BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI
NÔNG THÔN MỚI TRUNG ƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1162/QĐ-VPĐP-OCOP
|
Hà Nội, ngày 17 tháng 9 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN SẢN PHẨM OCOP VIỆT NAM
CỤC TRƯỞNG - CHÁNH VĂN PHÒNG
VĂN PHÒNG
ĐIỀU PHỐI NÔNG THÔN MỚI TRUNG ƯƠNG
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ số
50/2005/QH11 ngày 29/11/2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Sở hữu
trí tuệ số 36/2009/QH12
ngày 19/6/2009;
Căn cứ Nghị định số 103/2006/NĐ-CP
ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều
của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp và các Thông tư hướng dẫn thi
hành;
Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày
17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 1428/QĐ-BNN-TCCB
ngày 23/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Điều phối
Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;
Căn cứ Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày
07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản
phẩm giai đoạn
2018-2020;
Căn cứ Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày
21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng
sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm;
Căn cứ Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày
08/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số phụ lục Quyết định
số 1048/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban
hành Bộ tiêu chí đánh giá,
phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm;
Căn cứ Giấy chứng nhận số
5999/2019/QTG ngày 02/10/2019 của Cục Bản quyền tác giả;
Căn cứ văn bản số 11935/VPCP-NN ngày
31 tháng 12 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ về việc sử dụng biểu trưng Chương
trình Mỗi xã một sản
phẩm (OCOP);
Theo đề nghị của Trưởng phòng Quản lý
Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Sản
phẩm OCOP Việt Nam.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận Sản phẩm OCOP Việt Nam cho Văn
phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn.
Điều 3. Trưởng
phòng Hành chính Tổng hợp, Trưởng phòng Quản lý Chương trình mỗi xã một sản phẩm,
các phòng có liên quan, Thủ trưởng các đơn vị và tổ chức, cá nhân có liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Như Điều 3;
- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (để b/c);
- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (để b/c);
- Thứ trưởng Trần Thanh Nam (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Công Thương, Khoa học và CN, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp,
Thông tin và Truyền thông, VH, TT&DL;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Lưu: VT, OCOP.
|
CỤC TRƯỞNG - CHÁNH
VĂN PHÒNG
Nguyễn Minh Tiến
|
QUY CHẾ
SỬ
DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN SẢN PHẨM OCOP VIỆT NAM
(Ban
hành kèm theo Quyết định 1162/QĐ-VPĐP-OCOP ngày 17/9/2020 của Văn
phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)
Chương I
QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục
đích
Quy chế này nhằm thống nhất việc sử dụng
nhãn hiệu chứng nhận Sản phẩm OCOP Việt Nam (sau đây gọi tắt là nhãn hiệu chứng
nhận) nhằm mục đích: truyền thông, thông tin tuyên truyền về Chương trình mỗi
xã một sản phẩm (Chương trình OCOP); quảng bá, giới thiệu, bảo vệ uy tín, nâng
cao giá trị, hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm được chứng
nhận Sản phẩm OCOP trên thị trường trong nước và quốc tế.
Điều 2. Phạm
vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về việc quản
lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho:
a) Các hoạt động triển khai Chương
trình OCOP theo quy định hiện hành;
b) Sản phẩm được chứng nhận OCOP theo
quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về
việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một
sản phẩm (sau đây gọi tắt là Quyết định số 1048/QĐ-TTg), Quyết định số
781/QĐ-TTg ngày 08/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi bổ sung một số phụ lục
Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 về việc ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá,
phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (sau đây gọi tắt là Quyết định
số 781/QĐ-TTg);
2. Quy chế này áp dụng đối với chủ sở
hữu nhãn hiệu chứng nhận, cơ quan, đơn vị tham gia quản lý nhãn hiệu chứng nhận
và các tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
3. Những nội dung không được nêu trong
quy chế này thì áp dụng theo các quy định hiện hành của nhà nước.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
1. Nhãn hiệu chứng nhận: là
nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ cho sản phẩm được công nhận OCOP của Việt Nam và
các hoạt động liên quan theo quy định của pháp luật. Nhãn hiệu chứng nhận là biểu
trưng của Chương trình OCOP, đồng thời là nhãn hiệu được sử dụng để chứng nhận
các sản phẩm được công nhận Sản phẩm OCOP Việt Nam.
Nhãn hiệu chứng nhận bao gồm phần hình
và phần chữ:
- Phần hình: bao gồm cụm từ viết tắt
OCOP, chữ O có màu nâu,
chữ C có màu xanh
lá cây, chữ O có màu xanh lục và chữ P có màu vàng.
- Phần chữ: Dưới biểu tượng OCOP là
dòng chữ ONE COMMUNE ONE PRODUCT OF VIETNAM màu đỏ.
Dòng chữ được viết hoa, kiểu phông chữ Arial.
|
|
Mẫu nhãn hiệu được cụ thể trong Phụ lục 01.
2. Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận: là Văn phòng
Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), có
chức năng tham mưu hướng dẫn đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia theo quy
định của Quyết định số 1048/QĐ-TTg , Quyết định số 781/QĐ-TTg .
3. Quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận: Là quyền: sử dụng
nhãn hiệu chứng nhận trên các văn bản, giấy tờ, phương tiện nhằm tuyên truyền,
giới thiệu, quảng bá... Chương trình OCOP, sản phẩm OCOP Việt Nam; gắn (in,
dán, đúc, dập hoặc hình thức khác) nhãn hiệu chứng nhận đó trên sản phẩm,
phương tiện kinh doanh sản phẩm và giấy tờ giao dịch nhằm mua, bán và quảng bá,
giới thiệu sản phẩm đó.
Chương II
QUY
ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN
Điều 4. Điều kiện sử
dụng nhãn hiệu chứng nhận
1. Văn phòng Điều phối nông thôn mới
Trung ương cho phép các cơ quan, tổ chức và cá nhân sau được quyền sử dụng nhãn
hiệu chứng nhận mà không cần sự đồng ý bằng văn bản của Văn phòng Điều phối
nông thôn mới Trung ương:
a) Cơ quan, tổ chức có liên quan đến
hoạt động triển khai Chương trình OCOP được quy định tại Quyết định số
490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã
một sản phẩm; Quyết định số 1048/QĐ-TTg ; Quyết định số 781/QĐ-TTg .
b) Cơ quan, tổ chức và cá nhân sử dụng
nhãn hiệu chứng nhận với mục đích phi lợi nhuận, nhằm tuyên truyền, quảng
bá, giới thiệu, nghiên cứu, đào tạo, nâng cao năng lực về Chương trình OCOP và
sản phẩm OCOP Việt Nam.
2. Tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất,
chế biến, kinh doanh sản phẩm được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận mà không cần
xin phép khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Có nhu cầu sử dụng nhãn hiệu chứng
nhận;
b) Sản phẩm được công nhận OCOP từ ba
(03) sao trở lên theo quy định và trong thời hạn còn hiệu lực;
c) Đảm bảo các sản phẩm được gắn nhãn
hiệu chứng nhận phải đáp ứng các yêu cầu về tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng
theo Hồ sơ đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nộp các cơ quan
có thẩm quyền.
d) Thực hiện đầy đủ các yêu cầu, quy định
về hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Chương trình OCOP từ
Trung ương đến địa phương (nếu có).
3. Tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng
được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này thì phải được Văn phòng Điều phối
nông thôn mới Trung ương cho phép bằng văn bản nếu có nhu cầu sử dụng nhãn hiệu
chứng nhận.
Điều 5. Sản phẩm mang
nhãn hiệu chứng nhận
Sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận là
sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm và được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là UBND cấp tỉnh) công nhận đạt ba (03) sao,
bốn (04) sao hoặc được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đạt năm
(05) sao theo quy định.
Điều 6. Quy định về sử
dụng nhãn hiệu chứng nhận
1. Sử dụng nhãn hiệu chứng nhận là tự
nguyện, không bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân có sản phẩm được công nhận
Sản phẩm OCOP Việt Nam.
2. Việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
trên nhãn hàng hóa, bao bì, phương tiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho sản phẩm
được chứng nhận Sản phẩm OCOP phải thực hiện theo quy định sau:
a) Sản phẩm được công nhận ba (03)
sao, bốn (04) sao, năm (05) sao phải gắn số sao dưới nhãn hiệu chứng nhận, được
quy định cụ thể về quy cách gắn sao tại Phụ lục số 02 kèm theo Quy chế này.
b) Nhãn hiệu chứng nhận phải được đặt ở
vị trí trang trọng, dễ nhìn, dễ đọc trên nhãn hàng hóa, bao bì sản phẩm và các
tài liệu, phương tiện khác liên quan.
Điều 7. Đăng ký và cấp
quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
1. Tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng
được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 của Quy chế này, nếu có nhu cầu sử dụng
nhãn hiệu chứng nhận thì có văn bản đề nghị được sử dụng, gửi về Văn phòng Điều
phối nông thôn mới Trung ương.
2. Yêu cầu về nội dung của văn bản đề
nghị đăng ký sử dụng nhãn hiệu chứng nhận:
a) Thông tin về tổ chức, cá nhân đăng
ký sử dụng;
b) Mục đích, nội dung sử dụng nhãn hiệu
chứng nhận;
c) Cam kết sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
đúng mục đích và tuân thủ các yêu cầu, quy định về sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
3. Văn phòng Điều phối nông thôn mới
Trung ương xem xét, đánh giá điều kiện (nếu cần) cho phép tổ chức, cá nhân sử dụng
nhãn hiệu chứng nhận nếu đủ điều kiện.
Điều 8. Kiểm tra,
giám sát việc sử dụng nhãn hiện chứng nhận
1. Mục đích của hoạt động kiểm tra,
giám sát:
a) Kiểm tra, giám sát các hoạt động
tuân thủ các quy định sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của các tổ chức, cá nhân;
b) Kiểm tra, giám sát các đặc tính của
sản phẩm được chứng nhận, đảm bảo tiêu chí, tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm;
c) Kiểm tra, phát hiện những dấu hiệu,
hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận trên thị trường.
2. Văn phòng Điều phối nông thôn mới
Trung ương ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện hoạt động kiểm tra,
giám sát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận đối với các cơ quan, tổ chức, cá
nhân trên địa bàn:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cơ
quan thường trực triển khai Chương trình OCOP cấp tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới hoặc đơn vị chức năng trực
thuộc khác) tổ chức hoạt động kiểm tra, giám sát;
b) Ban hành quy định, kế hoạch cụ thể
trong hoạt động kiểm tra, giám sát (nếu cần);
c) Khuyến khích các tỉnh, thành phố tổ
chức hoạt động xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP chung (hệ thống
truy xuất, tem truy xuất...).
3. Văn phòng Điều phối nông thôn mới
Trung ương phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện hoạt động kiểm
tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất (nếu cần thiết) việc sử dụng nhãn hiệu chứng
nhận.
Điều 9. Hành vi vi phạm
sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
1. Gắn nhãn hiệu chứng nhận trên sản
phẩm không đáp ứng được các điều kiện của sản phẩm được chứng nhận;
2. Sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho sản
phẩm của các tổ chức, cá nhân không đảm bảo các quy định về sử dụng nhãn hiệu
chứng nhận;
3. Tổ chức, cá nhân bị thu, đình chỉ
quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận nhưng vẫn tiếp tục sử dụng chứng nhận;
4. Tuyên truyền, phổ biến thông tin
sai lệch, không đúng với quy định về sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận đến xã
hội, người tiêu dùng;
5. Tự ý chuyển giao quyền sử dụng nhãn
hiệu chứng nhận dưới bất kì hình thức nào, kể cả trường hợp tự cho phép sử dụng
giữa các đơn vị thành viên trực thuộc hoặc đơn vị chủ quản.
6. Làm trái các quy định khác của quy
chế này.
Điều 10. Đình chỉ quyền
sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu
chứng nhận bị đình chỉ quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận nếu vi phạm các quy định
về sử dụng nhãn hiệu chứng nhận theo quy định của quy chế này.
2. Văn phòng Điều phối nông thôn mới
Trung ương sẽ ra văn bản quyết định đình chỉ quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Thời hạn tạm đình chỉ tối đa không
quá 06 (sáu) tháng kể từ ngày có văn bản đình chỉ, sau thời gian này nếu tổ chức,
cá nhân không khắc phục những vi phạm, có báo cáo kết quả khắc phục, tài liệu
chứng minh thì sẽ bị tước bỏ quyền sử dụng vĩnh viễn.
4. Các tổ chức, cá nhân bị đình chỉ
quyền sử dụng nhãn hiệu, nếu muốn tiếp tục sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phải được
Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho phép sử dụng lại bằng văn bản
sau khi đã khắc phục những hành vi vi phạm và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm
tra, đánh giá.
5. Trong thời hạn bị đình chỉ, tổ chức,
cá nhân không được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận dưới bất kỳ hình thức nào.
Chương III
QUYỀN
VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN
Điều 11. Quyền và
nghĩa vụ của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương
1. Cho phép các tổ chức, cá nhân đăng
ký sử dụng nhãn hiệu chứng nhận theo quy định tại quy chế này;
2. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc sử
dụng nhãn hiệu chứng nhận của tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;
3. Đình chỉ quyền sử dụng, cho phép
các tổ chức, cá nhân sử dụng lại nhãn hiệu chứng nhận;
4. Tuyên truyền, phổ biến và cung cấp
đầy đủ thông tin về trách nhiệm, quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sử dụng
nhãn hiệu chứng nhận;
5. Tiếp nhận và giải quyết đơn khiếu nại,
tố cáo về các hành vi vi phạm quy chế.
6. Yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước
xử lý các hành vi xâm phạm về sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận theo
quy định của pháp luật.
Điều 12. Quyền và
nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
1. Được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
kèm nhãn hiệu riêng của tổ chức, cá nhân trên bao bì sản phẩm, phương tiện kinh
doanh, quảng cáo và các giấy tờ giao dịch khác cho sản phẩm được công nhận
OCOP;
2. Được khai thác, sử dụng và hưởng các lợi ích
kinh tế phát sinh từ nhãn hiệu chứng nhận;
3. Được ưu tiên tham gia các hoạt động
thương mại, quảng bá, phát triển nhãn hiệu chứng nhận thuộc Chương trình OCOP
hoặc các hoạt động của các địa phương (nếu có).
4. Sử dụng nhãn hiệu chứng nhận theo mẫu
quy định, nghiêm cấm mọi hành vi làm sai lệch nhận thức hoặc gây ảnh hưởng đến
uy tín và hình ảnh của nhãn hiệu chứng nhận. Mọi hình thức đưa thông tin sai về
nhãn hiệu chứng nhận hoặc lạm dụng nhãn hiệu chứng nhận gây nhầm lẫn cho người
tiêu dùng.
5. Tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng
nhãn hiệu chứng nhận có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về nghĩa vụ của
quy chế này và các quy định khác có liên quan nhằm duy trì, bảo vệ, nâng cao chất
lượng sản phẩm, phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận.
Mọi thông tin cần thiết liên quan đến nhãn hiệu chứng nhận phải được cơ quan quản
lý nhãn hiệu chứng nhận phổ biến và cung cấp đầy đủ cho các thành viên sử dụng.
6. Đóng góp kinh phí sử dụng nhãn hiệu
chứng nhận theo quy định (nếu có).
7. Có trách nhiệm phát hiện, thông báo
hành vi vi phạm quy chế và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu
chứng nhận đến UBND tỉnh hoặc Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương.
Chương V
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Điều khoản
thi hành
1. Văn phòng Điều phối nông thôn mới
Trung ương có trách nhiệm:
a) Tổ chức triển khai thực hiện quản
lý sử dụng nhãn hiệu chứng nhận theo quy định tại quy chế này;
b) Xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt
động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về nhãn hiệu chứng nhận nhằm nâng cao
giá trị hình ảnh OCOP Việt Nam, góp phần thúc đẩy việc sản xuất sử dụng nhãn hiệu
chứng nhận trên thị trường.
2. Các tổ chức, cá nhân trong quá
trình thực hiện quy chế, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, phản ánh kịp thời về Văn
phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (địa chỉ số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội)
để giải quyết và xem xét, điều chỉnh quy chế cho phù hợp./.
PHỤ
LỤC I
NHÃN
HIỆU CHỨNG NHẬN SẢN PHẨM OCOP VIỆT NAM
(Ban
hành kèm theo Quyết định 1162/QĐ-VPĐP-OCOP ngày 17/9/2020 của Văn
phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)
PHỤ
LỤC II
MẪU
NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN SẢN PHẨM ĐƯỢC SỬ DỤNG KÈM THEO DẤU HIỆU 3 SAO, 4 SAO VÀ 5
SAO
(Ban
hành kèm theo Quyết định 1162/QĐ-VPĐP-OCOP ngày 17/9/2020 của Văn
phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)