

- To further support and promote investment in the development of the water supply system and improve water quality for rural areas. By 2020, all rural residents will have access to hygienic water.

dd/ Irrigation planning

- To build a complete irrigation system to totally control flood so as to expand the acreage subject to proactive flood control in areas zoned off for fruit trees and pineapple cultivation in the province’s flood-prone areas. To gradually control flood in rice cultivation zones in the north of National Highway 1A.

- To raise the level of assurance of irrigation, drainage, water supply and salination prevention. To step by step complete the irrigation system to ensure water supply for daily life and production in areas far from key projects, especially freshened areas in Go Cong, Bao Dinh and Tan Phu Dong district. To raise the proactive capacity in flood prevention and salination control so as to increase the acreage free from the risk of inundation and salination due to unexpected weather and hydrological circumstances and impacts of climate change and sea level rise.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To gradually raise the efficiency of management and operation of irrigation projects and system to make the best use of their designed capacity.

7. National defense, security, social order and safety

- To further strengthen and build the all-people defense associated with people’s security posture, and build defensive areas; to closely combine socio-economic development with national defense and security consolidation. To concentrate border guard forces to effectively perform the functions of managing and safeguarding sovereignty, security and order along the province’s coastal border.

- To effectively implement the Party’s and the State’s guidelines and policies on the national security strategy in the new situation, the assurance of national security and defense in the southwestern region, raising the quality and efficiency of public security work in the new situation, satisfying the requirements of safeguarding security and order, contributing to provincial socio-economic development.

8. Orientations for organization of development space

a/ Development zones

- The central urban economic area encompasses My Tho city and Cho Gao and Chau Thanh districts in which My Tho city is a central urban area of Tien Giang province and a satellite urban center and a southwestern development pole of Ho Chi Minh City and a northern development pole of the Mekong River delta region. To study the establishment of Tan Hiep town from splitting from Chau Thanh district.

Orientations for development: To develop urban centers, residential areas, education, training and healthcare in the southwestern sub-region of Ho Chi Minh City’s region, the north of the Mekong River delta and the provincial region; to develop agricultural and aquatic product processing industry, trade-service, ecological tourism on islets of Tien River, and national cultural and historical tourism; to develop hi-tech agriculture for growing flowers, pot trees and safe vegetables.

- The eastern urban economic area embraces Go Cong town, eastern Go Cong district, western Go Cong district and eastern Tan Phu district and is the second dynamic development area of Tien Giang province in which Go Cong town is a nucleus urban center. Orientations for development: to develop marine economy, mechanical engineering, port services and logistics, fishing and aquaculture, marine ecological tourism, and protect submerged forests. A marine economic zone will be established after 2020.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ Orientations for urban development

- Central urban centers of areas: To concentrate and attract investment in developing three urban centers of the province’s three areas: My Tho city as a grade-I urban center; Go Cong and Cai Lay towns as grade-III urban centers.

- Central urban centers of districts: To upgrade, embellish and attract investment in developing two grade-IV urban centers (Cai Be, Tan Hiep); six grade-V urban centers (Cho Gao, My Phuoc, Tan Hoa, Vinh Binh and newly-established eastern Tan Phu and Binh Phu towns); to study the planning and invest in developing Long Dinh town into the center of Chau Thanh district and gradually establish Tan Hiep townships.

- Central towns of areas include one grade-IV urban center (Vam Lang town to serve industry-service development associated with marine economy and Go Cong industrial area), five newly-established grade-V urban centers (Vinh Kim, Long Dinh, Ben Tranh, An Huu and Thien Ho urban centers).

- Townships: To develop 30-40 townships with the population of around 2,000-4,000 per township in the new rural countryside building process.

c/ Orientations for development and distribution of rural population

- The distribution of rural population in Tien Giang province will mainly be in the form of residential quarters in townships and centers of districts and communes, the form of residential quarters along roads and major rivers and canals, and the form of scattered population distribution in specialized rice farming zones and orchards and in combination with community-based tourism.

- Tien Giang province’s rural population distribution model is the delta one based on villages and communes. To plan the construction of communes after the new countryside model to ensure social and technical infrastructure facilities and establish large specialized farming zones, mechanize agricultural production to be suitable to industrialization and modernization process and economic restructuring in rural areas.

d/ Orientations for housing development

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

9. Marine and coastal economy development

- To further confirm sea and coastal areas a strategic location with large economic potential and an extremely important defense position for socio-economic development and maintenance of national defense and security of Tien Giang province in which fisheries, tourism and seaport development will be spearhead economic sectors, creating a strong motive force for the province’s economic restructuring and development.

- Based on potential and advantages of sea and coastal areas, to build a dynamic economic development zone to attract provincial, domestic and foreign investment sources and create a premise and conditions for the establishment of Go Cong coastal economic zone.

- To develop marine and coastal economic sectors, tourism and fisheries to ensure requirements, high efficiency and sustainability in association with security and defense assurance, ecological environment protection and regeneration of aquatic resources.

- To prepare the elaboration of the Go Cong economic zone construction project for submission to the Prime Minister for consideration and addition to the master plan on development of the country’s coastal economic zones.

10. Orientations for socio-economic development through 2030

a/ Vision toward 2030

- To build and develop Tien Giang into a province with a modernity-oriented economic restructuring and a large urban cluster (comprising central, western and eastern areas) having a synchronous and modem technical infrastructure system and sustainable environment; a system of cultural, education-training, science-technology, healthcare, and sports-physical training establishments at a level higher than the average level of the country; to develop a dynamic and efficient economy with a structure of industry-service and hi-tech agriculture; and a harmoniously developed society.

- Tien Giang will become a province of “Green, clean - Rich cultural identity - Good quality of life”. Its economy will be based on sustainable development foundations, focusing on the development of a green economy associated with the efficiency of environmental protection based on fundamental pillars, namely hi-tech commodity and clean agriculture; ecological tourism-transshipment service linking the southeastern region and the Mekong River delta through the corridor of National Highways 1 and 60; and clean, environment-friendly hi-tech industries. The urban system will develop toward modernity in which My Tho city is a central urban center in the west of the southern key economic region with a green, modem and civilized space along the Tien River bank and a transshipment urban center of the waterway route linked with regional and international routes. The civilized, hospitable and friendly Tien Giang people will enjoy a good life with relatively high income, high-quality services and good living and working environment. The investment environment will reach national and regional standards (transparency, friendliness, security and safety) with the assurance of political security, defense and social order and safety. To multilateralize and diversify its relationship with cities and provinces in the country and abroad, raise the province’s socio-economic position in the overall economy of the southern key economic region and the Mekong River delta.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- The gross regional domestic product (GRDP) will grow at an average rate of around 9.5-10.5%/year in the 2021 -2030 period. GRDP in 2030 (at the comparative prices of 2010) will grow around 2.6 times over 2020. Tien Giang’s economy will hold a relatively high position compared with other Mekong River delta provinces and cities and rank above the average of 63 provinces and cities nationwide. The average per-capita income will reach around 10,300- 11,900 USD by 2030.

- Its economic structure will shift towards modernity, efficiency and gradual establishment and development of an intellectual economy. The proportion of non-agricultural sectors will make up around 86% of the province’s total GRDP by 2030.

- Tien Giang’s population will be around 1,911,000 by 2030. The percentage of framed laborers will be around 65-70% by 2030. The urban unemployment rate will be around 3.0- 3.5% and the poverty rate will be 1-2% by 2030.

- People’s health, physical strength and stature will be further improved and the average life expectancy will be over 76 years by 2030.

c/ Orientations for sectoral development

- On agriculture and rural areas: to build a clean and environment-friendly agriculture, build brands for commodity farm produce with firm footholds in the market associated with the province’s advantages in natural conditions, especially brands of a number of fruit trees exported to the region and the world. The infrastructure network for agricultural production will be synchronously built (rural transport, irrigation and electricity supply) in association with an effective agricultural service network (centers of plant varieties or animal breeds, application transfer services, agricultural machinery, agricultural credit and agricultural insurance).

- On industries and urban centers: Tien Giang’s industries and urban centers will be closely combined in the province’s overall spatial distribution in which My Tho city will play the role of a nucleus urban center of the region and Tien Giang province and concurrently a satellite urban center of the nucleus urban area for development in the southwest of Ho Chi Minh City. My Tho city will be a gateway urban center linking two major cities of Ho Chi Minh and Can Tho and a locomotive in technical development and advanced science and technology application in the northern Tien river provinces. Industries will be based on the country’s overall development foundations, but mainly agricultural and forest product processing industries, hi-tech clean agriculture and industries serving agriculture, forestry, fisheries and tourism.

- On services and tourism: To establish a synchronous service network functioning as the province’s focal service center on the tourism route along National Highway 1 with such services as logistics, finance-banking, agricultural product trading floor, scientific and technological application in agriculture. River, marine and coastal tourism will become a spearhead sector for sustainable development.

- All people will have access to education in a comprehensive manner, benefit from community healthcare services; local cultural life will be preserved and developed toward progress with culture being the foundation and civilization being the goal.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Security and national defense will be maintained to facilitate socio-economic development.

IV. LIST OF INVESTMENT STUDY PROGRAMS, SCHEMES AND PROJECTS; PROJECTS PRIORITIZED FOR INVESTMENT

V. A NUMBER OF MAJOR SOLUTIONS TO IMPLEMENT THE MASTER PLAN

1. Capital mobilization solutions

The total social investment capital demand is estimated at around VND 180 trillion in the 2016-2020 period and around VND 1,200 trillion (at current prices) in the 2021-2030 period. To attract and mobilize sufficient capital to meet such requirements, it is necessary to implement the following solutions:

- To effectively mobilize and use investment capital sources from the state budget. Based on the capability to balance budgets according to medium-term and annual plans, to proactively elaborate plans and appropriately phase out investment for key works and projects. To make the best use of capital from the central budget via development programs and preferential mechanisms and policies. To formulate feasible, detailed and appropriate projects for production development based on efficiency calculation to attract the State’s credit loans.

- To mobilize and effectively utilize capital sources from the central budget, domestic and foreign resources, especially ODA and FDI capital. To take advantage of investment and support of domestic and foreign organizations for key programs and projects, with priority given to transport and irrigation works, projects in economic zones, industrial parks and tourism zones, services and rural infrastructure, and investment projects in poor communes and extremely difficult areas.

- To encourage and create favorable conditions for mobilizing all economic sectors in the province to invest in production development and practice thrift. To mobilize resources among the people, agencies, units and enterprises in the locality for production and business development.

- To speed up the improvement of the investment environment and environment for production and business development; to boost investment promotion to attract foreign capital; to effectively implement administrative reform and facilitate investors in production and business sectors in the locality.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To effectively implement the socialization of vocational training to improve human resource quality. To lure investment in building modem training schools and establishments; to enhance cooperation and coordination with training establishments in Ho Chi Minh City, central sectors and other localities in order to qualitatively and quantitatively develop the contingents of cadres and skilled laborers.

- To expand cooperation with quality universities, research institutes and training establishments for training the contingents of science workers, technicians and skilled laborers. To encourage enterprises having labor demands to align through capital contribution and equipment supply with universities and training establishments in training, supplying and employing human resources in the most efficient manner.

- To renew training methods to bring into play activeness, proactiveness and creativeness of learners and renew training programs to meet the society’s needs. To assess the capacity of trained human resources and survey how trained workers can meet work demands so as to lay foundations for renewing the training process.

- To rationally ramify students at the end of their grades, establish centralized vocational training schools and establishments equipped with modem machinery and equipment to enable students to work immediately after graduation.

- To concentrate investment on physical foundations and cutting-edge teaching aids. To build physical foundations to well serve teaching with sufficient classrooms, practice rooms, labs and teaching and learning aids.

- To properly implement preferential regulations and policies to attract talents and highly qualified laborers to work for a long term in Tien Giang, serving the province’s socio-economic development.

3. Planning and investment solutions for the province’s key programs and works

- To speed up and improve the quality of the planning and management work under planning.

- To concentrate investment in developing the province’s key programs and works.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To promote investment and attract direct foreign investment capital.

4. Science and technology, and environmental protection solutions

- To accelerate the application of science and technology and renovate technologies in sectors; to develop and apply bio-technology in production and daily-life activities.

- To effectively bring into play scientific research in various forms under the program to support the comprehensive development of plant varieties and animal breeds with provincial advantages. In agriculture and fisheries, to encourage the use of high-yield and high-quality plant varieties and animal breeds, the use of integrated pest management (IPM) and chemicalization and mechanization in production. In industries, to prioritize the selection of appropriate technologies for agricultural and aquatic product processing industries, focusing on the refining stage to raise the quality and competitiveness of industrial products to satisfy domestic and export demands.

- To build and develop technology transfer models for rural socio-economic development, giving priority to communes selected for new countryside construction; to determine the value chain and the linkage among the “four parties”, promote agricultural production toward intensive farming to increase output and quality of farm commodities for sustainable development according to GAP.

- To enhance research cooperation with institutes and research centers at the central level and in Ho Chi Minh City and Can Tho city to solve scientific and technological difficulties for enterprises in service of sectoral development.

- To synchronously invest in equipment and modem information network of technology application, consultancy and transfer centers for cooperation and alignment with domestic and foreign scientific and technological research and application centers. To encourage the development of non-state science and technology organizations.

- To renew training and retraining mechanisms and policies, employ and adopt plans to rejuvenate the contingent of scientific and technological workers. To expand international cooperation and make the best use of the assistance of foreign countries and international organizations to attract foreign experts in training and re-training cadres and skilled workers for the province and technology transfer.

- To support cooperatives, farm owners and farmer households in the application of scientific advances and technological innovations, encourage enterprises and farmer households to use clean technologies. To prevent and strictly handle cases of import and use of polluting technologies.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Solutions to enhance inter-provincial and inter-regional cooperation and expanding the market with foreign countries

- To promote the coordination between the province and ministries and central agencies in studying and formulating projects in conformity with sectoral and territorial development master plans; to coordinate among provincial sectors and between the province and other provinces in the Mekong River delta and the southern key economic region dining the development process to ensure an appropriate direction for each sector and province and avoid thinned-out and overlapping investment, determine the balance between demand and supply to increase investment efficiency.

- To enhance commercial activities in urban centers with stronger focus on rural markets, developing an urban system to promote the market and building the system of rural markets. To boost cooperation and alignment with economic sectors’ trading network to ensure timely goods and service supply, meeting the requirements of production, consumption and sale of agricultural products for farmers.

- To support and create conditions for enterprises to explore foreign markets, introduce products and cooperate with foreign companies in production and consumption.

- To encourage enterprises to export their products and seek new markets; to consolidate and expand traditional markets.

- To facilitate the development of the real estate market, gradually set up the capital market. To speed up administrative reform in the housing and land sector. To create a favorable legal corridor for the establishment and operation of real estate centers, brokerage centers, lending services and professional auctioning and public sale.

- To multilateralize and diversify the development of labor export market. To further renovate and develop the network of labor export enterprises and units. To set up a labor export support fond.

6. Enhancement and maintenance of national defense and security

- To raise the efficiency of state management by all-level administrations in combining socio-economic development and the maintenance of national defense and security in the new situation; to consolidate and uphold the advisory role of specialized national defense and security agencies at all levels.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The master plan on socio-economic development of Tien Giang province through 2020, with a vision toward 2030 will be the foundation for formulating, submitting for approval and implementing sectoral plannings (construction plans, land use plannings and plans and other relevant master plans) and investment projects in Tien Giang province.

1. To assign Tien Giang province People’s Committee to:

- Make public and disseminate the master plan on socio-economic development of Tien Giang province through 2020, with a vision toward 2030 to Party Committees and authorities, sectors, mass organizations, enterprises and people in the province after its promulgation is signed by the Prime Minister. Based on the contents of the master plan, formulate a specific action program for effective implementation.

- Accelerate investment promotion activities, introduce the locality’s potential and advantages to investors, introduce programs and projects prioritized for investment, attaching importance to calling investment for major projects manufacturing key products.

- Concretize the contents of the master plan with five-year and annual plans for implementation and assessment of implementation results so as to review the master plan and propose competent authorities to promptly adjust and supplement these plans to suit the local socio-economic development tasks in each period.

- All levels, sectors, socio-political organizations and people in the province shall examine and supervise the implementation of the master plan.

Based on the contents of the approved master plan, to guide the formulation, approval and implementation of the following contents according to regulations:

+ District-level socio-economic development master plans, construction master plans, land use master plans and plans, sectoral development master plans to suit socio-economic development tasks associated with the maintenance of national defense and security.

+ To formulate long-, medium- and short-term plans associated with specific projects so as to work out plans on appropriate allocation of investment capital.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Relevant ministries and sectors shall:

- Guide and assist the Tien Giang province People’s Committee in the implementation of the master plan.

- Coordinate with Tien Giang province in reviewing, adjusting and supplementing sectoral master plans to ensure the master plan’s synchronicity and consistency; support the province in mobilizing investment capital sources at home and abroad for the implementation of the master plan.

Article 3. This Decision replaces Prime Minister’s Decision No. 17/2009/QD-TTg of January 22, 2009, approving the master plan on socio-economic development of Tien Giang province through 2020. This decision takes effect on the date of its signing.

Article 4. The chairperson of the People’s Committee of Tien Giang province, ministers, heads of ministerial-level agencies and heads of government-attached agencies shall implement this Decision.-

 

 

PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 142/QĐ-TTg ngày 28/01/2015 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


10.836

DMCA.com Protection Status
IP: 3.142.250.86
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!