HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
07/2021/NQ-HĐND
|
Quảng Nam, ngày
13 tháng 01 năm 2021
|
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN
PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2021-2025
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 21
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước
ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số
163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước;
Xét Tờ trình số
7612/TTr-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đề nghị ban
hành Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ Chương trình Mỗi xã một sản
phẩm tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025; Báo cáo thẩm tra số 08/BC-HĐND ngày 12
tháng 01 năm 2021 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo
luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định cơ chế,
chính sách hỗ trợ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh,
giai đoạn 2021-2025.
2. Đối tượng
áp dụng
a) Doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp
tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh trực tiếp sản xuất tạo ra
sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ (gọi tắt là các chủ thể sản xuất) thuộc
06 nhóm ngành hàng (có Phụ lục kèm theo).
b) Doanh nghiệp, hợp tác xã
kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm OCOP. c) Các tổ chức, đơn vị có liên quan trong
thực hiện nghị quyết này.
Điều 2.
Nguyên tắc, điều kiện và phương thức hỗ trợ
1. Nguyên tắc hỗ trợ: Trong
cùng một nội dung hỗ trợ, nếu được hưởng hỗ trợ từ nghị quyết này thì không được
hưởng hỗ trợ từ quy định khác và ngược lại.
2. Điều kiện hỗ trợ đối với các
đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1:
a) Các đối tượng có đăng ký
tham gia Chương trình OCOP, được Ủy ban nhân dân cấp xã (nơi chủ thể đăng ký
thường trú) xác nhận và Ủy ban nhân dân cấp huyện đề nghị, được Ủy ban nhân dân
tỉnh đưa vào kế hoạch thực hiện OCOP hằng năm.
b) Khi triển khai thực hiện phải
tuân thủ theo đúng Chu trình OCOP theo Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025
của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
3. Điều kiện hỗ trợ đối với đối
tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã tại điểm a khoản 2 và đối tượng tại
điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị quyết này liên quan đến nội dung hỗ trợ giới thiệu,
quảng bá và bán sản phẩm OCOP: Thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 1; điểm
c khoản 2; điểm c khoản 3, điểm c khoản 5 Điều 6 Nghị quyết này.
4. Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ
sau đầu tư (trừ nội dung hỗ trợ tại Điều 3 Nghị quyết này).
Điều 3. Nội
dung, mức chi triển khai Chu trình OCOP thường niên
1. Chi thuê
tư vấn xây dựng đề án, dự án: Chi theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt,
trong đó chi tiền lương chuyên gia tư vấn thực hiện theo Thông tư số
02/2015/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Bộ
trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định mức lương đối với chuyên gia
tư vấn trong nước làm cơ sở dự toán gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn áp dụng
hình thức hợp đồng theo thời gian sử dụng vốn nhà nước và các quy định hiện
hành khác.
2. Chi truyền thông, thông tin
tuyên truyền: Nội dung, mức chi cụ thể thực hiện theo Nghị định số
18/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ quy định chế độ nhuận bút
trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.
3. Chi hội
nghị, hội thảo, tập huấn: Nội dung, mức chi cụ thể thực hiện theo Nghị quyết số
20/2017/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng
nhân dân tỉnh quy định mức chi chế độ công tác phí, chế độ hội nghị và các quy
định hiện hành liên quan về hội nghị, hội thảo, tập huấn.
4. Chi tham quan, học tập kinh
nghiệm thực hiện chương trình OCOP
a) Chi tham quan, học tập kinh
nghiệm trong và ngoài tỉnh: Nội dung, mức chi cụ thể thực hiện theo Nghị quyết
số 20/2017/NQ-HĐND .
b) Chi tham quan, học tập kinh
nghiệm nước ngoài: Nội dung, đối tượng, mức chi cụ thể thực hiện theo Thông tư
102/2012/TT-BTC ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế
độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước
ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí và phải được Ủy ban nhân dân tỉnh
thống nhất.
5. Chi tổ chức đánh giá, phân hạng
sản phẩm cấp tỉnh, cấp huyện
a) Thuê
đơn vị tư vấn hoặc chuyên gia tư vấn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh:
Chi theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó chi tiền lương
chuyên gia tư vấn thực hiện theo Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH ; chi công tác phí thực hiện theo Nghị quyết số
20/2017/NQ-HĐND .
b) Tiền
công cho thành viên Hội đồng, Tổ giúp việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp
tỉnh.
Thành viên Hội đồng: 500.000 đồng/ngày.
Thành viên Tổ giúp việc:
200.000 đồng/ngày.
c) Tiền
công cho thành viên Hội đồng, Tổ giúp việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp
huyện.
Thành viên Hội đồng: 300.000 đồng/ngày.
Thành viên Tổ giúp việc:
150.000 đồng/ngày.
d) Chi phí
thuê đơn vị tư vấn kiểm nghiệm/phân tích độc lập các chỉ tiêu an toàn thực phẩm
đối với các sản phẩm (áp dụng đối với các sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân
hạng cấp tỉnh đánh giá lần 1 đạt từ 50 điểm trở lên theo quy định của Bộ tiêu
chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP): Mức chi thực hiện theo quy định hiện
hành và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
e) Chi phí khác phục vụ Hội đồng
đánh giá cấp tỉnh, cấp huyện: Nội dung, mức chi cụ thể thực hiện theo quy định
tại Nghị quyết số 20/2017/NQ-HĐND .
6. Chi trưng bày, triển lãm giới
thiệu sản phẩm OCOP tại các cuộc Hội nghị, Hội thảo, diễn đàn: Mức chi thực hiện
theo quy định hiện hành và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
7. Chi tổ
chức hội chợ sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh: Nội dung, mức chi thực hiện theo
quy định tại Thông tư 28/2018/TT-BTC ngày 28 tháng
3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng kinh
phí khuyến công và các quy định khác liên quan.
8. Chi xây
dựng, duy trì, nâng cấp hệ thống phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và
hệ thống phần mềm lưu trữ, truy xuất hồ sơ, dữ liệu liên quan Chương trình OCOP
ở cấp tỉnh; nâng cấp và duy trì Website OCOP Quảng Nam: Mức chi thực hiện theo
quy định hiện hành và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
9. Chi thiết kế, xây dựng bộ nhận
diện thương hiệu Chương trình OCOP Quảng Nam: Bộ nhận diện văn phòng (danh thiếp,
phong bì thư, tiêu đề thư, thẻ cán bộ OCOP, đồng phục, các nội dung khác liên
quan); Bộ nhận diện ngoài trời (Pano, áp phích, băng rôn, các nội dung khác
liên quan); Bộ nhận diện Marketing (facebook, fanpage OCOP Quảng Nam, Catalogue
sản phẩm OCOP tiêu biểu, video/phóng sự về mô hình điểm sản xuất, kinh doanh sản
phẩm OCOP, các nội dung khác liên quan): Mức chi thực hiện theo quy định hiện
hành và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
10. Chi cho công tác tổ chức thực
hiện, quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chu trình OCOP và chi
khác: Mức chi thực hiện theo quy định hiện hành và được cấp có thẩm quyền phê
duyệt.
Điều 4. Hỗ
trợ đối với các chủ thể có sản phẩm thuộc các nhóm ngành hàng: thực phẩm; đồ uống;
thảo dược; thủ công mỹ nghệ, trang trí; vải và may mặc
1. Tư vấn xây dựng liên kết: Nội
dung, mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số
17/2019/NQ-HĐND ngày 17 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định
chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ
sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
2. Mua sắm máy móc, thiết bị phục
vụ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm: Hỗ trợ
tối đa 50% kinh phí đầu tư, nhưng không quá 300 triệu đồng đối với chủ thể là hợp
tác xã và doanh nghiệp; không quá 200 triệu đồng đối với các chủ thể là tổ hợp
tác; không quá 150 triệu đồng đối với chủ thể là hộ sản xuất có đăng ký kinh
doanh.
3. Kiểm nghiệm/phân tích các chỉ
tiêu an toàn thực phẩm, tư vấn lập hồ sơ công bố sản phẩm: Hỗ trợ tối đa 70%
chi phí nhưng không quá 10 triệu đồng/sản phẩm (chỉ hỗ trợ 1 lần).
4. Xây dựng,
áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (VietGap, GlobalGAP, GMP, ISO,
HACCP): Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 5 Nghị quyết
số 02/2019/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2019 của Hội
đồng nhân dân tỉnh quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động
khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019-2025.
5. Đánh giá
hợp chuẩn, hợp quy; Xây dựng tiêu chuẩn cơ sở: Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định
tại các điểm b, c khoản 3 Điều 5 Nghị quyết số 02/2019/NQ- HĐND.
6. Thiết kế bao bì, nhãn mác sản
phẩm, tem điện tử (truy xuất nguồn gốc): Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại
khoản 1 Điều 6 Nghị quyết số 17/2019/NQ- HĐND.
7. Đăng ký mã số, mã vạch: Hỗ
trợ tối đa 03 triệu đồng/chủ thể.
8. Đăng ký
nhãn hiệu, đăng ký nhãn hiệu tập thể, đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, đăng ký kiểu
dáng công nghiệp: Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm
c, điểm e khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND .
9. Tham gia
hội chợ, triển lãm: Hỗ trợ tối đa 100% chi phí nhưng không quá 05 triệu đồng/lần
tham gia (tổ chức trong tỉnh); hỗ trợ tối đa 80% chi phí nhưng không quá 10 triệu
đồng/lần tham gia (tổ chức ở các tỉnh, thành trong nước), bao gồm: chi phí thuê
mặt bằng, trang trí gian hàng. Riêng đối với các chủ thể sản xuất ở 06 huyện miền
núi cao còn được hỗ trợ tối đa 03 triệu đồng/lần tham gia hội chợ, triển lãm (tổ
chức ở khu vực đồng bằng) để vận chuyển hàng hóa, sản phẩm. Các chủ thể sản xuất
tham gia hội chợ, triển lãm ngoài tỉnh (trong nước) được hỗ trợ tối đa 05 triệu
đồng đối với 6 huyện miền núi cao và 03 triệu đồng đối với các huyện, thị xã,
thành phố còn lại để chi phí vận chuyển. Hỗ trợ tối đa 02 lần/năm, kể cả tham
gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.
10. Tham
gia hội chợ, triển lãm tại nước ngoài: Hỗ trợ tối đa không quá 30 triệu đồng/chủ
thể/lần tham gia. Hỗ trợ tối đa 01 lần/chủ thể/năm.
11. Xây dựng trang thông tin điện
tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến: Hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng
không quá 20 triệu đồng/chủ thể. Mỗi chủ thể chỉ được hỗ trợ 01 lần.
12. Xây dựng câu chuyện sản phẩm:
Hỗ trợ tối đa không quá 03 triệu đồng/sản phẩm, với điều kiện sản phẩm được Hội
đồng cấp huyện đánh giá đạt 50 điểm trở lên.
13. Thuê tư vấn giúp chủ thể
OCOP lập hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm: Hỗ trợ tối đa không quá
03 triệu đồng/hồ sơ, với điều kiện sản phẩm được Hội đồng cấp huyện đánh giá đạt
50 điểm trở lên.
14. Thưởng
cho các sản phẩm đạt 3-5 sao của Chương trình OCOP
a) Sản phẩm đạt hạng 5 sao: Thưởng
20 triệu đồng/sản phẩm.
b) Sản phẩm đạt hạng 4 sao: Thưởng
10 triệu đồng/sản phẩm.
c) Sản phẩm đạt hạng 3 sao: Thưởng
05 triệu đồng/sản phẩm.
Trường hợp sản
phẩm của chủ thể tham gia nâng cấp được đánh giá, phân hạng năm sau cao hơn năm
trước, thì được thưởng thêm phần chênh lệch giữa 02 hạng sao cũ và mới.
Điều 5. Hỗ
trợ đối với các chủ thể có sản phẩm thuộc nhóm ngành dịch vụ du lịch cộng đồng
và điểm du lịch
1. Phát triển sản phẩm du lịch,
dịch vụ; quảng bá, xúc tiến du lịch: Nội dung, mức hỗ trợ thực hiện theo quy định
hiện hành.
2. Xây dựng câu chuyện sản phẩm;
thuê tư vấn giúp chủ thể OCOP lập hồ sơ, tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm;
thưởng cho các sản phẩm đạt hạng 3-5 sao của Chương trình OCOP: Thực hiện theo
khoản 12, 13, 14 Điều 4 Nghị quyết này.
Điều 6. Hỗ
trợ giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP
1. Hỗ trợ điểm bán hàng đối với
cơ sở kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm có hợp đồng liên kết để tiêu thụ sản phẩm.
a) Nội dung hỗ trợ: Chi sửa chữa
nhỏ, mua giá, kệ trưng bày sản phẩm, bảng hiệu, tủ bảo quản sản phẩm, trang trí
điểm bán hàng, hỗ trợ trả tiền thuê mặt bằng (nếu có) và các nội dung cần thiết,
phù hợp khác bên trong điểm bán hàng (không phải hỗ trợ để xây dựng cơ bản).
b) Mức hỗ
trợ: Hỗ trợ tối đa 100% ở địa bàn thuộc 6 huyện miền núi cao (khu vực I); tối
đa 70% ở địa bàn 3 huyện miền núi thấp và các xã miền núi thuộc các huyện đồng
bằng, các xã bãi ngang ven biển theo các quy định hiện hành (khu vực II); tối
đa 50% ở địa bàn thuộc các huyện, thị xã, thành phố còn lại (khu vực III),
nhưng không quá 100 triệu đồng/điểm bán hàng. Mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ 01
lần.
c) Điều kiện được hỗ trợ: Có
phương án hoạt động, được Ủy ban nhân dân cấp huyện thống nhất. Có hợp đồng
tiêu thụ sản phẩm (sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản
phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương) với các cơ sở sản xuất, hộ nông dân với
tổng giá trị hợp đồng tiêu thụ sản phẩm tối thiểu đạt từ 300 triệu đồng/năm trở
lên đối với địa bàn khu vực I; từ 500 triệu đồng/năm trở lên đối với địa bàn
khu vực II; từ 1.000 triệu đồng/năm trở lên đối với địa bàn khu vực III. Chủ đầu
tư điểm bán hàng OCOP phải cam kết bằng văn bản là hoạt động đúng mục đích tối
thiểu đủ 03 năm liên tục.
2. Hỗ trợ Trung tâm OCOP cấp
huyện
a) Nội dung hỗ trợ: Khuyến
khích các đối tượng, các chủ thể đầu tư xây dựng hoặc thuê mặt bằng để hình
thành Trung tâm OCOP nhằm quảng bá, trưng bày, tiêu thụ sản phẩm OCOP và tổ chức
các hoạt động khác theo nội dung của Chương trình OCOP (làm nơi tập huấn, đào tạo,
hội thảo, hội nghị...); ngân sách nhà nước hỗ trợ để trang trí, bảng hiệu, cửa
kính, tủ, giá, kệ, mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ Trung tâm OCOP, các
nội dung khác có liên quan đầu tư cơ sở vật chất của Trung tâm OCOP (nhưng
không có tính chất xây dựng cơ bản), hỗ trợ tiền thuê mặt bằng (nếu có).
b) Mức hỗ trợ: Hỗ trợ tối đa
100% ở địa bàn thuộc khu vực I; tối đa 70% ở địa bàn thuộc khu vực II; tối đa
50% ở địa bàn thuộc khu vực III, nhưng không quá 500 triệu đồng cho 01 Trung
tâm OCOP cấp huyện.
c) Điều kiện được hỗ trợ: Có
phương án hoạt động được Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất. Có hợp đồng tiêu thụ
sản phẩm với các cơ sở sản xuất, hộ nông dân (sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp
nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương) với tổng giá
trị hợp đồng tiêu thụ sản phẩm tối thiểu phải đạt từ: 1.000 triệu đồng/năm trở
lên đối với địa bàn thuộc khu vực I; từ 1.500 triệu đồng/năm đối với địa bàn
thuộc khu vực II; từ 2.000 triệu đồng/năm đối với địa bàn thuộc khu vực III. Chủ
đầu tư Trung tâm OCOP cấp huyện phải có cam kết bằng văn bản là hoạt động đúng
mục đích tối thiểu đủ 05 năm liên tục.
3. Hỗ trợ Trung tâm OCOP cấp tỉnh
a) Nội dung hỗ trợ: Thực hiện
theo điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị quyết này.
b) Mức hỗ trợ: Tối đa 50% nhưng
không quá 1.000 triệu đồng cho 01 Trung tâm OCOP cấp tỉnh.
c) Điều kiện được hỗ trợ: Có
phương án hoạt động được Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất. Có hợp đồng tiêu thụ
sản phẩm với các cơ sở sản xuất, hộ nông dân (sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp
nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương) với tổng giá
trị hợp đồng tiêu thụ sản phẩm tối thiểu phải đạt từ 5.000 triệu đồng/năm trở
lên và chủ đầu tư trung tâm OCOP cấp tỉnh phải có cam kết bằng văn bản hoạt động
đúng mục đích tối thiểu đủ 10 năm liên tục.
4. Trung
tâm OCOP vùng ở Hội An: Khi có chủ trương đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo
Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét bổ sung quy định nội dung và mức hỗ trợ cụ thể.
5. Hỗ trợ điểm giới thiệu và
tiêu thụ sản phẩm tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản
xuất có đăng ký kinh doanh có sản phẩm tham gia chương trình OCOP.
a) Nội dung hỗ trợ: Chi sửa chữa
nhỏ, mua giá, kệ trưng bày sản phẩm, bảng hiệu, tủ bảo quản sản phẩm, trang trí
và các hạng mục cần thiết, phù hợp khác bên trong điểm.
b) Mức hỗ trợ: Hỗ trợ tối đa
50% kinh phí đầu tư, nhưng không quá 50 triệu đồng/điểm.
c) Điều kiện hỗ trợ: Doanh nghiệp
vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh có sản phẩm
đạt 04 sao cấp tỉnh trở lên.
Điều 7.
Kinh phí thực hiện
1. Ngoài phần kinh phí hỗ trợ từ
nguồn ngân sách Trung ương, hằng năm ngân sách tỉnh bố trí tối thiểu 10 tỷ đồng
để thực hiện Nghị quyết.
2. Vốn ngân sách cấp huyện.
3. Vốn lồng ghép từ các chương
trình, đề án, dự án khác.
4. Vốn huy động từ các doanh
nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh tham gia
Chương trình OCOP và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Điều 8. Tổ
chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh
triển khai thực hiện Nghị quyết.
2. Thường trực Hội đồng nhân
dân, các ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh
giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
3. Trường hợp các văn bản được
dẫn chiếu tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới
thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
4. Trong quá trình thực hiện,
trường hợp có vướng mắc, phát sinh Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất với Thường
trực Hội đồng nhân dân tỉnh giải quyết và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ
họp gần nhất.
5. Nghị quyết này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 25 tháng 01 năm 2021.
Nghị quyết này được Hội đồng
nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa IX, kỳ họp thứ 21 thông qua ngày 13 tháng 01 năm
2021./.
Nơi nhận1:
- UBTVQH;
- Chính phủ;
- Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- VP: QH, CTN, CP;
- Ban CTĐB-UBTVQH;
- Văn phòng Điều phối NTM Trung ương;
- BTVTU, TT HĐND, UBND tỉnh;
- UBMTTQVN, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các ban của HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- VP: Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- TTXVN tại Quảng Nam;
- Báo Quảng Nam, Đài PT-TH tỉnh Quảng Nam;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- VP HĐND tỉnh: CPVP, các phòng;
- Lưu: VT, TH (Thủy).
|
CHỦ TỊCH
Phan Việt Cường
|
1 Gửi qua trục văn bản
liên thông.