BỘ CÔNG
THƯƠNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 0785/QĐ-BCT
|
Hà Nội, ngày
30 tháng 01 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VỤ THỊ
TRƯỜNG TRONG NƯỚC
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27
tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Công thương;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Vị trí và chức năng
Vụ Thị trường trong nước là cơ quan của Bộ Công
thương có chức năng tham mưu giúp Bộ thực hiện quản lý nhà nước về lưu thông
hàng hoá và phát triển thị trường trong nước theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ chủ yếu
1. Xây dựng thể chế, pháp luật quản lý lưu thông
hàng hoá và thị trường trong nước:
a) Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành
các các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực lưu thông hàng hoá và thị trường
trong nước; hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra các văn bản đã ban hành;
b) Chủ trì xây dựng hoặc giúp Bộ tham gia với các
Bộ, ngành có liên quan trình cấp có thẩm quyền ban hành danh mục hàng hoá, dịch
vụ cấm kinh doanh, hàng hoá dịch vụ hạn chế kinh doanh, hàng hoá dịch vụ kinh
doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật;
c) Chủ trì xây dựng, hướng dẫn, kiểm tra và theo
dõi việc thực hiện các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính liên quan đến
kinh doanh các mặt hàng: thuốc lá, rượu, xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng và các mặt
hàng được phân công khác;
d) Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành
các quy định dịch vụ phân phối hàng hoá trong nước. Tham mưu giúp Bộ trưởng xem
xét, chấp thuận để doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện quyền
phân phối và lập thêm cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất tại Việt Nam;
theo dõi, quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của thương nhân nước ngoài và
doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoài tại Việt Nam;
đ) Xây dựng và trình Bộ quyết định thành lập,
phê duyệt Điều lệ hoạt động và cấp, cấp lại, bổ sung Giấy phép của Sở giao dịch
hàng hoá.
2. Tổ chức phát triển thương mại và thị trường
trong nước:
a) Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt
chiến lược, chính sách, quy hoạch, chương trình phát triển thị trường, lưu
thông hàng hoá, thương mại nội địa trên phạm vi cả nước, theo vùng lãnh thổ và
các địa phương; hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện;
b) Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành
quy chuẩn phát triển các mô hình tổ chức thị trường và lưu thông hàng hoá trong
nước; quy chuẩn phát triển các loại hình tổ chức kinh doanh thương mại và các
loại hình kết cấu hạ tầng thương mại;
c) Tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo, theo dõi, kiểm
tra các địa phương, doanh nghiệp trong việc thực hiện quy hoạch, chính sách
phát triển kết cấu hạ tầng thương mại; về việc xây dựng, vận hành, tổng kết
đánh giá và nhân rộng các mô hình tổ chức thị trường và lưu thông hàng hoá; thực
hiện quy chuẩn phát triển các loại hình kinh doanh thương mại trên thị trường
trong nước.
3. Về công tác chỉ đạo điều hành thị trường hàng
hoá trong nước:
a) Chủ trì phối hợp với các cơ quan thuộc các Bộ,
ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp tổ chức nghiên cứu, phân tích, dự báo xu hướng diễn
biến của thị trường - giá cả trong và ngoài nước; đề xuất với Bộ và các Bộ,
ngành liên quan hoặc để Bộ trình Chính phủ các cơ chế, chính sách, giải pháp chỉ
đạo điều tiết lưu thông hàng hoá trong từng thời kỳ, bảo đảm cân đối cung cầu, ổn
định và phát triển thị trường, đặc biệt là các mặt hàng trọng yếu đối với sản
xuất và đời sống;
b) Hướng dẫn, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đánh
giá tình hình thực hiện cơ chế, chính sách, giải pháp điều tiết vĩ mô đối với
các địa phương và doanh nghiệp để từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải
pháp điều hành thị trường.
4. Về phát triển kinh tế tập thể và quản lý nhà
nước đối với thương nhân thuộc các thành phần kinh tế hoạt động trên thị trường
trong nước:
a) Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành
cơ chế, chính sách về kinh tế tập thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh
và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại; hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra
việc thực hiện;
b) Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể
trong lĩnh vực thương mại; theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình hoạt động của
hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân hoạt động trong
lĩnh vực thương mại trên phạm vi cả nước;
c) Kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp
kinh doanh dịch vụ logistics;
d) Theo dõi các Hội tổ chức theo loại hình dịch
vụ phân phối hàng hoá (bán buôn, bán lẻ, nhượng quyền thương mại, đại lý) và
các Hội tổ chức theo ngành hàng (thép, phân bón, xi măng, mía đường, giấy...)
hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thị trường và lưu thông hàng hoá trong nước.
5. Hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo và kiểm tra việc
tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thị trường và lưu thông hàng hoá
trong nước của các địa phương; theo dõi, tổng hợp hoạt động quản lý nhà nước về
thương mại và thị trường trong nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương.
6. Tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật
liên quan đến lưu thông hàng hoá, thương nhân và thị trường trong nước.
7. Quản lý nhà nước về phân phối xăng dầu.
8. Lập báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất về đánh
giá tình hình hoạt động thương mại, thương nhân và thị trường trong nước.
9. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng
giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức và chế
độ làm việc
1. Vụ Thị trường trong nước do Vụ trưởng phụ
trách và có các Phó Vụ trưởng, Trưởng phòng và công chức giúp việc theo sự phân
công của Vụ trưởng.
2. Bộ máy giúp việc Vụ trưởng
a, Phòng dự báo và cân đối cung cầu hàng hoá
b) Phỏng quản lý dịch vụ phân phối hàng hoá;
c) Phòng Phát triển thương mại địa phương và
vùng lãnh thổ;
3. Vụ thực hiện làm việc theo chế độ thủ trưởng;
Vụ trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về các nhiệm vụ quy định tại Điều 2
và các nhiệm vụ quyền hạn cụ thể sau đây:
a) Tổ chức, chỉ đạo thực hiện và chịu trách nhiệm
trước Bộ trưởng về các mặt công tác của vụ;
b) Phân công công việc và kiểm tra việc thực hiện
nhiệm vụ của Phó Vụ trưởng và công chức của Vụ;
c) Thừa lệnh Bộ trưởng ký một số văn bản để trả lời,
giải đáp, hướng dẫn nghiệp vụ, điều hành công việc theo yêu cầu của các cơ
quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quản lý của Vụ;
d) Thực hiện công tác thông tin cho công chức
trong Vụ theo quy chế làm việc của Bộ;
đ) Quyết định nội dung báo cáo sơ kết và kiến
nghị với Bộ trưởng về các chủ trương,, giải pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ
của Vụ;
e) Banh hành các nội quy, quy định của Vụ, tổ chức
thực hiện các quy định, quy chế của Bộ, quản lý công chức và tài sản được giao
theo phân cấp của Bộ.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày ký.
2. Chánh văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ
trưởng, Cục trưởng và thủ trưởng các đơn vị thuộc bộ chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này.