ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1223/2006/QĐ-UBND
|
Huế,
ngày 12 tháng 5 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP QUYỀN HẠN, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN
VÀ DOANH NGHIỆP TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁ.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh Giá số 40/2002/PL-UBTVQH10 ngày 26/4 /2002;
Căn cứ Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy
định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá và Thông tư 15/2004/TT-BTC
ngày 9 tháng 3 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số
170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Pháp lệnh Giá;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1:
Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về phân cấp quyền hạn, trách nhiệm của
các cơ quan và doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý nhà nước về giá" tại tỉnh
Thừa Thiên Huế.
Điều 2:
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số
1606/2001/QĐ-UB ngày 10 tháng 7 năm 2001 của UBND tỉnh; Điều 4, Bản quy định
kèm theo Quyết định số 4303/2004/QĐ-UB ngày 20/12/2004 của UBND tỉnh về ban
hành quy định phân cấp quản lý trong lĩnh vực tài chính giá; Khoản 1, Điều 43
Quyết định 3721/2005/QĐ-UBND ngày 01/11/2005 của UBND tỉnh. Các qui định tại
các văn bản khác của UBND tỉnh trái với các nội dung tại Qui định tại Quyết định
này được bãi bỏ.
Điều 3:
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng
các cơ quan ban ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế, Giám đốc
các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh chịu
trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi
nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Tài chính;
- Cục KTVB QPPL (Bộ TP);
- TV Tỉnh ủy;
- TT HĐND và các Ban của HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- VP: Lãnh đạo và các CV;
- Lưu: VT, LT
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Xuân Lý
|
QUY ĐỊNH
VỀ PHÂN CẤP QUYỀN HẠN, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN VÀ DOANH
NGHIỆP TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1223 /2006/QĐ-UBND ngày 12/05/2006 của
Ủy ban nhân dân tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện việc quản lý Nhà nước về giá trên phạm vị toàn tỉnh
theo quy định của pháp luật, theo sự phân cấp quản lý Nhà nước về giá của Chính
phủ. Sở Tài chính là cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện việc
quản lý Nhà nước về giá tại địa phương. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Huế
thực hiện việc quản lý Nhà nước về giá trên địa bàn theo sự phân cấp quản lý
Nhà nước về giá của Ủy ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn chuyên môn của Sở Tài
chính.
Điều 2.
Ngoài danh mục hàng hóa, dịch vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc cơ quan quản lý
Nhà nước về giá thống nhất quản lý giá, chỉ đạo giá trong bản quy định này, các
cấp, các ngành, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (bao gồm các Xí
nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) và các tổ chức, cá nhân đều phải chấp hành
nghiêm chỉnh chế độ chính sách giá theo các điều khoản ghi trong các quyết định
giá đối với danh mục hàng hóa, dịch vụ được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương
định giá và quản lý giá .
Điều 3.
Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban ngành, Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố Huế không được tự ý quy định giá hoặc thay đổi giá trừ trường hợp cụ
thể được Ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp quy định giá tại Điều 6, Điều 7, Điều 8,
Điều 9, Điều 10 và Điều 11 của Quy định này.
Tất cả các doanh nghiệp thuộc
các thành phần kinh tế (bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài),
các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trên trên địa bàn tỉnh
Thừa Thiên Huế đều chịu sự quản lý giá của Nhà nước bằng các hình thức : Hướng
dẫn, kiểm soát và thanh tra giá, đăng ký giá, niêm yết giá theo danh mục hàng
hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của Trung ương và địa phương.
Điều 4.
Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và quản lý giá trên địa bàn Tỉnh
bao gồm :
1. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do
Nhà nước định giá
1.1. Giá cước vận chuyển hành
khách bằng xe buýt trong thành phố, khu công nghiệp;
1.2. Giá các loại đất; đơn giá
cho thuê đất;
1.3. Giá cho thuê mặt nước;
1.4. Giá nước sạch cho sinh hoạt;
1.5. Giá bán hoặc cho thuê nhà ở
thuộc sở hữu nhà nước cho các đối tượng tái định cư, đối tượng chính sách; Giá
bán hoặc cho thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước để làm việc hoặc sử dụng vào mục
đích khác;
1.6. Giá bán điện đối với nguồn
điện do địa phương quản lý không thuộc mạng lưới điện quốc gia;
1.7. Giá cước vận chuyển hàng
hóa bằng ô tô trong các trường hợp xác định mức trợ giá, trợ cước vận chuyển
hàng hóa thuộc danh mục được trợ giá, trợ cước vận chuyển chi từ ngân sách địa
phương và trung ương và trường hợp vận chuyển theo đặt hàng của Nhà nước thuộc
ngân sách địa phương không qua hình thức đấu thầu, đấu giá; mức giá bán lẻ hàng
hóa được trợ giá, trợ cước;
1.8. Giá bán báo Thừa Thiên Huế;
1.9. Giá hàng hóa dịch vụ sản xuất
theo đơn đặt hàng của tỉnh thuộc ngân sách địa phương không thông qua hình thức
đấu thầu, đấu giá;
2. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do
Nhà nước quản lý giá
2.1. Giá trị bồi thường hỗ trợ
tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
2.2. Cước vận chuyển hàng hóa bằng
phương tiện ôtô, thuyền sông, cước xếp dỡ hàng hóa bằng thủ công.
2.3. Tài sản được mua toàn bộ hoặc
một phần từ nguồn ngân sách nhà nước;
2.4. Tài sản của nhà nước cho
thuê, chuyển nhượng, góp vốn và các hình thức chuyển quyền khác;
2.5. Tài sản của doanh nghiệp
nhà nước cho thuê, chuyển nhượng, bán, góp vốn, cổ phần hóa, giải thể và các
hình thức chuyển đổi khác;
2.6. Tài sản khác của nhà nước;
Giá hàng hóa dịch vụ có tác động đến phát triển kinh tế xã hội tại tỉnh;
Chương II
QUYỀN HẠN,TRÁCH NHIỆM CỦA
CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VÀ DOANH NGHIỆP TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ GIÁ
Điều 5.
Nguyên tắc phân cấp quản lý Nhà nước về giá
1. Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất
quản lý Nhà nước về giá thuộc phạm vi tỉnh theo sự phân cấp quản lý của Chính
phủ.
2. Sở Tài chính chịu trách nhiệm
trước Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về giá thuộc phạm vi được
ủy quyền.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp
quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước về giá cho các cơ quan Nhà nước, Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố Huế và doanh nghiệp.
Điều 6.
Quyền hạn, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc quản lý giá và quyết
định giá
a) Tổ chức chỉ đạo thực hiện các
quyết định về giá hàng hóa, dịch vụ do Chính phủ, các Bộ và các ngành Trung
ương quy định áp dụng tại địa phương. Chỉ đạo tổ chức đăng ký giá, niêm yết
giá, hiệp thương giá. Chỉ đạo việc thanh tra giá, kiểm soát giá, xử lý các vụ
vi phạm kỷ luật giá trên địa bàn tỉnh theo quy định của Nhà nước.
b) Xây dựng và tổ chức thực hiện
các chính sách về giá cả; chỉ đạo và nâng cao năng lực thẩm định giá tài sản
theo quy định của Pháp luật; kiểm soát giá cả độc quyền và chống bán phá giá
trên thị trường trong tỉnh; tăng cường biện pháp quản lý nhằm góp phần bình ổn
giá, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, các nhân sản xuất kinh
doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.
c) Ban hành các văn bản quy phạm
pháp luật về quản lý giá và quyết định giá tại địa phương (mức giá cụ thể, giá
chuẩn, giá giới hạn) những hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục nhà nước thống nhất
quản lý về giá.
Điều 7:
Quyền hạn, trách nhiệm của Sở Tài chính trong việc quản lý giá và quyết định
giá :
a) Quyền hạn, trách nhiệm của Sở
Tài chính trong lĩnh vực quản lý giá:
- Hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ
giá, tham gia cùng các Sở, ngành quản lý và các doanh nghiệp có liên quan xây dựng
các phương án giá hàng hóa, dịch vụ quan trọng và chịu trách nhiệm soạn thảo
các văn bản quản lý giá trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đối với các mặt
hàng thuộc thẩm quyền đã quy định tại Khoản c, Điều 6 tại quy định này.
- Phối hợp với các ngành liên
quan để hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện những Quyết định, quy định quản lý giá của
Trung ương và của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành để áp dụng thống nhất trong
toàn tỉnh.
- Tổ chức thu thập, xử lý thông
tin, báo cáo kịp thời giá cả ở thị trường chính trong tỉnh theo yêu cầu của Ủy
ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
- Tổ chức điều tra, khảo sát, thống
kê, báo cáo giá các loại đất trên địa bàn toàn tỉnh.
- Hướng dẫn thực hiện các biện
pháp bình ổn giá, đăng ký giá, niêm yết giá. Tổ chức hiệp thương về giá, thanh
tra, kiểm tra giá; Điều tra, kiểm soát giá độc quyền và liên kết độc quyền về
giá; Kiểm soát chi phí sản xuất và các yếu tố hình thành giá; xử lý và tham mưu
cho Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý các vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá trên địa bàn
tỉnh;
- Quản lý giá mua sắm tài sản bằng
toàn bộ hoặc một phần từ ngân sách nhà nước đối với các đơn vị thuộc tỉnh quản
lý.
b) Quyền hạn, trách nhiệm của Sở
Tài chính trong lĩnh vực quy định giá:
- Quy định chi tiết hệ thống cước
vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện ôtô, thuyền sông, cước xếp dỡ hàng hóa bằng
thủ công để làm cơ sở cho việc kiểm soát chi từ ngân sách nhà nước; mức trợ giá
bán lẻ hàng hóa được trợ giá, trợ cước.
- Phối hợp với Sở Xây dựng để
Thông báo giá vật liệu xây dựng hàng tháng và quy định giá một số vật liệu xây
dựng chủ yếu làm căn cứ tính đơn giá xây dựng cơ bản trong phê duyệt dự toán,
quyết toán xây dựng công trình xây dựng cơ bản và kiểm soát giá thanh toán giữa
chủ đầu tư và tổ chức nhận thầu theo khối lượng hoàn thành.
- Quy định giá tài sản, hàng
hóa, dịch vụ sản xuất theo đơn đặt hàng của tỉnh thuộc ngân sách địa phương
không thông qua hình thức đấu thầu, đấu giá;
- Quy định cụ thể giá hàng hóa dịch
vụ có tác động đến phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
- Kiểm tra và quản lý giá mua sắm
tài sản của các đơn vị thuộc tỉnh quản lý được mua toàn bộ hoặc một phần từ nguồn
ngân sách nhà nước có đơn giá hoặc tổng giá trị từ 20 triệu đồng đến dưới 100
triệu đồng cho một lần mua sắm các loại hàng hóa cùng chủng loại hoặc đồng bộ.
- Tổ chức thực hiện và kiểm
tra giá, kiểm soát chi phí sản xuất thuộc danh mục do Nhà nước quản lý và quyết
định giá... theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và các Bộ quản lý ngành.
- Tham gia các hội đồng định giá
:
+ Tài sản, hàng hóa tịch thu hoặc
để thi hành án, trong các vụ án kinh tế, hình sự; buôn lậu, tài sản dôi thừa
các doanh nghiệp... nộp lại cho cơ quan Tài chính theo quyết định xử lý của cơ
quan có thẩm quyền cùng cấp.
+ Thanh lý tài sản và bán đấu
giá tài sản cho những trường hợp đặc biệt theo yêu cầu của doanh nghiệp và cơ
quan quản lý nhà nước.
+ Tài sản là nhà, công trình kiến
trúc, máy thiết bị và phương tiện vận chuyển khi thanh lý,chuyển nhượng của các
cơ quan hành chính, sự nghiệp trực thuộc cấp tỉnh quản lý .
+ Tài sản, hàng hóa do các tổ chức
quốc tế hoặc nước ngoài viện trợ cho các cơ quan đoàn thể, các doanh nghiệp Nhà
nước cho từng dự án dưới mọi hình thức trực thuộc cấp tỉnh quản lý.
+ Tài sản, hàng hóa trong các vụ
án kinh tế, hình sự, dân sự thuộc án cấp tỉnh thụ lý theo trưng cầu giám định của
cơ quan điều tra cùng cấp.
c) Quyền hạn, trách nhiệm của Sở
Tài chính trong lĩnh vực thẩm định giá:
1. Thẩm định, kiểm soát giá bồi
thường hỗ trợ tái định cư do các Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng trình
phương án đền bù chi tiết trong các dự án đầu tư xây dựng khi Nhà nước thu hồi
đất trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đối với các dự án Thu hồi đất có liên
quan từ 2 huyện, thị xã, thành phố trở lên.
2. Các dự án có liên quan đến bồi
thường, hỗ trợ và tái định cư do các Bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện
tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
3. Kiểm tra, kiểm soát kết quả
thẩm định của các tổ chức có chức năng tư vấn, thẩm định giá nếu phát hiện kết
quả thẩm định giá không phù hợp với giá trị thị trường thì có quyền yêu cầu cơ
quan thẩm định tổ chức thẩm định lại cho phù hợp với giá trị thị trường hoặc đề
xuất xử lý theo quy định hiện hành.
Điều 8.
Quyền hạn, trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực giá:
1. Trong phạm vi quản lý Nhà nước
về giá, thủ trưởng các cơ quan Nhà nước tổ chức chỉ đạo thực hiện các Quyết định
giá của cấp có thẩm quyền quyết định đến các cơ sở thuộc Sở, ban, ngành được
phân cấp quản lý.
2. Chỉ đạo các cơ sở sản xuất
kinh doanh thuộc mình quản lý thực hiện chế độ đăng ký giá, niêm yết giá theo
quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn của Sở Tài chính .
3. Tổ chức thanh tra, kiểm
tra giá, kiểm soát chi phí sản xuất trong nội bộ ngành. Tham gia các cuộc kiểm
tra, thanh tra giá do Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức.
4. Phối hợp với Sở Tài chính để
thẩm định phương án giá thuộc danh mục Nhà nước quản lý trước khi trình Ủy ban
nhân dân tỉnh phê duyệt đối với các phương án giá hàng hóa, dịch vụ quan trọng
đã quy định tại Điều 6 Quy định này.
5. Được quyền quyết định giá mua
không bắt buộc phải thẩm định giá đối với tài sản được mua toàn bộ hoặc một phần
từ nguồn ngân sách nhà nước có đơn giá hoặc tổng giá trị dưới 100 triệu đồng
cho một lần mua sắm ( dưới một trăm triệu đồng) và phải chịu trách nhiệm về quyết
định của mình. cụ thể như sau :
- Đối với tài sản được mua toàn
bộ hoặc một phần từ nguồn ngân sách nhà nước có đơn giá hoặc tổng giá trị từ 20
triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng ( từ hai mươi triệu đồng đến dưới một trăm
triệu đồng) cho một lần mua sắm thì thủ trưởng đơn vị quyết định giá mua và phải
báo cáo cơ quản quản lý tài chính cùng cấp 10 ngày (ngày làm việc) trước khi
mua sắm. Trong thời hạn 7 ngày (ngày làm việc) kể từ khi nhận được báo cáo, nếu
không thống nhất với mức giá báo cáo của các đơn vị thì cơ quan quản lý tài
chính phải có văn bản quản lý giá. Trong trường hợp này mức giá mua không được
vượt quá giá trần do cơ quan tài chính thông báo.
- Đối với tài sản được mua toàn
bộ hoặc một phần từ nguồn ngân sách nhà nước có đơn giá hoặc tổng giá trị dưới
20 triệu đồng (dưới hai mươi triệu đồng) cho một lần mua sắm thì thủ trưởng đơn
vị tự quyết định giá mua.
Điều 9.
Quyền hạn, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Huế trong lĩnh
vực giá cả:
a) Quyền hạn, trách nhiệm về quản
lý giá:
- Tổ chức chỉ đạo thực hiện các
quyết định giá, quy định giá của cấp có thẩm quyền quy định áp dụng tại địa
phương theo các điều khoản ghi trong các quyết định giá đối với danh mục hàng
hóa, dịch vụ.
- Tổ chức việc thông tin giá cả
và báo cáo giá cả thị trường trên địa bàn thuộc thành phố, huyện theo hướng dẫn
của Sở Tài chính .
- Tổ chức thực hiện việc đăng ký
giá, niêm yết giá, việc thanh tra giá và xử lý các vụ vi phạm kỷ luật giá trên
địa bàn thành phố, huyện theo hướng dẫn của Sở Tài chính .
- Tổ chức điều tra, khảo sát, thống
kê, báo cáo giá các loại đất trên địa bàn.
- Quản lý giá mua sắm tài sản bằng
toàn bộ hoặc một phần từ ngân sách nhà nước đối với các đơn vị thuộc cấp huyện
và thành phố Huế quản lý.
b) Quyền hạn, trách nhiệm về xác
định giá:
- Kiểm tra và quản lý giá mua sắm
tài sản của các đơn vị thuộc huyện và thành phố Huế quản lý được mua toàn bộ hoặc
một phần từ nguồn ngân sách nhà nước có đơn giá hoặc tổng giá trị từ 20 triệu đồng
đến dưới 100 triệu đồng cho một lần mua sắm.
- Xác định giá tài sản, hàng hóa
tịch thu hoặc để thi hành án, trong các vụ án kinh tế, hình sự; buôn lậu, tài sản
dôi thừa của các doanh nghiệp thuộc huyện và thành phố Huế quản lý nộp lại cho
cơ quan Tài chính theo quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền.
- Xác định giá trị tài sản (bao
gồm nhà, công trình kiến trúc, máy móc thiết bị và phương tiện vận chuyển) khi
thanh lý, chuyển nhượng của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc huyện
và thành phố Huế quản lý trực tiếp.
- Xác định giá thanh lý tài sản
cho những trường hợp đặc biệt theo yêu cầu của doanh nghiệp thuộc huyện và
thành phố Huế quản lý.
- Xác định giá các loại hàng hóa
do các tổ chức quốc tế hoặc nước ngoài viện trợ cho các cơ quan đoàn thể, các
doanh nghiệp Nhà nước cho từng dự án dưới mọi hình thức thuộc huyện và thành phố
Huế quản lý trực tiếp.
- Định giá tài sản, hàng hóa
trong các vụ án kinh tế, hình sự, dân sự thuộc án huyện và thành phố Huế thụ lý
theo trưng cầu giám định của cơ quan điều tra cùng cấp.
- Phê duyệt giá trị bồi thường hỗ
trợ tái định cư và chi phí cho hoạt động bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà
nước thu hồi đất đối với những dự án thu hồi đất trong phạm vi 1 huyện, thành
phố, thị xã.
- Căn cứ giá các loại đất, đơn
giá cho thuê đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định để xác định mức giá tối thiểu
để tổ chức chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu
giá.
c) Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố Huế có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn, tham mưu trực tiếp về
công tác giá cả tại địa phương giúp Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Huế với
trách nhiệm:
- Phối hợp cùng các ngành quản
lý có liên quan xây dựng và soạn thảo các văn bản quản lý giá trình Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố Huế phê duyệt thuộc thẩm quyền đã quy định tại Khoản
a, Khoản b điều này.
- Tổ chức thu thập, xử lý thông
tin, báo cáo kịp thời giá cả ở các thị trường chính theo yêu cầu của Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố Huế và của Sở Tài chính.
- Kiểm soát việc xác định giá bồi
thường hỗ trợ tái định cư cho các tổ chức cá nhân do các Hội đồng đền bù thiệt
hại giải phóng mặt bằng trình phương án đền bù cho Ủy ban nhân dân huyện phê
duyệt.
Điều 10.
Quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp trong lĩnh vực giá:
- Được quyền quyết định giá bán
hàng hóa dịch vụ không thuộc danh mục do Nhà nước (Trung ương và địa phương)
quy định giá; Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục do Nhà nước (Trung ương
và Địa phương) định giá doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp có trách nhiệm lập
phương án giá trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt , thông qua cơ quan chuyên
môn tham mưu trực tiếp là cơ quan quản lý Tài chính (khi thực hiện các hoạt động
quyết định giá, doanh nghiệp phải tuân theo đúng nguyên tắc xác định giá của
Nhà nước). Các quyết định về giá phải được ban hành bằng văn bản và gửi cho cơ
quan Sở Tài chính để theo dõi.
- Được quyền quyết định giá mua
không phải thẩm định giá bằng các nguồn vốn không thuộc ngân sách Nhà nước; Tài
sản, thiết bị, phương tiện làm việc được mua toàn bộ hoặc một phần từ nguồn
ngân sách nhà nước có giá trị dưới 100.000.000 đồng (dưới một trăm triệu đồng)
cho một lần mua sắm thực hiện theo quy định tại khoản 5, Điều 8, quy định này
và không phải thẩm định giá khi mua nguyên vật liệu, nhiên liệu phục vụ cho sản
xuất.
- Được quyền khiếu nại về các
quyết định giá do cấp có thẩm quyền quyết định làm thiệt hại đến lợi ích của
doanh nghiệp.
- Được quyền tố giác hoặc khiếu
nại các hành vi xâm phạm quyền tự quyết định giá của doanh nghiệp nói tại Điều
này.
- Tổ chức thực hiện các Quyết định
về giá của các cơ quan nhà nước, thực hiện đúng quy định của Nhà nước về đăng ký
giá, hiệp thương giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết .
- Các doanh nghiệp thuộc mọi
thành phần kinh tế đều chịu sự kiểm soát, kiểm tra giá, xử lý các vi phạm kỷ luật
về giá.
- Chấp hành nghiêm chỉnh các biện
pháp can thiệp của Nhà nước trong trường hợp khẩn cấp nhằm bình ổn giá cả thị
trường.
- Cấm bán phá giá; Cấm độc quyền
và liên kết độc quyền về giá.
Chương III
BÌNH ỔN GIÁ
Điều 11.
Danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá bao gồm: xăng, dầu, khí hoá lỏng,
xi măng, sắt thép, phân bón, lúa, gạo, cà phê, bông hạt và bông xơ, mía cây
nguyên liệu, muối; một số loại thuốc phòng, chữa bệnh cho người dịch vụ theo
quy định của pháp luật.
Điều 12.
Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá
trong trường hợp giá cả thị trường biến động bất thường xảy ra tại địa phương đối
với giá hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá mà giá những
hàng hoá, dịch vụ này biến động sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội tại
địa phương. Những biện pháp đó là:
a) Điều chỉnh cung cầu hàng hoá
bảo đảm sản xuất, tiêu dùng tại địa phương;
b) Áp dụng các biện pháp tài
chính, tiền tệ khi cần thiết để bình ổn giá hàng hoá, dịch vụ theo thẩm quyền
quản lý và sử dụng ngân sách địa phương.
Trường hợp hàng hoá, dịch vụ cụ
thể mà Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã quyết định và công bố áp dụng các
biện pháp bình ổn giá thì ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các biện pháp đó.
Điều 13.
Thời hạn áp dụng các biện pháp bình ổn giá
1. Thời hạn áp dụng các biện
pháp bình ổn giá do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định và công bố chỉ có hiệu
lực thi hành trong thời gian giá cả thị trường có biến động bất thường.
2. Khi tình hình giá cả thị trường
trở lại bình thường, Ủy ban nhân dân tỉnh công bố chấm dứt thời hạn áp dụng các
biện pháp bình ổn giá đó.
Điều 14.
Thủ tục trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định áp dụng các biện pháp bình ổn giá
1. Sở Tài chính trình Uỷ ban
nhân dân cấp tỉnh quyết định và công bố thi hành các biện pháp bình ổn giá
trong trường hợp giá thị trường có biến động bất thường xảy ra tại địa phương.
2. Nội dung trình Uỷ ban nhân
dân cấp tỉnh quyết định các biện pháp bình ổn giá bao gồm:
a) Tình hình và nguyên nhân biến
động giá thị trường của hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá;
b) Những biện pháp để bình ổn
giá hàng hoá, dịch vụ và thời hạn áp dụng các biện pháp bình ổn giá;
c) Điều kiện để thực hiện các biện
pháp bình ổn giá;
d) Trách nhiệm của các cơ quan,
tổ chức thực hiện các biện pháp bình ổn giá.
Điều 15.
Trách nhiệm tổ chức thực hiện các quyết định về các biện pháp bình ổn giá của Ủy
ban nhân dân tỉnh
1. Sở Tài chính có trách nhiệm
hướng dẫn tổ chức thực hiện quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về việc áp
dụng các biện pháp bình ổn giá; các Sở quản lý ngành, lĩnh vực và Uỷ ban nhân
dân huyện, thành phố Huế có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp bình ổn
giá được ủy ban nhân dân tỉnh giao.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất
kinh doanh những hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá có
trách nhiệm thực hiện các biện pháp bình ổn giá có liên quan đã được quy định
trong quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
Chương IV
ĐỊNH GIÁ
Điều 16.
Hồ sơ phương án giá và nội dung giải trình phương án giá:
1. Hồ sơ phương án định giá hoặc
điều chỉnh giá (gọi chung là hồ sơ phương án giá) bao gồm :
1.1. Công văn đề nghị cơ quan có
thẩm quyền định giá, điều chỉnh giá.
1.2. Bản giải trình phương án
giá.
1.3. Văn bản tổng hợp ý kiến
tham gia của các cơ quan liên quan (kèm theo bản sao ý kiến của các cơ quan).
1.4. Văn bản thẩm định phương án
giá của các cơ quan có chức năng thẩm định.
1.5. Tài liệu có liên quan khác.
2. Nội dung giải trình phương án
giá bao gồm:
2.1. Sự cần thiết phải định giá
hoặc điều chỉnh giá; tình hình sản xuất kinh doanh của hàng hoá, dịch vụ cần định
giá hoặc điều chỉnh giá.
2.2. Bản tính toán giá thành,
giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá phải tuân thủ theo quy
chế tính giá do Bộ Tài chính quy định.
2.3. Tác động của mức giá mới đối
với hoạt động của các tổ chức sản xuất kinh doanh khác, đến ngân sách nhà nước,
tác động đến đời sống, xã hội, thu nhập của người tiêu dùng.
2.4. Các biện pháp tổ chức triển
khai thực hiện giá mới.
3. Hồ sơ phương án giá gửi cơ
quan thẩm định gồm hồ sơ quy định tại các điểm 1.1, 1.2, 1.3, 1.5, 2.1, 2.2,
2.3, 2.4. Hồ sơ phương án giá gửi cơ quan có thẩm quyền quyết định giá còn bao
gồm thêm văn bản thẩm định phương án giá quy định tại điểm 1.4 nói trên.
Điều 17:
Trách nhiệm lập và xét duyệt hồ sơ phương án giá
1. Hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm
quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định giá thì Sở quản lý ngành kinh tế
kỹ thuật hoặc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Huế chỉ đạo các đơn vị trực
thuộc có trách nhiệm lập phương án giá gửi về Sở Tài chính. Sở Tài chính chịu
trách nhiệm xem xét thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
2. Hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm
quyền Giám đốc Sở Tài chính quyết định giá thì cơ quan quản lý ngành hàng, Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố Huế và các tổ chức liên quan có trách nhiệm lập
phương án giá trình Sở Tài chính phê duyệt theo quy chế hiện hành.
3. Hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm
quyền của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Huế xác định giá thì cơ quan quản
lý ngành hàng, các đơn vị trực thuộc có trách nhiệm lập phương án giá gửi về
phòng Tài chính kế hoạch huyện, thành phố Huế xem xét thẩm định để trình Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phê duyệt.
4. Hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm
quyền của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Huế quyết định giá đã ủy quyền
cho cơ quan chuyên môn, tham mưu trực tiếp về công tác giá cả tại huyện, thành
phố thì cơ quan quản lý ngành hàng, các đơn vị trực thuộc có trách nhiệm lập
phương án giá gửi về cơ quan chuyên môn, tham mưu trực tiếp về công tác giá tại
huyện, thành phố Huế tiến hành phê duyệt theo quy chế hiện hành.
Điều 18:
Thời hạn xét duyệt phương án giá
1. Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ xin
xét duyệt phương án giá và văn bản thẩm định của các cơ quan có thẩm quyền, cơ
quản quản lý Nhà nước về giá có thẩm quyền phải xét duyệt phương án giá đúng thời
hạn sau:
- Không quá 10 ngày (ngày làm việc)
đối với phương án giá thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Không quá 7 ngày (ngày làm việc)
đối với phương án giá thuộc thẩm quyền của Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố Huế phê duyệt.
2. Trường hợp phải kéo dài thêm
thời gian thì phải thông báo cho cơ quan, đơn vị trình phương án giá biết thời
hạn cần kéo dài thêm, thời gian kéo dài không quá 15 ngày. Nếu quá thời hạn nêu
trên mà chưa nhận được văn bản phê duyệt giá thì cơ quan đơn vị trình phương án
giá được quyền thực hiện theo mức giá đã kiến nghị.
Điều 19.
Điều chỉnh mức giá do Nhà nước định giá
1. Khi các yếu tố hình thành giá
trong nước và giá thế giới có biến động ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống thì cơ
quan nhà nước có thẩm quyền định giá phải kịp thời điều chỉnh giá. Trường hợp
không điều chỉnh giá thì áp dụng các biện pháp tài chính, tiền tệ và các biện
pháp cần thiết khác để bảo đảm cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoạt động
được bình thường và bảo đảm lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
2. Tổ chức, cá nhân có quyền kiến
nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá điều chỉnh mức giá theo quy định của
pháp luật. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh những hàng hoá, dịch vụ do Nhà
nước định giá khi kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh giá thì
phải nêu rõ lý do và cơ sở xác định mức giá đề nghị điều chỉnh.
3. Chậm nhất là 15 ngày (ngày
làm việc), kể từ ngày nhận được kiến nghị của tổ chức, cá nhân thì cơ quan nhà nước
có thẩm quyền định giá phải xem xét, điều chỉnh giá trong thời hạn quy định tại
Điều 18 Quyết định này; trường hợp không chấp nhận kiến nghị điều chỉnh giá thì
phải trả lời cho tổ chức, cá nhân bằng văn bản.
Chương V
HIỆP THƯƠNG GIÁ
Điều 20.
Điều kiện hiệp thương giá:
Sở Tài chính tổ chức hiệp thương
giá khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Theo đề nghị của một trong
hai bên mua, bán khi các bên này không thỏa thuận được giá mua, giá bán để ký hợp
đồng hoặc theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Phải là hàng hoá dịch vụ quan
trọng có tính chất độc quyền mua, độc quyền bán không thuộc phạm vi định giá
quy định tại Khoản 1, Điều 4 Quy định này (hàng hóa, dịch vụ quan trọng độc quyền
mua, độc quyền bán là hàng hóa, dịch vụ độc quyền được sản xuất ra trong điều
kiện sản xuất kinh doanh đặc thù mà trong quan hệ mua, bán các bên phụ thuộc lẫn
nhau không thể thay thế được, không có cạnh tranh trên thị trường).
Điều 21.
Hồ sơ hiệp thương giá:
1. Văn bản đề nghị của bên mua
hoặc bên bán gửi cơ quan có thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá.
2. Phương án giá hiệp thương với
nội dung:
a) Sự cần thiết phải hiệp thương
giá.
b) Bản tính giá hàng hóa, dịch vụ
yêu cầu hiệp thương:
- Tình hình sản xuất - tiêu thụ,
cung - cầu hàng hóa dịch vụ;
- Phân tích mức giá đề nghị hiệp
thương;
+ Nếu bên bán kiến nghị tổ chức
hiệp thương giá thì phải phân tích giá thành sản xuất và các yếu tố ảnh hưởng đến
chi phí sản xuất của hàng hóa, dịch vụ (đối với hàng hoá sản xuất trong nước);
giá thị trường thế giới, giá nhập, các chi phí nhập khẩu, thuế, các chi phí lưu
thông cần thiết và các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá của hàng hoá (đối với hàng
hóa nhập khẩu).
+ Nếu bên mua kiến nghị tổ chức
hiệp thương giá thì phải phân tích mức giá dự kiến điều chỉnh của bên bán ảnh
hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của bên mua và các đối tác khác có liên
quan, phân tích ảnh hưởng đến giá thành sản xuất và giá bán của sản phẩm đầu
ra.
- Những vấn đề mà bên mua, bán
chưa thống nhất, lập luận của các bên về sự chưa thống nhất đó.
- Đánh giá tác động của mức giá
mới đối với khả năng chấp nhận của tổ chức sản xuất, kinh doanh khác.
- Các kiến nghị khác (nếu có)
Hồ sơ hiệp thương giá phải gửi
cho Sở Tài chính (cơ quan tổ chức hiệp thương giá) ít nhất 3 bộ và đồng gửi cho
bên đối tác (mua, bán)
Điều 22.
Thủ tục hiệp thương giá.
1. Thành phần tham gia tổ chức
hiệp thương giá hàng hóa, dịch vụ do Sở Tài chính quyết định.
2. Trình tự hiệp thương giá :
- Tổ chức, cá nhân đề nghị hiệp
thương giá phải lập và gửi hồ sơ hiệp thương giá đến Sở Tài chính. Trong trường
hợp hiệp thương giá được thực hiện theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
thì doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm lập hồ
sơ hiệp thương giá.
- Tổ chức, cá nhân đề nghị hiệp
thương giá có quyền rút lại hồ sơ hiệp thương giá, tự thỏa thuận với nhau về mức
giá mua, giá bán của hàng hóa, dịch vụ đề nghị hiệp thương giá trước khi cơ
quan có thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá.
3. Trách nhiệm của Sở Tài chính:
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ
ngày nhận đủ hồ sơ hiệp thương giá, Sở tài chính phải tổ chức hiệp thương giá.
- Trong quá trình tổ chức hiệp
thương giá, Sở Tài chính phải tiến hành thu thập, phân tích những thông tin cần
thiết có liên quan đến hàng hóa, dịch vụ hiệp thương giá; phân tích các yếu tố
hình thành giá ảnh hưởng đến bên mua và bên bán, tạo điều kiện cho hai bên mua
và bán thỏa thuận thống nhất với nhau về mức giá.
- Trong quá trình hiệp thương
giá, các thành viên có quyền đưa ra ý kiến của mình để cùng trao đổi và thỏa
thuận.
- Kết quả hiệp thương giá do các
bên thỏa thuận được Sở Tài chính ban hành để thi hành; trong trường hợp vẫn còn
ý kiến khác nhau thì Sở Tài chính sẽ quyết định đưa ra mức giá tạm thời để hai
bên thi hành cho đến khi các bên thỏa thuận được mức giá, mức giá tạm thời có
hiệu lực tối đa là 6 tháng. Trong thời gian thi hành quyết định giá tạm thời
các bên tiếp tục trao đổi để thoả thuận giá mua, giá bán, hết thời hạn này nếu
bên mua, bên bán không thoả thuận được giá mua, giá bán và có đề nghị thì Sở
Tài chính sẽ tổ chức hiệp thương lại.
Chương VI
THẨM ĐỊNH GIÁ
Điều 23.
Nguyên tắc thẩm định giá :
1. Tuân thủ pháp luật, tiêu chuẩn
thẩm định giá Việt nam.
2. Chịu trách nhiệm trước pháp
luật về hoạt động nghề nghiệp và kết quả thẩm định giá. Trường hợp kết quả thẩm
định giá không đúng, gây thiệt hại cho khách hàng hoặc người sử dụng kết quả thẩm
định gián (Nhà nước, tổ chức, cá nhân) thì cơ quan thẩm định giá phải bồi thường.
Việc giải quyết bồi thường thiệt hại được thực hiện theo một trong các hình thức
sau:
a) Thỏa thuận bồi thường
b) Giải quyết bằng trọng tài
theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại hoặc phán quyết của tòa án
theo quy định của pháp luật.
3. Bảo đảm tính độc lập về
chuyên môn nghiệp vụ và tính trung thực khách quan của hoạt động thẩm định giá.
4. Bảo mật các thông tin của đơn
vị được thẩm định giá, trừ trường hợp đơn vị được thẩm định giá đồng ý hoặc
pháp luật có quy định khác.
Điều 24.
Tài sản Nhà nước phải thẩm định giá :
Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp,
đơn vị sử dụng nguồn ngân sách nhà nước mua sắm tài sản (nguồn ngân sách nhà nước
mua sắm tài sản của Nhà nước phải thẩm định giá bao gồm: vốn đầu tư xây dựng cơ
bản, vốn sự nghiệp, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn vay tín dụng
do Nhà nước bảo lãnh và vốn khác thuộc nguồn ngân sách) nếu không qua đấu thầu
và qua Hội đồng xác định giá thì phải thực hiện thẩm định giá gồm:
1. Tài sản được mua toàn bộ hoặc
một phần từ nguồn ngân sách nhà nước có đơn giá hoặc tổng giá trị từ 100 triệu
đồng trở lên cho một lần mua sắm các loại hàng hóa cùng chủng loại hoặc đồng bộ;
2. Tài sản của nhà nước cho
thuê, chuyển nhượng, góp vốn và các hình thức chuyển quyền khác có giá trị từ
500 triệu đồng trở lên;
3. Tài sản của doanh nghiệp nhà
nước cho thuê, chuyển nhượng, bán, góp vốn, cổ phần hóa, giải thể và các hình
thức chuyển đổi khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên;
4. Tài sản khác của nhà nước có
giá trị từ 500 triệu đồng trở lên;
Điều 25.
Kết quả thẩm định giá
Kết quả thẩm định giá được sử dụng:
1. Là một trong những căn cứ để
cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt chi từ ngân sách nhà nước,
tính thuế, xác định giá trị tài sản đảm bảo vay vốn ngân hàng, mua bảo hiểm,
cho thuê, chuyển nhượng, bán, góp vốn, cổ phần hóa, giải thể doanh nghiệp và sử
dụng vào các mục đích khác đã được ghi trong hợp đồng thẩm định giá.
2. Để tư vấn cho cơ quan nhà nước
có thẩm quyền quyết định giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất
đai.
3. Là cơ sở cho tổ chức, cá nhân
có nhu cầu thẩm định giá sử dụng kết quả thẩm định giá theo mục đích đã được
ghi trong hợp đồng thẩm định giá.
4. Trách nhiệm của các cơ quan,
tổ chức khi sử dụng kết quả thẩm định giá:
- Các cơ quan, tổ chức khi sử dụng
kết quả thẩm định giá tài sản, hàng hoá, dịch vụ phải chịu trách nhiệm trước
pháp luật về quyết định của mình khi mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cổ phần
hóa, góp vốn và các hình thức chuyển quyền khác.
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân
khi phát hiện kết quả thẩm định giá không phù hợp với giá trị thị trường thì có
quyền yêu cầu cơ quan thẩm định tổ chức thẩm định lại cho phù hợp với giá trị
thị trường và không phải nộp thêm tiền dịch vụ.
Điều 26.
Giá dịch vụ thẩm định giá.
1. Giá dịch vụ thẩm định giá được
xác định theo sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp thẩm định giá với khách hàng
nhưng không được vượt quá khung mức thu do Bộ tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh
quy định.
2. Các tài sản nhà nước phải thẩm
định giá mà giá dịch vụ thẩm định giá do ngân sách nhà nước trang trải phải thực
hiện theo quy định sau:
- Đối với tài sản nhà nước có
giá trị theo sổ sách kế toán hoặc giá dự toán từ 30 tỷ đồng trở lên; hoặc gói
thầu dịch vụ thẩm định giá có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên phải thực hiện
hình thức đấu thầu cung cấp dịch vụ thẩm định giá.
- Đối với tài sản nhà nước có
giá trị theo sổ sách kế toán hoặc giá dự toán dưới 30 tỷ đồng ; hoặc gói thầu dịch
vụ thẩm định giá có giá trị dưới 100 triệu đồng thì có thể tổ chức đấu thầu hoặc
chỉ định thầu cung cấp dịch vụ thẩm định giá.
Chương VII
LIÊN KẾT ĐỘC QUYỀN VỀ GIÁ
Điều 27.
Liên kết độc quyền về giá
1. Liên kết độc quyền về giá là
thỏa thuận giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh ấn định một mức giá để
chiếm lĩnh thị trường vượt quá thị phần theo quy định của pháp luật, gây thiệt
hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khác, của
người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.
2. Tổ chức, cá nhân có một hoặc
các hành vi sau đây thì bị xem xét xác định là liên kết độc quyền về giá:
a) Thoả thuận giữa các tổ chức,
cá nhân ấn định giá, khống chế giá, thay đổi giá bán hàng hoá, dịch vụ nhằm hạn
chế cạnh tranh, xâm phạm lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh
doanh khác hoặc của người tiêu dùng;
b) Tại một thời điểm, một số tổ
chức, cá nhân có hiện tượng đột ngột cùng bán thống nhất một giá với một loại
hàng hoá, dịch vụ (giống nhau hoặc tương tự);
c) Thoả thuận giữa các tổ chức,
cá nhân tạo sự khan hiếm hàng hoá bằng cách hạn chế sản xuất, phân phối, vận
chuyển, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ; phá hủy, làm hư hỏng hàng hoá; lợi dụng
đầu cơ tăng giá;
d) Thoả thuận giữa các tổ chức,
cá nhân thực hiện các điều kiện bán hàng, mua hàng, cung ứng dịch vụ sau bán
hàng gây ảnh hưởng đến mức giá hàng hoá, dịch vụ;
đ) Thoả thuận giữa các tổ chức,
cá nhân thay đổi giá mua, giá bán hàng hoá, dịch vụ để triệt tiêu hoặc ép buộc
các doanh nghiệp khác liên kết với mình hoặc trở thành chi nhánh của mình.
Điều 28.
Điều tra, kiểm soát, xử lý giá độc quyền và liên kết độc quyền về giá
1. Điều tra giá độc quyền và
liên kết độc quyền về giá:
a) Khi giá hàng hoá, dịch vụ biến
động bất thường có dấu hiệu do độc quyền hoặc liên kết để độc quyền gây ra,
trong trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về giá được
quyền điều tra chi phí sản xuất, lưu thông, giá hàng hoá, dịch vụ của tổ chức,
cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ độc quyền và liên kết độc quyền về giá;
b) Sở Tài chính điều tra kiểm
soát giá độc quyền và liên kết độc quyền về giá khi:
- Có đơn tố cáo của tổ chức đại
diện cho ngành sản xuất hoặc người tiêu dùng;
- Có dấu hiệu lợi đụng độc quyền
và liên kết độc quyền về giá khi cơ quan nhà nước phát hiện.
2. Nội dung điều tra.
Điều tra chi phí sản xuất, lưu
thông, giá hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ
độc quyền và liên kết độc quyền về giá.
3. Thủ tục điều tra được tiến
hành như sau:
a) Ra quyết định điều tra và gửi
đến tổ chức, cá nhân có hành vi độc quyền và liên kết độc quyền về giá;
b) Có văn bản yêu cầu tổ chức,
cá nhân cung cấp các tài liệu sau:
- Phương án tính giá hàng hoá, dịch
vụ và mức giá hàng hoá, dịch vụ;
- Tình hình lưu chuyển hàng hoá
(tồn kho đầu năm, đầu quý, đầu tháng; nhập và xuất trong năm, trong quý, trong
tháng; tồn kho cuối năm, cuối quý, cuối tháng) và cung ứng dịch vụ;
- Báo cáo tài chính năm;
- Tài liệu khác liên quan đến nội
dung điều tra.
4. Thời hạn điều tra:
a) Thời gian một lần điều tra tối
đa là 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định điều tra. Trường hợp cần thiết phải kéo
dài thêm thời gian điều tra thì Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính phải thông báo bằng
văn bản và nêu rõ lý do phải kéo dài cho tổ chức, cá nhân có liên quan; thời hạn
điều tra kéo dài không quá 15 ngày, kể từ ngày kết thúc điều tra lần đầu;
b) Trong thời hạn tối đa là 10
ngày (ngày làm việc), kể từ ngày kết thúc điều tra, Sở Tài chính có trách nhiệm
ban hành và gửi văn bản thông báo kết luận điều tra đến tổ chức, cá nhân và các
cơ quan liên quan.
5. Căn cứ kết quả điều tra, Sở
Tài chính xử lý theo thẩm quyền và tuỳ theo mức độ vi phạm có thể xử lý theo một
trong các hình thức sau:
a) Đình chỉ việc thực hiện giá
hàng hoá, dịch vụ do tổ chức, cá nhân độc quyền, liên kết độc quyền về giá quyết
định;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân độc
quyền liên kết độc quyền phải mua, bán theo đúng giá mua, giá bán trước khi
liên kết độc quyền về giá;
c) Xử phạt vi phạm hành chính, bồi
thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật;
d) Trường hợp hành vi vi phạm có
dấu hiệu phạm tội thì Sở Tài chính sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử
lý theo quy định của pháp luật.
Điều 29.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khi nhận được yêu cầu kiểm
soát giá độc quyền
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất,
kinh doanh khi nhận được yêu cầu kiểm soát giá độc quyền và liên kết độc quyền
về giá có trách nhiệm cung cấp đầy đủ chính xác, kịp thời số liệu, tài liệu có
liên quan theo quy định tại Điều 28 Quyết định này cho Sở Tài chính khi nhận được
yêu cầu điều tra.
2. Thời hạn cung cấp báo cáo là
07 ngày (ngày làm việc), kể từ ngày nhận được yêu cầu điều tra của Sở Tài
chính.
Chương VII
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 30 .
Các tổ chức và cá nhân có thành tích trong việc thực hiện quản lý nhà nước về
giá sẽ được khen thưởng theo chế độ hiện hành.
Các hành vi vi phạm pháp luật về
giá tùy theo tính chất mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy
cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Pháp luật.
Việc xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực giá thực hiện theo quy định tại Nghị định số 169/NĐ-CP ngày
22/9/2004 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giá.
Điều 31.
Giám đốc Sở Tài chính chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra các ngành,
các cấp, các doanh nghiệp thực hiện quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu
có vướng mắc Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét điều chỉnh cho phù hợp.