ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1068/QĐ-UBND
|
Lâm Đồng, ngày 11
tháng 05 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI CƠ SỞ KINH DOANH
DỊCH VỤ LƯU TRÚ, DU LỊCH VÀ ĂN UỐNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND
ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số
01/2002/QH KXI ngày 16 tháng 12 năm 2002 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật
Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Luật Quản lý thuế số
78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Thuế
tỉnh Lâm Đồng tại Tờ trình số 935/TT-CT ngày 27 tháng 4 năm 2011;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án Đổi mới
công tác quản lý thuế đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch và ăn uống
trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Điều 2.
1. Giao Cục trưởng Cục Thuế tỉnh phối hợp với các Sở, ban,
ngành, các địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án.
2. Giao
Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện và thành phố căn cứ tình
hình thực tế của từng địa phương có trách nhiệm phối hợp với ngành thuế chỉ đạo,
triển khai thực hiện Đề án thuộc phạm vi ngành và địa phương quản lý.
Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế,
Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc
và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành quyết định này kể từ ngày ký./-
Nơi nhận:
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT;
- Như điều 3;
- LĐ VPUBND tỉnh;
- TT Công báo;
- Lưu: VT, TC, TH.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Yên
|
ĐỀ ÁN
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI CƠ SỞ KINH DOANH DỊCH VỤ LƯU TRÚ,
DU LỊCH VÀ ĂN UỐNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1068/QĐ-UBND ngày 11/5/2011 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Lâm Đồng)
Trong thời gian qua, cùng với sự phát
triển kinh tế xã hội, kinh tế du lịch đã có những bước phát triển nhất định,
góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Trong quá trình phát triển, bên
cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại những vấn đề bất cập trong quản
lý nhà nước về việc kê khai đăng ký khách lưu trú, nhiều cơ sở kinh doanh dịch
vụ lưu trú du lịch và ăn uống không đăng ký giá và bán không đúng giá niêm yết...;
đặc biệt là công tác quản lý thu thuế đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú,
du lịch và ăn uống còn thất thu về đối tượng nộp thuế, doanh số tính thuế và số
thuế phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm; mức độ đóng góp vào ngân sách
trong lĩnh vực này chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của địa phương.
Để từng bước chấn chỉnh kịp thời những
hạn chế tồn tại nêu trên, động viên sự đóng góp vào NSNN của các cơ sở kinh
doanh dịch vụ lưu trú du lịch và ăn uống trên địa bàn Lâm Đồng, tạo điều kiện để
cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú dịch vụ - ăn uống chấp hành các quy định về
giá, đăng ký khách lưu trú và thực hiện nghĩa vụ thuế. UBND tỉnh Lâm Đồng ban
hành đề án “Đổi mới công tác quản lý thuế đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú,
du lịch và ăn uống trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
Phần I
THỰC TRẠNG CÔNG
TÁC QUẢN LÝ THU THUẾ ĐỐI VỚI CƠ SỞ KINH DOANH DỊCH VỤ LƯU TRÚ, DU LỊCH - ĂN UỐNG
GIAI ĐOẠN 2008 - 2010
I. Đối với cơ sở kinh doanh lưu
trú, du lịch
Tính đến ngày 31/12/2010 tổng số cơ sở
lưu trú, du lịch trên địa bàn toàn tỉnh là 694 cơ sở; tổng số phòng tương ứng
là 11.306 phòng.
Với 7.915 ngàn lượt khách lưu trú;
trong đó: năm 2008 là 2.300 ngàn lượt, năm 2009 là 2.500 ngàn lượt, năm 2010 là
3.115 ngàn lượt; công suất sử dụng phòng bình quân là 57%; số ngày lưu trú bình
quân là 2,4 ngày/khách,
(Phụ lục I kèm
theo)
Doanh thu đối với dịch vụ lưu trú, du lịch trong 03
năm là 704 tỷ đồng; số thuế thu nộp vào NSNN trong 3 năm là 48 tỷ đồng, chiếm
1,1% trên tổng thu thuế phí toàn tỉnh trong 03 năm; trong đó:
Năm 2008: 18 tỷ đồng, chiếm 1,41% tổng thu thuế phí
(1.308.tỷđ)
Năm 2009: 11 tỷ đồng, chiếm 0,81% tổng thu thuế phí
(1.378.tỷđ)
Năm 2010: 18 tỷ đồng, chiếm 1,11% tổng thu thuế phí
(1.644.tỷđ)
(Phụ lục II kèm
theo)
II. Đối với lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, ăn uống
Số lượng cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn toàn
tỉnh tính đến ngày 31/12/2010 là 1.667 cơ sở;
Doanh thu đối với kinh doanh ăn uống trong 03 năm
1.752 tỷ đồng; số thuế đã nộp vào NSNN trong 3 năm 62 tỷ đồng, chiếm 1,4% trên
tổng thu thuế phí toàn tỉnh; trong đó: thuế thu từ hộ kê khai 43 tỷ đồng, tương
ứng 257 cơ sở; thuế thu từ hộ khoán là 19 tỷ đồng, tương ứng 1.410 cơ sở; trong
đó:
Năm 2008: 1.371 cơ sở với số thuế 21.949 triệu đồng;
Năm 2009: 1.532 cơ sở với số thuế 17.500 triệu đồng;
Năm 2010: 1.667 cơ sở với số thuế 22.322 triệu đồng.
(Phụ lục III kèm
theo)
III. Đánh giá chung
Qua những số liệu trên cho thấy việc quản lý thu
thuế đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch và ăn uống đã đạt được
một số kết quả nhất định. Tuy nhiên số thu nộp vào NSNN qua 03 năm (2008-2010)
không tăng, thậm chí còn giảm (năm 2009) trong khi giá cả thị trường và chỉ số
giá tiêu dùng hàng năm đều tăng; lượng khách đến Lâm Đồng tăng nhanh qua các
năm (năm 2008 đón trên 2.300 ngàn lượt khách, năm 2009 đón trên 2.500 ngàn lượt
khách và năm 2010 đón trên 3.115 ngàn lượt khách). Mặt khác tỷ lệ thu thuế dịch
vụ du lịch, ăn uống chỉ chiếm khoảng 2% tổng thu thuế, phí toàn tỉnh là không
tương xứng với tỷ lệ GDP của ngành và sự phát triển thực tiễn tại địa phương. Từ
đó có thể đánh giá trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch và ăn uống
còn thất thu cả về cơ sở, doanh số và số thuế phải nộp.
IV. Nguyên nhân hạn chế trong việc thất thu thuế
1. Quá trình thực hiện mua, bán, trao đổi hàng hóa,
dịch vụ của các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch và ăn uống phần lớn
được thanh toán bằng tiền mặt, không thông qua ngân hàng, khách hàng thường
không lấy hóa đơn khi thanh toán tiền, vì vậy, các cơ sở kinh doanh đã lợi dụng
để không lập hóa đơn khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ, nhằm trốn doanh thu và trốn
thuế.
2. Sự hiểu biết về chế độ chính sách pháp luật còn
hạn chế; việc thực hiện sổ sách, hóa đơn chứng từ trong kinh doanh của chủ các cơ
sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch và ăn uống chưa nghiêm, phần lớn các cơ
sở kinh doanh khách sạn nhà nghỉ - ăn uống nộp thuế theo phương pháp khoán thuế.
3. Mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan thuế và các cơ
quan chức năng chưa thường xuyên và đồng bộ cho nên công tác kiểm tra, giám sát
việc thực hiện và xử lý vi phạm trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú, du lịch và ăn uống
còn hạn chế.
4. Việc kiểm tra giám sát của cơ quan thuế chưa kịp
thời, chưa nghiêm và chưa có biện pháp hữu hiệu để chống thất thu thuế trong
lĩnh vực này.
5. Vẫn còn hiện tượng một số cán bộ thuế làm dịch vụ
kế toán hoặc kê khai nộp thuế hộ các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ để hưởng phụ
cấp, từ đó ảnh hưởng lớn đến việc đấu tranh chống thất thu thuế.
Phần II
MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ
CÁC GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
I. Mục tiêu
1. Mục tiêu chung
a) Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các
cơ quan chức năng thông qua việc thực hiện nghiêm Luật lưu trú, pháp lệnh giá,
Luật Quản lý thuế, các luật thuế, Luật kế toán và thực hiện cải cách hành chính
về thuế; quản lý sát đúng doanh thu thực tế phát sinh của các cơ sở kinh doanh,
đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế vào NSNN.
b) Động viên đầy đủ các khoản thuế vào NSNN, tạo sự
công bằng, bình đẳng trong kinh doanh giữa những Người nộp thuế trong kinh
doanh lưu trú, du lịch và ăn uống với kinh doanh các lĩnh vực khác.
c) Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh
dịch vụ, du lịch phát triển, quảng bá giá trị của sản phẩm du lịch cùng các dịch
vụ đi kèm. Nâng cao tính tự giác trong việc tuân thủ pháp luật cũng như quyền tự
chủ của Người nộp thuế trong việc tự kê khai, tự tính thuế và tự nộp thuế,
thông qua việc thực hiện sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ khi mua, bán, trao đổi
hàng hóa và cung cấp dịch vụ.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Quản lý 100% người nộp thuế có hoạt động kinh
doanh dịch vụ lưu trú du lịch và ăn uống, kể cả người nộp thuế không có giấy
phép.
b) Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch và
ăn uống cung cấp hóa đơn bán hàng khi cung cấp dịch vụ, bán hàng phát sinh, đảm
bảo đạt từ 80%- >100%.
c) Phấn đấu quản lý 100% doanh số phát sinh trên thực
tế (đối với người nộp thuế theo kê khai và người nộp thuế được kiểm tra phát hiện),
80% doanh số phát sinh trên thực tế được đưa vào bộ thuế (đối với người nộp thuế
theo phương pháp ấn định).
d) Hoàn thành dự toán thu ngân sách hàng năm do
HĐND và UBND Tỉnh giao.
đ) Chấm dứt tình trạng cán bộ thuế làm dịch vụ kế
toán, kê khai nộp thuế hộ các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ.
II. Nội dung chủ yếu
1. Quản lý đối tượng nộp thuế
Thực hiện Luật Quản lý thuế hàng năm, ngay từ đầu
năm cơ quan thuế các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng thu thập thông tin,
điều tra thực tế và trên hồ sơ khai thuế để tiến hành phân loại đối tượng quản
lý thuế.
Trên cơ sở đó có biện pháp quản lý phù hợp đối với
từng loại đối tượng nộp thuế theo kê khai, nộp thuế theo phương pháp khoán.
2. Quản lý giá
Căn cứ Pháp lệnh giá của Ủy ban thường vụ Quốc hội
các cơ sở kinh doanh phải chấp hành việc đăng ký giá, niêm yết giá và thu đúng
giá đã niêm yết. Việc xây dựng giá bán phải thực hiện ngay từ đầu năm hoặc đầu
kỳ kinh doanh và thông báo với cơ quan thuế về giá bán từng dịch vụ, sản phẩm
khi có sự đột biến để kiểm tra đối chiếu.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và ăn
uống nếu có nhiều dịch vụ, sản phẩm đa dạng, việc niêm yết giá có thể dùng bảng
cố định, bảng giá tại quầy, tại bàn.... hoặc treo tại nơi khách hàng dễ dàng nhận
biết, các cơ quan nhà nước dễ kiểm tra, kiểm soát.
Việc quản lý giá phải thực hiện thường xuyên gắn với
công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng và quần chúng nhân dân.
3. Quản lý doanh thu và thuế
Thông qua việc quản lý giá, so sánh giữa giá bán
trên hóa đơn, chứng từ với giá niêm yết và giá bán thực tế trên thị trường, từ
đó xác định doanh thu thực của đơn vị hạch toán vào sổ sách kế toán.
Định kỳ hàng tháng rà soát, so sánh giữa các cơ sở
kinh doanh về quy mô, doanh số, số thuế, khảo sát thực tế về lượng khách, doanh
số từng thời điểm phát hiện kịp thời các bất hợp lý giữa từng người nộp thuế để
có biện pháp điều chỉnh trên từng địa bàn.
III. Các giải pháp chủ yếu
1. Công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế
a) Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về việc chấp
hành đăng ký khách lưu trú theo quy định của cơ quan công an; đăng ký, niêm yết
giá và bán theo giá niêm yết; tất cả các hoạt động cung cấp dịch vụ, bán hàng đều
phải được cập nhật, ghi chép, cung cấp hóa đơn theo quy định của Nhà nước.
b) Đẩy mạnh dịch vụ công hỗ trợ về thuế cho người nộp
thuế; khuyến khích và phát triển mạnh mẽ các dịch vụ tư vấn thuế, kế toán thuế.
Xây dựng trung tâm hỗ trợ người nộp thuế qua điện thoại. Kịp thời tuyên dương
những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, đồng thời cũng phải lên án
mạnh mẽ các hành vi gian lận, trốn thuế.
c) Giải quyết nhanh chóng những thủ tục hành chính
về đăng ký, kê khai thuế và các vướng mắc theo yêu cầu của các cơ sở kinh doanh
thông qua bộ phận “một cửa” và “một cửa liên thông”. Công khai các quy trình quản
lý, thu thuế và mức thuế phải nộp của các cơ sở kinh doanh để cơ sở kinh doanh
và mọi người dân biết, so sánh, giám sát.
2. Đẩy mạnh các biện pháp phối hợp:
a) Xây dựng quy chế trao đổi thông tin giữa cơ quan
thuế - Văn hóa thể thao du lịch và Công an để nắm bắt kịp thời các cơ sở lưu
trú du lịch mới ra kinh doanh, quy mô, công suất sử dụng buồng phòng, lượng
khách đến Đà Lạt - Lâm Đồng theo từng thời gian nhất là các dịp lễ, tết... Thường
xuyên nắm bắt các thông tin liên quan đến quy mô, tình hình kinh doanh của các
cơ sở kê khai thuế, đồng thời giải đáp kịp thời những vướng mắc cho các cơ sở
kinh doanh khi có yêu cầu. Duy trì và phát huy tính hiệu quả của “đường dây
nóng”.
b) Đẩy mạnh việc thực hiện các quy chế phối hợp giữa
ngành thuế với ngành Công an, Công thương và các cơ quan chức năng của tỉnh,
huyện, thành phố.
c) Tăng cường chỉ đạo, tập trung lực lượng nhằm kiểm
tra, xử lý kịp thời những vi phạm, để hướng cho các cơ sở kinh doanh thực hiện
tốt những quy định về giá, lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm, hạch toán kế
toán và các quy định mới về quản lý, sử dụng hóa đơn trong việc mua, bán, trao
đổi hàng hóa và cung cấp dịch vụ theo quy định.
d) Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành (cấp tỉnh; cấp
huyện, thành phố) gồm có cán bộ của các ngành Thuế, Văn hóa Thể thao Du lịch,
Công an, Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh lưu trú
du lịch - ăn uống và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo chức năng của từng
ngành. Đồng thời, duy trì thường xuyên các đoàn kiểm tra liên ngành trong các
thời điểm tập trung khách du lịch.
3. Các biện pháp nghiệp vụ:
a) Đối với việc sử dụng hóa đơn, chứng từ:
Các cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:
- Phải lập hóa đơn, ghi chép hạch toán sổ sách theo
quy định của pháp luật; trường hợp không lập hóa đơn chứng từ để dấu doanh thu,
trốn thuế, gian lận thương mại phải kiên quyết xử lý nghiêm minh.
- Phải lập bảng kê chi tiết bán hàng và đăng ký sử
dụng tại cơ quan thuế, trên bảng kê phải ghi rõ:
+ Mã số bàn đang phát sinh hàng hóa, dịch vụ.
+ Chi tiết các món ăn, đồ uống đang phát sinh thực
tế của mỗi bàn (đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống).
Riêng đối với hoạt động kinh doanh đám cưới, hội
nghị, hội thảo: cơ sở kinh doanh phải kê khai chi tiết từng loại hình kinh
doanh (trực tiếp nhận tổ chức cho khách hàng hoặc cho thuê mặt bằng) để mọi hoạt
động kinh doanh đều lập hóa đơn, hạch toán kế toán và kê khai thuế.
Các cơ sở kinh doanh không được sử dụng bất cứ một
loại hóa đơn, chứng từ khác ngoài những hóa đơn, chứng từ theo quy định của
pháp luật để cung cấp và thu tiền của khách mỗi khi có giao dịch.
b) Đối với việc thực hiện sổ sách kế toán và hạch
toán kế toán:
Việc ghi chép, hạch toán kế toán phải đảm bảo phản
ánh đầy đủ, kịp thời, chính xác, trung thực, liên tục, có hệ thống tình hình và
kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình quản lý tài sản, tình hình sử
dụng nguồn vốn của cơ sở kinh doanh nhằm ghi nhận các thông tin cần thiết cho
việc lập các báo cáo, hồ sơ khai thuế liên quan đến việc kinh doanh của cơ sở.
Đối với sổ đăng ký khách, sổ theo dõi sơ đồ buồng
phòng của khách sạn phải được phản ánh, ghi chép ngay sau khi khách hàng thực
hiện việc giao dịch và phải đăng ký kịp thời theo quy định.
4. Biện pháp chống thất thu và gian lận thương mại
a) Tại trụ sở cơ quan thuế:
- Thường xuyên nắm bắt thông tin, thực hiện tốt
công tác phân loại đối tượng quản lý, xử lý toàn bộ hồ sơ khai thuế liên quan đến
cơ sở kinh doanh, từ đó phân tích mức độ rủi ro.
- Làm tốt công tác xác minh hóa đơn đầu vào, đầu
ra; yêu cầu những cơ sở kinh doanh đăng ký giá quá thấp so với mặt bằng chung
phải giải trình cụ thể, nếu không giải trình được phải tiến hành ấn định thuế
theo quy định.
- Đối với các cơ sở nộp thuế theo phương pháp kê
khai: Cơ quan Thuế phối hợp với Công an, Quản lý thị trường, Văn hóa Thể thao
Du lịch,....xây dựng kế hoạch, đề xuất kiểm tra toàn diện hoặc từng vụ việc. Những
cơ sở thường xuyên có biểu hiện trốn thuế, gian lận về thuế thì tiến hành kiểm
tra đột xuất tại cơ sở kinh doanh trên cơ sở kế hoạch được các bên tham gia
cùng ký duyệt. Riêng đối với hoạt động kinh doanh đám cưới, hội nghị hội thảo
phải xác minh thông qua làm việc trực tiếp với khách hàng và các cơ sở in thiệp
mời.
- Đối với các cơ sở khoán thuế: cơ quan thuế phối hợp
với Hội đồng tư vấn Thuế trên cơ sở Luật Quản lý thuế, các Luật thuế và các quy
trình quản lý để kiểm tra, nắm bắt, xác định thực tế mức độ, quy mô kinh doanh
của từng hộ từ đó áp dụng mức thuế khoán ổn định, số thuế khoán ổn định theo từng
kỳ (6 tháng, 9 tháng hoặc 12 tháng), kỳ sau không được thấp hơn kỳ trước.
b) Thanh tra - Kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế
- Căn cứ vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra lập từ đầu
năm đã được phê duyệt, tiến hành kiểm tra các hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng.
- Kiểm tra bảng kê hàng hóa bán ra đối với cơ sở
kinh doanh ăn uống (do cơ sở tự in có đăng ký với cơ quan thuế) của hàng hóa, từ
đó đối chiếu với giá theo niêm yết, giá trên hóa đơn chứng từ của từng loại mặt
hàng để phát hiện các trường hợp kê khai số lượng, kê khai giá tính thuế và thuế
suất thuế giá trị gia tăng chưa đúng quy định.
- Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp những đơn vị
có tỷ lệ thu nhập chịu thuế thấp hơn so với cùng kỳ và so sánh giữa các đơn vị
kinh doanh cùng mặt hàng, thì căn cứ vào kết quả kiểm tra để điều chỉnh cho phù
hợp. Kết thúc niên độ tài chính, đơn vị lập báo cáo tài chính gửi về cơ quan
thuế để xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp thực phải nộp trong năm, từ đó
có kế hoạch rà soát, kiểm tra chấp hành pháp luật thuế, quyết toán thuế đối với
các đơn vị có số nộp thấp hơn so với cùng kỳ, phân tích các đơn vị có doanh thu
lớn nhưng tỷ lệ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu thấp.
- Tăng cường kiểm tra đối với những cơ sở kinh
doanh thường xuyên vi phạm sổ sách kế toán, đăng ký giá bán thấp hơn mức bình
quân chung, kê khai doanh thu, thuế bất hợp lý trong thời gian dài.
- Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra nhằm chấn
chỉnh kịp thời những hành vi vi phạm, qua đó phát hiện, xử lý nghiêm đối với
các cơ sở kinh doanh cố tình vi phạm các quy định của pháp luật, nhất là vi phạm
về thuế.
5. Biện pháp kinh tế:
Từng kỳ, theo tháng, quý, năm hoặc trong các dịp lễ,
tết cơ quan thuế phát phiếu điều tra (theo mẫu thiết kế) trên từng địa bàn để nắm
bắt lượng khách lưu trú, du lịch - lượng khách hàng ăn uống của từng cơ sở để từ
đó có biện pháp quản lý thuế thích hợp, chống thất thu thuế. Hoặc thông báo cho
Đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra đột xuất.
Cơ quan tài chính các cấp xây dựng quỹ thưởng và
quy chế sử dụng quỹ thưởng cho các tổ chức, cá nhân có công phát hiện và cung cấp
thông tin cho các cơ quan Nhà nước.
6. Biện pháp nội bộ ngành thuế:
Nâng cao hiệu lực quản lý và tinh thần trách nhiệm
của đội ngũ công chức thuế theo đúng quy định chức năng, nhiệm vụ nhằm bảo đảm
triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thu ngân sách, đảm bảo bộ máy thường
xuyên được kiện toàn và hoạt động tốt hơn, gọn nhẹ hơn, hiệu quả quản lý thuế tốt
hơn và đúng theo chiến lược cải cách hệ thống thuế.
Nghiêm cấm tất cả các cán bộ thuế làm kế toán cho
doanh nghiệp (kể cả trường hợp kê khai thuế). Trường hợp các cơ quan quản lý
Nhà nước phát hiện thì phải buộc thôi việc. Tất cả các cán bộ có chồng (vợ),
con làm kế toán cho doanh nghiệp phải kê khai và báo cáo với cơ quan để theo
dõi và phân công công việc phù hợp.
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cục Thuế tỉnh: chủ động phối hợp với các sở,
ban, ngành và các địa phương có liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm
tra liên ngành; đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện thành công Đề
án trên địa bàn toàn tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề
án, đồng thời báo cáo kết quả triển khai cũng như những khó khăn, vướng mắc
trong quá trình thực hiện về UBND tỉnh theo định kỳ 6 tháng và hàng năm.
2. Sở Tài chính: Thường xuyên tuyên truyền phổ biến
thông tin, văn bản liên quan đến chính sách giá cả để các cơ sở kinh doanh dịch
vụ lưu trú, du lịch và ăn uống thực hiện; đôn đốc các phòng Tài chính - Kế hoạch
cấp huyện thường xuyên kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá đã
niêm yết.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: phối hợp với Cục thuế,
UBND các cấp quản lý tốt việc hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký
kinh doanh, đăng ký thuế, đồng thời xử lý nghiêm khắc, thu hồi giấy phép kinh
doanh đối với những cơ sở kinh doanh thường xuyên vi phạm những quy định của
pháp luật.
4. Sở Văn hóa thể thao và du lịch: cùng cơ quan thuế,
công an xây dựng việc trao đổi thông tin trên hệ thống hay mạng nội bộ và cử
cán bộ tham gia đoàn kiểm tra liên ngành. Thường xuyên phối hợp với các ngành
kiểm tra để nắm bắt, đánh giá, phân loại loại hình, quy mô và việc sử dụng lao
động của các cơ sở kinh doanh.
5. Sở Công thương: Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường
cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra liên ngành; phối hợp các ngành thường xuyên kiểm
tra, xử lý đối với các cơ sở kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực giá cả, chất lượng
sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm.
6. Công an tỉnh: Chỉ đạo Công an huyện, thành phố,
xã, phường, thị trấn thực hiện tốt việc quản lý, đăng ký khách lưu trú và cử
cán bộ tham gia đoàn kiểm tra liên ngành; thường xuyên phối hợp với cơ quan thuế
trong việc kiểm tra, chống thất thu thuế như nội dung Đề án đã nêu và Quy chế
phối hợp giữa hai ngành đã xây dựng.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: chỉ đạo
các phòng, ban chức năng trực thuộc, UBND các phường, xã... phối hợp với cơ
quan thuế các cấp trong việc quản lý, chống thất thu thuế đối với các cơ sở
kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch và ăn uống.
8. Đối với UBND xã, phường, thị trấn: phối hợp với
cơ quan thuế trên địa bàn để thường xuyên nắm bắt các trường hợp mới ra kinh
doanh, điều tra doanh số, ấn định thuế; phát phiếu điều tra đến từng hộ dân và
thu hồi phiếu điều tra để làm cơ sở cho việc ấn định thuế và kịp thời phát hiện
các trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch và ăn uống có hành vi
vi phạm về lượng khách, giá cả./.
…………………………………………………………………………………………..