Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn Luật Trọng tài thương mại

Số hiệu: 01/2014/NQ-HĐTP Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao Người ký: Trương Hòa Bình
Ngày ban hành: 20/03/2014 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Phân định thẩm quyền Tòa án và Trọng tài TM

Ngày 20/3/2014, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài Thương mại

Theo đó Tòa án được phép thụ lý tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài trong những trường hợp sau:

- Các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng nó đã chấm dứt hoạt động
- Trọng tài viên trọng tài vụ việc được các bên lựa chọn không thể tham gia giải quyết tranh chấp
- Trọng tài viên trọng tài vụ việc được lựa chọn từ chối giải quyết tranh chấp mà không có thỏa thuận việc lựa chọn người thay thế
- Quy tắc tố tụng được các bên lựa chọn khác với quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài được lựa chọn và trung tâm này không cho phép áp dụng quy tắc của trung tâm khác
- Người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn trọng tài theo quy định tại điều 17 Luật TTTM.

Đối với 4 trường hợp đầu còn phải đáp ứng thêm điều kiện là các bên không đạt được thỏa thuận thay thế khác.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 02/7/2014.

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2014/NQ-HĐTP

Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 2014

NGHỊ QUYẾT

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH LUẬT TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ vào Luật Tổ chức Tòa án nhân dân;

Để thi hành đúng và thống nhất các quy định Luật Trọng tài thương mại được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 (sau đây viết tắt là Luật TTTM);

Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này hướng dẫn thi hành một số quy định Luật TTTM về thẩm quyền, trình tự, thủ tục tố tụng của Tòa án đối với hoạt động trọng tài; đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc.

Điều 2. Xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Trọng tài, Tòa án theo quy định Luật TTTM

1. Trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp quy định tại Điều 2 Luật TTTM nếu các bên có thoả thuận trọng tài quy định tại Điều 5 và Điều 16 Luật TTTM, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.

2. Khi có yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực quy định tại Điều 2 Luật TTTM thì Tòa án yêu cầu một hoặc các bên cho biết tranh chấp đó các bên có thoả thuận trọng tài hay không. Tòa án phải kiểm tra, xem xét các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện để xác định vụ tranh chấp đó có thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này hay không. Tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án xử lý như sau:

a) Trường hợp tranh chấp không có thoả thuận trọng tài hoặc đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định, phán quyết có hiệu lực pháp luật của Trọng tài xác định vụ tranh chấp không có thỏa thuận trọng tài thì Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền.

b) Trường hợp tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài và thỏa thuận trọng tài không thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này thì Tòa án căn cứ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 168 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2011 (sau đây gọi tắt là BLTTDS) để trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện cho người khởi kiện.

Trường hợp sau khi thụ lý vụ án Tòa án mới phát hiện vụ tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài và thỏa thuận trọng tài không thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này thì Tòa án căn cứ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 192 BLTTDS ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện cho người khởi kiện.

c) Trường hợp đã có yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp và Hội đồng trọng tài đang giải quyết vụ tranh chấp thì dù Tòa án nhận thấy tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài hoặc tuy đã có thoả thuận trọng tài nhưng thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này mà người khởi kiện có yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, trường hợp Tòa án đã thụ lý thì ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, trừ trường hợp Tòa án thụ lý vụ tranh chấp trước khi có yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp. Sau khi có quyết định, phán quyết của Hội đồng trọng tài quy định tại các điều 43, 58, 59 và 61 Luật TTTM mà người khởi kiện có yêu cầu Tòa án giải quyết, thì Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

3. Tranh chấp có thỏa thuận trọng tài nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác:

a) Có quyết định của Tòa án huỷ phán quyết trọng tài, hủy quyết định của Hội đồng trọng tài về việc công nhận sự thỏa thuận của các bên;

b) Có quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài, Trung tâm trọng tài quy định tại khoản 1 Điều 43 các điểm a, b, d và đ khoản 1 Điều 59 Luật TTTM;

c) Tranh chấp thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 4 Nghị quyết này.

4. Trường hợp các bên vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Tòa án mà các bên không có thỏa thuận lại hoặc thỏa thuận mới về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này mà phát sinh tranh chấp thì xử lý như sau:

a) Trường hợp người khởi kiện yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp khi Tòa án chưa thụ lý vụ án quy định tại điểm b khoản 4 Điều này thì Tòa án căn cứ quy định tại Điều 6 Luật TTTM để từ chối thụ lý, giải quyết. Trong trường hợp này, khi nhận được đơn khởi kiện Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện, nếu đã thụ lý vụ án thì căn cứ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 192 BLTTDS ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của Tòa án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện.

b) Trường hợp người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp, thì ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xác định một trong các bên đã yêu cầu Trọng tài giải quyết hay chưa.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện mà Tòa án xác định người bị kiện, người khởi kiện đã yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, trường hợp người bị kiện, người khởi kiện chưa yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp thì Tòa án xem xét thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.

Trường hợp Tòa án đã thụ lý vụ án mà phát hiện tranh chấp đã có yêu cầu Trọng tài giải quyết trước thời điểm Tòa án thụ lý vụ án thì Tòa án căn cứ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 192 BLTTDS ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của Tòa án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện.

Điều 3. Thoả thuận trọng tài vô hiệu quy định tại Điều 6 và Điều 18 Luật TTTM

Thoả thuận trọng tài vô hiệu là thỏa thuận trọng tài thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 18 Luật TTTM. Khi xem xét thoả thuận trọng tài vô hiệu quy định tại Điều 18 Luật TTTM cần lưu ý một số trường hợp như sau:

1.Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài” quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật TTTM là trường hợp thỏa thuận trọng tài được xác lập để giải quyết tranh chấp không thuộc lĩnh vực quy định tại Điều 2 Luật TTTM.

2. “Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật” quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật TTTM là người xác lập thỏa thuận trọng tài khi không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc không phải là người được ủy quyền hợp pháp hoặc là người được ủy quyền hợp pháp nhưng vượt quá phạm vi được ủy quyền.

Về nguyên tắc thỏa thuận trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập thì thỏa thuận trọng tài đó vô hiệu. Trường hợp thỏa thuận trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập nhưng trong quá trình xác lập, thực hiện thỏa thuận trọng tài hoặc trong tố tụng trọng tài mà người có thẩm quyền xác lập thỏa thuận trọng tài đã chấp nhận hoặc đã biết mà không phản đối thì thỏa thuận trọng tài không vô hiệu.

3. “Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự” quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật TTTM là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp này thì Tòa án cần thu thập chứng cứ để chứng minh người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự thì phải có giấy tờ tài liệu chứng minh ngày tháng năm sinh hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định của Tòa án xác định, tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

4. “Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 Luật TTTM” quy định tại khoản 4 Điều 18 Luật TTTM là trường hợp thỏa thuận trọng tài không được xác lập bằng một trong các hình thức quy định tại Điều 16 Luật TTTM và hướng dẫn tại Điều 7 Nghị quyết này.

5. “Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài” quy định tại khoản 5 Điều 18 Luật TTTM là trường hợp một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép theo quy định tại Điều 4, Điều 132 của Bộ luật dân sự.

6. “Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật” quy định tại khoản 6 Điều 18 Luật TTTM là thỏa thuận thuộc trường hợp quy định tại Điều 128 của Bộ luật dân sự.

Điều 4. Thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được quy định tại Điều 6 Luật TTTM

Thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được” quy định tại Điều 6 Luật TTTM là thỏa thuận trọng tài thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa, và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp.

2. Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp, hoặc Trung tâm trọng tài, Tòa án không thể tìm được Trọng tài viên như các bên thỏa thuận và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế.

3. Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, Trọng tài viên từ chối việc được chỉ định hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế.

4. Các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác với Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài đã thỏa thuận và điều lệ của Trung tâm trọng tài do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp không cho phép áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác và các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế.

5. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn quy định tại Điều 17 Luật TTTM nhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp.

Điều 5. Xác định Tòa án có thẩm quyền đối với hoạt động trọng tài quy định tại Điều 7 Luật TTTM

1. Các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn một trong các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam để giải quyết vụ việc liên quan đến hoạt động trọng tài tại Việt Nam. Việc thỏa thuận lựa chọn Tòa án có thẩm quyền phải được lập thành văn bản, trong đó nêu rõ loại việc yêu cầu Tòa án giải quyết, tên Tòa án mà các bên lựa chọn.

Trường hợp thỏa thuận của các bên không đúng quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật TTTM thì thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động trọng tài được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật TTTM về thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án và quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật TTTM về thẩm quyền theo cấp của Tòa án.

Ví dụ: các bên thỏa thuận lựa chọn Tòa án nhân dân huyện X để giải quyết yêu cầu triệu tập người làm chứng thì thỏa thuận này là trái với quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật TTTM. Tòa án không chấp nhận thỏa thuận lựa chọn này của các bên và thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động trọng tài được xác định theo quy định tại điểm e khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Luật TTTM.

2. Các bên có thể thỏa thuận lựa chọn Tòa án có thẩm quyền đối với hoạt động trọng tài trước hoặc sau khi có tranh chấp. Việc thỏa thuận lựa chọn Tòa án đối với hoạt động trọng tài phải đảm bảo nguyên tắc chỉ có một Tòa án có thẩm quyền đối với một hoạt động trọng tài hoặc tất cả hoạt động trọng tài.

3. Xác định Tòa án có thẩm quyền đối với yêu cầu chỉ định Trọng tài viên để thành lập Hội đồng trọng tài vụ việc.

a) Trường hợp yêu cầu chỉ định Trọng tài viên để thành lập Hội đồng trọng tài vụ việc mà có nhiều bị đơn thì nguyên đơn có quyền lựa chọn yêu cầu một trong các Tòa án nơi cư trú hoặc nơi có trụ sở của một trong các bị đơn đó. Trường hợp có một hoặc các bị đơn cư trú, hoặc có trụ sở ở nước ngoài thì nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án nơi cư trú, nơi có trụ sở của nguyên đơn.

b) Khi nhận đơn yêu cầu chỉ định Trọng tài viên để thành lập Hội đồng trọng tài vụ việc, Tòa án phải giải thích cho người nộp đơn yêu cầu biết là chỉ có một Tòa án trong các Tòa án được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Luật TTTM có thẩm quyền giải quyết để họ lựa chọn. Tòa án do họ lựa chọn phải yêu cầu họ cam kết trong đơn yêu cầu về việc không nộp đơn yêu cầu tại các Tòa án khác.

c) Trong trường hợp nguyên đơn nộp đơn yêu cầu tại nhiều Tòa án khác nhau và các Tòa án đều nhận được đơn yêu cầu thì Tòa án đã thụ lý đầu tiên theo thời gian có thẩm quyền giải quyết. Các Tòa án nhận được đơn yêu cầu sau thì xử lý đơn như sau:

c1) Nếu chưa thụ lý thì căn cứ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 168 và Điều 311 của BLTTDS để trả lại đơn yêu cầu cùng tài liệu, chứng cứ và tiền tạm ứng lệ phí cho người đã nộp.

c2) Nếu đã thụ lý thì căn cứ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 168, điểm i khoản 1 Điều 192 và Điều 311 của BLTTDS để ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu, xoá tên vụ việc đó trong sổ thụ lý, trả lại đơn yêu cầu cùng tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người nộp đơn. Tiền tạm ứng lệ phí được Tòa án trả lại cho người đã nộp.

c3) Trường hợp nhiều Tòa án đều đã ra quyết định chỉ định Trọng tài viên, thì lấy quyết định chỉ định Trọng tài viên của Tòa án do nguyên đơn lựa chọn và thông báo cho bị đơn đầu tiên theo thời gian. Trong trường hợp này, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 39 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án thì nguyên đơn vẫn phải chịu lệ phí yêu cầu Tòa án chỉ định Trọng tài viên theo Quyết định chỉ định trọng tài viên của Tòa án tại tất cả các Tòa án mà nguyên đơn có yêu cầu.

4. Tòa án có thẩm quyền đối với yêu cầu thay đổi Trọng tài viên, giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài, hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc quy định tại các điểm b, c và g khoản 2 Điều 7 Luật TTTM được xác định như sau:

a) “Nơi Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Luật TTTM được xác định theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật TTTM. Trường hợp các bên không thỏa thuận lựa chọn được địa điểm giải quyết tranh chấp và Hội đồng trọng tài không xác định hoặc không xác định rõ địa điểm giải quyết tranh chấp thì người yêu cầu phải nộp các tài liệu, chứng cứ chứng minh. Trường hợp họ không chứng minh được thì Tòa án hướng dẫn họ yêu cầu Hội đồng trọng tài xác định. Tòa án căn cứ vào kết quả xác định địa điểm giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài để xem xét, quyết định việc thụ lý theo quy định của pháp luật.

b) “Nơi Hội đồng trọng tài ra quyết định” và “Nơi Hội đồng trọng tài đã tuyên phán quyết trọng tài” quy định tại điểm c và điểm g khoản 2 Điều 7 Luật TTTM được xác định theo quyết định, phán quyết của Hội đồng trọng tài. Trường hợp quyết định, phán quyết của Hội đồng trọng tài không xác định hoặc không xác định rõ địa điểm nơi Hội đồng trọng tài ra quyết định, nơi Hội đồng trọng tài đã tuyên phán quyết trọng tài thì người yêu cầu phải nộp các tài liệu, chứng cứ chứng minh. Trường hợp họ không chứng minh được thì Tòa án hướng dẫn họ yêu cầu Hội đồng trọng tài xác định. Tòa án căn cứ vào kết quả xác định của Hội đồng trọng tài để xem xét, quyết định việc thụ lý theo quy định của pháp luật.

c) Trường hợp nơi Hội đồng trọng tài ra quyết định, nơi Hội đồng trọng tài đã tuyên phán quyết trọng tài quy định tại điểm c và điểm g khoản 2 Điều 7 Luật TTTM được tiến hành ở nước ngoài thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú hoặc nơi có trụ sở của bị đơn tại Việt Nam. Trường hợp bị đơn có nơi cư trú hoặc trụ sở ở nước ngoài thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn.

5. Xác định thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam

a) Trọng tài nước ngoài tiến hành việc giải quyết tranh chấp và có yêu cầu Tòa án Việt Nam hỗ trợ hoạt động thì Tòa án Việt Nam có thẩm quyền đối với hoạt động của Trọng tài nước ngoài theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 2 Điều 7 Luật TTTM.

b) Tòa án Việt Nam không có thẩm quyền đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc của Trọng tài nước ngoài quy định tại điểm g khoản 2 Điều 7 Luật TTTM. Phán quyết của Trọng tài nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam theo quy định của BLTTDS về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài.

Điều 6. Mất quyền phản đối quy định tại Điều 13 Luật TTTM

1. Trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định Luật TTTM hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối với Hội đồng trọng tài, Trung tâm trọng tài những vi phạm đó trong thời hạn do Luật TTTM quy định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài, hoặc tại Tòa án đối với những vi phạm đã biết đó. Trường hợp Luật TTTM không quy định thời hạn thì thời hạn được xác định theo thỏa thuận của các bên hoặc quy tắc tố tụng trọng tài. Trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc quy tắc tố tụng trọng tài không quy định thì việc phản đối phải được thực hiện trước thời điểm Hội đồng trọng tài tuyên phán quyết.

2. Trước khi xem xét yêu cầu của một hoặc các bên về việc có vi phạm quy định Luật TTTM hoặc của thỏa thuận trọng tài, Tòa án phải kiểm tra các tài liệu, chứng cứ, quy tắc tố tụng trọng tài để xác định đối với yêu cầu đó, một hoặc các bên có mất quyền phản đối hay không mất quyền phản đối.

Trường hợp Tòa án xác định vi phạm đã mất quyền phản đối quy định tại Điều 13 Luật TTTM và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này thì bên đã mất quyền phản đối không được quyền khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài, yêu cầu hủy phán quyết trọng tài đối với những vi phạm đã mất quyền phản đối đó. Tòa án không được căn cứ vào các vi phạm mà một hoặc các bên đã mất quyền phản đối để quyết định chấp nhận yêu cầu của một hoặc các bên.

3. Khi giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Tòa án có trách nhiệm xem xét theo quy định tại điểm đ khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 68 Luật TTTM. Trường hợp xét thấy có đủ căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu thì Tòa án có quyền quyết định ngay cả khi một hoặc các bên đã mất quyền phản đối.

Điều 7. Về thỏa thuận trọng tài quy định tại Điều 16 Luật TTTM

1. Trường hợp có nhiều thỏa thuận trọng tài được xác lập đối với cùng một nội dung tranh chấp thì thỏa thuận trọng tài được xác lập hợp pháp sau cùng theo thời gian có giá trị áp dụng.

2. Trường hợp thỏa thuận trọng tài có nội dung không rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự để giải thích.

3. Khi có sự chuyển giao quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch, hợp đồng mà trong giao dịch, hợp đồng đó các bên có xác lập thỏa thuận trọng tài hợp pháp thì thỏa thuận trọng tài trong giao dịch, hợp đồng vẫn có hiệu lực đối với bên được chuyển giao và bên nhận chuyển giao, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

4. Việc gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp để giải quyết trong cùng một vụ kiện được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Các bên thỏa thuận đồng ý gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp vào giải quyết trong cùng một vụ kiện;

b) Quy tắc tố tụng trọng tài cho phép gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp vào giải quyết trong cùng một vụ kiện.

Điều 8. Thành lập Hội đồng trọng tài vụ việc quy định tại Điều 41 Luật TTTM

1. Trường hợp các bên không có thỏa thuận khác, thì Tòa án thực hiện việc chỉ định Trọng tài viên khi có yêu cầu trong các trường hợp sau đây:

a) Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn mà bị đơn không thông báo cho nguyên đơn tên Trọng tài viên mà mình lựa chọn, nếu nguyên đơn có yêu cầu thì Tòa án có thẩm quyền chỉ định Trọng tài viên cho bị đơn;

b) Trường hợp vụ tranh chấp có nhiều bị đơn, khi hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bị đơn cuối cùng nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, mà các bị đơn không thống nhất được việc chọn Trọng tài viên, nếu một hoặc các bên có yêu cầu thì Tòa án có thẩm quyền chỉ định Trọng tài viên cho các bị đơn;

c) Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được các bên chọn hoặc được Tòa án chỉ định mà các Trọng tài viên này không bầu được Chủ tịch Hội đồng trọng tài, nếu một hoặc các bên có yêu cầu thì Tòa án có thẩm quyền chỉ định Chủ tịch Hội đồng trọng tài cho các bên;

d) Trường hợp các bên thoả thuận vụ tranh chấp do một Trọng tài viên duy nhất giải quyết, nhưng không chọn được Trọng tài viên duy nhất mà đã hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bị đơn cuối cùng nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn, thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án có thẩm quyền chỉ định Trọng tài viên duy nhất cho các bên.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền phân công một Thẩm phán chỉ định Trọng tài viên. Tòa án có thẩm quyền thông báo ngay cho các bên tranh chấp, Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài vụ việc được lựa chọn về việc thụ lý vụ việc và Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc.

3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán xét đơn yêu cầu chỉ định Trọng tài viên mà không phải mở phiên họp để xét đơn yêu cầu, không phải triệu tập các bên tranh chấp.

4. Khi xét đơn yêu cầu, Thẩm phán căn cứ vào quy định tại Điều 20 và Điều 21 Luật TTTM, danh sách Trọng tài viên của các tổ chức trọng tài hoạt động tại Việt Nam quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Luật TTTM, khoản 4 Điều 2 và Điều 19 của Nghị định số 63/2011/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Trọng tài thương mại và các tài liệu kèm theo để xem xét, quyết định. Quyết định chỉ định Trọng tài viên của Tòa án được thực hiện theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết này.

5. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, Tòa án gửi quyết định cho các bên, Hội đồng trọng tài, Trọng tài viên Trọng tài vụ việc.

Điều 9. Thay đổi Trọng tài viên trọng tài vụ việc quy định tại khoản 4 Điều 42 Luật TTTM

1. Tòa án chỉ thụ lý và giải quyết việc thay đổi Trọng tài viên trọng tài vụ việc trong những trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 42 Luật TTTM. Người có yêu cầu thay đổi Trọng tài viên phải làm đơn yêu cầu bằng văn bản, trong đó nêu rõ trường hợp và lý do thay đổi Trọng tài viên.

2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền phân công một Thẩm phán thực hiện việc thay đổi Trọng tài viên. Tòa án có thẩm quyền thông báo ngay cho Hội đồng trọng tài, các Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài vụ việc, các bên tranh chấp về việc thụ lý đơn yêu cầu và Thẩm phán được phân công giải quyết.

3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán xét đơn yêu cầu thay đổi Trọng tài viên mà không phải mở phiên họp để xét đơn yêu cầu, không phải triệu tập các bên tranh chấp.

4. Khi xét đơn yêu cầu, Thẩm phán căn cứ vào quy định tại Điều 20, Điều 21 và khoản 6 Điều 42 Luật TTTM, danh sách Trọng tài viên của các tổ chức trọng tài hoạt động tại Việt Nam quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Luật TTTM, khoản 4 Điều 2 và Điều 19 Nghị định số 63/2011/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật TTTM và các tài liệu kèm theo để xem xét, quyết định Trọng tài viên có thuộc trường hợp bị thay đổi hay không.

Trường hợp yêu cầu thay đổi Trọng tài viên là có căn cứ, thì tùy từng trường hợp cụ thể mà Thẩm phán căn cứ quy định tương ứng để quyết định việc thay đổi Trọng tài viên. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu thay đổi Trọng tài viên, thì Thẩm phán phải ra quyết định bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do của việc không chấp nhận yêu cầu thay đổi. Quyết định thay đổi Trọng tài viên được thực hiện theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị quyết này.

5. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, Tòa án gửi quyết định cho các bên, Hội đồng trọng tài, Trọng tài viên, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Điều 10. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về việc không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài quy định tại Điều 44 Luật TTTM

1. Bên khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về việc không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì phải làm đơn khiếu nại. Đơn khiếu nại phải có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật TTTM và nộp kèm theo các tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật TTTM. Trường hợp Hội đồng trọng tài không ban hành quyết định riêng về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì người yêu cầu phải cung cấp những tài liệu, chứng cứ chứng minh việc Hội đồng trọng tài không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại và tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn, Tòa án phải thông báo cho Hội đồng trọng tài biết về việc Tòa án đang thụ lý, giải quyết đơn khiếu nại.

3. Thẩm phán căn cứ vào đơn khiếu nại, tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn và quy định tại các điều 5, 6, 18 Luật TTTM để xác định khiếu nại về việc không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài là có căn cứ hay không có căn cứ. Trong trường hợp cần thiết, Thẩm phán có thể đề nghị Hội đồng trọng tài trình bày ý kiến của họ về nội dung khiếu nại.

4. Trong thời hạn quy định tại khoản 4 Điều 44 Luật TTTM, Thẩm phán phải xem xét, ra quyết định giải quyết khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại được thực hiện theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị quyết này. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra Quyết định giải quyết khiếu nại, Tòa án gửi quyết định cho các bên, Hội đồng trọng tài, Trọng tài viên, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

5. Căn cứ vào quy định của pháp luật mà Thẩm phán chấp nhận hoặc không chấp nhận khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về việc không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài. Tòa án nêu rõ lý do và căn cứ của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận khiếu nại, tùy từng trường hợp cụ thể mà xử lý như sau:

a) Trường hợp Tòa án xác định vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì xử lý như sau:

a1) Trường hợp Hội đồng trọng tài đã ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ việc thì các bên có quyền thỏa thuận, lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp.

a2) Trường hợp vụ việc đang được Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của Tòa án, Hội đồng trọng tài phải ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 6 Điều 44 Luật TTTM.

a3) Trường hợp Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết trọng tài thì một hoặc các bên có quyền yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài theo thủ tục chung.

b) Trường hợp Tòa án xác định vụ tranh chấp thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài không vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài thực hiện được thì xử lý như sau:

b1) Trường hợp Hội đồng trọng tài đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của Tòa án, Hội đồng trọng tài tiếp tục thụ lý, giải quyết tranh chấp theo thủ tục chung.

b2) Trường hợp Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết trọng tài thì một hoặc các bên có quyền yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài hoặc yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài theo thủ tục chung.

b3) Trường hợp vụ việc đang được Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp thì Hội đồng trọng tài tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung.

Điều 11. Về đề nghị Tòa án thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng quy định tại Điều 46 và Điều 47 Luật TTTM

1. Tòa án chỉ tiến hành thu thập chứng cứ trong trường hợp quy định tại khoản 5, 6 Điều 46 Luật TTTM nếu Hội đồng trọng tài, một hoặc các bên đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thu thập được (đã áp dụng các biện pháp cần thiết là đã sử dụng mọi cách thức và khả năng cho phép để yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ chứng cứ cung cấp cho mình chứng cứ mà vẫn không được cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp). Văn bản đề nghị Tòa án thu thập chứng cứ phải có đầy đủ nội dung quy định tại khoản 5 Điều 46 Luật TTTM, gửi kèm theo văn bản đề nghị là thỏa thuận trọng tài, đơn khởi kiện, tài liệu khác có liên quan và tài liệu, chứng cứ chứng minh việc đã tiến hành thu thập chứng cứ nhưng vẫn không thể tự mình thu thập được.

2. Trình tự, thủ tục thu thập, bảo quản, chuyển giao chứng cứ của Tòa án thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 46 Luật TTTM và quy định của BLTTDS.

3. Tòa án chỉ tiến hành triệu tập người làm chứng khi có căn cứ chứng minh người làm chứng đã được Hội đồng trọng tài triệu tập hợp lệ mà không đến phiên họp nhưng không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây cản trở cho việc giải quyết tranh chấp. Văn bản đề nghị triệu tập người làm chứng phải có đầy đủ nội dung quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật TTTM, gửi kèm theo văn bản đề nghị là thỏa thuận trọng tài, đơn khởi kiện, tài liệu khác có liên quan và tài liệu, chứng cứ chứng minh việc triệu tập hợp lệ mà người làm chứng không đến phiên họp nhưng không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây cản trở cho việc giải quyết tranh chấp.

4. Trình tự, thủ tục ra quyết định, triệu tập, thông báo kết quả triệu tập người làm chứng thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật TTTM và quy định của BLTTDS.

5. Cùng với việc nộp các tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu, bên yêu cầu thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng phải nộp lệ phí thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng và chi phí thu thập chứng cứ, chi phí cho người làm chứng theo quy định. Trường hợp Hội đồng trọng tài yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng thì lệ phí thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng và chi phí thu thập chứng cứ, chi phí cho người làm chứng do bên yêu cầu thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng nộp thông qua Hội đồng trọng tài.

Điều 12. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục của Tòa án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 53 Luật TTTM

1. Một hoặc các bên tranh chấp có quyền làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi nộp đơn khởi kiện tại Trọng tài (khi thời điểm tố tụng trọng tài đã bắt đầu) mà không phân biệt Hội đồng trọng tài đã được thành lập hay chưa, Hội đồng trọng tài đã giải quyết tranh chấp hay chưa.

2. Một hoặc các bên có quyền đề nghị Tòa án có thẩm quyền yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật TTTM, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

3. Cùng với việc nộp các tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu, bên yêu cầu áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời phải nộp lệ phí yêu cầu và thực hiện biện pháp bảo đảm theo quy định.

4. Trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án thực hiện theo quy định tại các điều 48, 49, 52, 53 Luật TTTM và quy định của BLTTDS.

5. Khi một trong các bên yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án đề nghị họ cho biết trước hoặc sau khi yêu cầu họ đã yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời hay chưa. Nếu họ chưa yêu cầu Hội đồng trọng tài thì Tòa án yêu cầu họ phải cam kết trong đơn yêu cầu không yêu cầu tại các Tòa án khác, hoặc Hội đồng trọng tài. Đồng thời Tòa án phải kiểm tra, xem xét các tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu để xác định vụ tranh chấp đó các bên đã có yêu cầu Tòa án, Hội đồng trọng tài áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời hay chưa.

a) Trường hợp có căn cứ cho thấy một trong các bên đã có yêu cầu Hội đồng trọng tài, Tòa án áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án căn cứ vào quy định tại khoản 5 Điều 53 Luật TTTM để trả lại đơn yêu cầu cho các bên, trừ trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của các bên không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài.

b) Trường hợp sau khi đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa án mới phát hiện được vụ tranh chấp đó các bên đã có yêu cầu Hội đồng trọng tài, Tòa án áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời, thì Tòa án căn cứ vào quy định tương ứng để ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do mình ban hành, đồng thời, trả lại đơn yêu cầu và các tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu cho các bên.

Điều 13. Đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc quy định tại Điều 62 Luật TTTM

1. Theo quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật TTTM thì hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày ban hành phán quyết trọng tài, mà một hoặc các bên mới có đơn yêu cầu Tòa án đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc, thì Tòa án không có thẩm quyền xem xét, giải quyết đơn yêu cầu đó.

Trường hợp có căn cứ cho thấy phán quyết trọng tài vụ việc đang được xem xét, giải quyết theo thủ tục yêu cầu hủy phán quyết trọng tài tại Tòa án có thẩm quyền thì khi nhận được đơn yêu cầu đăng ký phán quyết trọng tài, Tòa án chưa thụ lý yêu cầu này để đợi kết quả giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

2. Bên yêu cầu đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc phải làm đơn yêu cầu bằng văn bản và gửi cùng các tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật TTTM đến Tòa án có thẩm quyền.

3. Khi xem xét đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc, Thẩm phán không phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu. Trường hợp cần thiết, Thẩm phán có thể triệu tập một hoặc các bên tranh chấp, Hội đồng trọng tài để nghe ý kiến của họ về yêu cầu đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc. Thẩm phán căn cứ vào quy định Luật TTTM, các tài liệu kèm theo, kiểm tra tính xác thực của các tài liệu gửi kèm theo đơn để xem xét, quyết định việc đăng ký.

4. Trường hợp xét thấy phán quyết trọng tài vụ việc và các tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu là xác thực thì Thẩm phán thực hiện việc đăng ký. Quyết định đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc được thực hiện theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị quyết này.

5. Trường hợp xác định phán quyết trọng tài không có thật, thì Thẩm phán từ chối đăng ký, trả lại đơn yêu cầu, các tài liệu kèm theo và phải thông báo ngay cho bên có yêu cầu biết, đồng thời nêu rõ lý do. Mẫu thông báo từ chối đăng ký phán quyết Trọng tài vụ việc được thực hiện theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị quyết này.

Điều 14. Căn cứ hủy phán quyết trọng tài quy định tại Điều 68 Luật TTTM

1. Phán quyết trọng tài quy định tại khoản 10 Điều 3 và Điều 68 Luật TTTM bao gồm quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên của Hội đồng trọng tài quy định tại Điều 58 Luật TTTM và phán quyết trọng tài của Hội đồng trọng tài quy định tại Điều 61 Luật TTTM.

2. Tòa án hủy phán quyết trọng tài quy định tại Điều 58 và Điều 61 Luật TTTM khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) “Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu” là thỏa thuận trọng tài thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 6 và Điều 18 Luật TTTM và hướng dẫn tại các điều 2, 3 và 4 Nghị quyết này.

b) “Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên hoặc trái với các quy định Luật TTTM” là trường hợp các bên có thỏa thuận về thành phần Hội đồng trọng tài, quy tắc tố tụng trọng tài nhưng Hội đồng trọng tài thực hiện không đúng thỏa thuận của các bên hoặc Hội đồng trọng tài thực hiện không đúng quy định Luật TTTM về nội dung này mà Tòa án xét thấy đó là những vi phạm nghiêm trọng và cần phải hủy nếu Hội đồng trọng tài không thể khắc phục được hoặc không khắc phục theo yêu cầu của Tòa án quy định tại khoản 7 Điều 71 Luật TTTM.

Ví dụ 1: Trường hợp một bên không được thông báo về đơn khởi kiện quy định tại Điều 32 Luật TTTM kịp thời và hợp pháp theo quy tắc tố tụng trọng tài, Luật TTTM dẫn tới việc không đảm bảo được quyền được thành lập Hội đồng trọng tài là trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trọng tài quy định tại điểm b khoản 2 Điều 68 Luật TTTM.

Ví dụ 2: Các bên thỏa thuận tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng trọng tài gồm ba trọng tài viên và áp dụng luật nội dung của Việt Nam để giải quyết vụ tranh chấp nhưng thực tế việc giải quyết tranh chấp được tiến hành bởi Hội đồng Trọng tài gồm một Trọng tài viên duy nhất, pháp luật áp dụng là pháp luật nội dung của Singapore mặc dù một bên có phản đối nhưng không được Hội đồng trọng tài chấp nhận thì đây là trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trọng tài quy định tại điểm b khoản 2 Điều 68 Luật TTTM.

c) “Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài” là trường hợp Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 Luật TTTM; hoặc Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp mà không được các bên thỏa thuận yêu cầu Trọng tài giải quyết hoặc giải quyết vượt quá phạm vi của thỏa thuận đưa ra Trọng tài giải quyết.

Về nguyên tắc, Tòa án chỉ hủy phần quyết định có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài mà không hủy phán quyết trọng tài. Trường hợp có thể tách được phần quyết định của Hội đồng trọng tài về vấn đề đã được yêu cầu và phần quyết định về vấn đề không được yêu cầu giải quyết tại Trọng tài, thì phần quyết định về vấn đề được yêu cầu giải quyết không bị huỷ.

Trường hợp không thể tách được phần quyết định của Hội đồng trọng tài về vấn đề đã được yêu cầu và phần quyết định về vấn đề không được yêu cầu giải quyết tại Trọng tài, thì Tòa án hủy phán quyết trọng tài đó.

d) “Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài

Tòa án chỉ xem xét việc xác định chứng cứ giả mạo nếu có chứng cứ chứng minh cho yêu cầu đó và chứng cứ đó phải có liên quan đến việc ra phán quyết, có ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết. Tòa án phải căn cứ vào quy định Luật TTTM, quy tắc tố tụng trọng tài, thỏa thuận của các bên và quy tắc xem xét, đánh giá chứng cứ mà Hội đồng trọng tài áp dụng khi giải quyết vụ việc để xác định chứng cứ giả mạo.

đ) “Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” là phán quyết vi phạm các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam.

Khi xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Tòa án phải xác định được phán quyết trọng tài có vi phạm một hoặc nhiều nguyên tắc cơ bản của pháp luật và nguyên tắc đó có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp của Trọng tài.

Tòa án chỉ hủy phán quyết trọng tài sau khi đã chỉ ra được rằng phán quyết trọng tài có nội dung trái với một hoặc nhiều nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam mà Hội đồng trọng tài đã không thực hiện nguyên tắc này khi ban hành phán quyết trọng tài và phán quyết trọng tài xâm phạm nghiêm trọng lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của một hoặc các bên, người thứ ba.

Ví dụ 1: Các bên đã tự nguyện thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp và thỏa thuận này không trái pháp luật, đạo đức xã hội nhưng Hội đồng trọng tài không ghi nhận sự thỏa thuận đó của các bên trong phán quyết trọng tài. Trong trường hợp này phán quyết trọng tài đã vi phạm nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết trong lĩnh vực thương mại quy định tại Điều 11 Luật Thương mạiĐiều 4 của Bộ luật dân sự... Tòa án xem xét, quyết định việc hủy phán quyết trọng tài này vì trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam đã được Luật Thương mại và Bộ luật dân sự… quy định.

Ví dụ 2: Một bên tranh chấp cung cấp chứng cứ chứng minh phán quyết trọng tài được lập có sự cưỡng ép, lừa dối, đe dọa hoặc hối lộ. Trong trường hợp này phán quyết trọng tài đã vi phạm nguyên tắc “trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư” quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật TTTM.

Điều 15. Tòa án xét đơn yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài quy định tại Điều 71 Luật TTTM

1. Khi chỉ định Thẩm phán tham gia Hội đồng xét đơn yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài, Chánh án Tòa án không chỉ định Thẩm phán đã ra quyết định chỉ định hoặc thay đổi Trọng tài viên, Thẩm phán đã giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài.

2. Khi xét đơn yêu cầu, Hội đồng xét đơn không xét lại nội dung vụ tranh chấp mà cần kiểm tra phán quyết trọng tài có thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật TTTM hay không. Nếu xét thấy phán quyết trọng tài thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật TTTM và Hội đồng trọng tài không khắc phục hoặc không thể khắc phục được theo yêu cầu của Tòa án quy định tại khoản 7 Điều 71 Luật TTTM, thì Hội đồng xét đơn yêu cầu căn cứ vào điểm tương ứng tại khoản 2 Điều 68 Luật TTTM để ra quyết định huỷ phán quyết trọng tài. Nếu xét thấy phán quyết trọng tài không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật TTTM, thì Hội đồng xét đơn yêu cầu ra quyết định không huỷ phán quyết trọng tài. Quyết định về việc hủy phán quyết trọng tài được thực hiện theo Mẫu số 08 ban hành kèm theo Nghị quyết này.

3. Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét đơn yêu cầu xem xét tạm đình chỉ việc xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài khi có yêu cầu của một bên trong trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 71 Luật TTTM. Quyết định tạm đình chỉ xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài được thực hiện theo Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị quyết này.

4. Hội đồng xét đơn yêu cầu có quyền quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 71 Luật TTTM. Quyết định đình chỉ xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài được thực hiện theo Mẫu số 07 ban hành kèm theo Nghị quyết này.

Điều 16. Lệ phí Tòa án liên quan đến Trọng tài quy định tại Điều 72 Luật TTTM

Người yêu cầu Tòa án giải quyết các loại việc liên quan đến Trọng tài phải nộp lệ phí Tòa án theo quy định của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13-6-2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án. Khi có đơn yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ; triệu tập người làm chứng; hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc thì Tòa án không yêu cầu người nộp đơn nộp lệ phí mà tiến hành thụ lý vụ việc theo thủ tục chung.

Điều 17. Ban hành các mẫu văn bản tố tụng

Ban hành kèm theo Nghị quyết này các mẫu văn bản tố tụng sau đây:

1. Quyết định chỉ định Trọng tài viên (Mẫu số 01);

2. Quyết định thay đổi Trọng tài viên (Mẫu số 02);

3. Quyết định giải quyết khiếu nại (Mẫu số 03);

4. Quyết định đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc (Mẫu số 04);

5. Thông báo từ chối đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc (Mẫu số 05);

6. Quyết định tạm đình chỉ xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài (Mẫu số 06);

7. Quyết định đình chỉ xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài (Mẫu số 07);

8. Quyết định về việc hủy phán quyết trọng tài (Mẫu số 08).

Điều 18. Về hiệu lực thi hành quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật TTTM

Kể từ ngày Luật TTTM có hiệu lực (ngày 01-01-2011), việc giải quyết tranh chấp giữa các bên được thực hiện theo quy định Luật TTTM mà không phụ thuộc vào tranh chấp phát sinh trước hoặc sau khi Luật TTTM có hiệu lực, và các bên đã có thỏa thuận trọng tài trước hoặc sau khi Luật TTTM có hiệu lực.

Đối với thỏa thuận trọng tài được xác lập trước ngày Luật TTTM có hiệu lực, nhưng kể từ ngày Luật TTTM có hiệu lực mới phát sinh tranh chấp và các bên không có thỏa thuận trọng tài mới, thì việc xác định thỏa thuận trọng tài có hợp pháp hay không và hiệu lực của thỏa thuận trọng tài đó phải căn cứ vào quy định tương ứng của pháp luật tại thời điểm xác lập thỏa thuận trọng tài.

Ví dụ: Công ty A và Công ty B ký hợp đồng ngày 01-6-2008 trong đó có điều khoản lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp. Ngày 18-8-2013 Công ty A khởi kiện tranh chấp hợp đồng tại Trọng tài do các bên không thỏa thuận mới về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp này trọng tài tiến hành thụ lý, giải quyết tranh chấp theo quy định Luật TTTM và xác định hiệu lực của thỏa thuận trọng tài theo quy định của Pháp lệnh trọng tài thương mại. Hiệu lực của thỏa thuận trọng tài được xác định theo quy định của pháp luật có hiệu lực tại thời điểm xác lập thỏa thuận trọng tài. Pháp lệnh trọng tài thương mại có hiệu lực từ ngày 01-7-2003 đến hết ngày 31-12-2010.

Điều 19. Hiệu lực thi hành của Nghị quyết

1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 20 tháng 3 năm 2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 7 năm 2014. Các hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao ban hành trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành hết hiệu lực kể từ ngày 02 tháng 7 năm 2014.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần phải giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung thì đề nghị phản ánh về Tòa án nhân dân tối cao để có sự giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp thời.

Nơi nhận:
- Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
- Ủy ban tư pháp của Quốc hội;
- Uỷ ban pháp luật của Quốc hội;
- Ban Nội chính TW;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ (Công báo);
- Bộ Tư pháp;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Lưu VP, Viện KHXX (TANDTC).

TM. HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
CHÁNH ÁN




Trương Hòa Bình

Mẫu số 01 (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại)

TOÀ ÁN NHÂN DÂN........(1)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:...../...../QĐ-CĐTTV (2)

........, ngày...... tháng ...... năm......

QUYẾT ĐỊNH

CHỈ ĐỊNH TRỌNG TÀI VIÊN

TÒA ÁN NHÂN DÂN.....................(3)

Căn cứ vào Điều 41 Luật Trọng tài thương mại;

Sau khi xem xét đơn khởi kiện của nguyên đơn và văn bản yêu cầu chỉ định Trọng tài viên của .................(4) là.......................(5) trong vụ tranh chấp về....................(6);

Xét thấy việc chỉ định…..… (7) là cần thiết cho việc giải quyết vụ tranh chấp;

QUYẾT ĐỊNH:

1. Chỉ định Ông (Bà):………………………………………..……………...…

Địa chỉ:……………………………………………………………..………(8).

Làm ……(9) để giải quyết vụ tranh chấp về………….…..................(10) giữa:

Nguyên đơn:…………………………………………………..……...…...…(11).

Địa chỉ: …………………………………………………..………..…………....

Bị đơn:……………………………………….……………..….……….....…(12).

Địa chỉ: ……………………………………………………..…………..………

2. Ông (Bà) có tên nêu trên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này và có các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại.

3. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay, các bên, Hội đồng trọng tài, Trọng tài viên không có quyền khiếu nại, kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị.

Nơi nhận:
- Các bên;
- Hội đồng trọng tài, Trọng tài viên;
- Viện kiểm sát nhân dân..... (cùng cấp);
- Lưu hồ sơ.

TOÀ ÁN NHÂN DÂN………...

THẨM PHÁN

(ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu Tòa án)

Hướng dẫn sử dụng Mẫu số 01:

(1) (3) Ghi tên Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra quyết định chỉ định Trọng tài viên; (ví dụ: Toà án nhân dân thành phố Hà Nội).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra quyết định (ví dụ: số 02/2014/QĐ-CĐTTV).

(4) Ghi đầy đủ họ tên và địa chỉ của cá nhân; nếu là cơ quan, tổ chức, thì ghi tên, địa chỉ trụ sở của cơ quan, tổ chức và họ tên, địa chỉ của cá nhân là đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đề nghị Tòa án chỉ định Trọng tài viên. Ví dụ: Công ty TNHH Toàn Thắng, địa chỉ: số 20 Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

(5) Ghi địa vị pháp lý của người đề nghị Tòa án chỉ định Trọng tài viên. Ví dụ: "nguyên đơn".

(6) (10) Ghi tóm tắt nội dung quan hệ pháp luật tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn. Ví dụ: “hợp đồng mua bán hàng hóa”.

(7) (9) Tùy theo yêu cầu của các bên mà ghi địa vị pháp lý của Trọng tài viên. Trường hợp đơn yêu cầu chỉ định Trọng tài viên theo quy định tại khoản 3 Điều 41 Luật Trọng tài thương mại thì ghi là “Chủ tịch Hội đồng trọng tài”. Trường hợp đơn yêu cầu chỉ định Trọng tài viên theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 41 Luật Trọng tài thương mại thì ghi là “Trọng tài viên”. Trường hợp chỉ định trọng tài viên duy nhất quy định tại khoản 4 Điều 41 Luật Trọng tài thương mại thì ghi là “Trọng tài viên duy nhất”.

(8) Trường hợp yêu cầu Tòa án chỉ định Trọng tài viên để giải quyết vụ tranh chấp thì ghi đầy đủ họ tên và địa chỉ của Trọng tài viên đó. Trường hợp yêu cầu Tòa án chỉ định Trọng tài viên duy nhất để giải quyết vụ tranh chấp thì ghi đầy đủ họ tên và địa chỉ của Trọng tài viên duy nhất đó. Trường hợp yêu cầu Tòa án chỉ định Trọng tài viên làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài thì ghi đầy đủ họ tên và địa chỉ của Trọng tài viên làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài đó.

(11) (12) Nếu nguyên đơn, bị đơn là cá nhân, thì ghi họ tên và địa chỉ của cá nhân đó; nếu là cơ quan, tổ chức, thì ghi tên, địa chỉ trụ sở của cơ quan, tổ chức đó và họ tên, địa chỉ của cá nhân là đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó (ghi theo đơn khởi kiện).

Mẫu số 02 (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại)

TOÀ ÁN NHÂN DÂN........(1)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:...../....../QĐ-TĐTTV (2)

........, ngày...... tháng ...... năm......

QUYẾT ĐỊNH

THAY ĐỔI TRỌNG TÀI VIÊN

TÒA ÁN NHÂN DÂN.....................(3)

Căn cứ vào Điều 42 Luật Trọng tài thương mại;

Sau khi xem xét đơn khởi kiện của nguyên đơn và văn bản yêu cầu thay đổi Trọng tài viên của.....................(4) là......................(5), trong vụ tranh chấp về...................(6);

Xét thấy việc thay đổi Trọng tài viên là cần thiết cho việc giải quyết vụ tranh chấp;

QUYẾT ĐỊNH:

1. Chỉ định Ông (Bà):……………………………………………..…..………(7)

Địa chỉ:………………………………………………………………………….

Làm....... (8) để giải quyết vụ tranh chấp về………….…..(9) giữa:

Nguyên đơn:…………………………………………………....….....………(10)

Địa chỉ: …………………………………………………..……………………..

Bị đơn:……………………………………….……………...….……...…..…(11)

Địa chỉ: ……………………………………………………..…………………..

2. Ông (Bà)......(12) thay thế cho Ông (Bà).....(13) và có các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại kể từ ngày quyết định này có hiệu lực thi hành.

3. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay, các bên, Hội đồng trọng tài, Trọng tài viên không có quyền khiếu nại, kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị.

Nơi nhận:
- Các bên;
- Hội đồng trọng tài, Trọng tài viên;
- Viện kiểm sát nhân dân..... (cùng cấp);
- Lưu hồ sơ.

TOÀ ÁN NHÂN DÂN………...

THẨM PHÁN

(ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu Tòa án)

Hướng dẫn sử dụng mẫu số 02:

(1) (3) Ghi tên Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra quyết định thay đổi Trọng tài viên; (ví dụ: Toà án nhân dân thành phố Hà Nội).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra quyết định (ví dụ: số 04/2014/QĐ-TĐTTV).

(4) Ghi đầy đủ họ tên và địa chỉ của cá nhân; nếu là cơ quan, tổ chức, thì ghi tên, địa chỉ trụ sở của cơ quan, tổ chức và họ tên, địa chỉ của cá nhân là đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đề nghị Tòa án thay đổi Trọng tài viên. Ví dụ: Công ty TNHH Toàn Thắng, địa chỉ: số 20 Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội do ông Nguyễn Văn A, địa chỉ: số 20 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội – Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng làm đại diện theo pháp luật.

(5) Ghi địa vị pháp lý của người đề nghị Tòa án thay đổi Trọng tài viên. Ví dụ: "nguyên đơn".

(6) (9) Ghi tóm tắt nội dung quan hệ pháp luật tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn. Ví dụ: “hợp đồng mua bán hàng hóa”.

(7) (12) Ghi đầy đủ họ tên và địa chỉ của Trọng tài viên được Tòa án quyết định thay đổi.

(8) Tùy theo yêu cầu mà ghi địa vị pháp lý của Trọng tài viên được Tòa án quyết định thay đổi. Trọng tài viên được thay đổi thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 41 Luật Trọng tài thương mại thì ghi là “Chủ tịch Hội đồng trọng tài”. Trọng tài viên được thay đổi thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và 2 Điều 41 Luật Trọng tài thương mại thì ghi là “Trọng tài viên”. Trọng tài viên được thay đổi thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 41 Luật Trọng tài thương mại thì ghi là “Trọng tài viên duy nhất”.

(10) (11) Nếu nguyên đơn, bị đơn là cá nhân, thì ghi họ tên và địa chỉ của cá nhân đó; nếu là cơ quan, tổ chức, thì ghi tên, địa chỉ trụ sở của cơ quan, tổ chức đó và họ tên, địa chỉ của cá nhân là đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó (ghi theo đơn khởi kiện).

(13) Ghi đầy đủ họ tên và địa chỉ của Trọng tài viên bị Tòa án quyết định thay đổi.

Mẫu số 03 (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại)

TOÀ ÁN NHÂN DÂN........(1)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:...../...../QĐ-GQKN (2)

........, ngày...... tháng ...... năm......

QUYẾT ĐỊNH

GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI

TÒA ÁN NHÂN DÂN.....................(3)

Căn cứ vào Điều 44 của Luật Trọng tài thương mại;

Sau khi xem xét Đơn khiếu nại ngày.....tháng…năm…. (4) của...........(5) là.........(6) trong vụ tranh chấp giữa:

Nguyên đơn:………………………...…………...…………….........……..…(7).

Địa chỉ: …………………………………...……………..……………………....

Bị đơn:……………………………………...….…………......….……...……(8).

Địa chỉ: ……………………………………...………………..……………..……

và các tài liệu, chứng cứ kèm theo khiếu nại đối với Quyết định của Hội đồng trọng tài....................(9) về.....................(10);

Nội dung yêu cầu...............................................................................................(11);

Xét thấy.............................................................................................................(12);

QUYẾT ĐỊNH:

1. ………………………………………………..………………………….....(13).

2. Hội đồng trọng tài, Trọng tài viên, các bên có trách nhiệm thi hành quyết định này theo quy định của pháp luật.

3. Quyết định giải quyết khiếu nại này có hiệu lực thi hành ngay, các bên, Hội đồng trọng tài, Trọng tài viên không có quyền khiếu nại, kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị.

Nơi nhận:
- Các bên;
- Hội đồng trọng tài, Trọng tài viên;
- Viện kiểm sát nhân dân.... (cùng cấp);
- Trung tâm trọng tài (nếu có);
- Lưu hồ sơ.

TOÀ ÁN NHÂN DÂN………...

THẨM PHÁN

(ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu Tòa án)

Hướng dẫn sử dụng Mẫu số 03:

(1) (3) Ghi tên Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra quyết định hủy phán quyết trọng tài; (ví dụ: Toà án nhân dân thành phố Hà Nội).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra quyết định (ví dụ: số 01/2013/QĐ-GQKN).

(4) Ghi ngày tháng năm trên đơn khiếu nại.

(5) Ghi đầy đủ họ tên và địa chỉ của của người khiếu nại; nếu là cơ quan, tổ chức, thì ghi tên, địa chỉ trụ sở của cơ quan, tổ chức và họ tên, địa chỉ của cá nhân là đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đề nghị Tòa án giải quyết khiếu nại. Ví dụ: Công ty TNHH Toàn Thắng, địa chỉ: số 20 Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội do ông Nguyễn Văn A, địa chỉ: số 20 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng làm đại diện theo pháp luật.

(6) Ghi địa vị pháp lý của người khiếu nại trong vụ tranh chấp. Ví dụ: "nguyên đơn".

(7) (8) Nếu nguyên đơn, bị đơn là cá nhân, thì ghi họ tên và địa chỉ của cá nhân đó; nếu là cơ quan, tổ chức, thì ghi tên, địa chỉ trụ sở của cơ quan, tổ chức đó và họ tên, địa chỉ của cá nhân là đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó (ghi theo đơn khởi kiện).

(9) Ghi rõ hình thức của quyết định trọng tài bị khiếu nại và họ tên của Trọng tài viên là thành viên Hội đồng trọng tài ban hành Quyết định trọng tài bị khiếu nại. Trường hợp Hội đồng trọng tài có ban hành Quyết định bằng văn bản về nội dung bị khiếu nại thì ghi cụ thể số, ngày tháng năm ban hành Quyết định của Hội đồng trọng tài bị khiếu nại. Trường hợp Hội đồng trọng tài không ban hành Quyết định bằng văn bản về nội dung bị khiếu nại thì ghi những tài liệu, chứng cứ mà một hoặc các bên cung cấp để chứng minh Hội đồng trọng tài đã quyết định về hiệu lực của thỏa thuận trọng tài, về thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được hay không và thẩm quyền của Hội đồng trọng tài. Ví dụ: “Quyết định việc số 28/2014/HĐTTVV của Hội đồng trọng tài trọng tài vụ việc do Trọng tài viên Nguyễn Văn A, Nguyễn Thị B và Phạm Thị C lập ngày 20-8-2014.

(10) Ghi rõ loại quyết định của Hội đồng trọng tài bị khiếu nại quy định tại Điều 43 Luật Trọng tài thương mại. Ví dụ: “thẩm quyền của Hội đồng trọng tài".

(11) Ghi tóm tắt nội dung vụ việc, nội dung tranh chấp giữa các bên, nội dung yêu cầu và căn cứ yêu cầu giải quyết khiếu nại.

(12) Ghi những nhận định của Toà án, phân tích những căn cứ để giải quyết khiếu nại. Cần viện dẫn điều luật của văn bản quy phạm pháp luật mà Toà án căn cứ để giải quyết khiếu nại.

(13) Ghi nội dung quyết định của Tòa án về việc chấp nhận hay không chấp nhận khiếu nại và phán quyết của Tòa án liên quan đến việc chấp nhận hoặc không chấp nhận khiếu nại của đương sự. Ví dụ: Trong trường hợp Toà án quyết định vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì ghi như sau: Chấp nhận khiếu nại của Công ty TNHH X về việc tranh chấp giữa Công ty TNHH X và Công ty TNHH Y không thuộc thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài. Hội đồng trọng tài phải ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 6 Điều 44 Luật Trọng tài thương mại".

Mẫu số 04 (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại)

TOÀ ÁN NHÂN DÂN........(1)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:...../...../QĐ-ĐKPQ (2)

........, ngày...... tháng ...... năm......

QUYẾT ĐỊNH

ĐĂNG KÝ PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI VỤ VIỆC

TÒA ÁN NHÂN DÂN………….

Căn cứ vào Điều 62 Luật Trọng tài thương mại;

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ kèm theo:..........(3);

Sau khi xem xét Đơn yêu cầu đăng ký Phán quyết Trọng tài vụ việc ngày…. tháng…. năm…. (4) của………… (5) là.......(6); Phán quyết trọng tài.......(7) giữa:

Nguyên đơn:……………………………………………………......……..……(8).

Địa chỉ: …………………………………………………..………….…………....

Bị đơn:……………………………………….……………...….…..………..…(9).

Địa chỉ: ……………………………………………………..……….……………

Tranh chấp về:………................…………………………………….………..(10).

Xét thấy:……………………………….....…………………………………(11).

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH:

1. Phán quyết trọng tài….(12) giữa....(13) được đăng ký tại Tòa án nhân dân…........(14)

2. Cơ quan thi hành án dân sự, Hội đồng trọng tài, Trọng tài viên, các bên có trách nhiệm thi hành Quyết định này và Phán quyết trọng tài vụ việc.

3. Quyết định đăng ký phán quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký. Người yêu cầu có quyền khiếu nại với Chánh án Toà án nhân dân………(15) về việc đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại.

Nơi nhận:
- Các bên;
- Hội đồng trọng tài vụ việc;
- Cơ quan thi hành án dân sự...... (theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Trọng tài thương mại;
- Viện kiểm sát nhân dân....
(cùng cấp);
- Lưu hồ sơ.

TOÀ ÁN NHÂN DÂN………...

THẨM PHÁN

(ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu Tòa án)

Hướng dẫn sử dụng Mẫu số 04:

(1) (14) (15) Ghi tên Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra quyết định hủy phán quyết trọng tài; (ví dụ: Toà án nhân dân thành phố Hà Nội).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra quyết định (ví dụ: số 01/2013/QĐ-ĐKPQ).

(3) Ghi đầy đủ những tài liệu, chứng cứ được nộp kèm theo đơn yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật Trọng tài thương mại và các tài liệu, chứng cứ khác (nếu có). Ví dụ: Biên bản họp giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài vụ việc, Bản chính hoặc bản sao thỏa thuận trọng tài hợp lệ.

(4) Ghi ngày tháng năm nhận đơn yêu cầu đăng ký phán quyết trọng tài.

(5) Ghi đầy đủ họ tên và địa chỉ của người yêu cầu đăng ký phán quyết trọng tài; nếu là cơ quan, tổ chức, thì ghi tên, địa chỉ trụ sở của cơ quan, tổ chức và họ tên, địa chỉ của cá nhân là đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đề nghị Tòa án giải quyết khiếu nại. Ví dụ: Công ty TNHH Toàn Thắng, địa chỉ: số 20 Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội do ông Nguyễn Văn A, địa chỉ: số 20 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng làm đại diện theo pháp luật.

(6) Ghi địa vị pháp lý của người yêu cầu đăng ký phán quyết trọng tài trong vụ tranh chấp. Ví dụ: "nguyên đơn".

(7) (12) Ghi đầy đủ thông tin của Phán quyết trọng tài được yêu cầu đăng ký. Ghi cụ thể số, ngày tháng năm, địa điểm ban hành Phán quyết trọng tài; họ tên, địa chỉ của Trọng tài viên Hội đồng trọng tài và tóm tắt nội dung quan hệ pháp luật tranh chấp giữa các bên. Ví dụ: “Phán quyết trọng tài số 18/2014/PQTT của Hội đồng trọng tài trọng tài vụ việc do Trọng tài viên Nguyễn Văn A, Trần Văn B và Phạm Thị C lập ngày 26-8-2014 tại Hà Nội giải quyết tranh chấp về hợp đồng mua ban hàng hóa quốc tế.

(8) (9) Nếu nguyên đơn, bị đơn là cá nhân, thì ghi họ tên và địa chỉ của cá nhân đó; nếu là cơ quan, tổ chức, thì ghi tên, địa chỉ trụ sở của cơ quan, tổ chức đó và họ tên, địa chỉ của cá nhân là đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó (ghi theo đơn khởi kiện).

(10) Ghi tóm tắt vụ việc, nội dung tranh chấp giữa các bên, nội dung phán quyết trọng tài, nội dung yêu cầu và căn cứ yêu cầu đăng ký phán quyết trọng tài.

(11) Trong phần này ghi nhận định của Toà án, phân tích những căn cứ để Tòa án quyết định Phán quyết trọng tài được đăng ký. Cần viện dẫn điều luật của văn bản quy phạm pháp luật mà Toà án căn cứ để đăng ký phán quyết.

(13) Ghi đầy đủ họ tên của nguyên đơn, bị đơn.

Mẫu số 05 (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại)

TOÀ ÁN NHÂN DÂN........(1)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:...../...../TB-ĐKPQ (2)

........, ngày...... tháng ...... năm......

THÔNG BÁO

TỪ CHỐI ĐĂNG KÝ PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI VỤ VIỆC

Kính gửi :…………………………………………….……………..(3)

Địa chỉ:……………………………………………………....……….

Căn cứ vào Điều 62 Luật Trọng tài thương mại;

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ kèm theo:..........(4);

Sau khi xem xét Đơn yêu cầu đăng ký Phán quyết Trọng tài vụ việc ngày…. tháng…. năm…. (5) của………… (6) là.......(7); Phán quyết trọng tài.......(8) giữa:

Nguyên đơn:……………………………………………………......……..……(9).

Địa chỉ: …………………………………………………..……………………....

Bị đơn:……………………………………….……………..….…..…….....…(10).

Địa chỉ: ……………………………………………………..……………………

Tranh chấp về:…………................………….………………………………..(11).

Xét thấy đơn yêu cầu thuộc trường hợp ……..………………………….....…(12).

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Trọng tài thương mại và.........(13);

Toà án nhân dân….....(14) từ chối đăng ký Phán quyết trọng tài….....(15) giữa....(16).

Toà án nhân dân………(17) trả lại đơn yêu cầu cùng các tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có) và thông báo cho người yêu cầu được biết.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Thông báo từ chối đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc, người yêu cầu có quyền khiếu nại với Chánh án Toà án nhân dân……...…(18) về việc từ chối đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Trọng tài thương mại.

Nơi nhận:
- Các bên;
- Hội đồng trọng tài vụ việc, Trọng tài viên;
- Cơ quan thi hành án dân sự...... (theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Trọng tài thương mại);
- Viện kiểm sát nhân dân....
(cùng cấp);
- Lưu hồ sơ.

TOÀ ÁN NHÂN DÂN………...

ThẨm phán

(ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu Tòa án)

Hướng dẫn sử dụng mẫu số 05:

(1) (14) (17) (18) Ghi tên Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành thông báo từ chối đăng ký phán quyết trọng tài; (ví dụ: Toà án nhân dân thành phố Hà Nội).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra thông báo (ví dụ: số 01/2013/TB-ĐKPQ).

(3) (6) Ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ của người yêu cầu đăng ký phán quyết trọng tài; nếu là cơ quan, tổ chức, thì ghi tên, địa chỉ trụ sở của cơ quan, tổ chức và họ tên, địa chỉ của cá nhân là đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức yêu cầu đăng ký phán quyết trọng tài. Ví dụ: Công ty TNHH Toàn Thắng, địa chỉ: số 20 Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội do ông Nguyễn Văn A, địa chỉ: số 20 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng làm đại diện theo pháp luật.

(4) Ghi đầy đủ những tài liệu, chứng cứ được nộp kèm theo đơn yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật Trọng tài thương mại và các tài liệu, chứng cứ khác (nếu có). Ví dụ: Biên bản họp giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài vụ việc, Bản chính hoặc bản sao thỏa thuận trọng tài hợp lệ.

(5) Ghi ngày tháng năm nhận đơn yêu cầu đăng ký phán quyết trọng tài.

(7) Ghi địa vị pháp lý của người yêu cầu đăng ký phán quyết trọng tài trong vụ tranh chấp. Ví dụ: "nguyên đơn".

(8) (15) Ghi đầy đủ thông tin của Phán quyết trọng tài được yêu cầu đăng ký. Ghi cụ thể số, ngày tháng năm, địa điểm ban hành Phán quyết trọng tài và họ tên, địa chỉ của Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài. Ví dụ: “Phán quyết trọng tài số 18/2014/PQTT của Hội đồng trọng tài trọng tài vụ việc do Trọng tài viên Nguyễn Văn A, Trần Văn B và Phạm Thị C lập ngày 26-8-2014 tại Hà Nội giải quyết tranh chấp về hợp đồng mua ban hàng hóa quốc tế”.

(9) (10) Nếu nguyên đơn, bị đơn là cá nhân, thì ghi họ tên và địa chỉ của cá nhân đó; nếu là cơ quan, tổ chức, thì ghi tên, địa chỉ trụ sở của cơ quan, tổ chức đó và họ tên, địa chỉ của cá nhân là đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó (ghi theo đơn khởi kiện).

(11) Ghi tóm tắt nội dung vụ việc, nội dung tranh chấp giữa các bên, nội dung phán quyết trọng tài, nội dung yêu cầu và căn cứ yêu cầu đăng ký phán quyết trọng tài.

(12) Ghi nhận định của Tòa án, phân tích những căn cứ là lý do để Tòa án quyết định từ chối đăng ký Phán quyết trọng tài.

(13) Ghi điều luật của văn bản quy phạm pháp luật mà Toà án căn cứ để từ chối đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc.

(16) Ghi đầy đủ họ tên của nguyên đơn, bị đơn.

Mẫu số 06 (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại)

TOÀ ÁN NHÂN DÂN........(1)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:...../...../QĐ-TĐCPQTT (2)

........, ngày...... tháng ...... năm......

QUYẾT ĐỊNH

TẠM ĐÌNH CHỈ XÉT ĐƠN YÊU CẦU HỦY PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI

TÒA ÁN NHÂN DÂN.....................(3)

Với Hội đồng xét đơn yêu cầu gồm có:

Thẩm phán - Chủ tọa: Ông (Bà).........................................................................

(Các) Thẩm phán: Ông (Bà)...............................................................................

Ông (Bà)..............................................................................

Căn cứ vào khoản 7 Điều 71 Luật Trọng tài thương mại;

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ kèm theo:..........(4);

Sau khi xem xét Đơn yêu cầu tạm đình chỉ xét đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài ngày…. tháng …. năm…. (5) của…...(6) là.......(7); Phán quyết trọng tài.................(8) giữa:

Nguyên đơn.:……………………………………………………......……..……(9)

Địa chỉ:….………………………………………………..……………………....

Bị đơn:……………..……………….……….……………...….…..………..…(10)

Địa chỉ: ………………………….....………………………..……………………

Tranh chấp về:…………................……………………..……………………..(11)

Yêu cầu và căn cứ đề nghị tạm đình chỉ xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.....................................................................................................................................

Xét thấy..............................................................................................................(12),

QUYẾT ĐỊNH:

1. Tạm đình chỉ xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài thụ lý số…/..../TLST-KDTM... ngày…tháng…năm…..(13) đối với Phán quyết trọng tài.......(14) giữa:

Nguyên đơn:……………………………………………………......…….....…(15)

Địa chỉ: …………………………………………………..………………….......

Bị đơn:……………………………………….……………...….…..……….....(16)

Địa chỉ: ……………………………………………………..…………………...

2. Toà án tiếp tục giải quyết đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài này khi lý do tạm đình chỉ không còn nhưng tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định này.

3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, các bên, Hội đồng trọng tài, Trọng tài viên không có quyền khiếu nại, kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị.

Nơi nhận:
- Các bên;
- Hội đồng trọng tài, Trọng tài viên;
- Trung tâm trọng tài (nếu có);
- Cơ quan thi hành án dân sự...... (theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Trọng tài thương mại);
- Viện kiểm sát nhân dân....
(cùng cấp);
- Lưu hồ sơ.

TM. HỘI ĐỒNG XÉT ĐƠN YÊU CẦU
THẨM PHÁN – CHỦ TỌA PHIÊN HỌP

(ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu Tòa án)

Hướng dẫn sử dụng Mẫu số 06:

(1) (3) Ghi tên Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra quyết định tạm đình chỉ xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài; (ví dụ: Toà án nhân dân thành phố Hà Nội).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra quyết định (ví dụ: số 01/2013/QĐ-TĐCPQTT).

(4) Ghi đầy đủ những tài liệu, chứng cứ được nộp kèm theo đơn yêu cầu theo quy định tại khoản 7 Điều 71 Luật Trọng tài thương mại và các tài liệu, chứng cứ khác (nếu có). Ví dụ: Biên bản họp giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài vụ việc, Bản chính hoặc bản sao thỏa thuận trọng tài hợp lệ.

(5) Ghi ngày tháng năm nhận đơn yêu cầu tạm đình chỉ xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

(6) Ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ của người yêu cầu tạm đình chỉ xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài; nếu là cơ quan, tổ chức, thì ghi tên, địa chỉ trụ sở của cơ quan, tổ chức và họ tên, địa chỉ của cá nhân là đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức yêu cầu tạm đình chỉ xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Ví dụ: Công ty TNHH Toàn Thắng, địa chỉ: số 20 Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội do ông Nguyễn Văn A, địa chỉ: số 20 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng làm đại diện theo pháp luật.

(7) Ghi địa vị pháp lý của người yêu cầu tạm đình chỉ xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong vụ tranh chấp. Ví dụ: nguyên đơn.

(8) (14) Ghi đầy đủ thông tin của Phán quyết trọng tài được yêu cầu tạm đình chỉ xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Ghi cụ thể số, ngày tháng năm, địa điểm ban hành Phán quyết trọng tài và họ tên, địa chỉ của Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài. Ví dụ: “Phán quyết trọng tài số 18/2014/PQTT của Hội đồng trọng tài trọng tài vụ việc do Trọng tài viên Nguyễn Văn A, Trần Văn B và Phạm Thị C lập ngày 26-8-2014 tại Hà Nội giải quyết tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế”.

(9) (10) (15) (16) Nếu nguyên đơn, bị đơn là cá nhân, thì ghi họ tên và địa chỉ của cá nhân đó; nếu là cơ quan, tổ chức, thì ghi tên, địa chỉ trụ sở của cơ quan, tổ chức đó và họ tên, địa chỉ của cá nhân là đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó (ghi theo đơn khởi kiện).

(11) Ghi tóm tắt nội dung vụ việc, nội dung tranh chấp giữa các bên, nội dung phán quyết trọng tài.

(12) Trong phần này ghi nhận định của Toà án, phải phân tích những căn cứ là lý do để Tòa án tạm đình chỉ xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Cần viện dẫn điều luật của văn bản quy phạm pháp luật mà Toà án căn cứ để tạm đình chỉ xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

(13) Ghi đầy đủ số, ngày tháng năm thụ lý vụ việc yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài. Ví dụ: thụ lý số 28/2014/TLST-KDTM ngày 16 tháng 8 năm 2014.

Mẫu số 07 (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại)

TOÀ ÁN NHÂN DÂN........(1)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:...../...../QĐ-ĐCPQTT (2)

........, ngày...... tháng ...... năm......

QUYẾT ĐỊNH

ĐÌNH CHỈ XÉT ĐƠN YÊU CẦU HỦY PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI

TÒA ÁN NHÂN DÂN.....................(3)

Với Hội đồng xét đơn yêu cầu gồm có:

Thẩm phán - Chủ tọa: Ông (Bà).........................................................................

(Các) Thẩm phán: Ông (Bà)...............................................................................

Ông (Bà)………………………………………………......

Căn cứ vào khoản 5 Điều 71 của Luật Trọng tài thương mại;

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ kèm theo:........................(4);

Sau khi xem xét Đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài ngày…. tháng …. năm…. (5) của…...(6) là.......(7); Phán quyết trọng tài.................(8) giữa:

Nguyên đơn:……………………………………………………......……..….…(9)

Địa chỉ: …………………………………………………..……………………....

Bị đơn:……………………………….……….……………...….…..………....(10)

Địa chỉ: …………………………...…………………………..…………………

Tranh chấp về:…………................……………………………………………(11)

Yêu cầu và căn cứ đình chỉ xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài:.....

Xét thấy..............................................................................................................(12),

QUYẾT ĐỊNH:

1. Đình chỉ xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài thụ lý số …/.../TLST-KDTM…(13) ngày…tháng…năm….. đối với Phán quyết trọng tài.......(14) giữa:

Nguyên đơn:……...……………………………………………......……..……(15)

Địa chỉ: …………………………………………………..……………………....

Bị đơn:……………………...……………….……………...….…..………..…(16)

Địa chỉ: ……………………………………………………..……………………

2. Khi có quyết định đình chỉ xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, các bên không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, các bên, Hội đồng trọng tài, Trọng tài viên không có quyền khiếu nại, kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị.

Nơi nhận:
- Các bên;
- Hội đồng trọng tài, Trọng tài viên;
- Trung tâm trọng tài (nếu có);
- Cơ quan thi hành án dân sự...... (theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Trọng tài thương mại);
- Viện kiểm sát nhân dân....
(cùng cấp);
- Lưu hồ sơ.

TM. HỘI ĐỒNG XÉT ĐƠN YÊU CẦU
THẨM PHÁN – CHỦ TỌA PHIÊN HỌP

(ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu Tòa án)

Hướng dẫn sử dụng Mẫu số 07:

(1) (3) Ghi tên Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra quyết định tạm đình chỉ xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài (ví dụ: Toà án nhân dân thành phố Hà Nội).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra quyết định (ví dụ: số 01/2013/QĐ-TĐCPQTT).

(4) Ghi đầy đủ những tài liệu, chứng cứ được nộp kèm theo đơn yêu cầu (nếu có). Ví dụ: Biên bản họp giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài vụ việc, Bản chính hoặc bản sao thỏa thuận trọng tài hợp lệ...

(5) Ghi ngày tháng năm nhận đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

(6) Ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ của người yêu cầu hủy phán quyết trọng tài; nếu là cơ quan, tổ chức, thì ghi tên, địa chỉ trụ sở của cơ quan, tổ chức và họ tên, địa chỉ của cá nhân là đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức yêu cầu đình chỉ xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Ví dụ: Công ty TNHH Toàn Thắng, địa chỉ: số 20 Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội do ông Nguyễn Văn A, địa chỉ: số 20 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng làm đại diện theo pháp luật.

(7) Ghi địa vị pháp lý của người yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong vụ tranh chấp. Ví dụ: "nguyên đơn".

(8) (14) Ghi đầy đủ thông tin của Phán quyết trọng tài được yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Ghi cụ thể số, ngày tháng năm, địa điểm ban hành Phán quyết trọng tài và họ tên, địa chỉ của Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài. Ví dụ: “Phán quyết trọng tài số 18/2014/PQTT của Hội đồng trọng tài trọng tài vụ việc do Trọng tài viên Nguyễn Văn A, Trần Văn B và Phạm Thị C lập ngày 26-8-2014 tại Hà Nội giải quyết tranh chấp về hợp đồng mua ban hàng hóa quốc tế”.

(9) (10) (15) (16) Nếu nguyên đơn, bị đơn là cá nhân, thì ghi họ tên và địa chỉ của cá nhân đó; nếu là cơ quan, tổ chức, thì ghi tên, địa chỉ trụ sở của cơ quan, tổ chức đó và họ tên, địa chỉ của cá nhân là đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó (ghi theo đơn khởi kiện).

(11) Ghi tóm tắt nội dung vụ việc, nội dung tranh chấp giữa các bên, nội dung phán quyết trọng tài.

(12) Trong phần này ghi nhận định của Toà án, phải phân tích những căn cứ là lý do để Tòa án đình chỉ xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Cần viện dẫn điều luật của văn bản quy phạm pháp luật mà Toà án căn cứ để đình chỉ xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

(13) Ghi đầy đủ số, ngày tháng năm vụ lý vụ việc yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài. Ví dụ: thụ lý số 28/2014/TLST-KDTM ngày 16 tháng 8 năm 2014.

Mẫu số 08 (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại)

TOÀ ÁN NHÂN DÂN........(1)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:...../...../QĐ-PQTT (2)

........, ngày...... tháng ...... năm......

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC HỦY PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI

TÒA ÁN NHÂN DÂN.....................(3)

Với Hội đồng xét đơn yêu cầu gồm có:

Thẩm phán - Chủ tọa: Ông (Bà).........................................................................

(Các) Thẩm phán: Ông (Bà)...............................................................................

Ông (Bà)………………………………………………......

Căn cứ vào Điều 71 của Luật Trọng tài thương mại;

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ kèm theo:........................(4);

Sau khi xem xét Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài ngày…. tháng …. năm…. (5) của………… (6) là.......(7); Phán quyết trọng tài.......(8) giữa:

Nguyên đơn:……………………………………………………......……..……(9)

Địa chỉ: …………………………………………………..……………………....

Bị đơn:……..……………………….……….……………...….…..………..…(10)

Địa chỉ: ………………………...…………………………..……………………

Tranh chấp về:…………................…………..………………………………..(11)

Nội dung yêu cầu và căn cứ yêu cầu hủy phán quyết trọng tài:.............................

Xét thấy.............................................................................................................(12),

QUYẾT ĐỊNH:

1. ……(13) Phán quyết trọng tài.......(14) về việc giải quyết vụ tranh chấp giữa:

Nguyên đơn:…………………………………………..………......……..……(15)

Địa chỉ: …………………………………………………..……………………....

Bị đơn:……………………………………….………..…...….…..………..…(16)

Địa chỉ: …………………………………………...........……………..........…......

2. Quyết định này là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, các bên, Hội đồng trọng tài không có quyền khiếu nại, kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị.

Nơi nhận:
- Các bên;
- Hội đồng trọng tài ;
- Cơ quan thi hành án dân sự......
(ghi theo khoản 1 Điều 8 Luật TTTM);
- Viện kiểm sát nhân dân…..(cùng cấp);
- Lưu hồ sơ.

TM. HỘI ĐỒNG XÉT ĐƠN YÊU CẦU
THẨM PHÁN – CHỦ TỌA PHIÊN HỌP

(ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu Tòa án)

Hướng dẫn sử dụng Mẫu số 08:

(1) (3) Ghi tên Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra quyết định hủy phán quyết trọng tài; (ví dụ: Toà án nhân dân thành phố Hà Nội).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra quyết định (ví dụ: số 01/2013/QĐ-HPQTT).

(4) Ghi đầy đủ những tài liệu, chứng cứ được nộp kèm theo đơn yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 70 Luật Trọng tài thương mại và các tài liệu, chứng cứ khác (nếu có). Ví dụ: Biên bản họp giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài vụ việc, Bản chính hoặc bản sao thỏa thuận trọng tài hợp lệ.

(5) Ghi ngày tháng năm nhận đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

(6) Ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ của người yêu cầu hủy phán quyết trọng tài; nếu là cơ quan, tổ chức, thì ghi tên, địa chỉ trụ sở của cơ quan, tổ chức và họ tên, địa chỉ của cá nhân là đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Ví dụ: Công ty TNHH Toàn Thắng, địa chỉ: số 20 Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội do ông Nguyễn Văn A, địa chỉ: số 20 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng làm đại diện theo pháp luật.

(7) Ghi địa vị pháp lý của người yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong vụ tranh chấp. Ví dụ: "nguyên đơn".

(8) (14) Ghi đầy đủ thông tin của Phán quyết trọng tài bị yêu cầu hủy. Ghi cụ thể số, ngày tháng năm, địa điểm ban hành Phán quyết trọng tài và họ tên, địa chỉ của Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài. Ví dụ: “Phán quyết trọng tài số 18/2014/PQTT của Hội đồng trọng tài trọng tài vụ việc do Trọng tài viên Nguyễn Văn A, Trần Văn B và Phạm Thị C lập
ngày 26-8-2014 tại Hà Nội giải quyết tranh chấp về hợp đồng mua ban hàng hóa quốc tế”.

(9) (10) (15) (16) Nếu nguyên đơn, bị đơn là cá nhân, thì ghi họ tên và địa chỉ của cá nhân đó; nếu là cơ quan, tổ chức, thì ghi tên, địa chỉ trụ sở của cơ quan, tổ chức đó và họ tên, địa chỉ của cá nhân là đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó (ghi theo đơn khởi kiện).

(11) Ghi tóm tắt nội dung vụ việc, nội dung tranh chấp giữa các bên, nội dung phán quyết trọng tài.

(12) Trong phần này ghi nhận định của Toà án, phải phân tích những căn cứ là lý do để Tòa án hủy hoặc không hủy phán quyết trọng tài. Cần viện dẫn điều luật của văn bản quy phạm pháp luật mà Toà án căn cứ để hủy hoặc không hủy phán quyết trọng tài.

(13) Ghi rõ quyết định hủy hay không hủy phán quyết trọng tài của Tòa án.

COUNCIL OF JUDGES
THE PEOPLE’S SUPREME COURT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

Số: 01/2014/NQ-HDTP

Hanoi, March 20, 2014

 

RESOLUTION

GUIDELINES FOR THE LAW ON COMMERCIAL ARBITRATION

COUNCIL OF JUDGES OF THE PEOPLE’S SUPREME COURT

Pursuant to the Law on organization of People’s Courts;

For the purpose of adherence to the Law on Commercial arbitration which is passed by the National Assembly on June 17, 2010 and takes effect on January 01, 2011 (hereinafter referred to as LCA);

After obtaining opinions from the Chief Procurator of the Supreme People’s Procuracy and the Minister of Justice,

RESOLVES:

Article 1. Scope of regulation

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 2. Determination of entitlements to resolve cases between arbitral tribunals and courts according to LCA

1. Arbitral tribunals are entitled to resolve the disputes mentioned in Article 2 of LCA if the parties concerned have an arbitration agreement prescribed in Article 5 and Article 16 of LCA, except for the cases mentioned in Clause 3 of this Article.

2. When the court is requested to resolve one of the disputes mentioned in Article 2 of LCA, the court shall request either party to provide information about whether such dispute is under an arbitration agreement. The court shall examine documents enclosed with the petition to determine whether such dispute is one of the cases mentioned in Clause 3 of this Article as follows:

a) If the dispute is not under an arbitration agreement, or an effective judgment or decision has been given by a court, or an effective tribunal award determines that the dispute is not under an arbitration agreement, the court shall consider undertaking and handling the case within its competence.

b) If the dispute is under an arbitration agreement and such arbitration agreement is not any of the cases mentioned in Clause 3 of this Article, the court shall return the petition and documents enclosed therewith to the plaintiff pursuant to Point d Clause 1 Article 168 of the Civil Procedure Code 2014, which is amended in the Law on amendments to the Civil Procedure Code (hereinafter referred to as the Civil Procedure Code).

If the court finds that the dispute is under an arbitration agreement and such arbitration agreement is not any of the cases mentioned in Clause 3 of this Article after the case is undertaken by the court, the court shall issue a decision to terminate the adjudication, return the petition and documents enclosed therewith to the plaintiff pursuant to Point i Clause 1 Article 192 of the Civil Procedure Code.

c) If the court is requested to resolve a dispute that is being handled by an arbitral tribunal, the court shall terminate the adjudication and return the petition to the plaintiff even if the court finds that the dispute is not within the competence of the arbitral tribunal, not under an arbitration agreement, or the arbitration agreement is not any of the cases mentioned in Clause 3 of this Article, unless the court undertakes the case before the arbitral tribunal is requested to handle it. If the plaintiff requests the court to handle the case after a decision or award is issued by the arbitral tribunal as prescribed in Articles 43, 58, 59, and 61 of LCA, the court shall consider undertaking and handling the case under common procedures.

3. In one of the following cases, the dispute shall be handled by the court though it is under an arbitration agreement, unless otherwise agreed by the parties concerned or prescribed by law:

a) The court issues a decision to annul the arbitral award or the decision made by the arbitral tribunal to certify the parties’ agreement made;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) The dispute is one of the cases mentioned in Clauses 1, 2, 3, and 5 Article 4 of this Resolution.

4. In case the parties have an agreement to have the dispute resolved both by an arbitral tribunal and a court, such agreement is not changed and not any of the cases in Clause 3 of this Article, the dispute that arises shall be handled as follows:

a) If the plaintiff requests an arbitral tribunal to resolve the dispute before requesting the court to do so or before the case is undertaken by the court as prescribed in Point b Clause 4 of this Article, the court shall refuse to undertake the case pursuant to Article 6 of LCA. In this case, the court shall return the petition. If the case has been received, the court shall issue a decision to terminate the adjudication because it is beyond the competence of the court, return the petition and documents enclosed therewith to the plaintiff pursuant to Point i Clause 1 Article 192 of the Civil Procedure Code.

b) In case the plaintiff requests the court to resolve the dispute: right after receiving the petition, the court must determine whether an arbitral tribunal is requested by either party to handle the case.

Within 05 working days from the receipt of the petition, if the court finds that the dependant or the plaintiff has requested an arbitral tribunal to resolve the dispute, the court shall return the petition to the plaintiff. If no arbitral tribunal is requested by the dependant or the plaintiff to resolve the case, the court shall undertake the case and handle it under common procedures.

If the court has undertaken the case and then finds that an arbitral tribunal is requested to resolve such case before it is undertaken by the court, the court shall, pursuant to Point i Clause 1 Article 192 of the Civil Procedure Code, issue a decision to terminate the adjudication because it is beyond the competence of the court, return the petition and documents enclosed therewith.

Article 3. Void arbitration agreement prescribed in Article 6 and Article 18 of LCA

An arbitration agreement is void if it is one of the cases mentioned in Article 18 of LCA. After declaring an arbitration agreement void, the cases below should be considered:

1. “The dispute that arises is related to the fields beyond the competence of arbitral tribunals” prescribed in Clause 1 Article 18 LCA means the case in which an arbitration agreement is negotiated to resolve the disputes related to the fields other than those mentioned in Article 2 of LCA.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

If arbitration agreement principles are established by incompetent persons, such arbitration agreement is void. If the arbitration agreement is negotiated by incompetent persons but the persons competent to negotiate arbitration agreements accept it or do not object to it during the negotiation or arbitral proceedings, such arbitration agreement is not void.

3. “The arbitration agreement is negotiated by persons in capable of civil acts as prescribed by lawprescribed in Clause 3 Article 18 means the minors or the persons incapable of civil acts. In this case, the court must collect evidence that the person that negotiates the arbitration agreement are not capable of civil acts, including papers bearing his/her date of birth, a conclusion by a competent authority or declaration by a court that such per person is not capable of civil acts.

4. “Format of the arbitration agreement is not conformable with Article 16 of LCA” prescribed in Clause 4 Article 18 of LCA means the case in which the arbitration agreement is not negotiated using the methods mentioned in Article 16 of LCA and the guidance in Article 7 of this Resolution.

5. “Either party is cheated, threatened, or forced to reach the arbitration agreement” prescribed in Clause 5 Article 18 of LCA means the case in which either party is cheated, threatened, or forced according to Article 4 and Article 132 of the Civil Code.

6. “The arbitration agreement contravenes the law” prescribed in Clause 6 Article 18 of LCA means any arbitration agreement in the cases prescribed in Article 128 of the Civil Code.

Article 4. The arbitration agreement is not viable as prescribed in Article 6 of LCA

“The arbitration agreement is not viable” as prescribed in Clause 6 Article 18 of LCA means any arbitration agreement in the cases below:

1. The parties concerned have an agreement to resolve their disputes at a specific arbitration center which has now shut down without any arbitration center that inherit its cases, and the parties concerned fail to reach an agreement on another arbitration center to resolve their disputes.

2. Bother parties have an agreement on appointment of a specific arbitrator to resolve disputes, but when the dispute arises, because of force majeure events or objective difficulties, such arbitrator cannot resolve the case, or the arbitration center or court cannot find a substitute arbitrator as agreed by the parties concerned, and the parties concerned also fail to reach an agreement to select a substitute arbitrator.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The parties concerned have an agreement to resolve their disputes at a specific arbitration center but a set of arbitration rules of another arbitration center, which is different from the arbitration rules of the agreed arbitration center, is applied, the charter of the arbitration selected by both party does not allow the application of arbitration rules of other arbitration centers, and the parties concerned fail to reach an agreement on substitute set of arbitration rules.

5. The goods/service seller and consumers have an overall agreement on provision of goods/services that contain arbitration terms drafted by the seller as prescribed in Article 17 of LCA, but the consumers refuse to have the dispute that arises resolved by an arbitral tribunal.

1. The parties concerned may reach an agreement to select one of the provincial courts of Vietnam to handle cases related to arbitration in Vietnam. The agreement on selection of the court must be made into three copies, specifying the cases to be handled by the court, name of the court selected by the parties concerned.

If the agreement is not conformable with regulations Clause 3 Article 7 of LCA, the authority of the court over arbitration shall be determined in accordance with Clause 2 Article 7 of LCA on entitlements and territory of courts, regulations in Clause 3 Article 7 of LCA on authority of various levels of courts.

Example: The parties concerned have an agreement to select the court of district X to summon witnesses. Such agreement contravenes the regulations in Clause 3 Article 7 of LCA. The court shall refuse this agreement and the authority of the court over arbitration shall be determined in accordance with Clause 2 Article 7 of LCA.

2. The parties may reach an agreement on selection of a court having authority over arbitration before or after a dispute arises. The agreement on selection of a court must ensure that there is only one court that has authority over a specific arbitral activity or all arbitral activities.

3. Determination of courts having authority over appointment of arbitrators to establish an arbitral tribunal.

a) If there are multiple defendants involved in a request for appointment of arbitrators, the plaintiff may send the request to one of the courts of the administrative divisions where the residences or headquarters of such defendants are located1. If one or some defendants have there residences or headquarters overseas, the plaintiff may select the court of the administrative division where the residence or headquarter of the plaintiff is located.

b) When receiving the written request for appointment of arbitrators, the court must explain to the applicant that there is only one of the courts mentioned in Point a Clause 2 Article 7 of LCA may be selected. The court selected shall request the applicant to make a written commitment in the written request that the request is not submitted to any other court.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Return the written request, documents, evidence enclosed thereto and fees to the applicant if the case is not undertaken pursuant to Point dd Clause 1 Article 168 and Article 311 of the Civil Procedure Code.

c) Issue a decision to terminate the consideration, remove the case from the book, return the request, documents and evidence enclosed thereto to the applicant if the case has been undertaken pursuant to Point dd Clause 1 Article 168, Point i Clause 1 Article 192, and Article 311 of the Civil Procedure Code The advanced fee shall be returned to the applicant by the court.

c3) If multiple courts have issue their own decisions on arbitrator appointment, the decision issued by the court that is first selected by the plaintiff shall apply. In this case, pursuant to Clause 2 Article 39 of the Ordinance on legal costs, the plaintiff shall still incur the fees for request for arbitrator appointments under the decisions on arbitrator appointment of all the courts that received the request from the plaintiff.

4. The courts having authority over arbitrator replacement, settlement of appeals against decisions of arbitral tribunals, annulments of arbitral awards, registration of arbitral awards mentioned in Points b, c and g Clause 2 Article 7 of LCA are identified as follows:

a) “The place where the dispute is settled by the arbitral tribunal” prescribed in Point b Clause 2 Article 7 of LCA shall be determined in accordance with Clause 8 Article 3 of LCA; In case the parties fail to reach an agreement on the place for dispute settlement and the arbitral tribunal fails to indicate or fails to indicate clearly the place for dispute settlement, the applicant shall submit supporting documents and evidence. If the applicant fails to prove it, the court shall instruct the applicant to request the arbitral tribunal to verify. According to the place for dispute settlement determined by arbitral tribunal, the court shall consider undertaking the cases in accordance with law.

b) “The place where the decision is made by the arbitral tribunal” and “the place the arbitral award is given by the arbitral tribunal” prescribed in Point c and Point g Clause 2 Article 7 of LCA shall be determined under the decision or arbitral award of the arbitral tribunal. In case the decision or arbitral award given by the arbitral tribunal fails to indicate or fails to indicate clearly the place for where the arbitral tribunal issues the decision or arbitral awards, the applicant shall submit documents and evidence to prove it. If the applicant fail to prove it, the court shall instruct the applicant to request the arbitral tribunal to determine. According to the result given by the arbitral tribunal, the court shall consider undertaking the case in accordance with law.

c) In case the place where the arbitral tribunal issues the decision or arbitral award prescribed in Point c and Point g Clause 2 Article 7 of LCA is located overseas, the competent court is the local court of the administrative division where the residence or headquarter in Vietnam of the defendant is located. In case the residence or headquarter of the defendant is located overseas, the competent court is the local court of the administrative division where the residence or headquarter of the plaintiff is located.

5. Determination of entitlements of courts to activities of foreign arbitrators in Vietnam.

a) When foreign arbitrators settle disputes and request support from a Vietnamese court, the Vietnamese court shall have authority over operation of foreign arbitrators in accordance with Points a, b, c, d, dd, and e Clause 2 Article 7 of LCA.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 6. Loss or right to protest prescribed in Article 13 of LCA

1. When a party is found violating regulations of LCA or the arbitration agreement, if arbitral proceedings are still carried on without any protest against to such violations submitted to the arbitral tribunal or arbitration center by the deadline imposed in LCA, the right to protest against such violations shall be lost. In the cases where LCA does not specify the deadline, the deadline shall be agreed by the parties or arbitration rules. If the parties do not have an agreement or the arbitration rules do not specify, the objection shall be made by the time the arbitral tribunal gives an arbitral award.

2. When considering a report from either party on violations against regulations of LCA or the arbitration agreement, the court shall examine the docs, evidence, and arbitration rules to determine whether either party loses its right to protest or not.

In case the court determines that the right to protest is lost as prescribed in Article 13 of LCA and Clause 1 of this Article, the party that loses such right may not appeal against the decision from the arbitral tribunal and may not request annulment of the arbitral award with regard to the violations against which the right to protest is lost. The court shall not accept the request of either party according to the violations against which the right to protest of either party is lost.

3. When considering a request for annulment of the arbitral award, the court shall consult to Point dd Clause 2 and Point b Clause 3 Article 68 of LCA. The court is entitled to decide whether to accept the request or not if there is sufficient basis, even when either party has lost its rights to protest.

Article 7. Arbitration agreements prescribed in Article 16 of LCA

1. In case multiple arbitration agreements are reached on the same dispute, the latest lawful agreement shall apply.

2. If the contents of an arbitration agreement are not clear or could be understood in more than one way, regulations of the Civil Code shall apply.

3. When there is a handover of rights and obligations under a transaction or contract which contains a lawful arbitration agreement, such agreement is still applicable to the transferee and the transferor, unless otherwise agreed by the parties concerned.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The parties agree to combine multiple legal relationships to resolve the same case;

b) The arbitration rules allow for combination of multiple legal relationships to resolve the same case.

Article 8. Establishment of arbitral tribunal prescribed in Article 41 of LCA

1. If the parties concerned do not agree otherwise, the court shall appoint arbitrators on request in the following cases:

a) If the defendant fails to notify the plaintiff of the names of the arbitrators the defendant selects within 30 days from the day on which the defendant receives the petition from the plaintiff, the court shall appoint arbitrators on request of the plaintiff.

b) In case the dispute involves multiple defendants: after the 30-day period from the day on which the last defendant receives the petition from the plaintiff together with documents and evidence enclosed thereto, if the defendants fail to reach a consensus on the arbitrator or at the request of either party, the court shall appoint arbitrators;

c) If the appointed arbitrators fail to elect a chairperson of the arbitral tribunal after 15 days from the day they are selected by the parties or appointed by the court, the court shall appoint a chairperson of the arbitral tribunal at the request of either party;

d) If the parties concerned agree that the dispute shall be resolved by only one arbitrator, but fail to select such sole arbitrator after 30 days from the day on which the last defendant receives the petition from the plaintiff, the court shall appoint the sole arbitrator at the request of either party.

2. Within 07 working days from the receipt of the petition, the executive judge of the provincial court shall assign a judge to appoint arbitrators. The competent court shall notify the parties concerned and arbitrators of the arbitral tribunal of the undertaking of the case and the judge assigned to handle the case.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. When considering the request, the judge shall consult Article 21 and Article 21 of LCA, the lists of arbitrators of arbitral institutions in Vietnam prescribed in Point c Clause 1 Article 15 of LCA, Clause 4 Article 2 and Article 19 of the Government's Decree No. 63/2011/ND-CP dated July 28, 2011 on guidelines for the Law on Commercial arbitration, and enclosed documents. The court’s decision on appointment of arbitrators shall be made using form No. 1 enclosed to this Resolution.

5. Within 03 working days from the decision date, the court shall send the decision to the parties concerned, the arbitral tribunal, and arbitrators.

Article 9. Replacement of arbitrators prescribed in Clause 4 Article 42 of LCA

1. The court shall only consider the replacement of arbitrators in the cases mentioned in Clause 4 Article 42 of LCA. The person that requests replacement of arbitrators shall make a written request, specifying the case and the reasons for making such request.

2. Within 15 working days from the receipt of the written request, the executive judge of the provincial court shall assign a judge to decide the replacement of arbitrators. The competent court shall notify the arbitral tribunal, arbitrators thereof, and the parties concerned of the undertaking of the case and the judge appointed to handle the case.

3. Within 07 working days from the assignment date, the judge shall consider the request for replacement of arbitrators without holding a meeting or summoning the parties concerned.

4. When considering the request, the judge shall consult Article 20, Article 21, Clause 6 Article 42 of LCA, the lists of arbitrators of arbitral institutions in Vietnam prescribed in Point c Clause 1 Article 15 of LCA, Clause 4 Article 2 and Article 19 of the Government's Decree No. 63/2011/ND-CP dated July 28, 2011 on guidelines for the Law on Commercial arbitration, and enclosed documents to decide whether the decision on appointment of arbitrators can be adjusted.

If the request for replacement of arbitrator is legitimate, the judge shall decide the replacement on a case-by-case basis in accordance with corresponding regulations. If the request for replacement of arbitrators is rejected, the judge shall issue a written decision specifying the reasons for rejection. The decision on replacement of arbitrators shall be made using form No. 2 enclosed to this Resolution.

5. Within 03 working days from the decision date, the court shall send the decision to the parties concerned, the arbitral tribunal, the arbitrators, and the People’s Procuracy at the same level.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The party that does not concur with a decision by an arbitral tribunal on absence of arbitration agreement, void arbitration agreement, unviable arbitration agreement, or entitlements of arbitral tribunal shall file an appeal. The appeal shall contain the information prescribed in Clause 2 Article 44 of LCA and enclosed with the documents, evidence mentioned in Clause 3 Article 44 of LCA. In case the arbitral tribunal does not issue a separate decision on the entitlements of the arbitral tribunal, the applicant must provide documents and evidence proving that the arbitral tribunal does not have the authority to resolve such dispute.

2. Within 05 working days from receipt of the appeal, documents and evidence enclosed, the court shall notify the arbitral tribunal of the processing of the appeal.

3. According to the appeal, documents and evidence enclosed thereto, and regulations in Articles 5, 6, and 18 of LCA, the judge shall determine whether the decision on absence of arbitration agreement by arbitral tribunal, void arbitration agreement, unviable arbitration agreement, or entitlements is justifiable or not. If necessary, the judge may request the arbitral tribunal to provide their explanation for the appeal.

4. The judge must settle the appeal by the deadline mentioned in Clause 4 Article 44 of LCA. The decision on appeal settlement shall be issued using the form No. 3 enclosed to this Resolution. Within 05 working days from the day on which the decision on appeal settlement is issued, the court shall send the decision to the parties concerned, the arbitral tribunal, the arbitrators, and the People’s Procuracy at the same level.

5. Pursuant to regulations of law, the judge shall accept or reject the appeal. The court must specify the reasons for the acceptance or rejection of the appeal as follows:

a) In case the court determines that the dispute is beyond the competence of the arbitral tribunal, there is no arbitration agreement, the arbitration agreement is void, or the arbitration agreement is unviable:

a1) If the arbitral tribunal has issued a decision to terminate the adjudication, the parties concerned shall reach an agreement on the method for dispute settlement.

a2) If the case is being handled by the arbitral tribunal, the arbitral tribunal must issue a decision to suspend the adjudication within 15 days from the receipt of the decision on appeal settlement from the court in accordance with Clause 6 Article 44 of LCA.

a3) If the arbitral tribunal has given an arbitral award, either party is entitled to request the court to annul such arbitral award.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b1) If the arbitral tribunal has issued a decision to suspend the adjudication, the arbitral tribunal shall resume the adjudication within 15 days from the receipt of the decision on appeal settlement from the court.

b2) If the arbitral tribunal has given an arbitral award, either party is entitled to request the enforcement of such arbitral award, apply for registration of such arbitral award, or request the court to annul such arbitral award.

b3) If the case is being handled by the arbitral tribunal, the arbitral tribunal shall keep handling it.

Article 11. Request for court’s collection of evidence or summons of witness prescribed in Article 46 and Article 47 of LCA

1. The court shall only collect evidence in the cases prescribed in Clause 5 and Clause 6 Article 46 of LCA if the arbitral tribunal, either party fails to collect adequate evidence after taking every necessary measures (meaning all methods and resources have been used to request the entities having evidence to provide such evidence but such entities refuse to do so). The request for court’s collection of evidence must contain sufficient information prescribed in Clause 5 Article 46 of LCA, enclosed with the arbitration agreement, petition, relevant documents, documents and evidence proving the unsuccessful attempt to collect evidence.

2. The procedures for collecting, preserving, and transferring evidence by the court shall comply with Clause 5 Article 46 of LCA and regulations of the Civil Procedure Code.

3. The Court shall only summon witnesses when there is evidence that the witnesses have been legitimately summoned by the arbitral tribunal but then fail to attend the meeting without justifiable reasons, and their absence obstruct the dispute settlement. The summons must contain sufficient information prescribed in Clause 2 Article 47 of LCA, enclosed with the arbitration agreement, petition, relevant documents, documents and evidence proving that the witnesses were summoned legitimately but failed to attend the meeting, and that their absence obstruct the dispute settlement.

4. The procedures for issuing decisions, summoning witnesses, and notifying the result shall comply with Clause 3 Article 47 of LCA and regulations of the Civil Procedure Code.

5. Together with the submission of documents and evidence on request, the party that makes the request for collection of evidence or summons of witnesses must pay fees and costs thereof. In case the arbitral tribunal requests the court to collect evidence or summon witnesses, the fees and costs shall be paid by the party that makes the request via the arbitral tribunal.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Either party is entitled to send a written request to the competent court for implementation of one or some temporary emergency measures right after submitting the petition to the arbitrators (when the arbitral proceedings have been initiated), whether or not the arbitral tribunal has been established or the dispute has been settled by the arbitral tribunal.

2. Either party is entitled to request the competent court to compel the implementation of one or some temporary emergency measures prescribed in Clause 2 Article 49 of LCA, unless otherwise agreed by the parties concerned.

3. Together with the submission of documents and evidence on request, any party that requests the implementation, adjustment, or cancellation of temporary emergency measures shall pay fees and implement the measures as prescribed.

4. Procedures for implementation, adjustment, cancellation of temporary emergency measures, and supervision of adherence to law during implementation of temporary emergency measures introduced by the court shall comply with Articles 48, 49, 52, 53 of LCA and regulations of the Civil Procedure Code.

5. When either party requests the court to take one or some temporary emergency measures, the court shall request such party to provide information about whether they have requested the arbitral tribunal to implement one or some temporary emergency measures. If they have made such, the court shall request them to make a commitment in the petition that they shall not send such request to any other court or at the arbitral tribunal. The court must also examine the documents enclosed to the petition to determine whether the parties concerned have requested a court or arbitral tribunal to implement one or some temporary emergency measures for the dispute.

a) If there is evidence that one of the parties concerned has requested the arbitral tribunal or a court to take one or some temporary emergency measures, the court shall return the written request the parties pursuant to Clause 5 Article 53 of LCA, unless the request for implementation of temporary emergency measures made by the parties is beyond the competence of the arbitral tribunal.

b) If the court finds that the parties concerned have requested the arbitral tribunal or a court to implement one or some temporary emergency measures after a decision on implementation of temporary emergency measures is made, the court shall issue a decision to cancel the temporary emergency measures they introduce, return the written request and documents enclosed thereto to the parties.

Article 13. Registration of arbitral awards prescribed in Article 62 of LCA

1. According to Clause 2 Article 62 of LCA, if either party submits the written request to the court for registration of the arbitral award after 01 year from the issuance of such arbitral award, the court shall not consider such request.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The party that applies for registration of the arbitral award shall make and send a written request enclosed the documents mentioned in Clause 2 Article 62 of LCA to a competent court.

3. After considering the request for registration of arbitral award, the judge is not required to hold a meeting to consider the request. If necessary, the judge may convene one or all parties concerned and the arbitral tribunal for them to offer their opinions about the registration of arbitral award. In consideration of LCA and enclosed document, the judge shall verify the authenticity of the enclosed documents to consider and decide the registration.

4. If the arbitral award and documents are deemed authentic, the judge shall carry out the registration. The decision on registration of arbitral award shall be made using form No. 04 enclosed to this Resolution.

5. If the arbitral award is found to be fictitious, the judge shall reject the registration, return the written request and enclosed documents, notify the applicant, and provide explanation. The notification of rejection of arbitral award registration shall be made using form No. 05 enclosed to this Resolution.

Article 14. Bases for annulment of arbitral awards prescribed in Article 68 of LCA

1. Arbitral awards prescribed in Clause 10 Article 3 and Article 68 of LCA include decisions on recognition of agreements among the parties concerned made by arbitral tribunals according to Article 58 of LCA and arbitral awards given by arbitral tribunals according to Article 61 of LCA.

2. The court shall annul the arbitral awards prescribed in Article 58 and Article 61 of LCA in one of the cases below:

a) “There is no arbitration agreement or the arbitration agreement is void”, meaning the arbitration agreement is one of the cases in Article 6 and Article 18 of LCA, or Articles 2, 3, and 4 of this Resolution.

b) “The composition of the arbitral tribunal or the arbitral proceedings are not conformable with agreement of the parties concerned or regulations of LCA”, meaning the case in which the arbitral tribunal fails to comply with the agreement of the parties on composition of the arbitral tribunal or arbitration rules, or the arbitral tribunal fails to adhere to regulations of LCA, and such violation is considered serious by the court if the arbitral tribunal fails to make rectification at the request of the court as prescribed in Clause 7 Article 71 of LCA.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Example 2: The parties agree that the dispute shall be resolved by an arbitral tribunal composed of three arbitrators and shall apply Vietnam’s law. However, in fact, the case is handled by an arbitral tribunal composed at only one arbitrator, and the law applied is Singapore’s law. This situation is protested against by a party but such protest is not accepted by the arbitral tribunal. This is a serious violation against arbitration rules prescribed in Point b Clause 2 Article 68 of LCA.

c) “The dispute is beyond the competence of the arbitral tribunal”, meaning the case handled by the arbitral tribunal is related to the fields beyond its competence as prescribed in Article 2 of LCA, or the arbitral tribunal handles the dispute without being requested by the parties concerned, or the arbitral tribunal acts beyond the scope of the agreement on settling the dispute by arbitration.

On principle, the court shall only annul the contents beyond the competence of the arbitral tribunal, not the whole arbitral award. If the decision of the arbitral tribunal on the issues within the competence of the arbitral tribunal can be separated from that beyond the competence of the arbitral tribunal, the decision on the issued requested to be settled by arbitration shall not be annulled.

If the decision of the arbitral tribunal on the issues within the competence of the arbitral tribunal cannot be separated from that beyond the competence of the arbitral tribunal, the court shall annul the whole arbitral award.

d) “Evidence that is provided by the parties and based on by the arbitral tribunal to give the arbitral award is false; arbitrators have received undue pecuniary or other advantage of any kind offered by a party and thus threaten the objectivity and fairness of the arbitral tribunal”

The court shall consider the request for identification of false evidence if such claim can be proven and the evidence must affect the issuance of the arbitral award, the objectivity and fairness of the arbitral tribunal. The court shall consult the regulations of LCA, arbitration rules, agreement among the parties, the rules for considering and assessing evidence applied by the arbitral tribunal when handling the case to identify false evidence.

dd) “The arbitral award contravenes the basic principles of Vietnam’s Law", meaning the arbitral award violates the effective basic rules for formulation and implementation of Vietnam’s Law.

When considering a request for cancellation of an arbitral award, the court must determine whether the arbitral award violates any basic rule of law, how such rule affect the dispute settlement by arbitration.

The court shall only cancel an arbitral award after proving that it contravenes one or some basic rules of Vietnam’s law, which are not adhered to by arbitral tribunal when issuing the arbitral award, and the arbitral award seriously infringe upon the interest of the State, the lawful rights and interests of either party or some third person.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Example 2: A party under the dispute provides evidence that the arbitral award involves coercion, fraud, threats, or bribery. In this case, the arbitral award violates the rule “arbitrators must be independent, objective, and impartial” prescribed in Clause 2 Article 4 of LCA.

Article 15. Court’s consideration of request for annulment of arbitral awards prescribed in Article 71 of LCA

1. The executive judge of the court must not appoint the judge that decides the appointment or replacement of arbitrators or the judge that settle the appeal against the decision of the arbitral tribunal to participate in the Council that considers the request for annulment of an arbitral award (hereinafter referred to as the Council).

2. When considering the request, the Council shall not consider the contents of the dispute and shall only examine the arbitral award to determine whether it is one of the cases mentioned in Clause 2 Article 68 of LCA. If the arbitral award is found to be one of the cases mentioned in Clause 2 Article 68 of LCA and the arbitral tribunal fails to make rectification at the request of the court as prescribed in Clause 7 Article 71 of LCA, the Council shall issue a decision to annul the arbitral award pursuant to Clause 2 Article 68 of LCA. If the arbitral awards is found to not be one of the cases mentioned in Clause 2 Article 68 of LCA, the Council shall issue a decision not to annul the arbitral award. The decision on annulment of an arbitral award shall be made using form No. 08 enclosed to this Resolution.

3. If necessary, the Council shall consider suspending the consideration of the request for annulment of the arbitral award until a request is made by a party in the case mentioned in Clause 7 Article 71 of LCA. The decision to suspend consideration of the request for annulment of an arbitral award shall be made using form No. 06 enclosed to this Resolution.

4. The Council is entitled to terminate the consideration of the request for annulment of the arbitral award in the cases mentioned in Clause 5 Article 71 of LCA. The decision on termination of consideration of request for annulment of an arbitral award shall be made using form No. 07 enclosed to this Resolution.

Article 16. Court fees related to arbitration prescribed in Article 72 of LCA

The person that requests a court to handle perform the tasks related to arbitration shall pay fees at the court in accordance with the Ordinance on legal costs and guidelines in the Resolution No. 01/2012/NQ-HDTP dated June 13, 2012 of the Council of Judges of the People’s Supreme Court on application of law to legal costs. When a request for evidence collection, witness summoning, cancellation of an arbitral award, or registration of an arbitral award is sent to a court, the court shall not request the applicant to pay fees and shall undertake the case under common procedures.

Article 17. Templates of some proceeding documents

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Decision on appointment of arbitrators (Form No. 01);

2. Decision on replacement of arbitrators (Form No. 02);

3. The decision on appeal settlement (Form No. 03);

4. Decision on registration of arbitral award (Form No. 04);

5. Refusal of registration of arbitral award (Form No. 05);

6. Decision to suspend consideration of request for cancellation of arbitral award (Form No. 06);

7. Decision to terminate consideration of request for cancellation of arbitral award (Form No. 07);

8. Decision on cancellation of arbitral award (Form No. 08).

Article 18. Effect of Clause 3 Article 81 of LCA

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

In case an arbitration agreement is reached before the effective date of LCA but the dispute arises afterwards, the legitimacy and effect of such arbitration agreement shall be determined according to regulations of law at the time the arbitration agreement is reached.

Example: Company A and company B signed a contract on June 01, 2008, which allows dispute settlement by arbitration. On August 18, 2013, company A submit a petition to arbitration before the parties concerned do not have a new agreement on another dispute-settling agency. In this case, the dispute shall be handled by arbitration in accordance with LCA, and the effect of the arbitration agreement shall be determined according to the Ordinance on Commercial arbitration. The effect of an arbitration agreement is determined according to applicable regulations of law at the time the arbitration agreement is reached. The Ordinance on Commercial arbitration was effective from June 01, 2003 until December 31, 2010.

Article 19. Effect

1. This Resolution is passed by the Council of Judges of the People’s Supreme Court on March 20, 2014 and takes effect on July 02, 2014. Instructions provided by the People’s Supreme Court before the effective date of this Resolution are annulled from July 02, 2014.

2. Difficulties that arise during the implementation of this Circular should be reported to the People’s Supreme Court for timely explanation and instructions.

 

 

ON BEHALF OF THE COUNCIL OF JUDGES OF THE PEOPLE’S SUPREME COURT
EXECUTIVE JUDGE




Truong Hoa Binh

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/03/2014 hướng dẫn thi hành Quy định Luật Trọng tài thương mại do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


202.028

DMCA.com Protection Status
IP: 3.133.152.26
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!