ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1360/QĐ-UBND
|
Bà Rịa - Vũng
Tàu, ngày 02 tháng 7 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH LOGISTICS TỈNH BÀ RỊA - VŨNG
TÀU ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2030
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng
9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng
01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản
lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 169/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01
năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển dịch vụ
Logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, định hướng
đến 2030;
Căn cứ Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02
năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển kinh
tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm
2030”;
Căn cứ Quyết định số 3304/QĐ-BGTVT ngày 22 tháng
10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đề án nâng cao hiệu
quả quản lý, khai thác cảng biển nhóm 5 và các bến cảng khu vực Cái mép - Thị
Vải;
Căn cứ Chương trình số 12-Ctr/TU ngày 16 tháng
11 năm 2007 của Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW
ngày 09 tháng 02 năm 2007 của Hội nghị lần thứ tư - Ban chấp hành Trung ương
Đảng, khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;
Theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải Bà Rịa -
Vũng Tàu tại Tờ trình số 1199/TTr-SGTVT ngày 26 tháng 6 năm 2014 về việc phê
duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành Logistics tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến
năm 2020, định hướng đến 2030,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này
quy hoạch tổng thể phát triển ngành Logistics tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm
2020, định hướng đến 2030 với những nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN:
- Với tư cách là một ngành hạ tầng kinh
tế then chốt, logistics cần bảo đảm phát triển các kết cấu hạ tầng kỹ thuật (hạ
tầng cứng) và khung pháp lý, nhân lực, hệ thống thông tin và các bí quyết kỹ thuật
của ngành (hạ tầng mềm) đạt tiêu chuẩn quốc tế;
- Với tư cách là một ngành dịch vụ, logistics
cần phát triển cân đối về các loại hình sản phẩm, hỗ trợ hiệu quả cho các ngành
sản xuất, thương mại, dịch vụ khác, đạt tổng giá trị sản lượng và mức tăng hàng
năm theo kế hoạch;
- Trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam:
Bà Rịa - Vũng Tàu là một cực phát triển trong cơ cấu đa trung tâm của vùng,
trong đó nhiệm vụ trọng tâm là phát triển dịch vụ cảng biển và logistics, phát
triển kinh tế biển theo hướng “vùng kinh tế mở”, hướng mạnh ra bên ngoài;
- Đối với quốc gia: Thực hiện hiệu quả
các vai trò của cửa ngõ kết nối quốc gia phía Nam Việt Nam, đáp ứng nhu cầu luân
chuyển của các loại hàng hóa xuất nhập khẩu, trung chuyển, và nội địa;
- Đối với ASEAN: Thực hiện hiệu quả vai
trò cửa ngõ phía Đông của hành lang kinh tế phía Nam tiểu vùng Mê Kong;
- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh
tế với bảo đảm an ninh, an toàn, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng và chủ quyền
quốc gia trên biển.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN:
1. Mục tiêu đến năm 2020:
a) Mục tiêu tổng quát
Trong thời kỳ quy hoạch, mục tiêu phát
triển của ngành logistics Bà Rịa - Vũng Tàu là trở thành ngành một ngành hạ tầng
kinh tế then chốt, một ngành dịch vụ chủ lực của tỉnh trong giai đoạn sau năm
2015, thực hiện đúng vai trò, chức năng đối với vùng, quốc gia, và khu vực; đóng
góp vào tăng trưởng GDP đồng thời hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại, dịch
vụ khác của tỉnh phát triển với cơ chế vượt trội.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Về phát triển cơ sở hạ
tầng logistics:
Phát triển hạ tầng logistics trên cơ sở
kết hợp đồng bộ hạ tầng cảng biển, các phương thức giao thông vận tải khác, hạ
tầng thương mại, bao gồm hạ tầng thông tin và truyền thông, đáp ứng yêu cầu của
các nhà cung cấp dịch vụ cũng như người sử dụng dịch vụ logistics theo từng thời
kỳ.
Hạ tầng cảng biển:
Tập trung duy trì năng lực cung cấp dịch
vụ hiện tại, nghiên cứu phát triển hoạt động trung chuyển quốc tế; đảm bảo năng
lực thông qua là từ 70 đến 114 triệu tấn hàng hóa.
Hạ tầng giao thông vận tải:
+ Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông,
đảm bảo các kết nối vật lý hỗ trợ quá trình luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, không
để xảy ra tình trạng thiếu kết nối hay ùn tắc giao thông;
+ Phát triển đúng tiến độ các công trình
giao thông quan trọng như đường cao tốc, đường sắt kết nối thành phố Hồ Chí
Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu;
+ Tổ chức hiệu quả các điểm nút, đầu mối
giao thông quan trọng như cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa, trạm chuyển
tải đa phương thức.
Các trung tâm logistics:
+ Phát triển các trung tâm logistics
cấp tỉnh và trung tâm dịch vụ hỗ trợ các ngành theo quy hoạch và theo nhu cầu
thực tế phát sinh trong từng giai đoạn;
+ Tổ chức hiệu quả trung tâm logistics
cấp vùng theo quy hoạch các trung tâm logistics quốc gia tại Cái Mép Hạ; chuẩn
bị phát triển thành Trung tâm logistics hạng toàn cầu.
Hạ tầng thông tin:
+ Xây dựng được hệ thống thông tin mô
hình “Logink” cho phép kết nối các bên liên quan trong chuỗi cung ứng;
+ Xây dựng được cổng thông tin e-Logistics
hỗ trợ giao dịch “Một cửa quốc gia”, kết nối với cổng thông tin “Một cửa
ASEAN”, cho phép người sử dụng trong và ngoài nước truy cập.
- Về phát triển khung pháp
lý:
Đảm bảo các cơ quan chức năng và lực
lượng cán bộ quản lý nhà nước có khả năng tổ chức hiệu quả môi trường pháp lý
và các dịch vụ công, thực hiện thành công kế hoạch phát triển ngành logistics
trong từng giai đoạn.
+ Trong giai đoạn đến 2016: Tập trung
nâng cao hiệu quả và tính thống nhất của các hoạt động quản lý nhà nước tại các
cảng biển Vũng Tàu và các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải, làm cơ sở nâng
cao hiệu quả đầu tư, quản lý, khai thác cảng biển, bến cảng, nâng cao chất
lượng dịch vụ cảng biển, đưa các cảng biển, bến cảng sớm đạt công suất thiết kế
và đáp ứng đúng vai trò theo quy hoạch hệ thống cảng biển quốc gia; Thu hút đầu
tư phát triển các loại hình dịch vụ logistics.
+ Giai đoạn 2017 - 2020: Hoàn thiện, và
duy trì khung pháp lý, năng lực hoạch định, thực thi của các cơ quan chức năng
đối với các chính sách: phát triển hoạt động cảng biển, vận tải và an ninh chuỗi
cung ứng, thương mại quốc tế, tài chính và đầu tư, phát triển nguồn vốn con
người, quản lý chất lượng dịch vụ, quản lý dự án PPP với sự tham gia đầu tư của
các định chế tài chính lớn như World Bank, ADB,...;
- Về năng lực cung cấp dịch vụ
logistics:
+ Tạo các điều kiện thuận lợi để
từ sau năm 2015, các nhà cung cấp dịch vụ cảng biển và logistics Bà Rịa-Vũng
Tàu bảo đảm thực hiện toàn bộ các chức năng logistics và quản lý chuỗi cung ứng
căn bản với tiêu chuẩn dịch vụ không thua kém các nước trong khu vực, làm cho
hàng hóa có thể luân chuyển nhanh và rẻ hơn trong khi vẫn bảo đảm các yêu cầu
an toàn, tin cậy, tuân thủ các quy định quản lý xuất nhập khẩu, an ninh, môi trường,...
+ Thu hút được các nhà cung cấp
dịch vụ có năng lực vượt trội trong lĩnh vực dịch vụ phát triển thị trường nhằm
chủ động tác động vào các chuỗi cung ứng các sản phẩm chủ lực như dầu khí, năng
lượng, thiết bị công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, vật liệu xây dựng, chuỗi hàng
lạnh, hàng công nghệ cao, hàng dệt may - giày da, mở rộng nguồn cung và thị
trường tiêu thụ ra toàn cầu.
+ Đến năm 2020 có khoảng 18 nhà
khai thác cảng và 219 doanh nghiệp dịch vụ logistics, doanh thu trung bình dịch
vụ cảng biển đạt 809 tỷ/năm, dịch vụ logistics đạt 361 tỷ/năm; đóng góp 93.839
tỷ vào GDP chung, chiếm tỷ lệ 47,3% trong nhóm ngành dịch vụ.
-
Về phát
triển người sử dụng dịch vụ logistics:
Nhóm ngành công nghiệp-xây dựng:
Tới năm 2020: đáp ứng hiệu quả nhu
cầu dịch vụ của 522 doanh nghiệp công nghiệp - xây dựng, các doanh nghiệp này
có mức doanh thu trung bình là 1.883 tỷ/năm và đóng góp tổng giá trị sản xuất
982.773 tỷ vào GDP của tỉnh.
Nhóm ngành thương mại - dịch vụ:
Giai đoạn đến 2020: đáp ứng yêu
cầu tăng trưởng mạnh cả về doanh thu (35%/năm) lẫn số lượng doanh nghiệp thương
mại - dịch vụ. Đến năm 2020 có khoảng 791 doanh nghiệp với mức doanh thu dịch
vụ trung bình là 251 tỷ/năm; đóng góp 198.508 tỷ vào GDP của tỉnh.
Nhóm ngành nông, lâm, thủy sản:
Đến năm 2020: đáp ứng yêu cầu dịch
vụ của khoảng 251 cơ sở sản xuất nông lâm ngư nghiệp, doanh thu trung bình 17
tỷ/năm và đóng góp 4.232 tỷ vào GDP của tỉnh.
-
Về phát
triển năng lực sử dụng dịch vụ logistics:
Ngoài các mục tiêu phát triển nêu trên,
để đảm bảo các đối tượng người sử dụng dịch vụ logistics có năng lực khai thác
hiệu quả hoạt động thuê ngoài logistics, tập trung nguồn lực xây dựng thế mạnh
cạnh tranh cho sản phẩm và giá trị cốt lõi của mình. Các chỉ tiêu cụ thể về năng
lực sử dụng dịch vụ:
Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics
trên địa bàn:
Đến năm 2020: 55% các nhà sản
xuất, 65% công ty dịch vụ, thương mại xuất nhập khẩu và các cơ sở sản xuất nông
nghiệp trên địa bàn biết cách quản lý và sử dụng thuê ngoài dịch vụ logistics (chỉ
tiêu chung cho cả nước năm 2020 là 40%).
Tỷ lệ chi phí phí logistics/tổng
giá trị sản phẩm:
Chỉ tiêu tổng chi phí logistics và
lộ trình giảm trần tổng chi phí logistics trong tổng giá trị sản phẩm của các ngành
công nghiệp, dịch vụ, và nông nghiệp của tỉnh phải có tính cạnh tranh so với
chỉ tiêu chung của quốc gia; Theo từng kỳ 5 năm, mức chi phí logistics cần giảm
từ 0,5 - 1%.
Mức dịch vụ khách hàng:
Mức dịch vụ trung bình tối thiểu
đạt được vào năm 2015 là 85%, sau đó tăng lên 90% năm 2020.
2. Định hướng đến năm 2030:
Các cảng biển Vũng Tàu đảm bảo
năng lực thông qua từ 140 - 275 triệu tấn;
Hạ tầng giao thông kết nối được
quy hoạch chi tiết và đầu tư hoàn chỉnh bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy
nội địa;
Các trung tâm và các cơ sở dịch vụ
logistics được quy hoạch chi tiết và đầu tư hoàn thiện, phát huy hiệu suất,
hiệu quả kinh tế;
Hệ thống chính sách và quy định
được xây dựng hoàn chỉnh, đảm bảo năng lực thiết kế, cung cấp và duy trì chất
lượng các dịch vụ công, các gói hỗ trợ cho các đối tượng cụ thể như các nhà đầu
tư phát triển hạ tầng, các nhà cung cấp dịch vụ logistics, các nhà sản xuất sản
phẩm phục vụ ngành logistics, các tổ chức đào tạo nguồn nhân lực logistics đạt
tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Có 20 nhà khai thác cảng và 200 doanh
nghiệp dịch vụ logistics, doanh thu trung bình dịch vụ cảng biển đạt 2.585
tỷ/năm, dịch vụ logistics đạt 1.514 tỷ/năm; đóng góp 354.592 tỷ vào GDP chung,
chiếm tỷ lệ 50,1% trong nhóm ngành dịch vụ.
Dịch vụ logistics đáp ứng yêu cầu
của các ngành khác:
+ 573 doanh nghiệp công nghiệp -
xây dựng, có mức doanh thu trung bình là 4.301 tỷ/năm, đóng góp tổng giá trị
sản xuất 2.464.322 tỷ vào GDP của tỉnh.
+ 995 doanh nghiệp dịch vụ với
doanh thu trung bình 711 tỷ/năm, đóng góp 707.845 tỷ vào GDP của tỉnh.
+ 280 cơ sở sản xuất nông lâm ngư nghiệp,
doanh thu trung bình 40 tỷ/năm, đóng góp 11.220 tỷ vào GDP chung.
Tỷ lệ thuê ngoài là 70% cho công nghiệp
và 80% cho dịch vụ.
III. NỘI DUNG QUY HOẠCH:
1. Nhóm giải pháp phát triển thị
trường dịch vụ logistics:
- Tổ chức các liên kết kinh doanh:
Trước mắt ngay trong năm 2014 cần tập họp các doanh nghiệp cảng biển, hãng tàu
và công ty logistics trên địa bàn, khuyến khích tổ chức các liên kết kinh doanh
với các nhà khai thác các cảng cạn, tổng kho và các nhà cung cấp dịch vụ quản
lý vận tải tạo nên một chuỗi dịch vụ hỗ trợ chủ hàng trong vận chuyển và tồn
trữ, phân phối sản phẩm. Chọn một số công ty logistics (3-5 đơn vị), giao thí
điểm xây dựng các điển hình của tỉnh để có thể phát triển thêm trong tương lai.
- Ưu tiên thương mại - xuất nhập
khẩu quy mô lớn: Tiến hành các hoạt động xúc tiến thu hút các nhà kinh doanh
thương mại, xuất nhập khẩu lớn nghiên cứu giải pháp tổ chức giao nhận hàng hóa
tại các cảng và hệ thống các trung tâm logistics Bà Rịa - Vũng Tàu để triển
khai từ đầu năm 2015, các mặt hàng được hỗ trợ tích cực khi sử dụng dịch vụ tại
các vị trí quy hoạch phù hợp;
- Khu thương mại tự do: Kiến nghị với
trung ương nhanh chóng hoàn thiện cơ chế Khu thương mại Tự do (Free Commercial
Zone - FCZ) để áp dụng tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ cuối năm 2015, đầu năm 2016
cùng với sự kiện hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Trong đó cho phép các hoạt
động sau được tổ chức trong khu FCZ:
+ Trung chuyển (chuyển tải) hàng
hóa vận chuyển giữa các nước qua Việt Nam
+ Gom hàng trong nước để xuất khẩu.
+ Phân phối hàng hóa trong khu vực
các nước lân cận.
+ Các hoạt động mua bán hàng hóa.
+ Tồn trữ bảo thuế (chưa phải đóng
thuế) cho các mặt hàng nhập khẩu.
+ Kiểm định, thử nghiệm, chứng
nhận.
- Các dịch vụ tạo giá trị gia tăng
khác như: chia hàng, đóng gói, làm bao bì, soạn hàng, phân loại, dán nhãn, sửa chữa,
lắp ráp trong quá trình trung chuyển.
- Thu hút doanh nghiệp ưu tiên AEO:
Tập trung thu hút các doanh nghiệp ưu tiên (Authorised Economic Operator - AEO)
vận chuyển hàng hóa qua cảng Vũng Tàu hay chuyển đầu tư về địa bàn để nâng cao
mức độ tuân thủ hải quan, tuân thủ an ninh, an toàn và chất lượng hàng hóa giao
dịch với thị trường EU, tận dụng lợi thế về số lượng lớn (do tàu lớn), cung cấp
dịch vụ nhanh và rẻ.
- Phát triển công nghiệp theo
“cụm” / Cluster: Đối với công nghiệp, cùng với phát triển công nghiệp hỗ trợ
cần tiếp cận các đại diện thương mại các nước, qua đó tới các tập đoàn lớn để cung
cấp giải pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp toàn cụm - cluster. Ví dụ như ngành
ô tô, ngành máy công cụ, ngành vật liệu - linh kiện điện, điện tử,... Hỗ trợ
các ngành áp dụng phương thức sản xuất mang tính logistics.
- Xây dựng thương hiệu Vũng Tàu:
Để xây dựng thương hiệu riêng cho Vũng Tàu cần có chương trình phát triển định
vị, nhận dạng thương hiệu riêng cho Vũng Tàu cũng như các sản phẩm chính ngành logistics,
chủ động tiếp cận các thị trường quốc tế, nhất là 7 thị trường mới nổi cũng như
khu vực ASEAN. Phương thức cụ thể là kết hợp tham gia hội nghị, triển lãm, các
diễn đàn quốc tế với hoạt động truyền thông trong ngành logistics và các ngành
khác.
2. Nhóm giải pháp kỹ thuật:
Phát triển cơ sở hạ tầng
- Về cảng biển: chủ trương duy trì
năng lực dịch vụ, không đầu tư mới cho đến khi các công trình hiện hữu có thể phát
huy hiệu quả;
- Hạ tầng kết nối với cảng biển:
phân bổ nguồn lực phát triển đồng bộ các phương thức vận tải phù hợp với chỉ
tiêu tỷ lệ tham gia vận chuyển, phát triển năng lực chuyển tải đa phương thức
tại các đầu mối giao thông;
- Về đường sắt: cần ưu tiên thúc
đẩy hình thành tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu theo quy hoạch, trong đó có
điều chỉnh bổ sung nhánh rẽ vào khu Cái Mép Hạ. Khi có đường đôi khổ 1.435 mm
với tần suất hoạt động tối đa là 150 đôi tàu/ngày (thời gian giãn cách là 10
phút), tàu 12 toa chở hai tầng Container thì năng suất vận tải sẽ là 2,5 triệu
TEU/năm, rút ngắn đáng kể thời gian, chi phí vận chuyển và giảm tải cho đường
bộ.
Phát triển phương tiện vận tải,
xếp dỡ, kho bãi
- Rà soát xác định nhu cầu phương
tiện đảm bảo phục vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa, tàu pha
sông/biển, đường sắt, băng tải;
- Đặc biệt lưu ý nhu cầu các thiết
bị kho hàng, máy xếp dỡ, thiết bị chuyển tải đa phương thức để có kế hoạch chi
tiết đáp ứng bằng các hình thức kinh doanh, chuyển giao kỹ thuật hay chế tạo
tại chỗ;
- Nghiên cứu khả năng chế tạo
phương tiện thủy nội địa và thiết bị xếp dỡ phù hợp đặc điểm nhu cầu của Việt
Nam trong giai đoạn 2015 -2030
- Hợp tác với các nhà sản xuất toa
xe lửa nghiên cứu chế tạo toa xe chở hàng và Container để chủ động về phương
tiện khi dự án đường sắt được triển khai;
- Hợp tác với các nhà sản xuất
thiết bị chứa hàng tiêu chuẩn như Container các loại, pallet, bao chứa hàng để
chủ động cung ứng cho nhu cầu khu vực;
- Hợp tác với các nhà sản xuất
thiết bị đóng gói, chiết rót, in nhãn và bao bì để chủ động cung ứng cho nhu
cầu khu vực.
Phát triển hệ thống thông tin
& công nghệ logistics
- Tạo cơ chế hỗ trợ để hình thành các
nhà cung cấp giải pháp làm chủ các công nghệ và hệ thống cơ bản trong lĩnh vực
logistics bao gồm:
+ Công nghệ EDI, RFID, GPS/GPRS,
Điện toán đám mây (Cloud Computing).
+ Hệ thống ERP (quản lý nguồn lực doanh
nghiệp) của các hãng tàu.
+ Hệ thống FMS (quản lý giao nhận)
của các công ty giao nhận.
+ Hệ thống TMS (quản lý vận tải)
của các công ty vận tải.
+ Hệ thống TOS (quản lý điều hành
bến/bãi) của các cảng.
+ Hệ thống ERP cho các chủ hàng.
- Phát triển mạng Logink phục vụ liên
kết thông tin giữa doanh nghiệp - doanh nghiệp và doanh nghiệp - Chính phủ theo
cấu trúc mô tả trong báo cáo.
- Xây dựng cổng thông tin điện tử e-Logistics
phục vụ kết nối với hệ thống một cửa quốc gia và một cửa ASEAN.
Tổ chức các phân ngành dịch vụ logistics:
Ưu tiên hình thành và phát triển
các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics bao gồm các nhóm được thể hiện chi
tiết trong phụ lục I.
3. Các giải pháp phân bố hoạt động
logistics trên địa bàn:
Tổng diện tích đất dành cho các
hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Bà Rịa-Vũng Tàu định hướng
tới 2030 vào khoảng 1.125 - 1.343 ha. Phân bố chi tiết trong phụ lục II.
4. Các nhóm giải pháp khác:
Nhóm giải pháp về cơ chế, chính
sách mà trọng tâm là hệ thống chính sách đảm bảo liên kết kinh doanh thành công
giữa các chủ hàng, chủ cảng, chủ tàu, Nhóm giải pháp đào tạo, phát triển nguồn
nhân lực đạt tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, nhóm giải pháp tạo nguồn tài chính,
thu hút dòng đầu tư được thể hiện trong báo cáo tổng hợp quy hoạch.
IV. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN
ĐẦU TƯ
Các dự án ưu tiên được chia thành
ba chương trình:
- Chương trình phát triển vận tải
và Logistics 2015 - 2020
- Chương trình phát triển công
nghiệp & xuất nhập khẩu 2015 - 2020
- Chương trình xây dựng thương
hiệu và XTTM 2015 - 2020
Tổng cộng có 31 dự án cần được
triển khai, chi tiết nêu trong Phụ Lục III.
V. CÁC BƯỚC TRIỂN KHAI THỰC
HIỆN QUY HOẠCH:
Các bước cơ bản cần thực hiện theo
thời gian trong kỳ quy hoạch được nêu trong Phụ lục IV.
VI. KHÁI TOÁN NGUỒN VỐN THỰC
HIỆN QUY HOẠCH:
Ước tính tổng số vốn thực hiện các
chương trình ưu tiên đầu tư là 10.948 tỷ đồng, chủ yếu là các công trình hạ
tầng vận tải và logistics. Chi tiết nêu trong Phụ lục V.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Giao thông vận tải:
Tổ chức công bố nội dung quy hoạch
để các tổ chức, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân biết, để căn cứ triển
khai thực hiện theo quan điểm, mục tiêu của quy hoạch.
Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ,
giải pháp thực hiện quy hoạch trong các kế hoạch hàng năm, 05 năm của ngành logistics.
Theo dõi, kiểm tra tổng thể và báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch logistics
trên địa bàn tỉnh; Kịp thời đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp về điều
hành thực hiện quy hoạch bảo đảm yêu cầu phát triển ngành logistics trong mối
quan hệ tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Xúc tiến xây dựng các Trung tâm Logistics
đã được quy hoạch, đặc biệt tại các vị trí sau:
- Trung tâm Logistics cấp vùng đặt
tại khu vực Cái Mép Hạ (800ha).
- Trung tâm Logistics chuyên dùng
dầu khí đặt tại khu vực Sao Mai – Bến Đình (90-100ha); Trung tâm Logistics hỗ
trợ khu cảng Phú Mỹ tại khu Formosa (95ha); Trung tâm Logistics hỗ trợ khu cảng
Thị Vải - Cái Mép tại khu công nghiệp Cái Mép (50ha).
Chủ trì hoặc phối hợp đẩy nhanh
tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm kết nối với các khu trung
tâm Logistics bao gồm:
- Thực hiện chuẩn bị đầu tư tuyến
đường 991B, đường Phước Hòa - Cái Mép nối với Quốc lộ 51.
- Hoàn thành tuyến đường liên cảng
Cái Mép - Thị Vải; Tiếp tục chuẩn bị vốn và triển khai cầu Phước An.
- Phối hợp với các đơn vị liên
quan triển khai các dự án giao thông đối ngoại quan trọng trên địa bàn tỉnh
như: Tuyến đường vành đai IV, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Đường sắt Biên
Hòa - Vũng Tàu.
- Chủ trì xây dựng kế hoạch cải
tạo, nâng cấp và quản lý các tuyến đường thủy nội địa, theo quy hoạch đã phê
duyệt tại Quyết định số 34/2011/QĐ-UBND ngày 08 tháng 8 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà
Rịa - Vũng Tàu. Quản lý đầu tư xây dựng các cảng thủy nội địa trên địa bàn tỉnh
phù hợp với quy hoạch được duyệt và quy hoạch xây dựng chung của Trung tâm
logistics.
Phối hợp với Sở Công thương xúc
tiến xây dựng các trung tâm gom hàng xuất khẩu và chia hàng nhập khẩu, các
trung tâm xúc tiến thương mại.
2. Sở Xây dựng:
Phối hợp với Sở Giao thông vận tải
trong quá trình triển khai lập quy hoạch các trung tâm logistics Bà Rịa - Vũng
Tàu.
3. Sở Tài nguyên Môi trường:
Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành địa phương liên quan rà soát lại quỹ đất trên địa bàn tỉnh và điều chỉnh
quy hoạch sử dụng đất nhằm ưu tiên dành diện tích đất để xây dựng phát triển
dịch vụ logistics (quỹ đất cho mạng giao thông kết nối, xây dựng Trung tâm
logistics vệ tinh, các ICD,...).
Đề xuất các giải pháp quản lý môi trường
trong phát triển dịch vụ logistics tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Thu xếp nguồn vốn để ưu tiên đầu
tư các công trình giao thông quan trọng của tỉnh như sau: Đường 991B và Phước
Hòa - Cái Mép, Đường Long Sơn - Cái Mép; song song đó thu xếp nguồn vốn hoàn
thành các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai thực hiện.
Chủ trì, phối hợp với Sở Giao
thông vận tải, các sở, ngành, địa phương liên quan, đẩy mạnh các hoạt động xúc
tiến đầu tư, trong đó ưu tiên mời gọi, lựa chọn những dự án đầu tư logistics có
hàm lượng công nghệ và có giá trị gia tăng cao.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên
quan đề xuất các chính sách, giải pháp phát triển chuyên ngành logistics.
5. Sở Tài chính:
Nghiên cứu để tham mưu cụ thể về
việc phát triển trung tâm tài chính tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.
6. Sở Công thương:
Phối hợp xây dựng và tổ chức hoạt
động xúc tiến thương mại, kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh thương mại và sản
xuất hàng hóa xuất nhập khẩu vào đầu tư hoạt động tại các trung tâm, khu/cụm
công nghiệp của tỉnh.
7. Sở Nội vụ:
Nghiên cứu xây dựng mô hình “Ban
quản lý cảng và logistics” hoặc “Chính quyền cảng” tại Bà Rịa - Vũng Tàu, chủ
trì nghiên cứu xây dựng các chính sách, quy chế hoạt động trong mô hình quản lý
cảng biển và logistics để hoàn thiện áp dụng từ năm cuối 2015.
8. Sở Lao động – Thương binh và Xã
hội:
Hoàn thiện và triển khai đề án
phát triển nguồn nhân lực logistics, tổ chức quản lý hoạt động đào tạo nhân
lực, bảo đảm đạt các yêu cầu phát triển.
9. Sở Thông tin
Truyền thông:
Nghiên cứu nâng cao năng lực và
hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc tại các trung tâm logistics và dịch vụ
cảng. Nghiên cứu mô hình đồng bộ hóa hệ thống thông tin quản lý giữa “Ban quản
lý Cảng ”, cảng biển và các trung tâm logistics.
10. Sở Khoa học - Công nghệ:
Phối hợp với Sở Giao thông vận tải
và các doanh nghiệp, trường, viện tổ chức nghiên cứu, thử nghiệm các công nghệ mới,
vật liệu, nhiên liệu mới sử dụng trong lĩnh vực vận tải logistics; các vấn đề
về năng suất và tiêu chuẩn chất lượng...
11. Ban Quản lý các khu công nghiệp:
Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông
vận tải, Sở Kế hoạch Đầu tư và các đơn vị liên quan, thực hiện việc thu hút đầu
tư, theo dõi, kiểm tra thực hiện dự án logistics trong khu công nghiệp trên địa
bàn tỉnh theo quy hoạch được phê duyệt.
12. Ủy ban nhân dân thành phố Vũng
Tàu, huyện Tân Thành và các thành phố, huyện khác:
Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các
doanh nghiệp logistics trên địa bàn do địa phương quản lý, để có định hướng và
kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với mục tiêu, định hướng quy hoạch.
Đưa các nội dung triển khai quy
hoạch này vào kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội hàng năm, 05 năm của từng địa
phương.
Phối hợp với các sở, ban, ngành trong
vấn đề quy hoạch và quản lý mặt bằng, sử dụng đất,... đồng thời tham gia tích
cực trong công tác giải phóng mặt bằng, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực
hiện quy hoạch được phê duyệt.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Giao thông -
vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương. Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi
trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông,
Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Ngọc Thới
|