Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 1080/QĐ-UBND 2022 phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Ninh Thuận

Số hiệu: 1080/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận Người ký: Trần Quốc Nam
Ngày ban hành: 05/08/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập
- Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1080/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 05 tháng 8 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM CỦA TỈNH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch năm 2017;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13/6/2019;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự ngày 11/01/2022;

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1829/QĐ-TTg ngày 31/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 11/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 17/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phát triển kinh tế biển đến năm 2025, định hướng đến 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 22/7/2022 của HĐND tỉnh về Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 2702/SKHĐT-TH ngày 27 tháng 7 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với một số nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm phát triển

- Thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Tỉnh, hướng đến quy hoạch thành khu Kinh tế ven biển của cả nước vào năm 2024.

- Tập trung khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, huy động cao nhất các nguồn lực để phát triển nhanh gắn liền với tăng trưởng xanh, hiệu quả và bền vững; đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển nền kinh tế số, chủ động và tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với mô hình là vùng kinh tế tổng hợp công nghệ cao hiện đại, phát triển công nghiệp nặng thân thiện môi trường, tập trung đầu tư phát triển năng lượng; Cảng biển và dịch vụ Cảng; Công nghiệp; kinh tế đô thị và du lịch; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng an ninh.

2. Mục tiêu

Xây dựng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành vùng kinh tế động lực, tăng trưởng xanh, trở thành Khu kinh tế ven biển của cả nước, có sức lan tỏa lớn để phát triển các vùng kinh tế khác trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Tỉnh theo hướng nhanh, bền vững, tập trung ưu tiên phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo; Cảng và dịch vụ Cảng; Nông nghiệp công nghệ cao; phát triển các ngành công nghiệp thân thiện, không gây ô nhiễm môi trường.

Phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ sản xuất và dịch vụ xã hội hiện đại, đồng bộ để nâng cao mức sống người dân; bảo vệ bền vững môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đóng góp quan trọng để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 là tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước và đến năm 2030 trở thành Tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước.

3. Các chỉ tiêu phát triển

a) Về mục tiêu đến năm 2025

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng 18-19%/năm.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 40 - 45 nghìn tỷ đồng.

- Đến năm 2025: GRDP bình quân/người đến năm 2025 đạt khoảng 130 triệu đồng; Tỷ trọng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2025 chiếm khoảng 28-29% GRDP của tỉnh; Cơ cấu các ngành kinh tế: Nông nghiệp và thủy sản chiếm 24-25%; công nghiệp - xây dựng chiếm 57-58%; các ngành du lịch, dịch vụ chiếm 18-19% vào năm 2025; Tạo việc làm cho khoảng 77 nghìn người vào năm 2025. b) Định hướng đến năm 2030

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026-2030 tăng 21-22%/năm.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2026-2030 đạt khoảng 30 - 35 nghìn tỷ đồng.

- Đến năm 2030: GRDP bình quân/người đến năm 2030 đạt khoảng 300 triệu đồng; Tỷ trọng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2030 chiếm 50%-51% GRDP của tỉnh; Cơ cấu các ngành kinh tế: Nông nghiệp và thủy sản chiếm 11-12%; công nghiệp - xây dựng chiếm 64-65%; các ngành du lịch, dịch vụ chiếm 24-25% vào năm 2030; Tạo việc làm cho khoảng 97 nghìn người vào năm 2030.

4. Một số nhiệm vụ trọng tâm

a) Phát triển các ngành kinh tế

- Công nghiệp- xây dựng: Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án Điện gió, điện mặt trời đang triển khai, Cảng tổng hợp Cà Ná (hướng đến trở thành Cảng có chức năng trung chuyển quốc tế trong tương lai); Thu hút, kêu gọi đầu tư các dự án năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VIII, nhất là hình thành tổ hợp Trung tâm điện khí LNG, các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến muối, sản phẩm sau muối, sản xuất Xút-Clo và PVC, chế biến thủy sản. Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Phước Nam để phát triển các ngành lắp ráp điện tử, tin học, các ngành nghề công nghệ cao, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí; sản xuất hàng tiêu dùng, phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ lắp đầy 100%; phát triển Khu công nghiệp Cà Ná, Cụm công nghiệp Hiếu Thiện với các nhóm ngành công nghiệp sản xuất thiết bị phục vụ các ngành năng lượng tái tạo và năng lượng, công nghệ cơ khí, chế tạo, phát triển công nghiệp và các ngành chế biến muối và sản phẩm sau muối, hóa dược thân thiện, không gây ô nhiễm môi trường... phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ lắp đầy 70%; Cảng cạn, khu Logistic phục vụ cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh và các tỉnh phía Nam. Quan tâm phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống.

- Phát triển các ngành Thương mại-dịch vụ-du lịch: Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, thế mạnh của vùng, tạo giá trị gia tăng cao, trọng tâm là logistic, dịch vụ cảng biển và dịch vụ hậu cần nghề cá và các dịch vụ phụ trợ khác. Hình thành và phát triển các Trung tâm thương mại, các Trung tâm dịch vụ hỗn hợp; Phát triển siêu thị; Phát triển Tổng kho xăng dầu khu vực Cảng tổng hợp Cà Ná quy mô 100.000 m3; Kho phân phối LNG cho các tỉnh Nam Trung bộ và các tỉnh phía Nam.

Phát triển đồng bộ, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, gắn với hình thành đô thị ven biển; hình thành các khu du lịch đẳng cấp cao, loại hình độc đáo với chất lượng dịch vụ tốt, có tính cạnh tranh cao; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với các loại hình du lịch hiện đại, chuyên nghiệp. Đẩy mạnh liên kết, kết nối với các tuyến du lịch quốc gia, khu vực Đông Nam Bộ và Miền Trung - Tây Nguyên.

- Phát triển các ngành nông- lâm nghiệp và thủy sản: Tập trung phát triển ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa, từng bước phát triển các vùng nuôi trồng tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh.

b) Phát triển đô thị

Hình thành các Khu đô thị mới Đầm Cà Ná, Khu đô thị phía Đông - Tây Quốc lộ 1A, Khu đô thị mới Phước Diêm, các đô thị trung tâm Phước Nam, Sơn Hải và Cà Ná theo hướng hiện đại, với tam giác phát triển là Phước Nam - Cà Ná - Sơn Hải, trong đó tập trung ưu tiên phát triển Khu đô thị Cà Ná, tạo động lực phát triển trong định hướng phát triển khu đô thị khu vực trọng điểm phía Nam. Triển khai xây dựng đô thị thông minh, trong đó ưu tiên các lĩnh vực quản lý đô thị, trật tự an toàn xã hội, du lịch,giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe. Phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng chính sách, lực lượng lao động và người dân trong Vùng; nâng tỷ lệ diện tích sàn nhà ở bằng với bình quân cả tỉnh.

c) Phát triển kết cấu hạ tầng

- Tập trung đầu tư hoàn thành các tuyến đường liên thông, kết nối với các tuyến Quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc Nam, đường ven biển; phối hợp đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc Bắc - Nam, ưu tiên đầu tư hoàn thành tuyến đường nối từ đường cao tốc Bắc Nam với Quốc lộ IA và cảng biển Cà Ná, sớm hoàn thành đưa vào khai thác cảng biển nước sâu Cà Ná có trọng tải đến 300.000 DWT; nâng cấp các tuyến đường Văn Lâm - Sơn Hải, QL1A - Phước Hà - Ma Nới, Đường nối từ Trung tâm hành chính huyện Thuận Nam đến Khu công nghiệp Cà Ná...Thực hiện Quy hoạch đầu tư xây dựng Nhà Ga mới và tuyến đường sắt nối Cảng tổng hợp Cà Ná với đường sắt Thống Nhất tại Ga Cà Ná mới theo Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 . Kêu gọi, thu hút đầu tư các công trình phụ trợ khác, như Cảng cạn và Trung tâm logistics, trạm dừng nghỉ, bến xe, bãi đỗ xe.

- Tập trung đầu tư các công trình thủy lợi đảm bảo đồng bộ từ các công trình đầu mối đến hệ thống kênh chuyển nước; thực hiện đấu nối liên thông các hồ chứa để nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi như: Đầu tư hoàn thành Kênh chuyển nước Tân Giang - Sông Biêu; liên thông hồ Sông Than, cung cấp nước cho các dự án trọng điểm phía nam; quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống tiêu lũ Trung tâm hành chính huyện Thuận Nam và Khu công nghiệp Phước Nam.

- Tập trung đầu tư, nâng cấp mạng lưới trường, lớp học theo hướng đạt chuẩn quốc gia; Đẩy mạnh phát triển loại hình trường tư thục chất lượng cao ở các cấp học. Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới y tế, bổ sung trang thiết bị y tế hiện đại đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của người dân. Quan tâm đầu tư, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao, các khu vui chơi, giải trí gắn với phát triển đô thị, khu dân cư, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ và luyện tập của người dân.

- Khuyến khích và huy động cao nhất nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp, xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng.

d) Phát triển nguồn nhân lực

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nhân có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phục vụ cho các dự án trọng điểm và Khu công nghiệp.Thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo để triển khai chương trình đào tạo nghề phù hợp hơn với các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển trong vùng kinh tế; Có chính sách thu hút đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, lao động ở các vùng khác trong tỉnh và ngoài tỉnh về làm việc tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hỗ trợ người lao động mua, thuê nhà ở trong và gần các khu công nghiệp, thuận lợi tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục đối với các lao động đã có gia đình.

đ) Phát triển không gian các tiểu vùng

Hình thành và phát triển các tiểu vùng phù hợp tiềm năng, lợi thế từng vùng, gồm: (1) Tiểu vùng công nghiệp - năng lượng - cảng biển nằm trên địa bàn các xã Phước Nam, Phước Minh, Cà Ná và xã Phước Diêm, tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và phụ trợ; Năng lượng (điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG); Cảng biển tổng hợp gắn với trung tâm logistic; Cảng biển nước sâu gắn với kinh tế hàng hải; Trung tâm nghề cá của vùng tại Cà Ná; (2) Tiểu vùng Du lịch - Dịch vụ phụ trợ nằm trên địa bàn xã Phước Dinh, Phước Diêm, Cà Ná tập trung phát triển các ngành du lịch biển, dịch vụ cảng biển và dịch vụ hậu cần nghề cá, vận tải biển; (3) Tiểu vùng Nông nghiệp Công nghệ cao tập trung phát triển sản xuất tôm giống ứng dụng công nghệ cao An Hải và vùng sản xuất tôm giống bố mẹ ứng dụng công nghệ cao Sơn Hải; (4) Tiểu vùng bảo tồn nằm trên địa bàn các xã Phước Dinh, Phước Diêm, Nhị Hà, Phước Minh và 1 phần xã Cà Ná, tập trung phát triển rừng, nâng cao giá trị phòng hộ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

5. Nguồn lực thực hiện Đề án

Tổng nhu cầu vốn đầu tư vùng trọng điểm phía Nam tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là 70-80 ngàn tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 là 40-45 ngàn tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 30-35 ngàn tỷ đồng; cụ thể như sau:

- Nguồn vốn ngân sách nhà nước: Khoảng 5.126 tỷ đồng, chiếm 6,4% tổng vốn.

- Nguồn vốn huy động các thành phần kinh tế và xã hội hóa: 74.574 tỷ đồng, chiếm 93,6% tổng vốn.

6. Các giải pháp chủ yếu

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo đồng thuận trong xã hội

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức phù hợp để nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân trong tỉnh về ý nghĩa và tầm quan trọng của phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh, là sự nghiệp chung, vừa là lợi ích, vừa là nghĩa vụ của toàn xã hội, để mọi người dân ủng hộ tham gia đóng góp và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm tính nhất quán và đồng thuận cao trong thực hiện các chủ trương, quyết sách lớn về phát triển các ngành kinh tế tại khu vực phía Nam của tỉnh;

- Nâng cao tính năng động, tiên phong, quyết tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành và nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

b) Xây dựng, hoàn thiện, quản lý và thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

- Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, phục vụ phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khẩn trương hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm tích hợp đầy đủ các ngành, lĩnh vực, phân vùng phát triển không gian các tiểu vùng, đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung các loại quy hoạch đảm bảo đồng bộ, thống nhất vào Quy hoạch của cả nước;

- Tổ chức rà soát, lập Đồ án Quy hoạch phát triển bổ sung đưa vào Quy hoạch Khu kinh tế ven biển của cả nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

c) Giải pháp về cơ chế chính sách

- Rà soát, bổ sung và cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là các cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh, vùng, chính sách tạo đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân, chính sách thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các Khu, cụm công nghiệp, các lĩnh vực tỉnh có lợi thế về năng lượng, kinh tế biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao; các cơ chế liên kết phát triển vùng, nhất là lĩnh vực du lịch; các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao;

- Hoàn tất các thủ tục đảm bảo hình thành khu kinh tế ven biển quốc gia để thụ hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, các chính sách ưu đãi thu nhập chịu thuế, thời gian hoạt động của các dự án, hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại chỗ, tạo môi trường đầu tư và sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước;

- Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tập trung, có trọng điểm, phù hợp với mục tiêu và cơ cấu ngành nghề theo từng giai đoạn phát triển của vùng kinh tế. Xây dựng cơ chế vận động tài trợ từ các doanh nghiệp và các tổ chức trong và ngoài nước, liên kết với các cộng đồng doanh nghiệp lớn để tìm hiểu nhu cầu đầu tư của các đối tác, các nhà đầu tư chiến lược;

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành. Thường xuyên rà soát, đơn giản, công khai các thủ tục hành chính để các tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận và thực hiện; xây dựng phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số.

d) Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, nguồn lực đầu tư

- Nắm bắt và vận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách, các chương trình hỗ trợ đầu tư của Trung ương để chủ động xây dựng các chương trình, dự án nhằm tranh thủ cao nhất nguồn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương; trong đó chú trọng tranh thủ các nguồn vốn từ cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù đối với Tỉnh theo Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ, các nguồn kết dư, dự phòng ngân sách Trung ương, vốn hỗ trợ cấp bách, vốn ứng trước. Đi đôi với đẩy mạnh công tác thu, nuôi dưỡng và tạo nguồn thu mới để tăng thu ngân sách địa phương hằng năm và khai thác có hiệu quả các nguồn thu sử dụng đất, nhất là các nguồn thu từ quỹ đất các tuyến đường giao thông đã đầu tư hoàn thành để tạo nguồn vốn đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng;

- Khuyến khích và huy động cao nhất nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo cơ chế xã hội hóa và đối tác công tư, tập trung rà soát chuyển các dự án hạ tầng có lợi thế, có khả năng tạo nguồn thu sang đầu tư theo hình thức này, với phương châm kết cấu hạ tầng nào mà nguồn vốn tư nhân làm được thì nhà nước không làm.

đ) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn bên vững và phát triển

- Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thân thiện với môi trường. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nhân có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phục vụ cho các dự án và Khu công nghiệp. Có chính sách thu hút đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, lao động ở các vùng khác trong tỉnh và ngoài tỉnh về làm việc tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam;

- Tập trung phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Quan tâm bảo tồn, tôn tạo các di sản thiên nhiên, văn hóa, tôn giáo trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam;

e) Nâng cao hiệu quả liên kết phát triển vùng; mở rộng hợp tác và quan hệ đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng

- Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hợp tác với các địa phương đã ký kết, đồng thời mở rộng hợp tác với các địa phương khác, nhất là các địa phương ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước để phát huy các tiềm năng, lợi thế riêng có của Vùng, đặc biệt trong liên kết phát triển khu công nghiệp, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, phát triển đô thị mới, khám chữa bệnh và giải quyết các vấn đề xã hội như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng;

- Mở rộng hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, tăng cường xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch và các hoạt động văn hóa đối ngoại; tận dụng tối đa, có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế, có tính cạnh tranh cao của Vùng.

g) Khai thác hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường:

- Quản lý, sử dụng hiệu quả các tài nguyên biển, đất, nước, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Khuyến khích và nhân rộng các mô hình sản xuất xanh, sạch, áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm xử lý hết lượng chất thải phát sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, lắp đặt các lò đốt rác công nghệ mới có hệ thống xử lý khí thải, nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường;

- Làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, công tác đề bù, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất cho phát triển;

- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; thường xuyên kiểm tra và công khai các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môI trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm trên các phương tiện thông tin đại chúng;

h) Gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội

- Tổ chức thực hiện tốt việc kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh ngay từ khâu quy hoạch, kế hoạch; chú trọng phát triển các công trình mang tính lưỡng dụng; gắn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với quy hoạch xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc;

- Chủ động nắm chắc và xử lý tốt các vụ việc về an ninh, trật tự ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra tình huống phức tạp, không để bị động, bất ngờ; đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao, tín dụng đen...

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ nhiệm vụ, giải pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định theo quy định pháp luật; định kỳ hằng năm gắn báo cáo tình hình thực hiện Đề án trong báo cáo kinh tế - xã hội của tỉnh và báo cáo sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Đề án theo quy định.

2. Giao các Sở ban ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, ban, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh và các đoàn thể tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- VPUB: LĐ, VXNV, BTCDNC, TTPVHCC;
- Lưu: VT, KTTH. Hào

CHỦ TỊCH




Trần Quốc Nam

 

THUYẾT MINH ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM TỈNH NINH THUẬN ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CƠ QUAN TỔ CHỨC LẬP ĐỀ ÁN

SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH NINH THUẬN

 

MỤC LỤC

DANH MỤC HÌNH DANH MỤC BẢNG

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

PHẦN I. MỞ ĐẦU

1. Lý do và sự cần thiết xây dựng đề án phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam của tỉnh Ninh Thuận

2. Các căn cứ lập đề án

2.1. Các văn bản quy phạm pháp luật

2.2. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật

2.3. Các tài liệu, số liệu, thông tin và bản đồ có liên quan

3. Mục tiêu, yêu cầu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Mục tiêu của Đề án

3.2. Yêu cầu của Đề án

3.3. Đối tượng và phạm vi của Đề án

PHẦN II. NỘI DUNG LẬP ĐỀ ÁN

I. Đánh giá hiện trạng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

1. Phân tích hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận

1.1. Điều kiện tự nhiên

1.2. Hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội

1.3. Hiện trạng quy hoạch và các dự án đang triển khai

2. Phân tích đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, có hội và thách thức

2.1. Thuận lợi (Thế mạnh)

2.2. Khó Khăn (Điểm yếu)

2.3. Cơ hội

2.4. Thách thức chủ chốt

II. Định hướng và giải pháp phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận

1. Bối cảnh phát triển, vị trí và vai trò của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với tỉnh Ninh Thuận và vùng

1.1. Bối cảnh phát triển

1.2. Vị trí và vai trò của vùng kinh tế trọng điểm

2. Quan điểm và mục tiêu phát triển

2.1. Quan điểm phát triển

2.2. Mục tiêu phát triển

2.3. Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

2.4. Dự báo quy mô dân số

3. Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu, kết cấu hạ tầng

3.1. Phát triển công nghiệp-xây dựng

3.2. Phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch

3.3. Phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản

3.4. Phát triển kết cấu hạ tầng

3.5. Phát triển nguồn nhân lực

4. Định hướng phát triển các khu chức năng và quy hoạch sử dụng đất

4.1. Định hướng phát triển hệ thống đô thị

4.2. Định hướng phân vùng phát triển không gian các tiểu vùng

4.3. Định hướng quy hoạch sử dụng đất

4.4. Định hướng phát triển các khu chức năng

5. Dự báo các vấn đề môi trường và giải pháp đảm bảo môi trường khi thành lập Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận

5.1. Dự báo các vấn đề môi trường

5.2. Giải trình khả năng đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường

5.3. Tổ chức thực hiện giải pháp bảo vệ môi trường

6. Xác định các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư và nhu cầu đầu tư:

6.1. Xác định các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư

6.2. Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư

7. Các giải pháp thực hiện

7.1. Nâng cao chất lượng quản lý và thực hiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng

7.2. Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, nguồn lực đầu tư

7.3. Giải pháp về cơ chế chính sách

7.4. Phát triển nguồn nhân lực

7.5. Giải pháp liên kết các vùng, các tỉnh thành phố Nam trung bộ và thành Hồ Chí Minh

7.6. Khai thác hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường

7.7. Giải pháp phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gắn với bảo vệ an ninh - quốc phòng

7.8. Tập trung công tác tuyên truyền

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1. Kết luận

2. Kiến nghị

DANH MỤC HÌNH

Hình 3-1: Ranh giới Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận

Hình 1-1: Vị trí địa lý vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Hình 1-2: Sơ đồ phân tích thủy văn

Hình 1-3: Bản đồ hiện trạng sử dụng đất vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Hình 2-1: Biểu đồ so sánh tổng dân số và lực lượng lao động tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh lân cận

Hình 2-2: So sánh chỉ số PCI tỉnh Ninh Thuận và một số tỉnh lân cận

Hình: 1-1 Vị trí vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

Hình 4-1: Định hướng hệ thống đô thị

Hình 4-2: Sơ đồ định hướng phân vùng phát triển không gian các tiểu vùng

Hình 4-3: Định hướng phát triển tiểu vùng công nghiệp

Hình 4-4: Định hướng phát triển tiểu vùng Dịch vụ - Du lịch

Hình 4-5: Định hướng phát triển tiểu vùng Nông nghiệp công nghệ cao

Hình 4-6: Định hướng phát triển tiểu vùng bảo tồn

Hình 4-7: Định hướng quy hoạch sử dụng đất Vùng KTTĐ phía Nam

Hình 4-8: Định hướng phát triển Khu công nghiệp Phước Nam

Hình 4-9: Định hướng phát triển Khu công nghiệp Cà Ná

Hình 4-10: Định hướng phát triển Khu công nghiệp Cà Ná mở rộng

Hình 4-11: Vị trí và sơ đồ định hướng quy hoạch cảng biển Cà Ná

Hình 4-12: Hệ thống đường thủy theo quy hoạch cấp trên

Hình 4-13: Khu cảng tổng hợp Cà Ná

Hình 4-14: Trung tâm điện khí LNG Cà Ná

Hình 4-15: Vị trí khu du lịch Mũi Dinh - Ecopark

Hình 4-16: Vị trí khu sản xuất muối tập trung Phước Minh

Hình 6-1: Các giai đoạn , dự án ưu tiên đầu tư

DANH MỤC BẢNG

Bảng 3-1: Bảng tổng hợp các đơn vị hành chính trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận

Bảng 1-1: Bảng tổng hợp hiện trạng sử dụng đất năm 2020

Bảng 1-2: Hiện trạng công trình thủy lợi

Bảng 2-1: Bảng tổng hợp những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức (SWOT)

Bảng 2-1: Bảng dân số tỉnh Ninh Thuận

Bảng 2-2: Tốc độ tăng trưởng dân số Ninh Thuận

Bảng 2-3: Tổng dự báo dân số của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Bảng 3-1: Quy hoạch công trình thủy lợi

Bảng 3-2: Danh mục các công trình quy hoạch tiêu

Bảng 3-3: Danh mục các công trình quy hoạch phòng chống lũ

Bảng 3-4: Chỉ tiêu cấp nước

Bảng 3-5: Tiêu chuẩn thải nước tính bằng % tiêu chuẩn cấp nước

Bảng 3-6: Tiêu chuẩn chất thải rắn

Bảng: 3-7 Tiêu chuẩn quy mô nghĩa trang

Bảng: 3-8 Bảng tính toán nhu cầu điện Vùng kinh tế phía Nam

Bảng: 3-9 Chỉ tiêu Thông tin liên lạc

Bảng 4-1: Thống kê sử dụng đất vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Bảng 5-1: Bảng dự báo tác động tới môi trường chủ yếu khi thành lập vùng KTTĐ phía Nam

Bảng 5-2: Bảng dự báo tác động môi trường của đề án thành lập vùng KTTĐ phía Nam

 

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

BĐKH

Biến đổi khí hậu BTXM Bê tông xi măng BVMT Bảo vệ môi trường CCN Cụm công nghiệp

CMCN

Cách mạng công nghiệp

CN

Công nghiệp CTR Chất thải rắn DTTN Diện tích tự nhiên ĐMT Điện mặt trời

ĐTM

Đánh giá tác động môi trường GDP Tổng sản phẩm quốc nội GRDP Tổng sản phẩm trên địa bàn KCN Khu công nghiệp

KDL

Khu du lịch

KT-XH

Kinh tế, xã hội KTTĐ Kinh tế trọng điểm NLTT Năng lượng tái tạo

NN&PTNT

Nông nghiệp và phát triển nông thôn

NQĐH

Nghị quyết Đại hội Đảng PRTC Phan Rang - Tháp Chàm QL Quốc lộ

TBA

Trạm biến áp

TL

Tỉnh lộ

TP

Thành phố

TT

Trung tâm

TTCN

Tiểu thủ công nghiệp

UBND

Ủy ban nhân dân

VN

Việt Nam

 

PHẦN I.

MỞ ĐẦU

1. Lý do và sự cần thiết xây dựng đề án phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam của tỉnh Ninh Thuận

Khu vực phía Nam tỉnh Ninh Thuận (bao gồm 7 xã của huyện Thuận Nam và 2 xã của huyện Ninh Phước) là khu vực cửa ngõ của tỉnh tiếp giáp với khu vực Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam của cả nước; có các trục giao thông quan trọng của quốc gia chạy qua như: Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam, sắp tới là tuyến đường bộ cao tốc Cam Ranh (Khánh Hòa) - Vĩnh Hảo (Bình Thuận) ngang qua địa bàn, có đường bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp (Mũi Dinh, Cà Ná, Hòn Cò,…), có Cảng nước sâu Cà Ná được quy hoạch nhóm cảng biển Nam Trung bộ với quy mô cảng tổng hợp địa phương loại II, Công suất thiết kế 3,3 triệu, có thể đón tàu 100.000 tấn đang triển khai xây dựng sẽ tạo thuận lợi về giao thông nên có điều kiện trong kết nối để phát triển kinh tế- xã hội các địa phương trong tỉnh, vùng, với cả nước và trong khu vực. Đặc biệt, với chủ trương của tỉnh về phát triển năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời) và khu kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh sẽ tạo cho khu vực một vị thế, vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong thời kỳ mới.

Những năm gần đây, khu vực phía Nam của tỉnh được tỉnh quan tâm đầu tư đẩy mạnh phát triển công nghiệp; tăng cường cơ sở hạ tầng như như giao thông nông thôn, mạng lưới điện, thủy lợi, cấp thoát nước,... nhằm tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội; các địa phương trong vùng đã tập trung khai thác tốt các lợi thế, tiềm năng và thế mạnh để phát triển toàn diện các lĩnh vực. Nhất là, phát huy khá tốt các tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, du lịch - dịch vụ. Đã thu hút được nhiều dự án đầu tư động lực quan trọng trên các lĩnh vực năng lượng tái tạo, du lịch, kinh tế biển: Dự án điện Mặt trời kết hợp với truyền tải 500kv, dự án du lịch Mũi Dinh ECOPARK, các dự án điện gió, điện mặt trời.., nhiều dự án đã đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động đã góp phần tạo những bước chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế - xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế xã hội các địa phương trong khu vực phía nam vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều dự án đầu tư trên địa bàn vùng nhiều năm vẫn chưa đưa vào hoạt động, chưa tạo ra năng lực sản xuất mới cho ngành công nghiệp và dịch vụ; lĩnh vực tạo ra giá trị sản xuất chủ yếu vẫn là đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; đời sống của nhân dân một số nơi còn nhiều khó khăn, nhận thức về phát triển kinh tế còn khiêm tốn, thu ngân sách trên địa bàn ít; hệ thống cấp thoát nước, thu gom và xử lý rác thải, cấp điện chưa đáp ứng được quá trình và nhu cầu mở rộng phát triển đô thị; chưa có chiến lược và môi trường đầu tư hấp dẫn; Thiếu các trung tâm chuyên ngành là động lực mang tính đột phá như: Trung tâm Thương mại-dịch vụ, trung tâm du lịch, trung tâm thể thao giải trí cấp vùng; quy hoạch sử dụng đất còn nhiều bất cập; chưa đánh giá được các tác động tiêu cực của các dự án trong khu vực tới môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, đặc biệt là các dự án ảnh hưởng tới môi trường như dự án muối công nghiệp Quán Thẻ, dự án khu công nghiệp; các kết nối giao thông đến các đầu mối như cảng biển, ga Cà Ná, đến các hành lang kinh tế như Quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc-Nam, đường sắt Bắc-Nam đến khu công nghiệp chưa thống nhất…

Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu Xây dựng khu vực phía Nam của tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực, sức lan tỏa lớn để phát triển các vùng kinh tế khác trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo hướng nhanh, bền vững; Cùng với đó là định hướng nghiên cứu tại Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định đây là khu vực phát triển động lực trọng điểm của tỉnh với định hướng phát triển về nông - lâm - hải sản, du lịch và công nghiệp tập trung (điện gió, công nghiệp khai thác và chế biến), chế tạo.

Việc xây dựng và triển khai Đề án góp phần hết sức quan trọng hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra, đến năm 2025 phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước, là một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Đến năm 2030, trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. Đến năm 2045, trở thành tỉnh phát triển toàn diện, có thu nhập cao.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu và chỉ tiêu đề ra, cần có những nghiên cứu cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, biến những tiềm năng, lợi thế trở thành hiện thực, từ đó tạo ra cuộc sống tốt hơn cho người dân, tạo sự bứt phá kinh tế, đưa khu vực phía Nam của tỉnh Ninh Thuận phát triển mạnh, bền vững so với các địa phương trong tỉnh và khu vực.

Phân tích việc nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận là hết sức cần thiết, nhằm góp phần đẩy nhanh quá trình thành vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực, sức lan tỏa lớn để phát triển các vùng kinh tế khác trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo hướng nhanh, bền vững.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận được xác định là vùng kinh tế tổng hợp với các cực tăng trưởng, trung tâm phát triển là các đô thị, khu công nghiệp, khu sản xuất tập trung…, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Ninh Thuận. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có thể được nghiên cứu xem xét đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam trong tương lai.

2. Các căn cứ lập đề án

2.1. Các văn bản quy phạm pháp luật

- Luật Quy hoạch 2017;

- Luật Đầu tư công 2019;

- Luật Đầu tư 2020;

- Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025;

- Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 11/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

- Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030;

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thuận Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025;

- Chương trình số 09/CTr-TU ngày 07/12/2020 của Tỉnh ủy về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025;

- Kế hoạch số 37-KH/TU ngày 21/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai xây dựng Đề án và dự thảo Nghị quyết về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh giai đoạn 2021-2030;

- Kế hoạch số 2920/KH-UBND ngày 16/6/2021 của UBND tỉnh về xây dựng Đề án phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030;

- Nghị Quyết số 18/NQ-HĐND ngày 23/3/2020 của Hội đồng nhân dân về Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận đến năm 2035;

- Quyết định số 188/QĐ-UBND ngày 11/6/2020 của UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận đến năm 2035.

- Quyết định số 183/QĐ-UBND ngày 22/4/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Đề cương và dự toán kinh phí lập Đề án phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh giai đoạn 2021-2030.

- Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1829/QĐ-TTg ngày 31/10/2021 phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Công văn số 330/UBND-KTTH ngày 21/01/2021 của UBND tỉnh về tham mưu nội dung Chương trình công tác của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2021;

- Công văn số 739/UBND-KTTH ngày 17/02/2021 của UBND tỉnh về chấp thuận chủ trương thuê đơn vị tư vấn xây dựng Đề án phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh.

2.2. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật

Các quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành công nghiệp; Các quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; Các quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành thương mại; Các quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành du lịch; Các quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành xây dựng; Các quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành giao thông vận tải; Các quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành đê điều, thủy lợi; Các quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành điện lực và thông tin; Các quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành y tế; Các quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành giáo dục; Các quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành văn hóa; Các quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành tài nguyên và môi trường; Các quy chuẩn, tiêu chuẩn bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh; Các quy chuẩn, tiêu chuẩn khác có liên quan.

2.3. Các tài liệu, số liệu, thông tin và bản đồ có liên quan

- Hồ sơ đồ án Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. (đồ án đang triển khai thực hiện);

- Niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê từ năm 2009-2019 và số liệu cập nhật năm 2020;

- Tài liệu, số liệu điều tra cơ bản về môi trường, tài nguyên thiên nhiên;

- Tài liệu, số liệu điều tra cơ bản về hiện trạng kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị, nông thôn, sử dụng đất đai và các ngành khác có liên quan thời kỳ 2011 - 2019 và số liệu cập nhật năm 2020;

- Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2019 và số liệu cập nhật năm 2020;

- Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng năm 2019;

- Bản đồ hành chính, bản đồ địa hình in, bản đồ số, bản đồ sử dụng đất đai và các bản đồ chuyên đề khác, tỷ lệ 1/50.000 và 1/100.000.

3. Mục tiêu, yêu cầu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Mục tiêu của Đề án

Xây dựng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành vùng kinh tế động lực, tăng trưởng xanh, trở thành Khu kinh tế ven biển của cả nước, có sức lan tỏa lớn để phát triển các vùng kinh tế khác trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Tỉnh theo hướng nhanh, bền vững, tập trung ưu tiên phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Cảng và dịch vụ Cảng; Nông nghiệp công nghệ cao; phát triển các ngành công nghiệp thân thiện, không gây ô nhiễm môi trường.

Phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ sản xuất và dịch vụ xã hội hiện đại, đồng bộ để nâng cao mức sống người dân; bảo vệ bền vững môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đóng góp quan trọng để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 là tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước và đến năm 2030 trở thành Tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước.

3.2. Yêu cầu của Đề án

Đánh giá hiện trạng phát triển vùng về kinh tế - xã hội, bối cảnh phát triển, dự báo một số biến động trong tương lai có thể xảy ra và những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh;

- Xác định những khó khăn, thuận lợi và cơ hội, thách thức đối với phát triển vùng giai đoạn 2021-2030;

- Xác định những tiềm năng phát triển mang tính đột phá và những tiềm năng thích ứng với các biến động trong tương lai có thể xảy ra;

- Xác định quan điểm, mục tiêu, dự báo các chỉ tiêu và luận chứng các phương án phát triển vùng;

- Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch không gian và sử dụng đất;

- Cụ thể hóa định hướng phát triển vùng kinh tế trọng điểm theo định hướng phát triển chung của tỉnh.

- Phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường;

- Đánh giá môi trường chiến lược, các giải pháp bảo vệ môi trường;

- Đưa ra những giải pháp cụ thể, có tính khả thi để thực hiện các định hướng phát triển, đảm bảo sự phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận bền vững.

3.3. Đối tượng và phạm vi của Đề án

3.3.1. Về không gian

- Nghiên cứu trên toàn bộ không gian của huyện Thuận Nam và huyện Ninh Phước - tỉnh Ninh Thuận với quy mô và phạm vi ranh giới như sau:

+ Huyện Thuận Nam

- Phía Bắc giáp: huyện Ninh Phước

- Phía Nam giáp: Tỉnh Bình Thuận

- Phía Đông giáp biển Đông

- Phía Tây giáp huyện Ninh Sơn

+ Huyện Ninh Phước

- Phía Bắc giáp Thành phố PRTC

- Phía Nam giáp huyện Thuận Nam

- Phía Đông giáp Biển Đông

- Phía Tây giáp huyện Ninh Sơn

Nghiên cứu mở rộng tới các khu vực lân cận trong và ngoài tỉnh có tác động đến phát triển kinh tế cùng vùng trọng điểm phía Nam.

3.3.2. Về ranh giới lập đề án

Ranh giới nghiên cứu bao gồm 9 xã, gồm 7 xã thuộc huyện Thuận Nam: Xã Nhị Hà, xã Phước Minh, Xã Phước Ninh, Xã Cà Ná, Xã Phước Nam, Xã Phước Dinh, Xã Phước Diêm và 2 xã thuộc huyện Ninh Phước: An Hải, Phước Hải.

Hình 3-1: Ranh giới Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận

Tổng diện tích theo ranh giới lập Đề án là 439km2.

Ranh giới lập Đề án này bao gồm các khu vực phát triển của huyện Thuận Nam và huyện Ninh Phước là các khu vực đô thị, dịch vụ, công nghiệp, vùng sản xuất tập trung…, không đưa vào các xã khó khăn, các khu vực bị hạn chế phát triển bởi các yếu tố tài nguyên, điều kiện tự nhiên, điều kiện hạ tầng…từ đó nhằm khai thác tối đa tiềm năng và động lực phát triển cho Vùng kinh tế.

Bảng 3-1: Bảng tổng hợp các đơn vị hành chính trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận[1]

STT

Đơn vị hành chính

Diện tích (km2)

Dân số (người)

Mật độ (người km2)

A

Huyện Thuận Nam

386,00

 

 

1

Xã Nhị Hả

51,09

3.318

64,9

2

Xã Phước Minh

77,67

3.753

48,3

3

Xã Phước Ninh

26,79

4.889

182,5

4

Xã Cà Ná

12,90

10.263

795,6

5

Xã Phước Nam

36,35

9.612

264,4

6

Xã Phước Dinh

131,47

10.255

78,0

7

Xã Phước Diêm

50,66

11.566

228,3

B

Huyện Ninh Phước

53,00

 

 

1

Xã Phước Hải

31,29

11.432

337,3

2

Xã An Hải

21,71

15.501

714,4

B

Tổng

439,00

80.589

301,522

3.3.3. Về thời gian

- Các số liệu hiện trạng được phân tích đánh giá trong giai đoạn 2016 - 2020;

- Định hướng phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 .

3.3.4. Đối tượng nghiên cứu của đề án

- Là các nội dung liên quan đến việc thành lập vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận.

PHẦN II.

NỘI DUNG LẬP ĐỀ ÁN

I. Đánh giá hiện trạng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

1. Phân tích hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận

1.1. Điều kiện tự nhiên

1.1.1. Điều kiện vị trí địa lý

a. Vị trí địa lý

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 7 xã thuộc huyện Thuận Nam và 2 xã thuộc huyện Ninh Phước nằm ở phía Nam của tỉnh Ninh Thuận. Cách trung tâm vùng cách TP. Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 12km, cách TP. Phan Thiết khoảng 96km.

- Phía Bắc giáp : TP. Phan Rang - Tháp Chàm.

- Phía Tây giáp : huyện Ninh Sơn

- Phía Nam giáp : huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

- Phía Đông giáp : biển Đông.

Hình 1-1: Vị trí địa lý vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

b. Mối liên hệ vùng

Nằm trên trục phát triển Bắc - Nam của tỉnh Ninh Thuận, có hệ thống giao thông thuận lợi : QL1A, đường sắt xuyên Việt, đường ven biển và các tỉnh lộ để kết nối với các thành phố trung tâm của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ . Bên cạnh đó còn có cảng Cà Ná giao thương với trong nước và quốc tế bằng đường biển.

Có huyện Thuận Nam là cửa ngõ phía Nam của tỉnh, có điều kiện thuận lợi trong kết nối phát triển kinh tế xã hội với các huyện, thành phố trong tỉnh,. Đặc biệt vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có quan hệ trực tiếp với các trọng điểm trên hành lang ven biển của vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ và tỉnh Ninh Thuận là: TP.Phan Rang Tháp Chàm trung chính trị - văn hóa - kinh tế của Ninh Thuận ở phía Bắc và thành phố Phan Thiết là trung tâm kinh tế chính trị, văn hóa của tỉnh Bình Thuận ở phía Nam.

Bên cạnh đó, vai trò là trung tâm về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời) tại Thuận Nam sẽ tạo cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam một vị thế, vị trí chiến lược về kinh tế - chính trị - văn hóa - an ninh quốc phòng hết sức quan trọng của tỉnh, vùng, cả nước và quốc tế.

1.1.2. Điều kiện về mặt khí hậu, thủy văn

a. Khí hậu

+ Khí hậu:

Khu vực nghiên cứu có khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình với đặc trưng khô nóng gió nhiều, mưa ít nắng nhiều, bốc hơi mạnh, nằm trong vùng khô hạn nhất cả nước. Chia làm 2 mùa rõ rệt : mùa mưa và mùa khô, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 8 năm sau.

+ Nhiệt độ :

- Nhiệt độ trung bình trong năm 27,7°C, trung bình năm cao nhất 39,9°C , trung bình năm thấp nhất 14,4°C . Tổng nhiệt độ năm 9.500°C  đến 10.000 °C .

+ Mưa:

- Mùa mưa tập trung chủ yếu từ tháng 9 đến tháng 11 trong năm. Lượng mưa trung bình hàng năm 750 mm/năm, thấp hơn trung bình cả nước (1.900 mm/năm). Lượng bốc hơi cao 1.662 mm. Lượng mưa ít nên dễ gây khô hạn thiếu nước cho sản xuất nông lâm nghiệp.

+ Nắng, lượng bức xạ:

- Số giờ nắng trong năm khoảng 2.720 giờ. Nền nhiệt độ cao, khá đồng đều giữa các tháng, là điều kiện thuận lợi để canh tác nhiều vụ cây trồng trong năm và phát triển điện mặt trời.

- Năng lượng bức xạ lớn 160 Kcl/cm2.

+ Độ ẩm:

- Độ ẩm trung bình 71-77%, mùa mưa độ ẩm thường cao hơn mùa khô khoảng 10 -20%.

+ Chế độ gió:

- Khu vực nghiên cứu hàng năm có 2 loại gió chính có ảnh hưởng đến khí hậu của huyện là:

Gió mùa Tây Bắc: từ tháng 12 đến tháng 6 năm sau.

Gió mùa Đông Nam: Từ tháng 7 đến tháng 11.

- Tốc độ gió trung bình là 6,8m/s, thuận lợi để phát triển công nghiệp điện gió.

+ Bão, lũ lụt:

- Khu vực huyện Thuận Nam có bị ảnh hưởng của bão và lũ lụt. Trung bình cứ 4 - 5 năm lại có 1 trận bão đổ bộ vào khu vực. Thời gian gần đây huyện thường bị ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, gây mưa lớn và làm úng ngập một số khu vực trũng như Phước Nam, Phước Ninh, …, hư hỏng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thiệt hại về kinh tế xã hội.

b. Thủy văn, hải văn

+ Thủy văn

Khu vực nghiên cứu có sông chính sông Lu. Trong mùa khô, lưu lượng và dòng chảy trên các sông suối xuống rất thấp, các suối nhỏ đều khô cạn.

Hình 1-2: Sơ đồ phân tích thủy văn

Sông Lu: chiều dài 45 km, diện tích lưu vực 380 km2, lưu lượng trung bình hàng năm là 2,19 m3/s. Thượng nguồn sông Lu có 2 nhánh chính : sông Gia và sông Biêu. Trên sông Gia đã xây dựng hồ Tân Giang, trên sông Biêu đang xây dựng hồ Sông Biêu. Sông Lu chi phối phần lớn nguồn nước mặt với các hợp lưu là sông Biêu, sông Trăng, bắt nguồn từ các dãy núi cao chảy theo hướng Đông đổ về sông Cái - Phan Rang.

Suối Bà Trăng: là một nhánh nhỏ của sông Lu.

Suối: có một số nhánh sông suối, hồ khác như: suối Quán Thẻ, suối Núi Một, suối Đá Đen, suối Bung, suối Nha Min, hồ CK7, hồ Chà Vin, hồ số 7, hồ Bầu Ngứ, hồ Quán Thẻ góp phần cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất.

+ Hải văn

- Vùng vịnh Cà Ná, Phước Diêm, Phước Dinh chịu ảnh hưởng của chế độ thủy triều. Thủy triều biển Thuận Nam có tính chất phức tạp, vừa có nhật triều, vừa có bán nhật triều. Biển Thuận Nam có thủy triều thấp, biên độ giao động từ 1,88- 2,2m nên không gây ảnh hưởng cho sản xuất nông nghiệp mà có điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản và làm muối Đầm Sơn Hải - Phước Dinh (thủy sản), Cà Ná, Phước Diêm, Phước Minh.

1.1.3. Điều kiện về tài nguyên

a. Yếu tố và điều kiện về tài nguyên nước

Nguồn nước mặt

Khu vực nghiên cứu có các hệ thống sông suối và kênh hồ Tân Giang (Phước Hà), hồ Suối Lớn, Chà Vin (Phước Ninh), hồ Quán Thẻ (Phước Minh), hồ CK7 (Phước Hà, Nhị Hà), hồ Sông Biêu, các đập dâng và kênh tưới trên sông Lu cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt.

Nguồn nước mặt phụ thuộc vào lượng mưa, vào mùa mưa dòng chảy khá phong phú, vào mùa khô nhiều sông suối bị khô kiệt nên dòng chảy bị hạn chế. Vì vậy các công trình thủy lợi phát huy năng lực thiết kế rất thấp.

Nguồn nước ngầm

Nguồn nước ngầm tồn tại dưới 2 dạng là nước lỗ hổng trong các trầm tích bở rời đệ tứ và nước khe nứt tàng trữ trong các trầm tích lục nguyên và phun trào. Kết quả thăm dò tìm kiếm nguồn nước ngầm tại một số khu vực trong tỉnh cho thấy :

Độ sâu từ mặt đất đến tầng chứa nước từ 14- 20m.

Độ dày của tầng chứa nước mỏng chỉ từ 3-5m.

Mực nước tĩnh ổn định ở mức 0,5m đến 3m đối với vùng đồng bằng và lớn hơn 3,5m đối với vùng trung du.

Trữ lượng nước ngầm vào loại nghèo nên chỉ khai thác để phục vụ cho sinh hoạt cho các hộ dân cư với quy mô nhỏ.

b. Yếu tố và điều kiện về tài nguyên biển

Dọc theo bờ biển của khu vực nghiên cứu có nhiều cảnh quan, bãi biển đẹp để phát triển du lịch như đồi cát Nam Cương, mũi Dinh, hồ Ba Bể, Cà Ná. Biển Thuận Nam có mực nước sâu thích hợp cho việc xây dựng cảng hàng hóa ở khu vực xã Cà Ná, Phước Diêm.

Có thể thấy rằng, khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối công nghiệp; phát triển du lịch ven biển, xây dựng cảng biển,.. là một trong những thế mạnh của khu vực nghiên cứu. Hiện tại đã đầu tư mở rộng cảng cá Cà Ná và xây dựng xong đồng muối công nghiệp Quán Thẻ. Khu vực bãi biển Mũi Dinh đang được đầu tư xây dựng thành khu du lịch lớn, đẹp thu hút khách du lịch cũng như những người ưa thích thể thao mạo hiểm đua xe trên cát.

c. Yếu tố và điều kiện về tài nguyên rừng

Tổng diện tích đất lâm nghiệp là 17.867,22 ha, chiếm 40,60% diện tích tự nhiên của toàn vùng. Cấu thành chủ yếu là rừng thường xanh xen rừng nửa rụng lá và rừng lùn vùng bán khô hạn, rừng hỗn giao. Tỷ lệ che phủ rừng thấp, dễ bị phá vỡ kết cấu nếu không có biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt.

Trữ lượng thấp, đa số là rừng non, rừng nghèo, thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn. Rừng chủ yếu tập trung ở xã Phước Diêm. Hiện nay khu vực nghiên cứu đang tập trung trồng rừng theo mô hình nông lâm kết hợp.

d. Yếu tố và điều kiện về tài nguyên khoáng sản

Tài nguyên khoáng sản trong khu vực nghiên cứu chủ yếu là các loại vật liệu xây dựng như: đá xây dựng, cát xây dựng, đá chẻ, vật liệu san lấp, titan, sét gạch ngói, phần lớn được khai thác ở quy mô nhỏ.

e. Yếu tố và điều kiện về tài nguyên nhân văn

Khu vực nghiên cứu có các dân tộc Kinh, Chăm, Raglai, Hoa và các dân tộc khác cùng sinh sống tạo nên tài nguyên nhân văn phong phú, đa dạng.

f. Yếu tố và điều kiện về tài nguyên du lịch

Vùng KTTĐ phía Nam có đường bờ biển dài 47/105 km toàn tỉnh, với vùng lãnh hải rộng trên 7.200 km2. Bờ biển và một số cảnh quan của vùng có những thuận lợi để phát triển du lịch đặc biệt là khu vực Cà Ná, mũi Dinh. Khai thác các vùng ngập ven bờ để nuôi tôm thịt và sản xuất tôm giống.

Việc đầu tư xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường bộ ven biển, đoạn chạy qua địa bàn huyện kéo dài đến cảng Cà Ná là điều kiện thuận lợi để gắn kết các điểm du lịch, từ biển Cà Ná là điểm trung tâm có thể hình thành quần thể du lịch và các tour du lịch sinh thái gắn với khu du lịch sinh thái hồ Ba Bể, mũi Dinh, khu du lịch sinh thái hồ Tân Giang, suối nước nóng Nhị Hà. Phát triển loại hình du lịch dựa trên lợi thế đặc thù, lợi thế về biển, sự đa dạng về văn hóa (Chăm, Raglai...), điều kiện tự nhiên (nắng, gió, đồi cát), hình thành một số khu du lịch qui mô lớn, nhất là khu du lịch Mũi Dinh kết hợp loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, mạo hiểm leo núi, lướt ván, câu cá, lặn biển, đua xe ô tô, mô tô trên cát. Khu du lịch và thể thao mạo hiểm Tanyoli Mũi Dinh đã tổ chức cuộc đua xe mô tô địa hình trên cát tại Mũi Dinh-Ninh Thuận các năm qua.

Vùng cũng có hệ thống sông, hồ khá phong phú như có sông Dinh, sông Lu, sông Quao, hệ thống thủy lợi Nha Trinh - Lâm Cấm. Hồ Lanh Ra, Bầu Zôn, Tà Ranh, … là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái.

Vùng bờ biển với những cồn cát Nam Cương khá nổi tiếng tạo thành cảnh quan đẹp, mang nét đặc trưng riêng của khu vực. Trong tương lai sẽ phát triển du lịch đồi cát Nam Cương tạo thành khu du lịch hấp dẫn du khách. Đồng thời kết nối với các vùng du lịch trong tỉnh Ninh Thuận và vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ.

g. Yếu tố và điều kiện về tài nguyên đất

Tổng diện tích đất tự nhiên là 439 km2. Tài nguyên đất đai của khu vực rất đa dạng, với khoảng 07 nhóm đất chính :

Đất bãi cát, cồn cát và đất cát biển: chiếm gần 7% diện tích tự nhiên (DTTN), tập trung ở các xã ven biển. Phù hợp phát triển du lịch, trồng rừng phòng hộ, cây công nghiệp ngắn ngày.

Đất mặn: chiếm khoảng 1,5% phân bố ở vùng thấp trũng, vùng ven biển và các cửa sông gần biển, hiện nay đang nuôi trồng thủy sản.

Đất phù sa: chiến hơn 2%, phân bố ven sông, suối thuộc hầu hết các xã trong huyện. Trong đó có đất phù sa ít chua, đất phù sa đỏ vàng, rất thích hợp để trồng lúa, hoa màu, rau đậu, nho, cây trồng cạn, … ; đất phù sa gley phân bố ở địa hình thấp trũng, ngập nước, thích hợp với chuyên canh lúa nước, luân canh lúa nước với cây trồng cạn hàng năm.

Đất xám glây: chiếm hơn 5% phân bố ở hầu hết các xã và đang được trồng lúa. Rất thích hợp đối với chuyên canh lúa nước hoặc luân canh lúa nước với các cây trồng cạn hàng năm.

Đất xám nâu vùng bán khô hạn : chiêm tương đối lớn, khoảng trên 35%, bao phủ toàn bộ phần bậc thềm cao, phẳng trước núi trong vùng nội địa của huyện. Hiện nay đang sử dụng là đồng cỏ chăn thả, trồng rừng, điều, cây hàng năm.

Đất đỏ vàng: chiếm 38% diện tích là đất đỏ vàng trên đá macma axit, tập trung ở vùng núi cao. Hiện nay hầu hết diện tích là đất rừng tái sinh, rừng trồng, hoặc đất cây lùm bụi xen cỏ dại, rất ít diện tích là đất nương rẫy quảng canh. Trong điều kiện có rừng cây che phủ, đất đỏ vàng có hàm lượng dinh dưỡng khá cao, tuy nhiên hầu hết là tầng đất mỏng, phân bố trên núi cao, độ dốc lớn nên ít thích hợp cho khai thác sử dụng nông nghiệp. Do đó cần hạn chế khai thác nương rẫy quảng canh trên loại đất này, đồng thời có kế hoạch khoanh vùng trồng rừng để bảo vệ đất.

Đất xói mòn trơ sỏi đá : có tầng mỏng và phân bố ở trên các núi cao, địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn. Không thích hợp để nông nghiệp, nên phát triển trồng rừng để bảo vệ đất.

1.1.4. Hiện trạng sử dụng đất

Bảng 1-1: Bảng tổng hợp hiện trạng sử dụng đất năm 2020

STT

Loại đất

Hiệu

Tổng (ha)

Tỷ lệ

I

Tổng diện tích đất của đơn vị hành chính

 

43.900

100,00

1

Đất nông nghiệp

NNP

35.445,75

80,55

1,1

Đất sản xuất nông nghiệp

SXN

13.951,55

31,71

1.1.1

Đất trồng cây hàng năm

CHN

12.611,84

28,66

1.1.1.1

Đất trồng lúa

LUA

2.790,36

6,34

1.1.1.2

Đất trồng cây hàng năm khác

HNK

9.821,48

22,32

1.1.2

Đất trồng cây lâu năm

CLN

1.339,71

3,04

1,2

Đất lâm nghiệp

LNP

17.867,22

40,60

1.2.1

Đất rừng sản xuất

RSX

2.918,41

6,63

1.2.2

Đất rừng phòng hộ

RPH

14.948,81

33,97

1.2.3

Đất rừng đặc dụng

RDD

0,00

0,00

1,3

Đất nuôi trồng thủy sản

NTS

952,89

2,17

1,4

Đất làm muối

LMU

2.178,58

4,95

1,5

Đất nông nghiệp khác

NKH

495,52

1,13

2

Đất phi nông nghiệp

PNN

6.053,04

13,76

2,1

Đất ở

°C T

812,08

1,85

2.1.1

Đất ở tại nông thôn

ONT

812,08

1,85

2.1.2

Đất ở tại đô thị

ODT

 

 

2,2

Đất chuyên dùng

CDG

4.609,03

10,47

2.2.1

Đất xây dựng trụ sở cơ quan

TSC

15,03

0,03

2.2.2

Đất quốc phòng

CQP

20,11

0,05

2.2.3

Đất an ninh

CAN

3,90

0,01

2.2.4

Đất xây dựng công trình sự nghiệp

DSN

77,41

0,18

2.2.5

Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp

CSK

1.284,50

2,92

2.2.6

Đất có mục đích công cộng

CCC

3.208,09

7,29

2,3

Đất cơ sở tôn giáo

TON

17,80

0,04

2,4

Đất cơ sở tín ngưỡng

TIN

3,85

0,01

2,5

Đất nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, NHT

NTD

214,85

0,49

2,6

Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối

SON

369,96

0,84

2,7

Đất có mặt nước chuyên dùng

MNC

25,47

0,06

2,8

Đất phi nông nghiệp khác

PNK

0,00

0,00

3

Đất chưa sử dụng

CSD

2.504,23

5,69

3.1

Đất bằng chưa sử dụng

BCS

941,78

2,14

3,2

Đất đồi núi chưa sử dụng

DCS

1.286,12

2,92

3.3

Núi đá không có rừng cây

NCS

276,33

0,63

II

Đất có mặt nước ven biển

MVB

 

 

1

Đất mặt nước ven biển nuôi trồng thủy sản

MVT

 

 

2

Đất mặt nước ven biển có rừng ngập mặn

MVR

 

 

3

Đất mặt nước ven biển có mục đích khác

MVK

 

 

Trong đó:

Đất trồng cây hàng năm: Có 12.611,84ha, chiếm 26,66% DTTN toàn khu vực nghiên cứu. Vùng trồng lúa của khu vực nghiên cứu tập trung ở xã Nhị Hà, Phước Ninh, Phước Nam. Vùng chuyên trồng lúa tập trung được tưới chủ động từ hệ thống kênh tưới của các hồ như: hồ Chà Vin, hồ Suối Lớn; hồ CK7, Hồ Đá Đen…

Đất lâm nghiệp: Tổng diện tích đất lâm nghiệp có 17.867,22 ha, chiếm 40,60% diện tích đất tự nhiên. Đất lâm nghiệp tập trung chủ yếu trên các vùng đồi, núi cao phía Tây, Đông nam và phía Nam của khu vực nghiên cứu, trong đó: Đất rừng phòng hộ: Có 14.948,81 ha, chiếm 33,97% tổng DTTN toàn khu vực nghiên cứu, tập trung chủ yếu ở Phước Minh, Phước Dinh, Phước Diêm...

Đất rừng sản xuất: Có 2.918,41 ha, chiếm 6,63% tổng DTTN toàn khu vực nghiên cứu, tập trung chủ yếu ở Phước Dinh …

Đất nuôi trồng thủy sản: có 952,89ha, chiếm 2,17% tổng DTTN toàn khu vực nghiên cứu; diện tích tập trung chủ yếu tại các xã Phước Dinh, Cà Ná; Phước Diêm, xã An Hải, xã Phước Hải.

Đất làm muối: có 2.178,58 ha chiếm 4,95% tổng DTTN toàn khu vực nghiên cứu; thuộc dự án Muối Quán Thẻ, muối Cà Ná; diện tích tập trung nhiều ở các xã Phước Minh, Cà Ná, Phước Diêm và Phước Ninh.

Đất ở tại nông thôn: có 812,08 ha, chiếm 1,85% tổng DTTN toàn khu vực nghiên cứu;

Đất xây dựng trụ sở cơ quan : 15,03 ha chiếm 0,03% tổng DTTN toàn khu vực nghiên cứu; phân bố ở các xã Phước Minh, Phước Dinh, Cà Ná, Phước Diêm.

Đất quốc phòng: 20,11 ha, chiếm 0,05% tổng DTTN toàn khu vực nghiên cứu; phân bố chủ yếu tại xã Phước Dinh

Đất an ninh: 3,90ha, chiếm 0,01% tổng DTTN toàn khu vực nghiên cứu; tập trung chủ yếu ở xã Phước Nam

Đất xây dựng công trình sự nghiệp có 77,41ha chiếm 0,18% tổng DTTN khu vực nghiên cứu; phân bố chủ yếu tại xã Phước Nam, xã Phước Dinh và xã Phước Ninh.

Đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp có 1.284,50ha chiếm 2,92% tổng DTTN khu vực nghiên cứu; phân bố chủ yếu tại xã Phước Dinh, xã Phước Nam gồm các cơ sở sản xuất dọc theo Quốc lộ 1, xã Cà Ná bao gồm cảng cá Cà Ná, công ty TNHH Việt Trung, công ty CP giao thông Ninh Thuận, xã Phước Minh và xã Phước Ninh.

Đất dùng cho mục đích công cộng với 3.208,09 ha chiếm 7,29% tổng DTTN khu vực nghiên cứu; phân bố chủ yếu tại xã Phước Nam, xã Phước Dinh, xã Phước Ninh, và Phước Minh.

Đất cơ sở tôn giáo với 17,80 ha chiếm 0,04% tổng DTTN khu vực nghiên cứu; phân bố chủ yếu tại xã Cà Ná, xã Phước Dinh. Đất công trình tín ngưỡng với 1,68 ha; phân bố chủ yếu tại xã Phước Diêm.

Đất nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, NHT có 214,85 ha chiếm 0,49% tổng DTTN khu vực nghiên cứu; phân bố chủ yếu tại xã Phước Nam, Phước Diêm, xã Phước Dinh.

Đất sông, ngòi, kênh rạch với 369,96 ha chiếm 0,84% tổng DTTN khu vực nghiên cứu. Đất có mặt nước chuyên dùng có 25,47 ha chiếm 0,06% tổng DTTN.

Đất chưa sử dụng và đất cát ven biển: có 2.504,23 ha chiếm 5,69 % tổng DTTN khu vực nghiên cứu tập trung chủ yếu tại xã Phước Dinh và xã Nhị Hà. (Khu vực đồi cát Nam Cương sử dụng cho mục đích du lịch, có quy mô khoảng 58ha).

Hình 1-3: Bản đồ hiện trạng sử dụng đất vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

1.2. Hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội

1.2.1. Thu hút đầu tư tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh

Vị trí cửa ngõ giao thương kinh tế giữa tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận. Là cửa ngõ ra biển Đông của các tỉnh vùng Tây Nguyên và các huyện phía Tây tỉnh Ninh Thuận.

Vị trí cửa ngõ ra biển Đông của các tỉnh vùng Tây Nguyên và các huyện phía Tây tỉnh Ninh Thuận; cửa ngõ phía Nam TP. Phan Rang - Tháp Chàm. Nằm trên các hành lang kinh tế đô thị quan trọng của quốc gia đường bộ, đường thủy, đường sắt.

Là cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh Ninh Thuận, Vùng có các trục hành lang kinh tế đô thị quốc tế - quốc gia đi qua như hệ thống đường bộ, đường thủy, cảng biển có vai trò trung chuyển hàng hóa giữa các vùng kinh tế và hai thành phố TP. Phan Rang - Tháp Chàm và TP. Phan Thiết.

Vùng có khí hậu nắng nóng quanh năm, có nhiều năng lượng mặt trời, tốc độ gió lớn có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo và phát triển sản xuất nông nghiệp nhất là các loại cây trồng chuyên canh có giá trị.

Vùng có tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng như tài nguyên đất đai, khí hậu, địa hình, tài nguyên nước, tài nguyên biển, khoáng sản, tài nguyên rừng đa dạng thuận lợi cho phát triển kinh tế nông lâm thủy sản toàn diện chất lượng cao.

Vùng có tiềm năng phát triển kinh tế biển, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chuyên canh lớn. Trung tâm công nghiệp chuyên ngành lớn về chế biến nông sản, thủy hải sản và khoáng sản trữ lượng lớn (Titan, vật liệu xây dựng..).

Nguồn nguyên liệu nông nghiệp, lâm nghiệp, cây công nghiệp lớn, nguồn thủy hải sản dồi dào phục vụ cho công nghiệp chế biến.

Vùng có tài nguyên du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái biển, rừng và hồ cảnh quan.

Có nguồn nhân lực trẻ, trình độ chuyên môn kỹ thuật. chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, thủ tục hành chính được chính quyền quan tâm do đó tạo điều kiện thu hút đầu tư đặc biệt đầu tư nước ngoài.

1.2.2. Tình hình phát triển các ngành kinh tế tại vùng kinh tế trọng điểm

a. Cơ cấu kinh tế

- Trong giai đoạn 2016-2020, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Huyện Thuận Nam và 2 xã An Hải, Phước Hải huyện Ninh Phước) có tốc độ tăng trưởng khá nhanh và ổn định, tổng giá trị sản xuất các ngành năm 2020 đạt trên 8.700 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 13,1%/năm.

+ Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 17.281 tỷ đồng bằng 114% so kế hoạch (NQĐH 15.216,6 tỷ đồng), tăng trưởng bình quân năm 7,3% (NQĐH 4,5%);

+ Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 12.531 tỷ đồng (NQĐH 13.359,9 tỷ đồng ) bằng 102% so kế hoạch, tăng trưởng bình quân năm 22,1% ( NQĐH 23%)

+ Giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ là 5.315 tỷ đồng (NQĐH là 5.628,3 tỷ) bằng 94,4% so kế hoạch, tăng trưởng bình quân năm 10,2% (NQĐH 26,6%).

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch cơ bản theo hướng theo Mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II là giảm nhanh cơ cấu ở lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và tăng mạnh lĩnh vực công nghiệp - xây dựng là thương mại - dịch vụ. Năm 2016 cơ cấu nông lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ tương ứng là 54%, 29%, 17% (NQĐH 53%, 33%; 14%); đến năm 2020 cơ cấu tương ứng là 41,4%; 45,4%; 13,2% (NQĐH 40%; 41%; 19%).

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 19.223 tỷ đồng;

- Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 là 60 tỷ đồng. Tính chung trong 5 năm ước đạt 239,9 tỷ đồng.

- Thu nhập bình quân đầu người/năm đến năm 2020 đạt 37 triệu đồng.

b. Sản xuất nông nghiệp (nông, lâm, ngư, diêm nghiệp)

Ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển, trong đó thủy sản có bước phát triển mạnh và giữ vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Giá trị sản xuất đến năm 2020 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 3.427 tỷ đồng, chiếm 39,83%; cơ cấu giá trị sản xuất các ngành. Tính chung 5 năm giá trị sản xuất đạt 17.281 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng sản xuất bình quân đạt 7.3%;

- Từng bước tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng cơ bản phù hợp, bước đầu nâng cao hiệu quả sử dụng đất; diện tích gieo trồng tăng, với các loại cây trồng chính là lúa, bắp, nho, táo, phù hợp với điều kiện sinh thái thổ nhưỡng địa phương và có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định; hệ thống kênh mương được bê tông hóa, đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp ở một số khâu làm đất, thu hoạch... góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất; công tác dự báo, khuyến nông theo mùa vụ và các biện pháp bảo vệ thực vật được chú trọng thực hiện đưa năng suất, sản lượng các loại cây trồng đạt khá; một số mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả. Nâng cao và phát huy tiềm năng phát triển của cây măng tây xanh, táo xanh, nho, rất thích hợp ở vùng cát trắng xã An Hải, huyện Ninh Phước. Mô hình trồng măng tây xanh, táo, nho theo tiêu chuẩn VietGAP là các sản phẩm thích ứng biến đổi khí hậu, mang lại thu nhập cao cho nông dân huyện Ninh Phước.

- Ngành chăn nuôi tương đối ổn định, tổng đàn gia súc duy trì ổn định về số lượng, nâng cao chất lượng theo hướng sản phẩm hàng hóa, phù hợp với phát triển chăn nuôi mới và điều kiện của vùng. Đã hình thành một số mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại như Dê, cừu tại Phước Minh, Phước Nam, Nhị Hà, Phước Ninh; trang trại gà với quy mô từ 500 - 1.000 con, đưa chăn nuôi từng bước trở thành ngành sản xuất chính có tốc độ tăng trưởng khá cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ nông dân. Đã triển khai xây dựng Trạm thực nghiệm dê, cừu. Trên địa bàn vùng có Trung tâm giống gia súc của Bộ Nông nghiệp & PTNT, là điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm theo hướng sạch.

- Công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng và chăm sóc, khoanh nuôi rừng trồng được quan tâm chỉ đạo tích cực; Công tác phòng, chống cháy rừng chú trọng thực hiện hiệu quả; quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng tại khu vực giáp ranh được triển khai; kịp thời phát hiện, xử lý kiên quyết việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, hạn chế được tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng qua từng năm. Việc giao khoán, quản lý, bảo vệ rừng, từng bước được xã hội hóa trong ngành lâm nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân vùng miền núi, tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,51%.

- Về diêm nghiệp: Tiếp tục phát huy hiệu quả sản xuất muối, chủ yếu là muối công nghiệp tập trung tại địa bàn 02 xã Phước Diêm và Phước Minh với tổng diện tích sản xuất 2.601,02 ha, tổng sản lượng 136.000 tấn/năm.

- Ngành thủy sản phát triển trên cả 03 mặt: Quy mô, công suất tàu thuyền, trang thiết bị hiện đại khai thác hải sản theo hướng vươn khơi dài ngày, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Sản lượng khai thác đạt cao; thực hiện tốt chính sách phát triển thủy sản; chuyển đổi nghề vây rút mùng sang nghề khác phù hợp; Xây dựng xã An Hải là một trong những trung tâm sản xuất tôm giống có thương hiệu của cả nước. Hàng năm ngành thủy sản đóng góp trên 90% tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản của vùng và đóng góp khá cao vào giá trị sản xuất thủy sản toàn tỉnh.

- Về đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, thủy sản được chú trọng: Đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi đồng bộ gắn với mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp; đến nay, đã kiên cố hóa 100%, hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của Nhân dân. Đồng thời, đầu tư một số công trình phục vụ công tác chống hạn tại các xã Phước Nam, Phước Ninh, Phước Minh. Khai thác đánh bắt hải sản được đầu tư trang thiết bị hiện đại như máy dò ngang; Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm theo tiêu chí GAP, nuôi trồng rong sụn trong lồng lưới (xã Phước Dinh); ứng dụng thiết bị tiên tiến trong quy trình chế biến nước mắm trên địa bàn các xã ven biển.

- Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng, kết cấu hạ tầng nông thôn, kênh mương nội đồng từng bước hoàn chỉnh và phát huy hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần nhân dân trong vùng được cải thiện. Đến cuối năm 2020, có 05/09 xã (Phước Nam, Cà Ná, Phước Diêm, Phước Ninh, An Hải) đạt chuẩn nông thôn mới và bình quân các xã đạt 15 tiêu chí, không còn xã dưới 10 tiêu chí.

b. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng

Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng trưởng bình quân 22,1%/năm, trong đó công nghiệp tăng gần 31,6%, xây dựng tăng trên 16,8%.

Với định hướng phát triển vùng kinh tế phía Nam với trọng điểm là huyện Thuận Nam, trở thành vùng trọng điểm về công nghiệp của tỉnh, những năm qua tỉnh đã tiến hành thực hiện quy hoạch và xây dựng 02 khu và 01 cụm Công nghiệp: Khu công nghiệp Phước Nam (370ha), KCN Cà Ná (827,2ha), cụm công nghiệp Hiếu Thiện (50ha). Lĩnh vực năng lượng tái tạo đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của vùng, đến cuối năm 2020 có 15 dự án năng lượng tái tạo/1.216,08 MW vận hành thương mại chiếm 48,9% tổng số công suất vận hành của toàn tỉnh; đặc biệt dự án điện mặt trời 450MW kết hợp đầu tư hạ tầng truyền tải 500kv và nhiều dự án hạ tầng truyền tải khác đưa vào vận hành giúp giải tỏa công suất cho các dự án. Một số sản phẩm công nghiệp chính hiện nay là khai thác đá, vật liệu xây dựng... Tiểu thủ công nghiệp chủ yếu là các cơ sở chế biến như chế biến rượu vang, mật nho; táo, nho sấy; thịt dê, cừu; chế biến cá hấp, nước mắm...

Về xây dựng đã tập trung đầu tư trụ sở làm việc các cơ quan, khu dân cư; đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông, thủy lợi, trường học, y tế và các công trình năng lượng, công trình vốn xã hội...

c. Thương mại - dịch vụ - du lịch

+ Thương mại - dịch vụ:

Hoạt động thương mại, dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có bước phát triển nhưng quy mô còn nhỏ. Tập trung phát triển ở một số dịch vụ sửa chữa cơ khí, vận tải, kho bãi, phân phối hàng hóa, các cơ sở kinh doanh tổng hợp, các hoạt động dịch vụ nông nghiệp, bưu chính viễn thông.. Mạng lưới thương mại từng bước được mở rộng, tăng cả về số lượng cơ sở và ngành hàng, đến nay 7/8 xã có chợ nông thôn, trong đó có 03 chợ đạt chuẩn nông thôn mới (Cà Ná, Phước Nam, Phước Ninh); chương trình “đưa hàng Việt về nông thôn” và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được quan tâm triển khai thực hiện hàng năm, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tuy nhiên, Hiện tại khu vực không có siêu thị hay trung tâm thương mại. Đa số các chợ trên địa bàn huyện khá nhỏ, cung cấp lượng hàng hóa không dồi dào.

+ Du lịch:

Du lịch khu vực Phía Nam của tỉnh có bước phát triển, đưa hoạt động du lịch dần định hình và phát triển theo hướng đa dạng và chất lượng cao. Trong đó, nổi trội là du lịch sinh thái biển, nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm và du lịch trải nghiệm dựa vào lợi thế khác biệt về địa hình của một vùng sa thảo rộng lớn. Trong thời gian qua, tại khu vực phía Nam có nhiều dự án quy mô lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư như Tiêu biểu như: Khu du lịch Mũi Dinh EcoPark, quy mô diện tích đất 766 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 4.725 tỷ đồng; Khu nghỉ dưỡng cao cấp Royal Ninh Thuận, quy mô 87,5 ha, tổng vốn đăng ký 2.000 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái Cà Ná Star, quy mô 15 ha, tổng vốn 500 tỷ đồng; Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Mũi Dinh - Cà Ná, quy mô 78,5 ha, tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng…Loại hình du lịch ngày càng đa dạng như du lịch tâm linh, du lịch sinh thái - mạo hiểm, du lịch văn hóa gắn làng nghề, du lịch biển, trong đó mô hình du lịch cộng đồng bước đầu triển khai đạt được thành công nhất định. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch, thu hút các dự án đầu tư cũng được địa phương quan tâm thực hiện, đã thu hút 6 dự án du lịch trên địa bàn, trong đó đi vào hoạt động 1 dự án (Khu du lịch Hòn Cò - Cà Ná), dự án đã được duyệt trong kế hoạch, quy hoạch thời kỳ trước nhưng vẫn chưa được đầu tư xây dựng như: Khu du lịch đồi cát Nam Cương.

d. Tài chính - tín dụng

- Thu ngân sách khu vực đều vượt so với dự toán hằng năm, Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 là 60 tỷ đồng. Tính chung trong 5 năm ước đạt 239,9 tỷ đồng. Các nguồn thu phát sinh trên địa bàn được bổ sung, điều chỉnh và quản lý chặt chẽ; chính sách ưu đãi thuế và các chính sách hỗ trợ khác theo quy định thực hiện đầy đủ, kịp thời. Công tác chi ngân sách đảm bảo chặt chẽ, kịp thời đúng qui định pháp luật.

- Hệ thống các ngân hàng thương mại trên địa bàn và ngân hàng chính sách xã hội được hình thành có vai trò quan trọng trong hỗ trợ sản xuất, đời sống nhân dân.

e. Đầu tư phát triển

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm ước đạt gần 19.223 tỷ đồng; Nguồn vốn ngân sách nhà nước 2.467 tỷ đồng, chiếm 12,8%; vốn các thành phần kinh tế và dân cư 16.756 tỷ đồng, chiếm 87,2%. Bình quân mỗi năm thu hút tổng vốn đầu tư gần 3.845 tỷ đồng, tăng gần 1,64 lần so với năm 2015. Đã thực hiện 50 dự án; bên cạnh đó, còn một số dự án, chương trình thực hiện từ nguồn vốn hỗ trợ của trung ương và của tỉnh; đến nay kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện, kết nối đồng bộ; các dự án đầu tư xây dựng đưa vào khai thác sử dụng đều phát huy công năng và đạt hiệu quả sử dụng; đáp ứng nhu cầu cấp thiết của Nhân dân, góp phần tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

1.2.3. Thực trạng lao động, việc làm và văn hóa xã hội

a. Lao động và việc làm

Chất lượng lao động nhìn chung còn thấp, chủ yếu là lao động trong các ngành nông lâm nghiệp, thủy sản. . Tỷ lệ lao động được đào tạo chiếm khoảng 32% lao động đang làm việc (kể cả lao động mới qua đào tạo nghề). Lao động qua đào tạo chủ yếu thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước, giáo dục, y tế và doanh nghiệp công nghiệp.

- Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 vào khoảng 70 triệu đồng; Giải quyết việc làm cho lao động 5 năm ước đạt trên 13.000 người; Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm hơn 2,3%/năm.

b. Văn hóa xã hội

- Chất lượng giáo dục, đào tạo từng bước nâng lên và có bước đổi mới trong công tác quản lý giáo dục; giáo viên được chuẩn hóa theo qui định; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp học tăng; học sinh bỏ học giữa chừng giảm qua từng năm; duy trì kết quả đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục - xóa mù chữ, phổ cập trung học cơ sở; hoạt động khuyến học, khuyến tài, trung tâm học tập cộng đồng ngày càng phát triển; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố hóa và chuẩn quốc gia (đến cuối năm 2019 có 13/31 trường đạt chuẩn quốc gia). Công tác sắp xếp mạng lưới trường, lớp và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp được quan tâm thực hiện; Đến nay, đã thực hiện được 4 trường liên cấp, giảm từ 31 trường xuống còn 27 trường ở các cấp học. Số lượng giảm vị trí việc làm đối với cán bộ quản lý, nhân viên sau khi thực hiện Đề án là 11 người.

- Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng chỉ đạo triển khai thực hiện. Các chương trình y tế quốc gia, y tế dự phòng đạt hiệu quả tích cực; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh được quan tâm; quản lý nhà nước về hành nghề y dược tư nhân được kiểm soát chặt chẽ; công tác dân số kế hoạch hóa gia đình đạt mục tiêu; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế bước đầu đạt kết.

- Hoạt động thông tin, tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được duy trì, phục vụ kịp thời các ngày lễ, tết, các sự kiện chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai thực hiện sâu rộng tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội; hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ngày càng hoàn thiện đã phát huy hiệu quả, là công cụ tích cực tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến quần chúng Nhân dân; các giá trị văn hóa vật thế, phi vật thể được giữ gìn và phát huy, hàng năm duy trì tổ chức các lễ hội vùng biến, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo vui tươi, lành mạnh, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống vùng, miền và đạo đức tốt đẹp của các dân tộc địa phương; phong trào thể dục, thể thao và rèn luyện thân thể trong Nhân dân được khuyến khích và duy trì; các giải thi đấu thể thao truyền thống được tổ chức hằng năm. Công tác quản lý các hoạt động và dịch vụ văn hóa được tăng cường.

- Các chính sách an sinh xã hội triển khai thực hiện kịp thời, đúng qui định, nhất là giải quyết các chế độ cho gia đình chính sách, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ học sinh, sinh viên; giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo... đều đạt kết quả đáng khích lệ.

1.2.4. Tình hình phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sự phát triển vùng:

a. Hiện trạng giao thông

Thuận lợi :

Giao thông đường bộ

Hệ thống giao thông của vùng tương đối đầy đủ, bao gồm các loại hình giao thông chính: Đường bộ, đường sắt, đường thủy.

- Đường bộ: Mạng lưới giao thông đường bộ trong khu vực phân bố không đều. Trong những năm qua hệ thống đường giao thông, cầu cống trong khu vực được đầu tư nâng cấp, làm mới đến nay tất cả các xã đã có đường ô tô đi lại thông suốt trong mùa khô.

Quốc lộ :

- Quốc lộ 1: là tuyến đường trục chính chạy qua huyện Thuận Nam kết nối huyện Thuận Nam với TP. Phan Rang - Tháp Chàm, kết nối với các tỉnh lân cận như Khánh Hòa, Bình Thuận. Đoạn qua khu vực có chiều dài khoảng 21,6 km, hiện trạng mặt đường nhựa, chất lượng tốt, quy mô 4 làn xe cơ giới.

Tỉnh lộ :

- Tỉnh lộ 701: là tuyến đường ven biển nối từ Phú Thọ (P. Đông Hải - TP. Phan Rang - Tháp Chàm) đến Mũi Dinh (Thuận Nam), tuyến đường chạy qua huyện có chiều dài khoảng 38km, mặt đường rộng 7-14m, nền đường rộng từ 9-27m tuỳ từng đoạn, mặt đường láng nhựa.

- Đường tỉnh 709: qua khu vực dài 16 km, mặt đường rộng 5,5-7,5m, nền đường rộng 6-7,5 m; đoạn còn từ xã Phước Hà đến xã Ma Nới dài 32.420 km chưa có đường

- Đường tỉnh 709B qua huyện có chiều dài khoảng 9km, quy mô 2 làn xe đường cấp IV, mặt đường bê tông.

- Tỉnh lộ 710: qua huyện dài khoảng 3,9km hiện trạng nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 6,0m, mặt đường cấp phối.

Huyện lộ :

- Có 4 tuyến, bao gồm các tuyến sau: Đường Văn Lâm - Sơn Hải (ĐH.51); Đường Nhị Hà - Phước Hà (ĐH.52); Đường Quán Thẻ- Sông Biêu (ĐH.53); Đường TTHC H.Thuận Nam - Văn Lâm (ĐH. 54).

Giao thông nông thôn :

- Các tuyến trục xã, đường liên thôn được phân bố chưa đồng đều, khu vực phía Tây do địa hình đồi núi nên giao thông bị hạn chế.

- Gồm các tuyến có chiều rộng từ 3m đến 6m, chủ yếu là đường cấp phối, bê tông xi măng, láng nhựa, còn lại là đường đất.

- Hiện nay 100% số xã trong toàn khu vực có đường ô tô đến trung tâm xã và có thể lưu thông quanh năm.

- Trong thời gian qua, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, còn vận động nhân dân chung tay xây dựng giao thông nông thôn, nhiều công trình bê- tông hóa đường nội thôn có sự đóng góp của người dân địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của khu vực.

Nhận xét chung về thực trạng giao thông đường bộ:

- Mạng lưới đường bộ phân bố không đồng đều giữa các khu vực, các xã ở vùng đồi núi giao thông còn hạn chế.

- Tỷ lệ đường nhựa, BTXM còn ít, nhiều tuyến có mặt đường hẹp.

- Trong tương lai cần đầu tư phát triển hệ thống giao thông để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của huyện và tỉnh.

Giao thông đường sắt:

- Đường sắt: Tuyến đường sắt Bắc - Nam: chạy qua địa bàn huyện Thuận Nam nối với TP. Phan Rang - Tháp Chàm và TP. Nha Trang với chiều dài 21,3km. Có ga Cà Ná là 1 trong 2 ga tiếp nhận hàng hóa trên tuyến đường sắt qua tỉnh Ninh Thuận. Trong tương lai khi mở rộng cảng Cà Ná sẽ là điều kiện để ga này trở thành điểm tiếp nhận và cung cấp hàng hóa lớn qua ga.

Giao thông đường thủy

- Hiện nay trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có các bến cảng phục vụ giao thông đường thủy.

- Cảng cá Cà Ná: cầu tàu dài 200 m, phục vụ cho tàu thuyền của ngư dân với công suất dưới 300 tấn và cảng muối tại Phước Diêm để tàu muối vào neo đậu, trong đó tàu vào cảng muối được cấp phép với trọng tải 500 DWT.

- Cảng tổng hợp Cà Ná: hiện nay đang được xây dựng:

+ Quy mô gồm: bến tổng hợp, bến hàng rời, bến hàng lỏng, bến nhập khí LNG được phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường, khả năng huy động vốn của chủ đầu tư, đồng thời đảm bảo sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng kết nối đến cảng (đặc biệt là luồng vào, đê chắn sóng…)

+ Cỡ tàu: tàu hàng rời trọng tải đến 300.000 DWT; tàu tổng hợp, container, hàng lỏng, khí hóa lỏng LNG trọng tải đến 100.000 DWT và lớn hơn;

Hình 1-1: Bản đồ hiện trạng hệ thống giao thông vùng kinh tế phía Nam

Khó khăn, hạn chế :

+ Mật độ giao thông hiện nay còn thấp, thiếu các tuyến đường trục kết nối ngang từ đường ven biển đến QL1, các tuyến đường kết nối dọc từ trung tâm hành chính huyện đến khu vực cảng biển để giảm tải cho QL1. Một số khu vực trong vùng có địa hình phức tạp khó khăn cho việc xây dựng hạ tầng giao thông. Ngoài ra việc thực hiện các dự án trọng điểm trong vùng chưa được triển khai hay triển khai chậm dẫn đến nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông cũng chưa quan tâm đúng mực.

b. Hiện trạng cao độ nền, thoát nước mặt và thủy lợi

Hiện trạng cao độ nền:

- Nền đất xây dựng của khu vực tương đối đa dạng, các khu vực có nền thuận lợi cho xây dựng chủ yếu ở khu vực trung tâm và phía Đông Bắc khu vực. Các khu vực xây dựng đã được san nền đảm bảo không bị ngập lụt, thường có cao độ trung bình từ 8 - 10m trở lên.

Đánh giá điều kiện đất xây dựng:

- Đất đã xây dựng: Là các khu vực đã xây dựng với mật độ cao, tập trung ở khu vực Cà Ná, các trung tâm xã và dọc theo QL1.

- Đất xây dựng thuận lợi: Là các khu vực có địa hình bằng phẳng, cao độ không bị ảnh hưởng ngập lụt, thuận tiện trong việc đấu nối hạ tầng kỹ thuật

- Đất xây dựng ít thuận lợi: Là các khu vực xa đường giao thông, chưa có hạ tầng kỹ thuật, khu vực đất thấp đang sản xuất nông, lâm nghiệp

- Đất xây dựng khó khăn: là khu vực đất có độ dốc cao, khu vực núi cần có các biện pháp xử lý phức tạp khi xây dựng.

- Đất hạn chế xây dựng: là khu vực rừng đầu nguồn rừng phòng hộ cần bảo vệ nghiêm ngặt, do đó hạn chế xây dựng trong khu vực này, chủ yếu là khu vực phía Đông Nam của vùng.

Hiện trạng về thoát nước mặt:

Khu vực đô thị :

- Hiện nay mới chỉ có hệ thống thoát nước tại khu vực trung tâm huyện Thuận Nam. Tại các khu vực khác nước được thoát theo hình thức tự chảy xuống khu vực trũng và xả ra các sông hồ.

Khu vực nông thôn :

- Các xã chưa có hệ thống thoát nước mưa, nước mưa được thoát theo địa hình tự nhiên, chảy vào các sông suối, ao hồ ra biển.

Hiện trạng các công trình thủy lợi :

Công trình tưới :

- Toàn huyện có 2 công trình lớn là hệ thống thủy lợi Tân Giang (1 hồ chứa, 5 đập dâng) và hồ Sông Biêu, 4 công trình thủy lợi vừa và nhỏ gồm 3 hồ chứa và 1 đập dâng. Tổng năng lực tưới của các hồ, đập và hệ thống thủy nông đã tưới cho 6.291 ha (chủ yếu là tưới cho diện tích lúa của 2 huyện Thuận Nam và Ninh Phước), bao gồm các công trình sau:

+ Hệ thống thủy lợi Tân Giang bao gồm hồ Tân Giang và các đập dâng Cà Tiêu, Chà Vin, Ma Rên, Đập Đá, đập Kía. Hồ Tân Giang xây dựng ở xã Phước Hà, có dung tích 13,39 triệu m3 nước, diện tích mặt hồ 149 ha (hồ được điều tiết nước thông qua các đập dâng làm bằng kết cấu bê tông), năng lực của hệ thống thủy lợi hồ Tân Giang và các đập dâng trên sông Lu đảm bảo tưới cho 3000 ha.

+ Hệ thống Kênh Nam (từ Đập Nha Trinh) dài 35,711 km, tưới cho An Hải.

+ Hồ CK7 thuộc xã Nhị Hà, dung tích 1,43 triệu m3 nước, diện tích mặt hồ 30 ha, Tiếp nước cho khu tưới Ma Rên đảm bảo 500ha lúa vụ mùa và 100ha thuốc lá. Cấp nước tưới 100ha lúa luân canh với thuốc lá vùng kinh tế mới Nhị Hà. Hiện nay, cơ cấu cây trồng đã thay đổi và diện tích tưới hiện tại của hồ chứa CK7 là 100ha lúa 3 vụ.

+ Các hồ, đập khác như hồ Suối Lớn, hồ Chà Vin, Suối Ngang đều phát huy tác dụng tốt theo năng lực thiết kế.

+ Hồ Sông Biêu: dung tích 68,7 triệu m3 cung cấp nước tưới đảm bảo cho 772 ha lúa vụ mùa.

Bảng 1-2: Hiện trạng công trình thủy lợi

TT

Tên hồ chứa

Năm hoàn thành

Thông số thiết kế

Diện tích tưới thực tế (ha)

Flv (km2)

Wtrữ (106 m³)

Ftướ i (ha)

Đông xuân

Hè thu

Mùa

cộng

1

Hồ Tân Giang

2001

149

13,39

3000

2,368

588

2,116

4,98 9

2

Hồ Bầu Ngữ

2007

16,3

1,6

170

120

-

120

240

3

Hồ CK7

1996

17,5

1,43

100

100

-

-

100

4

Hồ Suối Lớn

1990

8

1,1

60

95

-

95

190

5

Hồ Sông Biêu

2012

68,7

23,78

1,3

307

-

465

772

6

Hồ Núi Một

2013

30

2,25

150

 

 

 

-

7

Đập Tuấn Tú

1990

30

 

 

 

 

 

-

Công trình kè :

- Kè chống sạt lở bờ biển, bảo vệ khu dân cư xã Phước Diêm : Được xây dựng năm 2008, trên bờ biển đoạn qua xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, có nhiệm vụ chống sạt lở bờ biển, bảo vệ khu dân cư. Tuyến kè có chiều dài 1.385m, kết cấu tường chắn sóng bằng bê tông, mái kè bằng tấm bê tông đúc sẵn. Hiện trạng kè còn tốt, đảm bảo ổn định.

- Kè bảo vệ thôn Sơn Hải: Được xây dựng năm 2007, trên bờ biển đoạn qua thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, có nhiệm vụ chống sạt lở bờ biển, bảo vệ khu dân cư. Tuyến kè có chiều dài 2.043m, kết cấu tường chắn sóng bằng bê tông, mái kè bằng tấm bê tông đúc sẵn. Hiện trạng kè còn tốt, đảm bảo ổn định.

Nhận xét chung:

+ Thuận lợi: Hạ tầng thủy lợi được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ, các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả như: Hồ Tân Giang; các hồ đập khác như hồ Suối Lớn, hồ Chà Vin, Suối Ngang, đập Tuấn Tú. Công trình kè: Kè chống sạt lở bờ biển, bảo vệ khu dân cư xã Phước Diêm; Kè bảo vệ thôn Sơn Hải. Hiện trạng kè còn tốt, đảm bảo ổn định. Các công trình thủy lợi, hệ thống đê, hóa mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, góp phần điều tiết dòng chảy, hạn chế lũ lụt.

+ Khó khăn, hạn chế: Vùng bị tác động lớn về biến đổi khí hậu, bị nhiễm mặn khi nước biển dâng dọc biển Đông sẽ gây ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi phòng chống thiên tai của vùng.Vào mùa khô các sông suối bị khô cạn, các công trình thủy lợi phát huy năng lực thiết kế rất thấp, gây khó khăn cho việc cấp nước sinh hoạt và sản xuất.

c. Hiện trạng cấp nước:

Hiện trạng nguồn nước:

Nước mặt :

- Nguồn nước mặt trong khu vực gồm có hệ thống sông suối, công trình thủy lợi.

- Khu vực có các sông chính chảy qua là sông Lu, sông Quan và sông Trăng, đổ về phía sông Cái - Phan Rang, trong đó sông Lu chi phối phần lớn nguồn nước mặt. Ngoài ra có các nhánh sông suối khác như : suối Là Ha, suối La La, suối Nha Min, suối Lớn, …góp phần cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất.

- Hệ thống thủy lợi Tân Giang : gồm hồ Tân Giang và các đập Cà Tiêu, Ma Rên, Chà Vin, đập Đá với diện tích lưu vực là 149 km2, năng lực thiết kế tưới cho 3.000 ha. Ngoài ra còn có hồ Suối Lớn (Phước Ninh), hồ Quán Thẻ (Phước Minh), hồ CK7 (Phước Hà), đập suối Ngang (Phước Dinh). Các công trình thủy lợi đã phát huy hiệu quả năng lực tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Hiện nay đang xây dựng hồ Sông Biêu, hồ Núi Một, cùng với việc sẽ đầu tư thêm một số công trình thủy lợi như hồ Tân Giang 2, hồ Trà Van,... sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu nước tưới cho sinh hoạt và sản xuất.

- Mặc dù hệ thống sông suối trên địa bàn tương đối dày nhưng nhìn chung tài nguyên nước mặt khu vực rất hạn chế do lượng mưa ít nhưng lượng bốc hơi lớn, nhiều sông suối trên địa bàn kiệt nước vào mùa khô. Vì vậy, công tác thủy lợi đóng vai trò quan trọng .

Nước ngầm :

Nguồn nước ngầm tồn tại dưới 2 dạng là nước lỗ hổng trong các trầm tích bở rời đệ tứ và nước khe nứt tàng trữ trong các trầm tích lục nguyên và phun trào, ở độ sâu khoảng 20m. Trữ lượng nước ngầm vào loại nghèo nên chỉ khai thác phục vụ sinh hoạt mức độ hạn chế. Chất lượng nước ngầm có độ khoáng hóa thấp (1g/l). Kết quả thăm dò tìm kiếm nguồn nước ngầm tại một số khu vực trong huyện cho thấy:

+ Độ sâu từ mặt đất đến tầng chứa nước từ 14 đến 20 m.

+ Độ dày của tầng chứa nước mỏng chỉ từ 3 - 5 m.

+ Mực nước tĩnh ổn định ở mức 0,5 m đến 3 m đối với vùng đồng bằng và lớn hơn 3,5 m đối với vùng trung du và miền núi.

+ Chất lượng nước ngầm biến đổi khá phức tạp theo mùa, nước mặn và nước ngọt phân bố xen kẽ nhau trên một địa bàn, đặc biệt khu vực các xã Phước Minh, Phước Dinh, Phước Diêm, Cà Ná, An Hải nước ngầm thường có độ mặn do sự xâm nhập của nước biển gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất.

Hiện trạng các nhà máy nước chính:

- Nhà máy nước Cà Ná - Phước Nam : công suất 10.000 m³/ngày đêm và trạm tăng áp Phước Dân công suất 10.000 m³/ngày đêm cung cấp nước cho khu công nghiệp Phước Nam và các vùng lân cận thuộc huyện Ninh Phước, Thuận Nam. Nguồn nước được lấy từ sông Cái Phan Rang tại phía thượng lưu đập Nha Trinh.

- Nhà máy nước TP. Phan Rang - Tháp Chàm công suất 52.000 m3/ngày đêm cung cấp cho xã An Hải, Phước Hải.

Cấp nước nông thôn :

- Nước sinh hoạt ở nông thôn được sử dụng từ nhiều nguồn: giếng đào, giếng bơm, các trạm cấp nước nông thôn lấy nước mặt từ các sông suối, đã xử lý nhưng chất lượng chưa đảm bảo.

- Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh hiện nay đạt trên 90%.

Nhận xét chung:

+ Thuận lợi: Có hệ thống sông suối tương đối dày. Thuận lợi cho việc khai thác nước. Điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật thuận lợi cho việc đấu nối, xây dựng hệ thống cấp nước quy mô lớn.Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch ngày càng tăng. Công tác vận hành, nguồn nhân lực được đào tạo có chuyên môn ngày càng tăng, đặc biệt ở hệ thống cấp nước đô thị.Hiện nay, việc đầu tư nâng cấp, xây dựng, cải tạo hệ thống cấp nước trên địa bàn huyện được đã được chú trọng và quan tâm hơn.

+ Khó khăn: Mặc dù hệ thống sông suối tương đối dày nhưng tài nguyên nước mặt ở Thuận Nam rất hạn chế do lượng mưa ít, nhiều sông suối kiệt nước vào mùa khô.Tài nguyên nước ngầm không phong phú, trữ lượng ít, có thể khai thác với trữ lượng hạn chế. Khu vực các xã Phước Minh, Phước Dinh, Phước Diêm, Cà Ná, An Hải nước ngầm thường bị nhiễm mặn gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất. Mùa khô chưa đủ nước cấp cho các đô thị. Nước ngầm ít và bị nhiễm mặn.Vùng bị tác động lớn về biến đổi khí hậu, bị nhiễm mặn khi nước biển dâng dọc biển Đông. Hiện nay, tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước sạch tập trung vẫn còn tương đối ít. Đa phần người dân nông thôn cấp nước cục bộ như nước mưa, nước giếng khoan, giếng đào....

d. Hiện trạng thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang:

Hiện trạng thoát nước thải :

- Các xã thuộc khu vực hiện nay chưa có hệ thống thoát nước thải riêng, nước mưa và nước thải chủ yếu tự thấm, thoát theo địa hình tự nhiên.

- Nước thải công nghiệp : các cơ sở công nghiệp nhỏ lẻ không được xử lý nước thải, xã vào cống chung thoát ra sông, suối.

Hiện trạng quản lý CTR:

- CTR sinh hoạt tại xã An Hải hiện nay được Công ty Nam Thành thu gom đưa về xử lý tại nhà máy xử lý rác thải Nam Thành.

- CTR sinh hoạt của các xã còn lại trong khu vực đc thu gom và xử lý tập trung tại các bãi rác tạm cách xa khu dân cư nhưng không hợp vệ sinh.

- Chất thải rắn công nghiệp chưa được phân loại và xử lý riêng,

- CTR đã được phân loại tại nguồn từ các cơ sở y tế. CTR y tế nguy hại được xử lý bằng phương pháp đốt lộ thiên kết hợp với thuê bệnh viện tỉnh xử lý bằng phương pháp đốt.

- Tỷ lệ thu gom CTR thấp.

- Chưa có tổ chức phân loại CTR tại nguồn.

- Các điểm dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom và xử lý CTR. CTR được xử lý tại chỗ bằng biện pháp đốt, chôn lấp nên đã và đang gây ô nhiễm môi trường.

Hiện trạng Nghĩa trang:

- Các nghĩa trang chính của khu vực là: nghĩa trang Nhị Hà 25ha, xã Phước Nam 19ha, xã Phước Dinh 16ha, xã Phước Diêm 12ha, nghĩa trang xã Phước Hải 6 - 12ha. Ngoài ra có một số nghĩa trang quy mô nhỏ khoảng 2-7 ha, nằm rải rác trong phạm vi khu vực, chưa được quy hoạch đồng bộ.

Nhận xét chung:

- Ý thức người dân chưa cao, chưa coi việc vệ sinh môi trường là trách nhiệm của mọi người.

- Hệ thống thoát nước thải, chất thải rắn, nghĩa trang chưa được đầu tư đồng bộ.

- Thoát nước thải, chất thải rắn chưa được xử lý triệt để gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

- Cần có các chính sách đầu tư xây dựng, quy hoạch phù hợp để nâng cao chất lượng môi trường.

- Cần có các quy hoạch nghĩa trang phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đồng thời phù hợp với phong tục tập quán của địa phương.

e. Hiện trạng cấp điện

- Nguồn điện :

Tỉnh Ninh Thuận nói chung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng có rất nhiều lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo đặc biệt là năng lượng mặt trời.

- Trong năm 2020, khu vực đã triển khai thực hiện thêm nhiều dự án điện năng lượng tái tạo như: Dự án TBA 220 kV Ninh Phước và đường dây đấu nối; Dự án Nhà máy điện gió Chính Thắng (hạng mục đường dây đấu nối và phần móng trụ); Điện mặt trời Hacom Solar (đường dây đấu nối); Dự án Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam Đức Long; Dự án điện gió Adani; Dự án Nhà máy điện mặt trời hồ Bầu Ngứ; Nhà máy điện mặt trời Phước Minh; Điện mặt trời Thuận Nam 12; Dự án Nhà máy điện mặt trời hồ Núi Một…

- Khu vực sử dụng nguồn điện từ hệ thống điện quốc gia thông qua Trạm biến áp 25 MVA-110/22kV Ninh Phước từ đường 110 kV Tháp Chàm - Ninh Phước - Phan Rí. Mạng lưới trung, hạ thế đã phủ kín trên toàn huyện.

- Nhận xét chung:

- Đường dây trung, hạ thế đảm bảo chất lượng kỹ thuật, một số ít nơi đường dây đã cũ và quá tải.

- Các tuyến trung thế đã được xây dựng hoặc cải tạo lên cấp 22kV. Phần lớn đang vận hành hình tia, nên việc san tải và hỗ trợ giữa các tuyến bị hạn chế.

- Bên cạnh việc xây dựng, phát triển lưới điện mới, cần thiết phải cải tạo lưới điện hiện hữu để đảm bảo khả năng tiếp nhận điện trong tương lai và đảm bảo chất lượng điện cho người tiêu dùng.

Hình: 1-2 Bản đồ hiện trạng hệ thống cấp điện, cấp nước, TNT, CTR và nghĩa trang

Nhận xét chung:

+ Thuận lợi: Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là nơi tập trung nhiều dự án năng lượng tái tạo nhất của tỉnh Ninh Thuận. Dự kiến cuối năm 2021 sẽ đưa vào vận hành thêm 04 dự án điện gió với công suất 203 MW. Hệ thống lưới điện truyền tải khu vực đang được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu phụ tải trong vùng và từng bước đồng bộ. Hệ thống đường dây truyền tải có vai trò quan trọng việc đáp ứng nhu cầu phụ tải của khu vực cũng như toàn tỉnh Ninh Thuận. Ngoài ra hệ thống cũng góp phần quan trọng trong việc giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo của tỉnh và Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

+ Khó khăn, hạn chế: Số lượng các công trình đưa vào vận hành so với số lượng được chấp thuận chủ trương đầu tư còn ít và tiến độ triển khai các dự án chậm.Mật độ các công trình điện năng lượng tái tạo nhiều phát sinh các vấn đề về chiếm dụng sử dụng đất của các công trình, việc phát triển điện năng lượng tái tạo cũng gây ra các vấn đề về ô nhiễm môi trường.

f. Hiện trạng thông tin liên lạc

- Toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã được phủ lưới điện thoại hữu tuyến và sóng di động, Số máy điện thoại hiện có bình quân đạt 5 máy /100 dân; số thuê bao di động hiện có khá cao, cho thấy mức độ phát triển của hệ thống thông tin liên lạc là rất tốt.

- Thông qua hệ thống điện thoại hữu, tuyến mạng lưới internet cũng được cung cấp đến hầu hết các thôn, xóm.

- Toàn vùng có 09/09 xã được phủ sóng phát thanh, khu vực đã được xây dựng trạm truyền thanh và được phủ sóng truyền hình, người dân được tiếp cận với mọi chỉ đạo và thông tin mới nhất của Đảng, Nhà nước.

1.2.5. Hiện trạng môi trường

a. Môi trường không khí và độ ồn:

- Kết quả quan trắc chất lượng không khí tại một số điểm ở khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cho thấy nhìn chung hàm lượng bụi, hàm lượng các khí vẫn nằm trong tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên một số khu vực các trục giao thông chính, nút giao thông, các cơ sở sản xuất khai thác khoáng sản, nhà máy, … một số chỉ tiêu tiếng ồn, bụi, khí độc có dấu hiệu vượt quá giới hạn cho phép.

- Ngoài ra, tác động của khí thải trong các cơ sở sản xuất CN - TTCN, khai thác vật liệu xây dựng đã phát sinh khói bụi công nghiệp và tiếng ồn gây ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh.

b. Môi trường nước

Nước mặt :

- Các cơ sở sản xuất, nhà máy chế biến xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra ngoài dễ gây ô nhiễm các sông, suối, biển.

- Chất thải từ hoạt động nông nghiệp, việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu tùy tiện, xử lý các nguồn phân gia súc, phân người chưa tốt đã làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và nước

Nước ngầm :

+ Trữ lượng nước ngầm hạn chế, chất lượng nước biến đổi khá phức tạp theo mùa, nước mặn và nước ngọt phân bố xen kẽ nhau trên một tầng chứa nước. Hiện nay khai thác chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt (khoan giếng, đào giếng) với quy mô nhỏ. Cần lưu ý đến tình trạng nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường, các bãi rác, nghĩa trang nằm rải rác, chưa được quy hoạch tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Nước biển ven bờ :

+ Hoạt động ở cảng cá, khu nuôi trồng thủy sản ở ven biển… làm cho nước biển ven bờ có nguy cơ bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.

c. Môi trường đất:

- Thoái hóa đất, hoang mạc hóa :

+ Diện tích đất chưa sử dụng chiếm 5,69 % diện tích toàn khu vực. Việc sử dụng các biện pháp canh tác thiếu bền vững, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện, chưa chú trọng đến tính hiệu quả và bền vững trong khai thác sử dụng đất, cũng là nguyên nhân cơ bản của hiện tượng thoái hóa đất, giảm số lượng các vi sinh vật có ích và tăng hàm lượng chất gây độc trong đất.

+ Tình trạng hạn hán đang ngày càng tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Vào mùa khô, các sông suối bị cạn kiệt nên hệ thống thủy lợi không đủ nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất, cũng góp phần gia tăng diện tích đất khô cằn, thoái hóa bạc màu.

d. Suy giảm tài nguyên rừng:

- Tổng diện tích đất lâm nghiệp tương đối lớn, chiếm khoảng 40,60% diện tích tự nhiên của khu vực nhưng phần lớn rừng tự nhiên là nghèo kiệt, chất lượng rừng trung bình, tác dụng ngăn lũ lụt trong mùa mưa bị hạn chế. Cần phải có biện pháp bảo vệ và quản lý nghiêm ngặt việc khai thác rừng, săn bắn thú rừng, đồng thời tổ chức lại sản xuất lâm nghiệp theo hướng khai thác gỗ hợp lý, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

1.3. Hiện trạng quy hoạch và các dự án đang triển khai

1.3.1. Quy hoạch có liên quan

Danh mục các đồ án liên quan đã được phê duyệt giai đoạn trước:

- Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020

- Quy hoạch phát triển ngành:

+ Quy hoạch phát triển ngành Du lịch tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

+ Quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

+ Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020

+ Quy hoạch phát triển ngành Giao thông vận tải tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030.

+ Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2020.

+ Quy hoạch phát triển ngành Thủy sản tỉnh Ninh Thuận

+ Quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận

+ Quy hoạch phát triển ngành Lâm nghiệp tỉnh Ninh Thuận

+ Quy hoạch phát triển ngành Giáo dục- Đào tạo tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020

+ Quy hoạch phát triển ngành Thể dục thể thao tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020

+ Quy hoạch phát triển ngành Thương mại tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020

- Quy hoạch xây dựng:

+ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025.

+ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025

+ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025.

+ Quy hoạch phát triển dải ven biển tỉnh Ninh Thuận.

+ Các quy hoạch chung và phân khu xây dựng, như: Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Cà Ná và Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận; Quy hoạch phân khu Trung tâm hành chính huyện Thuận Nam và Cảng tổng hợp Cà Ná,..

+ Các dự án quy hoạch chi tiết khác

1.3.2. Các dự án có liên quan

(Xem chi tiết tại Phụ lục. Danh mục dự án đang thực hiện kèm theo)

a. Năng lượng tái tạo:

Là trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của tỉnh nên giai đoạn trước đã được đầu tư thực hiện các dự án theo kế hoạch đề ra là tương đối tốt. Các dự án được cấp chứng nhận đầu tư và đang thực hiện sẽ sớm được đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2021-2025.

- Điện gió:

+ Dự án đã thực hiện: Đã xây dựng và đưa vào hoạt động các nhà máy như: Nhà máy phong điện Mũi Dinh.

+ Dự án đang triển khai: Tiếp tục triển khai thi công các dự án đã được cấp chứng nhận đầu tư để đưa vào hoạt động bao gồm: nhà máy điện gió Win Energy Chiến Thắng, Nhà máy điện gió Phước Minh, Nhà máy điện gió 7A, Công trình Phong điện Việt Nam Power số 01. Đối với điện gió biển đã được chấp thuận chủ trương khảo sát vùng biển Phước Dinh và ngoài ra hiện nay có nhiều đơn vị đề nghị khảo sát các khu vực khác nhưng chưa được chấp thuận.

- Điện mặt trời:

+ Dự án đã thực hiện: Đã xây dựng và đưa vào hoạt động các dự án gồm: Nhà máy ĐMT Bim, ĐMT Bim 2, ĐMT Bim 3, ĐMT hồ Bầu Ngứ, ĐMT Thuận Nam 19, trang trại ĐMT Gelex, ĐMT Nhị Hà, ĐMT Hacom Solar, ĐMT Thuận Nam Đức Long, ĐMT Phước Ninh, ĐMT Thuận Nam 12, ĐMT Phước Minh Adani, ĐMT Phước Minh ( kết hợp đầu tư trạm 500kv), Trang trại ĐMT hồ Núi Một, ĐMT Thiên Tân 1.2.

+ Dự án đang triển khai: Một số dự án điện mặt trời đang trình xin chấp thuận chủ trương như: Nhà máy ĐMT Phước Minh ( giáp NM ĐMT Hancom Solar), NM ĐMT hồ Núi Một 2, ĐMT Thuận Nam 7, NM ĐMT khu vực Ti Tan.

b. Nông nghiệp công nghệ cao

Là một trọng điểm kinh tế tại khu vực vùng KT phía Nam, tập trung chủ yếu tại các vùng như: Vùng sản xuất rau CNC An Hải với diện tích 300ha và khu vực vùng sản xuất tôm giống CNC An Hải với diện tích 240 ha. Hiện khu vực nuôi tôm tại An Hải vẫn đang là đấu mối tôm giống của cả tỉnh.

c. Công nghiệp - xây dựng

Là một thế mạnh, trọng điểm kinh tế của vùng KT phía Nam và của tỉnh Ninh Thuận. Với vai trò được nhận định là trung tâm công nghiệp của tỉnh. Với tiềm năng và lợi thế lớn tuy nhiên giai đoạn trước vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư, chưa phát huy hết năng lực, tiềm năng của địa phương trong xây dựng phát triển của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

+ Dự án đã và đang thực hiện: Đến nay vùng KT trọng điểm phía Nam mới thực hiện xây dựng hạ tầng tại KCN Phước Nam, tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn thành. Ngoài ra hiện nay đang đẩy mạnh xây dựng khu Cảng tổng hợp Cà Ná để đưa vào hoạt động trong giai đoạn sau phục vụ cho phát triển Công nghiệp trên địa bàn.

+ Dự án được bàn giao đất và được cấp chứng nhận đầu tư: Trên địa bàn có các khu, cụm công nghiệp đã được cấp chứng nhận đầu tư nhưng vẫn đang thực hiện và chưa thực hiện được. Đang thực hiện có dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Phước Nam, các dự án đã được cấp chủ trương nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được bao gồm: KCN Cà Ná, CCN Hiếu Thiện, CCN Chế biến thủy sản, CCN Titan.

d. Du lịch

+ Trong quy hoạch giai đoạn trước đây định hướng phát triển các khu du lịch dọc theo bờ biển Ninh Thuận. Vùng KT trọng điểm phía Nam là nơi có bãi biển dài và được định hướng tập trung phát triển nhiều khu chức năng, du lịch trong vùng. Tuy nhiên đến nay các khu du lịch vẫn chưa được thực hiện.

+ Các dự án du lịch đã được duyệt trong kế hoạch, quy hoạch thời kỳ trước nhưng vẫn chưa được đầu tư xây dựng như: KDL Mũi Dinh Eco Park, KDL Ba Bề, KDL nghỉ dưỡng cao cấp dọc phía Nam, KDL Mũi Sừng Trâu, KDL sinh thái Cà Ná Star,..

e. Khoáng sản

Trên khu vực với nhiều mỏ đá cũng là điều kiện tốt để phát triển khai thác khoáng sản. Đến nay có 12 dự án đã đi vào hoạt động, 5 dự án đang triển khai thực hiện và 8 dự án chuẩn bị đầu tư.

1.3.3. Đánh giá chung

Nhìn chung, công tác lập quy hoạch trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nói chung và các quy hoạch liên quan trên địa bàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã được nghiên cứu kỹ lưỡng đảm bảo quan điểm phát triển bền vững và hiệu quả cao, giải quyết tốt các mối quan hệ giữa phát triển các ngành công nghiệp, du lịch, thương mại, nông nghiệp. Sự hoàn thiện về hạ tầng giao thông và công tác lập quy hoạch bước đầu giúp khu vực có sức hút đầu tư vào các dự án công nghiệp, năng lượng, du lịch, nông nghiệp và đô thị. Bên cạnh đó một số dự án quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng để giải quyết nhu cầu đất ở cho người dân ; một số khu vực được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án du lịch nhưng chưa có quy hoạch phân khu xây dựng, đồng thời việc lập phân khu xây dựng cho các khu vực này gặp nhiều khó khăn do chưa có nhà đầu tư quan tâm.

2. Phân tích đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, có hội và thách thức

Bảng 2-1: Bảng tổng hợp những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức (SWOT)

Strengths (Thế mạnh)

Opportunities (Cơ hội)

1. Vị trí địa lý thuận lợi

2. Cảnh quan thiên nhiên đẹp

3. Tài nguyên biển

4. Quỹ đất phát triển

5. Văn hóa đa dạng

6. Sự đoàn kết, cần cù, sáng tạo cùng khát vọng vươn lên của con người Ninh Thuận.

7. Chính sách đầu tư thông thoáng

1. Điều kiện khí hậu độc đáo

2. Mức phát triển thấp

3. Chi phí đầu vào cạnh tranh

4. Hội nhập quốc tế và xu thế dịch chuyển đầu tư

5. Các dự án năng lượng, kết cấu hạ tầng quy mô lớn sớm hoàn thiện

6. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Weaknesses (Điểm yếu)

Threats (Nguy cơ)

1. Khí hậu khắc nghiệt

2. Địa hình phức tạp

3. Cơ sở hạ tầng chưa phát triển, thiếu các trung tâm chuyên ngành

4. Dự án đăng ký đầu tư chưa thực hiện

5. Thiếu lao động và nhân lực chất lượng cao

1. Tình hình thế giới phức tạp

2. Các vấn đề hiểm hoạ toàn cầu

3. Cạnh tranh với địa phương lân cận

4. Tác động của biến đổi khí hậu

5. Vấn đề bảo vệ môi trường đối với các dự án công nghiệp, chế biến chế tạo

2.1. Thuận lợi (Thế mạnh)

2.1.1. Vị trí địa lý thuận lợi

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận cách TP Hồ Chí Minh khoảng 320 km về phía Nam, cách TP Nha Trang khoảng 110 km về phía Bắc, có điều kiện rất thuận lợi trong việc kết nối các tỉnh thuộc vùng Duyên Hải miền Trung, Tây Nguyên và gần vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước; nhờ vị trí nằm trong trung tâm tam giác phát triển là: Khánh Hòa - Lâm Đồng - Bình Thuận.

Với hệ thống giao thông nối liền với các tỉnh lân cận và cả nước thông qua các tuyến đường bộ (QL1A, QL27 và tuyến đường cao tốc trong tương lai gần), đường sắt, đường biển, khu vực này có điều kiện rất thuận lợi trong việc liên kết và tạo ra các mối liên kết phát triển giữa các địa phương thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

2.1.2. Cảnh quan thiên nhiên đẹp

Khu vực nghiên cứu có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp và độc đáo, được nhận biết qua 3 khu vực chính:

- Khu vực cảnh quan ven biển: được hình thành từ các bãi biển cát trắng (khu vực Mũi Dinh). Nhiều khu vực còn rất hoang sơ, kết hợp với địa hình núi đá ven biển tạo nên những bãi biển có cảnh quan rất độc đáo, là điều kiện thuận lợi để hình thành nên những du nghỉ dưỡng đẳng cấp.

- Khu vực cảnh quan vùng đồi núi:

Khu vực đồi núi trong vùng kinh tế trọng điểm chiếm 40,60% diện tích đất tự nhiên của vùng tương đương 17.867,22ha tập trung ở phía Đông Nam của vùng kinh tế với độ cao trung bình từ 30m đến 620m. Mặc dù gây nên sự chia cắt về mặt không gian nhưng các khu vực đồi núi đã tạo nên hình thái cảnh quan rất độc đáo cho khu vực với núi đá, “rừng khô hạn”, mang rất nhiều tiềm năng khai thác du lịch.

- Cảnh quan hoang mạc: một trong các khu vực tạo nên yếu tố độc đáo cho cảnh quan của vùng kinh tế là các khu vực “sa mạc” ở xã Phước Dinh, tạo nên các cảnh quan được mệnh danh là “Tiểu Tây Á” bên bờ biển Đông. Các địa danh như đồi cát Nam Cương, khu du lịch phong cách Mông Cổ Tanyoli với cảnh quan hiếm có ở Việt Nam đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách khi đến với Ninh Thuận.

2.1.3. Tài nguyên biển

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được xác định có nguồn tài nguyên sinh vật biển phong phú, đa dạng, bên cạnh đó khu vực này còn là địa phương giàu tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển, nhất là trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng hải, thủy sản; sản xuất muối, nước mắm xuất khẩu và phát triển du lịch. Đây cũng là nơi sản xuất các loại giống thủy sản có chất lượng cao, nhất là tôm giống. Hạ tầng phục vụ khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, trong đó cảng cá Cà Ná đóng vai trò là trung tâm nghề cá của tỉnh.

Ngoài ra, khu vực này còn được biết đến là địa bàn lý tưởng để sản xuất muối công nghiệp, diện tích sản xuất muối năm 2020 là 2.178,58 ha, sản lượng trên 400.000 tấn/năm. Với sản lượng trên đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp hóa chất sau muối và chế biến muối tinh là lĩnh vực tỉnh đang khuyến khích đầu tư.

Du lịch biển cũng là một trong những ngành tiềm năng, hứa hẹn phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới thông qua việc khai thác nhiều khu vực bãi biển đẹp nhưng vẫn còn hoang sơ, chưa có nhà đầu tư vào khai thác.

2.1.4. Quỹ đất phát triển

Khu vực nghiên cứu có điều kiện thuận lợi là còn khá nhiều quỹ đất phục vụ phát triển trong giai đoạn trước mắt. Đây có thể vừa được coi là điều kiện thuận lợi cũng như cơ hội phát triển. Theo thống kê năm 2020, hiện nay tổng quỹ đất của vùng là 43.900 ha, trong đó đất dùng vào sản xuất nông nghiệp 13.951,55ha; đất lâm nghiệp 17.764,19ha đất nuôi trồng thủy sản 952,89ha; đất làm muối 2.178,58 ha; đất ở 812,08ha, đất chuyên dùng 4.609,03ha; đất chưa sử dụng với diện tích 2.504,23ha chiếm 5,69% diện tích đất tự nhiên.

2.1.5. Văn hóa đa dạng

Trên địa bàn vùng có nhiều dân tộc sinh sống với nền văn hóa có những nét khác nhau, đặc biệt là văn hóa chăm đã tạo nên tính đa dạng và đặc sắc.

Tính đến hết năm 2020, trên địa bàn vùng KTTĐ phía Nam có nhiều di tích được đưa vào danh mục kiểm kê , gồm các loại hình: Đình làng; chùa; miếu; nhà thờ; lăng, thánh đường Hồi giáo; di tích lịch sử cách mạng; danh lam thắng cảnh... Đã có các di sản văn hóa đã được lập hồ sơ xếp hạng ở các cấp. Cụ thể: lễ Cầu Ngư tại các huyện ven biển , 3 di tích cấp tỉnh : Căn cứ 7 (CK7) (Nhị Hà

- Thuận Nam), Đình Lạc Nghiệp (Phước Diêm - Thuận Nam), di tích Ấp Nam (An Hải - Ninh Phước), di tích lịch sử Thảm sát Thạnh Đức ( Phước Ninh - Thuận Nam).

Việc khai thác, tôn tạo, giữ gìn những giá trị văn hóa và cảnh quan hiện có là cơ sở để phát triển ngành du lịch, thu hút khách tới tham quan, nghỉ dưỡng, tìm hiểu về sinh hoạt, tập quán, lễ nghi, nghệ thuật của các dân tộc.

2.1.6. Chính sách đầu tư mở, thông thoáng

Với quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, UBND tỉnh Ninh Thuận đã thành lập Văn phòng phát triển kinh tế (EDO) từ năm 2010. Đây là cơ quan đóng vai trò đầu mối trong việc hỗ trợ nhà đầu tư và đối tác phát triển trên địa bàn tỉnh hoàn tất các thủ tục liên quan để có thể triển khai dự án như: thành lập doanh nghiệp, chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường, thuê đất, giải phóng mặt bằng. Thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm phục vụ Hành chính công của tỉnh từ năm 2019, đây là nơi tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính theo cơ chế 01 cửa liên thông, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư …Đến thời điểm này, có thể nói Ninh Thuận đã có những cải thiện đáng kể đối với công tác cải cách hành chính, hiện nay chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đang thuộc nhóm khá (năm 2019 là 64,89 điểm). Thời gian tới, cùng với nhiều giải pháp mang tính chất đột phá đang được tỉnh triển khai như: thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chia sẻ thông tin giữa cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc… môi trường đầu tư sẽ tiếp tục được cải thiện, tạo nên sức cạnh tranh cho vùng KTTĐ phía Nam.

2.1.7. Các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn

Theo Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ thì Ninh Thuận được cấp thuận chủ trương phát triển trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước (điện gió, điện mặt trời). Vì vậy vùng KTTĐ phía Nam có cơ hội lớn để thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Thực tế triển khai cho thấy trong những năm qua, tỉnh Ninh Thuận nói chung đã vượt lên dẫn đầu cả nước với 52 dự án hoàn thành đầu tư đưa vào vận hành với tổng công suất 3.380,25MW trong đó có 32 dự án điện mặt trời, công suất 2.310MW; 12 dự án điện gió, công suất 784.8 MW và 8 dự án thủy điện, công suất 285,45MW. Dự kiến đến trước Qúy II năm 2021, sẽ tiếp tục đưa vào 5 dự án điện mặt trời, công suất 320MW với 4 dự án thủy điện, công suất 284MW đi vào hoạt động. Theo quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Bộ Công thương phê duyệt, xác định tiềm năng phát triển điện gió của Ninh Thuận gồm 5 khu vực với tổng diện tích 21.432ha, tổng công suất dự kiến 1429 MW, khả năng khai thác đến năm 2030 khoảng 220 MW với sản lượng điện gió tương ứng 482 triệu kWh. Vùng KTTĐ phía Nam là nơi tập trung nhiều dự án năng lượng tái tạo nhất của tỉnh Ninh Thuận với 19 dự án hoàn thành đầu tư đưa vào vận hành với tổng công suất 1.410MW trong đó có 13 dự án điện mặt trời, công suất 1.139MW; 6 dự án điện gió, công suất 271MW. Dự kiến năm 2021 sẽ đưa vào vận hành thêm 4 dự án điện gió với công suất 203MW;

Như vậy có thể thấy, tiềm năng phát triển các dự án năng lượng tái tạo của Ninh Thuận còn rất lớn, khi các dự án được triển khai, đưa vào vận hành khai thác sẽ góp phần bổ sung nguồn điện cho quốc gia, tăng thu ngân sách của tỉnh và tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.

Như vậy có thể thấy, tiềm năng phát triển các dự án năng lượng tái tạo của khu vực còn rất lớn, khi các dự án được triển khai, đưa vào vận hành khai thác sẽ góp phần bổ sung nguồn điện cho quốc gia, tăng thu ngân sách của tỉnh và tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.

2.2. Khó Khăn (Điểm yếu)

2.2.1. Khí hậu khắc nghiệt

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận nói chung có khí hậu nhiệt đới mang tính đặc trưng của tỉnh Ninh Thuận là khô nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh. Thời tiết phân hóa thành 2 mùa rõ rệt gồm mùa mưa và mùa khô, trong đó, mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 9 năm sau. Lượng mưa trung bình 700 - 800mm ở khu vực đô thị và ven biển và tăng dần đến 1200mm ở khu vực núi (trong khi đó lượng mưa hàng năm của Việt Nam là khoảng 1500 - 2000mm), độ ẩm không khí từ 75 - 77%. Tổng số giờ nắng trung bình ở Ninh Thuận là 2837,8 giờ/năm (cao nhất cả nước) với nhiệt độ trung bình 27,7 C, năng lượng bức xạ lớn có thể lên tới trên 230 Kcal/cm2 với tổng lượng nhiệt 9.500 - 10.000°C.

Điều kiện khí hậu đặc thù cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (khu vực phía Nam của tỉnh Ninh Thuận là một trong các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH) khiến cho vùng trở thành một trong vùng đất khô hạn nhất cả nước, gây ra những khó khăn lớn cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội chung của vùng.

2.2.2. Địa hình phức tạp

Khu vực rừng núi chiếm diện tích lớn, chiếm khoảng 40,60% diện tích tự nhiên của khu vực. Khu vực núi cao phía Đông Nam với cao độ trung bình khoảng 320m đã khiến cho địa hình của vùng kinh tế bị chia cắt phức tạp, gây khó khăn trong việc hoàn thiện hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, thực hiện các chính sách phát triển sinh kế cho người dân.

2.2.3. Cơ sở hạ tầng chưa phát triển, thiếu các trung tâm chuyên ngành

Một trong những vấn đề chính là trở lực cho sự phát triển của Vùng kinh tế và hệ thống cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh, cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Về cơ bản hệ thống hạ tầng cơ sở kinh tế xã hội đã được thiết lập nhưng quy mô nhỏ, thiếu đồng bộ, hạn chế khả năng kết nối giữa các tỉnh khác và vùng.

Hệ thống giao thông chủ yếu kết nối liên vùng theo hướng Bắc - Nam theo trục Quốc lộ 1, chưa phát triển hệ thống giao thông Đông - Tây để tạo nên hệ thống giao thông khung phục vụ phát triển kinh tế xã hội, kết nối nội vùng và liên vùng.

Giao thông nội vùng, liên xã chưa được khai thác, đầu tư thích đáng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư, kết nối khai thác kinh tế, sản xuất, tạo chênh lệch giá trị địa tô cho các khu vực phát triển đô thị, bất động sản.

Cảng tổng hợp Cà Ná đóng vai trò vô cùng quan trọng, là động lực phát triển kinh tế của vùng hiện cũng mới đang được triển khai thi công giai đoạn 1.

Ngoài ra vùng kinh tế cũng chưa được đầu tư các trung tâm chuyên ngành có tính chất động lực cho phát triển như trung tâm thương mại dịch vụ, trung tâm văn hóa thể thao, du lịch…

2.2.4. Các dự án đăng ký đầu tư chưa thực hiện

Hiện nay có khoảng 162 dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/GCNĐT tại khu vực huyện Thuận Nam với tổng vốn đầu tư trên 82.130 tỷ đồng, trong đó có 103 dự án đã đi vào hoạt động và 60 dự án đang triển khai thực hiện.

Số lượng các dự án đăng ký vào khu vực này chưa nhiều cùng với đó là số ít các dự án đưa vào hoạt động đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sử dụng đất, tình hình thu hút đầu tư, tốc độ phát triển của vùng, gây ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế xã hội nói chung của tỉnh Ninh Thuận.

2.2.5. Thiếu lao động và nhân lực chất lượng cao

Đối với tỉnh Ninh Thuận:

- Với tổng dân số tính đến tháng 12 năm 2019 đạt 591,03 nghìn người, thấp nhất trong 14 tỉnh của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền trung, tỷ lệ tăng dân số cũng rất thấp, trong 10 năm tỷ lệ tăng dân số trung bình hàng năm của tỉnh là 0,44% (chưa bằng 1/2 mức tăng trưởng dân số trung bình hàng năm của cả nước 1,44%). Dân số ít, tỷ lệ tăng thấp ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển nguồn nhân lực của Ninh Thuận. Tỉnh hiện đang gặp phải vấn đề thiếu lao động và nhân lực chất lượng cao. Mặc dù những năm gần đây, tỷ lệ lao động qua đào tạo liên tục được tăng lên, từ 15,6% năm 2015 đến 18,9% năm 2019 nhưng nhìn chung chất lượng lao động chưa cao (thống kê số năm đi học trung bình của tỉnh chỉ đạt 6,28 năm thấp hơn so với các tỉnh khác như Bình Thuận 6,97; Bình Định 6,94; Quảng Ngãi 7,92; Quảng Nam 8,06; Đà Nẵng 10,7) . Trong bối cảnh hiện nay và định hướng phát triển của Ninh Thuận trong tương lai thì nguồn nhân lực của tỉnh còn rất mỏng so với những mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

- Theo thống kê, hiện nay 64,3% tổng số lao động của tỉnh tập trung chủ yếu ở khu vực nông - lâm nghiệp, thủy sản. Nhiều ngành kinh tế và cơ sở sản xuất quan trọng trong tỉnh hiện thiếu nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật. Nếu so với vùng Duyên hải Nam trung bộ thì nguồn nhân lực của tỉnh Ninh Thuận còn có khoảng cách tương đối lớn so với một số tỉnh như: Thừa Thiên Huế, Thành phố Đà Nẵng.…Những tiền đề cơ bản cho phát triển nhân lực của Ninh Thuận cũng còn thiếu, như: Ninh Thuận chưa có những trường đại học và trung tâm đào tạo có chất lượng cao; sự phát triển công nghiệp và dịch vụ của tỉnh còn hạn chế và người lao động chưa có nhiều cơ hội đào tạo cũng như tác phong lao động trong một nền kinh tế hiện đại chưa được phát huy; chưa có những cơ quan nghiên cứu, lực lượng lao động có trình độ, đội ngũ cán bộ nghiên cứu và đào tạo người lao động có trình độ cao sống trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận còn rất hạn chế; vị trí địa lý nằm tương đối xa so với các trung tâm đào tạo và khoa học kỹ thuật của cả nước như: Hà nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

2.2.6. Đánh giá chung

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận về tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chậm, tỷ trọng ngành sản xuất công nghiệp - xây dựng và ngành thương mại dịch vụ-du lịch tăng chậm, nguồn thu ngân sách nhà nước chưa nhiều, một số địa phương nguồn thu còn phụ thuộc một số ngành nhất định; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình phát triển mới; huy động nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng còn hạn chế nhất là hạ tầng giao thông; khó khăn về thu hút các dự án đầu tư vào khu công nghiệp Phước Nam; nhiều vấn đề khó khăn về quản lý đô thị nông thôn chưa được mở rộng và chỉnh trang, làm ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của vùng kinh tế trọng điểm.

2.3. Cơ hội

2.3.1. Điều kiện khí hậu độc đáo

Những phân tích phía trên về điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng cho thấy khó khăn đang đối mặt nhưng ngược lại điều kiện khí hậu đặc trưng mang đến nhiều tiềm năng khai thác ở các lĩnh vực như năng lượng, sản phẩm nông nghiệp đặc thù, du lịch…

Là khu vực có số giờ nắng cao nhất của tỉnh Ninh Thuận và của cả nước trung bình 2837,8 giờ/năm, bức xạ lớn, có thể lên tới 230 Kcal/cm2 trong năm nên rất thuận lợi để phát triển năng lượng mặt trời, điện gió. Đến thời điểm này, trong vùng đã thu hút được khoảng gần 50 dự án vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và đang trên đường góp phần chung để đưa tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Là khu vực có nhiều điều kiện thời tiết đặc thù đã phát triển được nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng có chất lượng cao như: muối, dê, cừu, tỏi,..bên cạnh đó, thời tiết và khí hậu của vùng cũng rất thuận lợi để phát triển các dự án chăm sóc sức khỏe, điều trị các bệnh liên quan đến thời tiết như: khớp, phổi, huyết áp, xoang...

Ngoài ra, điều kiện khí hậu khác biệt của vùng so với các khu vực khác có biển của các tỉnh lân cận như như Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận cũng là một trong các yếu tố hấp dẫn du khách đến để trải nghiệm.

2.3.2. Mức độ phát triển thấp

Theo tình hình chung của tỉnh, vùng kinh tế là một trong những khu vực có xuất phát điểm và mức độ phát triển thấp, nhưng với nhiều điểm đặc thù đã phân tích bên trên thì đây được xem như là một trong những cơ hội để thực hiện các chiến lược phát triển đi tắt đón đầu thông qua những lựa chọn hướng phát triển phù hợp với xu thế, tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Không những vậy, việc xuất phát chậm hơn giúp cho việc rút ra được những bài học kinh nghiệm mà một số địa phương hoặc vùng tương tự phát triển những ngành, lĩnh vực tương tự đang gặp phải trong quá trình phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch...

2.3.3. Chi phí đầu vào cạnh tranh

Một trong những yếu tố là cơ hội phát triển của vùng là có các chi phí đầu vào tương đối cạnh tranh so với các tỉnh lân cận, tạo ra các sản phẩm có chi phí thấp hơn các đối thủ cạnh tranh.

Chi phí đất đai, vốn, lao động, giá sinh hoạt... của tỉnh tương đối thấp hơn so với mặt bằng chung. Nhìn chung về thu nhập bình quân đầu người và các chỉ số giá đất thấp hơn các tỉnh, như thấp hơn Bình Thuận khoảng 15% và tỉnh Khánh Hòa là 30%, đây là cơ hội thu hút đầu tư do mặt bằng và nhân công giá rẻ. Về lực lượng lao động với dân số nhỏ chỉ bằng 50% dân số của 2 tỉnh lân cận, lực lượng lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao.

Hình 2-1: Biểu đồ so sánh tổng dân số và lực lượng lao động tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh lân cận

2.3.4. Hội nhập quốc tế

Hiện nay trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Ngoài việc tham gia các Hiệp định thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ… trong khuôn khổ WTO; Hiệp định thương mại tự do với tư cách là thành viên khối ASEAN; và Hiệp định Thương mại tự do đầu tiên mà Việt Nam ký kết với tư cách là một bên độc lập là Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (2008), Việt Nam chính thức tham gia vào CPTPP. Hiện nay, đã có 13 FTAs thế hệ mới đã được ký kết và có hiệu lực, mới nhất là Việt Nam Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. Đang đàm phán với RCEP gồm ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, New Zealand, đàm phán Việt Nam EFTA (Việt Nam, Thụy Sỹ, Nauy, Iceland và Liechtenstein).

Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều hiệp định song phương và đa phương đã và chuẩn bị được ký kết, tạo điều kiện cho Ninh Thuận mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút khách du lịch quốc tế và vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, dòng vốn FDI của các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Hoa Kỳ có xu hướng chuyển dần từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, là cơ hội rất lớn để Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận được đẩy mạnh thu hút dự án đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2.3.5. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đi vào giai đoạn bùng nổ trên toàn cầu, cùng với đó là công nghệ thông tin - truyền thông có bước phát triển vượt bậc, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp nâng cao cơ hội cập nhật và ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, điều hành và quy trình sản xuất công nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, nguồn nhân lực, thương mại điện tử và cải cách hành chính. Đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận thì cách mạng công nghiệp 4.0 chính là cơ hội để tiếp cận và áp dụng những công nghệ mới trong quản lý và sản xuất, giúp đi tắt đón đầu để phát triển nhanh, bền vững đồng thời hạn chế được những điểm yếu như lao động, năng suất sản xuất, bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển.

2.4. Thách thức chủ chốt

2.4.1. Tình hình chính trị thế giới phức tạp

Tình hình chính trị thế giới còn chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp và khó lường. Khủng hoảng kinh tế thế giới (lạm phát, suy thoái, khủng hoảng nợ công…) tác động rất lớn đến Việt Nam, nhất là trong thu hút nguồn lực những năm tới. Những xung đột cục bộ, khủng bố và những bất ổn khác vẫn có thể xảy ra đối với một số khu vực, ảnh hưởng đến an ninh toàn cầu. An ninh biển Đông có tác động đến Việt Nam nói chung, tỉnh Ninh Thuận và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh nói riêng. Các nước lớn vẫn tăng cường áp đặt thế lực tới các nước đang phát triển và thâu tóm vùng ảnh hưởng thị trường. Bên cạnh đó, xu hướng ký kết các hiệp định tự do thương mại song phương và khu vực, đặc biệt giữa các nước phát triển với nhau cũng là một thách thức lớn cho các nước chậm phát triển và đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Xu thế này sẽ càng làm cho các nước nghèo và kém phát triển có nguy cơ bị đẩy ra xa sự phát triển chung, các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại sẽ tiếp tục gây ra những bất lợi cho hàng nông sản, hàng công nghiệp khi tham gia thương mại toàn cầu.

2.4.2. Các vấn đề hiểm họa toàn cầu

Các vấn đề mang tính toàn cầu như dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, khan hiếm các nguồn nguyên, nhiên liệu, khoảng cách giàu nghèo,... sẽ trở nên gay gắt hơn, tác động mạnh và đa chiều đến sự phát triển quốc gia, khu vực và địa phương. Trong số đó, thách thức đến từ đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận, đặc biệt ảnh hưởng đến du lịch, một thế mạnh và ngành quan trọng của vùng và của tỉnh Ninh Thuận. Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi và lối sống của người dân ở Việt Nam và ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, các biện pháp hạn chế di chuyển và những e ngại, lo sợ lây nhiễm sẽ không chỉ ảnh hưởng đến ngành du lịch và còn ảnh hưởng tới tất cả các ngành, lĩnh vực khác của tỉnh.

2.4.3. Tác động của biến đổi khí hậu

Khu vực nghiên cứu thuộc vùng cực Nam Trung Bộ, do đặc thù về vị trí địa lý và địa hình, nên thường xuyên chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các loại hình thiên tai khắc nghiệt. Trong những thập kỷ gần đây, thường chịu ảnh hưởng lớn của các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, hoang mạc hóa, khô nóng, bão, mưa lớn, lũ quét, ngập lụt... Biến đổi khí hậu đã tác động xấu đến số lượng và chất lượng nguồn nước, làm suy giảm nguồn nước của các sông suối, gây xâm nhập mặn ở một số vùng cửa sông, ven biển, đồng thời mưa lớn kết hợp với nhiệt độ tăng cao làm tăng nguy cơ sạt lở đất và gây áp lực lớn lên hệ thống hồ chứa.

Qua thống kê số liệu quan trắc cho thấy xu thế biến đổi của khí hậu, nước biển dâng khu vực trong hơn 20 năm qua: Nhiệt độ trung bình năm có xu thế tăng với tốc độ 0,03°C /10 năm. Lượng mưa năm có xu thế tăng với tốc độ 10 mm/năm. Mưa cực đoan có xu thế tăng, lượng mưa một ngày lớn nhất tăng với tốc độ khoảng 1,73mm/năm. Tổng lượng bốc hơi năm có xu thế tăng với tốc độ khoảng 4,5mm/năm. Độ ẩm tương đối trung bình năm có xu thế giảm nhẹ với tốc độ giảm 0.2%/năm. Tốc độ gió trung bình năm có xu thế tăng với tốc độ khoảng 0,03 m/s/năm. Mực nước biển tại khu vực ven biển có xu hướng tăng với tốc độ 5,1 mm/năm.

Từ năm 2015 đến nay, lượng mưa chỉ đạt 60- 85%, thấp hơn trung bình nhiều năm 150 - 262 mm, trong đó số ngày mưa trên 50 mm (lượng mưa có khả năng gây lũ), có xu thế tăng. Dung tích tại các hồ chứa nước trên địa bàn chỉ đạt 60- 70 % thiết kế. Nhiều hồ chứa trong tình trạng hết mùa mưa hết nước. Các sông suối nhỏ đã bị tắt dòng ngay từ giữa tháng Một. Khô hạn, thiếu nước sản xuất, thiếu nước sinh hoạt gay gắt diễn ra trên diện rộng, ở hầu khắp các địa bàn trong tỉnh. Số ngày nắng nóng trong mùa khô cũng tăng bất thường với trên 80 ngày. Người dân phải đào giếng dưới lòng hồ, lòng suối để chắt nguồn nước ít ỏi, sử dụng cho sinh hoạt, nước uống gia súc.

Có thể thấy rằng, tác động của BĐKH đã đang và sẽ là một trong những thách thức lớn nhất phải đối mặt trong giai đoạn tới.

2.4.4. Cạnh tranh với các địa phương và vùng lân cận

Một trong những thách thức cần kể đó là sự cạnh tranh giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận và các địa phương liền kề vốn có nhiều lợi thế về vị trí kinh tế, năng lực cạnh tranh lớn hơn như Khánh Hòa, Bình Thuận.

Trong những năm gần đây, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh liên tục được cải thiện nhưng hiện điểm PCI của tỉnh Ninh Thuận nói chung, chỉ tốt hơn Phú Yên và kém hơn so với các tỉnh lân cận khác như: Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định. Các chỉ số có sự cải thiện rõ rệt là tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động, thiết chế pháp lý. Các chỉ số không có sự cải thiện là chi phí không chính thức, giảm chỉ số gia nhập thị trường.

Hình 2-2: So sánh chỉ số PCI tỉnh Ninh Thuận và một số tỉnh lân cận

Bên cạnh đó, cần kể tới sự cạnh tranh giữa các nhóm ngành trong Vùng kinh tế hiện đang đặt mục tiêu quan trọng ưu tiên phát triển như: công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng sạch, du lịch, thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp. Lấy ví dụ, trong khi Khánh Hòa hiện có ngành du lịch phát triển mạnh mẽ với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, doanh thu năm 2019 đạt 27.100 tỷ đồng (so với 1.250 tỷ đồng của Ninh Thuận); ngành giáo dục phát triển với nhiều cơ sở đào tạo đến cấp đại học... thì Bình Thuận cũng tập trung đầu tư đẩy mạnh phát triển công nghiệp với 9 khu công nghiệp có tổng diện tích 3048 ha và 35 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1163 ha. Đồng thời với đó là việc tập trung phát triển điện gió và điện mặt trời (hiện nay tổng công suất của các dự án hiện hữu là 6.038 MW).

Đây là những thách thức không nhỏ ảnh hưởng tới công cuộc phát triển chung của Vùng kinh tế trọng điểm cũng như của tỉnh Ninh Thuận.

2.4.5. Các điểm nghẽn hạn chế sự phát triển của vùng

Trên cơ sở phân tích tổng hợp, sau đây là những “điểm nghẽn”, hạn chế lớn nhất của việc thành lập và phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận để đạt được tốc độ và quy mô tăng trưởng như dự kiến là:

(1) Nhu cầu vốn đầu tư lớn, đặc biệt là đầu tư công ban đầu, mà khả năng thu hút lại hạn chế trong điều kiện cạnh tranh hiện nay.

(2) Là khu vực chậm phát triển của tỉnh, trong đó cơ sở hạ tầng chưa phát triển, đô thị hóa thấp, lực lượng lao động, đặc biệt là lao động lành nghề còn rất thiếu; nhiều dự án đã đăng ký đầu tư nhưng chưa thực hiện.

(3) Cảng nước sâu chưa phát huy được hiệu quả khi chưa tạo lập được vùng hậu phương và dịch vụ hậu cần của cảng.

(4) Tiềm năng du lịch biển lớn nhưng bị hạn chế bởi khí hậu khắc nghiệt. (5) Trong thời gian của giai đoạn 5 năm đầu (2021 - 2025), công tác chuẩn bị đầu tư, với sự tác động của dịch Covid có thể làm chậm tiến độ phát huy hiệu quả của vùng kinh tế.

(6) Cuối cùng là các chính sách, cơ chế thu hút đầu tư, cùng với việc thành lập một bộ máy quản lý phát triển vùng kinh tế trọng điểm hiệu quả chưa có trong tiền lệ. Đây là một khó khăn rất lớn trong quá trình tổ chức thực hiện.

2.4.6. Hệ thống Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025, Quy hoạch điện VIII chưa được phê duyệt. Việc phát triển các dự án năng lượng, các khu, cụm công nghiệp dẫn đến hệ lụy giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Do đó, vấn đề giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề, đảm bảo đời sống cho những hộ dân bị mất đất sản xuất cần được coi trọng và giải quyết chu đáo.

II. Định hướng và giải pháp phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận

1. Bối cảnh phát triển, vị trí và vai trò của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với tỉnh Ninh Thuận và vùng

1.1. Bối cảnh phát triển

Tại Nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 xác định khu vực phía Nam là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện nay, khu vực phía nam đang tập trung rất nhiều dự án lớn về công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao như khu công nghiệp Cà Ná, khu công nghiệp Phước Nam, dự án tổ hợp điện khí LNG., khu nông nghiệp công nghệ cao An Hải, Sơn Hải. Một số dự án trọng điểm đã, đang triển khai như: dự án cảng tổng hợp Cà Ná quy mô bến chuyên dùng tiếp nhận được tàu hàng rời trọng tải đến 300.000DWT, dự án điện mặt trời Thuận Nam, nhà máy điện mặt trời Bim 2, nhà máy điện mặt trời Phước Minh... Các dự án khi đi vào hoạt động sẽ tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho vùng phía Nam của tỉnh nói riêng và của tỉnh nói chung.

Bên cạnh đó, với điều kiện về tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa lý thuận lợi nằm cửa ngõ phía Nam của tỉnh kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên, phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam sẽ tạo động lực phát triển, có sức lan tỏa lớn để phát triển các vùng kinh tế khác trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận theo hướng nhanh, bền vững.

Tuy nhiên, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được chủ trương hình thành tại thời điểm có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng bên cạnh đó là nhiều khó khăn và thách thức như khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, thiếu các trung tâm chuyên ngành, nhiều dự án đăng ký đầu tư chưa thực hiện, thiếu hụt về nguồn lao động và nhân lực chất lượng cao.

1.2. Vị trí và vai trò của vùng kinh tế trọng điểm

Khu vực có vị trí và vai trò chiến lược :

• Với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ

- Hưởng lợi từ các công trình hạ tầng kỹ thuật của Duyên hải Nam Trung bộ như sân bay, cảng quốc tế, các trục hành lang kinh tế quốc gia, quốc tế.

- Liên kết các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ phát triển du lịch biển.

- Trung tâm năng lượng cấp vùng Duyên hải Nam Trung bộ và cấp quốc gia.

- Liên kết phát triển công nghiệp phong điện và điện mặt trời.

- Hỗ trợ phát triển kinh tế biển.

• Với Tây Nguyên

- Là cửa ngõ ra biển Đông của các tỉnh Tây Nguyên.

- Hỗ trợ hợp tác phát triển nông, lâm nghiệp.

- Quan hệ phát triển du lịch rừng Tây Nguyên đặc trưng với du lịch biển Ninh Thuận.

- Liên kết với các tỉnh Tây Nguyên bảo vệ nguồn nước và rừng phòng hộ đầu nguồn.

• Với Ninh Thuận

- Có vị trí quan trọng, là cửa ngõ phía Nam của tỉnh kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên.

- Có vị trí càng quan trọng khi có đường cao tốc và cảng Cà Ná đi vào hoạt động.

- Đóng vai trò động lực có sức lan tỏa tập trung nhiều dự án lớn.

- Là trung tâm công nghiệp cảng biển, Logistic, điện khí và khí hóa lỏng; đầu mối trung chuyển hàng hóa của tỉnh (cảng Cà Ná).

Hình: 1-1 Vị trí vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

2. Quan điểm và mục tiêu phát triển

2.1. Quan điểm phát triển

- Thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Tỉnh, hướng đến quy hoạch thành khu Kinh tế ven biển của cả nước vào năm 2024.

- Tập trung khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, huy động cao nhất các nguồn lực để phát triển nhanh gắn liền với tăng trưởng xanh, hiệu quả và bền vững; đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển nền kinh tế số, chủ động và tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với mô hình là vùng kinh tế tổng hợp công nghệ cao hiện đại, phát triển công nghiệp nặng thân thiện môi trường, tập trung đầu tư phát triển năng lượng (NLTT, NL sạch); Cảng biển và dịch vụ Cảng; Công nghiệp; kinh tế đô thị và du lịch; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng an ninh.

2.2. Mục tiêu phát triển

Xây dựng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành vùng kinh tế động lực, tăng trưởng xanh, trở thành Khu kinh tế ven biển của cả nước, có sức lan tỏa lớn để phát triển các vùng kinh tế khác trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Tỉnh theo hướng nhanh, bền vững, tập trung ưu tiên phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Cảng và dịch vụ Cảng; Nông nghiệp công nghệ cao; phát triển các ngành công nghiệp thân thiện, không gây ô nhiễm môi trường.

Phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ sản xuất và dịch vụ xã hội hiện đại, đồng bộ để nâng cao mức sống người dân; bảo vệ bền vững môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đóng góp quan trọng để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 là tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước và đến năm 2030 trở thành Tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước.

Khu kinh tế ven biển:

Hiện trạng khu kinh tế ven biển Việt Nam:

19 KKT ven biển với tổng diện tích khoảng 871,5 nghìn ha (tính cả diện tích mặt biển). 19 KKT ven biển này diện tích đất liền khoảng 582,3 nghìn ha (chiếm khoảng 1,75% diện tích) và 289,2 nghìn ha diện tích mặt biển.

Các khu kinh tế ven biển của Việt Nam

Quy định và điều kiện thành lập khu kinh tế ven biển:

Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về Quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

* Quy định chung:

- Khu kinh tế là khu vực có ranh giới địa lý xác định, gồm nhiều khu chức năng, được thành lập để thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh.

- Khu kinh tế ven biển là khu kinh tế hình thành ở khu vực ven biển và địa bàn lân cận khu vực ven biển, được thành lập theo các điều kiện, trình tự và thủ tục quy định.

* Điều kiện bổ sung mới khu kinh tế ven biển vào quy hoạch phát triển khu kinh tế ven biển:

a) Phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng và địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

b) Có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế khu vực (có cảng biển nước sâu hoặc sân bay), kết nối thuận lợi với các trục giao thông huyết mạch của quốc gia và quốc tế; dễ kiểm soát và giao lưu thuận tiện với trong nước và nước ngoài; có điều kiện thuận lợi và nguồn lực để đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật;

c) Có quy mô diện tích từ 10.000 ha trở lên và đáp ứng yêu cầu phát triển tổng hợp của khu kinh tế;

d) Có khả năng thu hút dự án, công trình đầu tư với quy mô lớn, quan trọng và có tác động tới sự phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực;

đ) Có khả năng phát huy tiềm năng tại chỗ và tạo ảnh hưởng phát triển lan tỏa đến các khu vực xung quanh;

e) Không tác động tiêu cực đến các khu bảo tồn thiên nhiên; không gây ảnh hưởng xấu và làm tổn hại đến các di sản văn hóa vật thể, danh lam thắng cảnh, các quần thể kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học; phù hợp với bố trí quốc phòng và đảm bảo quốc phòng, an ninh; có điều kiện đảm bảo yêu cầu về môi trường, môi sinh và phát triển bền vững.

* Chính sách ưu đãi: Khu kinh tế ven biển sẽ được Nhà nước hỗ trợ tài chính bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và kết cấu hạ tầng xã hội (nguồn: Quyết định 1353/QĐ-TTg ngày 23/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ V/v phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển các Khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020”)

2.3. Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030:

- Giai đoạn 2021-2025:

+ Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân tăng 18-19%/năm; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 40 - 45 nghìn tỷ đồng.

+ Đến năm 2025: GRDP bình quân/người đạt khoảng 130 triệu đồng; Tỷ trọng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2025 chiếm khoảng 28-29% GRDP của tỉnh; Cơ cấu các ngành kinh tế: Nông nghiệp và thủy sản chiếm 24-25%; công nghiệp - xây dựng chiếm 57-58%; các ngành du lịch, dịch vụ chiếm 18-19% vào năm 2025. Tạo việc làm cho khoảng 77 nghìn người vào năm 2025.

- Định hướng đến năm 2030:

+ Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026-2030 tăng 21-22%/năm; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 30 - 35 nghìn tỷ đồng.

+ Đến năm 2030: GRDP bình quân/người đạt khoảng 300 triệu đồng; Tỷ trọng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2030 chiếm 50-51% GRDP của tỉnh; Cơ cấu các ngành kinh tế: Nông nghiệp và thủy sản chiếm 11-12%; công nghiệp - xây dựng chiếm 64-65%; các ngành du lịch, dịch vụ chiếm 24-25% vào năm 2030. Tạo việc làm cho khoảng 97 nghìn người vào năm 2030.

2.4. Dự báo quy mô dân số

Tỉnh Ninh Thuận đang có mức sinh giảm thấp, và xu hướng di dân lao động đi khỏi vùng cao, do đó sẽ dẫn tới tình trạng già hóa dân số và suy giảm nguồn lực lao động, hậu quả cuối cùng có thể làm suy yếu triển vọng tăng trưởng.

Giai đoạn 2021-2030, Ninh Thuận vẫn đang trong giai đoạn có cơ cấu dân số vàng, nhưng dân số đang có nhóm dưới 30 tuổi có xu hướng giảm dần, trên 30 tuổi có xu hướng tăng và đặc biệt là nhóm sau 60 tuổi đang tăng nhanh. Như vậy, bên cạnh cần tận dụng tốt cơ hội dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số cũng cần được quan tâm từ thời điểm này. Bằng việc có được một thế hệ dân số trẻ được đào tạo, có công việc chuyên môn cao, đầy đủ, thu nhập an sinh bền vững sẽ là cơ sở để già hóa thành công trong tương lai. Để đạt được mục tiêu này, các chính sách dân số sau cần được thực hiện:

+ Duy trì mức sinh thay thế, phổ biến rộng rãi trong thanh niên về giá trị của gia đình, kết hôn và sinh con;

+ Duy trì mức gia tăng dân số trung bình;

+ Giảm tốc độ già hóa dân số do xu thế di dân thuần âm ở nhóm lao động trẻ,.

+ Nâng cao chất lượng con người, chất lượng dân số thông qua các chính sách chăm sóc trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, giảm tình trạng bỏ học và tham gia lao động sớm trong tuổi còn đi học.

+ Thích ứng với già hóa dân số thông qua các chương trình việc làm cho người cao tuổi và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.

Phương pháp dự báo dân số và trình tự tính toán:

Căn cứ theo Khung dự báo dân số chung của Tỉnh Ninh Thuận tại Hồ sơ QHT Ninh Thuận đối với Huyện Thuận Nam và Ninh Phước (Bảng 1)

Xác định tỷ lệ tăng trưởng dân số Đô thị, Nông thôn của huyện Thuận Nam và Ninh Phước dựa trên chuỗi số liệu thống kê hiện trạng từ năm 2010-2019 (Bảng 2)

Xác định dân số Quy hoạch của các Xã , thị trấn nằm ngoài Vùng Kinh tế phía Nam dựa trên tỷ lệ tăng trưởng tại Bảng 2 tương ứng với từng khu vực Đô thị và nông thôn từng Huyện.

Xác định dân số Quy hoạch của VKT phía Nam bằng việc lấy tổng Dân số đã được dự báo trong QHT của từng Huyện tại Bảng 1 trừ đi Dân số quy hoạch của các xã, thị trấn nằm ngoài VKT.

Bảng 2-1: Bảng dân số tỉnh Ninh Thuận

Bảng 2-2: Tốc độ tăng trưởng dân số Ninh Thuận

Bảng 2-3: Tổng dự báo dân số của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Tên

Dân số năm 2019

Dân số năm 2025

Dân số năm 2030

Dân số năm 2050

H. Thuận nam

 

 

 

 

Xã Phước Hà

3.392

3.404

3.416

3.427

Dân số 7 xã thuộc vùng kinh tế phía Nam: Xã Nhị Hà, xã Phước Minh, Xã Phước Ninh, Xã Cà Ná, Xã Phước Nam, Xã Phước Dinh, Xã Phước Diêm

53.656

61.064

87.524

105.576

Huyện Ninh Phước

 

 

 

 

TT Phước Dân

25.470

25.471

25.472

25.474

Xã Phước Sơn

11.464

11.464

11.464

11.464

Xã Phước Thái

9.667

9.667

9.667

9.667

Xã Phước Hậu

14.917

14.917

14.917

14.917

Xã Phước Hữu

16.318

16.318

16.318

16.318

Xã Phước Vinh

7.714

7.714

7.714

7.719

Xã Phước Thuận

15.669

15.669

15.669

15.692

Dân số 02 xã thuộc vùng kinh tế phía Nam: Xã Phước Hải, Xã An Hải

26.933

44.274

56.338

61.035

Dân số vùng phía Nam

80.589

105.338

143.861

166.610

3. Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu, kết cấu hạ tầng

3.1. Phát triển công nghiệp-xây dựng

- Tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, sản xuất sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm nguyên liệu. Hiện thực hóa chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Trọng tâm là phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch theo hướng công nghệ mới gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; từng bước phát triển điện gió ngoài khơi. Tập trung khai thác lợi thế, tiềm năng phát triển nguồn năng lượng đến năm 2030 khoảng 10.048MW, trong đó điện gió đất liền khoảng 500MW, ưu tiên đầu tư tại các xã Phương Dinh, Phước Nam, Phước Minh huyện Thuận Nam; Điện gió ven biển, ngoài khơi khoảng 4.302 MW; Điện mặt trời mái nhà khoảng 50MW; Điện mặt đất khoảng 596 MW; Điện mặt trời mặt nước khoảng 100 MW; Điện LNG 4.500 MW.

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Điện gió, điện mặt trời đang triển khai, Cảng tổng hợp Cà Ná (hướng đến trở thành Cảng có chức năng trung chuyển quốc tế trong tương lai); Thu hút, kêu gọi đầu tư các dự án năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, nhất là hình thành tổ hợp trung tâm điện khí LNG gắn với Cảng Tổng hợp Cà Ná và Khu công nghiệp Cà Ná, các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến muối, sản phẩm sau muối, sản xuất Xút- Clo và PVC chế biến thủy sản.

- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thành các Khu Công nghiệp trên địa bàn, trong đó: Khu công nghiệp Phước Nam gắn với các ngành công nghiệp hỗ trợ, ít gây ảnh hưởng môi trường: như lắp ráp điện tử, tin học, các ngành nghề công nghệ cao, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí; sản xuất hàng tiêu dùng, phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ lắp đầy 100%; Phát triển Khu công nghiệp Cà Ná với các nhóm ngành công nghiệp sản xuất thiết bị phục vụ phát triển các ngành năng lượng tái tạo và năng lượng sạch như: sản xuất cánh quạt tuabin và các thiết bị điện gió, điện mặt trời; công nghệ cơ khí, chế tạo, phát triển công nghiệp nặng, thân thiện môi trường phục vụ Cảng biển và công nghiệp chế biến các sản phẩm sau muối, chế biến muối kết tinh bằng công nghệ chân không, sản xuất xút magie - clo.., phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ lắp đầy 70%; Phát triển mới KCN Cà Ná mở rộng dự kiến đầu tư xong hạ tầng trong giai đoạn 2021-2030 và tỉ lệ lấp đầy diện tích đất đầu tư hạ tầng là khoảng 100%, diện tích nhà xưởng cho thuê hoặc kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp sẽ được lấp đầy khoảng 45%. KCN tập trung định hướng phát triển các nhóm ngành năng lượng mới và năng lượng tái tạo; nhóm ngành cơ khí chế, tạo máy và một số ngành công nghiệp nặng, logictic. Xây dựng Cảng cạn và Trung tâm Logistic, tổng kho trung chuyển xăng dầu, kho phân phối khí phục vụ cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh và các tỉnh phía Nam. Phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như: xay xát lương thực, sấy nông sản, chế biến thực phẩm, mộc dân dụng, may mặc, giầy dép, chế biến nước mắm, cá hấp xuất khẩu, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền...

Hình thành các Khu đô thị mới, hiện đại, phục vụ cho nhu cầu lực lượng chuyên gia làm việc tại Trung tâm điện lực Cà Ná, Cảng biển tổng hợp, Khu Công nghiệp và các dự án động lực khác; phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ công nhân phục vụ sản xuất tại các Khu công nghiệp, Cảng biển và người dân trong vùng Đề án; nâng tỷ lệ diện tích sàn nhà ở bằng với bình quân cả tỉnh.

- Khuyến khích đầu tư vào đổi mới công nghệ, phát triển những ngành, lĩnh vực có lợi thế, có hiệu quả và tiềm năng phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chủ động phối hợp các sở, ngành ở tỉnh mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào các khu và cụm công nghiệp hiện có trên địa bàn.

- Thực hiện các biện pháp thu hút, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế đến đầu tư trong vùng; chủ động và tranh thủ sự giúp đỡ của tỉnh trong công tác xúc tiến đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính.

3.2. Phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch

3.2.1. Thương mại - dịch vụ:

Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, thế mạnh của vùng, tạo giá trị gia tăng cao, trọng tâm là logistic, dịch vụ cảng biển và dịch vụ hậu cần nghề cá và các dịch vụ phụ trợ khác. Hình thành và phát triển các Trung tâm thương mại, các Trung tâm dịch vụ hỗn hợp; Phát triển siêu thị; Phát triển Tổng kho xăng dầu khu vực Cảng tổng hợp Cà Ná quy mô 100.000 m3; Kho phân phối LNG cho các tỉnh Nam Trung bộ và các tỉnh phía Nam.

3.2.2. Du lịch:

*) Định hướng phát triển

- Khu vực có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển du lịch. Khu vực là trung tâm du lịch sinh thái biển - rừng, có vị trí quan trọng trên tuyến du lịch ven biển Duyên hải Nam Trung Bộ.

- Phát triển du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của huyện. Phát triển du lịch theo hướng khai thác tài nguyên tự nhiên, nhân văn, các sản phẩm có tính đặc thù (nho và rượu vang, nước khoáng) với các loại hình du lịch hiện đại, chuyên nghiệp.

- Duy trì phát triển các hoạt động tham quan, khám phá, thể thao giải trí trên các cồn cát và bổ sung các giá trị ẩm thực, nghệ thuật ẩm thực mới, các giá trị khoa học mới. Sau giai đoạn 2021 - 2025, phát triển điểm du lịch khám phá mới; xây dựng những mối liên hệ văn hóa, tâm linh mới với các di sản Chăm.

- Phát triển không gian du lịch nghỉ dưỡng và khám phá độc đáo cát - muối - biển nằm ở phía Đông Nam tỉnh Ninh Thuận, bao gồm dải ven biển Mũi Dinh - Cà Ná. Đây là không gian phát triển du lịch mới của tỉnh Ninh Thuận, gắn với các sản phẩm độc đáo, khẳng định thương hiệu du lịch Ninh Thuận mới trong khu vực và cả nước.

- Tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển đồng bộ, đa dạng các loại hình du lịch theo hướng khai thác tài nguyên tự nhiên, nhân văn, như: Du lịch sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng gắn lễ hội và tham quan các làng nghề truyền thống, các sản phẩm có tính đặc thù (nho và rượu vang, nước khoáng) với các loại hình du lịch hiện đại, chuyên nghiệp, như khu du lịch biển, tham quan, khám phá, thể thao giải trí trên các cồn cát, khách sạn và các dịch vụ cao cấp,… Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ hỗ trợ như: khách sạn, nhà hàng, thông tin liên lạc, văn hóa nghệ thuật, thể thao, hàng lưu niệm, ngân hàng, y tế và các dịch vụ khác,... tạo sức hấp dẫn mạnh với du khách và bổ sung các giá trị ẩm thực, nghệ thuật ẩm thực mới, các giá trị khoa học mới. Phát triển không gian du lịch đảm bảo phát triển theo hướng 8 khu vực đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 188/QĐ-UBND ngày 11/6/2020 về Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lich ven biển phía nam tỉnh đến năm 2035. Phát triển du lịch, dịch vụ gắn với hình thành đô thị ven biển, trong đó tích hợp khu du lịch Cà Ná - Mũi Dinh là các vệ tinh thuộc Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ theo đúng chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018.

- Tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thành các dự án đầu tư, như: Khu du lịch Mũi Dinh Ecopark, Khu du lịch Cà Ná Start, Khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Ba Bể, mở rộng và nâng cao chất lượng khu du lịch Tanyoli để tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch của Vùng. Thu hút, kêu gọi đầu tư các dự án du lịch gắn với đặc trưng, lợi thế về biển, như: Du lịch nghỉ dưỡng và khám phá độc đáo cát - muối biển phía đông nam, ven biển Mũi Dinh - Cà Ná, các dự án du lịch với loại hình nghỉ dưỡng điều dưỡng muối, nghỉ dưỡng Trung Đông, du lịch khám phá đồng muối;….. Liên kết hợp tác với các địa phương trong tỉnh và khu vực có thế mạnh về du lịch trong việc xây dựng các tour, tuyến du lịch nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

- Để ngành du lịch thực sự là điểm mạnh phát triển trong số các ngành trụ cột của tỉnh nói chung và khu vực nói riêng, UBND tỉnh Ninh Thuận cần tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối giữa giao thông địa phương với giao thông vùng, quốc gia; nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phù hợp với xu thế; xây dựng chiến lược, thương hiệu du lịch theo hướng chuyên nghiệp, có đẳng cấp.

- Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục có giải pháp để kích cầu, tăng cường hoạt động liên kết, duy trì hợp tác du lịch, chú trọng phát triển vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, vận tải hành khách công cộng để đáp ứng nhu cầu đi lại trong tỉnh, giữa Ninh Thuận với 9 tỉnh vùng Duyên hải miền Trung, 6 tỉnh Nam Trung bộ với Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch. Đồng thời, tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số đối với hoạt động du lịch để kết nối, nhằm hỗ trợ và tăng tính trải nghiệm cho khách du lịch; sử dụng tối đa các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch…

*) Các loại hình và sản phẩm du lịch

- Du lịch nghỉ dưỡng biển truyền thống và độc đáo

- Nghỉ dưỡng điều dưỡng muối, nghỉ dưỡng Trung Đông cao cấp gắn với các cồn cát, các khu, điểm du lịch mới.

- Du lịch khám phá, vui chơi giải trí gắn với khu du lịch Tanyoli hiện đang được đánh giá cao, nên được đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng.

- Du lịch khám phá sáng tạo, nghệ thuật mới, vui chơi giải trí gắn với công viên cát- muối, không gian nghệ thuật đá và gốm, công viên nước sa mạc và đồng muối Cà Ná.

- Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển cao cấp tại khu vực Mũi Dinh.

- Du lịch ẩm thực chủ đề muối: Các sản phẩm ủ muối gắn với hệ thống nông sản địa phương.

- Du lịch kết hợp nông nghiệp và năng lượng. Xây dựng các tour du lịch tham quan vườn nho, táo và checkin các nhà máy năng lượng mặt trời, nhà máy điện gió trên địa bàn huyện.

- Du lịch và dịch vụ du lịch tàu biển.

- Du lịch mùa lễ hội đồng bào Chăm, Raglai kết hợp tham quan vườn nho, táo và tiêu thụ các sản phẩm đại phương.

3.3. Phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản

a) Nông nghiệp: Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm, phát triển bền vững, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương; tăng tỷ trọng chăn nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao, tỷ trọng giá trị nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ nông nghiệp; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh, tập trung có quy mô lớn, tăng giá trị sản xuất trên diện tích đất.

- Về trồng trọt: Ổn định diện tích đất gieo trồng sẵn có; tập trung đầu tư vào khâu giống cây trồng, canh tác tiết kiệm nước, đẩy mạnh cơ giới hóa gắn với chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thủy lợi, thổ nhưỡng của từng vùng; tập trung phát triển một số vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao như: vùng sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao Nho Lâm, xã Phước Nam với quy mô 150ha. Tập trung phát triển vùng sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao có quy mô 300ha ở An Hải.

- Về chăn nuôi: Phát triển chăn nuôi toàn diện, đồng bộ gắn với thị trường theo hướng bền vững; hình thành các trang trại tập trung, quy mô công nghiệp, bán công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu và chế biến tập trung, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; thu hút các dự án đầu tư trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sữa gắn với vùng nguyên liệu trên địa bàn xã Nhị Hà.

- Về Diêm nghiệp: Ổn định diện tích làm muối, Phát triển Khu kinh tế muối công nghiệp và Xuất khẩu Quán thẻ theo hướng sản xuất công nghiệp, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng và bảo vệ môi trường; bảo đảm đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến muối, sản xuất muối tinh và hóa chất sau muối, sản xuất Xút-Clo và PVC nhằm tạo ra thương hiệu muối độc đáo, chất lượng cao, kết hợp phát triển du lịch đồng muối..

b) Về lâm nghiệp: Tập trung thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng, đi đôi với thực hiện có hiệu quả trồng rừng sản xuất, trồng rừng thay thế; phát huy mô hình kinh tế nông lâm, vườn rừng kết hợp chăn nuôi cừu quy mô tại xã Nhị Hà; Trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển chống sa mạc hóa, sạt lở bờ biển. Tăng độ che phủ rừng đến năm 2030 đạt trên 42%.

c) Thủy sản: Phát triển ngành thủy sản theo hướng phát triển bền vững, khai thác tiềm năng lợi thế về kinh tế biển, phát triển đồng bộ cả khai thác, nuôi trồng, chế biến và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, lấy chế biến làm động lực, phát triển thủy sản gắn với phát triển du lịch và công nghiệp ven biển và bảo vệ môi trường, tài nguyên biển. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển thủy sản; Phát triển nuôi trồng thủy sản với quy mô hợp lý, bảo đảm cân bằng môi trường sinh thái, đầu tư thâm canh tăng năng suất, tăng hiệu quả; áp dụng khoa học, công nghệ cao để nâng chất lượng và phát huy thương hiệu,phát triển trung tâm sản xuất tôm giống bố mẹ Sơn Hải (40 ha); Phát triển vùng sản xuất giống thủy sản công nghệ cao An Hải với quy mô 240 ha theo hướng trở thành khu sản xuất thủy sản công nghệ cao đầu tiên của cả nước; nâng cấp các cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão tàu cá cấp vùng, là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá vùng Nam Trung bộ.

3.4. Phát triển kết cấu hạ tầng

3.4.1. Phát triển hạ tầng giao thông

a. Giao thông đường bộ:

Phối hợp Bộ Giao thông, vận tải đầu tư Hoàn thành xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam với quy mô 6 làn xe để đưa vào khai thác trong giai đoạn 2021-2025; kiến nghị mở rộng quy mô, cấp đường quốc lộ 1 theo định hướng quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 hiện đang được BGTVT lập quy hoạch. Đề xuất nâng cấp tuyến đường ven biển (ĐT.701) lên thành đường quốc lộ ven biển.

Đường tỉnh: Tập trung đầu tư một số tuyến đường quan trọng, cấp bách để liên thông, kết nối với các tuyến Quốc lộ 1, đường cao tốc, đường ven biển, đường liên huyện, kết nối đường liên vùng lên Nam Tây nguyên qua tuyến đường Ma Nới đến Đức Trọng, phá thế chia cắt giữa vùng kinh tế trọng điểm với các địa phương của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, như: Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ cao tốc Bắc Nam với quốc lộ 1 và cảng biển Cà Ná ( đường tỉnh 709C), quy mô 6 làn xe (mặt đường 21m, nền đường 34m) cấp đường đô thị. Tăng khả năng kết nối cao tốc với KCN Cà Ná và các công trình đấu mối hạ tầng như Bến cảng, công trình logistics; đầu tư mở mới các tuyến đường Văn Lâm - Sơn Hải, Đường QL1A - Phước Hà - Ma Nới, Đường nối từ Trung tâm hành chính huyện đến Khu công nghiệp Cà Ná... là những tuyến đường huyết mạch tạo liên kết thúc đẩy phát triển.

- Đường giao thông đô thị: Đầu tư xây dựng mới tuyến ĐH. 52 điều chỉnh với quy mô 4 làn xe, cấp đường đô thị. Hoàn thành xây dựng tuyến ĐH. 54 nối THHC huyện Thuận Nam với đường Văn Lâm - Sơn Hải, quy mô tuyến đường 6 làn xe, đường cấp đô thị. Xây dựng Tuyến đường kết nối TTHC huyện thuận Nam với ĐT.709C (đường nối Cao tốc với KCN Cà Ná). Điểm đầu tại TTHC H.Thuận Nam, điểm cuối tại đường tỉnh 709C. Đường cấp đô thị, quy mô tối thiểu 4 làn xe.. Xây dựng tuyến đường từ TTHC huyện Thuận Nam đến ĐT.710 Đường cấp đô thị, quy mô tối thiểu 4 làn xe. Điểm đầu tại TTHC huyện Thuận Nam, điểm cuối tại ĐT710.

- Phát triển giao thông đô thị được xây dựng đồng bộ phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH, phát triển không gian và bố trí hạ tầng kỹ thuật của đô thị. Xây dựng hệ thống giao thông đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại phát triển.

- Tiếp tục mở rộng, nâng cấp các tuyến đường theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đường giao thông nông thôn. Đầu tư các trục đường liên xã, liên thôn, cứng hóa mặt đường và đồng bộ hóa cầu cống đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đối với đường trục xã, trục thôn quy hoạch đạt tiêu chuẩn đường cấp V, nền đường rộng 5,5m, mặt đường rộng 3,5m, bê tông xi măng hoặc trải nhựa. Đối với đường trục chính nội đồng: đạt tiêu chí giao thông nông thôn loại A hoặc loại B, nền đường rộng 5m, mặt đường 3,5 m, BTXM hoặc cấp phố đá dăm.

b. Giao thông đường sắt

Thực hiện Quy hoạch đầu tư xây dựng Nhà Ga mới và tuyến đường sắt nối cảng tổng hợp Cà Ná với đường sắt Thống nhất tại Ga Cà Ná mới theo Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuyến đường sắt có chiều dài khoảng 6km, dự kiến đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021-2025. Khi hình thành tuyến đường sắt cần thiết phải mở rộng ga Cà Ná về quy mô và chất lượng hạ tầng phục vụ để đáp ứng được nhu cầu vận tải trong tương lai.

c. Giao thông đường thủy

- Hoàn thành xây dựng cảng biển Cà Ná (cảng biển địa phương loại I): Cảng được đầu tư xây dựng đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu lớn nhất lên đến 300.000 DWT. Cảng Cà Ná là cảng biển quan trọng phục vụ phát triển KCN Cà Nà và tổ hợp năng lượng điện khí (LNG), là đầu mối tiếp nhận, phân phối hàng hóa bằng đường biển, tạo động lực thu hút đầu tư vào các KCN trong vùng, đặc biệt là KCN Cà Ná, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Ninh Thuận, liên kết với các cảng quy mô lớn trong khu vực Nam Trung Bộ.

- Nâng cấp cảng cá Cà Ná hiện trạng, định hướng trở thành khu trung tâm neo đậu tránh trú bão cho tàu cá của tỉnh.

d. Các công trình cảng cạn và Logistic

- Các công trình cảng cạn và Logistic

- Công trình logistics: Định hướng xây dựng công trình cảng cạn kết hợp Trung tâm logistics tại khu vực cảng tổng hợp Cà Ná. Các công trình này có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối giữa cảng biển, nhà ga với các vùng hàng hóa để phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh.

Trung tâm logistics sẽ có những chức năng gồm: Vận chuyển hàng hóa, lưu trữ hàng hóa, lưu kho, lưu bãi, xử lý hàng hóa bao gồm dán tem, dán nhãn, chia tách, gom hàng, làm thủ tục hải quan… Trung tâm logistics có vai trò giúp cho nhà xuất nhập khẩu và chủ hàng nội địa có thể luân chuyển hàng hóa một cách hiệu quả với giá thành thấp. Hiện nay, chi phí về logistics chiếm khoảng 21% tổng GDP của Việt Nam. Do đó, việc phát triển các trung tâm logistics quy mô lớn sẽ giúp cắt giảm chi phí logistics, trở thành yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa và xuất nhập khẩu, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững và bảo đảm sức cạnh tranh của toàn bộ dịch vụ logistics.

Về phát triển logistics gắn với khu vực cảng tổng hợp Cà Ná và tham gia kết nối với các địa phương theo hành lang vận tải chính trên trục Bắc - Nam. Phát triển trung tâm logistics theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp và hiện đại; gắn kết hợp lý với quy hoạch phát triển thương mại, công nghiệp, giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội khác; từng bước hội nhập vào thị trường dịch vụ logistics trong vùng và cả nước.

Hình 3-1: Vị trí đề xuất xây dựng khu vực Logistics kết hợp cảng cạn ICD tại Cà

Trạm dừng nghỉ: Dự kiến xây dựng trạm dừng nghỉ cao tốc tại khu vực huyện Thuận Nam gần với nút giao liên thông kết nối với các tuyến đường tỉnh.

Bến xe: Xây dựng bến xe liên tỉnh tại Phước Nam - Thuận Nam là bến xe loại 3 với diện tích 1,02ha.

+ Xây dựng bến xe mới Cà Ná với diện tích 1.500 m2 là bến xe loại 5, thu hút hoạt động vận tải hành khách công cộng phục vụ KCN Cà Ná và khu vực bến cảng.

+ Xây dựng bến xe mới Phước Dinh là bến xe loại 5 diện tích khoảng 1.500 m2 tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam.

+ Phân vùng điểm dừng đỗ công cộng trên các tuyến nội tỉnh, chủ yếu là phục vụ cho xe bus đảm bảo thuận tiện cho người dân và lao động ở các khu công nghiệp.

Bãi đỗ xe: Tại các khu đô thị đô thị mới, khu công nghiệp cần đảm bảo các bãi đỗ xe phục vụ cho người dân và cho các phương tiện vận tải khác. Chỉ tiêu bãi đỗ xe phải đảm bảo theo QCVN 01-2021.

Hình 3-2: Định hướng phát triển giao thông

3.4.2. Định hướng về cao độ nền, thoát nước mặt và thủy lợi

a. Định hướng về cao độ nền và thoát nước mặt đối với khu vực đô thị

+ Xác định cao độ nền

- Thị xã Phước Nam

+ Cao độ khống chế của thị xã Phước Nam Hxd > 17m. Phương án san nền chủ yếu bám theo địa hình tự nhiên.

- Thị trấn Cà Ná

+ Cao độ khống chế của thị trấn Cà Ná Hxd > 4,5m bảo đảm không bị ngập lũ. Phương án san nền chủ yếu bám theo địa hình tự nhiên.

+ Định hướng về thoát nước mặt

- Yêu cầu :

+ Đô thị loại 4, loại 5 chỉ tiêu ≥ 60% đường giao thông nội thị có cống thoát nước mưa.

+ Đô thị loại 5 chỉ tiêu ≥ 60% đường giao thông nội thị có cống thoát

nước mưa.

+ Ngoại thị chỉ tiêu ≥ 50% đường giao thông nội thị có cống thoát nước mưa.

- Lựa chọn hệ thống cống.

+ Tùy theo cấp hạng của các khu vực xây dựng có thể lựa chọn các loại hình hệ thống thoát nước như sau :

+ Đối với khu trung tâm huyện hiện hữu tại Phước Nam: xây dựng hệ thống thoát nước chung một nửa (có cống bao tách nước thải và trạm xử lý nước thải), các hố ga tách dòng để thu gom nước thải về khu xử lý nước thải.

+ Đối với khu vực xây dựng mới của thị xã Phước Nam, thị trấn Cà Ná, đô thị Sơn Hải, khu dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp: xây dựng hệ thống thoát nước mưa tách riêng với nước thải (bằng cống tròn, mương nắp đan) xả trực tiếp ra sông suối, biển.

+ Đối với các khu xây dựng mật độ thấp: tùy theo điều kiện cụ thể thoát nước mưa có thể chung (hoặc riêng) với nước thải bằng hệ thống thoát nước kín (hoặc hở) cống tròn, mương nắp đan hoặc mương hở.

+ Đối với các khu xây dựng mật độ thấp: tùy theo điều kiện cụ thể thoát nước mưa có thể chung (hoặc riêng) với nước thải bằng hệ thống thoát nước kín (hoặc hở) cống tròn, mương nắp đan hoặc mương hở.

- Lưu vực tiêu thoát nước cho vùng huyện.

+ Toàn huyện có lưu vực lớn bao gồm :

+ Lưu vực Sông Quao

+ Lưu vực Sông Lu: gồm xã Phước Hải, An Hải, xã Nhị Hà, xã Phước Nam thoát nước ra biển Đông qua sông Dinh.

+ Lưu vực phía Nam khu vực nghiên cứu (xã Phước Minh, Phước Diêm) thoát ra biển qua khu vực Cà Ná.

+ Ngoài ra còn có các lưu vực nhỏ thoát ra sông Dinh và biển Đông.

- Giải pháp quy hoạch tiêu thoát nước đối với các đô thị, trung tâm cụm xã (thị tứ) :

+ Đối với thị trấn trung tâm đã có mạng lưới thoát nước, cần cải tạo xây dựng hệ thống thoát nước kín bằng cống tròn hoặc mương nắp đan, từng bước có các biện pháp tách dòng, cuối các miệng xả sẽ có hệ thống cống bao nước bẩn dẫn về trạm xử lý trước khi đổ vào sông, hồ.

+ Các khu vực xây dựng mới, khu vực đô thị mở rộng, cụm CN - TTCN cần xây dựng hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn để đảm bảo vệ sinh môi trường.

b. Định hướng về cao độ nền và thoát nước mặt đối với các điểm dân cư nông thôn

Xác định cao độ nền

- Đối với các điểm dân cư nông thôn tại các khu vực có địa hình thấp thường xuyên bị ngập lũ cần phải tôn nền vượt lũ nhưng chủ yếu là san đắp cục bộ khu vực xây dựng. Đối với khu vực có địa hình cao không bị ngập lụt chỉ san đắp tạo hướng dốc thoát nước, cân bằng đào đắp tại chỗ.

Định hướng về thoát nước mặt

- Cho phép xây dựng hệ thống thoát nước chung (nước mưa và nước thải sinh hoạt) bằng cống, mương nắp đan hoặc mương hở xả ra sông suối. Tuy nhiên nước thải sinh hoạt trước khi xả ra hệ thống thoát nước chung phải được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại. Nước thải của các khu vực chuồng trại chăn nuôi tập trung phải thoát riêng và được xử lý trước khi xả ra môi trường.

- Tăng cường nạo vét hồ ao, sông suối để tăng khả năng tiêu thoát nước. c. Định hướng quy hoạch thủy lợi

- Cập nhật quy mô các hồ chứa đã xây dựng cho phù hợp thực tế đã xây dựng gồm: Hồ Sông Biêu có dung tích : 23,78 triệu m³; Hồ Suối Lớn có dung tích : 1,02 triệu m³, Hồ CK7 có dung tích: 1,434 triệu m³.

- Quy hoạch điều chỉnh Hồ chứa nước Phước Hà có quy mô dung tích là 8.17 triệu m³, đồng thời quy hoạch bổ sung hệ thống kênh đấu nối các hồ chứa (Hồ Tân Giang -> Hồ Phước Hà -> Hồ Sông biêu), tạo ra 1 cụm liên hồ chứa.

- Quy hoạch điều chỉnh Hồ chứa nước Trà Van có diện tích lưu vực 16,5 km², Dung tích hồ 3,0 triệu m³, có nhiệm vụ cấp nước cho 100 ha đất canh tách khu tưới của hồ đồng thời bổ sung nguồn nước cho hệ thống Tân Giang.

Bảng 3-1: Quy hoạch công trình thủy lợi

TT

Tên công trình

Flưu vực (Km²)

Ftưới quy hoạch (ha)

Ghi chú

I

Các công trình đã xây dựng

 

4.630,00

 

1

Hồ chứa nước Tân Giang

149,0

3006,0

 

2

Hồ chứa nước Bầu Ngữ

1,3

170,0

 

3

Hồ chứa nước CK7

17,5

100,0

 

4

Hồ chứa nước Suối Lớn

8,0

75,0

 

5

Hồ chứa nước Sông Biêu

68,7

1.300,0

 

II

Các công trình quy hoạch bổ sung

 

 

 

1

Hồ chứa nước Trà Van

16,5

100,0

 

2

Hồ chứa nước Tân Giang 2

143,0

Tiếp nước cho khu tưới Tân giang với diện tích canh tác 3000ha

3

Hồ chứa nước Phước Hà

4,75

 

Tổng

 

4.730,00

 

Tiểu vùng lưu vực sông suối Ven biển phía Nam:

- Phương án quy hoạch điều chỉnh lần này đề nghị loại bỏ các hồ Hồ Quán Thẻ 1, Hồ Quán Thẻ 2 do khu tưới các hồ này nằm đã nằm trong quy hoạch đồng muối Quán Thẻ.

- Điều chỉnh nhiệm vụ hồ Núi Một cho phù hợp với điều kiện thực tế là: Cấp nước phục vụ sản xuất nuôi trồng Thủy sản với diện tích 151ha và Cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp với diện tích 30ha.

+ Xây dựng lại Hồ số 7 có diện tích lưu vực 4.0km², với nhiệm vụ cung cấp nước phục vụ chăn nuôi, tạo nguồn cấp nước tưới, hạn chế nhiễm mặn từ đồng muối Quán thẻ và cải thiện môi trường sinh thái.

+ Xây dựng Hồ Đá Đen có diện tích lưu vực 6,5km², với nhiệm vụ cung cấp nước phục vụ chăn nuôi, và cấp nước tưới cho 80 ha đất canh tác đất phía trên đồng muối Quán thẻ. Hạn chế nhiễm mặn từ đồng muối Quán Thẻ và cải thiện môi trường sinh thái.

- Quy hoạch thêm các công trình trục tiêu như sau:

+ Xây dựng Hệ thống tiêu Khu vực trung tâm huyện Thuận Nam và Khu công nghiệp Phước Nam với nhiệm vụ tiêu thoát nước cho hệ thống tiêu thoát lũ trung tâm huyện Thuận Nam và khu công nghiệp Phước Nam. Tổng chiều dài tuyến kênh tiêu là 7,23km.

+ Cải tạo hệ thống tiêu thoát nội đồng khu nuôi tôm công nghiệp Sơn Hải

+ Cải tạo hệ thống tiêu thoát nội đồng khu nuôi trồng Thủy sản An Hải.

Bảng 3-2: Danh mục các công trình quy hoạch tiêu

TT

TÊN CÔNG TRÌNH

THÔNG SỐ

ĐỊA ĐIỂM XÂY DỰNG

Flv (km²)

F tiêu (ha)

Lk (km)

1

Xây dựng hệ thống tiêu khu công nghiệp Phước Nam và TT huyện Thuận Nam

51

1554

7.23

H. Thuận Nam

2

Hệ thống tiêu Nội đồng khu nuôi tôm Sơn Hải

150

150

5.00

H. Thuận Nam

3

Hệ thống tiêu Nội đồng khu nuôi tôm An Hải

348

348

5.00

H. Ninh Phước

Bảng 3-3: Danh mục các công trình quy hoạch phòng chống lũ

TT

Tên công trình

Chiều dài đê, kè (km)

Địa điểm xây dựng

I

Công trình đê

 

 

1

Đê biển đoạn An Hải Phước Dinh

5,5

H.Thuận Nam

2

Đê biển Bảo vệ khu tôm giống An Hải

3,6

H.Ninh Phước

II

CÔNG TRÌNH KÈ

 

 

1

Kè biển Bảo vệ khu dân cư Cà Ná

1,5

H. Thuận Nam

d. Các giải pháp phòng chống thiên tai, phòng chống lũ:

Do đặc điểm điều kiện tự nhiên và tình hình thời tiết khí hậu nêu ở phần hiện trạng là những yếu tố nguy hiểm đến sản xuất và đời sống người dân, các công trình thủy lợi như: hồ chứa, đê, đập và giao thông khi thời tiết chuyển sang mùa mưa bão. Vì vậy cần chủ động để phòng chống lũ bão hàng năm và luôn luôn kiểm tra việc thực hiện và triển khai công tác phòng chống bão lụt.

Hệ thống dự báo và cảnh báo lũ.

- Cần xây dựng hệ thống dự báo và cảnh báo lũ, bão, hiện nay trên một số sông đã có các trạm thủy văn đo mực nước cảnh báo lũ song chưa đầy đủ.

- Đối với các những khu vực thường xảy ra lũ quét, sạt lở sườn núi cần có phương án đề phòng đưa những hộ dân sống gần chân núi ven các sông suối nhỏ đến nơi án toàn đề phòng sự cố xảy ra.

- Khai thông dòng chảy để đảm bảo khả năng thoát lũ của hệ thống sông.

- Cần tiếp tục chỉnh trị dòng sông, các cửa sông, các hành lang thoát lũ.

- Giải tỏa các khu dân cư làm ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ của các cửa sông.

Xây dựng bảo vệ hệ thống đê kè.

- Đối với hệ thống đê sông, đê biển cần phải tu bổ thường xuyên.

- Đê bờ vùng trong hệ thống thủy lợi và công trình kè, cống dưới đê cũng cần được tu bổ, hoàn chỉnh và nâng cấp tránh gây ngập úng cục bộ, tiêu thoát nước tràn lan.

- Trong những năm tới cần nâng cấp một số đê kè đã bị sạt lở và xây mới những tuyến đê cần thiết.

Giải pháp hồ chứa thượng lưu và các đập dâng.

- Hiện nay trên địa bàn huyện đã và đang xây dựng một số đập, hồ chứa nước. Trong những năm tới cần xây dựng thêm một số hồ ở thượng lưu của các con sông, suối trong vùng để phòng chống lũ, điều hòa dòng chảy, cung cấp nước cho sinh hoạt, du lịch, công nghiệp và nông nghiệp trong mùa khô.

Trồng cây bảo vệ rừng.

- Biện pháp trồng cây đầu nguồn sông suối cũng là biện pháp hữu hiệu để giữ đất, giữ nước chống xói mòn, sạt lở, làm chậm dòng chảy lũ, chống lũ quét.

Các giải pháp khác :

- Công tác phòng chống xói lở bờ sông, bờ suối, các mái dốc taluy là vấn đề phức tạp và khó khăn có liên quan đến nghiên cứu chế độ dòng chảy, địa chất, đến vấn đề môi trường.

Hướng giải quyết:

- Trồng cây chắn sóng, chỉnh trị dòng sông, khai thông các hành lang thoát lũ.

- Xây dựng các mỏ hàn để lái dòng chảy.

- Tăng cường công tác quản lý đê điều, phát hiện và xử lý kịp thời khi có hiện tượng xói lở bờ sông, suối, đê kè, …

- Tuyệt đối không được xây dựng các công trình sát bờ sông, ven các suối khe, các hồ nước có đập tránh làm ảnh hưởng đến công trình.

- Đối với các vùng hay ngập lụt ven sông cần phải trồng cây để chắn sóng tránh sạt lở.

- Các sườn núi chân núi, các mái taluy đào, đắp cần có các giải pháp gia cố bảo vệ chống sạt lở.

Hình: 3-3 Sơ đồ vị trí các Hồ trong vùng

3.4.3. Phát triển hạ tầng cấp nước

a. Nguồn nước trong vùng

Nước mặt

- Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam Ninh Thuận có các sông chính chảy qua là sông Lu, sông Quao và sông Trăng, trong đó sông Lu và sông Quao chi phối phần lớn nguồn nước mặt. Ngoài ra có các nhánh sông suối khác như: suối Quán Thẻ, suối Núi Một, suối Đá Đen, suối Bung, suối Nha Min và hệ thống kênh mương, đập thủy lợi khác cũng góp phần cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất.

- Trong thời gian qua, các công trình thủy lợi như: hồ Núi Một, CK7, Suối Lớn, Bầu Ngứ và hệ thống kênh mương góp phần cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất

Nước ngầm

- Tài nguyên nước ngầm không phong phú, trữ lượng ít, phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở 2 tầng chứa nước ở lỗ hổng trầm tích Holocen và Pleitocen. Nước có tính nhạt, vùng ven biển có nguồn nước ngầm ít và bị nhiễm mặn, độ khoáng hóa lên tới 3,6g/l. Vùng đồng bằng ven biển tầng chứa nước mỏng và nước bị ảnh hưởng của mặn.

- Độ sâu từ mặt đất tới tầng chứa nước : 14-20m

- Độ dày của tầng chứa nước mỏng chỉ từ 3-5m.

- Nước ngầm chỉ khai thác để phục vụ cho sinh hoạt các hộ dân cư với quy mô nhỏ.

Đánh giá về nguồn nước trong vùng

- Nhìn chung nguồn nước trong khu vực không nhiều, lượng mưa ít, lượng bốc hơi cao. Lượng nước phân bố không đồng đều, 4 tháng mùa mưa thì thừa nước gây ra hiện tượng lũ lụt, ngập úng, 8 tháng mùa khô lại bị thiếu nước. Do vậy để đảm bảo nguồn nước cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất cần phải xây dựng các công trình thủy lợi để dự trữ nước khắc phục tình trạng úng ngập vào mùa mưa và đảm bảo đủ nhu cầu nước vào mùa khô hạn.

- Khai thác tối đa năng lực các công trình thủy lợi hiện có và các công trình xây dựng nâng cấp như hồ Núi Một, hệ thống đập Nha Trinh, kênh Nam và các công trình thủy lợi nhỏ khác ...... để có nguồn nước xây dựng các nhà máy nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất công nghiệp, dịch vụ, du lịch.

- Do trữ lượng của các hồ trên địa bàn huyện và tỉnh không ổn định, vào mùa khô thường bị thiếu nước. Mặt khác nhiều công trình thủy lợi của khu kinh tế trọng điểm phía Nam chưa xây dựng nên hiện tại và tương lai cần phải sử dụng bổ sung nguồn nước mặt của đập Nha Trinh để cung cấp cho các nhà máy nước, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ, du lịch.

- Đập Nha Trinh có lưu vực khá lớn, lưu lượng dòng chảy dồi dào và ổn định, đủ cung cấp cho các nhà máy nước trong khu vực TP. Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam.

b. Định hướng quy hoạch cấp nước

Tiêu chuẩn cấp nước

Bảng 3-4: Chỉ tiêu cấp nước

Loại đô thị

Tiêu chuẩn cấp nước

2025

2030

Tỷ lệ cấp nước (% dân số)

Tiêu chuẩn (lít/người- ng)

Tỷ lệ cấp nước (% dân số)

Tiêu chuẩn (lít/người- ngđ)

III, IV, V

≥80

≥80

≥90

≥120

Công nghiệp

 

22-45 m³/ha

 

22-45 m³/ha

Nhu cầu cấp nước

- Đầu tư mở rộng qui mô, địa bàn và mở rộng mạng lưới cung cấp nước rộng khắp đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và nước sinh hoạt cho nhân dân, nhất là yêu cầu phát triển công nghiệp và các khu đô thị, khu du lịch.

- Đến năm 2030, nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn định mức nguồn nước sinh hoạt; tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt trên 92%, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, đặc biệt hoạt động các khu, cụm công nghiệp.

Các phương án kinh tế kỹ thuật chọn nguồn nước và phân vùng cấp nước

Phương án kinh tế kỹ thuật chọn nguồn nước cho các đô thị,khu công nghiệp, khu du lịch trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Ninh Thuận là nguồn nước mặt tại các sông, suối và hồ của vùng và hệ thống thủy lợi đập Nha Trinh như sau:

- Hệ thống suối, hồ của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam : sông Lu, sông Quao, sông Trăng, suối Núi Một, Đá Đen, Phước Hà, Núi Một, Suối Lớn, Bầu Ngứ, … cung cấp cho Nhị Hà, khu dân cư nông thôn, các cụm công nghiệp, khu du lịch, …

- Đập Nha Trinh :

+ Là nguồn nước mặt của nhà máy nước Cà Ná - Phước Nam hiện hữu và mở rộng, cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của toàn bộ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận.

Dự kiến nhà máy nước cho các đô thị

- Nhà máy nước Cà Ná - Phước Nam hiện hữu : giữ nguyên công suất hiện nay là 10.000 m³/ngày đêm.

- Nhà máy nước Cà Ná - Phước Nam mở rộng : xây dựng tại thị trấn Phước Dân (lấy nước từ đập Nha Trinh), sau khi xử lý cung cấp cho đô thị Phước Nam, thị trấn Cà Ná, dân cư các xã lân cận, các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch của huyện Thuận Nam và nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của huyện Ninh Phước.

- Từ nhà máy nước TP. Phan Rang - Tháp Chàm hiện hữu và mở rộng : Xây dựng đường ống cấp nước đường ĐT 701, An Long-Nam Cương (ĐH 23). Trên tuyến có trạm tăng áp để cấp cho khu du lịch đồi cát Nam Cương (Ninh Phước), khu du lịch Mũi Dinh (Thuận Nam).

- Xây dựng hệ thống cấp nước khu vực Quán Thẻ và Cà Ná, nhà máy sản xuất hóa chất sau muối.

Cấp nước nông thôn

- Nâng cấp và xây dựng công trình cấp nước nhỏ cho các điểm dân cư nông thôn tập trung, đạt 100% dân số nông thôn có nước sạch, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh.

Định hướng cấp nước

- Định hướng cấp nước tương quan với sự phát triển của kinh tế - xã hội trong vùng. Nhu cầu cấp nước sạch cần phải đáp ứng đủ cả về số lượng và chất lượng.

- Hạn chế khai thác nguồn nước ngầm, cần quan tâm ưu tiên khai thác nước mặt.

- Cần cải tạo, nâng cấp các công trình khai thác nước hiện có trên cơ sở hiệu quả của việc cấp nước vùng diện rộng.

- Cải thiện tất cả các khâu từ dây chuyền công nghệ, sản xuất kinh doanh, dịch vụ và nhất là khâu quản lý nhằm nâng cao số lượng và chất lượng nước phục vụ các nhu cầu sử dụng.

- Ngoài các công trình cấp nước (tiếp nguồn) đã có cần xây dựng thêm các công trình hồ chứa nước, các công trình đập tràn, để tận dụng giữ và điều tiết nước đảm bảo nguồn nước cấp cho nhu cầu phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch, cũng như cấp nước tưới cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

- Cân đối và sử dụng hiệu quả các nguồn nước mặt. Đặc biệt là các nguồn nước kết hợp giữa cấp nước và thủy lợi.

- Khai thác hợp lý các công trình cấp nước hiện có mở rộng, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các công trình phù hợp với sự phát triển của các đô thị trong giai đoạn đầu và có định hướng cho giai đoạn sau.

Dây chuyền công nghệ xử lý nước, hệ thống truyền tải nước chính

- Dự kiến dây chuyền công nghệ xử lý nước cấp cho các khu đô thị, khu CN :

- Sông, suối  → Đập dâng, hồ chứa Trạm bơm 1 bể lắng bể lọc bể chứa khử trùng trạm bơm 2 vào mạng lưới cung cấp nước.

Giải pháp về bảo vệ nguồn nước và các công trình đầu mối cập nước

- Bảo vệ nguồn nước ngầm khỏi sự ô nhiễm của nước bề mặt để có thể khai thác sử dụng cấp nước.

- Bảo vệ nguồn nước mặt khỏi các hoạt động khai thác khoáng sản, nạn phá rừng nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định bền vững của ngành cấp nước tránh sử dụng kiệt về lưu lượng và suy thoái về chất lượng.

- Nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp cần phải xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi xả ra các sông suối, biển.

- Tránh tình trạng khai thác chặt phá rừng phía đầu nguồn một cách bừa bãi.

- Cần khôi phục lại những khu rừng đầu nguồn đã bị chặt phá.

Hình: 3-4 Định hướng phát triển công trình cấp nước

3.4.4. Phát triển hạ tầng thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang

a. Các chỉ tiêu thoát nước thải, chất thải rắn, nghĩa trang đô thị

Bảng 3-5: Tiêu chuẩn thải nước tính bằng % tiêu chuẩn cấp nước

Đối tượng

Tiêu chuẩn cấp nước

Tiêu chuẩn thoát nước lấy bằng % tiêu chuẩn cấp nước

Tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải

 

(l/ng.ngđ)

 

(l/ng.ngđ)

 

(%)

 

Đợt đầu

Dài hạn

Đợt đầu (100%)

Dài hạn (100%)

 

Đô thị loại IV,V

 

 

 

 

 

+ Đô thị

120

150

120

150

100

+ Nông thôn

80

100

80

100

100

Công cộng (%) Qsh

10-20

10-20

100

Công nghiệp (m3/ha.ngày)

Trên 20

Trên 20

Lấy bằng 80% tiêu chuẩn cấp nước

100

Bảng 3-6: Tiêu chuẩn chất thải rắn

Loại đô thị

Lượng rác thải phát sinh (kg/người/ngày)

Tỷ lệ thu gom

Đặc biệt. Loại I

1,3

100%

Loại II

1,0

≥ 95%

Loại III, IV

0,9

≥ 90%

Loại V

0,8

≥ 85%

Khu công nghiệp

tối thiểu 0,3 (tấn/ha)

 

Bảng: 3-7 Tiêu chuẩn quy mô nghĩa trang

 

Tỷ lệ chết %

Diện tích đất tối thiểu (ha/1000 dân)

Nhà tang lễ (250000 dân)

Chỉ tiêu

1

0,04

1

b. Định hướng quy hoạch

Thoát nước thải

- Tiêu chuẩn nước thải tính tối thiểu 80% tiêu chuẩn cấp nước.

- Xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng cho đô thị. Hệ thống cống được sử dụng các loại cống BTCT có đường kính phù hợp với từng lưu vực.

- Đối với khu trung tâm của Vùng KT Trọng điểm Phía Nam : xây dựng hệ thống thoát nước chung một nửa (có cống bao tách nước thải và trạm xử lý nước thải), các hố ga tách dòng để thu gom nước thải về trạm xử lý nước thải.

- Xây dựng trạm xử lý nước thải cho đô thị mới;

- Xây dựng hệ thống nước thải riêng (nước mưa riêng) có trạm xử lý cho các khu Công nghiệp tập trung.

- Nước thải sinh hoạt tại các đô thị phải được xử lý đạt giới hạn A, B (tùy thuộc vào mục đích sử dụng nơi xả nước) theo QCVN 14-2008/TNMT trước khi xả ra môi trường.

- Nước thải từ các khu vệ sinh trong các khu dân cư, các công trình công cộng nhất thiết phải được xử lý bằng các bể tự hoại và phải được thu gom bằng đường cống riêng hoặc cống bao thoát ra ngoài hệ thống cống của đô thị.

- Nước thải sinh hoạt tại các thị tứ, cụm dân cư tập trung sẽ được xử lý bằng phương pháp tự làm sạch tại các hồ sinh học. Khuyến khích và hướng dẫn người dân sử dụng hố xí tự hoại có đường cống dẫn nước thải ra ngoài ở các khu vực đô thị, xí thấm dội nước ở các vùng nông thôn.

- Nước thải ở các khu công nghiệp tập trung phải được xử lý tập trung đạt giới hạn B của QCVN 40-2011/BTNMT, trước khi xả ra nguồn. Nước thải của các xí nghiệp, nhà máy có mức độ độc hại cao cần phải được xử lý sơ bộ đến tiêu chuẩn cho phép trước khi xử lý tập trung.

- Nước thải của bệnh viện, phòng khám đa khoa cần phải được xử lý đạt giới hạn của TCVN 28-2010/BTNMT và khử trùng trước khi xả ra hệ thống cống của đô thị.

Các điểm dân cư nông thôn

- Trung tâm cụm xã, cụm dân cư nông thôn tập trung xây dựng hệ thống thoát nước chung (nước mưa và nước thải). Xử lý nước thải bằng hồ sinh học tự nhiên.

- Các cụm dân cư sống phân tán, đặc biệt là các khu ở của đồng bào các dân tộc: vận động nhân dân xây dựng nhà vệ sinh hình thức tự thấm, dội nước và 2 ngăn hợp vệ sinh.

Chất thải rắn

Định hướng chung

+ Chất thải rắn sinh hoạt

- Tổ chức thu gom CTR hợp lý tại các đô thị, thị tứ và các trung tâm xã, khu dân cư tập trung.

- CTR của đô thị sẽ phân loại tại nguồn, được thu gom và đưa đến khu xử lý CTR tập trung của các đô thị.

- Tại các điểm dân cư nhỏ lẻ cần bố trí các điểm tập trung CTR và có biện pháp ủ để phân hủy yếm khí CTR tạo nguồn phân bón phục vụ cho nông nghiệp. Các điểm chôn, ủ CTR cần phải được bố trí ở ngoài xa khu dân cư phù hợp với quy định về vệ sinh môi trường.

+ Chất thải rắn công nghiệp

- CTR công nghiệp được phân loại và xử lý riêng, phần CTR độc hại của công nghiệp cần thu gom và đưa về khu xử lý của tỉnh, còn CTR không độc hại sẽ được xử lý hoặc chôn lấp cùng với CTR sinh hoạt của các đô thị trong huyện. Tuy nhiên để từng bước thực hiện được mục đích xử lý theo cấp vùng thì trong giai đoạn đầu các khu công nghiệp có quy mô lớn có điều kiện xây dựng các khu xử lý riêng thì vẫn sử dụng trong giai đoạn đầu.

+ Chất thải rắn bệnh viện

- Chất thải rắn sinh hoạt tại bệnh viện huyện sẽ được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý cùng với CTR sinh hoạt của đô thị. CTR y tế sẽ được thu gom và xử lý riêng bằng lò đốt đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định.

- Các lò đốt CTR y tế giai đoạn đầu có thể đặt tại các bệnh viện như hiện nay, nhưng giai đoạn dài hạn phải được xây dựng ở khu xử lý CTR của tỉnh. Như vậy mới đảm bảo khả năng thu gom CTR của các bệnh viện, trung tâm y tế của tất cả các đô thị trong tỉnh mà không ảnh hưởng đến môi trường cho khu vực bệnh viện và môi trường đô thị.

+ Vị trí, quy mô, công nghệ xử lý của các khu xử lý CTR dự kiến

- Khu xử lý CTR huyện Thuận Nam (cấp vùng tỉnh : đặt tại đô thị Phước Nam.

+ Quy mô xây dựng : 50 ha.

+ Phạm vi: phục vụ cho cho khu vực Vùng KT trọng điểm phía Nam

+ Công nghệ : chủ yếu là tái chế, chế biến phân vi sinh, đốt và chôn lấp.

- Khu xử lý CTR Cà Ná :

+ Quy mô xây dựng : 10ha.

+ Phạm vi: phục vụ cho thị trấn Cà Ná, các khu công nghiệp.

+ Công nghệ : chủ yếu là chế biến phân vi sinh và chôn lấp hợp vệ sinh. Ngoài ra các thị tứ cần xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh quy mô 3-5 ha dùng cho thị tứ và các cụm dân cư xã.

Nghĩa trang

+ Định hướng chung

Đối với nghĩa trang cấp vùng huyện dự kiến sẽ xây dựng ở khu vực gần đô thị hạt nhân của huyện. Nghĩa trang này chủ yếu phục vụ cho đô thị hạt nhân về các công nghệ táng (địa táng một lần, địa táng có cải táng, cát táng). Riêng công nghệ hỏa táng sẽ phục vụ cho các đô thị xung quanh trong vùng (khi có nhu cầu).

- Các đô thị gần nhau có điều kiện liên kết được sẽ xây dựng nghĩa trang chung nhưng các nghĩa trang phải được bố trí xa khu dân cư, xa nguồn nước, đảm bảo khoảng cách ly (200m) đến các đô thị theo quy chuẩn xây dựng đã ban hành.

- Tại các thị tứ, cụm dân cư tập trung, khu vực nông thôn xây dựng các nghĩa trang riêng phù hợp với quy mô dân số và không làm ảnh hưởng đến môi trường.

3.4.5. Định hướng cấp điện

a. Dự báo nhu cầu phát triển phụ tải

Có thể thấy rằng, năm 2020 nền kinh tế thế giới đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid 19, trong đó có Việt Nam. Đối với năm 2021, theo các chuyên gia kinh tế, trong nước, tình hình kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng được được dự báo sẽ từng bước hồi phục sau dịch Covid-19. Điều đó có cũng có thể dự báo nhu cầu phụ tải tiêu thụ điện cũng sẽ tăng trưởng và hồi phục với tốc độ tăng trưởng khoảng 8-10%/năm.

Đối với tỉnh Ninh Thuận nói chung và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhu cầu phát triển điện sẽ được dự báo theo sự phát triển của 6 nhóm ngành trụ cột gồm: (1) năng lượng; (2) du lịch; (3) nông lâm, thủy sản; (4) công nghiệp; (5) giáo dục và đào tạo và (6) xây dựng và kinh doanh.

b. Chỉ tiêu tính toán và nhu cầu phụ tải điện

Căn cứ vào quy mô và định hướng phát triển của tỉnh Ninh Thuận và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh, trong giai đoạn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, tổng công suất tính toán nhu cầu dùng điện sinh hoạt, thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp và nông-lâm nghiệp- thủy sản cho vùng phía Nam đến năm 2030 là 326,25MW (trong đó: sinh hoạt 33,60 MW, thương mại- dịch vụ- du lịch 8,22MW, Công nghiệp- xây dựng 296,60MW, nông- lâm nghiệp- thủy sản 11,14MW) .

Bảng: 3-8 Bảng tính toán nhu cầu điện Vùng kinh tế phía Nam

STT

Loại hình

Công suất P (MW) năm 2030

Công suất P (MW) năm 2050

1

Quản lý tiêu dùng dân cư

26,55

47,12

2

Thương mại - Dịch vụ

7,30

13,32

3

Công nghiệp và Xây dựng

296,60

296,60

4

Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản

7,25

7,25

5

Tổng

337,69

364,28

6

Tổng công suất yêu cầu

236,38

254,99

7

Tổng công suất biểu kiến S(MVA)

315,18

339,99

c. Công trình cấp điện

Với mục tiêu đưa Ninh Thuận trở thành một Trung tâm NLTT lớn nhất cả nước về năng lượng sạch, định hướng quy hoạch phát triển các công trình điện của tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030 như sau:

Nguồn cấp điện:

- Phát triển nguồn NLTT và NL khác:

- Định hướng khu kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành một trong những trung tâm điện năng lượng lớn của tỉnh; Trên cơ sở kiến nghị của tỉnh Ninh Thuận và tiềm năng về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Viện Năng lượng (đơn vị tư vấn lập Quy hoạch điện VIII) đã cập nhật bổ sung, tích hợp các nguồn và lưới điện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận vào dự thảo Quy hoạch điện VIII. Định hướng phát triển các nguồn năng lượng tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2030 như sau:

- Điện gió đất liền: phát triển khoảng 500 MW;

- Điện gió ven biển, ngoài khơi: phát triển khoảng 4.302 MW.

- Điện mặt trời mái nhà: phát triển khoảng 50MW.

- Điện mặt trời mặt đất: phát triển khoảng 596 MW.

- Điện mặt trời mặt nước: phát triển khoảng 100 MW.

- Điện khí LNG: phát triển khoảng 4.500 MW.

- Định hướng phát triển thiết bị lưu trữ năng lượng;

Lưới điện và trạm biến áp:

- Phát triển công trình TBA và đường dây 500kV: trạm biến áp 500kV Thuận Nam (công suất 2.700+1.800 MVA) với 02 tuyến đường: TBK Cà Ná- Thuận Nam, TBK Cà Ná- Bình Dương 1.

- Phát triển công trình TBA và đường dây 220kV: Trạm Ninh Phước 500+2x250) với 08 tuyến đường: ĐMT Phước Thái-Rẽ Nhánh- Vĩnh Tân- Tháp Chàm (Mạch 2), 500 KV Ninh Sơn-Rẽ Tháp Chàm- Ninh Phước, 500kV Ninh Sơn- Ninh Phước, 500kV Ninh Sơn- Trạm cắt 220kV, 500kV Vinh Tân-Cà Ná, Ninh Phước- 500kV Thuận Nam, ĐGNK Ninh Thuận 1-500KV Thuận Nam, ĐG số 5 Ninh Thuận - Ninh Phước.

- Phát triển công trình TBA và đường dây 110kV.

Hình 3-5: Bản đồ định hướng phát triển mạng lưới truyền tải điện

Hình 3-6: Bản đồ định hướng công trình đầu mối ngành NL và NLTT (ĐTM, ĐG, ĐGNK và thủy điện)

3.4.6. Định hướng phát triển hạ tầng văn hóa xã hội

a. Định hướng phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông

Định hướng phát triển hệ thống

- Mạng lưới thông tin viễn thông tỉnh sẽ được tổ chức thống nhất giữa các hệ thống cung cấp dịch vụ điện thoại cố định; di động; truy nhập Internet; truyền hình IPTV của ít nhất 03 nhà cung cấp dịch vụ.

- Về công nghệ: Nhìn chung công nghệ viễn thông của tỉnh sẽ phát triển theo tiến bộ mới, cho phép các nhà cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dịch vụ.

+ Mạng điện thoại dịch vụ công cộng và mạng số liệu sẽ phát triển hội tụ về mạng thế hệ sau.

+ Công nghệ chuyển mạch truyền thống (TDM) dần dần được thay thế bởi chuyển mạch giao thức truyền số liệu (IP), các giao thức tiên tiến khác.

+ Chuyển mạch quang sẽ được sử dụng rộng rãi đến tận thuê bao. Thông tin quang tốc độ cao với các công nghệ ghép kênh sẽ được áp dụng rộng rãi trên các tuyến truyền dẫn.

+ Công nghệ truy nhập sẽ nhanh chóng triển khai sử dụng các thiết bị đầu cuối thông minh. Thông tin băng thông rộng ADSL sẽ là giải pháp trước mắt và sẽ dần được nâng cấp lên các công nghệ tiên tiến hơn như truy nhập không dây băng rộng (Wimax).

+ Xu hướng hội tụ công nghệ viễn thông, phát thanh truyền hình và Internet sẽ trở thành xu thế tất yếu.

- Phân theo các vùng miền: Ở các vùng đô thị, hệ thống điện thoại cố định có thể sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo, sau đó giảm tốc độ; điện thoại di động sẽ tăng dần và đạt đến giai đoạn bão hòa.

- Các doanh nghiệp sẽ có nhu cầu đa dạng về dịch vụ truyền số liệu, hình ảnh với các kênh thuê riêng băng rộng để tăng khả năng thông tin tiếp thị, giáo dục, y tế…

- Đối với cá nhân sử dụng dịch vụ viễn thông và Internet đang đòi hỏi các dịch vụ có tốc độ và tính ổn định cao, giá thành hạ.

Hệ thống mạng thông tin di động

- Hiện tại toàn khu vực Quy hoạch, mạng di động đã được phủ sóng toàn bộ trên nhiều băng tần khác nhau. Ngoài ra mạng di động còn cung cấp được nhiều dịch vụ gia tăng ngoài dịch vụ thoại cơ bản khác.

- Đồng thời, hiện tượng nghẽn mạng cục bộ vẫn còn xảy ra trong khu vực đô thị có mật độ thuê bao cao vào các ngày lễ. Vì vậy trong giai đoạn tới, cần bổ sung thêm trạm thu phát sóng di động (BTS). Và các nhà cung cấp này cần phải phối hợp với nhau khai thác trên cùng trạm có sẵn, tiết kiệm tài nguyên.

- Phát triển theo từng giai đoạn từ 3G, 4G hiện nay lên 5G (trước năm 2030).

Bưu chính

- Phát triển bưu chính theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, kết hợp cung cấp các dịch vụ công ích với các dịch vụ thương mại, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Khi Bưu chính đã tách ra là đơn vị riêng nhưng vẫn phải kết hợp với viễn thông và công nghệ thông tin để phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao mức sống của người dân.

- Đẩy mạnh, triển khai các dịch vụ bưu chính mới trên thế giới, phù hợp với thị trường Việt Nam, bưu chính tỉnh phải đi trước bưu chính của Vùng để làm cơ sở, tiền đề cho phát triển bưu chính cả nước.

- Phát triển bưu chính theo hướng Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường các trang thiết bị hiện đại, cơ giới hóa, tự động hóa. Dịch vụ bưu chính phát triển theo hướng đảm bảo nhu cầu thông tin liên lạc nhanh, hiệu quả và đảm bảo an toàn, bí mật thông tin.

b. Các chỉ tiêu tính toán

Căn cứ Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020.

Căn cứ Quyết định số 1532/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Căn cứ Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bảng: 3-9 Chỉ tiêu Thông tin liên lạc

TT

Danh mục

Ngắn hạn 2025

Ngắn hạn 2030

Dài hạn 2050

1

Sinh hoạt

30-40 thuê bao / 100 dân

30-40 thuê bao / 100 dân

40-50 máy cố định / 100 dân

2

Công cộng, dịch vụ

10% -20 % Psh

10% -20 % Psh

10% -20 % Psh

3

Công nghiệp

10 thuê bao/ 1ha

10 thuê bao/ 1ha

10 thuê bao/ 1ha

c. Dự báo nhu cầu sử dụng ngắn hạn 2030

Nhu cầu thuê bao cho sinh hoạt: 48.500 Thuê bao

Nhu cầu thuê bao cho thương mại, dịch vu: 11.000 Thuê bao

Nhu cầu thuê bao cho khu công nghiệp - cụm công nghiệp: 21.000 Thuê bao

Nhu cầu thuê bao cho nông nghiệp công nghệ cao: 8.000 Thuê bao.

d. Dự báo nhu cầu sử dụng dài hạn

Nhu cầu thuê bao cho sinh hoạt: 74.000 Thuê bao

Nhu cầu thuê bao cho thương mại, dịch vu : 14.000 Thuê bao

Hình 3-7: Bản đồ quy hoạch hệ thống thông tin liên lạc

b) Hạ tầng Giáo dục và Đào tạo: Tập trung đầu tư, nâng cấp mạng lưới trường, lớp học theo hướng đạt chuẩn quốc gia, chú trọng phát triển các điểm trường cho các xã vùng sâu vùng xa. Đẩy mạnh phát triển loại hình trường tư thục chất lượng cao ở các cấp học, các hạ tầng Giáo dục và Đào tạo đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

c) Hạ tầng Y tế: Đầu tư phát triển mạng lưới y tế trong vùng đảm bảo bổ sung trang thiết bị y tế hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện đa khoa, phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế xã, thị trấn, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của người dân. Nâng cấp và xây mới các trạm y tế xã. Bổ sung trang thiết bị y tế để đảm bảo tốt công tác khám và chữa bệnh cho nhân dân; Xây dựng khu xử lý rác thải y tế.

d) Hạ tầng Văn hóa, thể dục, thể thao: Đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa, Thể dục thể thao huyện Thuận Nam. Xây dựng hệ thống các công viên, khu văn hóa theo quy hoạch trung tâm hành chính huyện và khu đô thị Cà Ná; Xây mới Thư viện huyện; Khu liên hợp thể thao huyện theo quy hoạch trung tâm hành chính huyện. Nâng cấp và xây dựng mới các Cơ sở văn hóa và nhà sinh hoạt cộng đồng ở các, thôn Xã trong vùng. Lắp đặt các dụng cụ thể dục, thể thao ngoài trời tại các địa điểm công cộng, công viên, nhà văn hóa, khu sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn vùng.

3.5. Phát triển nguồn nhân lực

- Cải thiện kỹ năng cho lao động hiện có trên địa bàn, nhất là lao động chưa qua đào tạo; tập trung đào tạo, nâng cao kỹ năng cho nhóm lao động trong doanh nghiệp, lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn và cán bộ, công chức quản lý nhà nước; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến kinh tế biển, kỹ thuật công nghiệp…Bên cạnh việc đào tạo bổ sung nguồn nhân lực, còn thực hiện các cơ chế chính sách ưu đãi thu hút nguồn nhân lực từ ngoài vào Tỉnh.

- Thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo để triển khai chương trình đào tạo nghề phù hợp hơn với các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển trong vùng kinh tế; Xây dựng chương trình liên kết với các doanh nghiệp nhằm đưa sinh viên đến tham quan, thực hành, thực tập nâng cao kỹ năng nghề tại doanh nghiệp; khuyến khích chuyên gia, lao động có kỹ năng của doanh nghiệp trực tiếp tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực tập, đánh giá kết quả học tập của sinh viên trong quá trình thực tập.

Hỗ trợ người lao động mua, thuê nhà ở trong và gần các khu công nghiệp, thuận lợi tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục đối với các lao động đã có gia đình.

4. Định hướng phát triển các khu chức năng và quy hoạch sử dụng đất

4.1. Định hướng phát triển hệ thống đô thị

Hệ thống thống đô thị bao gồm các đô thị: Phước Nam, Sơn Hải và Cà Ná, với tam giác phát triển là Phước Nam - Cà Ná - Sơn Hải. Tập trung thu hút, tạo nguồn lực đầu tư các Khu đô thị mới Đầm Cà Ná, Khu đô thị mới phía Đông, Tây Quốc lộ 1A, Các khu dân cư Sơn Hải, Phước Nam.

Hình 4-1: Định hướng hệ thống đô thị

a) Đô thị Phước Nam

- Là đô thị huyện lỵ, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của huyện Thuận Nam. Trung tâm vùng trọng điểm kinh tế phía Nam của Tinh.

- Là đô thị công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp chất lượng cao, du lịch sinh thái.

- Phát triển Phước Nam đạt tiêu chuẩn đô thị loại V trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025, giai đoạn 2026-2030 sẽ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo các tiêu chí của đô thị loại IV. Định hướng trở thành thị xã giai đoạn sau năm 2030, tầm nhìn 2030-2050, có các kết nối chặt chẽ với đô thị Phước Dân ở phía Bắc. Trong đó trục đô thị Phước Dân - Phước Nam có thể được kết nối hoặc sáp nhập, hợp nhất trở thành chuỗi đô thị hợp nhất Phước Dân - Phước Nam, có thể trở thành cấu trúc của đô thị mới với trung tâm đô thị tại Phước Nam sớm đạt các tiêu chí của đô thị loại IV, trong giai đoạn này.

- Với định hướng phát triển đô thị Phước Nam là đô thị công nghiệp - hành chính mới, Phát triển đầu tư đồng bộ, hiện đại, phát triển năng động và có cơ chế chính sách tăng khả năng thu hút nguồn lực lao động cũng như nguồn vốn đầu tư phát triển hệ sinh thái cho công nghiệp, năng lượng, cảng biển, logistic.

- Khai thác hiệu quả các kết nối liên vùng, quốc gia và khu vực thông qua tuyến kết nối đường cao tốc Bắc Nam nối cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, quốc lộ 1A là đầu mối giao thương quan trọng của các trục hành lang kinh tế kết nối trong Tỉnh và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

- Khu trung tâm hành chính huyện Thuận Nam, xây dựng tại Phước Nam, tạo động lực phát triển đô thị trên cơ sở phát triển thương mại dịch vụ. Phát huy vị thế đầu mối giao thông khu vực phía Nam gắn kết với khu vực Phước Dân thông qua các tuyến đường trục Bắc Nam, hệ thống đường tránh đô thị Phước Dân và kết nối với tuyến đường trục chính đô thị đi Sơn Hải.

- Thu hút và phát huy vai trò của khu công nghiệp Phước Nam, cụm công nghiệp Hiếu Thiện và khu vực mở rộng dự kiến về phía Nam là động lực phát triển chính của đô thị Phước Nam. Đây là 1 trong những khu công nghiệp tập trung và trọng điểm của vùng kinh tế, tập trung phát triển các loại hình công nghiệp công nghệ cao, VLXD, chế biến nông lâm thủy sản, công nghiệp muối, sản phẩm sau muối, công nghiệp điện gió, điện mặt trời... Khu công nghiệp tạo cơ hội việc làm lớn, cần bố trí quỹ nhà ở và dịch vụ công nghiệp và là động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế xã hội trên phạm vi toàn vùng.

b) Đô thị Cà Ná

- Là đô thị cửa ngõ phía Nam của tỉnh, là cực phát triển quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

- Là đô thị công nghiệp, cảng biển, trung tâm logistic và năng lượng khí hóa lỏng, trung tâm công nghiệp - cảng biển phía Nam của Tỉnh gắn với cảng biển nước sâu Cà Ná.

- Phát triển đô thị Cà Ná đạt tiêu chuẩn đô thị loại V, là cực tăng trưởng quan trọng tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và tỉnh Ninh Thuận.

- Phát triển đô thị gắn với lồng ghép khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Phát triển các trung tâm mới của thị trấn, đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

- Cảng biển thương mại: Vận tải đường biển là một lợi thế của Cà Ná. Cảng biển Cà Ná được định hướng nâng cấp với công suất hàng hóa qua cảng 50 triệu tấn/năm, gắn với các dự án phát triển công nghiệp trong khu vực. Cảng cá Cà Ná được xem là cảng cá lớn nhất tỉnh Ninh Thuận. Cảng cá được đầu tư nâng cấp hạ tầng để từng bước hình thành Trung tâm nghề cá của tỉnh và khu vực.

- Công nghiệp và TTCN: Khu công nghiệp Cà Ná là một trong ba khu công nghiệp trọng điểm của Tỉnh, góp phần tạo động lực phát triển cho khu vực phía Nam tỉnh Ninh Thuận. Các loại hình công nghiệp phát triển gồm có: Công nghiệp nặng, chế biến hải sản, hải sản xuất khẩu, muối công nghiệp, đóng sửa tàu thuyền, sản xuất sửa chữa hệ thống điện gió, mặt trời....

- Công nghiệp năng lượng tái tạo, điện gió điện mặt trời, điện khí LNG... là những động lực thu hút nguồn lực phát triển công nghiệp của Tỉnh.

- Đánh bắt nuôi trồng thủy - hải sản: Với lợi thế có bờ biển dài, kết cấu hạ tầng phục vụ cho nuôi trồng và đánh bắt được quan tâm đầu tư, tiến bộ khoa học công nghệ bước đầu được áp dụng vào sản xuất.

- Điểm du lịch biển, dịch vụ du lịch: Cà Ná có lợi thế là cảnh quan bãi biển hoang sơ và danh thắng đẹp thu hút khách tham quan. Tuyến đường ven biển Ninh Thuận kéo dài đến Cà Ná và QL1 cũng đi qua khu vực Cà Ná là điều kiện thuận lợi để gắn kết các điểm du lịch và biển Cà Ná. Cà Ná là điểm trung tâm có thể hình thành quần thể du lịch và các tour du gắn với khu du lịch Ba Bể, cồn cát đỏ Nam Cương, hồ Tân Giang, suối nước nóng Nhị Hà...

c) Đô thị Sơn Hải

- Đô thị Sơn Hải là đô thị mới, đô thị dịch vụ du lịch, làng chài, cung ứng nguồn nhân lực phục vụ du lịch biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận. Có vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh quốc phòng.

- Xây dựng, phát triển Sơn Hải cơ bản đạt các tiêu chí là đô thị loại V và là thị trấn giai đoạn 2026-2030 và sau 2030, phát triển trở thành đô thị du lịch của Tỉnh, đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của Tỉnh. Phát triển đô thị Sơn Hải trở thành đô thị du lịch dịch vụ, kết hợp phát triển làng chài, nghề cá và trung tâm giống thủy sản của Tỉnh.

- Phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm làng chài.

- Có vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh quốc phòng.

- Sơn Hải là đô thị động lực trong tam giác phát triển vùng kinh tế phía Nam của Tỉnh đóng vai trò là khu vực đô thị du lịch và dịch vụ du lịch ven biển, có lợi thế về điều kiện vị trí thuận lợi, nằm giữa các khu vực du lịch ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận.

- Phát triển đô thị gắn với phát triển du lịch bền vững, kiểm soát khai thác nguồn lợi thủy sản đi đôi với bảo tồn hệ sinh thái ven biển. Hạn chế săn bắt thủy sản đánh bắt cá trong mùa sinh sản, không sử dụng phương pháp đánh bắt hủy diệt như nổ mìn...

- Phát triển đô thị bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và đảm bảo an ninh quốc phòng.

4.2. Định hướng phân vùng phát triển không gian các tiểu vùng

Hình thành và phát triển các tiểu vùng phù hợp tiềm năng, lợi thế từng vùng, gồm: (1) Tiểu vùng công nghiệp - năng lượng - cảng biển; (2) Tiểu vùng Du lịch - Dịch vụ phụ trợ; (3) Tiểu vùng Nông nghiệp Công nghệ cao; (4) Tiểu vùng bảo tồn.

Sơ đồ cơ cấu phân chia các tiểu vùng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Hình 4-2: Sơ đồ định hướng phân vùng phát triển không gian các tiểu vùng

4.2.1. Tiểu vùng công nghiệp - năng lượng - cảng biển

Nằm trên địa bàn các xã Phước Nam, Phước Minh, Cà Ná và xã Phước Diêm, tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và phụ trợ; Năng lượng (điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG); Cảng biển tổng hợp gắn với trung tâm logistic; Cảng biển nước sâu gắn với kinh tế hàng hải; Trung tâm nghề cá của vùng tại Cà Ná.

Hình thành các khu công nghiệp và năng lượng trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng và phát huy lợi thế trục hành lang kinh tế quốc gia (đường bộ, đường sắt cao tốc, quốc lộ 1, đường sắt Bắc Nam hiện hữu).

- Tập trung phát triển công nghiệp, các Khu, Cụm công nghiệp trên địa bàn, nhất là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và phụ trợ; Cảng biển tổng hợp gắn với trung tâm logistic; Cảng biển nước sâu gắn với kinh tế hàng hải; Trung tâm nghề cá của vùng tại Cà Ná. Phát triển các ngành năng lượng: điện mặt trời, điện gió, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG...

Hình 4-3: Định hướng phát triển tiểu vùng công nghiệp

4.2.2. Tiểu vùng Du lịch - Dịch vụ phụ trợ :

Nằm trên địa bàn xã Phước Dinh, tập trung phát triển các ngành du lịch biển, dịch vụ cảng biển và dịch vụ hậu cần nghề cá, vận tải biển.

- Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, thế mạnh của huyện, tạo giá trị gia tăng cao, nhất là các ngành dịch vụ biển, trọng tâm là du lịch biển, dịch vụ cảng biển và dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ thương mại, kinh doanh, vận tải biển, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng công nghiệp - dịch vụ.

- Tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ thương mại, phân phối theo hướng văn minh, hiện đại. Tập trung công tác giải phóng mặt bằng các dự án du lịch được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư (Khu du lịch Mũi Dinh Ecopark, Khu du lịch Cà Ná Start,…) đảm bảo sớm đưa dự án đi vào hoạt động tạo ra giá trị sản xuất cho ngành; kêu gọi đầu tư mới, mở rộng các trung tâm thương mại, chợ nông thôn tạo thuận lợi cho thương mại phát triển phù hợp với định hướng.

Hình 4-4: Định hướng phát triển tiểu vùng Dịch vụ - Du lịch

4.2.3. Tiểu vùng Nông nghiệp Công nghệ cao

Nằm trên địa bàn các xã An Hải, Phước Hải thuộc huyện Ninh Phước và thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh thuộc huyện Thuận Nam, tập trung phát triển sản xuất tôm giống ứng dụng công nghệ cao An Hải, vùng sản xuất tôm giống bố mẹ ứng dụng công nghệ cao Sơn Hải và nông nghiệp công nghệ cao.

Xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng CNC trên cơ sở tận dụng tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài và kết hợp với việc phát huy nội lực sẵn có của địa phương thông qua việc lồng ghép, vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước gồm: chính sách tam nông; chương trình xây dựng nông thôn mới; chủ trương tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp theo quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”; đồng thời tranh thủ các nguồn vốn từ các dự án để triển khai xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, giảm chi phí đầu tư, giảm công lao động; thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ mới nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm và xây dựng thương hiệu, gắn kết với tiêu thụ và từng bước mở rộng thị trường cho xuất khẩu.

Hình 4-5: Định hướng phát triển tiểu vùng Nông nghiệp công nghệ cao

4.2.4. Tiểu vùng bảo tồn

Nằm trên địa bàn các xã Phước Dinh, Phước Diêm, Nhị Hà, Phước Minh và 1 phần xã Cà Ná, tập trung phát triển rừng, nâng cao giá trị phòng hộ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học

Tiểu vùng bảo tồn là các khu vực rừng phòng hộ.

Hình 4-6: Định hướng phát triển tiểu vùng bảo tồn

- Xây dựng mô hình nông - lâm kết hợp, trồng cây vành đai và cây phân tán, mô hình chăn nuôi dưới tán rừng, ... góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc có đời sống kinh tế phụ thuộc vào rừng, qua đó góp phần giữ vững trật tự xã hội và an ninh, quốc phòng.

4.3. Định hướng quy hoạch sử dụng đất

Hình 4-7: Định hướng quy hoạch sử dụng đất Vùng KTTĐ phía Nam

Tính chất: là vùng kinh tế trọng điểm điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận. Là cửa ngõ phía Nam kết nối tỉnh Ninh Thuận với tỉnh Bình Thuận, là đầu mối giao thông liên vùng kết nối với vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ

Định hướng phát triển: Phát triển đa ngành gồm công nghiệp - năng lượng, thương mại, dịch vụ, du lịch biển. Phát triển trung tâm y tế, giáo dục, đào tạo cấp vùng.

Tiềm năng và động lực phát triển

- Phát triển đô thị - công nghiệp tập trung, công nghiệp cảng biển , Logistic.

- Phát triển công nghiệp điện năng lượng tái tạo : điện gió, điện gió ngoài khơi và điện mặt trời

- Phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển, rừng cấp vùng; du lịch thể thao mạo hiểm trên cát, du lịch trải nghiệm.

- Phát triển kinh tế biển, khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

- Phát triển du lịch văn hóa Chăm, tham quan làng nghề truyền thống, thể thao trên cát.

- Phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hình thành các vùng chuyên canh rau an toàn và giống thủy sản công nghệ cao . Phát triển các trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao

Bảng 4-1: Thống kê sử dụng đất vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

TT

Tên loại đất

Diện tích (ha)

Tỷ lệ (%)

 

A. Đất nông nghiệp

21.893,35

49,75

1

Đất trồng lúa và cây lâu năm

5767,18

13,11

2

Đất nông nghiệp công nghệ cao

1195,53

2,72

3

Đất rừng sản xuất

707,68

1,61

4

Đất rừng phòng hộ

12.782,00

29,05

5

Đất làm muối

1340,96

3,05

6

Đất nuôi trồng thủy sản

100,00

0,23

 

B. Đất phi nông nghiệp

20.312,79

46,40

1

Đất đô thị

2764,21

6,28

2

Đất ở nông thôn

2219,23

5,04

3

Đất công cộng

135,05

0,31

4

Đất xây dựng khu dân cư nông thôn

2175,56

4,94

5

Đất công nghiệp - TTCN

2396,87

5,45

6

Đất năng lượng

4537,98

10,31

7

Đất hỗn hợp nông nghiệp - năng lượng - du lịch

3676,93

8,36

8

Đất du lịch, thương mại dịch vụ

1481,3

3,37

9

Đất quân sự

30,44

0,07

10

Đất tôn giáo

1,42

0,00

11

Đất nghĩa trang

118,66

0,27

12

Đất cây xanh

505,17

1,15

13

Đất dự trữ phát triển

373,00

0,85

 

C. Đất khác

1.693,86

3,85

 

TỔNG

43.900

100,00

Tổng diện tích tự nhiên toàn vùng là 43.900 ha. Trong đó diện tích đất nông nghiệp là 21.893,35ha chiếm 49,75% ha tổng diện tích tự nhiên. Đất phi nông nghiệp là 20.312,79 ha chiếm 46,40% tổng diện tích tự nhiên. Còn lại là đất khác với 1.693,86ha chiếm 3,85% tổng diện tích khu vực nghiên cứu.

4.4. Định hướng phát triển các khu chức năng

4.4.1. Khu công nghiệp Phước Nam

Hình 4-8: Định hướng phát triển Khu công nghiệp Phước Nam

Được bố trí tại xã Phước Nam, Huyện Thuận Nam với quy mô diện tích là 738,6 ha.

Khu công nghiệp dự kiến mở rộng thêm để tạo ra quy mô đất công nghiệp đủ lớn, tạo giá trị sản xuất công nghiệp phù hợp với mục tiêu kinh tế của tỉnh.

Khu công nghiệp dự kiến đầu tư hạ tầng trong 2021-2030 với quy mô 752,36ha; tỷ lệ lấp đầy diện tích là khoảng 70%. Khu công nghiệp được quy hoạch là khu công nghiệp ít gây ảnh hưởng đến môi trường như lắp ráp điện tử, tin học, các ngành nghề công nghệ cao, các dự án phục vụ cho năng lượng tái tạo,sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất các máy cơ khí, máy công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm thủy sản; sản xuất hàng tiêu dùng.

4.4.2. Khu công nghiệp Cà Ná

Khu công nghiệp Cà Ná

Được bố trí tại xã Phước Diêm huyện Thuận Nam với quy mô diện tích là 827ha.

Khu công nghiệp dự kiến đầu tư hạ tầng trong giai đoạn 2021-2030 với quy mô 827 ha; tỷ lệ lấp đầy diện tích là khoảng 80%. Khu công nghiệp được quy hoạch là khu phát triển nhóm ngành năng lượng mới và năng lượng tái tạo để tận dụng nguồn tài nguyên gió và nắng của khu vực; Ngành cơ khí chế, tạo máy và một số ngành công nghiệp nặng.

Cụ thể các nhóm ngành như sau: Công nghệ năng lượng mới; Công nghệ cơ khí chế tạo; Công nghệ năng lượng tái tạo; Công nghệ năng lượng truyền thống; Công nghệ chế biến khoáng sản; Khu nghiên cứu và sản xuất thử, công nghiệp nặng khác.

Hình 4-9: Định hướng phát triển Khu công nghiệp Cà Ná

Khu công nghiệp Cà Ná mở rộng

Bố trí tại huyện Thuận Nam với quy mô diện tích là 329,3ha.

Khu công nghiệp này hình thành để khai thác các quỹ đất xen kẹt do phía trước là đất năng lượng của BIM phía sau là núi đá và rừng phòng hộ không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, du lịch hay phát triển đô thị

Phát triển mới KCN Cà Ná mở rộng với quy mô dự kiến là 329,3ha, dự kiến đầu tư xong hạ tầng trong giai đoạn 2021-2030 với quy mô: 329,3ha; và tỉ lệ lấp đầy diện tích đất đầu tư hạ tầng là khoảng 100%, diện tích nhà xưởng cho thuê hoặc kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp sẽ được lấp đầy khoảng 45%. KCN tập trung định hướng phát triển các nhóm ngành năng lượng mới và năng lượng tái tạo; nhóm ngành cơ khí chế, tạo máy và một số ngành công nghiệp nặng, logictic.

Hình 4-10: Định hướng phát triển Khu công nghiệp Cà Ná mở rộng

Cảng tổng hợp Cà Ná

Quy mô dự án : 566,93ha. Tại xã Phước Diêm huyện Thuận Nam.

- Cảng biển Cà Ná đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy mô và công năng là cảng tiếp nhận tàu hàng rời, tàu tổng hợp, container trọng tải đến 300.000 tấn; tàu hàng lỏng, tàu nhập khí hóa lỏng LNG trọng tải đến 100.000 tấn (theo các Văn bản số 111/TTg-CN ngày 20/01/2017 về việc điều chỉnh quy mô, quy hoạch khu bến cảng Cà Ná thuộc cảng biển Ninh Thuận và Văn bản số 399/TTg-CN ngày 31/03/2021 về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu bến cảng Cà Ná).

- Khu bến cảng Cà Ná là khu bến cảng nước sâu, có quy mô lớn, căn cứ theo quy định về phân loại cảng biển của Bộ Luật hàng hải Việt Nam kiến nghị đưa cảng biển Tổng hợp Cà Ná vào nhóm cảng biển loại I

- Cảng biển Cà Ná là cảng biển loại I, gồm các khu bến :

+ Phạm vi gồm: Vùng đất ven biển và vùng nước trong Vũng Cà Ná (KCN Cà Ná).

+ Chức năng: Phục vụ phát triển KCN Cà Nà và tổ hợp năng lượng điện khí (LNG), là đầu mối tiếp nhận, phân phối hàng hóa bằng đường biển, tạo động lực thu hút đầu tư vào các KCN trong vùng, đặc biệt là KCN Cà Ná, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Ninh Thuận.

+ Quy mô gồm: bến tổng hợp, bến hàng rời, bến hàng lỏng được phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường, khả năng huy động vốn của chủ đầu tư, đồng thời đảm bảo sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng kết nối đến cảng ( đặc biệt là luồn vào, đê chắn sóng,…)

+ Cỡ tàu: Tàu tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng trọng tải 100.000 DWT và có khả năng tiếp nhận tàu lớn nhất lên đến 300.000 DWT.

Hình 4-11: Vị trí và sơ đồ định hướng quy hoạch cảng biển Cà Ná

- Phạm vi liên kết khu vực vùng biển Ninh Thuận (cảng Cà Ná) với vùng biển Bình Thuận (cảng Vĩnh Tân).

- Vùng nước được giới hạn sau:

+ Về phía biển: Được giới hạn bởi các đoạn thẳng nối lần lượt các điểm CN1, CN2, VT1.

+ Về phía đất liền: Từ điểm CN1 chạy dọc theo đường bờ biển xuống phía Nam đến điểm VT1

+ Theo định hướng phát triển không gian vùng nước cảng biển, mở rộng phía biển theo hướng Nam tới các điểm CN3, CN4, VT2.

- Vùng đất phát triển quy hoạch theo nhu cầu lưu lượng hàng hóa, phương tiện thông qua theo từng giai đoạn.

Hình 4-12: Hệ thống đường thủy theo quy hoạch cấp trên

Đảm bảo tính đồng bộ và kết nối cao giữa cảng Cà Nà với dự án Trung tâm điện khí LNG Cà Ná và các hoạt động tại khu công nghiệp Cà Ná, đồng thời đáp ứng chủ trương, định hướng phát triển khu kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh;

- Bổ sung bến cảng tổng hợp Cà Ná vào quy hoạch cảng nhập và trung chuyển LNG quốc gia.

- Đảm bảo vai trò cảng biển nước sâu tiếp nhận tàu với trọng tải lớn với chức năng tiếp nhận hàng tổng hợp trọng tải đến 100.000DWT; container, hàng rời trọng tải đến 300.000 DWT; hàng lỏng trọng tải đến 50.000DWT và khí LNG trọng tải đến 100.000 DWT phục vụ phát triển kinh tế xã hội không chỉ riêng tỉnh Ninh Thuận mà còn cho cả nước.

Hình 4-13: Khu cảng tổng hợp Cà Ná

4.4.3. Trung tâm điện khí LNG

Tại Ninh Thuận ở khu vực Cảng tổng hợp Cà Ná, một Tổ hợp Điện khí thiên nhiên hóa lỏng được quy hoạch với tổng công suất đến 6000 MW. Theo đánh giá các điều kiện yêu cầu về mặt kỹ thuật, để phát triển Trung tâm điện lực LNG Cà Ná, khu vực Cà Ná được xác định là một trong những địa điểm tốt nhất của cả nước, vì cảng Cà Ná có độ sâu tự nhiên lớn, khối lượng nạo vét thấp, có khả năng xây dựng cảng nước sâu tiếp nhận tàu LGN thương mại lên đến 250.000m3, khu vực có địa chất tốt, không phải xử lý nền. Hơn nữa, vị trí cảng biển Cà Ná tiếp giáp với khu vực tổ hợp nhà máy điện khí 6000MW và khu công nghiệp Cà Ná, điều này sẽ thuận lợi cho việc bố trí xử lý giải pháp kỹ thuật chuyển hóa nguồn khí hóa lỏng đạt hiệu suất tối ưu, hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, vị trí Cà Ná cũng nằm ở Trung tâm nguồn NLTT của khu vực miền Trung nên việc hình thành tổ hợp điện khí LNG Cà Ná góp phần điều hòa, ổn định nguồn điện khu vực.

Trung tâm điện lực LNG Cà Ná, bao gồm tổ hợp nhà máy điện khí và kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng được xây dựng ở Khu Công nghiệp Cà Ná và xã Phước Diêm (Thuận Nam), với diện tích 163 ha trên bờ và 126 ha mặt nước, có quy mô 6.000 MW, với 4 nhà máy điện sử dụng nhiên liệu LNG nhập khẩu qua công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp. Vị trí cảng và tổng kho chứa LÂM NGHIệP được bố trí độc lập nằm cách xa khu dân cư, với công suất hoạt động từ 5 - 8 triệu tấn/năm; đáp ứng nhu cầu cho tàu có công suất 300.000 tấn nhập cảng.

Hình 4-14: Trung tâm điện khí LNG Cà Ná

4.4.4. Khu du lịch Mũi Dinh- Ecopark

Khu du lịch Mũi Dinh Ecopark nằm sát trục đường ven biển thuộc xã Sơn Hải, Phước Dinh, Thuận Nam. Có quy mô diện tích 766ha. Đây là khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí mang tầm cỡ quốc tế kết hợp kiến trúc đặc sắc, sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng du lịch cao. Khai thác du lịch gắn với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên

Khu du lịch Mũi Dinh là một trong 2 khu du lịch trọng điểm để phát triển và xây dựng thương hiệu cho du lịch Ninh Thuận. Bao gồm các khu chức năng chính : khu đua mô tô trên cát cấp quốc gia, khu thể thao mạo hiểm, khu nghỉ dưỡng, sân golf, vui chơi giải trí, thể thao biển (kéo dù, lướt sóng, dù lượn, ....). Khu du lịch Mũi Dinh gắn kết với khu du lịch đồi cát Nam Cương (Ninh Phước) thành khu du lịch sinh thái mạo hiểm leo núi quy mô lớn.

Hình 4-15: Vị trí khu du lịch Mũi Dinh - Ecopark

4.4.5. Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ

Dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ tại xã Phước Minh với quy mô 1340,96 ha. Diện tích muối giảm do việc sản xuất muối gây ra nhiễm mặn đất và ô nhiễm môi trường và chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác như phát triển năng lượng (điện gió, điện mặt trời)....

Hình 4-16: Vị trí khu sản xuất muối tập trung Phước Minh

Để nghề làm muối phát triển bền vững và hạn chế việc sản xuất muối tác động ô nhiễm đến môi trường cần ứng dụng một số mô hình và công nghệ mới như: phương pháp trao đổi ion,..

4.4.6. Khu nuôi tôm và sản xuất rau an toàn ứng dụng CNC An Hải

Khu sản xuất rau an toàn An Hải

Vùng sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao An Hải có quy mô 300ha. Được công nhận là vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Khu vực sản xuất rau an toàn sau thu hoạch theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hình : Vị trí khu vực sản xuất rau an toàn An Hải

Các công nghệ ứng dụng:

Sử dụng giống rau sạch bệnh, năng suất và chất lượng cao, kháng bệnh tốt theo phương pháp nhân giống invitro hoặc từ hạt giống có sử dụng công nghệ bao bọc hoặc cây giống ghép;

Sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt;

Ứng dụng công nghệ thâm canh và quản lý cây trồng tổng hợp (ICM);

Ứng dụng công nghệ nhà lưới và nhà màng có hệ thống bán tự động trong sản xuất rau an toàn;

Ứng dụng công nghệ thủy canh và trồng cây trên giá thể;

Cơ giới hóa trong khâu làm đất, đóng túi bầu, sản xuất cây giống, gieo trồng, tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu, bệnh hại, sơ chế và bảo quản;

Ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm bằng phương pháp tưới nhỏ giọt và phun mưa bán tự động có kết hợp cung cấp dinh dưỡng và phun phòng, trừ sâu, bệnh hại;

Ứng dụng công nghệ phân bón nhả chậm, phân nano, phân hữu cơ vi sinh, phân vi sinh trong quản lý dinh dưỡng tổng hợp (INM) và chế phẩm sinh học (chế phẩm vi sinh và chế phẩm thực vật) trong quản lý dịch hại tổng hợp (IPM);

Ứng dụng công nghệ bảo quản lạnh nhanh kết hợp với chất hấp thụ etylen và tạo màng trong bảo quản rau tươi.

Khu sản xuất tôm giống CNC An Hải

Vùng sản xuất tôm giống ứng dụng công nghệ cao An Hải có quy mô 240ha. Được công nhận là vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết số 110/2021/NQ-HĐND ngày 11/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận.

Vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ An Hải là vùng đất cát ven biển xã An Hải, huyện Ninh Phước, có điều kiện cơ sở hạ tầng rất tốt và ổn định, thuận tiện giao thông, nằm dọc 2 bên đường lộ ven biển Phan Rang - Cà Ná, nguồn điện ổn định, nằm cách xa khu dân cư và các khu công nghiệp, môi trường đất và nước không bị nhiễm bẩn bởi các chất thải từ khu dân cư, khu công nghiệp, bến cảng và thuốc bảo vệ thực vật. Hiện tại trên vùng đất này đã có hàng trăm cơ sở và doanh nghiệp sản xuất tôm giống hoạt động sản xuất kinh doanh trong vùng, tổng diện tích các cơ sở và doanh nghiệp sản xuất giống, các cơ sở đều áp dụng công nghệ hiện đại trong kiểm soát môi trường nuôi, sử dụng các chế phẩm sinh học trong kiểm soát dịch bệnh và sử lý môi trường, nhờ ứng dụng các công nghệ hiện đại mà các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất giống tại đây đã tạo ra con giống chất lượng cao, phục vụ sản xuất thủy sản trên địa bàn toàn quốc.

Đã hình thành tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. Đưa trung tâm sản xuất giống An Hải trở thành trung tâm giống của cả nước và xây dựng thương hiệu tôm giống Ninh Thuận trở thành trung tâm giống thủy sản chất lượng cao của cả nước trong những năm tiếp theo.

Hình : Vị trí khu vực sản xuất tôm giống CNC An Hải

Các công nghệ ứng dụng:

Sản xuất theo quy phạm thực hành nông nghiệp tốt;

Ứng dụng công nghệ thâm canh và siêu thâm canh trong sản xuất tôm giống các loại;

Ứng dụng công nghệ sinh sản nhân tạo bằng việc sử dụng các chất kích dục tố như: Hybophis, IUHCG,…;

Ứng dụng công nghệ hệ thống lọc tuần hoàn (RAS) và ứng dụng công nghệ Biofloc  trong việc tái sử dụng nguồn nước và xử lý môi trường trong sản xuất tôm giống;

Cơ giới và bán tự động hóa trong kiểm soát chất lượng nguồn nước, điều tiết dưỡng khí, cung cấp và điều tiết lượng thức ăn, thu hoạch và vận chuyển con giống đến nơi nuôi thương phẩm;

Ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường thủy sản, nâng cao tỷ lệ sống, sức đề kháng và phòng trừ bệnh của tôm giống.

5. Dự báo các vấn đề môi trường và giải pháp đảm bảo môi trường khi thành lập Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận.

5.1. Dự báo các vấn đề môi trường

5.1.1. Xác định các yếu tố, thành phần của đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Ninh Thuận có ảnh hưởng đến môi trường

Để vùng kinh tế trọng điểm phia Nam trở thành một trong những địa điểm hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư (trong và ngoài nước), thời gian tới khi vùng KTTĐ được phê duyệt thành lập, sẽ có rất nhiều hoạt động có ảnh hưởng đến môi trường tại vùng KTTĐ này với mức độ khác nhau.

Các yếu tố, thành phần khi thành lập vùng KTTĐ có ảnh hưởng đến môi trường được tổng hợp theo bảng dưới đây, đó là:

Bảng 5-1: Bảng dự báo tác động tới môi trường chủ yếu khi thành lập vùng KTTĐ phía Nam

TT

Hoạt động của khu KTTĐ

Các thành phần môi trường

Đời sống của dân địa phương

Đất

Nước mặt

Nước ngầm

Không khí

Chất thải

Tiếng ồn

1

Chuyển đổi sử dụng đất

m

tb

n

 

tb

 

m

2

Phát triển dân số

m

m

m

m

m

n

n

3

Phát triển hệ thống giao thông

n

n

 

m

 

m

t

4

Phát triển công nghiệp

tb

tb

tb

tb

tb

tb

t

Phát triển nông nghiệp

m

tb

tb

n

tb

n

t

5

Phát triển thương mại- DV

n

tb

tb

n

tb

tb

t

6

Phát triển nhà ở

n

m

m

n

m

m

t

7

Phát triển hệ thống cấp nước

n

 

m

 

 

 

t

8

Phát triển hệ thống thoát nước

n

m

tb

 

n

 

t

9

Phát triển hệ thống cấp điện

n

 

 

 

 

 

t

10

Phát triển cây xanh

t

t

t

t

 

t

t

 

Chú thích:

- Tác động tiêu cực: “n” - nhẹ “tb” - trung bình “m” - mạnh

- Tác động tích cực: “t”

5.1.2. Đánh giá các tác động (tích cực và tiêu cực) đến khi thành lập vùng KTTĐ phía Nam

a. Trong giai đoạn chuẩn bị và thi công xây dựng cơ sở hạ tầng:

Giai đoạn chuẩn bị và xây dựng cơ sở hạ tầng khi thành lập vùng KTTĐ phía Nam sẽ bao gồm các hoạt động chính sau:

- Đền bù và san lấp mặt bằng

- Xây dựng hệ thống đường giao thông

- Xây dựng hệ thống thoát nước mưa

- Xây dựng hệ thống cấp nước

- Xây dựng hệ thống cấp điện

- Xây dựng hệ thống thoát nước thải và trạm xử lý nước thải

- Xây dựng trạm xử lý và điểm trung chuyển xử lý rác thải.

- Xây dựng nhà ở và hệ thống các phân khu chức năng.

- Trồng cây xanh,...

Các hoạt động này sẽ có tác động đến: (i) Thay đổi hệ sinh thái khu vực khi khai thác đất và san lấp mặt bằng; (ii) Tác động của bụi đất, bụi đá trong quá trình vận chuyển, thi công tới người công nhân lao động trực tiếp, nhân dân sống xung quanh và hệ thực vật; (iii) Tác động do khí thải đốt nhiên liệu (xăng, dầu,...) của các phương tiện vận tải, máy móc thi công san ủi mặt bằng. Loại tác động này thường không lớn do nguồn ô nhiễm phân tán trong môi trường rộng thoáng; (iv) Ô nhiễm tiếng ồn, rung từ các phương tiện giao thông và máy móc thi công trên công trường; (v) Ô nhiễm do nước thải sinh hoạt của công nhân xây dựng. Tuy nhiên, nước thải loại này có lưu lượng thấp, chỉ gây ô nhiễm ở mức độ cục bộ và không liên tục; (vi) Ô nhiễm do nước mưa chảy qua các công trình/khu vực đang thi công có thể cuốn theo đất đá, rác thải, dầu mỡ rơi vãi xuống biển hoặc kênh mương tưới tiêu trong khu vực vùng KTTĐ phía Nam; (vii) Ô nhiễm do chất thải rắn từ các hoạt động xây dựng chủ yếu là sắt vụn, gỗ cốp pha, rác thải sinh hoạt,...

Về tổng thể, trong giai đoạn chuẩn bị và đặc biệt là trong giai đoạn thi công xây dựng các công trình, các phân khu chức năng sẽ tạo ra nhiều tác động có hại đến môi trường và sức khỏe của người công nhân cũng như dân cư xung quanh, trong đó tác hại nhiều nhất ô nhiễm bụi và tiếng ồn. Do vậy, trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư và chính quyền địa phương cần xây dựng kế hoạch một cách khoa học, cụ thể nhằm giảm thiểu các tác động có ảnh hưởng xấu đến môi trường như: sự gia tăng về ô nhiễm bụi, ồn và các tai nạn lao động.

b. Trong giai đoạn vận hành, đưa vùng KKTĐ phía Nam vào vận hành

Tác động đến môi trường không khí

- Khí thải do các hoạt động sản xuất: Khói được thải ra từ các hệ thống đốt nhiên liệu (chẳng hạn như: nồi hơi lò đốt, máy phát điện có sử dụng các loại nhiên liệu đốt lẵng, dầu DO, dầu FO,…) và sinh ra khí thải với các thành phần chủ yếu là bụi, SOx, NOx, CO, CO2,…

Các loại khí thải từ dây chuyền sản xuất với các thành phần khí thải rất khác nhau, phụ thuộc vào từng loại công nghệ được sử dụng trong sản xuất. Chẳng hạn như: NH3, Cl2 (trong chế biến thực phẩm), HCl (trong gia công kim loại, điện tử), HF (trong sản xuất vật liệu xây dựng), NO, SO2, NO2, CxHy (trong ngành tàu biển), các chất hữu cơ bay hơi (trong gia công đồ gia dụng, mỹ nghệ), CO, CO2 (trong chế biến),...

- Khí thải từ các hoạt động giao thông vận tải: Khi các khu chức năng trong KKT ven biển Cà Ná cùng đi vào hoạt động, lưu lượng xe hoạt động trong khu vực ngày sẽ tăng cao, và do đó sẽ sinh ra lượng khí thải đáng kể. Thành phần khí thải của các phương tiện giao thông vận tải bao gồm: bụi, SOx, Nox, Pb, THC.

- Khí thải từ các hoạt động khác: Các hoạt động khác như xử lý nước thải (bể aeroten, hồ điều hoà), khu vực tồn trữ, đốt rác… cũng như sinh ra các chất ô nhiễm như NH3, H2S, CH4, Mercaptan,...

Tác động đến môi trường nước

- Việc vận hành các khu chức năng trong vùng KTTĐ phía Nam cùng với việc cải tạo cống, khơi thông kênh,... có thể có tác động đáng kể đến chất lượng nước, an toàn, và gián đoạn giao thông trong quá trình hoạt động tùy thuộc vào loại (thiết kế) của các khu chức năng, thệ thống cống và tiến độ/cách thức thi công được xây dựng trong nghiên cứu khả thi.

- Việc vận hành một số công trình ở khu vực sát biển có thể có tác động đến chất lượng nước chủ yếu là do nạo vét khi các trầm tích dưới đáy bị khuấy động và tạo ra chất rắn lơ lửng trong nước. Việc lắng lại các trầm tích bị ô nhiễm với các chất hữu cơ và/hoặc vô cơ có thể làm giảm DO, tăng BOD/COD và nitơ và/hoặc phốt pho (N/P), và vi khuẩn coliform. Trong khu vực đất acid sulfate, pH có thể là thấp và nồng độ kim loại có thể cao hơn. Lượng kim loại nặng và dầu mỡ cũng có thể được xuất hiện do sự lắng lại đất đã bị ô nhiễm với các thành phần này. Ngoài ra, nước thải từ khu vực có đất thải và/hoặc nước từ các rãnh có tính axit cao có thể và thêm trầm tích vào cột nước.

- Từ các hoạt động khác: thải bỏ và/hoặc rò rỉ dầu, chất thải và các vật liệu độc hại có thể góp phần đáng kể vào việc ô nhiễm nước nếu không được quản lý đúng cách. Xử lý vật liệu xây dựng (cát, đất, xi măng,...) cũng có thể tạo ra tác động đáng kể. Xả chất thải từ công nhân lao động và người dân trong khu KTTĐ cũng là một nguồn quan trọng và có thể gây nguy cơ, tác động tới sức khỏe. Nước ô nhiễm từ các nguồn khác bao gồm cả các trận lũ cũng có thể tạo ra vấn đề với chất lượng nước. Thay đổi tính chất của nước (DO, pH) và tải lượng ô nhiễm cao (SS, N, P,...) có thể tạo ra tác động tiêu cực đến người sử dụng nước ở hạ nguồn và/hoặc địa điểm xây dựng. Những tác động này được coi là quan trọng và cần phải được giảm thiểu.

Tác động của chất thải công nghiệp trong vùng KTTĐ phía Nam tới môi trường

- Đối với nước thải công nghiệp: Nước thải công nghiệp được tạo ra từ các quá trình sản xuất của các nhà máy hoạt động trong vùng KTTĐ. Vùng KTTĐ phía Nam dự kiến thu hút các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chiến lược như: công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp năng lượng, công nghiệp khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng : điện; công nghiệp nặng; các ngành công nghiệp phụ trợ ( cho ngành năng lượng) kèm theo; công nghiệp sản xuất muối và hóa chất sau muối; các ngành tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống; dịch vụ cảng biển, logistics, dịch vụ hậu cần nghề cá; . Tuỳ theo từng loại công nghệ sản xuất mà nước thải có thành phần và nồng độ các chất ô nhiễm khác nhau.

- Chất thải rắn công nghiệp được sinh ra từ các hoạt động sản xuất của các nhà máy trong vùng KTTĐ phía Nam. Thành phần chất thải rắn phụ thuộc vào từng loại hình công nghệ sản xuất, bao gồm: chất thải vô cơ, chất rắn có chứa dầu, chất thải rắn chứa hóa chất vô cơ, chất thải rắn có khối lượng lớn độ độc nhỏ, chất thải rắn có khả năng truyền nhiễm. Khi thải vào môi trường, các chất thải này sẽ phân hủy hoặc không phân hủy làm tăng nồng độ độc hại làm ô nhiễm nguồn nước, gây hại cho hệ vi sinh vật đất, tác động trực tiếp đến môi trường sống. Do vây việc thu gom và các biện pháp xử lý chất thải rắn công nghiệp một cách đồng bộ là rất cần thiết trong quá trình vận hành sản xuất trong khu KTTĐ này.

Các tác động khác trong quá trình vận hành vùng KTTĐ phía Nam tới môi trường

- Tiếng ồn và độ rung: Tiếng ồn và độ rung sinh ra trong quá trình sản xuất tại các nhà máy, doanh nghiệp cũng như ở các phương tiện vận tải, máy móc thi công có tác động ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe của người công nhân lao động trực tiếp.

- Sự cố môi trường: sự cố rò rỉ, sự số cháy nổ dẫn đến thiệt hại rất lớn về kinh tế - xã hội cũng như đối với hệ sinh thái trong và ngoài vùng KTTĐ phía Nam.

Tác động của hình thành vùng KTTĐ phía Nam tới hệ tài nguyên sinh thái

Khu vực đầu tư xây dựng các khu chức năng trong vùng KTTĐ phía Nam là các khu đất đã được phê duyệt quy hoạch là đất phi nông nghiệp và đất nông nghiệp (được chuyển đổi mục đích sử dụng). Đất nông nghiệp được chuyển đổi chủ yếu là đất trồng lúa, cây lâu năm, cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản và một phần đất ven biển (đất phi nông nghiệp) nên sẽ có tác động nhất định đến môi trường tự nhiên do phải tôn nền với quy mô lớn. Có thể làm thay đổi hệ sinh thái ngập mặn ven biển. Do vậy, sẽ phải có đánh giá tác động môi trường kỹ trong quá trình lập dự án, đặc biệt là việc tác động đến yếu tố nước biển dâng do vùng ngập mặn bị thu hẹp, tác động tới đa dạng sinh học. Trong các khu công nghiệp, cần quy hoạch cây xanh cách ly với diện tích hợp lý và đồng thời cải tạo hệ thống thoát nước nhằm đảm bảo không ảnh hưởng môi trường xung quanh khu công nghiệp.

Như vậy, dựa trên phân tích dữ liệu cơ bản về thực trạng các thành phần môi trường tự nhiên (phần thứ nhất), khảo sát thực tế khu vực triển khai đề án, định hướng phát triển vùng KTTĐ phía Nam, cũng như các giải pháp thực hiện có thể xác định những tác động tích cực và tiêu cực đối với môi trường khu vực nghiên cứu như bảng ...

Bảng 5-2 sơ bộ nhận diện các tác động tiềm tàng được theo từng giai đoạn thực hiện của đề án. Mức độ tác động được phân loại như sau: Không (K) - không có tác động; Thấp (T)- Tác động thấp: tác động nhỏ, cục bộ và tạm thời và có thể bỏ qua; Trung bình (TB) - Tác động trung bình: Mức độ tác động vừa phải, cục bộ, tạm thời và nên áp dụng các biện pháp giảm thiểu; Cao (C): Nguy cơ tác động cao đến môi trường và xã hội và những tác động này chỉ có thể được kiểm soát và giảm thiểu nếu áp dụng các biện pháp giảm thiểu thích hợp. Các tác động còn lại của đề án, sau khi đã thực hiện các biện pháp giảm thiểu được đánh giá là không đáng kể.

Bảng 5-2: Bảng dự báo tác động môi trường của đề án thành lập vùng KTTĐ phía Nam

Giai đoạn

Môi trường vật lý

Môi trường sinh học

Môi trường xã hội

Tác động khác

 

Không khí, tiếng ồn, độ rung

Đất, nước

Chất thải rắn, bùn thải

Rừng, khu cư trú tự nhiên

Thủy sinh vật sông, biển

Thu hồi đất, tái định

Dân tộc bản địa

Tài nguyên văn hóa vật thể

Sinh kế, xáo trộn cộng đồng

Ngập úng/giao thông đường thủy/an toàn

Những tác động bên ngoài

Chuẩn bị

T

TB

TB

N

N

N

K

N

N

N

TB

Thi công

TB

TB

L

TB

N

N

K

N

TB

TB

TB

Vận hành

TB

T

TB

N

N

N

K

N

N

TB

TB

Mặc dù, việc xây dựng và vận hành vùng KTTĐ phía Nam thời gian tới có thể dẫn tới một số tác động tiêu cực tới môi trường nếu như không có kế hoạch và các biện pháp phòng ngừa kịp thời, hiệu quả. Tuy nhiên, việc đưa vùng KTTĐ phía Nam vào hoạt động lại có tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế và xã hội của khu vực này, đó là:

- Sự phát triển của vùng KTTĐ phía Nam sẽ góp phần tạo lực hút cho một cực tăng trưởng kinh tế địa phương, tăng cường kết nối giao thông giữa các khu vực trong và ngoài vùng qua đường bộ, đường thủy và đường sắt, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội khu vực.

- Sự phát triển của vùng KTTĐ phía Nam sẽ cải thiện hệ thống hạ tầng (nâng cấp các tuyến đường nội bộ, xây dựng hệ thống cấp nước, thoát nước, cấp điện cho khu dân cư để kết nối giao thông khu vực) và quá trình đô thị hóa cho khu vực và người dân.

- Việc hình thành vùng KTTĐ phía Nam sẽ góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương và các vùng lân cận. Thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, tạo dựng cảnh quan mới cho khu vực, cải thiện điều kiện văn hóa xã hội văn minh cho khu vực, đóng góp một phần đáng kể cho ngân sách địa phương.

- Nâng cao năng lực thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch, cấp điện cho khu vực.

- Cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, cảnh quan sinh thái khu vực, nâng cấp hệ thống thoát nước nhằm giảm thiểu tình trạng ngập úng, xây dựng hệ thống thu gom nước thải và cải thiện các điều kiện vệ sinh môi trường.

5.2. Giải trình khả năng đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường

5.2.1. Những nguyên tắc cơ bản trong công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường

Khu vực có cảnh quan đẹp độc đáo, có 3 loại hình cảnh quan: khu vực cảnh quan ven biển, cảnh quan đồi núi, cảnh quan hoang mạc vì vậy trong quá trình hình thành và phát triển vùng KTTĐ phía Nam cũng cần lưu ý tới công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường. Việc thành lập dựa trên các nguyên tắc cơ bản sau:

- Phải đảm bảo phát triển kinh tế luôn song hành với đảm bảo cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo kiểm soát được ở mức độ cao nhất những xung đột môi trường có thể xảy ra trong giai đoạn 2021 - 2030.

- Phát triển kinh tế trong vùng KTTĐ phía Nam không thể tách rời với các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển đang dâng lên.

- Việc bảo vệ tài nguyên, môi trường không chỉ được lồng ghép chặt chẽ trong đề án, thể hiện từ khâu thiết kế, xây dựng cho đến thực hiện, mà còn cần chuyển sang mô hình vùng KTTĐ phía Nam theo hướng xanh, bền vững, cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn.

- Bảo vệ môi trường phải dựa trên nguyên tắc chủ động phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường và kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái; bảo tồn thiên nhiên ven biển, đặc biệt chú ý đến môi trường ven biển gắn với nuôi trồng thủy hải sản và du lịch nghỉ dưỡng.

5.2.2. Các giải pháp bảo vệ môi trường

Để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường như đã phân tích ở trên, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ chủ động và chỉ đạo thực hiện quyết liệt một số giải pháp như sau:

a. Trong quá trình quy hoạch các khu chức năng trong vùng KTTĐ

- Trong quá trình lập quy hoạch, yêu cầu phải dành một phần quỹ đất (trên mức tối thiểu theo chuẩn quy định) cho hệ thống cây xanh, hệ thống thu gom và thoát nước mưa, thoát nước và nước thải,…

- Các công ty xây dựng hạ tầng các phân khu chức năng, đặc biệt là khu công nghiệp, cần tuân thủ quy hoạch. Đặc biệt, ưu tiên xây dựng hệ thống cây xanh ngay từ giai đoạn đầu xây dựng hạ tầng các phân khu chức năng, và xây dựng theo phương thức cuốn chiếu, hạn chế “đào, lấp” ở một khu vực nhiều lần. Hệ thống cây xanh có vai trò quan trọng, đảm bảo môi trường cho vùng kinh tế trọng điểm. Hệ thống cây xanh gồm: cây xanh bóng mát trục đường, vườn hoa, công viên, cây xanh phòng hộ, cây xanh cách ly. Hệ thống cây xanh cách ly được trồng thành thảm cây xanh nằm giữa các phân khu chức năng với khu vực xung quanh (đặc biệt là khu vực dân cư sinh sống, khu vực công cộng) có tác dụng quan trọng trong quá trình xử ly hạn chế khí thải và tiếng ồn của các nhà máy, các cơ sở kinh doanh với các khu lân cận.

- Các công ty xây dựng hạ tầng phân khu chức năng trong vùng KTTĐ phía Nam (đặc biệt là công ty xây dựng hạ tầng khu công nghiệp) cần tiến hành phân nhóm các nhà máy, cơ sở sản xuất theo mức độ nguy cơ ô nhiễm (từ nặng tới nhẹ) và bố trí theo các cụm gần nhau để giúp cho việc quản lý và giảm sát hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, các công ty xây dựng hạ tầng phân khu chức năng trong vùng KTTĐ phía Nam (đặc biệt là công ty xây dựng hạ tầng khu công nghiệp) cần đảm bảo khoảng cách khi bố trí các nhóm nhà máy, các cơ sở kinh doanh hoặc giữa các nhà máy, các cơ sở kinh doanh với nhau để đảm bảo cho sự thông thoáng giữa các công trình.

- Cùng với việc đảm bảo tỉ lệ cây xanh theo thiết kế quy hoạch, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cần kết hợp trồng cây xanh trong khuôn viên nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sẽ giúp giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường, cải thiện

b. Giải pháp hạn chế tác động tiêu cực đến thành phần môi trường và kinh tế-xã hội

- Đối với môi trường nước: nước thải công nghiệp, nông nghiệp phải được xử lý tập trung và triệt để, đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn trước khi xả thải vào nguồn tiếp nhận. Đặc biệt nước thải của vùng KTTĐ phía Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường trước khi thực hiện xả thải ra môi trường sông biển, không làm ảnh hưởng đến môi trường nước sông biển, các khu vực cư trú thủy sinh được bảo vệ.

- Đối với môi trường không khí: Các nhà máy đặt trong khu quy hoạch phải xử lý bụi, khí độc hại bằng các thiết bị khử bụi, khử khí độc hại hiện đại đạt tiêu chuẩn vệ sinh và tiêu chuẩn khí thải công nghiệp.

- Hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái môi trường. Sử dụng hợp lý, có hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên. Nhanh chóng triển khai thực hiện các dự án cấp nước tại các địa bàn trọng điểm. Lập dự án kêu gọi đầu tư vào các công trình cấp nước.

- Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong vùng KTTĐ trước và sau khi đầu tư vào vùng KTTĐ về vấn đề môi trường. Các dự án đầu tư vào vùng KTTĐ phải đăng ký cam kết về bảo vệ môi trường và phải hoàn thiện các công trình xử lý đảm bảo môi trường trước khi đi vào hoạt động.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; có biện pháp thưởng, phạt thích đáng những doanh nghiệp vi phạm pháp luật về môi trường. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng với các doanh nghiệp và địa phương về bảo vệ môi trường.

- Thực hiện nghiêm ngặt, đầy đủ và thường xuyên các yêu cầu về đánh giá tác động môi trường đối với tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh du lịch, dịch vụ trong vùng KTTĐ ngay từ lúc bắt đầu hình thành cũng như trong suốt quá trình hoạt động:

+ Những nhà máy đặt trong khu quy hoạch cần lựa chọn dây chuyền công nghệ hợp lý, hiện đại và có biện pháp xử lý vận hành tiên tiến. Cụ thể là chọn dây chuyền làm sạch về môi trường, nguyên liệu ít độc hại và dây chuyền công nghệ khép kín, ít chất thải để hạn chế lãng phí nguyên liệu và bảo vệ môi trường.

+ Nên bố trí các nhà máy cùng loại vào một khu vực để tiện cho việc cung cấp nguyên liệu cũng như xử lý chất thải.

- Có quy hoạch, đầu tư xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn và các công trình xử lý chất thải rắn của vùng KTTĐ.

- Tăng cường công tác quan trắc, kiểm soát ô nhiễm đối với các cơ sở sản xuất, đặc biệt là đối với các nguồn thải chính, có nguy cơ ô nhiễm cao và những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

- Nghiên cứu, xây dựng mạng lưới quan trắc chất lượng nước trên vùng biển. Áp dụng công nghệ tiên tiến trong công tác giám sát và cảnh báo.

- Tuyên truyền và hạn chế việc sử dụng hóa chất, kháng sinh bị cấm trong nuôi trồng thủy sản. Tiến hành nuôi theo công nghệ sạch, nuôi bền vững để sản xuất thủy sản có chất lượng cao, sạch bệnh.

- Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học như: sử dụng chế phẩm sinh học, công nghệ sinh học biogas nhằm giảm mùi hôi, diệt khuẩn có hại, xử lý chất thải chăn nuôi. Đặc biệt tăng khả năng phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi giúp nâng cao hiệu quả sản xuất.

- Xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao - một trong những giải pháp bảo vệ môi trường trong nông nghiệp hàng đầu hiện nay.

- Thực hiện đánh giá tác động tích lũy và tiến hành các giải pháp tương ứng: Tại các lưu vực sông thuộc địa bàn của vùng, tại khu vực này tập trung đông dân cư và các khu công nghiệp, do vậy việc đánh giá tác động tích lũy cần phải được xem xét và các thông tin liên quan đến đầu tư/các hoạt động trong khu vực dự án được sử dụng để đánh giá tác động tích lũy có thể ảnh hưởng đến mục tiêu dự án. Cần tiến hành khảo sát các tác động tích lũy do tác động gia tăng, trên diện tích hoặc nguồn tài nguyên được sử dụng hoặc tác động trực tiếp của dự án do các hoạt động phát triển hiện tại, theo kế hoạch hoặc phù hợp tại thời điểm đánh giá rủi ro và tác động. Bên cạnh đó, thường xuyên thực hiện quan trắc và giám sát chất lượng các thành phần môi trường theo đúng quy định của pháp luật, cụ thể: (i) Xây dựng chương trình quản lý và giám sát chất lượng môi trường; (ii) Xây dựng chương trình giám sát chất lượng môi trường không khí; (iii) Xây dựng chương trình giám sát chất lượng môi trường nước; (iv) Xây dựng chương trình giám sát môi trường đất; và (v) Xây dựng chương trình công tác bảo hộ lao động và sức khỏe cộng đồng.

- Tại các điểm du lịch: sự gia tăng của các hoạt động du lịch sẽ kéo theo sự gia tăng đáng kể về khối lượng chứa chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, chất thải rắn từ khách du lịch là nguồn thải khó kiểm soát. Về thành phần rác thải gồm lon đồ hộp, túi nilon, thức ăn thừa. Biện pháp thu gom rác được thực hiện như sau: (i) Đặt các thùng chứa rác tại khu vực bãi biển, khu công viên dọc bờ biển để du khách bỏ rác được thuận tiện; (ii) Tăng cường công tác thu gom và xử lý chất thải rắn của Công ty môi trường đô thị; (iii) Bố trí nhân lực thu dọn rác dọc theo bờ biển đảm bảo rác thải không trôi nổi trên mặt biển.

c. Phương án đầu tư, xây dựng và vận hành các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường

Thực hiện giải pháp bảo vệ môi trường cho vùng KTTĐ phía Nam, tỉnh Ninh Thuận sẽ phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư (chủ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng các phân khu chức năng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, khu dân cư,…) thực hiện xây dựng đồng bộ: hệ thống thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải rắn; hệ thống thu gom và thoát nước mưa; hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải; mạng lưới các điểm quan trắc chất lượng môi trường xung quanh; quy hoạch diện tích cây xanh; các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.

- Giải quyết triệt để vấn đề thu gom và xử lý nước thải. Trong vùng KTTĐ phải có các trạm xử lý nước thải, tiến tới xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo tiêu chuẩn tiên tiến, tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường và các tiêu chuẩn Việt Nam. Thực hiện có hệ thống công tác thu gom, vận chuyển và lưu giữ tạm thời chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại; nhanh chóng tìm ra biện pháp xử lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại. Thường xuyên tiến hành phân tích, giám sát chất lượng môi trường nhằm đảm bảo xử lý kịp thời các sự cố về môi trường.

- Trồng cây xanh cách ly giữa các nhà máy, giữa khu công nghiệp và khu dân cư, xung quanh công trình làm sạch nước thải và khu xử lý chất thải rắn.

- Xác định chất lượng bùn/trầm tích cần phải nạo vét, đặc biệt là liên quan tới sự hiện diện của các nguồn ô nhiễm (đặc biệt là các loại vật liệu nguy hại, nồng độ kim loại nặng);

d. Phương án di dân, tái định cư

Như vậy, ngay sau khi được phép thành lập vùng KTTĐ phía Nam, tỉnh sẽ chỉ đạo sát sao việc thương lượng và đền bù thỏa đáng cho người dân ở những địa điểm cần lấy đất để mở rộng sản xuất, kinh doanh nhằm đảm bảo ổn định trật tự xã hội và đảm bảo “an cư, lập nghiệp” cho người dân mất nhà cửa dưới hình thức hóan đổi đất (theo cơ chế mà tỉnh đã thực hiện nhiều năm nay). Việc đền bù, giải pháp mặt bằng, di dân, tái định cư là những nhiệm vụ được chính quyền tỉnh đặt lên ưu tiên hàng đầu trong quá trình hình thành và xây dựng vùng KTTĐ phía Nam này.

5.3. Tổ chức thực hiện giải pháp bảo vệ môi trường

Thực hiện giải pháp bảo vệ môi trường của dự án sẽ được các bên có liên quan (các cấp chính quyền, chủ đầu tư cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người dân…) thực hiện như sau:

- Nguồn nhân lực triển khai thực hiện sẽ do các kỹ sư môi trường của các chủ dự án thực hiện. Ngoài ra, việc xây dựng quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường tại các khu chức năng, đặc biệt trong các khu công nghiệp cũng được xây dựng nhằm đảm bảo công tác bảo vệ môi trường được thực hiện đúng quy định.

- Kế hoạch và tổ chức thực hiện:

+ Nâng cao năng lực và kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, thực hiện có hiệu quả luật bảo vệ môi trường nhằm cải thiện căn bản chất lượng môi trường khu vực nghiên cứu, góp phần quản lý, sử dụng và khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

+ Thực hiện đánh giá tác động môi trường bắt buộc đối với tất cả các dự án phát triển trên địa bàn khu vực để ngăn chặn từ trước các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí.

+ Có cơ chế khuyến khích sử dụng nguyên liệu và công nghệ sạch ở các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Nghiêm cấm nhập khẩu các công nghệ lạc hậu và nhanh chóng giảm dần quy mô vận hành các thiết bị đã cũ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

+ Tuyên truyền, giáo dục và đẩy mạnh công tác đào tạo để nâng cao trình độ nhận thức cho chủ doanh nghiệp.

+ Nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên nước, tài nguyên đất.

+ Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án quản lý tổng hợp các lưu vực sông và các vùng đầu nguồn, nước ngầm.

+ Điều hòa phân bố dân cư và sự di dân giữa các vũng nhằm giảm áp lực dân số đối với tài nguyên đất.

6. Xác định các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư và nhu cầu đầu tư:

6.1. Xác định các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư

Chi tiết tại Phụ lục 2. danh mục dự án ưu tiên đầu tư kèm theo

Hình 6-1: Các giai đoạn , dự án ưu tiên đầu tư

6.2. Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư

Tổng nhu cầu vốn đầu tư vùng trọng điểm phía Nam tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là 70-80 ngàn tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 là 40-45 ngàn tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 30-35 ngàn tỷ đồng; Cụ thể như sau:

- Nguồn vốn ngân sách nhà nước: khoảng 5.126 tỷ đồng, chiếm 6,4% tổng vốn.

- Nguồn vốn huy động các thành phần kinh tế và xã hội hóa: 75.574 tỷ đồng, chiếm 93,6% tổng vốn.

7. Các giải pháp thực hiện

Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thực hiện đề án: Đề xuất các giải pháp cụ thể, có tính khả thi nhằm đảm bảo phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phù hợp với định hướng phát triển chung của tỉnh, bao gồm:

7.1. Nâng cao chất lượng quản lý và thực hiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng

- Tổ chức công bố, niêm yết, công khai các quy hoạch ngay sau khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân được tiếp cận, tìm hiểu, thực hiện.

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các loại quy hoạch đảm bảo đồng bộ, thống nhất vào Quy hoạch cả nước (Quy hoạch ga đường sắt Cà Ná, Quy hoạch Cảng cạn, Quy hoạch Trung tâm Logistic và Quy hoạch Tổng Kho xăng dầu) và tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Tổ chức rà soát, lập Đồ án Quy hoạch phát triển khu tinh tế ven biển phía Nam của tỉnh bổ sung đưa vào Quy hoạch Khu kinh tế ven biển của cả nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (khi đủ điều kiện).

7.2. Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, nguồn lực đầu tư:

- Nắm bắt và vận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách, các chương trình hỗ trợ đầu tư của Trung ương để chủ động xây dựng các chương trình, dự án nhằm tranh thủ cao nhất nguồn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương; trong đó chú trọng tranh thủ các nguồn vốn từ cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù đối với Tỉnh theo Nghị quyết 115/NQ-CP , các nguồn kết dư, dự phòng ngân sách Trung ương, vốn hỗ trợ cấp bách, vốn ứng trước.

- Đẩy mạnh công tác thu, nuôi dưỡng và tạo nguồn thu mới để tăng thu ngân sách địa phương hằng năm và khai thác có hiệu quả các nguồn thu sử dụng đất, nhất là các nguồn thu từ quỹ đất các tuyến đường giao thông đã đầu tư hoàn thành để tạo nguồn vốn đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng.

- Khuyến khích và huy động cao nhất nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo cơ chế xã hội hóa và đối tác công tư, tập trung rà soát chuyển các dự án hạ tầng có lợi thế, có khả năng tạo nguồn thu sang đầu tư theo hình thức này, với phương châm kết cấu hạ tầng nào mà nguồn vốn tư nhân làm được thì nhà nước không làm.

- Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các công trình trọng điểm, như dự án cảng tổng hợp Cà Ná và các dự án trọng điểm trong vùng kinh tế, đặc biệt là hạ tầng giao thông tạo động lực phát triển, thu hút đầu tư vào Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời gian tới.

- Nghiên cứu huy động nguồn lực thích hợp từ ngân sách nhà nước gắn với nguồn lực từ khu vực tư nhân theo hình thức đối tác công - tư để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ; tăng cường liên kết vùng, kết nối giữa các địa phương với kế hoạch phát triển tương xứng; mở rộng kết nối giao thông với các đầu mối giao thông du lịch quan trọng như cảng Cà Ná.

7.3. Giải pháp về cơ chế chính sách:

- Rà soát, bổ sung và cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là các cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh, vùng, chính sách tạo đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân, chính sách thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các Khu, cụm công nghiệp, các lĩnh vực tỉnh có lợi thế về năng lượng, kinh tế biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao; các cơ chế liên kết phát triển vùng, nhất là lĩnh vực du lịch; các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

- Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành. Thường xuyên rà soát, đơn giản, công khai các thủ tục hành chính để các tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận và thực hiện; xây dựng phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số.

7.4. Phát triển nguồn nhân lực:

- Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đổi mới phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế quốc tế. Thu hút xây dựng các cơ sở đào tạo nhân lực phục vụ cho các ngành, lĩnh vực chủ yếu của tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức không gian đào tạo nghề tại nhà máy.

- Tăng cường liên kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp sử dụng lao động, triển khai đào tạo theo hình thức đặt hàng; xây dựng hệ thống mạng lưới thông tin thị trường lao động, phát triển sàn giao dịch việc làm, kết nối thông tin thị trường lao động.

7.5. Giải pháp liên kết các vùng, các tỉnh thành phố Nam trung bộ và thành Hồ Chí Minh:

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác với các địa phương đã ký kết, đồng thời mở rộng hợp tác với các địa phương khác, nhất là các địa phương ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước. Phối hợp với các tỉnh xây dựng các chương trình hợp tác song phương và đa phương; đề xuất xây dựng chương trình phối hợp hành động chung giữa các tỉnh trong vùng Duyên hải nam Trung Bộ như: hợp tác xây dựng các công trình liên tỉnh, quy mô vùng; trao đổi kinh nghiệm hoạt động và hình thức quản lý trong các lĩnh vực thương mại, du lịch - dịch vụ; hợp tác cung cấp giống con, giống cây và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật để thúc đẩy phát triển nông nghiệp; hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, chuyển giao kết quả các công trình nghiên cứu và triển khai ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực; hợp tác trong phát triển du lịch; trao đổi kinh nghiệm trong nghiên cứu lập, quản lý quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp, các dự án đầu tư xây dựng gắn với bảo vệ môi trường...

- Mở rộng hợp tác quốc tế, tích cực tham gia xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch và các hoạt động văn hóa đối ngoại của tỉnh; tiếp tục tận dụng tối đa các hiệp định thương mại quốc tế đã ký kết, mở rộng thị trường và đẩy mạnh phát triển xuất khẩu các mặt hàng lợi thế của địa phương.

7.6. Khai thác hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường:

- Quản lý, sử dụng hiệu quả các tài nguyên đất, nước, khoáng sản, tài nguyên biển gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Khuyến khích và nhân rộng các mô hình sản xuất xanh, sạch, áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm xử lý hết lượng chất thải phát sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, lắp đặt các lò đốt rác công nghệ mới có hệ thống xử lý khí thải, nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

- Làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất cho phát triển.

- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; thường xuyên kiểm tra và công khai các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

7.7. Giải pháp phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gắn với bảo vệ an ninh - quốc phòng:

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành về tầm quan trọng chủ trương kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

- Xây dựng tiềm lực chính trị, quốc phòng, an ninh khu vực bảo đảm đồng bộ, vững mạnh; kiềm chế tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, an ninh quốc gia, an ninh mạng, trật tự an toàn xã hội. Kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề, vụ việc ngay từ khi mới nảy sinh, không để lây lan, phức tạp tình hình.

7.8. Tập trung công tác tuyên truyền:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức phù hợp để nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân trong tỉnh về ý nghĩa và tầm quan trọng của phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh, là sự nghiệp chung, vừa là lợi ích, vừa là nghĩa vụ của toàn xã hội, để mọi người dân ủng hộ tham gia đóng góp và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm tính nhất quán và đồng thuận cao trong thực hiện các chủ trương, quyết sách lớn về phát triển các ngành kinh tế tại khu vực phía Nam của tỉnh.

- Nâng cao tính năng động, tiên phong, quyết tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành và nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

 

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1. Kết luận

Đề án phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh góp phần cụ thể hóa Chương trình hành động số 09-CTr/TU ngày 7/12/2020 về thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025; Nội dung Đề án đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển Quy hoạch tỉnh Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch chung xây dựng vùng tỉnh, huyện và quy hoạch Quy hoạch phát triển dải ven biển tỉnh. Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận... Xây dựng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành vùng kinh tế động lực, có sức lan tỏa lớn để phát triển các vùng kinh tế khác trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Tỉnh theo hướng nhanh, bền vững, trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến chế tạo; năng lượng tái tạo; điện khí; cảng biển tổng hợp và dịch vụ cảng; logistics; du lịch và dịch vụ biển đẳng cấp. Phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ sản xuất và dịch vụ xã hội hiện đại, đồng bộ để nâng cao mức sống người dân; bảo vệ bền vững môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đóng góp quan trọng để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 trở thành Tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước.

Theo đó, Đề án được xây dựng và phê duyệt có ý nghĩa hết sức cần thiết, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đời sống người dân, tạo sự bứt phá kinh tế, đưa khu vực phía Nam của tỉnh Ninh Thuận phát triển mạnh, bền vững so với các địa phương trong tỉnh và khu vực.

2. Kiến nghị

Để triển khai có hiệu quả mục tiêu của Đề án, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đề xuất kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương xem xét:

- Điều chỉnh, bổ sung các loại quy hoạch đảm bảo đồng bộ, thống nhất vào Quy hoạch cả nước để tỉnh có cơ sở kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế biển (Quy hoạch ga đường sắt, Quy hoạch cảng cạn, Quy hoạch Trung tâm Logistic và Quy hoạch Tổng kho xăng dầu);

- Bổ sung đưa khu kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận vào Quy hoạch Khu kinh tế ven biển của cả nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 khi đủ điều kiện.

- Đồng ý chủ trương thay thế quy mô công suất nguồn điện hạt nhân 4.600 MW bằng nguồn điện khí LNG tại Trung tâm điện lực Cà Ná và cập nhật, bổ sung vào Quy hoạch điện VIII nhằm phát triển Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná với quy mô công suất 6.000MW và đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống điện truyền tải 500kV để phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Tỉnh, từng bước xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ.

- Về chính sách giá điện gió, điện mặt trời: Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét, sớm ban hành cơ chế giá điện thay thế Quyết định số 39/2018/QĐ- TTg ngày 10/9/2018 đối với điện gió hết hiệu lực ngày 1/11/2021 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 đối với điện mặt trời hết hiệu lực ngày 1/1/2021.

- Một trong những điều kiện quan trọng cho phát triển ngành năng lượng thì cần có quy hoạch phát triển ngành đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, gắn với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Trung ương, địa phương và quy hoạch của một số ngành, lĩnh vực khác. Do đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch phát triển điện VIII), trong đó quan tâm ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch nhằm đảm bảo phát triển bền vững, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của các địa phương.

- Hỗ trợ đầu tư một số công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, kết nối liên vùng, gồm: Đường giao thông kết nối đường cao tốc đến Cảng tổng hợp Cà Ná, tạo động lực thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

- Đưa 4.345 ha diện tích Titan trên địa bàn tỉnh, ra khỏi Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan; đồng thời điều chỉnh đưa vào dự trữ khoáng sản quốc gia. Trong thời gian chờ hướng dẫn các thủ tục điều chỉnh Quy hoạch, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho chủ trương triển khai các dự án tại các khu vực này để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

 

PHỤ LỤC 1

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ĐANG THỰC HIỆN TRÊN ĐỊA BÀN VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM.

Danh mục dự án điện năng lượng

TT

Tên dự án

Địa điểm

Diện tích sử dụng (ha)

Công suất phê duyệt QH (MWac)

Công suất COD của EVN (MWac) Giá trị thực tế

Ngày vận hành thương mại

Điện mặt trời

 

 

 

1

NM Điện mặt trời Bim

Xã Phước Minh

37,02

24

25

23/4/2019

2

Nhà máy điện mặt trời Bim 3

Xã Phước Minh, Thuận Nam

60

40

41,244

7/5/2019

3

NM ĐMT BIM 2

Xã Phước Ninh, Thuận Nam

247,5

250

199,346

11/5/2019

4

Trang trại điện mặt trời Gelex - Ninh Thuận

Phước Dinh, Thuận Nam

60

40

42

13/5/2019

5

NM Điện mặt trời TN 19 (TNam 18)

xã Phước Minh

73

49

49

20/6/2019

6

Dự án điện mặt trời Nhị Hà (Thuận Nam 13)

Xã Nhị Hà, Thuận Nam

60

40

41,224

27/6/2019

7

NM điện mặt trời hồ Bầu Ngứ

Phước Dinh, Thuận Nam

75

50

50

27/6/2019

8

Nhà máy điện mặt trời Hacom Solar

Xã Phước Minh

58,74

40

40,8

31/10/2019

9

NM điện mặt trời Thuận Nam - Đức Long (Thuận Nam 19)

Xã Phước Minh, Thuận Nam)

60

40

43,29

28/12/2019

10

Nhà máy điện năng lượng mặt trời Thuận Nam 12

Xã Phước Hà, Thuận Nam

55,69

40

44,1

Ngày 10/8/2020

11

NM Điện mặt trời Phước Minh Adani

Phước Minh, Thuận Nam

60

39,8

40,04

Ngày 21/9/2020

12

Nhà máy điện mặt trời 450MW tại xã Phước Minh huyện Thuận Nam kết hợp đầu tư Trạm 500kV và các đường dây 500, 220kV đấu nối

Phước Minh, Thuận Nam

557,09

450

450

Ngày 01/10/2020

13

Trang trại điện mặt trời hồ Núi Một 1 (Khu vực Láng Đa)

Sơn Hải 2, Phước Dinh

60

40

40

Tháng 11/2020

14

Nhà máy điện MT Thiên Tân 1.2

Thuận Nam

 

80

40

31/12/2020

Điện gió

 

 

 

1

Nhà máy điện gió Mũi Dinh

Phước Dinh, huyện Thuận Nam

263,70

37,6

37,6

Tháng 11/2018

2

Nhà máy điện gió Win Energy Chiến Thắng

Xã Phước Hữu, Ninh Phước, xã Phước Nam, Phước Ninh, Thuận Nam

655,00

50

-

-

3

Nhà máy điện gió Phước Minh

Xã Phước Ninh, Phước Minh, huyện Thuận Nam

353,00

27,3

-

-

4

Nhà máy điện gió 7A

Phước Minh, huyện Thuận Nam

50,00

50

-

-

5

Công trình Phong điện Việt Nam Power số 01

Xã Phước Minh, huyện Thuận Nam

275,00

30

-

-

Danh mục dự án công nghiệp

Stt

Tên

Địa điểm

Chú thích

Quy mô đã đầu tư (ha)

Quy mô hiện trạng 2020 (ha)

A

Khu công nghiệp

1.197,20

1

KCN Phước Nam

Huyện Thuận Nam

tỷ lệ lấp đầy 11,51%

93,5

370,00

2

KCN Cà Ná

Huyện Thuận Nam

chưa thành lập

-

827,20

B

Cụm công nghiệp

88,00

3

CCN Hiếu Thiện

Huyện Thuận Nam

chưa đi vào hoạt động

-

50,00

4

CCN Chế biến thủy sản tập trung

Huyện Thuận Nam

chưa thành lập

-

17,00

5

CCN Titan

Huyện Ninh Phước và Huyện Thuận Nam

chưa thành lập

-

21,00

Danh mục dự án khoáng sản

STT

Tên Dự án

Địa điểm đầu tư

Quy mô diện tích (ha)

Tiến độ được phê duyệt

Các dự án đã đi vào thực hiện

 

 

 

1

Khai thác và chế biến đá Granite ốp lát Ninh Thuận

Phước Nam, Phước Minh, Thuận Nam

20,0

4 tháng kể từ ngày cấp GCNĐT

2

Nhà máy chế biến đá xây dựng

Cà Ná, Thuận Nam

2,9

 

3

Đầu tư khai thác và chế biến mỏ đá xây dựng Tây Nam Lạc Tiến

Thôn Lạc Tiến, xã Phước Minh, Thuận Nam

 

 

4

Khai thác cát xây dựng Sông Lu

xã Phước Ninh, Thuận Nam

1,5

Sau khi có giấy phép khai thác khoáng sản

5

Khai thác và chế biến đá xây dựng tại mỏ đá Núi Đất

xã Phước Nam, huyện Thuận Nam

9,8

03 tháng kể từ ngày cấp GCNĐT

6

Đầu tư khai thác - chế biến đá xây dựng Mavieck 4

Xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam

7,5

Hoàn thành đưa vào khai thác mỏ trong tháng 1/2016

7

Khu chế biến đá chẻ xây dựng Núi Gió

Xã Phước Minh, huyện Thuận Nam

2,342

Hoàn thành xây dựng đưa vào hoạt động trong vòng 06 tháng kể từ ngày cấp QĐCT

8

Đầu tư khu khai thác đất san lấp nam núi Mavieck

Xã PHước Dinh, huyện Thuận Nam

4,0

Đưa vào hoạt động trong tháng 5/2018

9

Đầu tư xây dựng công trình mỏ lộ thiên mỏ vật liệu san lấp tây bắc núi Mavieck

Xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam

13,8

Đưa vào hoạt động trong tháng 11/2018

10

Đầu tư khai thác chế biến mỏ đá xây dựng Đông Nam núi đá Giăng

Xã Cà Ná, huyện Thuận Nam

29,7

Đi vào hoạt động trong tháng 04/2018

11

Khai thác cát xây dựng mỏ cát Nhị Hà 2

xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam

1,6

Đưa vào hoạt động trong tháng 08/2018

12

Nhà máy đá granite Linh Đỗ

Xã Phước Minh, huyện Thuận Nam

2,34

Đưa vào hoạt động trong tháng 01/2020

Các dự án đang triển khai thi công

 

 

 

1

Nhà máy chế biến đá ốp lát Granite Mavieck Ninh Thuận

Xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam

4,6

Hoàn thành đưa giai đoạn 1 vào hoạt động trong tháng 04/2018 và giai đoạn 2 trong quý I/2019

2

Khai thác mỏ đá granite ốp lát tại khu vực tây bắc núi Mavieck

Xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam

12,8

Hoàn thành dự án và đưa vào hoạt động trong tháng 09/2018.

Các dự án chưa thi công

 

 

 

1

Công trình khai thác và tuyển quặng sa khoáng Titan - Zircon Sơn Hải

Xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam

1.200,0

Hoàn thành đưa dự án vào khai thác tháng 12/2014

2

Công trình liên hợp tuyển luyện xỉ titan Vinaminco Ninh Thuận

Thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam

28,0

Khởi công xây dựng 5/2016, hoàn thành xây dựng vào 6/2017

3

Khai thác, chế biến đá và VLXD mỏ đá núi Chà Bang

xã Phước Nam, huyện Thuận Nam

9,3

05 tháng kể từ ngày cấp GCNĐT

4

Khai thác đá Đông Nam núi Mavieck

Xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam

9,5

Bắt đầu khai thác tháng 9/2015

5

Nhà máy chế biến đá xây dựng mỏ đá Bắc núi Chà Bang

Xã Phước Nam, huyện Thuận Nam

2,3

Hoàn thành và đưa vào hoạt động trong tháng 9/2018

6

Nhà máy chế biến đá ốp lát granite Phan Rang

Xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam

4,3

Đưa vào hoạt động trong tháng 12/2018

7

Đầu tư khai thác đá xây dựng mỏ Bắc núi Chà Bang

Xã Phước Nam, huyện Thuận Nam

17

Đưa vào hoạt động trong tháng 07/2019

8

Đầu tư xây dựng công trình sản xuất cát nhân tạo

xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam

0,95

Đưa vào hoạt động trong tháng 09/2020


PHỤ LỤC 2:

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN, TRỌNG ĐIỂM KHU VỰC PHÍA NAM

Đơn vị: Tỷ đồng

TT

Ngành, lĩnh vực/ Danh mục dự án

Địa điểm đầu tư

Quy mô đầu

Tổng vốn huy động

Trong đó

Ghi chú

Giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2026- 2030

 

Tổng số

 

 

79,700

45,000

34,700

 

I

VỐN NSNN

 

 

5,126

2,356

2,770

 

1

Đường Văn Lâm - Sơn Hải

Thuận Nam

13km

373

373

 

 

2

Đường từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1A và cảng biển tổng hợp Cà Ná

Thuận Nam

24,3km

903

903

 

Vốn NSNN+XHH

3

Đường liên vùng QL1A - Phước Hà - Ma Nới kết nối Đức Trọng - Lâm Đồng lên Nam Tây Nguyên

Liên huyện

 

1,000

500

500

 

4

Các dự án thực hiện Đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư đối với các vị trí trước đây quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2

xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam

 

170

170

 

 

5

Khu tái định cư thôn Quán Thẻ 2, xã Phước Minh

Xã Phước Minh, huyện Thuận Nam

2,42km đường giao thông; hệ thống cấp nước; thoát nước; cấp điện chiếu sáng

16

16

 

 

6

Khu neo đậu tránh Trú bão kết hợp Cảng cá Cà Ná

Cà Ná

 

214

214

 

 

7

Hệ thống thoát nước đô thị Phước nam

xã Phước Nam, huyện Thuận Nam

4 km

87

30

57

 

8

Đường nối Trung tâm hành chính huyện Thuận Nam với đường Văn Lâm-Sơn Hải (Cơ sở hạ tầng Khu trung tâm hành chính huyện (Giai đoạn 4))

xã Phước Nam, huyện Thuận Nam

3,2km

150

150

 

 

9

Đường nối từ Trung tâm hành chính huyện đến Khu công nghiệp Cà Ná

xã Phước Nam, Cà Ná, huyện Thuận Nam

9km

262

 

262

 

10

Đường Trung tâm hành chính huyện đến đường ven biển

xã Phước Nam, Phước Dinh, huyện Thuận Nam

13km

345

 

345

 

11

QL1A - Phước Hà - Ma Nới

huyện Thuận Nam

50 km

906

 

906

 

12

Tuyến đường sắt kết nối cảng Tổng hợp Cà Ná với đường sắt Thống nhất tại Ga Cà Ná

xã Phước Nam, huyện Thuận Nam

6km

700

 

700

 

II

VỐN THÀNH PHẦN KINH TẾ

 

 

74,574

42,644

31,930

 

1

Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 công suất 1.500MW

Xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam

69,66ha

32,000

20,000

12,000

 

2

Cảng biển tổng hợp Cà Ná

Xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam

 

4,000

1,000

3,000

 

3

Dự án đầu tư KCN Phước Nam

Phước Nam, Thuận Nam

372 ha

500

500

 

Đang triển khai

4

Khu công nghiệp Cà Ná

Xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam

827 ha

5,400

2,000

3,400

 

5

Tổng kho xăng dầu Cà Ná

Xã Cà Ná, huyện Thuận Nam

4,5 ha

1,700

1,700

 

Đã chấp thuận địa điểm

6

Dự án chế tạo thiết bị cánh quạt điện gió

 

 

2,000

2,000

 

 

7

Cụm công nghiệp Hiếu Thiện

Xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam

50 ha

300

 

300

Kêu gọi đầu tư

8

Cụm công nghiệp Chế biến thủy sản tập trung

Xã Phước Minh, Thuận Nam

16,74 ha

90

 

90

Kêu gọi đầu tư

9

Nhà máy điện gió Phước Minh

Xã Phước Minh, xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam

9,52 ha

960

960

 

Đang triển khai

10

Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2

Hồ Sông Biêu, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam

120 ha

1,900

1,900

 

Đang triển khai

11

Điện gió 7A

Xã Phước Minh, huyện Thuận Nam

15 ha

1,800

1,800

 

Đang triển khai

12

Nhà máy điện gió Bim

xã Phước Minh, huyện Thuận Nam

30,8 ha

3,100

3,100

 

Đang triển khai

13

Nhà máy điện dùng năng lượng tái tạo Phước Nam - Enfinity - Ninh Thuận

Xã Phước Nam, huyện Thuận Nam

43,9 ha

2,500

1,500

1,000

Đã chấp thuận CTĐT

14

Công trình phong điện Việt Nam Power số 01

xã Phước Minh, huyện Ninh Phước

275 ha

1,700

1,000

700

Đã chấp thuận CTĐT

15

Nhà máy điện gió Phước Hải

Xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam

274 ha

1,300

800

500

Đã chấp thuận CTĐT

16

Nhà máy chế biến đá ốp lát Granite Mavieck Ninh Thuận

Xã Phước Dinh, huyện Thuận 4,6 ha Nam

248

248

 

Đang triển khai

17

Khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Ba Bể

Phước Dinh, Thuận Nam

20 ha

4,700

2,000

2,700

Đang triển khai

18

Khu du lịch Mũi Dinh EcoPark

Xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam

358 ha

2,000

1,500

500

Đã chấp thuận CTĐT

19

Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Royal Ninh Thuận

xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam

87 ha

716

336

380

Đã chấp thuận địa điểm

20

Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Mũi Dinh - Cà Ná dọc đường ven biển phía Nam

xã phước Diêm, huyện Thuận Nam

78 ha

500

200

300

Đã chấp thuận địa điểm

21

Hạ tầng vùng sản xuất giống thủy sản công nghệ cao An Hải

Xã an Hải huyện Ninh Phước

 

300

100

200

Kêu gọi đầu tư

22

Nhà mấy sản xuất Xút- Clo và PVC

xã phước Diêm, huyện Thuận Nam

 

500

 

500

Kêu gọi đầu tư

23

Nhà máy chế tạo kết cấu thép và sửa chữa máy xây dựng MA- SBTC

Khu công nghiệp Phước Nam, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam

 

200

 

200

Đã chấp thuận CTĐT

24

Đầu tư xây dựng công trình khai thác và chế biến mỏ đá granit làm ốp lát khu vực núi Mavieck 4

xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam

44,9 ha

350

 

350

Đã chấp thuận CTĐT

25

Dự án Mũi Dinh Paradise Hotel Resort and Spa

xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam

5,4 ha

100

 

100

Kêu gọi đầu tư

26

Dự án Du lịch tại khu vực bãi đá trứng, xã Phước Dinh

xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam

30ha

200

 

200

Kêu gọi đầu tư

27

Siêu thị xã Phước Nam, huyện Thuận Nam

Phước Nam, Thuận Nam

 

210

 

210

Đề xuất

28

Trung tâm dịch vụ hỗn hợp (phát triển thương mại dịch vụ và hỗ trợ cho KCN Cà Ná)

Cà Ná, Thuận Nam

 

100

 

100

Đề xuất

29

Khu đô thị mới Đầm Cà Ná (Phía Nam đường Ven Biển)

xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam

64,87 ha

600

 

600

Kêu gọi đầu tư

30

Khu đô thị mới phía Tây Quốc lộ 1A

Xã Cà Ná, huyện Thuận Nam

410 ha

2,600

 

2,600

Kêu gọi đầu tư

31

Khu đô thị mới phía Đông Quốc lộ 1A

Xã Cà Ná, huyện Thuận Nam

161 ha

1,500

 

1,500

Kêu gọi đầu tư

32

Khu dân cư Sơn Hải

xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam

30 ha

300

 

300

Kêu gọi đầu tư

33

Khu dân cư Phước Nam

xã Phước Nam, huyện Thuận Nam

19,4 ha

200

 

200

Kêu gọi đầu tư

 

 



[1] Nguồn: Niêm giám thống kê năm 2020

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1080/QĐ-UBND ngày 05/08/2022 phê duyệt Đề án "Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.467

DMCA.com Protection Status
IP: 3.17.81.228
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!