BỘ CÔNG THƯƠNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
12750/QĐ-BCT
|
Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH THAN VIỆT NAM PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP
HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN
NĂM 2030
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP
ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Quyết định số 2146/QĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án
Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và
phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 60/QĐ-TTg
ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển
ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng
cục Năng lượng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Than Việt Nam
phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn
đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi là Đề án) với các nội dung chủ
yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM, MỤC
TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG
1. Quan
điểm
a) Tái cơ cấu ngành Than là một hợp
phần của tái cơ cấu ngành Năng lượng trong tổng thể tái cơ cấu ngành Công
Thương phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
b) Nâng cao năng lực quản lý nhà nước,
tổ chức cơ cấu bộ máy hợp lý thông qua các cơ chế, chính sách, phân định rõ vai
trò, chức năng của nhà nước và của thị trường theo hướng giảm thiểu các rào cản,
các biện pháp can thiệp hành chính, tạo động lực khuyến khích, chuyển dịch,
phân bổ nguồn lực hợp lý để phát triển ngành Than.
c) Thực hiện tái cơ cấu ngành Than vừa
phải thực hiện theo cơ chế thị trường, vừa phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà
nước, doanh nghiệp; thực hiện chuyển mạnh từ tăng trưởng theo chiều rộng sang
phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, năng suất lao động và giá trị
gia tăng của ngành Than, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu về xã hội.
d) Thực hiện tái cơ cấu ngành Than hướng
đến xây dựng cơ cấu hợp lý trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính: Thăm
dò, khai thác, chế biến và tiêu thụ than đồng bộ, bền vững, có khả năng cạnh
tranh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển
đất nước; gắn phát triển ngành Than với bảo vệ môi trường; sử dụng hiệu quả nguồn
tài nguyên than ở trong nước, đồng thời tích cực tìm kiếm mở rộng hoạt động
thăm dò và khai thác than ra nước ngoài trên cơ sở có chọn lọc, lấy hiệu quả
kinh tế làm tiêu chí.
đ) Phát huy tối đa nội lực, kết hợp với
mở rộng hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế; thu hút sự tham gia tích cực của
các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để huy động tối đa và sử dụng ngày
càng hiệu quả hơn các nguồn lực cho phát triển ngành Than.
e) Tái cơ cấu là một quá trình phức tạp,
cần phải được thường xuyên đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để điều chỉnh
phù hợp với thực tế, trên cơ sở xây dựng chương trình hành động để thực hiện và
một hệ thống giám sát, đánh giá, tham vấn thông tin phản hồi từ các bên liên
quan.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
- Tái cơ cấu ngành Than nhằm nâng cao
chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh để ngành Than
trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, then chốt, hoàn chỉnh, bao gồm
thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh than.
- Nghiên cứu đổi mới mô hình, tổ chức
hoạt động của ngành Than, xây dựng mô hình quản lý nhà nước về than hợp lý đáp ứng
nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước.
b) Mục tiêu cụ thể
- Về sản phẩm:
Nâng cao tối đa sản lượng than sản xuất trong nước để đáp ứng cho nhu cầu tiêu
thụ trong nước. Phấn đấu sản lượng than thương phẩm sản xuất
trong nước đến năm 2020 không thấp hơn 48-50 triệu tấn, năm 2025 không thấp hơn
51-55 triệu tấn, năm 2030 không thấp hơn 56-58 triệu tấn.
- Về tổn thất than:
Phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác hầm lò xuống 20% và
sau năm 2020 dưới 20%, tỷ lệ tổn thất than khai thác lộ
thiên xuống 5% và sau năm 2020 dưới 5%.
- Về năng suất
lao động: Phấn đấu đến năm 2020, năng suất lao động bình quân theo sản lượng
quy đổi đạt khoảng 555 tấn than/người-năm; năm 2025 khoảng 640 tấn than/người-năm; năm 2030 khoảng 740 tấn than/người-năm.
3. Định hướng
- Tăng cường vai trò quản lý của nhà
nước đối với ngành Than; rà soát, sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách liên
quan nhằm tạo động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát
triển ngành Than.
- Nhà nước đảm bảo đủ vốn điều lệ cho
các doanh nghiệp nòng cốt của ngành Than gồm Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng
sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc để đầu tư phát triển các mỏ than mới, đầu
tư cải tạo mở rộng các mỏ than hiện có nhằm đảm bảo sản lượng than theo Quy hoạch;
đồng thời huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư xã hội để
tham gia phát triển các dự án than.
- Nâng cao hiệu quả, cải thiện năng lực
sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành Than thông qua việc củng cố, sắp xếp lại tổ chức hoạt động, cơ cấu
lại vốn chủ sở hữu, tổ chức lại sản xuất kinh doanh, cơ chế quản lý, quản trị
nguồn nhân lực.
- Tập trung đầu tư đổi mới công nghệ
khai thác, chế biến than nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm tỷ lệ tổn thất
than, hạ giá thành sản phẩm và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
- Phát triển nguồn nhân lực nhằm đảm
bảo đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Than, trong đó tập trung vào 3 đối tượng
gồm: Đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý; đội ngũ chuyên gia về kỹ thuật, công nghệ;
đội ngũ công nhân kỹ thuật, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển lực lượng
lao động làm việc trong hầm lò.
- Xây dựng và áp dụng các quy chuẩn,
tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến về chất lượng sản phẩm, an toàn và môi trường
trong ngành Than. Kiên quyết không chấp thuận đầu tư các dự án có công nghệ lạc
hậu, sử dụng tài nguyên không hiệu quả, không đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường.
- Kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô
của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực và chương trình đã được phê
duyệt; chỉ quyết định đầu tư khi dự án đã xác định nguồn vốn và đảm bảo hiệu quả
kinh tế.
II. NỘI DUNG TÁI
CƠ CẤU
1. Về
mô hình tăng trưởng
a) Về sản phẩm:
- Thực hiện chế biến sâu các sản phẩm
than theo lộ trình hợp lý để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thân
thiện với môi trường, phù hợp với nhu cầu sử dụng của nền kinh tế.
- Ưu tiên phát triển các sản phẩm
chính: Than, nhiên liệu từ than và khí than, điện, vật liệu nổ công nghiệp và
hóa chất trên nền sản xuất than, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ (phục vụ phát triển công nghiệp mỏ, điện, hóa chất), sản phẩm tái chế
từ chất thải (tro xỉ nhà máy nhiệt điện than, chất thải rắn từ các nhà máy sàng
tuyển khoáng sản, bùn đỏ từ chế biến bô xít...)
b) Về thị trường:
Tập trung đáp ứng nhu cầu than của thị trường trong nước trên cơ sở kết hợp giữa
sản xuất trong nước với nhập khẩu than một cách hợp lý.
c) Về đầu tư:
- Đầu tư để tạo lập các chuỗi sản phẩm
và giá trị gia tăng từ than.
- Tập trung đầu tư phát triển ngành
Than, đồng thời tận dụng lợi thế và nguồn lực từ ngành Than để đầu tư phát triển
khoáng sản khác như bôxit, sắt, khoáng sản kim loại màu…; sử
dụng các nguồn lực mới để đầu tư phát triển bể than đồng bằng sông Hồng.
- Từng bước đầu tư ra nước ngoài để
khai thác than đáp ứng nhu cầu trong nước.
- Từng bước tham gia đầu tư vào các
chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu, nhất là các loại thiết bị mỏ, phương tiện thủy
bằng các hình thức phù hợp.
- Nâng cao hiệu quả đầu tư trên cơ sở
đầu tư tập trung, dứt điểm, tránh dàn trải; tăng cường đầu tư kinh doanh dự án
bằng các hình thức BTO, BOT, BT, BO.
2. Về
các khâu trong quá trình sản xuất
a) Khai thác lộ thiên: Rà soát, sắp xếp
lại các mỏ khai thác than lộ thiên theo nguyên tắc: (i) Duy trì các mỏ khai
thác than lộ thiên quy mô lớn dưới dạng các công ty đã được cổ phần hóa; (ii)
Nghiên cứu thực hiện liên thông trong khai thác đối với các mỏ lộ thiên có vị
trí địa lý gần nhau.
b) Khai thác hầm lò: Rà soát, sắp xếp
lại các mỏ, công trường, khu vực khai thác than hầm lò có quy mô nhỏ thành các
mỏ có quy mô trữ lượng than đủ lớn (khoảng 50-100 triệu tấn/mỏ) để giảm tổn thất
than.
c) Xây dựng mỏ: Rà soát, kiện toàn để
hình thành một doanh nghiệp đầu mối đủ mạnh trong ngành Than thực hiện chức
năng xây dựng và lắp đặt các công trình mỏ hầm lò, môi trường, mặt bằng, sàng
tuyển than; xây lắp công trình công nghiệp; xây dựng công trình dân dụng.
d) Kinh doanh than: Rà soát, kiện toàn
để hình thành một doanh nghiệp đầu mối đủ mạnh trong ngành Than thực hiện chức
năng kinh doanh than, trong đó có khâu quan trọng là nhập khẩu, chế biến và
cung ứng than cho các hộ tiêu thụ trong nước, đặc biệt là cung ứng than cho sản
xuất điện.
đ) Tư vấn thiết kế mỏ: Rà soát, kiện
toàn các đơn vị thực hiện chức năng tư vấn thiết kế mỏ trong ngành Than theo
nguyên tắc: (i) Tuân thủ quy luật cạnh tranh trong cung cấp
dịch vụ tư vấn thiết kế; (ii) Nâng cao chất lượng công tác thiết kế mỏ; (iii) Gắn
công tác nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng với công tác tư vấn thiết
kế và chuyển giao công nghệ.
e) Nghiên cứu khoa học: Nghiên cứu, cổ
phần hóa các Viện nghiên cứu trong ngành Than theo chủ trương của Chính phủ về cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm thu hút các nguồn lực xã
hội trong hoạt động nghiên cứu khoa học; gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với
thực tế sản xuất để đẩy mạnh áp dụng các sản phẩm của quá
trình nghiên cứu vào sản xuất.
g) Phát triển nguồn nhân lực: Nghiên
cứu phát triển Trường Cao đẳng nghề Than - Khoáng sản Việt Nam trở thành cơ sở
giáo dục chuyên về đào tạo nghề từ cấp độ cao đẳng nghề đến trung cấp và sơ cấp
nghề mỏ để phát triển lực lượng lao động trực tiếp cung cấp nhân lực chất lượng
cao cho ngành Than.
III. GIẢI PHÁP VÀ
CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH CHỦ YẾU
1. Đổi mới cơ chế chính sách, đẩy mạnh
cải cách thủ tục hành chính
- Tiếp tục rà soát sửa đổi bổ sung,
hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực than và đầu tư
xây dựng.
- Đề xuất các cơ chế, chính sách phù
hợp để thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, các dự án chuyển giao công nghệ
đồng thời đề xuất chính sách và lộ trình loại bỏ dần các công nghệ lạc hậu
trong sản xuất than.
2. Nâng cao chất lượng công tác lập,
quản lý quy hoạch, kế hoạch, chất lượng công trình
- Thường xuyên rà soát việc thực hiện
quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển ngành Than để có những sửa đổi, bổ sung
cho phù hợp.
- Đánh giá tình hình thực hiện các dự
án ngành Than để đưa ra định hướng thu hút đầu tư nhằm phát triển các dự án
theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Tăng cường giám sát quản lý chất lượng
công trình theo quy định của Luật Xây dựng và các quy định liên quan.
3. Nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất
kinh doanh tại các doanh nghiệp ngành Than
- Tập trung đầu tư nguồn vốn vào các
dự án trọng điểm theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm
được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng và phát
triển thương hiệu sản phẩm; đổi mới và tăng cường hiệu lực quản lý phù hợp với
từng doanh nghiệp; không đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh
chính.
- Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, cân đối,
phân bổ nguồn vốn hợp lý nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh chính của
doanh nghiệp; chú trọng đến đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, áp dụng công
nghệ và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến để nâng cao hiệu quả khai thác và sử
dụng tài nguyên than.
4. Nâng cao hiệu quả việc sắp xếp, đổi
mới các doanh nghiệp ngành Than
- Đẩy mạnh thực
hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp ngành Than theo phương án đã được phê duyệt.
- Ban hành quy chế giám sát đối với các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực
than với các nội dung: Thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và minh bạch, công khai
thông tin hoạt động của doanh nghiệp.
- Xây dựng hệ thống quản trị nhân sự
chuẩn mực mang tính hội nhập quốc tế; tăng cường quản lý, giám sát thông qua
người đại diện phần vốn tại các doanh nghiệp.
5. Phát triển nguồn nhân lực
- Trên cơ sở nhu cầu nhân lực của các
lĩnh vực thuộc ngành Than, xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng
trình độ, chuyên môn cũng như hoàn thiện hệ thống cán bộ làm công tác đào tạo
và phát triển nguồn nhân lực của ngành Than.
- Xây dựng cơ chế thu hút các nhà
khoa học giỏi trong lĩnh vực than để đóng góp cho sự phát triển của ngành công
nghiệp Than.
- Tăng cường hợp tác, liên doanh với
nước ngoài trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
6. Phát triển khoa học công nghệ
- Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức
của các cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc ngành Than; đẩy mạnh xã
hội hóa nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ.
- Đẩy mạnh đào tạo, sử dụng đội ngũ
cán bộ làm công tác khoa học công nghệ trong lĩnh vực than; xây dựng quy chế ưu
đãi, tăng đầu tư, xây dựng kế hoạch nghiên cứu, đặt hàng cho công tác nghiên cứu
khoa học.
- Tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi
kinh nghiệm, tiếp thu và từng bước làm chủ, cải tiến, tiến tới sáng tạo công
nghệ trong lĩnh vực than.
- Tiếp tục triển khai thực hiện các đề
tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp ngành nhằm phục vụ
trực tiếp cho nhu cầu phát triển trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của
ngành Than.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu trong hoạt động
sản xuất, kinh doanh, quản lý nhân lực ngành Than.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Tổng cục Năng lượng, các Cục, Vụ thuộc
Bộ Công Thương dưới đây căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao chủ
trì, phối hợp với các đơn vị trong, ngoài Bộ Công Thương và Sở Công Thương các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ
đạo hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án, cụ thể như sau:
1. Tổng cục Năng lượng
- Làm đầu mối phối hợp với các đơn vị
liên quan chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án.
- Chủ trì nghiên cứu, đề xuất cơ chế,
chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển ngành Than, huy động nguồn lực xã hội để thực
hiện hiệu quả Đề án.
- Thường xuyên giám sát chuyên ngành
việc đáp ứng các điều kiện đầu tư và quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất,
kinh doanh than.
- Hàng năm tổng hợp, đánh giá tình
hình thực hiện Đề án báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương; chủ động nghiên cứu, đề
xuất sửa đổi, bổ sung Đề án khi cần thiết.
2. Vụ Kế hoạch
- Chủ trì xây dựng cơ chế, chính sách
thu hút vốn, đa dạng hóa nguồn vốn để đầu tư, phát triển ngành Than.
- Tổ chức giám sát tình hình thực hiện
đầu tư của các doanh nghiệp ngành Than theo quy định; xây dựng các tiêu chí
đánh giá hiệu quả đầu tư làm cơ sở giám sát quá trình thực hiện đầu tư, đồng thời
làm công cụ đánh giá hiệu quả đầu tư.
3. Vụ Tài chính
Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính
sách tài chính phục vụ thực hiện Đề án.
4. Vụ Tổ chức cán bộ
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị
liên quan theo dõi, giám sát và hướng dẫn công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp
ngành Than theo các nội dung của Đề án.
- Đầu mối chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc,
giám sát các doanh nghiệp ngành Than thực hiện các đề án tái cơ cấu đã được Thủ
tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt.
5. Vụ Phát triển nguồn nhân lực
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên
quan thực hiện công tác phát triển nguồn nhân lực ngành Than phù hợp với nội
dung Đề án.
6. Vụ Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị
liên quan rà soát để điều chỉnh hoặc xây dựng mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ
thuật và định mức kinh tế-kỹ thuật cho phù hợp với định hướng phát triển ngành
Than.
- Chủ trì, phối hợp với các doanh
nghiệp ngành Than và các đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn áp dụng công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất than.
7. Vụ Pháp chế
Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Năng
lượng và các đơn vị liên quan trong việc thẩm định, rà soát, hệ thống hóa
và kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc
lĩnh vực than.
8. Các Vụ thị trường khu vực và Cục
Xúc tiến thương mại
Chủ động tìm kiếm các đối tác thuộc
khu vực đơn vị quản lý để kêu gọi đầu tư, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong sản
xuất than, hỗ trợ tìm kiếm nguồn than từ nước ngoài để nhập khẩu về Việt Nam phục
vụ cho nhu cầu trong nước.
9. Cục Xuất nhập khẩu
Nghiên cứu đề xuất điều chỉnh biểu
thuế xuất, nhập khẩu than phù hợp với từng giai đoạn phát triển của ngành Than
theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
10. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương
- Tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm
quyền tạo điều kiện, ưu tiên bố trí quỹ đất cho việc đầu tư xây dựng các công
trình thuộc lĩnh vực than trên địa bàn.
- Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính
sách khuyến khích đầu tư phát triển các công trình trong lĩnh vực than trình cấp
có thẩm quyền quyết định.
11. Doanh nghiệp đầu mối ngành Than
(TKV và Tổng công ty Đông Bắc)
- Triển khai thực hiện Kế hoạch sản
xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt.
- Tổ chức xây dựng và phê duyệt
phương án tổ chức lại sản xuất, kinh doanh; phương án tái cơ cấu các doanh nghiệp
thành viên phù hợp với nội dung Đề án.
- Tập trung thực hiện tái cấu trúc quản
trị doanh nghiệp phù hợp với nội dung Đề án.
- Nghiên cứu và
đề xuất các cơ chế, chính sách để phục vụ cho việc thực hiện mục tiêu Đề án.
12. Các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công
Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với Tổng
cục Năng lượng và các đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực
hiện Đề án.
13. Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước
hoạt động trong ngành Than định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hàng năm báo cáo tình
hình thực hiện Đề án gửi Tổng cục Năng lượng, các Cục, Vụ liên quan thuộc Bộ
Công Thương; Tổng cục Năng lượng có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả thực hiện Đề án trước ngày 15 tháng
01 của năm sau đó.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục
Năng lượng, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: KHĐT, TC, KHCN, QP,
LĐTBXH;
- Các Thứ trưởng;
- Sở Công Thương các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương;
- TKV, Tổng công ty Đông Bắc;
- Lưu: VT, TCNL.
|
BỘ TRƯỞNG
Vũ Huy Hoàng
|