HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 25/2013/NQ-HĐND
|
Bình Định, ngày
11 tháng 12 năm 2013
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC BAN HÀNH
QUY ĐỊNH LỘ TRÌNH VÀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT GẠCH, NGÓI
ĐẤT SÉT NUNG BẰNG LÒ THỦ CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
KHÓA XI, KỲ
HỌP THỨ 7
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp
luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11
ngày 02 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế hoạt
động của Hội đồng nhân dân;
Căn cứ Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg ngày 29
tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể
phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 567/QĐ-TTg
ngày 28 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình
phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020;
Căn cứ Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16 tháng 4
năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không
nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung;
Căn cứ Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28
tháng 11 năm 2012 của Bộ Xây dựng quy định sử dụng vật liệu xây không nung
trong các công trình xây dựng;
Sau khi xem xét Tờ trình số 83/TTr-UBND ngày
10 tháng 10 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Quy định lộ trình và
chính sách hỗ trợ chấm dứt hoạt động sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò
thủ công trên địa bàn tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 28/BCTT-KTNS ngày 28 tháng 11
năm 2013 của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các
Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua Quy định lộ
trình và chính sách hỗ trợ chấm dứt hoạt động sản xuất gạch, ngói đất sét nung
bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh với các nội dung như sau:
1. Lộ trình thực hiện chấm dứt hoạt động sản
xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công:
a. Đến ngày 31/12/2014: Chấm dứt hoạt động đối
với các lò nung thủ công nằm trong khu dân cư.
b. Đến ngày 31/12/2015: Chấm dứt hoạt động đối
với các lò nung thủ công nằm ngoài khu dân cư hoặc trong các điểm sản xuất tập
trung ngoài các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
c. Đến ngày 31/12/2016: Chấm dứt hoạt động đối
với các lò nung thủ công còn lại trên địa bàn tỉnh.
2. Các hình thức hỗ trợ:
a. Hỗ trợ chi phí tháo dỡ lò, hoàn trả mặt bằng:
- Loại lò có công suất < 0,4 triệu viên/năm,
mức hỗ trợ: 5.000.000 đồng/lò.
- Loại lò có công suất từ 0,4 triệu viên/năm đến
0,65 triệu viên/năm, mức hỗ trợ: 7.500.000 đồng/lò.
- Loại lò có công suất trên 0,65 triệu viên/năm,
mức hỗ trợ: 10.000.000 đồng/lò.
b. Hỗ trợ ổn định đời sống cho người lao động:
- Người lao động có hợp đồng lao động và có đóng
bảo hiểm xã hội: Mức hỗ trợ là 15 kg gạo tẻ thường/tháng/người x 12 tháng x đơn
giá gạo.
- Người lao động có hợp đồng lao động nhưng
không đóng bảo hiểm xã hội: Mức hỗ trợ là 15 kg gạo tẻ thường/tháng/người x 6
tháng x đơn giá gạo. Số lao động được hỗ trợ tối đa không quá 10 người/lò, kể
cả chủ lò.
- Người lao động không có hợp đồng lao động: Mức
hỗ trợ là 15 kg gạo tẻ thường/tháng/người x 6 tháng x đơn giá gạo. Số lao động
được hỗ trợ tối đa không quá 07 người/lò, kể cả chủ lò.
(Đơn giá gạo: theo thông báo giá của Sở Tài
chính tại thời điểm thanh toán)
c. Hỗ trợ đào tạo nghề:
- Người lao động được hỗ trợ đào tạo nghề theo
quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm
2020” và Quyết định số 2072/QĐ-CTUBND ngày 13/9/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh
về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bình Định đến
năm 2020” và Quyết định số 123/QĐ-UBND ngày 29/02/2008 của UBND tỉnh quy định
chính sách học phí, hỗ trợ học bổng, trợ cấp ưu đãi, trợ cấp xã hội đối với học
sinh.
- Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sau khi tháo
dỡ lò gạch thủ công tham gia hoạt động phát triển sản xuất công nghiệp nông
thôn, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, khi lập đề án đề xuất hỗ trợ
theo Chương trình khuyến công, có sử dụng người lao động thuộc đối tượng của
chính sách này sẽ được ưu tiên xem xét hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số
45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công.
d. Hỗ trợ ổn định sản xuất: Doanh nghiệp, cơ sở
sản xuất thực hiện việc tháo dỡ, chấm dứt hoạt động sản xuất gạch, ngói đất sét
nung bằng lò thủ công để chuyển đổi công nghệ hoặc chuyển sang sản xuất, kinh
doanh ngành, nghề khác được ưu tiên bố trí sản xuất tại mặt bằng cũ phù hợp với
quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và hưởng các chính sách ưu đãi theo
quy định của Luật Đầu tư và các quy định có liên quan.
3. Kinh phí thực hiện:
a. Kinh phí hỗ trợ tháo dỡ, chấm dứt hoạt động:
Ngân sách tỉnh.
b. Kinh phí hỗ trợ ổn định đời sống cho người
lao động:
- Đối với địa bàn huyện Tây Sơn: Ngân sách tỉnh
hỗ trợ 70%, ngân sách huyện Tây Sơn hỗ trợ 30%.
- Đối với các địa bàn khác: Ngân sách tỉnh hỗ
trợ 50%, ngân sách huyện, thị xã hỗ trợ 50%.
Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách
nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân,
các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra,
giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh
khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 11 tháng 12 năm 2013; có hiệu lực thi hành
kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Thanh Tùng
|